NGỌN LỬA THẦN LINH

NGỌN LỬA THẦN LINH

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Lửa là biểu tượng của Chúa Thánh Thần.  Tác giả sách Công vụ Tông đồ kể lại: vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống như hình lưỡi lửa trên mỗi tông đồ trong lúc các ông đang cầu nguyện xung quanh Đức Maria.  Kể từ giây phút Chúa Thánh Thần ngự đến, các ông trở thành những chứng nhân can đảm của Đấng Phục sinh.  Họ mở tung cánh cửa trước đó còn đóng kín.  Họ mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu.  Lời giảng ấy có sức thuyết phục đến nỗi trong ngày hôm ấy có ba ngàn người xin theo Đạo.  Ngọn lửa là Thánh Thần có sức mạnh thật kỳ diệu.  Đó là ngọn lửa thần linh.

Công dụng của lửa trước hết là để sưởi ấm.  Vào thời cuộc sống còn hoang sơ cũng như hiện nay tại miền thôn quê hẻo lánh, người ta cần có lửa để sưởi ấm vào mùa đông.  Chúa Thánh Thần là Đấng sưởi ấm tâm hồn chúng ta.  Do tội lỗi, tâm hồn chúng ta trở nên băng giá, sức sống bị bóp nghẹt.  Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta được ơn tha tội và được hồi sinh, trở nên ấm áp bình an.  Chúa Thánh Thần vừa ban cho chúng ta sự ấm áp của tình Chúa, vừa giúp chúng ta tìm thấy sự ấm áp của tình người, nhờ đó mối tương quan với tha nhân sẽ được cải thiện, chan hòa và bừng cháy yêu thương.  Bài Tin Mừng hôm nay kể lại, vào chính ngày Phục sinh, Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ.  Lúc đó các ông đang buồn sầu hoang mang sợ hãi.  Chúa đã sưởi ấm tâm hồn các ông bằng Thánh Thần.  Nhờ vậy, nỗi buồn nơi các ông biến mất, các ông vui mừng vì được thấy Chúa và tin vào những gì Người đã dạy trước đó.

Công dụng của lửa cũng để soi sáng.  Trong đêm tối, ngọn lửa sẽ giúp người ta không lạc đường và tránh được những nguy hiểm.  Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng tâm hồn các tín hữu, nhờ đó họ biết đường ngay nẻo chính và không bị lạc đường.  Con đường lý tưởng là chính Chúa Giêsu.  Điểm tới của con đường ấy là hạnh phúc đích thực, vì con đường này dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.  Cuộc sống trần gian như dòng sông trôi về muôn hướng, nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta biết chọn hướng đi đem lại hạnh phúc cho tương lai cuộc đời mình.  Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mỗi người Kitô hữu cũng trở nên ánh sáng để soi cho những ai lầm đường lạc lối, chỉ cho họ thấy con đường chân lý, cảnh báo những nguy hiểm giúp họ an vui.

Chức năng của lửa cũng là để tôi luyện.  Những thanh sắt thô sơ, nhờ tác động của lửa, sẽ trở thành dụng cụ công hiệu sắc bén trong đời sống hằng ngày.  Nhờ Chúa Thánh Thần giúp sức, người tín hữu sẽ trở nên chiến sĩ của Chúa Kitô, góp phần chinh phục thế gian và làm cho vương quốc tình yêu lan rộng.  Cuộc tôi luyện nào cũng cần phải hy sinh gian khổ.  Để trở nên dụng cụ của Chúa, chúng ta phải để Chúa Thánh Thần thanh luyện, như lửa luyện sắt.  Được trang bị sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ can đảm và trung thành với Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào.  Các Thánh tử đạo là những người được Chúa Thánh Thần tôi luyện, nên các ngài không khuất phục trước cường quyền và bạo chúa, kiên quyết một niềm theo Chúa Kitô và trung tín đến cùng.

Chúa Thánh Thần tác động nơi cuộc đời người tín hữu, uốn nắn điều chỉnh, để nhờ đó, bớt đi những nết xấu, tăng thêm nhân đức.  Ngài tưới gội ân sủng của Ngài nơi chúng ta, làm cho sự sống vui tươi lạc quan hơn.  Thánh Phaolô so sánh Giáo Hội như một thân thể, gồm nhiều chi thể khác nhau.  Chi thể nào cũng quý, cũng đáng trọng.  Chính Chúa Thánh Thần nối kết các chi thể trong thân thể Giáo Hội để tạo nên sự hài hòa đồng bộ.  Nhờ Chúa Thánh Thần mà các chi thể hiệp thông với nhau, chia sẻ vui buồn và nâng đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời góp phần làm cho thân thể được lớn mạnh.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến!  Đó là lời cầu nguyện của cả Giáo Hội hoàn vũ trong những ngày này.  Thực ra, Chúa Thánh Thần đã đến từ ngày Lễ Ngũ Tuần và chưa bao giờ Ngài lìa xa chúng ta.  Ngài hiện hữu trong vũ trụ như hơi thở đối với một thân xác.  Ngài hiện diện trong Giáo Hội như linh hồn làm cho Giáo Hội sống và hoạt động.  Khi cầu xin Ngài ngự đến, là chúng ta tái khám phá sự hiện diện và hoạt động của Ngài, đồng thời mở rộng tấm lòng để Ngài thực sự đi vào mọi lãnh vực đời sống của chúng ta.  Như thế, chúng ta sẽ được Ngài soi sáng, sưởi ấm, thanh luyện và thánh hóa.  Cuộc sống sẽ chan hòa niềm vui khi có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

HỘI THÁNH TẠI GIA

HỘI THÁNH TẠI GIA

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Khi Priscilla và Aquila nghe Apollô, liền đón anh về nhà; trình bày cặn kẽ hơn cho anh biết đạo Chúa.”

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi chúng ta dừng lại nhiều hơn với bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay, để mục kích những công việc của Chúa Thánh Linh trong thời phôi thai của Hội Thánh; qua đó, chúng ta chiêm ngắm một hình ảnh tuyệt vời đầy dấu ấn Thánh Thần của cái được gọi là ‘Hội Thánh tại gia’, vốn cũng là các tế bào đầu tiên làm nên Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Hội Thánh của Ngài.

