Việc “Đạo đức bình dân” quan trọng thế nào?-Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy nhiệt huyết để phục vụ Chúa và tha nhân nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 15/04/2024

GIÁO LÝ:  Việc “Đạo đức bình dân” quan trọng thế nào? Lòng đạo đức bình dân được biểu lộ qua sự tôn kính các thánh tích, rước kiệu, đi hành hương và các loại tôn sùng khác, đó là những việc giúp ta nhận ra tầm quan trọng của việc đức tin phải hội nhập vào văn hóa. Đó là việc tốt, bao lâu còn tùy thuộc vào Hội thánh, và đưa dẫn tới Chúa Kitô, chứ không nhằm để “vào” Thiên đàng nhờ các việc đó, mà không cần nhờ tin vào ơn Chúa. (YouCat, số 274)

SUY NIỆM: Đạo đức bình dân là một trong những sức mạnh của

chúng ta, vì nó diễn tả những lời cầu nguyện ăn sâu vào tận thâm tâm con người. Ngay cả những người đã xa Hội thánh, hoặc không có cảm thức nhiều lắm về đức tin, cũng có thể xúc động vì những hình thức cầu nguyện đó. Chỉ cần “làm cho sáng tỏ” các cử chỉ đó và “thanh tẩy” cái truyền thống đó, để tất cả được hội nhập trong đời sống Hội thánh. (Đức Bênêđictô XVI, 22-2-2007, YouCat, số  274 t.t.)

LẮNG NGHE: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, xin giúp con luôn làm cho danh Chúa được sáng tỏ qua những việc đạo đức bình dân mà con thực hiện trong ngày, và xin đừng để con làm một cách máy móc qua loa hình thức nhưng với một con tim yêu mến và tin tưởng vào Chúa.

THỰC HÀNH: Đọc kinh hàng ngày với một tấm lòng chân thành đầy niềm xác tín nhé.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=R5mUmESSOiI

Niềm Xác Tin Của Con – Nguyễn Hồng Ân

 

“Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6:19)-Cha Vương

Ngày Chúa Nhật tràn đầy bình an và sức mạnh của Chúa nhé.

Cha Vương

 CN: 04/14/2024

TIN MỪNG: Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:39)

 SUY NIỆM: Ông F. Roosevelt nói: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ là chính nỗi sợ” (F. Roosevelt). Trong cuộc đời ai cũng có những nỗi sợ. Nỗi sợ đến với bạn qua nhiều hình thức thí dụ như tai ương hoạn nạn, chiến tranh, bệnh tật, áp bức, khó khăn thử thách của cuộc đời, nó làm bạn hoảng hốt, sợ hãi. Có lẽ các môn đệ của Chúa cũng đã trải những nỗi sợ vì họ không biết phải làm gì và đi đâu khi Người Thầy của họ đã không còn ở với họ nữa. Họ bị lạc lõng và  hụt hẫng! Do đó Chúa hiện ra giữa họ trong khi họ đang lắng nghe hai môn đệ kể lại những gì đã xảy ra trên đường đi. Chúa hiện ra và ban cho các ông sự bình an và ơn can đảm. Sự bình an và lòng can đảm là 2 đặc điểm nổi bật của một người tin vào Chúa. Nó là món quà của Chúa Thánh Thần giúp bạn đối diện với những thử thách của thế giới chung quanh. Sự xuất hiện của Chúa không chỉ làm xoa dịu nỗi sợ hãi của các môn đệ nhưng với 3 mục đích:

1) chứng minh cho sự phục sinh của Ngài, hãy “nhìn chân tay Thầy coi”…,

2) giúp họ hiểu Kinh Thánh như Lời đã ứng nghiệm,

3) chuẩn bị cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng  trước thế giới đầy gian nan và sợ sệt.

