Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú ? Truyen ngan

Nghệ Lâm Hồng

Khoảng 5h sáng ngày 25/10 tại sân bay Tân Sơn Nhất, một người phụ nữ làm thủ tục ở quầy vé. Nhìn là biết người nghèo vì áo quần cũ kỹ, mặt mày hốc hác, tiều tụy; đã vậy lại còn thấp bé, chỉ độ 1,5m.

Với thái độ khẩn cầu, chị xin được đổi giờ bay chuyến 6g, nhưng chuyến bay đã hết vé, chỉ còn hạng thương gia.

Muốn đổi vé, chị phải bù thêm 1,5 triệu đồng.

Những người xung quanh nhìn một người phụ nữ tiều tụy, nghèo khổ ấy lục túi lấy tiền, những đồng tiền chẵn lẻ khác nhau chứng tỏ được thu gom theo kiểu bỏ ống, nhưng cũng đủ để bù giá vé.

Ai cũng ngạc nhiên khi thấy chị quyết định không chút đắn đo, có người còn cười cợt vì cho rằng nghèo mà “chơi leo”.

Hầu như chị không quan tâm đến thái độ, ánh nhìn của những người xung quanh; với chị, được đổi giờ bay sớm hơn là quan trọng nhất.

Nam nhân viên giám sát mặt đất như muốn xác định lại:

“Chị mua vé hạng thương gia cơ à?”.

Chị đáp lại:

“Dạ vâng! Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”.

Những người xung quanh nghe câu nói của chị đều lặng ngắt và thực sự chia sẻ.

Có thể chị không hề biết hạng thương gia là gì, và chị cũng không bận tâm khi phải thêm số tiền không nhỏ đối với chị, để chỉ về với mẹ sớm hơn một giờ. Một giờ thôi nhưng quý báu vô cùng.

Dù chị không kể ra, nhưng ai cũng có thể hiểu chị là công nhân hoặc là người tha phương kiếm sống. Cuộc mưu sinh và cái nghèo không cho chị có cơ hội bên mẹ những ngày đau yếu, chỉ khi tử biệt sinh ly mới tất tả chạy về.

“Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?” – một câu nói chứa đựng nỗi đau và cũng là sự uất hận của người con không gặp mặt mẹ trước khi mẹ qua đời.

Câu chuyện lên đến cao trào cảm xúc ở đoạn sau.

Nam nhân viên sau khi nghe chị nói đã chạy đi một lát rồi quay trở lại.

Anh nói: “Em đổi vé xong rồi, chị đi đi nhé. Không phải bù thêm tiền bạc gì đâu”. Ngay sau đó, một nữ nhân viên khác gửi lại cho chị 1,5 triệu đồng.

Không ai biết nam nhân viên ấy đã làm cách gì để giúp chị.

Có thể anh đã trình bày hoàn cảnh của chị với người có trách nhiệm cao hơn, và mọi người đã nhanh chóng xử lý, chuyển chị lên hạng thương gia nhưng không thu tiền.

Dù cách gì thì cũng đã có một kết thúc rất đẹp.

Rất cảm ơn những tấm lòng nhân hậu, đã làm cho cuộc sống đáng yêu hơn.

Đây là câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Thật tự hào về truyền thống tương thân tương ái của người Việt và xin chia buồn với sự mất mát của chị!

XIN MỌI NGƯỜI HÃY CHIA SẺ VÌ XH CÒN BIẾT BAO NHIÊU NGƯỜI CẦN SỰ GIÚP ĐỠ NHƯ CHỊ:

“ Mở lòng nhân sinh ra vạn phúc,

Phúc hẹp hòi phúc bất kỳ nhân”

Theo internet.


 

ÁM ẢNH – bài của fb Kieu Duong – Truyen ngan

Nghệ Lâm Hồng

(bài của fb Kieu Duong)

Bức ảnh này là một sự ám ảnh kỳ quặc đối với tôi bao năm qua. Thời gian đó tôi ở Nhà Bè, sau này tách ra một phần thành quận 7.

Đó là thời gian gia đình tôi bốn người sống trong căn nhà lá ở đường số 10, xã Tân Qui Đông. Trước mặt nhà, cách một cái ao nhỏ là một cái đầm lúc nào cũng mênh mông nước. Rau muống mọc tự nhiên khắp nơi, loại rau muống cọng hơi cứng, màu đỏ. Thú thật chẳng bao giờ tôi dám hái vì chung quanh cái đầm đó toàn là … cầu tỏm. Những năm đó mưa ngập lụt cả một vùng quanh nơi tôi sống. Mỗi lần ra khỏi nhà là cả một vấn đề: quần xắn lên cao, giày dép bỏ lên xe, đẩy xe ra khỏi vùng nước lúp súp.

Năm đó, tôi phải ở nhà chăm sóc má chồng tôi và đứa con gái nhỏ mới mười tháng tuổi. Ông xã tôi lúc đó đang lám báo PL cùng lúc cộng tác với báo TT.

Trong một lần đi làm, ông xã bị xe tông trúng mắt cá, phải nằm một chỗ. Má chồng bệnh, con còn nhỏ, giờ chồng không đi làm được. hàng ngày tôi phải vừa lo việc nhà vừa chăm sóc mẹ chồng, chồng và con gái nhỏ.

Đến khi tôi thấy ông xã bớt đau nhức, tôi nói ổng viết bài, tôi sẽ mang đến báo gửi, và nhận tiển nhuận bút để xoay sở việc sinh nhai.

Một buổi sáng tôi chạy gửi bài sớm. Lúc trở về ngang cầu Khánh Hội cũ, tôi đã nhìn thấy bà cụ bán rau (ảnh đính kèm, bức ảnh này tình cờ tôi thấy trên mạng, giật mình đó đúng là bà cụ tôi vẫn gặp). Đôi gióng được làm bằng sợi kẽm to với chiếc đòn gánh to đặt bên lối đi dành cho người đi bộ. Nhìn dáng bà ngồi, chiếc lưng cong như không thể cong hơn được nữa làm tôi nhớ tới bà ngoại tôi cũng lưng còng như vậy nhưng lúc noại già vẫn có con cháu lo lắng, chăm sóc. Tôi tự hỏi con cháu bà đâu, sao để bà gồng gánh đi bán rau, những mớ rau đó chắc cũng do chính bà cắt hái từ ao quanh nhà bà.

Hai chiếc thau nhôm đặt lọt thỏm trong chiếc gióng với vài bó rau. Bà ngồi đó im lặng không nói gì, chỉ nhờ vào lòng hảo tâm của người qua đường mua giúp mấy mớ rau. Bà ngồi trên cầu như một bức tượng đài về nỗi thống khổ của con người.

Từ đó về sau, mỗi lần đi ngang qua cầu Khánh Hội, tôi hay đưa mắt nhìn, tìm kiếm bà dù không biết để làm gì.

Tôi không thể mua rau, vì chỗ tôi ở ngập nước rau mọc tùm lum tôi còn không hái. Tôi cũng không thể giúp gì được vì tôi cũng đang lâm vào cảnh khốn khó. Tôi phải tự lo, chẳng kêu gào ai giúp đỡ cả. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng về nhà, nơi đó có ba con người đang chờ tôi về. Gần hai tháng sau, ông xã tôi mới tự đi xe, đi làm lại. Tôi ít ra ngoài hẳn…

Đến lúc có dịp đi thì không thấy bà cụ bán rau bên cầu Khánh Hội, nghe nói bà cụ đã qua đời. Tôi thoáng bâng khuâng, nhớ bà, nhớ những mảnh đời bất hạnh khác như ông đạp xích lô già hơn bảy mươi gầy tong teo vẫn phải oằn lưng chở người kiếm sống, rồi nhớ lại trước đây có lần tôi nhờ người chở hàng cho chủ, lúc lên dốc cầu tôi phải xuống xe đẩy phụ xe qua dốc cầu …

Rồi tôi nhớ về hoàn cảnh của mình, tôi bỗng trở nên “sến” khi nhớ đến câu hát trong bài bolero “Thói đời’: “Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người…”.

Bao con người khốn khổ mà tôi gặp có phải là người không? Hình ảnh bà cụ ngồi bên thành cầu Khánh Hội cũ theo tôi cả cuộc đời như một nỗi day dứt về sự dửng dưng của con người với nhau.


 

ĐẤU TRANH VỚI BẢN THÂN- Truyen ngan HAY

Nghệ Lâm Hồng

Một người đàn ông đến ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Khi đếm lại số tiền nhận được, anh ta hơi sững lại. Thay vì 120.000 rupee (đơn vị tiền tệ của Ấn Độ, tương đương khoảng 36 triệu VNĐ) và trên giấy tờ cũng đã ghi nhận con số này, nhưng có lẽ giao dịch viên đã nhầm nên đã đưa cho anh ta tới 140.000 rupee (khoảng 42 triệu VNĐ). Thế nhưng, khi người đàn ông liếc nhìn giao dịch viên thì thấy người này không có biểu hiện gì là đã nhận ra sai sót, còn lịch sự chào anh. Thấy vậy, người đàn ông đã lẳng lặng cho tiền vào túi, rời đi trong im lặng.

Vừa đi, anh ta vừa nghĩ, cái ngân hàng này lớn như vậy, mất có 20.000 rupee thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động của họ. Mà có phải do anh cố tình đâu. Đây là sai sót của họ mà, họ chẳng có lý do gì để kiện tụng hay làm khó anh cả. Từ trước đến nay, anh cũng thi thoảng trả nhầm tiền cho người khác, nhưng có ai đến tìm anh để trả lại đâu. Vì sao anh phải trả lại tiền cho ngân hàng. Cứ như thế, người đàn ông đã nghĩ ra đủ thứ lý do cho việc “ỉm” số tiền trả thừa của ngân hàng.

Song càng đi, càng về gần đến nhà, người đàn ông lại nhớ đến nụ cười lịch sự của giao dịch viên. Anh ta rất tử tế, hòa nhã và còn cảm ơn lúc anh rời đi nữa mà chẳng hề hay biết chuyện gì đang xảy ra. Không biết anh ta có phải đền số tiền này cho ngân hàng không nhỉ? Người đàn ông bắt đầu cảm thấy hơi có lỗi. Hai mươi ngàn rupee không phải số tiền quá lớn, nhưng cũng chẳng phải số tiền nhỏ. Nó có thể là thu nhập một tháng của bất kỳ người dân nào. Chẳng phải anh đang lợi dụng sai lầm của người khác ư?

Vậy là người đàn ông bắt đầu bồn chồn, mồ hôi túa ra khi đấu tranh tư tưởng có nên giữ số tiền đó hay không. Anh cảm thấy hơi khó thở. Rồi cuối cùng, anh nhìn đồng hồ, chỉ còn 1 tiếng nữa là ngân hàng đóng cửa và quyết định đem 20.000 rupee quay lại. Chỉ đến lúc này, sự căng thẳng trong anh mới bắt đầu giảm đi.

Khi nhận xong số tiền thừa từ người đàn ông, anh chàng giao dịch viên mới bắt đầu thở phào và cảm ơn anh rối rít. Anh ta lấy 1000 rupee từ trong túi của mình để cảm ơn người đàn ông và nói: “Cảm ơn anh rất nhiều. Hôm nay anh đã giúp tôi 1 việc lớn đấy. Tôi đang lo sẽ phải bù tiền lương của mình vào chỗ tiền bị nhầm lẫn. Thật hiếm có người nào trung thực như anh. Anh hãy nhận số tiền ít ỏi này của tôi thay cho lời cảm ơn và mua bánh kẹo cho các con của anh nhé”.

Người đàn ông nghe những lời nói này, vừa xúc động vừa lại có chút hổ thẹn. Chẳng phải ban đầu, anh đã định ỉm đi hay sao? May mắn là cuối cùng, lương tâm của anh đã chiến thắng. “Thực ra tôi mới là người phải cảm ơn anh đấy. Lẽ ra tôi mới là người phải tặng anh số tiền này. Vì thế, tôi xin phép không nhận món quà của anh”, người đàn ông từ tốn đáp.

Giao dịch viên lấy làm lạ, mới hỏi lại vị khách tại sao lại nói thế. “Hai mươi ngàn rupee anh trao nhầm đã cho tôi cơ hội được tự đánh giá bản thân mình. Nếu không có sự nhầm lẫn của anh, tôi sẽ không biết việc chiến đấu với lòng tham của bản thân lại khó khăn đến thế. Tôi đã mất hàng giờ để suy nghĩ, để đấu tranh tư tưởng, và may mắn là, cuối cùng tôi đã làm đúng. Tôi đã vượt qua được sự tham lam, ích kỷ để chiến thắng và giữ được sự trung thực. Đây đúng là 1 cơ hội hiếm có. Vì thế, người tôi muốn cảm ơn là anh”, người đàn ông thú nhận.

Cre: Cafebiz


 

  Tình phụ tử – Truyện ngắn HAY

Qua vụ cháy rừng ở Altadena, mình đã được nghe một câu chuyện về tình phụ tử khiến lòng không khỏi nghẹn ngào và muốn chia sẻ với mọi người.

Trong cơn giận dữ của ngọn lửa Eaton tại Altadena, California, một người cha và con trai đã ở bên nhau đến giây phút cuối cùng. Anthony Mitchell, 68 tuổi, người cha gắn bó với xe lăn sau khi mất một chân, và Justin, 32 tuổi, con trai ông, người không thể tự rời khỏi giường vì căn bệnh bại não. Giữa ngọn lửa tàn khốc, tình cha con là ánh sáng cuối cùng giữa bóng tối bao trùm.

Sáng hôm ấy, ông Mitchell gọi cho con gái mình, Hajime White, để báo rằng ông đã yêu cầu trợ giúp và đang chờ xe cứu thương đến. Giọng ông vẫn trầm ấm, đầy trách nhiệm như mọi khi:

“Cha ổn. Cha đã gọi rồi. Con đừng lo.”

Nhưng khi ông nhìn qua cửa sổ và thấy những tia lửa đầu tiên trong sân, sự lo lắng xuất hiện trong giọng nói:

“Baby, cha phải dừng máy. Lửa vào sân rồi.”

Ông Mitchell, một người cha giàu nghị lực, chưa bao giờ để hoàn cảnh khuất phục. Trước mặt con, ông luôn là bức tường thành vững chãi. Dù đã mất đi một phần cơ thể, ông vẫn tận tụy chăm sóc Justin, đứa con trai yếu ớt mà ông coi là báu vật cuộc đời.

Justin không nói được nhiều, nhưng mỗi lần ai đó hỏi muốn gì, câu trả lời luôn là “Amazon”. Anh yêu sách, báo, và thích đọc chúng cùng cha mình. Hai cha con thường ngồi bên nhau, lặng lẽ, chia sẻ từng trang báo như cách họ chia sẻ cuộc sống – bình dị nhưng đầy ý nghĩa.

“Cha sẽ không rời con”

Khi ngọn lửa áp sát, Justin nói với cha trong tuyệt vọng:

“Cha, cha hãy đi đi.”

Nhưng ông Mitchell không bao giờ rời xa con trai mình. Ông trả lời dứt khoát, không chút do dự:

“Cha sẽ không rời con. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua.”

Đó không chỉ là lời hứa mà còn là bản chất của ông – một người cha sẵn sàng hy sinh tất cả vì con.

Dù biết không thể tự mình chống chọi với ngọn lửa, ông Mitchell vẫn giữ niềm tin rằng sự cứu giúp sẽ đến. Ông nói với con gái:

“Họ sẽ đến. Họ sẽ đưa cha và Justin đi. Hy vọng họ sẽ đến kịp.”

Nhưng không ai đến. Ngọn lửa lan nhanh hơn mọi nỗ lực cứu hộ, và đêm đó, cả hai cha con được tìm thấy đã tử vong. Justin nằm trên giường, còn ông Mitchell ở gần đó, như thể vẫn đang che chở cho con trai mình.

Câu chuyện của Anthony Mitchell là một minh chứng mạnh mẽ cho tình yêu của người cha. Ông không có siêu năng lực, không thể chống lại thiên tai, nhưng ông có trái tim lớn lao, đủ sức mạnh để đứng cạnh con trai mình đến phút cuối cùng.

Ngọn lửa có thể thiêu rụi mọi thứ, nhưng tình cha không bao giờ bị dập tắt. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Anthony Mitchell đã chứng minh rằng tình yêu có thể vượt qua cả sự sợ hãi và cái chết

From: Huu Loi Tran & NguyenNThu


 

GẶP LẠI THẰNG BẠN CŨ CHĂN BÒ-Truyện ngắn HAY

Tình cờ, tôi gặp lại thằng bạn cùng học lớp vỡ lòng ở quê, sau hơn 50 năm. Hắn khoe:

– Ngày xưa mi chê tau là thằng ba nhất:

Học dốt nhất.

