Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3:21-22)-Cha Vương

Chào buổi sáng, cục cưng của Chúa! Lời chúc hôm nay là Bạn có được 1 quả tim giàu lòng từ bi và nhân hậu để mang yêu thương vào nơi oán thù.

Cha Vương

CN: 12/01/2025

TIN MỪNG: Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3:21-22)

SUY NIỆM: Thiết tưởng rằng có lần Bạn đã từng hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại nhận phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả? Nếu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Jordan là một hình thức công khai sám hối để xin tha mọi tội lỗi.  Như vậy Chúa Giê su có tội gì mà phải sám hối? Chắc chắn Chúa không hề có tội gì khiến Người  phải công khai sám hối bằng cách nhận phép rửa của thánh Gioan. Chúa không có tội, không cần sám hối,  nhưng đã xin Gioan làm phép  rửa  vì theo lời tuyên xưng của Gioan về Chúa với các môn đệ ông thì: “ Đây  là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1: 30). Ngài đến để THÁNH HOÁ bằng chính Máu của Chúa trên Thập giá, để cứu chuộc nhân loại. Hành động khiêm nhượng và tự hủy (self-emptying) của Người đã được Chúa Cha chứng dám:” Đây là Con chí ái của Ta, kẻ làm đẹp lòng Ta mọi đàng, kẻ Ta sủng mộ “( Mt 3, 17). Chính vì thế, qua Bí tích Thánh tẩy, Bạn được: (1) Tha tội nguyên tổ và mọi tội riêng ta phạm trước khi rửa tội, cùng mọi hình phạt do tội gây ra.

(2) Sinh lại vào đời sống mới, trở thành con cái Chúa Cha, chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần.

(3) Gia nhập vào Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô.

(4) Ghi vào trong linh hồn một dấu ấn thiêng liêng vĩnh viễn, để dự phần vào chức tư tế của Chúa Kitô. Do đó, Đức Giêsu chính là gương mẫu của đời sống Kitô hữu và Người là cùng đích để Ta luôn nhắm tới. Khi lãnh bí tích Rửa tội ta được Thiên Chúa yêu thương tha thứ mọi tội lỗi, cho ta được làm con cái Chúa, được gia nhập vào gia đình của Chúa là Hội Thánh. Vậy Ta cũng phải có những lời hứa với Chúa chứ?

Bạn đã hứa với Chúa những gì? Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thề hứa: (1)Từ bỏ ma quỷ.

(2) Xa lánh tội lỗi.

(3)Tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và giữ lề luật của Ngài. Xin Bạn đừng thất hứa với Chúa nhé. Có lần nào Bạn đã thất hứa với Chúa chưa?

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con cảm nghiệm ra mình là con yêu dấu của Chúa, luôn ý thức con người yếu đuối tội lỗi của mình, để con không tự kiêu tự mãn, nhưng luôn khiêm nhường để biết cúi mình xin ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.

LẮNG NGHE: Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. (Galát 3:37)

THỰC HÀNH: Cố gắng tập bỏ đi một tật xấu hay một tội hay phạm nhất hôm nay.

From: Do Dzung

********************************

Nhóm Thánh Phụng Vụ – Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa  

Đức cậy [hy vọng] là gì?- Cha Vương

Cuối tuần ấm áp và an lành nhé! Bạn thân mến, Giáo hội mới bước vào Năm Thánh với chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”. Có người hỏi: “Giữa đức cậy và hy vọng có gì khác nhau không?” “Đức Cậy” hay còn gọi là đức “Hy Vọng”, đều có nghĩa chung là đặt niềm trông cậy, hy vọng vào một ai đó. Đối với người ngoại đạo, niềm hy vọng của họ đặt vào các vị thần linh để mong đón nhận những thiện hảo vật chất, còn niềm hy vọng của người Ki-tô hữu mang chiều kích thiêng liêng, được cắm rễ và xây dựng trên chính Thiên Chúa. Niềm hy vọng của đạo Kitô giáo vượt trên tất cả mọi thứ cân đo đong đếm liên quan đến các sự vật trần thế. Đó là niềm hy vọng mà Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô, Đấng qui tụ mọi người tin vào vương quốc Ngài.

