Nhà văn Anton Pavlovich ChekhovAnton Pavlovich Chekhov (1860–1904) là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Nga, được coi là bậc thầy của truyện ngắn hiện đại. Ông sinh ngày 29 tháng 1 năm 1860 tại Taganrog, một thành phố cảng nhỏ ở miền nam nước Nga, trong một gia đình nghèo khó. Cha ông là một người bán hàng tạp hóa, tính tình khắt khe với con cái, trong khi mẹ ông là một phụ nữ hiền hậu, có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của Chekhov.
Tuổi thơ của Chekhov gắn liền với những năm tháng cơ cực, khi gia đình ông phá sản và phải chuyển đến Moscow. Dù hoàn cảnh khó khăn, Chekhov vẫn cố gắng học tập và sau này theo học trường Y tại Đại học Moscow. Ông trở thành bác sĩ và luôn coi nghề y là một phần quan trọng trong cuộc đời mình, nhưng văn chương mới là đam mê lớn nhất.
Chekhov bắt đầu viết truyện ngắn từ những năm 1880 để kiếm sống và nhanh chóng khẳng định được tên tuổi. Các tác phẩm của ông thường tập trung vào cuộc sống hàng ngày của con người, khai thác tâm lý sâu sắc và chứa đựng những triết lý nhân sinh.
Bên cạnh việc viết truyện ngắn, Chekhov cũng là một nhà biên kịch xuất sắc với các vở kịch như Uncle Vanya (Chú Vanya), Three Sisters (Ba chị em) và The Cherry Orchard (Vườn anh đào). Những sáng tác này phản ảnh sự chuyển biến xã hội và mối quan hệ giữa con người trong một thời đại đầy biến động ở nước Nga cuối thế kỷ XIX.
Không chỉ nổi tiếng ở Nga, Chekhov còn có ảnh hưởng lớn đến nền văn học thế giới. Các nhà văn như Ernest Hemingway, William Faulkner, Raymond Carver đều chịu ảnh hưởng từ phong cách viết của ông.
Khác với nhiều nhà văn cùng thời, Chekhov không cố gắng đưa ra những kết luận rõ ràng trong truyện của mình. Ông tin rằng nghệ thuật không phải để trả lời câu hỏi, mà là để đặt ra câu hỏi. Các câu chuyện của ông thường kết thúc mở, để lại dư âm, những suy gẫm trong lòng người đọc.
Các đặc điểm nổi bật trong văn chương của Chekhov là sự miêu tả cuộc sống một cách chân thực, không tô vẽ hay cường điệu. Thay vì những tình tiết gay cấn, ông tập trung vào những khoảnh khắc đời thường nhưng giàu cảm xúc. Chekhov luôn thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc với nỗi khổ và tâm trạng của con người.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ phong cách này chính là truyện ngắn Nỗi Đau (Grief), nói về sự hối tiếc muộn màng của một người chồng trong cách đối xử với vợ mình.
Grigory Petrov, một người thợ mộc ở một vùng quê nghèo khổ và thiếu thốn của nước Nga vào cuối thế kỷ XIX. Vợ Grigory Petrov lâm bệnh gần cả một năm trời. Họ đã dốc hết tiền bạc vào thuốc men nhưng dường như vô ích. Lúc này, bà đang trên bờ vực của cái chết. Grigory Petrov cố đưa vợ đến bệnh viện trong thị trấn với suy nghĩ còn nước còn tát, còn chút hy vọng nào không?
Trời tuyết rơi nhiều, đường trơn trợt, Grigory đặt vợ lên chiếc xe ngựa cũ kỹ. Con ngựa già nua lê từng bước rã rời, mệt nhọc. Cả hai không nói gì nhiều, chỉ có tiếng gió rít qua những hàng cây, tiếng bánh xe nặng nhọc lăn trên nền tuyết lạnh. (Hình ảnh tuyết rơi nhiều là hình ảnh của cuộc đời lạnh quá. Hình ảnh con ngựa già lê bước là hình ảnh Grigory mang vợ mình về chốn mãi chia xa!)
Trên đường đi, Grigory bắt đầu nói chuyện với vợ, nhưng thực ra Grigory đang tự nói với chính mình. Ông nhắc lại những năm tháng họ sống bên nhau, những khó khăn, gian khổ mà vợ ông đã phải chịu đựng. Suốt 40 năm qua, bà đã làm việc quần quật, gánh vác cả gia đình mà chưa bao giờ nhận được một lời yêu thương hay một cử chỉ dịu dàng từ chồng mình.
Chỉ đến lúc này, khi cái chết cận kề, Grigory mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông nói với bà bằng giọng nghẹn ngào: “Lẽ ra tôi nên đối xử với bà tốt hơn… Cuộc đời quá bất công với bà, và tôi cũng quá bất công. Tôi chưa bao giờ dành cho bà một lời tử tế, một nụ cười dịu dàng. Tôi thật tệ…” Bà vợ khẽ rên lên, hơi thở yếu dần.
“Cố lên bà nhé… Chúng ta sắp đến nơi rồi. Bà sẽ khỏe lại thôi…” Nhưng trong thâm tâm, Grigory biết đó là điều không thể.
Minh họa truyện ngắn Nỗi Đau (Grief)- nguồn X
Cuối cùng, họ cũng đến thị trấn. Ông dừng xe, vội vã bước xuống. Lần đầu tiên trong đời, ông bế bà trên tay để đưa bà vào bệnh viện. Nhưng khi chạm vào bà, ông sững người. Bà đã lạnh ngắt. Bà đã chết. Bà trút hơi thở cuối cùng trên đường đi, trước khi kịp nghe những lời yêu thương muộn màng của chồng mình.
Chekhov không lên án, vì Grigory không phải là người xấu. Ông chỉ là một người nông dân bình thường. Nhà quá nghèo, kiếm được miếng ăn trầy vi tróc vảy, sao mà không cơ cực? Grigory quá bận rộn với cuộc sống mà quên đi giá trị của tình yêu.
Câu chuyện đặt ra một câu hỏi nhức nhối: “Tại sao con người chỉ nhận ra giá trị của nhau khi đã quá muộn?”
Những lời hối tiếc của Grigory chẳng còn ý nghĩa khi người cần nghe chúng đã không còn nữa.
Chekhov không kết luận, không dạy đời phải làm thế này hay phải làm thế nọ. Ông chỉ kể lại một tình huống mà ai cũng có thể thấy được chính mình trong đó, để rồi tự rút ra bài học cho bản thân.
Thông điệp của câu chuyện thật giản dị nhưng thấm thía. Chekhov nhắc nhở chúng ta rằng những điều tốt đẹp về sự yêu thương, chăm sóc cho nhau trong nghĩa vợ chồng không nên để quá muộn. Khi yêu thương một ai đó, hãy thể hiện ngay khi còn có thể, bởi thời gian không chờ đợi ai.
Câu chuyện của Chekhov không chỉ là một tác phẩm văn học xuất sắc mà còn là một bài học sâu sắc về cuộc sống. Nó khiến người đọc phải suy ngẫm về những giá trị quan trọng trong đời: “Đừng trì hoãn yêu thương. Một lời yêu hôm nay đáng giá hơn cả ngàn câu hối tiếc sau này.”
Người phương Tây có câu: “Whispered words—too late. Echoes in the empty room, love left unspoken.”
Lời thì thầm quá muộn để nói ra chỉ vang vọng trong căn phòng trống, lời yêu thương chưa nói, giờ mới nói ai nghe?
Đoàn Xuân Thu (Tác giả)From: TU-PHUNG
33 NĂM TÌM ĐƯỢC XÁC CHỒNG – GIAO CHỈ – SAN JOSE
TRUYỆN CÓ THẬT TẠI MIỀN NAM VN
SAU 30 – 4 – 1975
33 NĂM TÌM ĐƯỢC XÁC CHỒNG – GIAO CHỈ – SAN JOSE
Câu chuyện tình bi thảm của 1 thời chinh chiến – Giáo sư Bùi văn Phú bên Oakland nói rằng học sinh Nguyễn Bá Tòng 70 ai cũng biết hoa khôi Ngọc Di – Thầy Mạc Bìa ở San Jose nói rằng anh em không quân ai cũng biết phi công Nguyễn văn Lộc – Ngọc Di, quê Nha Trang vào học tại Saigon – Trung úy Lộc quê Đà Lạt về Nha Trang đi lính tàu bay – Ghé chơi nhà bạn chợt thấy tấm hình cô gái có đôi mắt “U uẩn chiều luân lạc” đâu biết rằng anh sẽ mê mệt vì đôi mắt người Nha Trang. – Niên khóa 71-72 Trung úy Lộc đi Hoa Kỳ học lái phản lực. – Năm 71-72 cô nữ sinh Nguyễn Bá Tòng tốt nghiệp tú tài toàn phần và ghi danh trường luật.
Đám cưới ở Nha Trang ngày 6 tháng 2/1974. – Một năm sau căn cứ không quân Phan Rang di tản. – Chồng đưa vợ có bầu lên máy bay chạy vào Saigon.– Trung úy phi công ở lại lo phi vụ hành quân.– Chia tay nhưng hẹn gặp lại tại Saigon.– Rồi vợ chồng tái ngộ trong niềm hạnh phúc.– Lại chia tay thêm lần nữa ngày 28 tháng 4/1975. – Ngọc Di có bầu 6 tháng lên máy bay đi Mỹ.– Người phi công phản lực ở lại với những phi vụ cuối cùng.– Chia tay nhưng vẫn hẹn găp lại, nhưng lần này là vĩnh biệt.– Người mẹ trẻ sinh con gái trong tỵ nạn ngày 18 tháng 7/1975. – Vợ vẫn không biết tin chồng, con không thấy mặt cha.– Anh phi công của Việt Nam Cộng Hòa nằm trong trại tù Long Giao tính được gần đúng ngày vợ sinh. – Ngày đêm anh sống với đôi mắt người tình Nha Trang. – Việt cộng hẹn 6 tháng học tập rồi sẽ trả tự do. – Sáu tháng trôi qua chưa được thả, anh âm mưu vượt ngục. – Bị bắn chết ngày 25 tháng 3/1976.– Chôn cùng người bạn phi công trốn trại. – Vợ con bên Hoa Kỳ hoàn toàn không có tin tức. – 10 năm sau, những người bạn tù qua được Hoa Kỳ lần lượt kể chuyện về chuyến vượt thoát bất thành. – Nhưng không ai biết xác chồng của Ngọc Di ở nơi nào.– Ba mươi ba năm sau, những bạn tù không quân mới tìm lại được xác chiến hữu.– Người quả phụ không quân đem con gái 33 tuổi về nhận di hài của phi công Nguyễn văn Lộc. – Trên chuyến bay hãng EVA đáp xuống phi trường LA ngày 3 tháng 11/2008 cô Ngọc Di ôm bình tro cốt của chồng. – Con gái cô ôm thêm bình tro cốt của người chiến hữu cùng chết bên cạnh anh.– Năm nay 2010 là ba mươi lăm năm nhìn lại con đường. – Tôi xin kể lại ngọn ngành 35 năm cuộc đời của người góa phụ không quân anh dũng muôn đời.
Một thời chinh chiến
Mỗi người trong chúng ta đều có riêng cho mình những kỷ niệm về tháng 4 năm 1975. Chuyện của cô Nguyễn Thị Ngọc Di thường được kể thêm vài hàng bên cạnh câu chuyện của người chồng anh hùng trốn trại và đã hy sinh. Nhưng tôi lưu ý riêng đến hoàn cảnh người vợ nên đã nghe cô Ngọc Di kể lại tâm sự cuộc tình. Cô nói rằng, dù đã đem được di hài anh Lộc về nhưng tâm tình u uẩn chưa nguôi. Con gái của cháu tương đối ổn định, nhưng phần cháu, cuộc chiến vẫn chưa yên. Từ lúc 10 tuổi, hình ảnh mẹ cháu đi nhận xác chồng với di hài và vết máu trên áo trận của ba cháu vẫn theo đuổi cháu trong nhiều năm. Đến thời gian cháu ở Phan Rang có mấy tháng đã chứng kiến cảnh cô vợ trẻ miền Tây, đẹp não nùng đi nhận xác anh không quân tử trận. Phi cơ bị rơi vẫn còn mang bom. Phi công không kịp nhảy dù. Bom mang theo nổ cùng con tàu. Xác chẳng còn gì. Căn cứ lấy 2 cây chuối cho vào quan tài, thêm 1 ít da thịt rồi đóng hòm thực kín. Khi cô vợ ra nhận xác chồng, vật vã xin mở ra nhìn mặt, nhưng còn thấy làm sao được. Cháu chứng kiến mà thấy tê dại cả người. Anh Lộc dìu cháu vào nhà ở khu sĩ quan độc thân. Anh nói rằng, anh cam đoan sẽ không bao giờ bị như thế. Như vậy là làm sao. Phải chăng lời tiên tri cho cả cuộc đời sau này. Lấy nhau từ tháng 2/74, chẳng bao giờ được gần nhau 1 tháng. Anh đi bay khắp mọi nơi. Đầu năm 75, cháu có bầu mới ra sống ở căn cứ Phan Rang. Vì không có nhà bên cư xá gia binh, phải tạm trú ở khu độc thân. Chứng kiến toàn chuyện hy sinh chết chóc. Cháu mới 19 tuổi, bác nghĩ coi làm sao mà sống được. Mới năm trước từ thời học sinh vô tư qua thời sinh viên hết sức thần tiên. Chợt bước chân vào đời vợ lính, lo lắng sợ hãi biết chừng nào.