Và sẽ bất ngờ hơn, khi hai nhân vật chính lại là ‘cặp đôi Priscilla và Aquila’ mà không ít người sẽ cảm thấy rất thú vị, khi biết đôi bạn này là hai vị thánh đầu tiên sống đời đôi bạn với nhau của Giáo Hội; chỉ sau gia đình Thánh Gia và trước cả song thân Louis & Zélie của chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Công Vụ Tông Đồ hôm nay lại nêu gương sáng của đôi bạn này; qua đó, một lần nữa, kỳ diệu thay công việc của Chúa Thánh Thần!  Priscilla và Aquila quan tâm đặc biệt đến một tín đồ tên là Apollô, một tín hữu “nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về Chúa Kitô, mặc dầu anh chỉ biết phép rửa của Gioan.”  Vừa nghe tin Apollô đến Êphêsô, Priscilla và Aquila đã đón anh về nhà, như đã từng đón Phaolô một năm rưỡi.  Priscilla và Aquila đã hướng dẫn thêm cho Apollô về đức tin, “trình bày cặn kẽ hơn cho anh biết đạo Chúa;” hai người đã trở thành ‘giảng viên giáo lý’ của anh ấy.  Kết quả là, Apollô có thể rời Êphêsô để đến với giáo đoàn Côrintô; ở đó, anh đã trở thành một nhà giảng thuyết hùng hồn, bênh vực đạo Chúa, vì anh rất lợi khẩu; “Anh đã giúp các tín hữu rất nhiều.”

Do hậu quả của đại dịch và việc chúng ta không thể tụ họp trong nhà thờ, thì ‘nhà thờ tại gia’ hay ‘Hội Thánh tại gia’ đã trở nên ‘nóng sốt’ khi Chúa Thánh Thần luôn sáng tạo để đốt lửa yêu mến trong tâm hồn các tín hữu.  Khi chúng ta quy tụ tại nhà thờ giáo xứ, thì đó là sự quy tụ của tất cả các ‘Hội Thánh tại gia;’ cả những người sống một mình cũng là ‘Hội Thánh tại gia’ vì mầu nhiệm Hội Thánh thông công.  Khi các gia đình, các cộng đoàn tụ họp để thờ phượng, chia sẻ Lời Chúa, dạy giáo lý… thì chính họ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, đang đào tạo và hỗ trợ đức tin cho nhau.  Sẽ rất bất ngờ ở đây, khi sự thật là, Giáo Hội của Chúa Kitô không có một ngôi nhà thờ nào mãi cho đến thế kỷ thứ tư; nghĩa là, hơn 300 năm, Giáo Hội không có bóng dáng một ngôi nhà thờ nào!  Vì thế, theo một nghĩa nào đó, Hội Thánh Chúa đã bắt đầu hình thành từ các gia đình, cộng đoàn, cái được gọi là ‘Hội Thánh tại gia.’  Các thành viên phục vụ lẫn nhau tại nhà riêng, ở gia đình, và cả bên ngoài ngôi nhà của họ.  Đó là những gì được thấy nơi những con người như Priscilla và Aquila mà các thư Phaolô nhắc đến rất nhiều lần.  Chính sự hoạt động của Thánh Thần trên những gia đình này, mà muôn dân nhận biết “Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian” như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thổ lộ.

Trong một bài huấn dụ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha, Đấng đã làm cho các đôi vợ chồng trở thành “những tác phẩm điêu khắc sống động thực sự” của Ngài; xin Ngài tuôn đổ Thánh Linh trên tất cả các đôi vợ chồng Kitô giáo theo gương Aquila và Priscilla, để họ biết mở rộng tâm hồn cho Chúa Kitô và cho anh chị em mình, biến căn nhà của họ thành các ‘Hội Thánh tại gia,’ nơi họ sống hiệp thông và trao tặng ‘một nền phụng tự sự sống,’ vốn ‘được sống bằng đức tin, đức cậy và đức mến.’  Hãy cầu khẩn với hai vị thánh dệt lều Aquila và Priscilla này, xin các ngài dạy cho các gia đình cách thức để nên giống họ, nơi có “đất tốt”, để đức tin được phát triển.”

Tôi biết rất rõ một gia đình không bao giờ bỏ đọc kinh sáng, tối.  Kinh sáng, họ dâng ngày vắn tắt; nhưng kinh tối, họ lần chuỗi, đọc trọn Lời Chúa của ngày hôm sau và thi thoảng hát một bài.  Ngày kia, chủ nhà, ông cụ 95 tuổi trở bệnh, phải đi điều trị; đang khi đợi xe, ông hỏi, “Đọc kinh sáng chưa?”  Con cái thưa, “Dạ chưa!”  Vậy là ông bảo thắp đèn bàn thờ, đọc kinh, mặc cho xe đứng đợi.  Đứa cháu nội nhỏ của ông bảo, “Ông nhớ nội bà, nên ngày nào cũng đọc kinh cầu cho linh hồn nội bà.”  Và đó cũng là buổi kinh gia đình cuối cùng của ông.  Đi bệnh viện, ông đã đi theo bà về chầu Chúa!  

Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn.”  Thì có lẽ hơn bao giờ hết, trong những ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều có thể cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan để nhận ra cách thức Ngài kêu gọi chúng ta phục vụ lẫn nhau trong Hội Thánh Ngài; xin Ngài ban ơn can đảm và lòng quảng đại để chúng ta bắt đầu lại từ trong gia đình mình, cũng là một ‘Hội Thánh tại gia’; nhờ đó, chúng ta được hưởng niềm vui trọn vẹn Chúa hứa.  Tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho gia đình con trở nên một cộng đoàn ‘muối men,’ ‘cầu nguyện, yêu thương, hiệp nhất và có Chúa ở cùng;’ hầu trở nên một ‘Hội Thánh đẹp xinh’ giữa lòng thế giới hôm nay.”  Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: Langthangchieutim

Kính mời Anh Chị em nghe bài hát “Là Muối Là Men”, một sáng tác của người viết, ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=u7Y-4sU-qy0

QUÊ TRỜI

QUÊ TRỜI

 TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, như chính Người đã khẳng định trong lời thân thưa với Chúa Cha: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã trao cho con” (Ga 17,4).  Và, như người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với ngành nguyệt quế chiến thắng, Đức Giêsu được cất lên trời trong vinh quang và giữa tiếng muôn thiên thần tung hô chúc tụng.  “Được cất lên”, đó là kiểu nói của Kinh Thánh.  Độc giả Do Thái dễ dàng liên tưởng đến trường hợp của ngôn sứ Elia và ông Enốc trong Cựu ước.  Hai vị này đã được Chúa “cất lên” không trung, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ngôn sứ.  Được “cất lên” cũng là lối diễn tả sự thưởng công của Chúa cho một người đã trung tín với sứ mạng được trao.

Việc Chúa về trời trước hết diễn tả vinh quang chiến thắng.  Qua sự phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần.  Người cũng chiến thắng những cám dỗ của thế gian nhằm lôi kéo Người từ bỏ thực thi ý định của Chúa Cha.  Chúa Giêsu về trời, mang theo những dấu tích của cuộc khổ nạn (dấu đinh), như bằng chứng của sự hy sinh tự hiến để thánh ý Chúa Cha được nên trọn.