Cha Vương

Thứ 7: 11/1/2025

GIÁO LÝ: Đức cậy [hy vọng] là gì? “Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta trông mong Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và nương tựa vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình” (GLCG 1817). Đây là nhân đức giúp ta chắc chắn và bền lòng mong ước điều ta phải làm ở đời này là ca tụng Chúa, phụng sự Chúa, và tìm hạnh phúc thật trong Chúa. Bởi vì chỗ ở cuối cùng của ta là ở nơi Thiên Chúa. (YouCat, số 308)

SUY NIỆM: Dù ta chưa thấy, đức cậy là trông mong những gì Thiên Chúa đã hứa do Tạo dựng, do các tiên tri, nhất là do Chúa Kitô. Thánh Thần của Thiên Chúa được ban cho ta để ta trông cậy vững vàng vào điều tốt chân thật. (YouCat, số  308 t.t.)

❦  Trông cậy là tin vào cuộc phiêu lưu của tình yêu, tin vào mọi người, nhảy vào chỗ mình chưa biết và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. (Thánh Augustinô)

❦  Bạn sẽ có ấn tượng rằng chỗ ở trên trời được dành cho bạn, cho mình bạn thôi, bởi vì bạn đã được tạo dựng cho chỗ đó. (C.S Lewis)

LẮNG NGHE: Nhưng những người cậy trông ĐỨC CHÚA thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Is 40:31)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa con đặt hết niềm hy vọng vào Chúa. “Xin Chúa nâng con lên thật cao, ôm trọn con vào lòng để con được chìm sâu trong lòng đại dương thương xót của Chúa.”

THỰC HÀNH: Có bao giờ bạn suy nghĩ như này: Chúa nhân từ vô cùng, không nỡ phạt bao giờ, nên coi thường việc tuân giữ luật Chúa, tự do buông thả? Đây là lối suy sai về lòng nhân từ của Chúa.  Hãy luôn nhớ rằng: “Chúa nhân từ vô cùng nhưng cũng công bằng vô cùng”, Ngài sẽ thưởng phạt cân xứng với công và tội. Mời bạn hãy đổi lại cách suy nghĩ này nhé.

From: Do Dzung

***************************

Chúa Là Hy Vọng | St: Lm. Thái Nguyên | Tb: Hạnh Nguyên & Khánh Duy

“…Chúa là hy vọng đời con, đời con sống nương nhờ Ngài Dẫu bao năm dài tình Ngài chẳng phai. Chúa hằng ấp ủ đời con, đời con phó thác nơi Ngài Sẽ không lo ngại bước đường ngày mai…”

Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào?- Cha Vương

Một ngày bình yên và ấm áp trong yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 10/1/2025

GIÁO LÝ: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào? Mọi người bình đẳng trước Thiên Chúa, vì mọi người đều do một Thiên Chúa tạo thành, mọi người là “hình ảnh Chúa”, có linh hồn, biết suy luận, có cùng một Đấng Cứu chuộc. (YouCat, số 330)

SUY NIỆM: Vì mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa, nên mỗi người xét như ngôi vị, đều hưởng một phẩm giá như nhau, và mỗi người phải được sử dụng những quyền lợi như nhau. Vì thế mọi hình thức kỳ thị trong xã hội, kỳ thị chủng tộc, giới tính, văn hóa hoặc tôn giáo đều là một bất công không chấp nhận được. (YouCat, số 330 t.t.)

❦  Con người không thể vừa thờ Chúa và đồng thời khinh dể người thân cận mình, cả hai cách không thể dung hòa được. (Mahatma Gandhi)

❦  Chúa nói: Ta muốn người này cần người kia, và mọi người là người thừa hành của Ta để phân phát các ơn, các quà tặng, chúng đã nhận được nơi Ta. (Thánh Catarina Siena)

LẮNG NGHE: Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1 Cr 12:13,27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trong trái tim Chúa tất cả mọi người đều có một chỗ nương tựa, xin giúp con biết đối xử tử tế với nhau để mọi người nhận biết rằng chúng con là một thân thể trong Đức Ki-tô.

THỰC HÀNH: Mọi người đều là “hình ảnh Chúa”, vậy hãy cố gắng không bình phẩm người khác, ngay cả khi họ sai, bởi vì điều này liên quan đến một vấn đề thể diện và sự tôn trọng.

