ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC – Lm Phaolo Phạm Quốc Túy

Lm Phaolo Phạm Quốc Túy

Lộ Đức (Lourdes) là một tỉnh nhỏ khoảng 6000 dân nằm giữa thung lũng Pyrênê, gần suối Gave.  Hôm ấy là ngày 11 tháng 2 năm 1858.  Trời lạnh lẽo.  Vào buổi trưa, Bernadetta, cô gái 14 tuổi vui tươi, thiếu ăn và quê mùa cùng với mấy người bạn đi lượm củi khô ở bờ suối Gave.

Bỗng một bà mặc đồ trắng hiện ra với cô, trên một tảng đá bao quát cả hang Massabielle.  Vừa sợ lại vừa vui, cô lần chuỗi và không dám tới gần theo lời Bà mời.

Chẳng ai muốn tin cô.  Bị rắc rối chính cha mẹ cô không muốn cho cô trở lại hang đá nữa.  Nhưng có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó.  Cô trở lại hang đá.  Các cuộc thị kiến vẫn tiếp diễn.  Bà lạ nói chuyện và kêu gọi cầu nguyện, rước kiệu và xây dựng một đền thờ tại đây.

Các bậc khôn ngoan chống đối.  Dân chúng lại xúc động.  Công an thẩm vấn Bernadetta.  Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe dọa.  Cô cũng không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn.  Các nữ tu dạy học cũng bất bình.  Nhưng Bernadetta vẫn khiêm tốn lịch sự.

Ngày 25 tháng 2, một đoàn người cảm kích theo cô sau khi cầu nguyện, Bernadetta đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rổi quì xuống.  Theo lệnh bà lạ, cô cúi xuống lấy tay cào đất.  Một dòng nước vọt lên.  Cứ 24 tiếng đồng hồ là có khoảng 120.000 lít nước chảy ra.

Ông biện lý cho gọi Bernadetta tới.  Ông chế giễu, tranh luận và đe dọa cô nữa.  Cuối cùng ông kết luận:

  • Cô hứa với tôi là sẽ không tới hang đá nữa chứ?

Nhưng Bernadetta bình tĩnh trả lời cách rõ ràng.

  • Thưa ông, cháu không hứa như vậy.

Cha sở lo âu, ngài cấm các linh mục không được tới hang.  Bernadetta tới gặp ngài và nói:

  • Bà lạ nói: Ta muốn gặp người ta rước kiệu tới đây.

Ngài liền quở trách và gằn từng tiếng:

  • Con hãy nói với bà ấy rằng, đối với cha sở Lộ Đức, phải nói cho rõ rệt.  Bà muốn những buổi rước kiệu và một nhà nguyện à?  Trước hết bà phải cho biết tên là gì và làm một phép lạ đã chứ.

Làm xong nhiệm vụ, Bernadetta bình thản ra về.

Đã có những phép lạ nhãn tiền: một người thợ đẽo đá mù lòa đã thấy được ánh sáng, một phụ nữ bại tay sáu năm nay bình phục, báo chí công kích dữ dội và cho rằng: đó chỉ là ảo tưởng.

Nhưng dòng nước vẫn chảy thành suối.  Dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau tới, những kẻ hoài nghi phải chùn bước.  Một em bé hai tuổi bệnh hoạn đang hấp hối trước những cặp mắt thất vọng của cha mẹ.  Họ nghèo lắm, bà hàng xóm đã dọn sẵn cho một cái quách.  Người cha thở dài:

  • Nó chết rồi.

Người mẹ chỗi dậy.  Không nói một lời nào, bà ôm đứa trẻ chạy thẳng ra hang đá, dìm nó vào trong dòng nước giá lạnh.  Dân chúng cho rằng bà đã điên lên vì buồn khổ.  Tắm em bé trong 15 phút xong, bà ẵm em về nhà.  Sáng hôm sau, em hết bệnh.  Ba bác sĩ đã chứng thực chuyện lạ này.

Bernadetta vẫn giản dị vui tươi tự nhiên.  Hàng ngày cô trở lại hang đá.

Ngày 25 tháng 3 cô quì cầu nguyện và khuôn mặt bỗng rỡ nên rạng rỡ.  Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt:

  • Bà nói: “Ta là Đấng Vô Nhiễm thai”

Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ đã được truyền từ miệng người này sang người khác.  Đám đông cất cao lời cầu khẩn :

  • Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ.
  • Bernadetta hỏi một người chị bạn thân:
  • Vô nhiễm thai là gì nhỉ?

Và cũng không bao giờ cô phát âm đúng chính xác từ ngữ này.

Luôn giữ mình khiêm tốn, Bernadetta đã ẩn mình trong một tu viện.  Lúc 3 giờ chiều ngày 16 tháng Tư năm 1879, cô từ trần, được 36 tuổi.

Dòng nước ở hang Massabielle vẫn chảy.  Người ta lũ lượt tuôn đến cầu nguyện và không biết bao nhiêu ơn lành Đức Mẹ đã ban cho các tâm hồn thiết tha cầu khẩn.  Đức Giáo Hoàng Lêo XIII cho phép mừng việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, vào ngày 11 tháng 2, để ghi nhớ 18 lần mẹ đã hiện ra với Bernadetta, kể từ ngày 11 tháng 2 tới ngày 16 tháng 7 năm 1858.

Năm 1907, Đức Piô X cho phép toàn thể Giáo Hội mừng lễ này.  Cùng với Giáo hội, chúng ta kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và đừng quên chạy đến Mẹ là nguồn suối chảy tràn muôn ơn phúc.

 Lm Phaolo Phạm Quốc Túy

From: Langthangchieutim


 

KHÓ NGHE – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.

Năm 1886, Benz lái chiếc Mercedes đầu tiên qua phố Munich. Cỗ máy khiến chủ các xe ngựa tức giận. Họ vận động các quan chức giới hạn tốc độ “cỗ xe không ngựa”: 5km/giờ – nội thành; 11km/giờ – ngoại thành. Với Benz, điều này thật khó nghe! Ngày kia, ông mời thị trưởng thử xe. Benz sắp xếp một xe sữa đứng đợi; khi thị trưởng và Benz tới, con ngựa già vượt xe họ. Thị trưởng tức giận, yêu cầu Benz vượt; Benz lắc đầu, “Dẫu luật vô lý, nhưng tôi không được phép chạy nhanh”. Ít lâu sau, luật thay đổi!