Việc Chúa Giêsu về trời đánh dấu sự hoàn tất của công trình cứu độ được thực hiện qua biến cố thập giá.  Tuy vậy, sự hoàn tất này lại mở ra một giai đoạn mới trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã sang một trang mới kể từ biến cố phục sinh.  Nhận được lệnh truyền của Chúa, các môn đệ đã hân hoan ra đi thi hành sứ vụ.  Đây là một cuộc lên đường mới, đầy hứng khởi nhiệt tình. Việc Chúa được cất lên trời không làm cho các môn đệ u sầu buồn bã, trái lại các ông lại hân hoan vui vẻ, vì tin chắc có Chúa ở với mình.  Từ nay, các ông được trang bị bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cùng với khả năng làm phép lạ mà chính Chúa đã ban cho các ông, như lời căn dặn trước khi Người về trời.  Với lời “sai đi” của Chúa, sứ mạng truyền giáo không còn giới hạn trong xứ Palestina, nhưng đã mở ra những chân trời mới.  Nước của Chúa không còn giới hạn ở những cột mốc lãnh thổ và những đường biên ngăn cách, nhưng lan rộng đến mọi nền văn hóa, đến mọi dân tộc.  Chúa đã về trời.  Cũng như trời rộng bao la mênh mông thế nào, thì vương quốc bình an mà Người đã khởi sự thiết lập cũng sẽ rộng lớn như vậy.

Chúa Giêsu đã nhập thể và mang lấy thân phận con người như chúng ta.  Sau khi kết thúc cuộc đời trần gian, Người đã khải hoàn về thiên quốc.  Việc Chúa Giêsu về trời cũng khẳng định với chúng ta, đất và trời từ nay không còn cách biệt nữa.  Dưới đất này đã có trời, và trên trời cao đã có đất.  Quả vậy, nếu định nghĩa trời là nơi Thiên Chúa ngự trị, thì trong “cõi người ta” này, Thiên Chúa đang hiện hữu để chúc lành và dẫn dắt chúng ta bằng cánh tay yêu thương của Ngài.  Nếu định nghĩa đất là nơi con người sinh sống, thì trên trời, hiện đã có một “Con Người” là Đức Giêsu, mẫu mực chung cho tất cả mọi người về cách sống cũng như về sự hy sinh vì tha nhân.  Vì thế, liền sau khi Chúa Giêsu được cất lên, trong khi các môn đệ còn bỡ ngỡ lưu luyến, thì hai sứ thần đã nói với họ: “Hỡi người xứ Galilê, sao còn đứng nhìn trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.  Qua những lời này, các sứ thần muốn khẳng định với các ông rằng, các ông hãy quay về với bổn phận, vì tuy Chúa đã về trời, Người vẫn luôn hiện diện trên mặt đất này với các ông.  Từ nay, mọi bước đường truyền giáo của các ông sẽ có Chúa đi cùng.  Người hiện diện thiêng liêng, vô hình nơi trần gian, và Người sẽ trở lại trong vinh quang vào thời tận cùng của lịch sử.  Chính vì vậy, “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước” (Kinh Tiền tụng lễ Thăng Thiên).

“Quê Trời” là niềm mơ ước của con người thuộc mọi nền văn hóa, dù khái niệm về trời rất mông lung bàng bạc và phong phú đa dạng.  Trong quan niệm dân gian của người Việt, “Trời” không chỉ là cái vòm màu xanh ở tít trên cao, nhưng là một “Đấng”, một “Ông”, một “Vị”, một nhân vật.  Nhân vật này vừa quyền năng mạnh mẽ vừa lắng nghe cảm thông với con người và giúp đỡ họ.  Nơi “Ông Trời” người ta tin tưởng cầu xin ơn phù trợ để mọi sự tốt lành: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm” (Ca dao).  Trời cũng là nơi ở dành cho các anh hùng dân tộc, những người có công với nước, như trường hợp Thánh Gióng, sau khi đánh giặc Ân, cưỡi ngựa về trời.

Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: Quê trời là phần thưởng Chúa Cha dành cho người công chính.  Hạnh phúc Nước trời là được chìm mình trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi, cùng với anh chị em mình.  Đó là tình yêu vĩnh cửu, viên mãn, tồn tại muôn đời.  Hạnh phúc Chúa Giêsu hứa ban không phải một thứ “bánh vẽ” xa vời, một thứ “thuốc phiện mê dân” ảo tưởng.  Nước Trời đã hiện diện giữa trần gian, ngay ngày hôm nay, nơi cuộc đời của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta biết đón nhận bằng con tim rộng mở và tấm lòng yêu mến chân thành.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

TỘI KHÓ THA THỨ

 TỘI KHÓ THA THỨ

TRẦM THIÊN THU

Chúng ta càng cảm tạ Thiên Chúa về những gì Ngài đã làm cho chúng ta thì chúng ta càng có điều kiện để nhận được nhiều phúc lành hơn nữa.

Adolfo Affatato là một trong những người con tinh thần cuối cùng còn sống của Thánh Padre Pio (Pio Năm Dấu). Ở tuổi 82, ông vẫn tiếp tục nói và viết về Thánh Pio. Phần dưới đây được phỏng tạo theo cuốn “Thánh Padre Pio và Tôi” của ông.

Adolfo thường nói rằng lòng biết ơn rất quan trọng đối với Thánh Padre Pio. Một buổi tối, Adolfo hỏi ngài rằng liệu Chúa có tha thứ mọi tội lỗi hay không. Ngài trả lời: “Này con trai, Thiên Chúa là Cha nhân lành, và Ngài đã tha thứ cho mọi người. Tuy nhiên, có một tội mà Ngài khó tha thứ, đó là SỰ VÔ ƠN của con người.” Rồi ngài nói thêm: “Nhưng Thiên Chúa biết cách chờ đợi.”

Ở đây nổi lên một trong những sứ mệnh được Chúa giao cho Thánh Padre Pio: đưa những con chiên lạc trở lại bầy. Một hôm, Adolfo đi cùng với một chính trị gia đến thăm cha Pio. Họ gặp nhau tại ga xe lửa ở Foggia.

Trong bữa ăn trưa, người bạn mới đã nói theo cách khiến Adolfo đầy phỏng đoán. Ông ấy cảm thấy có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Ông ấy tiếp tục nói rằng trong đời mình, ông ấy đã ba lần thề nguyện, nhưng lần nào cũng thất bại. Khi nghe nói về cha Pio, ông ấy muốn gặp vị thánh dòng Capuchin và theo hướng dẫn ngài.

Khi họ đến nhà ga ở San Giovanni Rotondo, Adolfo và chính trị gia lên lầu đợi cha Pio. Khi đi xuống để giải tội cho họ, cha Pio nói theo thói quen như vẫn nói với các tu sĩ trong dòng: “Hãy chúc tụng Chúa Giêsu Kitô.” Quay sang Adolfo, ngài nói: “Hôm nay anh là ai?” Adolfo trả lời: “Thưa cha, những người này muốn cha phúc lành.”

