Thánh Ca : Kính Mừng Thánh Giuse – Năm Thánh Giuse 2021

httpv://www.youtube.com/watch?v=nsWLUbIDr94

Thánh Ca : Kính Mừng Thánh Giuse – Năm Thánh Giuse 2021

  Kính Mừng Thánh Giuse

19 tháng 3 Lễ Mừng Kính Thánh Giuse (Năm Thánh Giuse 2021)

Xin mời nghe Ca Đoàn “Tiếng Gọi Lòng Thương Xót” trình bày.

                        Kính Mừng Thánh Giuse

Xin Chúc Mừng Thánh Bổn Mạng đến quý cha & quý anh có tên thánh Giuse cùng quý vị Gia Trưởng.

Kính,

Phạm Trung

Ngôi Đền Kính “THÁNH CẢ GIUSE” giữa lòng Sài Gòn

Ngôi Đền Kính “THÁNH CẢ GIUSE” giữa lòng Sài Gòn

Tính cách của thánh Giuse đơn sơ, mộc mạc; các thánh sử cũng không ghi chép nhiều về ngài trong Tân Ước. Các địa điểm dành riêng để kính ngài cũng không nhiều. Nhưng ít ai biết ngay giữa trung tâm Sài Gòn nhộn nhịp, có một ngôi đền kính thánh nhân mà ngày ngày tín hữu từ khắp muôn nơi tìm đến dâng lời nguyện cầu.

Không gian yên bình

Tọa lạc tại số 69 đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình, gần ngã tư Bảy Hiền, Ðền Công Chính Thánh Giuse nằm khuất sau những dãy nhà bề thế bao quanh. Qua cánh cổng Tam quan, đập vào mắt mọi người là một ngôi đền được xây theo kiểu phương đình với những đường nét kiến trúc Việt truyền thống. Ngoài đền chính, trong khuôn viên còn có một quần thể kiến trúc được phối trí hài hòa. Từ cổng vào nếu nhìn sang bên phải là tượng đài Mẹ Vô Nhiễm, còn bên trái lần lượt là bức phù điêu các thánh tử đạo Việt Nam, tượng đài thánh Giuse với câu nhắn nhủ nằm phía dưới: “Hãy đến cùng Giuse”, và tượng đài chân phước Anrê hiển tu (Chân phước Anrê Bessette, 1845 – 1937) được đặt gần bậc thềm dẫn lên ngôi đền như người canh giữ. Cũng chính việc nằm lặng lẽ giữa khu dân cư, trong một khuôn viên không rộng, cảm nhận của những ai lần đầu đặt chân đến là vẻ ấm cúng, yên bình, như một khoảng lặng giữa sự sôi động của thành phố.

Ðền Công Chính Thánh Giuse do cha Giuse Maria Phạm Châu Diên (1914 – 2007) xây năm 1992, trùng tu lại vào năm 2006. Cha Giuse Maria Phạm Châu Diên đã qua đời, an nghỉ bên trong khuôn viên đền thánh, dưới chân tượng Chúa Thương Xót. Ngày đầu mới hình thành, nơi đây khá vắng vẻ vì vốn là nhà hưu dưỡng của các linh mục gốc Bùi Chu. Nhưng theo thời gian, bà con truyền tai nhau nên số người tìm đến kính viếng thánh Cả ngày một đông. Hiện nay, Ðền Công Chính trở thành nơi thu hút hàng chục ngàn tín hữu mỗi năm, trở thành nét độc đáo riêng biệt trong đời sống đạo của người giáo dân Sài Thành.

Đài kính Thánh Giuse trong khuôn viên Đền thánh – ảnh: Đình Quý

Ðể phục vụ lượng người đông đảo hằng năm cũng như chương trình mục vụ xuyên suốt tại đền, một ấn tượng không thể bỏ qua chính là những anh chị em tình nguyện viên. Ðền thánh không phải như các giáo xứ hay giáo họ nên không có giáo dân hiện hữu, tín hữu phụ giúp là từ những xứ cận kề hay nơi khác đến, nhưng tất cả đều với tinh thần nhiệt huyết và hăng say, chọn việc phục vụ làm niềm vui cho bản thân. “Hiện giúp tại đây cũng mười mấy người, trong đó túc trực thường xuyên có 5 anh em. Tuy nhiên cứ đến Chúa nhật hay dịp lễ trọng thì không cần nhắc mọi người cũng tự động tới đông đủ. Ðông người xúm tay lại giúp mọi công việc lẹ làng hơn”, ông Giuse Nguyễn Ðức Bảo, giáo dân xứ Hà Ðông, hạt Xóm Mới nói.

Nơi Lắng Đọng Tâm Hồn

Mỗi ngày tại đền đều có thánh lễ, cha Giuse Trịnh Văn Thậm Giám đốc Ðền Công Chính cho biết, thánh lễ diễn ra lúc 8 giờ sáng, Chúa nhật có thêm một lễ lúc 4 giờ chiều. Mỗi lễ như vậy có khoảng 200 tín hữu tham dự. Riêng trong ngày thứ Tư, ngày dành riêng để kính Thánh Giuse thì Ðền thánh đón tiếp lượt người đông hơn, và ngày này cũng có thêm một lễ chiều lúc 4g45. Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, rải rác trong ngày từ sáng đền chiều tối luôn có khá đông người tìm đến cầu nguyện.

ĐềnCôngChính ThánhGiuse vớinhữngđường nétkiếntrúc Việt truyền thống –
ảnh: Đình Quý

Ðến với Ðền thánh, các tín hữu đều mang tâm tình mến yêu, lời tạ ơn, cùng cả những khấn xin, nguyện cầu. Bà Trịnh Bích Thùy, giáo dân xứ Tân Phú vẫn thường hay ghé qua để xin sự hòa thuận trong gia đình như tấm gương Thánh Gia xưa. Cũng vì yêu mến thánh nhân nên hai người con trai bà đều chọn tên thánh Giuse và luôn phó thác trong tay thánh bổn mạng. “Tối nào trong giờ kinh chung, chúng tôi đều đọc kinh Ông Thánh Giuse để dâng lên ngài những tâm tình”, bà Thùy cho biết thêm. Với người trẻ thì khi đến với thánh Cả, họ mang theo những suy nghĩ rất thật, như trong câu chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Hoa (xứ Chí Hòa) bộc bạch, bản thân vẫn luôn nguyện cầu để sau này lập gia đình có được một người chồng gương mẫu, biết sẻ chia và xây dựng tổ ấm như gương ngài.

