TẠI SAO GIÁO HỘI CẦN PHẢI KHÓ NGHÈO ĐỂ RAO GIẢNG TIN MỪNG CÁCH THUYẾT PHỤC HƠN ?

TẠI SAO GIÁO  HỘI CẦN PHẢI KHÓ NGHÈO ĐỂ RAO GIẢNG TIN MỪNG CÁCH THUYẾT PHỤC  HƠN ?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Khó nghèo là một bất hạnh lớn cho con người, xét theo khôn ngoan của người đời; là những người chỉ  biết quí trọng giầu sang về vật chất,và chỉ đi tìm danh lợi chóng qua ở đời này, nên khinh thường mọi giá tri tinh thần trong đó có giá trị của sự khó nghèo nội tâm.  Nhưng với người có niềm tin Thiên Chúa, tin có sự giầu sang vĩnh cửu trên Nước Trời, thì khó nghèo lại là một nhân đức cần  phải có để xứng đáng là những môn đệ lớn nhỏ của Chúa Kitô, Đấng đã thực sự sống khó nghèo từ khi sinh ra  trong hàng bò lừa cho đến khi chết trần trụi trên thập giá.

Thế giới ngày nay đang chìm đắm trong đam  mê  về tiền bạc và của cải vật chất,tôn thờ khoái lạc ( hedonism) khiến dửng dưng – hay lãnh cảm ( numb, insensitive) trước sự đau khổ, nghèo đói của biết bao triệu người là nạn nhân của bóc lột và bất công xã hội đầy rẫy ở khắp nơi trong thế giới tôn thờ vật chất, tục hóa  và suy thoái thê thảm về luân lý, đạo đức và lòng  nhân đạo..

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một diễn từ mới đây, đã thẳng thắn nói rõ là thế giới hiện nay đang sống với thảm trạng  “ tôn thờ tiền bạc ( cult of money ) và dửng  dưng với bao triệu người nghèo đói ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Phi Châu.

Không nói gì đến các nước vốn nghèo sẵn ở Á và Phi Châu, ngay ở Hoa Kỳ là nước được coi là giầu có nhất nhì thế giới mà cũng có biết bao người vô gia cư ( homeless) nghèo  đói, sống vất vưởng trên  hè phố ở các đô thị  lớn như Los Angeles, Houston, Chicago, Nữu Ước… Họ nghèo đến nỗi không có nhà ở và hàng ngày phải  đến xin ăn ở các cơ sở từ thiện, trong khi những người triệu phú , tỉ phú không hề quan tâm đến họ.  Chính quyền liên bang cũng như  tiểu bang , cho đến nay,  vẫn không có biện pháp tích cực nào để giúp những người nghèo vô gia cự này.Nhưng mỉa mai và nghịch lý  là chánh quyền Mỹ cứ thi nhau đem tiền ra giúp các nước như Irak. Afghanistan, Pakistan, Ai Cập, Syria…vì quyền lợi chiến lược của Mỹ, mặc dù  dân các nước trên vẫn chống Mỹ và muốn đuổi quân đội Mỹ ra khỏi đất nước họ ! ( Irak và Afghanistan)

Trước thực trạng nói trên của Thế giới,  Đức Thánh Cha Phanxicô, từ ngày lên ngôi Giáo Hoàng,  đã tỏ mối quan tâm sâu xa đối với người nghèo khó ở khắp nơi trên thế giới và luôn kêu gọi Thế giới nói chung và Giáo Hội nói riêng phải  làm gì cụ thể để thương giúp những người nghèo khó mà Chúa Kitô đang đồng hóa với họ và thách đố chúng ta nhận ra Chúa  nơi những người xấu số  này để thương giúp họ cách thich hợp theo khả năng của mình.

Đức Thánh Cha nghiêm khắc phê phán thế giới “tôn thờ tiền bạc”vì người thấy rõ sự chênh lệch quá to lơn giữa người quyền thế giầu sang và người nghèo cô thân cô thế ở khắp nơi trên thế giới tục hóa này.Nên khi lên ngôi Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài đã chọn danh hiệu “Phanxicô” cho triều đại Giáo Hoàng ( Pontificate) của mình để nói lên ước muốn sống tình thần nghèo khó của Thánh Phan xicô khó khăn Thành Assisi  và  nhất là tình thần và đời sống  khó nghèo thực sự của Chúa Giêsu Kitô, “ Đấng vốn giầu sang phú quí nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh  em  để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh  em trở nên giầu có.” ( 2 Cor 8:9)

Như thế, gương khó nghèo của Chúa Kitô mà Đức Thánh Cha Phanxicô  muốn thực hành   phải là gương sáng cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hôi  noi theo, đặc biệt là hàng giáo sĩ và tu sĩ, là những người có sứ mạng và trách nhiệm rao giảng và sống Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô để  nên  nhân chứng cho Chúa , “Đấng đã  đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để  phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20: 28).

Đặc biệt trong thư gửi cho các Tân Hồng Y  ngày  13 tháng 1năm 2014 , Đức Thánh Cha Phanxicô  đã nhấn mạnh như sau :

“  cái mũ đỏ không có ý nghĩa là được thăng thưởng( promotion)  một danh dự hay hào nhoáng bề ngoài( decoration) mà chỉ đơn thuần là một hình thức phục vụ đòi hỏi mở rộng tầm nhìn và con tim…do đó  xin quí chu huynh nhận sự bổ nhiệm mới  này với lòng khiêm cung,  giản dị và vui mừng, nhưng vui mừng không theo cách người đời hay bất cách mừng vui nào xa lạ với tinh thần của Phúc Âm về sự khắc khổ ( austerity) tiết độ ( sobriety) và khó nghèo ( poverty)”.

Tai sao phải sống khó nghèo ?

Trước hết, phải nói ngay là khó nghèo  ở đây không có nghĩa là phải đói khát rách rưới, vô gia cư, lang thang đầu đường xó chợ thì mới được chúc phúc. Ngược lại, phải lo cho mình và cho người mình có trách nhiệm coi sóc được có phương tiện sống cần thiết tối thiểu như  nhà ở, cơm ăn  áo mặc, phương tiện di chuyển như xe cộ, vì ở Bắc  Mỹ và các quốc gia Âu châu , Úc châu thì linh mục phải có xe hơi thì mới làm mục vụ được, vì không thể đi bộ đến thăm bệnh nhân ở tư gia hay ở các bệnh viện.Nghĩa là không “lý tưởng  thiếu  thực tế” để chỉ  chú trọng  đến đời sống tinh thần mà coi nhẹ hay sao nhãng đời sống vật chất đúng mức cho phù hợp với nhân phẩm.

Nhưng  điều quan trọng nhất  là phải có  nhân đức  khó nghèo  và thực sự sống tinh thần nghèo khó mà Chúa Kitô   đã dạy các môn đệ và dân chúng xưa là “ Phúc cho ai có tinh thần (tâm hồn) nghèo khó vì Nước Trời là của họ. ( Mt 5:3; Lc 6 : 20)

Sự nghèo khó mà Chúa muốn dạy ở đây không có nghĩa là phải đói khát , rách rưới  về phần xác như  đã nói ở trên   mà chỉ có nghĩa là không được ham mê tiền bạc và của cải vật chất, tiện nghi sa hoa, danh vọng phù phiếm  chóng qua ở đời này    đến độ vô tình làm nô lệ cho chúng khiến  không còn chú tâm  vào việc mở mang Nước Thiên Chúa trong tâm hồn của chính mình và nơi người khác; cụ thể là các giáo dân được trao phó cho mình phục vụ  và  săn sóc về mặt thiêng liêng.

Người tông đồ mà không có nhân đức khó nghèo, không khinh chê tiền bạc và của cải  vật chất,  thì không thể rao giảng sự khó nghèo của Phúc Âm cho ai được. Không có  và không  sống tinh thần khó nghèo thực sự mà lại rao giảng nhân đức khó nghèo thì sẽ làm trò cười mỉa mai cho người nghe mà thôi. Chắc chắn như vậy.

Mặt khác,  sự thành công của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng không căn cứ ở những  giáo đường,  nhà  xứ , Tòa Giám mục được xây cất sang trọng , lộng lẫy để  khoe khoang với du khách mà cốt yếu ở chỗ xây dựng được đức tin và lòng yêu mến Chúa vững chắc trong tâm hồn của mọi tín hữu  để giúp họ sống đạo có chiều xâu thực sự, chứ không phô trương  bề ngoài với số con số đông tân tòng được rửa tội mỗi năm, đông người đi lễ hàng tuần, đi rước ầm ỹ ngoài đường phố,  trong khi rất nhiều người  vẫn sống thiếu bác ái và công bình với nhau và với người khác.

Lại nữa,, người tông đồ lớn nhỏ – nam cũng như nữ-  mà ham mê tiền của để đôn  đáo chạy đi khắp đó đây, đi ra nước ngoài nhiều hơn là đi thăm con chiên bổn đạo chỉ vì mục đích kiếm tiền cho những nhu cầu bất tận,  thì sẽ không bao giờ có thể sống và thực hành được  tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô, Đấng đã sống lang thang như người vô gia cư đến nỗi có thể nói được về mình là “ con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có  chỗ tựa đầu.” ( Mt 8: 20)

Thử hỏi Chúa có đóng kich “ khó nghèo” từ khi sinh ra trong hang bò lừa cho đến khi chết trần trụi trên thập giá hay không ?

Ai dám nói là có ?  Nếu vậy, thì Chúa quả  thực  đã  sống khó nghèo trong suốt cuộc đời tại thế  để nêu gương  nghèo khó trong tâm hồn  và trong cuộc sống cho hết mọi người chúng ta. Nghĩa là  các tông đồ của Chúa nói riêng và toàn thể dân Chúa nói chung phải thi hành  lời Chúa để đi tìm và  “ tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.” ( Mt  6: 20)

Nếu người tông đồ  mà chỉ chú trọng đi tìm tiền của và xây dựng nhà cửa cho sang trọng, thay vì  xây dựng cho mình và cho những người mình phục vụ một lâu đài nội tâm hoành tráng,  thì mọi lời rao giảng về khó nghèo của Phúc Âm  sẽ trở nên trống rỗng và không có sức thuyết phục được ai  tin và thực hành, nếu không muốn nói là làm trò cười cho người nghe.. Muốn thuyết phục thì chính mình phải sống và  xa tránh hay chống lại  những cám dỗ về  tiền bạc và của cải vật chất để không đôn đáo đi tìm tiền, làm thân với người giầu có để trục lợi, bon chen để được về những xứ giầu, không chịu đi coi những xứ nghèo ở thôn quê,  cũng như không muốn dâng lễ với bổng lễ ( mass stipends) thấp , thì chắc chắn sẽ không thể rao giảng Tin Mừng cách hữu hiệu cho ai được.Và  nhiên hậu, cũng sẽ  không hơn gì bọn Biệt phái  và luật sĩ  xưa kia, là   những kẻ chỉ dạy người khác sống nhưng chính họ lại không sống điều họ dạy bảo người khác, khiến Chúa Giêsu đã nhiều lần phải nghiêm khắc lên án họ là :“quân giả hình”, bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta , nhưng chính họ lại không buồn động ngón  tay vào.”( Mt 23: 4).

Như thế, không thể  làm nhân chứng cho Chúa  Kitô về tinh thần nghèo khó của Phúc Âm  mà Chúa đã nêu gương sáng từ khi  Người sinh ra cho đến khi chết đi  hoàn toàn trong khó nghèo và đau khổ để cho chúng ta được cứu rỗi và trở nên phú quí sang giầu trên Nước Trời mai sau.

Nói rõ hơn, giảng  tinh thần khó nghèo của Chúa cho người khác,  mà chính mình  lại sống phản chứng  bằng cách chạy theo tiền của,  dùng những phương tiện di chuyển sang trọng như đi các loại  xe đắt tiền như  Lexus, BMW, Mercedes, Ìnfinity, Volvo… đeo đồng hồ longines, Omega …làm thân với người giầu, không nhận dâng lễ cho người nghèo  có ít tiền xin lễ, mà  chỉ nhận  lễ có bổng lễ cao.. thì chắc chắn sẽ không thuyết phục được ai tin và sống điều mình rao giảng cho họ, chỉ vì chính  mình không sống điều mình rao giảng.  Dĩ nhiên đây không phải là cách sống của tất cả mọi  linh mục, giám mục  nhưng dù chỉ có một thiểu số nhỏ cũng đủ gây tai tiếng cho tập thể  nói chung vì “ con sâu làm rầu nồi canh” như tục ngữ Việt Nam đã nói.

