Hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4:16)-Cha Vương

Chúc Bạn có một tâm hồn trong sạch như Thiên Thần để được thấy mặt Đức Chúa Trời.

Cha Vương

Thứ 5: 18/01/2024

GIÁO LÝ:  Có phải mọi người đều được kêu gọi sống bậc Hôn nhân không? Không phải mọi người được kêu gọi sống đời Hôn nhân. Người sống độc thân cũng có thể có một cuộc sống nảy nở trong an vui hạnh phúc. Và một số người đó được Chúa Giêsu chỉ cho một con đường riêng; Chúa mời gọi họ sống độc thân vì Nước Trời. (YouCat, số 265)

SUY NIỆM: Nhiều người sống độc thân đau khổ vì cô đơn, và cảm nghiệm như mình thiếu thốn hoặc bất lợi. Người không lo toan đến vợ chồng hoặc gia đình thì được hưởng tự do và không lệ thuộc ai. Họ có thời giờ để làm những việc lý thú và quan trọng mà nếu họ lập gia đình thì không thể làm được. Có thể Chúa mời gọi họ chăm sóc những người đã bị mọi người bỏ rơi. Không hiếm khi Chúa gọi một người như thế để gần gũi với Chúa hơn. Đó là trường hợp người đó cảm thấy mình mong muốn không lập gia đình “vì Nước Trời”. Kitô hữu được ơn gọi như thế không bao giờ là vì họ coi rẻ việc hôn nhân hoặc coi rẻ đời sống tình dục. Chỉ có thể tự nguyện sống độc thân khi người ta sống trong tình yêu và vì tình yêu, như là dấu hiệu mạnh mẽ chứng tỏ Chúa quan trọng hơn tất cả. Sống độc thân là từ chối việc quan hệ tình dục, nhưng không từ chối tình yêu; họ đến gặp gỡ Chúa Kitô là hôn phu đang đến (Mt 25,6) với một trái tim đam mê. (YouCat, số 265 t.t.)

LẮNG NGHE: Quả vậy,… lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. (Mt 19:12c)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Chúa của tình yêu, xin cho mọi người, dù đang sống trong bất cứ ơn gọi nào, luôn biết rằng “hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4:16)

THỰC HÀNH: Chạy đến và khẩn cầu 3 tổng lãnh Thiên Thần  Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en bảo vệ ơn gọi bạn nhé.

❦  Lạy Thánh Mi-ca-en, xin bảo vệ chúng con khỏi mọi chước độc mưu thâm của ma quỷ.

❦  Lạy Thánh Gáp-ri-en, xin cho chúng con nhận biết thánh ý Chúa.

❦  Thánh Ra-pha-en, xin gìn giữ chúng con cho khỏi mọi bệnh tật và nguy hiểm trong đời. [Amen]

From: Do Dzung

Khát Khao – Sáng tác: Lm Thái Nguyên – Trình bày: Trương Diễm

Thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV-Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay 17/1 Giáo Hội mừng kính thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV. Mời bạn đọc hành trình nên thánh 105 tuổi của ngài nhé, tuy hơi dài một chút không bằng phim bộ đâu, nhưng lý thú lắm!

Cha Vương

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ. Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.

Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn.

Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.

Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: – Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được. Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: – Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.

Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: -Ôi, lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con?

Tiếng Chúa trả lời: – Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.

Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.

Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: – Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.

Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.

Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.

Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau :

– Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.

Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:

– Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết? Thánh nhân trả lời: Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.

Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.

Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: – Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.

Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ: Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô.

Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.

Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.

Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: – Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.

Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.

 (Nguồn: Mạng Vui Học Thánh Kinh)

Chết là từ bỏ cái tôi cái ích kỷ để được sống tự do với Chúa. “Hãy sống như phải chết mỗi ngày.” Mời bạn hãy cố “chết” đi một tí hôm nay nhé.

From: Do Dzung

Xin định nghĩa tình yêu – Hoàng Chương (Lm.Cao Huy Hoàng)

Điều gì đe dọa đôi Hôn phối?-Cha Vương

Chúc bạn một ngày thật ấm áp trong vòng tay yêu thương của Chúa nhé. Hãy thận trọng mặc đủ ấm khi ra ngoài nhé đừng để tay chân lạnh cóng thì nguy đó.

