“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc 1:10-42)-Cha Vương

Chúc mừng Năm Mới! Cảm ơn bạn đã gởi cho mình lời chúc Xuân tốt đẹp. Mùng 2 Tết, mọi người thường đi chúc Tết anh em nội ngoại gần xa. Nào ta hãy tiếp tục tạ ơn Chúa và xin dâng hai chữ “tôn vinh” lên Ngài nhé!

Cha Vương

Thứ 5: 30/1/2025

TIN MỪNG: Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (Mc 1:10-42)

SUY NIỆM: Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đi vào nỗi đau tinh thần và thể xác của con người với lòng thương xót của Ngài để chữa lành những bệnh tật và những vết thương của tội lỗi đang làm bạn xa lìa Chúa và anh em.

Hôm nay mùng 2 Tết, trong bầu không khí anh em họ hàng đoàn tụ; con cháu chúc tuổi ông bà, tưởng nhớ tổ tiên; ông bà dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong… thiết tưởng rằng không gia đình nào, không cộng đồng nào tránh khỏi những hiểu lầm, những rạn nứt đang gây ra nỗi đau âm ỷ tật đáy lòng trong ngày Tết. Nỗi đau này cũng giống như bệnh phong hủi, nó có thể lây nhiễm từ người này sang người khác và làm tổn thương đến những người xung quanh. Điển hình như việc buôn chuyện, nói hành nói tỏi, hay những hành động thiếu bác ái, sự ích kỷ, tính tham lam… sự tổn thương của nó cũng mang nặng tính lây lan và làm bạn xa lìa Chúa và những người thân yêu. Vậy hôm nay bạn hãy đặt hết niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa đi. Ngài rất muốn đụng vào những vết thương mở của bạn đó. Bạn có muốn để Chúa đụng vào không? “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

LẮNG NGHE: Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. (Ga 1:21bc)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, xin giúp con mở lòng ra để Chúa có thể đến và chữa lành những vết thương đang âm ỷ trong lòng con suốt bao nhiêu tháng ngày. Xin Chúa chữa lành vết thương này cho con.

THỰC HÀNH: Đọc chập và suy niệm Kinh Lạy Cha.

From: Do Dzung

***************************

Cầu Cho Cha Mẹ 2 – Phương Anh

Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’” (Ds 6:23-26)-Cha Vương

Chúc mừng Năm Mới đến bạn và đại gia quyến. Chúc bạn có một tâm hồn tràn đầy HY VỌNG vào Chúa là đấng ban phát mọi ơn lành để bạn được hạnh phúc và tươi vui suốt năm. Nhớ cầu nguyện cho nhau, nhất là nhưng người cô đơn trong dịp Tết này nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 29/1/2025 (Mùng Một Tết)

TIN MỪNG: Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con ông ấy rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’” (Ds 6:23-26)

SUY NIỆM: Trong bài đọc một của Thánh Lễ đêm giao thừa, Lời Chúa nhắc nhở bạn về cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Mô-sê qua đó Đức Chúa dạy ông Mô-sê hãy chúc lành cho con cái Ít-ra-en. Mỗi khi làm như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của Danh Thánh Chúa, và Chúa sẽ chúc lành cho họ.

Hôm nay là ngày đầu năm Ất Tỵ, mọi người thân thương trong gia đình từ khắp bốn phương trời đổ về để đón Xuân. Đây là một cơ hội để “gặp gỡ” để chúc nhau, không những chúc sức khỏe, chúc phát đạt, chúc mọi sự như ý… mà còn xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành xuống cho nhau nữa… Nhìn vào những cuộc gặp gỡ trong Tin Mừng, bạn thấy có một điểm nổi bật đó là sự biến đổi nội tâm. Thí dụ, khi các môn đệ gặp Chúa, cuộc đời của họ thay đổi đến độ họ từ bỏ tất cả để chạy theo Ngài. Tại sao? Lý do là vì họ khám đã phá ra Chúa là ai: một người nồng ấm, thân thiện, yêu thương và ân cần tiếp đón. Họ cảm nghiệm mình đã gặp một người khác thường và một người bạn đặc biệt. Cuộc gặp mặt “đi dễ khó về” này đã để lại nơi họ sự bình an sâu lắng và niềm hạnh phúc vô biên để họ có thể làm một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời. Họ bỏ tất cả những gì quí yêu nhất là gia đình, nghề nghiệp, bạn bè , làng xóm để dấn thân theo Ngài. Ước mong những cuộc gặp gỡ trong ngày đầu năm Ất Tỵ của bạn cũng mang một tâm tình như vậy để mọi người cảm nghiệm được sự nồng ấm, thân thiện, bình an và yêu thương dưới muôn vàn ơn lành của Chúa Xuân.

LẮNG NGHE: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay. Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. (Tv 36:3-4)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trước thềm Năm Mới, xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến con và những người thân yêu của con.

THỰC HÀNH: Để cuộc gặp gỡ của bạn có ý nghĩa mời bạn hãy sử dụng những ngôn ngữ tích cực và tránh những lời phàn nàn tiêu cực nhé.

From: Do Dzung

*************************8

Xuân hy vọng

Thánh Tôma Aquinô (1225-1274)-Cha Vương

Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Tôma làm quan thầy nhé.

Cha Vương

TIỂU SỬ: Thánh nhân sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở A-qui-nô, nước Ý, rồi theo học tại đan viện Mon-tê Cát-xi-nô, tiếp đến tại đại học Na-pô-li, cuối cùng Tô-ma nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pa-ri và Cô-lô-nhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là An-bê-tô Cả. Thánh Tô-ma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đa-minh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xi-tô ở Phốt-xa-nô-va. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tu-lu-dơ năm 1369.

NHÂN ĐỨC: 

1/ Thánh Tô-ma có lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài nói:

❦  Nếu bạn muốn tìm một gương bác ái, thì này đây chẳng ai có lòng bác ái lớn hơn người thí mạng sống mình cho bạn hữu. Đó là việc Đức Giêsu đã làm trên thập giá.

❦  Nếu bạn muốn tìm một tấm gương về sự kiên nhẫn, thì trên thập giá bạn sẽ thấy một sự kiên nhẫn tuyệt vời. Đức Kitô trên thập giá đã chịu những đau khổ lớn lao mà vẫn kiên nhẫn, bởi vì “khi bị sỉ vả, Người không đe loi, như con chiên bị dẫn vào lò sát sinh, Người không hề mở miệng “

❦  Nếu bạn muốn tìm một tấm gương về sự khiêm nhường, bạn hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đinh: Người là Thiên Chúa, thế mà Người đã muốn chịu xử dưới thời Philatô và chịu chết.

❦  Nếu bạn muốn tìm gương khinh chê của cải trần gian, thì bạn chỉ cần chạy theo Đấng là Vua các vua và là Chúa các chúa. Nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông thái; thế mà trên thập giá, Người đã nên trần truồng, bị chế giễu, đập đánh, đội vòng gai và uống mật đắng với dấm chua…

2/ Ngài có một đời sống khiêm nhường sâu thẳm và một ý hướng ngay chính trong công việc chuyên môn. Truyền thuyết thuật lại rằng: Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện, thánh nhân bỗng nghe những lời phát ra từ tượng Chúa Chịu Nạn:

– Hỡi Tôma, con đã viết rất hay về Cha. Con muốn Cha ban thưởng gì cho công việc của con không ?

Thánh nhân đáp lại:

– Lạy Chúa, con không muốn gì khác ngoài một mình Chúa.

Vâng! Có Chúa là có tất cả. Ngoài Chúa ra thì mọi sự đều vô ích.

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN: Thánh nhân nói: “Chỉ cần chạm một cái rất nhẹ, rất mong manh vào lửa Luyện ngục thì con rùng rợn hơn tất cả những cực hình đau đớn chết người trên trái đất này.” Cố gắng tránh xa dịp tội để được sống trong ơn nghĩa Chúa.

From: Do Dzung

**********************

Giêsu! Con yêu Ngài

Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (Lc 4:1)-Cha Vương

Ngày CN hạnh phúc và tràn đầy ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 26/1/2025

TIN MỪNG: Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (Lc 4:1)

SUY NIỆM: Chúa Giê-su được Thần Khí thúc đẩy. Vậy Thần Khí là gì? Thần khí là một Ngôi Vị – Thần khí của Cha và của Con. “Thần khí là một năng lực vô hình mang tính thiêng liêng, vượt khỏi không gian và thời gian, một sức mạnh tự than có tính siêu phàm, tác động cả bên trong lẫn bên ngoài, có sức mạnh đẩy con người phải làm theo và có thể bị lệ thuộc hoàn toàn. Trong đời sống tâm linh, mỗi Kitô hữu có những lúc phải đối mặt với những thử thách, có thể làm đức tin của con người bị chao đảo, tê liệt hay tắt lịm. Những lúc như thế, con người rất cần phải phân định để biết rõ thần khí nào đang hoạt động nơi linh hồn.” (Hàn Cư Sĩ) Theo cha Jordan Anmaun o.p,

“các thần khí có thể được sắp thành ba loai: thần khí của Thiên Chúa, thần khí của ma qủy, thần khí của con người.

Thiên Chúa luôn hướng chúng ta về điều thiện hoăc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các nguyên nhân phụ.

Ma qủy luôn xúi giục chúng ta làm điều xấu, nó hoạt động bằng sức riêng của mình hoặc qua vẻ quyến rũ của những sự vật trần thế.

Thần khí của con người có thể hướng về điều xấu hoặc điều tốt, tùy theo cá nhân đó trong lẽ phải hay theo những ước muốn vị kỷ”.  Bạn đang sống trong xã hội vàng thau lẫn lộn, để phân định được đâu là thần khí của Thiên Chúa, bạn phải dành thời giờ để cầu nguyện và phân định coi đâu ra là hoa trái của Thần Khí. Hoa trái của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gal 5, 22-23). Bạn cứ nhìn vào quả thì sẽ biết cây thôi.

LẮNG NGHE: Lạy CHÚA, Lời CHÚA là thần khí và là sự sống. (Ga 6:63c)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng trí sáng suốt để con nhận ra và sống trong Thần Khí của Chúa.

THỰC HÀNH: Thần khí nào đang lấp đầy khoảng trống của con tim bạn vậy? Đọc lại hoa trái của Thần Khí coi lối sống của bạn có sống đúng với Thần Khí Chúa không nhé.

From: Do Dzung

*************************

THẦN KHÍ CHÚA SAI ĐI -Trình bày: Thành Trung (ST: Nguyễn Đức Tuấn) 

Lễ Thánh Phaolô trở lại (25/01)-Cha Vương

Chúc một cuối tuần an lành và mọi sự tốt đẹp trong bàn tay quan phòng của Chúa nhé. Hôm nay 25/1 Giáo Hội mừng kính Lễ Thánh Phaolô trở lại, ta hãy xin cho được sự hoán cải trong tâm hồn. Xin một hy sinh nhỏ để cầu nguyện cho những người tội lỗi được ăn năn trở lại.

Cha Vương

Thứ 7: 25/01/2025

Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố — ngài được gặp Ðức Giêsu trên đường đi Damascus. Ngay khoảng khắc đó, mọi sự hăng say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Ðức Giêsu, mặc dù chỉ lớn hơn Ðức Giêsu vài tuổi.

Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Ðức Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: “đi vào từng nhà và bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà” (CVTÐ 8:3b). Bây giờ, chính ngài được “đi vào”, được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai thác cho một mục đích — trở nên một người nô lệ cho Ðức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Ðấng Cứu Thế.

Câu nói sau đã xác định lập trường đức tin của ngài: “Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại” (CVTÐ 9:5b). Một cách huyền nhiệm Ðức Giêsu đã đồng hóa với dân của Ngài – là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Ðức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.

Từ đó trở đi, công việc của ngài là “giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong Ðức Ki-tô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Colossê 1:28b-29). “Vì tin mừng được loan báo cho anh chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với niềm xác tín sâu xa (1 Thess. 1-5a).

Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá: qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Ðức Kitô; họ là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc của thế gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Ðức Kitô và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.

Do đó thông điệp vĩ đại của Thánh Phalô cho thế giới là: Bạn đã được Thiên Chúa cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Ðức tin cứu độ là món quà tặng cho những ai tận hiến cho Ðức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong “công việc” nhiều hơn là những gì luật lệ mơ tưởng. (Nguồn: Người Tín Hữu)

❦  “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Côrintô 13:4-7).

Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác. Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình. Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con.

 (Nguồn:TGP Saigon) 

From: Do Dzung

************************

LỄ THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI | ST: Sr. Têrêsa | TB: Cs.| Thành Danh

Thánh Phanxicô De Sales (Francis de Sales) (sinh 21 tháng 8 năm 1567 – 28 tháng 12 năm 1622) – Cha Vương

 Chúc bình an! Hôm nay 24/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Phanxicô De Sales. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Phanxicô De Sales là quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 24/01/25

Thánh Phanxicô De Sales (Francis de Sales) sinh năm 1567 trong một vùng biên giới nước Pháp, là con ông chúa vùng Boisy, một gia đình thượng lưu quyền quý nhà Savoia. Sống giữa hai thế kỷ XVI-XVII. Thánh nhân quy tụ nơi mình cái tinh túy của các giáo huấn và các chinh phục văn hóa thời đó, bằng cách hòa giải gia tài của thuyết nhân bản với sự thúc đẩy hướng tới cái tuyệt đối của các trào lưu thần bí. Lối sống của Ngài được đặt trên nền tảng của Lời Chúa: “Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật.” (Mt 11:29) Vào lúc tột đỉnh của một cuộc thử thách, Phanxicô đến nhà thờ các cha dòng Đaminh ở Paris, rộng mở con tim cho Chúa và cầu nguyện như sau: ”Lạy Chúa là Đấng nắm giữ mọi sự trong tay, và các con đường của Ngài là công lý và sự thật, bất cứ sự gì xảy ra, bất cứ gì Chúa đã thiết định cho con… Chúa luôn luôn là thẩm phán công bằng và là Cha thương xót, con sẽ yêu Chúa, lạy Chúa… Con sẽ yêu Chúa ở đây và sẽ luôn luôn hy vọng nơi lòng thương xót Chúa và sẽ luôn luôn lập lại lời ca ngợi Chúa… Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ luôn mãi là niềm hy vọng và ơn cứu độ của con trên cõi đất của các kẻ sống” (I Proc. Canon., Vol I, art 4).

Nếu bạn đang lo sợ một điều gì đó, mời bạn đọc và suy niệm lời huấn từ của của Thánh Phanxicô De Sales dưới đây, hãy noi gương thánh nhân để lại, biết đặt chọn niềm tin vào Chúa, hết lòng phục vụ anh em và làm chứng cho lòng yêu thương nhân hậu của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Để Được Bình Yên (Thánh Phanxicô De Sales)

Đừng lo sợ về những biến đổi trong cuộc sống; thay vào đó, hãy nhìn vào sự kiện với trọn niềm hy vọng khi nó xảy ra. Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên con giống hình ảnh của Ngài, sẽ dẫn dắt con vượt qua một cách an toàn; và khi con không thể chịu đựng được nữa, Chúa sẽ ẵm con trên đôi tay của Ngài.

Đừng sợ hãi những gì có thể xảy ra vào ngày mai; Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu hết mọi sự đang chăm sóc con hôm nay sẽ gìn giữ con mỗi ngày và mãi mãi. Ngài sẽ che chở con khỏi mọi đau khổ hoặc sẽ ban cho con sức mạnh bền bỉ để chịu đựng nó. Để được bình an, con hãy gạt bỏ những bồn chồn lo lắng trong suy nghĩ và trí tưởng tượng.

Lạy thánh Phanxicô De Sales, xin cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

************************

Con thuộc về Ngài – Gia Ân

Ơn thánh là gì?- Cha Vương

Dự báo thời tiết hôm nay ông mặt trời sẽ lộ ra sưởi ấm vùng Houston, tạ ơn Chúa! Bảo trọng kẻo đá trên mái nhà rơi xuống đầu đó. 🙂

Cha Vương

Thứ 5: 23/1/2025

GIÁO LÝ: Ơn thánh là gì? Ơn thánh là sự ân cần tự ý và đầy yêu thương của Chúa, là sự giúp đỡ tốt lành của Người, là sức sống từ Người mà đến. Qua thập giá và sự sống lại, Chúa tận tình hiến trọn cho ta, và thông truyền cho ta. Ơn thánh là tất cả những gì Chúa ban cho ta, không do chút công lao nào của ta cả. (YouCat, số 338)

SUY NIỆM: Đức Bênêđictô XVI nói rằng ân sủng là được Thiên Chúa nhìn đến, là được tình Chúa yêu ta chạm đến. Ân sủng không phải là một sự vật, mà là chính Thiên Chúa tự thông ban cho con người. Cái Chúa ban không phải là kém hơn chính mình Người. Trong ân sủng ta được ở trong Thiên Chúa. (YouCat, số 338 t.t.)

❦  Chúa không bao giờ ban ít hơn chính Người. (Thánh Augustinô)

LẮNG NGHE: Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; (Ep 2:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, “xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện”.

THỰC HÀNH: Dành ít thời gian để tạ ơn Chúa về những món quà mà bạn đã đón nhận từ Thiên Chúa.

From: Do Dzung

************************

ĐỊA CẦU ĐẦY ÂN SỦNG – ST : PM CAO HUY HOÀNG, TB : THANH MINH  

Chúa Giêsu coi Luật Cựu Ước có giá trị thế nào? Cha Vương

Houston lạnh quá bà con ơi! Ngoài lạnh nhưng rán giữ lòng cho ấm nhé. Chúc một ngày bình yên tràn đầy hy vọng vào Chúa.

Cha Vương

Thứ 2: 20/1/2025

GIÁO LÝ: Chúa Giêsu coi Luật Cựu Ước có giá trị thế nào? Chúa nói trong bài giảng trên núi: “Ta không đến hủy bỏ Luật, và các tiên tri, nhưng để làm hoàn tất.”—Mt 5,7, (YouCat, số 336)

SUY NIỆM: Chúa Giêusu đã sống như một người Do Thái có lòng tin hoàn toàn theo quan niệm và các quy định của thời Người. Nhưng qua một chuỗi suy nghĩ, Người rời xa lối giải thích Luật theo nghĩa đen và chỉ vụ hình thức. (YouCat, số 336 t.t.)

Chúa Giê-su kiện toàn luật Mô-sê bằng chính sự hiến dâng thân xác của mình, để đưa con người vào sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, phá bỏ mọi gánh nặng của lề luật trói buộc con người. Ngài kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới đó là tình yêu thương.

Làm một người Kitô hữu, bạn phải sống trọn vẹn tinh thần của luật Tin Mừng, để làm chứng cho nước Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Bạn giữ luật không chỉ với mục đích thánh hóa bản thân, mà còn tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô qua việc nêu gương và dạy cho người khác bằng chính đời sống của mình.

LẮNG NGHE: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:34-35)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con biết mặc lấy tâm tình của Chúa và sống như Lời Chúa dạy để trở thành hiện thân của Chúa trong môi trường sống hàng ngày.

THỰC HÀNH: Tập sống giới luật yêu thương và tha thứ.

From: Do Dzung

********************

HƠI ẤM BÌNH AN || Lm. Xuân Đường

 

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2:3)

Chúc bình an! Bạn biết không, mỗi ngày ai cũng có những “phép lạ” diễn ra xung quanh, nhưng đến 99% là chúng ta không nhận ra. Mời bạn hãy tạ ơn Chúa vì Ngài mới cho bạn một “phép lạ” đó là một ngày mới. Vui lên nhé!

CN: 19/1/2025

TIN MỪNG: Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2:3)

SUY NIỆM: Dường như con người ngày nay gặp quá nhiều sóng gió, khó khăn, bệnh tật, lo lắng làm cho tinh thần họ bất ổn, sợ hãi đến mức phải cậy dựa, phải tìm đến những điều được cho là “phép lạ” để tự an ủi và tìm lấy một tia hy vọng cho chính mình. Vậy phép lạ là gì trong đạo Công Giáo? Dựa trên căn bản thì “phép lạ” được hiểu là:

+ Những hiện tượng siêu nhiên, chẳng hạn như việc ông Mô-sê giơ tay trên biển khiến nước biển rẽ làm hai (Xh 14,21-22), hoặc việc ông Giô-suê khiến mặt trời dừng lại (Gs 10,12-13).

+ Những hiện tượng xảy ra trái với quy luật tự nhiên, chẳng hạn như việc Đức Giê-su đi trên mặt biển (Mt 14,25), kẻ chết sống lại (2 V 4,32-35; Ga 11,1-44; Cv 9,39-40).

+ Những hiện tượng xảy ra không theo tiến trình của tự nhiên, ví dụ như hoá bánh ra nhiều (2 V 4,42-44; Mc 6,41-43), chữa lành người bại liệt (Mt 9,2-7; Cv 3,1-8 ; 9,34; 14,8-10), nước hoá thành rượu. (Ga 2:1-11)

Theo thiển ý của mình thì các phép lạ đã xảy gồm có bốn bước sau đây:

Xác định nhu cầu riêng hoặc chung—họ đang cần rượu

Cộng tác của bạn vào công trình của Chúa—Tục ngữ Pháp có câu: “Aide-toi, le Ciel t’aidera”: Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp bạn.

Tin vào sức mạnh của Chúa và để thánh ý Chúa được thể hiện.

Công bố việc làm của Chúa

❦  Không nơi nào trên trần gian đã có một phép lạ lớn như trong chuồng bò nhỏ ở Betlem: ở đây Thiên Chúa và con người trở thành một. (Thomas a Kempis-1380-1471, nhà thần bí Đức, tác giả sách Gương Chúa Giêsu).

LẮNG NGHE: Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu của THIÊN CHÚA đối với chúng ta. (1 Ga 4:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì những đam mê hào nhoáng bên ngoài nên con đã quên đi những “phép lạ” nho nhỏ mà Chúa đã và đang thể hiện trong con. Xin giúp con biết hoán cải và cộng tác với Chúa trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

THỰC HÀNH: Đối với những người đang nằm trong phòng cấp cứu, hơi thở cũng là một phép lạ mang lại nhiều hy vọng. Còn bạn thì sao? Tập đếm phép lạ trong đời mình mà tạ ơn Chúa nhé.

From: Do Dzung

Nước hóa rượu nồng

Luật Cựu Ước quan trọng thế nào ?- Cha Vương

Một ngày ấm áp trong yêu thương và zui zẻ nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 17/1/2025

GIÁO LÝ: Luật Cựu Ước quan trọng thế nào ? Trong Luật Cựu Ước và nhất là 10 điều răn, Thiên Chúa tỏ ý Người cho dân Israel là nếu tuân giữ, họ sẽ được cứu rỗi. Kitô hữu biết rằng họ phải giữ Luật, nhưng cũng biết rằng không phải Luật cứu độ họ. (YouCat, số 335)

SUY NIỆM: Theo kinh nghiệm, mỗi người cảm thấy như mình được “khuyên bảo” làm điều tốt. Nhưng ta thường thiếu sức mạnh để hoàn thành, vì khó quá, vì ta thấy mình yếu đuối (xem Rm 8,3 và Rm 7,14-25). Ta thấy cái phải làm, nghĩa là Luật Cựu Ước, nhưng lại cảm thấy muốn phạm tội. Chính nhờ sự hiểu biết này về Luật cũ chứng tỏ cho ta, ta cần có một sức mạnh bên trong để hoàn thành. Vì thế, Luật Cựu Ước dù tốt và quan trọng cũng chỉ có để sửa soạn cho ta sống bằng đức tin với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ ta, như Người được mặc khải trong Tin Mừng. (YouCat, số 335 t.t.)

❦  Luật cũ là tiên báo và thầy dạy về các thực tại tương lai. (Thánh Irênê ở Lyon)

LẮNG NGHE: Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. (Xh 20:2-3)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh cho con để con biết giữ luật Chúa cho chọn trong ơn gọi.

THỰC HÀNH: Xin “Ơn Kính Sợ Chúa” để được tràn đầy lòng tôn kính Chúa, và ghê sợ bất cứ điều gì làm buồn lòng Ngài.

From: Do Dzung

*************************

Lắng Nghe Lời Chúa – Nguyễn Hồng Ân & Hiền Thục

 Luật tự nhiên và luật Cựu ước liên kết với nhau thế nào?- Cha Vương

Chúc bình an! Xin phép lành và sức mạnh của Chúa ở lại trong lòng bạn hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 5: 16/1/2025

GIÁO LÝ: Luật tự nhiên và luật Cựu ước liên kết với nhau thế nào?  Luật Cựu ước diễn tả những sự thật mà lý trí có thể biết một cách tự nhiên, và những sự thật đó được mặc khải và chính thức công nhận như Luật của Chúa. (YouCat, số 334)

SUY NIỆM: Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. (Mt 5,19) (YouCat, số  t.t.) (YouCat, số  t.t.)

❦  Thiên Chúa đã viết Luật trên bảng đá thế mà con người lại không đọc thấy trong lòng họ. (Thánh Augustinô)

LẮNG NGHE: Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. (Tv 19:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con biết chuyên tâm thực thi những gì Chúa dạy, thực hành những điều hay lẽ phải, dẫu cho có bị bách hại thì xin giúp con giữ vững niềm tin theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở với Chúa trong vinh quang.

THỰC HÀNH: Trong 10 Điều Răn của Chúa, giới răn nào thực là một thách đố cho bạn trong lúc này? Xin Chúa ban cho bạn ơn can đảm nhé.

From: Do Dzung

***********************

Đường Lối Chúa (Đinh Công Huỳnh) – Ca đoàn Ngôi Ba

Có luật tự nhiên nào mà mọi người đều có thể biết không?-Cha Vương 

Thứ 4 rồi bạn ơi! Ước mong bạn có thể nhảy đến ngày thứ 7 để có dịp hẹn hò ăn uống.  Một ngày bình yên và ấm áp đầy bao dung nhé.

Cha Vương 

Thứ 4:15/1/2025

GIÁO LÝ: Có luật tự nhiên nào mà mọi người đều có thể biết không? Người ta phải làm lành lánh dữ, là vì những điều đó đã được ghi khắc rõ ràng và chắc chắn trong tâm rồi. Mọi người đều có thể dùng lý trí mà nhận ra cái luật luân lý được coi là tự nhiên đó. (YouCat, số 333)

SUY NIỆM: Luật luân lý tự nhiên. Tất cả các văn minh và văn hóa đều có nhiều nguyên tắc khác nhau giúp sống chung với nhau, đó là những biểu lộ của cùng một bản tính nhân loại do ý muốn Đấng Tạo hóa, và do sự khôn ngoan về luân lý của nhân loại, nó được gọi là luật tự nhiên. (Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong sự thật)

Luật luân lý tự nhiên có giá trị cho mọi người. Nó chỉ dẫn cho con người về những bổn phận và quyền lợi căn bản họ có, nhờ đó nó trở thành nền tảng thực sự cho cuộc sống chung trong gia đình, xã hội và quốc gia. Con người cần Chúa giúp đỡ và mặc khải để đứng vững trên đường ngay lành, bởi vì do tội lỗi và sự yếu đuối của con người, nên con người thường chỉ nhận ra luật tự nhiên một cách không rõ ràng. (YouCat, số 333 t.t.)

❦  Đấng Tạo Hóa đã ghi vào sâu trong mỗi người “luật tự nhiên”, là phản ánh chương trình của Người trong lòng ta, như là chỉ dẫn và chừng mực trong đời sống ta. (Đức Bênêđictô XVI 27-5-2006)

LẮNG NGHE: Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình. (1 Ga 4:21)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin mở lòng và trí khôn con để con nhận ra rõ ràng giới luật tự nhiên (làm lành lánh dữ) và sống đúng như ý Chúa muốn.

THỰC HÀNH: Cố gắng hết khả năng làm một việc lành và từ bỏ một việc xấu hôm nay. Sent from Yahoo Mail for iPhone

From: Do Dzung

***************************

KHI LÀM VIỆC LÀNH – Ngọc Ánh | Thánh Ca Huy Hoàng