TOẢ RẠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên!”.

Irving Stone, người dành cả cuộc đời để viết về sự vĩ đại của các thiên tài. Ông từng được hỏi, “Liệu có mẫu số chung nào cho các nhân vật này?”. Ông nói, “Tôi viết về những con người mà một lúc nào đó trong đời, họ đã có một tầm nhìn, một ước mơ phải hoàn thành. Và họ đã nỗ lực!”; “Họ bị đánh vào đầu, bị gièm pha… và trong nhiều năm, chẳng đi đến đâu! Nhưng mỗi khi bị đánh gục, họ khiêm tốn đứng lên. Không ai có thể tiêu diệt họ! Và một khi đã hoàn thành ‘một phần’ điều họ đặt ra, họ toả rạng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Có những con người đã ngã gục, nhưng khiêm tốn đứng lên; và cuối cùng, họ toả rạng!”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ bí quyết để mỗi người chúng ta có thể ‘tỏa rạng’, “Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên!”. Nó có tên “Khiêm Nhường!”.

Chẳng có gì sai khi nói, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta được tôn vinh! Ngài muốn bạn được thế giới biết đến; muốn ánh sáng tốt lành của bạn rạng ngời và tạo nên những khác biệt! Tuy nhiên, Ngài muốn nó được thực hiện trong sự thật, không bằng ‘phô diễn’, ‘nhân tạo’ hay ‘vay mượn’; nhưng ‘tỏa rạng’ cách hồn nhiên, trong sáng.

“Khiêm nhường” là trở nên chính mình. Nó cho phép vượt qua bất kỳ tính cách sai lầm nào mà mỗi người có thể có – và đơn giản – “tôi” là “tôi”. Nó không gì khác hơn là ‘trung thực về mình’; nghĩa là sẵn sàng đón nhận bản thân với những tính cách ‘tốt và không tốt’ của nó. Khi mọi người nhìn thấy những phẩm chất tốt nơi chúng ta, họ rất ấn tượng; không phải ‘quá nhiều’ theo cách thế gian. Họ không nhìn chúng ta cách ghen tỵ; đúng hơn, họ nhìn và yêu lấy những gì chúng ta có. Họ thích, ngưỡng mộ chúng và muốn bắt chước! Bạn sẽ là ‘một ai đó’ hấp dẫn, mà người khác muốn gặp và làm quen. Thế thôi!

Bài đọc Isaia có chung một chủ đề. Vị ngôn sứ kêu gọi dân hãy khiêm tốn! Ông mỉa mai gọi các nhà lãnh đạo là “làm đầu Sôđôma”, Israel là “dân Gômôra”; hai thành phố – thời Abraham – biểu tượng của tất cả những gì tội lỗi nhất, xấu xa nhất, chống lại Thiên Chúa nhất. Dẫu thế, Thiên Chúa không lên án dân, nhưng kêu gọi họ sám hối, “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta!”. Ngài hứa, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên!”. Ai hạ mình tột cùng bằng Con Thiên Chúa? Ngài huỷ mình ra không khi làm người! Sinh ngoài đồng, sống ngoài đường, chết ngoài đồi. Vì thế, Chúa Cha đã siêu tôn Ngài; để “Khi nghe danh thánh Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, phải bái quỳ!”. Ngài ước mong chúng ta – môn đệ của Ngài – tiếp tục “khiêm tốn đứng lên, sau mỗi lần ngã gục” ‘toả rạng’ cho thế giới, ‘kiến tạo một sự khác biệt’, bằng cách đi con đường Ngài đi, ‘khiêm hạ!’. “Tôi nói cho anh chị em biết, cá nhân tôi rất đau lòng khi thấy nhiều người – về mặt tâm lý – sống để theo đuổi những lời ca ngợi phù phiếm. Là môn đệ Giêsu, chúng ta không được làm như vậy; thái độ giữa chúng ta là đơn sơ và huynh đệ. Tất cả chúng ta đều là anh chị em!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tranh chấp địa vị, chức tước, huyễn danh; hầu như ngọn hải đăng không hụ còi, con lặng lẽ ‘toả rạng’ ánh huy hoàng yêu thương của Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************

Thứ Ba Tuần II Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”


 

CẢM THƯƠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ!”.

“Lòng thương xót không gượng ép. Nó như cơn mưa từ thiên đường tưới đẫm phước huệ xuống người cho và kẻ nhận. Nó hùng mạnh nhất trong những kẻ hùng mạnh nhất. Quyền trượng một vị vua cho thấy sức mạnh quyền lực thế gian – trong đó – ẩn chứa sợ hãi và kinh hoàng. Lòng thương xót cao hơn quyền trượng này, nó ngự trị trong trái tim của các vị vua, nó là thuộc tính của Thiên Chúa. Và quyền lực trần gian sẽ thể hiện như quyền lực của Chúa khi lòng thương xót và cảm thương ban phước huệ cho công lý!” –  Shakespeare.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ, “Lòng thương xót cao hơn quyền trượng của một vị vua” bởi nó là thuộc tính của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng ta ‘cảm thương’ anh chị em mình như Thiên Chúa ‘cảm thương’; Ngài nói, “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ!”.

