Thánh Anphonsô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1696-1787) – Cha Vương

 Thánh Anphonsô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1696-1787) – Cha Vương

Chúc bình an đến Bạn và gia đình. Hôm nay 01/8 Giáo hội mừng kính Thánh Anphonsô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1696-1787). Mừng Bổn Mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé. Xin một lời kinh cầu nguyện cho Lh Cha Phê-rô Thăng phó xứ Các Thánh Tử Vì Đạo mới qua đời hôm qua. Xin đa tạ. 

Cha Vương

Thứ 2: 01/08/222

Alphonso sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marianelli gần Naples, nước Ý Đại Lợi trong một gia đình quý phái đạo đức. Vào năm 16 tuổi, ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Đại Học Naples, nhưng sau đó đã bỏ nghề luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài được thụ phong linh mục năm 29 tuổi và dồn mọi nỗ lực trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và thành lập các đoàn thể Kitô Giáo.

Ngài sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế (The Congregation of the Most Holy Redeemer “Liguorians; Redemptorists”) tại Scala, nước Ý năm 1732. Đó là một tổ chức của các linh mục và tu sĩ sống chung với nhau, tận tụy theo gương Đức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại phúc cho nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau một thời gian hoạt động, những người đồng hành với ngài ngay từ khi thành lập đã từ bỏ tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng tu hội cố gắng sống còn và được chính thức chấp nhận vào 17 năm sau, dù khó khăn vẫn chưa hết.

Sự canh tân mục vụ lớn lao của cha Anphong là cách giảng thuyết và giải tội – ngài thay thế kiểu hùng biện khoa trương, thùng rỗng kêu to, bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Tài viết văn nổi tiếng của ngài phần nào đã làm lu mờ công lao khó nhọc mà ngài đã ngang dọc vùng Naples trong 26 năm trường để tổ chức tuần đại phúc. Ngài được Đức Giáo Hoàng Clement XIII bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo Phận Thánh Agata dei Gotti năm 1762. Ngay sau khi nhậm chức, ngài đã cải tổ toàn diện giáo phận.

Hạnh tích kể rằng một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng lại mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Đức Cha Anphong mời đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Đức Cha Anphong ôn tồn nói, “Hãy bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Đây không phải lần đầu tiên mà cha đạp Chúa dưới chân mình.”

Thánh Anphong nổi tiếng về nền tảng thần học luân lý, nhưng ngài cũng sáng tác nhiều trong lãnh vực tâm linh và thần học tín lý. Văn bản Các Vinh Danh của Đức Maria là một trong những công trình vĩ đại về chủ đề này, và cuốn Viếng Thánh Thể được tái bản đến 40 lần trong đời ngài, đã ảnh hưởng nhiều đến sự sùng kính Thánh Thể trong Giáo Hội.

Trong cuộc đời ngài, thánh nhân phải tranh đấu để giải thoát nền thần học luân lý khỏi sự khắc khe của chủ thuyết Jansen. Thần học luân lý của ngài, đã được tái bản 60 lần trong thế kỷ sau khi ngài từ trần, chú trọng đến các vấn đề thực tiễn và cụ thể của các cha xứ và cha giải tội. Nếu có thói vụ luật và giảm thiểu hóa luật lệ xen vào thần học luân lý, chắc chắn nó không thuộc về mô hình thần học tiết độ và nhân từ của ngài.

Vào năm 71 tuổi, ngài bị đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với “sự tăm tối” vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi đức tính. Ngài qua đời ngày 01 tháng 8 năm 1787 tại Nocera de’ Pagani, Salerno.

Đức Giáo Hoàng Pius VI công nhận các nhân đức anh hùng của Đấng Đáng Kính Alphongsus năm 1796. Đức Giáo Hoàng Pius VII tôn phong Chân Phước cho ngài ngày 15 tháng 9 năm 1816 và Đức Giáo Hoàng Gregory XVI đã nâng ngài lên bậc hiển thánh ngày 26 tháng 5 năm 1839. 

Đức Giáo Hoàng Pius IX đã tuyên xưng thánh Alphonsus Liguori là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 07 tháng 7 năm 1871. Vào năm 1950, Thánh Anphong được Đức Piô XII tuyên xưng là quan thầy của các thần học gia luân lý. (Nguồn: Mạng Nhóm Tinh Thần)

Sau đây là những câu nói của Thánh nhân, mời Bạn suy niệm và tự hỏi ngài đang muốn nhắn nhủ Bạn điều gì nhé:

(1) Ai cầu nguyện, thì được cứu rỗi.

