PHẢI ĐƯỢC TÌM LẠI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó!”.
Con chiên lạc là một con chiên trưởng thành, không thể là con cừu non, vì cừu non thường quấn quýt bên mẹ! Bởi đó, người chăn chiên quyết tâm đi tìm nó; bất cứ giá nào, nó phải được tìm lại. Tại sao? Vì nếu nó đi lạc, những con khác sẽ lạc theo! Bạn còn nhớ câu chuyện “Con Cừu của Panurge”; nó lao xuống biển, cả đàn lao theo!
Kính thưa Anh Chị em,
Cũng thế – một linh hồn – đối với Chúa Giêsu, “Bất cứ giá nào, nó phải được tìm lại!”. Lời Chúa lễ Thánh Tâm cho thấy trái tim nhân từ của Mục Tử Giêsu còn là một trái tim đầy quyết tâm! Với Ngài, không con chiên nào mất, chỉ có con chiên ‘phải được tìm lại!’.
Trong tầm nhìn của Thiên Chúa, không linh hồn nào hư mất. Cần hiểu rõ điều này! Với Chúa, Giêsu không ai dứt khoát hư mất dù họ tội lỗi đến đâu. Không bao giờ. Đến phút cuối, Ngài vẫn tìm kiếm mỗi người. Hãy nghĩ về anh trộm lành! Ngài đeo đuổi, tìm kiếm, chờ đợi; và phút cuối, anh được tìm thấy. Trái tim mục tử luôn thôi thúc Chúa Giêsu tìm kiếm, cứu thoát và đem về. Không khoảng cách nào có thể giữ chân Ngài; cũng không con chiên, đàn chiên nào lại có thể từ chối một người bạn, một người anh em. “Ngài đi tìm tôi, không vì tôi xứng đáng, mà vì tôi đang đau khổ bởi xa Ngài. Mỗi bước tôi đi lạc, Ngài bước hai lần để đến gần hơn!” – Michel Quoist.
Tình yêu trong trái tim Chúa Giêsu lớn hơn sự nhọc mệt, sức khoẻ và thời giờ; “Ngài không đếm bước đường xa, không nhìn đồng hồ. Với Ngài, một linh hồn lạc mất luôn là khẩn cấp!” – J. Ratzinger. Ngài coi mạng sống chiên trọng hơn mạng sống Ngài; hy sinh nó trên thập giá. Không đoàn chiên nào, dù lớn hay giá trị đến đâu, lại có thể đáng giá hơn một người chăn chiên; vậy mà, Ngài không ngại cắm lều giữa sa mạc trần gian để tìm kiếm và giải cứu từng linh hồn. “Thiên Chúa chạy nhanh hơn tội lỗi chúng ta. Trái tim mục tử của Ngài không biết mỏi mệt khi yêu thương!” – JM. Vianney. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lễ kỷ niệm sự gần gũi của Chúa Con, một mục tử vừa là người thật, cũng là Thiên Chúa thật!
Anh Chị em,
“Tôi đã tìm được con chiên của tôi!”. Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu vô ngần vô lượng, đến nỗi Ngài ‘không có khả năng rời xa’ chúng ta. Nếu một ai đó trốn thoát Ngài, thì “Trái tim Ta thổn thức trong Ta, ruột gan Ta bồi hồi”. Không ai trong chúng ta dù tội lỗi, khốn cùng, bất xứng đến đâu mà không gặp thấy hình ảnh Con Thiên Chúa ‘làm người ngay tại hoàn cảnh của mình!’. Mục tiêu của Ngài không phải để luận phạt nhưng là để tìm, để cứu; và Ngài thật kiên định, bất chấp mọi gian nguy. “Có những con đường chỉ một mình Thiên Chúa đi được – những con đường u tối, bùn lầy – vì Ngài đang đi tìm những kẻ không còn tin rằng họ đáng được ai tìm kiếm!” – Madeleine Delbrêl. Như vậy, nơi Chúa Giêsu Mục Tử, chúng ta tìm gặp được một sứ giả, một người bạn, một mục tử; đúng hơn, một dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót vô biên bền bỉ của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con vui thoả giữa những lối mòn lầm lạc; cho con biết la lên, ‘con ở đây’ để Ngài kíp ra tay cứu thoát!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
********************************************************
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, NĂM C
Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 15,3-7
3 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho những người Pha-ri-sêu và các kinh sư dụ ngôn này : 4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Ai được lãnh bí tích Thêm sức? – Cha Vương
BÀN THẠCH – TRỤ ĐỒNG – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Bàn thạch Phê-rô trường tồn thay!