Tóm lại, Giáo Hội của Chúa phải thực sự nghèo khó  theo gương Đấng sáng lập là Chúa Giê su-Kitô, Người đã thực  sự sống và chết cách nghèo khó để dạy mọi người chúng ta  coi khinh , coi thường sự sang giầu chóng qua ở đời này để đi tìm sự giầu sang đích thực là chính Thiên Chúa là cội nguồn  của mọi vinh phúc giầu sang  vĩnh cửu mà tiền bạc, của cải ở đời này không thể mua hay đổi chác được.

Chỉ có nghèo khó thực sự trong tâm hồn,  thì Giáo Hội mới có thể  để lách mình ra khỏi mãnh lực của đồng tiền, và   của cải vật chất, tách mình ra khỏi làm tay sai cho thế quyền để trục lợi cá nhân. Có như thế thì mới có thể   thi hành có hiệu quả  sứ  mệnh thiêng liêng của mình là  rao giảng Tin Mừng  cứu độ  của Chúa Kitô và   sự giầu sang đích thực  là  chính Thiên Chúa , Đấng  đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta  hạnh phúc  mà “ mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe , lòng người chẳng hề nghĩ tới, đó là điều  Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người. ( 1 Cr 2 : 9

Nghĩa là  phải yêu mến Chúa  hơn yêu mến tiền của và mọi sự sang trọng  phú quí  chóng qua  ở trần  gian này , thì  mới  có thể rao giảng Tin Mừng  Cứu Độ  cách hữu hiệu cho người khác được.

Nước Thiên Chúa mà Giáo Hội có sứ mệnh mở mang trên trần thế này,  không hề phục vụ cho  nhu cầu  tìm kiếm tiền bạc , danh vọng  và của cải vật chất hư hèn  mà  chỉ cho mục đích  kiếm tìm hạnh phúc và bình an vinh cửu trên Nước Trời mà thôi.  Lại nữa, không có  giáo sĩ và tu sĩ nào  có lời khấn sang giầu mà chỉ có lời khấn khó nghèo mà thôi. Có khó nghèo thực sự trong tâm hồn thì mới dễ vươn mình lên cùng Chúa  là cội nguồn của mọi phú quý  sang giầu đích thực. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với anh thanh niên giầu có  kia  là  “ hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo , anh sẽ được một kho tàng trên trời , rồi hãy đến mà theo tôi.” ( Mc  10:  21)

Lời Chúa trên đây phải là đèn sáng  soi cho mọi người tín hữu trong Giáo Hội- cách riêng cho hàng giáo sĩ và tu sĩ-  bước đi qua  bóng tối đen thui  của   tiền bạc  và của cải vật chất, là những quyến rũ  đã và  đang mê hoặc con người ở khắp nơi, khiến họ say mê  đi tìm kiếm và  tôn thờ,  thay vì  tìm kiếm và tôn thờ  một mình Thiên Chúa là cội nguồn của mọi  phú quý  giầu sang đích thực mà thôi.

Chúa nói: “ ai có tai nghe thì nghe” ( Mt 13:43; Mc 4: 23; Lc 8:8)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Tin Chúa, con được gì?

Tin Chúa, con được gì?

Ơn-Ta-Đủ-Cho-Con

Trắc trở trong tình yêu, chị ở một mình nuôi con. Dù còn đó những dị nghị từ dư luận, chị bình an dấn thân vào cuộc mưu sinh. Khó khăn vất vả làm thuê kiếm sống cho mình và cho con, chị không than vãn nửa lời. Thế nhưng, chị ứa nước mắt khi thấy con mình từng ngày lớn lên trong môi trường đầy dẫy gương xấu, thiếu vắng gương lành. Chị mường tượng thấy một viễn cảnh không tương lai của con mình. Chị muốn, muốn lắm cứu vãn con mình khỏi cảnh sống ấy, để đưa nó vào một môi trường tươi sáng, tốt lành hơn. Nhưng chị nhận ra tay mình quá ngắn, sức mình quá bé nhỏ, trong khi môi trường đầy rẫy những lôi kéo bỏ bê việc học, đua đòi bạn xấu, nghiện ngập game, thuốc, sống bất cần đời,…

Chia tay anh lúc mới mang thai con, chị băn khoăn không biết nên giữ hay nên bỏ. Một thân một mình lại đèo bòng thêm con, không biết tương lai sẽ ra sao. Tăm tối, nhưng chị vẫn quyết định cưu mang mầm sống ấy, vì dầu sao đó cũng là con mình. Chị cũng tin rằng chỉ có Chúa mới có quyền quyết định về sự sống và cái chết của một con người. Niềm tin ấy cho chị thêm vững vàng để cưu mang và đón nhận đứa con chào đời, dẫu làm thế chị phải nhắm mắt bịt tai trước bao lời đàm tiếu, mỉa mai.

Ngày con cất tiếng khóc chào đời, chị vui buồn lẫn lộn. Niềm vui được làm mẹ thật lạ lùng, chị chẳng thể tả xiết. Nhưng niềm vui ấy không thuần khiết mà được bao bọc bởi nỗi buồn lo về tương lai. Đứa bé rồi sẽ ra sao khi không biết đến mặt mũi người cha! Vẫn cùng một niềm tin đã cho chị sức mạnh để đón nhận con, nay cho chị thêm hy vọng vào một tương lai. Nỗi buồn rồi cũng phôi pha khi chị trông thấy con từng ngày khôn lớn. Chị hy vọng về một tương lai tốt đẹp của con, dẫu trước mắt không thiếu khó khăn về kinh tế.

Gửi con lại quê cho ông bà ngoại đã cao tuổi, chị lên thành phố kiếm việc làm mong có thể xoay trở đủ tiền nuôi con ăn học thành người. Tràn đầy ước mong và hy vọng, chị chẳng ngại dấn thân lao nhọc. Chuyên chăm làm việc, chị có thể chu cấp cho con miếng ăn, cái mặc có thể nói là tươm tất. Nhưng con người sống đâu chỉ cần miếng cơm manh áo. Chị thầm hiểu điều đó nên dù xa con, chị vẫn đều đặn dành thời gian gọi điện về thăm hỏi, khích lệ. Nhưng hỡi ôi, nước xa đâu mong cứu được lửa gần. Tuổi thơ non dại, trong khi môi tường xấu lôi cuốn rủ rê, con chị đã dần bị tiêm nhiễm bởi thói sống bất cần đời, thả trôi đời mình theo các đam mê nghiện ngập.

Học hành chẳng thấy lợi ích gì, lại thêm mệt thêm khổ; rong chơi thoải mái, luyện game thú vị hơn nhiều. Với tư duy thực tiễn nhưng nông cạn và bồng bột ấy, con chị bị cuốn lao vào vòng đam mê chơi bời lêu lổng, game thuốc từ lúc nào. Trốn học đi chơi; cần tiền tiêu xài, tìm đủ lý do để xin; xin không cho thì trộm cắp. Ban đầu là những thứ lặt vặt, rồi đến những món tiền lớn hơn,… một lần, vài lần, rồi thành quen, khó bỏ, không bỏ được!

Thương con, chị bỏ công việc về quê, mong tìm cách cứu vãn tương lai con mình. Ban đầu chị khuyên bảo con, dùng lời ngon ngọt yêu thương. Con chị dạ dạ vâng vâng, nhưng thói xấu khó chừa, chứng nào tật nấy. Khuyên mãi không được, chị chuyển qua răn đe, kỉ luật. Mẹ con trở ra xung khắc. Đau lòng, buồn tủi, chị chẳng biết ngỏ cùng ai, cậy nhờ ai! Đời chị như bế tắc. Đến với Chúa, chị thở than:

Lạy Chúa, con đã tin Chúa, đã đón nhận cái thai, gìn giữ sự sống của đứa con và nuôi hy vọng. Con đã chẳng dấn thân hy sinh chăm lo cho con cái bao năm qua sao? Vậy tại sao con của con giờ lại ra nông nỗi này? Nếu con đã không tin Chúa và đã không để con của con chào đời, thì giờ đây con đâu phải chứng kiến cảnh thấy nó hư đi mà không biết phải làm gì để cứu vãn. Đời con đã quá cô đơn buồn khổ, con không than, cũng chẳng trách. Thế nhưng, giờ đây đời con của con lại đang dần đi vào ngõ cụt của khổ đau, bóng tối của sự dữ! Chúa đang ở đâu? Tin Chúa, con được gì?…Trong khổ nhọc, chị thiếp đi.

Thức tỉnh, chị thấy lòng bình an và thẳm sâu trong tâm trí chị thấy một nguồn hạnh, bởi chị nhận ra:

Tin Chúa, trước tiên chị được một niềm tin vững vàng, một niềm tin có thể ủi an nâng đỡ và thêm sức cho chị ngay giữa lúc tưởng như tuyệt vọng;

Tin Chúa, chị giữ được sự sống của con mình và chị được hiểu thế nào là sự quí giá nhưng mong manh của sự sống từ khi còn là bào thai trong dạ mẹ;

Tin Chúa, chị đã hạ sinh được một người con và chị hiểu ra thế nào là tình mẹ đích thật, là ân nghĩa sinh thành khi chính chị vì yêu thương mà hết tình chăm lo cho con;

Tin Chúa, chị được một lòng yêu thương dạt dào, dẫu lòng yêu thương ấy bị khổ đau che mờ khuất, nhưng nó vẫn còn mãi bất chấp khổ đau; nó thêm sức cho chị vượt qua biết bao nghịch cảnh;

Tin Chúa, đời chị không vắng bóng khổ đau, không thiếu những lúc tưởng như bế tắc, nhưng khổ đau ấy không khiến chị gục ngã không thể chỗi dậy, bế tắc ấy không là đường cùng. Chị được thêm hy vọng và sức mạnh để tiếp tục sống và cố gắng sống tốt hơn cho mình và cho con, vì chị tin vào lời Chúa: “ Ơn Ta Đủ Cho Con!”

Vinhsơn Phạm Văn Đoàn, S.J.

NHÌN SÂU HƠN

NHÌN SÂU HƠN

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Đôi khi bạn có thể thấy rất nhiều điều chỉ bằng một cái nhìn.  Đây là một trong những câu nói lừng danh của danh thủ bóng chày Yogi Berra.  Đây tất nhiên là một diễn đạt rất khéo, nhưng đáng buồn là, có lẽ gần như mọi chuyện lại trái ngược.  Hầu như chúng ta nhìn rất nhiều mà chẳng thực sự thấy được bao nhiêu.  Thấy có nhiều ý nghĩa hơn là có một thị lực tốt.  Đôi mắt chúng ta có thể mở rộng nhưng chúng ta cũng có thể chỉ thấy được rất ít.

Tôi luôn luôn suy ngẫm về hình ảnh thánh Phaolô trong kinh thánh nay sau khi ngài hoán cải.  Chúng ta luôn cho rằng thánh Phaolô bị mù vì thị kiến mình thấy, nhưng, theo tôi, bản văn kinh thánh còn ngụ ý xa hơn nữa.  Kinh thánh viết rằng Phaolô bò dậy với đôi mắt mở to, nhưng không thấy gì.  Điều này không nhất thiết phải là chứng mù thể lý.  Có thể ngài thấy được về mặt thể lý, nhưng không thể thấy được ý nghĩa những gì trước mắt mình.  Phải có người đến và mở mắt Phaolô, không phải chỉ để ngài lại có thể nhìn thấy về mặt thể lý, nhưng đặc biệt là ngài có thể thấy sâu hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô.  Nhìn thấy, thực sự thấy, mang nhiều nghĩa hơn là có đôi mắt lành lặn về thể lý và mở to.  Chúng ta tất cả đều thấy vẻ ngoài của sự vật sự việc, nhưng cái bên trong ẩn dưới đó, thì không tự động mà thấy được.

Ví dụ như, chúng ta thấy điều này trong các phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu.  Trong Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần làm phép lạ chữa lành.  Ngài chữa lành người què, người điếc, người câm, người cùi, và hai phụ nữ vì các lý do khác nhau mà không thể mang thai.  Điều quan trọng phải thấy nơi những phép lạ khác nhau này, là hầu như luôn có có một sự gì đó cao hơn sự chữa lành thể xác.  Chúa Giêsu đang chữa lành cho người ta theo một cách thâm sâu hơn, ngài đang chữa lành người què để họ có thể bước đi trong tự do và phụng sự Thiên Chúa . Ngài chữa lành người điếc để họ có thể nghe thấy Tin mừng.  Ngài chữa lành người câm để họ có thể mở miệng chúc tụng tôn vinh.  Và Ngài chữa lành những người son sẻ để họ có thể đem sự sống mới sinh sôi.