Đó không chỉ là một đề nghị, nhưng là một đòi buộc! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải là một tình yêu không mệt mỏi Thiên Chúa dành cho con người. Ngài yêu con người với một tình yêu không biên giới. Cái chết thập giá của Con Một Ngài là đỉnh cao của câu chuyện tình giữa Chúa và người, một chuyện tình lớn đến nỗi chỉ mình Thiên Chúa hiểu! So với tình yêu vô bờ này, tình yêu con người luôn què quặt, chắp vá và khập khiễng.

Trái tim con người thì sao? Trái tim của nó là một bãi chiến trường! Hãy xem, chúng ta thường tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để tự bào chữa cho những bất công đã chịu; hoặc dẫu không nhớ đến những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn thường tìm cách ‘cung phụng’ những vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn và tôi biết ‘cảm thương’ khi nhìn vào trái tim kẻ xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Hãy đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, cuối cùng, sự thiện hấp dẫn trái tim hơn là cái ác ‘được thần tượng hoá!’. Nhìn vào trái tim, Chúa Giêsu luôn đặt cược cho mặt tốt của nó!

Những gì Đaniel thốt lên cho thấy trái tim tuyệt vời của ông! Lời cầu của ông – ‘mang tính quốc gia’ – mô tả sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người – bài đọc một. Đaniel không ngồi phán xét những thiếu sót và tội lỗi của dân; thay vào đó, ông cầu xin Chúa ‘cảm thương’, tha thứ và phục hồi. Sự xấu hổ sẽ biến thành niềm vui và hy vọng nếu chúng ta xưng ra với Chúa và cầu xin tình yêu chữa lành của Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật ‘hàm ân’, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.

Anh Chị em,

“Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ!”. Nhân từ như Thiên Chúa là có một trái tim ‘cảm thương’ như trái tim Ngài. “Kêu gọi chúng ta nhân từ như Thiên Chúa, Chúa Giêsu không có ý nói đến số lượng! Ngài yêu cầu các môn đệ của Ngài trở thành những dấu chỉ, những kênh dẫn, những chứng nhân cho lòng thương xót của Ngài!” – Phanxicô. Trên thập giá, Chúa Giêsu phơi trần một trái tim thoi thóp, bị đâm thủng mà trong đó, chỉ có ‘cảm thương!’. Hãy cầu xin cho mình có một trái tim như trái tim của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế giới cần những trái tim ‘đập nhịp xót thương’. Đừng để tim con ‘lạc nhịp’ với những nhịp ‘cảm thương’ của trái tim Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

****************************************

Thứ Hai Tuần II Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

36 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”


 

NGƯỚC MẮT LÊN!- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”.

Cạnh một con mương nhỏ, có cây tầm xuân lặng lẽ. Cho đến một buổi chiều, một người đến, đào quanh và nâng nó lên. Tầm xuân vùng vằng, “Ông làm gì vậy?”. Người ấy vẫn lặng lẽ đem nó về trồng giữa vườn hoa. Nó càu nhàu, “Sai lầm!”. Vài tuần sau, người ấy trở lại với một con dao sắc, anh rạch một đường trên thân cây tầm xuân; tháp vào một mảnh hồng. Hè đến, những nụ hồng xinh xắn rực rỡ trên chiếc áo cũ kỹ. Người ấy nói, “Ngước mắt lên! Vẻ đẹp của bạn không do những gì bạn tạo ra, nhưng do những gì được tháp vào!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta ‘ngước mắt lên’, ngắm xem vinh quang Thiên Chúa, Đấng đã tháp ‘mảnh Giêsu’ vào linh hồn bạn và tôi. Đồng thời, nhìn lên Giêsu khi Ngài biến hình trên núi trong thiên tính huy hoàng rực rỡ trên chiếc áo cũ kỹ nhân tính, “Y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”.

Bài đọc một kể chuyện một cụ già ‘ngước mắt lên’ và được tháp vào. Một đêm kia, Chúa dẫn Abraham ra ngoài và bảo, “Ngước mắt lên, thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”. Abraham ngước lên, vị Thần cao cả đã thương nhìn ông; ông tin lời hứa của Ngài. Cả chúng ta hôm nay, được mời gọi thôi đừng nhìn xuống, nhưng ‘ngước mắt lên’, để biết rằng, “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta!” – bài đọc hai. Với bài Tin Mừng, chúng ta không chỉ được mời ‘ngước mắt lên’, nhưng còn được mời ‘lên núi’ với Chúa Giêsu như ba môn đệ, cùng Ngài cầu nguyện, chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa và được biến đổi.

Hình ảnh Chúa Giêsu chói ngời vinh quang chứa chan hy vọng! Các môn đệ thấy Thầy rạng rỡ trong tư cách Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh. Biến cố này xảy ra khi tâm hồn các ông đang xao động vì cuộc thương khó Ngài tiên báo. Mùa Chay, mùa vượt qua những khó khăn khi nhìn xuống lòng mình – yếu hèn, vạy vò, bứt rứt – vốn có thể đưa đến ngã lòng, chán nản, thậm chí tuyệt vọng. Vì thế, để khắc phục, bạn và tôi hãy ‘ngước mắt lên’, cho phép mình tháp vào Giêsu – Đấng ôm lấy tội – sẽ nhúng linh hồn chúng ta trong máu của Ngài, hầu chúng ta được chết và sống lại với Ngài. Đó là ý nghĩa của đại lễ Phục Sinh chúng ta đang hướng về. “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Vẻ đẹp của bạn không do những gì bạn tạo ra, nhưng do những gì được tháp vào!”. Đấng tháp vào chúng ta – Đức Giêsu Kitô – vừa là người, vừa là Chúa! Là người, Ngài thấu cảm mọi yếu hèn phận người; là Chúa – trong vỏ bọc của đau khổ và sỉ nhục – bị treo trên thập giá cũng là Đấng Phục Sinh, chiến thắng tội lỗi và thần chết. ‘Ngước mắt lên’, chúng ta không sợ hãi, ngã lòng khi phải chiến đấu với những ươn hèn của mình trong những ngày Chay thánh. Vì với Ngài, chúng ta được chữa lành, bình an và hạnh phúc. Tháp nhập đời mình vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta trổ hoa. Dẫu đau đớn, rướm máu như những gì cây tầm xuân trải nghiệm, bạn và tôi hãy cứ để Ngài tháp nhập!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con nhìn lên Chúa với niềm tin tuyệt đối; cho con luôn tháp vào Ngài, vì không chỉ được thứ tha, con còn được biến đổi và ‘trổ hoa rực rỡ!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************************

