CHẶNG THỨ 7: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai- Cha Vương

Xin Chúa Thánh Thần thêm sức cho bạn trong những giây phút yếu đuối nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 22/02/2025 24

CHẶNG THỨ 7: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai

TIN MỪNG: Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53:5)

SUY NIỆM: Chúa Giê-su đã từng được bao nhiêu người hâm mộ bây giờ Ngài bị từ chối, khinh bỉ và bị chà đạp. Sức nặng ngày càng đè nặng trên vai làm cho Chúa ngã xuống đất lần thứ 2 là do việc thiếu nỗ lực biến đổi hoặc hoán cải đời sống. Con người cứ lập đi lập lại cái tội đó mà không gắng sức để quyết tâm thay đổi, họ tiến được một bước về phía trước, và đôi khi lại lùi lại hai ba bước về phía sau.

XÉT MÌNH: Lướt qua những tội sau đây, tội nào mà bạn cứ lập đi lập lại: lười biếng không làm việc; bài bạc ăn uống rượu chè say sưa quá độ; nhìn ngắm hoặc tưởng nghĩ điều dâm ô, nói những lời dâm ô thô tục, những lời ám hiểu ý tà hoặc xem sách báo, phim ảnh khiêu dâm; tìm thú vui nhục dục bên ngoài cuộc sống hôn nhân, một mình hoặc với người khác; sản xuất, phổ biến sách báo, mua bán phim ảnh khiêu dâm; làm dịp cho người khác phạm những tội trên đây. Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, thánh giá nặng nề đang đè trên thân xác Chúa là hậu quả của tội lỗi con, xin giúp con biết vượt lên mọi yếu đuối thử thách hằng ngày và quyết tâm từ bỏ những tội xúc phạm đến đức khiết tịnh để thân xác, linh hồn con trong sáng xứng đáng là đền thờ cho Chúa Ba Ngôi ngự trị.

From: Do Dzung

************************

Tâm Hồn Trong Trắng 

TẠO NÊN MỘT KHÁC BIỆT – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 LỄ LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ, TÔNG ĐỒ, 

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.

Một triết gia nhận định, “Không một tiến bộ vĩ đại nào trong khoa học, chính trị và tôn giáo mà không gây tranh cãi! Cũng không một nhân vật nào có thể thắp sáng thế giới, truyền cảm hứng cho nó, ảnh hưởng nhất đến tâm trí nhân loại; để sau cùng, cứu lấy nhân loại cho bằng “Giêsu” – con người gây tranh cãi nhất thế giới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng ngày lễ Lập Tông Toà Thánh Phêrô hôm nay cho biết “Chúa Giêsu” – con người gây tranh cãi nhất thế giới – muốn thăm dò dư luận về Ngài; và quan trọng hơn, Ngài muốn biết câu trả lời của chính bạn và tôi, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đủ xác tín để trả lời câu hỏi đó sẽ là một ‘định hướng’ vốn có thể ‘tạo nên một khác biệt’ nơi bất cứ ai.

Trả lời “Thầy là ai?” sẽ quyết định cách sống các giá trị về niềm tin, niềm hy vọng, cuộc sống mai sau, lòng bác ái và sự phục vụ hiện tại của bạn và tôi. Tất cả những điều này được sống, được định hướng bởi một xác tín về Ngài là ai. “Thầy là ai?” liên quan đến một cam kết, một đòi hỏi thay đổi từ thái độ đến hành vi vốn có thể ‘tạo nên một khác biệt’ nơi bạn.

Phêrô đã trả lời, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!”. Với Phêrô, Đấng Kitô không chỉ là một tiên tri hay một thầy dạy nhưng còn là ‘một Ai đó’, ‘một Điều gì đó’ còn hơn thế – dẫu Phêrô không hiểu hết. Với ông, Ngài là một “Giêsu Kitô” ngang hàng với Thiên Chúa! Và rõ ràng, câu trả lời này đã đổi thay cuộc đời Phêrô, mở ra trái tim ông để ông có thể đón nhận ân sủng của Thánh Thần. Chính Thánh Thần – dần dà – đã dạy Phêrô hiểu, đây không phải là câu trả lời đơn thuần của trí tuệ, nhưng là của ân sủng ‘nhận được từ trên’. Từ đó, Phêrô dứt khoát dấn thân đến cùng cho một sứ vụ trước Thiên Chúa và trước thế giới.

Phêrô đã khuất phục Đấng Kitô; đổi lại, Ngài trao cho ông Hội Thánh, trao cho ông chìa khoá Nước Trời. Qua thư mình, Phêrô căn dặn các kỳ lão, “Hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó”; “không vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ!” – bài đọc một. Nhờ đó, đoàn chiên được chăm sóc, mỗi con chiên cảm nghiệm chính Chúa đang chăm bẵm mình, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Thầy là một con người gây tranh cãi nhất thế giới! “Chúa Kitô không phải là ký ức của quá khứ mà là Thiên Chúa của hiện tại. Nếu Ngài chỉ là một nhân vật lịch sử, thì ngày nay chúng ta không thể bắt chước Ngài. Chúng ta sẽ thấy mình phải đối mặt với vực thẳm lớn của thời gian – và trên hết – đối mặt với gương sáng của Ngài như ngọn núi cao ngất, không thể vượt qua; muốn leo lên đó nhưng lại thiếu khả năng và phương tiện. Thay vào đó, Giêsu đang sống! Hãy nhớ điều này! Giêsu đang sống! Ngài sống trong Giáo Hội, trong thế giới; đồng hành với chúng ta, bên cạnh chúng ta, ban cho chúng ta Lời và ân sủng, soi sáng và làm tươi mới chúng ta trên hành trình để mỗi người cũng có thể ‘tạo nên một khác biệt’ trong thế giới!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng ngại gây tranh cãi cho những chọn lựa của con. Để rốt cuộc, con chọn Chúa với những cam kết dứt khoát, và con cũng có thể ‘kiến tạo một khác biệt!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*****************************