Chúng ta thấy điều này gần như rất rõ ràng những khi Chúa Giêsu chữa lành những người mù.  Ngài cho họ không chỉ là cái nhìn thể lý, ngài mở mắt họ để họ có thể nhìn sâu hơn.  Nhưng đây chỉ là một hình tượng.  Làm sao giải nghĩa cho thấu đáo đây?  Làm sao ân sủng và giáo huấn của Chúa Giêsu giúp chúng ta nhìn một cách sâu sắc hơn đây?  Tôi xin đưa ra một số gợi ý:

• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua những gì quen thuộc đến nhìn qua sự kinh ngạc kỳ vỹ.

G.K Chesterton từng khẳng định rằng sự quen thuộc là ảo ảnh lớn nhất và bí mật cuộc đời là học biết nhìn vào những gì quen thuộc cho đến khi chúng trở lại thành không quen thuộc.  Chúng ta mở đôi mắt mình hướng đến chiều sâu khi mở lòng mình ra với kinh ngạc kỳ vỹ.

• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua hoang tưởng và tự vệ đến nhìn qua sám hối và vun đắp.

Không ngẫu nhiên khi lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong các Phúc âm tóm lược là từ ‘sám hối’ một từ đối lập với ‘hoang tưởng’.  Chúng ta mở mắt mình ra hướng đến chiều sâu, khi chúng ta chuyển vần từ tư thế tự vệ đến một tư thế vun đắp.

• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua sự ghen tỵ đến nhìn qua sự ngưỡng mộ.

Nhận thức của chúng ta trở nên méo mó bất kỳ lúc nào chúng ta đi từ trạng thái hạnh phúc của ngưỡng mộ đến trạng thái bất hạnh của ghen tỵ.  Tầm nhìn của chúng ta được thoáng đãng rõ ràng khi chúng ta vui mừng trong ngưỡng mộ.

• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua chua cay đến nhìn qua đôi mắt được thanh luyện và mềm dịu bởi thương tâm.

Cội rễ của chua cay là thương tích và cách để thoát khỏi chua cay là thương tâm.  Nước mắt gột sạch tầm nhìn của chúng ta bởi nước mắt làm mềm đi trái tim bị chai cứng bởi tổn thương.

• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua ảo tưởng và ái kỷ đến nhìn qua cảm kích và cầu nguyện.

Một trong những chuyển vần then chốt trong đời sống tâm linh của chúng ta là sự chuyển vần từ ảo tưởng sang cầu nguyện, một chuyển biến tận cùng giải thoát chúng ta khỏi mong muốn nén vào bản thân mình tất cả những gì đẹp đẽ, nhưng biết cảm kích vẻ đẹp vì chính nó mà thôi.  Chúng ta chỉ có thể thấy và cảm kích vẻ đẹp khi ngừng ham muốn nó.

• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua tính toán đến nhìn qua sự chiêm ngắm.

Khát khao muốn được có vị thế khiến chúng ta nhìn ra thế giới với đôi mắt khắc khoải, bất mãn. Chúng ta chỉ biết để tâm và thấy được sự phong phú của thời khắc hiện tại khi sự bất an trong chúng ta được xoa dịu làm thinh bởi cô tịch.

• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua giận dữ đến nhìn qua sự tha thứ.

Không một điều gì làm hoen ố tầm nhìn của chúng ta cho bằng cơn giận.  Nó là thứ bệnh gây suy nhược nhất với mọi nhãn cầu.  Và không điều gì tẩy sạch tầm nhìn của chúng ta cho bằng tha thứ.  Không một ai mang ác cảm trong lòng mà lại nhìn cho công thẳng được.

• Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua dục vọng và thèm khát đến nhìn qua lòng biết ơn.

Dục vọng và thèm khát bóp méo cái nhìn của chúng ta.  Lòng biết ơn phục hồi cái nhìn đó.  Lòng biết ơn cho cái nhìn thấu suốt.  Người có lòng biết ơn nhất mà bạn biết, có cái nhìn tốt nhất về tất cả những người mà bạn biết.

“Tình yêu là đôi mắt!” Vậy nên, lời khôn ngoan này của các nhà thần nghiệm trung cổ, có lẽ nên được thêm vào tự điển y khoa về khoa đo thị lực hiện thời.  Nhìn sao cho thẳng, cho đúng, cho thật, có nhiều chiều kích hơn chúng ta thường tưởng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐỪNG ĐỂ LỠ CƠ HỘI GẶP CHÚA

ĐỪNG ĐỂ LỠ CƠ HỘI GẶP CHÚA

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Đức Giêsu trở về thăm quê nhà.  Ngày Sabat, ngày lễ nghỉ hàng tuần, dân làng đến hội đường nghe đọc sách thánh và hát thánh ca từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.

Đức Giêsu và các môn đệ cùng tiến vào hội đường cầu nguyện.  Đọc sách luật và thánh vịnh xong, Đức Giêsu đăng đàn giảng thuyết như một giáo dân tham dự vào chức tư tế.  Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường.  Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm.  Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn.  Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người.  Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa.  Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời.  Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt.  Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế?  Sao ông ta được khôn ngoan như vậy?  Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”

Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu?  Họ tìm về nguồn gốc chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon.”  Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu.  Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cầy bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội.  Có bao giờ thấy ông nói năng, làm được gì hay lạ đâu?  Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế!  Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm.  Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Còn Đức Giêsu, ai đã huấn luyện Ngài?  Ai đã ban quyền phép làm những việc kỳ diệu như thế?  Thân nhân bảo Ngài “mất trí.”  Kinh sư chụp mũ Ngài “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ.”  Dân chúng chỉ biết ngạc nhiên: chưa từng thấy ai ăn nói, hành động có uy quyền lạ lùng như vậy.  Môn đệ đi theo sát Ngài cũng chỉ biết hỏi: “Ngài là ai mà bão biển phải tuân lệnh.”  Chẳng thấy ai huấn luyện Ngài, chẳng thấy Ngài học tập kinh sư nào.  Chỉ thấy Ngài vào nơi thanh vắng, ngước mắt lên trời cầu nguyện.  Trong âm thầm Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha trên trời.  Đó chính là bí quyết làm cho Ngài khôn ngoan và đầy quyền phép để trừ hàng ngàn quỷ dữ, chữa hàng trăm bệnh nhân mà loài người phải bó tay, cho kẻ chết sống lại, bắt cuồng phong lặng yên…

Dân làng biết Ngài khôn ngoan.  Kinh sư thấy Ngài trừ quỷ.  Môn đệ được Ngài cứu khỏi chết giữa biển cuồng phong.  Nhưng họ chẳng biết Ngài là Con Một Thiên Chúa, chẳng biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa; vì thương yêu loài người, đã xuống thế làm người sống với họ như anh em, như bạn bè, để cứu họ khỏi chết đời đời.

Dân làng Nazarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu.  Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài.  Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch.”  Mc. Kenzie nói: Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi.”

Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình.”  Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn “Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận.”  Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin.  Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay.  Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.

Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay.  Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy.  Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì chúng ta cho rằng họ nói đúng.  Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì.  Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6, 23.26).  Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương.  Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái.  Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng.  Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.

Đức Giêsu buồn nhưng không cay cú, không tức giận.  Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác.  Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế.  Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết.  Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse.  Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng.  Họ coi thường Ngài.  Họ không tin Ngài.  Họ hất hủi Ngài.  Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở.  Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó.  Ngài bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh.  Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa.  Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế.  Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn.  Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối.  Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta.  Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở.  Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng.  Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa.  Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại.  Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta.  Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ.  Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.

Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương.  Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở con mắt đức tin cho mọi người được thấy những sự khôn ngoan, quyền phép lạ lùng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong Giáo Hội, trong thế giới và cả trong vũ trụ, mà con mắt phàm trần không thể thấy được, để họ biết ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải,

Tin Mừng (Mc 6: 7-13)

Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.  Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông:

“Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

“Em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải,”

“Nhớ cho mình dáng dấp người yêu.

Lỡ giòng đời tóc điểm muối tiêu,

Còn giây phút chạnh lòng như…mới lớn.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mai Tá, lược dịch

Nhìn nắng trải” ở bờ sông, để “nhớ cho mình dáng dấp người yêu” tuy chỉ là lời nhắn của người đời. “Còn giây phút chạnh lòng, như mới lớn”, có thể là lời nhủ và khuyên, ở nhà Đạo.

Nhiều năm về trước, nhà Đạo mình  lại thấy Đức Giáo Hoàng nọ có quyết định, là: các đạo hữu gốc Do Thái nên rời Rôma, đi nơi khác mà sống đạo. Ngay khi ấy, đã xảy ra làn sóng bất bình giữa cộng đồng sắc tộc nhỏ bé này.

Thành thử lúc bấy giờ, Đức Hồng Y chủ quản đã phải ra tay dàn xếp. Ngài ngỏ ý, cộng đồng đạo hữu nên đề cử một vị đến tham gia tranh luận về tôn giáo với ngài. Nếu cộng đồng người Do thái thắng, họ ở lại. Nếu Ngài thắng, cộng đồng này phải xách gói ra đi.

Cộng đồng tôn giáo bạn thấy không còn chọn lựa nào khác, đành cử người tham dự cuộc tranh luận với Đức Hồng Y Chủ quản. Cuối cùng, người đại diện bên bạn chẳng là ai khác ngoài một lão ông chân phương, đơn độc mang tên Mô-Shê. Lão ông lâu nay giữ chức “ông từ” chuyên mở cửa cho đạo hữu đến cầu nguyện, mỗi thứ sáu.

Thoạt đầu, vào lúc khởi sự tranh luận, lão ông đề nghị: hai bên sẽ không phát biểu bằng lời nói, mà chỉ ra dấu thôi. Hiểu ý hay không, tuỳ tài trí thông minh của mỗi vị.

Ngày “N” đến. Đức Hồng Y và lão ông Môi-shê ngồi trực diện, hỏi đáp tranh luận nhau bằng dấu hiệu. Đức Hồng Y khởi sự trước. Ngài giơ 3 ngón tay ra dấu rất tự tin. Lão ông đáp lại, chỉ đưa duy nhất có một ngón.

Kế đến, Đức Hồng Y dùng tay vẽ đường tròn, ngay trên đầu. Lão ông lại trỏ ngón tay xuống đất, rất bất đồng. Đức Hồng Y bèn rút từ trong túi ra, những bánh và rượu, đầy đủ cả. Đáp lại, lão ông đem trình làng mỗi trái táo xanh, rất đơn giản.

Bất chợt, Đức Hồng Y đứng dậy nói: Thôi được, tôi chào thua. Người này quá giỏi! Được rồi! Các bạn cứ việc ở lại, đừng lo lắng.

Ít lâu sau, có người hỏi ý nghĩa cuộc đối thoại bằng tay vừa rồi là gì, thì Đức Hồng Y giải thích: tôi ra dấu 3 ngón tay tỏ ý: ta tin vào Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Thì, ông ta chỉ giơ có một ngón, ra điều nhắc nhở là: chúng ta đều cùng tin vào một Đức Chúa.

Thế rồi, tôi dùng tay để vẽ hào quang trên đầu, ý bảo rằng: Thiên Chúa đang ở quanh ta. Thì, ông ấy phản bác lại bằng cách ra dấu có một ngón, chỉ xuống đất. Ý chừng muốn nói: Đức Chúa của chúng ta đang hiện diện, ở nơi đây. Lúc này.

Kịp đến khi, tôi đem bánh và rượu ra, chứng minh: Chúa ban phép cho anh em mình cử hành Tiệc Thánh, để nhận lãnh Thân Mình Ngài. Thì, lão trự ấy rút ra quả táo xanh, có ý nhắc nhở ta về lỗi lầm muôn thưở; tức, tổ tiên cha ông ta đã phạm lỗi. Cuối cùng, lão ta tinh ranh hơn, giải mã được hết mọi chuyện chúng tôi ra dấu. Tôi còn biết làm gì hơn nữa, bây giờ?