(2) Lạy Mẹ Maria, xin hãy nhận con, như của riêng Mẹ, và cho Mẹ, xin hãy chăm lo phần rỗi của con.

(3) Bất cứ sự bất an nào, cho dù có lý do tốt cách mấy, cũng không thể phát xuất từ Thiên Chúa.

(4) Khi một tư tưởng xấu xa hiện lên trong tâm trí, chúng ta phải cố gắng lập tức hướng tư tưởng về Thiên Chúa hoặc một đều trung lập nào đó. Nhưng qui luật trước tiên là phải lập tức kêu cầu thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria và tiếp tục kêu cầu cho đến khi cơn cám dỗ chấm dứt.

(5) Người không bỏ cầu nguyện thì chẳng thể kéo dài thói quen xúc phạm đến Thiên Chúa.

(6) Người nào tin tưởng vào bản thân sẽ hư mất. Người nào tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ làm được mọi sự.

(7) Hôm nay Chúa mời bạn làm điều tốt; hãy làm ngay hôm nay. Ngày mai bạn có thể không có thời gian, hoặc Chúa có thể không còn kêu gọi bạn làm điều đó nữa.

(8) Chắc chắn trong tất cả mọi việc đạo đức đứng đầu, sau các Bí tích, là việc thờ lậy Mình Thánh Chúa. Nó rất được Thiên Chúa ưa thích và hữu ích cho chúng ta nhất… Ôi, dịu ngọt biết bao nhiêu, khi ở trước bàn thờ với đức tin… và dâng lên Chúa các nhu cầu riêng như một người bạn làm với một người bạn, với tất cả sự tín cẩn. 

Câu nào đánh động Bạn nhất? Đối với mình câu 4

From: Đỗ Dzũng

Thánh Inhaxiô (I Nhã) Loyola Đấng sáng lập dòng Tên-Cha Vương

Thánh Inhaxiô (I Nhã) Loyola Đấng sáng lập dòng Tên.

Chúc bình an, hôm nay giáo hội mừng kính Thánh Inhaxiô (I Nhã) Loyola Đấng sáng lập dòng Tên. Mừng lễ quan thầy đến những ai nhận Thánh Inhaxiô làm bổn mạng nhé. 

Cha Vương

CN: 31/7/2022

TIN MỪNG: Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân! (Gv 2:23)

SUY NIỆM: Nếu bạn nhìn vào Sách Giảng Viên dưới một lăng kính tiêu cực thì cuộc đời chỉ là một quyển sách chứa đựng những khoảnh khắc bất mãn và thất vọng. Nhưng nếu bạn nhìn nó dưới góc độ tích cực thì những lời trên đây là một chân lý. Dù bạn là ai, một vị tổng thống hay quân nhân, giàu có hay nghèo hèn, khi giờ điểm đã tới thì tất cả chỉ là hai chữ “phù vân”. Không có gì trong cuộc đời là bền vững, là vĩnh cửu. Tất cả đều tàn phai theo thời gian. Tiền tài, danh vọng và sắc đẹp rồi cũng sẽ có một ngày vuột ra khỏi tầm tay của. Chính cả Vua Salomon đã hiểu ý nghĩa cuộc đời là phù vân này, nên ông đã thốt lên rằng: “Phù vân rất mực phù vân, khó nhọc vất vả thế rồi phải trao lại cho kẻ không vất vả hưởng”.

Khi ta nằm xuống…

Những gì ta xài… đã mất.

Những gì ta để lại… người khác xài.

Ta chỉ đem theo được… những gì ta đã cho.

Khi bạn cho đi thì bạn sẽ lãnh nhận. Nếu bạn muốn nhận nhiều thì bạn hãy cho nhiều đi. Nhạc Sĩ Duy Nhạc đã diễn tả được chân lý “cho đi” này trong bài hát, “Cho Đi Là Lãnh Nhận”: Cho đi một chút mến thương / Nhận về đại dương thắm tình / Cho đi một giọt sương đêm / Nhận về êm đềm cơn mưa. Cho đi một ánh nắng mai  / Nhận về ngày mai tươi nắng / Cho đi một nhịp khởi đầu / Nhận về đẹp mầu tương lai…

