Bí tích Rửa tội có phải là cách duy nhất để được cứu rỗi không?-Cha Vương 

Mỗi ngày Chúa trao cho bạn một tờ giấy trắng. Bạn sẽ là người vẽ lên đó, vì thế hãy vẽ sao cho đẹp lòng Chúa nhé. Chúc bình an! Mời bạn tiếp tục suy niệm những bài Giáo Lý căn bản trong quyển Giáo Lý YouCat.

Cha Vương 

Thứ 3: 4/06/2024

GIÁO LÝ: Bí tích Rửa tội có phải là cách duy nhất để được cứu rỗi không? Đối với những ai đã đón nhận Tin Mừng và đã biết Lời Chúa Giêsu dạy: “Thầy là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6), bí tích Rửa tội là con đường duy nhất cho họ đến cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Nhưng vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người, và mọi người đều được mời gọi để được cứu độ nên dù một người không có cơ hội học biết về Chúa Kitô và đức tin, mà họ tìm Chúa cách chân thành và sống theo lương tâm mình, họ cũng gặp ơn cứu độ. Họ được rửa tội bằng lòng muốn. (YouCat, số 199) Trong Hội thánh Công giáo, có 3 hình thức rửa tội, nó cho chúng ta biết những người chưa được rửa tội có thể đến được cửa thiên đàng như thế nào.

  1.  1. RỬA TỘI BẰNG NƯỚC: Rửa tội bằng nước là hình thức “thông thường” quen thuộc nhất mà chúng ta thấy.
  2.  2. RỬA TỘI DO LÒNG MUỐN: Hình thức rửa tội thứ hai này khó hiểu nhất và cũng là một trong những hình thức giải thích cởi mở nhất. Ví dụ rõ ràng nhất về hình thức rửa tội do lòng muốn, tức là khi một người đang trên tiến trình nhận phép rửa nhưng không thể hoàn thành nó. “Đối với những người dự tòng chết trước khi được rửa tội, nếu họ minh nhiên ước muốn được rửa tội, đồng thời sám hối tội lỗi và sống đức mến, thì họ được bảo đảm ơn cứu độ, dù chưa thể lãnh nhận bí tích” (GLCG 1259)
  3. RỬA TỘI BẰNG MÁU: Sau rửa tội bằng nước, hình thức rửa tội này là rõ ràng nhất. Về cơ bản đó là khi một người chưa được rửa tội nhưng chết vì đức tin Kitô giáo. “Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô” (GLCG 1258).

SUY NIỆM: Thiên Chúa đã liên kết việc cứu rỗi với các bí tích. Vì thế Hội thánh phải không ngừng trao ban cho nhân loại. Từ chối sứ mệnh này là phản bội lệnh truyền của Chúa. Nhưng chính Chúa không bị trói buộc vào các bí tích của Người. Nơi nào Hội thánh chưa đến được, hoặc không làm được – dù do lỗi của Hội thánh hoặc vì các lý do khác – chính Chúa mở ra cho con ngưởi một đường khác để được cứu rỗi. (YouCat, số t.t.)

LẮNG NGHE: Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12:50)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết tầm quan trọng của ơn cứu rỗi để con sống thánh thiện hơn mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Kiểm tra lại lối sống của bạn coi nó có minh chứng cho đức tin của bạn không?

From: Do Dzung

Đường con theo Chúa -tinmung.net 

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)-Cha Vương

Hôm nay Chúa ao ước bạn có một quả tim đơn sơ và trong sạch đó. Bạn có thể làm Chúa hài lòng được không?

Cha Vương

Thứ 4: 29/05/2023

TIN MỪNG: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)

HOA QUẢ THỨ 12: Khiết Tịnh (thanh khiết, đức thanh sạch) là thói quen tiết chế ham muốn tình dục vì lý do chính đáng. (Theo Thánh Thomas Aquino và triết gia Aristotle)

