Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15:13)

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới! Ước mong bạn mãi mãi gắn liền với Chúa để được bình an. 

Thứ 4, TT, 16/4/2025

TIN MỪNG: Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. (Mt 26:14-15)

SUY NIỆM: Sống ở đời này cái gì cũng có cái giá của nó. Cái giá của chần chừ chính là mất mát. Cái giá của thành công chính là đã trải qua nhiều lần thất bại. Cái giá của sự giàu có chính là kiệt sức, thiếu thốn về tinh thần. Cái giá của một người tử tế là chính những thử thách họ phải phấn đấu hằng ngày. Vậy còn cái giá của tình yêu là gì, nhất là tình yêu hiến mạng cho người mình yêu? Có phải là đau khổ và cái chết?

Đức Giê-su đã phải trả giá cho Tình Yêu dành cho con người bằng chính mạng sống của mình, dù Ngài biết rằng Tình Yêu ấy đang bị phản bội bởi chính tội lỗi, bởi sự thờ ơ và vô tâm của con người. Hôm nay, bạn được mời gọi biết ăn năn hối lỗi vì đã phản bội Tình Yêu ấy, để nhận ra mình luôn được yêu thương và để biết sống thế nào cho xứng đáng với Tình Yêu ấy.

LẮNG NGHE: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho con để con quyết tâm không phạm tội xúc phạm đến tình yêu lớn lao của Chúa.

THỰC HÀNH: Nghiền ngẫm Kinh Ăn Năn Tội để hối lỗi về những tội lỗi bạn đã xúc phạm đến tình yêu của Chúa dành cho bạn. 

From: Do Dzung

**********************

Còn Tình Yêu Nào Như Tình Chúa Giêsu

Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất. (Is 49:6b) – Cha Vương

Ước mong bạn cảm nhận được nguồn ánh sáng hy vọng từ Thiên Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi bạn. Ngày Thứ 3 Tuần Thánh bình an nhé.

Cha Vương

Thứ 3, TT, 15/4/2025

TIN MỪNG: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất. (Is 49:6b)

SUY NIỆM: Bạn đã bước vào Tuần Thánh và hướng đến 3 ngày trọng thể “Tam Nhật Thánh” (Sacred Triduum), Tin Mừng trích từ Sách Isaia mô tả người Tôi Trung. Chính Người sẽ là ánh sáng cho muôn dân; lòng tín trung của Người sẽ chiếu tỏa vinh quang và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi dân tộc. Chúa Giêsu là Người Tôi Trung và qua Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Người sẽ mang ánh sáng của ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Trước những bất ổn của thế giới, những khoảnh khắc đen tối và đau khổ nhất của cuộc đời, những phản bội nhẫn tâm trong các mối quan hệ… là người Ki-tô hữu, bạn hãy nhớ rằng những đen tối của cuộc đời này rồi cuối cùng sẽ kết thúc trong vinh quang và cuộc sống mới trong Chúa Ki-tô!

LẮNG NGHE: Vì lạy CHÚA, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy THIÊN CHÚA, chính Ngài là Đấng con tin tưởng  ngay từ độ thanh xuân. Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi.  (Tv 71:6-7)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, là Đấng đầy lòng thương xót qua Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh xin giúp con biết quay về bên Chúa để được thông phần vào nguồn ánh sáng và sự sống lại của Người.

THỰC HÀNH: Mỗi ngày trong Tuần Thánh này, bạn dành thời gian tạo bầu khí lắng đọng, bình tâm để lắng nghe tiếng Chúa vang vọng từ đáy lòng.

From: Do Dzung

***************************

Chúa Chăn Nuôi Tôi – Lm Duy Thiên 

ĐỈNH CAO CỦA MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ LÀ TÌNH YÊU – Jos. Vinc. Ngọc Biển 

 Jos. Vinc. Ngọc Biển 

Trong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là văn phong của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn.  Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được giải quyết.  Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường.  Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở!

Hôm nay, Đức Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng.  Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài.  Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài.  Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và  trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: “Luật yêu thương.” 

  1. Một tặng phẩm cao quý được trao tặng 

Nếu trong cuộc sống, hai người yêu nhau, họ thường có những lời lẽ chân tình, ấm áp để thể hiện tình yêu của mình cho người mình yêu.  Khi đi xa, người ta hay trao tặng cho nhau những kỷ vật trân quý, để dù xa mặt chứ lòng thì không.  Qua món quà đó, với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà. 

Cũng vậy, khi Đức Giêsu biết “giờ” của mình sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên Ngài đã yêu thương họ đến cùng khi trao ban chính thân mình làm của nuôi sống môn sinh. 

Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.  Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích.  Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của  ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.  Ngài yêu thương và yêu hết mình.  Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc. 

Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành.  Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta.  Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta! 

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha làm toát lên đặc tính kỳ diệu này:“ … như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.  Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).  Giáo Hội tiếp diễn ý nghĩa hiệp thông với mọi thành phần khi đã liên kết với Đức Giêsu, qua Kinh Tiền Tụng Thánh Thể: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.” 

Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể. 

2. Một dấu tích sống động được tiếp diễn 

Sau khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức liền sau đó như một sự liên hệ, liền mạch và mật thiết với nhau.  Đúng thế, không thể có Thánh Thể nếu không có người cử hành Thánh Thể.  Vì thế, Đức Giêsu đã trao ban thừa tác vụ đặc biệt cho các Tông đồ, để sau này, các ông sẽ đảm trách những việc làm như Đức Giêsu vừa làm cho đến ngày tận thế. 