Cha Vương

Thứ 3: 16/01/2024

GIÁO LÝ:  Điều gì đe dọa đôi Hôn phối? Điều thực sự đe dọa đôi Hôn phối đó là tội. Điều phục hồi cho đôi hôn phối là tha thứ. Điều làm cho họ được mạnh mẽ là cầu nguyện và trông cậy vào Thiên Chúa hiện diện. (YouCat, số 264)

SUY NIỆM: Sự xung đột giữa nam và nữ trong cuộc sống lứa đôi có khi dẫn tới ghen ghét nhau, đó không phải là dấu hiệu do hai giới không thể hòa hợp nhau; cũng không phải do có khuynh hướng di truyền làm cho bất trung, hoặc là có cản trở đặc biệt về tâm lý đối với việc kết hợp để sinh sống. Thực ra, nhiều đôi vợ chồng bị đe dọa bởi thiếu đối thoại với nhau, thiếu quan tâm đến nhau. Thêm vào đó, còn có vấn đề kinh tế và xã hội nữa. Nhưng vai trò chính vẫn là tội: ghen tuông, thống trị, gây gổ, mê dâm, không trung thành, và các nhân tố phá hoại khác. Vì thế mỗi cặp vợ chồng rất cần đến tha thứ và hòa giải với nhau, nhờ bí tích Hòa giải. (YouCat, số 264 t.t.)

LẮNG NGHE: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. (Lc 6:36-37)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, tội lỗi thuộc về bản tính yếu đuối ích kỷ của con người còn tha thứ thì thuộc về tình yêu và lòng vị tha của Thiên Chúa, xin cho các đôi vợ chồng biết nhận thức ra mối đe doạ trong đời sống hôn nhân của họ mà chạy đến Chúa để xin ơn tha thứ.

THỰC HÀNH: Mối đe doạ lớn nhất trong đời sống ơn gọi của bạn vào thời điểm này là gì? Hãy chạy đến Chúa với hết lòng trông cậy và xin ơn bền đỗ đến cùng nhé.

From: Do Dzung

YÊU TRONG TÌNH CHÚA | LM NGUYỄN SANG – HƯƠNG LAN 

 Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6:40)

 Một ngày ấm áp và hạnh phúc trong bàn tay quan phòng Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 14/01/2024

TIN MỪNG: Lạy CHÚA, này con xin đến để thực thi ý Ngài. (Tv 40:8a,9a,c)

SUY NIỆM: Tìm ra và làm theo Thánh Ý Chúa là một hành trình của cả cuộc đời. Sau đây là những bước đơn giản để giúp bạn nhận biết Thánh Ý Chúa trong mọi biến cố trong cuộc đời:

(1) Bươ’c đầu tiên và cơ bản nhất: Bạn cần phải có đủ khiêm nhường để chấp nhận Chúa và mọi sự đều thuộc về Ngài đã được mạc khải trong Kinh Thánh, Thánh Truyền (Sacred Tradition) Huấn Quyền—Quyền giáo huấn của Giáo Hội (Magisterium)

(2) Bước thứ hai bạn nên tự hỏi: Điều tôi đang cân nhắc hoặc đang làm có đưa tôi đến gần Chúa hơn không? Nếu không, thì bạn sẽ không làm điều đó. Hãy cầu nguyện và bàn hỏi thêm.

(3) Bước thứ ba: Bạn hãy tự vấn, điều bạn đang làm có giúp bạn chu toàn những bổn phận trong đời sống là cha mẹ, người chồng, người vợ, người mẹ, người bố, học sinh, linh mục, tu sĩ, v.v. Nó giúp ích hay làm tổn thương bạn và những người chung quanh? Nếu nó không giúp ích gì mà lại làm lớn chuyện hơn nữa, thì bạn sẽ không làm điều đó. Hãy cầu nguyện và bàn hỏi thêm.