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mượn lời Isaia để nói cho các biệt phái một sự thật cũng rất ‘khó nghe!’: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta!”.

“Lòng chúng thì lại xa Ta!”, đó là lời thở than của Đấng dựng nên muôn loài muôn vật; trong đó, con người là đỉnh cao của tạo thành – “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” – bài đọc một. Vì thế, Ngài phải được tôn thờ và yêu mến “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, và mọi người sẽ đồng thanh “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” – Thánh Vịnh đáp ca; thì đàng này, Ngài chỉ được kính tôn bằng môi bằng miệng!

Chúa Giêsu chỉ trích gay gắt các biệt phái vì lòng họ thiếu sự thờ phượng thật! Truyền thống của cha ông không nhất thiết là xấu – chẳng hạn việc rửa tay trước khi dùng bữa – nhưng những truyền thống này sẽ trống rỗng nếu chúng không được thúc đẩy bởi một đức tin sâu sắc và một tình yêu dành cho Thiên Chúa. Việc tuân giữ các truyền thống bên ngoài không thực sự là hành động thờ phượng và đó là điều Chúa Giêsu muốn họ nhận thức. Ngài muốn lòng họ bùng cháy tình yêu dành cho Thiên Chúa và thờ phượng Ngài đích thực vốn luôn trong sáng, chân thành và trầm lắng qua cầu nguyện, lắng nghe và phục vụ thánh ý Ngài. Và điều này chỉ có thể thực hiện khi chúng ta tham gia vào sự thờ phượng đích thực ‘như Chúa Giêsu’.

Là người Công Giáo, đời sống cầu nguyện và thờ phượng của chúng ta được đặt nền tảng trên Phụng vụ thánh. Phụng vụ kết hợp nhiều truyền thống và thực hành phản ánh đức tin phải trở thành phương tiện truyền tải ân sủng. Nhiều Phụng vụ của Giáo Hội được chuyển từ các hành động bên ngoài sang việc thờ phượng bên trong; nhưng nếu chỉ thực hiện theo các động tác bên ngoài là vô nghĩa. Hãy để Chúa tác động lên chúng ta và trong chúng ta khi chúng ta tham gia vào việc cử hành các Bí tích bên ngoài!

Anh Chị em,

“Lòng chúng thì lại xa Ta!”. Có thể lòng chúng ta thiếu sự thờ phượng thật? Hôm nay, hãy suy ngẫm về ước muốn cháy bỏng trong trái tim Chúa Giêsu, Ngài muốn lôi kéo bạn vào sự thờ phượng. Hãy suy ngẫm về cách bạn cho phép mình được lôi kéo vào sự thờ phượng này mỗi khi bạn tham dự Thánh Lễ! Hãy cố gắng biến sự tham gia của bạn – không chỉ là sự tham gia bên ngoài mà trước hết – là sự tham gia bên trong! Làm như vậy sẽ giúp bảo đảm rằng, lời khiển trách ‘khó nghe’ của Chúa Giêsu dành cho các biệt phái kinh sư không rơi vào chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con nội tâm hoá các hành vi thờ phượng bên ngoài bằng một sự hoán cải bên trong. Có như thế, con mới có thể yêu mến Chúa cách đích thực!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*************************************************

Thứ Ba Tuần V Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

1 Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.

7Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9 Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!’ 11 Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”


 

Ơn thánh Chúa và tự do của ta liên quan thế nào?- Cha Vương

Trận Super Bowl 2025 thật ấn tượng! Xin cho người thắng đừng quá hống hách và người thua đừng quá tự ti. Một ngày bình yên trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 10/2/2025

GIÁO LÝ: Ơn thánh Chúa và tự do của ta liên quan thế nào? Ơn thánh Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, nó khơi gợi và mời gọi con người đáp lại hoàn toàn tự do. Ơn thánh không ép buộc, tình yêu Chúa muốn con người tự ý chấp nhận. (YouCat, số 340)

SUY NIỆM: Ta luôn có thể từ chối ân sủng. Ân sủng không phải cái gì ở bên ngoài, xa lạ với con người, thật sự ân sủng là điều mà tự do của con người khao khát rất sâu xa. Ân sủng chạm đến trong ta là để Thiên Chúa đi trước và ta tự ý đáp lại. (YouCat, số  340 t.t.)

❦  Đức Maria nói: Đây tôi là tôi tá Chúa, tôi “xin vâng” như lời thiên thần dạy. (Lc 1,38)

❦  Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. (Rm 3,23-24)

❦  Thánh thiện không phải là chuyện xa xỉ cho một số người, nhưng đơn giản là bổn phận của bạn và của tôi. (Mẹ Têrêsa Calcutta)

LẮNG NGHE: Anh em đã được gọi để hưởng tự do, có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. (Gl 5:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, tự do là món quà cao quý và lớn lao nhất mà Chúa ban cho con nhưng nó cũng là điều khủng khiếp nhất nếu con dùng nó để thỏa mãn cái tôi ích kỷ, thỏa mãn đam mê nhục dục thấp hèn, xin cho con luôn biết cộng tác với ơn Chúa để những việc làm trong ngày hôm nay sinh nhiều hoa trái.

THỰC HÀNH: Thánh Tôma Aquinô nói tự do là “khả năng của ý chí con người, nhờ đó con người có thể điều hướng những hoạt động của mình đến cùng đích”. Cùng đích ở đây là sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc trong Chúa. Mời bạn hãy xét mình coi mình có sử dụng món quà tự do đúng với ý định của Chúa không nhé. Hãy làm một thay đổi để sống tốt đẹp hơn.

From: Do Dzung

**************************

Bao La Tình Chúa || Sáng tác: Giang Ân || Thể hiện: Kiều Oanh Nguyễn

TẠO DỰNG MỚI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi”.