SUY NIỆM: Trong xã hội mà những phim ảnh đồi truỵ đang len lỏi vào từng ngõ nhách của môi trường sống của con người một cách quá dễ dàng thì thật là nguy hiểm quá. Có những người ôm cái iPhone/iPad của mình trong phòng riêng hoặc trong mền đến nỗi mặt mũi họ phờ phạc ra, họ quên ăn quên ngủ. Mình không giám kết án họ đã xem gì hoặc chơi những trò chơi gì nhưng đây là nỗi lo âu rất lớn của các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục. Khi con người đã không kiềm chế được ham muốn dục vọng của mình như—tình dục, chè chén, chơi bời, dâm đãng, bài bạc… thì việc giáo dục về đức khiết tịnh lại càng trở nên cấp bách. Con người sẽ bị mất đi nhân tính và họ quên đi những việc họ đang làm hoàn toàn trái ngược với ý định của Thiên Chúa. Do đó đức kiết tịnh rất cần thiết để giúp con người biết tự chủ hoặc chế ngự các đam mê để được bình an hạnh phúc, nếu không thì họ sẽ trở thành nô lệ của những đam mê và trở nên bất hạnh. Sống khiết tịnh là nhiệm vụ của mỗi người tuỳ theo mỗi ơn gọi. Có ba hình thức sống khiết tịnh: khiết tịnh của bậc hôn nhân, khiết tịnh của người góa bụa và khiết tịnh của kẻ đồng trinh. Giáo Hội không ca tụng lối sống này mà loại bỏ lối sống khác. Hiển nhiên, như hoa quả của Chúa Thánh Thần, khiết tịnh không phải là điều người ta có thể đạt đến nếu không muốn bỏ công cầu nguyện hay nỗ lực. Quả ngọt trên cây thường xuất hiện sau cùng. Vì thế, để là hoa quả  của Thánh thần, đòi hỏi một quá trình vun trồng thật tốt trong ơn nghĩa Chúa. Để bắt đầu sống khiết tịnh trong thế giới với đủ loại cám dỗ, bạn phải có một đời sống nội tâm mạnh mẽ; kết hiệp với Chúa qua việc ăn chay hãm mình, tham dự Thánh Lễ thường xuyên và lãnh nhận các bí tích sẽ là những việc cần thiết cho những ai muốn đạt được nhân đức này.

 LẮNG NGHE: Thánh Phaolô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:12-14).

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là hơi thở của hồn con, xin tạo cho con một quả tim trong sạch, với đôi mắt trong ngần và thanh khiết để con chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa.

THỰC HÀNH: Xoá bỏ những kênh YouTube không lành mạnh.

From: Do Dzung

Quả Tim Trong Sạch-Thánh Vịnh 50  

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5,4)-Cha Vương

Sau ngày lễ nghỉ, uể oải quá đi thôi. Chúc bạn ngày mới tràn đầy nghị lực và hiền lành như con chim bồ câu vậy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 28/05/2024

TIN MỪNG: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5,4)

HOA QUẢ THỨ 8: Hiền Hoà— Hiền hoà (hiền lành) là một nhân đức, không để cho mình bị lôi cuốn bởi cơn giận dữ quá đáng so với nguyên nhân gây ra nó, nghĩa là không để cho mình bị lôi cuốn theo một cảm xúc phi lý. Người hiền lành thì luôn có tâm hồn đơn sơ, sống chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, nhưng sẵn sàng quên mình, biết dấn thân và biết sống vì người khác. Hiền hòa cũng có phần nào liên quan đến nhịn nhục và chịu đựng, đó là biết vui vẻ chấp nhận sự thua thiệt, hiền lành và chịu thua thiệt chứ không là nhu nhược.

SUY NIỆM: Trong cuộc sống tại thế này bạn phải đối diện với đủ loại thử thách: những thất bại, bất trắc, đau khổ,…. có khi phải đối diện với những nghịch cảnh bi đát và nghiệt ngã bất công. Vấn đề là cách bạn ứng xử thế nào trước mỗi khó khăn thử thách như vậy. Lời khuyên của  Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sau đây có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của nhân đức hiền hoà khi ngài viết: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “ Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (ĐHV, số 41. 43). Người hiền lành có thể bị người đời ăn hiếp hoặc luôn chịu phần thiệt thòi nhưng ngược lại họ lại là người mạnh mẽ và dễ mến vì chẳng có ai chống lại người hiền lành cả. Tiền nhân có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Đúng quá! Một giây phút không kiềm hãm được những cảm xúc phi lý của mình không những bạn sẽ làm tổn thương đến những người chung quanh mà còn tự hại mình nữa. Nguy quá!

LẮNG NGHE: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. (Pl 4,4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là Chủ nhân hiền hòa của tâm hồn con, là nguồn dịu dàng tươi mát dường bao, xin cất khỏi tim con những yếu đuối, những cảm xúc nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn, và ban cho con đức đơn sơ, điềm tĩnh, khôn ngoan, hiền dịu và quả cảm để con sống hiền lành thánh thiệt như Chúa hằng mong ước.

THỰC HÀNH: Tập không phản ứng mạnh khi gặp chuyện trái ý, không làm dữ khi ý kiến của bạn bị bác bỏ.

From: Do Dzung

Chúa chiên lành – tinmung.net

Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách- Cha Vương

Chúc bạn ngày nghỉ lễ Memorial Day thật zui zẻ và an lành nhé. Đừng quên cầu nguyện cho những linh hồn của những người đã hy sinh bảo vệ quốc gia Hoa Kỳ và nền tự do mà bạn đang tận hưởng.

