Lễ Cầu Hồn

5 PHÚT LỜI CHÚA

02.11.21 THỨ BA TUẦN 31 TN


Lễ Cầu Hồn

TIN MỪNG GIOAN 6,37-40

“CHÍNH LÚC CHẾT ĐI, LÀ KHI VUI SỐNG MUÔN ĐỜI”

“Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.” (Ga 6,40)

Suy niệm: Chúng ta thường nói “sinh ký tử quy”: sống ở đời này chỉ là “tạm trú”, chết là về cõi vĩnh hằng. Nhưng cõi vĩnh hằng là gì, đó mới là điều quan trọng.

Chắc một điều là không ai mong chết rồi phải đi về một “cõi âm” im lìm lạnh lẽo, cõi mà “cô hồn các đẳng” sống vật vờ vất vưởng.

Chúa Giêsu dạy chúng ta cõi vĩnh hằng ấy là cõi sống hạnh phúc tròn đầy và vĩnh viễn dành cho những ai tin vào Ngài, là Đấng đã chết để đền bù tội lỗi chúng ta và đã sống lại để dẫn đưa chúng ta vào sự sống đó.

Chính vì tin như thế mà thánh Phanxicô Átxidi đã ca lên rằng: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Mời Bạn CHIA SẺ: Giáo Hội dành cả tháng 11 hằng năm để cầu nguyện cho “các đẳng linh hồn” trong đó có ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc chúng ta đã qua đời đang phải chịu thanh luyện chưa được hưởng hạnh phúc tròn đầy ở cõi vĩnh hằng.

Chúng ta còn đang sống ở chốn dương thế này, nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô và nhờ tham dự thánh lễ, cầu nguyện, làm việc bác ái hy sinh, có thể chuyển cầu cho các vị sớm được hưởng

Nhiều người lương dân vẫn quan niệm rằng “đi đạo Công giáo là bỏ ông bỏ bà.” Việc kính nhớ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên trong Tháng Các Đẳng này có thể giúp xoá đi sự hiểu lầm đó không? Bằng cách nào?

Sống Lời Chúa: Viếng nhà thờ hoặc nghĩa trang cầu nguyện theo ý Giáo hội để chuyển cầu cho các đẳng linh hồn.

Cầu nguyện: Đọc một Kinh Vực Sâu cầu cho các đẳng linh hồn.

GPLONGXUYEN 

NGUỒN NƯỚC MẮT

NGUỒN NƯỚC MẮT

 ĐGM Gioan B. Bùi Tuần

Trí nhớ của tôi lưu giữ nhiều hình ảnh.  Trong số đó, có một thứ hình ảnh rất thầm lặng, nhưng thường gây trong tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ.  Thứ hình ảnh đó là các nghĩa trang.

Tôi đã viếng nhiều nghĩa trang.  Tại Việt Nam, tại Ý, tại Đức, tại Pháp, tại Nga, tại Vaticăng.

Tôi đến viếng các nghĩa trang, chủ ý để suy gẫm, cầu nguyện, và cũng để tìm cảm nghiệm.  Có thứ cảm nghiệm chỉ tìm được ở nghĩa trang.  Tôi đã nghĩ như vậy và đã làm như vậy, khi tôi viết luận án: “Đau khổ của tình yêu.”

Đã có những cảm nghiệm độc đáo in rất sâu vào lòng tôi từ các nghĩa trang.  Đặc biệt là từ những dòng nước mắt ở nghĩa trang.

Có những nước mắt của tình yêu dạt dào.

Có những nước mắt của nỗi buồn, nhung nhớ.

Có những nước mắt của lòng hối hận khôn nguôi.

Có những nước mắt của tấm lòng tha thứ muộn màng.

Có những nước mắt của ân tình, hiếu nghĩa.

Có những nước mắt của niềm tin sâu sắc mong chờ.

Khi đi sâu hơn một chút giữa các dòng nước mắt, tôi có thể cảm nghiệm được một số khám phá quan trọng:

Khám phá ra những chân lý nhân sinh.

Khám phá ra những hy vọng ứu độ.

Khám phá ra chính mình.

Khám phá ra chân lý

 Những nước mắt ở nghĩa trang là những tiễn biệt thân thiết.  Tiễn biệt người đã chết, người vĩnh viễn ra đi.  Sự chết là một sự thật không cần bàn tới.  Nhưng đó lại là một chân lý cực kỳ quan trọng.

Bất cứ ai, rồi cũng phải chết.  Cái chết đáng sợ.  Nhưng đáng sợ hơn lại là cái gì đàng sau cái chết. Đáng sợ, vì nó quá bất ngờ.  Biết đâu, trong số mồ mả, cũng có những hồn vì thế mà đang khóc ròng rã đêm ngày.

Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn Phúc Âm: “Có một ông nhà giàu nọ, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu đó.  Anh thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho đỡ đói.  Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.

Thế rồi, người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Apraham.

Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.  Dưới địa ngục, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Apraham ở trên đàng xa, và thấy Ladarô trong lòng tổ phụ.  Bấy giờ ông ta kêu lên: Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, xin sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm.

Ông Apraham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi.  Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.  Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.  Hơn nữa, giữa chúng ta đây và con đã có một vực thẳm quá lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16,19-26).