CHÚA NHẬT TUẦN II MÙA CHAY NĂM C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

28b Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.


 

Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. (Lk 9:26)-Cha Vương

 Chúc bình an đến bạn và gia quyến nhé. Nguyện cho lời nói và việc làm của bạn trong Mùa Chay sinh nhiều ý lợi cho tâm hồn và cho phần cứu rỗi của các linh hồn trong luyện ngục nhé.

Cha Vương

CN 2MC: 16/3/2025

TIN MỪNG: Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. (Lk 9:26)

SUY NIỆM: Trong biến cố biến hình và cả những lần khác trong Kinh Thánh thí dụ như trên núi Cây dầu bạn thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Nếu Chúa là đấng thấu hiểu hết mọi sự thì tại sao Ngài lại cầu nguyện? Để trả lời cho câu hỏi này bạn cần phải đề cập đến Mầu nhiệm Chúa 3 Ngôi—Chỉ có 1 Thiên Chúa mà thôi, nhưng Thiên Chúa ấy lại có tới 3 Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần (Thánh Linh). Sách giáo lý Công Giáo định nghĩa: “Cầu nguyện là trò chuyện thân mật với Thiên Chúa”. Vì là 1 Thiên Chúa với 3 Ngôi vị riêng biệt, nên không có gì lạ khi một trong những Ngôi vị nói chuyện với một trong những Ngôi vị khác. Trên núi Cây dầu Chúa Giêsu quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” (Lc 22:42)

Cầu nguyện là một nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Bạn hãy noi gương Chúa Giêsu đi, Ngài luôn gắn bó mật thiết với Chúa Cha, trò chuyện cùng Chúa Cha, hỏi ý kiến Chúa Cha trong mọi quyết định của Người. Vậy khi cần quyết định, khi có những sự việc quan trọng phải lựa chọn, và trong tất cả những biến cố vui buồn của cuộc sống bạn hãy liên lỉ CẦU NGUYỆN để làm cho mỗi ngày sống của bạn được ngập tràn tình yêu, ân sủng của Thiên Chúa và nên trọn hảo theo thánh ý của Người.

LẮNG NGHE: Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng tình sâu / tự ngàn xưa Ngài từng biểu lộ, / đừng bao giờ để quân thù chế ngự chúng con. / Lạy THIÊN CHÚA Ít-ra-en, / xin cứu chúng con thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.  (Tv 25:6,3,22)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con hướng tâm hồn con lên tới Chúa, xin đồng hành với con để con khỏi cô đơn, xin chỉ lối cho con để con không lạc lối, và đến giờ chết xin dẫn con về tới Thiên Đàng để được ở bên Chúa muôn đời.

THỰC HÀNH: Trong Mùa Chay này, mời bạn hãy cố gắng tăng thêm thời gian cầu nguyện trong ngày.

From: Do Dzung

*****************

Vì Tình Ngài Yêu Con (sáng tác: Dương Như Đình) | Angelo Band

NĂM SỰ THƯƠNG: Thứ hai thì ngắm—Đức Chúa Giê-su chịu đánh đòn- Cha Vương

Chúc bình an! Thánh Anthony Mary Claret nói: “Khi yêu mến và lần hạt Mân Côi, người ta sẽ thấy rằng Kinh Mân Côi làm cho họ trở nên tốt hơn.” Vậy hôm nay mời Bạn đồng hành với Mẹ hãy hy sinh những đau đớn của mình cầu nguyện cho người tội lỗi ăn năn trở lại. Nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 7 1MC: 15/3/2025

NĂM SỰ THƯƠNG: Thứ hai thì ngắm—Đức Chúa Giê-su chịu đánh đòn. Trước khi giết Chúa Giêsu, theo tục lệ tòa án Rô-ma, họ phải mang tội phạm ra đánh đòn, ý pháp luật là để kẻ bị hành hình bị đau khổ hơn, kẻ khác thấy mà sợ không dám phạm pháp nữa. Chúa là người vô tội nhưng Ngài không bênh vực, không thanh minh, không cãi lẽ, không phân bua gì cả. Ngài im lặng chịu đựng vì yêu Nhân loại. Bạn đã làm gì để đáp lại sự đau đớn đó? Hôm nay qua việc suy niệm 10 Kinh Kính Mừng này, Bạn hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng. (Nêu ra ý chỉ cầu xin…)

+ Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

  1. Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô. (Máccô 15:1) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  2. Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không? ” (Gioan 18:33) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  3. Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này… Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao? ” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. (Gioan 18:36-37a) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  4. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”  (Gioan 18:37b) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  5. Ông Phi-la-tô nói với Người: “Sự thật là gì? “… Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.” (Gioan 18:38, 19:4) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  6. Ông Phi-la-tô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” (Gioan 19:6b) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  7. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ.  (Isaia 53:3) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  8. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. (Isaia 53:7) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  9. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; (Isaia 53:5a) Kính mừng Maria đầy ơn phúc..                                                  10.Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Isaia 53:5b) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…

+ Kinh Sáng Danh: Sáng danh Đức Chúa Cha…

+ Câu Than Fatima: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…

+ Kinh Lạy Nữ Vương: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…

+Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay…

From: Do Dzung

**********************

Con đường Cha đi bao nhiêu khó nguy truân chuyên ngập tràn

CÁI TÔI THAO THỨC – Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Trong những năm cuối đời, Thomas Merton sống ở một ẩn viện bên ngoài tu viện, hy vọng được cô tịch thêm, nhưng cô tịch là một điều viển vông, và nó cứ mãi chạy trốn ngài.

Rồi một sáng nọ, trong một khoảnh khắc, ngài nhận thấy mình đã tìm thấy cô tịch.  Tuy nhiên, điều ngài trải nghiệm đã làm cho ngài ngạc nhiên.  Hóa ra, cô tịch không phải là một tình trạng ý thức được biến đổi hay là một nhận thức cao hơn về Thiên Chúa và sự siêu việt trong cuộc đời chúng ta.  Theo những gì ngài trải nghiệm, thì cô tịch đơn giản là bình an trong chính mình, ý thức một cách tri ân và hít lấy một cách bình an sự phong phú vô vàn trong cuộc đời mình.  Cô tịch hệ tại ở việc thân mật ngủ với trải nghiệm của mình, bình an trong đó, ý thức sự phong phú và kỳ diệu của nó.

Nhưng đâu dễ như vậy.  Hiếm được như vậy lắm.  Chúng ta hiếm khi thấy mình bình an với thời khắc hiện tại trong bản thân mình.  Vì sao?  Vì chúng ta được dựng nên như vậy.  Chúng ta quá hăng hái so với thế giới này.  Khi Thiên Chúa đặt chúng ta vào thế giới này, thì như sách Giảng viên đã nói, Ngài đặt sự “vô tận” vào lòng chúng ta và vì thế chúng ta không dễ bình an với cuộc sống của mình.

Chẳng hạn như, trong đoạn về nhịp điệu các mùa trong sách Giảng viên.  Tất cả mọi sự đều có thời điểm và thời của nó.  Một thời để sinh, một thời để chết, một thời để gieo, một thời để gặt, một thời để giết, một thời để chữa… cứ thế mà tiếp.  Rồi sau khi đưa ra nhịp điệu tự nhiên của thời gian và các mùa, tác giả kết lại bằng những lời này: Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc, nhưng Thiên Chúa đã đưa sự vô tận vào tâm hồn con người, nên từ đầu đến cuối, chúng ta cứ lạc nhịp với thời gian và các thời.

“Vô tận” trong tiếng Do thái là Olam, một từ có cùng ý với “vĩnh cửu” và “siêu việt.”  Một vài bản dịch tiếng Anh viết như sau: Thiên Chúa đã đặt ý thức về quá khứ và tương lai vào lòng chúng ta.  Có lẽ lối diễn đạt rõ nhất cho điều này chính là cách chúng ta thường trải nghiệm điều này trong đời mình.

Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng thật khó để bình an trong thời khắc hiện tại, bởi vì quá khứ và tương lai không để chúng ta yên.  Chúng luôn mãi nhuốm màu lên quá khứ.

Quá khứ ám ảnh chúng ta với những lời ru và giai điệu mà chúng ta nửa nhớ nửa quên, khơi lên trong chúng ta những ký ức về tình yêu tìm thấy và đánh mất, về những vết thương chẳng bao giờ lành, và những cảm giác mơ hồ về những hoài niệm, hối tiếc và mong muốn bám vào một thứ gì đó từng có.

Quá khứ luôn mãi gieo thao thức vào thời khắc hiện tại.

Còn tương lai?  Nó cũng xuyên thấu vào hiện tại, ló dạng lên như một lời hứa và mối đe dọa, luôn mãi đòi chúng ta phải chú ý, luôn mãi gieo lo lắng vào cuộc đời chúng ta, luôn mãi tước đi năng lực nghỉ ngơi trong hiện tại của chúng ta.

Hiện tại luôn bị nhuốm màu của những nỗi ám ảnh, mối thương tâm, mối lao tâm và lo lắng vốn chẳng mấy liên quan đến những người đang ngồi cùng bàn với chúng ta bây giờ.

Các triết gia và thi sĩ đã đặt nhiều tên cho chuyện này.  Platon gọi nói là “cơn điên đến từ các vị thần”, các nhà thơ Hinđu gọi đó là “hoài niệm về vô tận”, Shakespeare nói về “khao khát bất diệt”, Thánh Augustinô có định nghĩa có lẽ là lừng danh hơn tất cả, ngài gọi đó là thao thức không thể xóa bỏ Thiên Chúa đặt vào lòng con người để con người không thể nào tìm được mái ấm nếu mái ấm đó không vô tận và vĩnh cửu – “Lạy Chúa, Ngài đã tạo chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”

Và thế là, rất hiếm khi chúng ta hiện diện bình an trong đời, hay thoải mái trong chính mình.  Nhưng như T.S. Eliot từng nói, “sự dằn vặt” này có một ý định thiêng liêng với chủ ý của Thiên Chúa.