Nhiều tuổi nhất.

Xấu trai nhất.

Bây giờ mi cải chính đi, vẫn ba nhất, nhưng là ba nhất của ngày nay:

Giàu nhất.

Quan to nhất.

Học vị cao nhất.

Hắn nói đúng. Cả lớp vỡ lòng ngày xưa của chúng tôi, hiện nay không có ai bằng hắn. Hắn khoe tiếp:

– Tau là Tiến sĩ.

Trời đất. Nếu hắn nói là hắn có nhiều tiền, làm quan to tôi chẳng lạ, đằng này, hắn học cực dốt, đúp lên đúp xuống, đúp hết tiêu chuẩn học đúp vẫn không lấy nổi cái bằng tốt nghiệp cấp 1 phổ thông mà là Tiến sĩ. Trong khi tôi đang trố mắt ngạc nhiên, hắn cười:

– Đi uống rượu với tau.

Tôi chưa kịp phản đối, hắn đã kéo tôi lên cái xe ô tô con bóng nhoáng, khoe:

– Tau mới lấy con ni, 10 tỷ.

Vào nhà hàng, hắn chủ động gọi đủ thứ, nào tôm hùm, vi cá mập, chân gấu, rượu tây…

Hắn vốn quen ăn sang, ngoài ra, hắn muốn trả ơn cho những lần tôi cho hắn coppi bài kiểm tra những năm cùng học lớp một. Tôi hỏi hắn:

–  Mi mua bằng Tiến sĩ mấy tỷ?

Hắn cười:

– Bằng xịn, thật 100%.

Thấy tôi ngạc nhiên, hắn cười:

– Có gì mà ngạc nhiên, tau nói mi nghe. Thôi học trường phổ thông, tau làm thằng đội trưởng đội thiếu niên, sau đó làm xã đoàn. Bố tau đưa tau lên làm huyện đoàn, rồi lên tỉnh đoàn, bây giờ tau làm bên chính quyền.

Tau học bổ túc văn hóa một tối 2 tiết, 1 năm 3 lớp, lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa, thằng nào thi cũng đỗ. Bố tau cử tau học đại học dự bị một năm, năm sau vào học đại học chính qui dài hạn như bọn mi.

Tau là đảng viên, làm lớp trưởng, khoa xây dựng tau làm “Con chim đầu đàn”. Chẳng thầy mô cô mô dám cho thằng đảng viên, lớp trưởng hay con “Chim đầu đàn” điểm thấp.

Ra trường, về cơ quan cũ, làm việc cũ. Bố tau cử tau đi học Nghiên cứu sinh. Nói là học, tau chỉ ở trường một năm không nhiều hơn 30 ngày.

Sau 3 năm, bảo vệ luận án, nhận bằng “tiến sĩ”

Tôi hỏi hắn:

– Hiện ni mi nghiên cứu cái chi?

Hắn cười:

– Học dốt như tau thì nghiên cứu cái chi. Vấn đề là quan ngày xưa “tiến sĩ”, quan ngày nay cũng “tiến sĩ”, chẳng nhẽ để quan ngày nay thua quan ngày xưa?

Tôi đã vỡ nhẽ. Có con đường tắt thênh thang cho những thằng như hắn, đó là các lớp “bổ túc văn hóa”, “đại học dự bị”,  học “nghiên cứu sinh nhận bằng tiến sĩ”…

Và bây giờ Thủ tướng Chính phủ đang có Chương trình tinh giảm biên chế, và những thằng Tiến sỹ như hắn chắc chắn sẽ không phải là đối tượng phải tinh giảm rồi.

Hắn cũng biết “tiến sĩ” ngày xưa khác “tiến sĩ” ngày nay, “tiến sĩ” ngày xưa là người giỏi nhất nước, “tiến sĩ” ngày nay như hắn là thằng học dốt nhất làng.

Thấy tôi trầm tư, hắn lấy chén rượu đã được nhân viên phục vụ rót, đưa một chén đưa cho tôi, một chén cho hắn, hắn cười đắc chí:

– Trăm phần trăm, cụng cái mi.

Tôi cụng li với hắn, dù sao chúng tôi cũng đã từng có những ngày xưa thân ái, những ngày cùng đi chăn bò và thầm nghĩ ” Đến bao giờ đất nước này mới thực sự khá được lên”.

 From: haiphuoc47 & NguyenNThu

LỄ BỎ MẢ – Tác giả Phạm Thành Châu -Truyen ngan Hay


Tác giả Phạm thành Châu hắn cũng đọc được nhiều chuyện hay, những chuyện tình của ông đều nâng niu những nhân vật chung tình cả nam lẫn nữ vì thế chuyện tình ông viết đẹp và cao thượng, hiền lành giản dị.

Câu chuyện của ông lần này giữa người đàn ông kinh và cô gái thượng mà ta thường gọi là đồng bào sắc tộc nơi tỉnh Thừa Thiên, hình như nơi nào có núi rừng, cao nguyên là nơi ấy có đồng bào thiểu số, mỗi nơi là một sắc tộc khác nhau, cả ngôn ngữ giữa hai nơi cũng có phần khác biệt, mỗi vùng lại có phong tục, tập quán riêng hắn cũng sống gần 4 năm trên núi rừng, nơi hắn làm việc có sắc tộc Stieng, là những người răng cà sát nướu, trái tai được đeo bằng những miếng sừng hay kim loại tròn, hắn thấy có khi họ nong bằng sừng đường kính có đến 4 cm, họ nong lớn dần đến khi nào làm đứt trái trai,lúc đó họ cúng bái ăn mừng như là mừng tuổi thọ như tính thời gian sống bằng cách này. Những người sắc tộc này thường mang họ Y hay họ Điểu.

“Lễ bỏ mả” tác giả đưa lên là tập tục nơi ấp Tà Ràu thuộc tỉnh Thừa Thiên, chắc cũng là gốc người Chàm, hắn cũng mới biết. Những người Stieng nơi hắn có tiếp xúc thấy khi họ chết, tài sản họ đem theo là những “chóe” giống như những chiếc độc bình, càng nhiều, càng to thì chứng tỏ họ càng có nhiều của.

Những chiếc chóe này như theo họ xuống dưới nên khi cúng bái xong họ thọc cho vỡ đáy để không ai lấy trộm.

Hắn gởi các bác xem một phong tục người thượng du Trung phần.

Ara

**********************************

LỄ BỎ MẢ

Phạm Thành Châu

Posted by GLN

Câu chuyện tôi kể dưới đây bắt đầu khi tôi học năm thứ hai ban Anh Văn ở Ðại Học Văn Khoa Huế. Tôi có khiếu về sinh ngữ nên việc học của tôi không mấy khó khăn. Nhưng học mà không thực hành thì khó kết quả. Như môn Anh Văn đa số viết và đọc rất giỏi nhưng nghe và nói, thật vất vả. Nhân dịp Tổng Hội Sinh Viên Huế làm công tác xã hội ở một ấp đồng bào thiểu số, tôi làm quen với một mục sư người Mỹ đang phụ trách truyền giáo ở đó. Tôi đề nghị được giúp ông trong việc phân phối phẩm vật cứu trợ cho đồng bào, thế là tôi có một chỗ thực tập tiếng Anh ngon lành.

Ở tỉnh Thừa Thiên đồng bào sắc tộc chỉ có hai ấp Tà Rầu 1 và Tà Rầu 2 thuộc quận Nam Hòa, phía tây của tỉnh, cách Huế độ mười cây số. Vùng nầy tập trung các lăng tẩm và thắng cảnh đẹp nhất Huế. Ðịa giới  quận bao gồm một phần dãy Trường Sơn với các địa danh A Sao, A Lưới, các căn cứ Bastogne, Birmingham. Cả một vùng rừng núi mênh mông đó đã thành hoang địa vì thuốc khai quang, chỉ phần đất thuộc chính quyền kiểm soát còn giữ được nguyên trạng. Hai ấp của người thiểu số nằm hai bên bờ sông Hương. Ấp Tà Rầu 1 nằm cạnh lăng Minh Mạng phía tả ngạn. Ấp Tà Rầu 2 nằm gần đồi Vọng Cảnh phía hữu ngạn. Theo tôi biết thì trước đây, số đồng bào nầy ở trong rừng sâu, để tránh bom đạn họ chạy đến vùng Quốc Gia và được tạm cư ở đây. Mỗi ấp gồm bốn dãy nhà lợp tôn vách ván. Mỗi gia đình được chia một ngăn. Vì quen sống đơn giản, họ chẳng quan tâm  đến tiện nghi. Có điều, bỏ họ vào sống chung với đồng bào kinh, họ hoàn toàn lạc lõng. Mà dù họ muốn sống như đồng bào kinh cũng không được. Họ không có đất để trồng trọt, chăn nuôi. Cho nên cứ mỗi buổi sáng, theo thói quen, đàn ông móc chà gạt trên vai, miệng ngậm ống vố, lang thang, nghiêng ngó đó đây, rồi lần mò trong bờ, bụi, bắt chuột, rắn, ếch, nhái về nướng làm mồi uống rượu. Riêng đám thanh niên trai tráng đều đi biệt kích Mỹ. Mỗi tháng đến kỳ lương, họ về với gia đình. Bất kỳ đang ở đâu, trong đồn hay trên đường hành quân, hễ nhận được lương là họ bỏ mặc, kéo nhau về nhà, mua rượu, gà, chè chén say sưa cho đến sạch túi mới vác súng về lại đơn vị.

Nhiệm vụ tôi là mỗi sáng thứ bảy đến hội thánh chuyển phẩm vật cứu trợ lên xe, đến nơi đem xuống. Ðồng bào, theo lệ thường đã tập trung sẵn trước sân, ngồi nghe giảng đạo xong, lên nhận quà, thường là những gói “bột dẹp”, “bột xếp”, sữa bột, gạo, đôi khi có cả áo quần, đồ hộp nữa. Ðể dễ thuyết phục đồng bào, ông mục sư học tiếng thượng, tôi cũng học theo ông. Người cán bộ của ty Phát Triển Sắc Tộc dạy rất tận tình nên chúng tôi tiến bộ nhanh. Từ khi ông giảng kinh thánh bằng tiếng thượng, đồng bào rất thích thú, nghe chăm chú hơn. Riêng tôi những lúc đó thường ra góc sân với lũ trẻ bập bẹ chuyện trò.

Tượng nhà mồ được dựng phục vụ cho Lễ bỏ mả (Ảnh: Hồ Xuân Toản)

Một lần, cũng vào giờ giảng kinh, tôi lang thang đến các dãy nhà của đồng bào. Mọi người đều tập trung cả trước sân nên vắng ngắt. Lúc đến gần cuối dãy, tôi chợt thấy một cô bé thò đầu ra cửa sổ nhìn tôi và cười. Tuổi em độ mười hai, mười ba, có đôi mắt đen nhánh, miệng rất tươi, tóc em đen rẽ qua hai bên tai để lộ vầng trán cao và đôi lông mày đậm và dài. Trông em cùng cỡ với một em học lớp đệ thất trung học. Giá như em đi học, có lẽ em là hình ảnh nhí nhảnh, trong sáng nhất trường. Khi tôi đến gần, định hỏi chuyện thì em biến mất sau khung cửa sổ. Tôi ngạc nhiên, sao giờ nầy em lại ở đây, cửa chính lại đóng kín? Tôi tảng lờ đi quá cuối dãy rồi từ từ quay lên nhưng phía đối diện nhà em. Tôi liếc qua, thấy em đã nhô đầu lên chỉ vừa tầm đôi mắt nhìn tôi. Tôi cười với em. Mắt em sáng rực, đuôi mi kéo dài ra, rạng rỡ. Tôi biết em cũng đang cười. Tôi ra dấu rằng tôi sẽ đến gần em, em lắc đầu. Tôi lại ra dấu em ra với tôi, em cũng lắc đầu. Tôi thấy có gì bất thường. Em bị tật nguyền hay em không thích chỗ đông người? Tôi quay về nhưng đôi mắt vẫn còn làm tôi xao xuyến. Người thiểu số, nhất là phái nữ có đôi mắt rất đẹp, đen láy và đoan chính. Cả khi họ để ngực trần và nếu ta nhìn vào đôi mắt họ, tự nhiên lòng ta như được rửa sạch những ý nghĩ vẫn đục, những ham muốn thấp hèn.

Những buổi gặp gỡ và nói chuyện câm như thế kéo dài được vài tháng. Ngày thường, thỉnh thoảng tôi có vào ấp của em để liên hệ với trưởng ấp những việc linh tinh mà vị mục sư nhờ tôi. Những lúc đó em có nhìn tôi nhưng vờ như không quen biết.
Môt buổi sáng đi ngang qua đồi Vọng Cảnh, lúc cho xe xuống giốc cầu, tôi chợt thấy một toán phụ nữ sắc tộc đang bì bõm dưới giòng nước để bắt ốc, hái rau gì đó. Chỉ nhìn thoáng qua, tôi biết ngay có em vì dáng em rất gầy và mái tóc kiểu học trò đó không lẫn được với ai cả. Tôi vội dựng xe gắn máy và lần xuống bờ suối. Hình như nhận ra tôi nên em chậm lại để đi sau cùng. Em mặc một quần đùi màu đen, ống dài quá gối và một chiếc áo hoa rộng thùng thình, đó là đồ cứu trợ do các hội thiện cấp phát. Khi tôi đến gần, em đứng thẳng người nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt đen sâu thẩm sáng lên một nụ cười ngây thơ, hoan hỉ. Hình ảnh đó, suốt đời vẫn còn trong tôi. Tôi cũng vui mừng được gặp em, người bạn nhỏ bé. Tôi tiến xuống bờ suối định chào hỏi thì em lắc đầu và chạy băng lên phía trước. Tiếng chân em bì bõm khiến những người đàn bà quay lại. Họ giăng tay ra cản tôi. Tôi bảo.

– Tôi muốn nói chuyện với em bé kia được không?

Họ lắc đầu vừa nói vừa ra dấu.

– Không được, nó sẽ bị đánh vào đầu, vào người. Mầy đi đi!
Tôi dừng lại và hiểu lờ mờ rằng nếu tôi tiếp xúc với em, em sẽ gặp chuyện không may. Tôi quay lên, đứng nấp vào một bụi cây. Em đi chậm lại và dõi mắt lên cầu như tìm kiếm. Tôi bước ra khỏi bụi cây cho em thấy rõ. Em nhìn tôi và cười. Nụ cười và ánh mắt em như tràn ngập nổi buồn của lưu luyến và tuyệt vọng. Tôi vẫy tay, em cũng vừa thụt lùi vừa vẫy tay rồi vụt chạy đi.
Hôm đó, như thường lệ, đồng bào ở cả trước sân với vị mục sư, tôi lẻn ra đi qua căn nhà của em. Cửa chính vẫn đóng, cửa sổ vẫn mở, nhưng không thấy em đâu. Tôi đi qua, lại mấy lần vẫn thế, cuối cùng tôi đi thẳng đến cửa sổ và nhìn vào trong. Tôi bàng hoàng, không tin ở mắt mình. Em đã bị lột trần, chỉ còn chiếc quần đùi. Hai tay, hai chân bị trói chặt vào chân giường. em ngồi gục đầu trong hai cánh tay bị treo lên. Người em ốm tong, thấy rõ cả dãy xương sườn bên hông với những vết hằn đỏ bầm, rớm máu. Em xây lưng ra ngoài, hai chân bị trói cố co lên che lấy ngực nhưng vẫn để lộ ra chiếc vú nhỏ xíu như nửa trái chanh. Tôi gọi nho nhỏ “Em, em!” Em nghe thấy nhưng lắc đầu và vẫn giấu đầu với mái tóc lòa xòa vào giữa hai cánh tay. Rồi đôi vai em bỗng rung động mạnh, tiếng nức nở bị kìm chặt giữa hai hàm răng nghe rên rỉ, tức tưởi. Tôi quay lại, lên xe gắn máy, chạy thẳng ra trụ sở xã. Ông xã trưởng đang bàn chuyện gì đó với một anh cảnh sát và vài người nữa. Tôi xin lỗi họ và trình bày.

– Tôi thấy trong ấp Tà Rầu có một em bé bị trói tay chân vào giường, qúi ông phải giải cứu nó ra chứ.

