Người lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 5:5-6)-Cha Vương

Người lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 5:5-6)

Chúc một ngày Chúa Nhật thật hạnh phúc được cả Thiên Chúa lẫn mọi người yêu thương và quý chuộng. Zui zẻ hồn nhiên nhé.

Cha Vương

CN: 07/7/2024

TIN MỪNG: Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 5:5-6)

SUY NIỆM: Một trong những vấn đề gai góc của thời đại ngày nay là liệu trong tương lai giới trẻ có còn tin vào Chúa nữa không? Vấn đề ở đây không phải là Giáo Hội đang  bị lung lay nhưng mà là đức tin của người tín hữu, đặc biệt là giới trẻ hôm nay đang gặp quá nhiều chướng ngại, nào là văn minh vật chất, nào là óc thực nghiệm, trí tuệ nhân tạo và duy khoa học, sợ dấn thân và thích yên ổn. Trong khi đức tin đòi hỏi phải dấn thân, phải phó thác, phải hy sinh. Đức tin thì lại đồng nghĩa với bị quên lãng, bị bách hại và phải chấp nhận hy sinh. Thảm nào khi nói đến Chúa thì họ cảm thấy ngán ngẩm vì phải hy sinh trong một xã hội đẩy mạnh lối sống hưởng thụ. Trong bài viết “Tại sao phải bận tâm với đức tin?”, tác giả diễn tả thật chính xác về nhu cầu của đức tin như sau: “Đức tin Kitô giáo là chiếc cầu cho phép chúng ta qua bờ bên kia. Đối với những ai nhắm đến cuộc sống vĩnh cửu, thì đức tin Kitô giáo giống như một bàn tay vươn ra nắm lấy người đó và giúp vượt qua một vách núi cheo leo. Đức tin tựa như bờ vai mà trên đó con người có thể dựa vào khi hành trình trở nên quá khó khăn. Đức tin tựa như ánh sáng xuất hiện trong đêm tối và chiếu sáng con đường, như cơn gió nổi lên và đẩy những cánh buồm trôi. Đức tin biến đổi cuộc sống thường ngày của chúng ta. Thậm chí đức tin còn làm sáng tỏ nỗi u ám nhất trong chúng ta. Bạn tự hỏi mục đích của đức tin là gì…. Đó là hãy sống một cuộc sống cách đơn sơ và sống vĩnh cửu! “

LẮNG NGHE: Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người! (Tv 34:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin tăng thêm niềm đức tin cho con!

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Tin Kính: Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần…

From: Do Dzung

Cho Con Vững Tin – Gia Ân (St: Lm. Nguyễn Duy) 

Thánh Antôn Maria Zacaria (1502-1539)

Mến chào một ngày mới, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Antôn Maria Zacaria (1502-1539), Linh mục. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 05/07/2024

CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA: Năm 1509, Antôn Maria Zacaria mở mắt chào đời trong một gia đình đạo đức, quyền quí tại Crémone. Thánh nhân ngay từ lúc còn nhỏ đã có lòng thanh  sạch, đã yêu quí đức khiết tịnh một cách cương quyết, sâu xa. Ngài cảm nghiệm Lời Chúa trong tám mối phúc thật:” Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”( Mt 5, 8 ).Thánh nhân có tâm hồn trong trắng, luôn hướng về Chúa và yêu thương các kẻ nghèo hèn, bần cùng đúng như Lời Chúa dậy:” Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”( Mt 5,7 ). Thánh nhân có trí thông minh sáng suốt, con đường học vấn của Người bắt đầu và đang rực rỡ huy hoàng, nhưng Người lại tuân theo ý Chúa:”…Hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo khó và đi theo Ta”. Chính vì ý thức sâu xa Lời Chúa và có tâm hồn hướng về Chúa, muốn tận hiến cuộc đời mình cho một mình Chúa, thánh nhân đã cố gắng trau dồi kiến thức thánh: triết học, thần học và tu đức học. Với ơn Chúa giúp, với sự cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi, thánh Antôn Maria Zacaria đã được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Với thánh chức, thánh nhân đã cùng với Bartôlômêô Ferrariô và Giacôbê Morigia lập tu hội triều vào năm 1533 có tên là hội thánh Phaolô và nhóm nữ tu thiên thần vào năm 1535 để cùng nhau sống tinh thần huynh đệ Tin Mừng. Với tinh thần huynh đệ Phúc Âm, thánh nhân đã chu toàn bổn phận và rao giảng, loan truyền Lời Chúa chống ảnh hưởng tai hại của bè rối Luther. Thánh nhân có tinh thần phục vụ cao vời và có một lòng yêu mến Chúa sâu xa, yêu mến Bí Tích Thánh Thể và khuyến khích nhiều người sùng kính, tôn vinh Thánh Thể Chúa.

THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA RA ĐI VỀ VỚI CHÚA KHI TUỔI ĐỜI MỚI CÓ 36: Ngày 5 tháng 7 năm 1539 thánh nhân đã ra đi về với Chúa an bình sau nhiều tháng năm nhiệt thành với sứ vụ tại Crémone, thọ 36 tuổi. Với tuổi đời còn trẻ, còn nhiều hăng say, Chúa đã cất Ngài về để chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa mãi mãi. Thánh nhân đã về với Chúa như Lời Chúa nói: ”Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả anh em được lâu bền”( Ga 15, 16 ). Đức Thánh Cha Lêô XIII đã cất nhắc Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1807 vì lòng nhiệt thành truyền giáo và tinh thần cầu nguyện vượt bậc của Ngài.

(Nguồn: Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh: “Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác”.

❦  Noi gương thánh nhân hôm nay mời bạn hãy rao giảng Tin Mừng bằng cách cho đi nhưng không mong đền đáp nhé.

From: Do Dzung

Chúa Là Đấng Từ Bi – Thánh Vịnh 102 

Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô-Cha Vương

Happy July 4th đến bạn và gia đình nhé. Tạ ơn Chúa cảm ơn U.S.A.!

Cha Vương

Thứ 5: 04/07/2024

TIN MỪNG: Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh. (2 Cr 12:10)

SUY NIỆM: Trên đời nay không ai muốn tự cho mình là yếu cả, thế mà Thánh Phao-lô dám tuyên bố rằng: tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối… Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh! Điều bí ẩn gì mà Thánh Phao-lô muốn nói với bạn hôm nay? Ý ngài muốn giúp bạn khám phá ra về lợi ích thiêng liêng trong sự yếu đuối của mình. Để chấp nhận những giới hạn và yếu đuối của mình một cách dễ dàng, bạn cần phải có đức khiêm nhường, qua đó bạn mới đến với Chúa trong sự yếu đuối mỏng giòn của mình được. Khiêm nhường là mở lòng để đón nhận ý Chúa, mở lòng để sống theo ý Chúa. Như bạn cũng đã biết nước Hoa Kỳ được liệt kê là một cường quốc. Thế mà trong bản tuyên ngôn độc lập có viết một câu đã trở thành niềm kiêu hãnh và sự công nhận quyền bình đẳng, quyền tự do cho mỗi công dân Hoa Kỳ trong đó có bạn nữa: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Đấng Tạo Hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Sống, Quyền Được Tự Do và Mưu Cầu Hạnh Phúc.” Vì cả guồng máy chính trị được đặt trên nền tảng bất cả xâm phạm này mà nước Hoa Kỳ được trở nên hùng mạnh. Họ hùng mạnh không phải vì họ có những loại vũ khí tối tân nhất thế giới nhưng mà là do họ biết đặt Đấng Tạo Hoá (Thiên Chúa) lên hàng đầu. Đúng là họ đã hiểu được lời thánh Gioan nói: “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (x Ga 15:5b) Vậy hôm nay trong bầu không khí mừng Lễ Độc Lập, mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cách riêng cho đất nước Hoa Kỳ, xin Chúa luôn bảo vệ mảnh đất tự do mà Chúa đã ban để mọi người công dân được “có Quyền Sống, Quyền Được Tự Do và Mưu Cầu Hạnh Phúc”.

LẮNG NGHE: ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. ( St 12:1,2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Đấng hiền lành khiêm nhường, thật diễm phúc cho con được gọi là con của Chúa, xin đoái nhìn đến phận yếu hèn của con, xin đừng để con đi ra khỏi con đường Chúa đã vạch ra cho con, và xin cho con luôn bước theo Chúa để được hạnh phúc muôn đời.

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng để dâng đất nước Hoa Kỳ cho Mẹ Maria.