Linh mục Henri Nouwen, trong một đoạn văn phi thường, đã xác định sự vật lộn này và mục đích của nó: “Cuộc đời chúng ta là một thời gian ngắn sống trong kỳ vọng, một thời gian mà nỗi buồn và niềm vui quấn lấy nhau trong mỗi một khoảnh khắc.  Có chất buồn thấm đẫm mọi thời khắc đời sống.

Dường như chẳng điều gì là vui thú trọn vẹn hoàn toàn, nhưng thậm chí trong cả những thời khắc hạnh phúc nhất của hiện hữu này chúng ta vẫn cảm nhận một thoáng đượm màu buồn.  Trong mọi thỏa mãn, vẫn nhận thức được giới hạn, trong mọi thành công vẫn có nỗi sợ bị ganh ghét.  Phía sau nụ cười là giọt nước mắt.  Trong mọi vòng tay ôm, vẫn có sự cô đơn.  Trong mọi tình bạn, vẫn có ngăn cách.  Và trong tất cả những gì rạng rỡ, vẫn nhận thấy bóng tối quanh mình.  Nhưng trải nghiệm thân mật này, với mỗi một chút của sự sống được chạm đến bởi một chút của cái chết, có thể hướng chúng ta vượt quá những giới hạn hiện sinh.  Nó có thể làm thế bằng cách khiến chúng ta nhìn quá kỳ vọng để hướng đến ngày mà lòng chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui toàn vẹn, một niềm vui mà không ai lấy được của chúng ta.”

Tâm hồn thao thức của chúng ta giữ chúng ta khỏi quên mất ngọn lửa thiêng liêng trong mình.

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim


 

NÊN HOÀN THIỆN- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện!”.

“Không gì hoàn hảo trên thế gian! Bức tranh tuyệt nhất chưa được vẽ; vở kịch hay nhất chưa được viết; bài thơ vĩ đại nhất chưa được ngâm. Không ai hoàn hảo, không chi hoàn hảo! Vậy mà Thiên Chúa lệnh cho con người phải hoàn thành mọi sự, và nó làm cách chậm chạp, sai lầm những gì trong nháy mắt Ngài có thể hoàn tất tuyệt vời! Dẫu thế, nó phải hoàn thiện tất cả; ngay cả bản thân nó, nó được gọi để nên hoàn thiện!” – Steffens.

Kính thưa Anh Chị em,

Đúng với nhận định của Steffens, có mặt trên trần gian này, bất cứ ai cũng được gọi để ‘nên hoàn thiện’. Lời Chúa hôm nay cho biết, đó là giấc mơ ngàn đời của Thiên Chúa.

Môsê mời gọi con cái Israel bước đi trong đường lối Chúa, nắm giữ huấn thị Ngài để nên “một dân thánh hiến cho Đức Chúa” – bài đọc một – nghĩa là ‘nên hoàn thiện’. Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi vui tòng thuộc đó, “Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời!”.

‘Nên hoàn thiện’ là ơn gọi chung của bất cứ ai theo Chúa Giêsu! Nếu chỉ nhắm đến mức ‘khá tốt’, bạn có thể trở thành ‘khá tốt’ thực sự; nhưng đối với Chúa Giêsu, ‘khá tốt’ vẫn ‘chưa đủ tốt’. Ngài muốn những ai theo Ngài phải ‘thực sự tốt’, thực sự hoàn hảo! Đây là một lời mời ở cấp độ cao, ‘cấp độ nên thánh!’. “Hoàn hảo, hoàn thiện” có nghĩa là mỗi người cố gắng sống từng phút giây trong ân sủng. Tất cả chỉ có thế! ‘Ở đây và lúc này’, bạn đắm chìm trong ân sủng! Ngày mai chưa đến, hôm qua đã vĩnh viễn ra đi; tất cả những gì bạn có, là những khoảnh khắc hiện tại! Đó là những khoảnh khắc ‘được thánh hoá’ để mỗi người nên giống Chúa Giêsu hơn, nghĩa là nên thánh.

Nói đến hoàn thiện, chúng ta thường nghĩ đến những gì thuộc về các thánh vĩ đại; thế nhưng, bên cạnh các ngài, còn có hàng ngàn vị thánh khác chưa từng được nêu danh trong giáo sử và nhiều vị thánh tương lai đang sống khắp nơi trên thế giới. Hãy tưởng tượng, ngày kia trên trời, chúng ta vui mừng gặp lại những vị thánh cao cả đã từng quen biết; và sẽ ngạc nhiên biết bao khi nhìn thấy vô vàn khuôn mặt thánh thiện lạ lẫm mới biết lần đầu. Đó là những thiện nam tín nữ thuộc mọi đấng bậc đã tìm cho mình con đường hạnh phúc; họ là những con người khám phá ra rằng, họ được gọi để ‘nên hoàn thiện’.