Một thời để yêu
Chờ cô Ngọc Di bớt cơn xúc động, tôi xin cô kể lại chuyện tình bắt đầu ra sao. Cô bình tĩnh và kể hết, không hề dấu diếm kề cả chuyện bay bướm và ngang tàng của anh Lộc.
Bác biết không, trước khi gặp cháu, anh Lộc đã quen với cô giáo Hương bên Ba Làng cũng tại Nha Trang. Bạn bè đã có người gọi anh là Lộc Ba Làng. Chuyện này về sau cháu mới biết. Ông anh họ không quân của cháu cũng không biết mới dẫn Lộc về nhà coi mắt chị cháu ở Nha Trang. Nhà cháu có đến 9 anh chị em. Nhưng coi bộ anh Lộc với chị Như Khuê của cô không hợp duyên, nên chỉ chuyện trò qua loa. Chợt anh Lộc thấy hình của Ngọc Di còn đang trọ học Saigon. Anh nói là đã mê đôi mắt từ lúc đó.
Qua niên khóa 71-72 Trung úy Lộc đi học bay tại Hoa Ky. Ngọc Di bắt đầu nhận được thư làm quen. Bạn bè của anh ở Mỹ nói rằng mỗi tuần anh đều nhận được thư của 2 cô. Cô giáo bên Ba Làng và cô nữ sinh Nguyễn Bá Tòng. Nhưng xem chừng đôi mắt người Nha Trang đã lấy trọn vẹn tình yêu của anh chàng không quân gốc Đà Lạt. Dù rằng về phần Ngọc Di vẫn chưa thực sự rung động với tình yêu chiến sĩ.
Hồi hương được 3 ngày, Trung úy Lộc bèn vào trường Nguyễn Bá Tòng lừa cha giám học nhận là anh vào thăm cô em cùng họ Nguyễn. Đây là đầu tiên 2 người gặp mặt. Từ trước chỉ biết qua hình ảnh. Anh chị có 2 tuần lễ đi chơi khắp Saigon, bao nhiêu là quà bên Mỹ, anh phi công hào hoa dành hết cho cô hoa khôi trường trung học.
Giáo sư Bùi Văn Phú thời đó học Nguyễn Bá Tòng cùng lớp với Ngọc Di kể lại rằng hình ảnh anh không quân xuất hiện đã làm cho biết bao nam sinh đau lòng.
Một hôm anh Lộc dẫn cô Di về nhà bà chị tại Saigon, chợt gặp cô giáo Ba Làng ra thăm.
Cuộc gặp gỡ bất chợt như trong thoại kịch trên sân khấu. Người yêu cũ chợt thấy bị phản bội, người yêu mới chợt thấy bị lừa dối. Anh không quân đưa Ngọc Di về nhà, nhưng cô cho rằng cuộc tình ngắn ngủi coi như chấm dứt. Cô cũng chưa yêu nên không thấy thực sự bẽ bàng. Sẵn sàng để anh Lộc trở về với người xưa của anh. Nhưng anh không quân đã trở thành Phạm Thái của Tiêu Sơn Tráng sĩ nhất định chết trong cặp mắt của giai nhân Trương Quỳnh Như.
Ngày hôm sau, trung úy phản lực trở lại nói là đã giải quyết xong mục tiêu. Cô gái Ba Làng buồn tủi trở về Nha Trang và anh Lộc quyết một lòng đi tới với Ngọc Di.
Cuộc tình duyên trải qua suốt năm tháng dài cho đến ngày đám cưới ở Nha Trang 6 tháng 2-1974.
1974 – Một thời hoạn nạn:
Khi đôi trẻ bắt đầu xây dựng gia đình qua lễ cưới là lúc đất nước bước vào năm tang tóc cuối cùng. Ngọc Di nhắc đi nhắc lại là cháu đâu có được làm vợ lính cho trọn vẹn một đời. Tuy hòa bình đã ký nhưng 2 bên vẫn còn chiến tranh dành dân lấn đất. Cô sinh viên vẫn lấy bài học luật đi về giữa Saigon Nha Trang và người chồng bất chợt lúc gặp ở Nha Trang, lúc thì Saigon. Mấy tháng cuối cùng sống chung ở căn cứ Phan Rang ngày đêm nghe tiếng phi cơ phản lực và những giây phút ngóng đợi chồng về.
Rồi khi tình thế nguy ngập, anh chồng đẩy cô vợ mang bầu lên C.130 với toàn những người xa lạ. Phi cơ cất cánh, nhìn anh còn đứng trên phi trường Phan Rang, nào biết bao giờ gặp lại nhau. Nhưng rồi anh đem phản lực về Saigon yểm trợ cho mặt trận Long Khánh.
Có tin vợ con phi công chiến đấu vào hết Tân Sơn Nhứt để chờ di tản. Đêm định mệnh cuối cùng Ngọc Di vẫn còn ở nhà với mẹ và thân quyến tại Saigon. Các ông anh cũng có chương trình di tản cả nhà.
Nửa đêm 28 tháng 4/75 chợt có tiếng xe hồng thật tự chớp đèn bấm còi ầm ỹ. Anh Lộc gõ cửa kêu Ngọc Di khẩn cấp lên đường. Bà mẹ nói rằng hay con ở lại để đi với mẹ và anh em, nhưng Lộc kiên quyết kéo vợ đi ngay. Ánh mắt mẹ già buồn bã trông theo. Nhưng sau này cả nhà đều bị kẹt lại. Lên xe hồng thập tự thấy cảnh tượng hãi hùng, Trung úy Giới ngồi bên vợ là cô sản phụ vừa sinh con, ôm con trong khăn còn vết máu.
Thì ra xe bus chở gia đình phi công đã nổ máy chờ trong căn cứ, ông trung úy Giới lấy xe cứu thương của không quân chạy ra nhà thương rước vợ. Anh Lộc nhảy theo, sau khi đón được vợ con mày, phải ghé nhà cho vợ tao đi. OK.
Xe Hồng thập tự bóp còi chớp đèn chạy như bay trong đêm Saigon. Các gia đình trên xe bus đang nổ máy chờ, thấy 1 bà mới sinh con và 1 bà bầu mặt còn trẻ thơ bước lên xe. Hai ông chồng vất vả đứng trông theo. Ngọc Di nhìn lại anh Lộc qua khung kính. Anh phi công hẹn sẽ gặp lại bên Mỹ. Vợ con đi rồi, còn mấy anh lái phản lực thì xoay sở dễ dàng, Ngọc Di không thể nghĩ rằng đấy là hình ảnh cuối cùng. Đó là ngày 28 tháng 4-1975. Cô đi C.130 qua Côn Sơn rồi sau đó di tản qua đảo Guam. Hết sức cô đơn, không gia đình, không bà con thân thuộc. Ngay cả gia đình bạn bè trong không quân cô cũng không quen ai. Cô sống 1 cuộc đời tiểu thư từ nhỏ, số mệnh đột nhiên ném vào cuộc đời. Cô bắt đầu cuộc sống trong chờ đợi, đen tối mịt mùng, hoàn toàn tự lập suốt một phần tư thế kỹ.
Một thời định cư
Vẫn tràn đầy hy vọng, cô nằm chờ ở đảo Guam. Các phi công lần lượt đến tìm vợ con và đoàn tụ bay vào lục địa. Anh chị Giới của chuyến xe Hồng thập tự định mệnh cũng đến rồi đi, không có tin gì về anh Lộc và không ai biết là Lộc mất tích, đã chết hay còn lạc loài nơi đâu. Rồi người ta không cho bà bầu ở lại đảo Guam. Cô phải đi vào Mỹ để còn lo sinh đẻ.
Ngọc Di lên đường mắt còn ngó lại biển Đông. Các trại tỵ nạn Cali và Arkansas đã tràn ngập người di tản. Người ta đưa cô về Florida. Nơi đây ngày xưa anh Lộc đã từng đến học bay.
Mỗi ngày vẫn còn người đến trại, dù muộn nhưng vẫn còn tìm được hạnh phúc đoàn tụ bên nhau. Nhưng cô vẫn mòn mỏi đợi chờ. Ngày 18 tháng 7/1975 Ngọc Di hạ sanh 1 bé gái. Nỗi truân chuyên và sống trong ray rứt đợi chờ đã hành hạ thêm cô gái trẻ với 16 giờ đồng hồ đau đớn chuyển dạ. Trước sau vẫn chỉ có một mình. Anh Lộc một năm trước đã đặt tên cho con trai tương lai là Phi Hải. Nhưng cô con gái được mẹ đặt tên là Nguyễn Lộc Đan Vi. Nguyễn là họ của cha và mẹ, Lộc là tên cha. Đan Vi là ý kiến của cô học sinh Nguyễn bá Tòng khi nghĩ đến những cây hoa tường vi đan vào nhau ở cổng nhà chồng trên Đà lạt.
Sau khi sanh con, mẹ con cô tỵ nạn Việt Nam được ông bà bảo trợ đón về nông trại. Ngôn ngữ không quen, suốt vùng quê không có 1 người Việt Nam. Những năm đầu vừa buồn về cảnh ngộ vừa buồn vì cảnh vật. Ngọc Di ôm con sống bằng nước mắt. Duy chỉ có điều, bé gái với cặp mắt thần tiên của mẹ là nguồn an ủi cuối cùng.
Một thời để chết
Cùng lúc đó trong trại tù, anh phi công thấy rằng không còn hy vọng được trả tự do. Thời gian ngộ nhận 15 ngày đã qua từ lâu. Thời gian hứa hẹn học tập 6 tháng cũng qua rồi. Cặp mắt người yêu Ngọc Di thôi thúc ngày đêm, anh phi công ngang tàng 1 thuở nhất định trốn trại, tìm tự do. Hai anh phi công Nguyễn văn Lộc và Lê văn Bé cùng vượt trại. Hy vọng tìm đường qua biên giới Cam Bốt rồi Thái Lan. Giữa 1 đêm mưa gió, cả 2 vượt thoát còn đem theo cả lựu đạn phòng thân.
Lính cộng sản đuổi theo. Lộc chạy trước. Bé ném lựu đạn chận hậu nhưng bị thương ngã xuống. Lộc bèn quay lại, đánh lựu đạn cứu bạn. Được biết lính cộng sản cũng bị chết vì lựu đạn. Vì vậy sau khi 2 anh phi công đã gục ngã chúng còn bắn điên cuồng vào 2 xác chết.
Hai anh chết ngày 25 tháng 3-1976. Cộng sản cho kéo xác để giữa sân trại Long Giao để dằn mặt anh em rồi đem chôn xấp 2 ngôi mộ bên nhau, nhưng không có mộ bia. Các bạn tù tìm cách làm dấu nhưng không rõ ràng. Vài năm sau, không còn ai biết rõ di hài của 2 người anh hùng không quân nằm ở đâu.
Một thời định cư
Mẹ con Ngọc Di rời bỏ nông trại tìm đường về ở với bà con trên Nữu Ước. Cô nữ sinh hoa khôi Nguyễn bá Tòng, sinh viên luật Saigon tiếp tục cuộc sống lủi thủi với đứa con ngày càng rực rỡ với dấu vết người cha Đà Lạt và đôi mắt bà mẹ Nha Trang.
Mấy năm sau, anh em và gia đình không quân họp mặt, nên mẹ con cô Di có dịp về Cali gặp gỡ mọi người. Sau cùng cô định cư tại quận Cam. Phải bắt đầu từ thập niên 80 trở đi mới có tin tức về cuộc trốn trại hào hùng và chuyện hy sinh của anh Lộc. Mẹ con bắt đầu nghĩ đến chuyện đi tìm dấu vết của người xưa. Tuy nhiên tất cả đều vô vọng. Không ai còn nhớ những ngôi mộ ở đâu, Cuộc sống vẫn bình thản diễn tiến. Anh chị em đoàn tụ. Me già gặp lại con gái. Cháu Đan Vi tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa rồi lập gia đình. Vợ vẫn không thấy xác chồng. Con vẫn chưa thấy xác cha.
Một lần, hết sức vô tình, Ngọc Di gặp người trong gia đình HO. Anh ở Bắc Cali nói rằng trước có ở Long Giao. Cô Di hỏi rằng anh có biết trung úy Lộc không. Anh HO nói ngay rằng cô có phải là Ngọc Di không. Ngạc nhiên đến sững sờ, cô nói tôi là Nguyễn thị Ngọc Di, sao anh biết. Anh bạn trả lời: « Tôi ở gần anh Lộc trong trại. Anh ấy nói về đôi mắt của cô suốt ngày. Khi cô mới bước vào nhà tôi đã cảm thấy. Khi cô hỏi anh Lộc, tôi biết ngay cô là vợ anh.» Và câu chuyện 20 năm xưa tuôn chảy, nhưng sau cùng cũng không biết mộ anh ở đâu.