Lúc ấy, lão ông Môi-Shê cũng giải thích cho đám kinh sư cứ nhao lên hỏi kết quả cuộc tranh luận, đối đầu. lão ta nói: Dễ hiểu thôi! Trước nhất, ông ấy bảo với tôi: Người Do thái mình chỉ còn độc nhất có 3 ngày để rời thành này. Tôi đáp ngay: không 1 người nào trong anh em chúng tôi đi đâu, hết.

Sau đó, ông nói: Toàn bộ thành La Mã sẽ biến sạch không còn bóng người Do thái nào hết. Tôi bèn đáp: chúng tôi vẫn cứ ở đây. Bây giờ và mãi mãi. Thiên thu. Bất tận. Thế là, đám kinh sư/thượng tế nhao lên: Ấy thế, kết cuộc ra sao? Lão ông trả lời: Tôi cũng chẳng biết. Có điều lạ, là: sau đó, ông ta đem bữa trưa của mình, ra ăn. Còn tôi, tôi cũng ăn đồ ăn của mình. Đơn giản chỉ có thế!

Xem ra, cuộc sống ở đời tùy vào cách thức ta đọc và hiểu các tín hiệu chỉ dẫn, đơn giản chỉ như thế.

Tin Mừng hôm nay, kể việc Đức Kitô răn dạy môn đệ: hãy biết trân quý 3 tín hiệu của cuộc đời, là: sống giản dị, sống quan tâm đến người khác; và, sống hiếu khách. Việc này xứng hợp đa số các sự việc xảy đến, qua thái độ sống của con người, ngày hôm nay.

Thời buổi này, thiên hạ chỉ thích chuyện giàu sang, phú quý. Người người chỉ muốn sống tách biệt. Chẳng đoái hoài một ai. Dường như, ai cũng muốn làm thủ trưởng, thủ lãnh ngồi trên đầu trên cổ người khác, thôi.

Với Đức Kitô, ai muốn làm môn đệ Ngài, đều phải nhớ: điều cao quý nơi con người, không là chuyện giàu sang, phú quý. Mà là: tư cách và thái độ biết quan tâm đến người khác. Dĩ nhiên, trong cuộc sống, của cải/vật chất đều rất cần.

Nhưng vấn đề là: ta có biết sử dụng của cải/vật chất mình kiếm được, mà phân phát/tặng ban cho những người thiếu thốn, cần hơn mình, không? Nói các khác, ta phải làm chủ đồng tiền, chứ đừng để tiền bạc/vật chất làm chủ, điều động ta.

Với Đức Kitô, dù là đá tảng hay hải đảo cách biệt, đây không là dấu hiệu của sức mạnh của uy quyền; mà chỉ là ưu tư vang vọng. Kéo dài. Tín hữu Đức Kitô có được sức mạnh quyền uy, phải là người biết vui, biết mừng khi hỗ trợ cho nhau. Cậy nhờ, nâng đỡ nhau. Ở mọi nơi. Vào mọi lúc. Thật sự cảm kích, biết ơn nhau vì đã tạo sự hiệp thông, hỗ trợ.

Với Đức Kitô, người tín hữu mang Danh Ngài, là người biết tạo dịp cho người khác không thấy có điều gì trở ngại khi ngỏ ý nhờ mình giúp đỡ. Hỗ trợ. Đặc biệt hơn, là những người có nhu cầu chính đáng, nhưng chưa được đền bù. Đó là tín hiệu giúp ta nhận ra Vương quốc Nước Trời, đang hiện hữu ở quanh đây. Bây giờ.

Sống đúng chức năng của Kitô hữu, điều quan trọng là: biết nhận ra tín hiệu thời đại. Thế nên, tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong cho tiệc Lòng Mến giúp ta nhận ra được tín hiệu: Chúa đang hiện diện nơi ta.

Cầu và mong sao, bánh và rượu ta dâng tiến, giúp ta thay đổi được cuộc sống. Cầu và mong, cho cuộc sống của ta sẽ thích nghi hài hòa với mọi người. Sống giản đơn, vui vẻ, đỡ nâng nhau để sống hân hoan hiếu khách, không câu nệ hoặc ỷ lại. Nhưng an hòa và biết đem thì giờ cùng khả năng và nghị lực của mình ra để xây dựng Nước Trời, ở nơi đây. Lúc này.

Trong suy-tư/niệm tình, ta cùng nhau ngâm tiếp câu thơ đời có nỗi buồn, vẫn bảo rằng:

“Mình hãy trách đời nhau nhiều hư-hỏng,

Rồi giận hờn, cho kỷ-niệm đầu tay.

Thu miên man, không thấy lá vàng bay.

Anh phải nói: buồn chúng ta màu trắng…”

(Nguyễn Tất Nhiên – Sầu khổ Dịu Dàng)

Sầu và khổ, chỉ dịu dàng một mầu trắng khi nhà Đạo mình không nhận ra những điều do đấng thánh hiền-lành từng khuyên-bảo hết mọi người ở Nước Trời, hôm nay và mai ngày, rất như thế.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá, lược dịch

KHI NGƯỜI VÔ THẦN SÁM HỐI

KHI NGƯỜI VÔ THẦN SÁM HỐI

Trầm Thiên Thu

Tôi là người vô thần.  Tôi không tin Thiên Chúa và cố chứng minh rằng người ta thật ngu xuẩn khi tin vào Thiên Chúa!

Nếu bạn hỏi tôi rằng tôi có nghĩ “tội lỗi” hiện hữu hoặc tôi có bao giờ phạm tội hay không, tôi sẽ cười thật to. “Tội lỗi là khái niệm của Kitô giáo muốn quy kết các cảm giác tội lỗi về những sự tưởng tượng là xúc phạm ra tới một Thiên Chúa cũng do tưởng tượng mà thôi”, và thậm chí tôi còn có thể nói điều gì đó để châm biếm bạn.

Không, tôi chưa bao giờ phạm tội.  Nhưng, cũng như mọi người, đôi khi tôi biết mình làm những điều khiến người khác bị tổn thương.  Và sau đó, nếu tôi ngĩ về điều đó, tôi sẽ cảm thấy không ổn và thậm chí còn phải xin lỗi họ.  Có thể những cảm giác tội lỗi đó do di truyền từ nguồn gốc, hoặc được xây dựng mang tính xã hội, nhưng tôi không cố giải thích để biện minh hành vi xấu của tôi với cách duy lý hóa như vậy.  Cho dù tôi là người vô thần, tôi vẫn cảm thấy ý chí tự do hiện hữu và có các tiêu chuẩn luân lý khách quan rằng vượt quá giới hạn cho phép là sai trái.

Sau khi thua cuộc đối với sự rối loạn lo âu về xã hội, hoang mang, và trầm cảm, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn Kitô giáo bằng cách nhìn chân thật.  Tôi bỏ qua sự phản ứng với chữ “tội lỗi”, và cố gắng hiểu những gì mà Đức Tin Kitô giáo nói về nguyên nhân tội lỗi… và cách chữa trị.  Nhờ tôi cầu nguyện, và nhờ Đức Tin Thiên Chúa ban cho tôi, tôi nhận thấy điều xấu mà tôi đã làm không chỉ làm tổn thương người khác, mà còn chống lại Thiên Chúa tốt lành, Đâng yêu thương tôi và đáng được tôi yêu mến.

Chúng ta không ai lại muốn làm tổn thương người mà mình yêu thương.  Rất ít người yêu chúng ta trọn vẹn, vẫn có sự ích kỷ.  Khi tôi tin vào Đức Kitô, tôi nhận thấy rằng tôi đã làm tổn thương Ngài bằng tội lỗi, và làm Ngài đau khổ quá đỗi.  Nhưng liệu pháp còn lớn hơn: Lòng Chúa Thương Xót. Khám phá được Đức Kitô là tình yêu và lòng thương xót sẽ khiến người ta rơi lệ vì đau buồn và biết ơn.  Khi người ta có được “kinh nghiệm hoán cải” thì sẽ ăn năn và vui mừng đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Suốt những năm sống vô vọng và vắng bóng Thiên Chúa, tội lỗi đè nặng trên tôi.  Nước rửa tội đổ trên tôi, và Hồng Ân Thiên Chúa đầy tràn trong tôi.  Bây giờ tôi mới hiểu dụ ngôn Chúa Giêsu nói về người đầy tớ không tha thứ cho người đã làm điều chống lại anh ta.  Tôi mong cho mọi người, nhất là bạn bè và gia đình tôi – những người chưa nhận biết Đức Kitô, sẽ trở về tin vào Ngài và đón nhận lòng thương xót mà Ngài luôn mong muốn trao ban cho họ.

Devin Rose (*)
Trầm Thiên Thu

(chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

(*) Devin Rose là kỹ sư phần mềm, vô thần, rồi theo Tin Lành Baptist, cuối cùng lại gia nhập Công giáo.

CHÌA KHÓA VẠN NĂNG

CHÌA KHÓA VẠN NĂNG

Tác giả: Lm. Inhaxio Trần Ngà

(Suy niệm Tin Mừng Mác-cô (5, 21-43) trích đọc vào Chúa Nhật 13 thường niên)

Có một ông vua rất đỗi giàu sang và vô cùng quảng đại. Nhà vua có một kho tàng đầy ắp những báu vật mọi người hằng mơ ước. Nhà vua tuyên bố với thần dân rằng bất cứ ai muốn lấy bất cứ thứ gì trong kho tàng vô tận của vua thì cứ lấy, miễn là phải dùng một loại chìa khoá rất đặc biệt mới mở được kho tàng. Chìa khoá ấy, vua cũng chỉ cho biết là đang nằm trong tầm tay mọi người. Tiếc thay, người ta không biết đó là chìa khoá thần kỳ và chưa mấy ai đem ra sử dụng.

Khi nghe tin nầy, nhiều người nao nức hỏi: Vị vua đại lượng đó là ai? Kho tàng nằm ở đâu? Chìa khoá nào mở được kho tàng, xin mau mau cho biết.

Đức vua đó chính là Thiên Chúa quyền năng. Kho tàng của Ngài là vô vàn phúc lộc không bao giờ vơi cạn. Chìa khoá để mở kho tàng ấy là lòng tin. Ai có lòng tin mạnh mẽ, người đó có thể mở được cửa kho tàng và chiếm lấy những gì mình muốn. Ai không  có lòng tin, thì đành bó tay và chẳng thu lượm được gì.

Hai sự kiện thánh sử Mác-cô thuật lại trong Tin Mừng hôm nay minh chứng cho chân lý nầy:

Trường hợp người phụ nữ bị bệnh băng huyết

Một người phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm, đã lắm phen tìm thầy chạy thuốc nhưng bệnh của bà vẫn vô phương cứu chữa. Nay gặp Chúa Giê-su, bà mừng như người sắp chết đuối vớ được tấm phao.

Vì luật cấm những người mang thứ bệnh nhơ uế như bà tiếp cận với người khác (Lv 15, 25) nên bà không dám công khai gặp Chúa Giê-su, chỉ len lén tiến lại phía sau lưng Ngài, tự nhủ lòng rằng: “Mình chỉ cần sờ được vào áo Ngài thôi là sẽ được cứu.” Và điều nhiệm mầu đã xảy ra: bà vừa đụng vào áo Chúa Giê-su thì tức khắc huyết cầm lại và bà được chữa lành.

Chúa Giê-su biết có một năng lượng từ mình xuất ra nên quay lại tìm hiểu và khi người phụ nữ  thú nhận việc bà vừa làm, Chúa Giê-su bảo:  “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Chính Chúa Giê-su xác nhận lòng tin là chìa khoá thần kỳ mở ra cho người đàn bà kho tàng chứa đựng điều mà bà khao khát: được chữa lành chứng bệnh nan y.

Trường hợp ông trưởng hội đường

Ông trưởng hội đường đang cùng Chúa Giê-su tiến vội về nhà để nhờ Chúa cứu chữa đứa con gái đang hấp hối,  thì người nhà của ông này chạy đến báo cho ông biết rằng con gái ông chết rồi, đừng phiền Chúa đến nhà làm gì mất công.

Nghe vậy, Chúa Giê-su động viên ông ta: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi. Tin là được. Thế rồi, nhờ lòng tin, con gái ông đã được cứu sống.

Một lần nữa, Tin Mừng chứng tỏ cho thấy lòng tin là chìa khoá đem lại ân sủng nhiệm mầu: đứa con gái thân yêu chết rồi nay được cứu sống!

