Thánh Barnabê tông đồ-Cha Vương

Chúc bình an, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Barnabê tông đồ, mừng bổn mạn đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 11/06/2024

“Vị thánh này có phúc, vì đáng được kể thêm vào số các Tông Đồ: Người thật là tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin”( Cv 11, 24 ). Thánh Barnabê là một trong 72 môn đệ đầu tiên đã nghe Chúa Giêsu giảng dậy và đã trở thành môn đệ của Ngài

Thánh Barnabê môn đệ của Chúa Giêsu: Đã có lần, có dịp nghe Chúa Giêsu giảng dậy và đã chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ, thánh Barnabê đã trở thành một trong 72 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã nói: “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” ( Ga 15, 16 ).Chính Chúa Giêsu đã chọn Barnabê để  thánh nhân làm chứng cho tình yêu của Chúa và giới thiệu Chúa Giêsu cho nhiều người. Sau biến cố Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ sai Barnabê đi truyền giáo ở Antiokia, một miền trù phú và thịnh vượng, phồn vinh nhất lúc bấy giờ. Và như lời Chúa nói:”… hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân dành Thầy thì Thầy ban cho anh em”( Ga 15, 16 ). Thánh Barnabê luôn có Chúa Thánh Thần tràn đầy và nhờ tài giảng thuyết, Ngài đã đưa được biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Thánh nhân đã mời thánh Phaolô về ở với mình và cùng giảng dậy, loan báo Tin Mừng ở Antiokia. Sau đó, thánh nhân mang món tiền mà Ngài đã quyên góp được về Giêrusalem gặp các vị kỳ mục và các tông đồ khác. Đường lối và ý nhiệm mầu của Chúa lại khác, Barnabê và Phaolô lại được trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, nên các Ngài lại trẩy đi Séleucie và Chypre. Dân bản xứ và các người ngoại giáo, đón tiếp các Ngài một cách nhiệt tình, họ tin theo các Ngài. Tuy nhiên cũng có những người Do Thái có óc thủ cựu, hẹp hòi đã tìm cách gièm pha, chế diễu và nói nhiều lời ngạo mạn đối với các Ngài, họ xúi giục những thành phần bất hảo ngược đãi và trục xuất các Ngài ( Cv 13, 50 ). Chúa cho các Ngài làm nhiều phép lạ: xua trừ ma quỉ, chữa bệnh, làm cho kẻ chết sống lại để củng cố niềm tin của các tân tòng.

Chúa thưởng công cho Thánh Barnabê: Thánh Barnabê và thánh Marcô tiếp tục rao giảng ở đảo Chypre. Chúa đã  yêu thương cho thánh Barnabê được lãnh triều thiên qua cái chết tử đạo của Ngài:” Hạt lúa mì rơi xuống đất không thúi đi, thì nó sẽ không sinh nhiều bông hạt…”.  Người Do Thái ở Syria đã xúi giục dân chúng ném đá và xử tử thánh Barnabê. Đời Hoàng Đế Zénon, vào năm 488, người ta đã tìm thấy xác của thánh Barnabê tại Salamine thuộc đảo Chypre, Hy Lạp.

Lạy Chúa, Chúa đã truyền phải dành riêng thánh Barnabê là một người đầy lòng tin và Thánh Thần, để thánh nhân đưa dân ngoại về với Chúa. Xin cho mọi tín hữu biết dùng lời nói và việc làm để trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô như thánh nhân đã can đảm rao truyền (ca nhập lễ, lễ thánh Barnabê, tông đồ ).

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT) 

From: Do Dzung

Đường con theo Chúa -tinmung.net 

Khi lãnh bí tích Rửa tội, người ta nhận một tên, điều này có ý nghĩa gì?- Cha Vương

Mùa Hè nóng quá đi! Đừng để con tim bạn bị lạnh vì thiếu Tình Chúa nhé. Chúc bình an!