Với dụ ngôn trên, Chúa dạy ta những chân lý quan trọng.  Ai cũng phải chết.  Nhưng sự Chúa đánh giá từng người sau khi chết thường vượt quá sự con người suy nghĩ.  Người phú hộ đó sống đời này được đầy đủ, sung sướng, an nhàn, xét mình chẳng thấy gì là xúc phạm Chúa, chẳng thấy gì là làm hại ai.  Nhưng người phú hộ đó đã bị rơi vào hoả ngục.  Chỉ vì sống thiếu thương cảm, thiếu liên đới, thiếu chia sẻ, thiếu xót thương.  Trái lại, người ăn mày kia đã được lên thiên đàng.  Vì dù bị chìm trong cảnh khổ, anh đã sống nêu gương về đức khiêm nhường, hiền lành và chân thật.  Không được người dư dật chia sẻ, anh phải sống đói khổ, nhưng anh vẫn chia sẻ với mấy con chó đói ăn.

Nhờ ơn Chúa, những sự thực như trên đã được nhiều người nhận ra một cách sâu sắc trong những dòng nước mắt tại nghĩa trang.  Những chân lý đó đã thay đổi đời họ.

Ngoài ra, biết bao người nằm trong nghĩa trang và khóc tại nghĩa trang cũng đã tìm được hy vọng cuộc đời qua một ngả khác.

Khám phá ra hy vọng

 Không thiếu trường hợp, tôi đã chứng kiến những cuộc trở về.  Họ đã trở về từ những dòng nước mắt của một người nào đó.  Người đó cầu nguyện cho họ.  Người đó khóc với họ thay vì nói với họ.

Một lúc bất ngờ, lời Chúa Giêsu phán xưa trở thành chuyện đời họ.  Chúa an ủi họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc.  Người đau ốm mới cần.  Hãy về học biết ý nghĩa của câu này: Cha muốn lòng nhân, chứ đâu cần của lễ.  Vì Cha đến, không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12-13).

Những lời dịu dàng đó đã đi sâu vào lòng họ.  Cõi lòng vốn đóng kín, khoá chặt, chất chứa những u uất, thất vọng, nay mở ra để hy vọng tràn vào.

Họ cảm thấy mình được xót thương, được yêu thương.  Họ sám hối.  Họ cảm thấy mình được tha thứ.  Và chính họ cũng dễ dàng tha thứ.  Một sự bình an lạ lùng trùm phủ tâm hồn họ.  Họ ra đi bình an trong sự tin tưởng phó thác tuyệt đối ở Chúa giàu lòng thương xót.  Họ khóc vì xúc động, đây là những dòng nước mắt đầy tình cảm tạ.

Những người chứng kiến cũng không cầm được nước mắt.  Những dòng nước mắt ấy không nói nên lời, nhưng ngọt ngào niềm hy vọng cứu độ.

 Khám phá ra chính mình

 Tại những nghĩa trang, thấy người ta khóc, nhất là khi chính mình khóc, tôi như nghe được tiếng Chúa Giêsu nói: Cha thương con, Cha thương mọi người.  Cùng với lời Chúa trao ban tình yêu, tôi khám phá ra chính mình tôi, với những vết thương, với những tang tóc đau buồn.  Khám phá ra chính mình trong sự thực trần trụi.

Khám phá để giúp trút bỏ những cái nhìn ảo.  Nhìn ảo về mình.  Nhìn ảo về những công việc của mình.  Nhìn ảo về người khác.  Nhìn ảo về cuộc đời.

Để cũng nhận ra rằng: dù với những yếu đuối, tội lỗi, mong manh, tôi vẫn được Chúa gọi với tình xót thương:

Gọi hãy cảm thương.

Gọi hãy chia sẻ.

Gọi hãy trở về.

Gọi hãy hiến dâng.

Gọi hãy cầu nguyện và đền tạ.

Gọi hãy sám hối và tín thác.

Gọi hãy vượt qua sự chết và mọi nghĩa trang, để bay vào cõi phúc đời đời.

Ơn gọi đó sẽ thực hiện được, miễn là tôi biết nhờ ơn Chúa, ở lại trong tình Chúa yêu thương.  Như lời Chúa kêu gọi: “Hãy ở lại trong Cha, như Cha ở lại trong các con” (Ga 15,4).

ĐGM Gioan B. Bùi Tuần

From: Langthangchieutim

Toàn văn Sắc lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao về Ơn Toàn Xá nhường cho các tín hữu đã qua đời

Hôm 28 tháng 10, Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh sau đây. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

SẮC LỆNH

Sau khi đã lắng nghe những lời yêu cầu khác nhau nhận được gần đây từ nhiều Mục Tử Thánh Thiện của Giáo hội, liên quan đến tình trạng đại dịch đang tiếp diễn, Tòa Ân Giải Tối Cao xác nhận và mở rộng đến trọn tháng 11 năm 2021, tất cả các lợi ích thiêng liêng đã được ban cấp vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, thông qua Sắc Lệnh số 791/20/I, theo đó, do đại dịch “Covid-19”, những Ơn Toàn Xá cho các tín hữu đã qua đời đã được gia hạn trong suốt tháng 11 năm 2020.

Từ sự quảng đại vừa được lặp lại của Giáo hội, các tín hữu chắc chắn sẽ thu được những ý định lành thánh và sức mạnh thiêng liêng để hướng dẫn cuộc sống của họ theo đòi buộc Tin Mừng, trong sự hiệp thông hiếu thảo và sùng kính đối với Đức Thánh Cha, là nền tảng hữu hình và là Mục tử của Giáo Hội Công Giáo.

Sắc lệnh này có hiệu lực trong suốt tháng 11, bất kể các quy định trái ngược.