Thánh Padre Pio nói: “Thật tuyệt khi bạn đem tôi đến đây. Hãy nói với ông ấy rằng ông ấy đã thề hứa ba lần và ba lần ông ấy đã thất bại. Đây là cơ hội cuối cùng mà Thiên Chúa ban cho ông ấy. Ông ấy nên đến trước Thánh Thể và cầu xin tha tội cho mình.” Không chào ông chính trị gia, ngài đi xuống cầu thang để nghe lời thú tội. Adolfo đã bị tấn công. Đó là một trong nhiều tình tiết khác, trong đó ông ấy đã trực tiếp trải nghiệm những món quà siêu nhiên của Thánh Pio.

Mặc dù Adolfo thường trải nghiệm sự quý mến, phương diện phụ tử của Thánh Pio, nhưng đây là mặt khác của ngài – vị linh mục nghiêm khắc đối với những người đã phạm tội với Chúa và bỏ bê bổn phận của họ là một tín nhân. Thánh Pio đã phải chịu đựng rất nhiều trước những biểu hiện của sự vô ơn bạc nghĩa như vậy.

Không ai ngoại trừ chính chính trị gia và Thánh Pio biết chính xác ông ấy đã phạm tội gì và đã vi phạm những lời thề nào. Có khả năng đọc được tâm hồn của người khác, Thánh Pio có thể nhìn thấy những gì người khác không thể thấy. Adolfo cảm nhận được sự trống trải băng giá bao trùm lấy chính trị gia lúc đó. Ông ấy đã bật khóc, một cơn khủng hoảng của sự chuộc lỗi.

Sau đó, cha Onorato nói với Adolfo rằng tối hôm đó ngài đã hỏi Thánh Pio rằng liệu có quá gay gắt với chính trị gia kia hay không. Thánh Pio trả lời ngay: “Nếu cha có thể xem xét kỹ lưỡng các linh hồn, cha sẽ thấy trong lòng người đó không chỉ có bảy tội nặng, mà là bảy mươi tội.”

Chỉ vào cốc nước trên bàn gần chiếc giường, ngài nói tiếp: “Hãy nhìn chiếc ly đầy nước kia. Nếu người ta không làm sạch nó và đổ đầy nó bằng tình yêu thương của Thiên Chúa thì sẽ không bao giờ có bình an.” Adolfo nghe nói rằng sau cuộc gặp gỡ đó, chính trị gia bắt đầu hoàn toàn đổi đời. Qua Thánh Pio, quyền năng Thiên Chúa đã mở cánh cửa trái tim của ông, dù đã bị khóa bởi sự kiêu hãnh, và lấp đầy nó bằng lòng bác ái.

Thời giờ đã đến. Thánh Pio nói: “Chúa biết cách chờ đợi.” Qua Thánh Pio, Adolfo hiểu rằng lòng biết ơn là một đức tính vĩnh cửu. Chúng ta càng cảm tạ Thiên Chúa về những gì Ngài đã làm cho chúng ta thì chúng ta càng có điều kiện để nhận được nhiều phúc lành hơn nữa. Thiên Chúa không muốn gì hơn nữa, và đến lượt chúng ta, chúng ta nên giống như những thiên thần sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn.

BRET THOMAN, OFS

TRẦM THIÊN THU

(chuyển ngữ từ Aleteia.org)

May be an image of 1 person

Lời hay,ý đẹp

Trong túi áo của một em bé đã chết ở trại tập trung Ravensbrück, nước Đức, người ta đọc được lời nguyện này, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến không chỉ những thiện nam tín nữ của Chúa mà còn nhớ đến cả những người ác ý. Nhưng xin Chúa đừng nhớ tất cả những đau khổ mà họ đã gây ra cho chúng con; thay vào đó, xin nhớ đến những hoa trái mà chúng con đã trổ sinh vì sự đau khổ này. Đó là tâm tình hiệp thông của chúng con, lòng trung thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, sự rộng lượng của chúng con; đó là sự vĩ đại của những trái tim đã trưởng thành từ những cực hình này. Khi những kẻ bắt bớ chúng con đến để chịu sự phán xét của Chúa, xin hãy để tất cả những hoa trái mà chúng con đã sản sinh trở thành sự tha thứ mà Chúa nhân từ sẽ dành cho họ”.

Thầy Bạch gởi

CẰN CỖI THIÊNG LIÊNG

CẰN CỖI THIÊNG LIÊNG

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo.”

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến sự gắn bó, kết hiệp, sinh trái của những linh hồn tháp nhập vào Chúa Giêsu.  Bên cạnh đó, Tin Mừng còn nói đến sự khô héo, sự vô dụng; hay đúng hơn, một sự “cằn cỗi thiêng liêng” của một linh hồn lãng quên Thiên Chúa, khác nào cành nho tách khỏi thân nho.  Chúa Giêsu nói, “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo.”

Chúng ta thường nghe, “Tiền vào, Chúa ra!”  Điều này đúng không chỉ với tiền, nhưng cũng đúng với bất cứ cái gì không thuộc về Chúa.  Thật dễ dàng để lãng quên Thiên Chúa khi cuộc sống của chúng ta quá bận rộn; hoặc khi mọi thứ diễn ra quá tốt đẹp, khiến chúng ta dễ dàng lãng quên Thiên Chúa.  Một khi không nhận ra điều đó, chúng ta bắt đầu tách mình khỏi Thiên Chúa như cành nho tách rời thân nho.  Hãy nhìn vào thời gian cầu nguyện của chúng ta!  Nó là một nhiệt kế luôn luôn chính xác.  Một khi tách khỏi “thân nho Giêsu”, giờ cầu nguyện của chúng ta sẽ ngày càng ngắn lại cho đến khi gần như tắt lịm.  Chúng ta đi con đường riêng của mình, giảm thiểu cầu nguyện và không chóng thì chày, bỏ cầu nguyện và rơi vào một sự “cằn cỗi thiêng liêng.”  Tuy nhiên, vấn đề không nhất thiết là phải bỏ qua một bên các hoạt động khác để đi cầu nguyện nhưng chúng ta sẽ làm tất cả bổn phận Thiên Chúa trao đang khi yêu mến Ngài và ước ao kết hiệp với Ngài.

Tách mình ra khỏi “thân nho Giêsu” để đầu tư sức lực của mình vào những việc khác, ai trong chúng ta cũng biết điều gì sẽ xảy ra.  Điều xảy ra là, chúng ta sẽ không tạo nên được một hoa trái nào đúng nghĩa.  Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô, “Việc Chúa Giêsu nói thêm “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” là để nhấn mạnh một sự thật rằng, tự sức chúng ta, bằng nỗ lực riêng mình, chúng ta thậm chí, sẽ không thể tạo ra một trái tốt ‘nhỏ.’”  Đó là hậu kết của cái gọi là “cằn cỗi thiêng liêng.”  Điều xảy ra tiếp theo sẽ là những gì tệ hại nhất, linh hồn bị ném ra ngoài như một cành khô; những cành vô dụng này sẽ được gom lại, ném vào lửa và bị đốt cháy.

Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu; ai trong chúng ta cũng muốn sinh trái dồi dào, tạo nên một sự khác biệt, mang lại một sự thay đổi cho cộng đồng, cho thế giới… điều đó thật hấp dẫn và có ý nghĩa với mỗi người.  Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm một sự thật rằng, chỉ khi kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể trổ sinh hoa trái lâu dài cho Vương Quốc Nước Trời; đây cũng là cách thức chúng ta tôn vinh Chúa Cha.  Được như thế, mỗi người sẽ cảm nhận rằng, nhựa sống của Chúa Kitô đang luân chuyển trong linh hồn mình.  Cuộc sống của chúng ta sẽ nở hoa cho người khác; đó là những bông hoa của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ.  Những bông hoa này không chỉ tỏa hương hôm nay, nhưng vương mãi hương thơm cả khi chúng ta đã lìa thế.

Trong túi áo của một em bé đã chết ở trại tập trung Ravensbrück, nước Đức, người ta đọc được lời nguyện này, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến không chỉ những thiện nam tín nữ của Chúa mà còn nhớ đến cả những người ác ý.  Nhưng xin Chúa đừng nhớ tất cả những đau khổ mà họ đã gây ra cho chúng con; thay vào đó, xin nhớ đến những hoa trái mà chúng con đã trổ sinh vì sự đau khổ này.  Đó là tâm tình hiệp thông của chúng con, lòng trung thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, sự rộng lượng của chúng con; đó là sự vĩ đại của những trái tim đã trưởng thành từ những cực hình này.  Khi những kẻ bắt bớ chúng con đến để chịu sự phán xét của Chúa, xin hãy để tất cả những hoa trái mà chúng con đã sản sinh trở thành sự tha thứ mà Chúa nhân từ sẽ dành cho họ.”

Anh Chị em,

Không ai trong chúng ta không ngưỡng mộ sự cao thượng của em bé Ravensbrück; và cũng không ai muốn cho mình ra cằn cỗi.  Vì sự èo uột, sự “cằn cỗi thiêng liêng” của chúng ta là nỗi nhục cho Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã nói, “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái.”  Muốn được vậy, chúng ta phải ở lại trong Chúa Giêsu.  Chỉ khi ở lại trong Ngài, nhựa sống thần linh nguyên tuyền của Thiên Chúa mới có thể luân lưu trong ta, nhựa sống của Ngài làm cho chúng ta đầy sinh lực thiêng liêng để sinh hoa trái.  Bởi chưng, là Kitô hữu, chúng ta không chỉ “sống với Chúa Giêsu”, “sống cho Chúa Giêsu” mà còn phải “sống trong Chúa Giêsu.”  Nhận thức được tầm quan trọng này, Chúa Giêsu đã thiết tha van nài mỗi người chúng ta, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.”

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, để con khỏi “cằn cỗi thiêng liêng”, xin giúp con bám chặt vào Chúa.  Nhờ việc rước lấy Thánh Thể và Lời Chúa soi rọi mỗi ngày, xin cho con biết củng cố mối dây hiệp nhất trong Chúa; nhờ đó, niềm tin và tình yêu của con với Chúa ngày càng lớn lên, vì Chúa là tất cả của con,” Amen!

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: Langthangchieutim

THÁNG 5 LÀ THÁNG HOA DÂNG KÍNH MẸ MARIA

 THÁNG 5 LÀ THÁNG HOA DÂNG KÍNH MẸ MARIA

Trong số vô vàn cách tỏ bày lòng tôn kính đối với Đức Mẹ nơi con dân Nước Việt, thì lòng đạo đức bình dân như: dâng hoa kính mẹ; rước kiệu Mẹ; lần chuỗi Mân Côi; rồi những bài thánh ca hết sức dễ thương được cất lên để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương Thiên Quốc.

Những lúc gian nan nguy khốn cũng như khi được an bình hạnh phúc, chúng ta luôn biết chạy đến cùng Mẹ để được an ủi, vỗ về, che chở và dâng lời cảm tạ.

DÂNG HY SINH VÀ ĐAU KHỔ

DÂNG HY SINH VÀ ĐAU KHỔ

Trầm Thiên Thu 

Cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta trên trái đất có giá trị vô hạn.  Chúng ta có cả phẩm giá cao cả và số phận vĩnh cửu.  Phẩm giá của chúng ta là gì?  Chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Tẩy.  Định mệnh của chúng ta là gì?  Tất cả chúng ta đều là khách lữ hành trên đường về quê hương vĩnh hằng là Thiên Đàng.

Sự đau khổ có giá trị vô cùng đối với con người trước mắt Thiên Chúa.  Tuy nhiên, nếu tách khỏi phương diện siêu nhiên thì tự bản chất đau khổ không có giá trị đích thực.  Nếu bạn thích: đau khổ làm chúng ta tốt lành hơn hoặc cay đắng hơn.

  1. THIÊN THẦN NHÌN CON NGƯỜI

Trong Nhật Ký, Thánh Faustina nói rằng các thiên thần nhìn con người với “lòng ghen tỵ” thánh thiện vì hai lý do.  Thứ nhất, con người nhận được Quà Tặng tuyệt diệu là Thánh Thể – Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu – khi rước lễ.  Các thiên thần trên Thiên Đàng không bao giờ có đặc ân phi thường đó, và cũng không thể đau khổ.  Các thiên thần hiểu rằng nếu được nhìn nhận và chấp nhận một cách đúng đắn, đau khổ có giá trị vô hạn, và có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất.  Thật vậy, Chúa Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể – đã chọn con đường đau khổ làm phương tiện để hoàn thành việc cứu độ thế gian.

  1. SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC MẸ FATIMA

Đức Mẹ Fatima bảo ba em Luxia, Phanxicô, và Giaxinta cầu nguyện và dâng hy sinh để cầu cho các tội nhân.  Đức Mẹ tỏ vẻ buồn cho biết rằng nhiều linh hồn bị hư mất vì không đủ những linh hồn quảng đại cầu nguyện và hy sinh để cứu rỗi các tội nhân đáng thương.  Một tên gọi khác của sự hy sinh là sẵn sàng chấp nhận một số hình thức đau khổ.  Sứ điệp này của Đức Mẹ Fatima có thể được áp dụng cho chính chúng ta trong tình trạng cụ thể của cuộc sống và những đau khổ của chính chúng ta.  Không ai trên thế gian này có thể tránh khỏi đau khổ.