Cha Vương

Thứ 2: 10/06/2024

GIÁO LÝ: Khi lãnh bí tích Rửa tội, người ta nhận một tên, điều này có ý nghĩa gì? Qua tên ta nhận khi lãnh bí tích Rửa tội, Thiên Chúa như nói với ta: “Ta đã gọi tên con, con thuộc về Ta” (Is 43, 1). (YouCat, số 201)

SUY NIỆM: Khi được rửa tội, con người không bị tan biến trong một khối vô danh, trái lại nhân cách của họ được xác nhận. Nhận một tên khi được rửa tội có nghĩa là: Chúa biết ta, Người nói với ta, “tốt”, “được” và đón nhận ta đời đời với tất cả nét đặc thù của ta.

❦ Tôi được mời gọi để làm hoặc để là cái mà không ai khác được mời gọi. Trên trái đất của Chúa, tôi có một chỗ trong chương trình của Chúa mà không ai có như vậy. Dù tôi giàu hay nghèo, bị khinh dể hay được trọng vọng bởi người đời, Chúa biết tôi và gọi tôi bằng chính tên tôi. (Hồng y John Henry Newman) (YouCat, số 201 t.t.)

LẮNG NGHE: Nhưng bây giờ, đây là lời ĐỨC CHÚA phán, lời của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Gia-cóp, lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Ít-ra-en: Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta! (Is 43:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì yêu Chúa đã dựng nên con giống hình ảnh của Chúa. Chúa còn ban cho con được làm con cái Chúa qua Bí Tích Rửa Tội để được sống hạnh phúc mãi mãi với Chúa. Xin giúp con biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng vui sống bên nhau, đem lại hạnh phúc cho nhau để làm vinh danh Chúa.

THỰC HÀNH: Tên thánh (còn gọi là thánh quan thầy hay thánh bảo trợ) của bạn là gì? Bạn có biết ngày lễ bổn mạng (còn gọi là lễ quan thầy) của bạn là ngày nào không? Tập thói quen đọc kinh thánh quan thầy của mình để xin các ngài hướng dẫn và cầu bầu cho bạn nhé.

From: Do Dzung

Ngài Gọi Tên Con – Sáng tác: Dương Quảng -Trình bày: Nguyễn Minh Tâm

Lễ Đức Maria-Mẹ Giáo hội-Cha Vương

Hôm nay Giáo hội mừng Lễ Đức Maria-Mẹ Giáo hội. Vào ngày 11 tháng 2 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thêm vào lịch chung Rôma một lễ mới về Đức Mẹ, lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội. Trước đây lễ này đã được cử hành ở cấp độ địa phương tại một số giáo phận và dòng tu. Bây giờ lễ này được cử hành trong toàn thể Giáo hội hoàn vũ, và được ghi trong Nghi thức Sách Lễ Rôma. Lễ mới này không có ngày cố định trong năm Dương lịch, vì nó phụ thuộc vào chu kỳ lễ Phục sinh. Lễ được cử hành vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúc bạn và gia đình thật ấm áp và tràn đầy yêu thương trong vòng tay nhân từ của Mẹ Maria nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 08/06/2024

TIN MỪNG: Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ rằng :“Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người nói với môn đệ :“Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình. (Ga 19:26-27)

SUY NIỆM: Vì Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, và bạn là người đã được rửa tội trong Chúa Ki-tô và là phần tử của Giáo Hội—là chi thể của thân thể Đức Kitô nên bạn cũng là con của Đức Maria. Lễ nhớ mừng mẫu tính của Đức Maria đối với Giáo hội được cử hành hàng năm là dịp để giúp con cái Mẹ hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể “ưu tú nhất… và nguyên tuyền nhất của Giáo hội” (LG, số 53). Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng, “với mẫu tính trong Chúa Thánh Thần, Đức Maria ôm lấy từng người trong Giáo hội, và ôm lấy từng người qua Giáo hội. Theo nghĩa này, Đức Maria – Mẹ Giáo hội cũng là gương mẫu của Giáo hội. (Redemptoris Mater, số 47). Thật tâm tình và gần gũi quá đi! Có bao giờ bạn cảm nghiệm được Mẹ đang ôm bạn như Mẹ ôm người Con của Mẹ dưới chân thập giá chưa?

LẮNG NGHE: Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật,  để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. (Gal 4:4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, “khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa, và đã nhận tất cả mọi người làm con, những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô.” Xin Mẹ yêu thương trợ giúp con luôn trung thành với sứ vụ được trao phó cho đến cùng để được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

THỰC HÀNH: Thành tâm chạy đến Mẹ qua việc đọc 10 Kinh Kính Mừng hôm nay.