“The Creation” – “Tạo Dựng” – một trong những kiệt tác của F. J. Haydn – “Cha đẻ của nền âm nhạc giao hưởng”. Ngày kia, Haydn được mời đến Vienna Opera, nơi trình tấu tuyệt phẩm; khán giả bị cuốn hút bởi những cảm xúc vô tận. Đến đoạn “Hãy có ánh sáng!”, ban hợp xướng bùng nổ đến mức mọi người đứng dậy, vỗ tay như sấm; buổi diễn gián đoạn. Từ xe lăn, Haydn gượng đứng lên, xin tất cả im lặng; và với bàn tay run run, ngón trỏ chỉ lên trời, ông nói, “Không! Không phải tôi, nhưng là Ngài, tất cả đã có!”. Sau khi dành sự tôn vinh cho Đấng Tạo Thành, ông ngã ra ghế, kiệt sức và ngất lịm!

Kính thưa Anh Chị em,

Nhân đọc lại giai thoại “Tạo Dựng” của Haydn, Lời Chúa hôm nay tiết lộ, không chỉ ‘một’ mà có đến hai cuộc tạo dựng: một từ tạo thiên lập địa và một từ Chúa Giêsu. “Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi”. Không chỉ khỏi phần xác, Ngài cho họ khỏi phần hồn, được ‘thứ tha tội lỗi’. Việc chữa lành này có tên ‘cứu độ’, hay cuộc ‘tạo dựng mới!’.

Bài đọc Sáng Thế nói đến những ngày Thiên Chúa sáng tạo! “Hãy có ánh sáng!”; “Hãy có vòm trời!”; “Hãy có những vật sáng trên vòm trời!”. Qua những buổi chiều và những buổi sáng, Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thánh Vịnh đáp ca reo vui, “Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan!”. Như người mẹ chuẩn bị mọi thứ cho đứa con đầu lòng chào đời, Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể trước khi tạo dựng con người.

Vậy mà không chỉ tạo dựng con người; trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa còn cứu độ nó. Marcô mô tả, “Nghe tin Người ở đâu, người ta cáng bệnh nhân đến đó”, “Và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi”. Không chỉ chữa con người khỏi tật bệnh phần xác, Chúa Giêsu ước ao chữa lành một điều gì đó tâm linh hơn, bên trong hơn; Ngài muốn thứ tha tội lỗi của họ. Chớ gì ân sủng Chúa lấp đầy trái tim bạn và tôi với một ước muốn lớn hơn để đến với Chúa Giêsu hầu nhận được món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể nhận: sự tha thứ tội lỗi! Một khi linh hồn được giải thoát khỏi tội lỗi, thì việc lành lặn nội tâm lớn hơn bội phần này là một hành vi ‘cứu độ’ – ‘tạo dựng mới’ – cho phần rỗi đời đời.

Anh Chị em,                                                                                                                                           “Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi”.

Trên hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, bao người đã chạm đến Ngài: “Tội anh được tha!”; “Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!”; “Hãy theo tôi!”; “Hãy xuống mau!”. Rõ ràng, sự chữa lành tinh thần – tha thứ tội lỗi – có giá trị vô song. Nó ảnh hưởng đến tâm hồn bạn cho đến muôn đời. Sự thật là sự chữa lành lớn hơn nhiều này có sẵn cho tất cả chúng ta, đặc biệt trong Bí tích Hoà Giải; ở đó, chúng ta được mời gọi “chạm vào tua áo” của Chúa Giêsu để được chữa lành tâm linh. Vì lý do đó, bạn và tôi hãy có cho mình một ước muốn sâu sắc hơn nhiều để tìm kiếm Ngài trong toà giải tội hơn là tìm kiếm sự chữa lành bên ngoài như những người thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua món quà vô giá này. Hãy cố gắng nuôi dưỡng một ước muốn lớn hơn cho sự chữa lành thiêng liêng này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin chữa lành con, hầu con có thể lột xác, trở nên một ‘tạo vật mới’; bấy giờ, con cũng có thể bay lên như một cánh bướm từ một con sâu xấu xí!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

************************************

Thứ Hai Tuần V Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

53 Khi ấy, qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.


 

ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8)- Cha Vương

Ngày Chúa Nhật Super Bowl thật hào hứng nhưng đừng bỏ Lễ nhé.

Cha Vương

CN: 9/2/2025

TIN MỪNG: Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8)

SUY NIỆM: Khi dựng lên con người Chúa ban cho bạn một trí khôn để nhận biết Chúa và nhận ra chính mình. Khi con người đánh mất đi khả năng này, họ sẽ gây ra rất nhiều rắc rối trong môi trường sống. Do đó nhà Triết gia Hy Lạp Socrate nói: “Hãy tự biết chính mình”. Ai biết mình sẽ thành công trong cuộc sống, ai không tự biết mình sẽ đi đến thất bại và đôi khi có thể hủy hoại cả cuộc đời. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở bạn về sự “nhận biết” để tiến lên trên con đường nhân đức. Bạn nhận biết Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và nhận ra mình là người yếu đuối tội lỗi và tầm thường. Ông Phê-rô đã nhận được điều này. Nhờ có tâm hồn khiêm tốn Phê-rô nhật biết Thiên Chúa không luận phạt nhưng rộng lòng tha thứ. “Người không bẽ gãy cây lau bị giập, cũng tim đèn còn khói chẳng nỡ tắt đi”. (Is 42:3). Như Chúa đã biến đổi và thánh hoá Phê-rô thế nào thì hôm nay Chúa cũng muốn làm cho bạn như vậy. Ngài muốn cho bạn cơ hội để hoán cải và làm lại cuộc đời cho tốt hơn. Vậy bạn hãy thành tâm chạy đến Chúa như Phê-rô đi! “Lạy Chúa,… con là kẻ có tội”, xin thương xót con.

LẮNG NGHE: Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” (Lc 15:18-19)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Xin ban cho con một trí khôn để con nhận biết Chúa, một trái tim để con yêu mến Chúa, một đức khôn ngoan để biết tìm ra Chúa, một tác phong biết làm vui lòng Chúa, một dạ trung thành bền bỉ biết chờ đợi Chúa, và một lòng hy vọng cuối cùng được ôm lấy Chúa. (Thánh Tôma Aquinô)

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Ăn Năn Tội

From: Do Dzung

*************************

BIẾT CHÚA BIẾT CON. Sáng Tác: Lm. Ân Đức. Ca Sỹ: Phi Nguyễn. 