From: Do Dzung

***************************

Yêu Thương Và Tha Thứ (Sáng tác: Mai Lợi ) – Diệu Hiền 

Trong xã hội, làm thế nào để có công bằng xã hội?-Cha Vương

Một ngày bình yên trong Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 9/1/2025

GIÁO LÝ: Trong xã hội, làm thế nào để có công bằng xã hội? Công bằng xã hội chỉ có được khi phẩm giá mỗi người được tôn trọng, nghĩa là quyền lợi của họ được công nhận và tôn trọng và mỗi người có thể tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa trong xã hội. (YouCat, số 329)

SUY NIỆM: Nền tảng của mọi công bằng là tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, mà Đấng Tạo hóa đã trao cho để bảo vệ, và tất cả mọi người nam nữ ở mọi thời đại trong lịch sử đều là người mắc nợ buộc phải trả theo đúng nghĩa (Đức Gioan Phaolô II, Quan tâm đến xã hội 1987). Từ phẩm giá con người phát sinh trực tiếp ra các quyền của con người mà không một Nhà Nước nào có thể hủy bỏ hoặc thay đổi. Những Nhà Nước hoặc nhà chỉ huy nào dẫm lên các quyền đó đều là các chế độ bất hợp pháp và họ mất quyền bính của họ. Còn về sự hoàn thiện mà xã hội loài người nào cũng khao khát, nó không thể đạt được bằng các luật lệ, nhưng chỉ đạt được bằng yêu người thân cận, khi mà hết mọi người không trừ ai “đều coi người khác như “cái tôi thứ hai” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 27,1), (YouCat, số 329 t.t.)

❦ Tất cả khoa học và nghệ thuật đều tìm kiếm một điều tốt rất lớn, nhưng điều quan trọng hơn tất cả là khoa học chính trị: mục đích tối cao của nó là công bằng; mà công bằng cốt tại thực hiện công ích. (Aristotle)

LẮNG NGHE: Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (1 Cr 12:5-6)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, xin cho mọi tầng lớp xã hội biết tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, biết đặt nhân quyền lên trên chủ quyền để mang lại công bằng bác ái cho anh em.

THỰC HÀNH: Cổ võ cho việc bảo vệ công lý hoà bình trong môi trường sống.

From: Do Dzung

*****************************

Bờ Vai Giêsu – Hiền Thục 

Cá nhân có thể góp phần cho công ích thế nào?- Cha Vương 

Một ngày an lành trong tinh thần yêu thương, tha thứ, và phục vụ nhé.

Cha Vương 

Thứ 4: 8/1/2025

GIÁO LÝ: Cá nhân có thể góp phần cho công ích thế nào? Góp phần cho công ích có nghĩa là đảm nhiệm trách nhiệm đối với người khác. (YouCat, số 328)

SUY NIỆM: Công ích phải lo công việc của mọi người. Vì thế trước hết phải lo dấn thân và đảm nhận những trách nhiệm đối với người thân cận mình – gia đình, lối xóm, nghề nghiệp. Cũng cần phải đảm nhận những trách nhiệm xã hội và chính trị. Vì thế mỗi người có trách nhiệm đều có một quyền và luôn có nguy cơ lạm dụng quyền. Do đó con người luôn được mời gọi không ngừng hoán cải và đổi mới, để thi hành việc quan tâm đến người khác trong tinh thần luôn công bằng và bác ái. “Khi ngươi làm việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là ngươi làm cho Ta đó.”—Mt 25:40 (YouCat, số 328 t.t.)

❦  Không ai có thể nói như Cain “tôi vô trách nhiệm với số phận người em”. (Thánh Gioan Phaolô II)

❦  Hãy kính trọng tiếng tốt của kẻ thù anh em. (Thánh Gioan Vianney)

❦  Mọi người phải quan tâm đến sự sống và những phương tiện cần thiết giúp đồng loại sống một đời sống xứng đáng.

(Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 27,1)

LẮNG NGHE: Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su. (Pl 2:4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn những trách nhiệm trong đời sống ơn gọi của con một cách chu đáo và xin giúp con biết cộng tác tích cực với mọi người trong cộng đoàn xã hội để mọi người cảm nhận được tình yêu của Chúa đang hiện diện trong con.

THỰC HÀNH: Dành ít thời gian để tham gia vào các công việc chung của cộng đồng hoặc giáo xứ.

From: Do Dzung

***************************

Chỉ Một Tình Yêu – Phương Anh 

 Công ích (common good) được thực hiện thế nào?-Cha Vương

Trời Houston hôm nay gió lớn và lạnh quá! Chúc ban và gia đình tràn đầy Thần Khí và hơi ấm của Chúa. Mời bạn trở lại học hỏi và suy niệm những bài giáo lý căn bản nhé. Bảo trọng!