Còn nhiều sự kiện khác được ghi lại trong Tin Mừng chứng tỏ cho thấy phải có lòng tin  thì mới đạt được điều mong muốn và không có lòng tin thì chẳng được gì (Mt 13, 58). Lòng tin có thể chuyển núi dời non. Với lòng tin, người ta có thể làm được tất cả như lời Chúa Giê-su dạy: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi nầy: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng  sẽ chuyển qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (xem thêm: Mt 17, 19-20; Mt 15, 28; Mt 21, 21-22).

Quả vậy, điểm lại những khuôn mặt đạt được thành công lớn lao trên thế giới, ta thấy rằng nguyên nhân chính giúp họ thành đạt là nhờ mạnh tin. Vững tin rằng mình sẽ làm được thì sẽ được như ý.

Như thế, lòng tin là bí quyết để thành công trên đường đời, và cũng là chìa khoá mở vào kho tàng ân sủng của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, lòng tin của chúng con còn yếu kém nên chẳng thu hoạch được gì. Xin ban thêm lòng tin để chúng con có thể mở được kho tàng ân sủng của Chúa.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

TIN LÀ MỞ CỬA TÂM HỒN…

TIN LÀ MỞ CỬA TÂM HỒN…

Tác giả: Lm. Vinh Sơn, scj

Kn 1,13-15;2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

Họa sĩ Holman Hunt (1827 – 1910) vẽ xong bức tranh Đức Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà nhỏ. Ông mời bạn bè đến góp ý xem có gì sai sót.

Thấy bức họa, các bạn trầm trồ khen ngợi và không thấy có gì sai. Ông Hunt cứ thúc dục các bạn xem kĩ lại. Cuối cùng, một hoạ sĩ còn rất trẻ lên tiếng : “Thưa Ngài, tôi thấy có một sai lỗi trên bức danh hoạ. Ngài đã quên không vẽ tay cầm hay ổ khoá nơi cửa”.

Hunt đáp: “Này bạn, khi đức Giêsu gõ cửa nhà bạn, thì cửa phải mở từ bên trong”.

Bà góa mắc bệnh băng huyết và của ông trưởng hội đường tên là Giarô có người con bệnh nặng sắp qua đời đã mở cửa tâm hồn mình bằng niềm tin như Tin Mừng Mc 5,21-43 ghi lại:

  • Bà góa bị bệnh băng huyết, quan niệm của người Do Thái xưa, máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi bà mất dần đi, tiêu hao đi, cho nên coi như bà là người đã chết. Hơn thế nữa, theo luật Môisen (Lv 15,25) bệnh xuất huyết là thứ bệnh dơ nhớp, bệnh nhân không được công khai giao thiệp với dân chúng:  bà có thể làm cho những người khác cũng bị nhơ vì tiếp xúc với bà. Cho nên bà không chỉ đau đớn về bệnh tật hoành hành cả đời bà, niềm đau hơn nữa bà bị loại ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội, khỏi cộng đoàn tôn giáo. Trong cơn thất vọng về tình trạng bệnh tật và tâm linh, bà tin Đức Kitô có thể chữa bà khỏi cơn bạo bệnh và qua đó còn đưa bà trở về với cuộc sống xã hội. Bà tin và chân thành xin một chút sức mạnh từ nơi Đấng Messia bằng cử chỉ đụng vào áo Ngài, lòng tin đơn sơ nhưng thật mạnh mẽ: “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi” (Mc 5,28). Và bà “chạm đến áo Người”, chạm đến áo Người trong lúc bà mang cơn bệnh là thái độ liều lĩnh vì đã xé rào luật lệ ngăn cấm, nhưng đó cũng là thái độ chứng tỏ đức tin vững vàng của bà. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
  • Ông Giarô đã không hề ngại đến thân thế của trưởng hội đường, khiêm tốn nài xin Chúa Giêsu đến thăm viếng để cứu chữa người con gái ông đang bị bệnh nặng: “Xin Ngài đặt tay trên nó” (Mc 5,23). Cử chỉ đặt tay trên bệnh nhân là cử chỉ Chúa thường dùng khi cứu chữa bệnh nhân và họ được khỏi bệnh (x.Mc 6,5; 7,32; 8,23). Xin Chúa đặt tay tức là tin rằng : Ngài sẽ chữa khỏi được bệnh cho con ông. Ông xác tín cử chỉ đặt tay của Thầy – Đấng Messia mang đến cho con ông được cứu như ông tuyên tín: “Để nó được khỏi và được sống” (Mc 5,23b),  dù em bé bệnh rất nặng và đang hấp hối nguy ngập. Thái độ này của Giarô biểu lộ một đức tin vững vàng, xác tín vào quyền năng của Chúa Giêsu và con ông đã được sống dù nó đã chết như người nhà loan báo khi Chúa đến đầu ngõ nhà ông.

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin mà Đức Giêsu xác nhận. Với người phụ nữ đau khổ góa bụa bệnh băng huyết có lòng tin vững vàng : “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34) như mỗi lần chữa lành bệnh tật, Ngài thường khẳng định: “Niềm tin của con đã cứu chữa con”  (Mt 9,22; Lc 8,48; 17,19; 18,42…). Ðược lành bệnh, được phục hồi, người được chữa lành không chỉ tìm lại được sức khỏe thể lý nhưng còn có cuộc sống mới trong niềm tin và họ đã tuyên xưng.

Còn ông Giarô, Ngài nâng đỡ ông hãy vững lòng tin: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36), khi ông muốn ngã quỵ vì nhận được tin dữ như sét đánh ngang tai: “Con ông đã chết rồi ” (Mc 5,35).

Sống đức tin là mở cửa tâm hồn dám sẵn sàng đi ra khỏi chính mình để gặp Chúa tin và đi theo tiếng gọi của niềm tin, sẵn sàng đi ra khỏi tư tưởng áp đặt đám đông để sống thực cho những đòi hỏi của đức tin. Sống đức tin đích thực là sẵn sàng lội ngược dòng như bà góa vượt qua lề luật để gặp, sờ áo Chúa và ông Giarô vượt qua thân phận chủ hội đường mà đến với Đức Kitô.

Thánh Augustinô đã suy niệm: “Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin”. Bà góa tin rằng sờ vào áo thầy thôi là được khỏi, và bà đã được như lòng tin muốn, ông Giarô tin rằng Thầy sẽ chữa lành con ông đang bị bệnh, còn lạ lùng hơn, ngay cả con ông đã chết vẫn được sống như ông mong ước khi tin vào Thầy.

Ngày hôm nay, với cái nhìn tổng quát cuộc sống, mỗi chúng ta đều mang bệnh tật: có thể về thể xác như mang các cơn bệnh, có thể là những thứ bệnh tâm lý như lo lắng, cô đơn, cay đắng, giận hờn, stress, có thể là những cơn bạo bệnh tâm linh khi sống mất phương hướng hoang tàn trong cuộc đời, còn tệ hơn nữa là chết về tâm hồn… Thế nhưng chúng ta lại có vẻ bề ngoài như người mạnh khỏe, có xu hướng che giấu bệnh tật và thương tích của mình và vì thế cơn bệnh luôn hiện diện và hoành hành trong chúng ta thầm lặng, có lúc bùng phát như cơn bệnh ung thư. Chúng ta luôn cần được chữa lành như người phụ nữ mang bệnh tật đến với Đức Giêsu với niềm tin vào Ngài, như người cha Giarô xin Thầy đến bên con gái đang bị bệnh gần chết với niềm tin con ông được sống.

Thật thế, mỗi giây phút cuộc đời, với tất cả tình trạng của mình, chúng ta hãy chạy đến với Thầy: “Như trẻ thơ đặt hết  niềm tin  nơi Chúa” (Tv 131,1)

Và xác tín rằng: “Ai tin ở Người thì được  sống…” (Ga 3,15)

Lm. Vinh Sơn,

Sài Gòn, 27/06/2015

CHÚA GIÊSU TIẾP TỤC LÀM PHÉP LẠ

CHÚA GIÊSU TIẾP TỤC LÀM PHÉP LẠ

AM. TRẦN BÌNH AN

Trích EPHATA 647

Trái bom nguyên tử nổ ra vào lúc 8 giờ 10 phút, sáng ngày mồng 6 tháng 8 năm 1945. Biến cả thành phố Hiroshima nước Nhật thành tro bụi và giết chết 80.000 người cùng một lúc. Ngôi nhà của chúng tôi là một trong những ngôi nhà chưa bị sụp đổ, nhưng ở trong một điều kiện hết sức tồi tàn: không còn cửa ra vào, các cánh cửa đã bị cơn gió cực mạnh tạo ra do vụ nổ, cuốn đi hết. Chúng tôi chuyển sang ở bệnh viện, nơi tiếp đón, chăm sóc và giúp đỡ cho 200 nạn nhân.

Ngày hôm sau, mồng 7 tháng 8, vào lúc 5 giờ sáng, tôi đang dâng Thánh Lễ ở nhà, trước khi bắt đầu công việc cứu giúp những người bị thương và chôn cất những người chết. Trong những giây phút càng bi thảm, người ta càng gần Thiên Chúa hơn, người ta càng thấy cần thiết phải giúp đỡ nhau, khung cảnh thực không thích hợp cho việc sốt sắng Thánh Lễ. Nhà Nguyện thì một nửa đã bị phá hủy, chật ních những người bị thương nằm chen chúc nhau trên mặt đất. Họ đau khổ ghê gớm và quằn quại vì đau đớn.

Tôi bắt đầu dâng Thánh Lễ giữa đám người không có chút ý niệm về những gì diễn ra trên bàn thờ: họ là những người ngoại đạo chưa bao giờ tham dự Thánh Lễ. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác bàng hoàng khi quay lại phía họ để chúc: “Chúa ở cùng anh chị em.” Hồi đó, các Linh Mục làm lễ quay mặt lên bàn thờ. Không thể cử động được nữa, tôi đứng như người bất toại, hai tay dang ra, nhìn ngắm tấm thảm kịch này của nhân loại. Cảnh tượng thật hãi hùng !

Vài phút sau, Đấng mà Gioan Tẩy Giả đã nói: “Ở giữa anh em có một Đấng mà anh em không biết”, ngự xuống bàn thờ. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự cô độc của những người không biết Chúa Giêsu Kitô như lúc ấy. Cứu Chúa của họ đang hiện diện ở đó. Đấng đã hiến mạng sống cho họ… nhưng họ lại không biết, “Không biết Ngài ở giữa họ” ( Ga 1, 26 ). Lúc đó, chỉ có tôi biết Ngài.

Tự nhiên tôi thốt lên lời nguyện cầu cho những kẻ tàn ác dã man đã ném bom nguyên tử: “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”, và cho những người nằm xoài trước mặt tôi đang quằn quại vì đau đớn: “Lạy Chúa, xin ban cho họ niềm tin để họ thấy và xin ban sức mạnh để họ chịu đựng đau khổ”.

Khi nâng tấm bánh lên trước mặt những thể xác đầy thương tích và rách nát này, tôi kêu lên tự đáy lòng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa Con, xin thương xót đoàn chiên không có chủ chăn này !” ( Mt 9, 36; Mc 6, 34 ). “Lạy Chúa, để họ tin vào Chúa, xin hãy nhớ họ cũng là những người cần phải nhận biết Chúa” ( 1Tm 2, 4 ).

Những dòng thác ân sủng chắc chắn đã tuôn chảy từ tấm bánh và bàn thờ. Sáu tháng sau, khi đã được chữa lành, tất cả đã từ giã Nhà Dòng chúng tôi ( chỉ có hai người đã chết ở đó ), nhiều người trong số họ đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Tất cả họ đều nhận ra Đức Ái Kitô Giáo thì thông cảm, giúp đỡ, đem lại niềm an ủi vượt trên mọi nâng đỡ con người. ( Phêrô Arrupe, S.J, Thánh Thể trong đời tôi ).

Tin Mừng Chúa Nhật 13 thường niên hôm nay, Thánh Máccô tường thuật người phụ nữ bị hoại huyết 12 năm, âm thầm chạm tay vào áo Đức Giêsu được chữa lành. Rồi con gái của ông Giaia, Trưởng hội đường đã chết, được Người cầm tay, truyền lệnh chỗi dậy, tức thì cô bé 12 tuổi sống lại. Cả hai phép lạ đều có chung mẫu số, đó là niềm tin vững chãi và mãnh liệt, niềm cậy trông hoàn toàn vào quyền năng Thiên Chúa.