Một thời ngoại cảm
Câu chuyện đi tìm mộ của anh Lộc đã trải qua 1 thời gian hết sức đặc biệt dựa trên các câu chuyện linh thiêng về lãnh vực ngoại cảm. Sau cùng, người bạn tù, người chiến hữu tận tụy của anh Lộc đã tìm được 2 ngôi mộ của những người phi công trốn trại năm 1976.
Các ngôi mộ được khai quật năm 2008 có cả sự tiếp sức của thầy Mạc Đìa, ngồi tại San Jose mà chỉ dẫn qua điện thoại. Mặc Đìa ngày xưa cũng là sĩ quan của không lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau cùng cô Ngọc Di đưa con gái là Nguyễn Lộc Đan Vi về nhận xác người thân.
Ngày 3 tháng 11-2008 mẹ con ngồi trên phi cơ Eva ôm mỗi người một bình tro về Hoa Kỳ. Mẹ ôm tro của chồng, con ôm bình tro chiến hữu. Gia đình anh phi công Lê văn Bé nói rằng chiến hữu đã chết bên nhau thì cho đi Mỹ với nhau. Tuy nhiên bình tro của anh Bé chỉ có 1 nửa. Phân nửa gia đình lưu lại quê hương.
Ngày 8 tháng 11-2008 không quân Nam Cali làm lễ truy điệu cho 2 người anh hùng của họ. Có lễ trao cờ lại cho cô Ngọc Di cùng con gái.
Ngọc Di làm vợ lính có hơn 1 năm và làm quả phụ 33 năm mới nhận được xác chồng bằng tro tàn. Bác sĩ Đan Vi không bao giờ thấy được người cha dù ở trên trời hay ở dưới đất.
Khi khai giấy tờ người ta hỏi rằng con đến Mỹ năm nào. Con khai là đi năm 1975. Con đi bằng phương tiện gì. Con nói là con đi trong bụng mẹ. Cha con bây giờ ở đâu. Con không biết. Có thể còn đang bay ở trên trời. Con không có cha làm sao ai nuôi con học thành bác sĩ. Trả lời: Mẹ con.
Đan Vi là loài hoa tường vi, đan vào nhau mọc ngoài cổng nhà anh phi công Nguyễn Văn Lộc.
Tuổi của cô là tuổi của cộng đồng. Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại năm nay 35 tuổi, cũng là tuổi của Đan Vi, một cô gái khác ngày xưa sinh ra trên tàu Trường Xuân, trên biển Nam Hải, tên cô là Chiêu Anh, cũng 35 tuổi.
Chiều văn nghệ 35 năm nhìn lại tại San Jose vào ngày 23 tháng 5/2010 chúng tôi sẽ mời cả 2 cô lên sân khấu CPA. Một cô đi tàu biển vào Mỹ. Một cô đi tàu bay vào Mỹ. Lúc ra đi cả 2 đều trong bụng mẹ.
Cả 2 cô đều không phải là ca sĩ, nhưng vẫn được mời lên sân khấu trình diễn. Hai cô đều không biết hát, chỉ đứng đó cho khán giả vỗ tay. Bởi vì cuộc đời của các cô chính là những bài ca của nửa thế kỷ trầm luân. Đó là những hài nhi của cộng đồng di tản, những công dân của thế hệ mới trưởng thành sau những đau thương của đất nước.
Các bạn hỏi rằng văn nghệ của chúng tôi sẽ có những danh ca nào trình diễn.
Chúng tôi có các nữ danh ca có tên có tuổi nhưng không biết hát.Vậy ai là những người biết hát thì xin đến giúp một tay.
Và trời đất sẽ trả công cho quý vị.
Tất cả chỉ cần hát có 1 bài: Bài “Cô Gái Việt” của Nhạc sĩ Hùng Lân.
GIAO CHỈ – SAN JOSE
AI BẢO CHĂN TRÂU LÀ KHỔ? Phan Phát Huồn
Phan Phát Huồn
Cha Phêrô Phan Phát Huồn, DCCT (1926-2015), người quê giáo xứ Phường Đúc, Huế, nguyên Phó Giám đốc Nha Tuyên Úy VNCH và cũng là người sáng lập và xây dựng nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Xóm Mới.
Ngay từ khi vừa chịu chức linh mục ngài đã viết cuốn lịch sử Việt Nam Giáo Sử- tác phẩm đầu tiên về lịch sử GHCG Việt Nam từ ban đầu cho đến giữa thế kỷ XX.
Tôi gặp ngài lần đầu ở Thái Hà dịp tết năm 1988 khi ngài vừa được trả tự do sau 13 năm trong ngục tù cộng sản. Vì Thái Hà là nơi ngài đã sống 7 năm khi còn làm thầy trước năm 1954, nên ngài cùng với cha Ngô Đình Thỏa và Đinh Ngọc Quế đã ở lại đây ăn tết với cha Vũ Ngọc Bích và tôi gần 1 tháng, trước khi về Sài Gòn.
Năm sau -1989- tôi được cha Vũ Ngọc Bích gửi vào tu viện DCCT Sài Gòn ở đường Kỳ Đồng. Thế là chúng tôi lại có dịp chung sống với nhau. Bấy giờ công an cấm những người như ngài và tôi- không có hộ khẩu- ngủ qua đêm tại tu viện. Vì thế khoảng 8 gio mỗi tối tôi chở ngài về chỗ ngủ nhờ ở nhà 1 giáo dân và khoảng 4g45 sáng khi tôi đi qua chỗ ngài ở thì lại chở ngài đến tu viện.
Trong mấy năm ở chung tại tu viện Kỳ Đồng, ngài kể cho tôi nghe nhiều chuyện đau khổ trong tù trong đó cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Tôi nhớ mỗi lần kết thúc một câu chuyện ngài lại nói: “Đó là chuyện tôi sẽ viết khi đáp máy bay xuống phi trường Washington!”
Ngài đã viết thật. Năm 1991 ngài sang Hoa Kỳ theo diện HO và năm 1994 ngài đã xuất bản cuốn hồi ký có tựa đề là “AKA và Thập Giá. Ai thắng ai?”viết về 13 năm sống trong ngục tù cộng sản và gửi về VN tặng tôi một bản. Nhân dịp 30 tháng 4 tôi xin trích vài trang kể về hai “tai nạn” khi ngài đi chăn trâu lúc ở tù.
***
(….) Chúng tôi chia tay nhau mà lòng đầy phấn khởi, và cũng vì phấn khởi mà tôi leo lên lưng trâu cỡi, tôi vừa cỡi trâu vừa nghêu ngao ca bài của Phạm Duy:
Ai bảo chăn trâu là khổ,
Chăn trâu sướng lắm chứ
Đầu tôi đội nón mê như lọng che.
Tôi vừa ca đến đây thì tôi nghe tiếng quen quen:
– Tụt, tụt, anh tụt khỏi lưng trâu ngay lập tức.
Tôi nhận ra tiếng của cán bộ quản giáo của tôi. Tôi lanh lẹ cầm đuôi trâu tụt xuống khỏi lưng nó. Cũng lúc ấy cán bộ xông tới gần tôi, tôi nghĩ là ông ta muốn đánh tôi, tôi nói:
– Yêu cầu cán bộ đứng xa tôi 3 mét.
Sở dĩ tôi nói như vậy vì trong nội quy của nhà tù, tôi không được đứng gần cán bộ 3 mét.
Ông cán bộ đăm đăm nhìn tôi như muốn ăn sống tôi làm tôi nhớ lời trong thánh vịnh:
Tôi phải nằm giữa bầy sư tử,
Loài thú ăn thịt người
Nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo,
Lưỡi thì sắt bén tựa gươm đao.
– Anh có biết anh là gì không?
– Thưa cán bộ tôi là Phan Phát Huồn.
– Phan Phát Huồn là cái thớ gì? Anh là tư sản là tanh hội là xấu xa, anh biết chưa?
Tôi không trả lời cho câu hỏi ấy. Ông cán bộ hỏi tôi tiếp:
– Anh có biết con trâu này là gì không?
– Thưa cán bộ có, về mặt sinh vật học con trâu này là một con vật có 4 chân thuộc loài có vú.
Nghe tôi nói có vẻ lạ tai, ông ta trợn đôi mắt tròn xoe rồi ông ta khạc nước bọt lên trên nền đất tỏ vẻ bất mãn:
– Cà chớn, ai lại không biết con trâu này có 4 chân thuộc loài có vú, cha cố gì mà ăn nói tục tĩu, điều mà anh cần phải nhớ, phải ghi lòng tạc dạ: con trâu này là một con trâu xã hội chủ nghĩa, và anh là tư bản chủ nghĩa, vậy mà anh dám đưa cái đít thối tha tư bản chủ nghĩa của anh, ngồi lên trên, cà lên trên lưng của con trâu xã hội chủ nghĩa. Láo.
Cán bộ nói câu ấy với tất cả tấm lòng thành của một cán bộ cộng sản lúc ông ta tưởng rằng lý thuyết của ông ta bị xúc phạm.
– Vậy bây giờ anh hãy tự xử lấy.
– Thưa cán bộ tôi chẳng biết phải tự xử làm sao cả.
– Học tập như anh quá kém, làm sao lên lớp được, anh đem trâu xuống suối tắm, giải tỏa cho lưng nó sạch mùi xú uế.
– Thưa cán bộ sáng hôm nay đài khí tượng cho biết tại Yên Bái là 5 độ C, đem trâu xuống suối tắm thì cả trâu lẫn người sẽ đều bị bệnh. Vậy tôi xin cán bộ cho phép tôi lấy lá khô xung quanh đây chùi lưng trâu với mục đích giải tỏa cho lưng trâu sạch mùi xú uế.
Cán bộ suy nghĩ chốc lát rồi trả lời ngắn gọn:
– Được!
Thế rồi tôi hái lá khô chùi lưng trâu, vừa chùi vừa cười thầm trong bụng về cái công tác kỳ cục này. Sau đó tôi lại tiếp tục nghề chăn trâu của tôi. Một hôm cán bộ đến gần tôi và nói rằng:
– Anh Huồn, anh biết là sắp đến ngày quốc khánh mồng 2/9 không? Anh lựa con trâu nào coi được, trao cho nhà bếp làm thịt cho trại viên ăn.
Tôi lựa một con thật béo tốt và tôi để trong trí tôi, không cho ai hay biết. Tôi lựa một con thật béo là cốt ý cho anh em bồi dưỡng chứ không phải để mừng ngày 2/9 vì ngày ấy đối với tôi là một ngày toàn dân bắt đầu làm thân trâu ngựa để phục vụ cho một chế độ độc tài, độc đảng, độc ác.
Sáng mồng 2/9 tôi vào chuồng trâu để đưa con trâu tôi đã chọn trao cho nhà bếp làm thịt, thì nó nhìn tôi và tràn trụa nước mắt, thấy vậy tôi về trại cáo bệnh và tôi xin bác sĩ cho tôi nghỉ ngày hôm ấy, như thế tôi tránh được việc dẫn trâu đến lò sát sinh vì tôi không muốn chứng kiến cái cảnh đau thương dù là của một con vật.
Chiều đến chúng tôi được một bữa cơm thịnh soạn với thịt trâu, anh NSX linh mục tuyên úy Quân khu 3, bạn đồng nghiệp của tôi, nằm khít bên cạnh tôi, là người bạn giúp đỡ tôi trong suốt thời kỳ tôi đau ốm, chúng tôi cùng ngồi ăn chung với nhau suốt thời kỳ ở Yên Bái. Hôm ấy ăn món thịt trâu xong, tôi để xương vào đĩa định đem đi đổ thì anh NSX không cho và anh lấy hết đĩa xương ấy ngồi mút thật ngon lành, rồi một buổi chiều kia anh NSX đưa tôi lên bệnh xá nhận thuốc bổ của gia đình anh gởi và bắt tôi uống, có lẽ đó là cách anh trả xương trâu lại cho tôi! Anh em chúng tôi ở với nhau thật tình như thế đấy.
Lâu lâu các linh mục BĐH và mục sư ĐVL cũng ghé thăm tôi, và một hôm các anh đề nghị với tôi, tổ chức đại hội trâu, thật là một ý kiến tuyệt vời. Đến ngày ấn định chúng tôi cùng kéo nhau lên đỉnh núi cầu nguyện, để đàn trâu ăn cỏ dưới chân núi. Đứng trước cảnh trời bao la, một màu xanh biếc, chúng tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm thư thái, và quên hết tất cả những nỗi lo âu, phiền toái của cuộc sống ở chốn nhà tù việt cộng âm u. Thế rồi không ai bảo ai, chúng tôi cất tiếng hát:
Chúa ơi cho con hầu kề, Gần bên Chúa luôn.
Trí con đinh ninh một bề làm tôi Chúa luôn.
Con quyết không bao giờ nguôi.
Theo Chúa con luôn không rời.
Chúa ơi cho con hầu kề gần bên Chúa luôn…
Chính lúc đó một tiếng từ trong bụi quát ra:
– Làm gì có Chúa mà gần các anh, chính tôi, tôi đây, cán bộ nhân lực, cán bộ an ninh, tôi gần các anh đây, tôi bắt quả tang các anh bỏ giờ lao động, tập họp bất hợp pháp để hát những bài nhạc vàng, những bài dâm ô. Các anh xuống núi, lùa trâu về trại.