Anh Chị em,

‘Nên hoàn thiện!’. Qua thời gian, chúng ta cảm nghiệm rằng, càng sống trong ân sủng và càng cố gắng đầu phục từng phút giây theo ý muốn của Chúa, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ và thánh thiện. Và dẫu như “bức tranh tuyệt vời nhất chưa được vẽ; vở kịch hay nhất chưa được viết; bài thơ vĩ đại nhất chưa được ngâm”, nhưng nếu chúng ta biết xây dựng dần dần những thói quen thánh hoá mọi khoảnh khắc để nên thánh – chỉ làm điều đẹp lòng Chúa – thì theo thời gian, những thói quen đó sẽ làm cho mỗi người trở nên những con người mà chúng ta phải trở thành. Vậy đâu là tiêu chuẩn? “Như Cha anh em trên trời!”. Ngài là thước đo cho mọi cố gắng vươn lên của chúng ta. Chúa không nhìn vào kết quả, nhưng nhìn vào từng ‘nỗ lực’ khi mỗi người vượt lên chính mình từng ngày. Và đó là nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con cam kết sống từng giây phút cho đẹp lòng Chúa! Được như thế, ngày kia, thiên đàng nhất định sẽ có thêm một vị thánh ‘vừa lạ vừa quen’. Tại sao không?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**********************************************

Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”


 

Đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. (Mt 5:23-24)- Cha Vương 

Ngày Thứ 6 chay tịnh được nhiều ơn lành của Chúa nhé.

Cha Vương 

Thứ 6 1MC: 14/3/2025

TIN MỪNG: Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. (Mt 5:23-24)

 SUY NIỆM: Trong tất cả các mối quan hệ, tức giận, thù hận, đố kỵ hoặc cay đắng được coi như là kẻ thù vô hình hay là một quả mìn nổ chậm. Nó là một hàng rào kẽm gai ngăn cản bạn có mối quan hệ lành mạnh sâu sắc với Chúa và những người chung quanh.

Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai là môn đệ Chúa cần phải biết buông bỏ. Buông bỏ những tức giận, thù hận, đố kỵ hoặc cay đắng, kể cả những quyến luyến, thích thú hay đam mê. Chỉ có buông bỏ thì lòng lòng bạn mới rộng mở, mới có thể thấy được những điều tốt đẹp ở phía trước.

Vẫn biết rằng buông bỏ không phải là dễ, bạn phải cần ơn Chúa. Hãy để Chúa dìu bạn qua những khó khăn thử thách, còn bạn hãy cứ nắm chặt lấy tay Chúa. Có Chúa bạn sẽ không còn sợ nghi nan. Có Chúa dẫn đường sẽ dẫn đưa bạn đến bến bờ hạnh phúc. Hãy buông bỏ mọi sự để bước đi theo Chúa trong niềm tín thác trung kiên nhé.

LẮNG NGHE: ĐỨC CHÚA phán: Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. (Ed 18:31)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con vượt qua những cảm xúc không đẹp lòng Chúa và xin ban sức mạnh cho con để con đánh phá kẻ thù vô hình đang làm con xa lìa Chúa và anh em.

THỰC HÀNH: Cố gắng buông bỏ sự tức giận và thù hận đối với người khác để đến gần Chúa hơn.

From: Do Dzung

******************

ĐƯỜNG THẬP GIÁ…Bài thánh ca chạm đến lòng người…Ns Giang Ân

HAI NGỌN NÚI – Lm. Mark Link S.J.

Lm. Mark Link S.J.

Một cuốn phim tựa đề là Mask được dựa trên câu chuyện có thật của một bé trai tên là Rocky Dennis.  Em bị bệnh rất hiếm mà nó làm cho xương sọ và mặt của em lớn hơn bình thường.

Hậu quả là khuôn mặt của Rocky thì méo mó và biến dạng khủng khiếp.  Dáng vẻ kỳ quái của em làm cho nhiều người phải tránh xa em, và nhiều người khác lại nhạo cười em.

Qua tất cả những điều đó, Rocky không bao giờ thấy thương hại chính mình.  Em cũng không tức giận.  Em cảm thấy buồn về diện mạo của mình, nhưng em chấp nhận điều đó như một phần của cuộc đời.

Một ngày kia, Rocky và chúng bạn đến thăm một khu giải trí.  Chúng đi vào một “căn phòng đầy tấm gương” và cười thích thú khi nhìn đến thân hình và diện mạo của chúng bị các tấm gương làm méo mó.

Bỗng dưng Rocky nhìn thấy điều gì đó làm em sững sờ.  Một tấm gương làm méo mó diện mạo dị thường của em cách nào đó mà nó làm cho khuôn mặt của em trở nên bình thường – ngay cả đẹp trai lạ lùng.

Lần đầu tiên, chúng bạn của Rocky nhìn thấy em trong một cách hoàn toàn mới.  Chúng nhìn thấy ở bên ngoài những gì bên trong con người em: một người thực sự xinh đẹp.

Điều gì đó giống như vậy đã xảy ra cho Đức Giêsu trong bài phúc âm hôm nay.  Trong sự biến hình của Người, các môn đệ của Đức Giêsu đã nhìn thấy Người trong một phương cách hoàn toàn mới.  Lần đầu tiên họ nhìn thấy ở bên ngoài những gì bên trong của Người: là Con Thiên Chúa vinh hiển, xinh đẹp.

Điều này nêu lên một câu hỏi.  Tại sao sự biến hình của Đức Giêsu lại được đặt vào các bài đọc mùa Chay, mà chúng thường ảm đạm, thay vì các bài đọc mùa Phục Sinh, thường đối diện với sự vinh hiển của Đức Giêsu?