*CẦU NGUYỆN là bạn đặt ý muốn của mình vào thánh ý yêu thương và sự quan phòng của Chúa. Trong sự phó thác, khiêm tốn và nghèo hèn bạn hãy đặt mình vào bàn tay nhân lành của Chúa và để Ngài thúc đẩy bạn. Có khi bạn cảm thấy Chúa đưa bạn đến nơi mà bạn không muốn tới nhưng nếu Chúa là người Tài Xế thì bạn cứ vững tin và yên tâm đi, Chúa sẽ đưa bạn tới bến an toàn, Chúa không bỏ rơi bạn đâu mà sợ! Điều minh chứng rõ ràng nhất là trong Kinh Thánh, Thánh Truyền, và Huấn Quyền, bạn thấy Chúa có bỏ rơi con cái của Ngài bao giờ đâu.

LẮNG NGHE: Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6:40

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.  AMEN (Thánh I-Nhã)

THỰC HÀNH: Tập nhận biết và làm theo Thánh Ý Chúa để được hạnh phúc hơn nhé.

From: Do Dzung

THÁNH Ý CHÚA – HIỆP LỄ – Lm Thái Nguyên 

Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh-Cha Vương

Dù bạn đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nơi nào, lúc nào, chúc bạn có được một cảm thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa đang nói với bạn: Ta biết con… It’s OK! Con đừng sợ, đã có Thầy đây…”

Cha Vương

Thứ 7: 13/01/2024

Hôm nay 13/1 Giáo Hội mừng kính  Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Hilariô được đánh động bằng một lời Cựu Ước: “Ta là Ðấng tự hữu”. Từ khi được Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động mạnh mẽ, thánh nhân đã quyết tâm tìm gặp Chúa và quyết đi theo Chúa.

MỘT CUỘC ÐỜI: Thánh nhân sinh tại Aquitaine nước Pháp vào năm 315 trong một gia đình thế giá và giầu có, danh tiếng. Thánh nhân đã được hấp thụ một nền giáo dục tốt và đầy đủ. Chính vì thế, Ngài đã có một đức tính cương trực, ngay thẳng và trong sạch. Thánh nhân ham mê và thích văn chương, triết lý ngay từ thuở thiếu thời. Mặc dầu ngoại giáo nhưng sự đắm chìm vào những suy tư sâu sắc, Hilariô đã sớm giác ngộ và tìm về chân lý. Ngài đã xin trở lại đạo và xin rửa tội làm con Chúa và con của Giáo Hội. Trở về với Chúa, thánh nhân đã nêu gương một đời sống thánh thiện và đạo đức. Nhờ tài ăn nói lưu loát, thánh nhân đã mau chóng trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu. Vào năm 350, thánh nhân được chọn làm giám mục poitiers. Ngài nhiệt thành với sứ vụ mới Chúa trao. Ngài hăng say chống lại bọn lạc giáo Ariô. Ngài đã triệu tập công đồng các giám mục để ra vạ tuyệt thông cho Ursace và Valens vì bọn lạc giáo được hoàng đế Constance che chở. Tuy nhiên, bọn lạc giáo đã cấu kết với nhau để đầy Ngài qua đảo Phrygie. Dù tù tội, thánh nhân không nao núng, Ngài đã viết bộ tổng luận 12 cuốn trình bầy về Thiên Chúa Ba Ngôi để chống lại bè rối Ariô. Bốn năm tù đầy, thánh nhân luôn hướng về địa phận của Ngài và viết nhiều thư luân lưu, động viên giáo dân của Ngài giữ vững niềm tin. Hoàng đế Constance đã cho triệu tập công đồng tại Séleucide, tại đây thánh Hilariô cũng được mời tham dự. Thánh nhân với tác động của Chúa Thánh Thần đã hăng say bênh vực Hội Thánh và thuyết phục được toàn bộ các giám mục tin vào Giáo Hội, tin vào giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và các tông đồ. Tại công đồng Séleucide, bọn lạc giáo bị thất bại chua cay, nên đã bàn với hoàng đế Constance tha cho Ngài được hồi hương. Ngày trở về địa phận của thánh nhân đã làm cho mọi người hân hoan, vui mừng Chúa đã làm một phép lạ minh chứng quyền năng của Ngài qua bàn tay của thánh nhân: một em bé đã chết chưa kịp rửa tội, được Ngài làm cho sống lại.

