“Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” (Luca 9:28b-36)

Chúc bình an, hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Hiển Dung (Lễ Biến Hình), ước mong ngày hôm nay Bạn cũng được biến đổi và trở nên người con yêu của Chúa.

Cha Vương

Thứ 3: 06/08/2024

TIN MỪNG: Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà… Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” (Luca 9:28b-36)

SUY NIỆM: Khi Con Một Chúa biểu lộ dung nhan hiển vinh người, Chúa đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia để củng cố niềm tin của các tông đồ. Biến cố này cũng báo trước hồng ân lạ lùng Chúa sẽ ban cho những người theo Chúa đó là mai sau được chung hưởng gia nghiệp với Người. Vậy Bạn phải lắng nghe lời Người. Nghe Lời Chúa không chỉ bằng lỗ tai, mà phải nghe bằng cả con tim—thể hiện bằng hành động như Đức Giêsu. Ngài đã nghe Lời Chúa Cha phục vụ loài người đến chết! Có thế, trong ngày cánh chung, ta mới được giống Đức Giêsu, Ngài thế nào ta sẽ được như vậy (x 1 Gio-an 3:2).

LẮNG NGHE: Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo. (Rôma 12: 2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính nhớ Ðức Kitô hiển dung, xin Chúa thanh tẩy con sạch vết nhơ tội lỗi để con được nên giống Chúa.

THỰC HÀNH: Hãy làm một quyết định sống tinh thần bác ái hôm nay để vượt qua một số lĩnh vực ích kỷ trong mối quan hệ hằng ngày nhé.

From: Do Dzung

****************

CHÚA HIỂN DUNG – ST: LINH MỤC BÙI NINH – CA SĨ GIA HIẾU 

Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6:35)

Ngày Chúa Nhật tràn đầy tình yêu, ân sủng, và sức mạnh của Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 4/8/2024

TIN MỪNG: Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (Ep 4:22-24)

SUY NIỆM: Đối với người Kitô hữu Công giáo, Thánh Lễ là sự sống, là lương thực thiêng liêng, là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau. Khi bạn “tham dự” Thánh Lễ một cách tích cực, chủ động và linh hoạt, bạn sẽ được biến đổi bởi Thần Khí Thiên Chúa. Đây là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại. Có bao giờ bạn tự hỏi những câu hỏi sau đây: Tại sao tôi không được biến đổi mạnh mẽ bởi các Thánh Lễ tôi tham dự? Tại sao tôi mất niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể? Tại sao tôi– linh mục, tu sĩ và giáo dân – lại vi phạm và từ bỏ các lời khấn, lời hứa và lời cam kết hôn nhân một cách dễ dàng như vậy? Tại sao tôi lại trở nên hư hỏng, lười biếng, vô đạo đức, không trung thực, tức giận, không vui vẻ, vô vọng,… như những người không tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh Lễ và không quan tâm việc rước lễ? Tại sao có những người đi lễ hằng ngày, khi về đến nhà vẫn còn chứng nào tật nấy nặng mùi người cũ nếp xưa? Câu trả lời rất đơn giản: Họ chỉ “hiện diện” hoặc “có mặt” trong Thánh Lễ chứ họ không “tham dự”.  Nói cách khác đi họ là người đi xem Olympic chứ không phải là cầu thủ tham dự vào những cuộc tranh giải huy chương Olympic. Có một người hỏi ĐHY Nguyễn Văn Thuận câu hỏi như sau: “Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?” Ngài trả lời: “Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá”. (Đường Hy Vọng #349); ”Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng ‘Mầu nhiệm Đức tin’ và ban sức mạnh đức tin cho con “. (Đường Hy Vọng #373); “Biết giá trị Thánh lễ, dù xa dù khó con cũng cố gắng tham dự. Càng hy sinh con càng thấy mến Chúa hơn.” (Đường Hy Vọng #346); ”Dù cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy hướng về các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa Giêsu đang tế lễ; con dâng lễ và rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm sẽ tràn ngập lòng con”. (Đường Hy Vọng #364) Tuyệt vời quá đi! Có bao giờ bạn “tham dự” Thánh Lễ với tâm tình như vậy chưa? Ước mong bạn cảm nhận được giá trị cao siêu của Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho bạn khi tham dự Thánh Lễ hôm nay.