Tìm về đây, ngoài giáo dân trong Tổng Giáo phận còn có không ít bà con từ những vùng miền khác. Ngày ghé viếng, chúng tôi gặp đoàn hành hương đến từ giáo phận Phát Diệm. Trong thời gian lưu trú nhà người quen để hôm sau đến hành hương tại Tắc Sậy – nơi có mộ cha Trương Bửu Diệp – khi nghe biết về Ðền Công Chính, cả đoàn đã tìm tới. “Ðây cũng là lần đầu tôi đến một nơi tôn kính thánh Giuse, cảm giác thú vị và thật thiêng liêng”, bà Thu – thành viên của đoàn chia sẻ. Riêng những tín hữu mang tên thánh Giuse thì họ đến khấn xin để cố gắng noi theo gương sống của thánh bổn mạng để sống lương thiện, cần cù trong lao động và cả sự kính thờ Thiên Chúa.

Như vậy mới thấy, dù không có nhiều đền đài, điểm hành hương tôn kính, nhưng trong đời sống đạo của người Kitô hữu, cha nuôi Ðức Giêsu luôn có một vị trí trang trọng, gần gũi với mọi gia đình Công giáo. Và Ðền Công Chính là nơi góp phần lan tỏa lòng mến mộ thánh Giuse đến gần hơn với nhiều người.

ÐÌNH QUÝ

From: KittyThiênKim & KimBằng Nguyen

THÁNH GIUSE NGƯỜI ĐI TRONG ĐÊM ĐEN

THÁNH GIUSE NGƯỜI ĐI TRONG ĐÊM ĐEN 

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Trong các bức tranh vẽ thánh Giuse, tôi thích nhất bức tranh vẽ thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai cập.  Bầu trời đen thẫm.  Một vài tia chớp loé lên ở cuối chân trời vừa soi đường cho Thánh gia, vừa báo hiệu cơn giông bão sắp tới.  Đức Maria bồng Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa.  Thánh Giuse dắt lừa.  Cả người cả lừa như lẩn vào màn đêm.  Bức tranh không chỉ đẹp ở nét vẽ gợi cảm, mà còn đẹp về ý nghĩa.  Ngắm bức tranh, tôi thấy hiện lên cả cuộc đời thánh Giuse: một đời bước đi trong đêm tối.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối đức tin.  Ngài đã sống chung với Đức Maria và Đức Giêsu, những con người của huyền nhiệm.  Một người bình thường đã là một thế giới huyền bí.  Một con người của huyền nhiệm lại càng sâu xa bí ẩn hơn bội phần.  Đi bên những huyền nhiệm cũng như đi trong đêm tối.

Thánh Giuse không hiểu gì hết.  Không hiểu mà vẫn phải đón nhận.  Không hiểu mà vẫn phải tin, phải yêu.  Không hiểu mà vẫn phải đồng hành cho đến mãn đời.  Thánh Giuse giống như người lính canh được cấp trên trao cho một chiếc hộp đóng kín.  Người lính canh chỉ có nhiệm vụ canh giữ mà không được phép mở ra.  Trong hộp có gì?  Có thể là một kho tàng quý giá.  Nhưng cũng có thể là chiếc hộp rỗng không.  Không biết.  Nhưng vẫn phải canh giữ.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối im lặng.  Ngài đi trong sự im lặng của Đức Maria, người bạn yêu quý.  Trước những mầu nhiệm cao cả, Đức Maria đã lặng thinh không nói.  Ngài đi trong sự im lặng của Chúa Giêsu.  Thiên Chúa làm người vẫn là một mầu nhiệm ẩn dấu và Chúa Giêsu không hề hé lộ thân phận.  Ngài đi trong sự im lặng của Thiên Chúa.  Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp nói với Ngài.  Chỉ có vài lần.  Mà chỉ là những tiếng vọng mơ hồ, giữa đêm khuya, trong giấc ngủ.  Vẫn là ngôn ngữ của im lặng.  Im lặng đáng sợ.  Nhất là khi phải đối đầu với nguy hiểm, với nghi ngờ, với những vấn đề hệ trọng của đời sống.  Im lặng khó hiểu khi những gì thân thiết nhất trong đời lại trở nên bí ẩn, cách xa.  Im lặng nguy hiểm.  Nó có thể đốn ngã thân cổ thụ, làm chao đảo những niềm tin vững mạnh nhất.  Ngài đi trong im lặng của chính mình.  Trong cả bốn Phúc Âm, không thấy ghi lại lời nói nào của thánh Giuse.  Ngài bước đi trong âm thầm lặng lẽ.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối lãng quên.  Ngài bị lãng quên trong làng quê nhỏ bé, trong thân phận nghèo hèn của bác thợ mộc.  Người ta không bao giờ nhắc đến Ngài.  Nếu có nhắc đến, cũng chỉ để chê bai, dè bỉu, để hạ thấp thân phận của Chúa Giêsu : “Giêsu con của bác Giuse thợ mộc tầm thường ấy mà.  Có làm gì nên chuyện.”  Ngài bị lãng quên vì luôn luôn ở phía sau, luôn luôn chìm trong bóng tối.