CẦU NGUYỆN GIỮ CHÚNG TA KHÔNG ĐI VÀO ĐÁM ĐÔNG-Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Gần như trong tất cả các tiểu thuyết của mình, Milan Kundera biểu lộ một sự khó chịu cực kỳ và không chấp nhận tất cả mọi dạng hệ tư tưởng, khoa ngôn, và xu hướng nhất thời, những thứ gây nên kiểu suy nghĩ nhóm hoặc kích động đám đông.  Ông nghi ngờ các khẩu hiệu, biểu tình và diễu hành dưới mọi hình thức, bất kể với lý do gì.  Ông gọi tất cả những thứ này là cuộc diễu hành khổng lồ, và trong suy nghĩ của ông, tất cả chúng, không chừa cái nào, luôn luôn dẫn đến bạo động.  Kundera thích các nghệ sĩ vì họ có khuynh hướng tránh xa lý lẽ và động cơ, họ muốn vẽ và viết hơn là đi diễu hành.

Có những động cơ đáng để chiến đấu, và có những bất công và nỗi đau trong thế giới này đòi hỏi chúng ta phải dấn sâu hơn, xa hơn cái mong muốn viết và vẽ của mình.  Vậy mà, phán xét khắc nghiệt của Kundera về mọi kiểu diễu hành và biểu tình, hay nói cách khác là cuộc diễu hành khổng lồ, vẫn là một lời cảnh báo công tâm.  Tại sao?

Vì trong những giây phút suy nghĩ nhiều hơn, chúng ta biết khó đến như thế nào nếu không nắm được một hệ tư tưởng, khoa ngôn, xu hướng nhất thời, kiểu suy nghĩ nhóm, và kích động đám đông, để không trở nên ngu xuẩn mất tỉnh táo.  Chúng ta cũng biết thật khó để nhận ra những gì chúng ta thật sự nghĩ gì và tin, khi đối lập với những gì mà quỹ đạo văn hóa đang vây hãm chúng ta.  Thật khó để tránh được những kiểu thức đương thời.

Nhưng còn khó hơn nữa khi chúng ta muốn xây một nền tảng cho chính mình dựa trên một cái gì đó thâm sâu hơn, hay muốn được bén rễ nơi một quan điểm nằm ngoài cái mà Thomas Hardy đã từng gọi là đám đông điên loạn.  Làm sao chúng ta có được nền tảng là một chiều sâu sẽ giải thoát chúng ta khỏi những hệ tư tưởng, khoa ngôn, xu hướng nhất thời, kiểu suy nghĩ nhóm, và kích động đám đông đầy tinh vi vốn đang làm băng hoại mọi nền văn hóa?

Trong Tin mừng thánh Luca, các môn đệ cảm nhận Chúa Giêsu lấy sự khôn ngoan, điềm tĩnh, sức mạnh, và năng lực từ một sự gì đó nằm ngoài Ngài, có nghĩa là Ngài đặt bản thân nơi một sự gì đó vượt ngoài những cạm bẫy và đe dọa của giây phút hiện tại.  Họ cảm nhận được Ngài tìm thấy sự thâm sâu đó nơi cầu nguyện.  Họ cũng muốn được nối kết với chiều sâu và sức mạnh đó, và họ nhận ra chính lời cầu nguyện là con đường, và là con đường duy nhất cho họ.  Rồi họ xin Chúa Giêsu dạy họ cách để cầu nguyện.  Ngài đã dạy họ điều gì?  Làm sao để chúng ta có thể cầu nguyện theo cách xây dựng nền tảng của chúng ta trên một sự gì đó thật sự vượt ngoài những ái kỷ cá nhân và tập thể?

Một cách ẩn dụ, chúng ta có thể thấy được con đường đó qua đoạn Kinh Thánh ghi lại cái chết tử đạo của thánh Stephano như sau:

Một đám đông những con người, dù lầm lạc nhưng rất thật tâm, được thúc đẩy bởi lòng mộ đạo, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi kích động đám đông, đã cùng nhau ném đá Stephano đến chết.  Đây là đoạn Kinh Thánh mô tả việc này: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephano.  Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa.  Ông nói: ‘Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.’ Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá.” (Cv 7: 54-58)

Cái chết của Stephano là thật, nhưng mô tả về cái chết của ngài đầy những ẩn dụ cho chúng ta thấy cầu nguyện và không cầu nguyện có ý nghĩa như thế nào.

Vậy không cầu nguyện là như thế nào?  Đám đông, cho dù mộ đạo và thật tâm, nhưng lại không cầu nguyện.  Đoạn Kinh Thánh đã nói rõ: Họ nhìn vào Stephano với ánh mắt hiểu lầm và đầy căm ghét.  Hơn nữa, ngay lúc đó, thông điệp tình yêu của ngài là một sự thật khó chịu nên họ bịt tai không thèm nghe.  Và chính lúc đó họ đang nằm trong gọng kềm của sự kích động đám đông.  Họ không thấy trời đang mở ra, mà chỉ thấy một con người rất bình thường mà họ đang căm ghét,và họ không ở trong tay Thánh Thần mà lại ở trọn trong sự điều khiển của kích động.  Đó là lý do vì sao họ không bao giờ nhìn được xa hơn cái nhìn giận dữ chua cay nhắm vào Stephano.  Trong thời điểm đó, họ chỉ biết có họ, và họ chỉ thấy được những gì thuộc về trần thế này và những điều này là những điều không nằm trong lời cầu nguyện.  Dù chúng ta có mộ đạo đến đâu đi nữa, khi không cầu nguyện, chúng ta sẽ làm như những gì vừa kể trên.  Thật sự, đôi khi, việc cầu nguyện chung dù chân thành nhưng cũng chẳng hơn gì việc dấn sâu vào tính ái kỷ nhóm và bị nô lệ hóa thành một đám đông điên loạn.  Con mắt của chúng ta vẫn chỉ nhìn vào nhau chứ không nhìn về Thiên Chúa.

Trái lại, Stephano có cầu nguyện.  Đoạn Kinh Thánh mô tả ông đang hướng mắt lên trời (một ẩn dụ chứ không phải là mô tả hình tượng) và ông cứ đăm đăm nhìn trời và thấy cửa trời mở ra.  Cái nhìn của ông vượt ngoài đám đông, vượt ngoài thời khắc, vượt ngoài tầm nhìn của con người, vượt ngoài căm ghét, và vượt ngoài nỗi sợ trước cái chết của chính mình.  Ông nhìn vào một cái gì cao vượt hơn đám đông và thời khắc hiện tại.  Chính điều này, và chỉ có điều này, mới là cầu nguyện.