III. DÂNG ĐAU KHỔ

Ba từ ngắn gọn này tóm tắt toàn bộ sứ điệp: dâng đau khổ.  Khi Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, đến thăm bạn với dạng đau khổ nào đó, điều vô cùng quan trọng là chấp nhận những đau khổ được ban cho từ Bàn Tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa và dâng lên cho Ngài.  Hãy nhớ rằng, đau khổ có thể làm cho chúng ta tốt lành hơn hoặc cay đắng hơn.  Đau khổ có thể cứu linh hồn hoặc lãng phí!

Làm thế nào để giảm đau khổ?  Khi đau khổ, chúng ta hãy cố gắng kết hợp đau khổ của chúng ta với Thập Giá – với Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.  Chúng ta gọi đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.  Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc sống, hành động, và đặc biệt là những đau khổ của chúng ta, có giá trị vô hạn.

  1. KẾT HIỆP VỚI THÁNH LỄ

Chúa Giêsu đã chết một lần trên Thập Giá tại Canvê hơn 2000 năm trước.  Ngài không chết nữa.  Tuy nhiên, mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ, tái diễn những gì đã xảy ra trên Canvê xưa.  Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Giêsu thực sự hiến dâng chính Ngài như một Nạn Nhân không tì vết cho Chúa Cha để cứu rỗi thế giới.  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết thêm rằng trong mọi Thánh Lễ, cũng như trên Canvê, Đức Mẹ hiện diện một cách thần bí nhưng rất thực tế.

Vì vậy, chúng ta đừng lãng phí những cơ hội ngàn vàng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta trải qua bất kỳ hình thức đau khổ nào, và bắt đầu kết hiệp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thập Giá.  Tốt hơn hết, khi kết hiệp với Mẹ Maria, hãy đặt đau khổ của bạn vào tay Mẹ Maria và Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.  Sau đó, xin Mẹ ký thác những đau khổ này trên bàn thờ, nơi cử hành Thánh Lễ, để được kết hiệp với đau khổ của Chúa Kitô.  Sống theo cách sống này sẽ biến những đau khổ, dù là nhỏ nhất, của bạn thành một kho tàng ân sủng dồi dào vô hạn.

  1. DÂNG ĐAU KHỔ CHO CHÚA GIÊSU

Khi được các em hỏi nên dâng gì cho Chúa, Đức Mẹ Fatima đã trả lời là “dâng tất cả.”  Hãy biến cuộc sống của bạn thành lễ hy sinh sống động để chuộc tội, đền đáp và ngợi khen.  Đây là vài gợi ý cụ thể về những gì chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa qua Trái Tim Đức Mẹ:

  1. Thời Tiết Khắc Nghiệt

Tất cả chúng ta đều thích những ngày nắng đẹp với những giai điệu chim hót líu lo và hương thơm ngát của hoa nở rộ.  Nhưng không phải là luôn như vậy.  Cái lạnh buốt, mưa to và gió mạnh là đặc điểm của dự báo thời tiết thực tế trong nhiều ngày.  Thay vì phàn nàn về thời tiết thì hãy chấp nhận, sau đó tạ ơn Chúa và kết hiệp với Chúa Giêsu trên Thập Giá.

  1. Tình Trạng Sức Khỏe

Hậu quả của Nguyên Tội là tất cả nhân loại đều bị suy yếu về sức khỏe, ốm đau, đôi khi bệnh tật, cũng như lây nhiễm vi trùng.  Điều này không thể tránh khỏi!  Tại sao không kết hiệp tình trạng sức khỏe thể lý đau khổ của bạn với Chúa Giêsu trên Thập Giá?  Giá trị của tặng phẩm này là vô hạn!

  1. Đại Dịch

Đại dịch toàn thế giới như vậy là duy nhất trong lịch sử thế giới.  Thay vì lãng phí sự đau khổ hoàn vũ này, hãy kết hiệp với Thập Giá của Chúa Giêsu trên Canvê qua Hy Tế của Thánh lễ dâng lên Chúa Cha Vĩnh Hằng.  Ước gì đau khổ là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa để cứu rỗi các linh hồn và chính mình!

  1. Đau Khổ Gia Đình

Nhiều cha mẹ nhiệt thành cầu nguyện đã đau đớn tột cùng khi nhìn thấy những đứa trẻ mà họ nuôi dạy là người Công giáo và lãnh nhận các bí tích, đã không may lạc lối và từ bỏ đức tin.  Bất chấp những lời mời gọi, khuyên bảo và những giọt nước mắt cay đắng của cha mẹ, những đứa trẻ vẫn sống không biết gì về Chúa, như thể Ngài không hiện hữu.  Trong trường hợp này, hơn bao giờ hết, cha mẹ không nên chán nản, tuyệt vọng, phải cố gắng hơn nhiều.

Ngược lại, cha mẹ nên đặt những đau khổ của họ và những đứa con lên bàn thờ của Thánh Lễ, nơi Chúa Giêsu dâng những vết thương của Ngài cho Chúa Cha Hằng Hữu, và Cha vui lòng.  Thánh Monica đã kiên trì cầu nguyện cho con trai Augustinô, và con trai đã hoán cải khi 31 tuổi.

  1. Khô Khan Tâm Linh

Bất cứ ai coi trọng đời sống tâm linh thì rồi sẽ gặp phải sự khô khan, cụ thể nhất là trong đời sống cầu nguyện.  Đây được gọi là trải nghiệm sa mạc khô hạn.  Thay vì từ bỏ đấu tranh, hãy cố gắng thinh lặng và cầu nguyện.  Điều này có thể dẫn đến sự đau khổ lớn lao, nhưng dâng đau khổ tâm linh rất hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa.

Hãy kết hiệp tình trạng khô khan tâm linh của bạn với Chúa Giêsu trong cơn hấp hối nơi Vườn Dầu, và đặt nó lên bàn thờ của Hy Lễ Thánh.  Chúa Giêsu đã trải nghiệm sự cô độc.  Tuy nhiên, Ngài càng cầu nguyện càng mạnh mẽ và nhiệt thành hơn.  Ngài là mẫu gương của chúng ta.

  1. Cái Chết Của Thân Nhân

Khi đối mặt với cái chết của người thân, niềm tin và hy vọng của chúng ta có thể bị lung lay.  Trong thời điểm quan trọng này, việc đặt những người thân yêu của chúng ta – những người đã qua đời, lên bàn thờ và trên Thập Giá qua Thánh Lễ, là điều vô cùng quan trọng, và cầu xin cho họ được cứu rỗi đời đời.  Trong sách Gương Chúa Giêsu, tác giả Thomas Kempis nói: “Điều quan trọng không phải là sống lâu, mà là sống thánh thiện.”

Chấp nhận và tuân theo Thánh Ý quan phòng của Thiên Chúa là giải pháp chắc chắn duy nhất, chúng ta không nên đặt câu hỏi tại sao Chúa lại lấy mạng họ, nhưng chúng ta có thể làm điều gì đó trong hiện tại cho linh hồn họ, cũng như cho chính chúng ta.