 THỨ BẢY TUẦN VI TN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

13 Khi ấy, Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”


 

CHẶNG THỨ 6: Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lau mặt-Cha Vương

Cha Vương

Thư 6: 21/02/2025

CHẶNG THỨ 6: Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lau mặt

TIN MỪNG: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:40,42)

SUY NIỆM: Bà Veronica có lẽ là một người rất can đảm và liều lĩnh, dám lấy khăn thấm máu mặt một tên tử tội trên đường đến pháp trường. Không biết bà có nhận ra đó là Chúa Giê-su hay không nhưng cử chỉ của bà đã vạch ra một lối sống, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình thì bà lại luôn quan tâm đến người khác, lòng bà bị dày vò bởi sự khốn khổ của nhân loại, cho dù người đó là một người xa lạ, hay thậm chí là kẻ thù. Có bao giờ lòng bạn bị dày vò trước nỗi khổ của người khác chưa? Phản ứng của bạn ra sao? Ai là người cần đến sự giúp đỡ của bạn trong lúc này?

XÉT MÌNH: Đã bao lần bạn ngoảnh mặt làm ngơ hoặc thiếu bác ái trước những hoàn cảnh khốn khó của một ai đó, hoặc không chia sẻ gánh nặng hằng ngày với những người trong gia đình và những người chung quanh? Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, qua gương của bà Veronica, xin mở mắt con để con  khám phá ra khuôn mặt của Chúa nơi những người đang sống trong cảnh bần cùng đói khổ mà biết quan tâm, chia sẻ với hết khả năng của con hôm nay. Amen.

From: Do Dzung

***************************

Bảo Trân – Chúa Trong Đời Con 

MƠ ƯỚC NHƯ NGÀI ƯỚC MƠ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”.

“Tôi ước đủ trung thực để thừa nhận mọi khiếm khuyết; đủ thông minh để phân định lời tâng bốc; đủ cao để đứng trên sự dối trá; đủ mạnh để trân trọng tình yêu; đủ dũng cảm để đón nhận lời chỉ trích; đủ từ bi để hiểu yếu đuối của người khác; đủ sáng suốt để nhận lỗi; đủ khiêm tốn để đánh giá sự vĩ đại; đủ công chính để tận hiến cho Chúa; và đủ quảng đại để nên giống Chúa Kitô, hầu có thể mơ ước như ngài ước mơ!” – G. Taggart.

Kính thưa Anh Chị em,

Giấc mơ của Taggart được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Nó đặt ra một câu hỏi căn bản, “Bạn có muốn theo Chúa Kitô không?”; nói cách khác, “Bạn có muốn trở nên con người mà Chúa muốn bạn trở thành hầu có thể ‘mơ ước như Ngài ước mơ?’”.

Trừ khi câu hỏi này được trả lời trước, phần còn lại của những gì Chúa Giêsu nói sẽ không ảnh hưởng gì đến bạn và tôi! “Ai muốn theo tôi” tiết lộ rằng, ước muốn đi theo Chúa Kitô thường không phải là bước đầu tiên mà là bước cuối cùng! Bước đầu tiên là hiểu biết sự thật và yêu mến nó; bước thứ hai là làm theo những gì đã chọn; và bước thứ ba, sống và ‘mơ ước như Ngài ước mơ’ – vì lẽ – ân sủng Chúa Kitô đã tác động và bắt đầu biến đổi. Vậy, bạn sẽ “ước” điều gì một khi đã quyết định đi theo Chúa Kitô? Bạn sẽ ước muốn cả những gì Chúa Giêsu tiết lộ tiếp theo, đó là ước ao từ bỏ chính mình, vác thập giá và bước theo Ngài mỗi ngày. Bạn có thực sự ước được điều đó?

Thật dễ dàng để khao khát yêu và được yêu; tất cả chúng ta đều thích những lời tử tế và quan tâm, cả khi cho và khi nhận chúng. Nhưng một khi tình yêu Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta hướng đến sự vị tha và hy sinh ở một cấp độ cao hơn – hoặc cao nhất – và nếu bạn làm được thì đây chính là sự hoàn hảo của tình yêu! Nói cách khác, chúng ta được mời gọi để yêu thương mà không cần cân nhắc giá phải trả hay những đòi hỏi mà tình yêu đặt ra. Chúng ta được mời gọi yêu thương cả những gì đau đớn và gai góc một khi đó là ý muốn của Chúa. Ý muốn của Ngài hẳn bao gồm mọi hy sinh, ngay cả cái chết. Và như thế, tình yêu đích thực của chúng ta với Ngài – cuối cùng – là ‘mơ ước như ngài ước mơ!’.

Anh Chị em,

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”. Việc theo Chúa Kitô của bạn đòi hỏi một sự sẵn sàng đón nhận; thậm chí khao khát tất cả những gì ‘việc đi theo’ đó đòi hỏi! Chính Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài sẽ đặt ước muốn tốt lành ấy trong bạn. Hãy nói “Có” với Ngài, với Thập Giá của Ngài. Cuối cùng, bạn sẽ mãi mãi biết ơn chính mình về những gì đã làm! Và như thế, bạn đã đạt đến mức độ yêu thương mà qua đó, ước muốn hiến thân hoàn toàn cho Ngài mà không tính toán, dè giữ; thậm chí ước muốn cả những hành vi toàn hiến như Ngài, Đấng đã ôm lấy thập giá đời mình mà không do dự vì tình yêu Chúa Cha và tình yêu nhân loại; trong đó, có bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn nên giống Chúa! Dạy con bỏ mình mỗi ngày – từ việc nhỏ cho đến việc lớn – ý Chúa, không phải ý con; hầu con có thể ‘mơ ước như Ngài ước mơ!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************

Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 8,34 – 9,1)

8 34 Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ? 37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ? 38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”

9 1 Đức Giê-su còn nói với họ : “Tôi bảo thật các người : trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

Tại sao phụng vụ lặp lại hàng năm?- Cha Vương 

Good morning! Mỗi ngày, khi Chúa mở cánh cửa Thiên Đàng, với khuôn mặt hiền từ Ngài hỏi: ”Điều ước hôm nay của con là gì?” Mình trả lời: Xin Ngài hãy bảo vệ, trợ giúp, và hướng dẫn người đang đọc tin nhắn này!