Đồng trụ Phao-lô trường tồn đây!
Đó là lời trích từ bài thánh ca của nhạc sĩ Hùng Lân và Hùng Thái Hoan mang tựa đề “Hai người tiên phong.” Lời của bài thánh ca diễn tả vai trò quan trọng của hai vị Tông đồ đối với Giáo hội, là cộng đoàn do Chúa Giê-su thiết lập. Phê-rô được ví như bàn thạch; Phao-lô được sánh như trụ đồng. Chúa Giê-su đã nói với Phê-rô: “Anh là Kê-pha, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Người cũng nói với Phao-lô: “Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết” (Cv 26,16). Phao-lô luôn ý thức ơn Chúa gọi, và ông đã khẳng định: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16).
Dù còn mang nhiều yếu tố nhân loại, Giáo hội Ki-tô không phải là công trình của con người, nhưng là công trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa có kế hoạch của Ngài trong việc thiết lập và điều khiển cộng đoàn những người tôn thờ Chúa. Qua hai vị tông đồ là Phê-rô và Phao-lô, chúng ta thấy sự kỳ diệu của chương trình này. Nếu Phê-rô là bàn thạch của ngôi nhà Giáo hội, thì Phao-lô là trụ đồng để nâng đỡ ngôi nhà đó. Không có bàn thạch, ngôi nhà không thể bền vững với thời gian; không có trụ đồng, ngôi nhà không thể che chắn bão mưa giăng đầy. Qua các thư, nhất là thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô đã trình bày một hệ thống giáo lý chắc chắn và có sức thuyết phục đối với người Do Thái cũng như dân ngoại. Ông khẳng định: “Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai” (Rm 3,21-22). Với khẳng định này, Phao-lô đã đưa nhân loại sang một trang sử mới, đó là trang sử được viết bằng máu Đức Giê-su và chiến thắng của Người trên sự chết.
Nếu Phê-rô, vốn là một người dân chài đơn sơ chất phác, hăng hái làm chứng về Đức Giê-su phục sinh, thì Phao-lô, một người uyên bác đã học theo trường phái Ga-ma-li-en (x.Cv 22,30), lại ưu tư xây dựng một hệ thống giáo lý với mục đích trình bày kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa nay đã được thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô.
Nếu Ki-tô giáo chỉ có Phê-rô, có thể Giáo hội chỉ đến với giới bình dân và giới hạn nơi người Do Thái; Nếu Ki-tô giáo chỉ có Phao-lô, Giáo hội sẽ chỉ có những người uyên thâm trí thức. Hai vị thánh này đã tạo nên một hình ảnh hài hòa đa chiều về cộng đoàn tín hữu do Chúa Giê-su thiết lập. Sự hài hòa ấy được diễn tả trong Kinh Tiền tụng của ngày lễ: “Thánh Phê-rô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phao-lô là người làm sáng tỏ đức tin. Thánh Phê-rô thiết lập Hội thánh tiên khởi cho người Ít-ra-en, thánh Phao-lô là thầy giảng dạy muôn dân.” Chính việc “làm sáng tỏ đức tin” này đã làm cho Phao-lô trở thành cột trụ vững chắc của Giáo hội, nhất là khi phải đối diện với thù trong giặc ngoài. Khởi đi từ giáo huấn của thánh Phao-lô, Giáo hội có thể đối thoại với mọi nền văn hóa và mọi thời đại.