  1. Đảo Ngược Kế Hoạch

Không ai trong chúng ta vui mừng vì những con người và hoàn cảnh làm gián đoạn lịch trình, kế hoạch và các dự án của chúng ta.  Tuy nhiên, dù muốn hay không, các kế hoạch và dự án của chúng ta sẽ thường xuyên bị gián đoạn.  Thay vì mất bình tĩnh và điềm tĩnh, tại sao không đơn giản chấp nhận những mâu thuẫn và kết hiệp với Thập Giá của Chúa Giêsu?  Hãy đặt những gián đoạn lên Thập Giá trên Canvê qua Thánh Lễ.  Làm vậy để công việc mà bạn không thể hoàn thành có thể cứu các linh hồn.

  1. KẾT LUẬN

Tóm lại, đau khổ là một thực tại của con người mà không ai có thể tránh khỏi.  Cho dù chúng ta là tín nhân hay vô tín ngưỡng, theo đạo Công giáo hay vô thần, nhà thần bí chiêm niệm vĩ đại hay nhà duy vật cốt lõi, đau khổ vẫn là một phần trong thân phận con người.  Nhưng hãy nhớ câu châm ngôn ngắn gọn này: “Đau khổ làm cho bạn tốt hơn hoặc cay đắng.”  Nếu một người đau khổ chỉ vì đau khổ thì thật là cay đắng!  Chỉ khi nào đau khổ của chúng ta được kết hiệp với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thập Giá qua Thánh Lễ thì chúng ta mới được thánh hóa và tăng trưởng trong sự thánh thiện.

Do đó, bắt đầu từ hôm nay, hãy nhớ đến những đau khổ trong cuộc sống của bạn.  Hãy đặt những viên ngọc quý này trong tay và trái tim của Mẹ Maria.  Chính Đức Mẹ sẽ đặt chúng lên bàn thờ Thập Giá tại Canvê.  Sự đau khổ của bạn kết hiệp với sự đau khổ của Chúa Giêsu và Đức Mẹ sẽ thực sự có giá trị vô hạn đối với sự cứu rỗi các linh hồn kịp thời và vĩnh viễn!

Lm. Ed Broom, Omv

Trầm Thiên Thu 

(chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Mùa Chay – 2021

From: KittyThiênKim & KimBang Nguyen

LỜI CẦU NGUYỆN CHÂN THÀNH

LỜI CẦU NGUYỆN CHÂN THÀNH 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Gần đây, tôi có nhận được một lá thư của một phụ nữ có cuộc sống vạn phần đắng cay nuốt hết vào lòng.  Trong vài tháng, cô bị chồng ly dị, bị mất việc, bị buộc phải rời khỏi ngôi nhà cô đã sống lâu nay, bị kẹt trong chỗ ở mới vì lệnh phong tỏa Covid, và bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư nan y.  Thật quá sức chịu đựng.  Có lúc, cô đã sụp đổ, lòng đầy tức giận và chỉ muốn bỏ cuộc.  Cô hướng về Chúa Giêsu trong cay đắng: “Nếu Chúa có đó, dù chắc là không có đâu, thì Chúa biết những chuyện này chứ?  Chúa có bao giờ cô đơn như thế này đâu!”  Tôi nghĩ chúng ta ai cũng có những lúc như thế này.  Chúa có biết những cảnh này không?

    Nếu chúng ta tin vào Tin Mừng, thì Chúa Giêsu biết hết những cảnh này, không phải bởi ngài có ý thức thần thánh, nhưng bởi như người phụ nữ tôi vừa kể, Ngài biết ngay từ đầu cảnh phải đơn độc, bị gạt ra ngoài thế giới bình thường của nhân loại.

    Điều này đã rõ ràng ngay từ khi Ngài ra đời.  Tin Mừng nói rõ cho chúng ta biết, Mẹ Maria phải sinh Chúa Giêsu trong chuồng bò vì nhà trọ không còn chỗ.  Do người chủ trọ nhẫn tâm!   Tội nghiệp ông ta đã phải chịu chê trách hàng thế kỷ. Tuy nhiên, nghĩ như thế là bỏ sót điểm chính của câu chuyện và hiểu sai ý nghĩa của nó.  Bài học của câu chuyện này không phải là về sự tàn nhẫn vô lương tâm ngự trị thế gian, hay là thế giới quá bận tâm đến bản thân mà chẳng để ý thấy Chúa Giêsu giáng sinh, mặc dù những ý này cũng đúng.  Đúng ra, điểm mấu chốt là, Chúa Kitô, được sinh ra như một kẻ ngoài lề, một kẻ nghèo hèn, một người ngay từ đầu đã không được đặt vào guồng quay chính của xã hội.  Như tác giả Gil Bailie nói, Chúa Giêsu là người bị tất cả nhất trí loại trừ.  Sao có thể khác được chứ?

    Với con người của Chúa Giêsu, với thông điệp trọng tâm của Ngài là tin mừng cho người nghèo, và với việc Ngài đi vào cuộc sống nhân loại để trải nghiệm mọi điều trong đó, kể cả đau đớn và sỉ nhục, khi mà đáng ra Ngài có thể sinh ra trong cung điện, được nhiều hỗ trợ và tâm điểm của mọi chú ý yêu thương.  Khi đồng cảnh ngộ với người nghèo, Ngài đã phải sinh “ngoài thành phố” như cách nói của tu sĩ Merton, và nó mang một ý nghĩa ẩn dụ lớn lao.  Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã biết nỗi đau và tủi nhục của người bị loại trừ, người chẳng có chỗ trong xu thế chủ đạo trần thế.

    Khi xem kỹ các Tin Mừng, chúng ta thấy, chẳng nỗi đau, về cảm xúc hay thể lý nào, mà Chúa Giêsu chưa trải qua.  Có thể nói, không một ai, bất chấp nỗi đau của chính mình, có thể nói vứi Chúa Giêsu rằng: Ngài đâu phải trải qua những gì con đã trải qua!  Chúa Giêsu đã trải qua hết rồi.

    Trong những năm mục vụ, Ngài đã đối diện với chối bỏ, chế nhạo và bị đe dọa liên tục, có lúc phải trốn đi như tội phạm lẩn trốn.  Ngài cũng cô độc, ngủ một mình, không có được những sự thân mật bình thường của con người, không có gia đình riêng của mình.   Rồi trong cuộc thương khó và cái chết, Ngài đã trải nghiệm những nỗi đau cảm xúc và thể lý cùng cực nhất. Về cảm xúc, Ngài đã “đổ mồ hôi máu”, và về thể lý, khi chịu đóng đinh, Ngài đã trải qua nỗi đau cùng cực, sỉ nhục cùng cực mà một con người có thể gánh chịu.