Cha Vương

Thứ 2: 27/05/2024

TIN MỪNG: Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. (Gc 1:12)

 HOA QUẢ THỨ 7: Trung Tín— Trung tín là sự hiện hữu đúng với con người và sự việc. Bạn giữ vững lập trường cho dù khó khăn xảy đến. Sự trung tín là niềm tin vững mạnh được thử thách theo thời gian. Bạn dấn bước lên đường và sẽ tiếp tục hành trình ấy dù có khi bạn muốn dừng lại hoặc bị phân tâm.

SUY NIỆM: Bạn có biết không? Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. (Gc 1:17) Đối Chúa không gì thay đổi nhưng lòng người lại hay đổi thay vì Ngài là Chân lý, đồng thời Ngài cũng là Tình Yêu. Vì là Tình yêu, Ngài muốn thông ban chính mình cho bạn ; Ngài yêu thương bạn, vì thế Ngài  không muốn lường gạt ai cả. Lòng trung tín của Thiên Chúa phải trở thành nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Xã hội ngày nay đang đương đầu với căn bệnh “giả dối, dối trá”. Con người tìm đủ mọi thủ đoạn đề tìm lợi tức cho riêng mình.  Căn bệnh này đang được báo động ở vị trí đỏ. Điều này nhắc nhở cho bạn về sự rất cần thiết của lòng trung tín, không những đối với Chúa mà còn đối với tha nhân nữa. Trong đời sống xã hội, lòng trung thành với lời cam kết rất quan trọng: sự bền vững của các mối tương quan đặt nền tảng trên sự trung thành của mỗi phần tử. Điều này đòi hỏi những nghĩa vụ hỗ tương. Mình phải có nghĩa vụ trung thành với điều đã cam kết, và phải cư xử thế nào để người khác có thể tin tưởng vào mình . Đồng thời, bạn cũng hãy tin tưởng nơi người khác, dựa trên lòng thành thực và tốt lành của họ. Thái độ này sẽ nảy sinh ra một sức mạnh nội tâm để giúp bạn đứng vững với lập trường của mình trước những khó khăn và thử thách trong đời.

LẮNG NGHE: Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu: này ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi; các ngươi sẽ phải lâm cảnh gian truân trong vòng mười ngày. Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. (Kh 2:10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết lắng nghe tiếng gọi của lương tâm chân chính để con sống trung thành với Chúa, trung thành với lề luật, trung thành với những quyết định mà con đã lựa chọn trong ơn gọi làm Kitô hữu, xin cho con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy từ bỏ mọi sự, vác thập giá đi theo Chúa”.

THỰC HÀNH: Một người trung tín không bao nói xấu bạn mình sau lưng người khác. Tránh nói xấu hôm nay nhé.

From: Do Dzung

TÌNH CHÚA TRUNG KIÊN – ĐGM. NGUYỄN NĂNG – LM. NGUYỄN HƯNG – CA SỸ TẤN ĐẠT. 

Lễ Chúa Ba Ngôi- Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, ước mong tim bạn được tràn đầy Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi nhé. XIN THÔNG BÁO: Mình sẽ đi vắng đến 19/6 mới về nên không có bài. Nhớ nhau trong lời kinh nguyện nhé.

Cha Vương

 CN: 26/05/2024

TIN MỪNG: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (Mt 28:19)

 SUY NIỆM: Là một Ki-tô hữu Công Giáo, bạn không sao tránh khỏi những lần làm Dấu Thánh Giá một cách qua loa hời hợt. Nếu Dấu Thánh Giá là lời nguyện tắt đẹp nhất và nếu Dấu Thánh Giá được coi là quy luật sống của mỗi người kitô-hữu thì bạn không thể làm một cách hời hợt được. Dấu thánh giá còn nhắc nhở bạn về bí tích Thánh Tẩy của mình, bởi vì bạn đã được rửa tội “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Nói cách khác bạn được Thánh Tẩy bởi Tình Yêu cao cả phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Augustinô nói: “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi, một ngôi yêu, một ngôi được yêu và một ngôi là nguồn mạch của tình yêu.” “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy”(1 Ga 4:16).

– Trong tình yêu giữa vợ chồng với nhau mà không có tình yêu của Thiên Chúa, thì tình yêu ấy sẽ không tìm thấy hạnh phúc.

– Trong tình yêu bạn hữu với nhau mà không có tình yêu của Chúa, thì đó là sự lợi dụng nhau và sẽ đi đến phản bội nhau khi không còn lợi dụng nhau được nữa.

