NIỀM VUI TRONG THÁNH THẦN

NIỀM VUI TRONG THÁNH THẦN

Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui.  Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm.  Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương.  Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ.  Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa.  Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần.  Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc.  Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.

NIEM VUI

Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.

Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường.  Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi.  Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa.  Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa.”  Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi.”  Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.

Thánh Thần là tình yêu.  Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ.  Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt.  Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán.  Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại.  Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.

Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.

Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình.  Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa.  Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền.”  Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân.  Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng.  Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu.  Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.

Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.

Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ.  Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc.  Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth.  Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ.  Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người.  Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.

Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ.  Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ.  Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.

Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế.  Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời,

“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời,”

Người hẹn cùng tôi: “Ngày về khi đất nước yên vui”.
Quỳ lại Mẹ MARIA, lòng Mẹ từ bi bao la.
Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam .”

(Nguyễn Văn Đông – Mùa Sao Sáng)

(Cv 17: 11-12 )

Trần Ngọc Mười Hai

Đành rằng, khi viết giòng nhạc này, có thể người viết cũng từng nghe biết hoặc tin tưởng chuyện trăng sao soi sáng đêm đen dày đặc ngày Đức Giêsu giáng hạ làm người, nữa đấy.

Đành rằng, người thường ở huyện, chí ít là huyện nhà rất Việt-Nam chẳng bao giờ đặt vấn-đề về sao sáng dẫn lối chỉ đường cho ba bốn vua/quan/đạo-sĩ ở đâu đó, kéo đến xứ sở nhỏ bé của Do-thái để mừng chúc với dâng quà cho Hài-nhi Chúa rất Giêsu.

Đành rằng, các bổn đạo và kẻ tin vào sự việc Đức Chúa giáng-hạ-làm-người vẫn cứ tin và tưởng những chuyện sao băng/sao xẹt soi-sáng thôn-làng Bê Lem là chuyện rất “thật như đếm”. Nhưng, cũng nên thêm một lần để kể về các sự-kiện loanh quanh việc Thiên-Chúa Giáng-hạ, có đúng lịch sử hay không, cũng chưa biết.

Nhưng trước khi đi vào chi tiết, tưởng cũng nên nghe thêm đôi ca-từ rất quen tai cứ nghe hoài nghe mãi ở trên đài hoặc dĩa nhựa, vi-tính rất trữ-tình như sau:

“Từ mùa Đông trước qua mùa Đông tiếp theo sau này.
Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi.
Giặc tràn về quê hương tôi, giặc diệt niềm tin Kitô.
Lớp lớp đàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao.

Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại, chênh chếch mùa sao lạc loài.
Ôi những mùa sao lẻ đôi.
Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào, thương những mùa sao hồng đào.
Ôi những mùa sao cách xa.

Một mùa Đông giá hang Bê-Lem Chúa sinh ra đời.
Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao.
Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn, người Việt càng thương nhau hơn.
Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao.”

(Nguyễn Văn Đông – bđd)

Nghe thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi vào phần biện-giải về những chuyện có nên hay không nên tin vào dụ-ngôn/truyện kể ở Sách thánh, để còn học hỏi thêm nhiều điều về sau. Cả về chuyện Hài-nhi Giêsu sinh ra trong “Hang Bê-Lêm” được “Ba bốn Vua/quan lãnh-chúa hoặc đạo-sĩ” ghé viếng, thực hư thế nào, hay chỉ mỗi thế này, mà thôi:

“Nếu hỏi rằng truyện Đức Giêsu sinh ra làm người có dính gì tới lịch-sử nhân-loại không? Thì xin trả lời rất ngắn gọn, như thế này:

 Bằng vào cụm từ “Đức Giêsu Lịch Sử”, tôi có ý nói đến một người từng lữ-hành trên các đường đất gồ ghề đầy cát bụi, ở Galilê. Đức Giêsu lại cũng rong ruổi đường trường, từng ăn uống với nhiều người; và, Ngài lại đã giảng-dạy nhiều điều về Vương Quốc Nước Trời, nữa.

 Cuối cùng, Ngài đã bị bắt và đem đi xử tử, đó là điều mà các nhà nghiên-cứu lâu nay từng xác-quyết một chứng-thực về Ngài, theo sử-tính.

 Tuy nhiên, có một số truyện mà nhiều người từng nghe/biết về Đức Giêsu, lại thấy không có chút ánh sáng nào soi-rọi để ta có thể coi Ngài như Nhân-vật Lịch-sử trổi bật, hết.

 

Tôi muốn qui-chiếu các truyện về thời thơ-ấu và việc sinh-hạ Hài Nhi mà ta vẫn nghe biết vào mỗi dịp lễ trong đó có nhân-vật chính là Đức Maria và ông Giuse lại đã đặt Hài Nhi Giêsu nằm trong máng đựng cỏ dành cho bò lừa ăn. Hiện-trường diễn-tiến việc Đức Giêsu xuất hiện với đời thường còn có các mục-đồng chăn cừu, thêm các nhà thông-thái từ phương Đông đến, và cả đến thiên-thần tả/hữu vẫn ở quanh Ngài.

 Truyện Đức Giêsu sinh hạ làm người, là một dụ-ngôn giả-tưởng mang tính-chất rất tôn-giáo, nếu ta muốn gọi thế cho gọn nhẹ. Riêng tôi, sẽ tìm cách trưng-dẫn các dấu-chỉ cho thấy điều này không có ý bảo rằng: những chuyện như thế không phải là không có giá trị.

 Nhưng, điều tôi muốn nói ở đây, chỉ có ý bảo là: ta không nên hiểu các truyện kể như thế theo “từng chữ” có tính lịch-sử, đã minh xác. Đúng hơn, ta chỉ nên coi đó như khúc nhạc dạo đầu cho toàn-bộ vở nhạc-kịch diễn-tấu trên sân-khấu Broadway, NewYork mà thôi.

 Nhạc dạo đầu, bao giờ cũng bắt kịp chủ-đề được trình-tấu mà các nghệ-sĩ diễn-tả cách trọn-vẹn ở tuồng kịch. Và ở đây, hai tác-giả Mát-thêu và Luca, lại đưa ra hai phiên-bản dị-biệt trong truyện Đức Giêsu chào đời. Bởi thế nên, nhạc “dạo đầu” bao giờ cũng khác nhau, ở nhiều chỗ.” (Xem Gs John Dominic Crossan, Giêsu Hỡi Ngài là Ai? Chương 2 nxb Phương Đông 2016)

Bần-đạo nay nhân dịp nghe lại vài nhạc-bản Giáng-sinh rất đời, bèn thấy hoảng. Hoảng, vì thấy nghệ-sĩ ngoài đời cứ đặt nặng vào giòng chảy ướt-át, uỷ-mị rồi lôi kéo người nghe bằng những lời thêm thắt cho hấp-dẫn mà quên đi khía-cạnh chính-đáng, rất thật/hư. Rồi từ đó, đã vội kết tội, là: người Đạo Chúa cũng tin vào những chuyện dân-gian, thần-thoại không có thật.

Người ngoài Đạo, lâu nay cứ bị mang tiếng là dị-đoan/mê-tín nhiều quá sức, nên đôi lúc cũng muốn quay ngược trở lại tố-cáo người Công-giáo cũng như vậy.

Hôm nay, bần đạo đây vốn thuộc giới thấp hèn còn ngu dốt nhiều về nhiều chuyện, không dám múa bút bon-chen chuyện cãi vã/đấu-tranh ở đời thường về chuyện tin rất mê, như mê-tín hoặc chuyện đoan chắc những chuyện di-kỳ, được gọi là dị-đoan. Nhưng, chỉ muốn ngồi buồn kể chuyện cho đám “trẻ người non dạ” có đầu óc tinh-thông khoa-học, không còn thiết-tha chuyện thần-học tu-đức nữa.

Vốn là dân ngu-muội nhiều thứ chuyện, nên bần-dạo vẫn phải chạy vạy tìm đến các đấng-bậc tinh-thông rất nhiều chuyện để giúp đỡ hầu suy-tư cho phải lẽ, đúng cách. Bởi thế nên, cũng cứ xin bạn bè người thân đọc những giòng này cứ là tha cho bần-đạo, thật biết ơn.

Nói xa nói gần, chi bằng nói thật về những tâm-tưởng của một số vị từng khuyến-cáo chức-sắc kẻ tin hãy cẩn-thận kẻo cũng bị mang tiếng là dị-đoan mê-tín rất nhiều điều.

Số là, cách nay không lâu bần-đạo đây được một bạn chí-thân “quẳng” cho cuốn sách nói về những chuyện bí-nhiệm nơi đạo-giáo xuất từ xứ miền Babylon, bên đó, có đầu đề là “Babylon Mystery Religion” cũng rất ngắn, nhưng lời lẽ lại chắc nịch như đinh đóng cột, như một với một là hai.

Nay không dám nói dài, nói dai và nói dở. Chỉ dám trích/dịch đôi ba đoạn để bầu bạn khắp nơi có cơ-hội giết thì-giờ rảnh-rỗi không biết làm gì, bèn nghĩ quanh nghĩ quẩn, thế thôi.

Rào đón thế rồi, nay lại mạo muội xin phép bà con cho bần-đạo được trích và dịch đoạn văn rất “nổi cộm” ít thấy trên thị-trường chữ-nghĩa, rất như sau:

“Đạo-giáo huyền-nhiệm của Babylon, lâu nay được mô-tả một cách đầy biểu-tượng ở sách Khải-huyền là sách cuối của Tân Ước có những giòng như sau: ‘tôi thấy một người đàn bà, ngồi trên một Con Thú đỏ thẫm, con Thú ấy mang đầy những danh-hiệu xúc-phạm đến Thiên Chúa, và có bảy đầu mười sừng. Người đàn bà mặc áo đỏ tía và đỏ thẫm, trang sức toàn bằng vàng, đá quý và ngọc trai, tay cầm một chén vàng đầy những thứ ghê tởm và ô uế, tức là sự gian dâm của nó. Trên trán nó, có viết một tên mang ý nghĩa huyền bí: ” Babylon vĩ đại, mẹ đẻ ra các gái điếm và các thứ ghê tởm trên trần gian.” (Kh 17: 2-6)

 Khi Kinh-thánh dùng ngôn-ngữ biểu-tượng chẳng hạn như, ở đây là cụm-từ “người đàn-bà”, thì ta hiểu rằng tự-vựng ấy biểu-trưng cho Hội-thánh của chúng ta. Ở một số các đoạn sách khác như Êph 5: 27, Kh 19: 7, 8, Hội-thánh thực của ta, lại rất giống các nàng trinh-nữ, các cô dâu không tì-tích, hoặc phụ-nữ không một vết nhơ.

 Còn,  sách Khải-huyền đây, lại đưa ra ảnh-hình phản-chống, đối-chọi lại Hội-thánh thực-thụ khi nói đến “người đàn bà” ở trong Sách, là nói về người nữ-phụ nhơ-uế/không trong-sạch, một gái điếm.

 Và, nếu là điều đúng đắn để gán-ghép lối biểu-trưng này cho một hệ-thống nào đó của Giáo-hội, thì rõ-ràng là tác-giả Gioan Tin Mừng muốn nói đến một Giáo-hội ô-uế từng ngã-gục, mà thôi. Và, Sách thánh gọi đó là Đạo huyền-nhiệm của Babylon .

 Khi tác-giả Gioan Tin Mừng viết lên sách KHải-huyền, thì Babylon, một thành-phố, khi ấy đã bị tàn-phá chỉ còn là đống gạch vụn, như các ngôn-sứ ở Sách Cựu Ước đã nói tiên-tri về một Babylon rất đạo-giáo. Và, cho dẫu thành-phố Babylon từng bị huỷ-diệt đi nữa, thì các ý-niệm và tập-tục trong Đạo phát-xuất từ Babylon vẫn tiếp-tục tồn-tại và được truyền-lan sang nhiều nước trên thế-giới như một đạo-giáo tốt đẹp.

 Thành ra, vấn-đề là hỏi rằng: đạo-giáo xuất tự Babylon , là đạo nào? Đạo đây, khởi đầu ra sao? Với thời hiện-đại, sự việc như thế có nghĩa gì với người thời-đại? Việc ấy có gắn chặt vào với những gì được mô-tả ở sách Khải-huyền do tác-giả nọ được gán cho ông Gioan Tin Mừng không?