CHÚA THƯỞNG CÔNG THÁNH NHÂN: Mặc dầu tuổi già, sức yếu, thánh Hilariô vẫn hăng say chu toàn sứ mạng mục tử và tiếp tục viết nhiều sách rất có giá trị. Thánh nhân được Chúa gọi về ngày 13/01/369. Tại Bordeaux, các giám mục đã thỉnh cầu Ðức Thánh Cha Piô IX ban cho thánh Hilariô tước vị tiến sĩ Hội Thánh ngày 10/01/1852.

Lạy thánh Hilariô, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con luôn hăng say nhiệt thành loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Chúa.

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

From: Do Dzung

YouTube player

 

Điều gì cần để lãnh bí tích Hôn phối?-Cha Vương

Cuối tuần hạnh phúc bên Chúa và những người thân yêu nhé.

Cha Vương

 Thứ 6: 12/01/2024

GIÁO LÝ:  Điều gì cần để lãnh bí tích Hôn phối? Cần 3 điều này: nói lên ưng thuận cách hoàn toàn tự do; cam kết sống suốt đời, và chỉ quan hệ độc quyền với nhau về tình dục; sẵn sàng sinh con cái. Tuy nhiên, điều căn bản hơn cả về bí tích Hôn phối là đôi hôn nhân cần biết rằng họ chính là hình ảnh sống động của tình yêu Chúa Kitô yêu thương Hội thánh Người”. (YouCat, số 261)

 SUY NIỆM: Đòi hỏi hôn nhân phải một vợ một chồng và không thể phân ly, đối nghịch với việc nhiều chồng nhiều vợ mà Kitô giáo coi là một tội căn bản chống lại tình yêu và chống lại quyền con người. Đòi hỏi này cũng đối nghịch với việc mà người ta có thể gọi là “nhiều vợ nhiều chồng liên tục”, nghĩa là cứ liên tục quan hệ mà không muốn cam kết chỉ trong một lần ưng thuận duy nhất, không làm lại nữa. Đòi hỏi phải chung thủy trong hôn nhân quy kết là phải chung thủy suốt đời, và phải loại bỏ mọi quan hệ ngoài hôn nhân. Đòi hỏi phải đón nhận sinh con cái có nghĩa là đôi bạn Kitô hữu sẵn sàng đón nhận những đứa con mà Thiên Chúa muốn ban cho. Các đôi bạn không có con được Chúa kêu gọi đến một hình thức khác của việc “sinh sản”. Nếu khi cử hành hôn phối, một trong các yếu tố trên bị từ chối, thì không có hôn nhân. (YouCat, số  261 t.t.)

❦  Một vợ một chồng, nhiều vợ nhiều chồng. Kitô giáo không chấp nhận nhiều vợ nhiều chồng, cũng như Nhà nước cấm hai vợ hai chồng.

❦  Tình yêu đạt tới hoàn thành trong sự chung thủy.

(Kierkegaard)

❦  Yêu ai là nhìn nhận họ như Thiên Chúa đã muốn họ như hế. (Fedor Dostoïevski)

❦  Một đôi bạn cởi mở là một đôi bạn không bao giờ khép kín trên chính mình. (Théodor Weissenborn—1933- , văn sĩ Đức)

❦  Yêu ai là nhìn họ như tuyệt vời duy nhất mà người khác không thấy được. (Francois Mauriac)

❦ Yêu là yêu người khác như họ đang là, đã là và sẽ là. (Michel Quoist—1921-1997, linh mục văn sĩ Pháp)

LẮNG NGHE: Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Ðấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ. (Is 62:5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho các đôi hôn nhân nhận biết rằng họ chính là hình ảnh sống động của tình yêu Chúa Kitô yêu thương Hội thánh Người để họ cộng tác với Chúa làm sáng danh Chúa trong ơn gọi của họ.

THỰC HÀNH: Làm một hy sinh nhỏ cầu nguyện cho những người đang sống trong ơn gọi gia đình.

From: Do Dzung

Tình Yêu Dâng – Mai Thiên Vân ft Phi Nguyễn 


“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:3-12)-Cha Vuong

Xin Chúa chúc lành và gìn giữ bạn và gia đình luôn mãi nhé.