Ban hành từ Rôma, tại Trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, ngày 27 tháng 10 năm 2021.

+ Đức Hồng Y Mauro Piacenza
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức ông Krzysztof Nykiel
Nhiếp chính


Source:Holy See Press Office

Phụ lục: Sắc Lệnh số 791/20/I của Tòa Ân Giải Tối Cao

Ngày 23 tháng 10, Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh sau.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Năm nay, trong tình huống khẩn cấp hiện tại do đại dịch “COVID-19”, các ơn Toàn Xá cho các tín hữu đã qua đời sẽ được kéo dài trong cả tháng 11, cùng với việc điều chỉnh các việc đạo đức và các điều kiện để bảo đảm an toàn cho các tín hữu.

Tòa Ân Giải Tối Cao này đã nhận được không ít những lời thỉnh cầu của các Mục tử Thiêng liêng, những vị đã yêu cầu rằng năm nay, vì đại dịch “COVID-19”, các việc đạo đức theo tiêu chuẩn của Sách Cẩm nang Ân xá (điều 29, triệt 1) để nhận lãnh các ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn trong Luyện Ngục, nên có sự điều chỉnh. Do đó, Tòa Ân Giải Tối Cao, theo sự ủy nhiệm đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẵn sàng thiết lập và quyết định rằng trong năm nay, để tránh các cuộc tụ tập ở những nơi không được phép:

a.- Ơn Toàn xá dành cho những người đến viếng một nghĩa trang và cầu nguyện cho người đã khuất dù chỉ trong trí, như đã được quy định trong Cẩm nang trong mỗi ngày từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11, có thể được chuyển sang các ngày khác trong cùng tháng cho đến cuối tháng. Những ngày như thế, do các tín hữu tự do lựa chọn, cũng không cần kế tiếp nhau;

b. – Ơn Toàn xá ngày 2 tháng 11, được thiết lập nhân dịp Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, dành cho tất cả những ai sốt sắng đến thăm một Nhà thờ hoặc một Nhà Nguyện và đọc ở đó “Kinh Lạy Cha” và “Kinh Tin Kính”, có thể được chuyển sang Chúa Nhật trước hoặc Chúa Nhật sau hoặc sang ngày Lễ Trọng Kính Các Thánh Nam Nữ, và cũng có thể chuyển sang một ngày khác trong tháng 11, do các tín hữu tự do lựa chọn.

Những người già, người bệnh và tất cả những người vì lý do nghiêm trọng không thể rời khỏi nhà mình, do những hạn chế được áp đặt bởi các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian xảy ra đại dịch, nhằm tránh việc tụ tập đông đảo các tín hữu ở những nơi linh thiêng, sẽ có thể nhận được Ơn Toàn Xá. Điều kiện để nhận được Ơn Toàn Xá là họ hiệp nhất về mặt tinh thần với tất cả các tín hữu khác, hoàn toàn từ bỏ tội lỗi và có ý định tuân thủ càng sớm càng tốt ba điều kiện thông thường là Xưng tội, Rước lễ và Cầu nguyện theo Ý Đức Thánh Cha. Họ được khuyến khích cầu nguyện trước tượng ảnh Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, đọc những kinh nguyện sốt sắng dành cho người chết, ví dụ như Kinh Sáng và Kinh Chiều từ Sách Thần Vụ dành cho người quá cố, Chuỗi Mân Côi, Kinh Lòng Thương Xót Chúa, những kinh nguyện khác cho những người thân yêu nhất đã qua đời của các tín hữu hoặc dành thời gian để suy gẫm một trong những đoạn Phúc âm được đề nghị trong Phụng vụ dành Người Quá Cố, hoặc thực hiện công việc của lòng thương xót, dâng lên Chúa những nỗi đau và những khó khăn của cuộc đời họ.

Để giúp anh chị em có thể dễ dàng nhận được ân sủng hơn nhờ lòng bác ái mục vụ của các mục tử, Tòa Ân Giải Tối Cao này chân thành cầu nguyện xin cho tất cả các linh mục với các năng quyền phù hợp, có thể quảng đại hy sinh một cách đặc biệt để cử hành Bí Tích Hòa Giải và trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân.

Tuy nhiên, liên quan đến các điều kiện thiêng liêng để được lãnh nhận Ơn Toàn xá một cách đầy đủ, xin nhắc nhở mọi người hãy dựa vào những chỉ dẫn đã được ban hành trong Ghi chú “Về Bí Tích Hòa Giải trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay”, do Tòa Ân Giải Tối Cao ban hành ngày 19 tháng 3 năm 2020.

Cuối cùng, để các linh hồn trong Luyện ngục được giúp đỡ nhờ lời chuyển cầu của các tín hữu và đặc biệt là nhờ Hy tế trên Bàn thờ, là điều đẹp lòng Thiên Chúa (xem Conc. Tr. Sess. XXV, decr. De Purgatorio), tất cả các linh mục đều được nhiệt liệt mời gọi cử hành Thánh Lễ ba lần trong ngày Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, như trong chuẩn mực của Tông Hiến “Incruentum Altaris”, do Đức Giáo Hoàng đáng kính Bênêđictô XV ban hành vào ngày 10 tháng 8 năm 1915.

Sắc lệnh này có hiệu lực trong suốt tháng 11, bất chấp mọi quy định ngược lại.