Để trung thành với sứ mạng Chúa Giê-su trao phó, hai vị thánh tông đồ của chúng ta đã đều chấp nhận cái chết. Cuộc tử đạo của các ngài đã làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu tiên khởi. “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính.” (2 Tm 6-8). Những lời trải lòng của Phao-lô với người môn sinh của mình đã cho thấy ông luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa. Vị Tông đồ luôn xác tín vào quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa, chắc chắn sẽ được đón nhận phần thưởng thiên quốc, vì suốt đời ông đã chiến đấu cho chính nghĩa.
Ngày lễ hôm nay vừa nhắc lại nền tảng vững chắc của Giáo hội Chúa Ki-tô, vừa mời gọi mỗi tín hữu hiệp thông với Đức Giáo hoàng Rô-ma, người kế vị thánh Phê-rô để lãnh đạo Giáo hội. Phụng vụ cũng mời gọi chúng ta noi gương các ngài để chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, làm cho vương quốc của Thiên Chúa lan rộng trên trần gian. Mỗi Ki-tô hữu là một tông đồ, tức là người được sai đi để loan báo Lời Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, xin cho chúng ta có sức mạnh và nhiệt tình để thực thi sứ vụ cao cả này.
TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
From: Langthangchieutim
THÀNH TỰU LỚN NHẤT-(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Ta không hề biết các ngươi!”.
“Biết ý Chúa là kiến thức lớn nhất; tìm thấy ý Chúa là khám phá lớn nhất; làm theo ý Chúa là thành tựu lớn nhất!” – GW Truett.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay cho thấy bản chất của sự cứu rỗi là sống mối quan hệ yêu thương với Thiên Chúa. Đó là ‘thành tựu lớn nhất’ của một cuộc sống, hầu cuối đời, không ai phải nghe những lời không thể đau đớn hơn, “Ta không hề biết các ngươi!”.
Chúa Giêsu đến, thiết lập lại cho chúng ta khả năng sống trong tình bạn với Thiên Chúa. Ngài quan tâm đến chúng ta như những con người sẽ sống với Ngài ngay bây giờ và mãi mãi trong sự hiệp thông – hiểu biết và yêu thương. Đó là điều thực sự quan trọng; nó thậm chí còn quan trọng hơn cả việc nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ. Ngài biết chúng ta dễ dàng đánh mất tầm nhìn về những điều cốt yếu và trở nên mất phương hướng; chúng ta có thể quá say mê những thành tựu thế gian – tài sản, nổi tiếng, thú vui – đến nỗi cắt đứt bản thân khỏi tình bạn với Ngài. Ngài không muốn điều đó. “Chúng ta chỉ thật sự xây dựng đời mình trên đá khi dám để Lời Chúa uốn nắn mọi lựa chọn, không phải theo cảm xúc hay sự tiện lợi!” – Henri Nouwen.
Thành công trong mắt Chúa Giêsu rất khác với thành công trong mắt thế gian. Trong mắt Ngài, thành công được đo bằng cách chúng ta phản ứng với những thất bại. Cả ngôi nhà xây trên cát và ngôi nhà xây trên đá đều phải hứng chịu bão tố; một điều gì đó khủng khiếp – một loại thất bại hoặc thảm hoạ nào đó – sẽ tấn công cả hai. Trước giông bão, nhà xây trên cát sẽ sụp đổ, nhà xây trên đá sẽ tồn tại. Nếu đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, đưa ra những quyết định theo sự khôn ngoan và ân sủng của Ngài, chúng ta đang xây dựng cuộc sống của mình trên đá. “Không phải chỉ nghe Lời Chúa, nhưng là sống nó, mới làm cho người ta nên khôn ngoan và vững vàng trong tâm hồn!” – Thomas à Kempis.
“Chúng ta không được kêu gọi để làm điều dễ dàng, mà là điều đúng. Và điều đúng đó được xây dựng trên đá tảng, chứ không phải cát lún!” – C.S. Lewis. Vì vậy, cả khi bị ngược đãi, bị từ chối hoặc bất kỳ đau khổ nào, chúng ta vẫn sẽ đứng vững vì đã được neo giữ trong lẽ thật và tình yêu của Chúa. Và đó là ‘thành tựu lớn nhất’.