– Trong tình yêu nam nữ, nếu không thấy được tình yêu của Chúa qua người mình yêu, thì đó là tình yêu hoàn toàn để thỏa mãn xác thịt, và những ham muốn khác.

– Khi phục vụ tha nhân mà không có tình yêu Chúa, thì sự phục vụ ấy chỉ là khoe khoang đánh bóng bản thân mình mà thôi, và khi người khác phê bình chỉ trích thì nóng giận và không thèm phục vụ nữa…

Để yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi lần bạn làm Dấu Thánh Giá thì nên khoan thai, cung kính và yêu mến mà làm dấu, vì đó chính là lúc bạn tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Và cứ dấu ấy mà người ta nhận biết bạn và tôi là người Ki-tô hữu, là con của Thiên Chúa đó.

LẮNG NGHE: Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. (Đnl 4:39)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ba Ngôi cực thánh là nguồn mạch của Tình Yêu, nguồn mạch của sự Hiệp Nhất, xin hãy đến và ở lại với con và ban thêm tình yêu, hiệp nhất xuống trên từng người trong gia đình, trong cộng đoàn để gia đình, cộng đoàn luôn đầy ắp niềm vui, luôn đầy ắp tiếng cười.

THỰC HÀNH: Mỗi lần làm dấu Thánh Giá là bạn ý thức và làm cách nghiêm trang để tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như sau:

+ Nhân danh Cha—Con tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên con

+ và Con—con tạ ơn vì Chúa đã cứu chuộc con

+ và Thánh Thần—Lạy Chúa xin thánh hoá đời sống con.

From: Do Dzung

Dấu Thánh

Thiên Chúa giúp ta thành người “tự do” thế nào?-Cha Vương

Thứ 6 rồi bạn ơi, nhiều “party” quá đi, đừng quên chạy đến Mẹ Maria qua Kinh Mân Côi nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 24/05/2024

GIÁO LÝ: Thiên Chúa giúp ta thành người “tự do” thế nào? Chúa Kitô muốn ta “được tự do đích thực” (Gl 5,1) và có thể thực hiện tình bác ái huynh đệ. Vì thế, Người đã sai Chúa Thánh Thần đến làm cho ta tự do, được giải thoát khỏi quyền lực đời này, và thêm sức cho ta sống trong tình yêu và trách nhiệm. (YouCat, số 290)

SUY NIỆM: Ta càng phạm tội, ta càng chỉ nghĩ đến mình, ta càng khó mà phát triển nên người tự do. Khi ta trao phó mình cho tội lỗi, ta không còn làm điều tốt được nữa và không sống yêu thương được, Chúa Thánh Thần đến trong lòng ta để ban cho ta một trái tim đầy tình mến Chúa yêu người. Ta nhận thấy Chúa Thánh Thần như sức mạnh dẫn đến tự do nội tâm, để cởi mở ra với tình yêu và biến đổi ta thành dụng cụ luôn luôn thích hợp để chu toàn việc tốt và yêu thương.

Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên, “Ápba! Cha ơi!”. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.—Rm 8,15-16 (YouCat, số 290 t.t.)

❦ Trong thế giới này đầy những tự do giả tạo phá hủy môi trường và con người; ta muốn cùng nhau nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần học biết về tự do thật sự, tạo lập những trường dạy tự do, chứng tỏ cho những người khác bằng chính đời sống mình là chúng ta tự do, và nếu ta thực sự có tự do đích thật của con cái Thiên Chúa thì tốt đẹp chừng nào. (Đức Bênêđictô XVI, lễ Hiện xuống 2006)

LẮNG NGHE: Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 6:23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Tự Do và là cùng đích của sự tự do cho nhân loại, xin giúp con biết sống và hành động theo ý Chúa muốn để được hạnh phúc ở bên Chúa luôn mãi.

THỰC HÀNH: Quyết định chọn làm một điều tốt cho một người đáng ghét.

From: Do Dzung


 

Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do. (2 Cr 3:17)- Cha Vương

Ngày thứ 5 bình yên và hạnh phúc trong Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 23/05/2024

GIÁO LÝ:  Ta có được cứ để cho một người dùng tự do theo ý họ, dù họ chọn làm điều xấu không? Sử dụng quyền tự do là quyền căn bản của con người, dựa trên phẩm giá con người của họ. Tự do cá nhân chỉ có thể bị ngăn cản hoặc giảm bớt, khi họ dùng tự do của mình gây bất lợi cho tự do của người khác. (YouCat, số 289)

SUY NIỆM: Tự do sẽ không còn là tự do nếu nó không cho phép ta tự ý chọn lựa dù là chọn điều sai lầm. Không tôn trọng tự do của một người là làm tổn thương phẩm giá con người của họ. Một trong các bổn phận của Nhà Nước là bảo đảm các quyền tự do của tất cả mọi công dân (tự do tôn giáo, tự do tụ tập và hội họp, tự do phát biểu, lao động…). Tự do của một người dừng lại khi có tự do của người khác bắt đầu. Tuy nhiên, việc tôn trọng người khác cũng đòi phải hành động với tình yêu, khôn ngoan, kiên nhẫn, đối với những người bị lầm lạc, và đòi phải diễn tả sự thật của Chúa Kitô trong chừng mực có thể. (YouCat, số 289 t.t.)