Tôi chưa dứt lời, ông xã trưởng đã bảo.
– Chúng tôi đang nói chuyện đó, đó.

– Nhưng chính quyền phải can thiệp…

– Cậu ngồi xuống đây, rồi ông cảnh sát giải thích cho cậu nghe. Chuyện nầy đâu phải xảy ra lần đầu. Hôm qua tôi có nghe ông trưởng ấp báo cáo rồi, tôi đã cho người lên mời Ty Sắc Tộc xuống giải quyết, họ hẹn sáng nay đến nên chúng tôi phải ngồi chờ đây, chứ thứ bảy ai mà làm việc. Nhờ ông cảnh sát  giải thích cho cậu đây rõ.

Anh cảnh sát rót cho tôi tách trà rồi nhẫn nha nói.

– Anh làm bên hội thánh phải không? Ông mục sư cũng biết chuyện nầy rồi. Ai cũng biết, chỉ có anh chưa rõ thôi. Nó rắc rối ở chỗ đó tục lệ của đồng bào thiểu số mà luật pháp mình không áp dụng được. Ép nó, nó quậy lên, chẳng hại gì mình nhưng đồng bào bị vạ lây.

Tôi sốt ruột.

– Nhưng dù tục lệ gì cũng phải cởi trói cho người ta chứ!

– Năm kia, ông quận có xuống cởi trói cho con nhỏ, mấy bữa sau bị đau sao đó. Nghe đồn bị thư bùa ngãi, bụng bị sưng lên, phải ra ngoài Hương Hóa, Quảng Trị rước thầy ngãi về trị mới khỏi.
– Nhưng nó là ai mà ngang ngược như thế?

– Là ai? Chồng con nhỏ đó chứ ai!

– Trời đất!

– Năm kia, con người ta mới mười một tuổi mà nó đòi ngủ, con nhỏ nửa đêm vùng bỏ chạy, la khóc. Nó lôi vô lột áo quần, trói ở chân giường mấy ngày, bỏ đói, bỏ khát. Ông quận xuống xử, nó không chịu, ông phải đích thân cởi trói, đem con nhỏ gửi nhà khác, nhưng không ai dám nhận, sợ nó thư bùa ngải. Cuối cùng phải năn nỉ, giải thích cho nó biết là con nhỏ còn con nít, phải chờ đủ mười ba tuổi mới được. Năm nay con nhỏ vừa đủ mười ba, nó lại giở trò cũ. Nó trói lại đánh đập cách nào con nhỏ cũng không chịu. Chẳng biết lát nữa Ty Sắc Tộc xuống giải quyết thế nào đây?!

– Nhưng muốn có vợ thì thiếu khối gì đàn bà, con gái lớn tuổi, sao lại nhè đứa con nít. Nói đồng bào trong ấp cưới cho nó con vợ.
– Nó cũng có vợ đấy chứ. Vợ nó là chị con nhỏ kia.

Tôi ngớ ra, chẳng hiểu gì cả. Anh cảnh sát cười.

– Bây giờ rãnh rỗi, tôi tóm tắt cho anh nghe. Gia đình con nhỏ đó có ba chị em. Hai con chị đã lớn chỉ có con út nầy còn nhỏ thôi. Chị lớn nó có chồng  đang ở bên Tà Rầu một, con chị kế có chồng là thằng cô hồn dịch vật đang nói đây. Lâu rồi, lúc còn ở trong buôn sóc ở trong A Sao, A Lưới kia, ông già của ba cô gái nầy chết, nhà nghèo quá, không có trâu, gà, chiêng, cồng để cúng Yang, làm ma chay đãi làng. Thằng rễ cô hồn nầy mới mua cô út bằng mấy trâu gà gì đó về làm vợ. Vậy là nó có hai vợ, một đứa lớn và một đứa năm bảy tuổi. Nghe nói trong buôn nó là đứa quyền hành, giàu có kiểu như cường hào, ác bá vậy, Bây giờ ở đây, nó không làm gì nhưng ai cũng sợ nó, cả đến đồng bào kinh cũng không dám rây vào. Chính quyền cũng chịu thua, chẳng có cách nào trừng trị nó cả.

– Dù sao cũng phải cứu em nhỏ ra. Ðể vậy nó bỏ đói, đánh đập riết, em chắc chết.

– Ðể chờ Ty Sắc Tộc xuống xem sao.Năm kia, đem ra xử, nó nói con chị lớn muốn bắt em lại phải trả đủ trâu bò, chiêng cồng gì đó. Mà tiền đâu chị nó chuộc em ra.

Một ý nghĩ thoáng trong đầu, tôi hỏi tên em nhỏ và tên người chị lớn rồi cám ơn, lên xe qua Tà Rầu một. Chị ta phảng phất giống em nên tôi nhận ra ngay. Tôi bảo.

– Này, em của chị là Hrao bị cột chân tay, bị đánh đau, bị đói bụng bên Tà Rầu hai chị biết không?

– Tao biết mà không làm gì được. Nó là vợ thằng K’hiu rồi.

– Nhưng phải cứu Hrao ra, chị không thương Hrao sao?

– Tao thương Hrao đầy một bụng, nhưng không có tiền trả cho nó.
– Nếu tôi đưa tiền cho chị, chị có chuộc được Hrao ra không?

Chị bỗng lôi tuột tôi vào góc nhà, thì thầm.

– Thằng K’hiu nó có cái tai nghe xa lắm. Nó ác như con cọp, con rắn. Nó giết mầy chết. Mầy có tiền muốn mua Hrao phải đưa tiền cho tao. Khi Hrao về nhà tao, mầy đến dẫn về nhà mầy làm vợ, không cho thằng K’hiu biết mầy ở đâu.

– Tôi không có tiền ngay, phải ít hôm nữa. Bây giờ tôi đưa chị qua bên xã, bên đó có nhiều người lắm. Ông xã trưởng, ông cảnh sát, ông sắc tộc làm chứng, khi K’hiu đòi tiền chuộc, chị hỏi nó bao nhiêu rồi cho tôi biết. Chị nhớ hẹn nó ba ngày nữa đưa tiền. Nhớ mời nhiều người đến cho họ thấy chị đưa tiền rồi dẫn Hrao về.

Chị ta mừng rỡ.

– Mầy chở tao qua xã thôi, còn mầy đi đi, đừng cho thằng K’hiu thấy. Tôi đưa chị qua xã rồi về Huế dọ giá chiếc xe gắn máy của tôi. Hôm sau tôi lên hỏi chị và thấy số tiền cũng vào khoảng chiếc xe. Tôi về bán xe đưa tiền cho chị, còn một ít tôi mua chiếc xe đạp.

Một buổi sáng, chờ trong ấp vắng người, tôi đến nhà chị. Chị lại lôi tôi vào sau nhà. Em Hrao đang ngồi nấu gì đấy, ngẩn lên thấy tôi, em đứng dậy, nhìn sửng tôi. Người chị bảo.

– Vợ mầy đó, Hrao ưng mầy lắm. Mầy và Hrao nằm đây.

Chị chỉ chiếc giường rồi đóng các cửa lại và đi ra ngoài. Tôi dìu em Hrao đến bên giường ngồi xuống. Em vòng tay ôm lấy tôi, úp mặt vào ngực tôi yên lặng. Tôi không nghe em khóc nhưng nước mắt thấm ướt cả áo tôi. Em Hrao nhỏ quá, ốm quá. Tôi ôm vai em mà xương vai cộm rõ trong bàn tay tôi. Em vẫn mặc chiếc áo hoa rộng thùng thình như hôm trước, một chiếc váy vải đen thô, dài phủ cả bàn chân, có lẽ là váy của người chị.
– Em được về đây, anh mừng lắm. Anh ngồi với em một lát rồi anh về.
Em ngước nhìn tôi, ngạc nhiên.

– Em không về nhà anh à?

– Không, em vẫn ở đây với chị em, thỉnh thoảng anh ghé thăm em.
– Nó sẽ giết anh, giết em. Nó nói, em nói chuyện với ai, nó sẽ giết hai đứa.

– Anh sẽ ít gặp em, em đừng sợ.

Em vẫn lắc đầu.

– Không. Em là vợ anh mà!

– Anh còn đi học, không có tiền nuôi em, không có nhà để ở. Em còn nhỏ quá, làm vợ chưa được. Em chờ anh hai năm nữa, học xong, anh sẽ đi làm, có tiền cưới em về sống với anh.
Ấp Tà Rầu một nằm cạnh lăng Minh Mạng. Lăng xây trên một ngọn đồi, chung quanh có tường thành bao bọc, lại có những giòng nước, hồ sen. Phụ nữ sắc tộc thường đi dọc các con suối, bắt ốc, hái rau. Họ đi buổi sáng đến trưa thì về. Tôi hẹn với em Hrao mỗi tuần vài ba buổi chiều gặp em ở sau lăng. Em cũng đi hái rau với các bạn. Thấy tôi họ vẫy tay bảo.

– Mầy giữ nó, tụi tao về trước.

Chúng tôi ngồi trên bờ suối, khuất sau những đám cỏ tranh hoang vu. Tôi giở trong xách tay ra một số quà rong. Ít trái cây, bánh và nước lạnh trong chai nhựa. Em Hrao rất thích những trái cây chua như cốc, me, ổi…Với chút muối ớt, đem bao nhiêu em giành ăn hết cả. Chúng tôi vừa ăn quà vừa chuyện trò. Tôi thích hỏi em đủ thứ chuyện để nghe em trả lời một cách ngây thơ, buồn cười. Em xem tôi như người anh đồng thời em dâng tôi thứ bản năng thiết tha, nồng nàn của một người vợ theo như truyền thống của sắc tộc em, đã là vợ khi còn rất trẻ.
Từ ngày em về với người chị, em là con chim sổ lồng. Em như cây hoa được chăm sóc, vun xới và bắt đầu có những nụ hàm tiếu. Em lớn nhanh và nẩy nở đến độ chỉ hơn một năm mà em đã đứng đến vai tôi rồi. Tâm hồn em cũng trưởng thành theo. Những lần gặp nhau, em vui mừng theo cách của một thiếu nữ đến với người yêu. Em thường bạo dạn ngồi sát bên tôi, tựa đầu vào vai tôi yên lặng thật lâu…

Tôi về Hội Thánh lấy một số áo quần vừa tầm cho em. Hôm nào đến hẹn, em mặc áo đẹp ở trong, ngoài khoác một áo cũ. Khi chỉ còn hai chúng tôi ở bờ suối, em cởi áo ngoài, hãnh diện đến trước mặt tôi, nhìn tôi để chờ được khen. Tôi ngắm em sửng sờ.
– Hrao! Em đẹp như tiên.

– Em Hrao chỉ mặc áo đẹp cho anh nhìn thôi, không ai biết em đẹp hết.
Hai mắt em long lanh tuổi dậy thì, má em hồng, ngực em đã nhô cao, phập phồng sức sống, đùi em nở tròn, hằn rõ dưới lần vải. Tôi nhìn thấy và hãnh diện khi nghĩ đến khu rừng trinh nguyên, quí giá đó, trong một ngày trọng đại, tôi và em sẽ cùng nhau khai phá, thưởng thức sự huyền nhiệm của tình yêu vợ chồng. Tôi thường dặn em phải ăn và ngủ thật nhiều để mau lớn. Em vâng lời và khoe với tôi.

– Ở nhà, em Hrao no rồi mà còn ăn nữa, hết buồn ngủ rồi mà còn nhắm mắt ngủ nữa.

Tôi khen em giỏi, em bảo.

– Nhưng khi Hrao về ở với anh, Hrao ít ngủ để anh ngủ nhiều, ít ăn để anh ăn nhiều.

– Ðể làm gì?

– Hrao ra nương rẫy bứt lúa về nấu cho anh ăn no.

Em lúc nào cũng mơ đến một khung trời hoang dã, như con chim rừng cùng bạn đời tung cánh trong cõi tự do, bao la.
Mùa Xuân năm 1975, miền Nam bị tấn công. Dân Huế hoảng hốt chạy cả vào Ðà Nẳng. Năm Mậu Thân kinh hoàng với những vụ thảm sát tập thể khiến cho những người dù không liên hệ đến chính quyền cũng bồng bế nhau chạy giặc. Tôi cũng chạy vào Ðà Nẳng, nhưng mấy hôm sau thành phố cũng bị chiếm nốt. Rồi có thông cáo đồng bào phải trở về quê cũ. Ðáng lẽ tôi về quê ở Quảng Ngãi, nhưng tôi lại ra Huế, định dẫn em Hrao về với gia đình. Cha mẹ tôi chỉ sinh được tôi là con trai nên rất yêu thương. Tôi tin rằng em Hrao sẽ được chấp nhận như một nàng dâu, tuy còn trẻ nhưng xinh đẹp, hiền lành. Tôi về lại nhà trọ trong thành nội vào buổi chiều, qua sáng hôm sau ra đường Trần Hưng Ðạo định đón xe lên Tà Rầu thì bị việt cộng chận bắt. Một tên bạn học trở cờ đã báo cáo tôi là tay sai C.I.A, trực tiếp chỉ huy là vị mục sư Tin Lành. Tôi bị nhốt vào lao Thừa Phủ. Họ đưa giấy bút bắt tôi thành thật khai báo. Viết xong họ không chịu, bắt tôi viết lại, hàng chục lần, nhưng tôi có biết gì về C.I.A đâu! Lúc đầu họ dỗ dành, sau hăm dọa, rồi họ bắt đầu tra tấn tôi, chết đi sống lại mấy lần. Suốt bốn tháng trường, đến khi nghĩ rằng mình không thể sống được, tôi đâm ù lì, bảo họ.

– Cứ giết tôi đi, tôi chẳng có gì để khai cả.

Thế rồi họ thả tôi ra. Tôi về nhà trọ nằm liệt, chỉ còn da với xương. Người chủ nhà rất tốt, săn sóc tôi tận tình. Một thời gian sau đã khá, có thể đi vững, tôi ra đón xe lam lên Tà Rầu tìm em Hrao. Xuống xe ở chợ Tuần, tôi đi đò qua sông Hương, qua ngã lăng Minh Mạng đến ấp Tà Rầu. Tôi đi rất đúng đường, nhưng trước mặt tôi là quả đồi trọc, không còn chút dấu vết gì của đồng bào thiểu số cả! Họ đã đi sạch. Tôi lên đỉnh đồi nhìn quanh, chỉ thấy một cõi mênh mông vắng lặng. Tôi đi theo lối mòn và tìm thấy nền nhà của em. Tôi ngồi xuống, cảm thấy được gần gủi em. Ðến chiều, tôi xuống đồi vào lăng Minh Mạng, đến bờ suối cũ và lại chờ em. Tôi lấy trong xách tay ra một ít trái cây cho em, để đấy và dõi  mắt tìm quanh…
Thấy trời gần tối, tôi đành quay về.

Những ngày sau đó, tuy người còn yếu, tôi vẫn lên vùng Nam Hòa, lang thang vào các nơi cũ, hi vọng được gặp em. Một buổi chiều, đang đứng trên đồi, chợt tôi thấy bên kia, nơi những ngôi mộ người thiểu số, thấp thoáng bóng người sắc tộc. Tôi mừng rỡ, chạy băng qua, họ sẽ giúp tôi biết được em Hrao ở đâu. Khi tôi đến nơi thì hình như họ vừa cúng lễ gì đó xong. Một đám lửa gần tàn, một ít đồ gia dụng, áo quần, ống vố, chà gạt…để cạnh một ngôi mộ. Ðó là những người trong ấp trước đây, chúng tôi mừng rỡ khi nhận ra nhau.

– Ðồng bào cúng gì đó?

– Tao cúng bỏ mả, tao không ở đây nữa, không đem cơm, đem thịt cho nó nữa. Tao cúng bỏ nó, nó theo Yang để có cái ăn, cái uống.
– Bây giờ đồng bào về lại trong núi rồi hả?

– Tao về lại buôn rồi.

– Có xa không?

– Tao đi từ lúc con gà gáy, bây giờ về lại trong buôn.

– Gia đình người chị và em Hrao có về đó không?

– Chị Hrao về đó nhưng Hrao không về.

– Sao vậy? Bây giờ em Hrao ở đâu?

– Nó ở đằng kia. Nó chết rồi. Mộ nó kia kìa.

Tôi cảm tưởng như thình lình bị rút hết sức sống trong người. Tôi run lên, choáng váng.