Anh Chị em,
“Ta không hề biết các ngươi!”. “Nhiều người sẽ ngạc nhiên trong ngày sau hết – họ tưởng rằng biết về Chúa là đủ, nhưng lại chưa bao giờ biết Ngài bằng con tim!” – Fulton J. Sheen. Chúa Giêsu để chúng ta tự quyết định số phận vĩnh cửu của mình. Ngài nói với chúng ta một cách rõ ràng, mỗi người có quyền lựa chọn cách sống và cách xây dựng đời mình trên cát hoặc trên đá. Ngài không ép buộc ai sống cuộc sống theo cách mà người ấy phải sống; thay vào đó, Ngài ban cho chúng ta khả năng lựa chọn con đường đúng đắn và Ngài làm những gì có thể để thuyết phục chúng ta đưa ra lựa chọn đó, Ngài để chúng ta thực sự tự do lựa chọn cho mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, con chỉ thật sự xây dựng đời mình trên đá khi con để Lời Chúa uốn nắn mọi lựa chọn, không phải theo cảm xúc hay sự tiện lợi!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*********************************************
Thứ Năm Tuần XII Thường Niên, Năm Lẻ
Nhà xây trên đá và nhà xây trên cát.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 7,21-29
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?’ 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : ‘Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !’ 24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, 29 vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ.
Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời – Cha Vương
PHÂN ĐỊNH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!”.
Thế kỷ 12, người Anh có ngạn ngữ, “Không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng!”; thế kỷ 17, họ viết thêm, “Bạn không thể đánh giá một cuốn sách qua trang bìa của nó!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, trong Tin Mừng hôm nay, hai ngạn ngữ trên phản ánh những gì Chúa Giêsu đã nói trước – thế kỷ thứ nhất – “Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!”. Ngài dạy chúng ta làm sao biết ‘phân định’ mọi việc; vì lẽ thường, giả nhiều hơn thật, lòng người khác lòng trời!
Lòng trời tín trung, chân thật! Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một ‘đất mới’, một ‘dòng dõi mới’; ấy thế, khi tuổi đà xế bóng, ông vẫn chưa có một mụn con. Ông thưa, “Chúa không ban cho con một dòng dõi; một gia nhân của con sẽ thừa kế con”. Chúa bảo, “Không, một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi!”. Và thật lãng mạn, vào một đêm, Ngài đem ông ra ngoài rồi bảo, “Hãy ngước mắt lên, thử đếm các vì sao! Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”. Rồi Chúa lập giao ước với ông và Ngài đã giữ lời. Con cháu Abraham – trong đó có chúng ta – các thế hệ trước và sau chúng ta, vô số vô ngần; “Giao ước lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!” – Thánh Vịnh đáp ca. Abraham phải ‘phân định’ lời Thiên Chúa khác lời loài người; con của nữ tỳ khác con của người vợ chính thức!
Lòng trời như thế, lòng người thì không như vậy! Chúa Giêsu cảnh báo, “Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!”; họ là sói đội lốt chiên. Nhiều người bị mê hoặc bởi những lời ‘ngon ngọt’, ‘dễ nghe’ và làm theo những gì người nói muốn thuyết phục. Kẻ ác lừa dối và thường chứng tỏ việc làm của mình là tốt. Vậy, làm sao để ‘phân định?’. “Cứ xem họ sinh quả nào!”. Khi một điều là tốt, phù hợp với ý Chúa, hoa trái của nó sẽ tốt lành, đó là hoa trái của Thánh Thần: tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà và tự chủ. Nhưng khi nó lừa dối hoặc gây hiểu lầm, thường được che đậy trong ‘dáng vẻ’ tốt lành, thì kết quả cuối cùng, có chăng cũng chỉ là những hoa trái chua cay: chia rẽ, ghen ghét, bất an, kiêu căng, ác tâm, bất trung, giận dữ và bốc đồng.