Anh Hiểu quay lui nói với tôi:
– Làm gì mà không chịu ngó trước ngó sau!!
– ỡ rồi biết sao được.
Lúc xuống núi tôi nhìn quanh quẩn nhưng không thấy đàn trâu của chúng tôi đâu cả, tôi đâm lo, người xưa nói thật đúng: Họa vô đơn chí, nhưng may cho tôi, tôi thấy được dấu chân trâu và tôi lần mò đi theo lối chân ấy, lúc tôi tới cuối ruộng mía, tôi thấy đàn trâu đang bị buộc ở đấy, bỗng trong ruộng mía một cụ già xông ra, tay cầm bó mía, vừa chạy vừa chửi:
– Mẹ kiếp nhà mày, chúng mày cho trâu ăn mía nhà ông. Ông phang cho vỡ sọ bây giờ.
Ông vừa chửi vừa chạy nhanh về phía tôi, vấp phải một hòn đá ông ngã lăn quay ra, miệng cạp phải đất, bó mía rơi khỏi tay ông nhưng miệng ông vẫn nói: “Ông phang vỡ sọ nhà mày”.
Tôi chạy tới đỡ ông dậy, ông hơi trầy gối, tôi lấy thuốc đỏ trong túi tôi xức cho ông, vì khi chúng tôi đi lao động chúng tôi luôn mang theo thuốc đỏ và thuốc trị rắn cắn, đồng thời tôi xin ông cho tôi chuộc lại bầy trâu. Bây giờ ông không còn hung hăng nữa, ông chấp nhận đối thoại, ông hỏi tôi:
– Anh có gì mà chuộc?
– Cháu có áo tây gi.
– Áo tây gi là áo gì?
– Là áo chúng cháu đang mặc đây.
Ông nhìn chúng tôi một chốc rồi ông nói:
– Được, các anh trao cho tôi.
Chúng tôi cởi áo chúng tôi ra, xót xa như bị lột da vậy, vì đây là một gia tài đối với tù nhân như chúng tôi. Ông nhận lấy áo chúng tôi, xem đi xem lại rồi bảo tôi:
– Cả quần của các anh nữa.
Chúng tôi dành phải tụt quần trao cho ông, nhưng riêng đối với tôi, tôi còn một chiếc quần đùi, mà quần đùi của tôi chỉ còn khả năng che phía đằng trước. Lấy xong bộ đồ tây gi của 3 anh em chúng tôi, ông nhìn tôi và nói:
– Áo lót của anh nữa!
Biết làm sao bây giờ, tôi cũng phải chiều lòng ông cởi chiếc áo lót duy nhất của tôi cho ông, sau đó thì ông đăm đăm nhìn tôi rồi ông hỏi tôi:
– Anh là công giáo à?
– Vâng cháu là công giáo và còn hơn thế nữa.
– Hơn thế nữa nghĩa là gì?
– Cháu là linh mục.
– Cháu là linh mục?
Nói câu ấy xong, tôi thấy một sự thay đổi rõ rệt trên nét mặt, đôi mắt ông trở nên đỏ ngầu, ông chấp hai tay lại và ông van nài tôi:
– Lạy cha, xin cha tha tội cho con, thưa cha thật tình là con không biết, lúc cha cởi áo thun ra, con thấy cha đeo thánh giá, con chỉ nghĩ rằng cha là một giáo hữu thường, con đâu có ngờ là linh mục.
Rồi ông gọi thằng con ông:
– Tuấn, mày đem nồi khoai ra đây cho tao.
Ông cụ già chẳng những hoàn lại cả bầy trâu cho chúng tôi, mà còn biếu chúng tôi một nồi khoai nóng hổi, thảo nào các em thường hát: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ!
Phan Phát Huồn
From: Truong Le
Thuyền phó tàu Titanic tiết lộ bí mật vĩ đại giấu kín nửa đời người
Lời hay ý đẹp Tuổi Trung Niên – My Lan Pham
Thuyền phó tàu Titanic tiết lộ bí mật vĩ đại giấu kín nửa đời người, phương Tây họ văn minh hơn chúng ta từ rất lâu!
Nhân sinh như cõi mộng, dù cho người đó giàu có bao nhiêu hay nghèo kém cỡ nào, đứng trước sinh tử cũng đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng hơn, khi ấy người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời: Không phải vật chất, không phải quyền danh, càng không phải nhận lại điều gì cho mình mà là cho người khác, mà là lòng vị tha.
Đêm ngày 14/4/1912, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra. Con tàu mang phong hiệu “không thể chìm” có tên Titanic đã đâm sầm vào một tảng băng trôi khổng lồ. Kết quả của vụ va chạm ấy là những con số và nỗi đau mà người ta không bao giờ muốn nhắc lại.
1.514 người đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu kinh hoàng năm ấy. Nỗi đau đã khép lại hơn 100 năm, ngày nay, những gì người ta lưu lại về từ khóa “Titanic” có thể là: Vụ đắm tàu, thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại hay mối tình lãng mạn của Jack và Rose, cũng có thể là tình ca bất hủ My heart will go on qua chất giọng cao vút của Celine Dion…
Tuy nhiên, hầu như tất cả đều không nhận ra, đằng sau bức màn đen tối của những nỗi đau và mất mát ấy là một kiệt tác vĩ đại của Lòng vị tha.
Charles Lightoller, khi ấy 38 tuổi, Thuyền phó thứ 2 trên con tàu Titanic, ông là người cuối cùng được kéo lên trên thuyền cứu hộ, cũng là người còn sống sót có chức vị cao nhất trên thuyền lúc đó.
Trở về từ cõi chết, sau rất nhiều năm giấu kín và im lặng, cuối cùng Charles quyết định viết 17 trang hồi ức, kể lại chi tiết vụ tai nạn kinh hoàng mà ông chứng kiến. Từng câu từng chữ của ông chưa bao giờ sống động và dồn dập đến vậy. “Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đêm đó!”
“Phụ nữ và trẻ em lên trước!”
Khi mệnh lệnh vừa vang lên, nhiều người rời thuyền cứu hộ, họ lặng lẽ bước ra phía sau châm điếu thuốc và hút. Charles không thấy bất kỳ một phụ nữ hay trẻ em có ý định bỏ lại những người đàn ông thân yêu của họ. Tất cả mọi người dường như rất bình tĩnh… trước cái chết… dù đó là một thương nhân nổi tiếng hay người hầu.
Khi chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên được đưa xuống mặt nước, Charles đã hỏi một người phụ nữ họ Straw khi ấy đang ở trên boong tàu rằng: “Bà có muốn tôi đưa bà lên thuyền cứu hộ không?”
Người phụ nữ lắc đầu: “Không, tôi nghĩ vẫn là ở lại trên tàu thì tốt hơn”. Người chồng của bà hỏi: “Tại sao em lại không muốn đi lên thuyền cứu hộ?” Người phụ nữ mỉm cười trả lời: “Không, em vẫn muốn ở bên cạnh anh”. Cũng kể từ đây, Charles không bao giờ còn gặp lại đôi vợ chồng này lần nữa…
Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV), một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng và là một trong những người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi đưa người vợ mang thai 5 tháng tuổi lên thuyền cứu hộ, một tay dắt chó, tay còn lại châm điếu xì gà rồi hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần về nơi xa: “Anh yêu hai mẹ con”.
Thuyền phó đã ra mệnh lệnh cho Astor đệ tứ lên thuyền, nhưng ông kiên quyết trả lời rằng: “Tôi thích cách nói cơ bản nhất (bảo vệ phái yếu)!”. Sau đó, ông nhường chỗ của mình cho một người phụ nữ ở khoang hạng 3.
Vài ngày sau, khi bình minh vươn lên trên mặt biển Đại Tây Dương, đội cứu hộ tìm thấy thi thể ông trong tình trạng đầu bị chấn thương nghiêm trọng do đập vào ống khói. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, nhưng Astor đệ tứ đã từ chối tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người thân yêu của mình, bảo vệ “phụ nữ và trẻ em” và bảo vệ nhân cách của mình.
Ben Guggenheim, một nhà tỷ phú, một nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng. Trong giờ phút nguy nan nhất, khi tất cả mọi người đang hối hả và vội vã, ông thản nhiên thay một bộ vest dạ hội sang trọng và tuyên bố: “Tôi phải chết thật trịnh trọng, như một quý ông”.
Trong lời nhắn ông gửi cho vợ viết: “Trên con tàu này, không có bất kỳ một phụ nữ nào vì anh cướp chỗ trên thuyền cứu hộ mà bị bỏ lại trên boong tàu. Anh sẽ không chết giống như một tên khốn, anh sẽ giống như một người đàn ông chân chính”.
Một thủy thủ đề nghị với Strauss, nhà sáng lập công ty bách hóa Macy của Mỹ, cũng là người giàu thứ hai thế giới rằng: “Tôi bảo đảm sẽ không ai phản đối một người già như ngài bước lên thuyền cứu hộ đâu”. Strauss nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại”. Khi ông cố gắng khuyên giải bà Rosalie vợ của mình lên thuyền cứu hộ thì bà vẫn một mực từ chối. Bà nói: “Bao nhiêu năm qua, anh đi đâu là em theo đến đó, em sẽ cùng anh đi đến bất cứ nơi nào mà anh muốn đi”.
Sau đó, ông choàng lấy cánh tay của bà Rosalie, thong thả bước đến chiếc ghế trên boong tàu, ngồi xuống và chờ đợi giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ngày nay, tại Bronx thành phố New York, người ta xây một tượng đài để tưởng niệm vợ chồng ông Strauss, trên đó khắc hàng chữ: “Tình yêu không thể nào nhấn chìm dù có nhiều nước biển hơn nữa”.
Một doanh nhân người Pháp tên Nahuatl đưa hai cậu con trai của mình lên thuyền cứu hộ, nhờ một vài người phụ nữ chăm sóc cho chúng, và mình thì từ chối lên thuyền. Sau khi hai đứa con trai được cứu sống, báo chí khắp nơi trên thế giới đều rầm rộ đăng hình ảnh của hai đứa trẻ này, cho đến khi mẹ của chúng từ hình ảnh nhận ra được chúng.
Trong giờ phút nguy kịch, Lydepas ôm chặt lấy người chồng mới cưới, không muốn thoát chết một mình. Vì bất đắc dĩ, chồng Lydepas phải đấm cô ngất xỉu, khi cô tỉnh lại thì đã thấy mình trên một chiếc thuyền cứu hộ đang trôi lênh đênh ngoài biển. Về sau, Lydepas cả đời không tái giá, sống độc thân để hoài niệm người chồng đã mất của mình.
Trong buổi họp mặt những người may mắn sống sót tại Lausanne nước Thụy Sĩ, bà Smith kể lại: “Lúc đó hai đứa con của tôi được bế lên thuyền cứu hộ. Vì quá tải nên tôi không thể lên thuyền nữa, một người phụ nữ ngồi trên thuyền cứu hộ khi ấy đã đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, rồi đẩy tôi lên và hét lớn với tôi một câu: ‘Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!’.” Bà hối tiếc vì lúc đó đã không hỏi tên người phụ nữ đó.
Những người thiệt mạng trong vụ tai nạn này còn có tỷ phú Acid, nhà báo nổi tiếng Stead, Thiếu tá pháo binh Bart, kỹ sư Robble nổi tiếng v.v.. Họ nhường chỗ của mình trên thuyền cứu hộ, cho những phụ nữ nông dân không một đồng trên người.
Hơn 50 nhân viên cấp cao trên tàu Titanic, ngoài thuyền phó thứ hai Charles Lightoller chỉ huy cứu hộ may mắn sống sót, toàn bộ đều hết mình cứu người đến chết trong cương vị của mình.
Khoảng 2h sáng nhân viên điện báo số 1 John Philip nhận được mệnh lệnh bỏ tàu của thuyền trưởng, mọi người tự mình cứu mình, nhưng ông vẫn ngồi trong phòng thông báo, vẫn giữ tư thế phát tín hiệu SOS liên tục cho đến phút cuối cùng.
Khi đuôi tàu bắt đầu chìm xuống nước, Charles nghe thấy vào khoảnh khắc cuối cùng, khoảnh khắc của sinh ly tử biệt, những lời yêu thương vang lên: “I love you! I love you!”
Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc nổi lên như ngọn đuốc rực sáng, khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người. Giáo dục lối sống không chỉ là lý thuyết; mà trong những hoàn cảnh thực tế, những bài học đạo đức ăn sâu vào tâm thức trở thành kim chỉ nam cho hành động của mỗi người.
Phụ nữ và trẻ em, những con người yếu đuối cần được tôn trọng và ưu tiên. Những người đàn ông lịch lãm không chỉ là kẻ nói lời hoa mỹ và tử tế trên bàn tiệc; mà ngay cả khi đối diện với thực tế rằng dù ngày mai tất cả đều trở thành vô nghĩa thì bài học về đạo đức và nhân cách hôm nay vẫn cần được thực hành một cách tuyệt đối.
Nhân sinh như cõi mộng, dù cho người đó giàu có bao nhiêu hay nghèo kém cỡ nào, đứng trước sinh tử cũng đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng hơn, khi ấy người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời: Không phải vật chất, không phải quyền danh càng không phải nhận lại điều gì cho mình mà là cho người khác, là vị tha.