From: Do Dzung

Tất Cả Là Hồng Ân || St Lm. Huy Hoàng || Tb Sr Hoàng Phương Dòng MTG Vinh 

 

Thánh Tô-ma tông đồ-Cha Vương

Hôm nay 03/07 Giáo hội mừng kính Thánh Tô-ma tông đồ, ông Thánh Hồ nghi, mừng lễ bổn mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 03/07/2024

Thánh Thomas Tông Đồ được mô tả như một con người sáng suốt, thực tế và quả cảm theo Phúc  m của Gioan. Ông có biệt danh là Didymô nghĩa là song sanh. Thomas đoán chắc những việc lớn lao sẽ diễn ra ở Jérusalem dịp lễ Vượt Qua “Chúng ta hãy cùng đi để chết với Người” (Gn 11, 6)

Thật tội nghiệp cho Thánh Tôma! Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên “Tôma Hồ Nghi” trong suốt 20 thế kỷ. Nhưng nếu ngài nghi ngờ thì ngài cũng đã tin. Lời ngài tuyên xưng đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (x. Gioan 20:24-28), và lời ấy đã trở thành lời cầu nguyện được đọc cho đến tận thế. Cũng nhờ ngài mà Kitô Hữu chúng ta có được lời nhận định của Ðức Giêsu: “Anh tin là vì anh đã thấy Thầy. Phúc cho những người không thấy mà tin” (Gioan 20:29).

Thánh Tôma cũng nổi tiếng vì sự can đảm của ngài. Có thể điều ngài nói là do bốc đồng—vì ngài cũng bỏ chạy như các tông đồ khác khi Ðức Giêsu bị bắt bớ— nhưng chắc chắn ngài đã không giả dối khi nói lên ý muốn cùng chết với Ðức Giêsu. Ðó là khi Ðức Giêsu đề nghị đến Bêtania sau khi Lagiarô từ trần. Vì Bêtania rất gần với Giêrusalem, điều đó có nghĩa phải đi bộ ngang qua phần đất của kẻ thù và rất có thể sẽ bị giết chết. Nhận biết sự kiện này, Thánh Tôma nói với các tông đồ khác, “Chúng ta hãy cùng đi để chết với Thầy” (Gioan 11:16b).

Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Ðức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại Hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến cố Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Ðồ đi rao giảng khắp nơi, và Thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthia, Medes  và Persia (Ba Tư); sau cùng ngài đến Ấn Ðộ, đem Ðức Tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaba, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là “Kitô Hữu của Thánh Tôma” theo lễ điển Malabar còn làm chứng tá cho tương truyền ấy. Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết năm 72 ở nơi gọi là Calamine.

Trong các hình của thánh nhân tay cầm một cây thước thợ nề mà theo tương truyền thánh nhân đã xây cung điện cho vua Guduphara ở Ấn Độ. Lễ kính thánh nhân ngày 03 tháng 7 là ngày chuyển dời thánh tích của thánh nhân về Edessa ở Mesopotamia.

(Nguồn: “Điển Ngữ Các Thánh” của cố linh mục Hồng Phúc, CSsR)

❦  Trong ngày hôm nay hay mỗi khi Bạn cảm thấy mệt mỏi và bất lực về một vấn đề nào đó, mời Bạn, nếu có thể, hãy nhắm mắt lại và thốt lên lời tuyên xưng đức tin của Thánh Tô-ma: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Bạn có thể coi câu này như là lời chân thật từ đáy lòng của mình và lập đi lập lại nhiều lần để đón nhận sự bình an của Chúa.

From: Do Dzung

Thánh Ca | Tôi Tin 

Lương tâm là gì?

Chúc Bạn một tâm hồn trong sạch như Thiên Thần để được thấy mặt Đức Chúa Trời.