Còn bạn thì sao? Nỗi sợ lớn nhất của bạn là gì? Mỗi khi gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể, được rước Chúa vào lòng, bạn cảm thấy thế nào? Bạn có được mạnh mẽ hơn không? Như các môn đệ, khi gặp được Chúa, nỗi sợ của họ dần dần biến mất, thay vào đó là niềm vui, năng lực sung mãn của người tông đồ hăng say giữa đời. Và như ông Phê-rô đã từng chối Chúa nay trở thành một người tông đồ nhiệt thành sống chết cho Tin Mừng. Đối với Chúa mọi sự đều có thể vậy bạn hãy đến với Chúa thường xuyên hơn đi nhé.

 LẮNG NGHE:  “Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6:19)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, nỗi sợ lấy đi tất cả khả năng trí óc và năng lượng thể lý của con. Xin giúp con luôn tin tưởng, cậy trông vào sự hiện diện quyền thế của Chúa bên con.

THỰC HÀNH: Trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu ở đó với trái tim nhân loại của Ngài. Mời bạn hãy thành tâm rước Chúa vào lòng với hết lòng tin tưởng vào sự hiện diện của Ngài.

From: Do Dzung

Tin Vào Tình Chúa – Nguyễn Hồng Ân

Hội thánh vẫn còn trừ quỉ sao?-Cha Vương

Thứ 6 rồi bạn ơi, chúc bạn và gia quyến một cuối tuần zui tươi, khoẻ mạnh và hạnh phúc trong quyền năng và sức mạnh của Chúa Phục Sinh. Hôm nay mời bạn tiếp tục suy niệm và học hỏi những bài giáo lý căn bản trong  sách Giáo Lý YouCat.

Đừng ngần ngại gởi đi những bài suy niệm này cho bạn bè và những người thân để cùng nhau tìm hiểu, cầu nguyện, và sống đức tin Công Giáo nhé. Xin đa tạ!

Cha Vương

Thứ 6: 12/4/2024

GIÁO LÝ: Hội thánh vẫn còn trừ quỉ sao? Mỗi lần Rửa tội, có nghi lễ gọi là “trừ quỉ đơn giản” đó là lời cầu nguyện xin cho người sắp được Rửa tội thoát khỏi quỉ dữ và được mạnh sức chống lại “tên thủ lãnh và quyền lực của nó” đã bị Chúa Giêsu đánh bại. Còn nghi lễ trừ quỉ trọng thể là lời cầu nguyện mà Hội thánh dựa vào uy quyền của Chúa Kitô xin cho các Kitô hữu đã được Rửa tội thoát khỏi ảnh hưởng và quyền lực tà thần. Hội thánh ít khi dùng lời nguyện này, và chỉ sau khi kiểm tra rất nghiêm ngặt mới dùng. (YouCat, số 273)

SUY NIỆM: Những việc trừ quỷ mà ta thấy trong phim ảnh của Hollywood không có liên quan gì với những trừ quỷ mà Chúa Giêsu và Hội thánh thực hiện. Chúa có quyền trên các sức mạnh của sự dữ, và Người có thể giải thoát những người bị quỷ ám. Người ban cho các Tông đồ quyền trục xuất các thần dữ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (Mt 10,1). Hội thánh không làm gì khác cả ngoài việc linh mục có thẩm quyền trừ quỷ, đọc lời cầu nguyện trừ quỷ trên người đến xin ngài trừ. Cần phải kiểm tra trước để loại bỏ trường hợp mắc bệnh tâm thần (Việc này phải nhờ đến thầy thuốc tâm thần). Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. (1 Pr 5,8-9) Trừ quỷ: Đây là kinh cầu nguyện để nhờ đó một người được che chở khỏi quỷ dữ hoặc thoát khỏi sự giam hãm của quỷ dữ. (YouCat, số  273 t.t.)

