LẬN ĐẬN

LẬN ĐẬN

LM Giuse Hoàng Kim Toàn

Nhìn những dòng người tấp nập đến và đi trên con đường, tôi nghĩ về những cuộc đời lận đận, lao đao.  Bao giờ mới thực sự hết lận đận lao đao và tôi nghĩ về cuộc đời.

Tôi nhớ về lời của bài hát “tiến thoái lưỡng nan” của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận.  Ngày xưa lận đận không biết về đâu.”  Có những cuộc đời đến lúc ra đi vẫn còn lận đận, vẫn hoài lao đao.  Tôi nghĩ đến những phận người khốn khổ, không phải khốn khổ vì người khác mang đến mà tự thân mình mang vào những khốn khổ.  Khốn khổ lao đao khi không biết rằng mỗi người đều có một thời, không đón nhận thay đổi của thời gian.  Cái lận đận của một tuổi già, sức kém mà vẫn hoài mong một thời chiến tích lập lại, cái lận đận của những mưu tính ôm giữ địa vị, vị thế dù biết mình không thể.  Lận đận vì những lo sợ hão huyền, không còn người biết đến, không còn gì để nắm giữ…  Tôi nghĩ đến những lận đận, cái lận đận của những con người chỉ thích tiếng khen, lời dịu ngọt tâng bốc, những lời giả dối mà không sẵn sàng đón nhận thực tế, những lời chân thành.  Không biết về đâu nên đâu cũng là con đường giống nhau, không dẫn tới đích.  Con người lận đận, loanh quanh không lối thoát trong khổ đau của hành trình.  Những lận đận của những con người quên mất mình có một thời: “Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày” (lời “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn).  Một thời của tuổi già tìm về yên tĩnh, rũ bỏ những âu lo, tìm về tháng ngày bình yên, đó chẳng là con đường tìm về, thu xếp lại những ngổn ngang cuộc đời trước khi về bên kia thế giới.

Tôi nghĩ đến bao tâm hồn hạnh phúc trước khi ra đi.

Tôi đã được phép giã từ.  Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường.  Này đây chìa khoá tôi gài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn anh em. Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân.  Từ lâu rồi, sống bên nhau, chúng mình là láng giềng lối xóm; nhưng anh em đã cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em.  Bây giờ ngày đã rạng, đèn trong xó tối nhà tôi đã tắt.  Lệnh triệu ban rồi, tôi đi đây” (93, Lời dâng, R. Tagore).

Này đây chìa khoá tôi gài lên cửa.”  Hay quá, con người cao thượng quá, trao lại cho người sau tất cả những gì cuộc đời mình đã gầy dựng được, chỉ xin giữ tình thân.  Cuộc đời không giữ gì cho mình lại là cuộc đời đầy tràn tất cả.  Cuộc đời nhìn nhận mình đón nhận tất cả hơn những gì mình kiến tạo, sao hạnh phúc quá. Tôi ước mơ tôi cũng hành động như thế trong mọi lúc trước khi ra đi, tôi ước mơ cái hạnh phúc thật đơn giản, thật sự quên mình trong thế giới bao la của tình người.

Con người rồi sẽ ra đi, rồi sẽ để lại tất cả những gì mình có, để lại ngôi nhà, của cải, vật chất mình đang nắm giữ…  Lận đận khi mình cố níu giữ, bám chặt dù không còn sức, lận đận khi vẫn còn tham vọng, đầy mưu tính.  Tôi ước mơ những cuộc đời lận đận, đừng làm khổ đời mình nữa, tôi ước mơ, con người sống đừng giả dối nhau, đưa nhau lên đài danh vọng rồi chôn vùi đời nhau trong lao đao.  Lận đận chạy chọt, tạo liên minh, gây chia rẽ, tìm chỗ bám víu, làm chi vậy, chỉ thêm khổ, mất thêm nhiều tình nghĩa, và lẻ loi trong hoạt động của phe nhóm.  Hãy nói cho nhau về sự thật cuộc đời, hãy để cho Lời Chúa được thực hiện trong cuộc sống: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).  Tại sao lại bám víu để rồi lận đận.

Thanh thản, an nhiên ra đi như một người vừa làm xong công việc của mình, khiêm nhường đón nhận: “Tôi chỉ là đầy tớ vô duyên, tôi chỉ làm việc bổn phận của tôi” (Lc 17,10).  Diễm phúc cho mỗi cuộc đời khi nhận ra mình là tôi bộc cho hạnh phúc nhân loại, và sẵn sàng như một người đã hoàn thành sứ mạng của mình: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7)

Rũ bỏ lận đận để khỏi lao đao.  Tôi ước mong như bao tâm hồn mong ước: Ra đi trong niềm hân hoan vì cuộc đời này tôi đã sống qua bao hạnh phúc, qua bao đau thương vẫn thấy hạnh phúc.  Hạnh phúc của một con người vì thấy mình được yêu thương, hạnh phúc vì thấy mình đã nỗ lực dâng hiến cho con người được hạnh phúc.

LM Giuse Hoàng Kim Toàn

CHẾT LÀ KẾT CỦA SỐNG

CHẾT LÀ KẾT CỦA SỐNG

Tác giả:  Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Cách đây chừng hơn một tháng, tại giáo xứ mà trước đây, tôi đã từng hiện diện và phục vụ, người phụ nữ vừa tròn 62 tuổi, là một tín hữu trung thành với đức tin, đột ngột tử nạn.

Nhà bà gần sát bên tường nhà thờ. Buổi chiều đã chập choạng tối, bà có ý định sang bên kia đường. Bỗng dưng hai thanh niên chở nhau trên chiếc xe máy với tốc độ cao, đã tông vào bà, lôi bà đi thêm một khoảng về phía nhà thờ. Bà qua đời ngay trước cổng chính nhà thờ, ngay giữa con đường lớn.

Cái chết bất ngờ ập đến trên người phụ nữ, đã làm nỗi đau của gia đình và mọi người thân trở thành nỗi đau nát lòng, nỗi đau đầy nghẹn ứ. Với bản thân, vì sự quý mến, khiến tôi không khỏi bàng hoàng lặng người đi, khi được báo tin.

Dẫu biết sống là để chết. Và chết là kết của sống. Chết là tất yếu của một kiếp làm người. Ai cũng có thể chết, bất luận là người yếu đau hay khỏe mạnh, người giàu sang hay bần cùng.

Nhưng đứng trước một cái chết quá nhanh, một cái chết giữa lúc con người còn mọi khả năng hoạt động, mọi khả năng thực hiện những ước muốn của mình, lòng chúng ta không sao tránh khỏi những thổn thức…

Chúng ta hay nói tương lai của tôi sẽ là…, tương lai con tôi sẽ như thế này…, tương lai vợ tôi, chồng tôi sẽ đạt thế kia… Ít ai nói cái chết là tương lai đời mình. Nhưng thật phủ phàn: Chính cái chết mới thật là tương lai! Dù chết cách nào, mọi người đều chung một tương lai: chết. Chết là kết của sống. Chết là chung kết của một thời làm người.

Chúa nhật hôm nay, Chúa nhật áp cuối của năm phụng vụ. Qua phụng vụ Lời Chúa, Hội Thánh dạy chúng ta hướng về sự chết. Thời gian cuối năm là thời gian cần để chúng ta nhìn ra phía trước hướng về ngày cuối cùng của vũ trụ. Nó cũng là thời gian thích hợp để nghĩ đến giây phút cùng tận của đời mình, mà chuẩn bị cho một chuyến đi không bao giờ trở lại cách tươm tất, đàng hoàng.

Bài đọc I, sách tiên tri Đaniel cho biết tình hình của ngày phán xét chung. Đó là ngày mà những người đã chết sẽ trỗi dậy, “người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời”.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến ngày mà Chúa sẽ ngự đến đầy vinh quang, uy hùng, hiển hách. Đó là ngày mà “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”, ngày mà “Người sẽ sai các thiên thần đi, và Người sẽ tập họp những kẻ Người tuyển chọn từ bốn phương trời về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời”.

Thánh Phaolô cũng từng diễn tả sự khải hoàn của Chúa Kitô trong “ngày của Người”. Đó là ngày Thiên Chúa “đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…Thiên Chúa đặt mọi sự dưới chân Đức Kitô” (Ep 1, 10.22),

Phần chúng ta, để tránh “chịu ô nhục” và “bị ghê tởm”, nhưng được “hưởng phúc trường sinh”, ta cần chọn lựa một lối sống theo Tin Mừng của Chúa. Đó là trọn một đời, ta nỗ lực sống đẹp lòng Chúa, sống phù hợp luật pháp của Chúa, phù hợp thánh ý Chúa.

Trước mọi quyết định, mọi hành vi, mọi tư tưởng, mọi lời nói…, ta cần tự hỏi, điều này có được phép không? Có phù hợp thánh ý Chúa không? Nếu không phù hợp, dù có phải trả bất cứ giá nào, ta cũng không bao giờ chạm đến. Nhưng nếu đó là điều đúng, mang lại giá trị cứu độ, thì dù phải chết, ta vẫn không được bỏ qua.

Hãy nhớ, cái chết không trừ ai. Bởi nó là kết của sống, cho nên sống là chạy về phía chết. Ngay trong sự sống đã chất chứa, đã tìm ẩn sự chết. Chết có trong sống, vì thế sự sống mới trở nên mong manh, yếu ớt. Cũng vì thế, bất cứ lúc nào, sự sống cũng đều có thể bị cắt đứt, bị sự chết cướp mất.

Quá khứ đi qua là cái chết đang gần đến. Bề dày thời gian và tuổi tác của một con người, là phần chết đã dày thêm lên, đã càng lúc càng xâm chiếm sự sống trong con người ấy. Bởi thế, được sống thêm ngày nào là ngày ấy đưa con người đến gần cái chết hơn. Được sống thêm một ngày, đồng nghĩa với việc chúng ta đánh rơi thêm một ngày trong quỹ thời gian của mình. Thời gian cứ thế sẽ vơi. Cho đến một ngày, không còn gì để vơi… Lúc đó chính là lúc chúng ta chấp nhận bỏ lại tất cả…

Dù chết là kết của sống, ta không bi quan, không sợ hãi. Ngược lại, sự sống càng mong manh, con người càng phải can đảm nhìn trực diện nó để mang về chiến thắng cho mình. Chuẩn bị đón cái chết trong từng giây phút sống là sự khôn ngoan của những ai biết mình phải chết.

Chúa Giêsu dạy chúng ta thái độ khôn ngoan ấy: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42). Và: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời… Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 34-36).

Thánh Phaolô đưa ra những hướng dẫn để ta sống một đời công chính, nhờ đó, niềm hy vọng đạt tới ơn cứu độ luôn luôn có cơ sở, có nền tảng: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”  (Rm 12, 1-2).

Những cái chết của anh chị em ra đi trước chính là lời nhắc nhở thâm thúy nhất, sâu lắng nhất, nhưng cũng hiện thực nhất, cụ thể nhất, để chúng ta chuẩn bị cho giờ chết của mình.

Người nữ giáo dân vừa chết trong tai nạn giao thông mà chúng ta nhắc đến bên trên, chỉ là một trường hợp trong vô vàn trường hợp đã từng xảy ra trong cuộc đời. Chúng ta cầu nguyện cho bà, cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời, xin Chúa, vì lòng xót thương, hãy trao ban hạnh phúc muôn đời cho tất cả những ai trung thành sống lề luật Chúa.

Nhưng trong khi cầu nguyện cho người đã khuất, chúng ta cũng nhớ đến phận mình. Rồi đây không ai sẽ mãi mãi hiện diện trên cõi đời này. Chúng ta xin Chúa cũng tha thứ những lỗi lầm của chúng ta. Xin Chúa đừng chấp tội, nhưng hãy nhìn vào thiện chí muốn sống đẹp lòng Chúa của chúng ta mà khoan hồng cho những gì chúng ta trót lỗi phạm.

Hãy luôn luôn nhớ: Chết là kết của sống!

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

LÀM VIỆC NHỎ VỚI MỘT TÌNH YÊU LỚN

LÀM VIỆC NHỎ VỚI MỘT TÌNH YÊU LỚN

(Suy niệm Tin Mừng Mác-cô (12, 41-44) trích đọc vào Chúa Nhật 32 thường niên)

Chúa Giê-su quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ. Người thấy có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hòm tiền hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi thân. Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giê-su cho rằng bà goá nầy đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những người khác, vì tuy họ bỏ nhiều tiền nhưng không nhiều tình yêu.

Giá trị của một món quà

Đối với Chúa Giê-su, giá trị của món quà không tuỳ vào giá mua của món quà đó nhưng tuỳ vào mức độ yêu thương mà người cho đặt vào trong món quà.