Thứ 3: 2/7/2024

GIÁO LÝ:  Lương tâm là gì? Lương tâm là tiếng nói bên trong con người, ra lệnh cho ta làm điều thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào và tránh điều dữ bằng mọi cách. Đồng thời, lương tâm là khả năng phân biệt điều thiện với điều dữ. Thiên Chúa nói với ta qua tiếng lương tâm. (YouCat, số 295)

SUY NIỆM: Lương tâm được so sánh như một tiếng ở nội tâm mà Thiên Chúa bày tỏ cho con người. Chính Thiên Chúa được ta nhận ra trong lương tâm ta. Nói rằng: “Điều đó không thỏa thuận với lương tâm tôi”, đối với một Kitô hữu có nghĩa là “Tôi không thể làm được trước mặt Đấng tạo dựng tôi”. Vì trung thành với lương tâm, nhiều người đã phải chịu tù đầy và còn phải chịu chết nữa. (YouCat, số  295 t.t.) Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người. Là cung thánh mà con người ở một mình với Thiên Chúa, và nghe được tiếng Thiên Chúa. (Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 16)

❦  Bất cứ việc gì ta làm trái với lương tâm đều là tội. (Thánh Tôma Aquinô)

❦  Đây là thời ta phải làm một việc gì. Nhưng ai dám làm điều gì thì phải ý thức rằng họ chắc chắn sẽ đi vào lịch sử như một người phản bội. Tuy nhiên, nếu họ không làm gì cả, họ sẽ là người phản bội chính lương tâm họ. (Claus Von Stauffenberg, 1907–1944)

LẮNG NGHE: Điều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa. (2 Cr 1:12)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã khắc ghi trong cung lòng sâu thẳm của con những chỉ dẫn hướng về điều thiện. Xin đừng để con giả điếc làm ngơ trước sự thật và công lý như xin giúp con biết hướng về Chúa và can đảm quay lưng lại với điều xấu, hầu mỗi ngày, chúng con sống xứng đáng là con cái của Chúa hơn.

 THỰC HÀNH: Làm một việc nhỏ theo tiếng nói của sự thật hôm nay.

From: Do Dzung

TRONG TRÁI TIM CHÚA | TÂM ĐOAN 

Kính Thánh Thánh Juniperô Serra (Tây Ban Nha—1713, Mexico—1784)-Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy sức mạnh và ân sủng của Chúa nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng Kính Thánh Thánh Juniperô Serra (Tây Ban Nha—1713, Mexico—1784). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 1/07/204

Miguel Jose Serra sinh ở đảo Majorca Tây Ban Nha, và lấy tên Junipero khi gia nhập Dòng Phanxicô. Ðược thụ phong linh mục năm 1737, ngài dạy triết thần ở Ðại Học Lulliana cho đến năm 1749 thì ngài chuyển sang công việc truyền giáo ở Tân Thế Giới và được gửi sang Mễ Tây Cơ.

Vào năm 1768, Cha Serra tiếp quản công cuộc truyền giáo của các linh mục dòng Tên (là những người đã bị chính quyền trục xuất cách sai lầm) trong tỉnh California Hạ và Thượng, lúc bấy giờ California là một tỉnh của Mễ Tây Cơ. Là một tông đồ hoạt động không biết mệt, Cha Serra trách nhiệm phần lớn cho việc thành lập và phát triển Giáo Hội ở vùng ven biển phía Tây của Hoa Kỳ khi phần đất này vẫn còn là khu vực truyền giáo.

Cuộc đời truyền giáo của Cha Junipero là một cuộc chiến chống với giá lạnh và đói khát, với các nhà lãnh đạo quân sự không có cảm tình và ngay cả bị nguy hiểm đến tính mạng vì những người da đỏ. Ðể duy trì tinh thần truyền giáo hăng say ấy, ngài cầu nguyện hàng đêm, có khi từ nửa đêm cho đến sáng.

Tổng cộng, ngài đã sáng lập hai mươi mốt trung tâm truyền giáo, và hoán cải hàng ngàn người da đỏ. Những người tân tòng không những được học biết đức tin, mà còn được dạy bảo cách trồng trọt, chăn nuôi cũng như thủ công nghệ.

Vì sự lao nhọc trong việc tông đồ, ngài từ trần ngày 28 tháng Tám 1784. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1988. Ngày 23 tháng Chín 2015, tại đền thánh Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên phong ngài là hiển thánh.

LỜI BÀN: Lời trung thực nhất để diễn tả về Thánh Junipero là sự nhiệt huyết. Tinh thần đó xuất phát từ sự cầu nguyện chân thành và ý chí bất khuất. Châm ngôn của ngài là “luôn luôn tiến bước, đừng bao giờ lùi”.