LẮNG NGHE: Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. (Mc 1:34)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, ma quỷ đang tìm đủ mọi cách để dụ dỗ con làm điều ác, xin giúp con luôn vững tâm vào quyền năng của Chúa, không ngừng chiến đấu chống lại cám dỗ của tội lỗi hay những cuộc tấn công thiêng liêng đang làm hại đến linh hồn.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Lạy Cha. Khi đọc đến câu “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.” Mời bạn hãy dừng lại đôi phút để nêu ra những cám dỗ và sự dữ mà bạn đang chiến đấu, và xin Chúa tăng thêm sức mạnh cho bạn.

From: Do Dzung

Đừng Bỏ Con Chúa Ơi! (Sáng tác: Lm. Nguyễn Văn Tuyên) – Lm. Quang Lâm  

Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15:5)-Cha Vương

Ước mong tâm hồn bạn được tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 5: 11/04/2023

TIN MỪNG: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15:5)

 SUY NIỆM: Trong đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan 15:1-17 về hình ảnh cây nho thật có lập đi lập lại hai chữ “Ở LẠI” tới 11 lần. Đây là điều gây sự chú ý đến cho người đọc và nghe. Vậy Chúa muốn nói với bạn điều gì khi Ngài lập đi lập lại 2 chữ “Ở LẠI”? Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. (1 Ga 4:16)

Đời sống Kitô hữu chính là ở lại trong Chúa Giêsu. “Các con hãy ở lại trong Thầy”. Đừng tách rời khỏi Thầy… Chúa dùng hình ảnh cây nho là để nói nên sự sống còn của sự gắn bó này: Thầy là cây nho các con là ngành.. Ngành nào tách rời khỏi thân cây nho thì rốt cuộc sẽ chết, không sinh hoa trái. Một trong những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa là sự phổ quát, bao trùm, không loại trừ ai (inclusive). Loại tình yêu này trổi vượt trên hết các loại tình yêu khác tức là đón nhận những khác biệt của nhau như màu da, cao thấp, hình dạng, tính cách, sở thích, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo… Nếu bạn tập yêu như Chúa yêu thì những cuộc gặp gỡ và sự liên hệ của bạn sẽ không bị lệ thuộc hoặc bị giới hạn bởi những khác biệt và chia rẽ. Bạn cảm thấy trong tâm hồn sẽ nảy sinh ra sự thương cảm, phong phú, gần gũi… ngay cả giữa những bất đồng và dè dặt. Đây là hoa quả của tình yêu trong Chúa đó. Uớc mong bạn hãy tìm gặp Chúa và ở lại trong Ngài mãi mãi, đừng có “gặp nhưng không ở lại…” nhé.

LẮNG NGHE: Đây là giới răn của Thầy:”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. (Ga 15:12).

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa là Đấng yêu thương, là nguồn mạch sự sống, xin cho con luôn biết ở lại trong Chúa để trở nên chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa trong môi trường con đang sống hôm nay.

THỰC HÀNH: Dù họ có là ai đi nữa, họ vẫn là con của Chúa mà. Mời bạn hãy xin ơn Chúa để tập vượt qua những bất đồng và dè dặt về màu da, tính cách, tôn giáo…

From: Do Dzung

Sáng Tác: Linh Mục Nguyễn Hùng Cường Ca sĩ: Hiền Thục

Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. (Rm 14: 8-9)-Cha Vương

Nguyện xin Chúa Phục Sinh sưởi ấm tâm hồn bạn hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 3 Bát Nhật Phục Sinh: 09/04/2023

GIÁO LÝ:  Bạn có thể là Kitô hữu mà không tin Chúa Giêsu đã sống lại không?  Không. Thánh Phaolô viết: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời chúng tôi rao giảng sẽ vô ích, và đức tin của bạn cũng vô ích” (1Cr 15,14). Vậy, Làm thế nào mà các môn đệ Chúa Giêsu đã đi đến chỗ tin Người sống lại? Đầu tiên, các ông mất hết hi vọng, nhưng dần dần, các ông đã đi đến chỗ tin Chúa sống lại, vì sau khi Người chết, họ đã thấy Người trong nhiều dịp khác nhau, các ông đã nói chuyện với Người, đã có kinh nghiệm rõ ràng là Người đang sống. (YouCat, số 104 & 105)

