BỮA ĂN CUỐI CÙNG – Truyện ngắn HAY

Chuyện tuổi Xế Chiều – Công Tú Nguyễn

Một sinh viên ra trường thất nghiệp đã lâu, không tìm được việc làm.

Sáng hôm đó, anh uể oải thức dậy, lục mãi trong ví chỉ còn 10 dollars cuối cùng. Anh rửa mặt thay đồ rồi lang thang trên phố, hy vọng tìm được bất cứ công việc gì có thể.

Nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Đến khi thấy đói, anh ghé vào một quán ăn nhanh để mua một phần ăn cuối cùng và ly soda.

Anh vừa lấy được phần ăn nóng hổi ngồi xuống bàn, chưa kịp cắn một miếng thì trước mặt anh bỗng xuất hiện một ông lão ăn xin dẫn theo 2 đứa cháu. Trông họ thật tồi tàn dơ bẩn và đói lả. Ông lão van xin anh vì ông cháu họ đã nhịn ăn gần cả tuần rồi. Những đứa trẻ thèm thuồng nhìn cái bánh hamburger anh đang cầm trong tay .

Chàng thanh niên nhìn lại mẫu bánh, anh cũng đói nhưng anh biết họ còn đói hơn anh. Anh cầm cả khay thức ăn đưa hết cho ông lão. Ông lão ăn xin cảm ơn rối rít, rồi lục trong túi xách rách nát đưa cho anh một đồng xu cổ và nói:

“Cảm ơn lòng tốt của anh, xin hãy nhận cho lòng biết ơn của chúng tôi”.

Anh chẳng biết làm được cái gì với đồng tiền cổ này, nhưng cũng nhận lấy nhét vào túi cho ông lão yên tâm.

Chàng thanh niên thất thểu bước ra khỏi quán. Giờ thì anh thật sự đã chẳng còn gì nữa. Không tiền, không việc, không hy vọng cùng cái đói đang gậm nhấm bao tử .. Anh đi xuống bờ sông, tìm một chỗ mát dưới gầm cầu, và định nằm đó cho đến khi được lên thiên đàng.

Khi loay hoay dọn dẹp xong chỗ nằm, chợt thấy một mẫu báo rách, anh cầm nó lên đọc. Trên báo có mẩu tin: một trung tâm mua bán đồ cổ rao thu mua tất cả những đồng tiền cổ với giá cao.

Anh moi trong túi ra đồng tiền khi nãy ông lão ăn xin đưa cho anh, ngắm nghía một hồi hy vọng biết đâu nó cũng giúp anh mua được vài thứ để nhét vào bụng. Nghĩ vậy nên anh bò dậy và cầm mẩu báo đi tìm địa chỉ.

Khi anh đến nơi và chìa tay đưa ra đồng tiền, một chuyên viên trong cửa hàng xem xong gọi ông chủ đến. Ông chủ đem ra một cuốn sách cũ to tướng, rồi cùng anh và người chuyên viên lục tìm mẫu đồng tiền anh đang có. Sau khi tra cứu niên giám kiểm tra mẫu đồng tiền đó, cả 3 người té ngửa khi biết nó có giá .. 3 triệu dollars.

Anh mất cả ngày hôm đó để hoàn tất thủ tục mua bán, và sáng hôm sau anh bước ra khỏi nhà với tư cách là người chủ tài khoản ngân hàng với 3 triệu đồng. Anh vui mừng chạy ngay đến quán ăn mà anh đã gặp 3 ông cháu ăn xin lần cuối.

Nhưng khi hỏi  toàn bộ nhân viên và ông chủ cửa tiệm,  không ai biết tung tích của ông lão ăn xin. Chỉ có một nhân viên đưa ra một mảnh giấy, nói là ông lão có viết để lại cho anh.

Anh mừng rỡ mở ra xem, hy vọng đây là tin nhắn giúp anh tìm được họ. Nhưng trên mảnh giấy chỉ vỏn vẹn có vài hàng:

“Cảm ơn lòng tốt của anh bạn trẻ. Anh đã cho chúng tôi tất cả những gì anh có khi anh đã không còn gì nữa. Vậy nên anh xứng đáng để nhận lại phần thưởng từ  Chủ Nhân Của Thiên Đường” …

Từ fb Chau Nguyen Thi  (st)


 

FATHER’S DAY:MÂM CƠM TRƯA NGÀY THƯỜNG-Câu chuyện cảm động

 Câu chuyện cảm động

Từ ngày về hưu, ông Sáu ít ra khỏi nhà. Căn nhà nhỏ trong con hẻm yên tĩnh, mỗi trưa chỉ nghe tiếng quạt quay đều đều và tiếng chim đâu đó kêu giữa cái nắng hanh. Mỗi sáng ông dậy sớm, quét sân, pha trà, rồi lặng lẽ chuẩn bị cơm trưa. Một mình. Nhưng đầy đủ như xưa.

 Bà Sáu mất đã bốn năm. Ban đầu, ông ăn qua loa, cơm nguội chan nước mắm. Nhưng dần dà, ông trở lại nếp cũ: cơm mới, canh rau ngót nấu thịt bằm, món mặn, thêm dưa cải hoặc cà pháo. Gọn gàng. Nề nếp. Như lúc bà còn sống. Dù không còn ai ngồi đối diện, ông vẫn dọn đủ hai cái chén, hai đôi đũa. Có lần người hàng xóm thắc mắc, ông chỉ cười:

– Ờ, quen tay. Bỏ bớt thấy trống.

Ông không nói ra, nhưng cái ghế đối diện chưa bao giờ là chỗ trống. Nó là khoảng nhớ. Là nơi ông hình dung vợ mình vẫn đang múc canh, gắp miếng thịt, mắng yêu “Tui nói bao nhiêu lần rồi, chan nước mắm hoài nó mặn đó, coi chừng cao huyết áp chết nghe ông!”

Bà mất rồi, nhưng thói quen của ông thì không.

 Đứa con trai duy nhất – Thắng – đi làm trên Sài Gòn. Hồi mới cưới vợ còn về đôi ba tháng một lần. Sau có con, bận bịu, rồi thành năm một bận, thậm chí có năm chỉ gọi điện.

Mỗi lần Thắng gọi, ông Sáu đều trả lời một câu giống nhau:

– Ờ, khỏe. Ở đây đầy đủ hết. Bữa nào về, còn cái ghế trống đó.

Giọng Thắng qua máy lúc nào cũng vội:

– Dạ ba, bữa nào con sắp xếp…

“Bữa nào” nghe mãi rồi cũng thành quen, như cái cách ông gỡ từng gói mì bỏ vào tủ khi Thắng về rồi lại không kịp ăn. Như nồi cá kho ông làm dư ra, rồi hôm sau phải mang qua cho bà Tư hàng xóm vì “thằng nhỏ kẹt công chuyện gấp”.

 Hồi xưa, Thắng mê nhất cá kho của má. Có hôm vừa về tới nhà đã gõ nắp nồi:

– Má, nay có cá hả? Con ngửi thấy từ đầu hẻm luôn!

Ông Sáu ngồi nhâm nhi ly trà, nghe vậy bật cười:

– Mũi thằng này y chang ba nó, đánh hơi đồ ăn lẹ lắm.