Cha Vương 

Thứ 5: 20/02/2025 (23)

GIÁO LÝ: Tại sao phụng vụ lặp lại hàng năm? Như việc người ta mừng ngày sinh hay ngày cưới hàng năm, phụng vụ cũng cử hành những biến cố rất quan trọng của lịch sử cứu độ được lặp lại hàng năm. Nhưng có một khác biệt quan trọng là mỗi thời đại như thời đại ta bây giờ đều là thời gian của Chúa. Những tưởng nhớ đến sứ điệp và cuộc đời Chúa Giêsu đều là những gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống trong thời sự của chúng ta. (YouCat, số 185)

SUY NIỆM: Triết gia người Đan Mạch Kierkegaard có nói: “Hoặc ta coi mình như sống đồng thời với Chúa Giêsu, hoặc ta có thể để tất cả chìm vào dĩ vãng”. Sống Năm Phụng vụ theo đức tin làm cho ta trở nên người đồng thời với Chúa Giêsu. Không phải vì ta có thể dùng tư tưởng để đi vào thời của Người, đi vào đời sống của Người; nhưng bởi vì nếu ta dành chỗ cho Người, thì chính Người đi vào thời của ta và đi vào đời sống ta, nhờ sự có mặt của Người để chữa lành và tha thứ, nhờ sức mạnh phi thường của sự sống lại của Người.(YouCat, số 185 t.t.)

LẮNG NGHE: Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa. (Gv 3:1-8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con hiểu rằng giá trị đời người không tính bằng thời gian ngắn hay dài, nhưng ở chỗ sử dụng nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ Chúa ban để phục vụ cuộc sống ra sao. Xin giúp con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong tình yêu.

THỰC HÀNH: Hãy dành cho Chúa một chỗ trong khoảng thời gian 24 giờ mà bạn có hôm nay nhé. Nếu không thì ngày hôm nay cũng chỉ là ngày hôm qua không gì mới mẻ và ý nghĩa cả.

From: Do Dzung

*************************

Sống Trong Niềm Vui | Hà Thanh Xuân 

 

ĐỨC KITÔ BÊN TRONG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em bảo Thầy là ai?”.

Một giọng rè rè gọi đến kho quân cụ của sư đoàn; người ấy muốn biết số lượng quân trang, quân dụng. Viên trực nói, “Chúng tôi còn 3 xe Jeep, 4 xe tăng, 500 súng trường và một tấn đạn. Chúng tôi cũng còn hai chiếc Cadillac dành cho các tướng béo!”. Im lặng. Sau đó, “Một cách riêng tư, anh biết tôi là ai không?” – “Không!”. “Tôi là đại tướng Westin!”; “Tướng quân, ông biết tôi là ai không?” – “Không!”; “Hẹn gặp lại, Béo!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cuộc điện thoại thú vị đưa chúng ta về cuộc đối thoại của Tin Mừng hôm nay – dĩ nhiên – nghiêm túc hơn! Chúa Giêsu hỏi các môn đệ, “Anh em bảo Thầy là ai?” – một câu hỏi khó! Bởi lẽ, nó đặt câu hỏi về một ‘Đức Kitô bên trong’ mà chỉ trái tim mới có thể trả lời!

“Anh em bảo Thầy là ai?”. Với câu hỏi này, mỗi người chỉ có thể trả lời nó bằng cả đời sống; vì lẽ, phải sống nó, chiến đấu với nó và cam kết với nó! Câu hỏi ‘không xác định nhiều’ về Chúa Kitô, nhưng ‘xác định nhiều về người’ trả lời nó! Tôi đã có kinh nghiệm nào về Ngài? Cá nhân tôi đã học được gì nơi Ngài? Bởi lẽ, lịch sử của Ngài và lịch sử của tôi phải kết hợp với nhau để làm nên một chương duy nhất – ‘Ngài và tôi!’.

Vậy, nếu tôi không có gì nhiều để nói về Chúa Kitô – vì nội tâm của tôi bị lu mờ bởi vật chất và hơi hướng thế tục – thì tôi phải đưa câu hỏi về Ngài lên một cấp độ cao hơn, “Tôi là ai đối với Ngài?”. ‘Tôi là ai’ sẽ quyết định phần lớn đời sống cầu nguyện và cách cư xử thường ngày của tôi. ‘Đức Kitô bên trong’ chỉ được biết đến bởi những ai được Ngài mặc khải và sống trong ân sủng Ngài! Điều này sẽ không xảy ra theo cách tiếp cận đơn thuần khả giác – sáng lễ chiều kinh – cũng không diễn ra theo dòng chảy của các nghi lễ phụng vụ; nhưng Đức Kitô chỉ có thể được biết bằng một trải nghiệm cá nhân qua cầu nguyện, sống bác ái và qua việc kết hiệp với Ngài ‘trong từng hơi thở!’.

Vậy tại sao “Chúa Kitô là ai đối với tôi?” và “Tôi là ai đối với Chúa Kitô?” lại quan trọng đến thế? Quan trọng vì Ngài là mặc khải trọn vẹn ý định cứu độ của Chúa Cha, giao ước muôn đời của Cha. Và như thế “Cầu vồng”, dấu giao ước của Thiên Chúa thời Nôê – bài đọc một – là hình ảnh báo trước Đức Kitô, “Dấu Giao Ước” đời đời Chúa Cha dành cho con người! “Từ trời xanh Chúa đã nhìn xuống cõi trần!” – Thánh Vịnh đáp ca – mang ý nghĩa trong Đức Kitô, qua Đức Kitô, Thiên Chúa đoái thương cõi trần!