SUY NIỆM: Những biến cố Phục Sinh diễn ra ở Giêrusalem khoảng năm 30 không phải là chuyện bày đặt ra. Bị sốc vì cái chết của Chúa và vì sự nghiệp chung thất bại, các môn đệ đã trốn mất. Chúng tôi hy vọng rằng Người là Đấng sẽ giải thoát Israel (Lc 24,21). Hoặc các ông ẩn núp sau những cửa đóng kín. Chỉ nhờ được gặp gỡ Chúa Kitô sống lại họ mới được giải thoát khỏi bị ức chế và được đầy niềm tin phấn khởi vào Chúa Giêsu, Chúa của sự sống và sự chết. (YouCat, số  105 t.t.)

❦   Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người. (Đức Bênêđictô XVI, 19-10-2006)

❦  Ai hiểu biết lễ Vượt Qua thì không thể thất vọng nữa. (Dietrich Bonhoeffer, 1906–1945, thần học gia Tin lành và chống Hitler bị xử tử trong trại tập trung Flossenbürg)

LẮNG NGHE: Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. (Rm 14: 8-9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô phục sinh, Chúa là Đường  để con bước đi, là Sự Thật để con tín thác, là Sự Sống để con được sống muôn đời. Xin đừng để con xa lìa Chúa bao giờ.

THỰC HÀNH: “Đấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và bí tính Thánh thể.” Trong Mùa Phục Sinh này mời bạn hãy tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng hơn.

From : Do Dzung

Ngọn Nến Phục Sinh (Imprimatur) | Sáng tác: Sr. Têrêxa | Phương Thảo 

Lễ Truyền Tin – Cha Vương

Hôm nay Lễ Truyền Tin, mừng bổn mạng đến những ai lấy Lễ Truyền Tin làm bổn mạng. XIN THÔNG BÁO: Bắt đầu từ ngày mai sẽ không có bài vì mình đi vắng ít ngày. Xin suy niệm lại bài cũ và cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 08/04/2024

TIN MỪNG: Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38)

SUY NIỆM: Một trong những thử thách khó khăn nhất trong cuộc sống là từ bỏ ý mình để làm theo ý muốn của người khác. Nó đi ngược với bản tính tự nhiên của con người. Không những nó không có ích gì cho cá nhân mà nó cũng chẳng hay ho gì trong xã hội cả bởi vì thế gian luôn đề cao về quyền tự do và quyền tự quyết của con người. Do đó người đời mới có câu: “Sống có một lần, vì vậy, hãy làm những gì bạn muốn khi bạn có thể!” Là những người theo Chúa, bạn phải bơi ngược dòng, “đức vâng lời trọng hơn của lễ”. Đức vâng lời rất cần thiết cho tất cả mọi người, không ngoại trừ bất kỳ ai, cho dù người đó là bề trên hay người dưới, giáo sĩ hay giáo dân, người ra lệnh hay kẻ thừa hành.

Thánh Grêgoriô nói: “Đức vâng phục là nhân đức duy nhất làm phát sinh và bảo tồn mọi nhân đức khác trong linh hồn.” Chừng nào đức vâng phục triển nở, các nhân đức khác cũng sẽ phát triển theo, và sẽ sinh hoa trái. Chỉ “có một điều ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.” (Mi 6:8) Nếu bạn muốn làm hài lòng Chúa thì hãy noi gương theo Đức Mẹ và các thánh sẵn sàng xin vâng trong mọi điều Chúa dạy cũng như chấp nhận mọi thử thách mà Chúa gởi đến với tâm tình mến yêu. Một khi bạn làm được như vậy rồi thì phép lạ của Chúa cũng chỉ ở trong tầm tay của bạn mà thôi “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:37) Ước mong bạn hãy mở lòng để cho con tim mình được hoán cải, biết vâng lời để sám hối và trở về với Chúa nhé.