Vị tha hàm chứa một sức mạnh vô tỉ, đã biến những con người xấu số trong cơn “bão biển” kinh hoàng năm ấy trở thành biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương cao cả.
P/s: Những câu chuyện thế này theo các bạn có nên đưa vào sách giáo khoa không?
Hoàng Nguyên Vũ
Chồng bắt vợ bỏ thai để dễ bề đến với người khác…- Truyen ngan HAY
Chuyện tuổi Xế Chiều – Công Tú Nguyễn
Chồng bắt vợ bỏ thai để dễ bề đến với người khác, 7 năm sau cô dắt 2 con về, khiến chồng cũ điêu đứng…
Hà Nội tháng Ba, mưa xuân như sợi tơ rơi rả rích ngoài cửa kính. Trong căn phòng chung cư cao cấp trên phố Nguyễn Chí Thanh, Ngọc đứng chết lặng, tay siết chặt tờ phiếu siêu âm.
“Con chị chưa thành hình. Bỏ sớm đi. Tôi lo toàn bộ chi phí.”
Giọng người đàn ông trước mặt lạnh lùng đến mức xa lạ. Dũng – chồng cô, người từng quỳ xuống xin cưới bằng được, giờ đây đang thẳng tay ép cô bỏ đi giọt máu của hai người.
Ngọc không tin vào tai mình. Cô cứ ngỡ Dũng sẽ hạnh phúc khi biết tin. Nhưng không, ánh mắt anh ta trốn tránh, và rồi… một lời thú nhận như nhát dao cắm sâu vào tim:
“Tôi có người khác rồi. Em ấy đang mang thai. Nếu cô giữ lại đứa bé này, sẽ rối lắm. Cô nên hiểu.”
Đêm đó, Ngọc bỏ đi. Không một tiếng gào thét. Không một giọt nước mắt. Chỉ có nhịp tim đập loạn và bước chân lao vào màn mưa, mang theo một sinh linh còn đỏ hỏn trong bụng.
Ngọc đến Sài Gòn vào một buổi chiều oi ả. Cô đổi họ tên, thuê một căn phòng trọ nhỏ ở quận Tân Bình. Dưới cái tên “Trang”, cô bắt đầu lại – một mình với bụng bầu ngày càng lớn.
7 tháng sau, Ngọc sinh đôi. Hai bé trai, giống Dũng như đúc. Cô đặt tên hai con làNamvà Minh – một người trầm lặng, một người lanh lợi, như hai mảnh của chính trái tim cô.
Cuộc sống không dễ dàng. Ngọc làm nhân viên quán cà phê, sau đó chuyển sang phụ bếp, rồi bán hàng online. Cô chưa bao giờ kể về bố của hai đứa trẻ. Trong lòng, chỉ có một điều duy nhất:
“Mẹ sẽ không để các con thiếu tình thương. Nhưng cũng sẽ không để ai làm hại các con.”
7 năm sau. Một chiều thu Hà Nội, chiếc xe taxi dừng lại ở trước cổng công ty Dũng – giờ đã là CEO một tập đoàn bất động sản nổi tiếng. Ngọc bước xuống, tóc búi cao, áo sơ mi trắng, thần thái cứng cỏi.
“Em định làm gì?” – Mai, bạn thân cô hỏi, giọng lo lắng.
“Không phải trả thù. Chỉ là… muốn cho anh ta biết, thứ anh vứt bỏ năm xưa, giờ đã lớn lắm rồi.”
Ngọc gửi hồ sơ xin vào làm trong bộ phận marketing – tất nhiên là với tên giả. Năng lực của cô nhanh chóng khiến nhiều người nể phục, và chẳng bao lâu, cô được mời làm trợ lý cho Phó Tổng – người trực tiếp báo cáo lên Dũng.
Từng bước một, Ngọc bắt đầu “giăng lưới”. Cô điều tra những hợp đồng bất minh Dũng đang cố giấu. Bằng cách tiếp cận với trợ lý tài chính, cô lần ra một dự án ma trị giá hơn 30 tỷ. Nếu bị khui ra, Dũng có thể mất ghế.
Nhưng Ngọc không vội tung đòn. Cô quan sát. Lặng lẽ gieo tin đồn trong nội bộ. Rồi “vô tình” để rò rỉ dữ liệu tài chính ra bên ngoài.
Báo chí bắt đầu đưa tin. Ban quản trị họp khẩn. Dũng – người từng ngạo nghễ như vua, nay mặt tái mét vì các cổ đông quay lưng.
Một buổi tối, khi công ty tan ca, Ngọc đứng chờ Dũng trước sảnh. Gió lạnh thổi tung tà áo dài màu xám tro. Dũng nhận ra cô, đôi mắt trợn lên:
“Là… cô?”
“Anh quên nhanh thật. Tôi tên là Trang. Còn Ngọc – người anh từng bắt phá thai, đã chết 7 năm trước rồi.”
Dũng đứng sững. Cô đưa ra tờ giấy xét nghiệm ADN của hai đứa bé – bản sao cô giữ lại, chưa từng công khai.
“Chúng là con anh. Nhưng anh không cần nhận. Vì chúng chẳng cần một người cha như anh.”
Dũng bắt đầu tìm đến trường mẫu giáo nơi hai đứa bé học. Anh lén nhìn chúng qua ô cửa kính – ánh mắt vừa tiếc nuối vừa ăn năn.
Một hôm, Minh sốt cao, nhập viện. Dũng nghe tin qua bạn cũ của Ngọc, chạy đến giữa đêm.
“Tôi xin lỗi. Là tôi sai. Tôi không xứng đáng… nhưng tôi thật sự… muốn làm gì đó cho con.”
“Anh không cần chuộc lỗi. Con tôi đã có mẹ.”
Khi Minh tỉnh lại, thấy Dũng ngồi ngủ gục bên giường, cậu bé chỉ hỏi nhỏ:
“Chú là ai ạ?”
Dũng bật khóc, không trả lời nổi.
Một tháng sau, Dũng chủ động xin từ chức. Anh chuyển sang làm giảng viên quản trị ở một trường đại học, sống kín tiếng, không tái hôn. Còn Ngọc, tiếp tục nuôi dạy con, không nhắc gì về “chú Dũng” nữa.
Một ngày, Dũng gửi đến cho cô một lá thư tay – không xin lỗi, không mong tha thứ. Chỉ là:
“Cảm ơn em đã không biến các con thành công cụ trả thù. Nhờ em, tôi biết mình từng có cơ hội làm người cha tốt – dù chỉ trong giấc mơ.”
Ngọc đọc xong, đốt lá thư. Mắt nhòe đi trong làn khói mỏng. Cô thì thầm:
“Tôi tha thứ – không phải vì anh xứng đáng, mà vì tôi muốn được bình yên.”
Năm Minh vàNamlên mười, vào một buổi tối mùa đông, khi cả nhà đang ngồi xem chương trình truyền hình,Nam– cậu anh hay suy nghĩ – đột nhiên hỏi:
“Mẹ ơi, tụi con không có ba thật sao?”
Ngọc khựng lại, đôi tay đang gọt táo run lên một nhịp. Cô nhìn ánh mắt trong veo của con, rồi khẽ gật đầu:
“Có chứ. Ba các con từng là người mẹ yêu nhất. Nhưng vì mẹ làm sai điều gì đó… nên ba không ở bên các con được nữa.”
Minh – cậu em lanh lợi – chui vào lòng mẹ, hỏi lí nhí:
“Vậy… ba có biết tụi con không?”
Ngọc hít một hơi sâu.
“Biết chứ. Và ba rất yêu các con. Chỉ là… đôi khi yêu không đủ để người ta dũng cảm.”
Hai đứa nhỏ im lặng. Chúng không hỏi thêm. Nhưng Ngọc biết, sợi dây vô hình kia vẫn âm ỉ tồn tại trong lòng chúng. Dù cô có cố gắng đến đâu, thì vai trò của một người cha – dù chỉ là sự hiện diện – vẫn là điều các con khát khao.
Mười ba năm kể từ ngày Ngọc rời khỏi Hà Nội trong đêm mưa, cô nhận được cuộc gọi từ một người xa lạ:
“Chị Ngọc phải không ạ? Tôi là sinh viên của thầy Dũng. Thầy nhập viện do đột quỵ, trong người chỉ có một bức ảnh… là ảnh chị với hai bé.”
Ngọc đi như chạy đến bệnh viện. Hai đứa trẻ – giờ đã là hai chàng trai cao lớn, cùng theo sau. Trong phòng ICU, Dũng nằm lặng lẽ, cơ thể gầy sọp, tay trái co quắp, ánh mắt mờ đục dần.
Ngọc đặt bàn tay mình lên tay anh. Như năm xưa, nhưng giờ không còn giận, không còn đau, chỉ có một cảm giác sâu thẳm của người từng yêu sâu đậm.
“Em đến rồi đây. Nhưng không phải để níu kéo. Chỉ là để anh biết… chúng ta không còn oán nhau nữa.”
Minh bước lại gần giường, nhìn người đàn ông mà mẹ từng gọi là “ba”, rồi cúi đầu khẽ nói:
“Cảm ơn chú đã cho con cơ hội sống. Dù không bên nhau, nhưng… con không ghét chú đâu.”
Dũng rơi một giọt nước mắt. Cũng là giọt cuối cùng.
Tang lễ của Dũng diễn ra lặng lẽ. Không hoa, không vòng lớn. Chỉ có vài người học trò và những đồng nghiệp cũ. Ngọc để lại cho anh một bó hoa cúc trắng và một dòng chữ viết tay:
“Anh từng là sai lầm, cũng từng là ký ức đẹp. Em tha thứ rồi, thật lòng.”
Sau lễ tang, ba mẹ con lên xe trở về Sài Gòn. Trên đường, Nam quay sang mẹ:
“Mẹ, tha thứ có khó không?”
Ngọc mỉm cười, nhìn qua kính chiếu hậu – nơi bóng Dũng mờ dần phía xa.
“Rất khó. Nhưng nếu không làm được, mình sẽ mãi bị nhốt trong quá khứ. Tha thứ… không phải vì người kia xứng đáng. Mà vì chính mình xứng đáng được tự do.”
Hai mươi năm sau.Nam trở thành luật sư. Minh là nhà thiết kế đồ họa. Trong một buổi phỏng vấn truyền hình, khi được hỏi:
“Ai là người ảnh hưởng nhất đến cuộc đời anh?”
Nam chỉ cười, rồi đáp:
“Là mẹ tôi. Người phụ nữ đã tha thứ cho một kẻ không xứng đáng – để dạy chúng tôi bài học đầu tiên về lòng nhân và sự tự do.”
Bài và ảnh sưu tầm
Hãy tiếp tục đến thăm mẹ chúng ta, mẹ bị mù – Truyện ngắn
Trầm Mặc Huơng Lai
Một trong những đoạn văn đau đớn nhất tôi từng đọc trong văn học:
Khi mẹ tôi ly hôn và rời đi, cha tôi đã buộc chúng tôi không được đến thăm bà, và thời gian trôi qua khiến tôi dần quên đi sự hiện diện của mẹ và bắt đầu dần quen với một người mẹ kế khó chịu.
Anh trai tôi, người thường bỏ nhà đi một hai đêm, không mấy bận tâm đến những hình phạt đang chờ đợi khi trở về. Với những cú đá những cái tát tới tấp, anh thường giả vờ ngất xỉu, nhờ đó mà thoát khỏi việc tiết lộ nơi đã đến.
Là người bạn duy nhất của anh, nhưng anh cũng không bao giờ nói cho tôi biết mình đã đi đâu trong những ngày vắng mặt. Có lẽ vì tôi quá nhút nhát, thậm chí còn sợ cả cái bóng của chính mình.
Tôi nhớ có một ngày, anh tôi biến mất hơn ba ngày, và cha tôi giận dữ tột độ. Dưới ảnh hưởng của tâm trạng xấu của mẹ kế, cha đã trút lên anh mọi sự giận dữ. Trong vòng một giờ, anh tôi nằm sóng soài trên sàn phòng, máu chảy đầm đìa.
Chính vào lúc đó, tôi hiểu rằng sự cô đơn cũng có thể khiến tôi quên mất sự tồn tại của anh.
Một đêm lạnh, tôi tìm thấy dưới gối anh một bức thư, trong đó anh viết:
“Hãy tiếp tục đến thăm mẹ chúng ta, mẹ bị mù. Hãy tiếp tục chăm sóc mẹ dù cho có bị gì đi nữa, và đừng để mẹ cảm thấy rằng chúng ta đã rời xa .”
Bài viết của Ahhlem Dounia
Tôi luôn ghét cha mình vì ông chỉ là một thợ sửa xe mô tô…Truyen ngan HAY
Tôi luôn ghét cha mình vì ông chỉ là một thợ sửa xe mô tô, không phải bác sĩ hay luật sư như ba mẹ của bạn bè tôi.
Sự xấu hổ như thiêu đốt lồng ngực mỗi lần ông gầm rú tiến đến trường cấp ba của tôi trên chiếc Harley cũ kỹ, áo da loang lổ vết dầu, râu tóc bạc phơ bay lòa xòa trong gió.