Nếu có ai đó nài xin ta một số tiền mà ta chẳng muốn cho. Nhưng vì người ấy cứ nài nỉ mãi khiến ta bực mình nên cuối cùng, để tống cổ người đó đi, ta đem cả cọc tiền lớn, bực bội ném cho người ấy và nói: “Tiền đây! Lải nhải hoài!” Chắc chắn người kia, dù nghèo thiếu đến mức nào đi nữa, sẽ quay mặt bỏ đi, mang theo một mối căm hờn.

Trái lại, khi đứa con nhỏ trong nhà muốn mừng kỷ niệm hôn phối ba mẹ mà chẳng có gì để dâng, em lặn lội vào rừng ngắt một bông hoa dại nhỏ bé, đem về dâng lên ba mẹ với tất cả tình yêu thương. Chắc chắn ba mẹ em rất cảm động vì cảm nhận được nhiều yêu thương chứa đựng trong món quà bé nhỏ nầy.
Điều làm đẹp lòng Thiên Chúa không phải là dâng cho Ngài nhiều món quà lớn nhưng là dâng tình yêu lớn. Dâng cho Thiên Chúa những món quà lớn hay những thành quả to lớn mà thiếu vắng tình yêu, thì lễ vật đó sẽ trở thành rỗng không và chẳng có giá trị gì.

Thánh Phao-lô tông đồ, trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô, từng khẳng định cách mạnh mẽ điều nầy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (I Cr 13, 1-3)
Làm việc nhỏ với một tình yêu lớn

Mẹ Tê-rê-xa Calcutta cảm nhận sâu sắc bài học trên đây của Thánh Phao-lô nên Mẹ không chủ trương làm những công việc to lớn, nhưng thường xuyên làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Trong bức thư gửi cho Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, Mẹ Tê-rê-xa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công việc ta làm, nhưng là mức độ tình yêu mà ta đặt vào trong mỗi công việc.” Thế nên, khi tiếp xúc với bất cứ ai, Mẹ Tê-rê-xa đem hết lòng yêu thương người ấy như thể đó là người duy nhất trên đời trong giây phút đó.

Cảm hứng từ bức thư trên đây của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta, Đức Cố Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận viết: “Kinh nghiệm đó đã củng cố trong tôi ý niệm là phải sống mỗi ngày, mỗi phút giây của cuộc đời ta như là phút giây cuối cùng…”

Và ngài quyết tâm thực hiện từng công việc nhỏ bé hằng ngày, từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với tình yêu lớn và biến những phút sống hiện tại thành những giây phút đẹp nhất cuộc đời, như ngài viết: “Mỗi chữ, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định… phải là những phút giây đẹp nhất đời ta. Chúng ta phải thương yêu mọi người, chúng ta phải tươi cười với mọi người mà đừng đánh mất một giây phút nào.” (Đức Cố Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận)
Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con cố gắng thực hiện từng công việc bé nhỏ và từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với một tình yêu lớn.

Hy vọng khi những hy lễ bé nhỏ nầy được dâng lên cho Chúa mỗi ngày, Chúa cũng sẽ rất hài lòng với lễ vật của chúng con như Ngài đã đánh giá cao lễ mọn của bà góa nghèo năm xưa trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

TIN MỪNG Mác-cô 12, 41-44

Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Tác giả:  Lm. Inhaxio Trần Ngà

CON ĐƯỜNG HẠT LÚA

CON ĐƯỜNG HẠT LÚA

  ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Khi đến Rôma, tôi thích đi viếng những hang toại đạo.  Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma.  Những hang hầm dài nhiều cây số. Không phải chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất.  Không khí trong hang thật lạnh lẽo.  Hơi lạnh từ lòng đất toát ra cộng với hơi lạnh từ những nấm mồ càng làm cho khu hầm mộ trở nên lạnh lẽo đáng sợ.  Người sống phải đấu tranh với cái chết.  Sự chết luôn đe doạ rình rập cướp lấy mạng sống con người.  Tại nơi đây, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong 3 thế kỷ.  Có lẽ thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng đã từng đi lại sinh hoạt trong những hang này.  Người tín hữu sơ khai đã phải sống trong những điều kiện như thế để bảo vệ đức tin của mình.

  Nhưng thật kỳ diệu. Các vua chúa của đế quốc Rôma hùng mạnh đã tìm cách tiêu diệt một nhóm người nghèo khổ yếu ớt không một tấc sắt tự vệ.  Không phải chỉ bắt bớ trong một chiến dịch ngắn hạn mà là một chủ trương kéo dài suốt 300 năm.  Vậy mà các vua chúa qua đi rồi, nhóm người nghèo khổ yếu ớt đó không những chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.  Đi dưới lòng hang toại đạo tôi mới thấm thía ý nghĩa của lời Chúa nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”  Hạt giống Giáo Hội đã bị chôn chặt dưới 3, 4 tầng đất.  Hạt giống đức tin đã bị vùi sâu đến 300 năm.  Tất cả các thánh Tông đồ, các tín hữu sơ khai đã bị mục nát.  Và các ngài đã làm trổ sinh cả một mùa gặt dồi dào phong phú.  Cả châu Âu đã tin theo Chúa.

image002 Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, ta cũng thấy có sự tương tự.  Khi đạo Chúa mới được truyền vào Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến bắt bớ.  Cuộc bắt bớ kéo dài khoảng 300 năm. Đủ mọi hình thức để tiêu diệt đạo.  Nào là cấm cách bắt bớ.  Nào là đe dọa bạc đãi.  Nào là xua đuổi ra khỏi những vùng trù phú phồn vinh.  Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ, anh chị em trong một gia đình bắt đi sống riêng rẽ trong các gia đình ngoại đạo.  Nào là lấy thép nung đỏ khắc chữ “tả đạo” trên má ngưới có đạo.  Và nhất là lên án tử hình những người có đạo.  Người tín hữu trung thành với đức tin phải trốn chạy chết trên rừng thiêng nước độc.  Nếu bị bắt có thể bị chết trong tù.  Nếu không cũng bị xử án tử hình.  Có đấng bị chém đầu.  Có đấng bị trói chân tay vào chân ngựa.  Bốn con ngựa kéo về bốn góc xé nát xác vị tử đạo.  Có đấng bị kết án cho voi dày.  Thê thảm nhất có lẽ là án bá đao.  Cứ sau một hồi chiêng trống, đao phủ xẻo một miếng thịt cho đến khi chết.

 Dù các vua chúa đã dùng đủ mọi cách tiêu diệt nhóm người bé nhỏ yếu ớt trong 300 năm.  Trong 3 thế kỷ đó có khoảng 100 ngàn người chịu chết vì đạo.  Nhưng số người tin Chúa ngày càng gia tăng. Từ một nhóm nhỏ người bị bắt bớ, nay số tín hữu tại Việt Nam đã hơn 6 triệu người.  Hạt giống đức tin gieo trồng vào quê hương Việt Nam đã bị vùi sâu, đã bị mục nát, và nay đã trổ sinh một mùa gặt phong phú.  Một lần nữa chúng ta lại xác tín lời Chúa dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Nhìn lại lịch sử, ta càng thêm tin tưởng vào Lời Chúa.  Nếu đang gặp khó khăn trong đời sống đạo, ta hãy an tâm.  Như Đức Giêsu đã chịu gian nan khốn khó, phải chịu bắt bớ, nhục mạ, phải chịu chết tủi hổ trên Thánh giá, các môn đệ con cái Chúa không thể đi con đường nào khác ngoài con đường Thánh giá.  Như các bậc tiền nhân xưa đã chịu vất vả khổ cực để xây dựng một Giáo Hội vững mạnh như ngày nay, ta tin tưởng những gian nan khốn khó của ta rồi cũng sẽ trôi qua.  Nếu ta biết chịu đựng những đau đớn, khó khăn, vất vả vì Chúa.  Nếu ta vẫn trung thành với Chúa, với đức tin qua mọi gian nan thử thách, chắc chắn Chúa sẽ ban cho ta một mùa gặt bội thu, kết quả phong phú ngoài sức tưởng tượng của ta.

 Lạy Các Thánh Tử đạo Việt Nam, xin dạy con noi gương bắt chước các ngài, luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.  Amen.

 ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Mỗi lần em về là gió lộng đường đi,

“Mỗi lần em về là gió lộng đường đi,”

Anh nhìn em bồi hồi trông theo tà áo
Nhẹ gót thắm vào mãi đáy tim tôi
Từ đó nhớ khôn nguôi và chiều chiều thấy đơn côi.”

(Tuấn Khanh – Từ Đó Khôn Nguôi)

(1 Timôthê 5: 13-16)

Trần Ngọc Mười Hai

Lại vẫn bảo: nếu hiểu tự-vựng “Em” khác hẳn ý của người viết nhạc, thì bạn và tôi, ta sẽ thấy khác và rõ hơn. Khác và rõ, là những gì “thắm vào mãi đáy tim tôi” “chiều chiều thấy đơn côi” cứ là thế.

Viết giòng này, bần đạo đây thấy rõ là việc: dùng tự-vựng “Em” thay cho cụm-từ “Tin Vui”/“Tin Mừng” hoặc Phúc Ấm/Lời của Đấng Tối Cao, vv.. có lẽ sẽ có bạn không đồng ý cho lắm hoặc sẽ phản-đối liên-hồi chuyện như trên.

Thế nhưng, với vị Tổng Giám Mục họ Spong tên John ở Mỹ, thì ý-nghĩ này, cũng có cái hay nhưng lại khác. Hay và khác, như câu nhạc ở bên dưới vẫn tiếp-tục hát tiếng “yêu Em”, là những xưng hô mà đôi lúc bạn và tôi, ta cứ hát hoài hát mãi những lời ca như sau:

“Lúc gặp em lòng định nói rồi lại thôi,

Nhưng hồn tôi tựa trời giông đang nổi gió.

Tình nghệ sĩ là thắm cánh môi tươi,

Là gió cuốn mây trôi là thì thầm nói “yêu em”.

(Tuấn Khanh – bđd)

Với Đức Tổng thuộc Giáo-hội “đàng ngoài” bên Anh Giáo, hoặc “đàng trong” bên Công giáo, thì việc trở về với giòng chảy “Lời Chúa” có nhận-định như sau:

“Tác-giả Paul Tillich có lần nói: “Kinh thánh là chủ-đề để ta diễn-nghĩa rồi chuyển-tải mà không một học-thuyết cũng như ngôn-sứ, linh-mục hoặc quyền-lực nào dám yêu cầu cấm vận không cho ai được tiếp-cận với Sách này hết! Đối với tôi, Sách thánh là Sách rất thâm-sâu/huyền-nhiệm chứa-đựng một thứ quyền-uy/sức mạnh rất lạ kỳ.

 Đã từ lâu, Sách này thuộc loại bán chạy nhất mỗi năm, kể từ ngày phát-hành đầu tiên. Không lạ gì, khi mọi người đều nhớ lại lúc nhà xuất bản Gutenberg làm cuộc cách-mạng đầu tiên ra mắt với thế-giới về in ấn, thì chính Sách thánh lại là ấn-phẩm đầu có được bản kẽm, mới sáng-chế.

 Thế-giới hôm nay, hoạ-hoằn lắm mới thấy có văn-chương/ngôn-ngữ hoặc thổ-ngữ nào không đem Sách này ra mà dịch-thuật cho con dân mình đọc. Truyện kể, lời lẽ và các câu văn trong Sách thánh lâu nay đã thẩm-nhập vào các nền văn-minh/văn-hoá khắp trần-gian, thậm chí còn thẩm-thấu đến tận đáy sâu của tiềm-thức của nhiều người.

 Ản-hưởng của Sách thánh cón đánh động nhiều vào các ngành nghệ-thuật văn-hoá của nhiều nước, đặc-biệt là nghệ-thuật phim-ảnh, còn gọi là “Nghệ-thuật thứ 7”, ở Âu Mỹ. Cụ-thể hơn, rất nhiều phim-bộ từng sử-dụng nội-dung hoặc truyện kể lấy từ Sách thánh làm đầu đề hoặc cốt truyện cũng như chủ-đề để mọi người suy nghĩ.

 Đặc-biệt như các bộ phim nổi tiếng thế giới, trong đó có phim “Hoa Huệ Ngoài Đồng” (rút từ trình-thuật Mát-thêu đoạn 6 câu 28), một bộ phim được sản-xuất vào năm 1968 đã giúp cho tài-tử Sidney Poitier đoạt giải Oscar về Tài-tử hay nhất. Phim “Thừa-Hưởng Từ Gió” rút từ sách Châm ngôn đoạn 11 câu 29) là bộ phim cổ-điển nói về cuộc kiện-tụng giữa Bang Tennessee chống lại John Thomas Scopes xảy ra vào năm 1925. Phim này do Spencer Tracy đóng vai Clarence Darrow và Frederic March thủ vai William Jenning Bryan.