Cha Vương

Thứ 3: 7/1/2025

GIÁO LÝ: Công ích (common good) được thực hiện thế nào? Công ích được thực hiện khi những quyền lợi nền tảng của con người được tôn trọng, và khi con người được tự do phát triển về trí thức và tôn giáo của mình. Công ích đòi hỏi rằng con người có thể sống trong tự do, hòa bình, yên ổn. Trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay, công ích phải bao trùm ra cả thế giới để bảo vệ các quyền lợi và bổn phận của cả nhân loại. (YouCat, số 327)

SUY NIỆM: Công ích được tôn trọng khi người ta đặt trọng tâm vào việc lo điều tốt cho mỗi cá nhân và cho những đơn vị nhỏ nhất trong xã hội (chẳng hạn gia đình). Cá nhân hay gia đình đều cần được nâng đỡ và bảo vệ bởi những thể chế chính trị. (YouCat, số 327 t.t.)

❦ Phải lo công bằng và nhân đạo cho tất cả mọi người. (Công đồng Vatican II, Phẩm giá con người.)

❦ Sự thiếu vắng cảm thức về công ích là dấu chỉ chắc chắn về sự xuống cấp của xã hội. Cảm thức cộng đồng bị xói mòn sẽ dẫn đến các dạng suy thoái về công ích, từ đó có thể dẫn tới các hệ lụy khác.

LẮNG NGHE: Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Thật thế, việc phục vụ cho công ích này không những đáp ứng nhu cầu của của các người trong dân thánh, mà hơn thế nữa, còn là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa. (2 Cr 9:11-12)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhân loại đang có chiều hướng thiên về vật chất. Họ tin rằng không có gì tồn tại ngoại trừ vật chất và các chuyển động cũng như sự biến đổi của nó. Họ tìm đủ mọi mánh khóe trà đạp lên nhau để sống. Xin giúp con biết gạt bỏ những toan tính riêng tư ích kỷ đang làm tổn thương đến gia đình nhân loại của Chúa.

THỰC HÀNH: Làm một việc bác ái.

From: Do Dzung

*********************************

Yêu Cho Đến Cùng- Mai Thiên Vân 

Thánh Andre Bessette (1845-1937)-Cha Vương

Hôm nay 6/1 Giáo hội mừng kính thánh Andre Bessette (1845-1937), quan thầy của những người bị bỏ rơi và những người chăm sóc cho bệnh nhân. Một ngày ấm áp trong Chúa nhé.

Cha Vương

TIỂU SỬ: 

❦ Alfred Bessette sinh ngày 09 tháng 8 năm 1845 tại Québec, là con thứ tám trong một gia đình 12 anh em. Mồ côi cha mẹ sớm, Alfred phải trải qua nhiều đói khổ và bệnh tật, làm bánh mì, làm thợ giày, thợ rèn, lại mắc bệnh yếu bao tử không làm được việc nặng mà Alfred phải mang suốt đời. Ðiều làm cho ngài vượt thắng là sự cậy trông vào Chúa quan phòng và Thánh Cả Giuse.

❦  Gia nhập tu hội Các Thầy Thánh Giá (Congregation of the Holy Cross) và lấy tên là Thầy André

❦  Vì lý do sức khoẻ và học lực kém nên nhà dòng yêu cầu thầy đi về, nhưng trong sự tuyệt vọng, thầy đã xin đức giám mục sở tại can thiệp để được ở lại và được giao cho công việc khiêm tốn là gác cổng trường học Notre Dame ở Montreal, cùng với các nhiệm vụ phụ là dọn lễ, giặt giũ và đảm trách việc thư từ. Thầy Andre khôi hài rằng, “Khi tôi gia nhập cộng đoàn này, cha bề trên chỉ cho tôi cánh cửa ấy, và tôi ở đó suốt 40 năm.”

❦  Trong căn phòng nhỏ bé của ngài ở gần cổng trường, hầu như suốt đêm ngài quỳ gối cầu nguyện. Trên thành cửa sổ, trông ra đồi Royal, là bức tượng Thánh Giuse nhỏ, là người mà thầy hằng sùng kính ngay từ khi còn nhỏ. Khi được hỏi về điều ấy thầy trả lời, “Một ngày nào đó, Thánh Giuse sẽ được tôn kính một cách đặc biệt trên đồi Royal!”

❦  Khi biết có ai bị đau yếu, ngài đến thăm để cổ võ tinh thần cũng như để cầu nguyện với họ. Ngài cũng thường thoa lên bệnh nhân chút dầu lấy từ chiếc đèn luôn cháy sáng trước tượng Thánh Giuse trong nguyện đường của trường học. Từ đó tiếng đồn về sức mạnh chữa lạnh bắt đầu lan tràn.

❦  Rất tận tuỵ chăm sóc cho bệnh nhân. Thầy thường lập đi lập lại rằng “Ðâu có phải tôi chữa mà là Thánh Giuse.”