Cha Vương 

Thứ 4: 10/01/2024

GIÁO LÝ:  Tại sao Thiên Chúa tạo dựng có người nam và người nữ cho nhau? Thiên Chúa tạo dựng có người nam và người nữ để họ “không còn là hai nhưng là một xương một thịt” (Mt 19,6). Như vậy họ phải sống trong tình yêu, phải sinh con cái, và trở nên chứng nhân của một Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta bằng tình yêu vô hạn. (YouCat, số 160)

 SUY NIỆM: Trong xã hội thời nay, rất tiếc thay số vụ ly hôn nơi các Kitô hữu đã gia tăng đáng kể. Sống với nhau đến đầu bạc răng long không còn coi là một cam kết để giúp nhau xây dựng hạnh phúc nữa nhưng chỉ là một thành ngữ suông hay là một bản hợp đồng mà hai bên được phép huỷ bỏ bất cứ khi nào họ muốn. Có lẽ họ đã quên đi điều bất cả phân ly của đời sống hôn nhân— “Cả hai thành một xương một thịt”. Bạn hãy nhớ rằng điều Chúa dạy không chỉ về mặt thân xác, mà còn phải trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động. Điều này không thể trở thành hiện thực được nếu không có Chúa là sợi dây chọn lành kết nối hai người lại với nhau.

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:3-12) Vẫn biết rằng chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay đấy nhưng điều đó không có nghĩa là không thể đạt được nếu bạn có Chúa! Chỉ xin bạn hãy BỚT một chút ích kỷ tự ái, THÊM một chút khiêm hạ yêu thương trong Chúa, BỚT một chút tự do đam mê, THÊM một chút hy sinh tha thứ… để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng rất quý giá và mỏng manh của Thiên Chúa.

LẮNG NGHE: Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi, Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. (St 12:2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin thương nhìn đến những cặp hôn nhân đang thiếu vắng tình yêu và xin lấp đầy con tim họ bằng tình yêu của Chúa để họ trở nên chứng nhân của một Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người bằng tình yêu vô hạn.

THỰC HÀNH: Để được vui vẻ hạnh phúc trong mọi mối quan hệ của cuộc sống bạn hãy tập bài học THÊM BỚT đã được nêu trên nhé.

From: Do Dzung

Có Nhau Từ Đây I Gia Ân – Diệu Hiền


Lễ Chúa Giê-su Chịu phép rửa-Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Giê-su Chịu phép rửa. Chúc bạn một ngày thật hạnh phúc vì được làm con cưng của Chúa. Bây giờ bạn mới chính thức được dọn hang đá và đèn Giáng Sinh đấy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 08/01/2024

TIN MỪNG: Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa ; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha ; Cha hài lòng về Con.” (Lc 3:21-22)

SUY NIỆM: Lễ Chúa Giê-su Chịu phép rửa nhắc nhở cho bạn về phép Rửa tội của mình, đánh dấu việc khởi đầu của đời sống đức tin. Ðời sống đức tin của người tín hữu bắt đầu khi bạn lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Bạn được tặng cho một tước hiệu mới đó là người Ki-tô hữu. Có bao giờ bạn tự hào vì bạn được hạnh phúc làm con Thiên Chúa cách trọn vẹn ngay từ lúc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội chưa? Bí tích Rửa tội không phải là giấy thông hành để được vào nước Trời. Người ta có thể chứng minh có tất cả các giấy chứng chỉ về đạo giáo như: chứng chỉ rửa tội, rước lễ lần đầu, thêm sức, cưới hỏi… Tuy nhiên chưa chắc người ta đã sống đức tin và trưởng thành trong đức tin. Người ta có thể chịu Phép rửa tội lâu năm, nhưng đời sống vẫn không có gì thay đổi, vẫn khô khan, nguội lạnh và làm biếng việc lành. Tại sao lại như vậy? Có lẽ tại vì người ta làm việc đạo một cách máy móc cho qua lần chiếu lệ, hay mặc cả với Chúa để được hưởng giá rẻ trong việc giữ đạo. Qua Bí tích Rửa tội bạn trở thành con cái sự sáng. Ánh sáng len lỏi vào môi trường trong xã hội, để nhờ sự hiện diện của việc sống Lời Chúa bạn trở nên ánh sáng, đẩy lùi bóng tối tội lỗi, loại trừ sự dữ. Ước mong bạn sống “như ngọn đuốc sáng trên trần gian, bày tỏ Lời sự sống.” (Pl 2:15) Đừng để bóng tối xâm chiếm và bao phủ lên những điều tuyệt vời mà Chúa hứa cho những ai đi trong ánh sáng.