Cái nồi đất kho cá thuở đó ông còn giữ, bọc kỹ trong giấy báo cũ, đặt ở góc tủ. Không nấu nữa, nhưng không nỡ bỏ.

 Hôm đó là một ngày thứ Tư. Trưa oi, nắng vàng như mật đổ xuống mặt sân gạch. Ông Sáu kho cá lóc, luộc đậu bắp, nấu canh rau dền – toàn món ngày xưa bà Sáu hay nấu.

Ông vừa múc canh thì nghe tiếng xe dừng ngoài hẻm. Lúc đầu tưởng người giao gas, nhưng rồi…

– Ba ơi!

Tiếng gọi khản khản. Quen thuộc đến nỗi ông tưởng mình nghe lầm.

Thắng. Đang đứng giữa nắng trưa. Áo sơ mi xốc xếch, túi xách trễ vai, tóc rối, mồ hôi chảy thành vệt sau gáy. Nhìn y như hồi mười mấy năm trước, lần đầu nó đạp xe từ trường về, vội vàng khoe điểm 10.

Ông Sáu đứng khựng lại mấy giây. Bàn tay đang cầm vá múc canh run nhẹ.

– Vô… vô nhà. Ăn cơm. Ba nấu rồi.

 Thắng bước vô, kéo ghế ngồi xuống chiếu. Căn nhà nhỏ bỗng chật hơn vì sự hiện diện ấy. Ông đặt mâm cơm xuống, mắt không dám nhìn con trai lâu, sợ lộ ra chút gì đó mềm yếu.

Hai cha con ăn trong im lặng. Chén canh được múc thêm lần nữa. Cá kho được gắp nhường nhau. Cũng những món ngày xưa, mà sao hôm nay thấy khác.

Giữa bữa, Thắng buông đũa:

– Con xin lỗi. Mấy năm nay, con…

Giọng nghẹn lại. Mắt cay. Ông Sáu vẫn nhìn vào tô canh. Giọng chậm rãi:

– Ờ… cũng mấy năm rồi không nghe tiếng gọi “ba ơi” ngoài cửa.

Thắng cúi đầu. Bất chợt, nước mắt rơi xuống chén cơm trắng.

– Con… bữa nay họp xong, con chạy thẳng xe về. Tới trước cửa rồi mà không dám gõ. Tự nhiên thấy… sợ. Sợ ba giận, sợ không còn kịp.

Ông Sáu ngẩng lên, nhìn con trai. Ánh mắt già nua ấy không có giận hờn, chỉ có một thứ gì đó sâu hoắm, mỏi mòn và đợi chờ.

Ông gắp miếng cá cuối cùng đặt vào chén con:

 Miễn còn ngồi ăn với nhau, là còn kịp.

Buổi trưa đó, không có gì đặc biệt. Không tiếng nhạc, không mùi hương hoa, không khách khứa. Chỉ có mâm cơm đơn sơ – canh rau dền, cá lóc kho và đậu bắp luộc.

Nhưng là mâm cơm làm người ta muốn rơi nước mắt.

 Vì có người về.

Vì có tiếng gọi “Ba ơi” giữa ban trưa.

Và vì có một người cha, suốt bao năm qua, vẫn lặng lẽ dọn sẵn cái ghế trống bên mâm cơm – chỉ để chờ đúng giây phút ấy.

From: Tu-Phung

CON ĐỐT Ô TÔ BA CÓ NHẬN ĐƯỢC KHÔNG ? Truyen ngan VUI

Công Tú NguyễnChuyện tuổi Xế Chiều

Đọc được bài này ý nghĩa quá, cảm ơn tác giả. 

CON ĐỐT Ô TÔ BA CÓ NHẬN ĐƯỢC KHÔNG ?

(Tại trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người ).

Vong linh một vị tướng quân đội nhập vào cô cháu gái, cười ha hả, mà giọng nói rất to, trầm hùng, lại pha chút khôi hài của vị tướng quân quen “ăn to nói lớn” nơi chiến trận.

Anh con trai (quân hàm thượng tá) hỏi:

– Con đốt tiền biếu cho ba, ba có nhận được không?

– Nhận được!

– Con đốt quần áo biếu cho ba, ba có nhận được không?

– Nhận được!

– Con đốt ôtô biếu ba, ba có nhận được không?

– Ôtô hả, mi đốt cả hai lần tao đều nhận được cả!

Cả gia đình mừng mừng, tủi tủi vì không những được giao lưu trực tiếp với cha mình (tính tình giọng nói vẫn thế) mà ba còn nhận được quà biếu của con cháu nữa. Đột nhiên vị tướng chuyển sang giọng trang nghiêm và khôi hài:

– Nhưng mà bọn mi đã hại tao!

– Sao hả ba?

– Khi nhận được ôtô, khoái chí quá, tao đẩy ra đường chạy thử thì khởi động mãi mà máy không nổ! Hoá ra không có xăng (cả gia đình cười). Chềnh hềnh ra đường mãi, nên công an đến tuýt còi bắt nộp phạt vì “cản trở giao thông”. Loay hoay và lóng ngóng mãi mà không đánh xe vào rìa đường được, công an lại hỏi: “xin cho kiểm tra bằng lái”, tao làm gì có bằng lái, và lại phải nộp phạt lần thứ hai (cả gia đình lại cười). Chưa hết đâu, khi bọn mi gửi ôtô lần thứ hai, tao chán quá chả thèm đi nhận, thì tháng sau tao lại nhận được một “trát” bắt nộp tiền “phạt phí lưu kho lưu bãi” (cả gia đình lại cười như nắc nẻ).

– Như vậy vẫn còn may đấy, nếu tao mà đi từ Sài Gòn bằng chiếc ôtô bọn mi biếu thì ba ngày nữa chưa chắc ra được Hà Nội, vậy thì hôm nay giao lưu làm sao được đây?

– Thế ba đi mây về gió à?

– Nhanh hơn cả đi mây về gió! Chỉ cần nghĩ về đâu là đến đó liền. Nhưng bọn mi có thực lòng biếu ôtô cho tao không?

– Chúng con thật lòng mà ba

– Chiếc ôtô thứ hai khá cầu kỳ, bọn mi mua 700.000 đồng ở Hàng Mã đúng không?

– Vâng, sao ba biết tường tận như thế!

– Thì lúc đó tao đang đứng cạnh đó mà. Nếu bọn mi có lòng hiếu thảo, thì hãy mua cho tao một chiếc ôtô thật khoảng 700 triệu thôi mà.

– Nhưng ba có cần đi ôtô của trần gian đâu

– Thì tao tặng cho các đồng đội của tao trong hội cựu chiến binh để họ chở nhau đi chơi, được không

Mấy người con gãi đầu gãi tai tỏ ra lúng túng, vị tướng quân lại cười ha hả và nói: “Ôtô thật sao không biếu, mà chỉ biếu ô tô giấy 700.000 đồng thôi, lại còn cứ khấn “ba phù hộ cho con thăng chức ba nhé”, ôtô giấy mà thay cho lòng hiếu thảo được à?”