Anh Chị em,
“Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!”. Vậy nếu có thể biết các tiên tri giả qua trái xấu của họ, tại sao nhiều người lại bị họ lừa? Một khả năng là mọi người chọn ‘trái xấu dễ hái’ hơn là ‘trái tốt khó hái’. Để phân biệt trái tốt với trái xấu, bạn phải biết Chúa Kitô. Phải nỗ lực đọc, nghiên cứu, đặt câu hỏi – nói cách khác – tìm kiếm, cầu nguyện và ‘phân định’. Khi bạn đến gần Chúa hơn, Ngài sẽ ban cho cách để phân biệt trái tốt với trái xấu, và cây tốt với cây xấu. Một khi đã trưởng thành trong sự thánh khiết, chúng ta không chỉ dễ dàng nhận ra trái tốt hơn, mà thông qua công việc của Chúa trong chúng ta, chúng ta cũng sinh ra trái tốt riêng của mình, chẳng hạn như tha thứ, khiêm nhường, trong sạch, yêu thương, lòng thương xót và khả năng tự chủ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con thường chọn ‘trái xấu dễ hái’ hơn là ‘trái tốt khó hái’. Đừng để con mụ mẫm khi quên rằng, “không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
******************************************************
Thứ Tư Tuần XII Thường Niên
Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 7,15-20
15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em ; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. 16 Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Có người nào lại hái nho ở bụi gai hay là hái vả trên cây găng ? 17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây sâu thì sinh quả xấu. 18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt. 19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. 20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”
RỒI RA SẼ THẾ NÀO? – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em!”.
Suy niệm “Năm chiếc bánh và hai con cá”, Philip C. Brewer viết, “Chúa sử dụng những gì bạn có để lấp đầy một nhu cầu bạn không bao giờ có thể lấp đầy; sử dụng nơi bạn ở để đưa bạn đến một nơi bạn không bao giờ có thể đến; sử dụng những gì bạn làm để hoàn tất những gì bạn không bao giờ có thể thực hiện. Ngài sử dụng bạn – dù bạn là ai – để trở thành một ai đó mà bạn không bao giờ có thể trở thành – và không biết rồi ra sẽ thế nào!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Không biết ‘rồi ra sẽ thế nào!’”, đó cũng là những gì họ hàng của Zacharia – Êlisabeth tự hỏi về Gioan. Tin Mừng lễ Sinh Nhật Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế tường thuật cảnh rộn rịp dưới mái nhà của đôi bạn già son sẻ khi xóm diềng đến chúc mừng họ.
Một em bé chào đời là cách Thiên Chúa nói với thế giới rằng, “Nó sẽ tiếp tục!”; ngày sinh của một thơ nhi phản ánh vẻ đẹp và sự huy hoàng vô hạn của Ngài, Đấng nói rằng, “Đã có những phóng chiếu của Ta trên hình hài nó!”. Cha mẹ của em bé có thể coi đó là một nhầm lẫn, sai sót; nhưng Thiên Chúa thì không! Một đôi vợ chồng hiếm muộn ‘mong mỏi’ nó; Thiên Chúa thì ‘khát khao’ nó! Với bất cứ một sinh linh nào, chúng ta đều tin như vậy, phương chi đối với Vị Tiền Hô của Con Thiên Chúa! “Gioan được thánh hoá từ dạ mẹ!” – Tôma Aquinô; “Gioan đầy Thánh Thần trong lòng mẹ!” – Luca.
Isaia chia sẻ một trải nghiệm tương tự, “Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ!”. Được tạo thành cách lạ lùng; Isaia được sai đi còn lạ lùng hơn, “Này này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất!” – bài đọc một. Một cách kỳ diệu, những lời này ứng nghiệm trên Gioan, trên Chúa Giêsu – Ánh Sáng Muôn Dân – và trên cả mỗi người chúng ta. Phaolô xác nhận, “Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu. Để dọn đường cho Người, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” – bài đọc hai. Trước huyền nhiệm của việc được tạo thành và sai đi này, Thánh Vịnh đáp ca trào tràn tâm tình tri ân, “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng!”.