 Ngược trở về với quá-khứ, chỉ ít lâu sau ngày “Đại Hồng Thủy” xảy đến, thì mọi người đã bắt đầu chuyển từ các vùng đất phía Đông và rồi đi về vùng đồng bằng được gọi là “vùng đất Shinar , rồi định-cư tại đó.’ (Stk 11:2). Và cũng chính trên phần đất Shinar này, thành-phố Babylon được dựng-xây, sau trở thành đất nước Babylonia hoặc về sau còn gọi là Miền Tiểu Á…

 Dựa trên các kết-luận rút từ nhiều nguồn thông-tin dẫn đến ta ở lịch-sử, truyền-thuyết và huyền-thoại, tác-giả Alexander Hislop đã ghi xuống từng chi-tiết cách-thức đạo-giáo của Babylon đã triển-khai ngang qua nhiều truyền-thống dân-gian trong đó có kể về thần Nimrod, về người vợ phàm-nhân của ông là Semiramis và người con trai của họ là phân nửa thần có tên là Tammuz…

 Người mẹ của thần Tammuz có lẽ cũng đã nghe được lời tiên-tri đoán trước việc Đấng Thiên-Sai được sinh-hạ từ một nữ-phụ (Stk 3: 15), bởi sự thật về chuyện này được mọi người biết từ thời nguyên-sơ. Nên, bà mẹ Tammuz cho rằng con trai bà được thụ-thai một cách siêu-nhiên và con của bà từng là hạt-nhân chính-yếu đã được hứa ban, sẽ trở thành “Đấng Cứu Chuộc”. Và đạo-giáo này cứ thế lan rộng, đến độ người người thời bấy giờ không chỉ phụng-thờ Người Con là Đấng Cứu-độ thôi, mà cả người mẹ sinh hạ ra ngài nữa…

 Kịp đến lúc, Đạo Chúa đã đến phải giáp mặt với đạo “ngoài luồng” của Babylon theo nhiều hình-thức nhau do Đế-quốc La Mã thiết-lập. Kitô-hữu thời Giáo-hội tiên-khởi đã chối-bỏ bất cứ thứ gì có liên-quan đến tập-tục và niềm tin của đạo. Từ đó, dẫn đến nhiều cuộc quẫn-bức, bách-hại những ai tin-tưởng vào Đạo của Chúa. Nhiều tín-hữu bị kết-án tử và bị ném cho thú dữ ăn thịt, hoặc đốt xác làm đuốc sống và/hoặc nhiều cách dã-man khác, cho đến chết.

 Kể từ khi, hoàng-đế La Mã tuyên-bố hồi-hướng trở về với Đạo Chúa, mọi cuộc bách-hại được lệnh chấm dứt. Các giám-mục được tôn-trọng và kính-nể. Giáo-hội bắt đầu được chính-thức công-nhận và ban cho quyền-lực trải rộng trên khắp thế-giới. Nhưng, để được như thế, Đạo Chúa đã phải giá rất đắt và cũng phải nhượng-bộ rất nhiều thứ với ngoại-giáo. Và cuối cùng, thay vì Giáo-hội tách rời khỏi thế-giới trần-tục, lại trở nên thành-phần của thế-giới ấy…

 Cũng từ ngày đó trở đi, đã có sự lẫn lộn/hoà trộn giữa Đạo của Chúa và ngoại-giáo cũng rất nhiều, chí ít là tại Rôma. Và cũng từ đó, đạo của ta trở-thành Giáo-hội Công-giáo La Mã. Dĩ nhiên, có rất nhiều điều chứng-tỏ người đi Đạo của ta rất thánh-thiện, và sốt-sắng đạo-hạnh, nhưng ta cũng không thể nào bài-bác hoặc chối-bỏ gốc-gác mang tính-cách rất dân ngoại, có từ thời này…” (Xem Ralph Woodrow, Babylon-Source of Falso Religion, Ralph Woodrow Evangelistic Association 1966, 1981 edition tr. 7-12)

            Trích và dịch các đoạn văn ấy rồi, nay xin thay-đổi bầu khí bằng cách mời bạn và mời tôi ta lại ngâm nga hát nhạc đời có những ca-từ về Đạo-giáo cũng như sau:

   “Một mùa sao sáng

ôi mùa sao chói chang muôn đời.
Vạn lời truyền rao

nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao.
Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn,

người Việt cùng thương nhau hơn.
Đất nước này đây

sáng đức tin Chúa trên trời cao.”

(Nguyễn Văn Đông – bđd)

 Thế đó là chuyện Đạo ở trong đời. Chuyện Đạo ở đây, có thể là chuyện đạo-đức, đạo-hạnh và có lẽ cũng rất cương-thường đạo-lý của đời người, dành cho người đời.

Lại có câu chuyện không mang tính đạo-mạo hoặc đạo nghĩa của đạo-giáo nào hết, nhưng vẫn là chuyện rất đạo cốt để giúp mọi người sống tốt đạo làm người, như sau:

“Lúc còn là một thiếu niên, một lần, tôi được cha dẫn đi xem xiếc. Khi nhập vào hàng người đang xếp dài trước quầy vé, tôi chú ý đến một gia đình đứng ngay trước chúng tôi. Họ có đến những 8 đứa trẻ mà đứa lớn nhất có lẽ chưa đến 12 tuổi. Nhìn dáng vẻ những đứa bé ấy có thể đoán được gia đình chúng không giàu có.

Quần áo chúng không phải loại đắt tiền nhưng sạch sẽ và tươm tất. Và đó là những đứa trẻ biết cách cư xử. Cứ nhìn cái cách từng 2 đứa một nắm tay nhau xếp hàng sau bố mẹ chúng thì rõ. Chúng nói huyên thuyên một cách đầy phấn khích về những chú hề, những con voi và những trò xiếc khác mà chúng sẽ được xem tối nay. Rõ ràng chúng chưa từng đến rạp xiếc bao giờ. Buổi tối ngày hôm nay thật sự rất đặc biệt với cả 8 đứa trẻ ấy.

Cha mẹ chúng đang đứng ở đầu hàng với vẻ mặt hãnh diện nhất mà họ có thể. Người phụ nữ nắm lấy tay chồng, nhìn ông một cách dịu dàng. Ngay lúc ấy, người bán vé ngẩng lên và hỏi người đàn ông số vé ông ta cần. Người đàn ông trả lời đầy hứng khởi: “Cho tôi 8 vé trẻ con, 2 vé người lớn để tôi có thể dẫn cả nhà mình vào xem xiếc.”

Nhưng, khi người bán vé báo giá của 10 chiếc vé, bàn tay người vợ đột ngột rời khỏi tay chồng, đầu bà ta gục xuống. Mặt người đàn ông hơi tái đi. Ông ta tiến lại quầy vé gần hơn và hỏi : “Anh nói giá bao nhiêu?”

Người bán vé bình thản lập lại giá của 10 chiếc vé, nhưng người đàn ông không có đủ tiền. Làm sao ông ta có thể quay lại và bảo với 8 đứa con của mình rằng ông ấy không đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc?

Chứng kiến tất cả những gì xảy ra, cha tôi lặng lẽ lấy từ trong túi ra tờ 20 đô và thả xuống đất. Sau đó, ông cúi xuống nhặt lên và vỗ vai người đàn ông, nói rất tự nhiên: “Xin lỗi, thưa ông, cái này vừa rơi ra từ túi ông”.

Người đàn ông hiểu những gì đang diễn ra. Ông không cầu xin của bố thí nhưng rõ ràng ông có thể đoán đây là sự giúp đỡ trong một tình huống ngặt nghèo. Bối rối trong giây lát rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi, chụp lấy tay cha bằng cả hai bàn tay như muốn vắt kiệt tờ 20 đô, một giọt nước mắt rơi lặng lẽ xuống má, đôi môi mấp máy một cách khó khăn:

-Cảm ơn, cảm ơn ông rất nhiều. Điều này thật sự ý nghĩa với gia đình tôi lúc này.

 Sau khi nhìn cả gia đình người đàn ông khuất sau cánh cổng rạp xiếc, tôi và cha đón xe buýt về nhà, đơn giản bởi vì số tiền còn lại trong túi cha không đủ để mua vé cho hai cha con. Thật sự thì chúng tôi cũng chẳng dư dả gì! Nhưng tôi không hề giận cha. Những gì cha đã làm lúc đó đáng giá hơn cả ngàn buổi xem xiếc.” (truyện kể về đạo làm người trên mạng vi-tính, cũng rất đạo)

 Sống theo lẽ đạo làm người ở đời, không hẳn là “chuyện nhỏ” dễ làm hoặc dễ nhớ để làm. Làm cho người và cho chính mình. Trong đời người, cũng có những lúc, những thời mà người đời thường vẫn cứ quên sót. Quên chuyện chính, mà chỉ nghĩ chuyện phụ.

Cũng hệt thế, có những lúc, những buổi mình và người cứ đọc Kinh Sách hay kinh kệ, chỉ lấy lệ, cốt cho qua. Hoặc, đọc rất nhiều nhưng chỉ theo thói quen tốt và lành. Cũng có lúc người mình kể về chuyện Đạo rất hay mà chẳng hiểu được ý người viết dụ-ngôn/truyện kể muốn nói gì, huống chi là Lời Chúa, rất dễ hiểu.

Sống theo lẽ Đạo của người đi Đạo, nhiều lúc cũng không khác mấy. Sống và giữ Đạo, chừng như người và mình vẫn chỉ như sống sao đó để chứng-tỏ là mình thuộc Đạo gốc, đạo “ròng” mà quên mất rằng mình chỉ đi Đạo lòng vòng, có thế thôi.

Nói xa nói gần chi bằng nói rất thật bằng câu ca, truyện kể cũng đáng nể, để khỏi quên. Nói và kể bằng những lời hoặc câu chuyện kể rất “tếu”.

“Truyện rằng:

Có ông thói bói không mù nhưng chuyên nói những chuyện rất thật, trên đời cho một người đàn ông đến hội ý với ông ta rằng:

-Nửa phần đầu của cuộc đời, ông sẽ phải khổ tâm rất nhiều vì thiếu tiền bạc/của cải hoặc những gì mình ước-muốn, nhưng sau đó, ông sẽ đỡ hơn nhiều.

-Ơ kìa, tại sao thế? Có phải vì tôi sẽ kiếm ra được nhiều tiền và giữ mãi của cải mình kiếm được, không thầy?

-Không phải thế đâu! Chỉ vì, ông sẽ quen với việc ấy thôi….”

             Cũng có thể, nhiều người nghe kể như thế, sẽ không đồng ý cho lắm. Bởi, trên thực-tế, làm gì có thầy bói mù hay bói “mu rùa” nào lại tuyên-bố với thân-chủ mình những chuyện như thế.

Cũng có thể, đó chỉ là truyện kể để bầu bạn nghe cho vui, rồi minh-hoạ cho những điều mình chứng-xác với người khác hoặc quyết-tâm với chính mình.

Cũng có thể, đây chỉ là chuyện đời thường chỉ để dẫn đưa bạn và tôi đi vào với lời vàng do bậc thánh-hiền xưa nay, từng xác-quyết về việc tiếp-cận Lời Chúa, như sau:

“Những người Do-thái ở đây cởi mở

hơn những người ở Thessalônikê:

họ đón nhận lời Chúa với lòng nhiệt tâm,

ngày ngày tra cứu Sách Thánh

để xem có đúng như vậy không.

Và nhiều người trong nhóm họ tin theo;

về phía người Hy-lạp,

cũng có nhiều phụ nữ thượng lưu

và nhiều đàn ông cũng tin theo như thế.”

(Cv 17: 11-12)

Xác-quyết thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ hiên ngang hước thẳng về phía trước. Để rồi, quyết sẽ làm như lời dặn ở trên. Hiên-ngang thực-hiện điều tốt-lành ngang qua lời ca, tiếng hát vẫn nhủ rằng:

“Một mùa sao sáng

ôi mùa sao chói chang muôn đời.
Vạn lời truyền rao

nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao.
Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn,

người Việt cùng thương nhau hơn.
Đất nước này đây

sáng đức tin Chúa trên trời cao.”

(Nguyễn Văn Đông – bđd)

Nghệ-sĩ đời, mà còn viết và hát được như thế, sao ta lại không làm như thế? Vậy thì, hỡi bạn và tôi, ta hãy hát những lời tương-tự, để rồi “Người Việt cùng thương nhau hơn, sáng đức tin Chúa trên trời cao!”

“Sáng đây”, không chỉ mỗi đức tin rất trừu-tượng hay tưởng-tượng. Mà, còn sáng cả tâm-tình thương-yêu nhau, hơn bao giờ hết. Rất Giáng Sinh.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn mừng Giáng Sinh

Trong tâm-tình sáng láng

Nhiều hơn sao.

Anh có ngờ đâu trong những đêm

Tin Mừng (Lc 1: 39-45)

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng:

Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

 *      *     *

“Anh có ngờ đâu trong những đêm”

Trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm.

Anh đi thơ thẩn như ngây dại

Hứng lấy hương nồng trong áo em.”