Tương lai của bạn không thuộc về thế gian này. (x. Ga 18:36) Nếu bạn muốn có một tương lại và đời sống vĩnh cửu hãy tìm kiếm Thiên Chúa qua đời sống dấn thân, hy sinh và phục vụ, tật dụng những tài năng và khả năng thời gian và tiền bạn Chúa ban để để “cho đi”. Thánh Gioan Phao-lô II nói: “Không ai giàu đến độ không có gì cần phải nhận. Không ai nghèo đến mức không có cái gì để cho”. Nếu không có tiền bạc, ít nhất bạn cũng có thể chia sẻ cho anh chị em nụ cười, sự quan tâm, lời khích lệ và sự cảm thông. Tất cả những điều này, được thực hiện đúng lúc, đúng nơi và với tâm tình trân trọng quý mến, sẽ có giá trị tuyệt vời đó.

LẮNG NGHE: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12:20-21)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con chỉ xin Chúa ban cho con một tấm lòng quảng đại hôm nay thôi. 

THỰC HÀNH: Bạn đang tích trữ cho mình những gì vậy? Của cải thế gian hay tìm kiếm nước Thiên Đàng? Làm một việc thiện hôm nay nhé.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Mácta – Cha Vương

Thánh Mácta  

Reng reng! Thức dậy đi chứ, chúc bạn một ngày đầy nhiệt huyết trong tinh thần phục vụ Chúa và tha nhân. Mừng quan thầy Mácta (Martha) đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 29/7/2022

“Ðức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô.” Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của ngài.

    Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10:38-42, Gioan 11:1-53, và Gioan 12:1-9.

    Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta – thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

    Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

    Cuộc đối thoại của Mácta với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

     Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: “Mácta lo hầu hạ.” Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

    Có truyền thuyết nói rằng ba chị em làng Bêtania đã bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền không buồm không chèo không lái. Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước Pháp. Ladarô đã trở thành Giám mục tiên khởi Chúa thành này. Riêng Martha, Ngài đã rao giảng Tin Mừng ở Aix Avignon và Tarascon. 

Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.

(Nguồn: Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online)

From: Đỗ Dzũng

Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo? – Cha Vương

Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo?

Gần hết Tháng 7 rồi bạn ơi! Bạn đã và đang làm gì cho Chúa và cho tha nhân hả? Ước mong bạn hãy sống xứng đáng là một Ki-tô hữu chính hiệu nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 27/7/2022

GIÁO LÝ: Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo? Người hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công giáo là người: hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục; hợp nhất với Chúa Ki-tô qua việc tuyên xưng đức tin Công giáo và lãnh nhận các Bí tích. (YouCat, số 134)

SUY NIỆM: Thiên Chúa đã muốn chỉ có Một Hội Thánh cho mọi người. Rủi thay Kitô hữu chúng ta lại không trung thành tôn trọng ước mong đó của Chúa Kitô. Dẫu vậy, ta vẫn còn liên kết sâu xa với nhau bởi đức tin và phép rửa tội chung. (YouCat, số 134 t.t.)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Chúa Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn. (Ep 1:22-23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đời sống Ki-tô hữu có sống động được là bởi Chúa. Chúa là gương mẫu cho con về mọi phương diện, trong mọi hoàn cảnh, khi vui cũng khi buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi gặp hiểm nguy cũng như lúc bị cám dỗ và trong lúc sầu khổ của giờ chết, xin cho con biết tận tình nhất quyết kết hợp với Chúa, đi theo và bắt chước Chúa là Anh Cả, Vị Cứu Tinh, đồng thời là Chúa mọi người. 

THỰC HÀNH: Có bao giờ bạn cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc vì được làm con của Chúa chưa? Tập làm Dấu Thánh Giá một cách chậm rãi và kính cẩn để nhắc nhở bạn về ơn gọi Ki-tô hữu Công giáo của mình nhé.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Giacôbê (James) Tông Đồ – Cha Vương

Thánh Giacôbê (James) Tông Đồ

Chúc ngày đầu tuần zui zẻ, phẻ mạnh, và an lành trong Chúa và Mẹ nhé. Hôm nay 25/07 Giáo Hội mừng kính Thánh Giacôbê (James) Tông Đồ. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Giacôbê làm quan thầy hay có tên là James nhé.

Cha Vương

Thu 2: 25/07/2022

Thánh Giacôbê [Cả] là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Ðức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Ðức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê. “Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Máccô 1:19-20).

Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Ðức Giêsu trong vườn Giệtsimani.