Anh Chị em,
“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào?”. Bàn tay Chúa ở với Gioan, Gioan được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt cho một sứ mệnh đặc biệt! Cũng thế, sự xuất hiện của bạn và tôi trên hành tinh này không là ngẫu nhiên, nhưng phát xuất từ ý định ngàn đời của Thiên Chúa. Ân sủng của Bí tích Rửa Tội và tình thương Chúa ‘không rời chúng ta nửa bước’. Ngài kỳ vọng mỗi người sẽ trở thành ‘một ai đó’ mà ngay cả bản thân chúng ta cũng không biết; dẫu thế, Thiên Chúa biết! Vậy, như Gioan, bạn và tôi hãy cộng tác với ân sủng, nghiêm túc chu toàn bổn phận theo đấng bậc mình và tuyệt vời hoàn tất nó! Và như thế, chúng ta đã ‘sống theo đúng mục đích’ của Đấng đã nắn đúc chúng ta như Ngài đã nắn đúc Gioan!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con làm Chúa thất vọng khi con không trở nên ‘một ai đó’ mà Chúa kỳ vọng!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*********************************************
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ, 24/6, Thứ Ba Tuần XII Thường Niên
Tên cháu là Gio-an.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 1,57-66.80
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : “Không được ! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà : “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi :
“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.
Tại sao Kitô hữu “sống đạo đức nước đôi (hai mặt)” lại là điều thiếu sót nặng?- Cha Vương
LÀM GIÀU – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em!”.
Trong “Những Người Giàu của Thánh Kinh” – “Wealthy People of the Bible” – Ola Aroyehun viết, “Tập ngân phiếu của bạn là cuốn nhật ký về các việc lành, đó là sản nghiệp trên trời của bạn; trong đó, lòng thương xót của bạn dành cho tha nhân được ghi nhận!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách thức ‘làm giàu’ – làm dày tập ngân phiếu – mai ngày, bằng cách sống xót thương như Ngài, hầu xứng đáng là dân mới của Vương Quốc.
Abraham – nhân vật tiền trưng – đại diện cho dân mới trong Vương Quốc của những người được Chúa chọn, “Hạnh phúc thay dân nào, Chúa chọn làm gia nghiệp!” – Thánh Vịnh đáp ca. Hôm nay và những ngày kế tiếp, sách Sáng Thế tường thuật ơn gọi của Abraham, người được Thiên Chúa đề nghị ra khỏi xứ và Ngài hứa ban cho ông đất mới. Abraham tin vào Chúa, ông từ bỏ quê hương; và Thiên Chúa đã giữ lời. Đất mới là hình ảnh báo trước Vương Quốc mà Chúa Giêsu – miêu duệ Abraham – sẽ thiết lập. Những ai thuộc Vương Quốc sẽ sống hiến chương mới của Ngài để ‘làm giàu’ cho mình.
Một trong những điều Chúa Giêsu chỉ ra hôm nay là nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa đối với bản thân, để từ đó, xót thương anh chị em mình, cách riêng, trong việc xét đoán. Ngài nói, “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán!”. Bằng một ‘ảnh chụp’ vô cùng thú vị, đầy hài hước, Ngài nói, “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?”.
Bạn và tôi – những người có ‘xà’ trong mắt – đang sống trong nền ‘văn hoá đoán xét’; thú vui lên án người khác và miêu tả ai đó dưới ‘ánh sáng’ tồi tệ nhất của họ luôn được ưu tiên! Tại sao? Có lẽ một phần, chính ‘sự hiện diện của tội lỗi’ nơi bản thân làm cho chúng ta không có khả năng nhìn thấy sự tốt lành nơi người anh em ngoài những lầm lỗi của họ. Thấy họ như mình hoặc tệ hơn mình, chúng ta yên ổn lương tâm! Tất cả chúng ta đều ‘giảm thị lực’ trong lãnh vực này. Thật không may, lên án người khác chỉ mang lại một ‘sự hài lòng méo mó’ vốn không bao giờ thoả mãn. Vậy mà, những lời đàm tiếu và xúc phạm người khác có thể sắc hơn dao! Đừng quên, “Ngôn từ của bạn cho biết bạn là ai!”.