From: Do Dzung

Dâng Hiến Đời Con | Angelo Band 

“Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”

Một ngày tươi vui trọn niềm tín thác vào Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 30/6/2024

TIN MỪNG: Vì bà [bị băng huyết đã mười hai năm] tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. (Mc 5:28-29)

SUY NIỆM: Một người phụ nữ sau khi đã tiêu hết tiền của mình cho các bác sĩ mà không khỏi và một người cha sau khi đã làm hết những gì có thể để phục hồi lại sức khỏe cho con gái của ông nhưng tình trạng con gái mỗi ngày một nặng hơn. Hai trường hợp này, phải cho  là TUYỆT VỌNG, đã làm họ phải quay sang cầu xin Chúa giúp đỡ. Chúa không thắc mắc hoặc khiển trách rằng tại sao các con không đến với Thầy trước. Ngược lại, Ngài củng cố lại đức tin của họ qua việc chữa lành cho họ. Ngài đã ban cho họ những gì họ cần nhất trong lúc khốn quẫn đó. Tin vào Đức Kitô là điều kiện duy nhất để được cứu rỗi. Cũng chính do niềm tin này mà thiếu phụ mắc bệnh băng huyết đã được chữa lành. Cũng nhờ đức tin mà người con gái của một vị kỳ mục đã được sống lại. Điều này nhắc nhở bạn lời tuyên tuyên xưng mà bạn đọc lớn tiếng trong mỗi Thánh Lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Bạn thấy không, chỉ một lời tự nhủ đơn sơ chân thành của người phụ nữ băng huyết: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa” mà tức khắc bà cảm thấy trong mình được khỏi bệnh. Còn bạn thì sao? Mỗi khi được rước Mình và Máu Thánh Chúa vào lòng bạn cảm thấy thế nào? Có lẽ đức tin của bạn và mình vẫn còn kém cỏi quá hả.

LẮNG NGHE: Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. (2 Cr 8:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin tăng thêm niềm tin cho con, để trước những khó khăn và đau khổ của ngày hôm nay và ngày mai, con nhìn chúng mà không thất vọng, con mang vác mà không kêu ca, bởi vì con tin rằng Chúa luôn hiện diện bên con và cùng đồng hành với con.

 THỰC HÀNH: Đọc đi đọc lại câu này trong ngày: Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa! Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa!

From: Do Dzung

Con Tín Thác Vào Chúa (Sáng tác: Lm. Mi Trầm) – Thể Hiện: JB. Thanh Hưng  

Thánh Cyril ở Alexandria (376?-444) – Cha Vuong

Tràn đầy bình an và yêu thương trong Chúa hôm nay nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Cyril ở Alexandria (376?-444), Giám Mục tiến sĩ Hội Thánh. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 27/6/24

St Cyril of AlexandriaThánh Cyril sinh năm 376 tại Alexandria, xứ Ai cập. Ngài là cháu của Ðức Theophilus, thượng phụ của Alexandria. Sau khi học xong kinh điển và thần học, ngài được chính bác của mình tấn phong linh mục và tháp tùng Ðức Theophilus đến Constantinople để tham dự Thượng Hội Ðồng Oak nhằm truất phế Ðức Gioan Chrysostom (sau này mới biết là bị kết tội oan).

Khi Ðức Theophilus từ trần vào năm 412, ngài lên kế vị bác của mình sau cuộc tranh đấu với phe ủng hộ người đối thủ là Timotheus. Ngay sau khi lên ngôi, Ðức Cyril bắt đầu tấn công lạc thuyết Novatianô với việc đóng cửa các nhà thờ; đuổi những người Do Thái ra khỏi thành phố; và phản bác một số hành động của quan đầu tỉnh Orestes là người theo phe Novatianô.

Vào năm 430, Ðức Cyril lại xung đột với Nestorius, thượng phụ của Constantinople, là người cho rằng Ðức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa vì Ðức Kitô là Thiên Chúa chứ không phải con người, hậu quả là không thể dùng chữ theotokos (người-mang-Thiên-Chúa) áp dụng cho Ðức Maria. Ðức Cyril thuyết phục được Ðức Giáo Hoàng Celestine I triệu tập một công đồng ở Rôma nhằm lên án Nestorius, và chính ngài cũng hành động tương tự trong công đồng Alexandria.