(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mai Tá lược dịch.

Những đêm trời tối giống đêm nay, lại cũng có một người thơ thẩn không ở hồ êm, mà lại thẩn thơ chốn chợ đời, nhiều truyện kể.

              Tin Mừng hôm nay, lại cũng kể về một sự kiện rất hệ trọng, là: Đức Chúa nay quyết đến ở cùng và ở mãi với chúng ta, vốn dĩ chỉ là người phàm, khó chung sống.

Kể truyện Chúa-ở-cùng-loài-người vào nghi-thức phụng-vụ tuần cuối Mùa Vọng, người kể hôm nay lại nhớ về câu chuyện na ná vẫn xảy đến với nhiều người, chí ít là với chú bé tên David ở đâu đó, giống Úc Châu, như sau:

“Tôi chạy vội ra cửa hàng doanh-thương định mua vét vài món quà Giáng sinh cho con cho cháu. Nhìn quanh, xem người người tấp nập đổ xô mua mua bán bán. Và, trong một thoáng rất nhanh, tơi tự trách mình sao không nhanh chân lẹ tay để giờ này cứ phải đứng đây chờ với đợi, sốt ruột quá.

Cuối cùng, tôi đến khu bán đồ chơi và lẩm bẩm một mình không biết bọn trẻ nhà mình chúng có ưa các món tôi mua cho chúng không.

Bất chợt mắt tôi quay về phía chú bé kia đang ôm chặt con búp bê. Ra chiều ưng ý lắm. Một tay cầm búp bê, tay kia chú bé mon men vuốt nhẹ lên tóc đồ chơi. Sau, tôi thấy chú bé quay người, hỏi: “Dì ơi, Dì có chắc là mình không còn tiền để mua búp bê nữa không?”

Người đàn bà khẽ trả lời: “David à, Emily không có chơi búp bê nữa đâu, con”. Tôi thấy người phụ nữ lảng qua phía khác, lựa đồ đạc cần thiết hơn. Cậu bé cứ lẽo đẽo đi theo. Tay vẫn ghì chặt lấy búp bê chưa trả tiền.

Thấy David đứng thờ thẫn, tôi đến gần hỏi xem hai dì cháu định mua búp bê cho ai vậy. Cậu bé trả lời:

-Mỗi lần đến Giáng Sinh, là chị của cháu đều thích mua búp bê.

Tôi bảo:

-Cứ từ từ cháu ạ, rồi thì Ông Già Noel cũng đem búp bê đến cho chị của cháu thôi.

Bé nói:

-Không có đâu, Ông Noel không sao đến được chỗ của chị cháu đâu. Cháu phải đem búp bê cho Mẹ để Mẹ đi đến chỗ đó mà đưa cho Emily. Chỉ có cách ấy thôi.

Tôi hỏi:

-Thế chị cháu ở mãi đâu mà ông Noel không đến được, chắc là xa lắm hay sao, hả cháu?”

David rơm rớm nước mắt:

-Chị cháu đi về chỗ Chúa Giêsu đang ở đó, Bác ạ. Ba cháu nói Mẹ cũng sắp đi đến chỗ Emily và Chúa Giêsu hôm này thôi.”

Nghe xong, tim tôi chừng như ngừng đập. David tiếp:

-Cháu có nói với Ba là làm thế nào thì làm để Mẹ đừng có vội đi, phải chờ cháu mua được búp bê cho Emily đã. Cháu vẫn muốn Mẹ mang búp bê tới cho Emily của cháu cơ.”

            Thấy cậu bé không để ý nhìn, tơi vội đưa tay vào ví, lấy một ít tiền và bảo:

-David, cháu có biết đếm không?”

Mắt bé sáng rực một niềm phấn khởi. Và nói:

-Đấy, cháu biết thế nào Chúa Giêsu cũng cho tiền để mua búp bê cho Emily mà, chắc chắn là như thế.

Tôi dúi tiền vào tay bé rồi cả hai cùng đếm. Đếm xong, David lại nói:

-Đúng là Chúa Giêsu cho cháu đủ tiền để mua búp bê mà.”

Vài phút sau, Dì của David quay trở lại. Thấy vậy, tôi vội đẩy xe chở đồ đi nơi khác, tránh thắc mắc của hai người. Trong bụng, tơi không khỏi suy nghĩ về bé David và thấy rằng hôm nay mình kết thúc chuyến mua sắm trong tình huống khác hẳn lúc ban đầu.

            Về đến nhà, nhớ lại câu chuyện được đăng trên báo mấy hôm trước đó về trường hợp một người uống rượu phóng xe đụng phải xe khác làm chết một bé gái và mẹ của em đang thoi thóp trên giường bệnh phải dùng ống dưỡng khí, trợ thở.

Hai ngày trước Lễ, theo dõi báo/đài tôi thấy gia đình người đàn bà đang trong cơn hôn mê ấy quyết định tắt máy trợ thở. Và hôm trước ngày Chúa Giáng trần, báo chí có đề cập đến tang lễ của Julia Norris cùng con gái bà, là Emily, được cử hành vào ngày lễ phó tế Stêphanô, tử vì đạo. Tên người chồng và cha của hai mẹ con người đàn bà bạc mệnh là Michael và tên người con nhỏ đồng thời em trai của Emily, là David.

Vào đêm Lễ, gia đình tôi tụ tập nơi bàn tiệc mà không ai trong chúng tôi ăn hết được các món trên bàn. Tay cầm món quà đắt giá mà chẳng người nào cần thiết. Và, bia rượu thì uống quá mức nhu cầu. Suy cho kỹ, tôi thấy “chúng ta vô tình để mất đi ý nghĩa nòng cốt của ngày Chúa Giáng hạ làm người”.

Sự kiện Đức Chúa-cùng-ở-với-chúng-ta xảy đến rất giản đơn. Cũng chỉ như hài nhi đang cần tình thương yêu đùm bọc. Thế mà, nhân danh ngày Lễ hội, chúng ta lại phung phí bạc tiền quá sức tưởng tượng. Ăn uống thì cũng vượt quá mức độ cần thiết. Lại còn say sưa chè chén một cách lố bịch.

Tôi buồn bã rời bàn tiệc để về phòng riêng, viết vội tấm thiệp chúc Tết gửi cho mọi thành viên trong gia đình nhỏ của tôi. Tôi kể cho mọi người biết sẽ chẳng khi nào tôi có thể nói: “Tôi muốn gia đình biết cho rằng tôi vẫn thương yêu hết mọi người.”

Đọc thiệp tôi viết, chắc mọi người sẽ nghĩ rằng tôi bị chứng mát thần kinh nặng. Tuy vậy, qua hình ảnh chú bé David và búp bê kia, Đức Chúa đã ghé thăm hồn tôi vào tuần lễ cuối của Mùa Vọng. Và, Giáng sinh mai ngày sẽ chẳng bao giờ giống như Giáng sinh năm ấy.

Nghe kể truyện bé Đavít và thiệp vui ngày lễ, hẳn ta lại nhớ câu thơ còn ngâm giở rằng:

“Độ ấy xuân về em lớn lên,

Thấy anh, em đã biết làm duyên.

Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng.”

(Hàn Mặc Tử – Âm Thầm)

 Nhà thơ âm thầm nghĩ về những đêm “trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm”, nhưng nhà Đạo lại nghĩ về những bạn trẻ nhỏ vẫn âm thầm hướng về người mẹ hiền đã khuất không còn nhìn thấy bé. Chí ít là thấy Chúa Hài Đồng ở mọi chốn, rất riêng tây.

Lm Richard Leonard sj biên soạn

Mai Tá lược dịch.

THEO GƯƠNG MẸ MARIA, SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG

THEO GƯƠNG MẸ MARIA, SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG

 Mùa Vọng là thời gian để chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.  Trong thời gian này, Giáo Hội đã cho chúng ta chiêm ngưỡng những mẫu gương sống động của các nhân vật trong Kinh thánh như: Tiên tri Isaia, Gioan tẩy giả, cũng như qua cách sống và những tâm tình của các ngài trao gởi lại, thì đó cũng là những bài học rất quý giá để chúng ta sống tốt đẹp hơn trong thời gian mùa Vọng.

DUC ME

Thật thiếu sót, nếu chúng ta không kể đến Mẹ Maria trong thời gian mong đợi Con Chúa giáng trần.  Bởi vì Mẹ Maria cũng đã từng sống tâm tình mùa Vọng như bao người khác.  Thế nhưng, hơn ai hết, kinh nghiệm sống tâm tình mùa Vọng nơi Mẹ Maria vẫn luôn là tiếng gọi thúc giục lòng ta hãy thành tâm chiêm ngưỡng cách sống mùa Vọng nơi Mẹ.  Nhờ vậy chúng ta sẽ có những tâm tình xứng hợp trong khi chúng ta hướng về ngày Chúa đến trong trần gian.

1/ Mẹ Maria sống tâm tình mùa Vọng bằng đời sống thánh thiện:

Vì ý thức Đấng Thiên Sai muôn dân mong đợi là Đấng thánh, nên thời gian sống tâm tình mong đợi con Thiên Chúa nơi Mẹ Maria, đã được dệt bằng những chuỗi ngày vô tận của sự thánh thiện.  Mẹ sống thánh thiện, vì Mẹ xác tín những tâm hồn thánh thiện là những tâm hồn sẽ được đón nhận niềm vui ơn cứu độ cách tròn đầy.  Mẹ sống thánh thiện, vì Mẹ xác tín những tâm hồn thánh thiện là những tâm hồn luôn làm đẹp lòng Chúa là Đấng Thánh.  Và Ngài rất vui khi được hiện diện với những tâm hồn như thế.

Về điểm này, chúng ta hãy suy nghĩ lại những hành động của Chúa Giêsu khi Ngài tiến về Giêrusalem để thực hiện cuộc thanh tẩy Đền thờ.  Vì phía sau hành động thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta phải tự thanh tẩy đền thờ tâm hồn chính mình, nhờ vậy Thiên Chúa là Đấng thánh mới vui thích ngự trong những tâm hồn trong sạch như Ngài.

Hơn ai hết, cách sống tâm tình mùa Vọng của Mẹ Maria đã để lại dấu ấn không thể ngờ và không thể phai mờ.  Không thể ngờ vì qua sự chuẩn bị tích cực để mong đợi Đấng Cứu Độ nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã đoái nhìn đến cách sống thành tâm tuyệt vời ấy.  Vì thế, một điều bất ngờ xảy ra nơi Mẹ là Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, Người Nữ Thánh Thiện được làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã chọn cung lòng thanh khiết của Mẹ để trao gởi Người Con Yêu Dấu của Ngài là Đấng Thánh, và qua trung gian Mẹ Maria Thiên Chúa đã trao ban Đấng Cứu Độ cho loài người.  Đó là một điều bất ngờ đối với Mẹ Maria.  Thế nhưng, qua sự bất ngờ này thì Mẹ Maria đã thể hiện một dấu ấn không thể phai mờ.  Vì từ giây phút bất ngờ khi được Con Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng mình, cũng từ giây phút ấy, Mẹ Maria đã khiêm tốn chỉ cho chúng ta con đường để chúng ta gặp Chúa, để Chúa đến với chúng ta.  Con đường Mẹ chỉ dạy chúng ta đó là hãy trở lại kinh nghiệm của chuỗi ngày vô tận sống thánh thiện nơi Mẹ.  Vì chuỗi ngày thời gian sống thánh thiện của Mẹ, đã hình thành nên bài thánh ca muôn thuở để mời gọi mọi người hãy can đảm sống tâm tình mùa vọng bằng đời sống thánh thiện như Mẹ Maria, Trinh Nữ Thánh Thiện.

2/ Mẹ Maria sống tâm tình mùa Vọng bằng đời sống khiêm nhường:

Khiêm nhường là cách sống Mẹ rất ưa thích.  Mẹ thích sống khiêm nhường, bởi vì nhờ những tâm tình ấy mà Mẹ thật sự trở nên một người con bé nhỏ của Thiên Chúa, luôn phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa, luôn sống theo những gì Chúa đã dạy.

Vì Mẹ thích sống khiêm nhường, nên Mẹ sẵn sàng thưa hai tiếng xin vâng ý Chúa trong ngày truyền tin, để từ giây phút ấy mẹ đã trở nên Thánh mẫu của Đấng Tối Cao.

Vì Mẹ thích sống khiêm nhường, nên Mẹ sẵn sàng thi hành lời Chúa dạy trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống: Lúc vui, lúc buồn, lúc bối rối, lúc lo sợ, lúc an bình…… Nhờ việc hạ mình sống theo Lời Chúa mà Mẹ Maria được gọi là người có phúc.  Mẹ có phúc vì Mẹ là người luôn “lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc: 11, 28).