LẮNG NGHE: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. (Mt 7:21)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin tăng lòng tin cậy mến nơi con để trong cuộc lữ hành dương thế, mọi nơi mọi lúc con luôn biết phó thác tin cậy và kính mến Chúa trọn cả cuộc đời mình và luôn biết sẵn sàng vâng theo thánh ý của Ngài trong mọi hoàn cảnh. Amen

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm 3 kinh—Tin, Cậy, Mến

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=T4gEiaLgoVY

Xin vâng lyric – Mi Trầm – Tam ca Áo trắng  

Lễ lòng Chúa Thương Xót-Cha Vương 

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ lòng Chúa Thương Xót, chúc bạn và gia quyến một ngày tràn đầy tình yêu và ân sủng của lòng Chúa Thương Xót nhé.

Cha Vương 

CN: 07/04/2024

TIN MỪNG: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:22-23)

SUY NIỆM: Dù bạn có là người như thế nào đi chăng nữa, dù bạn có phạm tội tày trời, lòng thương xót của Chúa đối với bạn bao la vô ngần. Chúa không bao giờ bỏ rơi bạn! Ngài luôn nghĩ đến bạn cho dù trong trái tim bạn không hề nghĩ đến Chúa. Chúa vẫn yêu thương bạn cho dù bao lần bạn đã xúc phạm đến Chúa. Thánh Phaolô nói: “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm  5:20b) Chúa sẵn sàng ra đi tìm kiếm bạn cho dù bạn luôn tìm cách trốn chạy, muốn xa lìa Chúa. “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8) Đối với lòng thương xót của Chúa bạn chỉ là một giọt nước trong biển cả. Vậy bạn hãy chỗi dậy mỗi khi sa ngã, chạy đến Ngài với niềm xác tín vào lòng thương xót vô bờ bến của Chúa là Đấng  luôn chờ đợi bạn trở về với Ngài.

LẮNG NGHE: Hãy tạ ơn CHÚA vì CHÚA nhân từ, muôn ngàn đời CHÚA vẫn trọn tình thương. (Tv 118:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa giàu lòng xót thương, xin ban cho con trái tim nhân ái của Chúa, để con cũng biết yêu thương tha thứ cho những anh em lầm lỡ và giúp đỡ họ trở về với Chúa.

THỰC HÀNH: Chúa Giê-su là khuôn mẫu của lòng thương xót. Đây là 3 cách để thực thi lòng thương xót:

1) xót thương lời nói,

2) xót thương bằng hành động,

3) xót thương bằng lời cầu nguyện.

Mời bạn chọn 1 trong 3 để trở thành dụng cụ lòng xót thương nhé.

From: Do Dzung

Thánh Ca – Tín Thác Lòng Thương Xót Chúa 

Chúa đã sống lại thật rồi và đang ở giữa chúng ta-Cha Vương

Alleluia! Alleluia! Chúa đã sống lại thật rồi và đang ở giữa chúng ta! Một ngày bình yên và hạnh phúc trong Chúa Sống Lại nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 04/04/2024

TIN MỪNG: Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em. (Cv 3:15-16)