 Và, bộ phim mang tự-đề là “Lờ mờ Trong Gương” (rút từ thư thứ nhất Côrinthô đoạn 13 câu 12), một tuyệt-phẩm tạo tên tuổi cho đạo-diễn Ingmar Bergman… Rồi cứ thế, lại có các phim nổi tiếng rút từ truyện Cựu-Ước như: 10 điều Giáo-lệnh, Samson và Đalilah, Đavít và Bétsêđa, Barabbas, và mới đây nhất là bộ phim kể tryện Thương Khó Đức Giêsu do Mel Gibson thực hiện…

 Lời lẽ cũng như tư-tưởng của Sách Thánh xưa nay từng giúp phong-phú-hoá các bài diễn-văn hoặc giảng-thuyết của nhiều đấng bậc vị-vọng. Có vị còn trích-dẫn cốt truyện hoặc câu nói của nhiều nhân-vật trong Sách thánh để diễn-giải mọi hành-xử khác nhau như dấu chỉ của sự an-bình, tự tại. Chí ít, còn gạn lọc và tẩy sạch nền văn-hoá của nhiều nước trong quá-trình hơn 2 ngàn năm nay.

 Ngay cả lịch-sử thế-giới ở Phương Tây vốn đa-dạng là thế, Sách Thánh vẫn để lại nhiều dấu vết của niềm đau, nỗi sợ và những vết đọng đầy những máu hoặc chết chóc; tức: những gì mà mọi người bình-thường không thể nào phản-bác, chối bỏ. Yếu-tố này, lại thường cho phép con người đi vào hệ-thống ý-thức thật rõ nét. Lời ở Sách thánh được nhiều người sử-dụng không chỉ với mục-đích giết-chóc ai khác, mà còn để biện-minh cho hành-tung chém giết lẫn nhau, nữa.

 Và, Sách Thánh vẫn không ngừng được cả những người từng cho rằng mình có niềm tin vào Lời của Chúa để o ép người khác, mà theo các kẻ tin này, thì họ là những người được định-nghĩa rất “trân-trọng” ở các trang giấy như đấng bậc linh-thiêng, thần-thánh…

 Nhưng, cuối cùng thì cũng có người đặt ra những thắc mắc, hỏi rằng: làm sao một cuốn Sách nổi tiếng là “thánh-thiện” được rất nhiều người ở trời Tây trân-quý đến như thế lại có thể là nguồn-gốc của rất nhiều chuyện tàn-ác, xấu-xa, được? Làm sao con người lại có thể sử-dụng Sách này để quay lòng vòng rồi đưa vào một kết-đoạn nào đó? Làm sao Sách Thánh như thế, một lần nữa, lại được coi như nguồn-gốc cuối cùng của sự sống? Hoặc, phải chăng cũng quá trễ, và Sách Thánh lại trở nên mờ-nhoè, lấm tâm nhiều vết nhơ, vết máu?” (X. TGm John S Spong, The Sins of Scripture, HarperCollinsPublisher 2005 tr ix-xvi)

Nhận-định của Đức “Tổng” thuộc Đạo Chúa ở Mỹ, thì như thế. Ca-từ nghệ-sĩ lại như sau:

“Một đời chờ mong nhau em ơi!

Tìm nhau cuối trời, gặp nhau giữa đời.

Này em! Hỡi em người yêu dấu.

Môi hồng tươi thắm biết đâu!

“Dành tặng mình anh”

(Tuấn Khanh – bđd)

Và, cứ thế bạn hoặc tôi, ta lại sẽ hát hoài/hát mãi những lời nối tiếp ở bài ca trên như sau:

“Có nhiều khi lòng quạnh vắng tựa mùa Đông.
Nhưng ngờ đâu một mùa Xuân đang triền tới.
Hồn chới với tình ngỡ đã chia phôi.
Chợt bỗng ngát lên ngôi và đường đời bước chung đôi.”

(Tuấn Khanh – bđd)

Với nhà Đạo, hỏi rằng: có tiếng hát nào như thế không? Thì, có lẽ sẽ có vị cho rằng: trả lời câu này không quan-trọng bằng đặt câu hỏi: hát bằng tiếng/giọng trổi-trang cả những điều thiên-hạ từng nghe và từng hát mãi. Duy có điều, là: nhiều vị vẫn không dám nói hoặc cãi lại chỉ vì lý-do nào đó, như lập-trường của đấng bậc khác, nói về Kinh Sách rất như sau:

“Nhà văn Leon Tolstoy bắt đầu học hỏi Kinh Thánh là từ năm 1879. Lúc đầu, ông nghĩ rằng làm thế chỉ để rọi sáng tâm-thân mình, thôi. Về sau, ông lại triển-khai tâm-tình mình tìm gặp vào những tháng ngày sau khi có dự-định án dịch lại cả 4 sách Tin Mừng và tổng-hợp vào chung một truyện kể, thôi. Công việc này khiến ông mất đến ba năm, nhưng đã biến-đổi con người ông rất nhiều. Về sau, ông gọi đó là “thời tập-trung cô-đọng” và là thời-khắc ông chú-tâm vào các nỗ-lực say mê chuyện tâm-linh, thần-hồn. Nếu sử-dụng ngôn-từ của Sofia Andreyevna, là vợ hiền yêu quí của ông, thì: đây là lúc khiến cho Tolstoy trầm-tĩnh, tập-trung im ắng hơn bao giờ hết.

 Mục-đích của Tolstoy khi ông điều-nghiên Tin Mừng của Đạo Chúa là cốt tìm gặp lại giáo-huấn thanh-khiết hữu-dụng của Đức Kitô, hầu giải-phóng nó khỏi lớp rỉ sét ở ngôn-từ nghi-thức với Kinh sách, để rồi bỏ đi phần tín-lý đầy giáo-điều và tính siêu-nhiên mà Giáo-hội gán-ghép vào đó. Để minh-hoạ phương-án rất riêng-tây này, bạn hiền Ivakin của ông nhớ đến lời lẽ ông từng bảo: “Việc Đức Kitô sống lại đã có ý-nghĩa gì đối với tôi không? Nếu Ngài sống lại thật, thì Thiên-Chúa sẽ chúc phúc Ngài. Vấn-đề quan-trọng với tôi, là: Tôi sẽ làm gì đây? Tôi phải sống thế nào chứ?”

 Dự-án do ông tạo cho chính mình, thật ra là đường-hướng triển-khải tâm-linh của chính ông. Điều đó, xem ra đã củng-cố kết-tinh với một thắng-lợi ông cảm nhận được khi tìm cách phiên-dịch 10 câu đầu trong Tin Mừng của tác-giả Gioan, qua đó ông thấy gần-gũi thiết-thân với câu nói ở “Lời Tựa” khi tác-giả viết: “Lúc Khởi-đầu đã có Lời” và câu tiếp theo lại nhấn mạnh rằng: “Mọi sự đã nhờ Ngài mà thành sự và không có Ngài thì không gì thành sự. Điều đã thành sự nơi Ngài là Sự Sống và sự Sống là sự Sáng cho nhân-loại.”(Ga 1: 1, 3-4)

 Và, tác-giả Leon Tolstoy thấy việc ông sử-dụng “kiến-thức về sự sống” là do “Lời”, được xác-chứng theo triết-lý và khởi-đầu này, đã làm cho dự-án của ông nên tiêu-biểu. Ông đã quảng-diễn ngôn-ngữ ấy, gột bỏ đi một số ngôn-từ khỏi những điều mà Giáo-hội ta xưa nay hàm-ẩn, cốt để bộc-lộ một bản văn thích-hợp với sự-thật linh-đạo cho sâu-sắc hơn và ông thấy mình phát-hiện được điều này trong quá-trình học-hỏi Tin Mừng, cho riêng mình.

 Đặc-biệt hơn, ông lại diễn-ý các truyện kể Kinh thánh nói về việc Đức Giêsu từng làm nhiều sự lạ lùng. Với tác-giả Leon Tolstoy, việc nhân rộng cá và bánh trở-thành bài học sẻ-san mọi thứ cho cộng-đoàn; bởi những người theo chân Đức Giêsu đều học được cung-cách “cho đi” thức ăn, của cải và tiền bạc mình kiếm được.

 Và, truyện kể về người mù được sáng mắt, là ẩn-dụ nhẹ trong đó việc tái-tạo thị-kiến phải hiểu như một thứ “soi sáng tâm-linh”. Và, việc Đức Giêsu chịu cám dỗ thời mới sớm ở hoang-địa mang ý-nghĩa đối-thoại với chính Ngài, kiểu Socrates…” (X. Leon Tolstoy, The Life of Jesus: The Gospel in Brief, Harper Perennial 2011 tr. viii-ix)

 Tìm gặp sự thật ở dụ-ngôn/truyện kể hoặc nơi lời nói cũng như hành-xử của Đức Giêsu, là tìm và gặp bài học vô giá được tác-giả Leon Tolstoy khẳng-định khi ông nói về ẩn-dụ hoặc các sự lạ theo nghĩa bóng chứ không theo nghĩa đen tuyền, u-ám. Thế nên, từ đó ta có quyết-tâm sống Đạo ở đời. Tìm và gặp tư-tưởng làm nền, nơi thi-ca/văn-nghệ mà nghệ-sĩ xưa từng sáng-tác:

“Một đời chờ mong nhau em ơi.

Tìm nhau cuối trời, gặp nhau giữa đời.

Này em! Hỡi em người yêu dấu.

Môi hồng tươi thắm biết đâu!

“Dành tặng mình anh.”

 Có nhiều khi lòng quạnh vắng tựa mùa Đông.
Nhưng ngờ đâu một mùa Xuân đang triền tới.
Hồn chới với tình ngỡ đã chia phôi.
Chợt bỗng ngát lên ngôi

và đường đời bước chung đôi.”

(Tuấn Khanh – bđd)

 Cuối cùng thì, “Đường đời bước chung đôi” còn là ý/lời ở mọi nơi, mọi thời, người người đều muốn sống. Diễn-tả ý-tưởng này bằng thơ-văn/nhận-định và cuộc chuyện trò giữa thày/trò còn như câu truyện kể nhè nhẹ ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Một bữa nọ, hai thầy trò cao tăng ngồi nói chuyện với nhau:

Đệ tử: Thưa thầy, đạo Phật khuyên người ta buông bỏ mọi thứ đúng không?

Sư phụ: Không đúng!

Đệ tử: Rõ ràng có câu “buông bỏ tất cả” đấy thôi?

Sư phụ: “Buông bỏ tất cả” để làm gì?

Đệ tử: Đúng thế, đệ tử cũng thấy rất nghi ngờ! Đệ tử thấy Phật giáo luôn nhìn vấn đề tiêu cực. Nhiều người hỏi đệ tử: “Nếu mọi sự đều buông bỏ thì lấy đâu ra tiền? Quần áo? Mọi người đều không làm việc thì thế giới này sao có thể tồn tại?”

Sư phụ: Mọi sự buông bỏ thì dẫn đến sụp đổ, cái gì cũng không buông bỏ thì cũng dẫn đến sụp đổ.

Đệ tử: Như vậy phải làm thế nào?

Sư phụ: Thay thế và hoán đổi!

Đệ tử: Nhờ thầy chỉ rõ cho con!

Sư phụ: Con có thể kêu một người ăn mày cam tâm cho con số tiền đang nắm chặt trong tay họ không?

Đệ tử: Không thể được.

Sư phụ: Con có thể dùng hòn sỏi đổi lấy số tiền trong tay người ăn mày không?

Đệ tử: Con nghĩ không được.

Sư phụ: Tại sao?

Đệ tử: Vì tiền đáng giá hơn.

Sư phụ: Vậy nếu dùng vàng để đổi thì sao?

Đệ tử: Vậy thì được.

Sư phụ: Tại sao?

Đệ tử: Vì vàng đáng giá hơn.

Sư phụ: Vì thế, cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán đổi. Nguyên nhân khiến người ta không buông bỏ là vì không giành được thứ tốt hơn. Dùng thức ăn chay thay cho thức ăn mặn, con sẽ buông bỏ được con dao mổ; dùng bố thí thay cho giành giật, con sẽ buông bỏ được lòng tham; dùng tín ngưỡng thay cho hư vô, con sẽ buông bỏ được nỗi trống rỗng; dùng trí tuệ thay cho ngu dốt, con sẽ buông bỏ được cố chấp; dùng chính niệm thay cho tạp niệm, con sẽ buông bỏ được ngông cuồng; dùng nhẫn nại thay cho báo thù, con sẽ buông bỏ được giận dữ; dùng yêu thương thay cho tham lam, con sẽ buông bỏ được đau tim. Tu hành không phải là buông bỏ, mà là để hiểu lẽ hoán đổi.” (Theo SecretChina Tinh Vệ biên dịch)

             Theo dõi truyện kể nhẹ đầy nhận-thức sâu-xa rồi, tưởng cũng nên ghi thêm đôi lời khuyên-răn vàng ngọc từ bậc thánh-hiền, sau đây:

“Hãy chuyên-cần đọc Sách Thánh

trong các buổi họp,

chuyên-cần khuyên-nhủ và dạy dỗ.