Vì Mẹ thích sống khiêm nhường, nên Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.  Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã khiêm nhường tự hạ mang lấy thân phận con người, và trong thân phận con người Ngài đã mang lấy thân phận nô lệ để phục vụ sự sống cho muôn người.

Vì Mẹ thích sống khiêm nhường, nên qua đời sống gương mẫu tuyệt vời ấy, Mẹ muốn nhắc nhở chúng ta: Thiên Chúa là Đấng khiêm nhường, Ngài rất thích những ai sống khiêm nhường.  Chỉ có những tâm hồn sống khiêm nhường như Chúa mới có thể gặp được Chúa và được Chúa đến viếng thăm cư ngụ trong tâm hồn người ấy.  Vì Thiên Chúa bản chất là khiêm nhường, nên Ngài không bao giờ đến với những ai kiêu căng, cậy dựa chức quyền, cậy dựa vào sức mạnh của trần thế để bôi nhọ hình ảnh tốt đẹp của Thiên Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường.  Về điểm này chính Mẹ Maria đã nhắc nhở cũng như đã cảnh cáo những ai sống ngược lại với cách sống khiêm nhường của Chúa, khi Mẹ nói: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.  Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc: 1, 51-52).

Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng.  Thiết nghĩ, chúng ta nên thay đổi cách sống để cùng với Mẹ Maria sống những tâm tình Mùa Vọng.  Vì đối với Chúa, những cố gắng quyết tâm chân thành sống phút giây hiện tại, cũng có thể biến chuyển đời sống chúng ta trong tương lai.  Hơn nữa, sống tâm tình mùa Vọng không chỉ dừng lại bởi thời gian được ấn định trong năm phụng vụ.  Nhưng tâm tình hướng về Con Thiên Chúa đến trần gian, đến trong cõi lòng chúng ta phải được thực hiện trong từng phút giây của nhịp sống.

Như vậy, khi khám phá hình ảnh sống mùa Vọng nơi Đức Maria qua đời sống thánh thiện và khiêm tốn, thì đó cũng là lúc Mẹ chỉ cho chúng ta con đường hoàn hảo nhất, đẹp lòng Chúa nhất để Chúa đến với chúng ta.

Nếu chúng ta thật lòng sống thánh thiện như Mẹ mà không bị giằng co bởi những thú vui giả tạo mau qua của thế gian, chắc chắn đó là con đường hoàn hảo nhất để Chúa là Đấng Thánh giáng sinh trong cõi lòng chúng ta.  Nếu như chúng ta thật lòng sống khiêm nhường như Mẹ trong mọi hoàn cảnh, mà không lo sợ phải thiệt thòi bởi những thứ ham muốn của sức mạnh trần thế, chắc chắn đó là con đường đẹp lòng Chúa nhất để Chúa giáng sinh trong cõi lòng chúng ta.

Lạy Mẹ Maria!  Ước gì những tâm tình sống mùa Vọng nơi Mẹ sẽ là hành trang luôn đồng hành trong cách sống đức tin chúng con.  Nhờ đó chúng con cũng được đón nhận nguồn ơn cứu độ như Mẹ.  Lạy Mẹ Maria, xin cho niềm vui giáng sinh sắp đến được khơi dậy bằng ước muốn sống thánh thiện và khiêm nhường trong từng phút giây hiện tại của đời sống chúng con.  Amen.

LM Giuse Nguyễn Minh Chánh

langthangchieutim gởi

CHÚA VỊ CỨU TINH SẼ ĐẾN CỨU ĐỘ CHÚNG TA

CHÚA VỊ CỨU TINH SẼ ĐẾN CỨU ĐỘ CHÚNG TA

(CN III Mùa Vọng)

  Tuyết Mai

Thật phải khi Thiên Chúa vị Cứu Tinh của chúng ta đến trần gian, tất cả mọi chỗ mọi nơi trên địa cầu phải nhảy mừng, hân hoan và ca hát không ngừng. Để chào đón một Thiên Chúa vô cùng toàn năng, thống trị toàn cõi địa cầu, sẽ giáng trần mặc xác loài người như chúng ta và để cứu độ chúng ta. Thưa Ngài sẽ cứu độ chúng ta như thế nào?.

Ngài sẽ làm cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Carmel và Saron. Ngài sẽ mở mắt cho người mù được nhìn thấy; mở tai cho người điếc được nghe; người què được nhảy nhót; người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn rên siết nữa.

Thế thì còn gì bằng mà toàn cõi địa cầu không phủ phục dưới bàn thờ Thiên Chúa mà cảm tạ Người. Vì Thiên Chúa đã dõi mắt trông chừng chúng ta.  Vì Thiên Chúa Người có đang lắng nghe tiếng chúng ta khẩn cầu với lòng thành khẩn, thông cảm cho sự yếu đuối mỏng dòn của con người chúng ta.  Thiên Chúa Người thương yêu chúng ta, muốn được hiểu chúng ta tường tận hơn nên không gì bằng đã cho người Con duy nhất của mình xuống trần, mặc xác phàm để cảm thông và hiểu thế nào để trở thành một con người thật sự như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.

Vâng, một Hài Nhi phải xuống trần học cách làm con người.  Ngài phải được sinh ra thật bình thường như một con trẻ, có hình hài, có đầy đủ đầu mình và tứ chi. Cũng phải có cha mẹ là người trần gian nhưng cả hai rất khiết trinh vì đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa. Thế cho nên hai người đã được Thiên Chúa Cha tuyển chọn trong vô số những người thanh niên và thanh nữ để xứng đáng làm dưỡng phụ và dưỡng mẫu của Chúa Con Giêsu trên thế gian này.

Quả Ngài là một Thiên Chúa thật siêu phàm vì Ngài đã hy sinh chính mình cho nhân loại. Hy sinh đến nỗi Chúa đã chọn chỗ sinh ra đời của mình ở một nơi tận cùng nhất, bần hèn nhất, hôi hám nhất của trần gian. Một hang bò lừa ư?. Nằm trong máng cỏ trên được lót rơm ư?. Quần áo của một một thiên tử con Vua Trên Trời lại chỉ là tấm vải quấn người thôi ư!?. Sao Chúa lại làm thế?.

Chúa đã có ý dạy chúng con điều gì?. Có phải Chúa dạy chúng ta một bài học rất đơn giản là con người khi sinh ra trên trần gian này cũng không khác nào khi nằm xuống?. Là một sự tuần hoàn của nguyên thủy được trở về với nguyên thủy?. Con người khi được sinh ra trong trần truồng thì khi Chúa gọi ra đi cũng thật trần truồng.

Vâng, một thiên tử con Vua Trời lại phải học cách để làm người. Để được như vậy Ngài phải được sinh ra là một hài nhi chứ. Ngài cũng phải được bú mớm từ dòng sữa tươi mát và rất lành thánh của người Mẹ là Đức Maria khiết trinh của chúng ta.

Ngài phải được lớn lên trong sự giáo dục của cha mẹ thánh. Ngài cũng phải tập cách suy nghĩ của con người. Ngài học cảm nhận được cái nóng, lạnh, đói, đau, khổ và cái cảnh nghèo thiếu thốn ra sao. Ngài cũng phải sống chung với tất cả con người nghèo mà Ngài cho là bạn rất thân thiết của Ngài, ngày qua ngày như chúng ta đây vậy. Rất phải khi Thiên Chúa Cha đã nghĩ ra cách hoàn hảo nhất để dạy dỗ con người, sửa phạt con người là đem chính thân xác của con mình làm gương sáng cho nhân loại tội lỗi noi theo.

Khi nói đến gương sáng chúng ta tất cả không thể phủ nhận rằng gương sáng ngời của gia đình Thánh Gia. Một người cha trần thế rất thánh thiện, công thẳng, hiền hòa, bác ái và rất nhân hậu. Ngài là người ít nói nhưng làm nhiều. Hòa khí trong gia đình Ngài đã sống thật hòa thuận. Đúng lắm với thứ bậc làm cha và làm chồng của mình.

Luôn thương yêu, nhường nhịn người bạn đời của mình và biết thông cảm. Còn nói về Đức Mẹ thánh thiện của chúng ta thì không khỏi cảm phục và yêu kính Mẹ. Mẹ can đảm để Xin Vâng với thiên chức được làm Mẹ Chúa Trời trong tương lai vì lợi ích của nhân loại tuy dù Mẹ hiểu rằng những cái khổ trước mặt mà Mẹ phải chịu đựng.

Thiên Chúa Cha Người thương Mẹ đến độ Người đã chọn Mẹ và tác tạo Mẹ cách riêng để Mẹ không vướng tội tổ tông truyền vì Mẹ là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cơ mà. Mẹ rất xứng đáng làm Mẹ Chúa Trời. Mẹ xứng đáng làm Mẹ của Hội Thánh và Mẹ rất tuyệt vời để làm Mẹ của nhân loại.

Trong mùa đông lạnh giá này phúc thay cho toàn thể nhân loại chúng ta được Con Chúa Giáng Trần. Ngài giáng Ân Phúc cho chúng ta để trẻ con không cha không mẹ bị bỏ rơi có nơi trú ngụ và được no ấm.   Để các em lạc loài sống đầu đường xó chợ khắp nơi tìm nguồn an ủi nơi hang Bêlem.   Để những người cô đơn chưa đôi chưa cặp biết chờ đợi ý Chúa.   Để gia đình những ai đang xào xáo bất hòa biết nhịn nhục, chịu đựng, và yêu thương nhau hơn.  Để người bệnh tật được giảm đau và biết sống trông cậy vào Chúa.   Để người già cả biết sống trong chờ đợi trong an bình và để toàn cõi địa cầu biết Đấng Toàn Năng Con Thiên Chúa đang dần đến với chúng ta.

Lạy Chúa, Ngài xuống trần mà chẳng có ý định đem theo mình một thứ gì từ trời cả.  Ngôi báu cũng không, danh vọng tiền tài cũng không, tất cả mọi thứ Ngài để lại ở trên Trời.   Ngài chỉ đem theo duy nhất trái tim tràn đầy yêu thương là món quà trân quý nhất của Ngài ban tặng cho nhân loại chúng con mà thôi. Do đó chúng con xin được học nơi Ngài từ cách sống đơn sơ chân chất và thật thà. Đem chính thân xác mình và tình yêu Thiên Chúa đến cùng khắp anh chị em nơi bốn phương trời và hoan hỉ loan báo cho cùng khắp thiên hạ là Con một Thiên Chúa sắp Giáng Sinh. Amen.

 Tuyết Mai

Y Tá của Chúa

11 tháng 12, 2015

NGƯỜI NỮ CHIẾN THẮNG CON RẮN

NGƯỜI NỮ CHIẾN THẮNG CON RẮN

Sự tích Lễ mừng Đức Bà Guadalupe ngày 12/12

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Trong chuyến viếng thăm mục vụ Mêhicô lần thứ hai, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) nâng thổ dân Juan Diego (1474-1548) lên hàng Á Thánh vào Chúa Nhật 6-5-1990.  Hôm ấy, Đức Thánh Cha âu yếm gọi tân chân phước là “người tâm phúc của Đức Bà dịu hiền Tepeyac.”  (Thổ dân Juan Diego được Đức Mẹ Maria (Đức Bà Guadalupe) hiện ra 5 lần vào năm 1531).

NGUOI NU CHIEN THANG

12 năm sau, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thủ đô Mêhicô lần thứ năm và chủ sự lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước thổ dân Juan Diego vào ngày 31-7-2002.

Xin lược thuật 5 lần Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria hiện ra cùng thổ dân Juan Diego trên đồi Tepeyac.  Lần đầu vào sáng thứ bảy 9-12-1531 và lần cuối vào chiều thứ ba 12-12-1531.  Trong lần hiện ra sau cùng, Đức Mẹ Maria tỏ lộ danh thánh là “Đức Bà Guadalupe.”  “Guadalupe” trong tiếng thổ dân có nghĩa “Người Nữ Chiến Thắng con rắn.”

Các cuộc hiện ra được thổ dân Antonio Valeriano (1520-1605) kể lại tỉ mỉ.  Thổ dân Antonio Valeriano sống đồng thời với thổ dân Juan Diego.  Vào năm 1531, thổ dân Juan Diego 57 tuổi và thuộc về nhóm thổ dân thiểu số rất ít người.  Trước đó 7 năm, ông Juan Diego lãnh bí tích Rửa Tội cùng với người vợ hiền là bà Maria Lucia.  Bà Maria Lucia qua đời năm 1529.