Phúc Âm kể về Đức Maria.  Sách Tông Đồ Công Vụ kể về Đức Maria.  Nhưng từ khi Chúa Giêsu khôn lớn không ai nói gì về Thánh Giuse nữa.  Ngài chìm vào đêm tối quên lãng.  Ngài luôn luôn đóng vai phụ, như hình ảnh dắt lừa đi trong đêm tối.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối thử thách.  Thân phận nghèo hèn.  Sống trong im lặng và lãng quên, nhưng những thử thách Ngài phải đương đầu lại rất cam go.  Rất hiền lành, nhưng phải đương đầu với Hêrôđê hung hãn.  Mình giữ mình chưa xong, lại phải che chở cho một hài nhi sơ sinh và một sản phụ yếu ớt.  Nhưng những thử thách, khốn khó về thể lý dù cam go thế nào cũng còn chịu được.  Những thử thách đức tin mới thật là khủng khiếp.  Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa ư?  Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa ư?  Thật khó mà chấp nhận được.  Sao Con Thiên Chúa quyền uy dường ấy lại bé nhỏ yếu ớt thế này?  Sao Vua Trời vinh hiển lại phải trốn chạy một ông vua trần thế.  Các thử thách làm cho đêm tối càng đen hơn, càng dầy hơn, càng sâu hơn.

Tuy đêm có đen, tuy chân có mỏi, tuy lòng có xao xuyến nhưng Thánh Giuse vẫn bước đi.  Tuy thử thách có nặng nề, Thánh Giuse vẫn chiến đấu.  Cha Teilhard de Chardin nói: người chiến đấu giống như người bơi lội ngoài biển ban đêm.  “Ban đêm, người bơi lội vùng vẫy trong làn nước biển có chất lân tinh, làm ánh sáng loé lên chung quanh mình.”

Thánh Giuse đã chiến đấu.  Những chiến đấu mạnh mẽ cũng làm loé lên chung quanh Ngài những làn ánh sáng soi bước chân Ngài đi.

Đi trong đêm tối đức tin, Ngài có ngọn lửa đức mến soi đường.  Đêm đen lắm, nhưng Ngài cứ yêu mến Chúa, cứ gắn bó với Chúa, và cứ bước đi với Chúa.

Trong đêm tối im lặng, Ngài đốt lên trong tâm hồn ngọn đèn thao thức, lắng nghe, đón chờ.  Niềm thao thức khiến tâm hồn Ngài nhạy bén như một phím đàn mỏng.  Lời Chúa chỉ thoáng nhẹ như làn gió thoảng, phím đàn đã rung lên.  Ý Chúa chỉ mờ ảo trong giấc mơ, Ngài đã đọc được và mau mắn thi hành.

Trong đêm tối lãng quên, Ngài có đèn khiêm nhường dẫn lối.  Khiêm nhường chìm vào quên lãng.  Khiêm nhường phục vụ, khiêm nhường sâu thẳm.  Ngài có cùng tâm tình như Thánh Gioan Tẩy Giả: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.”

Trong đêm tối thử thách, Ngài thắp lên ngọn đèn tin yêu phó thác. Tin vững vàng vào Lời Chúa.  Hoàn toàn phó thác cho Chúa.  Để Chúa dẫn đường qua đêm đen mù mịt.

Lạy Thánh Giuse, con cũng đang đi trong đêm đen.  Xin hãy thắp lên trong con những ngọn đèn của Thánh Cả, soi đường cho con đi đến nơi bình an.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

From: Langthangchieutim

KHẲNG ĐỊNH CỦA MỌI KHẲNG ĐỊNH

KHẲNG ĐỊNH CỦA MỌI KHẲNG ĐỊNH

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,

để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

Kính thưa Anh Chị em,

Có thể nói, phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nổi bật với khẳng định của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Đây là một ‘khẳng định của mọi khẳng định’; vì lẽ, “Ga 3, 16” là Tin Mừng rút gọn như muốn hét lên, như muốn thổ lộ những lời dỗ dành ngon ngọt hầu rót vào tim con người một sứ điệp duy nhất: Thiên Chúa quá yêu thương nó.

Có đến bốn chân lý căn bản mà chúng ta có thể rút ra với sự soi sáng của Lời Chúa hôm nay.Trước hết, “Thiên Chúa đã yêu thế gian”. Thiên Chúa yêu con người; chúng ta biết điều này nhưng sẽ không bao giờ hiểu hết chiều kích sâu thẳm trong tình yêu của Người. Người là Cha yêu thương chúng ta bằng một tình yêu lớn lao và trọn vẹn, một tình yêu trổi vượt hơn bất cứ tình yêu nào mà chúng ta có thể trải nghiệm trong đời. Tình yêu của Người thật hoàn hảo; đó là tình yêu của một Thiên Chúa từ bi, khoan dung và nhẫn nại. Sách Sử Biên Niên hôm nay viết: “Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung”; nhưng “Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân và đền thờ của Người”.

Thứ hai, “Đã ban Con Một”. Tình yêu Chúa Cha thể hiện qua việc tặng trao Con Một là Chúa Giêsu Kitô cho thế gian. Con Một có nghĩa là tất cả đối với Cha; quà tặng Giêsu được ban, nghĩa là Chúa Cha ban cho chúng ta tất cả; qua đó, Thiên Chúa ban sự sống thần linh cho chúng ta. Thư Êphêsô hôm nay nói, “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả, Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta chết, thì Người làm cho sống lại trong Đức Kitô”.

Thứ ba, “Để ai tin vào Con của Người”. Phản ứng thích hợp duy nhất chúng ta có thể thực hiện đối với quà tặng Giêsu chính là tin. Tin vào quyền năng biến đổi của việc đón nhận Giêsu vào đời sống mình; tin rằng, quà tặng Giêsu mang đến vô vàn ân phúc; Thánh Phaolô nói, “Trong Ngài, chúng ta lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác”; nhất là ân sủng của Thánh Thần vốn biến đổi để chúng ta nên thánh mỗi ngày. Đón nhận Con Thiên Chúa đi vào cuộc đời mình, chúng ta tin tưởng vào sứ mệnh của Ngài, lắng nghe Lời Ngài, sống Lời Ngài và nên giống Ngài.

Thứ tư, “Không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Kết quả của việc đón nhận Chúa Giêsu và dâng mạng sống mình cho Ngài là chúng ta trở nên một tạo vật mới; sống sự sống mới trong Ngài; không còn chết trong tội lỗi nhưng sống đời sống vĩnh cửu không chỉ mai ngày nhưng ngay hôm nay. Như thế, để được rỗi, không cách nào khác ngoài việc tin nhận Chúa Con. Chúng ta nhận biết, tin yêu, chấp nhận và đón nhận sự thật này như một ‘khẳng định của mọi khẳng định’.