Anh Chị em,

“Anh em bảo Thầy là ai?”. Cho bạn và tôi, “Thầy là ai đối với con?”. Là những người được gọi, được sai đi; sao tôi vẫn vật vờ ươn ế? Là những người theo Chúa lâu năm – bị thói quen mài mòn – tôi đã đánh mất mặn nồng thuở ban đầu? Từng là sứ giả của hy vọng – nay chùn bước – tôi cần vực dậy bản thân để bắt đầu lại? Đúng thế! Chúa Kitô muốn trở thành ‘một Ai đó’ bên trong bạn và tôi; Ngài phải là trung tâm, điểm quy chiếu cho đời sống. Tắt một lời, Ngài muốn là tình yêu của tất cả mọi cuộc sống! Không quan tâm đến các ý kiến về mình, Ngài quan tâm ‘kích cỡ’ chỗ của Ngài trong tim mỗi người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì Chúa chiếm ngự toàn vẹn trái tim con! Từ đó, mọi tư tưởng, lời nói việc làm của con sinh ích cho tha nhân, cho thế giới… đều phát xuất từ Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

***************************************************

Thứ Năm Tuần VI Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” 28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” 


 

LÒNG VỊ THA – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi nói đến lòng vị tha, chúng ta giống như người nghệ sĩ vụng về chơi một cung đàn lạc điệu.  Những tin tức hằng ngày tại xã hội Việt Nam mà chúng ta đọc thấy trên mạng truyền thông cho thấy con người ngày càng hung dữ đối với đồng loại, thậm chí ngay cả trong gia đình.  Như một quán quân cần phải tập luyện gian khổ mới xứng nhận phần thưởng, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta phải vượt lên lối ứng xử của thời đại để trở nên những người vị tha nhân hậu.  Nền tảng cho lòng vị tha của Ki-tô hữu là “vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.  Người chậm giận và giàu tình thương” (Thánh vịnh 102 trong phần Đáp ca).  Con người được mời gọi sống nhân hậu, vì chính mỗi người cũng đã hơn một lần đón nhận lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mặc dù có thể họ không nhận ra.  Như người con chẳng mấy khi ý thức hoặc nhận ra lòng tốt của cha mẹ, trong khi tình thương cha mẹ thì luôn mênh mông tràn đầy.

Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, và những ai tin vào Ngài cũng phải sống nhân hậu.  Đó là thông điệp chính mà Lời Chúa hôm nay muốn chuyển đến chúng ta.  Vua Đa-vít là một mẫu gương về lòng vị tha.  Chính lúc đang bị Sa-un truy đuổi để sát hại, vì ghen tương, Đa-vít có cơ hội tiếp cận Sa-un trong một cái hang rộng lớn.  Lúc này, ông có thể giết chết người đang truy đuổi mình một cách dễ dàng.  Tuy vậy, Đa-vít không làm thế, vì ông là người trung nghĩa.  Ông tôn trọng người đã được Thiên Chúa xức dầu, mặc dù người đó có lỗi lầm đến đâu chăng nữa.  Vua Đa-vít để lại tiếng thơm cho các thế hệ người Do Thái và cho tất cả chúng ta.  Ông được tôn vinh là “Thánh Vương” và là niềm tự hào của dân tộc Do Thái.

Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa.  Người được sai xuống trần gian để rao giảng về lòng từ bi nhân hậu của Chúa Cha.  Trong giáo huấn của Người, Người luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên những người lành cũng như kẻ dữ, làm mưa xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương.  Người đã chúc phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (x. Mt 5, 7).  Những đề nghị của Người trong Tin Mừng hôm nay xem ra vô cùng khó khăn và đòi hỏi Ki-tô hữu phải có nhân đức tới mức anh hùng.  Những đề nghị của Chúa trong Tin Mừng cũng đi ngược hoàn toàn với quan niệm đời thường.  Bởi lẽ người đời tự nhiên có khuynh hướng hơn thua, ăn miếng trả miếng, chứ nhất định không chịu thiệt.  Đó cũng là quan niệm của Kinh Thánh Cựu ước, theo giáo huấn của ông Môi-sen.  Trong khi đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta: hãy tha thứ và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình.  Đức bác ái Ki-tô giáo đạt tới mức siêu việt ở những điểm này.  Đối với các môn đệ của Chúa Giê-su, không ai còn là kẻ thù, nhưng tất cả là huynh đệ trong cùng một gia đình có Chúa là Cha.  Như trên đã nói, nền tảng của lòng vị tha Ki-tô giáo đặt để trên chính bản tính của Thiên Chúa.  Điều đó có nghĩa, nếu chúng ta thực thi lòng nhân hậu, là vì Chúa là Đấng nhân hậu.  Chính chúng ta cũng đã từng đón nhận lòng nhân hậu của Chúa, nên chúng ta hãy sống nhân từ như Chúa Cha.  Thực thi lòng nhân hậu, đôi khi phải chịu thiệt thòi về danh dự hoặc những điều khác.  Hãy nhìn lên thập giá, nơi Đức Giê-su chịu khổ hình.  Người bị người đời xỉ vả khinh thường, nhưng cũng qua biến cố này, Chúa Giê-su trở nên nguyên nhân cứu rỗi và là gương mẫu cho chúng ta trong sự hy sinh và lòng quảng đại.

Dẫu đang sống trong cuộc đời dương thế, Ki-tô hữu là người thuộc về thượng giới.  Thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh ông A-đam để so sánh với Chúa Giê-su.  A-đam tượng trưng cho những gì thuộc về đất (lưu ý, trong nguyên ngữ Do Thái, chữ “A-đam” có nguồn gốc từ chữ ADAMA có nghĩa là “đất”), và Chúa Giê-su tượng trưng cho những gì thuộc về trời.  Nhờ tin vào Chúa Giê-su, chúng ta thuộc về trời, và đang tiến bước tiến về quê trời.  “Hướng về trời”, đó là cách nói diễn tả những cố gắng nỗ lực để nên hoàn thiện trong chính hoàn cảnh cụ thể của mình, trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em đồng loại.