Đừng thờ ơ với đặc-sủng đang có nơi anh,

đặc-sủng Thiên Chúa đã ban cho anh

nhờ lời ngôn sứ,

khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh.

Anh hãy tha thiết với những điều đó,

chuyên chú vào đó,

để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.

Anh hãy thận trọng trong cách ăn, nết ở

và trong lời giảng dạy.

Hãy kiên trì trong việc đó.

Vì làm như vậy,

anh sẽ cứu được chính mình,

lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.”

            (1 Timôthê 5: 13-16)

Tiếp-cận Lời Vàng đều-đặn, bạn và tôi cũng sẽ gặp toàn chuyện vui, trong đời. Rồi từ đó, sống Đạo cách đích-thực qua ẩn-dụ ghi ở Kinh Sách. Dù, mặt ngoài cuộc đời, người người đều đã và đang tiếp-cận với thực-tế ngang qua mọi chuyện.

Chuyện gì thì chuyện, dù tốt/xấu, hay ho hoặc đáng chán, cũng là thực-tế đời người có buồn/vui lẫn lộn.

Kể gì thì kể, tưởng cũng nên kể thêm một truyện kể ngăn ngắn để kết thúc buổi luận/phiếm đường dài “hôm nay” bằng đôi giòng kể ngắn như sau:

“Có một người nông dân muốn mua đất, ông ta nghe nói một người ở vùng khác có đất muốn bán, liền quyết định đến đó hỏi thăm. Người bán đất nói với ông ta rằng: “Chỉ cần giao một nghìn lạng bạc, ta sẽ cho ông thời gian một ngày, bắt đầu tính từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn xuống núi, ông có thể dùng bước chân khoanh tròn được bao nhiêu đất, thì số đất đó sẽ chính là của ông, nhưng nếu ông không trở về nơi khởi điểm, thì ngay cả một tấc đất ông cũng sẽ không có được”.

 Người nông dân đó nghĩ thầm: “Nếu như hôm nay ta vất vả một chút, đi nhiều đường hơn một chút, thì chẳng phải có thể đi được vòng rất lớn, theo đó sẽ có được một mảnh đất rất lớn hay sao? Làm ăn như vậy quả thật là rất có lợi!”. Thế là ông ta liền ký kết giao ước cùng người chủ đất đó.

 Mặt trời vừa mới nhô lên, ông ta liền cất bước thật dài đi nhanh về phía trước; đến giữa trưa, bước chân của ông vẫn không dừng lại giây phút nào, cứ mãi đi về phía trước, trong lòng nghĩ: “Hãy ráng chịu đựng một hôm nay, sau này sẽ có thể hưởng thụ hồi báo của vất vả hôm nay mang đến rồi”.

 Ông ta cứ thế tiếp tục đi về phía trước, đến khi mặt trời sắp lặn rồi mới chịu quay trở về, trong lòng vô cùng lo lắng, bởi vì nếu như không về kịp thì một tấc đất cũng chẳng có. Thế là ông ta vội vàng trở về theo đường tắt. Tuy nhiên, mặt trời sắp xuống núi, ông ta đành phải liều mạng mà chạy, cuối cùng chỉ còn thiếu vài bước thì đến vạch khởi điểm, nhưng sức lực đã cạn kiệt, ông ngã nhào xuống nơi đó.”

Và,người kể lại có thêm lời bàn, rất nhận-định, rằng:

 Dục vọng của con người và ranh giới với hiện thực mãi mãi cũng không cách nào vượt qua được, bởi lòng tham là vô đáy. Con người mãi mãi không biết thỏa mãn, đây chính là khuyết điểm lớn nhất trong nhân cách.

Kể và bàn như thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ hướng về phía trước hăng say hát nhạc Việt mình, dù đôi lúc thấy nó cũng lạ nhưng vẫn hát. Hát lên rằng:

“Mỗi lần em về là gió lộng đường đi,
Anh nhìn em bồi hồi trông theo tà áo.
Nhẹ gót thắm vào mãi đáy tim tôi.
Từ đó nhớ khôn nguôi và chiều chiều thấy đơn côi.

 Lúc gặp em lòng định nói rồi lại thôi,

Nhưng hồn tôi tựa trời giông đang nổi gió.

Tình nghệ sĩ là thắm cánh môi tươi,

Là gió cuốn mây trôi là thì thầm nói “yêu em”.

(Tuấn Khanh – Từ Đó Khôn Nguôi)

 Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn nghĩ rằng

Tiếng hát hay nhất đời

Là nói tiếng “Yêu Em”

Dù Em đây có là nhà Đạo

Hay trường đời. 

Miễn tội, em đừng bỏ phế Vua

 “Miễn tội, em đừng bỏ phế Vua”

(Dẫn từ thơ Hà Huyền Chi)

Mai Tá lược dịch

Đức Piô XI thiết lập lễ Kitô Vua, khởi đầu năm thánh 1925. Đại lễ bắt nguồn gần nửa thế kỷ trước, hồi thập niên 1880, khi mà nhiều Giám mục ở Châu Âu lo âu thấy rõ phong trào tục-hoá nhà Đạo đã nổi lên. May thay, trào lưu phàm tục này đã không lập lại vào các thế kỷ về sau.

Ưu tư lo lắng của các giám mục thời bấy giờ, là: sao ta lại để cho quyền hành trần thế ngày một lấn lướt, tạo thế “hơn hẳn”, chống trả thần quyền, đến như thế? Đặc biệt hơn, các Giám mục ở Pháp và Ý đã ý thức được tầm quan trọng cần thờ kính Đức Giêsu Kitô Vua-Cha của vũ trụ. Và, lòng sùng kính Đức Kitô-Vua từ đó phát triển mạnh, mãi đến hôm nay.

Năm 1922, Đại Hội Thánh Thể ở Rôma, có 69 vị Hồng-y Giáo-chủ đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng hãy cho phép thiết lập đại lễ mừng kính Vua Cha Cao Cả, cho mọi người. Suốt ba năm, đền Vatican tràn ngập những thỉnh nguyện thư, cùng đòi hỏi Giáo hội phải làm việc gì để mừng kính Đức Kitô Vua. Vua trần gian. Vũ trụ. Loài người. Và chung cuộc, thì lễ Đức Kitô Vua đã thành hình và tiếp tục đến ngày hôm nay.

Với Tân Ước, dù Chúa nói đến Vương Quốc Nước Trời, dù Ngài có được tung hô vạn tuế như Vị Vua Cao Cả, Đức Giêsu vẫn quả quyết: Vương quyền của Ngài hoàn toàn khác biệt vương triều của vua chúa trần gian như César, Hêrôđê, hoặc cả đến Đavít, và các Vua Do-thái nữa. Với tín hữu tiên khởi, người người thấm nhuần, ghi tạc tình Vua Tình Yêu chẳng bao giờ thiếu.

Trước năm 324, có rất ít tác phẩm nghệ thuật cũng như văn-bản sử-liệu trình bày Đức Giê-su như vị Vua Cha Cao Cả. Năm đó, hoàng đế Constantine vừa tham gia cộng đoàn dự tòng, đã biến Đạo Chúa thành Đạo uy phong lẫm liệt cho Đế quốc ông trị vì, để tỏ bày lòng yêu thương đức Vua, như một người Cha.

Cũng từ đó, nghệ thuật trong nhà Đạo đã xuất tác các tượng hình, ảnh mẫu diễn tả Đức Giê-su mặc long bào phẩm phục của Vua Chúa, tay cầm quả cầu, tượng trưng cho Vua Trái Đất. Vua Hoàn Cầu.

Thế đứng của Đức Kitô-Vua trông uy nghi, tráng lệ. Và, Đức Maria, Mẹ Ngài cũng trở thành Nữ Vương Thiên Đàng, đầy tình yêu thương của Mẫu Hậu. Điều này cũng dễ hiểu. Chí ít, là vào thời mà con dân Đạo Chúa bị triền miên bách hại, trong nhiều tháng. Từ đó, Đạo Chúa tôn kính Đức Kitô-Vua đã trở thành sức mạnh uy phong, tồn tại cùng với nhân gian, ở trần thế.

Có thể coi đây là thành công lớn của thần quyền, có dân gian. Tuy nhiên, dân gian phàm trần vẫn cần đề cập nhiều đến không gian thần thánh, cao cả hơn. Chốn không gian biểu lộ tính chân phương đích thực của Đức Kitô, Vua Vũ Trụ. Vua oai phong. Hiền từ. Nhân hậu.

Từng thế kỷ và thế kỷ, trôi qua. Cả đế quốc hùng mạnh của Constantine, cũng không tồn tại. Nhưng, các đặc trưng/đặc thù thời vua chúa nơi nhà Đạo, vẫn ở lại mãi với ngôn ngữ và phong cách của Giáo hội, rất hôm nay. Cần thí dụ, ta có thể dẫn chứng khi nói về nơi ăn chốn ở của các vị Giáo hoàng, các Giám mục mà ta có thói quen đặt cho cái tên như “dinh”, như “toà”. Và, phẩm phục đại lễ của các ngài, vẫn mang dáng dấp áo mũ/cân đai rất long trọng. Đắt tiền.

Vấn đề còn lại, là: các tài sản và báu vật lịch sử ấy, đã phần nào đối chọi và mâu thuẫn với điều mà Đức Chúa nói về Ngài. Về phong cách của vị Vua Cha vẫn trị vì cả và thế gian. Nói cho cùng, tính chất vua quan, lãnh chúa của Ngài, đã được ghi vào khuôn khổ của trình thuật Thương khó. Rất thống khổ.

Phúc âm thánh Gio-an hôm nay, được rút từ văn bản nổi tiếng của Tân Ước, trong đó có quả quyết của Chúa về tính Vua-Cha, đối với thần dân, ở cõi thế: “Ngài tự nói điều ấy. Chính ngài nói Tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi”.

Với thế giới hôm nay, số vua quan nữ hoàng dám nói điều đó với dân đen/quần thần, quả rất ít. Tệ hơn, chẳng vua quan nào yêu dân đến độ sẵn sàng hy sinh cho họ. Chết cho họ. Ngược giòng lịch sử, ta hiểu rằng: khi sự thật về tình yêu Vua-Cha hy sinh như thế, đều mang sắc màu của một Thương Khó. Và, đây mới là sự thật về tính chất vua chúa/quan quyền mà trần gian không thể thấy.

Vua quan/lãnh chúa ở trần gian, bao giờ cũng thấy khó có thể hy sinh, cho một ai. Càng khó hơn, khi họ phải thương yêu thần dân của mình đến độ hy sinh mạng sống của riêng mình, cho dân đen. Nhưng với Đức Kitô, qua tư cách Vua-Cha của mình, Ngài giàu lòng thương mến. Chẳng gây thương tổn, cũng chẳng làm hại bất cứ người nào trong dân mình. Là Vua-Cha vũ trụ, Ngài không đầu hàng thoái thác trước thương đau. Nhưng, vẫn rao truyền tình thương, bất chấp khó khăn. Ngài khuyên răn, bảo vệ thần dân của Ngài. Vẫn luôn mãi.

Là Vua Tình Yêu, luôn chấp nhận những thương cùng khó, Đức Kitô-Vua chẳng bao giờ bỏ mặc dân con chốn điêu tàn lẻ loi, đầy chết chóc. Vua Kitô vẫn bộc lộ lòng thủy chung rất mực của Vua Tình yêu. Vẫn một mực thương yêu trung thành với dân Ngài, cho đến chết. Và, lại là cái chết nhục nhã như tên trộm. Thua kém cả dân đen, hèn hạ.

Theo gương Ngài, ta chớ để quyền uy, sức mạnh của trần thế uy hiếp, dẫn dụ. Chớ nên để mắt mình mờ loà trước mọi hào nhoáng chóng qua, của tiền tài vật chất, khó chối từ. Theo gương Ngài, ta chớ dại mà dấn thân đeo đuổi những mồi chài lợi lộc cùng quyền uy của vua quan/thủ lĩnh nơi gian trần, đang lôi cuốn.

Trái lại, hãy ngước mắt lên mà hướng thượng. Hướng về Đức Kitô, vị Vua-Cha nhân hiền hằng thương yêu dân của mình, hơn mọi hoàng gia/lãnh chúa, chốn nợ đời. Bởi, chỉ mình Đức Kitô-Vua mới dám nói về Sự thật, với lòng thương yêu, trìu mến. Ngài không chỉ nói bằng lời, mà còn nói bằng việc chấp nhận bỏ mình để chứng minh cho sự thật Tình yêu, Ngài phú ban.

Đó là Sự thật rất khách quan. Sự thật, đến với mọi người, nơi trần thế. Sự thật, gửi đến với thần dân, Hội thánh. Sự thật về lòng thương yêu không bến bờ. Yêu thương mọi người. Yêu cả dân đen yếu hèn, hạ cấp. Yêu đến độ bỏ thân mình vì người mình yêu mến. Bỏ áo mão cân đai tài sản, triều đình. Bỏ, để chung sống vực dậy thần dân yếu hèn, đối tượng của tình Vua-Cha.