Chạm tay

Giữa đám đông chen lấn đến với Đức Giêsu, biết bao người chạm tay vào vạt áo Người, thế mà chỉ có một mình người đàn bà đã chịu 12 năm băng huyết, vô phương cứu chữa, được khỏi bệnh tức thì. Trong khi biết bao người khác cũng có thể bị bệnh này chứng kia về thể xác hay tinh thần, cũng chạm tay vào áo Người, đều không được chữa lành. Chỉ vì người đàn bà bệnh hoạn đó đã hoàn toàn đặt niềm trông cậy, niềm hy vọng tột cùng vào Chúa: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Một sự khẳng định chắc nịch và dứt khoát, không mảy may cân nhắc, so đo, do dự, cũng không một chút nghi ngờ, lưỡng lự, cầu may.

Chạm tay vào áo Đức Giêsu là thể hiện công khai tâm tình phó thác, cùng tuyên xưng niềm tin, niềm cậy trông và tình mến vào Chúa. Không hề e ngại thế gian săm soi, dè bỉu, chê cười, không sợ những thế lực thù địch với Chúa hăm dọa, hãm hại, gây khó dễ, cấm cản, không lo sợ các thầy tư tế, luật sĩ, kinh sư, Pharisêu mất lòng, kết án. Trước thái độ mau mắn khiêm nhường và cung kính của người đàn bà được chữa lành, Đức Giêsu hân hoan chứng nhận tấm lòng thành khẩn và ân cần chúc phúc: “Này con, lòng tin của con đã cứu con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Chạm tay vào áo Đức Giêsu, mỗi khi người Kitô hữu sốt sắng, chăm chú đọc và nghe Lời Chúa, mỗi khi kính cẩn đón rước Thánh Thể, hay tôn kính chầu Mình Thánh Chúa, mỗi khi thành khẩn lãnh nhận các Bí Tích, mỗi khi thành tâm nghe giảng dạy Tin Mừng… Người Kitô hữu cũng có thể noi gương người đàn bà bị bệnh kia, chủ động chạm vào áo Chúa Giêsu, khi cầm lòng, cầm trí cầu nguyện, suy gẫm, kinh nguyện, cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Lòng Thương Xót vô ngần của Thiên Chúa.

Tất cả những ai đặt trọn niềm tin vào Người đều được chữa lành khi cố gắng luôn gần gũi, tiếp cận bên Người. Có khi Người chữa lành thể xác, hay tâm hồn, hoặc nhiều khi cả hai. Điển hình, Chúa Giêsu vẫn còn đang phép lạ, đã cứu chữa cả thể xác lẫn linh hồn gần 200 nạn nhân bom nguyên tử kể trên, ban cho họ vinh hạnh trở nên con cái Thiên Chúa.

“Từng ngàn bệnh nhân trong nhà Thánh Cottolengo có một nét đặc biệt trên khuôn mặt, lâu lâu máy vi âm lại dịu dàng nhắc: “Chúng ta đang ở bên Chúa.” ( Đường Hy Vọng, số 232 ).

Cầm tay

Đức Giêsu vừa chữa lành và đang an ủi người đàn bà hoại huyết, thì người nhà ông Giaia, Trưởng hội đường, báo tin con gái ông đã chết, đừng làm phiền Người nữa. Đức Giêsu liền trấn an: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Người đến tận giường, cầm tay cô bé ra lệnh: “Talithakum,” nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: Trỗi dậy đi.” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi”. Thoạt đầu, ông Giaia chỉ cầu xin Đức Giêsu đến đặt tay lên, cứu chữa cháu bé đang hấp hối. Nay Người còn làm hơn thế nữa, ân cần, chủ động và thân thương cầm lấy tay để hồi sinh cháu.

Trong ba phép lạ cho sống lại, như Ladarô ( Ga 11, 43-44 ), con trai bà góa thành Nain ( Lc 7, 12-15 ) và con gái ông Giaia ( Mc 5, 41 ), thì chỉ có duy nhất lần này, Người cầm lấy tay cô bé cho hồi sinh, y như Người đã cầm tay nhạc mẫu ông Phêrô, chữa khỏi cơn sốt ( Mc 1, 31 ), cầm tay dắt anh mù ra khỏi làng, rồi cho anh sáng mắt ( Mc 8, 23 ), cầm tay đứa trẻ chữa khỏi quỷ ám ( Mc 9, 27 ).

Chạnh lòng cầm tay người hoạn nạn, Đức Giêsu chứa chan yêu thương, tràn trề lòng thương xót, ân cần cứu thoát khỏi bệnh tật, khỏi ma quỷ, khỏi cái chết. Người vẫn cầm tay từng người dẫn dắt khỏi chốn nguy khốn, khỏi cám dỗ xác thịt, khỏi tội lỗi bùn nhơ, khỏi án phạt chết muôn đời, những ai tin vào Người, không phân biệt thân sơ, không giới hạn sang hèn, chẳng kỳ thị dân tộc.

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” ( Tv 23 ).

Đức Giêsu cầm lấy tay cứu giúp những ai trông cậy, tin tưởng vào Người khỏi cơn gian nguy, chết chóc. Người làm gương cho những ai theo Người, biết cầm tay tha nhân an ủi, cứu chữa, giúp đỡ và phục vụ. Người dạy Kitô hữu biết chủ động dấn thân phục vụ bằng hành động cụ thể, thân thiện và trịnh trọng cầm lấy tay những người khó khăn, gặp nạn, bị xã hội bỏ rơi, khinh khi, oán ghét để ân cần chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ, tương thân, tương ái.

“Đây là bằng chứng để ta biết được lòng mến: Là Đấng ấy đã thí mạng vì ta. Và ta, ta cũng phải thí mạng vì anh em ( 1Ga, 3, 16 ). Con hỏi Cha: “Đâu là mức độ dấn thân ?” – “Hãy làm như Chúa Giêsu: Thí Mạng.” Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết… Nếu con dấn thân lối: “Cứu viện cho người thắng trận” thì thôi, nên dẹp tiệm. Đó là “dấn thân trá hình”, “dấn thân thương mại.” ( Đường Hy Vọng, số 612 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn chạm tay vào áo Người, để được an ủi và cứu chữa. Cũng xin Chúa dạy chúng con biết chạm tay phục vụ tha nhân, chứ không chỉ nói suông, hay a dua làm từ thiện theo phong trào.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu, hướng dẫn chúng con noi gương Mẹ, luôn biết cần mẫn tìm đến Chúa, cũng như luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân trong suốt cuộc đời. Amen.

AM. TRẦN BÌNH AN

“Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già”

“Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già”
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy
Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
Lời ca êm ru giấc ngủ say.”

(Phạm Duy – Tiếng Hát To)

(Êphêsô 4: 29 tt)

Trần Ngọc Mười Hai

Cái “Tôi” đó, có hát to hơn cả bầy “tôi” đây là bần đạo, thì cũng vẫn lạo khạo/lào xào, nhưng chẳng bao giờ “nổ bạo” như ở trên.

Quả thật, trên đời này là gì có ai lại tự hào rằng mình hát to hơn cả sung đạn, lẫn thuốc “nổ” bạo, bên bờ ruộng già kia chứ? Thôi thì, ta cứ để nhạc-sĩ già nhà mình cứ hát thêm đôi lời lẽ đượm nhoè giòng lệ, vẫn như sau:


“Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa

Một miền quê, một miền quê tim héo và khô

Lời tôi ca khâu vá tình thương

Lời hôm qua chắp nối Con Ðường (1)

Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn (2)

Lời mai đây cao ngút Trường Sơn (3).

(Phạm Duy – bđd)

Tuy hát thế, nào đã to bằng những lời nho nhỏ vẫn còn vang vọng ở đâu đó, như bảo rằng:

“Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù

Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu

Lửa âm u ai đốt từ lâu

Miền quê tôi khan tiếng kêu gào

Lời tôi ca như nước nhiệm mầu

Thành mưa rơi cho dứt niềm đau

Lời tôi ca, lời tôi ca xua hãi hùng đi

Mùa xuân qua ai mất tuổi thơ

Lời tôi ca hôn má xuân già

Còn yêu nhau xin cứ mặn mà

Ðừng cho ai ăn cướp tình ta”…

(Phạm Duy – bđd)

Thế đó, là giọng hát to/nhỏ ở ngoài đời, thật thấm-thiá. Còn đây, là những lời nhỏ/to nơi nhà Đạo. Nơi, vẫn có bậc thánh-nhân hiền-lành tuy không hát, nhưng vẫn nhắn và nhủ những lời rất như sau:

Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa,

nhưng nếu cần,

hãy nói những lời tốt đẹp,

để xây dựng và làm ích cho người nghe.

Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa,

vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em,

để chờ ngày cứu chuộc.

Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn,

hay la lối thoá mạ,

và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.

Trái lại, phải đối xử tốt với nhau,

phải có lòng thương xót

và biết tha thứ cho nhau,

như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.”

(Thư Êphêsô 4: 29tt)

Thật ra thì, có hát hoặc nói những lời to nhỏ, không phải để thốt ra những lời độc địa”, mà chỉ muốn bà con mình “nói những lời tốt đẹp”, ở trên đời. Thật sự thì, cứ nói nhỏ nói to hoặc biểu-tỏ những điều hay/lẽ phải ở đâu đó trong nhà Đạo, không bằng lời. Nhưng đôi lúc lại cứ như tiếng khóc được nghệ-sĩ diễn-tả ở câu tiếp:

Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè

Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa

Hỏi thăm em, em có mẹ cha

Hỏi thăm em, em có ông bà

Hỏi thăm em, em có cửa nhà

Một ngày qua em mất cả bạ

Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang tìm nụ cười

Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, xin đến gần tôi

Cùng em côi tôi có bàn tay

Và đôi môi tôi hát ăn mày

Chia hạt cơm rơi hay bát gạo đầy

Cùng ngủ ven sông hay gối bụi câỵ

Tôi sẽ khóc cho em gái nhỏ theo mụ chủ nhà

Một chiều mưa, một chiều mưa đi trong ngõ bùn nhơ

Từ vườn quê ra chốn phồn hoa

Người em xua dĩ vãng đen nhoà

Rồi đêm đêm son phấn nhạt mờ

Mới nhận của tôi dâng mấy lời thơ

(Phạm Duy – bđd)

Hôm nay đây. Bần đạo này, có nói hoặc có khóc những lời to/nhỏ, hay sao đó, cũng chỉ để thưa và thốt với bạn bè người thân đang đọc giòng chảy văn hoa đầy ý nhạc, cũng là có ý muốn trích thêm những điều được đấng bậc ở chốn trên cao, nhà Đạo Úc Châu từng nói và có khi khóc ròng, những giòn viết như sau:

“Lần họp cuối cùng vừa rồi ở Thượng Hội Đồng Giám Mục Rôma dạo tháng 10 năm 2014, có nhiều vị vẫn tìm cách nhìn vào gia-đình thời hiện-đại ngang qua viễn-kính mục-vụ; thành thử, mới thấy rằng có quan-ngại đặc-biệt về cảnh-tình trong đó, xem như vẫn có một tranh-chấp hoặc còn gọi là xung-đột giữa tín-điều của Hội-thánh và nhu-cầu mục-vụ cho chúng dân. Ở đây, lại thấy nảy sinh hai chủ-đề chính khiến ta cần tìm đến.

Có vị quan-ngại về tình-huống của những người con ở Giáo-hội đã lớn lên nên mới khám-phá ra rằng: bản-chất tự-nhiên của họ vẫn cứ hướng chiều về tính-dục như người đồng-tính nam hay nữ, cả những người lưỡng-tính hoặc những kẻ chuyển giới.

Tín-lý với giáo-điều từng bảo rằng: bất cứ hành-xử tình-dục nào thực-hiện ngoài phạm-vi giữa nam-nhân và nữ-giới đã hôn-phối và mở ra để cùng kiến-tạo đều méo-mó và vi-phạm tội trọng đến chết người. Nhu-cầu mục-vụ lại bảo rằng: hôn-nhân khác phái không là điều để những người như thế sử-dụng mà thay-thế. Và, mấy người này lại cảm thấy không phải là lời mời gọi nhẹ nhàng nhất cho cuộc sống độc-thân hoàn-toàn mà lời giáo-huấn như thế đòi hỏi họ phải chịu sự trừng-phạt đớn đến muôn đời.