LẮNG NGHE: Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. (Tt 3:4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa thiết lập Bí tích Rửa tội để cho con được thông phần vào đời sống vĩnh cửu với Chúa. Xin cho con biết nhận thức được tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội mà sống xứng đáng là con yêu quý của Chúa.

THỰC HÀNH: Để luôn xứng đáng là con Thiên Chúa, tuần này, bạn hãy cố gắng chừa một tật xấu, một tội nào mình hay phạm nhất.

From: Do Dzung

Đời Con Có Chúa 

“Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”… “Cứ đến mà xem!” (Ga 1:45-56)

Thứ 6 rồi bạn ơi, chúc bạn có một đôi tay mở rộng yêu thương có tầm vóc lực sĩ để gánh được những gánh nặng đang đè nặng trên vai của những người chung quanh Bạn nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 05/01/2024

TIN MỪNG: Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”… “Cứ đến mà xem!” (Ga 1:45-56)

SUY NIỆM: Ông Phi-líp-phê sau khi đáp lời mời gọi theo Chúa thì việc đầu tiên ông ta làm là chia sẻ Tin Mừng với nhóm bạn bè của ông đó là ông Na-tha-na-en. Bạn có thể tưởng tượng được sự nhiệt tình và ngạc nhiên của những người bạn này khi họ gặp Đấng Mê-si-a mà họ đã chờ đợi từ lâu. Niềm vui của họ chắc hẳn đã lan tỏa và thu hút người khác đến với Chúa Giêsu. Việc chia sẻ và rao truyền Tin Mừng phải vượt xa lời nói suông, nó phải được thể hiện qua những hành động cụ thể. Yêu thương người khác không chỉ đơn thuần là một cảm xúc mà nó là một sự lựa chọn đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của ý chí. Yêu thương không phải là một “danh từ-noun” mà là “động từ-verb”. (Love is not a “noun” but a “verb”!) Bạn đã và đang làm gì để chia sẻ Tin Mừng đến cho nhóm bạn bè của bạn?

LẮNG NGHE: Muôn lạy CHÚA, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao. (Tv 119:89)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, truyền giáo không phải chỉ là rao giảng một mớ giáo lý và lý thuyết nhưng mà là chia sẻ cuộc sống yêu thương, xin giúp con sống đời sống Công giáo đích thực bằng cách dùng cả cuộc sống của con để làm cho người ta biết và yêu mến Chúa.

THỰC HÀNH: Hãy nắm lấy những cơ hội đi lại đây đó, khi thi hành công tác, khi làm ăn, khi thăm viếng… để nói hay làm chứng về Chúa qua lời nói, thái độ và cách đối xử đầy tình yêu thương của bạn hôm nay nhé.

From: Do Dzung


 

Thánh Elizabeth Ann Seton Nữ Tu Hoa Kỳ (1774-1821).

Một ngày mới thật tốt lành và hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 04/01/2024

Hôm nay 04/01 Giáo Hội mừng kính Thánh Elizabeth Ann Seton Nữ Tu Hoa Kỳ (1774-1821).

– Là người thứ nhất sinh tại Mỹ được phong thánh năm 1975.

– Là người đầu tiên mở trường học Công giáo cho giáo xứ,

– Là người đầu tiên lập nhà mồ côi trong giáo xứ.

– Là người đầu tiên lập nữ tu viện cho phụ nữ Hoa kỳ

Trong 46 năm, bà vừa nuôi con vừa làm các việc trên.

  1. Thân thế: Thánh Elizabeth Ann Seton có cha mẹ theo đạo Episcopan (Anh giáo). Mẹ bà và mẹ nuôi đã dạy bà cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Cha bà là một bác sĩ đã dạy bà yêu thương và giúp đỡ người nghèo.

Khi còn là thiếu nữ, Seton thường đem đồ ăn cho những người nghèo gần nhà cô. Sau khi lập gia đình, bà và người chị dâu thường thăm viếng người nghèo và người đau yếu trong xóm nghèo. Lấy chồng lúc 19 tuổi là ông Wil Seton ở New york, con nhà giầu có. Hai người rất yêu nhau và sinh được 3 gái 2 trai.