LẮNG NGHE: Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6:35)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, “là lương thực cho chúng con ở đời này, là nơi an nghỉ là niềm thoả mong khát vọng hạnh phúc cho chúng con trong tương lai, xin cho chúng con được đồng bàn với Chúa và xin ở lại với con khi con trở về với gia đình, với công việc, với anh em…, nhất là với những người con gặp gỡ hôm nay.” (Trích một đoạn trong lời kinh của thánh Tôma Aquinô)

THỰC HÀNH: Cố gắng cầm lòng cầm trí “Tham dự” tích cực vào Thánh Lễ hôm nay nhé.

From: Do Dzung

 *******************

BIẾN ĐỔI ĐỜI CON – HIỆP LỄ CHÚA HIỂN DUNG – Lm Thái Nguyên

Thánh Phêrô Giu-li-a-nô Ema (Peter Julian Eymard)- Cha Vương

Chúc Bạn một ngày bình an thật gần gũi với Chúa trong công việc hằng ngày nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Phêrô Giu-li-a-nô Ema, đấng sáng lập hội chị em Thánh Thể và dòng Bí Tích Thánh Thể của các linh mục. Hãy tạ ơn Chúa đã nuôi dưỡng ta bằng Bánh Hằng Sống.

Cha Vương

Thứ 6: 02/08/2024

Cuộc đời của Thánh Phêrô Giu-li-a-nô Ema (Peter Julian Eymard) nhắc nhở việc chúng ta làm ở đời này, hành hương trong thế giới này là khẩn thiết xin Bánh Hằng Sống: Bí Tích Thánh Thể. Phêrô sinh tại nước Pháp năm 1811 được thụ phong linh mục và sau 5 năm dùng thư từ, hình ảnh và mọi phương tiện truyền thông để truyền giáo, cha nhập dòng Marist Father, rồi làm giám đốc tiểu chủng viện và sau đó cha thuộc về địa phận Lyons. Năm 1856 cha dã lời khấn của dòng Marist và cha tổ chức phong trào linh mục tận hiến cho Bí Tích Thánh Thể họ đã say mê suốt đời để tôn thờ và tận hiến cho Thánh Thể. Cha Phêrô cũng thành lập hội chị em Thánh Thể và Bí Tích Thánh Thể của các linh mục nhằm liên kết trong cùng một tình anh em nhờ phép Thánh Thể.  Bằng ngòi bút và đặc biệt là nhờ gương sáng của mình cha Phêrô đã khám phá tìm tòi làm nên lễ Hy tế và tạ ơn cho chúng ta. Thiên chúa được mọi người biết hiểu hơn và yêu chúa nhiều hơn, công việc của cha Phêrô chứng tỏ rằng sự hiện diện của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống chúng ta là một ngưỡng vọng kết hợp chúng ta với cha trên trời thành một.

(Hạnh Các Thánh, Father Lovasik, SVD)

Mời Bạn suy niệm những lời Cha Phêrô nói để xét lại vai trò của mình đối với Bí Tích Thánh Thể:

+  “Hỡi các Kitô hữu, hãy biết rằng Thánh Lễ là hành động thánh thiện nhất trong đạo chúng ta.  Không có gì vinh danh Chúa hơn, và hữu ích cho linh hồn hơn là sốt sắng tham dự Thánh Lễ, càng nhiều càng tốt.”  -(Thánh Phêrô Julian Eymard)

+   “Cho đến khi nào chúng ta chưa có được một tình yêu thiết tha dành cho Đức Ki-tô trong Phép Thánh Thể thì chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì trọn vẹn.” – (Thánh Phêrô Julian Eymard)

+   “Chúa đã đeo bám tôi một thời gian lâu dài… nhưng tôi lại cứ quyến luyến với cái hão huyền để tránh né vực thẳm tình yêu Chúa Giêsu đã dành cho tôi.”- (Thánh Phêrô Julian Eymard)

+   Thánh Phêrô Julian Eymard tin chắc rằng người ta càng gần Đức Mẹ thì càng được kéo đến gần Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Câu nào đánh động Bạn nhất, tại sao?