LẮNG NGHE: Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do. (2 Cr 3:17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho con ơn can đam của Chúa để con vượt qua những cảm xúc không làm đẹp lòng Chúa và những người chung quanh con.

THỰC HÀNH: Chọn làm những việc mình có bổn phận thay cho những điều mình thích.

From: Do Dzung

CHỌN GIÊ XU THÔI – Hannah Thái (Sáng tác: Samuel Thái)

Thánh Rita Casica (1381-1457)- Cha Vuong

Tạ ơn Chúa đã bạn cho bạn một ngày mới để yêu thương và phục vụ. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Rita Casica, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy. Cũng vào ngày này 25 nam về trước mình được thụ phong Linh Mục, mình xin bạn hiệp thông với mình dâng lên Chúa lời cầu nguyện tạ ơn hôm nay nhé. Cảm ơn bạn nhiều lắm đã và đang đồng hành với mình.

Cha Vương

Thứ 4: 22/05/2024

Con đường nên thánh của thánh Rita Casica có thể được tóm gọn trong một dòng: Trung thành trong đau khổ suốt đời qua nhiều giai đoạn: thiếu nữ, vợ, mẹ, góa, nữ tu.

Trong nhiều thế kỷ, Thánh Rita ở Casica là một trong những vị thánh nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo. Người ta thường gọi ngài là “Thánh của những trường hợp Vô vọng-Impossible” vì bất cứ điều gì nhờ ngài cầu bầu đều được Thiên Chúa nhận lời.

Thánh Rita sinh năm 1381, tại thành Casica thuộc tỉnh Umbria, nước Ý. Cha mẹ có tinh thần đạo hạnh đã già nhưng chưa có con. Hai ông bà đã kiên trì cầu xin Chúa và cuối cùng Chúa đã ban cho hai người sinh được một người con như món quà quí.

Lớn lên Rita muốn dâng mình cho Chúa trong bậc đi tu, nhưng cha mẹ lại bắt cô lập gia đình. Ban đầu cô hơi bực mình, nhưng Rita hiểu đây là Ý Chúa, nên cô bằng lòng. Rita kết hôn năm 12 tuổi, với một thanh niên quý tộc. Người thanh niên này là người khô đạo, thường xuyên hành hạ vợ mình. Tuy nhiên, với tâm hồn đạo hạnh, Rita vẫn kiên tâm cầu nguyện và sống yêu thương, lúc nào cũng làm tròn bổn phận của một người vợ. Cuối cùng, vì đức hạnh của Rita, người chồng đã thay đổi nếp sống và tận tâm yêu mến vợ mình. Đời sống gia đình kéo dài được 18 năm. Chúa đã chúc lành cho Rita và cho bà sinh 2 người con trai. Bà trở thành người vợ và người mẹ tốt lành tận tụy.

Vì có sự bất hòa trong đại gia đình dòng họ, một hôm, chồng bà đã bị kẻ thù giết chết, bà rất đau khổ, nhưng trong tinh thần Công giáo, bà tha thứ cho kẻ thù đã giết chồng của mình.

Khi hai con trai của bà khi đến tuổi được phép mang khí giới, chúng không giống như mẹ, chúng quyết tâm nuôi mộng giết kẻ thù để trả hận cho cha mình. Đứng trước hoàn cảnh đó, bà lại phải đau khổ. Bà khuyên can các con nhưng chúng không nghe. Tuy phải đau khổ vì không thể làm lay chuyển được kế hoạch giết người của hai người con trai, bà đã ngày đêm cầu xin Chúa cất chúng về khi chúng đang còn trong ân sủng của Chúa và chưa phạm tội ác. Chúa đã nhận lời bà. Trong một năm, cả hai đứa lìa đời.