Vị tướng lại nói tiếp:

– Bọn mi khi đi may quân phục có đo không?

– Phải đo đến ba lần chứ ạ.

– Thế sao bọn mi mua quần áo mã mà chẳng đo gì cả, biết “người âm” gầy hay béo, cao hay thấp mà mua? Mặc không vừa thì vứt bãi rác à?

– Con nghĩ là sẽ có phép biến hoá mà ba

– Đã có phép biến hoá thì cớ sao phải mua đồ giấy để đốt đi cho phí, sao không mua đồ thật, rồi đặt lên cúng, tao vẫn chứng nhận được mà, sau đó đem quần áo ấy tặng cho các đồng đội của tao, nói rằng “ba cháu gửi biếu các bác” thì có hơn không?

– Vâng chúng con xin làm theo lời ba

– Lại còn cái vụ tiền mã nữa.

Có 4 lý do mà không nên mua đồ mã ?

– thứ nhất là các nguyên liệu làm tiền mã, đồ mã đều từ các thứ vật liệu dễ cháy, bẩn thỉu, tanh hôi.

– Thứ hai là khi gia công, đàn bà con gái, chó mèo nhảy qua nhảy lại còn gì là thanh tịnh.

– Thứ ba là bọn mi đi lấy tiền ngân hàng, có đếm không? Đếm đến ba lần ấy chứ. Nhưng khi đi mua tiền mã, có đứa nào đếm không? Chẳng bao giờ chứ gì. (cả gia đình sững sờ). Nhưng nếu có đếm thì chẳng bao giờ đủ đâu. Như vậy trong tư duy của bọn làm tiền mã, hàng mã đã chứa đầy tư tưởng đại khái và giả dối rồi, sự giả dối và bất tịnh này đã tàng trữ trong đồ cúng. Thế mà lại nheo nhẻo khấn rằng “chúng con lòng thành dâng lên tịnh tài tịnh vật” hay saoThanh tịnh cái nỗi gì !

– Thứ tư là: “thống đốc ngân hàng” của thế giới tâm linh đâu có cho phép lưu hành đồng tiền do các cõi giới khác in hộ? Đồng tiền phải có mệnh giá chứ, có thể chế nào mà lại chấp nhận cho hàng nghìn hàng vạn hãng in tiền không? Rồi ai cũng tự in thì tiền có giá trị gì không?… Vậy nên, nếu các con có cúng thì hãy cúng tiền thật, sau đó mang số tiền đó nhân danh ba mà giúp đỡ đồng đội của ba thì đó mới là cúng thật.


 

Nghệ thuật sống sót — Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư

(Địa phủ phát hành cho những linh hồn lỡ lấy vé đầu thai làm người Kỳ Cục)

 “Thiền sẽ giúp bạn không ức hộc máu mà đi chầu Diêm chúa sớm, bởi miếng đất ở gần trăm năm bỗng dưng bị thu hồi…”

Nói chuyện ăn trước, bởi có thực mới giựt được tùm lum. Ở Kỳ Cục, không ăn thì chết đói, ăn thì bạn sẽ ăn hải sản ướp phân u rê, phở nhồi phộc môn, cá khô tưới thuốc sâu, gạo tẩm thuốc chống mọt, thịt heo thấm đượm chất tạo nạc, rau xanh tưới dầu nhớt siêu mướt, xưởng tương ớt làm ở chuồng gà, khô bò sản xuất trong nhà máy nhựa, rượu chỉ từ nước lã hòa với cục men nước Lọa. Chỉ còn cách sắm miếng đất, tự trồng mà ăn, nhưng nhiều khả năng sống không yên với hàng xóm, họ nghĩ bạn đang nuôi sâu bọ phá vườn ruộng họ. Nói chung, đằng nào thì bạn cũng quay lại địa phủ sớm, không nên mang hành lý chi nhiều.

2.

Giờ tới chuyện học. Không đi học bạn dốt là cái chắc, mà đi học thì nhiều khả năng bị cô giáo mẫu giáo giẫm đạp như thiên hạ giặt mùng mền đón Tết, không thì bị buộc dây vô góc phòng để khỏi chạy lung tung xèng ảnh hưởng việc lướt fây búc của các cô. Nói chung, ở tuổi đó bạn không có đường đỡ, hên/xui thôi. Lên cấp một, bạn cứ chơi trong lớp, đừng ra sân trường chạy nhảy tránh xe hơi hiệu trưởng tông vô. Ngồi trong lớp tốt nhất ngồi im như tượng, bởi lỡ gây lỗi vặt, cô giáo bạn có thể hoặc đích thân hoặc lệnh cho bạn học tát bạn xéo mỏ rớt răng mắt sụt xuống hai mi li mét so với vị trí ban đầu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Nọ cũng còn nhiều thầy cô giáo lương tâm tốt ròng tấm lòng tốt mịt, và một lần nữa phải nhắc lại, mọi thứ nằm trong hai chữ: hên/xui.

3.

 Tai nạn, nó có thể ở khắp mọi nơi ở cái xứ sở bạn sắp đầu thai. Tai nạn vì xe cộ là bèo quá rồi, ngày nào không có một đoàn sứt đầu mẻ trán kéo xuống địa phủ. Giờ người ta còn đuối nước trên những con đường nội thành sau mưa, té hàng rào rì sọt trong lúc leo qua đó ra bãi biển vớt rong về nấu canh, thậm chí ngồi trong nhà gạch trùm mền với vợ (hoặc chồng), bạn cũng gặp nguy vì đập nhân tạo trên núi vỡ gây lũ quét cùng đá lở. À, nhắc tới đập, bạn đừng quên đập thủy điện lủ khủ ở Kỳ Cục, tốt nhất đừng sống ở hạ nguồn. Nhưng thượng nguồn thì toàn núi đá, bạn nên học khỉ cách trèo cây hái trái mà sống. Và sống được hay không tùy vào lâm tặc. Nói chung cũng hên xui.

4. 

Làm dân cày thì nghèo, nhưng làm quan khổ lắm, phải nuôi heo, chăn bò, bán chuối chiên để xây biệt phủ dát vàng. Để kiếm khoản tiền ngoài lương cho vợ ăn sáng bên Sing, con đi Dubai làm tóc, quan phải làm lụng sút móng chớ không phải vừa, nhưng đây là vinh hạnh lớn, bạn nếu mắc kiếp dân cày thì muốn cũng không được.

Nói chung, u uất là một khổ nạn riêng dành cho dân cày Kỳ Cục, nhưng tỉ lệ bạn cầm vé đầu thai vô nhà ấy rất cao. Hãy học thiền ngay. Thiền sẽ giúp bạn không ức hộc máu mà đi chầu Diêm chúa sớm, bởi miếng đất ở gần trăm năm bỗng dưng bị thu hồi, ruộng đang mần bị lấy làm sân gofl, biển đang tắm bị rì sọt bao dí, đường đang đi họ dựng trạm thu phí. Nói chung, mần dân, nếu hông tức bể phổi thì cũng nổi khùng thôi. Chia buồn với bạn !

5. 