Thoạt mới nghe, chúng ta dễ tưởng lầm là Bí tích này chỉ có liên hệ hay dành riêng cho các linh mục?  Nhưng không!  Bí tích này liên hệ chặt chẽ với cộng đoàn, bởi vì Bí tích này thuộc về nhóm Bí tích xây dựng cộng đoàn. 

Thật thế, chức vụ linh mục không phải cho bản thân mình, vì các ngài không thể tha tội cho mình, các ngài cũng không thể ban phát các Bí tích cho mình.  Vì thế, linh mục là của mọi người, cho mọi người và vì mọi người. 

Nếu Đức Giêsu trước kia đã đến để cho con chiên được sống dồi dào, thì ngày nay các linh mục cũng được trao ban trách vụ như thế.  Ôi huyền nhiệm và cao quý vô lường!  Qua Bí tích Truyền Chức, Đức Giêsu hiện diện cách trực tiếp khi các linh mục cử hành phụng vụ trong vai trò đại diện cho Đức Giêsu là Đầu của thân thể.  Và, như thế, mỗi người chúng ta luôn được các ngài chăm sóc, nên không bị rơi vào tình cảnh bơ vơ, mồ côi vì không người chăn dắt.  Các ngài sẽ thay mặt Chúa, thi hành việc của Chúa trong vai trò lãnh đạo, phục vụ và thánh hóa vì tình yêu. 

3. Một lời trăng trối tâm huyết muôn đời nhớ mãi 

Cũng chiều hôm nay, mỗi chúng ta quây quần nơi đây, để nghe đọc lại di ngôn và lệnh truyền của Đức Giêsu về tình yêu.  Lệnh truyền này mang tính khẩn trọng, người môn đệ phải có thái độ mau mắn thi hành.  Vì thế, đòi hỏi một sự bất khả từ, bởi lẽ đây là điểm sáng, là cốt lõi, là bản chất thiết yếu của người mang danh Đức Kitô trong mình. 

Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ trao ban chính Thân Mình để nuôi sống nhân loại, mà Ngài còn dạy cho các Tông đồ bài học về tình yêu, để đưa các ông vào qũy đạo của chính Ngài là “yêu và yêu đến cùng.” 

Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).  Yêu như Thầy là yêu như thế nào?  Thưa yêu như Thầy chính là trở thành người tôi tớ phục vụ, là chấp nhận chết cho người khác được sống.  Không những dạy các ông bằng lời, mà Ngài còn làm gương cho các ông noi theo.  Vì thế, ngay lập tức, Ngài đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng Tông đồ trước sự ngỡ ngàng của các ông.  Ngỡ ngàng là phải, vì hành vi rửa chân là việc làm của người nô lệ dành cho ông chủ.  Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã làm đảo lộn vai trò và vị trí khi tự làm những việc dành cho người hầu hạ, và các Tông đồ trở nên những ông chủ. 

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Đức Giêsu nói tiếp: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15).  Qua hành động rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giêsu để lại cho các ông bài học về đức khiêm nhường và phục vụ.  Tuy nhiên, để thực hiện được hai nhân đức này thì cần phải có tình yêu làm động lực. 

Tình yêu thương được hiện lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, giúp cho mọi người nhận ra đường để đi và đi đến nơi an toàn.  Vì thế Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết trước viễn cảnh trong tương lai khi nói: “… mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). 

4. Sống linh đạo Thánh Thể và thực hiện lời trăng trối của Đức Giêsu 

Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”  (1 Cr 11, 26). 

Là người kitô hữu, chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và đều mong muốn được ơn cứu độ, thì không có lẽ gì chúng ta không sống linh đạo Bí tích này. 

Nếu muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau như vậy. 

Muốn được như thế, tinh thần sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa, trái nho luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta thi hành. 

Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con.  Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng và con tử tế.  Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ…  Làm được như thế, ấy là chúng ta đang thực hiện di ngôn của Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ. 

Nếu không yêu thương nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái.  Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu.  Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình; không lên án và trách móc những người hại mình, mà: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34) 

Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn ở bên tai, qua hành động và trong trái tim của chúng ta, để chúng ta yêu và yêu không giới hạn như Đức Giêsu.  

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích kỳ diệu là chính Thánh Thể Chúa làm của ăn của uống cho mỗi chúng con.  Xin cho chúng con biết yêu mến, tin tưởng và mau mắn loan truyền cho tới khi Chúa đến trong vinh quang.  Xin cũng cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được tình yêu làm căn cốt và thúc đẩy, để như Chúa, chúng con yêu rồi mới làm.  Amen! 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

From: Langthangchieutim


 

PHẢN BỘI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối!”.

Luôn luôn là đêm khi chúng ta rời xa Đấng là “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật!” – Kinh Tin Kính.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh hồi kết đầy cảm xúc – cả yêu thương lẫn ‘phản bội’ – ngay tại phòng Tiệc Ly và sẽ kết thúc bằng cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thứ Sáu Tuần Thánh; “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối!”.

Chính trong cuộc khổ nạn, khi lòng thương xót của Chúa Kitô sắp chế ngự nó, thì tội lỗi biểu lộ rõ ràng nhất ‘sự dữ dội’ và nhiều hình thức của nó: vô tín, xa lánh và chế giễu. Tuy nhiên, vào đúng giờ đen tối, giờ của hoàng tử thế gian này, sự hy sinh âm thầm của Chúa Kitô trở nên nguồn mạch mà ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta sẽ tuôn đổ vô tận. Kẻ tội lỗi – ‘phản bội’ – là kẻ quay lưng lại với Chúa để xoay quanh những tạo vật mà lẽ ra chúng phải được quy chiếu về Ngài; “Tội lỗi là lòng yêu bản thân đến mức khinh miệt Thiên Chúa!” – Augustinô.