Giữa bối cảnh xã hội còn nhiều xung đột và bạo lực, Ki-tô hữu được mời gọi trở nên dấu chỉ của lòng nhân hậu.  Khi thực thi bác ái và tha thứ, sẽ có nhiều hệ lụy kèm theo, nhưng chắc chắn một điều, là khi tha thứ, chính bản thân chúng ta cảm nhận niềm vui và chính chúng ta cũng được Chúa thứ tha.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. (Lc 19:2) – Cha Vương

Thứ Tư chúc  thánh thiện và tốt lành nhé.

Cha Vương

Th 4: 19/02/2023-25

TIN MỪNG: ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. (Lc 19:2) 

SUY NIỆM: Khi nghĩ đến một người thánh thiện, ai là người đầu tiên mà bạn nghĩ đến? Thiết tưởng rằng người mà bạn nghĩ đến là một vị thánh nổi tiếng?Một linh mục khiêm nhường? Một nữ tu thánh thiện? Một thầy dòng đơn sơ? Hay một người tốt lành nào đó mà bạn ngưỡng mộ… Những người này tuy rằng họ tốt lành và thánh thiện đó những không phải điều gì họ làm cũng là hoàn toàn tốt và đúng bởi vì họ vẫn là con người. Đã là con người thì chắc chắn phải có bất toàn. Sự thánh thiện và tốt lành của họ cũng chỉ là tương đối thôi. Hôm nay Chúa nói: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Điều này muốn nói vời bạn rằng, thánh thiện và hoàn thiện đều thuộc về Thiên Chúa và tội lỗi là bản chất của con người. Nói cách khác đi, tất cả loài người đều là tội nhân, các thánh cũng đã từng như vậy! Nhưng đối với các thánh, các ngài tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và không để cho những yếu đuối của các ngài gây tê liệt ước muốn nên thánh mỗi ngày. Để đạt được một đời sống thánh thiện không phải là điều dễ dàng bạn ạ. Bạn phải ao ước và quyết tâm. Có bao giờ bạn đón chào một ngày mới với một quyết định rằng: “ngày hôm nay tôi phải sống thánh thiện” chưa? Việc quyết định và quyết tâm sống thánh thiện của bạn là khởi điểm của một hành trình nên thánh mỗi ngày đó. Nếu bạn không ao ước, không quyết định và không quyết tâm thì bạn không bao giờ đạt được. Để đạt được đời sống thánh thiện bạn chỉ cần luyện tập hai nhân đức thôi: (1) lòng khiêm nhường bước theo chân Chúa, (2) hết lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Tất cả các thánh đã đạt được hai nhân đức này trong công việc hằng ngày của họ. Chúc bạn thành công trong hành trình nên thánh mỗi ngày.

LẮNG NGHE: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5:48)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cất đi những yếu đuối và bấn hèn của con và ban cho con lòng khiêm nhường để con bước theo chân Chúa suốt cuộc đời con. Lạy Chúa Giêsu con hết lòng tin tưởng nơi Chúa!

THỰC HÀNH: Hãy chọn một lĩnh vực tội lỗi hoặc cám dỗ mà bạn đang cố gắng vượt qua và quyết định cách thức bạn cũng có thể thực hành đức tính ngược lại.

From: Do Dzung

***********************

Tin Vào Tình Chúa – Nguyễn Hồng Ân

ÍT NHẤT, MỘT BƯỚC – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngài lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn”.

“Tôi đã định đoạt toàn bộ tài sản cho gia đình. Một điều nữa tôi ước có thể cho họ – niềm tin vào Chúa Kitô. Nếu họ có Ngài – dẫu tôi không trao họ một đồng nào – họ cũng đã giàu có! Nhưng nếu không có Ngài – và tôi trao họ cả thế giới – họ vẫn nghèo! Vì thế, hãy không ngừng đến gần Ngài! Mỗi ngày, ít nhất, một bước!” – Patrick Henry.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời khuyên của Henry được gặp lại trong câu chuyện anh mù được chữa lành hôm nay! Thật thú vị, lần đầu tiên, dường như Chúa Giêsu không thành công! Vì sau lần đầu Ngài đặt tay, anh mù chỉ thấy “người ta như cây cối đi đi lại lại”. Ngài phải đặt tay trên anh một lần nữa, để anh thấy rõ và khỏi hẳn. Như anh mù, trong đời sống thiêng liêng, bạn và tôi cũng phải lớn lên và đi tới mỗi ngày – ‘ít nhất, một bước!’.

Trong câu chuyện này, dường như anh mù chỉ có một chút đức tin, nghĩa là không nhiều. Kết quả là, Chúa Giêsu chỉ chữa lành anh một phần như để chứng tỏ cho sự thiếu đức tin của anh. Nhưng đồng thời, Ngài cũng tiết lộ rằng, một chút đức tin vẫn có thể dẫn đến một đức tin lớn hơn. Vì khi có thể nhìn thấy một chút, anh bắt đầu tin – và khi đức tin của anh lớn hơn – Chúa Giêsu lại đặt tay để hoàn tất việc chữa lành.

Đây là một minh hoạ sâu sắc cho đời sống thiêng liêng! Một số người có thể hoàn toàn tin tưởng vào Chúa trong mọi sự; nếu đó là bạn, thì quả thực bạn may mắn! Nhưng trình thuật đặc biệt dành cho những người có đức tin nhưng vẫn còn đấu tranh. Đối với những ai rơi vào trường hợp này, Chúa Giêsu mang đến niềm hy vọng. Hành động chữa lành hai lần của Ngài cho thấy, Thiên Chúa kiên nhẫn, Ngài chờ đợi để lấy những gì chúng ta có – dù nhỏ nhoi – những gì chúng ta dâng hiến – dù hạn hẹp – để sử dụng chúng một cách tốt nhất cho phần rỗi của chúng ta. Ngài muốn chúng ta tiến lên, ‘ít nhất, một bước’; và Ngài sẽ làm những gì còn lại để biến đổi đức tin nhỏ bé này, hầu sau đó mỗi người có thể bước một bước lớn để đến với Ngài!