From: Do Dzung

MẸ GIÁO HỘI – PM Cao Huy Hoàng – Jos Đường trình bày 

 Tại sao Hội Thánh còn hơn là một tổ chức?-Cha Vương

 Tại sao Hội Thánh còn hơn là một tổ chức?
Thư’ 6 nóng nảy quá, giá xăng lại cao, tiền điện lại nhiều, ước mong lòng bạn được bình yên và tươi mát trong Chúa. Xin bạn tiếp tục cầu nguyện cho các thầy 6 sắp nhận chức linh mục . Đa tạ!

Cha Vương

Thứ 6: 07/06/2024

GIÁO LÝ: Tại sao Hội Thánh còn hơn là một tổ chức? Hội Thánh còn hơn là một tổ chức bởi vì Hội Thánh là một mầu nhiệm, vừa nhân loại hữu hình, vừa thần linh vô hình. (YouCat, số 124)

SUY NIỆM: Tình yêu chân thật không làm ta mù quáng, nhưng sáng suốt. Cái nhìn của ta về Hội Thánh cũng như vậy. Nhìn bên ngoài Hội thánh chỉ là một xã hội trong lịch sử, có những hậu quả trong lịch sử như những lầm lạc, cả những tội ác nữa, một Hội thánh gồm các tội nhân. Nhưng mà nhìn sâu xa hơn, Chúa Kitô lại tín nhiệm chúng ta là những kẻ tội lỗi đến nỗi không bao giờ Chúa bỏ rơi Hội thánh, mặc dầu hàng ngày chúng ta có thể phản bội Chúa. Sự hiệp nhất không thể tách rời giữa thần linh và nhân loại, giữa tội lỗi và ân sủng, đó chính là bí nhiệm của Hội thánh. Theo con mắt đức tin, chính ở chỗ đó mà Hội thánh bất diệt. (YouCat, số 124 t.t.)

❦ Hội Thánh không thể xử sự như một xí nghiệp, thay đổi “cung” khi “cầu” xuống thấp. (Hồng y Karl Lehmann, 1936, Giám mục Mayence)

LẮNG NGHE: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (Mt 16:18)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh mà lại vững bền để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa. Xin cho con biết sử dụng những kiến thức, những tài năng Chúa ban để kết hiệp với Chúa, với Giáo Hội mang niềm vui của đức tin đến cho mọi người con gặp hôm nay.

THỰC HÀNH: Bạn có cảm được gánh nặng trách nhiệm và nỗi âu lo của Đức Thánh Cha trước những vấn đề của Hội Thánh và của thế giới không? Làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

From: Do Dzung

Hiệp Nhất Yêu Thương – Tốp Ca (Sưu Tầm) 

Tại sao Thiên Chúa muốn có Hội Thánh?-Cha Vương

Một ngày bình yên và sinh nhiều hoa quả của Chúa Thánh Thần nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 06/06/2024

GIÁO LÝ:  Tại sao Thiên Chúa muốn có Hội Thánh? Bởi vì Thiên Chúa không muốn cứu rỗi chúng ta cách riêng rẽ nhưng là tập thể. Người muốn tập họp toàn thể nhân loại vào một dân duy nhất, đó là Hội Thánh. (YouCat, số 122)

SUY NIỆM: Không ai có thể lên trời mà không cần người khác, Người chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cứu rỗi riêng mình sẽ sống không cần người khác. Điều này không thể có được cả ở trên trời cũng như dưới đất. Chính Thiên Chúa cũng cần người khác. Thiên Chúa không sống cô độc, tự coi là đủ cho mình. Chính Thiên Chúa là Ba Ngôi, là một cộng đồng, nên theo gương mẫu của Thiên Chúa, con người cũng được mời gọi để sống tương quan, trao đổi, tham gia và yêu thương lẫn nhau. Chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau. (YouCat, số  122 t.t.)