Lần đầu tiên, Tin Mừng du nhập vào Nhật nhờ một phần Thánh Kinh trôi dạt vào bờ, được một bậc vị vọng vớt lên, ông tò mò đọc; sau đó, ông được tặng một cuốn Thánh Kinh và được các nhà truyền giáo hướng dẫn; Tin Mừng đã đến Nhật như thế! Khi hoàng hậu Hàn Quốc mất đi đứa con nhỏ của mình, một nữ tỳ đã nói với bà về thiên đàng, nơi đứa trẻ đã đi, và Đấng Cứu Độ sẽ đưa bà đến đó; Tin Mừng đến Hàn Quốc bởi một nô tỳ! Sự thành công của việc truyền giáo ở Telugu, Ấn Độ, phụ thuộc một phần vào John Cloud, một kỹ sư xây kênh đào trong thời kỳ đói kém, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động mà ông đã rao giảng hàng ngày với vỏn vẹn một câu “Ga 3, 16”, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Kết quả là 10.000 người đã được rửa tội trong một năm!

Anh Chị em,

Những ngày Mùa Chay, chúng ta đọc lại và thưởng thức từng lời, từng chữ khẳng định này, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi hư mất, nhưng được sống đời đời”. Đây là toàn bộ lẽ thật về một Thiên Chúa yêu thương ngàn đời, Đấng không bỏ lỡ một cơ hội nào mà không yêu, không cứu, không xót thương. Một điều Người mong chờ chúng ta, là nhìn lên Thánh Giá, nơi Con của Người bị treo lên, mà tin rằng Người hằng yêu thương, mãi mãi yêu thương, một ‘khẳng định của mọi khẳng định’ không bao giờ phai nhoà.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin gia tăng tình yêu và niềm tin của con vào Chúa, hầu con không hư mất nhưng được sống đời đời, vì đó là một ‘khẳng định của mọi khẳng định’ Chúa hứa”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: minhanhhue06 & NguyenNThu

image.png

ĐỨC TIN, HOÀI NGHI, ĐÊM TỐI, VÀ TRƯỞNG THÀNH

ĐỨC TIN, HOÀI NGHI, ĐÊM TỐI, VÀ TRƯỞNG THÀNH

 Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Trong một quyển sách nói về cầu nguyện chiêm niệm, Thomas Keating chia sẻ với chúng ta một chuyện mà cha nhiều lần nhắc đến khi linh hướng.  Người ta chạy đến với cha, chia sẻ rằng họ từng có một ý thức ấm áp và chắc chắn về Thiên Chúa trong cuộc đời mình, nhưng lại than với cha là hiện nay tất cả những ấm áp và xác quyết đó đã biến mất, và khiến cho họ phải đấu tranh với niềm tin, đấu tranh để cầu nguyện được như xưa.  Họ cảm nhận một cảm thức mất mát sâu sắc và lúc nào vấn đề của họ cũng là: Có chuyện gì với con thế này?”  Câu trả lời của cha Keating là: “Chúa có chuyện với con đó.”

Về căn bản, câu trả lời của Cha là: Dù bạn đau đớn, vẫn có một sự gì đó rất đúng với bạn.  Bạn đã qua thời tân tòng, đã qua các giai đoạn học đạo ban đầu cần có, và bây giờ bạn đang đi vào một đức tin, không phải bớt đi, nhưng là sâu sắc hơn.  Hơn nữa, sự sụt giảm lửa mến đó đưa bạn đến một sự trưởng thành chín chắn sâu đậm hơn.  Vậy nên, những gì bạn hỏi đúng ra là thế này: “Tôi từng khá chắc chắn về lòng đạo của mình, và cũng chắc chắn là nó có phần nào kiêu căng và phán xét.  Tôi cảm thấy tôi hiểu được Thiên Chúa và đạo, và tôi nhìn vào thế giới với đôi chút khinh thị.  Rồi đức tin tôi đi xuống, và cả những tin chắc của tôi nữa, giờ đây tôi thấy mình bớt chắc chắn về bản thân đi nhiều, biết khiêm nhượng, cảm thông và bớt phán xét đi nhiều.  Chuyện gì thế này?”

Hỏi như thế, thì cũng là câu trả lời.  Rõ ràng người đó đang tiến tới, chứ không phải thụt lùi.

Mất mát cũng là một bước.  Christina Crawford đã viết những dòng này, mô tả hành trình đau đớn của cô qua bóng tối để đến với sự chín chắn sâu đậm hơn. Để được cứu, trước hết, chúng ta phải nhận ra rằng, chúng ta đã lầm đường lạc lối, và thường thì cuộc sống chúng ta bị hụt hẫng để chúng ta nhận ra được điều này.”  Đôi khi, không có thuốc nào chữa chứng kiêu căng và tự phụ cho bằng một sự mất mát đầy đau đớn những xác quyết của mình về các ý niệm bản thân về Thiên Chúa, đức tin, và lòng đạo.

Thánh Gioan Thánh Giá đã nhận định rằng một đức tin lòng đạo sâu sắc bắt đầu khi chúng ta nỗ lực để hiểu, nhưng là bằng không hiểu hơn là hiểu.  Nhưng đây có thể là một cảm nghiệm rất bối rối và đau đớn, khiến nảy sinh cảm giác: Chuyện gì thế này?

Một động năng đầy hiếu kỳ và nghịch lý nằm ở đàng sau câu tự vấn này.  Chúng ta có khuynh hướng nhầm lẫn đức tin với năng lực của chúng ta trong việc vẽ lên một khái niệm về Thiên Chúa và hình dung sự hiện hữu của Ngài.  Hơn nữa, chúng ta nghĩ đức tin của mình mạnh nhất vào những lúc chúng ta có những cảm giác xúc động trước những tưởng tượng của chúng ta về Thiên Chúa.  Đức tin của chúng ta cảm thấy mạnh mẽ nhất khi được nâng đỡ và thổi bùng nhờ những cảm giác sốt mến đó.