Chuyện bạn sống chung với đồ giả là không tránh khỏi. Heo giả thịt bò, cao su giả khô mực, đường bê tông cốt tre giả cốt thép, tham quan giả thanh liêm, con bạc giả cảnh sát, kẻ thù kế bên nhà giả làm bạn hiền kêu cho mượn tiền rồi lấy đất xiết nợ. Ở xứ xài đồ giả riết quen, không chịu được đồ thiệt nên xu hướng phá tanh bành xí bẹ ra để làm giả lại. Bạn phải làm quen, đừng có buồn quá đi mua thuốc chuột tự tử, nhằm chai thuốc giả ngoài nước sông ra không có cái chất khỉ khô gì.

Sống sót ở xứ Kỳ Cục, dĩ nhiên không chỉ phụ thuộc vào năm điều cốt yếu kể trên đây, nó còn tùy thuộc vào bạn là ai, bạn sống ở đâu. Thí dụ như bạn sống nhà lầu có nguy cơ cháy không đường chạy, còn sống gầm cầu thì ai biết cây cầu cốt sắt hay cốt cây sậy. Bạn đau bụng gió bác sĩ cắt nhầm cái thận, còn bạn mạnh cùi cụi chẳng bịnh gì thì một cú lọt ống cống (họ quên đậy nắp) cũng thành Bảy Cụt như chơi. Nên bí quyết đắt giá nằm trong hai chữ : hên/xui. Hai chữ đó quyết định sống còn thành bại của bạn, và hưởng dương hay hưởng thọ cũng do nó mà nên.

Nên chúc bạn may mắn với cuộc đi lành ít dữ nhiều này. Hãy nhớ cánh cổng địa phủ lúc nào cũng chào đón bạn quay trở lại.

Nguyễn Ngọc Tư

From: TU-PHUNG

NGÓN TAY THẦN!-Tác giả : Bùi Quang Việt-Truyen ngan HAY

Chuyện tuổi Xế Chiều – Công Tú Nguyễn

 Tác giả : Bùi Quang Việt.

Khi hắn leo đến một chức vụ cao chót vót ở một cơ quan công quyền, ngón tay trỏ, bàn tay phải của hắn biến thành “ngón tay thần”, hắn chỉ gì được nấy.

Hắn đến nhà “thằng đệ” chơi, thằng đó là giám đốc doanh nghiệp, được hắn chống lưng. Hắn sờ vào “đầu rồng” trên tay ngai của bộ xa lông. Miệng xuýt xoa: Bộ xa – lông gỗ Thủy Tùng này quý thật! vào nhà thơm nức mũi. Tuần sau, “khổ chủ” phải bay vào tận Đăk Lăk sục sạo, tìm đưa ra Hà Nội, cống nạp cho hắn. Hắn “trấn lột” không kể đứa nào, miễn là ngang hàng và cấp dưới của hắn. Có khi hắn lấy của thằng nghèo, cống nạp thằng to hơn, giầu hơn nên chức vụ cứ lên vù vù. Ngón tay trỏ của hắn không khác gì “chiếc đũa thần” trong truyện cổ tích.

Hắn có thằng đệ quê xứ Nghệ, nuôi gấu ngựa. Đi Quảng Trị về, tạt qua thăm. Hắn giơ ngón tay: Mần mấy CC mật, pha rượu nhậu chú mày! Thằng đệ sai người đè gấu ra hút mật, hút thêm mấy CC nữa để hắn mang về Hà Nội. Đang nhậu vui, bỗng thấy con gấu hộc hộc lên mấy tiếng rồi tru lên rất thảm thiết. Chủ nhà bỏ đũa, chạy ra xem. Chú gấu đã chết thẳng cẳng, nhưng mắt vẫn mở trừng trừng, ai oán lũ người, đã đổi cả tính mạng nó trong cuộc “hội ngộ trùng phùng”. Hắn bảo: “Biết đâu kiếp sau, gấu hóa trở lại làm kiếp người như hắn thì chẳng sướng hơn tiên à? Mổ bụng con gấu ấy, cắt cho tau miếng gan, cắt một bàn tay, đem đóng đá, cho tau đưa về Hà Nội ngâm rượu”.

Vào nhà hắn, không khác gì vào nhà một bậc vua chúa thời xưa. Bộ sừng Voi ma – mút, chắc rước về từ châu Phi? uy nghi, lừng lững trước bộ xa lông tay vịn chạm đầu rồng, chiếc bàn nước cũng đủ tứ linh: “long, lân, quy, phượng”. Bên cạnh phòng ăn là một “nhà kho”, có hàng trăm bình to nhỏ, đủ loại: sành, sứ, gốm, thủy tinh ngâm các loại gia cầm, gia súc. Nào “cà” Dê, chim bìm bịp, rắn hổ Trâu, hổ Chúa, Tắc Kè Hoa, Cá Ngựa… Hắn bảo trong số đó có hai bình quý nhất. Một bình ngâm đủ bốn thứ: “Bướm Nai cái, dái khỉ già, tay kỳ đà, chân gấu ngựa”. Còn bình kia là nhau thai, hắn nhờ người quen làm ở khoa sản của bệnh viện tậu giúp. Hắn cười hơ hớ: “Tớ con gì cũng ngâm. Chỉ có con vợ không ngâm được đành chịu. Cái rượu “bướm Nai” uống vào, mần đêm “vài nháy”, vợ kêu rát như phải bỏng, mà mình vẫn “chưa xuất”, đã lắm!

*****

Hắn nằm trong bệnh viện, người teo tóp, da bọc xương, mắt trắng dã, nhìn lơ đễnh lên trần nhà, trông thật thảm hại. Cả một trung tâm y tế lớn, với biết bao xét nghiệm vẫn chưa chuẩn đoán hắn bị bệnh gì? Nghe bác sỹ bảo hắn bị một loại vi rút lạ của động vật, nhiễm vào cơ thể, phá hủy các tế bào gan, rất khó điều trị.

Trong phòng bệnh, chỉ toàn một màu trắng tang tóc. Trên trần nhà, có con Thạch Sùng, cứ đêm đêm nó lại tặc lưỡi: Tiếc! T…i…ế…c,

Tác giả : Bùi Quang Việt.


 

Di Dân Nga Trên Nước Mỹ – Trương Ngọc Anh- Truyen ngan HAY

06/06/2025

Trương Ngọc Anh

 Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sau vụ khủng bố tấn công làm sụp đổ tháp đôi ở New York, cô viết bài “Tiểu Hợp Chủng Quốc” kể chuyện sở làm, một công ty chủ nhân người Ả Rập Hồi Giáo, nhưng hàng trăm nhân viên đủ gốc Á Âu, Do Thái… sống với nhau hoà thuận. Bài viết được trao tặng giải thưởng danh dự năm 2002. Bài viết sau đây tiếp tục ghi lại một hình ảnh đẹp của người di dân – một người Nga sống trên nước Mỹ.

***

Trải qua bao thời gian, những người bạn cũ rời xa, những người bạn mới xuất hiện, nhiều khuôn mặt đến, rồi đi, như nước chảy qua cầu. Vậy mà có một khuôn mặt đặc biệt, ở lại rất lâu trong góc trái tim tôi, một nhỏ bạn thật đặc biệt. Đặc biệt, là vì nó là… người Nga.