Mọi sự tốt đẹp cho tới năm 1803, chồng bà bị phá sản (bankrupt) và yếu đau. Ông đã qua đời khi đi thăm người bạn bên nước Ý. Gia đình Ý này đã giúp bà Elizabeth và các con trở thành những người Công giáo. Bà tin Chúa trong Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Mẹ, Giáo hội tông truyền từ các thánh Tông đồ. Vì việc này bà và các con bị họ hàng ghét bỏ. Bà Seton trở thành bà góa chồng lúc 30 tuổi. Để có tiền nuôi con, bà đã mở trường nội trú Công giáo cho các thiếu nữ tại Baltimore, bang Maryland. Mấy bà khác đến giúp đỡ và nhà nội trú phát triển.

Ít lâu sau, bà thấy tiếng Chúa gọi trong lòng, hiến mình cho Chúa, nên bà và mấy bà bạn cùng nhau lập tu viện, sau này trở thành Dòng Nữ tử Bác ái (Daughters of Charity). Hai con trai bà nhập lính hải quân, 2 con gái đi tu, một người chết trẻ, một người làm việc cho tù nhân. Ngày nay, hàng ngàn ngàn nữ tu Bác ái đang phục vụ trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão, và nhà trường.

  1. Hoàn toàn phó mình theo ý Chúa, vui chịu đau khổ, tôn kính Mình Thánh: Thánh Elizabeth Ann Seton không có ơn khác thường như làm phép lạ, nói tiên tri, in dấu thánh… nhưng bà có 2 điều đặc biệt là: hoàn toàn phó mình làm trọn Ý Chúa, vui chịu đau khổ: mẹ chết, chồng chết, con chết, họ hàng ghét bỏ… Thánh nữ nổi bật về lòng tôn kính Mình Thánh Chúa, yêu mến Đức Mẹ…

(Nguồn: Dân Chúa)

Noi gương Thánh nhân, mời Bạn hãy tập sống câu nói sau đây của Ngài: “Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hằng ngày của chúng ta là:

(1) Thi hành thánh ý Thiên Chúa;

(2) thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn;

(3) và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa.”

From: Do Dzung

Xin vang

Lễ Kính Thánh Danh Chúa Giêsu – Cha Vương

Một ngày mới, tạ ơn Chúa! Chúc Bạn một ngày thật ấm ám và bình an trong tình yêu của Thiên Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 03/01/2024

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Thánh Phaolô cũng viết về việc này trong thư gửi cho các tín hữu Philípphê, ngài nói: Thiên Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu Kitô “một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (x. 2:9). Theo lịch sử phụng vụ, trước Công Đồng Vatican II, ngày Lễ đầu năm, 1 tháng 1, là lễ Đặt Tên. Theo Phúc A^m (Lk 2:21), đến ngày thứ tám người làm phép cắt bì cho Con Trẻ và đặt Tên Giêsu cho Con Trẻ. Thánh Danh Chúa Giêsu được tôn kính đặc biệt trong phụng vụ bằng việc cúi đầu khi đọc hay nghe đọc đến Thánh Danh Giêsu. Việc cúi đầu hay cúi mình là cử chỉ tỏ lòng tôn kính đối với chính nhân vật hay những biểu hiệu tượng trưng cho người đó. Cúi đầu trước mặt nhân vật chúng ta tôn kính, hay trước hình ảnh của họ. Theo luật phụng vụ, chúng ta phải cúi đầu khi đọc tới tên Ba Ngôi Thiên Chúa, hoặc khi đọc Thánh Danh Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, tên vị Thánh được tôn kính trong Thánh Lễ hôm ấy (cf. GIRM 275). Ở đây luật Phụng vụ nói về Tên. Tên của Chúa Giêsu được chính Thiên Chúa gọi để ứng nghiệm lời của ngôn sứ: ” Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là” Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”( Mt 1, 23 ). Thánh Bernardine dùng việc sùng kính Thánh Danh Đức Giêsu như một phương cách để khắc phục các cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu và cay đắng cũng như sự thù nghịch giữa các dòng tộc ở các tỉnh nước Ý. Ngái nói: “Danh huy hoàng, danh từ bi, danh của tình yêu và quyền thế! Nhờ Ngài mà tội lỗi đã được tha thứ, nhờ Ngài mà kẻ thù bị chế ngự, nhờ Ngài mà người đau ốm được lành mạnh, nhờ Ngài mà những ai đang đau khổ vì thử thách được vững mạnh và phấn khởi. Ngài đem vinh dự cho những ai có lòng tin, Ngài dạy bảo những người rao giảng, Ngài thêm sức cho những người lao nhọc, Ngài duy trì những kẻ chán chường” (Thánh Bernardine ở Siena). Việc sùng kính gia tăng, một phần là nhờ các vị rao giảng thuộc dòng Phanxicô và Đaminh. Việc sùng kính này lan rộng hơn nữa sau khi các linh mục dòng Tên bắt đầu đẩy mạnh trong thế kỷ 16. Vào năm 1530, Đức Giáo Hoàng Clementê V phê chuẩn một Nghi Thức Cầu Thánh Danh cho các tu sĩ Phanxicô. Vào năm 1721, Đức Giáo Hoàng Innôcentê XIII nới rộng ngày lễ này cho toàn Giáo Hội.