Tôi cùng chia sẻ với Kundera nỗi sợ về cuộc diễu hành khổng lồ và việc tôi cũng như gần hết mọi người khác, sẽ thật quá dễ dàng và mù quáng dấn bước vào đó.  Kundera cảm thấy nghệ thuật có thể giúp chúng ta đặt nền tảng ở một nơi nằm ngoài đám đông điên loạn.  Tôi sẽ thêm vào một sự sẽ còn hữu ích hơn thế nữa, đó chính là cầu nguyện.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHẠM CHÚA-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”.

Nữ bác sĩ tâm lý Virginia Satir viết, “Trẻ sơ sinh phát triển mạnh nhờ được vuốt ve thường xuyên. Người lớn cũng vậy! Khi không được một bàn tay vỗ về, được ôm qua vai hay qua người, họ sẽ tự co rút vào mình. Tôi kê đơn: mỗi ngày, bốn cái ôm để tồn tại, tám cái ôm để duy trì, và mười hai cái ôm để thăng hoa. Tắt một lời, chạm đến nhau giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái mỗi ngày là một điều không thể thiếu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Với Virginia Satir, việc “chạm nhau” giữa những con người còn quan trọng đến thế, phương chi việc con người cần chạm đến Đấng Vô Cùng! Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến sự biến đổi nơi những con người được Chúa chạm đến; đúng hơn, những con người ‘chạm Chúa’. Isaia, Phaolô và Phêrô đã ‘chạm Chúa’ – Đấng sẽ sai họ đi!

Trong đền thánh, giữa tiếng tung hô của đoàn thiên sứ, nền nhà rung chuyển, Isaia khiếp hãi, “Khốn thân tôi, tôi chết mất!”. Ngay lúc đó, một thiên thần bay đến, tay cầm than đỏ chạm vào lưỡi ông để ông được sạch. Và Isaia nghe tiếng Chúa phán, “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?”. Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi!” – bài đọc một.

Cũng thế, Phaolô kể lại kinh nghiệm việc ông đã ‘chạm Chúa’, “Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi. Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ… Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” – bài đọc hai. Quả thế, Phaolô được Ngài sai đi như một tông đồ kiệt xuất.

Đặc biệt, với bài Tin Mừng, chúng ta đọc thấy trải nghiệm tuyệt vời của Phêrô. Khi Phêrô đang giặt lưới cùng các bạn chài thì Chúa Giêsu đến, bước vào thuyền ông – đúng hơn – bước vào ‘con thuyền đời’ ông. Ngài yêu cầu ông ra khỏi bờ, “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá!” và Ngài sẽ yêu cầu ông nhiều hơn về sau, để rồi Phêrô phải ‘ra những trũng sâu’ suốt phần còn lại đời mình. Yêu cầu này, lẽ thường, không có ý nghĩa gì với một ngư phủ dày dạn; tuy nhiên, Phêrô đã mềm mỏng đáp lại. Phép lạ đã xảy ra, Phêrô choáng ngợp không vì mẻ cá kỳ diệu nhưng vì một người có tên Giêsu đã chạm vào cuộc đời ông. Phêrô nhận thức ông đang ‘chạm Chúa’; ông cảm thấy quá bất xứng, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Và Chúa Giêsu nâng ông dậy, đẩy ông về phía trước, “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta!”.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Thế nhưng, “Chúa Giêsu đáp, “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta!”; vì Thiên Chúa – nếu chúng ta tin vào Ngài – sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và mở ra trước mắt chúng ta một chân trời mới: hợp tác trong sứ mệnh của Ngài. Phép lạ lớn nhất mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho Phêrô và những người đánh cá mệt mỏi và chán nản khác không phải là lưới đầy cá, mà là giúp họ không trở thành nạn nhân của sự thất vọng và chán nản khi đối mặt với thất bại. Ngài đã chuẩn bị cho họ trở thành người công bố và làm chứng cho lời Ngài và Vương Quốc. Và phản ứng của các môn đệ là ngay lập tức và không dè giữ: “Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người!”” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày con ‘chạm Chúa’, giúp con biến đổi tận bên trong, hầu có thể ‘ra chỗ nước sâu’ và tạo nên một sự khác biệt như Chúa kỳ vọng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

****************************************

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn : “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” 5 Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” 6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” 9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” 11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người. 


 

CHỊU THIỆT – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngài chạnh lòng thương” và “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.

Đang đi nghỉ ở Ireland, Henry Ford – nhà sản xuất xe hơi – được yêu cầu góp quỹ cho một trại mồ côi. Ford ký một tấm check trị giá 2.000 bảng và thông tin đó đã xuất hiện trên các mặt báo. Oái oăm thay, biên tập viên đã bất cẩn đăng nhầm 20.000 bảng! Giám đốc trại mồ côi lo lắng điện thoại xin lỗi Ford, “Tôi sẽ gọi và yêu cầu sửa lại”. “Không cần phải như vậy!” – Ford trả lời; và ông nhanh chóng viết thêm tấm check 18.000 bảng.

Kính thưa Anh Chị em,

Henry Ford đã đón nhận sự bất tiện cách vui lòng. Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu và các môn đệ ‘chịu thiệt’ – chọn lấy sự bất tiện – khi bị quấy rầy cả khi Thầy trò đã lánh riêng ra một nơi sau những ngày phục vụ vất vả.

Thấy các môn đệ mệt nhọc sau những ngày truyền giáo, Chúa Giêsu bảo, “Hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Ấy thế, khi thuyền của họ vừa cập bờ, đã có một đám rất đông đợi ở đó. Không thể tin được! Chúa Giêsu chẳng bực nhọc; thay vào đó, “Ngài chạnh lòng thương” và “bắt đầu dạy dỗ họ”. Ngài chấp nhận thay đổi kế hoạch vì người khác – ‘chịu thiệt’ – và chọn lấy sự bất tiện vì người khác!