‘Phản bội!’ – một sự quanh co – kết quả của “sự kiêu ngạo khiến chúng ta muốn được giải thoát khỏi Thiên Chúa và bị bỏ lại một mình; nó khiến chúng ta nghĩ rằng, tôi không cần tình yêu vĩnh cửu của Ngài nhưng có thể làm chủ cuộc sống của chính mình!” – Bênêđictô XVI. Chúng ta có thể hiểu tại sao Chúa Giêsu cảm thấy rất “xao xuyến” tối hôm đó. Ngài xao xuyến vì Ngài bất lực! Dẫu đã thành công với con chiên lạc Giakêu, Matthêu, Mađalêna… nhưng Ngài lại thất bại với người môn đệ cận thân – Giuđa!

“Con chiên lạc hoàn hảo nhất trong Phúc Âm là Giuđa. Thật vậy, ông luôn có một chút cay đắng trong lòng, một chút chỉ trích người khác; ông luôn ở xa: một người không biết đến sự ngọt ngào của ân sủng khi sống với người khác. Vì không “thỏa mãn”, con chiên này đã “trốn thoát”. Giuđa “trốn thoát” vì ông là một tên trộm; những người khác “trốn thoát” vì bóng tối trong lòng họ khiến họ xa rời đàn chiên. Chúng ta – với nỗi đau – phải đối mặt với cuộc sống hai mặt tồn tại trong nhiều Kitô hữu – thậm chí – trong các Linh mục, Giám mục. Giuđa là một trong các Giám mục đầu tiên, một “chiên lạc” hoàn hảo. Tội nghiệp thay! Cả chúng ta, cũng có thể hiểu được con chiên lạc. Thật vậy, mỗi chúng ta luôn có một chút gì đó – dù ít hay không quá ít – của con chiên lạc!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối!”. May mắn thay, bóng tối, tội lỗi – ‘phản bội’ – không phải là tiếng nói cuối cùng; lời cuối cùng là lòng thương xót của Thiên Chúa! Tuy nhiên, điều này có nghĩa là một “sự thay đổi” về phía chúng ta; một sự đảo ngược tình huống bao gồm việc tách khỏi các thụ tạo để gắn bó với Thiên Chúa và tìm lại tự do đích thực. Và để thay đổi, chúng ta không nên đợi đến khi phát ốm vì sự tự do giả tạo mà chúng ta đã sử dụng. “Chúng ta muốn quay về khi chúng ta chán ngán thế giới hoặc đúng hơn, khi thế giới chán ngán chúng ta!” – Louis Bourdaloue. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rõ hơn thế. Hãy quyết định ngay bây giờ. Tuần Thánh là thời gian thích hợp nhất.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mọi tên trộm ăn năn đều có chỗ của mình trên thiên đàng. Giúp con thôi bước đi trong bóng tối nhưng trổi dậy, bước ra trong ánh sáng Giêsu!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*********************************************************

Thứ Ba Tuần Thánh

Một người trong anh em sẽ nộp Thầy … Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.       Ga 13,21-33.36-38

21 Khi ấy, đang dùng bữa với các môn đệ, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố : “Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. 24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo : “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?” 25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi : “Thưa Thầy, ai vậy ?” 26 Đức Giê-su trả lời : “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y : “Anh làm gì thì làm mau đi !” 28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y : “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33 “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.”

36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Đức Giê-su trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” 37 Ông Phê-rô thưa : “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” 38 Đức Giê-su đáp : “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”


 

 Si-môn Phê-rô nói: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” – Cha Vương

Chúc bạn Tuần Thánh tràn đầy tình yêu và sức mạnh của Chúa. Cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 2, TT: 14/4/2025

TIN MỪNG: Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. (Ga 12:7)

SUY NIỆM: Trong Kinh Thánh có những việc làm thật là khó hiểu theo con mắt người đời, điển hình như hành động rửa chân của Chúa Giê-su trong Phúc Âm Thánh Gioan. Khi ông Si-môn Phê-rô nói: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” 

Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” (Ga 13:6-7) 

Rồi hôm nay bạn thấy hành động thân tình của  Ma-ri-a lấy dầu thơm xức chân Chúa Giê-su, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy.”

Dù trước mặt mọi người, hành động của Ma-ri-a có vẻ khó hiểu, nhưng đối với Ma-ria điều đó không quan trọng, bởi vì bà đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Chúa. Chính tình yêu giúp Ma-ria đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ lúc này, bà đã cùng Đức Ki-tô đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.

LẮNG NGHE: Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. / Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào CHÚA. (Tv 27:13,14)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho mọi việc làm của con trong ngày hôm nay bắt đầu bằng sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Chúa và kết thúc trong tình yêu mến Chúa và anh em.

THỰC HÀNH: Xin ơn được đồng cảm với Chúa để biết hành động sao cho đẹp lòng Chúa.

From: Do Dzung

************************

Sống một đời cho Chúa – Lm. Văn Chi

CHO PHÉP LINH HỒN QUỲ GỐI -Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy để cô ấy yên!”.