LẦN HIỆN RA THỨ NHẤT

Hôm đó là sáng thứ bảy 9-12-1531, ông Juan Diego đến nhà thờ Thánh Giá ở Tlatelolco để tham dự buổi học giáo lý.  Khi đến gần đồi Tepeyac, ông nghe tiếng líu lo êm ái, tiếng ríu rít nhẹ nhàng, với các cung trầm bổng tuyệt vời của muôn ngàn chim sẻ, như tiếng nhạc réo rắt vọng xuống từ trời cao.  Thổ dân Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ.  Ông dồn dập tự hỏi: “Liệu mình có xứng đáng với những gì đang nghe không?  Hay mình đang mơ?  Mình đã tỉnh hẳn chưa?  Mình đang ở nơi nào đây?  Có lẽ mình đang ở địa đàng, nơi cõi trần hạnh phúc mà các bậc tiên tổ đã nói tới chăng?  Hay là mình đã vào thiên đàng rồi?”  Còn đang đảo mắt nhìn chung quanh, bỗng tiếng hót im bặt và ông nghe một tiếng nói xa xôi, vọng xuống từ trên cao và gọi rõ tên ông:
– Juan Diego, Juan Diego bé nhỏ!

Juan Diego không hề cảm thấy sợ hãi, trái lại, ông sung sướng tiến nhanh về hướng đồi cao.  Khi leo lên tới đỉnh, Juan Diego trông thấy một Bà đang đứng đó.  Bà ra hiệu mời Juan Diego tiến lại gần Bà.  Khi đến trước mặt Bà, Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ và kinh ngạc trước vẻ đẹp siêu thoát của Bà.  Áo Bà long lanh các tia sáng mặt trời.  Tảng đá nơi Bà đặt chân như toàn bằng đá quí và mặt đất chung quanh Bà tỏa sáng như cầu vòng.

Thổ dân Juan Diego kính cẩn quì xuống và cảm động lắng nghe lời Bà nói cách êm ái dịu dàng:
– Hỡi Juan bé nhỏ, người con nhỏ bé nhất trong các con Mẹ, con đang đi đâu đấy?
Juan Diego trả lời:
– Thưa Bà, con phải đến Nhà Bà ở Messico-Tlatelolco để tiếp tục học về các mầu nhiệm của Thiên Chúa do các linh mục dạy.  Các linh mục là các thừa tác viên thánh của Chúa chúng ta.

Bà Đẹp liền bày tỏ cùng Juan Diego ước muốn của Bà:
– Con hãy cẩn trọng ghi khắc nơi lòng con rằng con là người bé mọn nhất trong các con của Mẹ, và Mẹ chính là Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa thật, Đấng là suối nguồn sự sống, là Đấng Tạo Dựng muôn loài.  Ngài là Chủ Tể trên trời và dưới đất.  Mẹ hết sức mong ước người ta xây cất nơi đây một đền thánh, hầu Mẹ có thể minh chứng và trao ban cho mọi người tình thương của Mẹ, lòng cảm thông, sự trợ giúp và che chở của Mẹ.  Bởi vì, Mẹ là Mẹ Từ Bi của các con, Mẹ của riêng con, cũng như của toàn dân sống trên phần đất này và của tất cả những ai thành khẩn kêu cầu cùng Mẹ với trọn lòng tin tưởng.  Mẹ nghe rõ tiếng kêu than ai oán của họ.  Mẹ muốn trao ban cho mọi người phương thuốc chữa trị các nỗi đau đớn, các khó khăn cùng các sầu khổ buồn phiền.  Và để có thể thực hiện các nguyện ước khoan nhân của Mẹ, con hãy đi tới tòa Giám Mục Mêhicô và thưa với Đức Giám Mục rằng, chính Mẹ sai con tới và Mẹ ước ao người ta xây cho Mẹ một đền thánh trên ngọn đồi này.  Con hãy kể lại tỉ mỉ cho Đức Giám Mục tất cả những gì con thấy và nghe.  Con hãy tin chắc rằng, Mẹ sẽ nhớ ơn con, Mẹ sẽ ban thưởng cho con.  Mẹ sẽ làm cho con được hạnh phúc và con, con sẽ xứng đáng với phần thưởng, dành cho các cố gắng và các nhọc mệt con hy sinh để chu toàn sứ mệnh Mẹ trao phó.  Đấy nhé, con đã nghe rõ mệnh lệnh của Mẹ, hỡi con Mẹ, đứa con nhỏ bé nhất trong tất cả các con Mẹ.  Bây giờ con hãy đi và dùng trọn sức lực để thi hành công tác.

Thổ dân Juan Diego kính cẩn cúi mình nói:
– Thưa Bà, con sẽ đi ngay và thực hiện lệnh Bà truyền.  Giờ đây đứa đầy tớ khiêm hạ của Bà xin được phép lui gót.

Ông Juan Diego mau mắn xuống khỏi đồi và trực chỉ thành phố Mêhicô.  Vào thành, ông đi thẳng đến tòa Giám Mục.  Vị Giám Mục sở tại lúc bấy giờ là Đức Cha Juan de Zumárraga thuộc dòng Anh Em hèn mọn thánh Phanxicô.  Juan Diego xin gặp Đức Cha và thưa với ngài về sứ điệp của Bà Đẹp Thiên Quốc.  Nhưng Đức Cha không tin lời ông nói.  Juan Diego buồn bã ra về, lòng thất vọng vì nhiệm vụ giao phó không hoàn thành.

LẦN HIỆN RA THỨ HAI

Cùng ngày thứ bảy 9-12-1531, thổ dân Juan Diego quay trở lại đồi Tepeyac.  Khi lên tới đỉnh đồi, Juan Diego trông thấy Bà Đẹp Thiên Quốc đang đứng chờ mình.  Ông quỳ sụp xuống và nói:
– Thưa Bà, con đã mang sứ điệp của Bà đến cho Đức Giám Mục.  Ngài ưu ái lắng nghe con nói, nhưng ngài không tin lời con.  Có lẽ ngài nghĩ là con bịa chuyện.  Vì vậy, con tha thiết xin Bà, xin Bà hãy trao phó nhiệm vụ này cho một người khác quan trọng hơn.  Có thế, Đức Giám Mục mới tin.  Bởi vì con chỉ là người chót bét, một sợi dây mỏng manh, một chiếc thang bằng gỗ, một cái đuôi, một mảnh giấy.  Con thuộc về một nhóm dân cùng đinh, nghèo khổ, vậy mà Bà lại sai con đến một nơi quá cao xa đối với con, đến một chỗ mà con không bao giờ dám đặt chân tới.  Xin Bà tha thứ cho con, nếu con làm phật ý Bà, nếu con làm Bà nổi giận.  Hỡi Bà là Bà Chủ của con!

Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria trả lời:
– Hỡi người con bé nhỏ nhất của Mẹ, hãy lắng nghe lời Mẹ nói đây.  Mẹ biết rõ là có nhiều tôi tớ khác của Mẹ có thể thi hành mệnh lệnh Mẹ truyền.  Tuy nhiên, Mẹ rất cần đến sự giúp đỡ của con.  Vậy thì, Mẹ truyền cho con trở lại tòa Giám Mục một lần nữa.  Ngày mai, con đến tòa Giám Mục và thưa với Đức Cha rằng con đến nhân danh Mẹ và xin ngài xây cất một đền thờ theo ý hướng của Mẹ.  Con lập lại với ngài lần nữa rằng chính Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, chính Mẹ đã đích thân sai con đến với ngài.

Thổ dân Juan Diego khiêm tốn thưa:
– Thưa Bà, con không hề muốn làm phiền lòng Bà, con sẽ trung tín thi hành nhiệm vụ Bà trao phó.  Con không quản ngại đường xa cũng không lưu ý việc Đức Giám Mục không tin lời con nói.  Ngày mai, con sẽ mang đến cho Bà câu trả lời của Đức Giám Mục.  Bây giờ xin Bà cho phép con ra đi. Trong khi chờ đợi, xin Bà nghỉ ngơi!

Sáng hôm sau, Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego rời nhà thật sớm đi tới Tlatelolco để tham dự các buổi cử hành phụng vụ.  Trong lòng, ông cương quyết tìm mọi cách gặp cho bằng được Đức Giám Mục.  Thánh Lễ kết thúc, thổ dân Juan Diego phải nài nỉ mãi người ta mới cho ông được hầu chuyện với vị Giám Mục.  Ông quì gối trước mặt Đức Giám Mục, vừa khóc ông vừa lập lại lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc.  Ông khẩn khoản xin Đức Giám Mục tin lời ông.  Ông tha thiết xin ngài chấp thuận thi hành ước nguyện của Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm.

Với mục đích kiểm chứng thực hư, Đức Cha Juan de Zumárraga đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Thổ dân Juan Diego kiên nhẫn trả lời rõ ràng từng câu một, thật chính xác.  Sau khi tỉ mỉ tra vấn, Đức Giám Mục truyền cho ông Juan Diego phải xin Bà Đẹp Thiên Quốc tỏ lộ một “dấu chỉ.”  Mặt khác, ngài còn cẩn thận sai vài người giúp việc nơi tòa Giám Mục hãy đi theo ông Juan Diego xa xa, và theo dõi mọi hành động của ông.  Thế nhưng, khi đến chân đồi Tepeyac thì những người này không còn trông thấy bóng dáng thổ dân Juan Diego đâu nữa.

LẦN HIỆN RA THỨ BA

Cùng ngày Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego lên đồi trình bày với Đức Mẹ về câu trả lời của Đức Giám Mục.  Nghe xong, Đức Mẹ liền nói:
– Hỡi con bé nhỏ của Mẹ, con đã thi hành tốt đẹp lệnh truyền của Mẹ.  Được rồi. Ngày mai con hãy trở lại đây để đón nhận “dấu chỉ” mà vị Giám Mục xin.  Như thế, ngài sẽ tin lời Mẹ, sẽ không hoài nghi cũng không còn ngờ vực con nữa.  Phần con, con luôn ghi nhớ rằng Mẹ sẽ trả công bội hậu cho con vì tất cả khó nhọc con dành để phục vụ Mẹ.  Giờ đây con hãy chạy nhanh về đi.  Ngày mai Mẹ đợi con cũng nơi ngọn đồi này!

Ngày hôm sau, thứ hai 11-12-1531, thổ dân Juan Diego không đến nơi hẹn với Đức Trinh Nữ.  Lý do vì chiều Chúa Nhật hôm trước, khi về đến nhà, ông Juan Diego trông thấy người chú Juan Bernardino lâm bệnh nặng.  Ông Juan Diego vội vã chạy đi tìm thầy thuốc đến chữa bệnh cho chú.  Thầy thuốc đến ngay.  Nhưng cơn bệnh đã đến hồi trầm trọng, vô phương cứu chữa.  Biết thế, ông chú liền xin Juan Diego đi mời linh mục đến, để ông được lãnh nhận các phép Bí Tích sau cùng và dọn mình chết lành.

LẦN HIỆN RA THỨ TƯ VÀ THỨ NĂM

Sáng tinh sương ngày thứ ba 12-12-1531, ông Juan Diego nhanh nhẹn đi đến Tlatecolco để mời linh mục cho chú.  Ông cẩn thận chọn một con đường khác, đi vòng quanh ngọn đồi về hướng đông, để có thể vào ngay thành phố Mêhicô, và khỏi bị Bà Đẹp Thiên Quốc giữ lại nói chuyện!  Tuy nhiên, ông Juan Diego rất đỗi ngạc nhiên khi trông thấy Bà Đẹp từ trên đồi đi xuống.  Khi đến gần, Bà hỏi ông Juan Diego:
– Có chuyện gì xảy ra vậy con?  Con đang đi đâu đó?

Thổ dân Juan Diego cảm thấy vừa sợ hãi vừa xấu hổ thẹn thùng.  Ông nghiêng mình thưa:
– Con hy vọng Bà hài lòng!  Sáng nay Bà có cảm thấy dễ chịu không? Sức khoẻ Bà như thế nào?  Con biết Bà sẽ phật ý.  Nhưng xin Bà hiểu cho rằng, chú con bị bệnh nặng vì bị lây bệnh dịch hạch.  Con đi mời linh mục đến giải tội cho chú con.  Xin Bà thứ lỗi cho con.  Xin Bà vui lòng chờ đợi con.  Con không đánh lừa Bà đâu.  Ngày mai con sẽ đến đây thật sớm để gặp Bà!