Có hai biến cố trong Phúc âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến để xin cho họ được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Ðức Giêsu). “Ðức Giê-su bảo: ‘Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?’ Họ đáp: ‘Thưa được’ (Mt 20:22). Sau đó Ðức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Ðức Giêsu – chỗ đó “được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị” (Mt 20:23b).

Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Ðức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Ðây là vị thế của chính Ðức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.

Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Ðức Giêsu đặt cho họ – “con của sấm sét”- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Ðức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. “Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?’ Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông…” (Luca 9:54-55).

Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. “Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa” (CVTÐ 12:1-3a).

Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với Thánh Giacôbê con Alphê, Thánh Giacôbê hậu “anh em họ” của Đức Giêsu và sau này là Giám Mục Jerusalem cũng là tác giả Thư Thánh Giacôbê. (Nguồn: Nhóm Tinh Thần, Hạnh Thánh)

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ Người cầu thay nguyện giúp, Hội Thánh được luôn nâng đỡ phù trì (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giacô-bê tông đồ).

From: Do Dzung

Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (Mt 24:13) – Cha Vương

Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (Mt 24:13)

Một ngày an lành nhé! Ước mong bạn cảm nhận được lòng nhân hậu và tình yêu Thiên Chúa ấp ủ bạn luôn mãi.

Cha Vương

CN: 24/7/2022

TIN MỪNG: Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (Lc 11:9-10)

SUY NIỆM: Sau khi Chúa Giê-su dạy các môn đệ cách cầu nguyện, Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.”?

Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.”

Bạn có biết tại sao người đàn ông minh hoạ trong câu chuyện này cứ liên tục gõ cửa không?

Thưa là vì hai lý do: (1) Anh ấy biết chắc rằng bạn của anh ấy sẽ nghe thấy anh gõ cửa; (2) anh ấy biết người bạn này có bánh mì trong nhà. Nếu bạn biết một người nào đó bị điếc và chẳng có gì hết thì bạn đến gõ cửa để xin bánh mì làm gì chứ, phí giờ vô ích! Hai lý do trên cũng là một bài học quý giá dạy cho bạn tại sao phải kiên trì và tin tưởng trong khi cầu nguyện.

Khởi đầu của việc cầu nguyện là sự “tin tưởng và kiên trì” của người xin còn việc ban ơn là do lòng tốt của Thiên Chúa chứ không phải do công lao kiên trì của người xin. Bởi đó, bạn cần phải trông cậy vào Đấng ban ơn. Thiên Chúa thường đáp ứng nhu cầu cho những ai kiên trì cầu xin Người. Ngài nghe lời cầu xin của bạn chứ không phải Ngài giả điếc làm ngơ. Ngài là Đấng tạo nên trời đất mà, cho nên Ngài có thể cung cấp cho bạn những gì bạn cần—không theo ý bạn nhưng phải theo Thánh Ý của Ngài.

Vậy khi thất vọng, bạn cứ kiếm tìm Chúa. Với hết lòng trông cậy và tin tưởng, ban cứ ăn vạ, cứ kêu xin, cứ gõ cửa, cứ khóc than, cứ nài xin… Bạn cứ lì ra đó, Chúa không bỏ rơi bạn đâu.

LẮNG NGHE: Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (Mt 24:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Tình Yêu và là Đấng đầy Lòng Thương Xót, con hết lòng trông cậy và tin tưởng vào Chúa. Trong những thăng trầm của cuộc sống, “xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.”

THỰC HÀNH: Kiểm tra lại thái độ của bạn khi không được như ý nguyện, bạn đã phản ứng thế nào?

From: Đỗ Dzũng

 Thánh Nữ Bridget nước Thụy Điển – Cha Vương

 Thánh Nữ Bridget nước Thụy Điển

Chúc bình an đến Bạn và gia đình, hôm nay 23/07 Giáo Hội mừng kính Thánh Nữ Bridget nước Thụy Điển (1303?-1373), mừng Bổn Mạnh đến những ai chọn thánh nữ làm quan thầy nhé. 

Cha Vương

Thánh Nữ Bridget nước Thụy Điển—từ lúc bảy tuổi trở đi, Thánh Bridget đã được thị kiến Ðức Kitô trên thánh giá. Các thị kiến ấy làm nền tảng cho đời sống của thánh nữ — luôn luôn chú trọng đến đức ái hơn là trông đợi các ơn huệ thiêng liêng.