Ta phải trở nên thánh chung với nhau. Ta phải đến với Thiên Chúa chung với nhau, trình diện trước Thiên Chúa chung với nhau. Ta không được gặp Thiên Chúa tốt lành người này sau người kia. Thiên Chúa có thể nói tốt lành sao được nếu ta lại ra đi người này không có người kia? (Charles Péguy, 1873–1914, thi sĩ Pháp)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa nói với Cain: Abel em ngươi ở đâu? Cain trả lời: Con không biết. Con có phải là người coi giữ em con đâu? (St 4:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, yêu thương anh em là một mệnh lệnh, xin Chúa thắp trong con ngọn lửa tình yêu của Chúa và niềm vui của Thánh Thần để con biết yêu thương và tôn trọng nhau, biết tha thứ và cộng tác với nhau, rồi cùng nhau hưởng vinh phúc thiên đàng với Chúa.

THỰC HÀNH: Tạo cơ hội đọc kinh chung hoặc chia sẻ lời Chúa trong gia đình  hay với những bạn bè thân thuộc. Đại dịch COVID dạy cho người tín hữu một bài học quý giá là ta có thể nên thánh chung với nhau qua việc đọc kinh cầu nguyện qua điện thoại hoặc những thiết bị truyền thông.

From: Do Dzung

Giúp Nhau Hoàn Thiện (Huỳnh Minh Kỳ & Đinh Công Huỳnh) 

Điều gì xảy ra khi lãnh bí tích Rửa tội?- Cha Vương

Xin Chúa gìn giữ bạn và gia quyến để bạn đừng xa lạc con đường Chân Thiện Mỹ nhé. Nhớ cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 4: 05/06/2024

GIÁO LÝ: Điều gì xảy ra khi lãnh bí tích Rửa tội? Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên chi thể của thân thể Chúa Kitô, anh chị em của Đấng Cứu chuộc, con cái Thiên Chúa. Chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự chết, được lãnh số phận sống vui trong Đấng Cứu chuộc ta. (YouCat, số 200)

SUY NIỆM: Được rửa tội có nghĩa là lịch sử đời tôi được chìm đắm trong dòng chảy tình yêu của Chúa. Đức Bênêđictô XVI nói: “đời tôi thuộc về Chúa Kitô chứ không còn thuộc về tôi nữa… Được Chúa tháp tùng, vâng, được Chúa đón nhận vào tình yêu của Người, tôi được thoát khỏi sợ hãi. Chúa bao bọc tôi và mang tôi đi tất cả nơi nào tôi đi, Người là chính sự sống”. (YouCat, số 200 t.t.)

❦  Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. (Rm 6,4)

❦  Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. (1 Tm 2,4)

Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)

❦  Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. (Rm 14,8)

❦  Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. (1 Cr 12,13)

 LẮNG NGHE: Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. (Rm 8,17)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, qua bí tích rửa tội, Chúa đã cho con được tái sinh nhờ nước thánh tẩy, để nên một với Đức Kitô. Xin Chúa thương phù trì, giúp con luôn chiến thắng tội lỗi và trung thành đáp lại tình thương của Chúa.

THỰC HÀNH: Bạn có nhớ người lãnh nhận bí tích Rửa tội thề hứa những gì không? Từ bỏ ma quỷ, xa lánh tội lỗi, tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và giữ lề luật của Ngài. Hôm nay, xin bạn hãy cố gắng sống theo lời hứa của mình nhé.

From: Do Dzung

Đoan Hứa – Phương Thảo (Sáng tác: Dương Nhân) 

Bí tích Rửa tội có phải là cách duy nhất để được cứu rỗi không?-Cha Vương 

Mỗi ngày Chúa trao cho bạn một tờ giấy trắng. Bạn sẽ là người vẽ lên đó, vì thế hãy vẽ sao cho đẹp lòng Chúa nhé. Chúc bình an! Mời bạn tiếp tục suy niệm những bài Giáo Lý căn bản trong quyển Giáo Lý YouCat.

Cha Vương 

Thứ 3: 4/06/2024

GIÁO LÝ: Bí tích Rửa tội có phải là cách duy nhất để được cứu rỗi không? Đối với những ai đã đón nhận Tin Mừng và đã biết Lời Chúa Giêsu dạy: “Thầy là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6), bí tích Rửa tội là con đường duy nhất cho họ đến cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Nhưng vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người, và mọi người đều được mời gọi để được cứu độ nên dù một người không có cơ hội học biết về Chúa Kitô và đức tin, mà họ tìm Chúa cách chân thành và sống theo lương tâm mình, họ cũng gặp ơn cứu độ. Họ được rửa tội bằng lòng muốn. (YouCat, số 199) Trong Hội thánh Công giáo, có 3 hình thức rửa tội, nó cho chúng ta biết những người chưa được rửa tội có thể đến được cửa thiên đàng như thế nào.