Tôi đã từng có ác cảm với dân tộc Nga, từ những ngày trước năm 1975, là năm đổi đời, đổi hướng tương lai của đa số dân tỵ nạn cộng sản. Ác cảm là vì, giống dân từ một quốc gia xa lạ và rất xa trên bản đồ trái đất, đầu tiên tạo ra chế độ Cộng sản, lại đầu độc cả thế giới qua cái chủ nghĩa Cộng sản ác nhân thất đức.

Niềm ác cảm đó còn gia tăng trọng lượng khi tôi, một nhân viên lâu năm trong nghề, lại bị chủ ra lịnh dạy nghề cho nó!

Trời đất quỉ thần ơi!

Hãng càng ngày càng sa sút, mất từ từ những khách hàng lâu năm quen thuộc, vì chính sách “toàn cầu hóa”. Chẳng những mất khách hàng, mất số lượng bán hàng quan trọng, mà thậm chí nguy là nhân viên càng ngày càng bị thu gọn lại. Nhiều người phải ra đi để hãng bớt chi phí, tiếp tục thắt lưng buộc bụng kéo dài thoi thóp, cho tới chừng nào tình thế khá hơn. Vậy là bao nhiêu là tin đồn trong hãng, người nầy sẽ ra đi, người kia sẽ mất việc.

Những nhân viên có số lương kha khá trong hãng lo lắng, trong đó có tui.

Nó là nhân viên mới. Nay ông chủ hãng biểu tui phải dạy nghề cho nó, chắc là để nay mai nó sẽ thế chân tui trong phòng kế toán, lương ít hơn, mà vẫn có thể làm việc giống như tui, “nhứt cử lưỡng tiện” cho chủ hãng.

Ngày đầu tiên bà sếp tui giới thiệu, ngó nó đã thấy phát nực rồi! Mặt nó trắng xác, đúng là giống dân bạch chủng. Mái tóc cắt cao kiểu demi-garçon, cái miệng không nhếch nổi một nụ cười khi được giới thiệu. Ngay lập tức ác cảm dâng lên, người đâu lạnh lùng, y chang mấy nhân vật người Nga trên phim ảnh loại gián điệp.

Nó ngó tui lạnh lùng, tui ngó nó còn lạnh hơn nước đá cục. Nó được cái bàn ngồi ngay bên cạnh tui trong phòng kế toán, bực thì thôi! Mấy ngày đầu tiên tui đì nó, bắt nó “file” hằng đống giấy tờ, chỉ cần dạy chút (chỉ chút xíu lấy lệ) xếp hồ sơ khách hàng theo mẫu tự ABC. Nó cần mẫn làm mọi chuyện tui sai bảo, nhưng ngậm câm, mặt lạnh càng khó ưa!

Được đâu một tuần lễ hai đứa nhìn nhau mà chẳng thấy nhau đó, một hôm, tự nhiên nó nói tên tui giống tên của nó. Tui ngạc nhiên, nói, tên tui là Anh, còn tên nó là Anna, làm sao giống. Nó mím miệng cười, nói phát âm hơi giống, nhưng ở nước nó không có tên Anh hay Anne, nên nó thấy gọi tui là Anna nghe dễ thương hơn. Mèn, tên tui hỏng phải cứ đổi thì đổi, hử?!

Có một buổi chiều tan sở, tui vừa ra cửa thì thấy nó chạy lại, nắm tay tui, đưa tới trước mặt một người đàn ông vóc dáng to lớn, mặc đồ lớn trang trọng đang đứng chờ, giới thiệu:

– Đây là ba tôi.

Rồi xây qua ba nó, nó nói liền:

– Ba ơi, đây là bạn con, cũng có tên giống con đó Ba.

Ông già đưa tay bắt tay tôi, cười thật hiền lành, và hơi ngạc nhiên, tui mới chợt nhớ ra là nó vừa nói tui là bạn nó, nở nụ cười đầu tiên với tui. Sao nó cười đẹp và mặt nó sáng rỡ vậy ta, đâu mất rồi nét lạnh lùng lần đầu tiên tui gặp nó.

Tui đang kể cho các bạn về một người bạn cũ, một nhỏ bạn thật bình thường, và có lẽ câu chuyện về nó cũng không có gì đặc sắc hết, ngoài việc nó là người Nga, một giống dân tôi ghét cay ghét đắng, vì nó là người Nga Cộng sản, một chế độ theo tôi rất là vô nhân bản.

Hồi còn học Trung Học, tôi biết rất sơ sài về thế giới Cộng sản, nhất là nước Nga. Dân tộc Nga, một dân tộc hiếu chiến, một chế độ tàn nhẫn không có tình người như trong cuốn sách “Bác sĩ Zhivago” mà tôi từng đọc say mê, được coi phim trên màn ảnh đại vĩ tuyến nữa. Từ sau ngày nó giới thiệu tui với ba nó, bằng lời nói thắt chặt tình bạn là hai đứa có cùng một tên giống nhau, coi như hai đứa tui đã quen nhau. Thiệt tình, giống gì mà giống!

Trước lúc chính thức “quen nhau”, vào giờ ăn trưa, tui vẫn thường ngồi tại chỗ, qua bữa một mình hộp cơm đơn sơ; vừa ăn vừa vặn máy cassette nghe nho nhỏ vài bản nhạc Việt.

Hôm đó, nó rủ tui cùng ngồi bàn ăn trưa với nó. Tui cũng ừ, xách túi đồ ăn ra bàn ăn chung. Thức ăn trưa nó đem theo, không đơn giản như của tui mà kèm theo món chánh có hai, ba món phụ, ngó hấp dẫn.

Thoạt tiên nó mời tui món gỏi chua bắp cải và cà-rốt. Nó nói ở xứ nó rau cải quý lắm. Món nầy dòn dòn, chua chua, ăn rất bắt cơm, lại gần gũi món đồ chua của mình. Tình thân từ từ đi xa hơn qua những món ăn mời nhau vào mỗi buổi cơm trưa. Vậy là tui lại phải bắt đầu đem nhiều món hơn, để mời nó trả lễ, thay vì chỉ một món mặn gì đó, để dưới đáy hộp, rồi dằn cơm trắng ở trên, hâm ăn gọn gàng như nào giờ. Ngày nào nó cũng đem theo một hộp cải chua đó, nhiều đủ hai đứa ăn, dòn rụm, ngon quá. Nó nói làm dễ ợt, chỉ cần cho chút muối, trộn lên với cải bắp và cà- rốt, đậy kín, sau hai, ba ngày cải lên men chua là ăn được. Cải chua nầy ăn với đủ thứ món ăn khác. Mình cũng có món cải chua nhưng đâu có ăn mỗi ngày như nó.

Một lần, nó đem theo cho tui nguyên dĩa món lưỡi bò chiên dòn, áo qua một lớp bột. Nó dạy tui cách làm món nầy, cũng công phu. Lưỡi bò luộc chín, lột bỏ lớp da bên ngoài, rồi cắt vừa miếng, lăn qua một áo trứng, một áo bột, rồi chiên dòn lên. Ui chu choa, ngon đặc biệt.