Ban hành tại Rôma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, Lễ Nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

+ Đức Hồng Y Maurus Piacenza
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức Ông Krzysztof Nykiel
Nhiếp chính

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An 28/Oct/2021

Một linh mục người HMong đầu tiên được thụ phong ở Việt Nam

Một linh mục người HMong đầu tiên được thụ phong ở Việt Nam

Ngày 13/10 nhân dịp kỷ niệm 104 năm biến cố mặt trời xoay tròn nhảy múa ở Fatima, thì tại nhà thờ chính toà Sơn Lộc cuả giáo phận Hưng Hoá, thị xã Sơn Tây, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, quản hạt Hưng Hóa, đã truyền chức cho 11 tân linh mục, đặc biệt trong đó là một vị người H’Mông, là tân LM Giuse Mã A Cả.

Giáo dân địa phương ngay cả các gia đình cuả các tân linh mục đã không có mặt tại buổi lễ tấn phong vì các biện pháp ngăn cách xã hội để ngăn chặn Covid-19.

Nếu kể từ khi những miền đất thuộc giáo phận Hưng Hoá đón nhận hạt giống tin mừng từ các cha Dòng Tên vào thế kỷ 17, khoảng năm 1627-1630, khi họ đi thuyền dọc theo sông Hồng để gieo vãi hạt giống Tin Mừng, thì đây là lần đầu tiên sau gần 400 năm, một linh mục bản địa đã được truyền chức để tiếp tục sứ mạng truyền giáo cho các dân tộc miền thượng du cuả Việt Nam.

Công cuộc truyền giáo ở đây đã không hề dễ dàng bao giờ, kể cả trong thời kỳ Pháp thuộc, vì những xáo trộn và bất an vùng biên giới là những cản trở to lớn.

Khi chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ, thì tình trạng trở thành mất an ninh, và do thế ngày 02.11.1950, đức cha Jean-Marie Mazé (Kim) quyết định dời Tòa Giám Mục về Sơn Tây. Hầu như toàn vùng bị bỏ ngỏ.

Cách đây 10 năm khi thăm viếng vùng này, chúng tôi đã gặp Cha Phêrô Phạm Thanh Bình, chánh xứ Sapa, và cũng là vị linh mục dìu dắt cho tân linh mục Mã A Cả, cho biết tuy lúc đó không còn chủ chiên dìu dắt, nhưng giáo dân H’Mong vẫn trung thành ‘khẩu truyền’ cho nhau những lẽ đạo, từ ông bà xuống tới cha mẹ, rồi xuống tới con cái cháu chắt…khoảng 3,4 đời như vậy.

Cha Thanh Bình cho biết khi Sapa được tái thiết để trở thành một khu du lịch, thì người Việt cũng bắt đầu di dân lên đây, chủ yếu là buôn bán các mặt hàng lưu niệm ở ngoài phố. Giáo phận Hưng Hóa đã gửi một linh mục về lại ngôi nhà thờ cổ để tái lập giáo xứ và lo việc mục vụ cho các bản xa xôi của thổ dân ở các vùng Điện Biên và Lai Châu. Các linh mục Việt Nam đã tìm lại được những giáo dân H’Mông còn giữ đạo và… vẫn còn đọc kinh gia đình sáng tối, ngày Chúa Nhật vẫn ôn lại các bài ‘kinh nghĩa đức tin’.

Ngày trước, các câu kinh bằng tiếng Việt của Địa Phận Hanoi đã được dịch sang tiếng H’Mông, và họ đã ba bốn đời truyền khẩu cho nhau để giữ đạo trung thành.

Nghiã là sau khi vị linh mục người Pháp cuối cùng bị chặt đầu ngay trong nhà thờ Sapa vào năm 1948, không rõ ai là thủ phạm, thì từ đó, đã không còn bóng dáng một linh mục nào trong gần 60 năm dài.

Thời gian 60 năm của một xã hội mà tuổi thọ trung bình chỉ có 30 tới 40 thì là quá dài. Hầu như những người đã từng thấy một chiếc áo chùng thâm ngày trước thì đã chết cả!

Cha Thanh Bình lúc đó cũng khoe (một cách hãnh diện) là chương trình khuyến học cuà Gx Sapa (và có lẽ cuả nhiều Gx khác nữa) hầu như đã đem lại một kết quả. Năm vừa qua một thanh niên H’Mông mới tốt nghiệp đại học đã nhập Đại Chủng Viện Hà nội, trở thành chủng sinh người H’mông đầu tiên của giáo phận Hưng Hóa cũng như của Giáo Hội VN. Ngoài ra cũng có 2 em nữ đang là đệ tử dòng MTG Hưng Hóa và một số thanh niên khác đang học đại học, cao đẳng hoặc đang tìm hiểu ơn gọi dâng hiến.

Chương trình khuyến học là để giúp nơi ăn chốn ở cho những thanh niên thiếu nữ người dân tộc đi học tại trường tỉnh. Xử dụng 2 phương cách làm kinh tài: thứ nhất là giữ xe trong khuôn viên nhà thờ, thứ hai là trồng rau quanh nhà thờ (thay vì trồng hoa.) Các thanh niên thiếu nữ người dân tộc vốn không muốn đi học. Học làm gì khi mà công việc cuối cùng vẫn chỉ là làm ruộng. Vậy học nghề ruộng thì thiết thực hơn.

Lúc đó, có 35 em người dân tộc đang ‘nội trú’ trong căn nhà tôn của giáo xứ, cửa ra vào chỉ là một tấm màn vải phất phơ theo gió. Các em từ các bản xa xôi được khyến khích ở tạm nơi đây để có thể đi học hàng ngày tại trường của Sapa.