  1.  1. RỬA TỘI BẰNG NƯỚC: Rửa tội bằng nước là hình thức “thông thường” quen thuộc nhất mà chúng ta thấy.
  2.  2. RỬA TỘI DO LÒNG MUỐN: Hình thức rửa tội thứ hai này khó hiểu nhất và cũng là một trong những hình thức giải thích cởi mở nhất. Ví dụ rõ ràng nhất về hình thức rửa tội do lòng muốn, tức là khi một người đang trên tiến trình nhận phép rửa nhưng không thể hoàn thành nó. “Đối với những người dự tòng chết trước khi được rửa tội, nếu họ minh nhiên ước muốn được rửa tội, đồng thời sám hối tội lỗi và sống đức mến, thì họ được bảo đảm ơn cứu độ, dù chưa thể lãnh nhận bí tích” (GLCG 1259)
  3. RỬA TỘI BẰNG MÁU: Sau rửa tội bằng nước, hình thức rửa tội này là rõ ràng nhất. Về cơ bản đó là khi một người chưa được rửa tội nhưng chết vì đức tin Kitô giáo. “Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô” (GLCG 1258).

SUY NIỆM: Thiên Chúa đã liên kết việc cứu rỗi với các bí tích. Vì thế Hội thánh phải không ngừng trao ban cho nhân loại. Từ chối sứ mệnh này là phản bội lệnh truyền của Chúa. Nhưng chính Chúa không bị trói buộc vào các bí tích của Người. Nơi nào Hội thánh chưa đến được, hoặc không làm được – dù do lỗi của Hội thánh hoặc vì các lý do khác – chính Chúa mở ra cho con ngưởi một đường khác để được cứu rỗi. (YouCat, số t.t.)

LẮNG NGHE: Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12:50)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết tầm quan trọng của ơn cứu rỗi để con sống thánh thiện hơn mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Kiểm tra lại lối sống của bạn coi nó có minh chứng cho đức tin của bạn không?

From: Do Dzung

Đường con theo Chúa -tinmung.net 

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)-Cha Vương

Hôm nay Chúa ao ước bạn có một quả tim đơn sơ và trong sạch đó. Bạn có thể làm Chúa hài lòng được không?

Cha Vương

Thứ 4: 29/05/2023

TIN MỪNG: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)

HOA QUẢ THỨ 12: Khiết Tịnh (thanh khiết, đức thanh sạch) là thói quen tiết chế ham muốn tình dục vì lý do chính đáng. (Theo Thánh Thomas Aquino và triết gia Aristotle)

SUY NIỆM: Trong xã hội mà những phim ảnh đồi truỵ đang len lỏi vào từng ngõ nhách của môi trường sống của con người một cách quá dễ dàng thì thật là nguy hiểm quá. Có những người ôm cái iPhone/iPad của mình trong phòng riêng hoặc trong mền đến nỗi mặt mũi họ phờ phạc ra, họ quên ăn quên ngủ. Mình không giám kết án họ đã xem gì hoặc chơi những trò chơi gì nhưng đây là nỗi lo âu rất lớn của các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục. Khi con người đã không kiềm chế được ham muốn dục vọng của mình như—tình dục, chè chén, chơi bời, dâm đãng, bài bạc… thì việc giáo dục về đức khiết tịnh lại càng trở nên cấp bách. Con người sẽ bị mất đi nhân tính và họ quên đi những việc họ đang làm hoàn toàn trái ngược với ý định của Thiên Chúa. Do đó đức kiết tịnh rất cần thiết để giúp con người biết tự chủ hoặc chế ngự các đam mê để được bình an hạnh phúc, nếu không thì họ sẽ trở thành nô lệ của những đam mê và trở nên bất hạnh. Sống khiết tịnh là nhiệm vụ của mỗi người tuỳ theo mỗi ơn gọi. Có ba hình thức sống khiết tịnh: khiết tịnh của bậc hôn nhân, khiết tịnh của người góa bụa và khiết tịnh của kẻ đồng trinh. Giáo Hội không ca tụng lối sống này mà loại bỏ lối sống khác. Hiển nhiên, như hoa quả của Chúa Thánh Thần, khiết tịnh không phải là điều người ta có thể đạt đến nếu không muốn bỏ công cầu nguyện hay nỗ lực. Quả ngọt trên cây thường xuất hiện sau cùng. Vì thế, để là hoa quả  của Thánh thần, đòi hỏi một quá trình vun trồng thật tốt trong ơn nghĩa Chúa. Để bắt đầu sống khiết tịnh trong thế giới với đủ loại cám dỗ, bạn phải có một đời sống nội tâm mạnh mẽ; kết hiệp với Chúa qua việc ăn chay hãm mình, tham dự Thánh Lễ thường xuyên và lãnh nhận các bí tích sẽ là những việc cần thiết cho những ai muốn đạt được nhân đức này.