Sau khi lặng lẽ nghe ông Juan Diego bào chữa một hơi dài, Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria nhân từ dịu dàng trả lời:
– Con hãy lắng nghe và hiểu cho kỹ, hỡi đứa con bé nhỏ nhất của Mẹ.  Con đừng xao xuyến trong lòng.  Con đừng lo lắng về bệnh tình của chú con cũng như về bất cứ điều gì không may sẽ xảy ra.  Mẹ đang có mặt nơi đây, không như là Người Mẹ của con sao?  Con không tìm thấy an nghỉ dưới bóng rợp mát của Mẹ sao?  Mẹ không phải là sức khỏe của con sao?  Con không được Mẹ ấp ủ sao?  Hãy nói cho Mẹ biết con đang cần gì?  Con chớ nên âu lo và buồn phiền, ngay cả bệnh tình trầm trọng của chú con.  Bởi vì chú con chưa chết bây giờ đâu.  Con hãy tin tưởng vững chắc rằng, ngay chính lúc này đây, chú con sẽ được khỏi bệnh!

Lắng nghe những lời nói dịu dàng của Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, thổ dân Juan Diego cảm thấy lòng tràn ngập niềm an ủi.  Ông mau mắn leo lên đồi cao, theo lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc. Ông hái những đóa hồng Tây-Ban-Nha nở tươi, thơm phức, tuyệt đẹp, ngoại lệ, vì lúc bấy giờ là tháng 12.  Thổ dân Juan Diego nhanh nhẹn hái hết và bỏ vào chiếc áo choàng, đan bằng sợi cây xương rồng.  Giờ đây ông trở thành vị sứ giả đáng tin cậy.  Ông hăng hái trở lại con đường tiến thẳng vào thành phố Mêhicô.

Ông Juan Diego vào tòa Giám Mục, quì gối trước mặt Đức Cha Juan de Zumárraga.  Thổ dân Juan Diego lập lại sứ điệp của Đức Mẹ Maria rồi từ từ mở chiếc áo choàng, mà cho đến lúc ấy, ông vẫn còn giữ chặt trước ngực.  Vừa khi những đóa hồng tươi rơi xuống đất, tức khắc, xuất hiện trên chiếc áo choàng hình ảnh thật đẹp của Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Vị Giám Mục cùng tất cả những người hiện diện liền sấp mình xuống đất, tôn kính hình ảnh lạ được Đức Mẹ Maria in trên áo choàng.  Vị Giám Mục thật ân hận vì không tin ngay lời thổ dân Juan Diego nói.  Ngài muốn giữ chiếc áo choàng lạ nơi nhà nguyện riêng của ngài ở tòa Giám Mục.  Ngày hôm sau, Đức Giám Mục cùng với một đoàn người đông đảo, đi hành hương kính viếng nơi Đức Mẹ đã hiện ra trên đồi Tepeyac.

Về phần thổ dân Juan Diego, ngoài hồng phúc được tận mắt trông thấy Đức Mẹ Maria, ông còn cảm thấy thật sung sướng vì chứng kiến phép lạ đầu tiên thực hiện theo lời hứa của Đức Mẹ.  Đó là cuộc khỏi bệnh lạ lùng của người chú Juan Bernardino.  Chính với người chú này – ông Juan Bernardino – mà trong lần hiện ra thứ năm, cũng là lần sau cùng, Đức Mẹ tỏ lộ danh thánh:
–  Đức Bà Guadalupe.

“Guadalupe” trong tiếng thổ dân có nghĩa ”Người Nữ Chiến Thắng con rắn.”

Chiếc áo choàng với hình Đức Mẹ Maria được rước từ nhà nguyện riêng của Đức Giám Mục ra Nhà Thờ Chính Tòa và được trưng bày cho các tín hữu đến kính viếng.  Hơn 2 tuần sau, ngày 26-12-1531, chiếc áo choàng lạ lại được rước tới nhà nguyện nhỏ đầu tiên do chính các thổ dân xây cất dâng kính Đức Bà Guadalupe trên đồi Tepeyac.

Trong vòng 17 năm trời, tức cho đến ngày nhắm mắt từ trần vào năm 1548, thổ dân Juan Diego sống cạnh đền thánh tí hon này, làm người canh giữ đền thánh.  Nhưng nhất là, ông trở thành người đầy tớ đơn sơ khiêm hạ, trở thành vị chứng nhân và tông đồ nhiệt thành của Đức Bà Guadalupe.

Cuộc hiện ra của Đức Bà Guadalupe với thổ dân Juan Diego đã ghi dấu ấn sâu đậm nơi cuộc sống người dân Mêhicô.  Đức Bà Guadalupe trở thành biểu tượng sức mạnh của kẻ bé nhỏ, yếu đuối và là niềm hy vọng của tất cả những ai đang lo âu sầu khổ.

Hình ảnh Đức Mẹ Maria in trên áo choàng vẫn còn trông thấy rõ ràng mãi cho đến ngày nay, sau 480 năm.  Chiếc áo choàng hiện được tôn kính nơi đền thánh trên đồi Tepeyac.  Đền thánh mang tên Đức Bà Guadalupe.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới.  Mỗi năm có khoảng 20 triệu tín hữu đến hành hương.

Đức Mẹ Guadalupe được tuyên xưng bổn mạng nước Mêhicô vào năm 1737, bổn mạng toàn Mỹ Châu vào năm 1910 và bổn mạng nước Phi-Luật-Tân vào năm 1935.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

(CSD 1009, ”Contesto Storia e Significato della Apparizione Guadalupe”, 13-7-2002)

Lời kinh đêm cùng nhã nhạc dâng lên

Lời kinh đêm cùng nhã nhạc dâng lên
Đêm huyền diệu và lòng người trinh trắng
Có ai đó hái từ trời thanh vắng
Vô vàn sao rụng xuống – bản tình ca

Đêm nhòa sương như hai nghìn năm xưa
Vang vọng tiếng tôn vinh từ cao thẳm
Những ánh mắt nhòa tan vào mê đắm
Những lời ca bay vút tới vô biên

Là tâm hồn nhân loại rất mọn hèn
Hòa với cả đất trời đang thổn thức
Cả vũ trụ bao lâu rồi rạo rực
Bao lâu rồi thương nhớ một Ngôi Hai
Bao lâu rồi khao khát một đêm nay

Máu Chí Thánh chảy trong tim trần thế
Ôi khôn xiết linh thiêng giờ Nhập Thể
Khắp càn khôn quỳ gối xuống nguyện cầu
Từng hạt kinh là bảo ngọc trân châu

Rải trên lối Đấng Muôn Trùng kính ái
Hát, hát nữa, hỡi trần gian điên dại!
Dâng, dâng lên ngàn triệu nỗi mê say
Dâng, dâng lên làm Lễ Vật Đêm Nay…

(Vâng, đã có một mùa đông như thế
Bây giờ và mai sau tôi vẫn kể
Mỗi khi trời lành lạnh tiết Noel
Rằng đã từng mầu nhiệm bàn tay em…)

Thế Luân
http://dongten.net/noidung/56154

BÁC ÁI VÀ BỔN PHẬN

BÁC ÁI VÀ BỔN PHẬN 

Tác giả Ôn Như Nguyễn Ngọc có kể câu chuyện như sau: Gia đình buôn bán nọ chế ra một cái cân để lừa đảo khách.  Cái cân vừa nhẹ vừa nặng và bao giờ phần lợi cũng về phía ông ta.  Vì buôn bán vậy nên chẳng bao lâu ông đã trở nên giàu có.  Lại sinh được hai người con trai hiền lành, học giỏi khôi ngô tuấn tú, ai cũng khen là nhà có đại hồng phúc.

Một hôm, hai vợ chồng bàn nhau: bây giờ hai vợ chồng ta đã dư giả, giàu có không còn thiếu thứ gì ta hãy phá bỏ cái cân kia đi để dành cái đức lại cho con.  Sau khi đem cái cân ra đập.  Khi bể ra thì thấy có đọng một cục máu đỏ hỏn.  Sau đó ít lâu thì hai đứa con bất tử lăn đùng ra chết, làm cho hai vợ chồng khóc lóc thảm thiết.  Được Bụt hiện ra dạy “Hãy tu tĩnh làm ăn không tham lam gian lận.”  Từ đó hai vợ chồng cố gắng làm ăn không gian lận, làm phúc bố thí.  Quả nhiên sau một thời gian sinh được hai đứa con trai khác hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, và sau lớn lên cha mẹ được vẻ vang hạnh phúc.

Qua câu chuyện trên ta thấy hai vợ chồng vì buôn bán gian lận nên hai đứa con bị Trời phạt nhãn tiền.  Điều đáng khen là họ nhận ra mình tội lỗi, và tự biết phục thiện sửa đổi và được tha thứ.  Công việc mà họ phục thiện chính là ăn ngay ở lành, làm phúc bố thí và không buôn bán gian lận.  Nhìn chung lại chính là hãy biết làm tròn bổn phận và sống bác ái.  Tương tự bài Tin Mừng dân chúng cũng lũ lượt kéo đến với Gioan Baotixita và hỏi ông “Tôi phải làm gì?” hay “Tôi phải phục thiện bằng cách nào?” để rước Chúa.  Câu trả lời của Gioan Baotixita không ngoài hai việc chính là:

  1. Sống bác ái

Trong bản văn Tin Mừng không nói rõ là Gioan Baotixita kêu gọi mọi người sống bác ái.  Nhưng qua lời ông yêu cầu mọi người hãy sống tương trợ lẫn nhau: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy.”  Gioan Baotixita muốn họ làm một công việc bác ái cụ thể giúp tha nhân chứ không phải chờ đợi bằng lời nói xuông.  Thật ra ngày nay chúng ta cũng gặp được nhiều người làm việc từ thiện, làm những công việc bác ái giúp đỡ người nghèo, người tàn tật cơ nhỡ ở khắp nơi.  Nhưng cách làm việc của họ không có được tinh thần bác ái như lời Gioan Baotixita kêu gọi.  Vì đôi khi họ chỉ cho những chiếc “áo cũ”, “áo không mặc nữa.”  Còn Gioan Baotixita thì kêu gọi người ta cho đi cái mình “đang mặc.”  Không thể phủ nhận lòng tốt của mọi người, nhưng nhiều người đã lạm dụng công việc bác ái để đạt được mục đích mà họ muốn, chứ không có chút gì là ái cả.  Cho nên cũng có rất nhiều phần lương thực được giúp cho người nghèo, mà là phần dư thừa chứ không phải tất cả những gì họ có.  Nhưng cũng có những tấm lòng cao cả mà cho đi với tinh thần không đắn đo, không đòi hỏi mà làm việc bằng một con tim hiến dâng.  Điều đó thật đáng khen.

Thực trạng ngày nay đang cần con người sống bác ái với nhau nhiều hơn nữa, biết “nhường cơm xẻ áo.”  Qua thống kê mới đây cho biết trên thế giới có khoảng một tỉ người bị đói vì cuộc khủng hoảng kinh tế.  Bên cạnh đó lại có quá nhiều người dư thừa tiền của.  Nếu tất cả mọi người đều sống theo lời mời gọi cua Gioan Baotixita, thì trên thế giới không còn người đói nghèo và bệnh tật nữa.  Thánh Gioan Baotixita khôngđưa ra một đòi hỏi nào quá sức mình, vì vậy để sống trong tầm tình mùa Vọng, chúng ta không chỉ dọn đường mà còn phải sống bác ái ngay trong đời thường, với những người ở xung quanh ta.  Vì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không thích ta sống dư thừa của cải, trong khi người anh em lại thiếu thốn không đủ cung ứng cho nhu cầu của họ.

  1. Làm việc bổn phận

Bài Tin Mừng còn nhắc đến những người thu thuế và lính tráng.  Đối với dân Israel, hai hạng người này bị coi là xấu xa tội lỗi, vì họ tiếp xúc với dân ngoại và nghề nghiệp mang đến cho họ hành vi bất nhân, làm giàu cách bất chính.  Nhưng thánh Gioan Baotixita thì không nghĩ thế, ngài chỉ yêu cầu họ làm đúng, làm tròn và làm tốt công việc mà họ đang làm.  Tiêu biểu đối với người thu thuế ngài nói: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.”  Nghĩa là gian lận trong thu thuế là không hợp với đạo đức.  Với người lính cũng nhận được mệnh lệnh tương tự: “Chớ hà hiếp ai cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”  Công việc binh nghiệp tự nó đâu phải là xấu, mà cũng chẳng đáng chê trách, chỉ xấu khi người ta lợi dụng nó làm việc bất chính, như hà hiếp, tống tiền…  Lời kêu gọi của Gioan Baotixita thật đơn giản dễ thực hiện.  Nhưng đòi hỏi mỗi người phải thực hiện cách triệt để và quyết liệt.  Vì nếu chúng ta dọn lòng không sửa đổi thì Thiên Chúa sẽ không vào được lòng ta, vì nó đã chứa đầy những bất chính lo âu rồi.  Vậy mỗi người hãy biết ăn năn sám hối để dọn lòng đón Chúa trong mùa vọng này.

Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng ra với tha nhân, để yêu thương chia sẻ những gì mình có, và làm tốt công việc mà Chúa đã giao.  Amen.

Sưu tầm

Từ: langthangchieutim

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

 NAM THANH

Khi cử hành phụng vụ thánh lễ, khởi đầu nghi thức sám hối, chúng ta thường đọc Kinh Cáo Mình và hát: Xin Chúa thương xót chúng con.  Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.  Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở Năm Thánh Lòng Thương Xót (The Jubilee of Mercy).

 Lòng Thương Xót Chúa trải qua đời nọ tới đời kia dành cho những ai trông cậy nơi Chúa.  Tác giả thánh vịnh đã bày tỏ lòng thành tín: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 51, 3).  Tiên tri Đanien cũng đã thốt lên trong lúc gặp gian truân khốn khó: “Lạy Thiên Chúa của con, xin lắng tai nghe, xin ghé mắt nhìn cảnh hoang tàn của chúng con và thành đô đã được thánh hiến cho Ngài.  Chúng con không dựa vào những hành động chính trực của chúng con, nhưng dựa vào lượng hải hà của Ngài mà dâng lời khẩn nguyện lên trước Tôn Nhan” (Dn 9, 18).  Thánh Luca, với tâm tư của một lương y đã cảm nhận: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (Lk 1, 78).  Và thánh Phaolô tông đồ đã khuyên nhủ các Kitô hữu: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.  Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12, 1), và Chúa Cha giàu lòng thương xót (Eph 2: 4).

Năm Thánh là thời gian rất quan trọng trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo.  Giáo Hội cảm hứng truyền thống tốt đẹp của Đạo Do Thái về việc cử hành Năm Thánh.  Đức Giáo Hoàng Boniface VIII, vào năm 1300 đã khởi sự các Năm Thánh trong Giáo Hội.  Năm Thánh là một hồng ân tha thứ chung và mở cửa cho mọi tín hữu có cơ hội tiến gần tới tha nhân và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa hơn. 

Trong Giáo Hội, chúng ta có Năm Thánh bình thường và ngoại thường.  Từ năm 1475, Năm Thánh bình thường được cử hành 25 năm một lần.  Vào những dịp đặc biệt, Giáo Hội mở những Năm Thánh ngoại thường.  Cho tới nay, đã có 24 Năm Thánh bình thường và 4 Năm Thánh Ngoại Thường.  Lần cuối, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã mở Năm Thánh ngoại thường vào năm 1983 và Năm Thánh 2000 (Bình thường).  Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường sẽ là lần thứ 5, do bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở ra năm nay. 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố sắc lệnh về Năm Thánh Lòng Thương Xót “Misericordiae vultus” vào ngày 11 tháng 4, 2015.  Ngài giải thích: Tại sao bây giờ có Năm Thánh Lòng Thương Xót?  Đơn giản, bởi vì trong lúc lịch sử đang thay đổi, Giáo Hội được kêu mời cống hiến một cách nỗ lực hơn về dấu chỉ và sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa.  Đây không phải là thời gian của sự xao lãng.

Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ được khai mạc vào ngày 08 Tháng 12 năm 2015, Lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Ngày Đại Lễ này nhắc nhớ tác động của Thiên Chúa ngay từ đầu của lịch sử nhân loại.  Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã trở nên sống động và hiện hữu nơi Đức Giêsu Kitô, là nguồn gốc ơn Cứu độ.

Cửa Thánh là gì?  Nghi thức đầu tiên của Năm Thánh Lòng Thương Xót là mở Cửa Thánh (Holy Door).  Trong chuyến viếng thăm Phi Châu vào cuối tháng 11, 2015 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở Cửa Thánh tại Nhà thờ Chính Tòa ở Bangui, tại Nước Cộng Hòa Trung Phi.  Đây là một nghĩa cử có ảnh hưởng lớn bày tỏ Năm Thánh Lòng Thương Xót được mở ra cho mọi vùng trên thế giới.  Cửa Thánh biểu tượng cách khác thường mà các tín hữu Công Giáo có thể khơi dậy niềm tin.  Đặc biệt, dành cho các khách hành hương có cơ hội bước qua Cửa Thánh.

Đức Giáo Hoàng sẽ mở Cửa Thánh của Đền Thờ Thánh Phêrô.  Lẽ thường, Cửa Thánh chỉ 25 năm mới mở một lần, trừ trường hợp đặc biệt.  Nên biết, khi kết thúc một Năm Thánh, người ta sẽ xây một bức tường gạch bên ngoài Cửa Thánh và chờ tới Năm Thánh kế tiếp sẽ được đập ra.

Cửa Thánh của Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ được mở trước, tiếp theo là các Cửa Thánh của các đền thờ Giáo Hoàng khác sẽ lần lượt được mở ra.  Và tại Giáo Hội địa phương, tất cả các Nhà thờ Chính Tòa, các Cửa Lòng Thương Xót cũng sẽ được mở ra trong suốt thời gian của Năm Thánh.

Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ được bế mạc vào Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Vua, vào ngày 20 tháng 11 năm 2016.  Giáo Hội sẽ lại niêm phong Cửa Thánh.  Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa ban cho tất cả các Kitô hữu trên thế giới một thời gian ngoại thường của ân sủng.

Mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ân sủng của Lòng Thương Xót Chúa qua sự hòa giải với Chúa và với tha nhân, đặc biệt qua Bí Tích Hòa Giải.  Khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con… ước chi lời cầu xin trên môi miệng được thấm nhập vào tim và thực hành trong đời sống hằng ngày.  Chúng ta sẽ tìm được sự bình an đích thực trong tâm hồn và lãnh nhận dồi dào ân sủng.  Trong Năm Thánh, chúng ta sẽ lãnh nhận được nhiều ân xá do lòng nhân hậu của Chúa.

Ân xá (indulgence) là gì?  Là sự tha thứ ta nhận được từ kho tàng các công ơn của Chúa Giêsu và các thánh, do Hội Thánh ban phát, để xóa bỏ những hình phạt mà chúng ta còn phải chịu sau khi tội đã được tha.

Ân xá là sự xá giải các hình phạt tạm (vạ) vì các tội lỗi đã được tha thứ qua Bí tích Giải Tội.  Chúng ta phân biệt tha tội và tha vạ.  Khi thật lòng xưng tội, chúng ta đựợc ơn tha thứ tội lỗi, nhưng ‘vạ’ hình phạt vẫn còn.  Ân xá là việc tha hình phạt tạm, chứ không phải là việc tha tội.  Người tín hữu dọn mình xứng đáng và thi hành những điều kiện đã chỉ định, thì được hưởng ơn tha thứ ấy nhờ sự trung gian của Giáo Hội.  Muốn lãnh nhận Ân Xá một cách có hiệu quả, thì chúng ta phải sạch tội trọng và thi hành một số việc tốt lành như: Xưng tội, dự lễ, rước Mình Thánh Chúa, viếng nhà thờ và đọc các Kinh Lạy Cha, Kinh Mừng, Kinh Sáng Danh, Kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Có hai thứ ân xá: Ơn đại xá hay toàn xá và ơn tiểu xá. 

Ơn đại xá (Plenary indulgence): Tha toàn phần các hình phạt. 

Ơn tiểu xá (Partial indulgence): Tha một phần hình phạt mà thôi.

Ơn Đại Xá là ơn tha tất cả mọi hình phạt do tội lỗi cần phải đền.  Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá toàn phần hay từng phần hoặc cho chính mình hay để chuyển cầu cho những người đã qua đời. 

Lạy Chúa, chúng con bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, xin mở rộng tâm hồn chúng con để cảm nghiệm tình yêu thương vô bờ bến của Chúa.  Xin Chúa thương xót chúng con.  Chúa đang mời gọi chúng con: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28).

LM Giuse Trần Việt Hùng

THIÊN CHÚA CHÚC PHÚC CHO TOÀN NHÂN LOẠI SỐNG HẠNH PHÚC

THIÊN CHÚA CHÚC PHÚC CHO TOÀN NHÂN LOẠI SỐNG HẠNH PHÚC

(Sống Mùa Vọng)

Tuyết Mai

Thật phải thế, không những Thiên Chúa Người tác tạo ra chúng ta mà thôi nhưng Người đã tác tạo ra trời, đất cùng mọi sinh vật trước khi tác tạo ra con người vì Người yêu thương con người mà Người đã tác thành ra chúng để cho con người điều khiển và làm chủ.   Nhìn trời đất mà chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn hiện diện (present) từ thuở đời đời và Người rất vô cùng.   Người nào không cảm nhận được Thiên Chúa đang ở chung quanh chúng ta thì thật là buồn vô hạn và không điều gì làm cho con người buồn hơn là không tin vào Thiên Chúa, Đấng duy nhất và đầy quyền năng đã muôn đời yêu thương chúng ta.

Thế nên chúng ta đang bước vào mùa Vọng, mùa mà cho chúng ta sự đợi chờ trong một không khí vui mừng, khấp khởi, đầy hy vọng và đầy sức sống cho trần gian này mà thời cha ông chúng ta đã không có diễm phúc được có sự chờ đợi như chúng ta ngày nay.   Thưa sự chờ đợi mà không có sự gì trên trần gian có thể sánh ví cho được.

Thưa mỗi năm sau Lễ Tạ Ơn thì chúng ta thấy ngoài đường phố bắt đầu được giăng lên những mầu sắc Giáng Sinh, những cây thông cao được treo đèn, những nhà được thiết kế cách rất tinh xảo vừa cho tiếng nhạc, sự nhẩy múa của đèn nhiều mầu sắc và những thú hay vật cũng được hát ca theo sự thiết kế kỹ xảo ấy, v.v… Ấy là chúng ta chỉ nói đến cái vui khi chúng ta dùng con mắt nhìn nhưng cái vui trong tâm hồn nó mới thực sự làm cho một con người tin vào Thiên Chúa hạnh phúc ngập tràn, thưa có phải?.

Thời nay chúng ta đã hiểu rất rõ là chúng ta đang chờ đợi AI đến trong trần gian này rồi mà Đấng ấy đến trần gian cách thật là lạ lùng, thưa lạ lùng vô cùng mà không mấy ai trên trần gian này lại có thể chấp nhận được như thế.   Mấy ai cha mẹ giầu có sống trên trần gian này lại điên đi chọn một nơi như thế để mà chuẩn bị cho con mình chào đời bao giờ, thưa nhất định ngàn lần không, vạn lần không là chúng ta chẳng thấy ai điên như thế cả.

Chẳng cha mẹ giầu có nào lại không chuẩn bị cho một sinh linh bé nhỏ khi bắt đầu được tin vui từ miệng của bác sĩ và tin mừng đó sẽ được loan báo rất nhanh cho tất cả mọi người trong gia đình, họ hàng và bạn bè thân quen thưa có phải? Rồi thì vui mừng hân hoan để mà đi mua sắm cho thật sớm.   Chuẩn bị từ mầu sơn của cái phòng riêng dành cho một sinh linh nhỏ bé đó rồi thì ê hề mọi thứ chuẩn bị chất cho đầy chật một phòng mà sự vui mừng nhất là từ nơi hai vợ chồng mới cưới.

Còn ĐẤng mà chúng ta toàn cõi địa cầu rất đáng để trông mong, vui mừng để đến trên trần gian này thì thưa trong tâm hồn chúng ta thực sự được bao nhiêu người? Thực tế chắc rất là ít!? Vì con người thì luôn là thế.   Có nghĩa cái ăn, cái mặc, cái sống, cái vui chơi nó phải được ưu tiên hơn là đón đợi một Đấng sẽ xuống thế gian này.   Nên Thiên Chúa Người yêu thương chúc phúc lành và ban ơn đầy tràn cho những ai luôn sẵn sàng đón đợi ngày Chúa đến.

Mong rằng Mùa Vọng sẽ là mùa giúp tất cả chúng ta con cái Thiên Chúa sống cách chuẩn bị chu đáo hơn để xứng đáng được Chúa thương yêu và đến ngự trị trong tâm hồn, trong trái tim khô cằn của chúng ta.   Cũng mong rằng chúng ta đừng bận tâm tốn quá nhiều thời giờ và tiền bạc trong những món quà sắm mua mà có thể người nhận sẽ không vừa ý chăng?.   Khuyên chúng ta chớ sống vội vàng hời hợt, xem vật chất là Chủ của con người, mầu mè trong những thứ Chúa rất ghét mà không chuẩn bị cho linh hồn sống đời nên trong sáng để xứng đáng đón đợi một Hài Nhi Giêsu vào nhà tâm hồn của chúng ta.