“Bất kể trạng thái tâm thần bạn làm sao, hãy luôn cho phép linh hồn quỳ gối! Bởi lẽ, thờ phượng và yêu mến luôn cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc của bạn!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Maria trong Tin Mừng hôm nay là kiểu mẫu của một người luôn ‘cho phép linh hồn quỳ gối!’. Cô cho thấy Chúa Giêsu đáng giá hơn bình dầu trị giá 300 ngày công. Và còn hơn thế! Ngài đáng để mỗi người đánh đổi mọi sự, ngay cả phẩm giá. Bởi lẽ, Ngài là nguồn thánh đức, sự sống và niềm vui; Đấng cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc của bạn!

Vậy mà Giêsu đó đã để Maria, một phụ nữ, quỳ gối ‘tỏ tình’ giữa phòng tiệc – thậm chí – để cô ấy lấy một cân dầu thơm hảo hạng đổ lên chân mình và lau nó bằng tóc. Với những gì kín đáo và quý báu nhất của một phụ nữ, cô ‘tỏ tình’ với người cô yêu. Điều lý thú là, Giuđa bất bình; nhưng lý thú hơn, Chúa Giêsu trách Giuđa và nói, “Hãy để cô ấy yên!”.

Với Chúa Giêsu, đây là một hành động yêu thương, cao quý và khiêm nhường! Dầu này rất đắt. Đúng! Nhưng nếu ai khác nói điều này, người ấy có vẻ tự tôn; đàng này, chính Chúa Giêsu; với Ngài, hoàn toàn vô vị lợi! Vậy, hành vi này nói lên điều gì? Nó nói lên cái nhu cầu thiết thực nhất mà Maria cần, cũng là điều bạn và tôi đang rất cần! Như Maria, chúng ta cần tôn thờ Ngài, tôn vinh Ngài, để Ngài trở nên trung tâm đời mình. Không phải vì Ngài cần điều đó, nhưng bởi ‘chính chúng ta’ cần tôn kính Ngài ‘theo cách đó!’. Tôn kính, yêu mến Chúa Giêsu là điều bạn và tôi cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc! Ngài biết điều này; vì vậy, Ngài thầm khen, tán thành, nếu không nói là ‘tôn vinh’ Maria. Và tất nhiên, Ngài không ngần ngại bênh vực, “Hãy để cô ấy yên!”.

Kể lại câu chuyện này, Gioan mời chúng ta làm như Maria, sẵn sàng “đổ” hết cho Chúa Giêsu! Không gì là quá đắt đối với Ngài. Không gì đáng giá hơn việc thờ phượng! Thờ phượng và yêu mến sẽ biến bạn thành con người mà bạn phải trở thành, để tôn vinh Thiên Chúa và yêu mến Ngài “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Thật ý nghĩa với xác tín của Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”. Ngài là Ánh Sáng ban ánh sáng; Sự Sống ban nguồn sống, cũng là “Đấng sáng tạo và căng vòm trời; Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Hãy để cô ấy yên!”. Chúa Giêsu chấp nhận sự “quỳ gối” bên ngoài lẫn bên trong trái tim của Maria; vì lẽ, đang khi các môn đệ dường như không mảy may thấu cảm, không một lời ủi an, không một chút băn khoăn trong những ngày cuối đời của Thầy, thì Maria lại thực hiện một hành vi yêu thương sâu sắc nhất. Bằng chứng là Ngài đã đi xa hơn và bóc trần sự thật về mình, “Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy!”. Trong những ngày hôm nay, Giáo Hội mời chúng ta học nơi Maria, luôn ‘cho phép linh hồn quỳ gối’, yêu mến Đấng Cứu Độ. Ngài đáng cho chúng ta “đập vỡ” không chỉ bình dầu, hy sinh mái tóc nhưng cả con người hồn xác trí tri, “đập vỡ” ý định tăm tối, vạy vò, tội lỗi… để chỉ yêu mến và phụng thờ duy một mình Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những ngày Tuần Thánh còn lại, dạy con biết quỳ gối nhiều hơn. Cho con hiểu được ‘con đầy tội, Chúa đầy tình!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

************************************************************

Thứ Hai Tuần Thánh

Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.       Ga 12,1-11

1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su ; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói : 5 “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ?” 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói : “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” 9 Một đám đông người

Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 10 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11 vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! (Lc 19:36-38) – Cha Vương

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá thật vui, nhưng lại đượm buồn về cuộc khổ nạn của Chúa. Một Tuần Thánh tràn đầy ơn Chúa nhé.

Cha Vương

CN Lễ Lá: 13/4/2025

TIN MỪNG: Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời! (Lc 19:36-38)

SUY NIỆM: Hôm nay là ngày Lễ Lá. Nghi thức kiệu lá và bài Thương Khó trong phụng vụ thánh lễ nêu bật tính cách mâu thuẫn của lòng người.  Dân chúng Giê-ru-sa-lem vừa reo hò tung hô Đức Giê-su: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” trong ngày Ngài vào thành thánh cách trọng thể, thì ít ngày sau, cũng chính họ lại nhao nhao tố cáo và đòi lên án tử cho Ngài.

 Lòng người là thế đấy! Thay đổi thật nhanh nhưng đồng thời cũng thật dễ bị giật dây, bị tác động; dễ dàng hoà mình vào cái hào khí của đám đông để hoan hô, chúc tụng Đức Giê-su như Đấng Mê-si-a mà họ đang đợi trông.

 Trái lại họ cũng thật vô ý thức và hèn nhát hùa theo đám đông để đả đảo, đòi lên án tử hình cho người vô tội. Thảm nào có câu: “Khẩu phật tâm xà.” Có bao giờ bạn bị rơi vào tình trạng mâu thuẫn này chưa? Mâu thuẫn trong tư tưởng, mâu thuẫn trong lời nói và việc làm?