Vào năm 431, Ðức Giáo Hoàng Celestine ra lệnh cho Ðức Cyril truất phế Nestorius. Trong Ðại Công Ðồng Ephêsô lần thứ ba, với sự tham dự của hai trăm giám mục và dưới sự chủ tọa của Ðức Cyril, công đồng đã lên án mọi giáo thuyết của Nestorius là sai lầm trước khi Ðức TGM Gioan ở Antiôkia và bốn mươi hai môn đệ ủng hộ giáo thuyết của Nestorius kịp đến tham dự. Khi thấy mọi sự đã lỡ, họ tổ chức một công đồng riêng để truất phế Ðức Cyril. Hoàng Ðế Theodosius II bắt giữ cả hai người, Ðức Cyril và Nestorius nhưng sau đó đã trả tự do cho Ðức Cyril khi các đại diện của đức giáo hoàng xác nhận các quyết định của công đồng.

Hai năm sau, Ðức TGM Gioan, đại diện cho các giám mục ôn hòa ở Antiôkia, đã ký kết một thỏa ước với Ðức Cyril và cùng lên án Nestorius. Trong quãng đời còn lại, Ðức Cyril đã viết nhiều luận án làm sáng tỏ học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể nhằm ngăn chặn lạc thuyết Nestorius và Pelagian khỏi ăn sâu vào cộng đồng Kitô Hữu.

Ngài là thần học gia sáng chói nhất của truyền thống Alexandria. Văn bút của ngài có đặc tính chính xác về tư tưởng, lập trường rõ ràng, và lý luận sắc bén. Các văn bản của ngài gồm các nhận định về Thánh Gioan, Thánh Luca, và ngày lễ Ngũ Tuần, các luận thuyết về thần học tín lý, cũng như các thư từ và bài giảng. Ngài mất năm 444 tại Alexandria, Ai Cập; thánh tích hiện còn tại Alexandria. Thánh Cyril ở Alexandria được Đức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng là Tiến sĩ của Hội Thánh vào năm 1882 và lễ kính vào ngày 27 tháng 6. (Nguồn: Người Tín Hữu online)

From: Do Dzung

GIÊSU, CHÚA BÊN CON – Lumen Choir 

Tại sao Thiên Chúa cho ta có “đam mê” hoặc “cảm xúc”?-Cha Vương

Mới đây mà đã thứ 4 rồi bạn ơi, bạn đã và đang làm gì cho Chúa và anh em? Một ngày bình yên và ý nghĩa nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 26/06/2024

GIÁO LÝ: Tại sao Thiên Chúa cho ta có “đam mê” hoặc “cảm xúc”? Các đam mê thúc đẩy ta bằng những xúc động mạnh mẽ và những cảm xúc riêng biệt để ta có thể làm điều phải, điều thiện, và chống lại điều dữ, điều xấu. (YouCat, số 293 )

SUY NIỆM: Con người được Thiên Chúa tạo dựng: có thể yêu thương hay chê ghét, họ bị lôi cuốn bởi một số việc và họ sợ những việc khác, họ có thể đầy vui sướng, buồn phiền, giận dữ. Trong đáy lòng, họ luôn yêu cái tốt và ghét cái xấu – hoặc cái mà họ cho là như thế. (YouCat, số 293 t.t.)

Tự bản chất, đam mê không tốt không xấu. Để những đam mê của ta nên tốt, nên cao đẹp, lành mạnh: Ta phải biết dùng lý chí và ý chí ngay lành điều hướng những cảm xúc ấy về điều thiện, về hạnh phúc đích thật; để chúng trở thành nhân đức (Ví dụ: yêu thương thành bác ái…); trái lại, nếu để chúng phóng túng chúng có thể biến thành tật xấu, tính xấu (Ví dụ: buồn lo quá biến thành thất vọng…).

❦ Hãy kiên nhẫn trong mọi sự nhất là kiên nhẫn với chính bản thân bạn. (Thánh Phanxicô Salêdiô)

Thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giêsu (1873-1897) say mê yêu Chúa và các linh hồn, Chị viết: “Tôi muốn có một con tim bao la, để say mê Thiên Chúa, để ôm ấp tất cả nhu cầu của Hội Thánh…”.

Thánh Đa-mi-en (1840-1989): say mê phục vụ và đã chết vì người cùi, Ngài nói: “Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi, là được phục vụ Thiên Chúa trong những đứa con bệnh nhân khốn khổ của Người”.

LẮNG NGHE: Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. (Gal 5:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin lấp đầy tim con bằng Thần Khí của Chúa để con biết làm chủ những cảm xúc và luôn hướng về những điều ngay chính.