Như Chúa Giêsu và các môn đệ, ai trong chúng ta cũng cần nghỉ ngơi sau những ngày phục vụ. Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài sẵn sàng gác lại mọi dự tính để thoả mãn mong ước của những con người đang tìm kiếm Ngài. Nơi Ngài, xem ra không có ‘vacation’ – kỳ nghỉ; chỉ có ‘salvation’ – cứu độ! Cũng thế, với bất cứ bậc sống nào, bạn có quyền và có thể nghĩ đến một kỳ nghỉ; nhưng đôi khi, bác ái buộc chúng ta chọn lựa một cách khác. Hãy làm như Chúa Giêsu, chúng ta ‘chịu thiệt’ – chọn lấy sự bất tiện – ‘chọn lựa gián đoạn’ ngay cả giữa kỳ nghỉ và giờ nghỉ.

Chìa khoá để có một con tim như Chúa Giêsu chính là sự sẵn sàng cho đi thời gian, của cải và sức lực. Khi điều này xảy ra, hãy biết, Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của ai; Ngài sẽ ban những ơn mà bạn không bao giờ ngờ tới. Và tuyệt vời hơn, chính ở những thời điểm ngặt nghèo ‘bất tiện’ này, Chúa lại thường cho bạn gặt hái những hoa trái mà đôi lúc suốt nhiều tháng, nhiều năm, bạn vất vả mà luống công. “Anh em chớ quên làm việc thiện, vì Chúa ưa thích những hy lễ như thế!” – bài đọc một. Chúa bảo đảm phần phúc này, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Với chúng ta, được nghỉ ngơi – ‘vacation’ – bên Chúa Giêsu, nên giống Ngài, con tim chúng ta đầy sự cứu rỗi – ‘salvation!’. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng, với Kitô hữu, việc nghỉ ngơi không mâu thuẫn với việc nghĩ đến và phục vụ người khác. Chúng ta thường không thể giải thoát mình khỏi những nghĩa vụ – con cái, vợ chồng, công việc – vì điều đó xem ra phản bội chính mình! Thế nhưng, cần phải tìm thấy Chúa trong những thực tại này. Nếu có sự gắn kết với Chúa, nếu lòng chúng ta nghỉ ngơi trong Ngài, chúng ta sẽ ‘tương đối hoá’ những căng thẳng vô ích và điều này sẽ thể hiện tốt hơn ‘dấu ấn’ của Thiên Chúa. Trong Ngài, chúng ta được nghỉ ngơi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn vui tươi, sẵn sàng ‘chịu thiệt’, ‘chọn lựa gián đoạn’ khi bác ái đòi hỏi. Có như thế, con tim của con mới có thể xót thương như con tim của Chúa!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

*********************************

Thứ Bảy Tuần IV – Mùa Thường Niên

Họ như bầy chiên không người chăn dắt.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.       Mc 6,30-34

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.


 

Ơn thánh Chúa làm gì cho ta?- Cha Vương

Một ngày tràn đầy ơn thánh Chúa nhé. Hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 6: 7/2/2025

GIÁO LÝ: Ơn thánh Chúa làm gì cho ta? Ơn thánh đưa ta vào đời sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi, vào trong sự trao đổi Tình yêu giữa Cha, Con và Thánh Thần. Ơn thánh giúp ta sống trong Tình yêu Chúa và hành động nhờ Tình yêu này. (YouCat, số 339)

SUY NIỆM: Ân sủng từ trên đến với Ta, ân sủng được phú ban cho linh hồn, và không do các nguyên nhân “tự nhiên” (ta gọi là ân sủng siêu nhiên). Có ơn làm ta trở thành con cái Thiên Chúa “nhất là do ơn của bí tích Rửa tội”, và được thừa kế Nước Trời “đây là ơn thánh hóa hoặc thần hóa”. Có ơn giúp ta kiên trì làm điều tốt “ơn thường sủng”. Có ơn giúp ta phân định, muốn và làm tất cả những gì dẫn đến sự tốt, dẫn đến Thiên Chúa và dẫn về trời (ơn hiện sủng). Ơn này được ban đặc biệt trong các bí tích, đó là nơi tốt nhất mà ý Chúa cho ta gặp gỡ Chúa (ơn bí tích). Ân sủng cũng được bày tỏ ra đặc biệt cho một số người (gọi là đặc sủng), hoặc có thể là những sức chuyên biệt kèm theo các phận vụ như lập gia đình, chịu chức thánh, và tu dòng (ơn tùy phận vụ).

Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? (1Cr  4,7)

❦  Tất cả là hồng ân. (Thánh Têrêsa Hài Đồng)

❦  Quá khứ của tôi không liên can đến tôi nữa, nó thuộc về lòng thương xót Chúa. Tương lai của tôi chưa liên can đến tôi, nó thuộc về Chúa quan phòng. Điều liên can đến tôi, điều thử thách tôi là hôm nay, nó thuộc về ơn Chúa và về sự dâng hiến của lòng tôi và thiện chí của tôi. (Thánh Phanxicô Salêsiô) (YouCat, số 339 t.t.)

LẮNG NGHE: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. (Pl 4:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban ơn cho con những ơn cần thiết để con có thể vượt qua những khó khăn con gặp trong ngày hôm nay.

THỰC HÀNH: Nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn trong lúc này là gì? Trước khi làm việc gì bạn đọc kinh Sáng Soi để xin ơn Chúa giúp nhé.

From: Do Dzung

*************************

Hồng Ân Chúa | Sáng tác : Falê | Trình bày : Kim Tuyến 

ƠN GỌI CUỘC ĐỜI- Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa thương chọn gọi ai thì Chúa biến đổi người ấy.  Isaia (x. Is 6, 1-2a. 3,8), Phêrô (x. Lc 5,1-11) và Phaolô (1Cr 15,1-11) là ba chứng nhân về điều nói trên.  Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng Thiên Chúa yêu họ và họ đã đáp trả cách quảng đại.  Đúng là tình yêu Chúa biến đổi phận người.

Ơn gọi của Isaia

Trong một thị kiến uy nghi, Isaia được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nghe tiếng các Thiên Thần sốt mến luân phiên tung hô: “Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa” (x. Is 6,2).  Điều đó khiến ông run sợ và cảm thấy mình bất xứng, nên đã thốt lên lời: “Vô phúc cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn” (x. Is 6,3).  Trước sự khiêm tốn ấy, Chúa sai sứ thần đến thanh tẩy ông bằng than lửa hồng, ông trở nên thanh sạch và được Chúa tuyển chọn, ông đã can đảm đáp lại: “Này  con đây, xin hãy sai con” (x. Is 6,8).  Tình yêu Chúa đã biến đổi Isaia thành đại ngôn sứ của Thiên Chúa.