Quan-ngại thứ hai, là: tình-cảnh của các người Công-giáo từng thất-bại trong hôn-nhân và sau đó lại đã tái-giá. Tín-lý trong Đạo từng dạy rằng: hôn-nhân là điều ta không thể phân-cách/giải-toả, thế nên cặp phối ngẫu ấy phải cố sống trong tình-trạng tội trọng vẫn kéo dài. Trong khi nhu-cầu mục-vụ lại bảo rằng: những người như thế vẫn cảm thấy mình luôn bị đẩy lùi ra khỏi Thánh hội và không được hiệp-thông rước Chúa vào lòng.

Nhiều vị đã phát-biểu ở Thượng Hội-Đồng Giám Mục vừa rồi từng cố-gắng tìm cách có giải-pháp mục-vụ nằm trong khuôn-khổ tín-lý/giáo-điều; nhưng, lại phải nói rằng điều các vị làm vẫn chưa đạt kết quả là bao nhiêu. Một số vị khác lại kiên-quyết chống lại các động-thái tựa hồ như thế, nên đã nhấn mạnh nhiều vào tính-cách xít-xao trọn vẹn của giáo-huấn trong Đạo.

Với tôi, chừng như đa số các nghị-phụ đều rất chân-phương khi các ngài lo-lắng làm sao phải đạt nhu-cầu mục-vụ mới được. Tuy thế, các vị này lại tin rằng bất kỳ giải-pháp mục-vụ nào cũng phải nằm trong khuôn-khổ của truyền-thống giáo-huấn có tín-lý/giáo-điều hẳn hoi và các ngài lại đã thực sự không biết mình sẽ đi về đâu.

Riêng tôi, có đề-nghị là giả như nghị-trình thứ hai của Thượng Hội-đồng Giám Mục Rôma năm 2015 là kiếm tìm câu giải-đáp, thì việc đầu tiên các nghị-phụ phải làm cho được là nghiêm-chỉnh nhìn vào giáo-huấn của Hội-thánh có liên-quan ngõ hầu xem các ngài có thể cho phép mở ra con đường mà tiến về phía trước trong kiếm tìm các giải-pháp mục-vụ, thì hơn. Đó là điều, riêng tôi vẫn muốn làm trên cương-vị của mình, ở đây, bây giờ.

Tôi đây, không tìm cách áp-đặt mọi người phải thông-hiểu điều này điều nọ, cho bằng mở ra cho thấy còn có nhiều thứ phải tính đến hơn là chỉ mỗi hai chủ-đề hiện có trong giáo-huấn của thánh hội mình.

Thế nên, đề nghị với bạn đọc phần “Mở Đầu” gọn nhẹ theo bối-cảnh ấy của cuốn “The 2015 Sydnod, The crucial Questions: Divorce and Homosexuality, ATF Press 2015 đã xuất-bản)

Xem thế thì, bạn và tôi đây, ta cũng nên tìm đọc cho biết cuốn sách của đấng bậc có tên ở trên đã xuất bản, nhưng chưa kịp dịch. Giả như, tôi và bạn có trong người đầy tính thi-ca/âm nhạc theo lối nói ở trên, chắc sẽ phải hát tiếp những câu sau:

“Tôi hát tiễn đưa dăm thiếu phụ quay về đường nhà

Lời tôi ca, lời tôi ca hun bếp lạnh tro

Lời như tơ như tóc tìm nhau

Giường thơm tho chăn gối tươi mầu

Mảnh gương to rơi vỡ ngày nào

Còn lại bao nhiêu vẫn soi rõ mặt nhau.”

(Phạm Duy – bđd)

Ấy! Ấy! Hỡi ngài nghệ-sĩ già của tôi ơi. Ngài có hát gì thì hát, cũng đừng hát những câu buồn rầu như thế. Mà, chỉ nên nói và nhắn nhủ với bà con người đọc cùng người nghe, những lời lẽ như sau:

“Trong các bài giáo lý vừa rồi, chúng ta đã nói về vấn-đề gia-đình sống có tính-chất mỏng dòn ở thân-phận con người, như nghèo khổ, bệnh hoạn, chết chóc.

Hôm nay, chúng ta chia sẻ về các vết thương thực sự xảy ra trong cuộc sống chung của gia-đình. Đó là những tai hại xảy đến trong chính gia-đình, một điều đáng sợ hơn cả. Chúng ta đều rõ là đời sống của bất cứ gia-đình nào cũng không thiếu các giây phút xảy đến các hành-xử của các phần-tử chạm đến những tình-cảm thân-mật chí-thiết. Có những lời nói và hành động cùng những việc bỏ qua không làm, thay vì tỏ bày tình yêu thương, thì lại làm giảm-sút hay tệ hơn nữa, còn sát-hại tình yêu thương, nữa…

Mọi sự đều liên-hệ với nhau trong cuộc sống gia-đình, khi tinh-thần của nó bị thương-tích ở nơi nào đó, thì mọi người đều bị cảm-nhiễm. Và khi người nam và nữ dấn thân để trở nên một xác-thịt hình thành gia đình, mà chỉ nghĩ đến nhu-cầu tự-do và thoả-mãn nhu-cầu tư riêng của mình, thì việc lệch-lạc này sẽ tác-hại sâu xa đến cõi lòng và đời sống của con cái. Rất nhiều lần con cái cứ phải âm-thầm khóc than…” (x. bài Giáo-lý số 23 Đức Phanxicô nói về Gia-đình hôm 24/6/2015, do bạn bè dịch và gửi qua vi-tính.)

Thế mới biết, tiếp tục cuộc sống gia-đình trong hoàn-cảnh khó-khăn, lạ lùng hơn khi trước, cũng không phải là chuyện dễ. Rất không dễ, nên nhiều đấng bậc trong Đạo lại đã tỏ bày bằng nhiều cách rất như sau:

“Trong một thế-giới đầy những giá-trị kiểu “bóng xà-phòng” cùng những thói giả-hình và lừa-bịp, thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại khuyên các người trẻ hãy biết chiến-đấu “đánh trả”  bằng tình thương-yêu đích-thực, đồng thời hợp-tác dựng-xây nền kinh-tế mới mẻ dựa trên đức tính sáng-tạo và dũng-cảm.

Ngài cũng xin các bạn đạo ở Waldensia hãy tha thứ cho Hội thánh Công-giáo khi xưa đã xúc-phạm họ bằng việc “dứt phép thông công” và hành-quyết một số trong các vị tiên-tổ của họ từ nhiều thế-kỷ đến hôm nay.

Ngài có nói: “Tôi yêu-cầu quý vị tha-thứ cho các động-thái thiếu chất Kitô, có khi còn vô-nhân-đạo cùng những hành-xử mà trong quá khứ Hội thánh chúng tôi đã làm chống lại tiên-tổ của quý vị trong lịch-sử. Nhân danh Đức Giêsu Kitô, xin thứ lỗi cho chúng tôi…

Và cũng cùng ngày hôm ấy, 21 đến 22 tháng 6 năm 2015, trong chuyến viếng thăm thị thành ở miền Bắc nước Ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ cử chỉ có một không hai trong lịch-sử. Đức Giáo Hoàng thăm viếng khu tàng-trữ di-tích khăn Turin và cũng nhân dịp mừng kính 200 năm ngày sinh của thánh Gioan Bosco, ở đây.

Trong chuyến này, Đức Phanxicô còn kêu gọi tín-hữu Đức Kitô thuộc các giáo-phái khác nhau hãy hiệp nhất để đảm-bảo là từ nay mọi người trong chúng ta sẽ tập-trung nhấn mạnh vào Thiên Chúa trước nhất và sau đó mới để ý đến các khác-biệt của nhau. Việc tỏ-bày xin lỗi đại-diện những người anh em Waldensia và các Giáo-phái lâu nay vẫn cách-biệt, như: nhóm bạn đạo thuộc phái Mê-tô-đi, giáo-phái Tin Lành Truyền Đạo, Giáo-hội Luther và cộng-đoàn các giáo-hội bạn cùng tin vào Đức Kitô.

Ngài cũng đã thêm, rằng: vốn dĩ là anh em, chị em trong niềm tin, cũng tương-tự như anh chị em trong cùng một gia-đình, điều đó không có nghĩa là chúng ta giống nhau hoàn toàn như giọt nước, nhưng lại có nghĩa là: ta có cùng một số điều giống nhau, cũng xuất tự một nguồn gốc.

Thượng-phụ phái Waldesia là Mục sư Eugenio Bernardini có n ói với Đức Phanxicô là: sự việc ngài thăm viếng đất miền này tượng-trưng cho việc vượt cao lên tường thành ngăn-cách từng dựng đứng đến tám thế-kỷ, khi phong trào của Waldensia bị kết-án là bè rối và bị dứt phép thông công khỏi Giáo hội Công giáo…” (xem phần tin tức trên tờ The Catholic Weekly ngày 28/6/2015, tr. 12)

Nghe biết thế rồi, nay đã rõ: ở trong Đạo lẫn ngoài đời, vẫn có tình-huống khá khó xử. Bởi thế nên, để minh-hoạ một đời sống không khó mấy trong hiệp-thông đoàn-kết, tưởng cũng nên học hỏi nhiều điều từ trường đời ở đó có những người từng bày-tỏ như sau:

“-Tôi học được rằng:

Tự hiểu mình là điều quan trọng nhất.

-Tôi học được rằng:

Đừng mất thì giờ phân định việc thị phi cho rành mạch đen trắng trong khi tất cả đều chỉ là tương đối trong tục đế mà thôi. Cái đúng với người này có thể sai với người khác, cái phải ở chỗ kia có thể trái ở nơi nọ, cái đang đúng lúc này không hẳn sẽ đúng về sau v.v…*

-Tôi học được rằng:

Hãy xét đoán chính mình mà đừng xét đoán kẻ khác dầu họ tốt xấu thế nào đi nữa …

-Tôi học được rằng:

Đừng là gì cả… Nếu là gì đó bạn sẽ đau khổ…Vì bạn sẽ khó mà sống với con người thật, với giá trị thật của chính mình….

-Tôi học được rằng:

Ai biết lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm bài học của chính đời mình, dù khổ hay vui, dù thành hay bại, người ấy đang thật sự thiền, hay đúng hơn là đang sống giáp mặt với chân lý muôn đời*

-Tôi học được rằng:

Đừng bám víu vào điều gì, vì bám víu là dính mắc, là trói buộc là đau khổ…Và là không còn thong dong tự tại nữa*

-Tôi học được rằng:

Thương và ghét, cả hai đều đau khổ bởi vì đều do tham ái gây ra. Muốn là khổ. Muốn mà không được cũng khổ. Ngay cả khi có được cái mà bạn muốn, cũng là đau khổ nữa, bởi vì khi được chúng, bạn lại lo sợ sẽ mất chúng.

-Tôi học được rằng:

Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành

-Tôi cũng học được rằng:

Mỹ phẩm tốt nhất là nụ cười. Nữ trang quý nhất là sự khiêm tốṇ. Trang phục đẹp nhất chính là sự tự tin!

-Tôi học được rằng:

Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim

-Tôi học được rằng:

Bí quyết lớn nhất của thành công là thành thật.

-Tôi học được rằng:

Cuộc sống muôn đời vẫn đẹp chỉ có cái ta ảo tưởng mới

biến cuộc đời thành bể khổ mà thôi.

-Tôi học được rằng:

Cuộc sống vận hành khi bạn chọn những gì bạn đang có. Thật ra, những gì bạn đang có chính là những gì bạn đã chọn.

-Tôi học được rằng:

Thế giới là một sàn diễn. Ai cũng phấn đấu để có một vai. Đừng nản lòng khi gặp những điều kiện bất lợi.

-Tôi cũng học được rằng:

Đừng bận tâm về nhận xét của ai đó về mình

-Tôi học được rằng:

Tâm là tên lừa đảo lớn nhất. Người khác có thể dối bạn nhất thời, tâm dối gạt bạn suốt đời.

-Tôi cũng học được rằng:

Hạnh phúc đích thực là ngay nơi thực tại đang là…

-Tôi học được rằng:

Nếu suốt đời chỉ lo chờ mưa bão, thì sẽ không bao giờ thưởng thức được nắng ấm.

-Tôi cũng học được rằng:

Đừng bao giờ so sánh cuộc đời mình với bất cứ ai, vì mỗi người là bài học nhân quả của chính cuộc đời của họ

-Tôi học được rằng:

Mỗi khi xa rời người thân yêu, hãy luôn nói lời thương yêu nhất, bởi có thể đó là lần cuối ta gặp họ.