LẮNG NGHE: Hỡi các con, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và trong sự thật. (1 Ga 3:18). 

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, bản tính con người yếu đuối của con hay xúi giục con làm những điều trái ngược với tiếng nói của lương tâm. Xin giúp con luôn biết thành thật trong tư tưởng, lời nói và việc làm để ngay bây giờ con đáng được Chúa yêu và tha thứ.

THỰC HÀNH: Tập xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ và tự đề ra một lối sống tốt hơn mỗi buổi sáng. 

From: Do Dzung

********************

Hosanna Hosanna | Joseph M.Martin 

Giáo Hội mừng Lễ Lá và bắt đầu bước vào Tuần Thánh – Cha Vương

Cuối tuần an lành và tràn đầy hồng ân của Chúa và Mẹ Maria nhé.

Cha Vương

 Thứ 7, 5 MC: 12/4/2025

TIN MỪNG: Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “…Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân. (Ga 11:50-51)

SUY NIỆM: Cuối tuần này Giáo Hội mừng Lễ Lá và bắt đầu bước vào Tuần Thánh. Nếu bạn chú ý lắng những bài đọc trong các nghi thức, bạn sẽ hiểu về việc Chúa Giêsu đã tự nguyện hy sinh bản thân mình để cứu chuộc con người.

 Không chỉ người Do Thái và tương lai chính trị của họ đang bị đe dọa, mà còn là sự cứu rỗi của toàn thể nhân loại. Nhìn vào lịch sử nhân loại bạn thấy Thiên Chúa luôn can thiệp để những hành động độc dữ từ con người trở nên khí cụ cho chương trình của Ngài. Chẳng hạn, thay vì nói những lời nguyền rủa dân Chúa, thầy phù thủy Ba-la-am lại được Thiên Chúa uốn nắn nói những lời chúc lành. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, quyết định của Cai-pha giết Chúa để toàn dân được sống trở nên lời tiên báo cho cái chết của Chúa thay cho toàn dân. Từ đó, chúng ta tin rằng, từ những điều xấu do con người gây nên, Chúa có đủ quyền năng hoá giải chúng trở nên điều lợi ích cho chúng ta.

LẮNG NGHE: Này con được THIÊN CHÚA phù trì, /  thân con đây, CHÚA hằng nâng đỡ.  / Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, / lạy CHÚA, con xưng tụng danh Ngài, / vì danh Ngài thiện hảo. (Tv 53:6,8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con rút tỉa được những điều lợi ích từ thánh giá Chúa và thập giá cuộc đời con. Xin cho con ngày càng yêu mến thánh giá.

THỰC HÀNH: Dâng những nhọc nhằn và thử thách hôm nay cho Chúa. 

From: Do Dzung

***********************

Thánh Giá Nguồn Cứu Độ – Kim Ân

CHÚT TÂM SỰ CÙNG GIUĐA -Lm. Hạ Trân

Lm. Hạ Trân

 P/s: Gợi lại chút suy tư nhân đọc đề thi Văn – Kỳ thi Tuyển sinh Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê khóa XIX: “Hãy viết về ông Giuđa Iscariot trong Tân Ước?” Ai trong chúng ta cảm nghiệm được rằng: mình đã từng có những khoảnh khắc giống Giuđa?

 ——————————-

Giuđa, anh thân mến!

 Dịp Tuần Thánh vừa qua, đang khi chìm vào suy tư, tôi bồi hồi chợt nhớ về đêm tối xa xăm.  Sương mù phủ kín suối Kit rôn uốn khúc lượn lờ.  Vườn cây dầu đột nhiên ồn ào bởi tiếng lao xao.  Một cuộc bố ráp qui mô.  Kỳ cục thay, tôi thấy anh lạnh lùng, hăm hở dẫn đầu ba quân vây bắt thầy mình…

 Thế rồi, màn đêm âm u đã đẩy cao tấn bi kịch.

 Mỉa mai thay, sự phản trắc che đậy bởi nụ hôn nồng nàn của tình thầy trò vào sinh ra tử: “Tôi hôn ai thì đó chính là Người, các anh bắt lấy” (Mt 26, 48).  Cái bi đát là tình nghĩa hoen ố bởi cử chỉ âu yếm, thân mật nhất.  Một nụ hôn đau hơn ngàn cái tát, nhục nhằn hơn dòng nước mắt, quặn thắt hơn vết thương sâu.

 Và thước phim cứu độ tiếp tục được quay với những hình ảnh chóng vánh: Thầy Giêsu bị điệu ra trước tòa Công nghị, bị các thượng tế và hội đồng kết án.  Tổng trấn Philatô của Rôma chuẩn y án tử hình thập ác.  Thầy Giêsu đã nắm chắc cái chết.  Đằng sau bản án oan khiên ấy có lỗi lầm không nhỏ của anh.

 Giuđa ơi!

 Anh đã lựa chọn lối đi dẫn về ngục tù hun hút.  Anh đã đến ở lưng chừng và rồi cũng ra đi lưng chừng: Lưng chừng giữa niềm tin và thất vọng, giữa niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau thương…

 Ai đó bảo rằng số phận anh đã được tiền định để đi đến chỗ tiêu vong.  Điều này là một nan đề khó phân biệt đúng sai nên tôi không dám luận bàn.