❦  Thầy Andre đã từ trần ngày 06 tháng 01 năm 1937 khi thầy 92 tuổi. Mặc dầu trời giá lạnh tuyết băng, hơn một triệu người đã tham dự  tang lễ của thầy.

❦  Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công nhận các nhân đức anh hùng của Đấng Đáng Kính Andre Bessette ngày 12 tháng 6 năm 1978 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân Phước cho thầy Andre Bessette ngày 23 tháng 5 năm 1982.

❦ André Bessette đã được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phong thánh vào ngày 17 tháng 10 năm 2010. Mộ phần của thầy nằm sau bàn thờ chính trong nguyện đường Thánh Giuse tại Montreal, Canada.

NHÂN ĐỨC:

❦  Hết lòng cậy trông vào Chúa quan phòng và vào sự chuyển cầu của Thánh Giuse, nhất là trong lúc tuyệt vọng.

❦  Khát khao phục vụ Chúa bằng chính cuộc sống của mình

❦  Người gác cổng của Thiên Chúa. Thầy André biết cách nói về tình yêu của Thiên Chúa cách mãnh liệt đến độ thầy đã truyền niềm hy vọng cho mọi người gặp gỡ anh.

❦  Có khả năng thông cảm và tính hài hước nồng hậu với những người đến với ngài

❦  Ngài thường nói: “Bạn không được buồn”. “Thật là tốt để cười lớn một chút”. Đặc biệt với những người nghèo và bất hạnh, ngài đến với họ với một niềm vui nội tâm có tính lây lan.

CÂU NÓI:

❦ “Chính cây cọ nhỏ bé đã giúp nghệ nhân hoàn thành bức họa tuyệt mỹ.”

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN:

Tạo ra niềm vui trong công việc bằng cách nghĩ khác đi, và yêu thương nhiều hơn.

From: Do Dzung

******************************

Chúa Yêu Con Nhiều || Sáng tác : Nguyễn Như Thoại || Trình bày : Kim Tuyến 

Thánh Elizabeth Ann Seton Nữ Tu Hoa Kỳ (1774-1821)-Cha Vương 

Weekend ấm áp và bình an nhé! Hôm nay 04/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Elizabeth Ann Seton Nữ Tu Hoa Kỳ (1774-1821). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương 

Thứ 7: 4/1/2025

TIỂU SỬ:

❦ Thánh Elizabeth Ann Seton có cha mẹ theo đạo Episcopan (Anh giáo).

❦ Lấy chồng lúc 19 tuổi với ông William Seton ở New york, con nhà giầu có. Hai người rất yêu nhau và sinh được 3 gái 2 trai. Góa chồng lúc 30 tuổi. Nhờ sự giúp đỡ của người bạn gia đình bà trở lại đạo Công Giáo 14/3/1805.

❦ Để có tiền nuôi con, bà đã mở trường nội trú Công giáo cho các thiếu nữ tại Baltimore, bang Maryland.

❦ Bà đáp lời tiếng Chúa gọi trong lòng, hiến mình cho Chúa, nên bà và mấy bà bạn cùng nhau lập tu viện, sau này trở thành Dòng Nữ tử Bác ái (Daughters of Charity). Hai con trai bà nhập lính hải quân, 2 con gái đi tu, một người chết trẻ, một người làm việc cho tù nhân. Ngày nay, hàng ngàn ngàn nữ tu Bác ái đang phục vụ trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão, và nhà trường.

❦ Nữ Tu Bác Ái Người Mỹ và người ta tôn tặng cho Êlizabeth tước hiệu “Mẹ Seton”.

NHÂN ĐỨC:

❦ Hoàn toàn phó mình theo ý Chúa, vui chịu đau khổ, tôn kính Mình Thánh: Thánh Elizabeth Ann Seton không có ơn khác thường như làm phép lạ, nói tiên tri, in dấu thánh…nhưng bà có 2 điều đặc biệt là:  hoàn toàn phó mình làm trọn Ý Chúa, vui chịu đau khổ: mẹ chết, chồng chết, con chết, họ hàng ghét bỏ… Thánh nữ nổi bật về lòng tôn kính Mình Thánh Chúa, yêu mến Đức Mẹ…

❦ Đặc biệt nhất là thánh nữ thích việc viếng thăm những người nghèo khổ, đau yếu.