Các ngòi bút thiêng liêng sẽ cho chúng ta biết rằng giai đoạn thiết tha này là một giai đoạn tốt trong đức tin, nhưng là một giai đoạn ban đầu, một cảm nghiệm chung khi chúng ta còn là những người mới theo đạo.  Cảm nghiệm thế này nâng đỡ đức tin.  Trong các giai đoạn đầu của cuộc lữ hành lòng đạo, thường có những hình dung và cảm giác mạnh mẽ đầy xúc động về Thiên Chúa.  Ở giai đoạn này, mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng tương tự như mối quan hệ của cặp vợ chồng trong tuần trăng mật.

Trong tuần trăng mật, bạn có những cảm xúc mạnh mẽ và một sự chắc chắn nhất định về tình yêu của mình, nhưng rồi bạn sẽ về nhà.  Tuần trăng mật là một giai đoạn ban đầu, một món quà giá trị, nhưng là sự sẽ tan biến đi sau khi làm đủ phần của mình.  Một tuần trăng mật không phải là cả cuộc hôn nhân, dù người ta thường nhầm lẫn như thế.  Với đức tin cũng vậy, các hình dung tưởng tượng mạnh mẽ về Thiên Chúa không phải là đức tin, dù người ta thường nhầm lẫn như thế.

Các hình ảnh tưởng tượng và cảm xúc mạnh mẽ về Thiên Chúa, đến cuối cùng, chỉ là những hình dung.  Tuyệt vời, nhưng hình tượng thì vẫn là hình tượng.  Một hình ảnh không phải là thực tế.  Một hình tượng có thể đẹp và hữu ích giúp chúng ta hướng theo đường đúng đắn, nhưng khi nhầm lẫn hình tượng này với thực tế, thì nó trở thành một ngẫu tượng.

Vì lý do này, mà các ngòi bút thiêng liêng bảo chúng ta rằng, đến những thời điểm nhất định trong hành trình thiêng liêng của chúng ta, Thiên Chúa “lấy đi” sự tin chắc, tước mất của chúng ta những nồng ấm, những cảm giác trong đức tin.  Thiên Chúa làm thế chính là để chúng ta không thể biến các hình dung thành ngẫu tượng, để chúng ta không thể biến cảm nghiệm về đức tin thành mục đích cho chính đức tin, trong khi đức tin chính là một cuộc gặp gỡ hiện thực và nhân thể Thiên Chúa.

Các nhà thần nghiệm như Gioan Thánh Giá đã gọi cảm nghiệm tưởng như mất đức tin này là “đêm tối của linh hồn.”  Điều này mô tả cảm nghiệm khi chúng ta từng cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa một cách ấm áp và chắc chắn, nhưng bây giờ chúng ta cảm thấy như Thiên Chúa không hiện hữu, và chúng ta bị rơi vào hoài nghi.  Đây là những gì Chúa Giêsu đã cảm nghiệm trên thập giá, và cũng là những gì Mẹ Teresa viết trong nhật ký của mình.

Và dù đêm tối tâm hồn đó có gây nhiều hoang mang, nhưng nó cũng có thể làm cho chúng ta trưởng thành.  Nó có thể giúp chúng ta ra khỏi sự kiêu căng, phán xét, ra khỏi tình trạng tân tòng, để trở nên những con người khiêm nhượng, cảm thông, sống trong một đám mây vô định, hiểu bằng cách không hiểu, hơn là hiểu, lạc lối nhưng được ơn ích trong một bóng đêm mà chúng ta không thể vận dụng hay điều khiển, để đến cuối cùng chúng ta được đẩy mạnh vào đức tin, đức cậy và đức mến đích thực.

Rev. Ron Rolheiser, OMI – J.B. Thái Hòa chuyển dịch

From: Langthangchieutim

KHÁM TỔNG QUÁT

KHÁM TỔNG QUÁT

Trầm Thiên Thu

 Sách Lê-vi, chương 13, đề cập 22 lần động từ “khám” – trong đó có 1 lần “tái khám.”  Đó là nói tới bệnh phong hủi ở con người.

 Sinh, Lão, Bệnh, Tử là “chuỗi khổ” của kiếp người.  Trong đó, Bệnh là thứ cần được chữa lành.  Điều đó cũng ngầm hiểu rằng sự sống vô cùng quan trọng.  Và dù cho có chữa khỏi bệnh nào đó thì rồi cũng chẳng ai thoát khỏi “cửa tử”, y học có tiến bộ tới đâu thì cũng phải “bó tay”, chịu thua vô điều kiện.

 Mùa Chay không chỉ là lúc thuận tiện để kiểm tra tổng quát về sức khỏe tâm linh, mà còn là Mùa Cứu Thương.  Mùa này không phải cố giành sự sống của thân xác – phần thể lý, mà cố giành sự sống linh hồn – phần tâm linh.  Trước tiên, có lẽ chúng ta cần đến Khoa Tai-Mũi-Họng để kiểm tra.  Trong sách Châm Ngôn 6:12-19, Thiên Chúa cảnh báo về Miệng, Lưỡi, Mắt, Tay, Chân, Tim và Óc (mưu tính).  Các cơ phận đó có vẻ đơn giản mà lại rất phức tạp!

 Khám tổng quát để biết chi tiết.  Biết chi tiết nào trục trặc thì chữa trị ngay bằng biệt dược cầu nguyện, sám hối và đền tội.  Tất nhiên cũng phải “ăn kiêng” để việc điều trị thêm hiệu quả.  Về thể lý, đó là kiêng cữ một số thực phẩm nào đó; về tâm linh, đó là việc ăn chay và hãm mình.  Bỏ cái nhỏ để được cái to, bỏ cái đời thường (hạ cấp) để được cái diễm phúc (cao cấp).

 Bệnh thể lý có thể chữa khỏi hoặc không thể khỏi, nhưng bệnh tâm linh chắc chắn được chữa lành nhờ Thần Y Giêsu.  Đây là một số câu Kinh Thánh cho chúng ta biết về hiệu quả của việc điều trị tại Nhà Thương Thiên Chúa:

 

1. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi.  Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng (Tv 103:3-5).