Vậy kể từ ngày hôm nay xin Bạn hãy ý thức lại về việc kêu tên Chúa. Đừng kêu tên Chúa Giêsu vô cớ nhé . Xin Bạn hãy kêu Thánh Danh Chúa Giêsu một cách kính cẩn và nghiêm túc vì tên “Giêsu” có một sức mạnh huyền nhiệm mang bình an và nâng cao con người lên.

From: Đỗ Dzũng

Tình Yêu Mang Tên Giêsu – (Sáng tác: Sr. Clara Chu Linh .OP) – Phi Nguyễn

Lễ kính Thánh Gia – Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Gia, cầu mong gia đình bạn luôn hạnh phúc và bền vững trong Chúa Ki-tô, thánh cả Giuse, và Mẹ Maria nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 30/12/2022

TIN MỪNG: Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13)

SUY NIỆM: Gia đình nào cũng gặp những khó khăn, khủng hoảng trong đời sống, do công ăn việc làm khó khăn, con cái hư hỏng, cha mẹ bất hoà… Phương thế vượt qua không phải là giận ghét, bạo lực, nghi kỵ, nhưng là TÌNH YÊU, tình yêu dựa trên đức ái . Chỉ có tình yêu mới “cứu vãn” được gia đình, một tình yêu dựa trên lòng đạo đức, vâng giữ điều răn Chúa dạy. Mời bạn suy niệm lời của Thánh Phaolô nhắc nhở bạn về đời sống gia đình theo tinh thần của Chúa. Đừng để tinh thần của thế tục lừa dối Bạn nhé. “Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha. Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. [Xin lưu ý: Quan niệm văn hóa thời bấy giờ trong đó vợ phải phục tùng chồng, con cái phục tùng cha mẹ, và nô lệ phục tùng chủ nhân của họ. Nhưng câu này không phải thế, Thánh Phaolô đề cập tới việc phục tùng lẫn nhau hơn là sự cầm quyền của đối tượng này trên đối tượng khác, “hãy coi ai là ‘boss’ của ai nè”. Vợ chồng, vì thế, sẽ phục tùng lẫn nhau khi mỗi bên bắt chước tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh. “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau” (5:21)] Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Côlôsê 3:12-21)

Câu/chữ nào đánh động bạn nhất, tại sao? Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn với vợ, chồng, con, bạn bè, v.v… trong gia đình.

LẮNG NGHE: Thiên Chúa đã xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người chúng ta. (Br 3,38)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu, gương mẫu của gia đình Thánh Gia dạy cho con biết tất cả hạnh phúc gia đình đều bắt nguồn từ việc tuân hành thánh ý Chúa. Xin cho các bậc phụ huynh và những người con cháu trong gia đình luôn biết chu toàn bổn phận của mình để gia đình được hạnh phúc, Thiên Chúa được vinh danh, xã hội luôn an bình.

THỰC HÀNH: Tránh ngôn từ dằn vặt, chỉ trích xem ai là người có lỗi trong gia đình, và hãy dặn lòng tập sống khoan dung hơn.

From: Đỗ Dzũng