 Tuy nhiên, tôi cảm nhận mọi thứ với anh đã từng rất đẹp bên Thầy Giêsu, đúng không nhỉ?  Anh đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ buồn vui, đói no, thành công hay thất bại.  Không yêu sao có thể đi theo lâu đến vậy?  Không mến sao có thể hy sinh như thế? 

Nhưng điều gì đã diễn ra nơi trái tim khiến anh thay đổi khủng khiếp đến vậy?  Tôi nghĩ rằng, việc ôn lại một vài biến cố quan trọng trong cuộc đời anh nhắc nhở tôi những bài học ý nghĩa về cuộc sống và tình yêu đời dâng hiến.

 Thứ nhất, phải chăng anh là nạn nhân của nỗi cô độc ngay trong chính hành trình theo Chúa?  Anh và Thầy Giêsu cùng các anh em đồng hữu có duyên gặp gỡ nhưng chẳng đủ nợ để chung đường.

 Phải chăng con người anh đã nhiều lúc phải đối diện với những khoảng trống vô hồn và những bất an vô định, những tháng ngày mải miết đi trong khu vườn miên viễn rồi chết nghẹt vì mãi không tìm thấy lối ra?  Trong thế giới nhỏ bé của anh bộn bề suy nghĩ khác với mọi người.  Anh chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn, quá nhiều lựa chọn khiến anh mắc kẹt giữa tuổi thanh xuân của chính mình.

 Anh cảm thấy cô độc giữa đám đông huynh đệ chi binh.  Dù quây quần bên Thầy, bên anh em mà anh vẫn thấy riêng mình “một trời tâm sự.”  Đang cùng bạn bè vui đùa sau một ngày dài di chuyển mệt nhọc mà anh vẫn nhủ thầm rằng chẳng ai hiểu lòng ta đang canh cánh một nỗi lòng phục hưng xứ sở, đánh đuổi ngoại bang.  Cô độc vì anh tự nhận mình là người Giuđêa duy nhất lọt thỏm giữa đám người Galilê xa lạ…

 Thật tai hại, anh đã “lấp đầy” cô đơn bằng sự hiện diện của thế lực đen tối.  Nói đúng hơn, Satan đã nhập vào anh (Ga 13, 27).  Anh đã không thể đối phó với ông bạn kinh khủng ấy, không kịp chê chán gã ác thần như đã quay lưng với Thầy Giêsu và các bạn hữu. 

Sự dữ nhanh chân chiếm giữ tâm hồn và làm anh khốn khổ.  Sự việc này nói lên một điều rằng anh đã đánh mất bài học cảnh giác, để cho kẻ thù từng bước len lỏi vào hồn mình. 

Kể từ đây, con người anh thêm hoang hoải, chẳng còn gì khác ngoài đôi chân mệt mỏi, đầu óc đầy dẫy toan tính và trái tim thiếu hẳn tình thương. 

Thứ hai, tôi không biết anh “trở cờ” với Thầy lúc nào nhưng tôi thấy tâm hồn anh từ lâu đã bị hoen mờ bởi đồng tiền và cả sự tham lam, ích kỷ, biển lận tầm thường, buông chiều theo sự tự do.

 Thần tài là một thứ ngẫu tượng hết sức quyến rũ.  Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một tinh thần khác, nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần.  Kinh Thánh đã từng nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1Tm 6, 10).

 Anh cũng vậy, anh đã để đồng tiền khuynh loát bản thân.  Tính gian tham biểu lộ đặc biệt ở nhà ông Simon, khi người phụ nữ tội lỗi không được mời nhưng lại xông vào nhà rồi đổ dầu thơm trên chân Thầy Giêsu, lấy tóc mà lau, làm cho cả nhà sực nức hương thơm.  Trong cái vỏ bọc và bức bình phong hoàn hảo, anh mặc sức tô vẽ mọi thứ theo ý riêng của mình: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo” (Ga 12, 5).

 Tin Mừng còn một lần nữa khắc họa sự dính bén vật chất của anh.  Anh phải kiếm chác được một cái gì đó cho thỏa tính tham của mình: “Bây giờ, một trong nhóm Mười Hai, gọi là Giuđa Iscariôt, đến gặp các thủ lãnh, tư tế và mà nói: Tôi nộp ông ấy cho quý vị, quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?  Họ cho Giuđa ba chục đồng bạc” (Mt 26, 14-15).

 Giá phản bội Chúa chẳng cân xứng với giá trị thật chút nào.  Anh đâu cần phải bán Chúa mới có được nhúm tiền mà anh có quyền tiêu pha bất cứ lúc nào trong quỹ chung?

 Giá như anh đừng quá chăm chút cho riêng mình.  Giá như anh cũng hào phóng như người phụ nữ tội lỗi đã làm với Thầy Giêsu.  Giá như anh đừng để mình rơi vào khoảng tối điêu linh, huyễn hoặc của lòng đam mê tiền của.  Thật buồn là sau tất cả vẫn phải nói: “Giá như…”

 Thứ ba, Tin Mừng mô tả anh đã đánh mất niềm hy vọng vào tình thương xót hải hà của Thiên Chúa. Tội ác vừa phạm xong, anh đã cảm thấy chán chường.  Tôi đã mừng hụt khi đọc đến đoạn mô tả anh hối hận.