Sau khi hai người con chết, bà xin vào tu trong nhà dòng nữ Augustinô ở Casica, nhưng nhà dòng đã ba lần từ chối không nhận bà vì không còn là trinh nữ. Bà tha thiết cầu nguyện đêm ngày xin Chúa cho bà được thuộc về Chúa như người Bạn Trăm năm. Người ta kể rằng, một đêm kia ba vị thánh (Gioan Tẩy giả, Augustinô, Nicholas Tolentino) hiện ra dẫn bà tới nhà Dòng Madalena, đưa bà vào trong khuôn viên của tu viện dù vẫn kín cổng cao tường. Thấy vậy, các nữ tu tin rằng ý Chúa muốn bà được chấp nhận vào dòng.

Trong 40 năm ở nhà dòng, bà sống trong cầu nguyện và chiêm ngắm, hầu hạ người bệnh và người nghèo, làm những việc tay chân được bề trên chỉ định. Bà ước ao được chia sẻ những khổ đau cùng Chúa Kitô Thầy Chí Thánh của mình nên sau 25 năm tu, Chúa đã ban cho bà được chia sẻ một chút đau khổ của Chúa. Chúa đã cho một cái gai trong mũ gai của Chúa cắm vào trán bà. Từ đó, trên trán của bà luôn có vết thương rướm máu. Các bề trên của bà nghĩ rằng đó là hiện tượng bệnh phong cùi, nên tách riêng bà ra khỏi cộng đoàn nhà dòng và cho bà sống trong một căn phòng nhỏ trong góc tu viện. Bà mang vết thương này trong 15 năm, âm thầm chịu đựng ngày đêm và cảm tạ những ơn Chúa Giêsu Kitô đã đặc biệt ban cho bà. Bà bị đau đớn khổ sở cho đến lúc nhắm mắt lìa đời ngày 22 tháng Năm năm 1457 khi 76 tuổi.

Người ta gọi bà Rita là: Người đem hòa bình. Thánh của những trường hợp vô vọng. Bà thánh xin nhiều quá (“Peacemaker,” “Saint of the Impossible”, the “Saint Who Asks Too Much”). Ngài đặc biệt được tôn kính ở nước Ý ngày nay, và được coi là quan thầy của những trường hợp khó khăn, nhất là có liên hệ đến hôn nhân.

Ngài được phong chân phước năm 1626 và được phong thánh năm 1900, và được coi như “Viên ngọc quí của thành Umbria.” Lòng sùng kính thánh nữ Rita không những lan ra khắp nước Italia mà còn ra nhiều nước khác, nêu gương cho phụ nữ mọi thời, mọi nơi, qua nhiều giai đoạn… (Internet)

*Bạn đang đương đầu với trường hợp vô vọng ư? Hãy chạy đến Thánh Rita Casica đi.

From: Do Dzung

Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (Ga 20:22)-Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội Công Giáo mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, hay được gọi là ngày Sinh Nhật của Giáo hội. Chúc mừng Sinh Nhật nhé. Ước mong bạn nhận được thật nhiều quà từ Chúa Thánh Thần.

Cha Vương

CN: 19/05/2024

TIN MỪNG: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (Ga 20:22)

SUY NIỆM:  Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã sẽ xin Chúa Cha gửi một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần đến ở với ta mãi mãi. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, Ngài cũng là Thiên Chúa như ngôi Cha và Ngôi Con. Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Đấng Phù Trợ và là Đấng ban sự sống. Thánh Gioan Maria Vianê có viết, “Người yêu mến Chúa Thánh Thần sẽ cảm nghiệm mọi thứ vui sướng trong mình. Thánh Thần dẫn chúng ta giống như một người mẹ dẫn dắt đứa con nhỏ, hoặc giống như một người sáng dẫn một người mù. Những người yêu mến Chúa Thánh Thần sẽ thấy việc cầu nguyện đầy hoan lạc đến nỗi họ không thấy có đủ giờ để cầu nguyện.” Nếu bạn muốn có bình an và hạnh phúc thật trong cuộc sống, bạn cần áp dụng nguyên tắc “xem quả để biết cây” vào trong công việc hằng ngày. Bạn hãy lấy 12 Hoa Quả Chúa Thánh Thần (Sách Giáo Lý Công Giáo, #1832) làm quy tắc chung để hướng dẫn tư tưởng, hành động, và lời nói của mình. Đây là 12 Hoa Quả Chúa Thánh Thần:

  1. Bác Ái—Giúp ta làm mọi việc vì mến Chúa.
  2. Vui Vẻ—Giúp ta nhận biết lòng nhân từ của Chúa.
  3. Bình An—Kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái.
  4. Kiên Nhẫn—Giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết gây nên.
  5. Nhân Từ—Thôi thúc ta làm sự lành cho mọi người.
  6. Hòa Nhã—Phát sinh do lòng nhân từ trong lời nói và trong việc làm.
  7. Nhẫn Nại—Làm ta kiên nhẫn chịu đựng lâu dài dù không có những khích lệ bên ngoài.
  8. Hiền Lành—Kìm hãm nóng giận.
  9. Tin Tưởng—Giúp ta trung thành, thẳng thắn trong những giao tế với mọi người.
  10. Nhã Nhặn—Làm phát sinh điều độ, chừng mực trong hành động bền ngoài.
  11. Tiết Ðộ—Chế ngự những dục vọng.
  12. Trong Sạch—Giúp canh phòng ngũ quan để chúng không trở nên dịp tội cho ta; giúp ta coi thân xác mình và thân xác người khác như đền thờ Chúa Thánh Thần.