SUY NIỆM: Nguồn gốc của tội là sự kiêu căng và bất tuân mệnh lệnh Thiên Chúa. Ngược lại, trong cái chết trên thập giá Chúa Giêsu đã chứng tỏ sự hạ mình tự huỷ và sự tuân phục hoàn toàn trong tình yêu: Chúa Cha yêu thương loài người vô cùng đến nỗi đã sẵn sàng hy sinh và trao ban Con Một của Người để cho loài người được sống (x. 1 Ga 4:9) Chúa Giêsu yêu thương loài người đến cùng (x. Ep 5:2). Nhờ vậy mà cái chết của Chúa Giêsu có sức mạnh chiến thắng tội lỗi (x. Rm 5:19; Pl 2:8). Thánh Gioan đã gọi giờ phút của Chúa Giêsu trên Núi Sọ là giờ chiến thắng, “giờ Con Người được tôn vinh” (x. Ga 7). Để được hưởng ơn cứu độ bạn phải làm gì? Trước hết bạn cần phải mở lòng ra để đón nhận. Vì Thiên Chúa đã mạc khải mầu nhiệm tình thương ấy với mong muốn bạn sẽ được hưởng sự sống đời đời. Khi mở lòng ra đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa đồng nghĩa với việc nhận biết và yêu mến Ngài. Thiên Chúa muốn bạn trở nên người bạn hữu của Ngài. Là con người, với tất cả những ưu điểm, khuyết điểm, và tội lỗi, bạn cần phải có đức tin mạnh mẽ vào sức mạnh của Lòng Chúa Thương Xót để “Ai tin Ngài sẽ không bị luận phạt  và ai không muốn tin Ngài họ đã bị luận phạt rồi,bởi vì họ đã không tin (Ga 3,18).

LẮNG NGHE: Anh em là dân riêng của THIÊN CHÚA, hãy loan truyền những công trình vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.  (1 Pr 2:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, con tin vào Chúa là Đấng đã yêu con và chết vì con. Khi gặp những khó khăn, thử thách trong cuộc đời, xin giúp con luôn nhìn lên thánh giá Chúa mà nghiệm ra rằng: : “Ta đã cứu chuộc con, Ta đã gọi chính tên con: Con là của riêng Ta… Bởi vì con tuyệt vời và quý hóa trước mắt Ta, và bời vì Ta yêu con” (Is 43:1-7).

THỰC HÀNH: Chữ “Alleluia” là một thành ngữ gốc Do thái, ghép bởi hai từ “hallelu” (hãy ngợi khen, động từ hillel) và “jah” (Giavê, Thiên Chúa). Như vậy, alleluia có nghĩa là “hãy ngợi khen Chúa”. Vậy hôm nay bạn hãy tấu lên “Alleluia” trong mọi hoàn cảnh nhé.

From: Do Dzung

Chúa đã sống lại rồi – Hoan ca Phục Sinh

Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người,…(Luca 23:13)- Cha Vương

Hôm nay thứ 4 của Tuần Bát Nhật, ước mong Bạn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mỗi việc làm hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 03/04/2024

TIN MỪNG: Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau,… Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người… Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người,…(Luca 23:13,16,30,31)

SUY NIỆM: Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.

“Tấm vải bẩn thật” – Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”.

Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, những lời bình phẩm ấy cứ thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.

Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”

Người chồng đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

Thực ra mỗi người trong đời, không ít thì nhiều, ai cũng đều giống như cô vợ trẻ trong câu truyện kia, đều nhìn thế giới qua lăng kính riêng của mình. Kính đó sạch hay hoen ố? Các môn đệ trên đường Em-mau cũng vậy mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người, bởi vì lăng kính của họ có nhiều vết hoen ố của những kinh nghiệm thương đau và buồn phiền trong quá khứ. Lòng của họ đầy sự nghi ngờ và cảm xúc không thật. Chúa Giêsu đã lau sạch lăng kính của họ bằng cách gợi lại hành động thật tâm tình và trìu mến mà Ngài đã làm trong bữa tiệc ly, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.” Lập tức mắt họ mở ra và nhìn thấy sự hiện diện của con Thiên Chúa đã sống lại, lòng bừng cháy với niềm tự tin và họ không ngừng loan báo Tin Mừng. Còn Bạn thì sao? Lòng Bạn có bừng cháy không khi Bạn tham dự thánh lễ? Khi lễ xong bạn được sai đi để công bố tin vui, Bạn có thực thi điều đó không?