Điều tương tự cũng có thể áp dụng đối với tội lỗi. Đôi khi chúng ta buồn phiền vì tội lỗi một cách không trọn vẹn; và đôi khi phạm tội, nhưng chúng ta không buồn phiền vì nó, dù biết đó là điều sai trái. Nếu đó là bạn, thì hãy cố gắng tiến lên, ‘ít nhất, một bước’ hướng tới sự chữa lành trọn vẹn của Bí tích Hoà Giải. Đang khi chờ đợi đến được với Bí tích, hãy cố gắng cầu xin rằng, bạn sẽ lớn lên trong ước muốn từ bỏ tội lỗi và sẽ được tha thứ. Đó có thể là mức tối thiểu, nhưng Chúa sẽ ban ơn và Ngài sẽ đỡ nâng.

Anh Chị em,

“Ngài lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn”. Hôm nay, hãy suy ngẫm về anh mù! Hãy suy ngẫm về sự chữa lành gấp đôi cũng là sự ‘hoán cải gấp đôi’ anh đã trải qua! Anh mù chính là bạn và tôi; và rằng, Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta tiến thêm một bước trong đức tin và cả trong sự ăn năn tội lỗi của mình. Hãy tiến lên! ‘Ít nhất, một bước’ mỗi ngày, đừng bao giờ ngã lòng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin tận dụng chút đức tin nhỏ bé của con; chút đau buồn ít ỏi của con, hầu lôi kéo con đến gần Chúa, đến với lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài!”, Amen.

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*******************************************************

Thứ Tư Tuần VI Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến, và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. 23 Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” 24 Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.” 25 Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. 26 Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”


 

 

CẬY TRỜI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê!”.

Một bánh xe gỗ rơi mất một mảnh – khập khà khập khiễng – vụng về lăn qua các nẻo đường để tìm lại mảnh vỡ đã mất. Nhờ khiếm khuyết này, nó trở nên thân thiện với hoa lá cỏ cây hai bên đường. Ngày kia, nó tìm được mảnh vỡ và cố sức ráp lại; nó thấy mình tròn trịa duyên dáng. Nhưng cũng từ đó, ‘kiêu hãnh’ đã khiến nó không còn thân thiện như trước. Nó xé gió, lao vun vút; cỏ cây, chim chóc khiếp hãi. Cảm thấy cô đơn, bánh xe quyết định tháo mảnh vỡ và ném nó thật xa. Nó trở nên chính mình; lần thần, chậm chạp; nhưng lạ thay, rất bình an! Chim chóc, ong bướm, cỏ cây… vẫy tay chờ nó.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với trải nghiệm khá đắt của chiếc bánh xe, Lời Chúa hôm nay nói đến ‘kiêu ngạo’ – một điều mà Thiên Chúa gớm ghiếc! Loài người kiêu ngạo, các môn đệ kiêu ngạo. Đó là những con người ‘cậy mình’ mà quên ‘cậy Trời’ đang khi Thiên Chúa thì ngược lại, Ngài yêu thích những con người khiêm hạ vốn ‘cậy Trời’ mà không ‘cậy mình!’.

Bài đọc Sáng Thế nói, “Thiên Chúa thấy trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu”; Ngài đau lòng thốt lên, “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, Ta hối hận vì đã làm ra chúng!”. Giữa loài người kiêu căng đó – may thay – Thiên Chúa tìm thấy Nôê, một người tuyệt đối khiêm nhường cậy trông vào Ngài và Ngài đã cứu ông cùng gia đình ông.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ bài học khiêm nhường nhân việc họ không có bánh. Phải chăng Ngài đã đọc được sự tự phụ nơi các môn đệ khi họ đổ lỗi cho nhau, “Quên đem bánh theo”; hay phải chăng họ ỷ lại việc đã có Thầy quyền phép – người đã từng nuôi đến mấy ngàn người với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá; hay phải chăng lòng họ đã quá hả hê vì các phép lạ Thầy làm đến nỗi vô lo? Chúa Giêsu khuyến cáo, “Phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê!”. Pharisêu là những người coi mình đạo đức, may mắn hơn người nhờ việc cầu nguyện, ăn chay và giữ luật nhiệm nhặt; men Hêrôđê là những người cậy vào quyền lực, sự ảnh hưởng. Đó là lý do để những con người này khinh dể kẻ khác; thậm chí, coi khinh cả Thầy trò Chúa Giêsu.

Anh Chị em,

“Phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê!”. Chớ gì, bạn và tôi là những người khiêm hạ trước Chúa. Để được vậy, điều quan trọng là chúng ta phải suy ngẫm thường xuyên cùng với lòng biết ơn rằng, “Bạn có gì mà đã không nhận được?”. Hãy nhớ, ngay cả việc nên thánh của mỗi người chúng ta cũng khởi sự từ Thiên Chúa. Và nếu Ngài đã đưa chúng ta tiến xa đến mức này chỉ với ‘một lượng hợp tác’ ít ỏi từ phía mỗi người, thì chúng ta có thể tiến xa hơn biết mấy nếu cống hiến hết mình cho Ngài? Được như thế, bao điều tốt đẹp sẽ nảy sinh trong cuộc sống, bao vấn đề sẽ được bàn tay Ngài định hình vì lợi ích của linh hồn mỗi người! Đừng quên, Thiên Chúa yêu thích những con người khiêm tốn – những con người ‘cậy Trời’ mà không ‘cậy mình!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hợm hĩnh ‘cậy mình’ – và tệ hơn – ‘cậy người’; điều này chỉ làm con thêm ‘vô liêm sĩ’. Trong mọi sự, cho con cậy trông vào Chúa, kể cả việc nên thánh!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**********************************************

Thứ Ba Tuần VI Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

14 Khi ấy, các môn đệ Đức Giê-su quên đem bánh theo ; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. 15 Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” 16 Các ông mới bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. 17 Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! 18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: 19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” 20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” 21 Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”


 

LÀM NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA THƯƠNG – Rev. Ron Rolheiser, OMI


 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Tin mừng theo thánh Gioan cho chúng ta thấy một hình ảnh thần nghiệm rất hùng hồn mà khá trần tục.  Khi thánh Gioan mô tả Bữa Tiệc Ly, ngài cho chúng ta biết rằng trong bàn tiệc, người môn đệ mà Chúa thương ngồi ngả đầu vào ngực Chúa.