 Thế nhưng, chán chường tội lỗi không đủ, đó là bước tiến trên đường đạo đức nhưng chưa hẳn là đạo đức, phải ăn năn thống hối nữa.  Có thể anh không hối hận vì Chúa mà là vì mình.  Như vậy là giận ghét mình, mà sự giận ghét mình dẫn đến tự vẫn, vì ghét mình tức là giết mình; chỉ khi sự ghét mình kết hợp với lòng mến Chúa mới đáng được cứu rỗi.

 Các bản văn Tin Mừng đề cập việc anh thức tỉnh.  Thay vì xử sự như Phêrô, cách làm của anh thật tệ hại: Anh đã chọn cho mình sợi dây thừng và tự xử.  Tôi không dám mường tượng hình ảnh hãi hùng lúc đó.  Chỉ biết là anh đã để lỡ cơ hội.

 Anh nên hiểu rằng: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù chậm chạp hay té ngã nhiều đến đâu nữa nhưng nếu biết chỗi dậy thì Người vẫn luôn rộng lòng thứ tha.

 Hỡi Giuđa, chàng trai trẻ xứ sở phương Nam!

 Đêm nay, tôi viết thư cho anh.  Một đêm mưa nhiều nên lối vắng âm u, mây giăng kín trên vòm trời. Không biết giữa khoảng trời này, đêm có còn nhớ đến kẻ tội đồ năm xưa?

 Riêng tôi, nhớ về anh, lòng lại thêm phiền não, ủ dột, âu sầu.  Những biến cố của cuộc đời không lường kịp, mà phận người thì quá đỗi mỏng manh đã cuốn anh vào thiên thu.

 Như sợi chỉ thanh mảnh cố níu kéo những ký ức đang chìm sâu vào nấm mồ tuổi trẻ, thư tôi viết cho anh không mong chờ dòng hồi âm ngắn ngủi.

 Dẫu sao, tôi – một đồng hữu đang bước theo Thầy Giêsu – luôn cầu mong số phận sẽ đổi khác với anh, chí ít là trong tích tắc cực ngắn nào đó trên cành cây lơ lửng, Thiên Chúa dủ tình với anh như đã dủ tình với người trộm lành năm xưa.  Lúc ấy, tôi có thể nhìn thấy anh rạng rỡ hơn, đúng không?

 Mến chào anh trong Thầy Giêsu!

 Lm. Hạ Trân

(Bài viết trích trong sách “Lời hứa ghép tim” – NXB. Tôn Giáo, 2021)

CON TIM TINH KHIẾT – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế


CON TIM TINH KHIẾT

Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay

Để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.       Ga 11,45-57

45 Khi ấy, sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói : “Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” 49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng : “Các ông không hiểu gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 

53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa ; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ. 

 

55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau : “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không ?” 57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh : ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt. *JERUSALEM~JOSEPH CAIAPHAS, HIGH PRIEST:known simply as Caiaphas;in the ...

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Có nhiều kẻ đã tin vào Người”

Ngày kia, ‘Nữ Thần Tự Do’ xuất hiện trên bìa một tạp chí, một ký giả nhận xét, “Thấy đỉnh đầu của khối tượng, tôi ngạc nhiên với mái tóc! Nhà điêu khắc phải chắc chắn rằng, đôi mắt duy nhất có thể thấy những chi tiết này sẽ là đôi mắt của loài mòng biển. Anh không mơ một ngày nào đó có ai sẽ bay qua đầu cô ấy; tuy nhiên, với một con tim tinh khiết đối với nghệ thuật và một lương tâm trong sáng của người nghệ sĩ, anh đã dành cho mái tóc cô ấy những gì đã dành cho khuôn mặt, vóc dáng và cả ngọn đuốc trên tay Nữ Thần!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Con tim tinh khiết’, một hình ảnh được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Đối diện với Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài, con người phải chọn lựa, vì ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu!’. Họ chọn tin Ngài, hoặc từ chối Ngài; tự do đi về phía sự thật, hoặc giết chết sự thật, chính Ngài!

Estudando sobre a ressurreição de Lázaro e entendendo a vontade de Deus ...

Bối cảnh Tin Mừng là phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarô – chết bốn ngày – sống lại. Gioan ghi nhận, “Có nhiều kẻ đã tin vào Người”; số khác thì không! Trong thực tế, những người này đã tìm gặp nhóm Pharisêu để ‘đổ dầu vào lửa’ hầu lên án tử Ngài. Hậu kết của những toa rập này là cái chết thảm khốc của Con Thiên Chúa mà Giáo Hội sắp tưởng niệm khi Tuần Thánh đã đến ngoài ngõ.

May include: A white cloth draped over a wooden cross with a golden light shining down on it. The cross is set against a purple background.

Với Chúa Giêsu, động lực trong ‘con tim tinh khiết’ của Ngài là tình yêu và chỉ tình yêu; với các nhà lãnh đạo, tất cả trong đó chỉ là quyền lợi! Chúa Giêsu đang nổi tiếng và điều này khuấy động mọi thứ; họ ghen tị vì Ngài quá thu hút. Trước tình thế đó, lập luận của Caipha là một diệu kế, “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Nghĩa là, tốt hơn, nên “loại vấn đề” để mọi việc trở lại theo cách của nó! Họ quan tâm bản thân, địa vị hơn lẽ thật. Họ gán cho Chúa Giêsu làm nhiều dấu lạ – lẽ ra – họ phải tin; đàng này, vì không nuốt trôi niềm kiêu hãnh, không thể buông bỏ quyền lực, họ tìm giết Ngài!