Lần khác, nó đem cho tui ăn món trứng gà chiên mỏng dính, rồi cuộn lại thành ống, khi cuộn rắc phô-mai lên, trứng còn nóng, phô-mai chảy ra, vừa thơm mùi trứng vừa béo béo vị phô-mai.

Hay trứng cuộn thịt dăm-bông cũng ngon. Tui hỏi nó ai làm, vì mấy món nầy vừa làm vừa cuộn mà. Nó nói nó chiên trứng, ba nó cuộn. Gia đình nó sống chung trong một căn chung cư vùng Los Angeles. Có lần nó đem cánh gà chiên mời tui ăn. Tui lọng cọng với đôi đũa, thì nó cười ha hả, nói rằng:

– Ở xứ tôi con gì có cánh là khi ăn mình phải dùng tay nắm chặt, không thôi nó bay.

Lần đó tui cũng cười ha hả với nó, và thấy sao nó đẹp quá. Khi cười, mặt nó hồng hào lên, hàm răng rất trắng và đều, đôi mắt nó to tròn, long lanh, ấm áp, mất hết vẻ lạnh lùng của lần đầu tiên gặp nó, mà tui từng ghét cay ghét đắng.

Một lần, vừa ngồi xuống ghế sửa soạn ăn trưa, bỗng nhiên nó đỏ mặt, đỏ cánh mũi, rồi bật khóc ngon lành làm tui lúng túng, không biết làm sao mà dỗ, vì nó nói tiếng Mỹ hơI khó nghe.

 

Phải chờ một lát cho dịu cơn xúc động, nó mới ấp úng kể cho tui nghe là hôm qua nó gây lộn với chồng nó một trận tưng bừng. Hỏi ra, tưởng gì, thì ra chồng nó khoét lỗ đeo bông tai.

Nó tức tưởi nói đàn ông mà đeo bông tai như đàn bà, giống ba tụi “du đãng”. Thời trang lúc đó vừa mới ra mốt đàn ông con trai đeo bông tai đó. Tui cười, nói đâu có gì lớn chuyện mà you khóc dữ thần?!

Từ đó nó kể thêm nhiều chuyện nhà. Nó nói nó là con một, mà là con gái, nên nó muốn giữ lại họ của ba nó bằng cách không đổi họ khi lấy chồng.

Rồi tới khi tụi nó có con, lại cũng là con gái, nên nó muốn con gái của nó theo họ mẹ. Tui thấy mắc cười, như vậy là nó ăn hiếp chồng nó quá cỡ, còn tức tưởi mấy chuyện nhỏ nhít nầy. Con gái của nó mới 11 tuổi thôi, như vậy nó trẻ hơn tui nhiều lắm. Tui coi nó như em tui.

*****

Qua những lời kể chuyện của nó về đời sống ở Nga, lần hồi “bức màn sắt” được kéo ra, để tui nhìn thấy rõ ràng nếp sống của người dân Nga dưới chế độ Cộng sản. Trời đất ơi, té ra từ nhỏ tới lớn, tui đã được sống thoải mái, tự do, đầy đủ hơn nó quá nhiều, dù sống ở xứ đang có chiến tranh.

Nó kể, năm nó mang bầu, nhà nó ở trong một căn phòng nhỏ xíu, tận trên lầu tám, mà chung cư nầy không có thang máy. Thử hình dung một bà bầu ngày nào cũng phải lên xuống tám tầng lầu để đi mấy hợp tác xã (HTX) mua thức ăn, cực kể gì. Chồng nó phải đi làm nên mấy chuyện nầy nó phải làm hết. Phương tiện giao thông chỉ là đi bộ, và đi xe buýt hay xe điện, có chiếc xe đạp là giàu lắm.

Tui nghe nó kể, ngó xuống hai bắp đùi thô kệch của nó, thấy thương. Khuôn mặt nó rất thanh tú dễ nhìn, so với đôi chân bự thù lu đó thiệt tình không xứng chút nào. Nó nói, không phải tới HTX là mua được đủ món đâu. Mỗi HTX chỉ bán ít món cần thiết mà thôi, như HTX nầy chỉ có bột, muốn mua thịt, cá, hay sữa thì phải tới những HTX khác.

Nó kể có lần, lúc mang bầu, nó thèm ăn cá. Trời ơi, mua được một con cá phải đi cả ngày, lội bộ lẫn trèo xe buýt, rồi còn lên tám tầng thang lầu mới về tới nhà, cực không kể xiết. Cá thì tanh rình hết tươi mà vẫn ăn vì đang cơn thèm. Còn rau cải thì mỗi năm vào khoảng tháng Tám, là tháng ấm áp nhứt, chính phủ sẽ cho dân chúng đi gặt hái, ở khoảnh vườn nào đó. Mỗi gia đình sẽ tự mình đào bới, thu thập từng củ khoai, từng củ cà-rốt, bắp cải…, rồi mang về nhà, tự lo liệu làm sao để số lương thực đó có thể để dành ăn suốt năm. Tui khó hình dung nỗi cơ cực đó khi cũng trong cùng thời gian, ở Sài Gòn chúng tôi mua thịt cá, rau cải hằng ngày ở chợ, tươi ngon quanh năm. Dĩ nhiên là gặt hái như vậy thì không phải trả tiền, nhưng nó nói chẳng thà có tiền, rồi dùng tiền mà mua thì đỡ khổ hơn nhiều lắm.

Đời sống sao mà quá đổi cơ cực!

Mà nó kể, đời sống như vậy cũng không được yên ổn đâu. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bọn công an bắt, sợ hàng xóm “ăng ten”, rất dễ dàng bị bỏ tù cải tạo nếu ăn nói không cẩn thận… Chắc tại vậy mà người dân Nga không tỏ bày tình cảm trên nét mặt, thành thói quen lạnh lùng với người chung quanh, vì họ luôn thủ thế.

Có lần tui hỏi nó sao không để tóc dài dài, sao mấy người dân xứ nó, đàn bà con gái toàn cắt tóc tém? Nó nói tại ở nước nó, tất cả thanh niên, thiếu nữ đều phải học quân sự từ cấp trung học, phải cắt tóc như vậy, nên quen, để tóc dài lại thấy khó chịu. Nó còn nói với tui tất cả mấy người bạn gái của nó khi qua Mỹ sống đều gia nhập quân đội hết, vì lý do có việc làm liền, có tiền sống, và dễ dàng hơn vì đã được huấn luyện trước rồi.

Tui hỏi sao nó không đi lính như bạn bè, nó nói nó ghét chiến tranh lắm, đã thoát khỏi còn chui đầu vô lính làm gì, từ từ cũng kiếm được việc làm mà. Tui thấy nó thiệt hiền lành, ghét chiến tranh thì giống tui rồi.

Tánh nó mít ướt lắm, hở cái là mặt mũi đỏ ửng lên, rồi nước mắt nước mũi cứ vậy tuôn ra, cứ như là thèm khóc. Lâu lâu bị bà sếp bên phòng chủ sự rầy rà là buổi trưa nó khóc với tui liền.