Trong tinh-thần cảm nghiệm về ý-nghĩa của Vua/Cha, ta ngâm lại lời thơ Vua, rằng:

“Miễn tội, em đừng bỏ phế Vua,

Trẫm muốn tru-di đám ngoại thần.

Cô, dì tỷ, muội chẳng can-ngăn,

Nơi nào em tối niêm phong hết,

Cho hả lòng đây nhớ ái-tình. Hà Huyền Chi- Bỏ Phế Vua)

 Không bỏ phế, nhưng vẫn tôn-trọng và phò Vua Kitô, chủ-tể vũ-trụ. Không bỏ phế, nhưng vẫn tuân-thủ lời khuyên dạy Ngài, chỉ-thị để sống với mọi vua/quan lãnh chúa hết người. Ở đời.

Lm Richard Leonard sj biên soạn   

Mai Tá lược dịch

Tin Mừng (Ga 18: 33b-37)

Khi ấy, quan Philatô nói với Đức Giêsu rằng: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Philatô trả lời:”Tôi là người Do-thái sao?Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giêsu trả lời:“Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi:“Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua.Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật.Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

CHÚA CÓ VUI KHÔNG ?

CHÚA CÓ VUI KHÔNG ?

Tri’ch EPHATA 666

Lại một lần nữa Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Người “dốt Toán”, theo cách nói của cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Hai đồng xèng trị giá phần tư xu lại nhiều hơn những đồng vàng rủng rẻng ! Cũng may là Chúa Giêsu đã kịp “giải” ngay cho ta “thích” chứ không lại có lắm kẻ bực bội: “Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình” ( Mc 12, 44 ). Sao không bực bội cho được khi thấy những đồng vàng sáng loáng của mình bỗng dưng trở nên vô hiệu trước hai đồng xu hoen gỉ ?

Có một lần đi ăn cưới ở xa, sáng vào quán cà-phê, tôi vô tình nghe lóm được câu chuyện ở một giáo xứ nọ qua đối thoại của hai ông bàn bên cạnh:

Vì là sáng Chúa Nhật sau khi tan lễ Nhất nên quán hơi đông. Một ông sơ mi trắng đóng thùng, cà vạt tươm tất bước vào ngó dáo dác tìm bàn trống thì vừa hay có một ông tóc tai bờm xờm, áo quần bụi bặm đứng dậy bắt tay đón chào:

  • Chúc mừng bác, Giáng Sinh năm nay hoành tráng quá !
  • Cám ơn bác, cũng phải đổi mới lên chứ. Ban Hành Giáo mới mà ! Chẳng lẽ cứ “bổn cũ soạn lại” ?
  • Ai cũng khen năm nay đèn màu nhiều nên rực rỡ, hang đá lộng lẫy như cung điện, diễn viên tuồng trang phục rất đẹp !…
  • Bác nói lạ ! Diễn nguyện chứ sao gọi là diễn viên tuồng ?
  • Ừ, thì tôi nghe người ta nói sao tôi thuật lại vậy đó mà !
  • Rõ là miệng thế gian ! Mọi năm cứ mượn vải về vấn lên, trông luộm thuộm quá ! Năm nay tôi mạnh tay chi tiền để thuê trang phục văn nghệ đó !
  • Ra thế ! Giờ tôi mới hiểu sao họ lại gọi là “diễn viên tuồng”, cũng có nguyên cớ cả. À, mà cái dzụ Thiệp Giáng Sinh cũng là ý của bác đó à ?
  • Ừ, mà sao ?
  • Hay ! Độc đáo ! Cái thiệp lãng mạn bỗng gánh thêm “thiên chức” quyên tiền. Nhất cử lưỡng tiện. Không nơi nào trên thế giới có được ! Sang năm, tôi phải xin vài cái để gửi cho vợ con…
  • Ủa, vợ con bác ở cả đây mà gửi thiệp làm gì ?
  • Thì… Giáo Dân cũng ở cả đây và Ban Hành Giáo lẫn Cha Sở có thể mừng Giáng Sinh trực tiếp, nóng hổi đó thôi. Nhưng tôi khoái nhất là cái câu… phụ đề ghi trong thiệp: “Sự quảng đại của quý vị là niềm vinh hạnh cho chúng tôi”. Hy vọng bà xã tôi cũng bắt chước mấy bà góa trong giáo khu mạnh tay chi cho tôi chút đỉnh vui chơi Giáng Sinh !
  • Mấy bà góa nào ?
  • Thì… mấy bà bó chổi, chằm nón… ngày kiếm vài ba chục. Mấy năm trước chỉ bỏ năm, mười ngàn vô thùng tiền Giáng Sinh, tự nhiên năm nay thấy cái thiệp Giáng Sinh ghi đích danh mình nên phát hoảng. Chạy sang nhà tôi vay một trăm để bỏ vô cho “dễ coi”. Tôi mới cho hai bà vay là… đứt chớn ! Mấy bà sau tôi chỉ qua nhà Tám thợ mộc.
  • Góp nhiều thì công đức nhiều chứ có ai ăn của mấy bả đâu ! Danh sách thu lẫn các khoản chi đều được thông báo công khai hết mà !
  • Ừa, thì chính cái dzụ “công khai” đó mà mấy bả mới… tái mặt !
  • Chúng tôi làm vì Giáo Xứ chứ có phải làm cho chúng tôi đâu ?
  • Ừ, thì làm cho Giáo Xứ ! Nhưng có bao giờ Giáo Xứ khen các bà góa như Chúa Giêsu đã làm, hay chỉ khen các bác giỏi vận động quyên góp, có óc tổ chức, thanh liêm, chính trực… Trước khi làm việc gì, các bác có khi nào tự hỏi thầm rằng: “Chúa có vui không ?”

Đoạn đối thoại đến đây là chấm dứt vì ông “cà-vạt” đã vội đứng lên trả tiền sau khi uống ly cà-phê… không đường. Ly cà-phê sữa ông gọi vẫn còn nguyên trên bàn !

Ngay từ thuở bình minh của Giáo Hội Công Giáo, các tín hữu đã theo gương Chúa mà luôn chăm sóc cho các góa phụ: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên” ( Cv 6, 1 ). Tôi cứ tưởng ngày nay trong Giáo Hội chẳng còn chuyện “nuốt tài sản của các bà góa” vì chẳng ai nỡ “ăn” đồng tiền đó. Không, tôi đã lầm ! Không ai “ăn” nhưng người ta dùng tiền của các bà góa để làm vinh danh mình. Bà góa hôm nay còn “thê thảm” hơn bà góa ngày xưa vì bà không chỉ bỏ tất cả những gì mình có mà còn cả những thứ phải đi vay mượn ! Chúa có vui không ?

Có lúc chính tôi cũng đâm ganh tỵ với các bà góa vì các bà được Thiên Chúa quan tâm, ưu ái ngay từ trong Cựu Ước:

  • Anh ( em ) không được làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhi, không được giữ áo của người goá bụa làm đồ cầm ( Đnl 24, 17 ).
  • Khi anh ( em ) gặt lúa trong ruộng mình, mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại mà lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ; như vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh ( em ), sẽ chúc phúc cho anh ( em ) trong mọi việc tay anh (em) làm. ( Đnl 24, 19 ).

Nhiều khi tôi cũng đóng góp chút đỉnh nhưng cứ mặc cảm đó chỉ là của dư thừa… trước mặt Chúa ! Làm sao đây ?

Cho đến một hôm, tôi được rong ruổi đường trường cùng “ông thầy kinh điển” trên chiếc Honda cub màu da trâu 90 phân khối. Hai thầy trò ghé vào một quán ăn bên đường. Một bà lão chìa tay ra. Ông thầy kín đáo nhét vào đó 500 đồng ( có lẽ tương đương với 10 ngàn hiện nay ). Cơm nước xong, tôi móc gói thuốc ra mời thầy ( dạo đó thầy vẫn còn hút thuốc ). Thầy xua tay lắc đầu. “Lạ à nghen, mới hồi sáng hai thầy trò ngồi uống cà-phê còn ‘chơi’ hai điếu mà bây giờ cai rồi !” Biết tôi thắc mắc, ông thầy mới từ tốn: “Đã cho bà già 500 rồi còn hút thuốc nữa hả ? Vậy là cho của dư thừa rồi. Từ giờ tới tối mình còn phải nhịn ba điếu nữa mới đủ !”

Thì ra thế, tôi cho đi mà tôi chưa hy sinh. Tôi đóng góp mà tôi chưa từ bỏ. Chúa có vui không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết quan tâm chia sẻ với tha nhân và từ bỏ mình trong từng công việc, trong từng giây phút sống của đời mình. Nhờ đó, chúng con không bị lên án như những luật sĩ mà ngày càng trở nên giống bà góa được Chúa vinh danh. Amen.

Pio X LÊ HỒNG BẢO

PHÁN XÉT CHUNG

 PHÁN XÉT CHUNG 

Bấy giờ Con Người sẽ ngự đến, đầy uy nghi và cao cả.  Đó là một vài nét chấm phá về ngày phán xét chung, ngày Chúa ngự đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, ngày linh hồn chúng ta sẽ lộ hết chân tướng.

 Đúng thế, vào ngày lễ Giáng sinh năm 1541, người ta mở tấm màn che phủ bức tranh khổng lồ của Michelangelo.  Bức tranh về ngày phán xét chung.  Nếu được nhìn ngắm, hẳn chúng ta sẽ rùng mình khiếp hãi.  Khuôn mặt của Chúa Giêsu không còn là khuôn mặt của vị mục tử nhân lành, nhưng là khuôn mặt của một vị quan tòa oai nghiêm.  Trong bức tranh, có đến hơn 300 hình ảnh: nào là các thánh Tông đồ, nào là các thánh Tử đạo,nào các thánh Tiến sĩ, nào là các Đức Giáo hoàng, nào là những người giáo dân…  Theo tiếng kèn thiên sứ, những người chết chỗi dậy và ra khỏi mồ.  Cha mẹ âu yếm nhìn lại con cái của mình.  Bạn bè tay bắt mặt mừng.  Thế nhưng, trong ánh mắt của họ hiện rõ một sự lo âu sợ hại vì số phận đời đời sắp được ấn định.  Nhưng đó mới chỉ là một bức tranh do óc tưởng tượng của nhà nghệ sĩ.

Phan Xet Chung Nếu những điều Chúa tiên báo về số phận bi thảm của Giêrusalem đã được thực hiện vào năm 70, khi tướng Titus đem quân vây hãm và tàn phá, đến mỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, thì những lời Chúa nói trước về ngày tận thế chắc chắn cũng sẽ xảy ra.  Thế nhưng, có những người đã tự lừa dối mình khi nói: Thiên Chúa nhân lành, Ngài không nỡ trừng phạt chúng ta trong lửa đời đời.  Họ đã lầm.  Đúng thế, lòng nhân lành của Thiên Chúa không phải là một cái gì nhu nhược và yếu đuối và bản thân Ngài cũng không phải là kẻ thiếu khả năng, không thực hiện được những ý định của mình.  Mặc dù là một người cha giàu lòng thương xót, nhưng Ngài vẫn là một vị thẩm phán công bằng, trừng trị những kẻ phản bội Ngài bằng án phạt hỏa ngục muôn kiếp.

Trong khi tạc một một bức tượng, nhà nghệ sĩ thường dùng màn để che phủ, nhưng lúc đã tạc xong, ông ta sẽ vén bức màn đó lên để mọi người chiêm ngắm.  Trong ngày phán xét chung cũng vậy, bức màn che dấu cuộc đời chúng ta cũng sẽ được vén lên và lúc đó câu hỏi duy nhất được đặt ra cho mỗi người, đó là hình ảnh Thiên Chúa có rõ ràng và sáng chói trong tâm hồn chúng ta hay không?  Trong cuộc sống trần gian, chúng ta đã dùng áo quần và son phấn cũng như địa vị xã hội để che dấu con người thực sự và ngay cả những người bạn thân thiết nhất cũng không thể nào nhìn thấy khuôn mặt thật của chúng ta.  Nhưng khi giờ phán xét đến, tất cả bức màn ấy sẽ bị rơi xuống, để chúng ta hiện nguyên hình trước tôn nhan Thiên Chúa.  Mọi tư tưởng, mọi lời nói và mọi việc làm của chúng ta, dù thầm kín nhất cũng sẽ bị phơi bày dưới ánh sáng của Thiên Chúa.  Chúng ta không thể nào chạy tội hay chối cãi được nữa.  Đó là một giây phút quyết liệt, giây phút đứng trước tòa án tối cao của Thiên Chúa, Ngài sẽ không hỏi chúng ta đã sống được bao nhiêu năm, nhưng sẽ hỏi chúng ta đã sống như thế nào?