Câu trả lời nằm trong bối cảnh của sự biến hình trong bài Phúc Âm.  Sự kiện này xảy ra sau khi Đức Giêsu nói với các môn đệ là Người phải lên Giêrusalem để chịu đau khổ và chịu chết.

Khi ông Phêrô nghe Đức Giêsu nói điều này, ông lớn tiếng nói, “‘Lạy Chúa đừng để việc đó xảy ra cho Thầy!’ Đức Giêsu quay lại và nói với ông Phêrô, ‘Xatan, hãy tránh xa ta! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người’.” (Mt 16:22-23)

Các ông Phêrô, Giacôbê, và Gioan có lẽ cần một mũi thuốc bổ tinh thần chích vào cánh tay sau cảm nghiệm chấn động này.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao Giáo Hội lại đưa biến cố Biến Hình vào các bài đọc mùa Chay.  Giáo Hội muốn cho chúng ta một mũi thuốc bổ tinh thần trước khi giúp chúng ta chú ý đến những đau khổ của Đức Giêsu trong Thứ Sáu Tuần Thánh.

Nhưng còn có một lý do khác tại sao sự biến hình lại được đưa vào các bài đọc mùa Chay.  Đó là vì sự biến hình có sự tương đồng kinh ngạc với sự thống khổ trong một khu vườn.

Cũng như sự thống khổ trong khu vườn, nó xảy ra trên một ngọn núi – Núi Cây Dầu, sự biến hình cũng xảy ra trên một ngọn núi – Núi Tabo.

Và giống như sự thống khổ trong khu vườn, sự biến hình cũng chỉ được chứng kiến bởi ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê, và Gioan.

Và giống như sự thống khổ trong khu vườn, nó xảy ra vào ban đêm, sự biến hình cũng xảy ra vào ban đêm.  Và trong cả hai trường hợp, các môn đệ thiếp ngủ trong khi Đức Giêsu vẫn tỉnh thức, cầu nguyện.

Sau cùng, và đây là lý do quan trọng, hai sự kiện này – sự thống khổ và sự biến hình – bổ sung cho nhau.

Trên núi Tabo, ba môn đệ được thấy Đức Giêsu trong một giây phút xuất thần, khi thiên tính của Người chiếu tỏa qua một phương cách chưa từng có.

Trên núi Cây Dầu, ngược lại, họ nhìn thấy Đức Giêsu trong giây phút thống khổ, khi nhân tính của Người chiếu tỏa qua một phương cách chưa bao giờ được thấy trước đó.

Núi Tabo và núi Cây Dầu tiết lộ sự tương phản kinh ngạc về nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu.

Hai biến cố trên các núi này là các mặt không thể tách biệt của một đồng tiền.  Chúng cho chúng ta thấy toàn thể Đức Giêsu trong một cách toàn thể: nhân tính và thiên tính của Người.

Và ngay ở đây, các biến cố trên hai ngọn núi này chứa đựng một thông điệp quan trọng, thực tiễn cho chúng ta.

Cũng như Đức Giêsu, chúng ta cũng có hai chiều kích về chúng ta.  Trong mỗi người chúng ta đều có điều gì đó mà nó nhân bản và điều gì đó mà nó thánh thiêng.  Trong mỗi người chúng ta đều có một tia sáng của Adong và một tia sáng của Thiên Chúa.

Cũng như Đức Giêsu trên núi Tabo, chúng ta cũng cảm nghiệm những giây phút xuất thần, khi tia sáng của Thiên Chúa chiếu qua thật rực rỡ đến độ hầu như làm chúng ta mù lòa.  Chúng ta cảm thấy thật gần với Thiên Chúa đến độ dường như có thể chạm đến Người.

Trong những giây phút này, chúng ta bàng hoàng thấy cuộc đời thật xinh đẹp biết chừng nào.  Chúng ta yêu quý mọi người.  Chúng ta ôm hôn bạn bè và tha thứ cho kẻ thù.

Đàng khác, giống như Đức Giêsu trong núi Cây Dầu, chúng ta cũng cảm nghiệm những giây phút thống khổ.  Trong những giây phút này, tia sáng Adong xuất hiện thật bén nhọn trong chúng ta đến độ tia sáng của Thiên Chúa lập lòe và như muốn tắt.

Trong những giây phút này, cuộc đời thật thê thảm.  Chúng ta cảm thấy không có ai yêu thương chúng ta.  Chúng ta nhìn thấy lỗi lầm nơi bạn hữu, và chúng ta nguyền rủa kẻ thù.  Chúng ta hồ nghi sự hiện diện của Thiên Chúa.

Khi các giây phút thống khổ và xuất thần này xảy đến, chúng ta phải nhớ đến hai ngọn núi: Núi Tabo và núi Cây Dầu.  Chúng ta phải nhớ lại rằng Đức Giêsu cũng kinh qua các thăng trầm trong cuộc đời của Người.

Chúng ta phải nhớ đến những gì quan trọng hơn.  Chúng ta phải nhớ rằng trong cả hai trường hợp, trong sự xuất thần của Người trên núi Tabo, và trong sự thống khổ của Người trên núi Cây Dầu, Đức Giêsu đã cầu nguyện.

Nếu sự cầu nguyện là cách Đức Giêsu đáp trả với các giây phút này thì đó cũng phải là cách chúng ta đáp ứng với chúng.