     Thánh Bridget là một người trong hoàng gia Thụy Ðiển, được thừa hưởng sự đạo đức của cha mẹ, ngay từ nhỏ ngài đã yêu quý sự thống khổ của Ðức Kitô. Khi mười bốn tuổi, vâng lời cha, ngài kết hôn với vua Thụy Ðiển là Magnus II và có tám người con (người con thứ là Thánh Catarina ở Thụy Ðiển). Sau khi nhà vua từ trần ngài sống một cuộc đời rất khổ hạnh.

     Trong thời gian hôn nhân, Thánh Bridget cố gắng ảnh hưởng tốt đến vua Magnus. Dù chưa hoàn toàn thay đổi, nhà vua cũng đã ban cho ngài đất đai và cơ sở để thiết lập một đan viện cho nam giới và nữ giới. Tổ chức này sau đó phát triển thành một tu hội, được gọi là Tu Hội Thánh Bridget the Order of the Most Holy Savior (Bridgettines) và được Đức Giáo Hoàng Urban V chuẩn nhận năm 1370 hiện vẫn còn.

     Vào Năm Thánh 1350, Thánh Bridget bất chấp bệnh dịch đang lan tràn khắp  Âu Châu, ngài thực hiện cuộc hành hương đến Rôma. Ngài không bao giờ trở về Thụy Ðiển và những năm ở Rôma thật không sung sướng chút nào vì bị chủ nợ săn đuổi và bị chống đối bởi sự thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ.

     Chuyến hành hương sau cùng của ngài đến Ðất Thánh thì bị hỏng vì đắm tầu và cái chết của người con trai. Ngài qua đời ngày 23 tháng 7 năm 1373 tại Rome, nước Ý. Ngài được chôn cất tại tu viện Vadstena, Thụy Điển. Thánh nữ Bridget được Đức Giáo Hoàng Bonifacius IX tôn phong hiển thánh ngày 07 tháng 10 năm 1391 và đặt là quan thầy của Thụy Điển.

Lời Bàn: Các thị kiến của Thánh Bridget, thay vì cô lập ngài khỏi các sinh hoạt của thế gian, đã đưa ngài can dự vào nhiều vấn đề đương thời, dù đó là chính sách của hoàng gia hay của giáo triều Avignon. Ngài không thấy sự mâu thuẫn giữa các cảm nghiệm thần bí và các sinh hoạt trần tục, và cuộc đời ngài chứng minh rằng SỰ THÁNH THIỆN CÓ THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC GIỮA NƠI THƯƠNG TRƯỜNG.

Sau đây mời bạn suy niệm những câu nói của Thánh Bridget:

❦ Nếu Thiên Chúa chịu đựng những trận đòn và sự hành hạ, thì ta nhiều khi phải chịu đựng những lời nói và những sự nghịch lý. 

❦ “Tội lỗi của một người cho dù có nặng nề đến đâu đi nữa, nhưng nếu họ trở về với Mẹ với trọn con tim và quyết tâm sửa cải thực sự thì Mẹ lập tức sẵn lòng tiếp nhận họ, Mẹ sẽ không kể bao nhiêu tội lỗi họ  đã phạm trước, nhưng chỉ nhìn đến thiện chí và việc họ trở về mà thôi. Người ta xưng tụng Mẹ là Hiền Mẫu nhân lành, và thực sự lòng từ nhân của Con Mẹ đã làm cho Mẹ hết sức nhân lành; và chỉ có những ai có thể mà lại không chịu đến với lòng nhân lành mới thực sự là kẻ khốn nạn.” (Lời Mẹ phán với thánh nữ Bridget nước Thụy Điển)

From: Đỗ Dzũng

Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619)- Cha Vương

Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619).

Chúc bình an. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619).

Cha Vương 

Thứ 5: 21/07/2022

Thoạt nhìn qua tiểu sử, có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ tiếng. Ngoài kiến thức về tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Ðức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Ngài sinh ngày 22 tháng 7 năm 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của ngài là Julius Caesare Rossi, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.

Khi mới 16 tuổi, ngài gia nhập Dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Ðại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.

Với khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.

Ngài rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác — đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi như vậy. Ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31 tuổi. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành. Sau một loạt “thăng quan tiến chức”, ngài được các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này, ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý.

Sau khi từ chối việc tái bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm 1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta.