Cây cuộc sống của bạn ngay bây đang sinh ra những trái gì vậy?

LẮNG NGHE: Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng. (Rm 15:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin gửi thần khí Chúa vào tâm hồn con để con sinh ra những hoa trái thơm lành trong cuộc sống và cho mọi người con gặp gỡ.

THỰC HÀNH: Tập đếm hoa quả Chúa Thánh Thần mỗi ngày để sống tốt đẹp hơn.

From: Do Dzung

Lạy Chúa Thánh Thần-(Sáng tác: Sr. Têrêxa)-Bé Anh Khôi

Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (Ga 15:9)- Cha Vương

 Một ngày tràn đầy tình yêu của Chúa nhé. Xin một lời cầu nguyện cho nạn nhân của mưa dông bão táp hôm qua ở Houston, Texas.

 Cha Vương

Thứ 6: 17/5/2024

TIN MỪNG: Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (Ga 15:9)

SUY NIỆM: Nếu bạn hỏi ông vua Google, “Tình yêu là gì?”, bạn sẽ có được nhiều câu trả lời. Liệu những câu trả lời đó có diễn tả đủ nỗi khát khao của con tim hay không? Giả sử có, thì tại sao lại có những câu chuyện “ông ăn chả bà ăn nem” hoặc “trước tình yêu sau thù hận” luôn xuất hiện trong mọi thời đại, tại sao lại có những nghịch lý như trong chữ “lover” (người thương) lại vẫn có chữ “over” (kết thúc) hoặc “tình yêu” có 7 chữ thì “phản bội” cũng thế. Trong thư thứ nhất của Thánh Gio-an câu 4 đoạn 8b có cho bạn một định nghĩa đích thực về tình yêu. Ngài nói: “Thiên Chúa là tình yêu.” Đây là NGUỒN của mọi tình yêu. Tình yêu này có 3 đặc tính:

– Thứ nhất: Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát, không loại trừ ai: Đấng “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45).

– Thứ hai: Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu hy sinh, cốt để bạn được sống và sống hạnh phúc. Ngài đã trao ban tất cả, hy sinh tất cả vì bạn và để cứu chuộc bạn: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết” (Ga 3, 16).

– Thứ ba: Tình Yêu của Chúa Cha là một tình yêu tha thứ. Đọc trong Tin Mừng bạn sẽ thấy phẩm tính tuyệt vời này của Thiên Chúa. Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là áng văn bất hủ mô tả tình yêu của Thiên Chúa như một người cha nhân từ và kiên nhẫn đối với các đứa con bất hảo.

Ba đặc tính của tình yêu Thiên Chúa này được coi như là một bảo đảm chắc chắn để bạn được thuộc về Ngài, được ở trong tình yêu của Ngài và được hạnh phúc trong Ngài. Nếu bạn ở trong Chúa thì tình yêu của bạn sẽ nảy sinh nhiều hoa trái đó… Ước mong bạn hãy yêu như Chúa yêu vậy nhé.

LẮNG NGHE: Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; (Is 66:13a)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa yêu con đến cùng, xin cho con được trở về với Chúa từng ngày, để không bị rơi vào thất vọng và mất niềm tin.

THỰC HÀNH: Dựa trên 3 đặc tính của tình yêu Thiên Chúa, bạn đang thiếu xót những gì vậy? Mời bạn hãy làm một thay đổi cụ thể để được bình an và hạnh phúc hơn.

From: Do Dzung

CHÚA ĐÃ YÊU CON – Quang Linh | Thánh Ca Huy Hoàng  

Ta có thể chọn sự xấu, có phải đó là ta có tự do không?- Cha Vương

Một ngày tràn đầy niềm vui trong yêu thương và tha thứ nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 16/5/2024

GIÁO LÝ: Ta có thể chọn sự xấu, có phải đó là ta có tự do không?