Lúc bấy giờ sứ thần Chúa sẽ mở cuốn sổ cuộc đời chúng ta.  Bao nhiêu ngày là bấy nhiêu trang. Đây là những ngày chúng ta còn thơ ấu với những trang được viết bằng nét chữ vàng ghi nhận những giờ kinh sốt sắng, những lần rước lễ thật trang nghiêm và những tâm tình sám hối ăn năm.  Sứ thần Chúa tiếp tục mở những trang kế tiếp.  Không một tư tưởng, không một lời nói cũng như không một việc làm nào bị quên sót.  Tất cả những việc tốt cũng như những việc xấu.

Nhưng rồi nét mặt của vị sứ thần Chúa bắt đầu buồn bã và chúng ta lo sợ.  Trên những trang giấy ấy, đã xuất hiện những vết đen đầu tiên, đó là những lầm lỗi của chúng ta.  Tiếp đến là một trang đen kín, đó là tội trọng đầu tiên chúng ta đã vấp phạm.  Rồi lại đến những trang đen kín khác và ngay cả trang cuối cùng cũng đen kín.  Sứ thần Chúa bỏ đi, nước mắt chan hòa và ma quỷ tiến đến.  Nó thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, là vị thẩm phán công minh.  Chính Chúa đã xuống thế làm người vì kẻ tội lỗi này.  Chính Chúa đã chịu lạnh rét nơi hang đá Bêlem cũng vì kẻ tội lỗi này.  Chính Chúa đã sống nghèo hèn suốt 30 năm cũng vì kẻ tội lỗi này.  Chính Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá cũng vì kẻ tội lỗi này.  Thế nhưng, kẻ tội lỗi này vẫn ngoan cố, không chịu phụng sự làm tôi Chúa, nhưng đã chạy theo tội lỗi.  Vậy xin Chúa phán quyết xem: hắn thuộc về Chúa hay là thuộc về tôi?

Bởi đó, hãy thuộc về Chúa trong giây phút hiện tại, để rồi chúng ta sẽ thuộc về Chúa mãi mãi trong cuộc sống vĩnh cửu, và chúng ta sẽ không còn lo sợ khi Chúa đển để xét xử chúng ta.

 Sưu tầm

QUẢNG ĐẠI VÀ TỰ DO

QUẢNG ĐẠI VÀ TỰ DO  

 LM Giuse Phạm Thanh Liêm

Người nghèo thường quảng đại và sẵn sàng quên mình để giúp đỡ người khác.  Họ tự do với bạc tiền danh lợi, nên có thể tin vào con người và sẵn sàng yêu thương phục vụ hơn.

Hãy coi chừng

Chúa Yêsu nói với mọi người: “hãy coi chừng” những ông kinh sư, họ thích mặc áo thụng xúng xính khác người, thích được chào hỏi, thích ngồi chỗ nhất, nhưng lại “nuốt” hết tài sản của các bà góa, lại còn giả bộ đọc kinh lâu giờ.

Không phải chỉ những ông kinh sư thời Đức Yêsu thích rồi làm như vậy, mà con người ngày nay cũng vậy nữa: cũng tham của người, ham danh hám lợi, và hay giả bộ “đạo đức”.  Nếu đạo đức thật, mà người ta thấy thì cũng tốt vì làm gương sáng; còn nếu không đạo đức mà lại làm như thể đạo đức, là giả hình.  Hãy coi chừng.

Nếu ai thích khen, người đó có thể bị điều khiển bằng lời khen; nếu ai tham của, người đó có thể bị mua chuộc bằng tiền của.  Người đó đang bị nô lệ, bị sai khiến bởi tiền bạc danh vọng chức quyền.  Người đó tưởng họ đang tự do, nhưng thực sự họ đang nô lệ và bị điều khiển mà họ không biết.  Hãy coi chừng.

Nếu bạn không nô lệ những điều đó, thì hạnh phúc biết bao!

QUANG DAINgười nghèo quảng đại

Tiên tri Elia trên đường lánh nạn đã được Chúa truyền đến sống nhờ một bà goá nghèo.  Cũng có thể nói bà goá nghèo và con bà sống nhờ tiên tri, vì chính nhờ tiên tri mà hũ bột không cạn và hũ dầu không vơi.   Đúng hơn Thiên Chúa thương cả tiên tri lẫn bà goá nghèo nên đã nuôi sống tất cả.

Bà goá chỉ còn một nhúm bột và một chút dầu, lượm củi làm cái bánh cuối cùng để “ăn rồi chết”, thế mà bà vẫn tin lời tiên tri, làm cho ông một cái bánh trước khi làm cho con bà và chính bà.  Cách hành xử của bà goá này rất đẹp.  Tôi có đơn sơ tin người và sẵn sàng giúp người như bà goá nghèo này không?  Thiên Chúa quá tuyệt.

Bà goá trong Tin Mừng được Đức Yêsu khen là quảng đại, dám dâng cúng tất cả những gì mình có.  Có người nói rằng: “vì bà goá chỉ có mấy xu nên dễ dàng để dâng cúng tất cả, còn nếu bà goá này thật giầu thì chắc bà chẳng dám bỏ tất cả đâu”!  Cũng có thể như vậy, nhưng “những người quảng đại” thường nghèo; có lẽ họ “hay cho” nên mới không giầu.  Bà goá đó không giầu được vì bà luôn cho tất cả, dù khi bà có hai xu hay có nhiều hơn hai xu, có lẽ chưa khi nào bà giữ cho mình được mười đồng vì bà vẫn cho những gì bà có.  Thiên Chúa cũng cho con người tất cả, ngay cả điều qúy nhất là Chúa Con và Thánh Thần.

Những người “ham tiền” thường ky cóp và không bỏ ra ngay cả một xu!

Người nghèo dễ tự do để chọn theo Thiên Chúa hơn

Có mấy người hiểu được hạnh phúc của người nghèo?  Có mấy người hiểu được người nghèo tự do đến mức nào?  Trong cuộc sống, bao nhiêu quyết định bị chi phối bởi sợ người này hay không dám làm mất lòng người kia, sợ người khác hiểu lầm mình, sợ người khác không còn đánh giá mình cao nữa, sợ người khác biết sự thật về mình.  Vì sợ nên không được tự do.

Xin Chúa cho con nghèo, để con không còn gì để phải sợ, để con chỉ còn biết sống theo Chúa theo sự thật, để chỉ bị tình yêu thương chi phối mà thôi.

 LM Giuse Phạm Thanh Liêm

NAY ANH MAI TÔI

NAY ANH MAI TÔI

LỄ CÁC LINH HỒN

Kn 3, 1-9; Rm 5, 5-11; Ga 6, 37-40

Tác giả:  Huệ Minh

Ngôi thánh đường nhỏ bé của giáo xứ tôi nằm cạnh nghĩa trang bé nhỏ của giáo xứ. Đứng bên đây thánh đường ngó bên kia thánh đường là những người thân thương trong giáo xứ đã ra đi trước chúng tôi. Không chỉ có nghĩa trang nhỏ bé này nhưng đâu đó ở các nghĩa trang và thậm chí đâu đó và tro cốt của ông bà cha mẹ của chúng ta vì có thể có những người xưa đã khuất nhưng không tìm thấy dấu vết bởi chiến chinh.

Nhìn những nấm mộ đó, nơi những người thân của ta nằm đó, ta lại nhớ đến phận người. Phận người vẫn không thể nào thoát khỏi cái định mệnh của kiếp người : sinh – lão – bệnh – tử. Phận người là thế đó như theo kiểu cách nói của cố nhạc sĩ họ Trịnh :

Con chim ở đậu cành tre,

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về trốn xa xăm cuối trời

Sương kia ở đậu miền xa

Con sáo ở trọ bao la đất trời

Nhân gian về trọ nhiều nơi

Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng

Mây kia ở đậu từng không

Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người

Tim em người trọ là tôi

Mai kia về trốn xa xôi cũng…gần

Mây kia ở đậu từng không

Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người

Môi xinh nở đậu người xinh

Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều

Xin cho về trọ gần nhau

Mai kia dù có ra sao cũng đành

Trăm năm ở đậu ngàn năm

Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn

Ơ hay là một vòng sinh

Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời

Phận người là thế, ở trọ để rồi cuộc đời khép lại sau cái chết.

Sau cái chết, tùy niềm tin của tôn giáo và gần hơn nữa là niềm tin của mỗi người khác nhau. Với niềm tin Kitô giáo thì cái chết chỉ là khép lại cuộc sống trần gian để bước vào vương quốc vĩnh cửu.

Với Trịnh Công Sơn thì : “Người chết nối linh thiêng vào đời”.

Không biết rõ tác giả định nói gì ? Chắc chắn phải có một ý nghĩa thâm sâu . Tuy không hiểu hết ý nghĩa của nó, nhưng nó giúp ta suy nghĩ : người chết nối linh thiêng vào đời vì thực tại cái chết là một thực tế đặt con người đứng trước một cái gì huyền bí, đáng sợ, và khi đứng trước thi hài người chết, ai ai cũng phải đối diện với cái ý nghĩ này : nay người, mai ta.  Và: nay tôi, mai anh.  Tôi chết, anh còn sống, nhưng còn sống đối với anh chỉ là “chưa chết”. Anh chỉ được “triển hạn”, chứ không bao giờ được “miễn trừ”.

Với những ý nghĩ như vậy mà chúng ta thường im lặng, trầm mặc đứng trước người chết, nhất là đứng trước thi hài một người thân yêu của mình.  Chúng ta im lặng, trầm mặc và buồn sầu, không chỉ vì người thân yêu không còn nữa, mà còn vì nghĩ đến cái chết  sẽ xẩy ra cho mình.  Người chết như mang theo phần nào chính chúng ta.  Trong người chết, nhất là những người ruột thịt máu mủ của chúng ta, một phần ruột thịt máu mủ của chúng ta đã ra đi.

“Người chết nối linh thiêng vào đời” là như vậy. Nghĩa là người chết đặt chúng ta đối diện với một thực tại khác, một thế giới của sự im lặng, huyền bí, một thế giới của sự tôn nghiêm, đáng kính, đáng sợ…  Vì sợ người chết,  sợ sự chết, nên người ta dù muốn hay không cũng phải nghĩ đến cái chết của mình, phải chuẩn bị cho cái chết không thể tránh được.

Có câu ngạn ngữ :”Cái chết ở trước mặt người già và sau lưng người trẻ”.  Đây là tâm lý chung cho mọi người vì người già dễ cảm thấy mình gần đất xa trời hơn người trẻ.

Tuy thế, nhiều khi người già cũng như người trẻ đều “tham sinh úy tử” nên ít khi nghĩ đến cái chết, nhưng khi thần chết đến thì người ta cảm thấy đã quá muộn. Vì thế, ông Henri Bordeaux nói : “Phần đông người ta chỉ mở mắt một lần, mà lần ấy lại là chính lúc tắt thở, nhưng người ta vội bóp mắt lại ngay”.

Đồng quan điểm với ông  Henri Bordeaux, ông John C. Collins nói : “Người chết mở mắt cho người sống”,  cũng có nghĩa là người sống bóp mắt người chết.

Ông Stephen Leacock nói : “Lạ lùng thay cái chuỗi đời người : còn nhỏ thì ước được lớn lên. Lớn lên rồi, ước đến tuổi trưởng thành. Đến tuổi trưởng thành rồi, ước được một tổ ấm.  Được tổ ấm rồi, ước làm ông nội nghỉ ngơi.  Được nghỉ ngơi rồi lại nuối tiếc  quãng đời quá khứ và cảm thấy một luồng gió lạnh đang rì rầm thổi tới.  Nhưng khi ý thức được rằng đời sống chính là ở hiện tại, ở trong ngày hôm nay, thì đã quá muộn rồi”.

Khi ta nhìn thấy những nấm mồ ở nghĩa trang như muốn nhắc nhở ta : hôm nay phiên tôi, ngày mai đến phiên anh.  “Hôm nay” là một ngày nhất định, rõ ràng, tại đây và lúc này, ai cũng phải công nhận rằng người thân yêu của chúng ta đã ra đi về đời sau, và lát nữa sẽ được chôn vùi trong lòng đất.

Nhưng còn chữ “Ngày mai” là một ngày bất định, mông lung, mờ mịt không biết bao giờ mới đến như người ta nói : “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” (Tục ngữ).  Đây là điều bắt buộc chúng ta phải động não vì nó liên quan đến số phận đời đời của chúng ta.