Tôi thậm chí còn không gọi ông là “Ba” trước mặt bạn bè — với tôi, ông chỉ là “Frank”,
một khoảng cách có chủ ý mà tôi tự tạo ra giữa hai chúng tôi.
Lần cuối tôi gặp ông còn sống là tại lễ tốt nghiệp đại học của tôi.
Tôi đã từ chối ôm ông.
Ba mẹ của bạn bè tôi đến trong vest và chuỗi ngọc trai.
Frank thì đến với chiếc quần jeans tươm tất duy nhất và chiếc áo sơ mi không đủ để che đi hình xăm mờ trên cánh tay.
Khi ông dang tay ôm tôi sau buổi lễ, tôi lùi lại và chỉ chìa tay ra bắt một cách lạnh lùng.
Ánh mắt tổn thương của ông đến giờ vẫn ám ảnh tôi.
Ba tuần sau, tôi nhận được cuộc gọi.
Một chiếc xe tải chở gỗ vượt làn đường trong cơn mưa ở khúc cua đèo núi.
Họ nói Frank đã qua đời ngay lập tức khi chiếc xe máy của ông chui xuống gầm xe tải.
Tôi nhớ mình đã gác máy và… chẳng cảm thấy gì cả.
Chỉ là một khoảng trống rỗng nơi lẽ ra nên có nỗi đau.
Tôi bay về thị trấn nhỏ của chúng tôi để dự tang lễ.
Tưởng rằng sẽ chỉ có vài người bạn nhậu trong quán rượu nơi ông hay lui tới vào thứ bảy.
Nhưng thay vào đó, tôi thấy bãi đậu xe nhà thờ chật kín xe mô tô — hàng trăm chiếc.
Những người đi xe từ sáu bang khác nhau xếp hàng trang nghiêm,
trên áo da của họ đều gắn một dải ruy băng màu cam nhỏ.
“Màu của ba cậu đấy,” một người phụ nữ lớn tuổi nói khi thấy tôi nhìn chằm chằm.
“Frank luôn đeo khăn màu cam. Ông ấy nói là để Chúa dễ nhận ra ổng trên xa lộ.”
Tôi chưa từng biết điều đó.
Có quá nhiều điều tôi chưa từng biết.
Trong nhà thờ, tôi ngồi nghe từng người đứng lên phát biểu.
Họ gọi ông là “Anh Frank”, và kể những câu chuyện mà tôi chưa bao giờ nghe đến…
Nguồn: Modern Women
Đêm đó, tôi hiểu tình yêu đích thực là gì.-Truyện ngắn HAY
Chau Doan
Cha mẹ tôi đã kết hôn được 55 năm. Một buổi sáng, mẹ tôi đi xuống cầu thang để chuẩn bị bữa sáng cho cha, nhưng bà bị đau tim và ngã. Cha tôi cố gắng hết sức nâng mẹ dậy và gần như kéo bà lên xe tải. Ông lái xe với tốc độ tối đa, không tuân theo đèn giao thông, để đưa mẹ đến bệnh viện.
Khi đến nơi, đáng buồn là mẹ tôi đã không còn nữa.
Trong tang lễ, cha tôi không nói gì, ánh mắt ông lạc lõng và hầu như không khóc.
Đêm đó, các con của ông đã ở bên ông. Trong không khí đau buồn và hoài niệm, chúng tôi nhớ lại những kỷ niệm đẹp, và ông yêu cầu anh trai tôi – một nhà thần học – nói về nơi mẹ tôi đang ở lúc đó. Anh trai tôi bắt đầu nói về cuộc sống sau cái chết và suy đoán về nơi mẹ có thể đang ở.
Cha tôi lắng nghe chăm chú. Đột nhiên, ông yêu cầu chúng tôi đưa ông đến nghĩa trang.
“Cha!” chúng tôi đáp, “bây giờ là 11 giờ đêm, chúng ta không thể đến nghĩa trang ngay lúc này được!”
Ông cao giọng, ánh mắt đượm buồn: “Đừng cãi cha, xin đừng cãi lại người vừa mất đi người vợ 55 năm của mình.”
Chúng tôi im lặng đầy tôn trọng, không cãi thêm nữa. Chúng tôi đến nghĩa trang, dùng đèn pin để tìm đến mộ mẹ.
Cha tôi ngồi xuống, cầu nguyện và nói với chúng tôi: “Đó là 55 năm… các con biết không? Không ai thực sự có thể nói về tình yêu đích thực nếu chưa từng sống cả đời với một người.”
Ông dừng lại, lau mặt.
“Mẹ và cha đã cùng nhau trải qua những điều tốt đẹp và tồi tệ,” ông tiếp tục. “Khi cha đổi việc, chúng tôi cùng thu dọn đồ đạc khi bán nhà và chuyển đi. Chúng tôi chia sẻ niềm vui khi thấy các con trở thành cha mẹ, cùng nhau đau buồn trước sự ra đi của những người thân yêu, cùng cầu nguyện trong phòng chờ của một số bệnh viện, cùng nâng đỡ nhau trong đau đớn, ôm nhau mỗi ngày, và tha thứ cho những sai lầm.”
Rồi ông dừng lại và nói thêm: “Các con, tất cả đã kết thúc và cha hạnh phúc tối nay. Các con biết tại sao cha hạnh phúc không? Vì mẹ đã ra đi trước cha. Mẹ không phải chịu đựng nỗi đau và sự cô đơn khi chôn cất cha, khi bị bỏ lại một mình sau khi cha rời đi. Cha sẽ là người chịu đựng điều đó, và cha cảm ơn Chúa vì điều này. Cha yêu mẹ đến mức không muốn mẹ phải chịu khổ…”
Khi cha tôi nói xong, tôi và các anh em nước mắt lăn dài. Chúng tôi ôm cha, và ông an ủi chúng tôi: “Không sao đâu. Chúng ta có thể về nhà. Hôm nay là một ngày tốt.”
Đêm đó, tôi hiểu tình yêu đích thực là gì. Nó không chỉ là sự lãng mạn và tình dục, mà là hai người luôn ở bên nhau, cam kết với nhau… qua tất cả những điều tốt đẹp và tồi tệ mà cuộc sống mang lại.
Bình an trong trái tim các bạn.
Nguồn: Susan Arnold
“*Phép màu” tình mẫu tử – Truyện ngắn HAY
My Lan Pham
Một sản phụ người Pháp, 31 tuổi, từng là tình nguyện viên tại Bệnh viện Đại học Lille, đã khiến cả giới chuyên môn kinh ngạc khi trải qua ca sinh nở hiếm gặp đến mức được đăng tải trên Tạp chí Sản – Phụ khoa và Sinh học Sinh sản, một trong những tạp chí y khoa danh giá nhất châu Âu. Bài viết mang tựa đề “Một ca chào đời diệu kỳ” – và quả thật, không có hai từ nào chính xác hơn.
Ở tuần thai thứ 36, người mẹ này cảm nhận những cơn đau bụng bất thường nên đến Bệnh viện Jeanne de Flandre để kiểm tra. Các bác sĩ siêu âm và ghi nhận thai nhi đang ở ngôi mông, nước ối vẫn ổn định, mẹ không có dấu hiệu xuất huyết – mọi thứ dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng, những cơn đau ngày một dữ dội, liên tục và vượt qua ngưỡng chịu đựng của cô.
Linh cảm của các bác sĩ mách bảo có điều không ổn. Nghi ngờ sản phụ có thể bị rách động mạch chủ – một biến chứng cực kỳ nguy hiểm – họ quyết định đưa cô đi chụp CT. Kết quả khiến tất cả bàng hoàng: cô đã bị vỡ tử cung, với vết rách dài tới 10cm – một biến cố sản khoa có thể cướp đi sinh mạng của cả mẹ lẫn con nếu không được xử lý kịp thời.
Nhưng ngay khi cái chết tưởng như đã cận kề, sự sống lại lên tiếng – lần này, là từ chính thai nhi.
Không ai biết bằng cách nào, nhưng bé trai trong bụng mẹ đã xoay lưng lại đúng vị trí lỗ thủng trên thành tử cung – như một “cục hít sinh học” – bít kín lại vết vỡ, không để máu tràn ra ngoài. Các bác sĩ tin rằng chính hành động này đã giúp ngăn tử cung tiếp tục rách toạc, tạo điều kiện quý giá để đội ngũ y tế kịp thời thực hiện ca mổ bắt thai khẩn cấp.
Đứa trẻ chào đời nặng 2,52 kg, khỏe mạnh, cân đối – duy chỉ có một chi tiết khác thường: một khối u lớn nổi lên trên lưng em, như vết tích của hành trình “bảo vệ mẹ” thần kỳ. Ban đầu, các bác sĩ lo ngại sẽ phải can thiệp để xử lý phần mô lạ này. Nhưng rồi, như thể chưa từng tồn tại, cục u biến mất chỉ sau vài giờ đồng hồ.
Tiến sĩ Charles Garabedian – người trực tiếp theo dõi ca sinh – gọi đây là “một trường hợp đặc biệt của vỡ tử cung”, là bằng chứng sống động cho mối liên hệ sâu sắc giữa mẹ và con.
Người ta hay nói rằng: Suốt thai kỳ, người mẹ làm mọi cách để bảo vệ con. Nhưng đôi khi, chính đứa trẻ cũng đang âm thầm tìm cách bảo vệ lại mẹ mình – theo bản năng thuần khiết và mạnh mẽ nhất.
Bởi vì tình mẫu tử – luôn là điều kỳ diệu nhất mà tạo hóa từng tạo ra.
Họ gọi đó là một “phép màu” – nhưng thực ra, nếu tin vào sự gắn kết kỳ diệu giữa mẹ và con, bạn sẽ hiểu: đó là thứ tình cảm sâu thẳm vượt ra ngoài y học, vượt qua cả lý trí.
-Kiến thức thú vị-
Theo: babysitio
TokyoLife chia sẻ
CĂN NHÀ CỦA CON- Nguồn: Nguyễn Hélène My Hanh-Truyen ngan HAY
Kien Pham added a new photo to the album: Những câu chuyện cảm động !
Một câu chuyện có thật rất đau lòng cho phụ nữ miền nam Việt Nam sau ngày bị csvn cưỡng chế và cưỡng chiếm !
Căn nhà mặt tiền đường rất đẹp , khang trang và sang trọng của một chủ tiệm vàng , trên đường Lê Lợi , gần khu chợ Bến Thành .
Họ làm tiệm vàng đã qua nhiều đời gia truyền , từ đời Tổ Tiên , đến Ông Bà , Cha Mẹ , nay đến con trai và dâu. Một gia đình vui vẽ hanh phúc , có Ông Bà đã ngoài 70 đến 80 Tuổi , Con trai và dâu cũng đã trên dưới 50 tuổi và đàn cháu 2 trai 1 gái thật ngoan hiền đáng yêu xinh đẹp biết bao … Họ là những người hiền lành, làm ăn rất lương thiện và chính trực , không gian tham …
Thế nhưng đến những ngày cuối cùng của miền nam thất thủ , họ đã không rời Việt Nam vì nhiều lý do ! Cha Mẹ qúa già yếu , sợ không chịu nỗi chen lấn ồ ạt của những người đi chay trốn csvn ! Các con còn qúa nhỏ , con trai lớn chỉ mới 20 đang học Y khoa năm thứ hai , rồi con trai kế là 15 và con gái chỉ mới 10 Tuổi. Chưa đứa nào trưởng thành thật sự và học hành xong !
Chúng ta nhiều đời làm ăn lương thiện , không chận bớt xén gì của ai , hoà bình rồi , hết chiến tranh , có lẽ sẽ an cư lạc nghiệp hơn ….
Nhưng cuộc đời không như suy nghĩ !
Đến ngày sau khi csvn đã nắm quyền , họ dùng chiêu bài
“đánh tư sản mại bản “. Họ vào vơ vét sạch tài sản trong căn nhà ngập tràn hạnh phúc này , họ cướp sạch không chừa một thứ gì cả ! Họ tống cả nhà ra ngoài đường , họ bắt đi người Chủ gia đình , là con trai , là chồng và cha của 3 đứa trẻ đem đi tù , vì là kẻ có tội ác bán vàng, là hút máu của nhân dân … Rồi số người còn lại là Ông Bà cụ già , đàn bà và trẻ con ! Họ tống hết lên xe thùng và tải thẳng đi kinh tế mới trong rừng thiêng nước độc để tự sinh , tự diệt !
Chỉ một ngày thôi thì tan nát hết cả gia đình !
Trong vùng gọi là ” kinh tế mới ” họ đói rách , họ bệnh tật , họ chết dần mòn bắt đầu từ Ông đến Bà. Rồi đến cậu con trai cả , vì đi phá rừng để làm rẫy bị rắn độc cắn chết , rồi cậu em kế bị sốt rét rừng mà chết. Chỉ còn lại Mẹ và cô con gái , đã ba năm trôi qua , không tin tức của người chồng và cha , hai mẹ con gồng gánh nương nhau mà sống , những người thân ruột thịt không còn ai hết !