Ngày nay, khi theo dõi Gx Sapa trên Net, chúng tôi thấy những ‘căn nhà tôn’ nói trên đã được thay thế bằng một trung tâm nhiều từng xinh đẹp.

Theo lời cuả một nữ tu người H’Mông, nữ tu dòng Đaminh Cù Thị Quỳnh Hoa, cũng là nữ tu đầu tiên người dân tộc H’Mông (theo UCAN): “Chúng tôi tràn ngập niềm vui mùa xuân về việc chịu chức linh mục của ngài và biết ơn Chúa đã ban cho chúng tôi một linh mục người H’Mông đầu tiên kể từ khi đạo Công Giáo được truyền cho tổ tiên của chúng tôi hơn một thế kỷ trước.”

Sơ Hoa, quê Giáo xứ Giàng La Pán, thuộc tỉnh Yên Bái, cho biết việc Cha Cả được phong chức thánh sẽ thúc đẩy công cuộc truyền giáo giữa đồng bào dân tộc và truyền cảm hứng cho giới trẻ đi tu để phục vụ cộng đồng của mình.

Sinh ngày 06/10/1983 tại xã Mường Hoa, Sapa, tỉnh Lào Cai trong một gia đình người H’Mông có 11 anh chị em, Cha Cả đã tốt nghiệp đại học trước khi gia nhập Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội năm 2011. Cha được Cha Phêrô Phạm Thanh Bình dìu dắt.

Những người dân làng H’Mông đầu tiên ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo đạo Công Giáo từ những vị thừa sai ngoại quốc trong những năm 1850

Khi được phong chức phó tế, tháng 2 năm 2020, Cha Cả đã từng nói: “Ưu tiên hàng đầu của tôi là truyền giáo cho những làng dân tộc, giáo dục cho trẻ em dân tộc và duy trì truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ và trang phục của họ.”

Hiện nay Giáo phận Hưng Hóa đang phục vụ cho 20.000 giáo dân H’Mông, đã có 16 chủng sinh và một chục nữ tu thuộc nhóm H’Mông.

Nếu tính về diện tích lãnh thổ, thì đây là Giáo phận lớn nhất nước, có 261.000 giáo dân tại 136 giáo xứ và 700 giáo họ, bao trùm 9 tỉnh miền Bắc VN, trong đó có một phần của Hà Nội. Số linh mục là 174, tính cả các vị tân linh mục mới được thụ phong.

Giáo Hội tuyên chân phước cho một thiếu nữ đã dành cuộc đời ngắn ngủi của mình để yêu thương những người nghèo khổ và bị thiệt thòi

Giáo Hội tuyên chân phước cho một thiếu nữ đã dành cuộc đời ngắn ngủi của mình để yêu thương những người nghèo khổ và bị thiệt thòi

Chân phước mới nhất của Giáo Hội Công Giáo là Sandra Sabattini, một phụ nữ 22 tuổi, người đã cống hiến hết mình để giúp đỡ người nghèo và người tàn tật trước khi cô bị một chiếc xe ô tô lao qua cán chết vào năm 1984.

Cô được phong chân phước vào ngày 24 tháng 10 tại Nhà thờ Rimini ở miền bắc nước Ý.

Theo dự kiến ban đầu, thánh lễ phong chân phước, đáng lẽ diễn ra vào tháng 6 năm 2020. Tuy nhiên, do đại dịch coronavirus, thánh lễ đã bị hoãn lại cho đến hôm 24 tháng 10 vừa qua và được cử hành bởi Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh.

Sự thánh thiện của Sabattini bao gồm việc “mở lòng mình để chia sẻ với những người rốt cùng, đặt toàn bộ cuộc sống non trẻ trên trần thế của mình vào việc phụng sự Thiên Chúa, được tạo nên bởi lòng nhiệt thành, sự đơn sơ và đức tin tuyệt vời,” Đức Hồng Y Semeraro nói trong Thánh lễ.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: Người phụ nữ trẻ “đã cho những ai cần sự tiếp đón mà không cần phán xét, bởi vì cô ấy muốn loan báo tình yêu của Chúa”

Cô sinh viên y khoa trẻ vừa bước ra khỏi xe trên đường đến buổi họp nhóm của Cộng đồng Giáo hoàng John XXIII thì cô và một người bạn bị xe tông. Cô được đưa đến bệnh viện, nơi cô hôn mê 3 ngày trước khi qua đời vào ngày 2 tháng 5 năm 1984.

Ba ngày trước khi vụ tai nạn xảy ra, Sabattini đã viết trong nhật ký của mình: “Cuộc sống đang phát triển, đang đập theo nhịp thở đều đặn không phải là của tôi, cuộc sống đang rất sống động bởi một ngày bình yên không phải của tôi. Trên đời này không có thứ gì là của bạn cả”.

“Sandra, hãy nhận ra! Tất cả là một ân sủng mà ‘Đấng ban tặng’ có thể can thiệp khi nào và như thế nào tùy thánh ý Ngài. Hãy quan tâm đến ân sủng được trao cho bạn, làm cho nó đẹp hơn và đầy đủ hơn cho khi đến khi thời gian đến”.

Sandra Sabattini lớn lên ở bờ biển Adriatic của Ý. Cô được rửa tội một ngày sau khi sinh, vào ngày 20 tháng 8 năm 1961. Khi cô được bốn tuổi, gia đình cô chuyển đến thành phố Rimini, giáo xứ do chú của cô, một linh mục Công Giáo điều hành.