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con cách sống tôn thờ, xin dạy chúng con noi gương Mẹ tìm kiếm các mầu nhiệm và các ân sủng nơi Thánh Thể, sống Phúc   âm, và đọc Phúc âm nơi cuộc đời của Chúa Giêsu Thánh Thể. Lạy Đức Mẹ Thánh Thể, xin hãy nhớ Mẹ là Mẹ của những người tôn thờ Thánh Thể.

 (Lời nguyện ngắn của Thánh Phêrô Eymard)

From: Do Dzung

***************

Tấm Bánh Đời Con – Diệu Hiền

Thánh Anphonsô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1696-1787)-Cha Vương

Tháng 8 rồi bạn ơi! Xin Chúa chúc lành cho bạn và gia đình. Hôm nay 01/8 Giáo hội mừng kính Thánh Anphonsô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1696-1787). Mừng Bổn Mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 01/08/2024

Thánh Anphonsô sinh năm 1696 tại Na-pô-li. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Ki-tô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (năm 1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng.

Hạnh tích kể rằng một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng lại mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Đức Cha Anphonsô mời đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Đức Cha Anphonsô ôn tồn nói, “Hãy bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Đây không phải lần đầu tiên mà cha đạp Chúa dưới chân mình.”

Vào năm 71 tuổi, ngài bị đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với “sự tăm tối” vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi đức tính. Ngài qua đời ngày 01 tháng 8 năm 1787 tại Nocera de’ Pagani, Salerno.

Noi gương thánh nhân mời Bạn suy niệm và tự hỏi ngài đang muốn nhắn nhủ bạn điều gì nhé:

(1) Ai cầu nguyện, thì được cứu rỗi.

(2) Lạy Mẹ Maria, xin hãy nhận con, như của riêng Mẹ, và cho Mẹ, xin hãy chăm lo phần rỗi của con.

(3) Bất cứ sự bất an nào, cho dù có lý do tốt cách mấy, cũng không thể phát xuất từ Thiên Chúa.

(4) Khi một tư tưởng xấu xa hiện lên trong tâm trí, chúng ta phải cố gắng lập tức hướng tư tưởng về Thiên Chúa hoặc một đều trung lập nào đó. Nhưng qui luật trước tiên là phải lập tức kêu cầu thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria và tiếp tục kêu cầu cho đến khi cơn cám dỗ chấm dứt.

(5) Người không bỏ cầu nguyện thì chẳng thể kéo dài thói quen xúc phạm đến Thiên Chúa.

(6) Người nào tin tưởng vào bản thân sẽ hư mất. Người nào tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ làm được mọi sự.

(7) Hôm nay Chúa mời bạn làm điều tốt; hãy làm ngay hôm nay. Ngày mai bạn có thể không có thời gian, hoặc Chúa có thể không còn kêu gọi bạn làm điều đó nữa.

*Câu nào đánh động bạnh nhất?

From: Do Dzung

******************

Ngợi Ca Anphongsô

Tha’nh Mácta (Martha)-Cha Vương

Ngày Thứ 2 zui zẻ phục vụ với một bầu nhiệt huyết nhé. Mừng quan thầy Mácta (Martha) đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương

Thứ 2: 29/7/2024

“Ðức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô.” Câu nói độc đáo này trong Phúc  âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của ngài.

Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc  am Luca 10:38-42, Gioan 11:1-53, và Gioan 12:1-9.

Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta – thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

Cuộc đối thoại của Mácta với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc  m đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: “Mácta lo hầu hạ.” Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

Có truyền thuyết nói rằng ba chị em làng Bêtania đã bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền không buồm, không chèo, không lái. Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước Pháp. Ladarô đã trở thành Giám mục tiên khởi Chúa thành này. Riêng Martha, Ngài đã rao giảng Tin Mừng ở Aix Avignon và Tarascon.

Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp. (Nguồn: Người Tín Hữu online)

From: Do Dzung

************

Phục Vụ Trong Yêu Thương – Đệ Tử Mân Côi

Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.”- Cha Vương

Reng reng! Thức dậy đi Lễ chứ! Chúc bạn weekend đầy nhiệt huyết trong tinh thần phục vụ Chúa và tha nhân. Cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

CN: 28/7/2024

TIN MỪNG: Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. (Ga 6:12-13)

SUY NIỆM: Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu không chỉ nuôi dưỡng, ban sức mạnh cho bạn, mà Người còn ban cho bạn mỗi ngày càng nhiều ơn hơn nữa để sống cuộc sống thánh thiện và đẹp lòng Chúa. Giống như phép lạ trong Phúc Âm hôm nay, khi bạn đến với Chúa, bạn chẳng có gì là mất mát và thiệt thòi cả, bạn chỉ có thêm và càng nhiều thêm thôi. Một trong những “miếng thừa” của Thánh Lễ là ân sủng. Ân sủng thuộc về Thiên Chúa. Nó là sự sống của Thiên Chúa ở trong bạn. Nguồn gốc của ân sủng là Thiên Chúa – một cách đặc biệt nhất, đó là công trạng của Đức Giêsu Kitô trên thập giá – và ân sủng là tuyệt đối cần thiết để đạt được sự sống. Nó nuôi dưỡng bạn suốt cả tuần và mở lòng trí bạn ra để bạn chia sẽ tình yêu thương của Chúa với những người bạn gặp gỡ. Một “miếng thừa” khác nữa là lòng biết ơn. Thánh Lễ là hy lễ tạ ơn. Chúa đã nuôi dưỡng bạn bằng Lời Chúa, và đặc biệt hơn là chính Mình và Máu Thánh của Ngài. Ngài biến bạn trở thành người biết ơn hơn. Chỉ có người biết ơn mới có lòng chia sẻ. Còn người phụ ơn thì lại vơ vét vào thêm. Là người biết ơn bạn được thúc đẩy để chăm sóc những nhu cầu về mặt tinh thần và vật chất của người khác. Mỗi khi bạn đến với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, là linh dược kỳ diệu, là nguồn dự trữ ân sủng, và là sự dồi dào của lòng tạ ơn, bạn được cung ứng đủ sức mạnh để đáp ứng những cơn đói sâu thẳm nhất của nhân loại và của chính bạn. Vì vậy, sau mỗi Thánh lễ bạn được sai đi bình an, tôn vinh Chúa bằng chính cuộc sống của bạn.

LẮNG NGHE: Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. (1 Cr 10:31)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, “này con đây, hãy sai con đi”, xin giúp con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng cả con tim để con trở thành khí cụ của ân sủng và bình an trong công việc xây dựng Nước Chúa trong môi trường sống hằng ngày của con.

THỰC HÀNH: Tham dự Thánh Lễ một cách chu đáo và nghiêm trang hơn.

From: Do Dzung

************************

Nguồn Suối Yêu Thương (Sáng tác: Sr. Clara Chu Linh . OP) – Kiều Bích Hiền 

Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong đền thánh-Cha Vương

Mến chào “BÌNH AN!” Chân phước George Matulaitis nói: “Mỗi Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng (trong Kinh Mân Côi) giống như lương thực từ trời, củng cổ sức mạnh của chúng ta.” Vậy mỗi ngày thứ Bẩy trong tuần mời Bạn dành thời gian để suy niệm những mầu nhiệm tiềm ẩn trong Kinh Mân Côi để noi gương Mẹ Ma-ri-a sống vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Hãy nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thư 7: 27/7/2024

NĂM SỰ VUI: Thứ năm thì ngắm—Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong đền thánh. Dù là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và đầy ân sủng, nhưng Mẹ Maria vẫn là một con người hữu hạn. Nghĩa là, Mẹ không phải là Đấng Toàn Năng. Mẹ không thể biết được mọi sự, làm được mọi thứ, hay siêu vượt hẳn không gian và thời gian. Nhưng Mẹ khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của mình. Đồng thời, thay vì tự ti, mặc cảm, và đóng kín, Mẹ sống tâm tình tạ ơn và mở lòng cho quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi Mẹ. Mẹ cộng tác với ơn thánh (thời gian, sức lực, khả năng riêng, đức hạnh . . .) để công trình của Thiên Chúa được thành tựu. Hôm nay qua việc suy niệm 10 Kinh Kính Mừng này, Bạn hãy mở lòng để cho quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi mình và xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn. (Nêu ra ý chỉ cầu xin…)

+ Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

  1. Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi. (Luca 2:41-42) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  2. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.(Luca 2:43) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  3. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.(Luca 2:44-45) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  4. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. (Luca 2:46) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  5. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. (Luca 2:47) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  6. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Luca 2:48) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  7. Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? ” (Luca 2:49) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  8. Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. (Luca 2:50) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  9. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Luca 2:51)Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  10. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.  (Luca 2:52) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…

+ Kinh Sáng Danh: Sáng danh Đức Chúa Cha…

+ Câu Than Fatima: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…

+ Kinh Lạy Nữ Vương: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…

+Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay…

From: Do Dzung

********************

Vâng Theo Ý Cha – Angelo Band 

Nhờ thập giá… Người đã tiêu diệt sự thù ghét. (Ep 2:16)- Cha Vương

Chúc bạn ngày Chúa Nhật tràn đầy hơi ấm và sức mạnh của Chúa Thánh Thần nhé.

Cha Vương

CN: 21/7/2024

TIN MỪNG: Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. (Ep 2:16)

SUY NIỆM: Nhìn vào những biến động của thế giới ngày nay, phải chăng ma quỷ đang tìm đủ mọi cách để phá huỷ giấc mơ của Thiên Chúa Thiên Chúa đó là sự hiệp nhất, hòa hợp, hòa bình, và hoà giải? Đứng trước một thế giới với đầy những xung đột và căng thẳng, một cộng đồng đủ loại thứ anh chị vung tay chém gió, một gia đình đầy những mâu thuẫn bất hoà, thì sự hoà giải là một nhu cầu cấp bách cần được thực hiện. Vậy để duy trì được giấc mơ của Thiên Chúa bạn phải là gì? Như Thánh Phaolô nhắc nhở bạn hôm nay hoà giải chỉ thực sự thành tựu khi Thiên Chúa trở nên mọi sự ở trong mọi người và mọi loài. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tiêu diệt sự thù ghét. Ngoài Chúa ra thì mọi nỗ lực hoà giải sẽ trở nên bế tắc và gặp rất nhiều khó khăn vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5b) Nếu hai người cứ nhìn về hai hướng khác nhau thì làm sao họ có thể đi tới một đích được. Ngược lại nếu hai người tự nhận ra những đau khổ họ đã gây ra cho nhau, đồng thời họ ý thức cũng như chấp nhận lỗi sai của mình, thành tâm hoán cải, thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ, cách cảm nghiệm thì sự hoà giải mới có thể đạt được. Khi bạn làm mọi việc vì nhân danh Chúa, cái tôi của bạn sẽ nhỏ đi cái tình sẽ lớn lên. Thù hận không thắng được hận thù, chỉ có tình yêu trong Chúa mới sưởi ấm được cái lạnh của con tim oán thù thôi.

LẮNG NGHE: Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau. (1 Cr 1:10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, lòng nhân hậu và tình thương CHÚA / ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, / và tôi được ở đền Người / những ngày tháng, những năm dài triền miên. (Tv 23:6) Xin giúp con biết tha thứ để được thứ tha hôm nay.

THỰC HÀNH: Điều gì đang làm bạn mất bình an trong tâm hồn? Tâm sự với Chúa hôm nay để được bình an nhé.

From: Do Dzung

******

Hãy Tha Thứ, Nhạc sĩ Quốc Thái, ca sĩ Hiền Thục

Tại sao ta phải tập luyện tư cách?-Cha Vương

Thứ 6 rồi bạn ơi! Chúc bạn và gia đình một weekend  như ý. Đừng quên thốt lên “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa” để kết hiệp với Chúa trong ngày nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 19/7/2024

GIÁO LÝ:  Tại sao ta phải tập luyện tư cách? Ta phải cố gắng tập luyện để làm việc lành một cách dễ dàng, tự do và vui vẻ. Trước tiên, phải có một đức tin vững chắc nơi Chúa, Đấng sẽ giúp ta, nhưng cũng phải thực hành các nhân đức, nghĩa là, phải xin ơn Chúa, phát triển nơi ta, khả năng vận dụng lý trí và lòng muốn ngày càng liên tục kiên quyết hướng tới các việc lành, không để ta buông mình theo các đam mê hỗn loạn. (YouCat, số 300)

SUY NIỆM: Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. “Mục đích của một đời sống nhân đức là trở nên giống Thiên Chúa” (thánh Grêgôriô thành Nyssa).