Vào năm 1956, Dòng Capuchin đã hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải. Một trong những bài giảng: “Thiên Chúa là tình yêu, và mọi hoạt động của Ngài xuất phát từ tình yêu. Một khi Ngài muốn thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Ngài ra cho bên ngoài, thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Ðức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo vật và cho chính Ngài. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Ðức Kitô và vì Ðức Kitô. Ðức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Ðức Kitô. Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra ngay cả nếu Adong không phạm tội” (Thánh Lawrence ở Brindisi, Tiến Sĩ Hội Thánh).

Thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip III. Cái nóng bức oi ả của mùa hè trong chuyến đi ấy đã làm ngài kiệt sức, và vài ngày sau khi gặp gỡ nhà vua, ngài từ trần ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 22 tháng 7 năm 1619 và được mai táng tại nghĩa trang của Dòng thánh Clare nghèo khó ở Villafranca.

Đức Giáo Hoàng Pius VI đã tôn phong Chân Phước cho ngài năm 1783 và Đức Giáo Hoàng Leone XIII đã nâng ngài lên hàng hiển thánh ngày 08 tháng 12 năm 1881. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 3 năm 1959 với tước hiệu “doctor apostolicus – tiến sĩ tông đồ”.

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)

Thánh Lawrence ở Brindisi, cầu cho chúng con.

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”  (2 Côrintô 12:9) – Cha Vương

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”  (2 Côrintô 12:9)

Hãy Tạ ơn vì Chúa đã ban cho Bạn một ngày mới! Chúc Bạn có một quả tim đầy ân sủng để vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong ngày.

Cha Vương

Thứ 3: 19/07/2022

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”  (2 Côrintô 12:9)

SUY NIỆM:

Khi bị bệnh Bạn đi tìm thầy thuốc. Khi đau khổ buồn chán Bạn đi tìm an ủi. Có 2 nguồn an ủi: an ủi của giác quan (thế gian) và an ủi của Thần Khí (Thiên Chúa).

Nguồn an ủi của thế gian Bạn nên tránh xa! “Không hưởng được nhiều an ủi ở đời, nhất là những yên ủi giác quan, thì lại có lợi và làm cho đời ta vững chắc hơn.” (SGCGs, Q1:C21)

Còn nguồn an ủi của Thiên Chúa thì bạn PHẢI có qua việc tham dự tích cực vào các Bí Tích, vì “Các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh. Qua các bí tích, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thần linh.”(SGLCG, số 1131) Đức Hồng Y Thuận nói: “Con đừng bảo: ‘Nước không dập tắt được lửa!’—Chỉ vì nước ít lửa nhiều thôi.” (ĐHV, 438) Vậy Bạn hãy đến với Chúa thường xuyên hơn để xin Ngài tăng cường ân sủng cho mình thì mới dập tắt được ngọn lửa của dục vọng.

 BÀI TẬP THỰC HÀNH:

  1. Hãy đi xưng tội thường xuyên hơn.
  2. Nếu hoàn cảnh cho phép Bạn hãy đi Lễ ngày thường để rước Chúa.
  3. Tham dự thánh lễ một cách nghiêm trang và sốt sắng.
  4. Tắt nguồn (power off) điện thoại di động trước khi bước vào nhà thờ để khỏi bị chia trí.

Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, / Ngài xiết bao thánh thiện, / Này chúng con chạy đến / Tìm nương ẩn nơi Ngài. / Lúc sa vòng gian khổ, / Khi gặp cảnh phong trần, / Lời con cái nài van, / Xin Mẹ đừng chê bỏ. (Lạy Đức Mẹ Chúa Trời (Sub tuum praesidium)

From: Đỗ Dzũng

Tại sao Hội Thánh có đặc tính là công giáo? – Cha Vương

Tại sao Hội Thánh có đặc tính là công giáo?

Houston nóng quá đi thôi! Nguyện xin tình yêu Thiên Chúa tưới mát tâm hồn bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Th 2: 18/7/2022

GIÁO LÝ: Tại sao Hội Thánh có đặc tính là công giáo? Thuật ngữ “Công giáo” (tiếng Hi lạp là Katholon) có nghĩa là mở ra cho tất cả. Hội Thánh là Công giáo, vì Chúa Kitô kêu gọi Hội Thánh tuyên xưng toàn bộ đức tin, gìn giữ đầy đủ các Bí tích để ban phát, và loan báo Tin mừng cho mọi người. Chúa Ki-tô sai Hội Thánh đi đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và thuộc mọi nền văn hóa.