 

2. Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành (Tv 147:3).

 

3. Ta sẽ mang lại cho nó một phương thuốc điều trị, sẽ chữa lành, sẽ tỏ cho chúng thấy một cảnh thái bình và một nền an ninh lâu dài (Gr 33:6).

 

4. Người gây thương tích, cũng chính Người băng bó, đánh bầm dập xong, lại ra tay chữa lành (G 5:18).

 

5. Tất cả những kẻ tiêu diệt ngươi sẽ bị tiêu diệt, mọi kẻ thù ngươi sẽ phải đi đày.  Mọi kẻ bóc lột ngươi sẽ bị bóc lột, và mọi kẻ cướp phá ngươi, Ta sẽ để cho bị cướp phá.  Phải, Ta sẽ phục thuốc cho ngươi, các thương tích của ngươi, Ta sẽ chữa lành vì người ta gọi ngươi là “Thành bị ruồng rẫy”, “Sion đó, kẻ chẳng được ai lo” (Gr 30:16-17).

 

6. Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân (Mt 4:23).

 

7. Đức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ (bị băng huyết mười hai năm) đã làm điều đó (sờ vào áo Ngài).  Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình.  Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.  Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.  Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:32-34).

 

8. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính.  Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành (1 Pr 2:24).

 

9. Ai trong anh em đau yếu ư?  Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.  Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.  Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát.  Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực (Gc 5:14-16).

 

10. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất (Kh 21:4).

 Khám tổng quát và biết bệnh rồi thì phải điều trị ngay, càng sớm càng tốt.  Kinh Thánh xác định: “Người công chính phải có lòng nhân ái” (Kn 12:19).  Chính Thiên Chúa kê toa cho mỗi chúng ta: “Hãy trở về với Đức Chúa và từ bỏ tội lỗi, hãy cầu khẩn trước nhan Người và giảm bớt dịp tội.  Hãy đoạn tuyệt với gian ác, trở về cùng Đấng Tối Cao, và cực lực gớm ghét mọi điều ghê tởm” (Hc 17:25-26).

 Với người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:2-11), loại “bệnh” mà chúng ta thường coi như chứng nan y, dạng ung thư bất trị, thế mà Thần Y Giêsu chữa khỏi ngay chỉ bằng một liều thuốc đơn giản: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11).

 Thần Dược thật tuyệt vời biết bao!  Thần Dược đó là “thương tình tha thứ.”  Loại biệt dược này vừa rẻ vừa hay.  Rẻ vì không tốn phí tức giận, ghen ghét, thù hận.  Hay là có hiệu quả mau chóng.

 Nhà Thương Thiên Chúa là bệnh viện đa khoa, nhưng vẫn chuyên trị bất cứ chứng bệnh nào – kể cả các chứng nan y.  Hãy an tâm đến khám, hoàn toàn miễn phí cho mọi người – dù nghèo hay giàu.  Chỉ cần một chút “chi phí tùy tâm” là lòng thành tín (chân thành và tin tưởng).  Thế thôi!  Bệnh viện đa khoa nhưng có vô số “phòng khám tư” là Bí tích Hòa Giải, sau đó sẽ được bồi bổ bằng Bí tích Thánh Thể.

 Nhà Thương Thiên Chúa tiếp nhận mọi bệnh nhân, dù nặng hay nhẹ.  Thời gian làm việc suốt ngày suốt đêm (24/7).  Hãy đến mau, đặc biệt trong Mùa Cứu Thương này: Mùa Chay.

Đêm Mùa Chay, 10-3-2019

Trầm Thiên Thu

Đêm Mùa Chay, 10-3-2019

IM LẶNG

IM LẶNG

 Trầm Thiên Thu

Tội lỗi xấu xa tách rời thiên chúa

Tình thương chan chứa che phủ tội nhân

Thánh Mark khổ tu vừa khuyên nhủ vừa giải thích: “Ai đã phạm tội thì đừng thất vọng.  Đừng bao giờ.  Chúng ta không bị đoán phạt vì số lượng tội lỗi đã phạm, nhưng vì chúng ta không muốn sám hối và học biết những phép lạ của Chúa Kitô.”

Một trong các cặp đôi có thái cực đối lập là Tội và Tình.  Trong đó có một khoảng im lặng hoàn toàn, nhưng có khác nhau: Sự im lặng đó nặng nề và ngột ngạt đối với những kẻ lòng lang dạ thú, nhưng lại nhẹ nhàng và thông thoáng đối với những người thiện tâm.

Sự im lặng có thể là vàng – nghĩa là thực sự cần thiết, nhưng cũng có thể là “rác rưởi” vô ích, không cần thiết, thậm chí có thể là “chất độc” vì gây nguy hiểm.  Tội trái ngược với Tình, nhưng Tình liên quan mật thiết với Tha Thứ.  Các mẫu tự T độc đáo, mà cũng thực sự quan trọng trong cuộc đời chúng ta – đặc biệt đối với các Kitô hữu.

Kinh Thánh cảnh báo hai điều quan trọng liên quan tội lỗi: [1] “ĐỪNG tưởng mình là công chính trước mặt Đức Chúa” (Hc 7:5), và [2] “ĐỪNG để tội nào trói buộc con đến hai lần, vì một lần thôi cũng đủ để bị phạt” (Hc 7:8).  Đó là dạng ảo tưởng và không nỗ lực (hoặc cố chấp).  Kinh Thánh cũng đề cập một dạng hệ lụy tất yếu: “ĐỪNG làm điều xấu thì cái xấu sẽ KHÔNG THẮNG được con” (Hc 7:1).  Chắc chắn là vậy, như người Việt cũng nói: “Cây ngay không sợ chết đứng.”