❦  Các nhân đức chính là: khôn ngoan, công bằng, can đảm, tiết độ. Người ta cũng gọi là các nhân đức căn bản.

❦  Đừng sợ rằng đời bạn chấm dứt nay mai. Đúng hơn phải sợ mình quên bắt đầu lại cho đúng đắn hơn—Hồng y Newman. (YouCat, số  300 t.t.)

Bạn đang cần nhân đức nào nhất trong lúc này?

LẮNG NGHE: Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em. (Pl 4:8-9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban nhân đức cho con để con biết gìn giữ và theo đuổi những gì là chân thiện mỹ.

THỰC HÀNH: Cố gắng rèn luyện một nhân đức mà bạn đang cần nhất nhé.

From: Do Dzung

***************

Chúa biết con yêu mến Ngài – Nguyễn Hồng Ân (Sáng tác: Sr. Hiền Hoà) 

Thánh CAMILLÔ LELLIS, (1550-1614) Linh mục.

Chúc bình an! Hôm nay 18/7 Giáo Hội mừng kính Thánh CAMILLÔ LELLIS, (1550-1614) Linh mục. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 18/7/2024

Thánh Camillô Lêllis sinh tại thành Napôli, nước Ý, vào năm 1550. Cuộc sống thơ ấu của Camillô không mấy tốt đẹp. Tuổi thanh niên Camillô gia nhập quân đội và mắc phải thói cờ bạc. Nết xấu này làm cho Camillô lúc 24 tuổi phải nghèo xơ xác. Vì muốn thay đổi cuộc đời, Camillô đã xin vào tu trong dòng Capuxinô ở thành Napôli.

Thế nhưng Camillô không thể tuyên khấn ở trong dòng được bởi vì một cái chân của ngài bị trọng thương trong trận chiến hồi ngài đi lính nhưng tới nay vẫn không thể chữa trị được. Rất may, như người đời thường nói: trong cái rủi lại có cái may, Vì không được tuyên khấn, Camillô bắt đầu chuyển sang việc đi chăm sóc các người đau ốm trong thành phố Rôma; và rồi ngài đã trở thành giám đốc bệnh viện thánh Giacôbê.

Vị hướng dẫn tinh thần của Camillô, thánh Philipphê Nêri (lễ kính ngày 26 tháng Năm), là một linh mục rất thánh thiện ở Rôma hồi đó. Cha Philipphê đã giúp Camillô học làm linh mục. Sau đó, Camillô được thụ phong. Cha Camillô quyết định thành lập một nhóm đạo đức tình nguyện chăm sóc những người đau ốm. Cùng với hai người phụ tá, Camillô đã thiết lập một hội dòng chuyên lo cho những người đau bệnh, gọi là dòng Camillô.

Các tu sĩ Camillô phục vụ trong các bệnh xá ở Rôma và Napôli cũng như giúp các nạn nhân mắc bệnh dịch tả trên các boong tàu ở hải cảng Rôma. Camillô cùng các anh em linh mục và tu sĩ dòng của ngài cũng đến với những người nghèo, những người bệnh không ai chăm sóc. Các ngài đã liều mạng sống mình để đem an vui và hy vọng đến cho những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Với thời gian, hội dòng phát triển mạnh và có thêm nhiều thành viên mới. Thánh Camillô Lêllis cũng gởi người tới giúp các binh lính bị thương tại Hungary và Croatia. Đây là đơn vị y khoa đầu tiên có mặt trên chiến trường.

Mùa hạ năm 1614, thánh nhân ngã bệnh nặng, uống thuốc gì cũng không thuyên giảm. Đêm ngày 14 tháng 7, ngài xin lỗi các thầy dòng đang đứng vây quanh giường, giang hai tay theo hình thánh giá, kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Đức Mẹ, rồi tắt thở êm ái, hưởng thọ 65 tuổi.