Vậy mà, ý đồ đen tối của lòng người vẫn được Thiên Chúa tận dụng! Vì thế, việc Chúa Giêsu “chết thay cho dân” là logic dẫn đến ơn cứu độ cho toàn nhân loại! Và logic ‘đầy tính tiên tri’ này có thời hiệu vĩnh viễn; Gioan thật sâu sắc, “Không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Chúa tản mác khắp nơi về một mối”. Đây là điều Thiên Chúa đã hứa hằng trăm năm trước, “Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương!” – bài đọc một; và “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Có nhiều kẻ đã tin vào Người”. Với phép lạ Lazarô, nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng cũng có lắm kẻ tìm giết Ngài. Trong những ngày này, Giáo Hội mời chúng ta chiêm ngắm ‘con tim tinh khiết’ của Con Thiên Chúa, cùng Ngài bước vào cuộc thương khó, để yêu mến Ngài hơn và nhất là để hiểu được sự tự do của Ngài – tự do yêu thương, tự do cứu chuộc. Mong sao bạn và tôi có được một con tim yêu mến như con tim Ngài, chọn đi theo Ngài và nhất là tháp nhập thánh giá đời mình vào thánh giá đời Ngài; kiên định thay vì ta thán, yêu mến thay vì lầu nhầu và ghì chặt thay vì trốn chạy!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con làm tất cả mọi việc lớn nhỏ với một con tim yêu mến không vạy vò, và một lương tâm không méo mó!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**************************************************************************************************

 


KIỆT TÁC -Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”.

Trong Xuất Hành, từ chương 25-30, Chúa chỉ thị cho Môsê cách thức thiết kế Nhà Tạm, Hòm Bia, bàn thờ và phẩm phục. Môsê phải tìm các nghệ nhân. Họ lấy vàng bạc, vải vóc và đá quý để thiết kế chúng lộng lẫy nhất có thể. Mục đích của Chúa gợi lên mục đích chung cho mọi công trình lớn nhỏ của Ngài: “Tôn vinh vẻ huy hoàng và biểu lộ vinh quang Thiên Chúa”. Chúng phải là những kiệt tác phô diễn sự thánh thiện của Ngài!.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘kiệt tác’ phô diễn sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng không chỉ là những gì được đem vào đền thờ, nhưng còn là những con người và những chứng từ không lời của họ.

Chúa Giêsu tiết lộ một điều hết sức quan yếu: đức tin không chỉ đặt nền tảng trên những gì Chúa hứa, nhưng còn trên những việc Ngài làm! Việc vĩ đại nhất Chúa Cha đã làm là phục sinh Chúa Con mà Giáo Hội đang hướng về; và Chúa Con vẫn tiếp tục thực hiện các công trình của Cha qua các chứng nhân của Ngài và qua các Bí tích. Đó cũng là những ‘kiệt tác’ phô diễn sự thánh thiện của Chúa.

Chúng ta không đánh giá thấp tầm quan trọng và sức mạnh của những lời chứng cá nhân trong một thế giới ngập tràn thông tin thuộc mọi kiểu; tuy nhiên, trong bối cảnh hỗn tạp này, chỉ những ‘kiệt tác’ bày tỏ sự thánh thiện của Thiên Chúa mới có thể có tiếng nói mạnh nhất, vang vọng nhất! “Người đương đại cần lời chứng hơn lý lẽ!” – Phaolô VI. Các việc bạn làm có phù hợp với lời bạn nói? Chúng có nói lên điều bạn tuyên xưng? Hay “Tất cả chỉ là từ ngữ?”.

Gioan kết thúc Tin Mừng hôm nay: “Ở đó, nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu”. Bất chấp bao chống đối, lời nói và việc làm của Ngài vẫn có khả năng thâm nhập trái tim con người. Sự chống đối khủng khiếp – thậm chí, thâm độc – không thể cản trở người khác tin Ngài. ‘Mầu nhiệm’ này lặp đi lặp lại trong đời sống Hội Thánh! Ở đâu có sự chống đối lớn nhất đối với Tin Mừng, ở đó luôn có những ‘kiệt tác hoán cải’ lớn nhất!

Giêrêmia đã trải nghiệm một niềm vui tương tự. Dẫu bao bạo hành, bách hại của dân, ông vẫn chứng tỏ là một ngôn sứ được Chúa sai đến để hoán cải họ; lời nói và việc làm của ông đầy thuyết phục, “Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng!” – bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lúc ngặt nghèo, tôi kêu cầu Chúa; Người đã nghe tiếng tôi!”.

Anh Chị em,

“Hãy tin các việc đó!”. Hãy chiêm ngắm một Giêsu co ro trong hang đá Bêlem; lặng nhìn một Giêsu giãy giụa trên đồi Sọ để thấy “việc” Thiên Chúa làm! Hãy trầm mình sâu lắng bên Thánh Thể để hiểu Thiên Chúa là ai, Giêsu là ai, may ra con tim của bạn và tôi có thể dịch chuyển. Nếu các việc làm của Chúa Con tiết lộ danh tính Ngài, thì “thập giá” là ‘kiệt tác’ biểu lộ danh tính Ngài trọn vẹn nhất, Ngài là Con Thiên Chúa! Nhờ ‘kiệt tác tử nạn và phục sinh’ – kiệt tác của mọi kiệt tác – bạn và tôi được tái sinh, không chỉ để trở nên một tạo vật mới, nhưng còn là những ‘kiệt tác’ cho vinh quang Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con không bắt đầu từ đâu khác, cho bằng khởi đi từ việc hoán cải chính mình và con cũng trở nên một ‘kiệt tác’ của Chúa. Tại sao không?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)