LẮNG NGHE: Chúa Giêsu nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7:21-23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, vì cuộc khổ nạn của Chúa  xin tẩy sạch tim con những ô uế để con nhìn thấy những gì tốt đẹp nơi anh em con.

THỰC HÀNH: Tự suy và tìm ra giải pháp để lau sạch những vết hoen ố trên lăng kính của mình hôm nay nhé! Hoen ố của sự phán xét bất công, bực tức, giận hờn và bất an khi sự việc không đạt theo ý mình

From: Do Dzung

 Cho Con Thấy Chúa (Sáng tác: Sr. Hiền Hòa) – Uyên Nguyên

Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em (Gioan 20: 17)-Cha Vương

Chúc bạn và gia quyến một ngày thật gần gũi với Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 2/04/2024

TIN MỪNG: Đức Giê-su bảo bà Ma-ri-a Mác-đa-la: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” (Gio-an 20:17)

SUY NIỆM: Qua sự linh ứng của Chúa Thánh Thần bà Ma-ri-a Mác-đa-la NHẬN RA được Chúa Kitô là đấng đã được sống lại từ cõi chết mà lúc đầu bà tưởng là người làm vườn. Chúa Thánh Thần đã tác động trên bà và ban cho bà ơn can đảm để thuật lại tất cả những gì bà đã nghe và thấy. Điều then chốt ở đây là sự NHẬN RA. Bà đã nhận ra ai?  Bà đã NHẬN RA Thiên Chúa là đấng tự tỏ mình cho con người biết Thiên Chúa là ai, Người muốn gì… Nhờ đó, con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và hiệp thông với Người qua việc “yêu mến Chúa và yêu tha nhân” để được cứu độ. Đây là một sự mặc khải trọn vẹn đi đến tột đỉnh qua biến cố Núi Sọ, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Tất cả đều quy về Bạn, vì yêu bạn đó, bạn có nhận ra điều đó không?

LẮNG NGHE: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mátthêu 25:40)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho con trở nên người mới để con sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh trong môi trường sống của con.

THỰC HÀNH: Bạn hãy xin Chúa soi sáng cho bạn NHẬN RA sự hiện diện của Chúa trên khuôn mặt của những người bạn gặp hôm nay nhé!

From: Do Dzung

Hãy Đưa Con Trở Về-Trung Quân 

Từ cõi chết, Đức Ki-tô đã phục sinh – Cha Vương

Mến chào một ngày mới. Đọc tin này bạn đừng buồn và cầu nguyện cho mình nhé, đây là bài suy niệm cuối cùng của mình vì mình mới bị té gẫy tay trong giếng rửa tội cho nên không đánh máy được nữa. Đau quá đi thôi! :((  Xin thông cảm….  April Fool!!! Nói chơi vậy thôi, đùa tí cho zui đó mà. Không có gì xảy ra đâu, 🙂

Hôm nay là ngày 1 tháng 4 hay được gọi là April Fool’s Day, nói một cách dí dỏm là ngày nói đùa (hay nói dối cho vui). Niềm vui trong ngày này là những người vui tính sẽ trao cho nhau những câu nói thú vị, khó tin, nhưng cũng hết sức tinh tế để người khác không nhận ra rằng đây là một câu nói không có thật để rồi cùng bật cười to lên với nhau. Chúc bạn một ngày vui qua những tiếng cười của ngày April Fool nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 01/04/2024

TIN MỪNG: Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay…Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Máthêo 28:8-10)

SUY NIỆM: Bạn đang sống trong thế giới mà công nghệ điện thoại di động và các thiết bị vi tính đang sốt. Nhờ đó mà tin tức mới được gởi đi thật nhanh và được cập nhập hàng giờ. Sau biến cố Phục Sinh,“Các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.” Họ không để sự sợ hãi ngăn cản họ loan báo tin vui của sứ điệp Phục Sinh. Đây là một sự chọn lựa thật táo bạo và can đảm. Sứ điệp của Đức Giêsu trao ban cho các phụ nữ cũng chính là sứ điệp cho bạn hôm nay, đó là: Đừng sợ! Hãy sống và loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Vậy bạn hãy sử dụng những tiện nghi hiện đại đang có trong tay để loan báo tin mừng như các phụ nữ can đảm đó đi. Nếu hàng tỷ người  trên thế giới này, trong đó có bạn, biết sử dụng điện thoại di động của mình để loan báo những tin vui hoặc chỉ làm những điều tốt thì thế giới này đâu có những cảnh tang thương và chết chóc.