Năm 1746, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV đã tôn phong thánh nhân lên bậc hiển thánh. Giáo hội mừng lễ kính thánh nhân ngày 14.7.

Ngày 22/06/1886, Đức Thánh Cha Lêô VIII công bố hai Thánh Camillo De Lellis và Thánh Gioan Thiên Chúa làm “Bổn mạng của các bệnh nhân và bệnh viện trên toàn thế giới”.  ĐTC Piô XI suy tôn Ngài và Thánh Gioan Thiên Chúa làm “Đấng bảo trợ nhân viên y tế” vào ngày 28/08/1930.

(Nguồn: mạng tgpsaigon) 

From: Do Dzung

*************

Trái Tim Yêu Thương (Sáng tác: Sr. Clara Chu Linh .OP) – Diệu Hiền 

Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh

Nguyện xin tình yêu và ân sủng của Ðức Giêsu Kitô ở cùng Bạn và gia đình nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 16/07/2024

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, mời Bạn tìm hiểu sơ qua về nguồn gốc của Bộ Áo Đức Bà. Vào ngày 16 tháng 07 năm 1251, tại Tây Ban Nha, Thánh Simon Stock là vị Thánh đã sáng lập ra Dòng Carmelô, để đáp lại sự sốt sắng cầu nguyện của Thánh nhân, Đức Mẹ Maria đã hiện ra cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô và phán rằng: “Bất cứ ai mặc Bộ Áo Đức Bà Carmelô này khi chết sẽ không bị sa hỏa ngục. Bộ Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ sẽ là một dấu chỉ phần rỗi linh hồn, một sự bảo vệ trong lúc nguy hiểm và một lời hứa bình an”.

Đức mẹ cũng nói thêm rằng: “hãy mặc Áo Đức Bà Carmelô một cách sùng kính và kiên trì. Đó là Áo của Mẹ. Mặc Áo Mẹ có nghĩa là các con liên tiếp nghĩ đến Mẹ, ngược lại Mẹ sẽ luôn luôn nghĩ về các con và giúp đỡ các con chiếm được sự sống đời đời.”

Lời hứa vĩ đại này đồng thời lại được xác nhận khi Đức Mẹ Nữ Vương Thiên Đàng đã hiện ra với Đức Cha Jean Dreze (sau này là Đức Giáo Hoàng XXII) và nói với Ngài rằng: “Những ai mặc áo Đức Bà Carmelô sẽ được đưa ra khỏi Luyện ngục vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng sau khi chết.” Và rồi sau này chính Đức Giáo Hoàng Benedict XV cũng đã ban bố 500 ngày ân xá cho người nào mặc mỗi lần hôn kính Áo Đức Bà Carmelô.”

Và 666 năm sau tại Fatima, vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, khi Đức Mẹ Maria hiện ra với 3 trẻ chăn cừu Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Ngoài việc Đức Mẹ nhắn nhủ 3 trẻ “siêng năng lần chuỗi Kinh Mân Côi, cải thiện đời sống và tôn sùng Trái-Tim Vô-Nhiễm Nguyên-tội Mẹ…”. Đức Mẹ Maria lại còn cầm trong tay Bộ Áo Đức Bà Carmelô mà sau này Lucia có nói lại rằng: “Mẹ muốn tất cả mọi người mặc Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ và Mẹ muốn lòng sùng kính Áo Đức Bà Carmelô của Mẹ được truyền bá.” Để chúng ta được hưởng đặc ân Đức Mẹ hứa ban sẽ giải thoát linh hồn chúng ta ra khỏi Luyện ngục vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng – ngày được dâng hiến cho Đức Mẹ, thì chúng ta: (1) Phải mặc Áo Đức Bà Carmelô; (2) Tuân giữ trong sạch theo điều kiện đời sống của mình; và (3) Lần chuỗi Kinh Mân Côi mỗi ngày. (Trích từ mạng Tin Mừng)

KINH ÁO ĐỨC BÀ:

Lạy Đức Bà Maria là Quan Thầy họ Áo Đức Bà, chúng con dốc lòng vào họ Áo Đức Bà, và mặc Áo Đức Bà mọi ngày cho đến trọn đời.  Khi chúng con gặp chước ma qủy cám dỗ, hiểm nghèo, phần hồn, phần xác, thì chúng con cậy Áo Đức Bà phù hộ, thêm sức và cứu chữa chúng con cho khỏi, và đến giờ chết, khi Đức Bà thấy Áo ấy ở nơi mình chúng con, thì xin Đức Bà nhận lấy chúng con là con Đức Bà, và đưa chúng con về Thiên Đàng chầu Chúa Ba Ngôi và Đức Bà cho đến muôn đời chẳng cùng.  Amen.

From: Do Dzung

Núi Thánh Cát Minh – LM Xuân Đường  

Thánh Bonaventura (1221-1274), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh-Cha Vương 

Mến chào bình an đến Bạn và gia đình nhé. Hôm nay 15/7, Giáo hội mừng kính Thánh Bonaventura (1221-1274), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Mừng Bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương 

Thứ 2: 15/7/2024

Thánh Bonaventura sinh tại Bagnorea miền Toscane năm 1221. Ngài trải qua thời niên thiếu tại dòng thánh Phanxicô Khó Khăn thành Assise (1243). Dưới sự hướng dẫn của Alexandre de Hales, ngài theo học văn chương và cũng thâu lượm nhiều kiến thức khoa học. Bảy năm sau, ngài cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Commentaire sur les 4 livres des sentences” và nhiều sách có giá trị khác.

Ngài có lòng dịu hiền tột bậc, lòng khiêm nhường sâu xa và lòng mộ mến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Năm 35 tuổi, ngài được bầu làm Bề Trên của dòng Phanxicô (1257). Với trọng trách nặng nề này, ngài được mọi người biết đến, không những vì học thuyết và sự thánh thiện nhưng còn vì sự thông minh và khôn khéo của ngài nữa. Chính vì vậy, năm 1273, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô X đặt ngài làm Hồng Y coi địa phận Albanô. Ngài đã viết nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị và sau cùng ngài chết tại Lyon (1274), hưởng thọ 53 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Sixtô IV nâng ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1482 và Ðức Giáo Hoàng Sixtô V đặt ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1588, vì ngài là cột trụ chống đỡ Giáo Hội, lưu tâm đến vấn đề hiệp nhất Hy Lạp và La Mã, đồng thời duy trì và củng cố dòng Phanxicô được lớn mạnh, vững vàng. (Nguồn: Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt, Vietnamese Missionaries in Asia)

Sau đây là những câu nói của Thánh Bonaventura:

(1) Vinh quang và danh dự chỉ dâng lên Thiên Chúa.

(2) Tất cả của Mẹ là của con và tất cả của con là của Mẹ.

(3) Hỡi linh hồn các tính hữu, anh chị em muốn chứng tỏ tình yêu thật đối với người đã qua đời không? Anh chị em muốn gửi cho họ món quà trợ giúp quý nhất và chìa khoá mở cửa Thiên đàng không? Hãy năng rước lễ cho các linh hồn được an nghỉ.

(4) Nếu ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng thì Mẹ sẽ đáp lại ta bằng muôn ơn phúc.

(5) Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới khác tốt đẹp hơn, nhưng không thể tạo dựng một người mẹ khác hoàn hảo hơn Mẹ Thiên Chúa được.

(6) Hạnh phúc cho những ai hiến dâng tâm hồn mình cho Mẹ! Hạnh phúc cho những ai thiết tình phụng sự Mẹ!

(7) Ôi tình thương lạ lùng của Chúa! Muốn một ngày kia khỏi phải tuyên án tống giam chúng con vào ngục tuyệt vọng đời đời, Chúa đã ban Mẹ là Mẹ Chúa, là Chủ tối cao kho tàng ân sủng, làm Trạng sư bầu chữa chúng con.

Câu nào đánh động Bạn nhất? Đối với mình thì câu số 3 và 4.

From: Do Dzung

***************

Chúa Yêu Con Nhiều

Sáng tác: Tiến Nguyễn

Hòa âm & phối khí: Lê Tú

Ca sĩ: Tina Ngọc Nữ