Đến một ngày hơi cùng lực kiệt , cạn nước mắt và qúa đau khổ , đói rách , rét mướt , bệnh hoạn vì sốt rét rừng …
Người Mẹ cũng trút hơi thở sau cùng , bỏ lại cô bé 13 Tuổi bơ vơ !
Cô bé ơi như nụ hoa chùm gởi , sẽ biết đi đâu và về đâu ?
Trước khi mất , người mẹ trao lại cho con mãnh giấy bé tí , ghi lại địa chỉ căn nhà ngày xưa và căn dặn :
” Đây là Căn Nhà Của Con ” con trở về tìm có gặp lại cha con không nhen con … Và ra đi vĩnh viễn !
Sau khi chôn Mẹ bằng manh chiếu bó thân , cạnh với Ông , Bà và hai anh trai !
Cô bé 13 Tuổi quyết định trở về tìm lại mái nhà xưa !
Cô bé đi bộ , đi từng đoạn đường đến đâu xin làm việc nơi đó để đổi chén cơm qua ngày . Cứ như vậy mà đi … Cứ hỏi đường mà đi …
Trở về Sài Gòn , nơi cô bé được sinh ra và lớn lên , nơi có ” căn nhà của con “. Nơi mà một thời cô bé rất hạnh phúc , ấm êm , vui vẽ bên Ông Bà , cha mẹ và gia đình ! Nơi mà cha cô thường gọi cô là viên ngọc qúy của ba ! Đi mãi , có khi đi bộ , có lúc đi xe chuyền , có người thương tình hoàn cảnh cùng là người miền nam , đã cho cô bộ quần áo cũ , thay cho bộ áo quần rách nát của cô !
Trôi nổi một cuộc đời , một cánh hoa Lục Bình !
Rồi cô cũng về đến địa chỉ , ” Căn Nhà Của Con “. Căn nhà đó hiện nay là của một ông bà ” cán bộ cao cấp “. Họ cư trú , họ xài và sử dụng toàn bộ tài sản mà của gia đình cô ngày xưa , từ nhà cửa đến xe cộ , ti-vi , máy lạnh , tủ lạnh …. Người chủ mới này không ai xa lạ đó là người đã vào nhà cô năm xưa để tịch thu tài sản !
Trở về nhà nhưng không được vào nhà !
Cô ngủ ngay dưới ” mái hiên nhà của con “
Đã 16 tuổi , cô bé nay đã lớn , trở thành cô tiên nhỏ , với nét đẹp thiên thần , nụ cười duyên dáng , đôi mắt rất buồn ! Buồn vì đời cô côi cút , buồn vì tan nát gia đình , buồn vì mất hết hạnh phúc mà đáng lẽ cô đã có được … !
Mỗi ngày cô đi phụ dọn hàng làm việc cho một bà bán hàng bánh canh bột mì và cháo , vậy là bà cho ăn , bà cho vài bộ quần áo cũ còn lành mà thay đổi . Tối về lại ngủ dưới hiên nhà của cô , vì không có ” hộ khẩu ” không ai dám chứa chấp thời đó !
Cái thời bao cấp , ăn mì sợi , lúa mì , bo bo và khoai lang , khoai mì , cháo với muối … Bột mì rồi tự chế thành bánh mì và bánh canh bột mì sắc thành cọng …
Cô gái đẹp ngủ ngoài hàng hiên , đương nhiên đầy nguy hiễm !
Cái thời mà lộng hành của qủy đỏ , cái thời mà qủy đỏ từ rừng ra thèm những cô gái Sài Gòn đến nhỏ vãi , vì chúng đã không thèm ôm những củ khoai sùng trong rừng như xưa , mà đã biết thèm thuồng khi nhìn thấy sự mỹ miều của các cô gái miền nam !
Cô đã bị loài qủy đỏ phá hoại sự trong trắng , trinh tiết vào một đêm khi chúng nó đi ăn nhậu ở cơ quan về !
Trên đường về thấy cô gái trẻ co ro dưới mái hiên nhà , chúng nó thay nhau cưỡng bức ! Mặc cho cô kêu gào thất thanh trong đêm , chủ mới là cán bộ csvn , chúng nó nghe rõ mồn một , nhưng im hơi lặng tiếng , chúng bỏ mặt cô gái trẻ không nơi nương tựa đau khổ vì bị vùi dập trong đêm !
Sau đêm kinh hoàng đó , cô bị mang thai , cái thai của lủ qủy đỏ , không biết của tên nào trong số đó ! Cô đã đau khổ nay càng khốn khổ hơn , vì cái bụng ngày càng lớn lên !
Vẫn ngủ ngoài mái hiên ” Căn Nhà Của Con “. Thời gian cứ trôi qua và cái ngày cô khai hoa nở nhụy cũng đã đến ! Đêm đó , cô đã quằn quại đau đớn , vì đứa trẻ kia muốn ra đời ! Nhưng không ai giúp , đêm đó cũng là đêm cuối cùng của cuộc đời trầm luân của cô , một cuộc đời bất hạnh do csvn đã gây ra !
Cô đã ra đi cùng với đứa con trong bụng , một xác hai mạng , trước khi trút hơi tàn , lần đầu tiên cô biết cười sau 6 năm khi gia đình cô tan nát và cô đã mĩm cười nói ” Căn Nhà Của Con ” , con đã về và con chết tại căn nhà mà cha mẹ đã dành cho con !
Dạ , ” Căn Nhà Của Con “
Nguồn: Nguyễn Hélène My Hanh
(Bị Chú: hình minh họa)
Trầm tích-Thu Hoài
Kimtrong Lam
April 30, 2025 : 9:45 AM
Thu Hoài
Chiếc ghe oan nghiệt rơi trong tay của hải tặc. (Hinh minh hoạ: BBC).
Mới đó đã Tháng Tư. Thêm một lần nữa, mùa Xuân chóng qua!
Như sóng xô bờ: những diễn biến liên tục sau chiến tranh Việt Nam – từng lớp sóng tràn ngập, phủ chồng lên nhau. Khỏa lấp!
Bên cạnh, những tàn phá do bởi chiến tranh, dấu tích, di chứng còn nhìn thấy được những gì, khi tất cả mọi tài liệu, phim ảnh còn lưu giữ được bao nhiêu, giữa thật hư? Để lại?
Những thương tích không hẳn xảy ra trong thời điểm giao tranh. Đáng nói là sự ảnh hưởng về đau khổ mất mát, chia cách vẫn còn âm ỉ cho mãi đến nhiều năm, sau cuộc chiến.
Sự còn lại là trầm tích. Là đất đá phù sa, lắng đọng lại thành tầng lớp, qua thời gian. Là sự tích tụ của cảm xúc, ký ức, hoặc những thứ vô hình lắng đọng trong tâm hồn, qua bao năm tháng.
Như những câu chuyện viết về sự âm ỉ trong lòng. Tôi cũng có một bài viết được ghi chép lại đã lâu, nói về một tâm sự – mà nội dung: Là uẩn khúc của một gia đình. Ghép lại qua từng mảnh vỡ, từ hồi tưởng của một thanh niên, là bạn học của con tôi. Trong đó, bao gồm hoàn cảnh gia đình, cùng nỗi nhục hình phải gánh chịu Và cha mẹ của y thật ra không xa lạ với chúng tôi. Là những người bạn thân, quen biết nhau từ những ngày bắt đầu lập nghiệp ở quê người.
Ngoài sự ghi nhận, cùng với diễn bày trong câu chuyện – nhân vật được xưng TÔI hẳn nhiên không phải là tôi. Tôi chỉ là người viết. TÔI, ở đây, thay mặt như lời người con. Hiện là giảng sư, bác sĩ giải phẫu tim mạch, làm việc tại University of British Columbia, Vancouver, Canada.
Ở đây, khi nói đến tâm sự bên đời, thường, mình hay mỗi ai cũng có chút ít tâm tư, hoặc đến rồi đi! Nhưng đôi khi, có những niềm riêng day dứt khôn nguôi, theo suốt một đời!
Điều muộn màng, bất hạnh nhất, đáng ghi lại: Khi nỗi lòng về sự ngộ nhận được giải bày, cha mẹ của y đã không còn nữa!
Đây là nỗi lòng. Trầm tích:
Cho đến khi TÔI trưởng thành – tuổi có thể gọi đã đầy đủ trí khôn, để hiểu những gì xảy ra trong gia đình, cha mẹ tôi đã không còn. Bên nỗi lòng ấm ức, dằn vặt, tôi thường xuyên tự hỏi với chính mình: Có phải sự hiện diện của tôi, kể từ khi ra đời, một hình ảnh luôn nhắc nhở về kỷ niệm đau lòng? Và có phải chính tôi là nghiệp chướng, là nguyên nhân gây ra những bức xúc, cấu xé trong tâm hồn của cha mẹ?
Có lẽ vậy. Tất cả như nghiệp chướng, bắt đầu thành hình từ những ngày, tôi chưa có mặt với đời này.
Sau 30 Tháng Tư, 1975, vì là sĩ quan phục vụ cho quân đội miền Nam, cha tôi bị giam giữ, gọi là cải tạo, hơn 5 năm.
Trở về, cha tôi rơi trong cùng quẫn. Thiếu thốn. Bên sự nương tựa của những ngày cùng khổ, cha mẹ tôi tìm đến nhau vào thời kỳ kinh tế tối tăm, ở cuối thập niên 70s.
Số phận chừng như đã sắp đặt! Sau đêm ngày cưới, cả hai âm thầm cùng với một nhóm 27 người rời vùng quê Rạch Giá bằng chiếc ghe mong manh – hầu mong thoát khỏi Việt Nam qua đường vượt biển.
Định mệnh phũ phàng!
Tưởng có thể chạy trốn với cảnh đời tối tăm, nhóm người vô tội trên ghe làm sao có thể lường được những hãi hùng đang chờ đợi trên biển cả.
Chiếc ghe oan nghiệt rơi trong tay của hải tặc – một đám cướp biển, săn người đã rình rập tự khi nào. Những gì xảy ra sau đó là địa ngục trần gian!
Sau khi lấy hết những gì gọi là quý giá như vàng, bạc, kế đến là phụ nữ!
Trong số đó có mẹ tôi, bị hãm hiếp dã man.
Riêng đàn ông, bao gồm cha tôi – bị cột chặt, để chứng kiến cảnh cưỡng hiếp và giết người hung bạo. Tất cả sau đó, từng người một bị đập vào đầu bằng cán chèo, hoặc bị đâm vào người bằng dao hay vật nhọn.
Hình ảnh để lại trên sàn ghe có thể mường tượng sự hành hạ ghê rợn, trước khi đối diện với cái chết thê thảm! Thân xác nạn nhân bị ném chất chồng lên nhau như cá mòi, bê bết!
Dân làng ở ven biển tìm thấy chiếc ghe trôi dạt vào bờ, sau những ngày mưa bão! Và oái oăm thay, lẫn lộn trong đống xác người, cha mẹ tôi được cứu sống khi đang còn thoi thóp – để đối diện với sự đọa đày, nối tiếp theo những tháng năm sau này: Đó là nỗi đau của tủi nhục!
Có lẽ, nếu ngày đó cha mẹ tôi chết đi, họ sẽ không bị đau đớn, dằn vặt kéo dài theo những năm lê lết với khổ đau, ray rức, quằn quại sau này. Hay trời đất đã dàn xếp, để cha mẹ tôi phải sống – phải trả cho xong món nợ: Đó là tôi! Bởi vì cùng thời gian này, mẹ tôi có triệu chứng bắt đầu mang thai…
Sau hơn 9 tháng, kể từ thời gian được cứu vớt đến trại tỵ nạn Thái Lan. Trong nỗi oan khiên, mơ hồ – về ai, là tác giả của bào thai mà mẹ tôi đang cưu mang trong người: Tôi, sinh ra nơi đây.
Đời mong manh, nổi trôi như chiếc ghe trên biển ngày ấy – gia đình chúng tôi được định cư tại Vancouver, Canada không lâu sau khi tôi sinh ra đời.
Những gì xảy ra sau đó là địa ngục trần gian! (Hình minh hoạ: BBC Tiếng Việt)
Mặc dầu, tôi lớn lên ở những vùng đất cởi mở, hiền hòa thuộc tỉnh British Columbia, Canada – nơi mà đa số di dân đến đây tìm kiếm đời sống hân hoan, gia đình tôi vẫn sống một cách âm thầm và lẻ loi.
Mãi đến những năm ở tuổi vị thành niên, tôi bắt đầu ghi nhận một cách rõ ràng – cả ba, chúng tôi đều rất cô đơn:
Về Cha tôi
Sau cơn hành hạ dập dìu thập tử nhất sinh trên chiếc ghe ngày ấy, cha tôi sống bên lề đời như người tàn phế – không còn đi đứng bình thường vì ống xương của chân phải đã bị đánh gãy dập!
Ông bệnh hoạn, gầy yếu. Sự sinh sống chỉ dựa vào trợ cấp của xã hội.
Cha tôi như chiếc bóng!
Chỉ một đôi lần, rất hiếm hoi, ông dành để chút tình cảm cha con, chẳng hạn nhường cho tôi những món ăn… trong im lặng! Ông hay ngồi trong những xó góc, uống rượu khi trời sẫm chiều. Và đây là thời gian tôi tìm thấy cha tôi trở nên xa lạ. Những cơn say mịt mờ qua khói sương. Nơi đó chừng như không có hướng về. Và đôi khi tự hỏi, cha đang lạc về đâu?