Anh Chị em,
“Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em!”. Là con cái Chúa, Đấng muốn chúng ta nhận ra lòng thương xót của Ngài bằng cách làm dày tập ngân phiếu của mình, nghĩa là ‘làm giàu’ cho bản thân bằng cách sống xót thương. Thay vì chỉ nhìn điều xấu nơi người anh em, chúng ta cố tìm những điều lành. Cách tốt nhất để loại bỏ một thói quen xấu – chẳng hạn xét đoán – là hình thành một thói quen tốt. Mỗi khi bị cám dỗ chỉ trích người khác, chúng ta hãy lập tức cầu nguyện cho họ, chiêm ngắm lòng thương xót Chúa trên họ và trên bản thân mình; bấy giờ, bình an nhất định sẽ đến! Có như thế, chúng ta mới thật sự ‘làm giàu’ cho mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì tập ngân phiếu của con ngày càng dày. Giúp con luôn nhìn lên Chúa, nhìn xuống bản thân, để nhìn anh em chị em con với một trái tim nhân ái!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*********************************************
Thứ Hai Tuần XII Thường Niên, Năm Lẻ
Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 7,1-5
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, 2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy ; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. 3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ? 4 Sao anh lại nói với người anh em : ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh ? 5 Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
CHIỀU KÍCH CỘNG ĐỒNG-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê!”.
“Thánh Lễ không tách biệt chúng ta khỏi thế giới, nhưng đặt chúng ta trong lòng cộng đoàn, với đôi mắt biết nhận ra Chúa nơi tha nhân!” – Henri Nouwen.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhân Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, có lẽ chúng ta nên nhấn mạnh một điều thường bị bỏ qua: ‘chiều kích cộng đồng’ của việc cử hành Thánh Thể. Bởi lẽ “Thánh Lễ đặt chúng ta trong lòng cộng đoàn, với đôi mắt biết nhận ra Chúa nơi tha nhân!”
Chúng ta có xu hướng “đi lễ” theo nghĩa cá nhân. Nếu “tôi” không “đi lễ” Chúa Nhật, “tôi” mắc tội trọng. Chúng ta nói về “tham dự” với câu hỏi như “Ai cử hành?”; thậm chí nghe chủ tế thông báo, “Hôm nay tôi dâng lễ để cầu cho linh hồn…”. Ngẫm lại, thật kỳ cục, như thể chúng trình bày một điều gì đó mà chỉ Linh mục làm thay cho những người khác. Mọi người cảm thấy mình như trong một ‘buổi diễn’ mà họ chỉ được mong đợi có mặt ‘về thể chất’. Vì thế, khá nhiều người đến muộn và rời đi trước khi kết thúc. Những điều này phổ biến đến mức không ai còn để ý; thậm chí chấp nhận chúng ‘là đương nhiên’. Vậy mà nó cho chúng ta biết rất nhiều về ý nghĩa của việc có mặt hay không có mặt trong Bí tích này.
Thánh Thể về căn bản là một cử hành mang ‘chiều kích cộng đồng’ mà mọi người được kỳ vọng sẽ tham gia tích cực. Trước hết, tôi có mặt để nhớ lại điều khiến tôi trở thành Kitô hữu – đồng nhất cuộc sống mình với cuộc sống, sự đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Sự đồng nhất này không thông qua mối quan hệ ‘một – Một’, nhưng trong mối quan hệ cộng đồng với Ngài đang ở trong tất cả những ai là Kitô hữu; chúng ta thông hiệp với Ngài qua Nhiệm Thể của Ngài. Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân trong Kitô giáo, nhưng tôi đến với Chúa ‘cùng với’ và ‘thông qua’ anh chị em tôi.
Vậy nếu chỉ đến nhà thờ để ‘giữ điều răn Thứ Ba’ hoàn toàn riêng tư thì không có gì ngạc nhiên khi tôi đến muộn về sớm. Và với tâm lý đó, ‘đi lễ’ là chuyện cá nhân đối với tôi và những người khác ‘tình cờ’ cũng có mặt. Một số thậm chí còn bực bội vì có quá nhiều thứ diễn ra; họ tự hỏi tại sao không ‘được yên tĩnh để cầu nguyện’. Đúng, một số buổi lễ có thể quá sôi nổi hoặc quá xâm phạm; nhưng mặt khác, đó không chỉ là thời gian để cầu nguyện riêng tư – người ta có thể làm tốt hơn nhiều ở nhà – nhưng là cùng nhau tạ ơn Chúa, một ‘chiều kích cộng đồng’ của toàn Giáo Hội.