Theo tâm lý chung, người đời ai cũng “tham sinh úy tử” (ham sống sợ chết).  Người ta cũng nhận xét rằng : các cụ già thường sợ chết hơn các thanh thiếu niên.  Nhưng có một điều thực tế : không bao giờ người ta thấy mình sống lâu cả.  Dẫu đã tóc bạc da đồi mồi, đi không vững, đứng không ngay, cũng còn thấy  như mới bước chân vào đời ngày hôm qua vậy :

Nhớ từ năm trước vẫn thơ ngây,

Thoát chốc mà già đã tới ngay

(Nguyễn Khuyến)

Dù cuộc sống cứ mãi trôi nhưng rồi thi thoảng ta phải  dừng lại lại để bình tĩnh đứng ra ngoài cuộc đời bề bộn, ra ngoài cái Tôi chủ quan, mà quan sát và ý thức  nhận định một cách khách quan :

Tại sao tôi sống ?

Sống để làm gì ?

Chết rồi, ra sao ?

Phải tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Có người không biết tại sao mình sống, rồi sẽ ra sao !  Cho nên họ có cái nhìn bi quan về cuộc sống bởi vì họ không tìm ra được lẽ sống.

Lẽ sống của người Ki tô hữu ngày hôm nay được làm rõ trong tất cả các bài đọc. Với tất cả lẽ sống đó, niềm tin đó ta lại hân hoan sống trong trần gian này với niềm vui, với niềm tin và hy vọng một ngày kia ta cũng sẽ đoàn tụ với cha ông chúng ta trên thiên đàng nơi mà Chúa đã dọn sẵn cho những ai mà Thiên Chúa Cha trao cho Chúa Giêsu.

Cuộc đời này rất ngắn và rất vội, Giáo Hội dành ra tháng 11 này cách đặc biệt để ta có dịp báo hiếu, cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, những người đã khuất trước chúng ta. Và, cũng nhắc nhớ phận người của mỗi người chúng ta. Ngày nào đó, ta cũng phải trở về với tro bụi trong quy luật hạn hữu của con người nhưng chuyện cần thiết và quan trọng nhất là sống làm sao để mai ngày được ơn cứu độ.

Sống ở đời, giàu hay nghèo, sang hay hèn, đại gia hay tiểu gia không phải là vấn đề. Không phải là vấn đề bởi lẽ ta thấy dù giàu hay nghèo, sang hay hèn đó khi nhắm mắt lìa đời chỉ có vài mét đất như nhau mà thôi. Vì thế, chuyện cần và đủ cho cuộc đời của mỗi người đó là sau khi chết ta có được một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa hay không ?

Với phận con người mỏng dòn và yếu đuối để rồi ta lại cứ tiếp tục cầu nguyện. Cầu nguyện cho những người đã khuất và cầu nguyện cho chính bản thân chúng ta để ngày mỗi ngày ta biết trút bỏ những gì không là cần thiết, những gì làm vướng víu không để ta thanh thoát về với Chúa. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta tiếp tục tin tưởng, cầu nguyện và tín thác những người thân của ta trong tay Chúa cũng như cuộc đời của ta trong tay Chúa vậy.

Tác giả:  Huệ Minh

ĐỜI NGƯỜI CHIẾC LÁ

ĐỜI NGƯỜI CHIẾC LÁ

  LM Giuse Nguyễn Hữu An

Những ngày cuối tháng 10, Đất Thánh các Giáo xứ đông người đi tảo mộ.  Bên người thân yêu đang an nghỉ, con cháu, thân nhân thành kính đốt nến thắp nhang, hiệp thông cầu nguyện.

Mỗi chiều, tôi ra Đất Thánh của Giáo xứ cùng mọi người dọn dẹp cỏ rác, phát quang bụi rậm, sữa sang lễ đài, chuẩn bị cho ngày lễ các đẳng linh hồn.

Nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng khắp Nghĩa Trang, tôi nghĩ về mùa thu, nghĩ về đời người và chiếc lá.

Nhớ bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư:

Em nghe không mùa thu.

Lá thu rơi xào xạc.

Con nai vàng ngơ ngác.

Đạp trên lá vàng khô.

(Tiếng thu)

Màu vàng của lá, màu úa của cỏ, nắng nhạt gió chiều là hình ảnh đặc trưng của mùa thu.  Mùa “chịu tang” của những chiếc lá vàng.  Ngồi nhìn lá rơi, mỗi chiếc lá chọn cho mình một cách “chia tay.”  Có những chiếc lá ra đi trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng bịn rịn như thể không muốn lìa cành; có những chiếc lá “hấp hối” loạng choạng buông mình cách nặng nề nghiêng ngả trên mặt đất.  Lại có những chiếc lá ra đi cách nhẹ nhàng trong dáng điệu thướt tha buông mình theo gió.  Những chiếc lá khác không bàng hoàng hối hả mà chậm rãi, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể một bông hoa say trong giấc ngủ yên lành.  Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng xuống.  Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành.

Đời người có khác chi một chiếc lá cuối thu.  Có những người ra đi trong bấn loạn, hối tiếc, khổ đau, nặng nhọc.  Lại có người ra đi về với cội nguồn một cách thanh thản nhẹ nhàng thanh thản.  “Lá rụng về cội.”  Lá rơi bên gốc cây.  Lá chờ đợi một quá trình sinh học để trở thành dinh dưỡng nuôi cây.  Lá góp thân xác tàn úa để trả ơn cho cây.  Đời lá ngắn ngủi mà đầy ý nghĩa nhân sinh.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Kinh: “Có thời sinh ra, có thời chết đi” (Gv 3,2).  Mỗi loài thụ tạo đều có thời hạn của nó.  Đời người như chiếc lá mỏng manh, ngắn ngủi.  Chỗ dựa trần gian chẳng an toàn vững chắc. Tiền bạc vật chất, bằng cấp, kiến thức, chức quyền đều chóng tàn phai.  Sức khoẻ, sắc đẹp hao mòn rồi rệu rã theo tuổi đời năm tháng.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết.  Nó chẳng từ ai, chẳng thương tiếc ai.  Nó đến bất ngờ làm ta bang hoàng.  Phải bỏ lại tất cả mọi thứ ta gắn bó và gom góp suốt đời để ra đi với hai bàn tay trắng.  Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng.  Một chuyến đi quyết định và quan trọng.  Một chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.  Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, một chuyến đi nghỉ hè đôi ba ngày… tôi đã phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần ….  Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi?  Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Vịnh: “Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích” (Tv 102,15-16).  Dù văn minh đến dâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật.  Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu… ai ai rồi cũng phải chết.  Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng.  Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết.  Suy tư về cái chết là suy tư về sự sống.  Chết là một phần của sự sống bởi lẽ trong sự sống đã có sự chết.  Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng.  Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết.  Đó là định luật chung của con người.  Không ai có thể sống mãi mà không chết.  Các vua chúa ngày xưa đã cố công đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng chết.  Để sống cách trọn vẹn, phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.  Đời người ngắn ngủi như chiếc lá như lời Thánh Vịnh:

Đời con là một kiếp phù du,

Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.

Sống làm người ai không phải chết,

Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?

(Tv 88,48-49)

Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống.  Sống và chết là kỳ công và đều bởi Thiên Chúa.  Sự sống là mong manh, thế mà Thiên Chúa lại phải đánh đổi bằng máu của các tiên tri, bằng mạng sống của Con yêu dấu là Chúa Giêsu.

Nhìn lá vàng rơi ta nghĩ về cuộc đời lữ thứ.  Xin đừng mưu mô tính toán mà làm gì.  Xin đừng chia rẽ và thù ghét làm chi.  Cuộc đời này thật ngắn, tiền bạc trên thế gian này nhiều lắm, bàn tay ta có tham mấy cũng chẳng vơ vét hết được.  Rồi đến lúc bàn tay xuôi xuống, lạnh cóng, cô đơn, chẳng nắm giữ được gì.

Để có được sự ra đi trong thảnh thơi nhẹ nhàng và đong đầy niềm tin hy vọng ngày mai tươi sáng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”.  Ta hãy chọn phương châm “sống với” chứ đừng “sống vì”.  Thấu cảm được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền.  Như ai đó đã từng nói: “Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười ta khóc.  Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc ta cười”.

 LM Giuse Nguyễn Hữu An

“Hôm qua tiễn em đi,”

“Hôm qua tiễn em đi,”

Buồn biết nói năng gì.

Đường chiều mưa tiễn bước,

Hồn khóc theo người đi.”

(Đăng Khánh/thơ Du Tử Lê – Tiễn Em Chiều Mưa)

 ( 1Cor 14: 26-29)

 Trần Ngọc Mười Hai

             Vâng. “Tiễn Em chiều mưa”, hôm qua hay hôm nay đi nữa, cũng đều buồn để rồi lại những thưa và thốt “biết nói năng gì?”, “hồn khóc người đi”.

            Hồn còn khóc, nhiều hơn nữa, khi người đưa tiễn lại có ý-nghĩ cùng hành-xử khá lạ-kỳ như truyện kể sau đây:

“Vợ hỏi chồng:

            -Anh cắt bài gì trong báo Buổi Chiều, vậy? Báo này có gì hay ho đâu mà cắt?

-Cũng chỉ là bài báo kể về chuyện: có anh chàng nọ được toà án gia đình cho phép ly-dị vợ vì cô ta cứ liên tục lúc túi áo của anh cả khi treo lên mắc cũng như trước khi đem giặt, ấy mà!

-Đành là thế. Nhưng, anh định dùng mẩu báo ấy làm gì mà cứ lúi húi giấu mẩu giấy ấy thế?

-Ấy, anh địng bụng bỏ vào túi áo mình, ngộ nhỡ sau này…”

             Nói chữ “ngộ nhỡ sau này”, thật sự cũng khó biết. Chí ít là khi anh bạn cứ áp-dụng vào các trường-hợp sẽ xảy ra trong đời, với nhà Đạo. Trong đời người, có rất nhiều truyện để kể, làm sao nói hết, cho bớt buồn? Về chuyện nhà Đạo hay nhà Chúa, cũng hệt thế.

Duy mỗi chuyện cứ đến rồi đi ở chốn chóp bu nhà Chúa ở Vaticăng, vốn Đạo-hạnh không kém. Như, chuyện được ngành truyền-thông báo chí, cứ kể đi kể lại mãi một chuyện. Chuyện Đức Giáo Tông nhà mình vừa kết-đọan buổi Họp Thượng Đỉnh của Đạo mình hôm 29/10/2015 ở Rôma 2015, bằng một tựa đề, rất “đánh đấm”, như sau:

“Thượng Hội đồng kết thúc với chiến thắng lớn của Đức Phanxicô

Sau ba tuần thảo luận, Đức Giáo hoàng có được khả năng cho người ly dị tái hôn rước lễ xét theo từng trường hợp một.

Từ ba tuần nay, các giám mục họp Thượng Hội đồng ở Rôma về các vấn đề hôn nhân và gia đình, họ đã bỏ hai phần ba số phiếu quy định cho tất cả các điều khoản của hồ sơ cuối cùng và, nếu Đức Giáo hoàng chấp nhận thì sẽ có thể cho những người ly dị tái hôn rước lễ, xét theo từng trường hợp một.

 Cuộc bỏ hiếu này đánh dấu một bước chiến thắng quan trọng của vị giáo hoàng cải cách, sau lần họp đầu tiên năm ngoái bị một phần các giám mục từ chối.

 Điều khoản số 85 của tài liệu nói về việc cho người ly dị tái hôn được rước lễ theo một vài điều kiện. Trên 94 điều khoản thì điều khoản này nhận được ít số phiếu bầu nhất, với 178 phiếu thuận và 80 phiếu chống – nhưng vẫn đạt được đa số hai phần ba ấn định là 177 phiếu thuận trên tổng số 265 phiếu bầu…” (Nguyễn Tùng Lâm dịch tin-tức do Jean-Marie Guénois viết trên lefigaro.fr).

Chuyện “đánh đấm” hoặc đấu tranh/xung-khắc giữa các đấng bậc ở chốn chóp bu của Giáo-triều nhà Chúa sẽ thiếu-sót nếu ta quên không trích-dẫn một số sự-việc được ghi trên sách hoặc tự-điển Bách-Khoa Công-giáo như tác-giả Ralph Wroodrow từng ghi như sau:

 “Sự việc ‘phân-rã/cách-biệt’ lớn-lao trong Giáo-hội xảy đến vào năm 1378 và kéo dài đến 50 năm. Chức-sắc người Ý, khi ấy, đã bầu chọn Đức Urbanô 6 làm Giáo-Hoàng; trong khi đó, các vị hồng-y người Pháp lại chọn Đức Clêmentê 7.

 Khi ấy, các Giáo-hoàng lại cãi-vã/rủa sả lẫn nhau năm này qua năm khác, cho đến khi Công đồng quyết-định hạ bệ cả hai vị trên, để bầu lên một Giáo-chủ mới!