 LẮNG NGHE: Thánh Phaolô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:12-14).

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là hơi thở của hồn con, xin tạo cho con một quả tim trong sạch, với đôi mắt trong ngần và thanh khiết để con chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa.

THỰC HÀNH: Xoá bỏ những kênh YouTube không lành mạnh.

From: Do Dzung

Quả Tim Trong Sạch-Thánh Vịnh 50  

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5,4)-Cha Vương

Sau ngày lễ nghỉ, uể oải quá đi thôi. Chúc bạn ngày mới tràn đầy nghị lực và hiền lành như con chim bồ câu vậy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 28/05/2024

TIN MỪNG: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5,4)

HOA QUẢ THỨ 8: Hiền Hoà— Hiền hoà (hiền lành) là một nhân đức, không để cho mình bị lôi cuốn bởi cơn giận dữ quá đáng so với nguyên nhân gây ra nó, nghĩa là không để cho mình bị lôi cuốn theo một cảm xúc phi lý. Người hiền lành thì luôn có tâm hồn đơn sơ, sống chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, nhưng sẵn sàng quên mình, biết dấn thân và biết sống vì người khác. Hiền hòa cũng có phần nào liên quan đến nhịn nhục và chịu đựng, đó là biết vui vẻ chấp nhận sự thua thiệt, hiền lành và chịu thua thiệt chứ không là nhu nhược.

SUY NIỆM: Trong cuộc sống tại thế này bạn phải đối diện với đủ loại thử thách: những thất bại, bất trắc, đau khổ,…. có khi phải đối diện với những nghịch cảnh bi đát và nghiệt ngã bất công. Vấn đề là cách bạn ứng xử thế nào trước mỗi khó khăn thử thách như vậy. Lời khuyên của  Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sau đây có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của nhân đức hiền hoà khi ngài viết: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “ Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (ĐHV, số 41. 43). Người hiền lành có thể bị người đời ăn hiếp hoặc luôn chịu phần thiệt thòi nhưng ngược lại họ lại là người mạnh mẽ và dễ mến vì chẳng có ai chống lại người hiền lành cả. Tiền nhân có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Đúng quá! Một giây phút không kiềm hãm được những cảm xúc phi lý của mình không những bạn sẽ làm tổn thương đến những người chung quanh mà còn tự hại mình nữa. Nguy quá!

LẮNG NGHE: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. (Pl 4,4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là Chủ nhân hiền hòa của tâm hồn con, là nguồn dịu dàng tươi mát dường bao, xin cất khỏi tim con những yếu đuối, những cảm xúc nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn, và ban cho con đức đơn sơ, điềm tĩnh, khôn ngoan, hiền dịu và quả cảm để con sống hiền lành thánh thiệt như Chúa hằng mong ước.

THỰC HÀNH: Tập không phản ứng mạnh khi gặp chuyện trái ý, không làm dữ khi ý kiến của bạn bị bác bỏ.

From: Do Dzung

Chúa chiên lành – tinmung.net

Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách- Cha Vương

Chúc bạn ngày nghỉ lễ Memorial Day thật zui zẻ và an lành nhé. Đừng quên cầu nguyện cho những linh hồn của những người đã hy sinh bảo vệ quốc gia Hoa Kỳ và nền tự do mà bạn đang tận hưởng.