Anh Chị em,
“Mọi người đều ăn”. Thánh Thể còn là thời gian chúng ta thể hiện sự hiệp nhất thông qua việc cùng nhau ăn và uống Thân Thể đó. Chìa khóa để chúng ta ở trong Chúa Kitô là tình yêu – không chỉ dành cho Chúa, mà còn dành cho từng người. Thánh lễ không phải là thời gian để tạo ra cộng đồng; đúng hơn, thời gian để cử hành cộng đồng. Không được vậy, chúng ta đến nhà thờ như những người xa lạ với nhau. Vì thế, cần ý thức rằng, tôi đang tham gia vào lễ kỷ niệm vui tươi, một lễ mang ‘chiều kích cộng đồng’. Sự hiệp thông này đòi hỏi sự chia sẻ, cầu nguyện và giao tiếp ở một mức độ tự phát và tự nhiên nhất định.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con yêu mến Thánh Lễ – nơi con ở trong lòng Nhiệm Thể – với đôi mắt biết nhận ra Chúa nơi anh em con. Cho con đừng đi trễ về sớm nữa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
********************************************
CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, NĂM C
Mọi người đều ăn, và được no nê.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 9,11b-17
11b Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng : “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.” 13 Đức Giê-su bảo : “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp : “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” 14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” 15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. 16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
HỒNG ÂN THÁNH THỂ – Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
(Suy niệm Lễ Mình Máu thánh Chúa)
Sứ điệp: Kết hợp nên một với Chúa Giê-su để được sống đời đời.
***
Sự sống quý hơn mọi báu vật trên đời
Trên cõi đời nầy, không gì quý bằng sự sống. Được sống vui, sống khỏe là mơ ước, là khát vọng mãnh liệt và thâm sâu nhất của con người. Vì thế, khi mắc những chứng bệnh nguy hiểm đe dọa mạng sống, người ta tìm cách chạy chữa với bất cứ giá nào, miễn là được khỏi bệnh và được sống.
Tuy nhiên, cuộc sống con người trên dương gian chỉ như bông hoa sớm nở tối tàn, có thể tan biến bất cứ lúc nào như sương, như khói…
Vì thế, ai cũng muốn sống lâu và tìm cách kéo dài tuổi thọ. Tuy vậy, con người không thể thắng được sự chết và sớm muộn gì cái chết cũng đến cướp đi sự sống của từng người trên dương gian.
Thiên Chúa thông ban sự sống đời đời
Thiên Chúa là Cha của mọi người và Ngài hết lòng yêu thương họ. Ngài cũng là chủ của sự sống, là cội nguồn thông ban sự sống cho muôn vật, muôn loài.
Ngoài việc thông ban cho loài người sự sống đời nầy, Thiên Chúa còn muốn ban sự sống vĩnh cửu của chính Ngài cho con người, để họ được sống đời đời với Ngài, để họ được hạnh phúc vĩnh cửu như Ngài
Nhưng làm sao thực hiện được điều tuyệt vời nầy?
Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.
Để thực hiện điều nầy, Chúa Giê-su lập nên bí tích Thánh thể, hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài cách xứng đáng, thì được hòa nhập nên một với Ngài như giọt nước hòa trong chén rượu, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).
Và những ai “ở lại trong Chúa Giê-su và có Chúa Giê-su ở lại với mình”, thì người đó là một với Chúa Giê-su và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
Đức Giê-su khẳng định điều nầy khi nói rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…” (Ga 6, 54).
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giê-su khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu”[1] với Chúa Giê-su và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời với Chúa! Hạnh phúc biết bao!
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con cơ hội để hiệp thông nên một với Chúa, hòa tan trong Chúa như giọt nước hòa trong chén rượu và nhờ đó Sự Sống đời đời của Chúa được thông truyền cho chúng con.
Xin cho chúng con sốt sắng tham dự Thánh lễ hằng ngày để đón nhận hồng phúc vô cùng cao quý nầy.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
From: NguyenNThu