Cô đã phát triển lòng yêu mến Chúa khi còn là một đứa trẻ, và cô thường mang theo một tràng hạt một chục kinh trong bàn tay nhỏ bé của mình.

Nhớ lại năm lên bảy tuổi, một trưởng trại cho biết: “Tôi thường quan sát cô ấy khi cô ấy vào nhà nguyện một mình, tay kia cầm một con búp bê và một tay cầm tràng hạt. Cô quỳ ở chỗ cuối cùng và cúi đầu. Cô ấy ở lại đó một chút, sau đó cô ấy đi ra ngoài và vui vẻ hòa nhập lại với đoàn”.

Khi còn học tiểu học, Sabattini đôi khi được tìm thấy đang trầm ngâm trước nhà tạm, thậm chí vào lúc nửa đêm.

“Cháu dậy sớm, vào sáng sớm, có lẽ trong bóng tối, để suy niệm một mình trước Nhà Tạm, trước khi những người khác đến nhà thờ,” chú của cô là Cha Giuseppe Bonini nhớ lại.

“Ngày đầu năm mới, từ một đến hai giờ đêm, cháu thường ở lại trước mặt Chúa Giêsu để chầu. Cháu thích cầu nguyện khi ngồi trên mặt đất, như một dấu chỉ của sự khiêm tốn và khó nghèo”.

Ngoài việc học rất tốt ở trường, Sabattini thích vẽ, chơi piano và chạy đường trường.

Năm 12 tuổi, cô gặp Fr. Oreste Benzi và nhóm do ngài thành lập, là Cộng đồng Giáo hoàng John XXIII, nhấn mạnh việc phục vụ những người nghèo và yếu thế trong xã hội. Sabattini cảm thấy được kêu gọi tham gia vào các hoạt động của họ để giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Năm 1974, cô tham gia một chuyến đi đến Dolomites, một dãy núi ở đông bắc nước Ý, nơi các thanh thiếu niên đi cùng người khuyết tật. Khoảng thời gian ở trong thiên nhiên và giúp đỡ những người khuyết tật đã để lại ấn tượng lớn đối với Sabattini. Cô đã nói với mẹ cô sau chuyến đi: “Chúng con đã làm việc đến gãy lưng, nhưng đó là những người con sẽ không bao giờ bỏ rơi”.

Trong thời gian học trung học, cô tiếp tục công việc tình nguyện với Cộng đồng John XXIII và giúp đỡ người nghèo, kể cả từ tiền tiết kiệm của chính cô.

Cô cũng đã sống một thời gian tại một trong những nhà tập thể của cộng đồng, nơi các thành viên chào đón những người bị thiệt thòi, bao gồm cả người tàn tật.

“Tôi không thể bắt người khác phải nghĩ như tôi, ngay cả khi tôi nghĩ điều đó là đúng,” cô viết trong nhật ký ở tuổi 16. “Tôi chỉ có thể cho họ biết niềm vui của tôi”.

Năm 17 tuổi, cô gặp Guido Rossi và hai người bắt đầu hẹn hò vào năm sau đó. Trong buổi hẹn hò đầu tiên, Sabattini đưa Rossi đến một nghĩa trang, để họ có thể thăm mộ những người đã bị lãng quên.

Họ cùng nhau tham dự nhóm trẻ của Cộng đồng Gioan XXIII. Bốn năm sau mối quan hệ của họ, Sabattini viết rằng hẹn hò là “một cái gì đó không thể thiếu với ơn gọi.”

“Những gì tôi trải nghiệm về sự sẵn sàng và tình yêu đối với người khác là những gì tôi cũng trải nghiệm đối với Guido, chúng là hai thứ hòa nhập với nhau, ở cùng một cấp độ, mặc dù có một số khác biệt,” cô viết trong nhật ký của mình.

Sau khi tốt nghiệp trường trung học với số điểm xuất sắc, Sabattini bị giằng xé giữa việc rời đi ngay lập tức để trở thành một nhà truyền giáo ở Phi Châu, hay bắt đầu học trường y.

Nhưng với sự giúp đỡ của vị linh hướng, Sabattini quyết định ghi danh vào trường y khoa tại Đại học Bologna. Ước mơ của cô ấy là một ngày nào đó được phục vụ như một phần của các sứ mệnh y tế ở Châu Phi.

Vào mùa hè năm 1982, khi vấn nạn ma túy bắt đầu bùng phát ở Ý, cô sinh viên y khoa 21 tuổi bắt đầu làm tình nguyện viên tại một cộng đồng dành cho những người nghiện ma túy.

Một năm trước, cô ấy đã viết trong nhật ký của mình: “Sandra, hãy yêu tất cả những gì bạn làm. Yêu sâu sắc những phút bạn đang sống, mà bạn được phép sống. Hãy cố gắng cảm nhận niềm vui của giây phút hiện tại, dù đó là gì, để không bao giờ bỏ lỡ sự kết nối”.

Sabattini ở cùng bạn trai, Rossi, và một người bạn khác khi cô bị ô tô đâm vào sáng ngày 29 tháng 4 năm 1984.

Tại đám tang của cô, Cha Benzi cho biết: “Sandra đã làm được những gì Chúa gửi cho cô ấy. Thế giới không được chia thành tốt và xấu, mà là ai yêu và ai không yêu. Và Sandra, chúng tôi biết, đã yêu rất nhiều”.

Sabattini được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố là bậc đáng kính vào ngày 6 tháng 3 năm 2018, và phép lạ nhận được nhờ sự chuyển cầu của cô đã được xác nhận vào tháng 10 năm 2019, mở đường cho việc phong chân phước cho cô.