Ngày nào giờ ăn trưa nó cũng kể chuyện cho tui nghe, ngay cả những chuyện trong nhà như buồn phiền chồng, con, v.v… Tui thấy nó giỏi quá, nhứt là chuyện bếp núc, gì nó cũng làm được, nhiều món ăn rất ngon. Món trứng cá muối, món rau cải trộn, nó nói nó cũng biết làm bơ, phô-mai tại nhà, phải biến chế tất cả các loại rau cải để cả nhà có đồ ăn, phải làm bánh mì, mứt cho cả nhà, bây giờ đi chợ gì cũng có sẵn, quá tiện.

Còn quần áo thì sao? Giặt tay đó, trong phòng nào cũng có cái ống dẫn sưởi thông qua, máng quần áo trên ống đó cho khô. Nó còn kể xứ nó là xứ tin đồn, ngày nào cũng có tin đồn, cứ một đồn lên thành mười, tùy theo chính phủ tung tin ra. Chẳng hạn như không có đủ trứng gà cho dân chúng ăn, thì chính phủ tung tin trong trứng có chất độc, không có thịt thì tung tin thịt nhiễm trùng, ăn vô là chết, Mỹ đầu độc…  

Nó kể, phong tục xứ nó khi con gái tới tuổi lấy chồng, mấy bà mẹ sẽ thăm viếng nhau để chấm điểm những món ăn ngon. Tài nội trợ của cô gái sẽ được lựa chọn cho con trai họ, đặc biệt là vài món súp ăn kèm bánh mì và kem chua. Sao giống người mình quá, con gái thì phải biết nấu ăn ngon mới là vợ hiền dâu thảo.

******

Hôm đó, vừa ngồi vô bàn ăn là nó líu lo không kịp thở:

– Trời ơi, một rừng quần áo, không thể tưởng tượng được.

– Từ từ mà nói.

Tui chận lại.

– Quần áo con nít đó, trời ơi, một rừng quần áo may sẵn…

Vừa nói nó vừa đưa hai cánh tay mở rộng.

– Tôi chưa từng nhìn thấy, quần áo con nít, đẹp lắm, may sẵn áo đầm, quần dài quần ngắn, đồ lót nón vớ đan len… Ở xứ tôi mỗi lần cần thì phải lội bộ ra HTX mua vải, hay mấy cuộn chỉ len, rồi cặm cụi cắt may, đan vá… để có được một cái áo, cái quần cho con nít.

Hỏi ra cô nàng được bạn mời sinh nhật em bé, mới có dịp đi mua và được nhìn thấy cả một rừng quần áo con nít may sẵn, mừng tới ngẩn ngơ phải khoe với cô bạn Việt Nam.

Nhìn nó hào hứng, vui quá với khám phá mới mẻ nầy của nó mà thương nó quá trời. Chuyện quần áo con nít hay người lớn may sẵn bên Việt Nam mình từ thuở xửa xưa, thời má tui, đã có rồi, mà con nhỏ người Nga nầy mới biết sau khi rời bỏ thiên đường Cộng sản. Đời sống sau “bức màn sắt” giờ thì tui đã tỏ tường, tội nghiệp dân tộc đó gì đâu. Nào có ai ngờ đàng sau cái vẻ lạnh lùng, khó gần gũi đó, chứa cả một tâm hồn ngây thơ, một tình cảm mãnh liệt, đã từng bị đè nén và che giấu vì sống trong một chế độ đàn áp con người.

Nó kể hồi vượt biên giới để trốn đi qua nước Mỹ, lúc ngồi trên xe lửa chạy vô thành phố Nữu Ước, vợ chồng con cái và ba má nó rất sợ, kéo màn cửa sổ kín mít vì sợ bị người Mỹ ném đá vào xe lửa như họ đã từng bị tuyên truyền về sự thù ghét của người Mỹ đối với người Nga, nhưng thật sự không hề xẩy ra.

Nó nói cuộc sống bây giờ của gia đình nó ở Mỹ là ở thiên đàng.

Sau ngày bức tường Bá Linh bị dân Đức đập xuống, dân nước Nga được “cộng hưởng”, từ từ bớt khổ. Chồng nó bỏ làm ở xí nghiệp mà ra ngoài thị trường “buôn lậu”. Nó nói chỉ có cách đó cả nhà mới có thức ăn để sống, vì đời sống trước đó quá khổ. Nó gọi là “black market”, tui thiệt tình cũng không hỏi rõ, chỉ nhớ đại khái nó nói là mua gì đó, rồi bán lại kiếm lời như vải vóc, thuốc lá, v.v… Nó nói thời đó không ai là không làm “black market”, để khỏi đói. Nghe giống Việt Nam thời bao cấp.

*****

Rồi một hôm, cũng giờ ăn trưa, nó bỗng nhiên òa khóc, rồi ôm tui, nói nó phải từ giã tui, vì bạn nó vừa kiếm cho nó một việc làm trong nhà băng.

Tui buồn quá, vì nó và tui chỉ mới làm việc chung thời gian quá ngắn ngủi. Tui chỉ vừa kịp dạy nó chút xíu tay nghề thôi. Coi nó như em gái, tui cũng mừng cho nó tìm được chỗ làm khác, có vẻ chắc chắn hơn chỗ làm nầy.

Từ ngày có cô bạn người Nga, tui cảm thấy cuộc sống của mình trong chế độ tự do từ lúc sống bên Việt Nam thời Cộng Hòa trước năm 1975 cho tới khoảng thời gian sống ở Mỹ, quá sung sướng, quá tự do, và quá đầy đủ.

Bạn tôi đó, không có gì nổi bật, chỉ là một phụ nữ bình thường sống cơ cực sau bức màn sắt, đã được mở cánh cửa tự do, cho tui tự nhìn thấy mình nên bỏ bớt những thành kiến về dân tộc, để cởi mở hơn, bớt xét đoán hơn; chuyện gì cũng có mặt phải, mặt trái, như đồng xu.

Đã lâu lắm rồi tui không có liên lạc với nó, nhưng nét đặc biệt có một không hai của nó làm tui nhớ hoài, nhỏ bạn cùng tên với tui, Anna. Những ngày cuối năm trời lành lạnh, tự nhiên tui thèm món súp béo béo mà nó từng đem đãi tui. Tui nghĩ giờ chắc nó đã hết ngạc nhiên với những phồn thịnh của xứ Mỹ và đã hòa đồng cùng dân bản xứ, nội cỏ thiên đường.

 Trương Ngọc Anh

From: T. Nguyen

 “Hai chiếc vali và bài học muộn màng về lòng biết ơn” – Truyện ngắn HAY

Lê Ngọc Công

 Đừng đợi đến khi cha mẹ chỉ còn hai chiếc vali trong tay mới nhận ra ta đã quên dạy con điều quan trọng nhất – biết trân quý những người từng vì mình mà từ bỏ cả đời.

Chiều muộn hôm đó, trong cái lạnh giá len lỏi từng khe cửa, tôi bất ngờ được hai đứa con trai đến thăm.

Một đứa là bác sĩ, đứa kia là kỹ sư. Cả hai đều thành đạt, giỏi giang và có chỗ đứng vững chắc trong sự nghiệp.