Chúa khuyên dạy chúng ta là hãy sống luôn tỉnh thức vì sự tỉnh thức ấy mới làm cho chúng ta bình tâm tĩnh trí để mà đề phòng và nhờ ơn Chúa luôn ban cho chúng ta khí cụ để nhận biết đâu là sự sáng và đâu là sự dữ.   Quan trọng nhất vẫn là sống tích cực trong ngày hôm nay.   Tạo ra hạnh phúc và sống cùng với anh chị em cách vui vẻ hòa thuận một nhà, yêu thương tha thứ cho nhau, chia sẻ ít nhiều trong sự hy sinh để làm Quà chúc mừng ngày Chúa sẽ đến trong khả năng Chúa ban riêng cho từng người chúng ta.   Alleluia, Alleluia.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

1 tháng 12, 2015

CHUYỆN NƯỚC TRỜI

CHUYỆN NƯỚC TRỜI

TRẦM THIÊN THU

Tri’ch EPHATA 670

Ai muốn vào Nước Trời ? Nếu bạn là Kitô hữu mà “bị” hỏi như vậy, hẳn là bạn sẽ thấy “ngứa tai” hoặc “xốn bụng”. Có thể bạn sẽ “hỏi ngược” lại: “Có ai lại không muốn vào Nước Trời chứ ?” Thế nhưng có thể cũng chẳng oan đâu ! Ví dụ: Người ta cảnh báo “hút mỗi điếu thuốc lá sẽ tổn thọ 4 phút”. Thử làm toán nhân thì “ớn” thật. Hoặc lấy chất nicotine có trong một điếu thuốc mà chích vào cơ thể thì người ta chết ngay lập tức. Thế mà người ta vẫn hút, cứ “điếu này vừa hạ rộng, điếu kia đã động quan”. Vì người ta không chết ngay nên vẫn “phớt tỉnh Ănglê”. Cũng vậy, người ta biết nghiện ma túy là chết chắc, thế mà người ta vẫn “chơi”, hít chưa “đã” nên chích thẳng vào máu mới “phê”. Tử Thần đối với họ chẳng là cái quái gì cả !

Về ý nghĩa tâm linh cũng tương tự. Rõ ràng là dù Nước Trời vô cùng quý giá, đáng mơ ước, đáng khao khát, không gì sánh bằng, thế mà vẫn có những người thẳng thừng từ chối bước vào Nước Trời !

Vào một ngày Sabát, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Khi đề cập việc tổ chức tiệc tùng, Chúa Giêsu nói: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” ( Lc 14, 12-13 ).

Nghe kỳ quá ! Rất sốc ! Chắc hẳn lúc đó ông ta rất “ngứa óc” và khó chịu lắm, nhưng lại không nói được gì ! Và rồi Đức Giêsu nói luôn lý do: “Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” ( Lc 14, 14 ). Lúc này không còn là “kỳ cục” mà “kỳ lạ”. Đúng là quá kỳ lạ, dù có vẻ rất ngược đời !

Thường thì khi tổ chức các loại đám tiệc, người ta muốn mời những người “tai to, mặt lớn” để hãnh diện, mời những “đại gia” để có lời, thậm chí mời ai cũng “nhắm chừng” trước, chứ chuyện “tình nghĩa” có đáng gì ! Thế nên người ta vẫn thích “đùa dai” với câu: “Tình cảm là chín ( chính ), tiền bạc là mười”. Quả thật, nếu đãi tiệc gì mà đi mời mấy người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù thì có nước mà… ăn mày !

Chúng ta không hiểu hay cố tình không hiểu ý Chúa ? Sao chỉ thấy ít người làm như Chúa dạy ? Cũng có thể chúng ta cho rằng Chúa “nói bóng” hoặc “nói cho vui” thôi. Tuy nhiên, thiết tưởng Chúa Giêsu hoàn toàn nói theo nghĩa đen chứ chẳng bóng gió gì cả. Trong lịch sử Giáo Hội, đã có nhiều vị Thánh sống đúng nghĩa đen của tinh thần khó nghèo theo Phúc Âm đủ chứng minh cho chúng ta thấy rõ: Thánh Phanxicô Assisi ( mệnh danh là Phanxicô khó nghèo ), Thánh Gioan Maria Vianney, Chân Phước Têrêsa Calcutta…

Khi nghe Chúa Giêsu nói về cách đãi tiệc “kỳ cục” như vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa !” ( Lc 14, 15 ). Nói được như vậy chứng tỏ ông này biết Chúa Giêsu muốn nói đến Tiệc Nước Trời, Thiên Đàng, Vương Quốc Thiên Chúa. Thế nhưng cũng có thể ông này nói mỉa mai chứ chưa hẳn thật lòng !

Chúa Giêsu trả lời ông ta bằng một dụ ngôn: Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn” ( Lc 14, 17 ). Được mời đích danh, nhưng mọi người đồng loạt bắt đầu xin kiếu với đủ lý do, ai cũng có cớ… chính đáng !

Người thứ nhất thản nhiên nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu” ( Lc 14, 18 ). Người khác phân bua: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu” ( Lc 14, 19 ). Người khác lại viện cớ: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” ( Lc 14, 20 ). Ai cũng có lý do chính đáng riêng để từ chối đi dự tiệc. Rõ ràng HỌ KHÔNG MUỐN VÀO NƯỚC TRỜI.

Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Chủ nhà liền nổi cơn thịnh nộ và bảo người đầy tớ: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây” ( Lc 14, 21 ). Đầy tớ chân thật trình bày: “Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ” ( Lc 14, 22 ). Ông chủ ôn tồn bảo người đầy tớ: “Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta” ( Lc 14, 23 ). Cuối cùng, Ông Chủ Giêsu quyết định: “Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi( Lc 14, 24 ).

Những lý do họ đưa ra để từ chối dự tiệc đều là những lý do rất “quen thuộc”, liên quan vật chất và thực tế, chẳng khác ngày nay, có điều là ngày nay chúng ta từ chối “khéo” hơn nhiều. Quả thật, chính chúng ta cũng đã và đang có những lúc là Pharisêu nhưng lại khoác chiếc-áo-nhân-nghĩa, rất khó có thể phát hiện. Miệng nói muốn vào Nước Trời nhưng cách sống lại trái ngược !

Các lối dẫn vào những nơi ăn chơi hoặc các khu nhà cao cấp đều rộng thênh thang, bóng láng, trơn tru, mượt mà và sang trọng, ai thấy cũng ham; còn những con hẻm nhỏ vào những khu dân cư nghèo thì nhỏ bé, gồ ghề, lầy lội, hôi tanh, chẳng ai thèm nhìn chứ đừng nói bước chân vào.

Đường vào Nước Trời cũng tương tự. Nếu thật lòng muốn vào Nước Trời thì phải làm sao ? Hẳn là ai cũng biết !

Chúa Giêsu đã từng sống trong ngôi làng nhỏ bé, lao động cực khổ, nên Ngài khuyên thực tế lắm: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” ( Mt 7, 13-14 ). Đáng lưu ý cách Chúa nói về tỷ lệ chênh lệch nhau: “Nhiều người” đối với “cửa rộng” và “đường thênh thang”, còn “ít người” đối với “cửa hẹp” và “đường chật”.

Muốn vào Nước Trời thì phải tuân phục Thánh Ý Chúa. Chắc chắn không còn cách khác. Điều đó thể hiện qua dụ ngôn hai người con, đứa nhận lời thì không làm, đứa cãi lời thì lại làm ( x. Mt 21, 28-30 ), nhưng vấn đề là tuân phục hay bất tuân: Chính đứa đi làm mới là đứa hiếu thảo và biết vâng lời cha, vì biết cãi lệnh là sai nên nó hối hận.

Chúa Giêsu đã cảnh báo nhóm Pharisêu nhưng cũng chính là cảnh báo mỗi chúng ta: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước quý vị” ( Mt 21, 31 ). Một sự thật trắng trợn, quá phũ phàng, nhưng sự thật luôn là sự thật. Nước Trời không có chỗ cho những người giả hình hoặc ảo tưởng !

Như vậy, vào Nước Trời dễ hay khó ?

Dễ, vì ai cũng có thể vào; nhưng cũng khó, vì phải nghiêm túc thực hiện Thánh Ý Chúa. Vả lại, phàm điều gì dễ thì ít giá trị, điều gì khó mới thực sự giá trị cao: “Phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được Nước Thiên Chúa” ( Cv 14, 22 ), thậm chí còn phải từ bỏ chính mình ( x. Mt 16, 24; Mc 8, 34; Lc 9, 23 ).

Muốn vào Nước Trời còn phải có động thái dứt khoát, không được chần chừ hoặc lần lữa: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16). Động thái dứt khoát rất quan trọng đối với việc “vào Nước Trời”. Dứt khoát còn đòi hỏi phải thực sự can đảm. Một là “vào Nước Trời qua cửa hẹp”, hai là “vào Hỏa ngục qua đại lộ”. Chỉ có hai con đường, nhưng phải chọn một trong hai. Không thể sống hai mặt, lơ lửng con cá vàng, bắt cá hai tay, hoặc “chân trong, chân ngoài”.

Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 62 ). Không ai có thể tự biện hộ, và cũng chẳng ai có thể biện hộ giúp, bằng bất cứ lý do gì nữa!

Người Pháp nói: “Vouloir, c’est pouvoir ! – Muốn là được”. Vấn đề là có thực sự muốn và quyết tâm thực hiện để biến ước mơ thành hiện thực hay không mà thôi. Điều đó tùy vào mỗi người, vì Chúa không hề ép buộc, Ngài hoàn toàn cho mọi người tự do !

Thánh Tiến Sĩ Augustinô nói: “Chúa dựng nên con, Chúa không cần con; nhưng Chúa cứu độ con, Chúa cần con”. Nghĩa là phải có sự hợp tác của chúng ta, và Chúa coi sự hợp tác nhỏ bé đó là công trạng đáng giá riêng của mỗi chúng ta.

Lạy Thiên Chúa chí minh, chí công và chí thiện, xin thương tha thứ chúng con về những ước muốn chủ quan hoặc ích kỷ, những ý tưởng không đẹp lòng Chúa. Xin Cha ban Thánh Thần cho chúng con và giúp chúng con luôn mau mắn tuân phục Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

VÔ NHIỄM LÀ GÌ?

VÔ NHIỄM LÀ GÌ?

Trầm Thiên Thu

Một số học thuyết của Giáo hội Công giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.  Nhiều người, kể cả nhiều người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh nữ Maria.  Sự kiện đó được mừng kính trong lễ Truyền tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng sinh 9 tháng).

VO NHIEM

Vô nhiễm nói đến tình trạng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh Anna.  Chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, 9 tháng sau ngày 8-12 (lễ Mẹ Vô nhiễm).

LM John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong cuốn Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các giáo phụ Hy Lạp hoặc Latinh dạy rõ ràng về Vô nhiễm Nguyên tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên.  Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX mới tuyên bố đó là tín điều.

Đức Giáo Hoàng Piô IX viết trong Hiến chế Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả ngộ): “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng.

LM Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên tội là một tặng phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà không một thụ tạo nào có được.

Khái niệm sai lầm về Vô nhiễm Nguyên tội

Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên tội không bị truyền qua Đức Kitô.  Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô nhiễm Nguyên tội.  Hơn nữa, ơn Vô nhiễm Nguyên tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại và trong sự tiên liệu của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.

Nói cách khác, Vô nhiễm Nguyên tội không là điều kiện tiên quyết để công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn Cứu Độ.  Đó là cách giải thích cụ thể về Tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý Chúa.

Lịch sử

Lễ Vô nhiễm Nguyên tội có dạng cổ xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ.  Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng thánh Anna.

Tuy nhiên, lễ Sinh nhật Đức Mẹ không được hiểu như lễ Vô nhiễm Nguyên tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay, dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng.  Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học.  Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội, nhưng có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.

Đối với giáo lý về Nguyên tội, một số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ không được cứu thoát khỏi Nguyên tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho việc thụ thai thành “vô nhiễm”).  Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả thánh Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội – ít nhất là Nguyên tội.

Để trả lời cách phản đối của thánh Thomas Aquinas, như chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô.  Nói cách khác, Đức Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

Phát triển lễ ở Tây phương

Sau khi chân phước John Duns Scotus phản đối về Vô nhiễm Nguyên tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này vẫn thường cử hành vào lễ Thụ thai của Thánh Anna.  Tuy nhiên, ngày 28-1-1476, Đức Giáo Hoàng Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương, và năm 1483 ngài ra vạ tuyệt thông cho những người chống lại tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.  Khoảng giữa thế kỷ XVII, mọi sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo.

Trầm Thiên Thu

 (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)

từ:  langthangchieutim