Ơn gọi của Phêrô

Simon Phêrô đang ở trên thuyền đánh cá cùng đồng nghiệp, bỗng Chúa Giêsu bước xuống thuyền của Simon, rồi ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng, có Simon ở bên để giữ cho thuyền khỏi tròng trành, còn Chúa Giêsu thì cố gắng giảng dạy đám đông.  Về phương diện thể lý, Simon gần Chúa hơn, ông nghe Chúa rõ lời Chúa và lời Chúa thấm nhập vào ông.  Vừa giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5,4).  Phản ứng của Simon là: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,8).  Lời Chúa Giêsu đặt ông vào tình thế phải thả lưới bắt cá tiếp, dù kinh nghiệm ngư phủ là không thể.  Phêrô tin vào lời Chúa Giêsu, đức tin được nuôi dưỡng bằng tình Thầy trò, đức tin tái tạo cái mới và tôn vinh khả năng của con người.  Ông tin Chúa, nên bắt được một mẻ đầy cá.

Bảo Phêrô: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu“, là Chúa muốn ông bước ra ngoài sự an toàn, thói quen, chắc chắn, “và thả lưới bắt cá.”  Ðứng trước sự lạ lùng ấy, Simon Phêrô đã không ôm choàng lấy Chúa Giêsu để bầy tỏ lòng biết ơn vì thu lượm được nhiều cá quá sức mong đợi.  Nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi” (Lc 5,8).  Chúa trấn an: “Ðừng sợ, từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5,10); ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.

Chúa Giêsu thật nhân lành!  Phêrô, kẻ chài lưới được Chúa gọi và trở nên nhà hùng biện đáng được ca ngợi nếu ông hiểu được công việc chài lưới người.  Đó là tại sao thánh Phaolô gửi cho các tín hữu tiên khởi và nói: “Hãy coi, hỡi anh em, việc anh em được kêu gọi!  Hẳn không có mấy người khôn ngoan xét theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quí.  Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.  Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có” (1Cr 1,26-28).

Vì nếu Chúa Giêsu chọn người hùng biện trước, người ấy có thể nói, “Tôi đã được chọn vì tài hùng biện của tôi.”  Nếu Chúa chọn một thượng nghị sĩ, thượng nghị sĩ có thể nói, “Tôi được chọn vì cấp bậc của mình.”  Sau cùng, nếu Chúa chọn một hoàng đế, hoàng đế có thể nói, “Tôi được chọn vì khả năng của mình.”

Ơn gọi của Phaolô

Phaolô, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã thương ông và đã thực hiện nơi ông những điều kỳ diệu, bất chấp giới hạn con người của ông, Chúa còn trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10).  Há chẳng phải lòng thương xót Chúa biến đổi con người ông sao?

Ơn gọi mỗi người chúng ta

Trong cả ba kinh nghiệm kể trên, chứng tỏ con người dù nghèo nàn và bất xứng, giới hạn và tội lỗi, kể cả mỏng giòn.  Nhưng nếu gặp được Thiên Chúa tình yêu, Chúa sẽ biến đổi con người.  Isaia, Phêrô và Phaolô đã làm gương cho tất cả những ai được Chúa gọi thì hãy nhìn vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người.

Từ ơn gọi của các tiên tri, đến ơn gọi của các Tông đồ và cuối cùng là ơn gọi của mỗi người chúng ta.  Câu chuyện ơn gọi của ngôn sứ Isaia, Phaolô, Phêrô là mẫu số chung cho ơn gọi của mỗi người.  Ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa chọn để trở thành Kitô hữu, sứ giả loan báo Tin mừng.  Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng.  Nhưng Chúa chọn gọi ai là Người biến đổi như đã biến đổi tiên tri Isaia, Phaolô, Phêrô, dù chúng ta bất xứng.  Thánh Irênê nói: ai nhận thức được bản chất tội lỗi của mình, thì người ấy có khả năng nhận biết tình trạng tạo vật của mình nữa.  Chỉ có những người như Phêrô, mới chấp nhận những giới hạn của chính mình và nhận những thành quả tông đồ của mình.  Chúa đã kêu gọi các Tông Đồ để trở thành kẻ lưới người, nhưng ngư dân đích thực là chính Chúa: trò giỏi không chỉ giỏi chài, mà còn bắt cá người giỏi.  Điều này chỉ có hậu nếu chúng ta liều bỏ tất cả để theo Chúa.  Mong sao, mỗi người chúng ta ý thức được trách nhiệm, bổn phận cao quý của mình là trở nên sứ giả Tin Mừng của Thiên Chúa giữa đời hôm nay.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ gợi lên nơi mỗi người chúng con lòng ước muốn thưa “Xin Vâng” với Chúa trong vui sướng hân hoan.  Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

From: langthangchieutim & Ngocnga_12


 

GIẾT CHẾT LƯƠNG TÂM- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay mời chúng ta xét xem phản ứng của hai con người vốn đã dẫn đến cái chết tức tưởi của Gioan Tẩy Giả. Đó là vua Hêrôđê và bà Hêrôđia, những con người ‘giết chết lương tâm!’.

“Nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe”. Điều đó cho thấy lương tâm của Hêrôđê vẫn còn, đang lên tiếng và hoạt động. Tiếc thay! Nơi ông, tiếng nói kia quá yếu ớt, quá nhỏ so với những âm thanh sôi động cuốn hút hơn của sắc dục, của vũ trường, tiệc rượu và của thách thức danh dự. Thiên Chúa luôn tìm cách khơi gợi trong chúng ta tiếng nói của Ngài qua những con người, các biến cố – đôi khi rất trầm lắng đôi khi rất hãi hùng. Đó có thể là một cuốn sách hay, một bài suy niệm, một kỷ niệm, một cảm giác phân vân, một gương sáng hay thậm chí, một tai nạn… Điều quan trọng là chúng ta có đủ nhạy bén, cởi mở, lắng đọng để tiếp tục đón nhận, đào sâu và nghiệm ra cho mình một thông điệp? Hoặc khác nào Hêrôđê, chúng ta vẫn phớt lờ và ‘giết chết lương tâm’, để rồi, tất cả lạc trôi ơ hờ.