– Không phải đâu. Em Hrao nầy nhỏ và đẹp lắm. Em ở với người chị.
– Hrao đó, tao biết, mầy ưng nó lắm, mầy mua nó làm vợ, ai cũng biết.
-Nhưng vì sao Hrao chết?

– Thằng K’hiu giết nó.

– Tại sao lại giết em, nó đã lấy đủ tiền trâu, tiền cồng rồi mà.
– Tao không biết, ngày mai chị của Hrao ra đây làm lễ bỏ mã, mầy hỏi nó.

Tôi đến bên mộ em, quì xuống, vuốt ve nấm mộ.

– Anh vẫn không tin rằng em đã chết. Em hứa với anh sẽ ra rẫy, ra nương làm việc, sẽ nấu cho anh ăn, sẽ sinh cho anh nhiều con. Em quên rồi sao? Dậy với anh đi em. Em ra suối bắt ốc, hái rau. Anh ngồi chờ em mấy bữa nay ngoài đó.
Tôi cứ lảm nhảm một mình cho đến tối mịt mới về. Chiều hôm sau lên mộ em, tôi đem theo một ít hoa và những trái cây em thích. Tôi đặt các thứ lên một tờ báo, thắp nhang và quì lạy em. Tôi cứ quì như thế, lòng mơ tưởng đến hình bóng em, nhớ lại những ngày em và tôi bên nhau…Khi trời về chiều, có tiếng chân lên đồi, tôi quay lại, thấy chị của Hrao và chồng đang đi tới. Họ thấy tôi, giật mình sợ hãi, lùi lại.

– Mầy là ma phải không? Mầy chết rồi mà.

– Không, tôi còn sống đây.

– Mầy giống con ma, mầy ốm quá.l

– Chị nói tôi nghe, em Hrao còn sống phải không? Người chết trong mộ nầy không phải Hrao mà.

– Hrao chết  rồi, nó nằm đó. Tao đến đây làm lễ bỏ mả nó.

– Chị kể tôi nghe, vì sao Hrao chết?

Hôm súng nổ, đồng bào kinh sợ lắm, chạy trốn hết. Rồi bộ đội lên làm ấp trưởng, xã trưởng. Ít lâu sau có mấy thằng bộ đội lên hỏi về mầy, về ông mục sư. Ai nó cũng hỏi. Sau nó biết Hrao là vợ mầy, nó hỏi Hrao nhiều lắm. Tao nghe nó nói với Hrao “Mầy phải nói hết cho tao. Nó mua mầy làm vợ để mầy làm gì cho nó, cho thằng mục sư? Mầy đừng sợ nó, thằng chồng người kinh của mầy chết rồi, nó không đòi trâu, đòi chiêng cồng được nữa. Mầy cứ nói thật cho tao nghe” Hrao hỏi “Tại sao mầy biết chồng tao chết?” Thằng bộ đội nói “Chính mắt tao thấy” Hrao kêu lên “Mầy giết chết chồng tao rồi!” Và ngã xuống đất. Một lúc sau tỉnh dậy, chỉ khóc chứ không ăn gì hết. Hrao kêu tên mầy mấy ngày mấy đêm rồi chết. Tao biết thằng K’hiu đã sai con ma bóp cổ Hrao, nó không ăn được, không thở được.

Tôi lặng người vì đau khổ và xót thương em. Tình em đối với tôi đơn sơ biết bao! Em tưởng tôi đã chết nên nhịn đói để chết theo tôi.
Vợ chồng chị lôi trong gùi ra những lễ vật. Người chồng chôn một cây cọc và cột một con gà nhỏ còn sống bên mộ em, xếp một đống củi và bắt đầu đốt lửa lên. Chị thì đặt trên những tàu lá chuối cơm và thức ăn, bên cạnh là tài sản sơ sài của riêng em. Mấy cái chén, đĩa, vài cái áo quần, một số kẹp tóc và hai cái nịt ngực mà tôi nhớ trước đây đã mua cho em “Anh không muốn ai nhìn thấy ngực em cả” Nhưng hôm sau em bảo “Hrao không mặc được, thở không được” Tôi nói với chị xin giữ  lại chiếc áo hoa và chiếc quần đùi mà em đã mặc lần đầu tôi gặp ở dưới suối.
– Không được đâu, mầy lấy áo quần của Hrao, nó sẽ theo mầy về nhà đó.
– Thật không, nếu vậy em Hrao sẽ ở bên tôi suốt đời.

Chị ngồi xuống, người chồng ngồi bên cạnh, dùng cái dùi quấn vải gõ lên cái cồng bắt nhịp và chị bắt đầu khấn vái. Giọng chị đều đều, buồn thảm trong tiếng gió lộng, tiếng lửa cháy tí tách và tiếng cồng ngân nga vang vọng. Tôi quì xuống, chấp tay, nhắm mắt lại. Tôi thấy em Hrao đứng nhìn tôi, đôi mắt đen lánh, ngập tràn yêu thương, rồi em sà vào lòng tôi, đầu tựa vào ngực tôi. Từ mái tóc em, từ người em mùi thơm trinh nữ quen thuộc, ngọt ngào. Tôi hôn em, thì thầm “Hrao, em yên lặng nghe chị em làm lễ cầu hồn cho em”.

“Ơi em Hrao!

“Hôm nay, áo quan đã làm rồi, đã đóng lại rồi, đã buộc lại rồi, các kút cũng đã được tạc rồi. Chị đem cơm đến đây cho em ăn, đem rượu đến đây cho em uống, bởi vì từ nay chị sẽ bỏ em, chị sẽ quay lưng lại em.

“Ðất đỏ ở dưới, đất đen ở trên, em ở trong áo quan, em ở trong mả, nhà của em ở giữa rừng tranh, ở giữa rừng sậy, em ở một miền đất khác, em uống những giòng nước khác.

“Xin em đừng kêu gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu chị, đừng thương yêu cháu của em nữa.

“Từ nay chị sẽ không còn mang cơm, không còn mang nước, chị sẽ bỏ mả và không còn săn sóc mả nữa.

“Nếu em muốn ăn cơm, xin em hỏi thần những vì sao, nếu em muốn ăn thịt gà, xin em hỏi thần mặt trăng, nếu em muốn ăn cá, xin em hỏi thần cai quản trên trời. Một vị thần khác sẽ săn sóc, trông nom em.

“Em đã chết thật rồi, đã tan rã thật rồi, em là chim Hrao ở trong rừng rậm, em là chim Tlang Hêă sống ở phương Nam.

“Chị đã sữa sang mả rồi, đã tạc những cột kút, cột klao, đã vẽ những hình vẽ bằng máu trâu máu bò rồi.

“Thôi, từ nay thế là hết. Thôi, từ nay thế là hết! Như lá M’nang đã lìa cành, lá M’tôi đã tàn úa.

“Từ nay không còn đào lỗ, không còn làm nhà chòi, không còn than, không còn khóc nữa. Sẽ không đem của, đem tôm, đem cơm, đem rau đến mả nữa. Sẽ không còn để tang, không còn kiêng cử nữa. Chóe rượu cúng Ngokbu đã đặt xuống mả rồi, cây chuối, cây khoai đã được trồng lên mả rồi, con gà đã được thả bay đi rồi. Chị đã quên em rồi, đã bỏ em rồi!

“Ơi em Hrao, chị đã bỏ em rồi!”

Chị đã dứt lời mà tôi vẫn còn quì và nhắm mắt. Tôi và em Hrao đang chìm đắm trong hạnh phúc của bao kỉ niệm cũ, bao ước mơ về một ngày thành vợ thành chồng, quấn quít bên nhau.
Chị đến bên tôi hỏi nho nhỏ.

– Mầy thương Hrao lắm sao? Mầy nhớ Hrao lắm hả?

Bấy lâu nay tôi đã nuốt những giọt nước mắt vào lòng. Tôi cô đơn quá! Giờ đây, nghe chị hỏi, tất cả nổi buồn trong lòng, tôi không kèm được nữa. Tôi ôm chị khóc say sưa.

Phạm Thành Châu

From: Phi Phuong Nguyen


 

Chuyện người sĩ quan VNCH và nỗi đau sau tù đày – Tư Tuấn – -Truyện ngắn

Ba’o Nguoi-Viet

January 4, 2025

Tư Tuấn

Ông Thắng từng là một sĩ quan của Quân Lực VNCH, một người đàn ông mạnh mẽ và đầy tự hào. Nhưng sau Tháng 4 năm 1975, ông trở thành tù nhân trong các trại cải tạo suốt hơn 10 năm. Những năm tháng ấy không chỉ cướp đi tuổi trẻ của ông mà còn phá nát mọi giấc mơ bình dị về một mái ấm gia đình.

Khi được trả tự do vào năm 1986, ông Thắng gầy rộc, làn da sạm đen, đôi bàn tay chai sần vì những ngày lao động khổ sai trong rừng sâu. Trên đường trở về quê ở một ngôi làng nhỏ ven biển duyên hải miền trung, ông mang trong lòng nỗi khát khao đoàn tụ với gia đình, đặc biệt là vợ ông – bà Dung – và hai đứa con mà ông chưa được nhìn thấy từ khi đi cải tạo.

Tượng người chiến sĩ VNCH tại Đài Tưởng Niệm chiến si74 Việt Mỹ tại Thành Phố Westminster, CA. (Hình: Bảo Khôi)

Nhưng khi ông bước qua cánh cổng rỉ sét của ngôi nhà mình, một cảm giác lạ lẫm tràn ngập. Mọi thứ không còn như xưa. Đứa con trai lớn bây giờ đã là một chàng trai 15 tuổi, còn cô con gái út mới 13 tuổi. Cả hai đứa nhìn ông bằng ánh mắt bối rối, xa lạ.

Vợ ông, bà Dung, cũng không chạy ra ôm chầm lấy ông như ông từng mường tượng trong suốt những năm tù đày. Thay vào đó, bà đứng khựng lại, đôi mắt tránh né, như muốn giấu điều gì.

Những ngày đầu, ông Thắng cố gắng hòa nhập lại với cuộc sống gia đình. Nhưng ông nhận ra sự lạnh nhạt trong cách cư xử của vợ mình. Bà thường lảng tránh ánh mắt của ông, và dường như có điều gì đó bà không muốn ông biết.

Rồi một ngày, trong lúc trò chuyện với hàng xóm, ông nghe những lời thì thầm đầy ác ý:

“Tội nghiệp ông Thắng, đi tù bao nhiêu năm, giờ về lại chẳng biết vợ mình làm gì suốt thời gian qua…”

“Chuyện bà Dung với thằng công an xã ai mà không biết. Nhưng mà cũng khó trách, bả phải nuôi con mà.”

Nghe đến đây, ông Thắng chết lặng. Ông không tin, nhưng lời đồn ấy cứ đeo bám trong tâm trí.

Một đêm nọ, ông quyết định hỏi thẳng bà Dung. Ban đầu bà phủ nhận, nhưng khi bị ông gặng hỏi, cuối cùng bà bật khóc và thừa nhận tất cả.

Bà Dung kể rằng, sau khi ông bị bắt đi cải tạo, bà rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Không đất đai, không tài sản, bà phải bươn chải đủ nghề để nuôi con, từ đi bán rau, cấy lúa thuê cho đến rửa chén. Nhưng số tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu, nhất là khi chính quyền địa phương thường xuyên đến nhà sách nhiễu.

Trong lúc cùng quẫn, ông Hải – một công an xã có tiếng quyền lực – ngỏ ý giúp đỡ. Ban đầu, ông ta đưa tiền, gạo và bảo bà không cần trả. Nhưng dần dần, những món quà ấy đi kèm với điều kiện.

“Nếu không có ông ta, chắc mẹ con em đã chết đói. Anh ở tù, em không biết làm gì khác,” bà Dung nói trong nước mắt.

Ông Thắng không thể tin vào tai mình. Nỗi đau từ những ngày tháng tù đày giờ đây không là gì so với cảm giác bị phản bội. Người phụ nữ mà ông yêu thương, người mà ông luôn nghĩ là chờ đợi mình, giờ đây lại có quan hệ với chính kẻ đã từng hạch sách gia đình ông.

Những ngày sau đó, ông Thắng gần như không nói chuyện với bà Dung. Đêm đêm, ông ngồi lặng lẽ ngoài hiên, nhìn lên bầu trời đầy sao, lòng ngổn ngang. Ông nghĩ về những năm tháng tù tội, về lý tưởng mà ông từng tin tưởng, và về gia đình mà giờ đây ông không biết liệu có còn thuộc về mình hay không.

Ông không thể trách con cái, vì chúng là nạn nhân vô tội. Ông cũng không hoàn toàn trách bà Dung, vì ông hiểu những gì bà phải đối mặt khi ông không ở đó. Nhưng ông không thể tha thứ cho thực tế rằng chính kẻ đàn áp ông lại là người đã bước vào gia đình ông.

Cuối cùng, ông Thắng quyết định rời đi. Ông không thể tiếp tục sống dưới một mái nhà với người vợ mà ông không còn tin tưởng, dù trong lòng vẫn yêu thương bà.

Trước khi đi, ông ôm hai đứa con vào lòng, dặn dò chúng chăm sóc mẹ và sống tử tế. “Ba không thể ở lại, nhưng ba sẽ luôn dõi theo các con,” ông nói, giọng nghẹn ngào.

Ông Thắng chọn một cuộc sống ẩn dật, làm thuê kiếm sống qua ngày. Ông vẫn viết thư về cho con, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến bà Dung. Trong những lá thư ấy, ông chỉ kể về cuộc sống giản dị của mình, về những bài học mà ông rút ra sau tất cả những gì đã xảy ra.

Ông mất đi gia đình, nhưng vẫn giữ lại được lòng tự trọng và tình yêu thương dành cho con cái. Một cuộc đời không trọn vẹn, nhưng vẫn ánh lên sự mạnh mẽ và lòng bao dung của một người cha, một con người vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống.

Sau những năm tháng sống trong đau khổ và nỗi niềm bất an, ông Thắng quyết định làm hồ sơ đi định cư ở nước ngoài theo diện HO, những người có liên quan đến quân đội hoặc chính quyền VNCH trước 1975.

Trong lòng ông, dù đã bị phản bội bởi vợ, ông vẫn không thể quên được hai đứa con. Mặc dù cuộc sống gia đình đã không còn trọn vẹn như xưa, ông vẫn khao khát đưa các con ra khỏi đất nước này, tránh xa sự nghèo khó và bạo lực mà họ đang phải đối mặt.

Với ý định đưa các con đi cùng mình, ông Thắng bắt đầu chuẩn bị hồ sơ. Những bước chuẩn bị này không dễ dàng chút nào, vì trong thời gian ông đi tù, chính quyền đã thay đổi nhiều chính sách. Việc làm hồ sơ cho các con ông đi chung không chỉ liên quan đến giấy tờ của ông, mà còn cần phải có sự đồng ý của vợ ông. Ông biết đây sẽ là một thử thách lớn.

Ban đầu, bà Dung tỏ ra do dự và khó chịu khi ông Thắng đề nghị đưa các con đi. Những năm tháng sống trong cảnh khó khăn đã khiến bà trở nên hoài nghi và thiếu niềm tin vào tương lai. Cộng thêm việc bà đã về ở hẳn với ông Hải – công an xã – và đã quen với cuộc sống bớt lo âu hơn khi không còn là vợ của một sĩ quan VNCH, bà sợ rằng việc dính líu tới ông Thắng sẽ làm xáo trộn cuộc sống hiện tại.

Mọi thứ bấp bênh và mơ hồ trong mắt bà. Nhưng ông Thắng kiên quyết không từ bỏ, ông biết rằng ông phải làm điều này không chỉ vì mình mà còn vì tương lai của các con.

Dù không thể thay đổi quá khứ, ông Thắng đã hiểu rằng chỉ có một cơ hội duy nhất để thay đổi số phận của các con. Và nếu bà Dung không đồng ý, ông sẽ phải để lại chúng lại trong hoàn cảnh mà ông không muốn, một tương lai không rõ ràng, không biết sẽ ra sao.

Một buổi chiều, khi ông Thắng ngồi xuống đối diện với vợ, không phải để trách móc, mà để thuyết phục bà, ông nói: “Em biết không, anh chỉ có thể đưa các con ra ngoài nếu em đồng ý. Nếu không, tụi nó sẽ mãi sống trong cái nghèo này. Anh không thể để chúng lớn lên như thế. Anh muốn chúng có cơ hội, có tương lai.”