Và nếu chúng ta làm như thế, cũng như Đức Giêsu trong sự biến hình trên núi Tabo, chúng ta cũng sẽ nghe Cha chúng ta nói với chúng ta, “Đây là Con ta, người mà ta đã chọn…” Và giống như Đức Giêsu trong sự thống khổ trên núi Cây Dầu, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được bàn tay chữa lành của Cha chúng ta chạm đến chúng ta.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,
xin cho chúng con biết đến những giây phút xuất thần
như Đức Giêsu đã biết trên núi Tabo.
Khi những giây phút này xảy đến,
xin giúp chúng con thi hành những gì Đức Giêsu đã làm.
Xin giúp chúng con quay về với Ngài trong sự cầu nguyện
và xin cho chúng con được nghe những gì Ngài nói với chúng con,
“Con là đứa con được chọn của ta.”

Và, lạy Cha, cũng giống như vậy,
khi những giây phút thống khổ xảy đến cho chúng con,
như chúng đã xảy ra cho Đức Giêsu trên núi Cây Dầu,
xin giúp chúng con thi hành những gì Đức Giêsu đã làm.
Xin giúp chúng con quay về với Ngài trong sự cầu nguyện
Và xin giúp chúng con cảm được bàn tay chữa lành của Ngài
chạm đến chúng con.

 Lm. Mark Link S.J.

From:Langthangchieutim


 

CHỦ QUAN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!”.

“Sự kiêu ngạo rất tinh tế, đến nỗi – nếu không cẩn thận – với những chủ quan đạo đức, chúng ta sẽ ‘tự hào về sự khiêm tốn’ của mình. Khi điều này xảy ra, tốt trở nên xấu; nhân đức trở thành tệ nạn; công chính trở nên bất chính! Như một giảng viên giáo lý, người đã kể những mẫu chuyện về sự giả hình; sau đó, cô nói với trẻ, ‘Hỡi các con, hãy cúi đầu tạ ơn Chúa, chúng ta không như những người biệt phái!’” – Paul W. Powell.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với nhận xét của Powell – “Sự kiêu ngạo rất tinh tế” – Lời Chúa hôm nay nói đến ‘chủ quan’ đạo đức, điều đã xảy ra nơi những kẻ cho mình là ‘công chính’. Chúa Giêsu nói về họ rằng, “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời!”.

Cần bao nhiêu công chính để có thể vượt qua các kinh sư và người Pharisêu? Có lẽ không nhiều! Thật đáng nghi! Bởi lẽ, công chính của họ là thánh thiện bên ngoài, nghĩa là chẳng có gì thánh. Và điều gì xảy ra bên trong những linh hồn như thế? Rất nhiều tự mãn, lừa dối bản thân với những ‘chủ quan’ khi họ cho mình ‘thánh hơn người!’. Đọc Phúc Âm, chúng ta dễ dàng nhăn mũi trước những biệt phái hợm hĩnh ‘khó thương’ đó; nhưng trong thực tế, bạn và tôi cũng rất dễ trở nên mù loà với bản thân như họ!

Thật trùng hợp, người thời Êzêkiel cũng vấp phải những ‘chủ quan’ tương tự. Họ nghĩ, họ chính trực, Chúa thì không! Vì thế, Ngài phán, “Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?” – bài đọc một.

Như vậy, lằn ranh giữa ‘chính trực và không chính trực’, giữa ‘thánh thiện và vờ thánh thiện’, giữa ‘đạo đức và hao hao đạo đức’ xem ra khá mong manh! Đó là lý do tại sao bạn và tôi phải luôn xét mình với một nhận thức sâu sắc về sự giới hạn và sự khốn cùng của bản thân. Tôi đang theo đuổi một ‘thánh thiện thực’, hay đang ruổi theo một ‘thánh thiện ảo’ khi chỉ tìm kiếm cái tôi và tô vẽ nó? Nói cách khác, tôi thích ‘vờ làm thánh’ hay muốn ‘nên thánh thực sự?’. Đừng quên, “Chúa thấu suốt tâm can từng gang tấc!”. Vì thế, thái độ đúng đắn của chúng ta là xin Ngài xót thương. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Anh Chị em,

“Nếu như Ngài chấp tội!”. Mùa Chay, mùa khiêm tốn nhìn nhận phận mình tội lỗi; mùa tháo cởi và ném xa những ‘chủ quan’ đạo đức. Cốt lõi của sự thánh thiện thực nơi một con người là chính trực ‘bên trong lẫn bên ngoài’. Hãy chiêm ngắm ‘Giêsu Toàn Thánh’ – Đấng hiền lành và khiêm nhượng – cũng là Đấng từng nói, “Nào ai bắt tôi được lỗi gì!”. Vì rằng, như dầu với nước, kiêu ngạo xa lạ với thánh thiện; chúng không bao giờ hoà tan vào nhau. Ở đâu cái tôi chiếm chỗ, ở đó – rất ít – nếu có chỗ cho Chúa! Ân sủng và tình bạn nghĩa thiết với Chúa không thể kết hợp trong một tâm hồn kiêu căng! Không thể có một thoả hiệp nào giữa Thiên Chúa và một linh hồn kiêu hãnh! Hoặc linh hồn sẽ tự buông bỏ, hoặc Chúa ‘sẽ không còn’ là Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘tự hào’ về một điều gì ngoài tội lỗi của con. Cứu con khỏi những huyễn danh; giúp con liệng xa những ‘chủ quan’ hợm hĩnh. Xin thương xót con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*************************************************

Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”