(YouCat, số 133)

SUY NIỆM: Ban đầu, Chúa Giêsu Kitô chỉ thiết lập có một Giáo Hội duy nhất, cũng như chỉ có một chân lý duy nhất mà Người đã giảng dạy. Theo dòng thời gian, Giáo Hội phát triển lớn mạnh, như một cây đại thụ sum sê cành lá. Điều đáng buồn là đôi khi lại có những cành gãy xuống khỏi cây đại thụ ấy; tức là những nhóm người xa rời Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô, lập nên những giáo hội khác:

Đầu thế kỷ thứ 11 (1054), một nhóm tín hữu bên Đông Âu tự tách ra lập thành Chính Thống giáo, với một số nghi thức mới riêng biệt.

Đầu thế kỷ 16, vua Henry VIII của nước Anh vì muốn có con trai nối dõi đã xin Đức Giáo Hoàng cho được tiêu hôn để cưới vợ mới, không được chấp thuận nên nhà vua đã ra sắc lệnh tách nước Anh ra khỏi Hội Thánh và lập nên Anh Giáo.

Năm 1517, ông Martin Luther cùng với một số đồng bạn chủ xướng tại Đức phong trào Kháng Cách để lập thành giáo hội Tin Lành (Protestantism). Từ giáo hội mới này đã nảy sinh ra cả ngàn các hệ phái khác nhau với những giáo thuyết khác biệt ở nhiều nơi. Và rồi mỗi giáo phái, dù lớn dù nhỏ cũng đều nhận rằng chỉ có mình mới là chân chính, là đạo thật.

Nhưng Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô – Hội Thánh Công Giáo – vẫn là cây đại thụ sừng sững bao la. Giáo Hội vẫn thủy chung gìn giữ nguyên vẹn mọi giáo huấn và truyền thống của các tông đồ. Giáo Hội không ngừng làm cho giáo lý ấy thêm sáng tỏ và thích nghi theo từng thời đại, vẫn trung thành tuân phục quyền bính các đấng kế vị các tông đồ mà Chúa Giêsu đã đặt. Đặc biệt Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng là Đấng kế vị thánh Phêrô, thay mặt Chúa Kitô ở trần gian.

Công Giáo có nghĩa là toàn vẹn và phổ quát, vì đạo chứa đựng mọi điều cần thiết để được ơn cứu rỗi. Công Giáo cũng có nghĩa là đạo chung, đạo cho toàn thể nhân loại, đạo dành cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, tiếng nói, văn hóa hay địa vị. (Nguồn: Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM)

LẮNG NGHE: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:19-20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, hai điều Chúa dạy con là hãy “mến Chúa và yêu người”, xin cho con biết tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa toàn năng, toàn mỹ, toàn thiện, toàn ái và yêu thương mọi người như anh em để cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

THỰC HÀNH: Sống đức tin Công Giáo bằng hành động bác ái của mình.

From: Đỗ Dzũng

 Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28) – Cha Vương

 Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28) – Cha Vương

Ngày Chúa Nhật thật nhẹ nhõm trong vòng tay của Chúa. Đừng quên cầu nguyện cho nhau và cho người dân Ukraine nhé.

Cha Vương

CN: 17/07/2022

TIN MỪNG: Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10:41-42)

SUY NIỆM: Câu chuyện sau đây là lời nhắc nhở chân thành đến những ai đang băn khoăn, bận rộn, và lo lắng quá mà không có giờ cho Chúa, cho gia đình, cho con cái…

Cậu bé 10 tuổi nói với bố:

– Bố ơi, mỗi giờ bố làm được bao nhiêu tiền?

Không thích câu hỏi có tính cách tò mò, nhưng bố nó cũng trả lời :

– Mỗi giờ bố làm được 10.000 đồng.

– Bố cho con 5.000 đồng được không ?

– Thì ra con hỏi bố làm được bao nhiêu tiền để xin tiền à?

Thằng bé bị bố tạt cho một “gáo nước lạnh”, tiu nghỉu lên võng nằm.  Thấy thương, bố nó đến bên an ủi và bảo :

– Bố cho con 5.000 đồng đây, con cần mua bút mực hay sách vở cứ nói, bố sẽ cho. Thằng bé vui mừng chạy đến  chiếc cặp lấy ra 5.000 đồng nữa, tổng cộng nó có 10.000 đồng. Nó đưa cho bố và nói:

– Đây là tiền công một giờ của bố, bố hãy đi chơi với con một giờ được không?

Ngạc nhiên, bố nó ôm vào lòng rồi nói :

– Bố xin lỗi con, bấy lâu nay bố lơ là không quan tâm đến con, bố đổ thừa cho công việc quá bận rộn.

Thằng bé không hiểu, tròn mắt nhìn bố nó và nghĩ thầm: “Sao lại đổ thừa nhỉ”?

Như hiểu ý nó, bố nó nói :

– Đi làm, bố thường đi sớm về trễ, ở nhà loanh quanh với những việc nhà, ngày lễ, ngày nghỉ cũng chỉ nghĩ đến công việc. Bố quá lo cho đời sống vật chất mà quên đi đời sống tinh thần. Nói đến đây bố chợt nghĩ về mẹ con, mới đó mà đã 15 năm kể từ ngày bố lấy mẹ, từng ấy năm không một chút thư thả, chưa một ngày rong chơi, bố và mẹ đã già đi rất nhiều so với số tuổi. Tất cả chỉ vì công việc!

Im lặng một lúc, bố nói tiếp:

– Bố hứa từ nay, bố sẽ bớt công việc, bố sẽ lo cho mẹ và con được cuộc sống đích thực, tận hưởng được những gì mà Thượng Đế ban cho, đó là cảnh vật thiên nhiên, không khí trong lành.

Bạn có thể đang thật sự bận rộn hoặc đang nhiễm một chứng bệnh: “Ra vẻ bận rộn”.  Rất nhiều người từ già đến trẻ đang lấy cớ “bận rộn” để sống thờ ơ và lạnh nhạt trong cách sống đạo. Không có thời gian quan tâm đến người khác vì lúc nào cũng có một điệp khúc bất hủ trên cửa miệng: “Mình bận lắm, không có thời giờ đâu”.  Điệp khúc này được nhai đi nhai lại bằng những nhịp điệp khác nhau… Suốt 24 giờ, dường như là quá ít so với công việc một ngày của họ: đi làm, giao tiếp, đi học, cà phê, vi tính, lướt mạng, phim ảnh… điều này đã khiến cho họ xa lìa Chúa, thiếu sự quan tâm đến bản thân mình và người xung quanh.

LẮNG NGHE: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, gánh nặng của con là những bận rộn vô nghĩa. Xin cho con biết năng chạy đến với Chúa qua thinh lặng cầu nguyện và qua các Bí Tích mà Chúa đã thiết lập, nhờ đó con tìm được nguồn an vui, sự  bình an và bồi dưỡng cho tâm hồn.

THỰC HÀNH: Giảm giờ làm việc để dành thời gian cho Chúa, cho gia đình và cho sức khoẻ của mình nhé.

From: Đỗ Dzũng

Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với bạn hôm nay và mãi mãi. – Cha Vương

Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với bạn hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 7: 16/07/2022

TIN MỪNG: “Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng ĐỨC CHÚA: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Bấy giờ, (các) người sẽ nhận biết rằng ĐỨC CHÚA các đạo binh đã phái tôi đến với (các) người. (Dcr 2:14,15)

SUY NIỆM: Hồi Đức Mẹ ẩn cư trong Đền thờ, Người gắng sức chuyên cần chu toàn phận sự. Lúc nào thư thái Đức Mẹ đọc kinh nguyện ngắm, nên Người đã xứng đáng lãnh nhận những ơn cao cả Chúa sắp ban cho. Hỡi Con Vua Cả trên trời bước đầu tiên của Người quý giá vinh hiển muôn trùng. Thật Người là “gương mẫu trong muôn ngàn trinh nữ trông vào, Người vui lòng hiến dâng trong cung Điện Đại Dương. Lễ vật các trinh nữ ấy tự ý dâng cho Đức Chúa Trời từ buổi niên thiếu, do lòng thành thực sẽ làm sáng danh Chúa Cha. Đấng uy nghi quyền phép, là mạch muôn ơn phúc, chính Người sẽ làm cho họ được dư đầy trọn đời mình. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:5:2) 

LẮNG NGHE: Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12:48-50)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Ðức Giêsu Kitô, xin cho con biết noi gương Mẹ, sống hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn để xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô đến cư ngụ trong con.

THỰC HÀNH: Tập kết hiệp với Chúa qua 2 chữ “xin vâng” trong mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh.

From: Đỗ Dzũng