Bà Dung ngồi im lặng một lúc lâu, đôi mắt thăm thẳm như đang suy nghĩ điều gì. Rồi bà nhẹ nhàng thở dài, những giọt nước mắt rơi xuống má. “Em biết, nhưng em cũng lo lắng, lo rằng tụi nó và anh sẽ phải bắt đầu lại từ con số không, như anh đã làm khi ra tù. Tụi nó đã quen với cuộc sống này rồi, dù gì nó cũng an toàn hơn.”

Tuy nhiên, qua những lời nói chân thành của ông, cuối cùng bà Dung cũng đồng ý. Bà biết rằng không thể giữ các con lại một cuộc sống nghèo đói, không có tương lai, dù bản thân bà có lo sợ đến mức nào.

Ngày hôm sau, bà Dung cũng ký vào giấy tờ để ông Thắng đưa các con đi cùng. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng bà hiểu rằng Bà không thể chỉ sống cho bản thân mình. Những đứa trẻ đáng thương kia sẽ không có tương lai nếu vẫn ở lại nơi này.

Ngày ông Thắng và các con lên Sài gòn chuẩn bị đi HO, bà Dung tiễn ông với một ánh mắt đầy cảm xúc. Dù không còn tình yêu như xưa, nhưng tình thương cho các con là điều mà cả hai vẫn cùng chung một mục tiêu.

(Hình: tác giả cung cấp)

Trước khi lên đường, ông Thắng nhìn lại ngôi nhà cũ của mình một lần nữa – bà Dung đứng nhìn từ cửa, đôi mắt đẫm lệ. Họ không nói gì, chỉ nhìn nhau, như thể đó là lời chia tay cuối cùng.

Còn ông Thắng, ông không còn nghĩ về những khổ đau đã qua, cũng không còn vướng bận với quá khứ đau buồn nữa. Ông đã có cơ hội bắt đầu lại cuộc đời, và ông sẽ làm tất cả để đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho các con.

Khi ông Thắng lên phi cơ, lòng nặng trĩu. Hành trình tiếp theo là một bước đi đầy hy vọng, nhưng cũng tràn ngập những câu hỏi về tương lai. Liệu cuộc sống mới có thực sự tốt đẹp như ông đã mơ ước không? Hay tất cả sẽ lại là một cuộc bắt đầu lại đầy gian nan? Nhưng ông biết rằng, không có gì quan trọng hơn việc bảo vệ và yêu thương con cái.

Sau khi ông Thắng và các con sang Mỹ, cuộc sống của họ dần ổn định. Các con của ông, dù lớn lên trong nghèo khó và thiếu thốn tình thương của người cha trong suốt những năm đầu đời, đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Chúng học hành chăm chỉ, tìm được công việc làm thêm, và dần dần cảm thấy mình là một phần của xã hội mới.

Cứ mỗi lần nhìn thấy con cái vui vẻ học hành và có những bước tiến vững chắc, ông Thắng lại cảm thấy yên tâm phần nào. Ông biết rằng quyết định của mình khi đưa các con ra đi, dù đã tốn nhiều tâm sức và lo lắng, cuối cùng đã mang lại kết quả tốt đẹp. Các con đã có những cơ hội mới mà trước đây họ không thể có được.

Nhưng dù đã bắt đầu một cuộc sống mới, trong lòng ông vẫn còn một vết thương chưa lành. Bà Dung, người vợ đã cùng ông trải qua bao thăng trầm, vẫn là một bóng mờ trong trái tim ông. Dù bà đã phản bội ông trong quá khứ, ông không thể xóa nhòa những kỷ niệm về gia đình xưa, khi cả bốn người họ còn sống trong một mái nhà, đầy ắp tiếng cười nói.

Một ngày, sau khi các con đã lớn và có công việc ổn định, chúng bày tỏ nguyện vọng muốn bảo lãnh mẹ sang Mỹ. Các con của ông, dù đã hiểu rõ về quá khứ của cha mẹ, vẫn cảm thấy mình cần phải làm điều này để gia đình được đoàn tụ.

“Ba, chúng con muốn mẹ qua đây. Mẹ cũng có quyền được sống với chúng con,” đứa con trai lớn nói, trong khi cô con gái út đồng tình. “Ba vẫn còn thương mẹ, phải không? Chúng con muốn mẹ cũng được sống ở đây với gia đình mình.”

Khi nghe những lời này, ông Thắng im lặng rất lâu. Trong lòng ông, một trận sóng ngầm lớn dâng lên. Ông không thể phủ nhận rằng ông vẫn còn tình cảm với bà Dung, người phụ nữ đã gắn bó với ông suốt bao năm tháng. Tuy nhiên, sự phản bội mà ông đã phải chịu đựng trong quá khứ, sự quay lưng của bà khi ông học tập cải tạo và sự liên kết của bà với kẻ mà ông ghét nhất – ông Hải – công an xã, vẫn là một vết thương quá sâu.

Dù con cái thuyết phục hết sức, ông Thắng vẫn không thể đồng ý với ý tưởng bảo lãnh bà Dung sang Mỹ. Ông không muốn mối quan hệ này tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của các con. Ông đã bắt đầu lại, xây dựng lại từ đầu, và ông không thể để quá khứ tiếp tục ám ảnh họ.

“Con đừng có mà làm vậy,” ông Thắng nói, giọng trầm và đầy nặng nề. “Mẹ các con đã làm những điều mà Ba không thể tha thứ. Còn thương thì có, nhưng ba không thể quên được chuyện đã qua. Các con phải hiểu rằng, dù chúng ta có sống ở đâu, gia đình cũng không thể trở lại như xưa.”

Ông nhìn vào mắt các con, cảm giác đau đớn nhưng kiên quyết. “Mẹ có thể sống ở Việt Nam, hay ở đâu đó. Các con không thể đem quá khứ trở lại, dù cho Ba vẫn yêu thương bà ấy. Những chuyện đã qua, Ba không thể chấp nhận nữa.”

Dù các con không hoàn toàn hiểu được lý do tại sao ông Thắng lại từ chối bảo lãnh bà Dung, họ vẫn tôn trọng quyết định của người cha. Những cuộc trò chuyện giữa ông và các con trở nên ít hơn, đôi khi là những cuộc đối thoại khó khăn, khi các con cảm thấy xung đột giữa tình yêu và lý trí.

Con cái của ông đã trưởng thành và đã hiểu rằng những quyết định của cha không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chúng luôn tôn trọng cha mình. Chúng nhận thức được rằng, dù ông Thắng vẫn còn yêu thương bà Dung, nhưng quá khứ đau buồn của gia đình đã để lại vết thương không dễ lành.

Cuộc sống tiếp tục trôi đi. Các con của ông thành đạt trong công việc, họ có gia đình riêng, và ông Thắng cũng tìm được niềm vui trong những ngày tháng an bình. Nhưng mỗi khi đêm về, khi nhìn lên bầu trời đầy sao, ông vẫn nhớ về bà Dung, và cảm giác đau đớn vì quyết định mà ông đã phải đưa ra.

Ông biết rằng mình đã bảo vệ các con khỏi những điều không tốt, nhưng trái tim ông vẫn không thể quên được người vợ cũ, dù mọi thứ đã thay đổi. Ông sống tiếp, chấp nhận rằng trong cuộc sống này, không phải mọi mối quan hệ đều có thể phục hồi, nhưng ông vẫn yêu thương các con và luôn dõi theo bước đi của chúng, như một người cha đầy lòng hy sinh.

Dù ông Thắng đã kiên quyết từ chối bảo lãnh bà Dung, các con của ông, với lòng yêu thương và sự khát khao được đoàn tụ gia đình, đã lén lút làm thủ tục bảo lãnh mẹ sang Mỹ mà không thông báo cho ông. Trong lòng họ, bà Dung vẫn là mẹ, dù bà là người phản bội, họ cũng không thể nhìn mẹ mình sống một mình trong hoàn cảnh nghèo khó, đặc biệt khi bà cũng đã có những năm tháng vất vả vì gia đình.

Một ngày, bà Dung cuối cùng cũng bước chân vào nước Mỹ, được các con đón tiếp với những giọt nước mắt. Dù ông Thắng không hay biết, ông cảm nhận được sự thay đổi trong bầu không khí gia đình. Các con của ông giờ đây có thể sống một cuộc sống đầy đủ hơn, không còn phải lo lắng về tương lai, và họ có thể đoàn tụ với mẹ – người mà họ không thể bỏ rơi.

Ông Thắng, sau khi phát hiện ra việc các con bảo lãnh bà Dung sang Mỹ, cảm giác như một vết thương cũ lại bị xé ra. Ông không thể hiểu được tại sao các con lại làm điều này sau tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ. Dù cho ông có yêu thương bà Dung, nhưng quá khứ đã khiến ông không thể chấp nhận sự quay lại của bà. Ông đã từng đặt hy vọng vào những đứa con, nhưng giờ đây chúng lại làm điều mà ông không thể tha thứ.

Khi ông biết được, sự đau đớn trong lòng ông càng sâu sắc hơn. Ông cảm giác mình đã không thể làm trọn vẹn trách nhiệm với gia đình. Sau tất cả, ông đã chọn sống riêng biệt, tránh xa bà Dung và các con, để tìm lại chút bình yên trong tâm hồn.

Ông Thắng quyết định dọn ra sống một mình. Ông thuê một căn phòng nhỏ, sống một cuộc sống yên tĩnh, không còn phải bận tâm về những sự việc xảy ra trong quá khứ. Ông không còn phải đối diện với sự xung đột trong lòng mình về bà Dung và những kỷ niệm không thể quên.

Từng ngày trôi qua, ông Thắng cảm thấy mình đã hoàn thành trách nhiệm với con cái. Dù đau lòng, ông hiểu rằng mỗi người đều có con đường riêng của mình, và không thể thay đổi được quá khứ. Ông đã làm hết những gì có thể để bảo vệ các con, nhưng giờ đây, ông không thể tiếp tục sống trong bóng tối của quá khứ.

Cuối tuần, đôi khi các con đến thăm ông, mang theo những món quà nhỏ, hoặc cùng nhau ăn bữa cơm đơn giản. Cảnh tượng đó mang đến cho ông một chút an ủi, nhưng cũng không thể làm vơi đi nỗi buồn sâu trong trái tim ông. Ông nhìn con cái trưởng thành, không còn là những đứa trẻ mà ông phải chăm lo, và có những gia đình riêng. Ông cảm nhận được rằng gia đình cũ đã không thể quay lại như trước, dù vẫn có tình yêu và sự quan tâm từ cả hai phía.

Từ ngày mất nước, gia đình ông rơi vào bi kịch. Chiến tranh chia cắt đất nước, gia đình ông cũng bị chia rẽ theo một cách riêng của nó. Những xung đột trong quá khứ không thể xóa nhòa, và dù ông đã cố gắng hết sức, những nỗi đau vẫn dai dẳng. Sự phản bội, những quyết định không thể quay lại, những hối tiếc không bao giờ nguôi ngoai – tất cả tạo thành một bi kịch lớn trong cuộc đời ông.

Gia đình không còn là nơi mà ông có thể tìm lại sự bình yên. Mỗi lần các con đến thăm ông, ông lại nhớ về quá khứ, về những ngày xưa, về một gia đình đầy ắp tiếng cười và hy vọng. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Tình yêu giữa ông và bà Dung không thể quay lại, và những đứa con của ông vẫn phải sống với những ký ức không thể nào quên.

Cuộc sống cứ thế tiếp tục, không thể nào hồi phục hoàn toàn như xưa, dù ông Thắng đã hoàn thành trách nhiệm của mình với các con. Những gì còn lại chỉ là sự chấp nhận.

Một ngày nọ, trong khi ông Thắng đang đọc sách trong căn phòng nhỏ của mình, một cú điện thoại bất ngờ đã thay đổi tất cả. Con trai ông gọi với giọng hoảng hốt:

“Ba ơi, mẹ bị tai nạn giao thông rồi. Bây giờ đang rất nguy kịch. Mẹ muốn gặp ba, muốn xin lỗi ba.”

Lời nói đó như một cú đánh mạnh vào trái tim ông. Ông không biết phải làm gì. Những năm tháng đã qua, những ký ức đầy đau thương và xung đột dường như vẫn còn như mới, chưa bao giờ nguôi ngoai. Bà Dung – người vợ cũ, người đã phản bội ông và để lại vết thương sâu trong lòng – giờ đây đang đứng trước ngưỡng cửa của sự sống và cái chết.

Ông Thắng vội vàng chạy tới bệnh viện, tâm trạng mâu thuẫn và đầy bối rối. Trong lòng ông, một cuộc chiến nội tâm gay gắt đang diễn ra. Liệu ông có nên tha thứ cho bà Dung hay không? Liệu ông có thể bỏ qua tất cả những gì bà đã làm với mình và gia đình trong quá khứ? Những câu hỏi đó không có lời giải đáp, nhưng ông vẫn tiếp tục lái xe, như thể có một sức mạnh vô hình nào đó kéo ông về phía bà.

Khi ông tới bệnh viện, bà Dung đã nằm trong phòng cấp cứu, cơ thể đầy vết thương. Gương mặt bà tái nhợt, đôi mắt mờ mịt, nhưng khi thấy ông bước vào, bà như nhận ra một thứ gì đó trong ánh mắt ông. Những giọt nước mắt bắt đầu rơi xuống, và bà cố gắng mở miệng, dù giọng nói yếu ớt:

“Anh… anh Thắng… Em… xin lỗi anh… Em… đã sai…”

Lời xin lỗi cuối cùng của bà Dung vang lên trong không gian im lặng của phòng bệnh, như một lời kết cho một câu chuyện dài đầy bi kịch. Bà đã không còn sức lực để nói thêm gì nữa, nhưng đôi mắt bà chứa đựng sự ăn năn, sự hối hận sâu sắc mà suốt bao nhiêu năm qua, bà không có cơ hội để thổ lộ.

Ông Thắng đứng đó, nhìn bà Dung trong giây lát, nhưng trái tim ông không thể quên được những gì đã xảy ra. Ông đã sống một cuộc đời khổ đau vì sự phản bội của bà. Tất cả những năm tháng ấy, sự hy sinh, sự cống hiến của ông đều trở thành vô nghĩa trong mắt bà. Bà đã chọn con đường của mình, và ông đã phải chịu đựng những quyết định mà không thể thay đổi.

Nhưng khi nhìn thấy bà giờ đây, trong tình trạng yếu đuối, sắp qua đời, ông chợt cảm thấy một sự đau lòng khác. Dù bà đã phản bội ông, ông không thể phủ nhận rằng tình yêu một thời vẫn còn trong trái tim ông. Nhưng ông đã quá mệt mỏi, quá kiệt sức vì những vết thương cũ. Ông chỉ có thể đứng nhìn bà, không thể tha thứ cho tất cả, nhưng cũng không thể phủ nhận sự xót thương.

Bà Dung cố gắng nói một lần nữa: “Anh Thắng, em… em biết em sai rồi… nhưng anh… đừng để em đi mà chưa nhận được sự tha thứ của anh.” Nhưng chỉ có tiếng thở gấp và nhịp tim yếu ớt, bà đã không còn sức để nói thêm.

Cuối cùng, bà Dung lặng lẽ nhắm mắt, rời khỏi thế gian này, để lại ông Thắng một mình trong căn phòng bệnh lạnh lẽo.

Sau cái chết của bà Dung, ông Thắng không cảm thấy sự thanh thản hay sự giải thoát mà ông mong đợi. Ngược lại, ông cảm thấy nỗi trống rỗng khủng khiếp hơn bao giờ hết. Những năm tháng qua, ông đã sống với nỗi hận, nỗi đau và sự mất mát. Giờ đây, khi bà Dung đã ra đi, ông không biết mình có thể cảm thấy gì. Tha thứ hay không tha thứ đã không còn quan trọng nữa. Tất cả chỉ là quá khứ, và ông buộc phải chấp nhận nó.

Các con của ông, dù đã trưởng thành và có cuộc sống riêng, vẫn không thể hoàn toàn hiểu được những gì cha mình đã trải qua. Họ nhìn thấy cha mình vẫn sống đơn độc, dù đã có một gia đình khác và những mối quan hệ mới. Nhưng trong thâm tâm ông, cái chết của bà Dung chỉ là một dấu chấm hết cho một bi kịch gia đình đã kéo dài suốt bao nhiêu năm.