Đối với nhân loại, tội ác luôn trái ngược với tình yêu, tội lỗi luôn đối nghịch với lòng thương xót.  Tốt và xấu, hoặc lành và dữ, là những “cặp đối”, những thái cực hoàn toàn đối nghịch nhau, không thể “chung đường chung lối.”  Thật vậy, có tội ác thì không có tình yêu – và ngược lại.  Nhưng đối với Thiên Chúa thì lại khác hẳn, vì Lòng Thương Xót của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại này, có thể hóa giải mọi thứ.  Đó là Mầu Nhiệm Tình Yêu mà loài người không bao giờ có thể hiểu được với trí óc hữu hạn phàm tục.

Quả thật như vậy, bất cứ điều gì đối với loài người là không thể thì đều có thể đối với Thiên Chúa, vì chính Ngài có thể biến hòn đá thành con cái của Áp-ra-ham (x. Mt 3:9) kia mà.  Như vậy, tư tưởng loài người chúng ta không làm sao có thể hiểu được ý Ngài.  Ngay như một người mẹ xả thân hy sinh vì một đứa con hư hỏng, chúng ta vẫn cho đó là một người mẹ nhu nhược, dại dột, hoặc ngu xuẩn.  Nhưng “yêu như điên” mới là yêu thật, yêu vì người được yêu, yêu vị tha chứ không chút vị kỷ.  Các dạng tình yêu của loài người dù có vị tha bao nhiêu thì vẫn có chút gì đó vị kỷ, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa là tuyệt đối vị tha.

TỘI THỪA – TÌNH THIẾU

Từ thời Cựu Ước xa xưa, ngôn sứ Isaia nói rõ về quyền năng của Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ: “Đức Chúa là Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng: tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (Is 43:16-17).  Thật tuyệt vời, bởi vì chúng ta diễm phúc được tôn thờ một vị Chúa Tể như vậy, mặc dù “những lời chúng ta ca tụng Chúa không ích lợi gì cho Chúa, nhưng lại sinh ích lợi cho phần rỗi của chính chúng ta” (Kinh Tiền Tụng).  Thật là quá kỳ diệu, vượt trên cả sự tuyệt vời!

Rồi chính Thiên Chúa cũng đã căn dặn: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước” (Is 43:18).  Cái gì đã qua thì cho qua – Let bygones be bygones.  Bỏ qua chuyện cũ có nghĩa là yêu thương, là tha thứ, là quên cái Tội mà chỉ nhớ cái Tình.  Thiên Chúa sẵn sàng mở “con đường sống” cho dân chúng bằng cách thẩm vấn: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?  Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43:19).  Hỏi thì hỏi nhưng Ngài lại trả lời. Vả lại, chính câu hỏi đó lại là cách trả lời xác định mạnh mẽ hơn.

Thật tuyệt vời về Thiên Chúa của chúng ta, vì chính Ngài minh định: “Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát” (Is 43:20).  Bởi vì Ngài “đã gầy dựng cho dân” nên “chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ngài” (Is 43:21a).  Thế nhưng buồn thay cho con người, chính “Israel bội nghĩa vong ân” (Is 43:21b).  Israel là dân Chúa, mà dân Chúa không chỉ là Israel mà còn là chính chúng ta – nghĩa là chính chúng ta cũng là những kẻ vong ân bội nghĩa.  Thật khốn biết bao!

Vì thế, chúng ta phải mau thức tỉnh mà trở về giao hòa với Ngài, càng sớm càng tốt, vì thời gian chẳng đợi chờ ai, giờ G đã điểm rồi.  Vả lại, Mùa Chay là thời điểm thuận tiện để sám hối, nhờ đó mà được Thiên Chúa thi ân và cứu độ (x. 2 Cr 6:2).

Thời điểm trở về là khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa bất ngờ, vì được chính Thiên Chúa dẫn đưa: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ,” và rồi họ “vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 126:1-2).  Người ta ngạc nhiên khi thấy vậy, có những người trong dân ngoại xôn xao bàn tán: “Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126:2).  Quả thật, “việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!  Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126:3).  Chẳng phàm ngôn nào có thể diễn tả hết niềm vui sướng của tù nhân được phóng thích, ai đã ở tù rồi mới cảm nhận được rõ nét, có thể nói rằng chẳng khác chi từ hỏa ngục được bước vào thiên đàng, hoặc niềm hạnh phúc của đứa con hư hỏng được cha mẹ tha thứ và yêu thương như trước.  Khó có thể diễn tả trọn vẹn niềm hạnh phúc lớn lao như thế.

Noi gương Thánh Vịnh gia, chúng ta cùng chân thành cầu xin Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam” (Tv 126:4).  Cầu xin chân thành thì sẽ được xót thương, và niềm hạnh phúc sẽ dâng trào.  Thánh Padre Pio (Piô Năm Dấu) khuyên: “Hãy cầu nguyện, cứ hy vọng, và đừng lo lắng chi cả!”

Thật đơn giản mà kỳ diệu, chính niềm hạnh phúc khôn tả đó được ví như nông dân vất vả khi gieo hạt: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.  Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:5-6).  Hình ảnh rất thực tế và gần gũi với chúng ta – dù dân miền quê hay thành thị.

Cuộc sống bình thường nhưng vẫn luôn có những điều kỳ lạ.  Sau cú ngã ngựa “chí tử”, một Saolê của Tội đã biến thành một Phaolô của Tình.  Với kinh nghiệm bản thân, ông thật lòng tâm sự: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi.  Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.  Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3:8-9).  Phải thực sự cảm nghiệm Thiên Chúa sâu sắc lắm mới khả dĩ có quyết định rõ ràng như vậy.  Thật không dễ chút nào, thế nhưng nhờ tín thác và nhờ hồng ân Thiên Chúa, ai cũng có thể hành động như Thánh Phaolô vậy.

Không thể dừng lại, không thể không nói, Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).  Cảm nghiệm được như vậy nhưng thánh nhân vẫn khiêm nhường bộc bạch: “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang CỐ GẮNG chạy tới, MONG chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt.  Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi.  Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3:12-13).  Đó cũng là điều mà ai cũng phải cố gắng – cố gắng triền miên, cố gắng không ngơi nghỉ.