Cha Vương

Thứ 2: 27/05/2024

TIN MỪNG: Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. (Gc 1:12)

 HOA QUẢ THỨ 7: Trung Tín— Trung tín là sự hiện hữu đúng với con người và sự việc. Bạn giữ vững lập trường cho dù khó khăn xảy đến. Sự trung tín là niềm tin vững mạnh được thử thách theo thời gian. Bạn dấn bước lên đường và sẽ tiếp tục hành trình ấy dù có khi bạn muốn dừng lại hoặc bị phân tâm.

SUY NIỆM: Bạn có biết không? Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. (Gc 1:17) Đối Chúa không gì thay đổi nhưng lòng người lại hay đổi thay vì Ngài là Chân lý, đồng thời Ngài cũng là Tình Yêu. Vì là Tình yêu, Ngài muốn thông ban chính mình cho bạn ; Ngài yêu thương bạn, vì thế Ngài  không muốn lường gạt ai cả. Lòng trung tín của Thiên Chúa phải trở thành nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Xã hội ngày nay đang đương đầu với căn bệnh “giả dối, dối trá”. Con người tìm đủ mọi thủ đoạn đề tìm lợi tức cho riêng mình.  Căn bệnh này đang được báo động ở vị trí đỏ. Điều này nhắc nhở cho bạn về sự rất cần thiết của lòng trung tín, không những đối với Chúa mà còn đối với tha nhân nữa. Trong đời sống xã hội, lòng trung thành với lời cam kết rất quan trọng: sự bền vững của các mối tương quan đặt nền tảng trên sự trung thành của mỗi phần tử. Điều này đòi hỏi những nghĩa vụ hỗ tương. Mình phải có nghĩa vụ trung thành với điều đã cam kết, và phải cư xử thế nào để người khác có thể tin tưởng vào mình . Đồng thời, bạn cũng hãy tin tưởng nơi người khác, dựa trên lòng thành thực và tốt lành của họ. Thái độ này sẽ nảy sinh ra một sức mạnh nội tâm để giúp bạn đứng vững với lập trường của mình trước những khó khăn và thử thách trong đời.

LẮNG NGHE: Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu: này ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi; các ngươi sẽ phải lâm cảnh gian truân trong vòng mười ngày. Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. (Kh 2:10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết lắng nghe tiếng gọi của lương tâm chân chính để con sống trung thành với Chúa, trung thành với lề luật, trung thành với những quyết định mà con đã lựa chọn trong ơn gọi làm Kitô hữu, xin cho con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy từ bỏ mọi sự, vác thập giá đi theo Chúa”.

THỰC HÀNH: Một người trung tín không bao nói xấu bạn mình sau lưng người khác. Tránh nói xấu hôm nay nhé.

From: Do Dzung

TÌNH CHÚA TRUNG KIÊN – ĐGM. NGUYỄN NĂNG – LM. NGUYỄN HƯNG – CA SỸ TẤN ĐẠT. 

Lễ Chúa Ba Ngôi- Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, ước mong tim bạn được tràn đầy Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi nhé. XIN THÔNG BÁO: Mình sẽ đi vắng đến 19/6 mới về nên không có bài. Nhớ nhau trong lời kinh nguyện nhé.

Cha Vương

 CN: 26/05/2024

TIN MỪNG: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (Mt 28:19)

 SUY NIỆM: Là một Ki-tô hữu Công Giáo, bạn không sao tránh khỏi những lần làm Dấu Thánh Giá một cách qua loa hời hợt. Nếu Dấu Thánh Giá là lời nguyện tắt đẹp nhất và nếu Dấu Thánh Giá được coi là quy luật sống của mỗi người kitô-hữu thì bạn không thể làm một cách hời hợt được. Dấu thánh giá còn nhắc nhở bạn về bí tích Thánh Tẩy của mình, bởi vì bạn đã được rửa tội “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Nói cách khác bạn được Thánh Tẩy bởi Tình Yêu cao cả phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Augustinô nói: “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi, một ngôi yêu, một ngôi được yêu và một ngôi là nguồn mạch của tình yêu.” “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy”(1 Ga 4:16).