❦ Trong lá thư cho người bạn là bà Julia Scott, thánh nhân viết rằng ngài muốn đổi cả thế gian để sống ẩn dật ở “trong hang hay sa mạc. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho tôi nhiều việc phải làm, và tôi hằng cầu xin và luôn luôn hy vọng được vâng theo ý Chúa hơn là ý riêng tôi.” Kiểu cách nên thánh của ngài là mở lòng cho mọi sự nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành thánh ý Ngài.

CÂU NÓI:

❦ Thánh Elizabeth Seton thường nói với các nữ tu: “Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hàng ngày của chúng ta là thi hành thánh ý Thiên Chúa; thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn; và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa.”

Đau khổ là những bậc thang dẫn tới Thiên Đàng.

❦ Tâm hồn chuẩn bị đón nhận Bí tích Thánh Thể phải được sáng bóng và trong suốt giống như một chiếc bình pha lê.

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN:

Trong đời sống hàng ngày mời bạn: 1) Luôn luôn tìm và thực thi thánh ý Thiên Chúa, 2) làm việc trong thánh ý Chúa muốn, 3) bạn làm những việc ấy vì đó là ý Chúa.

From: Do Dzung

***************************

Xin vang 

Lễ  Kính Thánh Danh Chúa Giêsu-Cha Vương

Đêm đã kết thúc nhường chỗ cho một ngày mới. Tạ ơn Chúa! Chúc Bạn một ngày bình an. Bạn chỉ còn 362 ngày nữa để đón mừng Năm Mới 2026. Nhớ để bụng nhé :

Cha Vương

Thứ 6: 03/01/2025

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ  Kính Thánh Danh Chúa Giêsu.   Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Thánh Phaolô cũng viết về việc này trong thư gửi cho các tín hữu Philípphê, ngài nói: Thiên Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu Kitô “một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (x. 2:9).

Theo lịch sử phụng vụ, trước Công Đồng Vatican II, ngày Lễ đầu năm, 1 tháng 1, là lễ Đặt Tên.  Theo Phúc Âm (Lk 2:21), đến ngày thứ tám người làm phép cắt bì cho Con Trẻ và đặt Tên Giêsu cho Con Trẻ. Thánh Danh Chúa Giêsu được tôn kính đặc biệt trong phụng vụ bằng việc cúi đầu khi đọc hay nghe đọc đến Thánh Danh Giêsu. Việc cúi đầu hay cúi mình là cử chỉ tỏ lòng tôn kính đối với chính nhân vật hay những biểu hiệu tượng trưng cho người đó.  Cúi đầu trước mặt nhân vật chúng ta tôn kính, hay trước hình ảnh của họ.

Theo luật phụng vụ, chúng ta phải cúi đầu khi đọc tới tên Ba Ngôi Thiên Chúa, hoặc khi đọc Thánh Danh Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, tên vị Thánh được tôn kính trong Thánh Lễ hôm ấy (cf. GIRM 275).  Ở đây luật Phụng vụ nói về Tên. Tên của Chúa Giêsu được chính Thiên Chúa gọi để ứng nghiệm lời của ngôn sứ: ” Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là” Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”( Mt 1, 23 ). Thánh Bernardine dùng việc sùng kính Thánh Danh Đức Giêsu như một phương cách để khắc phục các cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu và cay đắng cũng như sự thù nghịch giữa các dòng tộc ở các tỉnh nước Ý. Ngái nói: “Danh huy hoàng, danh từ bi, danh của tình yêu và quyền thế! Nhờ Ngài mà tội lỗi đã được tha thứ, nhờ Ngài mà kẻ thù bị chế ngự, nhờ Ngài mà người đau ốm được lành mạnh, nhờ Ngài mà những ai đang đau khổ vì thử thách được vững mạnh và phấn khởi. Ngài đem vinh dự cho những ai có lòng tin, Ngài dạy bảo những người rao giảng, Ngài thêm sức cho những người lao nhọc, Ngài duy trì những kẻ chán chường” (Thánh Bernardine ở Siena). Việc sùng kính gia tăng, một phần là nhờ các vị rao giảng thuộc dòng Phanxicô và Đaminh. Việc sùng kính này lan rộng hơn nữa sau khi các linh mục dòng Tên bắt đầu đẩy mạnh trong thế kỷ 16. Vào năm 1530, Đức Giáo Hoàng Clementê V phê chuẩn một Nghi Thức Cầu Thánh Danh cho các tu sĩ Phanxicô. Vào năm 1721, Đức Giáo Hoàng Innôcentê XIII nới rộng ngày lễ này cho toàn Giáo Hội.