    Như chúng ta đã biết, đóng đinh thập giá được người La Mã dựng lên như hình phạt tử hình, nhưng họ còn nghĩ xa hơn thế nhiều.  Nó được dựng lên để tạo ra đau đớn và sỉ nhục nhiều nhất có thể cho người chịu nạn.  Chính vì thế mà thỉnh thoảng người ta cho người chịu đóng đinh dùng thuốc phiện, không phải để làm giảm cơn đau, nhưng để người đó không ngất đi và thoát khỏi cơn đau này.  Đóng đinh cũng được dùng để sự sỉ nhục lên đến cùng cực.  Và để làm thế, họ lột trần người bị đóng đinh, phơi bày bộ phận sinh dục, và trong cơn co thắt lâm tử, bộ ruột lỏng ra sẽ là sự tủi nhục cuối cùng.  Một vài học giả còn cho rằng trong đêm trước khi vác thập giá, có khi Ngài còn bị binh lính xâm hại tình dục.  Thật sự, không có nỗi đau hay sỉ nhục nào mà Ngài chưa gánh chịu.

     Theo Kinh viện, cầu nguyện được định nghĩa là nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.  Sẽ có những điểm chùng xuống trong cuộc đời chúng ta, khi hoàn cảnh buộc chúng ta phải nâng tâm trí và tâm hồn lên với Chúa theo một cách có vẻ đi ngược với cầu nguyện.  Có lúc, chúng ta sẽ tới điểm bùng nổ, khi mà trong sự sụp đổ, giận dữ, hổ thẹn và tuyệt vọng, chúng ta nghĩ không một ai, kể cả Thiên Chúa, quan tâm đến chúng ta, chúng ta cực kỳ cô độc, và thế là, dù có ý thức hay không, chúng ta sẽ đối đầu với Chúa Giêsu qua những lời này: “Chúa biết gì về chuyện này chứ!”  Và Chúa sẽ lắng nghe lời đó như một lời cầu nguyện, một tiếng kêu chân thành từ cõi lòng, hơn là một lời bất kính.

Rev. Ron Rolheiser, OMI 

From: KittyThiênKim & KimBang Nguyen

LÀM SAO NGHE ĐƯỢC TIẾNG CHÚA?

LÀM SAO NGHE ĐƯỢC TIẾNG CHÚA?

Lm. Tạ Duy Tuyền

Cuộc sống luôn náo nhiệt.  Ồn ào trong mọi nơi mọi lúc.  Con người như lạc lõng giữa muôn vàn âm thanh trong thế giới ồn ào.  Có đôi khi chúng ta không còn nghe được tiếng gọi của sự thật hay tiếng nói của lương tâm.

Anh A đã từng nhiều lần vào tù vì tội tham lam trộm cắp nhưng anh nói giữa cuộc đời bon chen anh không bao giờ nghe được tiếng nói của lương tâm mà chỉ nghe những thét gào của tranh giành, lừa đảo và bon chen…  Anh bảo rằng mình không biết phải sống thế nào cho đúng với lương tâm, vì lương tâm đồng nghĩa thua thiệt và mất mát.

 Chị B cũng từng ngụp lặn trong biển tình say đắm.  Với chị có sắc đẹp là có tiền, có tình.  Chị chỉ nghe thấy tiếng gọi của đồng tiền và thú vui xác thịt.  Chị được người đời đeo đuổi réo gọi vì chị có nhan sắc trời cho.  Cuộc đời chị cần tiền để bồi dưỡng thân xác và được cưng phụng.  Thế giới của chị luôn phải chạy theo tiếng gọi của đồng tiền và sắc đẹp.

 Cậu C bảo rằng giữa một thế giới chạy theo tiếng gọi của danh lợi thú làm sao nghe được tiếng Chúa.  Tiếng gọi của tình, tiền, và quyền luôn hấp dẫn, lôi cuốn khiến con người luôn bị lạc lối một trong ba tiếng gọi ấy!

Điều đáng buồn là con người dường như mất định hướng trong thế giới náo nhiệt hôm nay.  Con người dường như không bao giờ hạnh phúc trong danh lợi thú khi họ vất vả tìm kiếm, và càng không có bình yên trong thế giới đầy bon chen giành giựt để sống.  Vậy làm sao con người có thể thoát ra được thế giới náo nhiệt này?

Người ta kể rằng một lần đội vệ binh đang đứng làm thành hàng chào một vị quan lớn tới thăm.  Đúng lúc vị quan lớn gần tới thì một đàn cừu ở đâu hiên ngang đi ra.  Con đường độc đạo giờ đây bị đàn cừu chiếm lĩnh.  Người chỉ huy ra lệnh cho thuộc cấp:

 – Bằng mọi giá anh em hãy lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường.

 Đội vệ binh dùng đủ mọi cách, kể cả việc dùng súng bắn chỉ thiên để lùa đàn cừu rời khỏi mặt đường nhưng vô vọng!

 Một người lính liền nói: xin mọi người yên lặng.  Và từ xa tiếng sáo du dương trầm bổng đang réo gọi.  Không cần đuổi, chẳng nhọc công, đàn cừu hướng tầm nhìn và ùa chạy về phía tiếng sáo.  Hân hoan và vui mừng, chúng quây quần bên người mục đồng nhỏ bé đang đứng trên gò đất cao.

Giữa muôn vàn tiếng ồn ào của đám đông, chỉ cần thinh lặng, một chút lặng yên thôi, cũng đủ để đàn chiên nghe được tiếng gọi của người chăn dắt.  Thế giới chúng ta đang sống cũng có quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng nói của lương tâm của sự thiện, và càng không thể lắng lòng để nghe được tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành.

Phải chi chúng ta cũng có được những khoảnh khắc trầm lắng quý giá như thế, để rồi nghe được thứ thanh âm của sự tĩnh lặng, nghe được lời gọi của Thiên Chúa và nhận ra Người?  Phải chi chúng ta cũng biết trao tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa, để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành.  Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi.  Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử.”

Hôm nay lễ Chúa chiên lành, là dịp để chúng ta tạ ơn vì Ngài luôn yêu thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng muôn nghìn cách.  Dù cuộc đời có biết bao cám dỗ mời mọc chúng ta vào con đường tội lỗi.  Có biết bao đam mê khiến chúng ta lầm đường lạc lối.  Có biết bao con đường dẫn chúng ta xa lìa sự sống đời đời.  Nhưng Chúa luôn ở bên và kêu gọi chúng ta ra khỏi bến mê tội lỗi.  Xin cho chúng ta biết nhận ra tiếng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa.  Vì ở nơi Ngài mới có hạnh phúc bền vững còn những danh lợi thú chỉ là phù vân mau qua và chẳng bao giờ đem lại niềm vui trường cửu cho ta.  Amen!

Lm. Tạ Duy Tuyền

From: Langthangchieutim