 Đức Sixtô 5 khi ấy có trong tay ấn-bản kinh thánh đã được soạn mà ngài tuyên-bố là ấn-bản xác-thực. Hai năm sau, Đức Clêmentê 8 tuyên-bố bản ấy đầy dẫy những sai-sót và truyền lệnh thiết-lập ấn-bản khác để sử-dụng…

 Khi cứu xét cả trăm sự-kiện và cung-cách các Đức Giáo-chủ đối-nghịch nhau hàng thế-kỷ, ta cũng hiểu rằng ý-niệm về quyền-uy cùng tính-chất rất “vô ngộ” của Đức Giáo Tông cũng rất khó cho nhiều người cảm-thông, chấp-nhận…

 Khi xem xét những sự việc như thế, nhiều người trong chúng ta vẫn tin rằng việc gọi các Đức Giáo Hoàng là “ Hiện-thân của Đức Kitô” không có cơ-sở vững-chãi. Càng không vững hơn, nếu ta lại cứ gọi các ngài là “Đức Thánh Cha” của Giáo-hội Công giáo, nữa… (X. Ralphn Woodrow, Are Popes Infallible? Babylon Mystery Religion, Ralph Woodrow 1981 tr. 100-104)

             Trích-dẫn như trên, người trích và dẫn chỉ muốn nói rằng: ở giai-tầng/địa-hạt nào cũng thế, vẫn có nhiều thứ nhiều chuyện để bạn và tôi, ta coi đó như một đấu tranh hoặc chiến tranh giành phần thắng lợi hoặc chiến thắng đem về cho bản thân mình hoặc cho phe/nhóm của mình.

Về thành-quả do cuộc họp thượng-đỉnh của Hội thánh được gọi là Thượng Hộ-đồng Giám mục đem lại, cũng có những điều để tôi và bạn ta học-hỏi, cho riêng mình. Học và hỏi, hôm nay, có đôi điều đưa ra không chỉ để tôi và bạn, ta nghiên-cứu/khảo-sát mà thôi. Nhưng, còn để giúp ta ghi nhớ mà giữ lại cho đời mình, làm kinh-nghiệm.

Nghĩ thế rồi, bần đạo bầy tôi đây lại tiếp tục luận phiếm thêm cho vui đời, bằng những chuyện đời trong/ngoài Đạo. Nhưng trước khi đi vào truyện kể hoặc tìm về lời vàng ngọc ở Kinh Sách, tưởng cũng nên ca lại lời ca ở trên, hơi buồn, rằng:

Tim như vỡ trong mưa,

Còn vẳng tiếng ai thề.

Một mình trên ngõ vắng,

Buồn nhìn theo lối xưa.

Dù mãi mãi xa nhau,

Cố quên mối duyên đầu.

Tình này ai sẽ quên được sao,

Tình đã chết trong nhau.

Vẫn mơ phút ban đầu,

Một lần yêu dấu mãi cho nhau.

Sao em nỡ quay đi,

Tình đang lúc xuân thì.

Một đời sao bỗng vắng

Cuộc tình không lối đi

(Đăng Khánh/Du Tử Lê – bđd)

Hát thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi vào truyện kể, rất bên dưới:

             “Truyện rằng:

Có một lần, Đức Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại và hỏi
– Ngài có điếc không?

–Ta không điếc.

–Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?

– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ, họ không nhận thì quà đấy về tay ai?

–Quà ấy về tôi chứ ai.

– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

 Người kêu tên Phật ra chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu, nơi nào cũng đều lắng tai nghe, để buồn/để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của con người. Ngài không chấp không buồn, còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau cứ triền miên, tiếp-diễn.

 Trong kinh sách nhà Phật, Đức Phật đã dùng ví dụ người ác lại cứ mắng chửi người thiện, mà người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có tiếp-nhận mới dính mắc đau khổ, không tiếp-nhận thì an vui hạnh-phúc. Từ đây về sau mọi người có nghe ai nói gì về mình, dù tốt xấu, chớ nên tiếp-nhận thì sẽ được an vui.

 Và, lời bàn của người kể, rất như sau:

Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây chuyện thị phi vì vô ý thức, cũng đừng vì một ai mà gây ra lầm lỗi trong quá khứ hoặc dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde đã từng nói: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.

 Hậu quả của khẩu nghiệp thật vô cùng kinh khiếp. Không dương thì âm, sớm muộn gì cũng đều có báo ứng. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành-lặn, nhưng vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.

 Chửi bới và nói xấu hay đi rêu rao về người khác mà người đó không có phản-ứng, hay không biết thì cũng giống như kẻ tự ngửa cổ lên trời phun nước bọt rồi chỉ rơi trúng mặt mình. Vậy, tốt nhất không nên nói xấu ai ở đâu/nơi nào, dù họ có làm điều không tốt nhưng có thể không gây hại đến bản thân và cộng đồng mình. Bởi ngậm máu phun người thì chỉ tanh mồm mình trước. (Sưu tầm)

            Kể truyện rồi, nay ta tìm về vườn hoa Lời Vàng của bậc thánh-hiền có những lời dịu dàng, nhưng thấm-thía để suy-tư/nghĩ-tưởng về những lời dặn-dò như sau:

             “Vậy, thưa anh em, ta phải kết luận thế nào đây?

Khi anh em hội họp,

người thì hát thánh ca, người thì giảng dạy,

người thì nói lời mặc khải, người thì nói tiếng lạ,

người thì giải nghĩa:

tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh.

Nếu có nói tiếng lạ,

thì chỉ hai hoặc tối đa ba người nói thôi,

mỗi người cứ theo phiên mà nói,

và phải có một người giải thích.

Nếu không có người giải thích,

thì phải giữ thinh lặng trong cộng đoàn,

mỗi người chỉ nói với mình và với Thiên Chúa thôi.

Về các ngôn sứ,

chỉ nên có hai hoặc ba người lên tiếng thôi,

còn những người khác thì phân định”.

(1 Cor 14: 26-19)

             Nói như bậc thánh-nhân hiền-lành, thì có nói trong buổi họp hay ở đâu nữa, cũng vẫn nên cẩn-trọng về lời mình nói. Chí ít, là lời nói đó hoặc phán bảo nọ xuất tự đấng bậc vị vọng trong Đạo. Cũng thế, có lần bần đạo được bảo rằng: các lời phát-biểu trên bục nhà thờ cũng nên cẩn-trọng vì lời ấy một cách nào đó vẫn là khuôn-mẫu cho người nghe ngồi bên dưới, tựa hồ lời thày giáo nói với học trò, vậy.

Không chỉ mỗi thế. Phán-quyết của đấng-bậc ở nhà Đạo vẫn là lời phán/bảo dù có mang tính-chất quyết-định hay không, cũng vẫn được coi như hành-xử quan-trọng cho cả người phán lẫn người nghe.

Trường-hợp đấng bậc trưởng-thượng Hội-thánh Công-giáo, tình-hình Giáo-hội nay rối rắm đã hiển-hiện cả vào lúc trước khi bắt đầu cuộc họp bàn cấp cao kéo dài nhiều tuần-lễ. Khi Thượng Hội-Đồng Giám mục 2015 đi vào giai-đoạn cuối, báo-giới truyền-thông Hoa Kỳ đã có những nhận-xét như sau:

“Toà thánh Vatican xem ra đang có những bí-mật, lộn xộn của toà án thời Trung Cổ, gồm những sự việc xảy ra theo cách nào đó, vẫn như xưa. Hành-xử khiêm-tốn đầy phô-trương của Đức Phanxicô, sự việc ngài quở trách các Giám-mục cao cấp không thay-đổi trạng-huống “như xưa” này, chút nào hết. Nếu có, thì cũng chỉ là tham-vọng của một giáo-chủ từng khuyến-khích các vị hay bày mưu-kế hãy cộng-tác mà làm việc chung với các vị khác từng chống cưỡng những chủ-trương như thế, mà thôi.

  Nhưng hiện nay, vị chủ mưu bày kế lại chính là đức Giáo-chủ, nhà mình. Quả là, mục-tiêu/mục-đích do Đức Phanxicô đưa ra, cũng đơn-giản là: ngài hỗ-trợ cho các đề-nghị nên đốc-thúc các vị có tinh-thần thông-thoáng khả dĩ cho phép bổn-đạo nào từng ly-thân/ly-dị nay tái-giá được phép hiệp-thông rước lễ mà không cần phải tiêu-hủy hôn-nhân đầu.

 Nhờ Đức Giáo-chủ âm-thầm hỗ-trợ, đề-nghị này trở-thành mối giây gây tranh-cãi trong lần họp thượng-đỉnh năm 2014 về gia-đình và lần thứ hai năm 2015 này…

 Giả như đề-nghị ở trên thật rõ ràng, thì con đường ngài đang đi cũng thật tăm-tối. Theo thủ-tục, thì quyền-bính của Đức Giáo-tông gần như tuyệt-đối: tức có nghĩa, nếu Đức Phanxicô quyết-định rằng ngày mai đây sẽ tán-thành cho phép những người tái-giá được lên rước Mình Chúa đi nữa, thì cũng chẳng có Toà án Tối cao nào của Công-giáo lại có thể phản kích quyết-định của ngài, được.

 Dù có thế, cùng một lúc, Đức Giáo Tông lại vẫn được coi là người không có quyền thay-đổi tín-lý/giáo-điều của Đạo, chút nào hết. Điều luật này, không có tính-cách công-khai trợ-lực cho ngài, nhưng cứ theo tục-lệ, có sự khiêm-tốn và tính kính-sợ Thiên-Chúa, thì nỗi lo-sợ sẽ có phân-rã trong hàng-ngũ lãnh-đạo đã kềm-chế các Đức Giáo-chủ có ý-đồ viết lại các tín-lý trong Đạo. Và, việc viết lại tín-lý/giáo-điều là những gì mà người Công-giáo bảo-thủ tin tưởng một cách hữu-lý rằng đề-nghị cho những vị từng tái-giá được phép rước Mình Thánh Chúa đã được sự hỗ-trợ của Đức Phanxicô….

 Với các nhà báo Công giáo, cũng như bất kỳ ký-giả nào khác, đây là câu truyện đầy tính hấp-dẫn; thế nên, nói theo kiểu nhà báo rất nghiêm-ngặt, tôi đây không có ý-kiến là Thượng Hội-Đồng kỳ này sẽ kết thúc ra sao. Nhưng, nói theo tư-cách của người Công-giáo, tôi trông đợi rằng cuối cùng thì mưu-đồ viết lại tín-lý/giáo-điều cũng sẽ thất-bại thôi. Mỗi khi có sự căng-thẳng giữa niềm tin lịch-sử và vị Giáo-chủ trong đạo, thì tôi luôn chọn phía niềm tin để đánh cá-cược. Thế nhưng, đối với một cơ-chế vốn đo-lường tuổi thọ của mình hằng thiên-niên kỷ, thì “cuối cùng” cũng phải mất một thời-gian khá dài ngày mới có thể đạt đích-điểm.” (Xem Ross Douthat, The Plot to change Catholicism, The New York Times SundayReview 17/10/2015

Nhà báo nhận-định ra sao, thì cứ nhận và cứ định. Sự việc xảy ra ở nhà Đạo vẫn là chuyện dậm chân tại chỗ, bàn mãi cũng không hết. Việc cuối, có lẽ sẽ không là ngồi đó mà bàn và luận nhưng là đi vào hiện-thực. Thực-hiện ra sao để mọi thành-viên trong Đạo, sẽ lại trở về với thực-tại diễn-tiến mãi, hệt như trước.

Nhận-định sao thì cứ định và cứ nhận. Định rồi nhận hoặc nhận rồi mới định, thật cũng tuỳ. Tuỳ người, tuỳ mình. Tuy nhiên, có tuỳ ai đi nữa, thì hỡi bạn và tôi, ta cứ hiên-ngang vững chí hướng về trước mà ngâm nga ba câu hát ở trên mà lập lại những lời buồn, rằng:

Tim như vỡ trong mưa,

Còn vẳng tiếng ai thề.

Một mình trên ngõ vắng,

Buồn nhìn theo lối xưa.

 Dù mãi mãi xa nhau,

Cố quên mối duyên đầu.

Tình này ai sẽ quên được sao,

Tình đã chết trong nhau.

 Vẫn mơ phút ban đầu,

Một lần yêu dấu mãi cho nhau.

Sao em nỡ quay đi,

Tình đang lúc xuân thì.

 Một đời sao bỗng vắng

Cuộc tình không lối đi”.

(Đăng Khánh/Du Tử Lê – bđd)

Đúng thế đấy, bạn ạ. Những mong “Tình như vỡ trong mưa” sau bao lần bàn cãi lưa-thưa hay mạnh bạo, ta cũng đừng “buồn nhìn theo lối xưa”, mà hành-xử. Bởi, có hành và có xử theo lối cũ/xưa đi nữa, thì bánh xe lịch-sử cũng sẽ nghiền-nát tâm-can con người để rồi sẽ “vỡ trong mưa”, cũng rất buồn. Buồn về tình đời. Buồn, một đời người.

 Trần Ngọc Mười Hai

Đôi lúc cũng có buồn

Nhưng không buồn

về đời hoặc về người.

Bởi, mọi người vẫn cứ vui

ở trong đời.