Chưa đầy một tuần trước, tôi vừa mất đi người vợ yêu dấu – tình yêu lớn nhất đời tôi. Bà ra đi mang theo một phần hồn tôi, để lại tôi ngơ ngác, trống rỗng, như thể ý nghĩa cuộc sống đã vỡ vụn ngay dưới chân.

Chúng tôi ngồi quanh bàn, trong căn phòng khách đơn sơ của ngôi nhà nhỏ – nơi giờ chỉ còn mình tôi sống.

Cuộc trò chuyện nhanh chóng chuyển sang tương lai của tôi. Một cảm giác buốt lạnh chạy dọc sống lưng.

Chúng bắt đầu bàn đến việc đưa tôi vào viện dưỡng lão.

Tôi gượng người ngồi thẳng, cố giải thích rằng tôi không sợ cô đơn, cũng không sợ già yếu.

Nhưng hai đứa vẫn kiên quyết, với cái giọng giả vờ quan tâm.

Chúng bảo nhà chúng gần biển, rộng rãi nhưng… không đủ chỗ cho tôi ở. Cả hai đều thế.

Chúng nói về công việc bận rộn, về vợ con chúng bận bịu, về các cháu đang học hành không có thời gian thăm tôi. Cuộc sống đầy ắp những lo toan, chúng bảo vậy.

Tôi gợi ý thuê người giúp việc. Nhưng chúng, với lý lẽ rành mạch của giới chuyên môn, bảo phải thuê ba người cho ba ca. Và tất nhiên, phải khai báo đầy đủ. Mà thời buổi này, ai còn kham nổi?

Tôi không muốn bị thuyết phục. Tôi không chịu nổi cảnh bị “đưa đi”.

Nhưng rồi một đề xuất khác lại đến: bán nhà.

Tiền bán đủ để lo chi phí viện dưỡng lão – và như thế, ai cũng “nhẹ lòng”. Chúng nói vậy.

Tôi gật đầu. Không phải vì đồng tình. Mà vì kiệt sức. Tôi không còn sức để chống lại sự lạnh lùng ấy nữa.

Tôi im lặng. Tôi không nhắc đến những đêm thức trắng lo học phí cho chúng, những chuyến du lịch vợ chồng tôi huỷ, những bữa ăn tối từ chối, cái xe cũ mãi không thay…

Tất cả chỉ để tụi nó không thiếu thứ gì.

Nhưng giờ nhắc lại thì để làm gì?

Tôi lặng lẽ xếp đồ. Cả đời người gói gọn trong hai chiếc vali. Chỉ hai chiếc vali.

Tôi bước đi, về một nơi xa hơn, buốt giá hơn – viện dưỡng lão. Xa con cháu, xa cả những ký ức.

Và trong vòng tay lạnh lẽo của cô đơn, tôi hiểu: tôi đã dạy chúng kiến thức, cho chúng bằng cấp, tài sản…

Nhưng tôi đã không dạy chúng điều quan trọng nhất – lòng biết ơn.

Lỗi cũng là ở tôi.

Chúng ta cứ nghĩ yêu thương là cho đi vô điều kiện, là đáp ứng mọi thứ. Nhưng tình yêu thực sự còn là dạy dỗ, là đặt giới hạn, là hướng con biết giúp đỡ, biết chia sẻ, biết gánh vác trách nhiệm trong gia đình.

Biết ơn không tự nhiên mà có. Nó cần được dạy, được gieo trồng.

Bắt đầu từ sự tôn trọng, từ lòng nhận biết công lao của cha mẹ – những người từng hy sinh cả chính mình.

Một ngày nào đó, con cái chúng ta cũng sẽ già.

Và chúng cũng sẽ mong được đối xử bằng tình yêu và nhân phẩm.

Thứ đó không thể mua.

Chỉ có thể gieo từ bây giờ.

Vậy thì, hãy nuôi dạy con bằng cả tình yêu và những giá trị vững bền. Nhưng cũng đừng quên gắn kết chúng bằng sợi dây thiêng liêng của lòng biết ơn.*

Trầm Mặc Huơng Lai

Từ Fb Gaston Thiều


 

Ông già cho vay nặng lãi va` hai viên sỏi- Truyen ngan HAY

K75 LƯƠNG VĂN CAN

Nguyễn Việt

  Mấy trăm năm về trước, tại một thị trấn nhỏ ở Ý, có một người đàn ông kinh doanh mắc nợ một khoản tiền cho vay nặng lãi rất lớn. Người cho vay nặng lãi đó là một ông già, vẻ ngoài khó ưa, nhưng ông già đó lại vô tình cảm mến người con gái của ông chủ kia.

Không cần phải nói, cô gái đã tỏ vẻ kinh tởm khi lão già đó đến cầu hôn cô.

Ông già cho vay nặng lãi nói rằng ông sẽ cho hai viên sỏi vào một cái túi, một viên màu trắng và một viên màu đen.

Cô gái sẽ phải lấy ra một viên sỏi từ trong cái túi đó. Nếu lấy ra viên màu đen thì ông ấy sẽ xóa sạch toàn bộ số nợ nhưng cô gái phải lấy ông. Còn nếu lấy ra viên màu trắng, ông vẫn sẽ xóa nợ và cô gái không phải làm vợ ông.

Đứng trên con đường lát sỏi trong khu vườn của người chủ, ông già cho vay cúi người xuống và nhặt lấy hai viên sỏi.

Khi ông ta đang cúi nhặt, thì cô gái để ý thấy rằng ông ấy nhặt 2 viên sỏi màu đen và cho chúng vào túi.

Sau đó, ông ấy yêu cầu cô gái tiến lại gần cái túi và lấy ra một viên sỏi.

Theo lẽ tự nhiên thì cô gái có 3 sự lựa chọn:

– Từ chối không lấy ra viên sỏi nào từ cái túi đó.

– Lấy cả hai viên sỏi ra khỏi túi và vạch trần sự gian lận của ông lão.

– Chọn lấy một viên mặc dù hoàn toàn biết rằng nó là màu đen vì muốn hy sinh bản thân để trả nợ cho cha.

Thế là cô gái lấy ra một viên sỏi, và trước khi giở lòng bàn tay ra để xem nó màu gì thì cô giả vờ làm rớt viên sỏi đó xuống mặt đất phủ đầy sỏi. Cô gái nói với người chủ nợ: “Ối, tôi bất cẩn quá. Không sao hết, chỉ cần nhìn vào túi xem viên sỏi nào còn sót lại thì ông sẽ biết ngay tôi đã chọn được viên nào đó mà.”

Viên sỏi còn sót lại trong túi dĩ nhiên là viên màu đen, và bởi vì lão chủ nợ không muốn bị vạch trần đã gian lận nên đành chấp nhận cô gái đã chọn được viên màu trắng, thế là cô ấy đã giúp cho cha được xóa nợ.

Tinh thần của câu chuyện:

Luôn có khả năng để vượt qua những tình huống khó khăn nếu bạn có thể tư duy vượt giới hạn, và đừng ràng buộc bản thân bởi những lựa chọn chỉ vì bạn nghĩ không có lựa chọn nào khác hơn nữa.

#st