Tôi tin là các họa sĩ nắm bắt sức mạnh của hình ảnh này tốt hơn là các thần học gia và học giả Kinh thánh.  Các họa sĩ và diễn giải nghệ thuật thường thể hiện hình ảnh này như sau: Người môn đệ Chúa thương ngả đầu vào ngực Chúa với một tai hướng thẳng vào tim Chúa Giêsu, nhưng mắt thì nhìn thẳng vào thế giới.

Đúng là một hình ảnh hùng hồn!  Nếu đặt tai vào ngực người khác, bạn có thể nghe được tiếng tim họ đập.  Thế thì người môn đệ này là người hòa chung nhịp tim của Chúa và đang nhìn ra thế giới từ điểm quy chiếu đó.

Xa hơn nữa, thánh Gioan cho chúng ta một loạt hình ảnh để thực tế hóa những hệ quả từ việc nghe tiếng tim Chúa.

Trước hết, người môn đên Chúa thương đã đứng cạnh Đức Mẹ dưới chân thập giá Chúa Giêsu.  Hình ảnh này gói gọn điều gì?  Trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu thừa nhận là đôi khi bóng tối có vẻ lấn át sự thiện và dường như Thiên Chúa bất lực.  Đôi khi bóng tối lấn lướt!  Cái chết của Chúa Giêsu là một trong những lúc như thế, và người môn đệ Chúa thương, cũng như Đức Mẹ, không thể làm gì khác ngoài đứng đó bất lực giữa muôn trùng tối tăm và bất công.  Chẳng thể làm được gì ngoài đứng đó bất lực.  Nhưng khi đứng đó, người môn đệ Chúa thương cũng chung vai sát cánh với hàng triệu người nghèo và những nạn nhân trên khắp thế giới, những người chẳng thể làm gì trước cảnh ngộ của mình.  Khi người ta đứng đó bất lực, khi chẳng thể làm được gì, khi sự hữu hạn của con người câm nín, thì có thể nảy lên lời cầu nguyện thâm sâu nhất.  Rồi sau đó, người môn đệ Chúa thương đưa Đức Mẹ về nhà mình, một hình ảnh không cần phải giải nghĩa gì thêm.

Tuy nhiên, có một hình ảnh thứ hai liên kết với người môn đệ Chúa thương ngả đầu vào ngực Chúa, mà chúng ta cần giải nghĩa đôi chút.  Khi người môn đệ đó ngả vào ngực Chúa, thì có một cuộc đối thoại đáng để ý diễn ra.  Chúa Giêsu bảo các môn đệ là một người trong số họ sẽ phản bội Ngài.  Thánh Phêrô quay sang người môn đệ Chúa thương mà nói: “Hỏi thầy xem đó là ai?”  Điều này gợi lên chất vấn: Tại sao Phêrô không tự hỏi Chúa câu đó?  Thánh Phêrô đâu có ngồi xa Chúa đến mức không thể tự mình hỏi Chúa câu đó.

Hơn nữa, câu hỏi của thánh Phêrô có tầm quan trọng thực sự khi xét theo bối cảnh sử học.  Các học giả ước chừng Tin Mừng theo thánh Gioan được viết vào khoảng những năm 90 đến 100.  Khi đó thánh Phêrô đã được công nhận là giáo hoàng và đã chịu tử đạo rồi.  Đoạn Tin Mừng này đang nói lên rằng sự mật thiết với Chúa Giêsu cao hơn bất kỳ điều gì khác, kể cả vai vế trong giáo hội, kể cả có là giáo hoàng đi chăng nữa.  Lời cầu nguyện của tất cả mọi người đều đi qua người môn đệ Chúa thương.  Đức Giáo hoàng không thể cầu nguyện với tư cách Giáo hoàng, nhưng là với tư cách một người môn đệ được Chúa thương như bao Kitô hữu khác.  Đức Giáo hoàng có thể cầu nguyện cho thế giới và giáo hội với tư cách Giáo hoàng, nhưng chỉ có thể cầu nguyện riêng với tư cách người môn đệ Chúa thương.

Cuối cùng, trong Tin Mừng theo thánh Gioan nêu bật lên khái niệm rằng sự mật thiết với Chúa Giêsu thì quan trọng hơn vai vế trong Giáo hội, và điều này được mô tả rõ hơn nữa trong buổi sáng ngày Phục Sinh.  Maria Magdalena chạy từ mộ về và bảo các môn đệ là ngôi mộ trống.  Thánh Phêrô và người môn đệ Chúa thương liền chạy ngay đến mộ.  Ta có thể dễ dàng đoán ra ai là người đến đó trước.  Người môn đệ Chúa thương dễ dàng đến trước thánh Phêrô, không phải bởi có lẽ do trẻ hơn, nhưng là do tình yêu thì mạnh hơn vị thế.  Đức Giáo hoàng cũng có thể đến đó trước, nếu ngài chạy với tư cách người môn đệ Chúa thương chứ không phải tư cách giáo hoàng.

Và mọi người cho rằng người môn đệ Chúa thương chính là thánh Gioan.  Có thể đúng là thế, nhưng đấy không phải điều mà những đoạn Tin Mừng này muốn nói.  Thân thế theo sử học của người môn đệ Chúa thương được bỏ ngỏ một cách có chủ đích, là bởi Tin mừng muốn khái niệm về người môn đệ Chúa thương là một lời mời gọi và một vai trò hợp với bạn, với mọi Kitô hữu trên đời, bao gồm cả giáo hoàng nữa.