Ông Thắng sống tiếp những năm tháng còn lại, nhớ về những ngày đã qua, và đôi khi, ông lại tự hỏi liệu cuộc đời này có thể khác đi không nếu như những sai lầm trong quá khứ không xảy ra. Nhưng cuộc đời, như một dòng sông, luôn trôi đi và không thể quay lại. Và ông chấp nhận rằng, dù có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, bi kịch gia đình ông từ ngày mất nước vẫn là một phần không thể xóa nhòa trong lịch sử riêng của mình.


 

Tình Người – Tác giả: Huyên Chương Quý- Truyen ngan HAY

 Tác giả: Huyên Chương Quý

Tác giả tên thật Quy Ly, tuổi trên 50. Nguyên là sinh viên tại Saigon, một mình vượt biên đường bộ tháng 11/1980 – qua Mỹ cuối tháng 4/ 1982. 
Công việc: Vài năm vẽ bìa sách cho nhà xuất bản Xuân Thu, vài năm làm bầu show ca nhạc. Hiện là cư dân quận Cam, làm nghề bảng hiệu. Bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông nhiều chi tiết sống thực. Mong ông tiếp tục viết.

*************************
“Em vì hiếu thuận với cha mẹ nên không trọn được tình với anh. Anh thứ lỗi cho em. ..” Câu nói này của Huyền tôi nghe hình như quen tai lắm,  đâu đó trong các phim bộ Tàu, hay trong các vở tuồng cải lương của người Việt mình. Nhưng cũng rất đúng trong trường hợp của tôi với Huyền. Cha mẹ Huyền không bằng lòng cho Huyền lấy tôi, cho rằng tôi nghèo, không thân, không thế, không thể nào đem lại đời sống hạnh phúc cho Huyền. Chúng tôi chia tay trong nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi  khóc vì một cuộc tình buồn. Tôi phải rời khỏi Quận Cam này ngay. Tôi phải đi đâu thật xa. Thật xa. Để không còn nhìn thấy lại những con đường quen thuộc có tôi với Huyền cùng tay trong tay chung bước. Để không còn nhìn thấy lại căn tiệm cà phê của cha mẹ Huyền, có bóng dáng xinh đẹp của Huyền với đôi mắt bồ câu đen lay láy và nụ cười duyên dáng nở trên môi mỗi khi thấy tôi đến. Tôi hy vọng ở một nơi xa khuất, lạ chỗ, lạ người, tôi có thể dần quên đi Huyền. Vậy là tôi lên đường, với hành lý chỉ có một va li nhỏ quần áo và vỏn vẹn 300 đồng trong túi.
.. . .
Trên đường phiêu lãng, tôi ghé San Jose để thăm một anh bạn sơ giao tên Phan, quen năm ngoái ở quán cà phê Dễ Thương, Quận Cam. Sẵn nhà còn trống một phòng nên ảnh bảo tôi hãy ở lại và kiếm việc làm, có tiền lương cuối tháng thì trả tiền nhà cho ảnh. Nghe theo lời ảnh, tôi vào làm bồi bàn cho một nhà hàng, lương 6 đồng một giờ. Ngày đầu làm việc, tôi bị mấy bạn làm chung đố kỵ vì nghe chị chủ khen tôi nhanh nhẹn. Họ đâm thọc với mấy chị trong bếp, khiến mấy chị thấy ghét tôi. Trong lúc đứng trong bếp chờ bưng thức ăn, có chị đứng quay lưng về phía tôi và nói móc: 

 – Đứng chật chổ thêm. 

   Một chị khác nói hùa theo: 

– Có làm được gì đâu mà cũng khen. 

   Ngày hôm sau, trong lúc đang dọn bàn, tôi nghe vài bạn chụm lại nói với nhau: 
– Nó chỉ lãnh tiền giờ, không có chia típ đâu. Coi chừng nó ăn cắp tiền típ của tụi mình đó. 

   Tôi biết cái nạn “ma cũ ăn hiếp ma mới” ở đâu cũng có, nên tôi cố gắng nhẫn nhịn, không đôi co với ai. Nhưng, một bạn khác còn chơi xấc hơn, trong lúc tôi bưng thau chén dĩa dơ đi ngang, đã thình lình đưa chân ra chặn bước chân tôi. Tôi ngã chúi về phía trước, nhưng may kịp lấy được thăng bằng, không bị té. Tôi không trách móc gì, chỉ lẳng lặng bưng thau chén dĩa vào trong bếp, nghe sau lưng có tiếng chị chủ la anh bạn đó: 

– Mày còn chơi vậy lần nữa là tao đuổi mày ngay. 

Cố gắng làm đến giờ đóng cửa, tôi xin nghỉ việc. Hai ngày sau, tôi vào làm cho môt nhà hàng khác, cũng bị nhiều chuyện phiền phức bởi sự sân si, ganh ghét.

Tôi lại xin nghỉ. Tôi nghĩ, San Jose là thành phố đông người Việt nhất trên xứ Mỹ này, cả trăm ngàn người Việt đang được an cư lạc nghiệp, sao tôi có thể không được? Nghĩ vậy, tôi lại tìm việc làm. Bà bạn thân của anh Phan kêu tôi đi phụ bán chợ trời 2 ngày cuối tuần cho bả. Một người làm khác được bả trả 60 đồng một ngày. Riêng tôi, hai ngày qua cũng khuân vác, phụ bán hàng, rồi dọn dẹp, rất mệt, nhưng lại không được trả tiền công. Tôi hỏi, bả trả lời: 

 – Có ăn, có uống cả ngày là may rồi. Đang thất nghiệp mà đòi hỏi.  

    Tôi nói lại cho anh Phan biết, ảnh lại binh vực bà bạn của ảnh: 

 – Bả nói vậy không đúng sao? Nếu không, thì Quý chết đói. Tôi đâu có nuôi cơm Quý được. Nếu Quý không thích vậy thì đi đâu thì đi. 

   Chán cho tình đời. Tôi quyết định rời khỏi nhà anh Phong, đi San Francisco. Bấy giờ là đầu tháng 10, 1996. 

   Từ bến xe Greyhound, tôi kéo va li đi dọc theo đường 4 TH, hướng về những tòa nhà cao ngất ngưỡng. Tôi biết chỉ có Downtown mới có nhiều tòa nhà cao như vậy. Tôi nhìn đồng hồ, đã 9 giờ tối rồi. Khí trời mát mẻ. Bầu trời thăm thẳm, ngàn sao lấp lánh, có Chị Hằng sáng tỏ đang bay theo bước chân phiêu lưu của tôi. Phiêu lưu thật, vì tôi chỉ còn 100 đồng và chẳng quen biết ai ở San Francisco mà cũng cứ đâm sầm đến, để tìm một lãng quên tình cảm !
           

Trước mặt tôi là đại lộ Market, có nhiều cây cao dọc hai bên đường. Xe cộ chạy qua lại dập dìu. Ở giữa đại lộ có tuyến đường sắt dành cho xe điện. Một chiếc xe điện từ xa đang chạy đến. Tôi hỏi một người Mỹ đen đang đứng ở góc đường xe điện đó chạy đi đâu,  anh cho biết chạy về Castro, khu dân gay. Không phải chỗ của tôi. Tôi nhờ anh chỉ đường đi đến Chinatown rồi tiếp tục kéo chiếc va li đi. Từ lâu, tôi vẫn nghe bạn bè cho biết nước Mỹ có hai khu Chinatown lớn nhất, lâu đời nhất của người Hoa. Một ở New York và một ở San Francisco . Tôi nghĩ thầm, đến ở khu người Hoa chẳng ai biết mình, sống và làm việc với họ chắc dễ chịu hơn. 

   Đi theo đường Kearny qua khỏi đường California , tôi biết mình đã đi vào Chinatown, vì trước mắt là những cửa tiệm sáng trưng có bảng hiệu chữ Tàu. Tôi mừng rỡ bước nhanh hơn về phía trước. Cả khu phố Broadway sáng rực ánh đèn. Người Mỹ, người Hoa qua lại tấp nập ở hai bên đường. Tôi dừng lại, châm một điếu thuốc hút, nhìn ngó cảnh trời Chinatown về đêm thật đẹp, thật rộn ràng sức sống. Trước mặt tôi, nhiều tiệm Showgirl chạy đèn chớp chớp, có nhiều cô Mỹ trắng trẻ đẹp mặc quần áo hở hang đứng trước cửa, uốn éo thân mình mời khách qua đường. Một chị Mỹ đen thấy tôi hút thuốc thì đi đến xin. Tôi móc ra ngay 3 điếu đưa cho chị. Hai anh Mỹ đen khác đứng gần đó thấy vậy cũng chạy lại xin. Tôi cũng đưa mỗi anh 3 điếu. Một anh nói: 

– You good men. Can you give me one dollar ?

            Tôi lại móc túi lấy cho mỗi anh một đồng , rồi hỏi chỗ nào có hotel rẻ tiền. Nhờ sự chỉ dẫn của họ, tôi có được một giấc ngủ thật ngon lành trong một hotel của người Hoa với giá 35 đồng một đêm. Hôm sau tôi đi tìm việc làm ngay. Khu chợ Tàu mới 9 giờ sáng đã đông nghẹt người Hoa qua lại hai bên đường. Đi không khéo có thể dẫm chân nhau hoặc đụng vào nhau. Tôi vào từng cửa tiệm để hỏi việc, nhưng đều bị từ chối. Chỗ thì chê tôi ốm yếu không làm được việc nặng. Chỗ đòi phải biết nói tiếng Hoa mới nhận. Nhiều chỗ khác cho biết đã đủ người rồi, kêu tôi cho số phone nhà, khi cần sẽ gọi. Tôi làm gì có phone nhà. Lại đi lòng vòng hỏi việc cho đến chiều, tối về lại hotel ở thêm một đêm nữa. Tôi bắt đầu lo lắng. Chỉ còn có 20 đồng, ngày mai mà không tìm ra việc làm thì biết ăn đâu, ở đâu ?.. .. 

 Thêm một ngày tìm không ra việc làm, tôi trở thành người Homeless. Buổi tối đầu tiên của đời không nhà, tôi ngủ trên lề đường 4 TH gần bến xe Greyhound. Nửa đêm, trời trở lạnh, khí lạnh từ nền xi măng bốc lên thấm vào da thịt lạnh buốt khiến tôi phát run. Tôi ngồi dậy mặc thêm 5 cái áo vào người rồi nằm co ro cố ngủ tiếp. Giấc ngủ chập chờn nửa tỉnh, nửa mê. Đến sáng, ăn cái bánh ngọt xong tôi lại kéo chiếc va li đi vào Chinatown tìm việc làm. Các chủ tiệm thấy tôi kéo theo vali  thì biết tôi là dân Homeless nên đều lắc đầu. Còn có 5 đồng, tôi vào một tiệm “food to go” ăn trưa, mua thêm vài cái bánh để tối ăn. Thế là cạn túi. Ăn xong, tôi hỏi chị chủ tiệm có cần thêm người làm không. Chị cũng lắc đầu và chỉ đường cho tôi đến hỏi việc ở khu thương mại của người Việt. Người Việt ở San Francisco không nhiều, khoảng mười mấy ngàn người, nên khu thương mại chỉ tập trung trên đường Larkin. Tôi kéo va li đi qua các cửa tiệm người Việt, chỉ nhìn nhìn mà không dám vào hỏi việc, vì mặc cảm đang bị homeless. Hoàng hôn đến, tôi lại về bến xe. Tôi bắt chước mấy người Mỹ homeless khác, tìm vài thùng carton ở thùng rác lót làm chổ nằm. Dù đã mặc thật nhiều áo, tôi cũng bị thức dậy lúc nửa đêm vì khí trời lạnh rét. Một chiếc xe dân chơi về đêm chạy ngang, không hiểu sao chạy chậm lại, ném lon bia đang uống vào người tôi rồi cười ha ha và vọt xe chạy nhanh. Trời đất ơi. Tên nào ác ôn thế?! Sao mà khốn kiếp vậy?! Tôi lầm bầm rủa thầm rồi cởi cái áo ướt nước bia ra, mặc thêm vài áo khác vào. Tôi không ngủ được nữa, ngồi co ro chịu đựng cơn lạnh đến sáng.

Tôi vẫn cứ ngồi co ro vậy cho đến mặt trời lên trên đỉnh đầu. Đói bụng quá. Làm sao đây? Một thời làm bầu show ca nhạc, vui sướng tận cùng, bây giờ phải đi ăn xin sao? Tôi nghĩ thầm rồi bất chợt nước mắt tuôn trào. Khóc một hồi, tôi nằm dài ra trên tấm carton ngủ một giấc đến tối thì thức dậy. Tôi nhớ lại Quang, người bạn tốt thâm niên của tôi ở Houston , có dặn nếu bị gì thì phone cho Quang để Quang gửi tiền  cấp cứu. Tôi đến một trạm phone công cộng, mấy lần nhấc phone lên rồi đặt xuống. Tôi thấy xấu hổ với bạn, nên thôi. Cái đói lại cồn cào bao tử tôi suốt đêm. Trưa hôm sau, thật may mắn, một anh Mỹ đen, cũng dân homeless, đến ngồi bên tôi, hỏi: 

– Are you hungry?

Tôi mau mắn trả lời: 

– Yes. I am very hungry!

Anh Mỹ đen kéo tay tôi đứng dậy: 

– Ok, go with me. 

– Where are we go ?

– Go to the church for eat. 

  Tôi mừng quá đi theo anh. Đến nơi, tôi đã thấy một hàng dài mấy trăm người Mỹ homeless đang chờ vào nhà thờ để ăn bữa cơm từ thiện. Đứng vào hàng rồi, nước mắt tôi tự nhiên lại ứa ra. Tôi đã thật sự là dân homeless ở thành phố xa lạ này.

Nhờ có nhà thờ ở đường Jones giúp cho ăn  bữa trưa, tôi tạm thời giải quyết được cái bao tử lây lất qua ngày. Cứ ngày thì đến nhà thờ ăn trưa, tối về bến xe, nhịn đói, và ngủ trong trời giá lạnh. Tính ra đã bị homeless nửa tháng rồi. Một hôm, sau khi ăn trưa ở nhà thờ, tôi đến công viên ở khu Civic Center trên đường Larkin, ngồi trên ghế đá nhìn trời mây bao la mà buồn cho thân phận. Anh Mỹ trắng ngồi gần bên thấy tôi có chiếc va li mới hỏi: 

–  Are you Chinese? Where are you come from?

 Tôi nhìn anh một lúc rồi trả lời: 

– Yes, I am Chinese. I came from Orange County , South California . I have been here for 3 weeks. Now, I am homeless. No home, no money!

Anh cũng nhìn tôi một lúc rồi nói: 

– Why you don’ t go to Social Office? They’ ll help you Food Stamps emergency and Voucher hotel for seven days.  

Trong hoạn nạn, vì quá buồn, tôi đã quên mất chương trình An sinh Xã hội giúp người khốn khổ. Tôi cũng không ngờ ở thành phố San Francisco này lại có thêm chương trình giúp Voucher hotel cho người lỡ đường không có chỗ ở.  Mừng quá, tôi nói: 

– I don’t know where Social Office. May you help me? 

– Ok. I help you. Go!

Thần may mắn đã mỉm cuời với tôi. Anh Mỹ trắng tốt lòng dẫn tôi đến trước cửa Sở Xã hội,  dúi vào tay tôi tờ giấy 10 đồng rồi bỏ đi ngay. Tôi cảm ơn anh nhiều lần. Anh đi đã hơi xa nhưng còn ngoái đầu lại nói: Good luck. Tôi thấy xúc động, nước mắt lại ứa ra. Từ khi thất tình Huyền đến những ngày homeless vừa qua, tôi trở thành “mít ướt”! Trời sinh ra con người cũng ngộ: Buồn khổ, đau thương thì khóc đã đành, cảm động, vui mừng cũng khóc. 

  Điền các thứ giấy tờ xong, tôi ngồi chờ khoảng một tiếng thì được gọi vào gặp cán sự phỏng vấn. Người tiếp tôi là một chị người Việt, tên Tường, khoảng 45 tuổi. Chị nói chuyện nhỏ nhẹ, dịu dàng. Nghe tôi kể hoàn cảnh cha mẹ, anh chị em ruột thịt đã chết hết trong chiến tranh Việt Nam, qua Mỹ một mình, bị thất tình rồi trải qua những ngày homeless, chị tỏ ra cảm thông:

– Tội nghiệp em quá. Chị ở San Fran này 20 năm rồi, lần đầu tiên mới thấy một người Việt bị homeless như em. Trông em ốm quá. Có bị bệnh không?