THỰC HÀNH: Con người có 7 cảm xúc : vui – buồn – giận – ghét – ham muốn – yêu – sợ. Cảm xúc nào đang làm bạn xa Chúa và những người chung quanh.

From: Do Dzung

KHI CON XA CHÚA (Imprimatur) – Uyên Di | Thánh Ca Huy Hoàng

Người ta có thể làm việc xấu để sinh ra kết quả tốt không?- Cha Vương

 Xin Chúa Thánh Thần canh tân và đổi mới tâm hồn bạn hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 25/6/2024

GIÁO LÝ: Người ta có thể làm việc xấu để sinh ra kết quả tốt không? Không. Không bao giờ ta được tự ý làm việc xấu hoặc dung thứ cho việc xấu, để có kết quả tốt. Nhưng nếu xảy ra là không thể có giải pháp nào khác, thì hãy tránh cái xấu lớn, và chọn cái xấu nhỏ nhất. (YouCat, số 292)

SUY NIỆM: Mục đích không biện bạch cho phương tiện. Thật là sai lầm khi dùng phôi thai để nghiên cứu về các tế bào gốc, dù có thể nhờ đó làm cho y học tiến bộ. Cũng thật là sai lầm khi muốn “giúp đỡ” nạn nhân bị hiếp dâm bằng cách giúp họ phá thai. (YouCat, số 292 t.t.)

❦ Ai muốn làm việc tốt thực sự phải muốn làm tất cả với mục đích tốt lành, hoặc muốn chịu đựng tất cả vì mục đích tốt lành. (Soren Kierkegaard)

LẮNG NGHE: Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. (Mt 7:18)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho những lựa chọn của con trong ngày hôm nay sinh ra nhiều hoa quả tốt lành để minh chứng cho tình yêu chân thật không bao giờ lừa dối.

 THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

From: Do Dzung

VÌ NGOÀI CHÚA RA – MINH CHÂU (ST: PHÙNG MINH MẪN)

Mừng kính trọng thể Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (Gioan Baotixita).

Chúc bình an! Hôm nay 24/06, Giáo Hội mừng kính trọng thể Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (Gioan Baotixita). Ngài là con của bà Elizabeth và tiên tri Zacharia, đấng tiền hô, đấng đã làm phép rửa cho Chúa Kitô, đấng tử đạo đầu tiên khi Tin Mừng được rao giảng. Thánh Gioan Baotixita có hai ngày lễ kính trong lịch phụng vụ, ngày 24 tháng 6 là ngày sinh nhật và ngày 29 tháng 8 là ngày tử đạo. Chúng ta cùng hát Chúc Mừng Sinh Nhật Ngài đi nào!

Cha Vương

Thứ 2: 24/06/2024

Ðức Giêsu gọi Gioan là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người và là người đến trước Ngài: “Ta nói với các ngươi, trong những người sinh ra bởi phụ nữ, không ai cao trọng hơn Gioan…” Nhưng có lẽ Thánh Gioan sẽ hoàn toàn đồng ý với điều Ðức Giêsu nói thêm sau đó: “Tuy nhiên, người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông ta” (Luca 7:28).

Có một thời gian Thánh Gioan sống trong sa mạc, là vị ẩn tu. Ngài loan báo nước trời đã gần đến, và mời gọi mọi người hoán cải đời sống.

Mục đích của ngài là chuẩn bị con đường cho Ðức Giêsu. Ngài nói, phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối. Nhưng Ðấng sắp đến sẽ rửa với Thần Khí và lửa. Gioan không xứng đáng để xách dép cho Người. Thái độ của Thánh Gioan đối với Ðức Giêsu là: “Ngài phải gia tăng; tôi phải nhỏ đi” (Gioan 3:30).

Trong khi thanh tẩy những kẻ tội lỗi, Thánh Gioan đã khiêm tốn nhận ra Ðấng Thiên Sai và nói: “Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài” (Mt 3:14b). Nhưng Ðức Giêsu nhất định, “Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15b). Ðức Giêsu, một con người đích thực và khiêm tốn cũng là Thiên Chúa hằng hữu, đã sẵn sàng thi hành bổn phận của bất cứ người Do Thái tốt lành nào. Thánh Gioan như vậy đã công khai đi vào tập thể của những người đang chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Nhưng khi tự trở nên một phần tử của cộng đồng đó, ngài quả thực thuộc về Ðấng Cứu Tinh.