Vậy kể từ ngày hôm nay xin Bạn hãy ý thức lại về việc kêu tên Chúa. Đừng kêu tên Chúa Giêsu vô cớ nhé ;). Xin Bạn hãy kêu Thánh Danh Chúa Giêsu một cách kính cẩn và nghiêm túc vì tên “Giêsu” có một sức mạnh huyền nhiệm mang bình an và nâng cao con người lên.

From: Do Dzung

*****************************

Ôi…Giê.. su..khi nghe tên Thánh Chúa Giêsu

Thánh Thánh Ba-xi-li-ô Cả và Thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-en-Cha Vương

Chúc bình an! Sau những ngày yến tiệc linh đình, chịu khó vận động tay chân một tí để đốt calo nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Thánh Ba-xi-li-ô Cả và Thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-en. Mừng bổn mạng đến những ai chọn các ngài làm qua thầy.

Cha Vương

Thứ 5: 02/01/2025

Thánh Ba-xi-li-ô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

TIỂU SỬ: Thánh Ba-xi-li-ô sinh tại Xê-da-rê miền Ca-pa-đô-xi-a năm 330, trong một gia đình Ki-tô giáo. Vốn là người tinh thông văn học lại nổi tiếng nhân đức, ban đầu thánh nhân chọn cuộc đời đan tu. Đến năm 370, người được cắt đặt làm giám mục cai quản nơi người sinh trưởng. Người tích cực chống lại giáo phái A-ri-ô, viết nhiều tác phẩm. Đặc biệt, người đã soạn thảo những quy luật cho đời sống đan tu, mà cho đến bây giờ, nhiều đan sĩ Đông Phương vẫn còn tuân giữ. Người hết sức chăm lo cho người nghèo. Người qua đời ngày 1 tháng Giêng năm 379.

NHÂN ĐỨC:

❦ Làm việc không biết mệt trong công việc mục vụ, chống chọi lại với nạn buôn thần bán thánh, giúp đỡ nạn nhân của hạn hán và đói kém, cố gắng thay đổi hàng giáo sĩ, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật. Ngài không sợ lên án những điều xấu xa một khi đã thấy, và sẵn sàng ra vạ tuyệt thông cho những ai dính líu đến nạn mãi dâm ở Cappadocia.

❦ Thánh Ba-xi-li-ô là một người hết lòng chăm sóc cho những người nghèo. Có lần Ngài đã phát biểu: “Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giày dép bạn không dùng là giày dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm.”

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN:

❦ Hy sinh ít thời gian làm việc bác ái

❦ Bên vực cho sự thật, bài trừ văn hoá phẩm đồi trụy

===+===

Thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-en, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

TIỂU SỬ: Thánh Ghê-gô-ri-ô cũng sinh năm 330 gần thành Na-di-en. Người đi rất nhiều nơi để học hỏi, người đã kết thân với thánh Ba-xi-li-ô, đã chọn cuộc sống tu hành, nhưng sau đó thụ phong linh mục, rồi được chọn làm giám mục. Năm 381 người được đặt lên cai quản giáo phận thành Công-tăng-ti-nô-pô-li ; tuy nhiên, 18 tháng sau, vì có sự chia rẽ và bè phái trong địa phận, người lui về thành Na-di-en và qua đời tại đó ngày 25 tháng Giêng năm 389 hay 390. Hậu thế thường gọi thánh nhân là nhà thần học vì người vừa am tường đạo lý cao siêu, vừa có tài hùng biện.

NHÂN ĐỨC:

❦ Nhờ tài hùng biện và sự thánh thiện của Ngài, mà Ngài đã chinh phục được mọi người, đem lại sự bình an cho Giáo Hội lúc đó. Người ta đã phong tặng cho thánh nhân một cái tên hết sức thân thương: “Cha của những kẻ khốn cùng”.

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN:

❦ Giữ gìn vẻ chân thật trong lời ăn tiếng nói để đem lại sự tin tưởng và bình an trong môi trường sống hằng ngày của bạn.

From: Do Dzung

***************************

Sống trong tình Chúa – Gia Ân 

 LỄ Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)-Cha Vương

 Chúc mừng Năm Mới!!! Ngày đầu năm mến chúc Bạn và gia đình mọi sự an lành trong tình yêu của Thiên Chúa và Mẹ Maria nhé. Cám ơn Bạn đã dành thời gian đọc và tiếp tục gởi đi những bài suy niệm nho nhỏ này để đưa mọi người đến gần với Chúa hơn mỗi ngày.