-Tôi học được rằng:

Ngay cả khi trắng tay, ta vẫn có thể thấy được mình thật giàu có để giúp đỡ mỗi khi bạn bè cần đến.

-Tôi cũng học được rằng:

Đã là bạn thân, dù không làm gì cả…”lặng nhìn không nói năng” ta vẫn có những phút giây tuyệt vời khi bên nhau.

-Tôi học được rằng:

Tình bạn chân thành sẽ mãi lớn lên dù cho có cách xa ngàn dặm, và tình yêu đích thực cũng thế đấy.

-Tôi học được rằng:

Mỗi khi ta rơi vào tâm trạng buồn, thương, giận, ghét…v…v…chỉ nhìn vào tâm như nó đang là…Đừng đặt tên, phán xét gì cả…Chính là ta đang trải nghiệm chân lý…

-Tôi học được rằng:

Hoàn cảnh sống có ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của chúng ta, nên hãy ý thức về điều đó.

-Tôi học được rằng:

Người trưởng thành có nhiều điều phải suy nghĩ với những kinh nghiệm đã qua, và có được những bài học rút ra từ đó, và không bao giờ quan tâm nhiều đến việc mình đã tổ chức bao nhiêu lần sinh nhật.

-Tôi cũng học được rằng:

Chính sự mất mát, dạy cho chúng ta giá trị của mọi thứ.

-Tôi cũng học được rằng:

Thế giới như một tấm gương, bạn nhăn mặt với nó, nó nhăn lại với bạn, bạn mỉm cười với nó, nó cũng mỉm cười với bạn…” (Như Tuệ ghi lại lời chỉ bảo của đại sư Viên Minh)

Thế đó, là giòng chảy đầy suy tư để bạn và tôi, ta thưởng lãm. Thưởng lãm, bằng và ngang qua tâm-tình trầm-lắng, thân thương, khắc-phục. Tất cả, đều trong tư-thế rất vui vẻ có đính kèm đôi lời kể cũng khá vui, làm câu truyện minh-hoạ đáng để đời, như sau:

Một hành khách hớt hơ hớt hải gọi taxi và nói vội:

-Ông làm ơn chở tôi gấp đến phi trường giùm.

Tài xế bắt chuyện:

-Ông đi chuyến bay nào mà vội thế?

-Chuyến 386 đi Paris!

-Ồ, vậy thì có gì đâu mà gấp gáp đến như thế. Bởi lẽ, truyền thanh phát sóng trên loa đài báo là: chuyến bay số 386 này bị hoãn chờ phi-hành-đoàn…đấy! Ông tài xế dõng dạc tiếp lời thông-báo ra dáng sành sỏi việc nắm bắt thông tin trong/ngoài nước.

-Giời ạ! Nhanh lên một tí có được không, tôi đây là phi công chính của chuyến đó!

Thế đó, là thông-tin xẹt lửa đầy tình-tiết như chuyện thật ở đời. Chuyện xẹt lửa hay xịt khói ở đời còn tình-tiết hơn nhiều nữa với truyện kể rất dễ nể ở bên dưới:

“Ở cửa hàng bán hoa hôm ấy, có người đàn ông trạc cỡ trung niên chọn 3 đoá hoa hồng rồi bảo bà bán hàng rằng:

-Mấy bông hoa này, là để tôi gửi cho vợ tôi làm kỷ niệm ngày cưới đấy bà ạ. Thế nên, đề-nghị bà đính kèm vào đây một dải băng lụa thật đẹp với giòng chữ: Mỗi bông này đánh dấu một năm anh được hưởng hạnh phúc vợ chồng, với em cưng!

Bà bán hàng tỏ vẻ xúc động, bèn hỏi:

-Ông mới lấy vợ được có 3 năm thôi à?

-Dạ, không phải thế đâu! Tôi lấy vợ có đến 30 năm trời cơ đấy. Nhưng hạnh-phúc ấy à, cũng chỉ nói được mỗi thế thôi!”

Hạnh-phúc trong hôn-nhân hay gia-đình, nhà Đạo hoặc giữ các đạo hoặc giáo-phái, đôi lúc cũng khó diễn-tả. Hàng trăm năm là thế, nhưng về hạnh-phúc thì, thì… ai dám bảo là nhiều nhặn, cỡ bao lăm.

Thôi thì, hôm nay và mai ngày, hạnh-phúc của bày tôi bần đạo đây chỉ muốn gửi đến bạn đọc và bạn đạo bấy nhiêu thôi. Bấy nhiêu, là để tôi và để bạn, ta cùng cười vui, dù chỉ vài ba phút rất phù-du con bươm bướm ở đời người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn mọi người và mọi bạn

Sẽ hạnh phúc triền miên

Suốt mọi ngày trong đời mình.

“Thiên đường có chỗ màu đen,”

Tin Mừng (Mc 6: 1-6)

Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.

“Thiên đường có chỗ màu đen,”

Anh nằm nghe thấy vẫn còn tiếng mưa.

Tiếng trời gõ nhịp tiếng trưa,

Tiêng cho sâu thẳm tiếng khuya tuyệt vời.”

(Dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Mai Tá, lược dịch

Nếu có lần nào, ta cần xác tín xem chúng dân thị thành thường đổi ý ra sao, hãy cứ nhớ sự việc diễn tiến trước sau cái chết của công nương Diana, là sẽ thấy. Hai tuần trước đó, báo chí ở Luân Đôn chạy nhiều hàng tít lớn, nào là: “Công nương ơi, hãy nói Không với Dodi!”, hoặc “Hỡi nữ hoàng của phim kịch, hãy bỏ nước Anh mà theo Hồi giáo”; và “Diana, kẻ bêu xấu đất nước.”

Ta còn được bảo, Diana là người nữ phụ phụ tâm thần tật bệnh, có sức quyến rũ thật ma mãnh. Và, cái chết của bà mẹ hai con vừa tròn 36, vẫn là thảm trạng lớn, của nhiều người. Nào ai đoán trước được, chỉ sau buổi tối ở Paris hôm ấy, nhiều người đã đổi hẳn lập trường, nên mới tìm đến để thấy được rằng công nương Diana thực sự trở thành “nữ hoàng của mọi con tim”. Là, thần tượng của thời đại. Phải chăng, họ đã quên những chuyện xảy ra, hai tuần trước?

Quả thật, những gì xảy đến với ký ức con người về công nương nước Anh, cũng không xa lạ chuyện xảy đến với hồi niệm của người đời về Đức Giêsu đối với Hội thánh, thời tiên khởi. Đọc Tin Mừng thánh Mác-cô hôm nay, ta vẫn nghĩ rằng những người cùng quê thành làng mạc với Đức Giêsu sẽ giang tay chào đón Ngài. Cả những tài năng dỗ dạy, những khôn ngoan tài đức và sức mạnh hành động của Chúa, cũng bị coi là những điều sơ xuất, khiến chúng dân quay lưng lại Ngài, vì Ngài đòi hỏi quá nhiều, cho mình. Nói nôm na, thì Đức Giêsu không được trọng vọng ở quê mình.

Tin Mừng thánh Mác-cô được viết vào lúc Hội thánh tiên khởi bắt đầu bị bách hại. Nên, cộng đoàn rất cảm thông khi thấy Chúa chịu thống khổ. Bị mọi người từ khước, chối bỏ. Chuyện ấy có gì lạ? Tín hữu thời tiên khởi, cũng từng bị trục xuất/chối bỏ khỏi hội đường. Và, nhiều người cũng trải nghiệm cảnh tình tương tự, khi gia đình/bạn bè bỏ rơi, từ khước họ. Có thể, một số vị phải bỏ quê nhà thành thị, cũng nên. Trong bối cảnh ấy, thân phận của họ cũng tương tự như Chúa. Tình cảnh họ, cũng mang nặng ý nghĩa và hướng đi, tương tự. Do đó, họ mới có thêm nhiều hy vọng.

Kinh nghiệm về nỗi niềm bị ruồng rẫy, khước từ, mất cảm thông, bực tức, còn là sự thật phũ phàng của nhiều người. Ngay như hôm nay, chỉ mỗi việc sống niềm tin của mình thôi, ta cũng bị người đời cho là mình ngông cuồng/khờ dại hoặc bị đẩy lùi khỏi cộng đoàn, môi trường sống.

Trong bối cảnh này, ta cũng có thể tạo cho mình niềm hy vọng và lòng quả cảm tương tự như cộng đoàn tín hữu thời tiên khởi, đã duy trì. Tuy nhiên, ở cấp độ cao hơn, với tư cách cộng đoàn, có thể ta có nguy cơ xử sự như cư dân làng Nazarét, thuở trước. Chẳng cần biết, một số người trong cộng đoàn tín hữu ta đang sống, khôn ngoan đến độ nào, có uy quyền hoặc sống lành thánh là bao, chừng như nhiều người vẫn được cho biết là ta không chấp nhận họ. Ta đối kháng chống lại họ và khước từ trục xuất họ khỏi chốn sống của ta, nữa.

Nhiều bạn đạo phải xa rời chúng ta, chỉ vì cộng đoàn không tin rằng quà tặng Chúa ban cần nhận lĩnh ngang qua họ. Dân làng Nazarét hôm trước, không cảm nhận được giá trị của sự việc xảy đến với mình, là vì quần chúng cứ nghĩ rằng mình biết nhiều, hiểu nhiều hơn ai hết.

Tin Mừng hôm nay, còn đánh động lên mái ấm cơ ngơi, ta đang sống, nữa. Cơ ngơi đó, ta chẳng thể nào bỏ đi, mang theo được gì. Và, cũng chẳng có được gì nhiều, những khẳng định. Và điều này còn dẫn đến những cực đoan không lành mạnh, khi cha mẹ và các anh chị đề cao bậc vợ chồng, con cái, hoặc các người anh/người chị cho hết mọi người, ngoại trừ người đáng được đề cao, chúc tụng. Có trường hợp, ta lo nhiều về thành viên trong nhà, được ‘bốc thơm quá mức” trong khi người ấy chưa nghe ta khuyến khích ca tụng, cho phải lẽ.

Là tín hữu, ta cũng nên tìm dịp để tìm cách mà ngợi ca những người ta quen biết, và yêu thương. Khi Diana tử nạn, thế giới có phản ứng hơi trễ, để quyết định xem bà đã làm những gì xứng đáng để thế giới có thể cất lời tụng ca. Dân làng Nazarét cũng thế, vẫn cứ coi là quá trễ khi họ khước từ Đức Giêsu, cùng một kiểu.

Tin Mừng thánh Máccô cho biết: Chúa không còn quay trở lại nơi đó nữa. Với chúng ta, không có gì là quá trễ. Cũng có thể, chẳng ai nói chúng ta coi thường người dân khôn ngoan, dám cho ta những bài học răn dạy. Chẳng ai nói, ta vùi dập/nhận chìm người có khả năng/tài cán nhận lãnh từ quyền uy, của Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn nhắc nhở ta, rằng: chẳng bao giờ là quá trễ để ta có thể chấm dứt những gì mình nghi ngờ và không tin.

Cũng trong một tinh thần như thế, nhà thơ hôm ấy, lại cũng ngâm những lời rằng:

“Đêm mưa có chỗ bất ngờ,

Chỗ thêm ấm áp chỗ thờ phượng nhau.”

(Nguyên Sa – Bất Ngờ)

Chỉ thờ phượng nhau khi nhìn ra được Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu nằm ở cung lòng của người nghèo khó, đớn đau, sầu buồn. Tìm được rồi, người người lại sẽ ngâm thêm lơ rằng:

“Mai về mẹ hỏi đi đâu,

Đắp chăn trùm kín ngang đầu nghe em.”

(Nguyên Sa – bđd)

Thế thì, khi em về với Thiên-Chúa như thế, mẹ cha có tra vấn hỏi han điều gì, thì anh và em cũng chẳng còn sợ vì Thiên-Chúa đã ấp ủ chúng ta bằng Tình Yêu của Ngài, thật rất rõ. Có trùm kín chăn ngang đầu Ngài cũng vẫn tìm ra ta để mà yêu thương và đùm bọc. Như Ngài vẫn đùm bọc hết mọi người, cả những người nghèo hèn khổ sở hoặc đớn đau , rất âu sầu nhiều nỗi.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá, lược dịch