Sự cao trọng của Thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của Thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của Thánh Gioan – cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Ðức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Ðấng Thiên Sai. Nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Ðức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu.

Có lẽ Thánh Gioan không nghĩ là Nước Trời được hoàn tất một cách tuyệt hảo trong sứ vụ rao giảng của Ðức Giêsu. Vì bất cứ lý do gì, (trong khi ở tù) ngài đã sai các môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu xem có phải Người là Ðấng Thiên Sai hay không. Câu trả lời của Ðức Giêsu cho thấy Ðấng Thiên Sai mang hình ảnh Người Tôi Tớ Ðau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan cũng đã chia sẻ trong sự đau khổ của Ðấng Cứu Tinh, ngài đã chết vì sự trả thù của Herodias.

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online)

Bạn rút ra bài học gì cho mình khi đọc qua tiểu sử của thánh nhân? Hãy áp dụng vào cuộc sống hằng ngày nhé.

From: Do Dzung

Nuns playing HAPPY BIRTHDAY on Piano

 “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4:41)- Cha Vuong

Mến chúc bạn ngày Chúa Nhật tràn đầy bình an và ân sủng của Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương

CN: 23/6/2024

TIN MỪNG: Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4:41)

SUY NIỆM: Người này là ai? Ông này là cái thớ gì mà làm được những chuyện như vậy? Đây là câu hạch hỏi về quyền năng của một người nào đó. Thái độ của các tông đồ thật là đáng trách. Các ngài đã từng thấy Chúa Giêsu chữa nhiều bệnh tật, và trừ được quỷ thế mà trong lúc lao đao giữa cơn bão biển, Chúa Giêsu lại ngủ, họ kết luận rằng Chúa Giêsu chẳng lo nghĩ gì đến họ! Họ hạch hỏi Chúa! Sách Cách Ngôn (3:24) dùng giấc ngủ an bình để tả lòng tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu có thể ngủ ngay lúc bão táp của cuộc đời là dấu chỉ vào lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của Ngài. Chữ “lòng tin” khi dùng trong xã hội Hy Lạp hay Do Thái thời đó có nghĩa là “lòng trung thành”. Chúa Giêsu trách các môn đệ đã để sự nhát gan làm lung lay lòng tin (trung thành) của họ đối với Người. Có bao giờ bạn có thái độ tương tự như vậy chưa qua lời than thở “Lạy Chúa sao Chúa lại để con đau khổ như thế này”?  Những cơn báo tố nào đang đến với bạn trong lúc này là gì? Có thể là một biến cố bên ngoài hay một cuộc chiến trong tâm hồn. Nếu như Chúa Giêsu ở bên cạnh bạn trên con thuyền khi bạn lao đao giữa giông tố ngoài biển khơi, thì bạn sẽ làm gì? Bạn có vẫn ngồi bên Ngài ngay khi nước trào vào thuyền? Bạn có đánh thức Người dậy để xin một phép lạ chăng? Hay bạn bỏ Ngài để đi tìm một quyền năng nào khác để làm lặng xuống những bão táp và sóng gió trong đời? Xin bạn đừng quên rằng quyền năng trên biển và bão tố là dấu hiệu một quyền năng đến từ Thiên Chúa. Chỉ có sự hiện diện của Chúa mới mang bình an thật đến cho tâm hồn bạn thôi. Đi với Chúa Giêsu là đi trong bình an, dù là đi giữa bão tố của cuộc đời. Hãy tin tưởng vào Chúa luôn luôn trong mọi hoàn cảnh nhé.

LẮNG NGHE: CHÚA là sức mạnh của dân CHÚA, là thành trì cứu độ

cho Đấng Người đã xức dầu tấn phong. Lạy CHÚA, xin cứu độ dân Ngài, trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả dẫn dắt nâng niu đến muôn đời. (Tv 54:6,8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ở lại với con khi bóng tối đang vây phủ con, buông tay Chúa ra con biết trông cậy vào ai? Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.

THỰC HÀNH: Mời Chúa vào những khó khăn đau khổ đang đến với bạn trong lúc này.

From: Do Dzung

Ở LẠI VỚI CON – NGUYỄN HỒNG ÂN