Vậy ai là người môn đệ Chúa thương?  Người môn đệ Chúa thương có thể là bất kỳ ai, nam nữ trẻ em, miễn là mật thiết với Chúa Giêsu đủ để hòa nhịp với nhịp tim của Chúa, và nhìn thế giới từ góc nhìn của sự mật thiết đó, cầu nguyện từ sự mật thiết đó, và ra đi trong yêu mến đến tìm Chúa Giêsu Phục sinh và hiểu được ý nghĩa của ngôi mộ trống.

Các hình ảnh thần nghiệm được giải nghĩa rõ nhất nhờ các nhà thần nghiệm khác.  Nghĩ như thế, tôi xin để lại cho các bạn một hình ảnh từ Đan phụ Sa mạc thế kỷ IV, Evagrius Ponticus.

Ngực Đức Chúa
Vương quốc Ngài
Ai ngả vào đấy
Là thần học gia

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim 


 

Cầu nguyện trong thế giới hôm nay – Tác giả: Phùng Văn Phụng

 Phùng Văn Phụng

Tôi có nghe bài giảng của linh mục Nguyễn Tầm Thường (Nguyễn Trọng Tước) có nói đến tác dụng của cầu nguyện.

1)Một thí nghiệm khoa học đã chứng minh cầu nguyện có kết quả như sau:

Trong nhà thương chia làm hai nhóm bịnh nhân. Một nhóm bịnh nhân không được cầu nguyện và và một nhóm được cầu nguyện.

Sau một thời gian cầu nguyện, thử máu của nhóm bịnh nhân được cầu nguyện thì hệ thống miễn dịch cao hơn là nhóm bịnh nhân không được cầu nguyện.

Khi gặp những vấn đề nan giải, ta không thể giải quyết được, nếu thực sự cầu nguyện với lòng cậy trông, sự kiên nhẫn, lòng thành kính, tin tưởng vào Thiên Chúa, Chúa sẽ giúp ta sáng suốt để giải quyết những khó khăn.

2)Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện là nói chuyện, tâm sự với Chúa như người con tâm sự với cha mình vậy. Cầu nguyện là cảm tạ, thờ lạy Chúa, ăn năn và xin ơn vì “hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì cửa sẽ mở cho (Mt 7,7 và Luca 11, 13)

Ơn thánh hoá.

Khi ta cầu nguyện ta dễ thánh hoá cuộc đời chúng ta, ta bớt hoặc tránh được nhiều cạm bẫy xấu như tham lam, danh vọng, tiền bạc,

Ơn yêu thương, bao dung hơn, tha thứ hơn.

Ta dễ có lòng bao dung hơn không nuôi hận thù, ghen ghét ai bởi vì nếu hận thù ghen ghét người khác (nhất là những người thân trong gia đình như anh chị em, bà con thân thuộc hay cha mẹ, con cháu) người bị ảnh hưởng nhiều nhất là chính ta vì làm cho ta buổn rầu, đau khổ, không ngủ được. Nếu tình trạng này xảy ra lâu dài sẽ bị STRESS, sức khỏe sẽ suy giảm sinh ra nhiều thứ bịnh khác… sự bất an về tinh thần đưa đến các  bịnh bao tử, bịnh gan, bịnh tim, bịnh tâm thần hay bịnh ung thư …

Ơn bình an, bình tĩnh, không giận dữ, bớt nổi nóng. Khi ta cầu nguyện với Chúa, tâm hồn ta bình an hơn, vui vẻ hơn.

Cuộc sống tích cực, không bi quan buồn chán.

Gia đình nào cũng có sự xung đột nhưng hoá giải được sự xung đột đó là vấn đề trong tâm hồn của mỗi người trong gia đình. Nếu gia đình các con yêu thương nhau thì cha mẹ vui vẻ, bình an, ngược lại khi con cái bất hoà nhau, cha mẹ không vui mà các thành viên trong gia đình đó cũng không vui. Vậy gia đình nào có sự bất hoà, xung đột nhau thì gia đình đó mất phúc thiên đàng ở đời này rồi.

Gương thánh Monica (331 – 387), mẹ của thánh Augustinô, 

Thánh Monica sinh năm 331 tại Tagaste, Bắc Phi (nay là Souk Ahras, thuộc Algeria). Nhờ nước mắt và sự kiên trì cầu nguyện của người mẹ là thánh Monica…mà Augustinô là một tội nhân trở thành thánh nhân.

Thánh Augustinô được rửa tội lúc 33 tuổi, rồi làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi.

Những lời cầu nguyện và gương lành của Thánh Monica cũng đã khiến chồng và mẹ chồng trở lại Công giáo (1)

*****

3)Cầu nguyện được xem là giải pháp điều trị thay thế phổ biến nhất ở xã hội Mỹ ngày nay. Có hơn 85% những người phải đương đầu với bệnh nặng đã cầu nguyện, theo một nghiên cứu của Đại học Rochester.

Tiến sĩ Herbert Benson, một chuyên gia tim mạch tại Trường Y Harvard và một người tiên phong trong lĩnh vực y học tâm – thân, đã phát hiện điều gọi là “phản ứng thư giãn” (response of relaxation) xảy ra trong thời gian cầu nguyện và thiền định. Vào những lúc như vậy, sự trao đổi chất của cơ thể giảm xuống, nhịp tim chậm, huyết áp giảm xuống, và hơi thở của chúng ta trở nên bình ổn và đều đặn hơn.

TS Benson, có hơn một nửa những người đến thăm khám bác sĩ ở Mỹ ngày nay có vấn đề bệnh tật, như trầm cảm, huyết áp cao, viêm loét và đau nửa đầu… phân nửa gây ra bởi căng thẳng và lo lắng.(2)

Ghi chú:

 Xem thêm: (2)

a)Vì sao những người thường xuyên cầu nguyện có sức khỏe tốt hơn?

https://songhanhphuc.net/tin-tuc/vi-sao-nhung-nguoi-thuong-xuyen-cau-nguyen-co-suc-khoe-tot-hon

b) Cầu nguyện khi cảm thấy dường như vô ích

https://daminhbuichu.net/cau-nguyen-khi-cam-thay-duong-nhu-vo-ich/

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Ngày 17 tháng 02 năm 2025