Sự xấu chỉ làm người ta thèm thuồng ở bề ngoài mà thôi. Chọn sự xấu cũng chỉ làm cho người ta tự do ở bề ngoài mà thôi. Sự xấu không làm cho ta hạnh phúc, nhưng thực ra nó tước đoạt điều tốt lành thật của ta. Nó xiềng xích ta lại với cái vô bổ và cuối cùng tiêu hủy hoàn toàn tự do của ta. (YouCat, số 287)

SUY NIỆM: Điều này có thể được nghiệm thấy qua các “lối sống gây nguy hại cho sức khỏe” như: bán tự do để mua một cái gì có vẻ tốt cho mình, nhưng thực ra chỉ là nô lệ nó. Chỉ khi nào ta có thể nói đồng ý với sự tốt lành; và khi ta không bị lệ thuộc, không bị cưỡng ép, không bị thói quen ngăn cản chọn lựa; và khi làm những gì là chính đáng và tốt lành, thì ta mới tự do hơn. Quyết định làm theo điều tốt luôn luôn là quyết định vâng theo ý Chúa. (YouCat, số 287 t.t.)

❦ Người tốt thì tự do, dầu họ là nô lệ. Người xấu là nô lệ, dầu họ là vua. (Thánh Augustinô)

LẮNG NGHE: Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. (Gl 5:13)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, con xin lỗi Chúa vì có những lần con đã không sử dụng món quà tự do cho đúng—muốn làm gì thì làm, muốn sống làm sao thì sống, xin Chúa giúp con biết vượt qua những ràng buộc mỏng manh mau qua luôn chọn sống với Chúa, nắm tay Chúa thật chặt để được sống trong ân nghĩa của Chúa.

THỰC HÀNH: Bạn đang bị lệ thuộc vào những gì?  Mối nô lệ tội lỗi lớn nhất của bạn là gì? Xin ơn sức mạnh để vượt qua nhé.

From: Do Dzung

Ngài Gọi Tên Con – Sáng tác: Dương Quảng -Trình bày: Nguyễn Minh Tâm 

Thánh Isidore. (St. Isidore of Madrid, 1070-1130)- Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Isidore. (St. Isidore of Madrid, 1070-1130). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé. Xin thánh nhân chuyển cầu cho chúng con được sống thánh giữa đời.

Cha Vương

Thứ 4: 15/05/2024

Thánh Isidore là quan thầy của các nông dân và làng quê. Ðặc biệt, ngài là quan thầy của Madrid, Tây Ban Nha, và của Hội Nghị Ðời Sống Công Giáo Thôn Quê Hoa Kỳ.

Khi lớn tuổi, ngài làm công cho gia đình ông Gioan de Vergas, một địa chủ giầu có ở Madrid, và trung thành làm việc cho đến mãn đời. Isidore kết hôn với một thiếu nữ đạo đức và chính trực mà sau này bà được tuyên xưng là thánh Maria de la Cabeza. Hai người có được một con trai nhưng chẳng may cậu chết sớm. Cả hai ông bà tin rằng ý Chúa không muốn hai người có con, do đó họ quyết định sống khiết tịnh cho đến suốt đời.

Isidore là người đạo đức thâm trầm bẩm sinh. Ngài thức dậy từ sáng sớm để đi lễ và dành thời giờ trong những dịp lễ lớn để đi viếng các nhà thờ ở Madrid và vùng phụ cận. Trong khi làm việc, ngài luôn chuyện trò với Thiên Chúa. Khi bị các đồng nghiệp cho rằng ngài trốn tránh nhiệm vụ qua việc tham dự Thánh Lễ hằng ngày, lấy nhiều thời giờ để cầu nguyện, v.v…,

Isidore trả lời rằng ngài không còn lựa chọn nào khác hơn là tuân theo Ông Chủ tối cao. Truyền thuyết kể rằng, một sáng kia khi ông chủ đến cánh đồng để bắt quả tang Isidore trốn việc đi nhà thờ, ông thấy các thiên thần đang cầy cấy nơi khu ruộng của Isidore.

Isidore còn nổi tiếng là thương người nghèo và cũng thường để ý đến việc chăm sóc loài vật.

Isidore từ trần ngày 15 tháng Năm 1130, và được phong thánh năm 1622, cùng với các Thánh I-nhã, Phanxicô Xaviê, Têrêsa và Philip Nêri.

Lời Bàn: Chúng ta có thể tìm thấy nhiều sự ứng dụng nơi vị lao công thánh thiện này: Công việc lao động có phẩm giá; sự thánh thiện không bắt nguồn từ địa vị xã hội; sự chiêm niệm không lệ thuộc vào học thức; đời sống thanh bạch là con đường dẫn đến sự thánh thiện và hạnh phúc. (Nguồn: GP Vĩnh Long)

From: Do Dzung

Nên Thánh Giữa Đời – Sr Têrêsa / Ca sĩ Xara Trần