Khác với Hêrôđê, trước những lời cảnh tỉnh ‘trần trụi’ của Gioan, bà Hêrôđia không hề hời hợt nhưng phản ứng của bà là cảm thấy tức tối, căm thù. Không chỉ phớt lờ lương tâm, bà đã giết chết nó từ trứng nước. Từ đó, mối bận tâm của bà là xoá sổ Gioan. Mối bận tâm ấy đã trở nên nỗi ám ảnh cừu hận; và lòng dạ ám muội của bà được tìm thấy trong câu trả lời lạnh lùng, quyết đoán và gọn lỏn cho con gái mình, “Đầu của Gioan!”.

“Sự thật và sự thiện” chỉ có đất sống trong lòng chúng ta nếu chúng ta biết yêu quý cũng như biết nuôi dưỡng nó. Để chúng có thể lớn lên, hãy xét xem điều gì đang vướng bận trong tâm hồn bạn và tôi! Điều vướng bận đã nằm ở đó bao lâu và liệu chúng ta có đủ nghị lực để cầu nguyện, van xin, hầu ân sủng Chúa có thể giải gỡ nó cho con tim mình được thanh thản? Trước một vướng bận, chúng ta đừng bao giờ dập tắt lương tâm!

Nói về sự hư đốn của con tim, Đức Phanxicô đã có một so sánh tuyệt vời giữa Đavít và Salomon. “Đavít từng là một tội nhân được Chúa thứ tha và đã trở thành thánh nhân; Salomon tuy khôn ngoan, vĩ đại nhưng Chúa lại chối từ. Điều khá lạ lùng và thú vị ở đây là chúng ta không biết Salomon đã phạm những tội nào, vì xem ra Salomon có một đời sống quân bình, chuẩn mực hơn; đang khi phụ vương Đavít lại có một đời sống không tốt vì đã phạm tội rỡ ràng. Ấy thế, Đavít đã làm thánh, được gọi là thánh vương; Salomon bị coi là người có tâm hồn xa lìa Thiên Chúa!”.

Anh Chị em,

Lương tâm là mẹ của linh hồn! Mỗi khi chiều xuống, đêm về, bạn và tôi hãy dừng lại ít phút cho tâm hồn mình trầm lắng hầu có thể nghe được tiếng thì thầm tự cõi lòng. Và ngạc nhiên thay, tiếng lương tâm cũng là tiếng nói của chính Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động không ngưng nghỉ để biến đổi tâm hồn mỗi người, cũng là Đấng sẵn sàng đổ đầy ân sủng cho những ai có lòng sám hối, đứng lên và đi tới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ma quỷ luôn đi những bước rất tiệm tiến, dẫn con vào mê hồn trận. Giúp con đủ thanh tịnh hầu nghe được tiếng thì thầm của Thánh Thần; nhờ đó, con có thể nhảy xộc vào lòng thương xót Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************

Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

14 Khi ấy, vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” 15 Kẻ khác nói: “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” 16 Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy !”

17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.


 

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9:23)- Cha Vương

Xin Chúa đồng hành với bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 06/02/2025

TIN MỪNG: Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9:23)

SUY NIỆM: Đường Thánh giá: Con ơi! Càng thoát ly mình, con càng thấm tình Cha. Ta chỉ được bình an khi ta không lệ thuộc ngoại vật, ta cũng chỉ hiệp nhất với Chúa được khi bên trong ta biết tự thoát. Cha mong con tập sống xả kỷ, để hoàn toàn theo ý Cha, không từ nan (kiếm cớ từ chối việc khó khăn), không kêu trách. “Hãy theo Cha: vì Cha là Đường, là Chân lý, là Sinh lực” (Mt. 9, 9). Không có đường, biết đi về đâu. Không chân lý sao biết sống lành ? Thiếu sinh lực, sống sao nổi? Cha là đường con phải theo, là chân lý con phải tin, là sinh lực con phải cầu mong. Cha là đường không thể lạc, là chân lý không thể lầm, là sinh lực vô tận. Cha là đường thẳng tắp, là chân lý tối cao, là sống thật, sống hạnh phúc, sống tự hữu. Nếu con theo đường Cha “con sẽ biết chân lý, sẽ được tự do, và sẽ được sống muôn đời”. (Ga. 7, 42). Nếu con muốn được sống, hãy tuân giữ giới răn Chúa. (Mt. 19, 17). Nếu con muốn biết chân lý, hãy tin Cha. Con muốn nên hoàn thiện: hãy bán tất cả. Muốn làm môn đệ Cha: hãy dấn thân. (Ibib. 24; Lc.9,20). Muốn sống hạnh phúc: hãy coi nhẹ đời hiện tại. Muốn được địa vị cao trên trời: hãy tự hạ ở dưới đất. Muốn đồng trị với Cha hãy cùng vác Thánh giá với Cha. Chỉ có tôi trung của Thánh giá mới gặp được đường hạnh phúc và ánh sáng thật. Lạy Chúa! Đường Chúa đi hẹp quá và bị đời coi khinh: xin cho con biết theo Chúa và chịu đời khinh như Chúa. “Tôi tớ không trọng hơn chủ, môn đệ không ở trên Thầy” (Mt. 10, 24). Xin cho con biết tập sống cố gắng như Chúa, vì có thế con mới được rỗi và được nên thánh thật. Ngoài sự sống thần thiêng, mọi sách con đọc, mọi lời con nghe không khuây khỏa, thỏa mãn hẳn được con. (x. Sách Gương Chúa Giêsu, Q3:56)

LẮNG NGHE: Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. (Gl 2:19b-20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đường Chúa đi cũng là đường con đi, xin cho con nhận lấy thánh giá của đời con, cùng vác đi với Chúa lên đồi Calvariô, để cùng chết với Chúa, phục sinh với Chúa, và sống với Chúa muôn đời.

THỰC HÀNH: Hình ảnh Đức Giêsu chịu treo trên thập giá đem lại cho bạn ý nghĩa gì? Bạn hãy tập làm dấu thánh giá một cách chậm rãi, kính cẩn, và chủ tâm hơn để sứ điệp của cây thập giá được khắc sâu trong trái tim và trong cuộc đời bạn.

Nhạc Thập Giá Chúa

From: Do Dzung

***************************

Thập Giá Chúa || 십자가 || Nguyễn Anh Quý