Cha Vương

Thứ 4: 1/1/2025

TIN MỪNG: Họ [các người chăn chiên] gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (Lc 2:16)

SUY NIỆM: Vào một buổi chiều của năm 431 AD, cửa Công đồng Êphêsô mở ra, thánh Cyrillô, thượng phụ Alexandria, đại diện của Đức Thánh Cha, tuyên bố sắc lệnh Công đồng, rằng Đức Thánh Trinh Nữ thật là Mẹ Thiên Chúa. Từ đó thành phố Êphêsô vang lên những bài ca hoan hỉ, chỗ nào cũng nghe vang: “Đức Maria Mẹ Thiên Chúa muôn năm.” Hôm nay các con cái Mẹ cũng đồng thanh reo lên: “Đức Maria Mẹ Thiên Chúa muôn năm!” Điều này xác định rằng mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người là bảo chứng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Các mục đồng chứng kiến Chúa Giê-su nằm trong máng cỏ, bên cạnh có Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se, tai họ nghe tiếng thiên thần ca tụng, họ mau mắn tin vững chắc, Hài Nhi là Thiên Chúa làm người. Nơi Mẹ Ma-ri-a còn hơn thế, vì Mẹ mang lấy Ngôi Hai trong lòng Mẹ. Mẹ cảm nghiệm trong từng thớ thịt mình sự hiện diện của Đấng cao cả và Mẹ nhận ra ân sủng được làm Mẹ Thiên Chúa. Mầu nhiệm và tước hiệu này được Mẹ đón nhận với lòng cảm tạ, ràng buộc cuộc đời mình vào thánh ý Thiên Chúa. Nếu có ai bảo rằng ràng buộc như thế là nô lệ, thì họ chưa hiểu gì về tình yêu của Mẹ đối với Chúa. Thi hào Tagore đã nói: “Trong tình yêu, nô lệ và giải phóng không tương khắc, vì tình yêu vừa tự do nhất, vừa ràng buộc nhất.”

Vì vậy, sự tuân hành thánh ý Chúa nơi Mẹ là một thúc bách của tình yêu như thánh Phao-lô đã trải qua: “Tình yêu Chúa thúc bách tôi” (2 Cr 5:14).

LẮNG NGHE: Hôm nay ánh huy hoàng rực rỡ sẽ bừng lên chiếu rọi muôn người, vì CHÚA đã giáng sinh để cứu độ chúng ta. Người sẽ được gọi là THIÊN CHÚA, Đấng kỳ diệu, vị Thủ Lãnh kiến tạo hoà bình, Người Cha của thế giới tương lai, vương quyền Người sẽ vô cùng vô tận. (x. Is 9:2,6; Lc 1:33)

CẦU NGUYỆN: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen

THỰC HÀNH: Một năm mới lại đến. Mời bạn làm một thay đổi bằng cách quyết tâm sống với tâm tình tạ ơn và theo gương Mẹ quyết sống năm mới theo lời Chúa dạy nhé.

From: Do Dzung

***************************

Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ Đồng Trinh đoàn con chung tiếng hát

THIÊN CHÚA đã sai Con Một giáng trần, để nhờ Con của Người mà chúng ta được sống. (1 Ga 4:9)- Cha Vương

Hôm nay là ngày thứ 365 của năm 2024, đây là cơ hội tốt nhất để gạt bỏ đi những gì gây ra phiền phức khó chịu của năm cũ để chuẩn bị đón chào 2025 với một con tim mới tràn đây yêu thương và hạnh phúc nhé. Chúc Mừng, chúc mừng!

Cha Vương

Thứ 3: 31/12/2024

TIN MỪNG: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. (Ga 1:14)

SUY NIỆM: Vào ngày cuối cùng của năm 2024, bạn hãy nhìn lại những món quà mà bạn đã nhận được trong suốt thời gian qua: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và đang ở bên bạn, ánh sáng Sự Thật và khôn ngoan của Chúa, và còn rất nhiều các món quà khác không đếm xuể… Với lòng biết ơn, bạn hãy cố gắng sống xứng đáng là con của Chúa vì Ngài đã ban cho bạn mầu nhiệm Cứu Chuộc và món quà của sự sống vĩnh cửu.

LẮNG NGHE: THIÊN CHÚA đã sai Con Một giáng trần, để nhờ Con của Người mà chúng ta được sống. (1 Ga 4:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì những lúc buồn vui Chúa luôn kề bên cùng sớt chia vui buồn với con.

THỰC HÀNH: Tập đếm ơn lành của Chúa mà dâng lời tạ ơn.

From: Do Dzung

************************

TÂM TÌNH TẠ ƠN | Lm Giang Tâm | Trần Anh Hào