Phát biểu với Vatican News trước lễ phong chân phước, anh Rossi nói: “Tôi đã kết hôn và Chúa đã ban cho chúng tôi món quà là hai đứa con kháu khỉnh. Tôi cảm thấy có một tiếng gọi đối với người phụ nữ mà vợ tôi, với lòng rộng lượng lớn, đã yêu thương”.

httpv://www.youtube.com/watch?v=bAnJ9WNRLQs&t=3s

Gương thiếu nữ 22 tuổi vừa được tuyên Chân Phước. 

TÔI PHẢI LÀM GÌ?

TÔI PHẢI LÀM GÌ?

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 Một bạn trẻ đã đến với Chúa Giêsu và đặt câu hỏi: Thưa Thày, tôi phải làm gì?  Bạn trẻ này là đại diện của số đông những người đang đi kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời.  Quả vậy, cuộc sống là một hành trình liên lỉ kiếm tìm hạnh phúc.  Có điều là quan niệm về hạnh phúc nơi mỗi người lại khác nhau.  Chàng thanh niên trong Tin Mừng được kể là một người đạo hạnh.  Từ thuở nhỏ, anh nghiêm túc tuân giữ những gì Chúa dạy trong luật Môisen: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ.  Anh rất tự tin để khẳng định với Chúa Giêsu về những thực hành đạo đức của mình.  Tuy vậy, Chúa muốn cho anh tiến xa hơn trên con đường trọn lành.  Xem ra Chúa chưa hài lòng về những gì anh đã và đang làm.  Người đặt ra một điều kiện: ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mọi sự.  Khi Người yêu cầu người thanh niên bán hết mọi gia sản, tức là Người đòi hỏi anh phải từ bỏ những gì gắn bó, thậm chí từ bỏ chính bản thân để theo Chúa.

Tôi phải làm gì?  Đó cũng là câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra thường xuyên, để lượng giá những việc mình đang làm, và mục đích mình đang hướng tới.  Câu hỏi này cũng giúp chúng ta nhìn lại bản thân, để nhận ra sứ vụ mà Chúa muốn mình phải thực hiện trong cuộc sống.  Sống trên đời, mỗi người có một sứ vụ phải hoàn thành.  Tuy vậy, để nhận ra sứ vụ đích thực của cuộc đời là một vấn đề khó khăn.  Có nhiều người long đong lận đận, ôm nhiều ảo mộng, nên đã ở tuổi xế chiều vẫn chưa xác định được sứ mạng cuộc đời của mình.

 Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?  Thưa cần có ơn khôn ngoan.  Bài đọc I chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết của ơn khôn ngoan.  Tác giả đã nói đến giá trị của sự khôn ngoan như sau: “Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không.  Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.”  Theo giáo huấn của Giáo Hội, ơn khôn ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần.  Ơn này giúp chúng ta nhìn rõ bản chất của sự việc hay của một con người, chứ không quan sát theo cảm tính hay theo vẻ hào nhoáng bên ngoài.  Vì những gì bóng bẩy bên ngoài thì hay đánh lừa giác quan.  Giống như cách tiếp thị của dịch vụ quảng cảo trên các phương tiện truyền thông.  Trong số những quảng cáo này, có nhiều sản phẩm là hàng giả hoặc kém chất lượng, nhiều người đã bị lừa và tiền mất tật mang.

Cũng theo giáo huấn của Giáo Hội, sự khôn ngoan đích thực là Thiên Chúa.  Sự khôn ngoan ấy được ngôi vị hoá nơi Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu Kitô.  Ngưười là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Người là Đấng Cứu độ trần gian.  Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống.”  Qua lời tuyên bố này, Người khẳng định những ai tin vào Người sẽ được Người dẫn tới Chúa Cha, là nguồn mạch của mọi ơn phúc.

Tin vào Đức Giêsu Kitô, đó là bí quyết để đạt được khôn ngoan và cũng đạt được hạnh phúc đời này và đời sau.  Khi nghe Chúa Giêsu so sánh việc vào nước trời khó khăn giống như con lạc đà chui qua lỗ kim, thánh Phêrô đã nói với Chúa: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.”  Lời thánh Phêrô diễn tả mối băn khoăn của ông khi theo Chúa.  Đó cũng là mối băn khoăn của chúng ta: theo Chúa thì được gì?  biết bao nhiêu người không theo Chúa mà cũng hạnh phúc sung sướng.  Chúa hứa với thánh Phêrô và các môn đệ: họ sẽ được gấp trăm những gì họ đã từ bỏ vì Chúa.  Thực tế đã chứng minh: đối với linh mục và tu sĩ, là những người từ bỏ mọi sự trần gian để theo Chúa, Chúa ban cho họ gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần.

Cùng với tác giả Thánh Vịnh 89, chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con.”  Giữa thời buổi bất an và tràn ngập những ưu tư lo lắng, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan và nghị lực để chúng ta can đảm chọn lựa Chúa, với xác tín Chúa sẽ thưởng gấp trăm những gì chúng ta dám hy sinh vì Ngài.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: KittyThiênKim & KimBằng Nguyễn

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Khi nói đến giới răn hay huấn lệnh là nói đến sự bó buộc.  Quả vậy, một huấn lệnh thường mang nội dung yêu cầu phải làm hoặc cấm làm một điều gì đó.  Như thế, phải chăng kính mến Chúa là một điều buộc?  Nếu coi việc kính mến Chúa là một điều buộc, thì chẳng còn phải là một tình yêu tự nguyện, mà khi không xuất phát từ tự nguyện, thì chẳng còn phải là tình yêu, hay có chăng thì đó chỉ là tình yêu gượng ép.