Tuy nhiên, vấn đề không phải là chúng ta chiếm đoạt Đức Kitô, mà là tự nỗ lực hướng thiện để được Đức Kitô chiếm đoạt chúng ta.  Bởi vì mang thân phận phàm nhân, chúng ta quá yếu đuối, chỉ sơ sảy một chút là sa ngã ngay, chẳng ai dám nói khôn.  Vì thế, hãy không ngừng cố gắng học theo “phong cách” của Thánh Phaolô: “Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3:14).

TÌNH THƯƠNG THẮNG TỘI

Trình thuật Ga 8:2-11 ngắn gọn lời kể, nhưng đó là một bộ phim dài và hay, cốt truyện thú vị, tương phản hai cách đối xử – cách đối xử tồi tệ của đám đông (chủ yếu là những tay đầu xỏ) đối lập với cách đối xử khôn khéo và nhân từ của Chúa Giêsu.  Khi tư vấn hôn nhân và gia đình, người ta cũng thường lấy “điển tích” của đoạn Tin Mừng này để trưng dẫn.  Điều này cho thấy người đời, dù không là Kitô hữu, cũng vẫn phải công nhận cách cư xử tuyệt vời của Chúa Giêsu đối với một người yếu thế – một phụ nữ bị người ta bắt quả tang phạm tội ngoại tình và bị kết án tử.

Thánh sử Gioan cho biết: Vừa tảng sáng, Chúa Giêsu trở lại Đền Thờ.  Toàn dân đến với Ngài.  Ngài ngồi xuống giảng dạy họ.  Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.  Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.  Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.  Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8:4-5).

Đúng là họ đểu thật, vì chính họ gọi Chúa Giêsu là Thầy nhưng lại nói xỏ nói xiên nhằm thử Ngài, đặc biệt là họ muốn có bằng cớ để tố cáo Ngài.  Kinh tởm với những ác nhân có mặt người mà lòng lang dạ thú.  Thế nhưng Đức Giêsu vẫn thản nhiên, Ngài lặng lẽ ngồi xuống rồi lấy ngón tay viết trên đất.  Chẳng ai biết Ngài viết gì, có lẽ Ngài vẽ lên cát như trẻ con chơi đùa vậy thôi.  Tuy nhiên, Ngài làm vậy vừa hay vừa lạ.  Đúng như ca dao Việt Nam: “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo.”  Lúc đó, chắc hẳn các kinh sư và người Pharisêu tức điên lên được, nhưng cũng đành “bó tay” thôi.  Bồ hòn có vị đắng chát cỡ nào thì cũng đành ráng coi như vị ngọt.

Tuy nhiên, lũ ác nhân cứ gạn hỏi mãi, dai như đỉa đói, thế nên Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7).  Ui da, “sốc” ghê đi!  Rồi Ngài lại cúi xuống tiếp tục loáy ngoáy viết trên đất như chẳng có chuyện gì xảy ra.  Ai ngon thì cứ chơi?  Và rồi như kịch bản được viết sẵn, họ nghe Chúa Giêsu hỏi vậy thì cứ từ từ rút lui có trật tự, người trước bước đâu người sau bước đó, bắt đầu từ những người lớn tuổi.  Họ “đau” lắm mà không nói lại được gì.  Kể cũng “căng” dữ nghen!

Tại sao người lớn tuổi đi trước?  Bởi vì người lớn tuổi là người sống lâu năm, mà càng sống thọ thì càng tội nhiều.  Rất minh nhiên.  Nói ít, hiểu nhiều.  Chúa Giêsu chẳng học luật, không làm luật sư, và cũng chẳng làm thẩm phán, thế mà lý lẽ thâm thúy dù cách nói rất đơn giản, ai cũng có thể hiểu.  Chúa Giêsu đúng là thần tượng và vô địch.  Thật tuyệt vời!

Ngay sau đó, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, còn người phụ nữ vẫn đứng đó.  Có lẽ lúc này chị còn run rẩy và cũng vẫn sợ lắm.  Nhưng Chúa Giêsu ngẩng lên và nhẹ nhàng hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”  Chị khép nép và run giọng đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”  Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11b).  Khi nói lời tha thứ này, có lẽ Chúa Giêsu cười rất hiền từ.  Án tử dành cho ả giang hồ chợt chuyển thành trắng án, hoàn toàn được tha bổng.

Thế là xong.  Chữ Tình đã hóa kiếp chữ Tội.  Nhưng vẫn có dấu hỏi to lớn.  Còn thắc mắc hoặc hỏi han gì nữa?  Còn chứ!  Liệu chúng ta có dám nhận mình cũng đã và đang có cách hành xử như các kinh sư ác ôn và nhóm biệt phái giả hình?  Có lẽ chúng ta không dám hành động rõ ràng như họ, nhưng sự thật là chúng ta vẫn hành xử như họ một cách tinh vi hơn họ đấy!

Chúa Giêsu ghét tội chứ không ghét người có tội.  Ai đã ngã mới biết đau, ai đã lỗi lầm mới biết cần được thông cảm.  Có một hệ lụy mang tính triết lý sống mà chính Chúa Giêsu đã xác định: “Ai được tha thứ nhiều thì yêu mến nhiều” (Lc 7:41-43; Mt 26:6-13; Mc 14:3-9; Ga 12:1-8.  Đó là chuyện cô nàng lấy tóc lau chân Chúa tại nhà ông Simôn cùi (không phải người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng hôm nay).  Chúng ta cũng như phụ nữ ngoại tình, đã phạm tội, bị người ta ghét bỏ, nhưng lại được Thiên Chúa tiếp nhận và phục hồi cương vị làm con.  Niềm hạnh phúc lớn lao vô cùng!

Lạy Thiên Chúa, mặc dù chúng con là những tội nhân bất xứng, nhưng chúng con vẫn được Ngài tha bổng biết bao lần, mở con đường sống cho chúng con.  Xin cảm tạ Ngài đã không kết án chúng con, xin giúp chúng con biết thể hiện lòng thương xót với bất kỳ ai để minh chứng cụ thể.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.  Amen!

Trầm Thiên Thu

Niệm khúc Tin Mừng TRẮNG ÁN – 

https://youtu.be/MOzmf4RalQk