LẮNG NGHE: Từ cõi chết, Đức Ki-tô đã phục sinh, không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Alleluia. (Rm 6:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, Chúa đã cho kẻ chết sống lại và đưa nhân loại vào cuộc sống muôn đời, xin ban sự sống muôn đời cho những người thân thương của con đã qua đời do lòng thương xót của Chúa.

THỰC HÀNH: Hôm nay Bạn hãy làm 1 trong những đề nghị sau đây:

(1) Hãy đừng sợ nói/tranh đấu cho sự thật

(2) Bạn có thể dùng phương tiện điện tử có sẵn để gởi đi những bài suy niệm hàng ngày cho bạn bè thân hữu

(3) Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực gây hoang mang sợ hãi

Chúa Giêsu nói với Bạn “đừng sợ!”

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=jjBnLQjLBFI

Hoan Ca Phục Sinh . Bà maria ơi trên đường bà thấy những gì

 

Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Gioan 13: 14-15)-Cha Vương

Chúc Bạn ngày thứ 5 Tuần Thánh thật thánh thiện đẹp tình yêu thương! Mình xin bạn một lời cầu nguyện cho các mục tử của Chúa hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 28/03/2024

TIN MỪNG: Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm

như Thầy đã làm cho anh em. (Gioan 13:14-15)

SUY NIỆM: Con người ngày nay không cần các lý thuyết, nhưng cần các mẫu gương. Mẫu gương mà Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài cúi mình rửa chân cho các môn đệ là: (1)phục vụ, (2) khiêm tốn, và (3) yêu thương.

+ PHỤC VỤ không phải là sự trao đổi mà là phải “chết đi chính mình” để phục vụ mọi người.

+ KHIÊM TỐN là không khoe khoang, mà hạ mình xuống một chút, biết mình “là” thế nào, sống thanh thản và thành thật đúng với cái “gì” là của mình và cái “gì” là của Chúa.

+ YÊU THƯƠNG là tha thứ, “là muốn điều thiện cho một người nào đó” (Tôma A.), tư tưởng, lời nói, hành động đều hướng về điều thiện. “Bạn đam mê tốt khi sự yêu thích tốt và chúng xấu nếu là một sự yêu thích xấu.” (x. SGLGHCG, 1766)

LẮNG NGHE: CHÚA nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13:34)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Đấng con phải hết lòng yêu mến và tin tưởng, nhờ Con Một Chúa chịu khổ hình, chết trên thập giá, và đã phục sinh để cho con được ơn cứu độ, xin đổ xuống muôn vàn ân sủng trên con để con đạt tới phúc quê trời như lòng vẫn ước mong.

THỰC HÀNH: Hãy làm những bài tập sau đây được rút ra từ hành vi rửa chân của Chúa Giê-su:

(1) PHỤC VỤ-Làm một việc tốt không đắn đo do dự (làm pedicure free cho một khách nào đó :).

(2) KHIÊM TỐN-Nhường chỗ cho một người đi sau mình, hoặc nói ít nghe nhiều.

(3) YÊU THƯƠNG-Hãy tha thứ hoặc chú tâm vào những điểm tốt đẹp và tích cực của những người chung quanh. Nói “Không” đến những điều tiêu cực.

From: Do Dzung

Thầy Rửa Chân Cho Con Sao – Nguyễn Hồng Ân