– Dạ, trong hơn nửa tháng qua, mỗi ngày em chỉ ăn có một bửa trưa ở nhà thờ. Tối lại lạnh quá nên ngủ không được. Nhiều hôm bị cảm sốt, cũng phải ráng chịu đựng. Em bị khủng hoảng tinh thần,  cảm thấy chán đời lắm.

Chị Tường thở dài rồi tiếp tục ghi chép hồ sơ. Sau đó, chị bảo tôi ký tên vài chổ trên hồ sơ và nói:

– Em được trợ cấp Food Stamps mỗi tháng 145 đồng để ăn uống. Còn đây là phiếu ở tạm Shelter 3 ngày. Nơi đó có tắm rửa, ăn uống, giường ngủ đàng hoàng, lại có bác sĩ MD mỗi chiều đến khám bệnh cho thuốc uống.. Em hãy xin bác sĩ làm giấy chứng nhận em có bệnh. Sau 3 ngày, em trở lại đây để nhận Voucher ở Hotel 7 ngày, và cán sự phụ trách y tế sẽ phỏng vấn em lần nữa. Nếu được họ thông qua, em sẽ được trợ cấp tiền mỗi tháng 345 đồng để tiêu xài và mướn chỗ ở lâu dài, không còn lo homeless nữa.  

Nóí xong, chị móc ví lấy ra tờ giấy 20 đồng đặt vào tay tôi. Chị nói: 

– Đây là chút tấm lòng riêng của chị. Trong khi chưa có tiền trợ cấp, em giữ để tiêu xài lặt vặt. Chị chúc em từ nay về sau sẽ luôn gặp nhiều may mắn. 
Tôi cảm động quá, chẳng biết nói gì, chỉ biết cảm ơn chị rồi đứng dậy. Chị tiễn tôi ra tới ngoài cửa văn phòng. 

   Shelter là nơi tạm trú ngắn hạn dành cho người homeless. Mỗi Shelter có quy định riêng. Shelter dành cho phụ nữ thì cho ở từ một tháng trở lên, đến khi nào phụ nữ đó có đời sống ổn định. Shelter dành cho nam giới, tùy theo trường hợp, cho ở 3 ngày, một tuần, tối đa là một tháng.. Có Shelter còn trống một số giuờng thì cho xổ số hàng đêm để người homeless nào trúng số thì được vào ngủ, chỉ một đêm, hôm sau là phải đi. Shelter tôi ở có hai tầng, tọa lạc trên đường 10 th. gần đại lộ Market. Buổi chiều, người homeless đã tụ về đông đảo,  tụm năm tụm ba nói chuyện ồn ào trong phòng sinh hoạt. Đa số là Mỹ đen. Tôi làm thủ tục nhận giuờng ở tầng 2 xong là vội vàng đi tắm. Sau hơn nửa tháng dơ bẩn ngoài đường, giờ được tắm, cảm giác vui sướng không thể tả hết được. Tắm xong cũng vừa tới giờ ăn chiều. Đến 7 giờ tối, có bác sĩ và y tá đến khám bệnh. Vị bác sĩ và cô y tá trẻ đều có nụ cười luôn nở trên đôi môi, ân cần hỏi han từng bệnh nhân. Tôi cũng được khám và được cho thuốc uống. Tôi xin bác sĩ viết giấy chứng nhận bệnh cho tôi, ông vui vẻ làm ngay. 

  Tôi đã có 3 ngày sống thật an vui trong Shelter. Hết hạn, tôi lại kéo va li đến Sở Xã Hội. Lần này, người phụ trách hồ sơ của tôi là chị Liên, trông trẻ hơn chị Tường. Sau khi đưa cho tôi Voucher hotel 7 ngày, chị dẫn tôi qua phòng cán sự phụ trách về y tế cho họ phỏng vấn bệnh trạng của tôi. Thật may mắn, tôi được thông qua. Tôi trở lại bàn làm việc của chị Liên. Chị cười thật tươi và nói: 

  – Như vậy là anh Quý được hưởng tiền trợ cấp mỗi tháng 345 đồng rồi đó. Tiền này anh không phải trả lại. Tiền trợ cấp chỉ ngưng khi anh khoẻ mạnh và đi làm, có lợị tức sinh sống. Tôi có nghe chị Tường nói lại, về hoàn cảnh của anh. Tôi cũng thấy xót xa cho anh lắm. Anh ngồi chờ tôi hoàn tất hồ sơ cho anh nhé. 

– Vâng, cảm ơn chị nhiều. 

   Khoảng nửa tiếng sau, chị Liên bảo tôi ký vài chỗ trong hồ sơ rồi cười thật vui vẻ:  

– Chúc mừng anh qua cơn hoạn nạn. Anh đạo gì vậy?

– Tôi đạo Phật. 

– Tôi thì đạo Công giáo. Đạo nào cũng tốt thôi. Tôi có cái này tặng anh. 

  Chị mở túi xách lấy ra một bao thư, rồi mở bao thư lấy ra một thánh giá nhỏ bằng vàng đưa cho tôi, chị nói: 

– Đây là thánh giá vàng thật. Anh cất vào bóp để có được sự may mắn. Chúa sẽ luôn phù hộ anh. Còn 20 đồng trong bao thư là tấm lòng tôi, cũng giống như chị Tường vậy. Để anh tiêu lặt vặt. Vì một tuần sau anh mới nhận được tiền trợ cấp của chính phủ. Anh nhận cho tôi vui. 

  Tôi lại thêm một lần xúc động, nhưng cố gắng kềm nén không cho nước mắt trào ra. Một lúc sau, tôi mới nói được nên lời: 

 – Tôi thật không biết nói như thế nào để tỏ lòng biết ơn chị Liên và chị Tường. Tôi thật may mắn gặp được hai chị tốt quá. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tôi sẽ luôn nhớ đến tình cảm tốt lành của hai chị dành cho tôi. Tôi kính chúc chị và gia đình luôn mạnh khoẻ, an vui. Tôi cảm ơn chị nhiều. 

   Chị Liên cũng tiễn tôi ra tới cửa. Chị dặn: 

– Tôi phụ trách hồ sơ của anh, nếu có gì thắc mắc thì anh cứ gọi phone đến Sở Xã Hội,  bấm thêm mã số của tôi thì sẽ nói chuyện được với tôi. Chúc anh nhiều may mắn. 

   Tôi cảm ơn chị và cúi đầu chào chị rồi kéo va li đi. Vừa ra khỏi Sở Xã Hội, tôi giơ thẳng cánh tay trái lên và hét lớn: 

 – Vui quá Trời ơi. Ông Bà, Ba Mẹ, Anh Chị Em của Quý ơi. Con vui sướng quá. Con hết homeless rồi… Hết homeless rồi. ..

Sau một tuần ở hotel, cũng vừa lúc tôi nhận được tiền trợ cấp 345 đồng và Food Stamps 145 đồng. Tôi lại may mắn xin được trợ cấp Housing của City San Francisco dành cho người lợi tức thấp, và tìm được một building cho mướn phòng theo chương trình Housing, chỉ 98 đồng một tháng. Cuộc sống ổn định, tôi có lại những ngày tháng an vui, lo học hành thêm để có được sự thăng tiến đời sống cho những năm tháng về sau này. 
…..
Trong những ngày tháng êm đềm về sau này, tôi nhớ lại… Có lần trong giấc ngủ dưới gầm cầu xa lộ gần bến xe, tôi chợt cảm thấy một luồng hơi ấm từ dưới đôi chân chạy dần lên tới ngực, rồi tới đầu, giúp cho tôi chống lại được tiết trời San Francisco giá lạnh. Và Mẹ tôi hiện ra bên cạnh tôi, đẹp rạng rỡ như nàng tiên trong chuyện cổ tích tôi thường đọc thời thơ ấu. Mẹ âu yếm vuốt tóc tôi và dịu dàng nói: “Con đừng bao giờ chán nản cuộc sống dù có gặp muôn ngàn cay đắng, khổ đau. Con phải dũng cảm vươn lên, vượt qua những phong ba, bão tố để sẽ tìm thấy được bờ bến yên lành, hạnh phúc. Cuộc đời có lấy ở con cái này thì sẽ cho con có được cái khác. Con hãy luôn ghi nhớ ở hiền thì sẽ gặp lành. Số con có Ơn Trên Thiêng Liêng phù hộ. Sẽ có rất nhiều người tốt thương mến, giúp đỡ con trên những bước gian nan của cuộc đời. Sau này, khi có được sự thành công, con hãy trả ơn đời bằng cách luôn yêu thương tất cả mọi người, làm thật nhiều việc thiện cứu giúp những người bất hạnh, khổ đau khác. Và còn phải lo giúp Dân giàu Nước mạnh. .. Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả, Anh hùng hồ dễ có mấy ai?…” 

   Mẹ tôi ngâm khe khẽ hai câu thơ rồi biến mất. Tôi chìm vào giấc ngủ,  một giấc mơ khác lại đến. Tôi thấy tôi bay bay trong không gian trong lành tràn ngập ánh sáng dìu dịu. Hồn tôi lâng lâng vui sướng. Tôi thấy thế giới này trở thành một Thiên Đàng. Tôi bay đi khắp cùng trái đất.  Đâu đâu cũng có cảnh sắc đẹp tuyệt vời, cỏ cây tươi xanh, ngàn hoa khoe sắc thắm, tỏa hương thơm ngát, và chim muông nhảy nhót, líu lo bên cạnh con người. Con người ở khắp năm châu đều có cuộc sống an bình, thịnh vượng. Không còn có sự đe dọa của bom nguyên tử và những vũ khí độc hại tàn sát loài người. Không còn có những kỳ thị màu da, sắc tộc. Không còn có những tranh chấp lợi quyền,  hận thù, ganh ghét giết hại nhau. Nhân loại sống với nhau thật hiền lành, hòa ái, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng có được đời sống an lạc, vui sướng, hạnh phúc vĩnh cửu. .. 
Giấc mơ đó bao giờ sẽ thành sự thật? 
….
Như trăng có khuyết, có tròn ; như ngày có mưa, có nắng ; như khí hậu có thời lạnh, thời nóng; ý nghĩa ” tình người ” cũng có hai mặt tương phản: xấu và tốt. Nhưng thường, người ta hiểu hai chữ “tình người” theo ý tốt: Lòng Bác Ái. Trường hợp tôi ở San Francisco , cũng vậy. Tôi đã gặp được những con người xa lạ không có tình thân thuộc, nhưng đã hết lòng giúp đỡ tôi vượt qua nghịch cảnh.

Và, nhớ lại thời hoạn nạn vượt biển, vượt rừng của mấy triệu người Việt tỵ nạn, có tôi trong đó, cũng nhờ có Tình Người  của hàng tỉ người dân nhiều nước trên thế giới, thể hiện Lòng Bác Ái thông qua Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, Hồng Thập Tư Quốc Tế, đã cứu giúp tất cả chúng ta có được cơm no,  áo ấm ở trại tỵ nạn, và nhận hưởng ánh sáng tự do, dân chủ ở các nước thứ ba, để từ đó được thăng hoa đời sống, hình thành Cộng đồng người Việt hải ngoại phát triển lớn mạnh như ngày nay.

Riêng tại Mỹ, đã có hơn một triệu rưởi người Việt đang có được cuộc sống thành công, vui sướng. Xin trân trọng biết ơn nhân dân Mỹ, chính phủ Mỹ, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, Hồng Thập Tự Quốc Tế, cùng hàng tỉ con người có Lòng Bác Ái trên trái đất này. 

Và, xin được vinh danh hai chữ: Tình Người.

From: Kristie Phan & Kim Bang Nguyen


 

Phong cách quý tộc

K75 LƯƠNG VĂN CANHuy Chiêu

Lâu nay ta thường nghỉ những người lắm tiền nhiều của, ở nhà cao cửa rộng ăn cao lương là mỹ vị… là tầng lớp quý tộc.

Không phải như vậy, đó là những kẻ nhiều tiền chứ chưa hẳn đã có phong cách quý tộc, có khi chỉ là trọc phú !

Vợ chồng doanh nhân trong bài bên dưới đã cho ta thấy biểu hiện của phong cách quý tộc !

Văn Hóa Việt

Lúc tàu Titanic chìm, nó đã đem theo triệu phú John Jacob Astor IV. Số tiền trong tài khoản ngân hàng của ông là đủ để đóng 30 chiếc Titanics.

Tuy nhiên, đối mặt với nguy hiểm chết người, ông ấy đã chọn những gì mình cho là đúng về đạo đức, và từ bỏ vị trí của mình trên tàu cứu sinh để cứu hai đứa trẻ đang sợ hãi.

Triệu phú Isidor Straus, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng lớn nhất của Mỹ, “Macy’s”, người cũng đã có mặt trên Titanic, nói lúc từ chối xuống tàu:

“Tôi sẽ không bao giờ bước vào tàu cứu sinh trước những người đàn ông khác.”

Vợ anh ta, Ida Straus, cũng từ chối xuống tàu cứu sinh, nhường chỗ cho cô giúp việc mới được bổ nhiệm, Ellen Bird. Cô ấy quyết định dành những giây phút cuối đời của mình với chồng.

Những người giàu có này chọn cách chia tay với sự giàu sang của họ, và thậm chí cả cuộc sống của họ, thay vì thỏa hiệp các nguyên tắc đạo đức thông thường. Sự lựa chọn của họ là để ủng hộ các giá trị đạo đức làm nổi bật sự ưu việt của nền văn minh nhân loại và bản chất con người.

(Nguồn: RYan DG copy và lược dịch từ Ninjas Are Butterflies)


 

MẸ! – Truyen ngan HAY

Cộng Đoàn CGVN Birmingham

Sau khi mở công ty, tôi rất hiếm khi về thăm mẹ. Khi nhớ ra, thì tôi gọi điện và nói với mẹ vài lời. Hầu như không có thời gian, tôi rất bận rộn. Đôi khi, ngay cả trước khi lời nói của mẹ kết thúc, tôi cũng cúp ngang điện thoại vì cần giải quyết công việc.

Tôi không hề biết rằng người mẹ phía bên kia của điện thoại, tay vẫn giữ chặt đường dây, rồi lắc đầu với một nụ cười và thở dài….!

Mùa hè năm đó, tôi mua vé máy bay, trở về thăm mẹ. Ở nhà tôi không có việc gì để làm, chủ yếu là cùng mẹ xem ti vi và trò chuyện.

Ngày hôm sau, mẹ tôi nói, hãy đi mua trứng gà cùng bà.

Tôi cười khi nghe thấy lời đề nghị của mẹ. Trong công ty, tôi là một ông chủ lớn có thư ký riêng, lái xe riêng. Nhưng tôi vẫn gật đầu đi cùng mẹ.

Mẹ nói : gần nhà có siêu thị nhưng mẹ không đi, chúng ta sẽ đi siêu thị ở vùng bên kia.

Tôi rất thắc mắc, bèn hỏi mẹ: “Tại sao chúng ta lại phải đi siêu thị xa như vậy trong khi nhà chúng ta gần siêu thị vậy mẹ?”

Mẹ tôi chớp mắt, tự hào, và nói rằng những quả trứng trong siêu thị đó rất rẻ, mua ba quả thì tặng một quả. Tôi không nói nên lời….!

Đi đến lề đường, tôi định vẫy gọi xe. Mẹ tôi nói, đi xe buýt số 12. Tôi hỏi bằng giọng hơi cáu, tại sao lại đi xe buýt số12…?

Mẹ nói rằng xe buýt số 12 là một chiếc xe đặc biệt dành cho siêu thị. Nó miễn phí, còn nếu đi xe khác thì phải mất tiền. Tôi lại mỉm cười và nói đồng ý….!

Lên xe buýt số 12. Hầu như tất cả các bác già trong xe đều rất quen thuộc với mẹ của tôi. Nghe nói tôi đi mua trứng với mẹ. Tất cả họ đều nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp, như thể tôi là con trai của mọi người vậy. Trái tim tôi cũng ấm áp theo…!

Mua được một chục trứng. Mẹ lại đưa tôi vào ngồi chờ ghế xe buýt số 12. Chúng tôi phải đợi ở đây 1 tiếng đồng hồ mới có xe 12. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn, ngọn lửa tức giận trong lòng bắt đầu nhen nhóm, nhưng tôi vẫn cố chịu đựng. Trong một giờ, mẹ nói chuyện về những câu chuyện thời đi học của tôi, những câu chuyện mà có lẽ bà không nói ra tôi cũng không còn nhớ nữa. Vậy nên 1 giờ đó trôi qua nhanh chóng. Cuối cùng đã lên xe buýt số 12.