Bài đọc thứ nhất (sách Đệ nhị Luật) và bài Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay nói với chúng ta về các huấn lệnh.  Trong số các huấn lệnh của Thiên Chúa thời Cựu ước, ông Môisen đã nhấn mạnh tới một lệnh truyền căn bản: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái, cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.”  Những lời trên đây thực ra không phải là một điều áp đặt.  Đây là những lời đề nghị hay một lời mời gọi, kèm theo lời hứa cho một tương lai tốt lành.  Người tin Chúa không bị ép buộc, nhưng khôn ngoan suy nghĩ để lựa chọn và quyết định: nếu yêu mến Chúa và tôn kính Ngài, thì họ sẽ được Chúa chúc lành cho trong mọi ngày của đời sống dương thế, được trường thọ và hạnh phúc.  Tác giả Thánh vịnh 17 (Phần Đáp ca) cũng diễn tả lý do yêu mến Chúa, là vì Ngài là sơn động cho ta trú ẩn.  Ngài là đá tảng, là chiến luỹ và là vị cứu tinh đối với những ai cậy trông phó thác nơi Ngài.

Hỡi Israen, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy, anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em đã phán với anh em.”  Qua những lời này, ông Môisen muốn khẳng định với những người Do Thái: những mệnh lệnh Chúa truyền dạy không thể chỉ được lắng nghe, nhưng phải được thực hành. Một số người Do Thái đạo đức quá chú trọng đến tuân giữ Lề luật một cách tỉ mỉ, mà lại lãng quên việc thực thi tinh thần của Lề luật.  Vì vậy, Chúa đã khiển trách họ: “Dân này chỉ tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6).  Thực hành lời Chúa dạy là bảo đảm cho chúng ta được hạnh phúc đời này và đời sau.  Lời hứa miền đất tràn trề sữa và mật, trong truyền thống Do Thái, là niềm hy vọng nuôi dưỡng niềm tin của dân riêng Chúa đã chọn.  Đối với người Kitô hữu, đó chính là hạnh phúc đời đời Thiên Chúa ban cho những ai thực thi lòng mến Chúa yêu người.

Thực ra mến Chúa yêu người không phải là hai giới răn tách biệt, nhưng là một giới răn duy nhất, như hai mặt của một tấm huy chương.  Lòng mến Chúa phải được chứng minh bằng việc yêu người.  Tình mến mọi người phải được dựa trên nền tảng lòng mến Chúa, vì đó là lòng mến vô vị lợi, không dựa trên những tiêu chuẩn trần gian, không phân biệt và không biên giới.  Thánh Gioan đã khẳng định với chúng ta: ai nói mến Chúa mà không thực hành đức thương yêu với tha nhân thì là kẻ nói dối, vì tha nhân là những người nhìn thấy mà họ không thương yêu, thì làm sao họ mến Đấng mà họ không nhìn thấy?  (x. 1 Ga 4,20).

Người tín hữu có một mẫu gương về lòng mến hoàn hảo, đó là Đức Giêsu Kitô.  Người là vị tư tế thánh thiện, vô tội tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời.  Trên cây thập giá Đức Giêsu đã minh chứng tình mến đối với Chúa Cha và tình mến đối với nhân loại.  Tác giả thư gửi tín hữu Hípri đã chứng minh Chúa Giêsu là vị tư tế tối cao.  Ngày hôm nay, vị Tư tế đó vẫn đang chuyển cầu cho chúng ta (Bài đọc II).

 “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất.  Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi.  Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng.”  Đây là lời kinh mà những người Do Thái đạo đức phải tụng mỗi ngày, để rồi lời ấy vang lên trong mọi giây phút của cuộc sống.  Lời ấy cũng là động lực chi phối mọi lời nói, hành vi và ý tưởng của những ai muốn tuân giữ lề luật.  Đây cũng là câu Lời Chúa được chọn để đọc trong giờ Kinh Phụng vụ vào tối thứ Bảy hằng tuần.  Xin cho lời kinh ấy luôn vang vọng trong tâm trí và cuộc đời chúng ta, để khởi đi từ lòng mến Chúa, chúng ta sẽ thực thi đức yêu người.

Hôm nay là ngày vọng lễ Các Thánh.  Các thánh là những người mến Chúa yêu người.  Các ngài đã trải qua nhiều gian nan thử thách, nhưng vẫn một lòng tín trung.  Có nhiều vị thà hy sinh mạng sống còn hơn là bỏ Đạo.  Có nhiều vị chấp nhận một cuộc sống trầm lặng trong suy tư cầu nguyện.  Có nhiều vị thánh đã trải qua một cuộc sống rất đơn sơ bình dị, như một người cha, một người mẹ trong gia đình, một công dân của xã hội, một người phong lưu hoặc một người nghèo khó.  Tất cả các thánh đều có một điểm chung: đó là lòng mến Chúa yêu người.  Thánh Phaolô đã khẳng định: Ai yêu thương, thì đã chu toàn lề luật (Rm 13,8b).  Nên thánh chính là thực thi giới răn mến Chúa yêu người.

Lạy Chúa là nguồn mạch sự thánh thiện, xin che chở nâng đỡ chúng con trong hành trình cuộc đời, cũng là hành trình nên thánh.  Amen.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim