Thánh Giêronimô (Jerome) Linh mục Tiến sĩ người Ý (340-420)-Cha Vương

Thánh Giêronimô (Jerome) Linh mục Tiến sĩ người Ý (340-420).

 Chúc bình an nhé! Hôm nay Ngày 30/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Giêronimô (Jerome) Linh mục Tiến sĩ người Ý (340-420). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 30/09/2022

Thánh Giêronimô sinh quãng năm 340 tại Xơ-tri-đôn, Đan-ma-xi-a. Người đến Rô-ma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông Phương và làm linh mục. Trở lại Rô-ma, người làm thư ký cho đức giáo hoàng Đa-ma-xô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La-tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống ba mươi lăm năm cuối đời ở Bê-lem, gần cái hang nơi Đức Giê-su ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Thánh Jerome qua đời tại Bethlehem ngày 30 tháng 9 năm 420. Xác thánh nhân được chôn cất kế bên hai người con thiêng liêng (Thánh Paola và Eustochium) dưới hầm mộ của thánh đường Giáng Sinh. Nhưng sau đó thánh tích của thánh Jerome được chuyển về La Mã. Thi hài của ngài hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.

Đức Giáo Hoàng Boniface XIII đã tuyên xưng Thánh Jerome và Thánh Augustine là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 20 tháng 9 năm 1295

Thánh Giêrôme là một người thẳng tính, cương quyết. Ngài có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, ngài là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Ngài mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrôme đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, “Ngài cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ phong thánh cho ngài” (Ðời Sống Thánh Nhân của Butler)

Sau đây là những câu nói để đời của Thánh Nhân, bạn hãy bỏ ra mấy phút đọc và suy niệm coi thánh nhân đang muốn nhắn nhủ bạn điều gì để đến gần với Chúa hơn mỗi ngày qua việc đọc và suy niệm Lời Chúa.

(1) Tốt, tốt hơn, tốt nhất. Đừng bao giờ ngưng nghỉ cho tới khi cái tốt của bạn trở nên tốt hơn và cái tốt hơn trở nên tốt nhất. 

(2) Người phạm tội thì trong lòng không có Thiên Chúa, những việc họ yêu thích đều trở thành chúa của họ… 

(3) Vừa khi bị nhục dục tấn công, chúng ta hãy than thở: “Lạy Chúa, xin cứu giúp con, xin đừng để con xúc phạm đến Chúa.” 

(4) Phần chúng ta là hiến dâng những gì chúng ta có thể, phần của Chúa là chu cấp những gì chúng ta không thể.

(5) Có bao nhiêu thương tích đau thương trên thân xác Chúa Giêsu, thì cũng có bấy nhiêu vết thương xé nát Trái Tim Mẹ. 

(6) Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô. (Thánh Giêronimô)

Câu nào đánh động bạn nhất. Đối với mình thì câu 1.

Thánh Giêronimô, cầu cho chúng con.

Các vị tổng lãnh thiên thần—Mi-ca-en, Gáp-ri-en, và Ra-pha-en-Cha Vương 

Các vị tổng lãnh thiên thần—Mi-ca-en, Gáp-ri-en, và Ra-pha-en

Chúc bạn và gia đình một ngày bình an nhé! Xin một lời cầu nguyện cho dân cư ở tiểu bang Florida và những tiểu bang lân cận đang phải đương đầu với bão Ian.

Cha Vương 

Thứ 5: 29/09/2022

Hôm nay ngày 29/9, Giáo Hội mừng kính các vị tổng lãnh thiên thần—Mi-ca-en, Gáp-ri-en, và Ra-pha-en, nhưng đồng thời cũng mừng tất cả các thiên sứ được nhắc tới từ sách Sáng thế cho tới sách Khải huyền. Các vị hiện diện cách vô hình để hướng dẫn dòng lịch sử cứu độ. Tuy các vị là những sứ giả của Chúa, nhưng chỉ có các thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en, và Ra-pha-en là có tên. Các vị có nhiệm vụ bộc lộ cho con người biết các kế hoạch của Chúa và mang tới lệnh Người truyền, nhưng trước hết các vị là cộng đoàn đông đảo những vị thờ lạy Thiên Chúa hằng sống. Có rất nhiều loại Thiên Thần khác nhau được đề cập đến trong Thánh Kinh theo từng cấp bậc, đó là: angels (Thiên Thần), archangels (các Tổng Lãnh Thiên Thần), cherubim (Tiểu Thiên Sứ), seraphim (Thiên Thần Tối Cao), thrones (các Thần Cung), choirs (các tập hợp Thiên Thần), dominions (các Quyền Chi Phối), principalities (các Chức Vương, Công Quốc), và powers (Các Quyền Bính).

THÁNH MI-CA-EN—danh từ Hebrew có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” ám chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa được nói đến trong sách Daniel (10, 13-21) thánh Mi-ca-en xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Daniel như “hoàng tử vĩ đại” bảo vệ Israel chống lại quân thù và trong sách Khải Huyền của thánh Gioan (12-7) ngài dẫn đầu đạo binh Thiên Chúa chiến đấu với ma quỷ trong trận chiến vẻ vang sau cùng để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội tôn kính người như Đấng Bảo Trợ và tin rằng Người vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngài tòa Chúa. Thánh Mi-ca-en là quan thầy của những người phải dùng đến lò nung như làm bánh. Thánh Mi-ca-en cũng là quan thầy đoàn lính dù. Nhiều thành phố mang tên Người. Thánh Mi-ca-en cũng được cầu khi giúp bệnh nhân sắp qua đời.

THÁNH GÁP-RI-EN—theo danh xưng Hebrew có nghĩa là “Uy lực của Thiên Chúa” cũng còn gọi là “Sứ Thần Truyền Tin”. Ngài luôn can thiệp vào những sứ mạng liên quan đến việc cứu rỗi loài người. Chính Ngài đã báo cho tiên tri Daniel (Dn 8, 16; 9, 21-27) thời đại xuất hiện của Đấng Cứu Thế với ông Zachariah.  Sự xuất hiện của Thánh Gáp-ri-en mà nhiều người biết đến là sứ giả được phái đến cùng trinh nữ Maria (Lc 1, 11-38; 8, 16-27; 9, 21-27) để loan báo ý định của Thiên Chúa, và cũng chính là người đã nhiều lần hiện ra với thánh Giuse. Năm 1951 Đức Giáo Hoàng Pius XII đặt Ngài làm quan thầy các chuyên viên truyền thông, truyền thanh và điện thoại.

THÁNH RA-PHA-EN—theo tiếng Hebrew có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Chúng ta biết danh hiệu của vị Tổng Lãnh Thiên Thần này qua những trang sách Tobit thời Cựu Ước. Chính Ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông trong cơn hoạn nạn. Trong chuyện này ngài xuất hiện để dẫn dắt con ông Tobit là Tobia qua những cuộc mạo hiểm dị thường mà sau cùng dẫn đến một kết quả thật tốt đẹp: Tobia kết hôn với Sarah, ông Tobit được chữa khỏi mù mắt và tài sản của gia đình ông được hồi phục. Ngài cho hai cha con ông biết: “Ta là Ra-pha-en là một trong bảy khâm sai của Thiên Chúa, hằng ở bên cạnh Ngài trong huy hoàng của Ngài hiện diện”. Mục đích của câu chuyện này là để minh chứng sự Thiên Chúa quan phòng hằng hoạt động trong đời sống con người và hằng nghe lời cầu xin. Tổng lãnh Thiên Thần Raphael được cầu xin cho thể xác an khang và linh hồn khỏe mạnh. Ngài là quan thầy của người đi đường. (Tóm lược từ Nhóm Tinh Thần)

Lạy Chúa là Đấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho thiên thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ, xin cho các thiên thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện đầu Lễ kính)

From: Đỗ Dzũng

Thánh Laurensô Ruiz và các bạn, tử đạo Nhật Bản. (1600-1637)-Cha Vương

Thánh Laurensô Ruiz và các bạn, tử đạo Nhật Bản. (1600-1637)

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để được sống vững vàng trong đức tin nhé. Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Laurensô Ruiz và các bạn, tử đạo Nhật Bản. (1600-1637)

Cha Vương

Thứ 4: 28/09/2022

Thánh Laurensô Ruiz sinh năm 1600 tại Binondo, Manila, Phi Luật Tân và bố là người Trung Hoa, mẹ là người Phi Luật Tân, cả hai đều là Kitô Hữu. Bởi thế ngài biết tiếng Trung Hoa và Tagalog từ bố mẹ, và ngài còn biết tiếng Tây Ban Nha từ các cha Ða Minh mà ngài thường giúp lễ và dọn lễ cho các cha. Ngài sống về nghề chuyên môn viết chữ đẹp (calligrapher), biên chép lại các tài liệu trong một dạng tự tuyệt vời. Ngài là hội viên trung kiên của Hội Ái Hữu Mai Khôi dưới sự bảo trợ của các cha Ða Minh. Ngài lập gia đình và được hai trai một gái.

    Cuộc đời ngài thay đổi bất ngờ khi ngài bị kết tội sát nhân. Chúng ta không được biết gì hơn ngoài lời kể của hai cha Ða Minh là “ngài bị nhà cầm quyền lùng bắt vì tội giết người mà ngài có mặt tại hiện trường hoặc họ ghép tội cho ngài.”

    Vào lúc đó, ba linh mục Ða Minh, Antonio Gonzalez, Guillermo Courtet và Miguel de Aozaraza, chuẩn bị dong buồm sang Nhật mặc dù ở đó đang bắt đạo dữ dội. Cùng đi với họ có một linh mục Nhật Bản, Vicente Shiwozuka de la Cruz, và một giáo dân tên Lazaro, bị phong cùi. Lorenzo, đang lẩn tránh nhà cầm quyền nên muốn được nhập bọn, và mãi cho đến khi ra tới biển thì ngài mới biết là họ sang Nhật.

    Họ đổ bộ ở Okinawa. Lorenzo đã có thể đến Formosa, nhưng, ngài viết, “Tôi quyết định ở lại với các cha, vì nếu đến đó người Tây Ban Nha sẽ treo cổ tôi.” Họ ở Nhật không được bao lâu thì bị lộ tẩy, bị bắt và bị giải đến Nagasaki. Ðây là một nơi máu người Công Giáo đã chảy thành sông. Khoảng 50,000 người Công Giáo sống ở đây đã bị phân tán hay bị chết vì đạo.

    Ngày 29-30 tháng 9 năm 1637 tại Nagasaki, Nhật Bản tất cả bị tra tấn một cách dã man: sau khi bị đổ nước vào cổ họng, họ được đặt nằm ngửa trên mặt đất. Một tấm ván dài được đặt trên bụng nạn nhân, và các tên lính đạp lên tấm ván để nước ứa ra từ miệng, mũi và tai nạn nhân.

    Vị bề trên của họ, Cha Antonio, đã chết trong cùng ngày. Vị linh mục người Nhật và Lazaro vì khiếp sợ khi bị tra tấn bằng tăm tre đâm vào đầu ngón tay, nên đã chối đạo. Nhưng cả hai đã lấy lại cản đảm khi được các bạn khuyến khích.

    Khi đến phiên Lorenzo bị tra tấn, ngài hỏi người thông dịch, “Tôi muốn biết nếu bỏ đạo, họ có cho tôi sống không.” Người thông dịch không hứa hẹn gì, và Lorenzo, trong những giờ sau đó đã cảm thấy đức tin mạnh mẽ hơn. Ngài trở nên dũng cảm, ngay cả gan dạ với các lý hình.

    Cả năm người bị giết chết bằng cách treo ngược đầu trong một cái hố. Chung quanh bụng của họ bị đeo bàn gông và đá được chất lên các bàn gông để gia tăng sức ép. Họ bị trói chặt để máu luân chuyển chậm hơn và như thế cái chết sẽ kéo dài hơn. Họ bị treo như thế trong ba ngày. Vào lúc đó, Lorenzo và Lazaro đã chết. Ba vị linh mục Ða Minh vẫn còn sống, nên bị chặt đầu. Tất cả thi thể bị đốt ra tro rồi rải xuống biển.

    Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân Phước Tử Đạo ngày 18 tháng 2 năm 1981 rồi sáu năm sau Ngài nâng Lorenzo Ruiz và 15 bạn khác, là những người Á Châu và Âu Châu, nam cũng như nữ, là những người đã loan truyền đức tin ở Phi Luật Tân, Formosa và Nhật lên hàng các Thánh Tử Đạo ngày 18 tháng 10 năm 1987. Thánh Lorenzo Ruiz là người Phi Luật Tân đầu tiên tử đạo. (Nguồn: Người Tín Hữu)

LỜI TRÍCH: Quan án: “Nếu tao cho mày sống, mày có từ bỏ đức tin không?”

Lorenzo: “Tôi không bao giờ làm điều đó, vì tôi là một Kitô Hữu, và tôi sẽ chết cho Thiên Chúa, và nếu tôi có cả ngàn mạng sống tôi cũng sẽ dâng lên cho Thiên Chúa. Bởi thế, ông muốn làm gì thì làm.”

 Bạn đã và đang làm gì để minh chứng cho đức tin của mình?

From: Đỗ Dzũng

Thánh Vinh-sơn Phaolô, linh mục người Pháp (1581-1660)-Cha Vương

Thánh Vinh-sơn Phaolô, linh mục người Pháp (1581-1660).

Hôm nay 27/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Vinh-sơn Phaolô, (St. Vincent de Paul), nguyện xin thánh nhân chuyển cầu cho Bạn và gia đình nhé.

Cha Vương

Thánh Vinh-sơn Phaolô, (St. Vincent de Paul) linh mục người Pháp (1581-1660). Thánh Nhân được biết là người thương những người bệnh, người nghèo. Sinh ngày 24 tháng 4 năm 1581.  Nhà nghèo, hồi nhỏ phải đi chăn cừu. Hồi 19 tuổi, sau khi làm linh mục, Vincent vuợt biển đi kiếm món tiền một ông già để cho. Tầu bị cướp bắt, và Vincent bị bắt và bị bán cho người đánh cá bên bắc Phi, rồi lại bị bán cho người khác, ông này hứa cho Vincent nhiều tiền, nếu chịu theo đạo Hồi. Vincent lịch sự nhưng cương quyết từ chối, Vincent hết lòng cầu xin Chúa và Đức Mẹ gìn giữ. Cuối cùng cha trốn về Rôma. Sau khi học hỏi một năm, cha được gửi về Paris, nơi đây cha nhận làm tuyên úy cho Nữ Hoàng Margaret de Valois. Cha hài lòng với cuộc sống giầu sang, thoải mái.

Đến tuổi trung niên một biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ngài. Trong lúc giải tội cho một nông dân nghèo khổ trong nông trại của gia đình Condis, sau khi ban phép tha tội, người nông dân đã nói với ngài thà rằng chết trong tội lỗi còn hơn là xưng tội với một linh mục hờ hững như ngài. Từ đó ngài nhận thức về ơn gọi linh mục của mình và dấn thân làm việc để giúp đỡ người nghèo.

1- Năm 1625, cha Vincent nhận thấy sự hiểu biết về Thiên Chúa của đám đông nông dân thật thô sơ và việc đào luyện linh mục còn nhiều thiếu sót, ngài kêu mời anh em cùng ngài làm việc lập nên một tu hội cho nam giới, đào luyện các linh mục coi sóc xứ đạo, nhất là các xứ đạo ở vùng quê.

Ngài đã xây nhiều bệnh viện, nhà mồ côi, cũng như nhà cho người bệnh tâm thần. Ngoài ra ngài còn quyên tiền để chuộc những người bị quân Hồi giáo bắt làm nô lệ ở Bắc Phi châu.

Danh tiếng ngài vang lừng khắp  Âu châu, các nhà quý phái sẵn sàng giúp đỡ các dự án của ngài. Tinh thần của thánh Vincent là yêu mến Chúa bằng cách phục dịch người nghèo. Châm ngôn của ngài là: “Người nghèo là chủ nhân và chúng ta là những kẻ tôi tớ”.

2- Năm 1633, Ngài lập Dòng Nữ Tử Bác Ái để trợ giúp và giáo dục các thiếu nữ bụi đời, săn sóc bệnh nhân và người nghèo.  Ngài đi khắp các khu phố nhặt những trẻ bỏ rơi về nuôi.  Nhờ vào sự quen biết với giới thượng lưu, ngài đã nhờ các bà tiếp tay trong các công cuộc từ thiện giúp đỡ người nghèo. Hai bà đã giúp đỡ và hăng say trong công việc của ngài là bà Louise de Marillac và bà De Condis. Hai bà trên đã giúp ngài thành lập Dòng Nữ Bác Ái.

Khi gần chết, ngài đã thốt lên: “ Lạy Chúa, con đã làm những việc theo lệnh Chúa, nay xin Chúa ban cho con những gì Chúa đã hứa.” Ngài đã an nghỉ trong Chúa vào ngày 27 tháng 9 năm 1660, lúc 80 tuổi.

Đức Giáo Hoàng Lêô 13 tôn thánh Vincent làm bổn mạng các hội Từ thiện Công Giáo. Ngày nay trên thế giới , hội Bác ái Vinh sơn đã lan tràn rất nhiều nơi. (Nguồn: mạng Dân Chúa)

Sau đây là những câu nói để đời của Thánh Nhân, Bạn hãy bỏ ra mấy phút để đọc và lắng nghe coi thánh nhân đang muốn nhắn nhủ Bạn điều gì mà đến gần với Chúa hơn.

(1) Anh em hãy nhớ rằng cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống hoạt động; chứ không phải chỉ là lời nói và mộng mơ.

(2) Vũ khí mạnh nhất để chống lại ma quỷ là đức khiêm nhường. Bởi vì, như ma quỷ không có bất cứ một ý niệm nào về sự “khiêm nhường” thì ma quỷ cũng không biết làm thế nào để rũ bỏ sự “khiêm nhường”.

(3) Chúng ta nên đơn giản trong tình cảm, ý tưởng, hành vi và ngôn từ, chúng ta nên làm những gì chúng ta thấy không có sự giả tạo hoặc lừa lọc trong đó. 

(4) Tôi ước muốn từng giây phút quá khứ, hiện tại và tương lai đều được tôi cũng như mọi người sử dụng một cách tốt nhất.

(4) Trên thiên đàng chúng ta sẽ nghỉ ngơi.

(5) Một người càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói.

Câu nào đánh động bạn nhất? Đối với mình thì câu (3) và (4)

From: Đỗ Dzũng

Tại sao ta tin “xác sẽ sống lại”?-Cha Vương

 Tại sao ta tin “xác sẽ sống lại”?

Chúc bạn và gia đình ngày đầu tuần bình an và hạnh phúc trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 26/09/2022

GIÁO LÝ: Tại sao ta tin “xác sẽ sống lại”? Thánh Kinh khi nói về “thân xác” là muốn nhắm đến con người trong tình trạng mỏng giòn và phải chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng không coi “thân xác” con người là thấp hèn kém giá trị. Trong Đức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, để cứu chuộc loài người. Thiên Chúa cũng không chỉ cứu linh hồn con người, nhưng Người cứu toàn bộ con người có hồn và xác. (YouCat, số 153)

SUY NIỆM: Thiên Chúa đã dựng nên con người có xác và hồn. Đến Tận thế Người sẽ không để cho “xác” nghĩa là toàn thể thụ tạo vật chất rớt xuống như một đồ chơi cũ kỹ. Đến “ngày sau hết” Người sẽ làm cho ta chỗi dậy như những vật có xác thịt – nghĩa là ta sẽ được biến đổi, nhưng ta sẽ vẫn cảm thấy mình ở trong yếu tố của mình. Đối với Chúa Giêsu cũng vậy, việc ở trong điều kiện có xác không phải chỉ trong một giai đoạn.

❦ Khi Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, các môn đệ trông thấy các vết thương ở xác Người. (YouCat, số 153 t.t.)

LẮNG NGHE: Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm (có xác) và cư ngụ giữa chúng ta. (Ga 1,14)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, “Nơi Người, niềm hy vọng sống lại vinh phúc đã chiếu toả trên chúng con, để những ai buồn sầu, vì số phận chắc chắn phải chết cũng được an ủi, vì Chúa đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt sau này. Vì, lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời. (Lời Tiền Tụng cầu cho Tín Hữu Qua Ðời I) Lạy Chúa con tin tưởng và hy vọng nơi Ngài.

THỰC HÀNH: Khi nhắm mắt, hai tay mở ra buông suôi, mọi sự đều phân tán, chỉ còn: Opera enim illorum sequentur illos (những công việc họ làm đi theo họ) Câu phương châm này có ý nghĩa gì đối với bạn? Bạn mang theo được những gì khi cái chết đến gõ cửa nơi bạn? 

From: Đỗ Dzũng

Hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. (1 Tm 6:11) – Cha Vương

Hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. (1 Tm 6:11)

Tạ ơn Chúa, một ngày mới để yêu thương và được yêu thương trong Chúa.

Cha Vương

CN: 25/09/2022

TIN MỪNG: Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. (1 Tm 6:11)

SUY NIỆM: Là một người Kitô hữu, có bao giờ bạn nghĩ rằng những hành động và lựa chọn trong ngày của bạn có ảnh hưởng đến những người chung quanh không? Cuộc đời của bạn cũng giống như là một “bài giảng”.  Mình xin lỗi trước nhé, những ví dụ sau đây không có ý chỉ trích các nhà giảng thuyết đâu nhưng để diễn tả cuộc đời của mỗi người mà thôi. Như mình đã nói, cuộc đời của bạn cũng giống như là một “bài giảng”. Có những bài giảng dài thật dài nhưng lại rỗng tuếch, có những bài giảng thật xúc tích đánh động tâm hồn của người nghe, có những bài giảng như là một buổi kể truyện… hết chuyện này rồi qua truyện khác, từ chuyện của mình rồi đến chuyện của người khác, rồi lại có những bài giảng như là một chương trình hài kịch ngắn làm cho người nghe cười khúc khích, lại có những bài giảng như là một ca truy tố—soi bói, lên án, vạch  áo cho cả làng xem lưng, rồi lại có những bài giảng toàn nặng về lý thuyết sách vở nhưng nhẹ vệ ứng dụng làm người nghe cảm thấy nặng đầu, có những bài giảng thật đơn sơ, xúc tích, chân thành mà người nghe cảm thấy như là một quyển Kinh Thánh sống—lời nói đi đôi vời việc làm và làm những gì họ dạy và tin . Ví dụ như Mẹ Thánh Teresa, tất cả những gì ngài làm đều  được Phúc Âm hoá, ngài sống và thi hành những điều ngài tin và trở thành nhà giảng thuyết hùng hồn qua những lựa chọn và hành động đơn sơ đúng với tinh thần của Phúc Âm. Có những câu nói của ngài tuy rất đơn sơ nhưng làm cho các nhà phóng viên và giới trí thức phải thinh lặng. Là một người theo Chúa, bạn được mời gọi mỗi ngày để sống và rao truyền tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa qua việc bạn quan tâm đến những người xung quanh, đặc biệt là những người đang cần sự giúp đỡ của bạn.

LẮNG NGHE:

CHÚA giải phóng những ai tù tội,

CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.

CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,

CHÚA yêu chuộng những người công chính. (Tv 145-đáp ca, CN 26)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin dạy con biết việc con phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

THỰC HÀNH: Tập đặt người khác lên trên ý riêng của mình hôm nay.

From: Đỗ Dzũng

“Anh em hãy nên thánh, vì ngày mai ĐỨC CHÚA sẽ thực hiện những kỳ công giữa anh em.” (Gs 3:5)-Cha Vương

“Anh em hãy nên thánh, vì ngày mai ĐỨC CHÚA sẽ thực hiện những kỳ công giữa anh em.” (Gs 3:5)

Ngày thứ 7 cuối tuần bình an và hạnh phúc trong Chúa và Mẹ nhé. Hãy cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 7: 24/09/2022

TIN MỪNG: Ông Giô-suê nói với dân: “Anh em hãy nên thánh, vì ngày mai ĐỨC CHÚA sẽ thực hiện những kỳ công giữa anh em.” (Gs 3:5)

SUY NIỆM:

1/ Linh hồn: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh rất sốt sắng, không những Mẹ sớm hiến dâng cho Đức Chúa Trời, mà còn tận hiến hồn xác nữa. Mẹ đã dâng tính tự do cho Chúa và vâng thánh ý Người trong mọi việc. Mẹ luôn luôn gắng sức làm đẹp lòng Chúa, và chỉ ước nguyện một mình Chúa. Không khi nào Mẹ dám lỗi lời thề hứa, cương quyết bước trên đường lối Chúa vạch sẵn.

    Gương trong sáng Mẹ làm cho con vô cùng tủi hổ vì trễ nải trong sự làm tôi Chúa. Con không kiên tâm kính mến, nhưng Chúa lại tỏ lòng thương yêu con luôn.

2/ Đức Mẹ: Hỡi con, đã tiến tới thế, sao con ngừng chân nghỉ bước? Phải chăng nay Chúa không còn là đấng cao trọng khả kính khả ái như xưa? Tại sao con không cung kính mến Người luôn? Tại sao con không suy phục Chúa trước sao sau vậy? Hay là không có luật đòi con phải trung thành với Người? Càng thêm tuổi, ơn Chúa càng gia tăng cho con. Nếu thế phải giữ nghĩa và trung thành với Người luôn mới phải.

    Chính Đức Chúa Trời đã tạo dựng lòng con và tạo dựng vì Người. Bởi thế, Người là Chúa lòng con. Người không bảo: hãy cho Cha mượn lòng con. Nhưng Người ước mong, “con hãy dâng lòng con cho Người”. Nếu con vâng lời Chúa nâng tâm hồn cho Người, còn lý gì đòi lại được?

(x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:6:1-2) 

LẮNG NGHE: Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. (Rm 12:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, thật là một lỗi lầm rất lớn cho cho khi con bỏ cả giờ đồng hồ để coi phim ảnh trên mạng nhưng lại không có lấy ít phút để cầu nguyện và đọc Kinh Mân Côi. Sau này con phải trả lời với Chúa trong ngày phán xét như thế nào? Xin Mẹ giúp con quay về với Chúa luôn để tận hưởng nguồn hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng với Chúa.

THỰC HÀNH: Hôm nay mời bạn bỏ ra 15 phút để cầu nguyện hoặc đọc Kinh Mân Côi cầu nguyện cho người tội lỗi được ăn năn trở lại với Chúa.

httpv://www.youtube.com/watch?v=WlnWKQSfKWs

Con Xin Dâng Mẹ – Mai Thiên Vân

From: Đỗ Dzũng

Thánh Piô 5 dấu-Cha Vương

Hôm nay 23/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Piô 5 dấu

 Chúc bình an! Hôm nay 23/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Piô 5 dấu, linh mục dòng Phanxicô. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy. Bài hôm nay hơi dài đó, cố gắng một tí nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 23/09/2022

Người Italia (1887-1968) Cậu Phanxicô con ông bà Horace làm nghề nông nghèo khó, sinh tại Pietrelcina, tỉnh Benevento, miền nam nước Ý, ngày 25.05.1887. Ông bà có 8 con, chết 3 còn 5 (2 trai 3 gái). Vì không muốn Phanxicô vất vả nơi đồng áng, ông Horace đã sang New York, Hoa kỳ làm việc để kiếm tiền cho con đi học, đi tu. Ngày lễ Ba Vua năm 1903, Cậu vào Nhà Tập  Dòng Phanxicô nhánh Cappucins tại Morcone, nhận tên Dòng là Piô. Trong thời gian Tập, vì hãm mình quá, 3 tuần không ăn uống gì, nhà Dòng tưởng thầy sẽ chết, nên cho về nhà ba má bổ dưỡng, không bao lâu thầy phục sức.  Trở về nhà dòng học thần học, nhiều lần anh em gặp thầy Pio quì gối để học bài. Ngày 10.08.1910, (23 tuổi) thầy Piô được thụ phong linh mục trong nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Benevento. Tháng 9 năm 1916, Cha Pio được thuyên chuyển về Tu Viện Ðức Mẹ Ban Ơn (Santa Maria delle grazie), ở San Giovanni Rotondo, trong giáo phận Foggia. Năm 31 tuổi (ngày 20.09.1918), sau khi Rước lễ, dấu thánh xuất hiện trên bàn tay của Cha. Cha đã chịu đau đớn mang 5 dấu thánh trong 50 năm. Sau khi cha tắt thở, các dấu thánh này biến mất, không để lại vết tích nào. Ngài qua đời năm 1968, được phong chân phước năm 1999 và hiển thánh năm 2002, lễ kính vào ngày 23/9, trùng vào ngày tạ thế. Ngày 23/5/1987, đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội. (Nguồn:Vietcatholic).

    Cha Pio được mọi người biết đến qua hai việc:

(1) Lòng tôn sùng Đức Mẹ triệt để. Ngài lần hạt suốt ngày. Có lần ngài nói với một người con thiêng liêng: “Luôn luôn nắm chặt lấy vũ khí của Đức Mẹ trong tay, nó sẽ giúp con chiến thắng kẻ thù”.

(2) Giải tội cho người muôn phương—Ngài giải tội tùy theo tình trạng mỗi tâm hồn, chỉ cốt sao cho họ thành thực, được ơn tha thứ và cải thiện đời sống, nên nhiều khi ngài có những cư xử khác thường. Việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ, mà chưa bao giờ họ tiết lộ.

    Sau đây là những lời nhắn nhủ của thánh Piô. Ước mong Bạn hãy dành thời gian để suy gẫm mà sống gần với Chúa hơn mỗi ngày nhé:

(1) CẦU NGUYỆN: “Người ta tìm Chúa trong sách vở, nhưng gặp Chúa trong suy gẫm “Cầu nguyện là là chìa khóa để mở Trái Tim Chúa. “Hậu quả của cầu nguyện là bỏ cái “tôi”, sau đó Chúa sẽ nói chuyện với ta. “Chúa là tấm gương phản chiếu, ai biết suy gẫm, tâm trí hướng về Chúa, cũng sẽ nhận ra khuyết điểm của mình. “Trí óc không tập trung, thì lòng cũng không có tình mến Chúa “Tinh thần của Chúa là bình an, của quỉ là bực tức, nổi giận, lo lắng, nhưng ma quỉ như bị buộc giây, ta đứng xa thì không bao giờ bị cắn.

(2) KHIÊM TỐN: ” Biết mình không đáng, không tốt đẹp, có thể phạm nhiều tội ác… đó là ánh sáng Chúa chiếu vào linh hồn ta, cũng như vào linh hồn các thánh xưa để giúp tránh mọi tư tưởng kiêu ngạo, hư danh, và thêm lòng khiêm tốn”. “Biết làm cho linh hồn nên trống rỗng, Chúa sẽ làm cho nó nên giầu sang” “Người làm điều ác mà xấu hổ về việc đã làm, thì gần Chúa hơn là người tốt mà không dám làm việc lành”

(3) VÂNG PHỤC: “Không vâng phục thì không có nhân đức, không có nhân đức thì không có tốt lành, không có tốt lành thì không có yêu thương, không có yêu thương thì không có Thiên Chúa “

(4) THÁNH Ý CHÚA: “Mong được sống bình an đời đời là điều chính đáng, thánh thiện, nhưng phải vâng theo ý Chúa. Vâng theo ý Chúa ở đời này còn quí hơn hưởng vinh phúc trên Thiên đàng. “Trong khi tùng phục, cảm thấy có phản loạn trong tâm hồn, thì đó là thử thách Chúa gửi đến, cần lý trí tùng phục, bản tính tự nhiên nổi dậy, mặc nó…

(5) BÁC ÁI: “Ai thương xót người nghèo là cho Thiên Chúa vay mượn.

“Chạm đến đức ái thì cũng như đâm vào con ngươi trong mắt Chúa “.

Yêu thương: ” Chúa không thể từ chối ban ơn, khi ta thật lòng muốn yêu mến Chúa “. “Chỉ có một hành động yêu thương của con người, chỉ có một hành động đức ái lớn lao trước mặt Thiên Chúa, đến nỗi cả thế giới này không đủ để thưởng công”.

(6) QUỶ CÁM DỖ VÀ Ý MUỐN: “Nhớ rằng quỉ chỉ có một cửa để vào linh hồn con, đó là ý muốn, không còn cửa nào khác. Không phải là tội, nếu không cố ý muốn phạm.

(7) ĐAU KHỔ: “Nhiều người xin tôi lấy đi thập giá của họ, nhưng rất ít người xin tôi cầu nguyện cho họ có sức mạnh để vác thập giá ấy. “Trần gian này là bể khổ, ta phải vác thánh giá. Không có hạnh phúc ở trần gian này. Học thức mà không nhắm vào Thiên Chúa Tự hữu thì có ích gì? Hãy gạt đi mọi hầm hố trần gian, hãy khiêm tốn, cầu nguyện, sẽ được bình an dưới đất và hạnh phúc trên trời. “Xác ta như con lừa, chúng cần roi vọt, nhưng không được quá tay, nếu nó ngã quị thì ai chở ta?

(8) SỐNG ĐẠO: “Hãy trở nên người công giáo tốt lành, nếu không, cuộc đời ta sẽ không có mục đích.

***Câu nào đánh động Bạn nhất? Câu thứ 6 đánh động mình nhất.

Thánh Pio, cầu cho chúng con!  

From: Đỗ Dzũng

Tại sao chúng ta tin người chết sẽ sống lại?-Cha Vương

Tại sao chúng ta tin người chết sẽ sống lại?

Hôm nay chính thức bắt đầu vào Mùa Thu—thời tiết mát mẻ, dễ chịu, không khí thoáng đãng, trong lành hơn nhiều. Chúc bạn và gia đình tràn đầy ơn lành và bình an của Thiên Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 22/9/2022

GIÁO LÝ: Tại sao chúng ta tin người chết sẽ sống lại? Chúng ta tin kẻ chết sẽ sống lại vì Chúa Giêsu đã phục sinh từ trong kẻ chết, Người sống luôn mãi, và Người làm cho chúng ta tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Người. (YouCat, số 152)

SUY NIỆM: Khi có ai qua đời, xác họ được chôn hoặc thiêu. Nhưng ta tin rằng họ có một đời sống sau khi chết. Chúa Giêsu phục sinh đã tỏ mình ra như Chúa của sự sống. Lời của Người đáng tin cậy: Tôi là sự sống lại. Ai tin Tôi dù có chết vẫn sẽ sống (Ga 11,25b).(YouCat, số 152 t.t.)

LẮNG NGHE: Sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. (1 Cr 15,12-14.19-20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, “Nơi Người, niềm hy vọng sống lại vinh phúc đã chiếu toả trên chúng con, để những ai buồn sầu, vì số phận chắc chắn phải chết cũng được an ủi, vì Chúa đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt sau này. Vì, lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời.” (Kinh Tiền Tụng cầu cho tín hữu qua đời)

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng cầu cho các linh hồn trong luyện ngục.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Mát-thêu-Cha Vương

Thánh Mát-thêu

Hôm nay 21/09, Giáo hội mừng kính Thánh Mát-thêu. Mừng bổn mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy nhé. Hãy thêm lời cầu nguyện cho những ai đang bị ảnh hưởng bởi tai ương, chiến tranh, bệnh tật khắp nơi.

Cha Vương

Thứ 4: 21/09/2022

“Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người.”

Câu văn ngắn ngủi trên cho chúng ta biết về người môn đệ tên là Mát-thêu Thánh sử. Có phải thật Mát-thêu là người thu thuế như Thánh Marcô và Luca đã viết trong Tin Mừng không? Nếu đúng như vậy thì Mát-thêu chắc chắn bị những người Do thái khinh bỉ và ghét bỏ vì là người cộng tác với quân La Mã. Những người thu thuế là kẻ thù của nhân dân và là người tội lỗi mà họ oán trách Chúa Giêsu đã đi lại và dùng bữa với họ.

Dù sao đi nữa thì Mát-thêu đã bỏ dĩ vãng lại trong quá khứ mà đi theo Chúa Giêsu. Nhiều học giả nghi ngờ là sách Tin Mừng Mát-thêu có thể là do một trong những môn đồ của Chúa Giêsu vào cuối thế kỷ đầu tiên vì dường như là sách Tin Mừng Mát-thêu được viết bởi một Kitô hữu Do thái thông thạo tiếng Hy lạp và quả quyết Chúa Giêsu là Đấng Messiah, Đấng đã hoàn tất những tiên báo trong Cựu Ước mang đến một luật lệ và một kỷ nguyên mới.

Dường như thánh Mát-thêu viết sách Tin Mừng dành nhiều cho người Do Thái và người giàu có. Phúc âm thánh Mát-thêu ca ngợi sự nghèo khó và thuyết phục người đọc là ơn cứu độ tùy thuộc nhiều vào lòng thương xót những kẻ nghèo khó. Điều này nói lên lòng ăn năn hối cải của người thu thuế. Mát-thêu kể lại những lời giảng dạy của Chúa Kitô và tóm tắt điều căn bản trong Bài giảng trên Núi về các Mối Phúc Thật.

Mát-thêu ghi lại dụ nguôn về cuộc Phán Xét Cuối Cùng khi “Đức Chúa Con trở lại trong vinh quang” để tách ra “chiên và dê”. Chúa phán với những người được Chúa ân thưởng: “Vì khi Ta đói các người đã cho ăn, Ta Khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau ốm các ngươi dã thăm viếng, Ta ngồi tù các ngươi đã hỏi han.” Họ bèn hỏi: “Chúng tôi đã làm những việc ấy lúc nào? Chúa bèn phán: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Thánh Mát-thêu là đấng phù trợ các sứ vụ của Giáo Hội. Được ơn gọi đi theo Chúa Giêsu, thánh Mát-thêu kết thúc Tin Mừng lời thúc dục người theo Chúa như sau: “Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, “và lời cuối cùng cho chúng ta và cho mọi thời đại: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Nguồn: ViệtCatholic)

Xin bạn hãy tự trả lời những câu hỏi gợi ý suy niệm hôm nay, nếu được thì hãy chia sẻ với một người nào đó:

❦ Hôm nay, Thiên Chúa sai tôi đến với ai?

 Tôi đã và đang làm gì để mang Tin Mừng vào trong môi trường sống của tôi?

 Đâu là những lĩnh vực trong đời sống mà tôi có thể tận hiến cho Thiên Chúa?

From: Đỗ Dzũng

 Thánh Andrê Kim Taegon & Thánh Paul Chong Hasang và các Bạn tử đạo người Ðại Hàn.

 Thánh Andrê Kim Taegon & Thánh Paul Chong Hasang và các Bạn tử đạo người Ðại Hàn.

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Andrê Kim Taegon & Thánh Paul Chong Hasang và các Bạn tử đạo người Ðại Hàn.

Cha Vương

Thứ 3: 20/09/2022

Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. 

Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành.

    Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi. Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế.

    Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người Kitô Giáo Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.

    Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn ngày 06 tháng 5 năm 1984 để phong thánh, ngoài hai Thánh Anrê Kim Taegon và Phaolô Chong Hasang, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số 103 Thánh tử đạo có các giám mục và linh mục, số còn lại  là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.

    Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Peter Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông  trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.

LỜI BÀN: Chúng ta bàng hoàng khi thấy Giáo Hội Ðại Hàn, sau khi được thành lập, hoàn toàn là một Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống còn khi không có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động của Thiên Chúa và là đáp ứng của đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi đã có một điều gì đó để gia tăng.

LỜI TRÍCH: “Giáo Hội Ðại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến” (ÐGH Gioan Phaolô II, bài giảng trong lễ phong thánh).

(Nguồn: Người Tín Hữu Online)   

From: Đỗ Dzũng

Hội Thánh tha thứ tội lỗi như thế nào?-Cha Vương

Hội Thánh tha thứ tội lỗi như thế nào?

Ngày thứ 2 tràn đầy tình yêu và ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 19/09/2022

GIÁO LÝ: Hội Thánh tha thứ tội lỗi như thế nào? Bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội là bí tích Rửa Tội. Sau khi lãnh bí tích Rửa tội, đối với các tội nặng đã phạm, điều cần thiết để được tha thứ là phải chạy đến với bí tích Hòa Giải (bí tích Thống Hối, Giải Tội). Đối với các tội nhẹ thì chỉ khuyên xưng tội thôi. [Tội nhẹ không buộc xưng, nhưng để tiến nhanh trên đường theo Chúa, ta nên thường xuyên  xưng các tội mà ta quyết tâm chừa bỏ.  Lý do là để:

– Giúp rèn luyện lương tâm: lương tâm sẽ nhậy bén đối với tội lỗi hơn.

– Giúp chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu nơi ta.

– Càng ngày càng thăng tiến trong đời sống ơn thánh và nên giống Chúa Kitô hơn.

Khi xưng các tội nhẹ, điều quan trọng vẫn là lòng thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình. Đừng cố xưng thật nhiều tội nhẹ nhưng lại không chủ tâm chừa tội nào. Những tội nhẹ ta cần xưng là những tội ta đang quyết tâm sửa mình.]

Việc đền tội phải tương xứng với tính chất trầm trọng của tội đã phạm. Có thể đền tội bằng cách đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, ăn chay, và làm các việc lành khác. (YouCat, số 151)

❦  Tôi sẽ phải bối rối nếu không có phép giải tội trong kín đáo. (Martin Luther, 1483–1546, nhà cải cách Tin lành Đức)

SUY NIỆM: Trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh Giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa tách rời khỏi đinh. Cây Thánh Giá này có lịch sử như sau:

Ngày nọ, một tội nhân “gạo cội” đến xưng thú tội mình dưới cây Thánh Giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật. Cha giải tội do dự ban phép giải tội cho ông ta vì các tội của ông nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.

– Tôi ban phép giải tội cho ông, vị linh mục nói – Tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!

Tội nhân xin hứa và giữ được lời hứa trong một thời gian. Nhưng rồi ông yếu đuối và sa ngã lại. Lòng thống hối thúc đẩy ông đến toà giải tội. Vị linh mục bảo ông:—Lần này thì tôi không ban phép giải tội cho ông đâu!

Ông ta nài nỉ:—Con đã chân thành đoan hứa với cha, nhưng con yếu đuối! Xin hãy tha thứ cho con!

Cha giải tội tha thứ và nói thêm:— Đây là lần cuối cùng đó nhé!

Một thời gian khá lâu sau đó, một phần do thói quen, một phần vì yếu đuối, ông ta lại rơi vào vòng tội lỗi.

– Bây giờ thì dứt khoát! Vị linh mục bảo ông – ông luôn rơi lại trong cùng một tội. Sự thống hối của ông không chân thành.

– Thưa cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con bệnh hoạn.

– Không, không còn sự tha thứ cho ông nữa!

Và chính lúc đó người ta nghe có tiếng ai khóc. Tiếng động phát xuất từ cây Thánh Giá: một cánh tay rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời có một tiếng nói: “Chính ta đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi!”

Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy như không ngừng mời gọi người tội lỗi hãy đến để đón nhận ơn tha thứ… (Sưu tầm online)

LẮNG NGHE: Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin; (Tv 86:5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con, ban sức mạnh của Ngài và xuống ơn cứu độ cho con vì con là kẻ tội lỗi.

THỰC HÀNH: Quyết tâm từ bỏ một tội nhẹ nhé.

From: Đỗ Dzũng