Khi ra khỏi xe, tôi xách túi trứng và thở dài. Mẹ tôi thì trông có vẻ vô cùng hạnh phúc, bà đếm ngón tay của mình và bắt đầu tính toán, tiết kiệm vài nghìn cho trứng, vài nghìn cho giá vé cả đi cả về của hai mẹ con.

Vậy là tôi cũng nhanh chóng tính toán trong đầu rằng tôi phải mất 4 tiếng đồng hồ để đi mua trứng cùng mẹ. Trong khi, ở công ty tôi có thể tạo ra giá trị hàng chục triệu đồng. Tôi thở dài, ngao ngán trong lòng.

Khi gần về đến nhà, tôi thấy mẹ dừng lại ở một quầy bán trái cây và bà mua một quả dưa hấu lớn.

Trở về nhà, dưa hấu được cắt mở, để lộ những mảnh dưa đỏ tươi. Tôi khát nước từ lâu, lấy một miếng và không thể chờ đợi tôi ăn nó. Dưa hấu rất ngọt, tôi ăn nó một cách nhanh chóng, chỉ một lát đã hết hơn nửa quả. Tôi ăn như kẻ háu đói….!

Một thời gian dài kể từ khi tôi xa nhà tôi chưa ăn dưa hấu nhanh như thế này. Ngay khi tôi ngước lên, mẹ tôi đang nhìn tôi, đôi mắt bà hơi ướt, nhưng khuôn mặt bà vô cùng hài lòng và trìu mến nhìn tôi.

Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi rất nghèo, và tôi rất tham ăn. Tôi thường bí mật nhặt vỏ dưa hấu còn thịt đỏ do người khác để lại vào buổi tối, lấy nó ra bờ sông và tôi gặm nhấm chúng một cách tham lam. Mẹ biết điều đó, và bà đã dành ba đêm để dệt sợi dây rơm thành những vật dụng như túi đi chợ, thúng, nón… Bà sử dụng tiền làm từ sợi dây rơm để mua cho tôi dưa hấu, và sau đó nhìn tôi ăn.

Tôi ngây người nhìn mẹ và nuốt trọn miệng dưa hấu. Ngay lúc đó, tôi chợt hiểu mẹ. Khi khó khăn, mẹ dựa vào sự siêng năng và tiết kiệm để cung cấp cho tôi một cuộc sống tốt nhất có thể. Bà yêu thương tôi, dành hết tình cảm, đồ ăn ngon đều cho tôi..

Nhưng bây giờ, tôi giàu có nhưng tôi lại không đủ giàu để dành thời gian nói chuyện với mẹ. Bà đã cố ý đi siêu thị xa, để có bốn giờ đồng hồ bên cạnh tôi….. Bây giờ tôi chợt nhận ra, thời gian và tiền bạc tồn tại là để dành cho tình yêu….!

Nhất… nhất là để dành cho Mẹ…!

Mua chục trứng hột gà để mua tình yêu cho Mẹ.!!

Bài và ảnh sưu tầm


 

GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT CỦA LÃO PANOV – Leo Tolstoy -Truyen ngan HAY

Truyện ngắn hay nhứt trong mùa Giáng Sinh do Leo Tolstoy phóng tác thành văn xuôi từ vở thoại kịch có tựa đề là ‘Le père Martin’ của Ruben Saillens.  Từ câu chuyện Ông Panov này, ngày nay đã có hàng ngàn phiên bản bằng văn, thơ, kịch khác phổ biến trong văn học thế giới như một thông điệp về nhân ái và hạnh phúc, nhất là trong dịp Lễ Giáng Sinh hàng năm.

GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT CỦA LÃO PANOV

 – Leo Tolstoy       

Hôm đó là ngày vọng (trước) Giáng sinh, mặc dù chỉ mới có xế chiều mà đèn đã được thắp lên khắp cả, từ nhà ở cho đến các cửa tiệm trong ngôi làng nhỏ của nước Nga này, bởi vì những ngày mùa đông thì ngắn ngủi và rất chóng tàn.  Những đứa bé vốn lúc nào cũng hớn hở đã chạy nhẩy lon ton ở bên trong và bây giờ, thoát ra từ những khung cửa chớp khép kín, là những âm thanh giống như bị bóp nghẹt của những cuộc trò chuyện và những tiếng cười đùa.

Lão Panov, ông thợ giày của làng, bước ra bên ngoài để có một cái nhìn rảo khắp.  Những âm thanh của hạnh phúc, những ánh đèn rực rỡ và mùi vị thoang thoảng của những món ăn ngon   Giáng sinh làm cho ông nhớ tới những mùa Giáng sinh đã qua khi người vợ của ông vẫn còn sống và những đứa con vẫn còn bé bỏng.  Bây giờ thì mọi người đã đi xa rồi.  Khuôn mặt tươi vui tự nhiên của ông, thường đi đôi với một cặp mắt xe lại vì nếp cười, ẩn nấp sau cặp kính tròn, bây giờ trông buồn rời rợi.  Tuy nhiên, ông đã bước vào trong nhà một cách dứt khoát, kéo cửa chớp xuống và đặt bình cà phê lên bếp than.  Sau đó, với một tiếng thở dài, ông ngả người lên chiếc ghế bành lớn.

Lão Panov thường không đọc sách, nhưng tối nay, ông với lấy cuốn sách Kinh Thánh cũ của gia đình, và từ từ dùng ngón tay trỏ lân lê theo dòng chữ, ông đọc lại câu chuyện Giáng sinh.  Ông đọc tới đoạn Bà Maria và Ông Giuse, mệt mỏi sau cuộc hành trình đi Bêlem, không tìm được một chỗ nào tại nhà trọ, phải sinh đứa con nhỏ trong một chuồng bò.

“Trời đất ơi, Trời đất ơi!” Lão Panov kêu lên, “nếu mà họ đến đây!  Tôi sẽ nhường chiếc giường của tôi cho họ và tôi bảo đảm sẽ lấy tấm chăn bông của tôi để bao bọc cho đứa bé.”

Khi ông đọc tiếp tới đoạn các nhà đạo sĩ đến thăm em bé Giêsu, tặng cho em nhiều món quà tuyệt vời.  Thì sắc mặt của Lão Panov xụ xuống.  “Tôi chẳng có món quà nào cho em cả” ông buồn bã nghĩ thế.

Rồi gương mặt của ông lại tươi lên.  Ông bỏ cuốn Kinh Thánh xuống, đứng dậy và vươn cánh tay dài lên một ngăn tủ ở trên cao trong căn phòng nhỏ.  Ông lấy xuống một chiếc hộp nhỏ đã phủ đầy bụi và mở ra.  Bên trong là một cặp giày nhỏ bằng da hoàn hảo.  Lão Panov mỉm cười hài lòng.  Vâng, đôi giầy vẫn còn tốt như trước – đôi giày tốt nhất mà ông từng làm ra.  “Tôi phải cho em đôi giầy này” ông định bụng như thế, rồi nhẹ nhàng cất chúng đi và ngồi xuống một lần nữa.

Ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, và càng đọc thì càng buồn ngủ hơn.  Những giòng chữ bắt đầu nhảy múa trước mắt cho đến khi ông phải nhắm mắt lại, để nghỉ thêm một phút.  Nhưng chẳng bao lâu thì Lão Panov ngủ vùi.

Trong giấc ngủ, ông thấy một giấc mơ.  Ông nằm mơ một người nào đó đang ở trong phòng của mình và ông nhận biết, giống như mọi người đều nhận biết khi ở trong những giấc mơ của họ, ông nhận ra ngay người đó là ai.  Là Chúa Giêsu.

“Panov, nếu con muốn gặp Ta” Chúa nói một cách dịu dàng “thì hãy tìm Ta vào ngày mai.  Đúng ngày Giáng Sinh Ta sẽ đến thăm con.  Nhưng hãy chú ý cẩn thận, Ta sẽ không tỏ cho con biết rõ Ta là ai.”

Cuối cùng thì Lão Panov tỉnh dậy, khi chuông nhà thờ reo vang và một luồng sáng mỏng manh luồn lọc qua khung cửa chớp.  “Chao ôi, vui quá là vui!”  Lão Panov reo lên.  “Đây là ngày Giáng sinh rồi!”

Ông đứng dậy và duỗi mình cho qua cơn nhức mỏi.  Rồi thì khuôn mặt của ông rực lên một niềm vui hạnh phúc vì hồi tưởng lại giấc mơ vừa qua.  Đây sẽ là một ngày Giáng sinh đặc biệt hơn tất cả, vì Chúa Giêsu đến thăm ông.  Ngài sẽ trông giống như thế nào nhỉ?  Sẽ còn là một em bé như lúc Giáng sinh đầu tiên?  Hay sẽ là một người trưởng thành, một anh thợ mộc – hay là một vị vua huy hoàng, xứng đáng với danh phận là Con Đức Chúa Trời?  Ông tự nghĩ phải cẩn thận canh chừng từng giây phút của ngày để có thể nhận ra Ngài khi Ngài ngự đến.

Lão Panov pha một bình cà phê đặc biệt cho bữa ăn sáng Giáng Sinh, kéo cửa chớp của cửa sổ lên và nhìn ra ngoài.  Đường phố còn vắng tanh, không ai cả.  Không ai ngoại trừ ông quét đường.  Ông ta có vẻ khổ sở và bẩn thỉu hơn bao giờ hết, và cũng là đáng kiếp!  Ai mà đi làm việc vào ngày Giáng sinh bao giờ – và lại làm việc trong cái lạnh cay đắng của lớp sương muối trong một buổi sáng như thế này?

Lão Panov mở cửa ra, một làn khí lạnh mỏng lùa vào.  “Vào đây!” ông hô to qua phía bên kia đường bằng một giọng vui vẻ.  “Vào đây uống một chút cà phê cho ấm bụng!”

Ông quét đường nhìn lên, gần như không tin vào tai mình.  Rõ ràng ông ta đã quá sức vui mừng khi được đặt cây chổi xuống và đi vào căn phòng ấm áp.  Quần áo của ông bay phất phới nhẹ nhàng trong cái hơi nóng từ bếp lò thoát ra và ông siết chặt cả hai bàn tay đỏ như gấc vì lạnh vào cái ly ấm áp và đầy an ủi.

Lão Panov hài lòng nhìn ông ta, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt qua khung cửa sổ.  Ông không muốn bỏ lỡ người khách đặc biệt của mình.

“Ông đợi ai đó?” ông quét đường sau cùng phải hỏi như thế và Lão Panov kể cho ông ta về giấc mơ của mình.

“Vâng, tôi hy vọng ông ta tới” ông quét đường nói, “ông vừa tặng cho tôi một chút niềm vui Giáng sinh mà tôi đã không bao giờ mong đợi.  Tôi cũng muốn nói rằng ông xứng đáng có được một giấc mơ trở thành sự thật.”  Và ông ta đã mỉm cười một cách thực lòng.

Khi ông ta đi rồi, Lão Panov cắt nhỏ bắp cải đưa vào nồi súp để dọn bữa ăn, sau đó đi ra cửa nữa, quét mắt nhìn quanh đường phố.  Ông vẫn không thấy ai.  Nhưng thực sự ông đã nhầm.  Có người đang đi đến.

Cô gái bước đi rất chậm chạp và lặng lẽ, dựa sát vào bờ tường của các cửa hàng và nhà ở, phải mất một thời gian dài trước khi ông nhận ra cô nàng.  Cô ta trông thật mệt mỏi và đang mang một cái gì đó.  Khi cô gái tiến gần ông hơn, ông nhận ra rằng ‘cái gì đó’ là một đứa bé, bọc trong một chiếc khăn choàng mỏng.  Có một nỗi buồn u uẩn phảng phất trong khuôn mặt của cô gái và trong khuôn mặt bị ép chặt của đứa bé, đến nỗi trái tim của Lão Panov muốn rơi ra vì họ.

“Xin mời vào nhà” ông bước ra ngoài để gặp họ. “Cô và em bé cần có chút lửa ấm và chút nghỉ ngơi.”

Bà mẹ trẻ để cho ông ta dẫn cô vào nhà và tới với sự thoải mái của chiếc ghế bành.  Cô thở dài nhẹ nhõm.

“Tôi sẽ hâm nóng một chút sữa cho em bé” Lão Panov nói, “Tôi cũng đã có con – tôi có thể cho con bé bú.”  Ông lấy sữa từ bếp lò và cẩn thận cho đứa con gái nhỏ bú bằng muỗng, đồng thời hơ ấm đôi bàn chân nhỏ của nó lên bếp.

“Con bé cần có giày,” ông thợ đóng giày nói.

Nhưng bà mẹ trẻ trả lời: “Tôi không có tiền mua giày đâu, tôi không có chồng để lo chu cấp cho chúng tôi.  Tôi phải đi đến làng bên cạnh để tìm việc làm.”

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong trí của Lão Panov.  Ông nhớ lại đôi giày nhỏ ông đã coi lại đêm qua. Nhưng ông muốn giữ đôi giầy ấy cho Chúa Giêsu.  Ông nhìn xuống đôi chân lạnh của đưa bé một lần nữa và rồi làm một quyết tâm.

“Thử đôi giầy này cho con bé” ông vừa nói vừa đưa trả đứa bé cùng với đôi giày cho người mẹ.  Đôi giày nhỏ xinh đẹp đi vào vừa vặn.  Cô gái mỉm cười hạnh phúc và con bé cũng ríu rít lên vì vui sướng.

“Ông tốt với chúng tôi quá,” cô gái nói, và bế đứa bé lên mà đi ra.  “Mong rằng tất cả những ước mơ Giáng sinh của ông trở thành sự thật!”

Nhưng đến lúc này thì Lão Panov đã bắt đầu nghi ngờ cái ước mơ Giáng sinh đặc biệt của mình có thể trở thành sự thật không.  Có lẽ ông đã bỏ lỡ người khách của mình?  Ông lo lắng nhìn lên các đường phố cả trên lẫn dưới.  Vẫn có nhiều người đi qua nhưng toàn là những gương mặt mà ông từng quen biết.  Có nhiều người hàng xóm đi gọi người nhà về.  Họ gật đầu chào và mỉm cười chúc ông Giáng sinh vui vẻ!  Hoặc nhửng tên hành khất – và Lão Panov vội vã gọi họ vào nhà để biếu họ một tô súp nóng và một ổ bánh mì kha khá, rồi cũng vội vã chạy ra cửa để đề phòng ông không bỏ lỡ Người Lạ Mặt Quan Trọng.

Rồi thì chẳng mấy chốc mà cảnh hoàng hôn của mùa đông lại rơi xuống.  Khi Lão Panov đi ra cửa một lần nữa và dù có căng đôi mắt của mình ra đến mấy, ông cũng không còn nhìn thấy một ai trên đường.  Mọi người đều đã về nhà.  Ông chậm rãi đi vào phòng, đóng cửa chớp xuống, và ngồi xuống một cách mệt mỏi trên chiếc ghế bành.

Chỉ là một giấc mơ thôi.  Chúa Giêsu nào có đến.

Nhưng bỗng nhiên ông cảm thấy ông không ở một mình trong phòng.

Điều xảy ra không phải là một giấc mơ vì ông hoàn toàn tỉnh táo.  Đầu tiên, ông thấy trước mắt một hàng dài những người đã đến với ông ngày hôm đó.  Ông già quét đường, người mẹ trẻ và đứa con và những người hành khất mà ông đã cho ăn.

Khi họ đi qua, họ đều thì thầm một câu: “Ông không thấy tôi à, Ông Panov?”

“Bạn là ai?” ông kêu lên, hoang mang.

Lập tức, một giọng nói khác trả lời ông.  Đó là giọng nói từ giấc mơ – giọng của Chúa Giêsu.

“Ta đói, ngươi đã cho ăn,” Chúa nói.  “Ta trần chuồng và ngươi đã cho mặc.  Ta lạnh và ngươi sưởi ấm cho Ta.  Hôm nay Ta đến thăm ngươi qua tất cả những người mà ngươi đã mời vào mà cứu giúp.”

Rồi sau đó, là một sự tĩnh mịch.  Chỉ còn tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ lớn.  Một sự bình an và hạnh phúc lớn lao lấp đầy căn phòng nhỏ, tràn ngập trái tim của Lão Panov đến nỗi Lão phải phá lên cười, hát vang và nhảy múa hân hoan.

“Ngài đến thật rồi!” ông chỉ nói được như thế mà thôi.

Leo Tolstoy

Trần Mạnh Trác dịch

From: Langthangchieutim