– Trong tình yêu giữa vợ chồng với nhau mà không có tình yêu của Thiên Chúa, thì tình yêu ấy sẽ không tìm thấy hạnh phúc.

– Trong tình yêu bạn hữu với nhau mà không có tình yêu của Chúa, thì đó là sự lợi dụng nhau và sẽ đi đến phản bội nhau khi không còn lợi dụng nhau được nữa.

– Trong tình yêu nam nữ, nếu không thấy được tình yêu của Chúa qua người mình yêu, thì đó là tình yêu hoàn toàn để thỏa mãn xác thịt, và những ham muốn khác.

– Khi phục vụ tha nhân mà không có tình yêu Chúa, thì sự phục vụ ấy chỉ là khoe khoang đánh bóng bản thân mình mà thôi, và khi người khác phê bình chỉ trích thì nóng giận và không thèm phục vụ nữa…

Để yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi lần bạn làm Dấu Thánh Giá thì nên khoan thai, cung kính và yêu mến mà làm dấu, vì đó chính là lúc bạn tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Và cứ dấu ấy mà người ta nhận biết bạn và tôi là người Ki-tô hữu, là con của Thiên Chúa đó.

LẮNG NGHE: Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. (Đnl 4:39)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ba Ngôi cực thánh là nguồn mạch của Tình Yêu, nguồn mạch của sự Hiệp Nhất, xin hãy đến và ở lại với con và ban thêm tình yêu, hiệp nhất xuống trên từng người trong gia đình, trong cộng đoàn để gia đình, cộng đoàn luôn đầy ắp niềm vui, luôn đầy ắp tiếng cười.

THỰC HÀNH: Mỗi lần làm dấu Thánh Giá là bạn ý thức và làm cách nghiêm trang để tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như sau:

+ Nhân danh Cha—Con tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên con

+ và Con—con tạ ơn vì Chúa đã cứu chuộc con

+ và Thánh Thần—Lạy Chúa xin thánh hoá đời sống con.

From: Do Dzung

Dấu Thánh

Thiên Chúa giúp ta thành người “tự do” thế nào?-Cha Vương

Thứ 6 rồi bạn ơi, nhiều “party” quá đi, đừng quên chạy đến Mẹ Maria qua Kinh Mân Côi nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 24/05/2024

GIÁO LÝ: Thiên Chúa giúp ta thành người “tự do” thế nào? Chúa Kitô muốn ta “được tự do đích thực” (Gl 5,1) và có thể thực hiện tình bác ái huynh đệ. Vì thế, Người đã sai Chúa Thánh Thần đến làm cho ta tự do, được giải thoát khỏi quyền lực đời này, và thêm sức cho ta sống trong tình yêu và trách nhiệm. (YouCat, số 290)

SUY NIỆM: Ta càng phạm tội, ta càng chỉ nghĩ đến mình, ta càng khó mà phát triển nên người tự do. Khi ta trao phó mình cho tội lỗi, ta không còn làm điều tốt được nữa và không sống yêu thương được, Chúa Thánh Thần đến trong lòng ta để ban cho ta một trái tim đầy tình mến Chúa yêu người. Ta nhận thấy Chúa Thánh Thần như sức mạnh dẫn đến tự do nội tâm, để cởi mở ra với tình yêu và biến đổi ta thành dụng cụ luôn luôn thích hợp để chu toàn việc tốt và yêu thương.

Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên, “Ápba! Cha ơi!”. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.—Rm 8,15-16 (YouCat, số 290 t.t.)

❦ Trong thế giới này đầy những tự do giả tạo phá hủy môi trường và con người; ta muốn cùng nhau nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần học biết về tự do thật sự, tạo lập những trường dạy tự do, chứng tỏ cho những người khác bằng chính đời sống mình là chúng ta tự do, và nếu ta thực sự có tự do đích thật của con cái Thiên Chúa thì tốt đẹp chừng nào. (Đức Bênêđictô XVI, lễ Hiện xuống 2006)

LẮNG NGHE: Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 6:23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Tự Do và là cùng đích của sự tự do cho nhân loại, xin giúp con biết sống và hành động theo ý Chúa muốn để được hạnh phúc ở bên Chúa luôn mãi.

THỰC HÀNH: Quyết định chọn làm một điều tốt cho một người đáng ghét.

From: Do Dzung