Tôi thường nghe những câu than trách hay nguyền rủa một mình. Lời, của một người sa cơ thất thế, mặc cảm vì bất lực. Ám ảnh khôn nguôi, vì không thể bảo vệ được người vợ thân yêu? Hay bởi vì: sự có mặt của tôi khơi động đến vết thương lòng vẫn còn lở loét?
Nên có lẽ, chỉ có rượu vào mới có thể thoa dịu, cởi thoát ra được chút nào những nỗi đau cùng cực.
Cha tôi yếu đuối dần theo ngày, không biết làm gì hơn, chỉ còn cách trốn chạy với chính mình. Chìm theo men say, mộng mị trong ảo ảnh sương mờ. Lẫn lộn, mơ hồ giữa địa ngục và thiên đường, trong ảo giác!
Mẹ tôi
Nếu ví cha tôi như chiếc bóng; hình ảnh của mẹ tôi có thể so sánh như ngọn đèn le lói giữa trời khuya!
Hằng đêm mẹ tôi mắc bệnh mất ngủ, nên phải uống thuốc mỗi ngày. Nhiều đêm, không biết bao lần, mẹ tôi choàng tỉnh la hét chạy quanh nhà. Nỗi khiếp sợ tưởng chừng như có người đang đuổi bắt sau lưng. Cho dẫu trấn an đến cách nào, những cơn ác mộng nào đó chừng như luôn chờ chực khi người rơi vào giấc ngủ. Vì thế, chỉ mỗi thuốc an thần mới có thể giảm đi phần nào.
Tuy nhiên, những liều thuốc có tác dụng lúc ban đầu, dần dà đã không còn hiệu nghiệm. Càng lo lắng hơn, khi biết được nếu tình trạng kéo dài, mẹ tôi có thể phải đưa vào những nhà thương trị bệnh cho người điên. Những nơi đó, chắc chắn sẽ khiến mẹ tôi trở thành người mất trí vĩnh viễn vì những lượng thuốc rất nặng về trị liệu tâm thần. Chưa nói đến nơi đây, xứ người – luật của xã hội rất quan tâm về vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em. Vì vậy, tôi có thể bị tách rời khỏi cha mẹ, nếu người ta khám phá ra cả hai, không còn đủ khả năng nuôi dưỡng được tôi.
Bên cạnh bao nỗi bất hạnh đã xảy ra, lại thêm những bất an đang chờ đợi, dù sao, chúng tôi cũng còn chút ân sủng của đất trời: Được gặp người thầy thuốc chữa bệnh cho mẹ tôi – người, đã từng phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam.
Không những ông là một bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm chữa trị về những căn bệnh bị khiếp đảm vì chứng kiến những chết chóc ghê rợn trong chiến tranh – Post Traumatic Stress Disorder (PTSD); thêm vào đó, ông là một người bác sĩ rất có lòng. Ông bảo lãnh cho gia đình chúng tôi về ở phía sau vườn, nằm sau căn nhà nghỉ mát của ông ở vùng West Vancouver. Không ngoài mục đích giúp cho mẹ tôi có cơ hội phục hồi với gió biển, bên đời sống rất bình lặng nơi đây.
Mẹ tôi khỏe phần nào do nhờ ngủ được ít nhiều. Nhưng dẫu thế nào, căn bệnh tâm tưởng vẫn thường xuyên ám ảnh.
Tôi bắt gặp mẹ tôi lắm lần đi thẳng ra bờ vực, nơi có sóng biển đập mạnh vào ghềnh đá. Tôi càng sợ hãi khi biết – sẽ không ai có thể ngăn cản, nếu mẹ tôi muốn tự hủy diệt lấy chính mình. Nhưng đó cũng là lúc, tôi khám phá: Mẹ tôi chưa dám rời khỏi cuộc đời này vì không muốn cắt đứt giọt máu yêu thương vô tội, bỏ rơi đứa con duy nhất: đó là tôi!
Và tôi
Bên đời, tôi sống với chiếc bóng của người cha – khi ẩn khi hiện! Nương theo, với sức sống mỏng manh của mẹ tôi, yếu ớt như ánh sáng của ngọn đèn khuya – khi tỏ khi mờ! Cùng với bao lần, tôi phải lắng nghe những tâm sự của cha mẹ tôi được thốt ra trong những cơn – khi tỉnh khi mê! Tôi bất chợt thấy mình bơ vơ, như đang đứng giữa trời đông, giá lạnh!
Tôi luôn tự nhủ với lòng: Tôi phải sống, để có thể bảo vệ lấy mình và cha mẹ. Vì thế, tôi chấp nhận với đời sống hẩm hiu, tự làm quen với tất cả thăng trầm, không để niềm vui kéo dài sau giờ học. Cứ vậy khi tan học, tôi lo hối hả chạy một mạch về nhà. Vì hơn ai hết, tôi biết, ngoài tôi, không ai có thể đem lại cho mẹ tôi lòng an tâm và niềm tin tưởng.
Có lần, không thấy tôi về như mọi hôm vì bài vở dở dang, mẹ tôi nóng lòng muốn đến đón tôi ở trường. Năm đó, tôi còn đang ở tiểu học. Và trường thì nằm ngay ở bên con đường xe cộ qua lại rất đông. Trong lúc chúng tôi cùng băng qua đường dành cho người đi bộ, bất ngờ có tiếng thắng của xe rít trên mặt lộ, mẹ tôi bấn loạn, hốt hoảng ôm lấy đầu và chạy ra ngay giữa ngã tư, khi dòng xe cộ đan nhau như mắc cửi, trong giờ cao điểm… Khi nhìn thấy, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra trong gang tấc, tôi liều lĩnh lao vào dòng xe qua lại. Những gì xảy ra hôm đó, không làm tôi bận tâm hay sợ hãi! Tôi chỉ có một mục đích duy nhất là bằng mọi cách tôi phải bảo vệ, ôm lấy mẹ tôi! Hơn thế nữa, tôi không có sự chọn lựa nào hơn là không thể bỏ rơi mẹ mình trong cơn nguy cấp.
Tôi nhớ vô cùng khi nhìn vào đôi mắt mẹ – bất chợt, tôi tìm thấy giọt nước rưng rưng như muốn thay lời: Chỉ có tôi mới đem lại cho người nỗi sống. Hay đúng hơn, nếu không có tôi, mẹ tôi đã không còn tha thiết với cuộc đời này.
Tôi không biết có lối nào để có thể đưa dắt cha mẹ tôi thoát ra khỏi bóng đen u buồn, mờ mịt của cuộc đời. Riêng cá nhân tôi, chỉ còn mỗi cách: Tôi tìm kiếm niềm vui qua sách vở, bằng cách cắm cúi lo học nhiều hơn. Tôi ý thức, chỉ có góp nhặt kiến thức – để từ đó, tôi mới có thể tìm ra lối thoát cho chính mình!
Năm tôi vừa xong Trung Học, cha tôi qua đời. Ông ta đã ngủ quên trong cơn say.
Xác ông, khô lạnh co quắp, được tìm thấy ở kho chứa đồ, trong một đêm đông tuyết phủ ngập ngoài sân. Để lại mẹ tôi với tâm trạng càng hoang mang và cô đơn. Ngày đưa cha về lại đất, tuyết phủ ngập đầy, trắng xoá như màu tang. Thênh thang tẻ lạnh.
Những năm tôi được nhận vào Đại Học, mẹ tôi bắt đầu yếu dần, bịnh phát ngày mỗi nặng.
Trong giai đoạn bế tắc cuối cùng, không còn cách nào hơn, phải đưa vào trung tâm y tế để có người chăm sóc. Càng đau lòng hơn, mẹ không có cơ hội tham dự ngày lễ tốt nghiệp Y Khoa của tôi vì người đã không còn. Ngày mẹ ra khỏi cuộc đời, trời đổ cơn giông,và không biết nơi cuối ngàn, tiếng sét có phải là lời tìm nhau vang vọng, khi trong lòng còn chất chứa bao nỗi niềm băn khoăn – biết tỏ cùng ai.
Cả hai, cha mẹ tôi, đã nằm xuống, quạnh hiu nơi xứ người, với nỗi lòng trăn trở.
Vài lời cho cha mẹ
Kính lạy hương hồn cha mẹ.
Cho đến bây giờ, con tin chắc cha mẹ đã thoát ra khỏi nỗi lòng u uất mà từ lâu cha mẹ chưa có cơ hội, hay có lẽ không dám đối diện: Con là con của ai?
Vâng, đã từ lâu – chính vì sự mơ hồ con là của ai, đã ngăn cách tình yêu thương của cả ba: cha, mẹ và con.
Có những lúc thấy cha mẹ buồn vì tủi phận; dù rất muốn, nhưng có gì làm con ngần ngại. Đúng hơn, con không biết làm sao để có thể nói lên những lời an ủi, khi mang cảm tưởng bị bỏ rơi vì xa lạ!
Cũng như rất tội tình, ngay khi lòng cảm thấy cô đơn, con cũng không dám đến gần cha mẹ để được ôm vào lòng, những mong có thể tìm kiếm dỗ dành, khuyên nhủ, trong những năm con còn tuổi ấu thơ!
Hôm nay, nhân sinh nhật của chính mình, con muốn gởi đến cha mẹ một nỗi niềm hân hoan mà con vừa nhận được thử nghiệm về DNA – kiểm tra sự trùng hợp giữa tế bào của con và tro cốt của cha mẹ.
Qua kết quả khám nghiệm: Con, thật sự là con của cha mẹ.
Khi nói lên những lời này, con vô cùng kính mong cha mẹ nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành cho sự hy sinh cao cả mà cha mẹ đã chịu đựng sống còn qua bao nhiêu năm tủi nhục. Con xin hứa sẽ trở nên người hữu dụng hầu không phụ lòng cha mẹ: người đã sống trong quằn quại, thoi thóp, cưu mang – nuôi nấng con được đến ngày hôm nay.
Kính lạy hương hồn cha mẹ nhận nơi đây lòng tri ân của con.
Con yêu quý của cha mẹ.
Viết cho những Trầm Tích của Tháng Tư. Cùng lúc, cũng là lời tưởng niệm đến hai bạn Bảo Trúc. Và lời chúc hạnh phúc, bình yên và may mắn đến với gia đình cháu: Bác sĩ Kh. N. Trần – Cardiologist.
Thân ái.
Thu Hoài
THUỞ ĐI BAY – Minh Thảo Elizabeth Hoàng
Minh Thảo Elizabeth Hoàng
Posted by GLN
Lời Tác giả: Thấy tin tức mấy cô Tiếp Viên Hàng Không của Việt Nam bây giờ đi bay mà mang hàng quốc cấm coi như đời tàn. Nhất là thời buổi văn minh hiện nay đồ đạc đều qua máy kiểm soát họ thấy tất cả mọi thứ rất rõ.
Ngoài ra tất cả các phi trường luôn luôn nhắc nhở hành khách không nên giữ đồ hay mang đồ giùm cho bất cứ người nào mình không quen biết.
Mấy cô Tiếp Viên này đủ thông minh để hiểu.
Cho nên tôi ngẫu hứng viết về Air Việt Nam trước năm 1975 để nhiều người hiểu thêm về công việc của các Tiếp Viên Hàng Không Air Việt Nam [Cộng Hòa] trước kia mà tôi đã từng làm và trong thời gian tôi làm chưa từng thấy Tiếp viên Hàng Không của Air Việt Nam mang đồ quốc cấm.
Trân trọng.
Minh Thảo Elizabeth Hoàng.
Khi còn nhỏ, mỗi lần tôi theo gia đình ra phi trường đón người nhà. Tôi thích ngắm nhìn các nữ Tiếp Viên hàng không của Air Việt Nam mặc đồng phục với chiếc áo dài màu xanh da trời, đầu đội mũ thêu con rồng, tay đeo bao tay trắng trông đẹp và dễ thương làm sao.
Các cô khi thì đi riêng, khi thì đi từng nhóm với phi hành đoàn.
Tôi ước ao không biết bao giờ tôi cũng được đi bay như họ để được đặt chân tới những nước văn minh trên thế giới để được tận mắt ngắm nhìn những thành phố đồ sộ với những công trình kiến trúc độc đáo, những chiếc cầu vắt chéo chạy ngang dọc hay thăm viếng những di tích lịch sử tôi từng đọc trong sách vở.
Tuy máy bay Air Việt Nam không đi những nước Âu Châu, nhưng mỗi khi đi vacation, tiếp viên phi hành đoàn hay đi ngoại quốc vì vé máy bay được giảm giá tới 90% cho các nhân viên phi hành đoàn theo luật lệ hàng không.
Một hôm chị bạn thân của tôi học Đại học Luật khoa trước tôi đang làm việc cho văn phòng hành chánh của Air Việt Nam cho tôi biết Air Việt Nam đang tuyển lựa Tiếp Viên Hàng Không. Chị thúc dục “Thảo ghi tên đi thi đi, người như bạn nên làm nghề này”.
Tôi liền ghi tên dự thi. Điều kiện ưu tiên là phải đẹp, cao từ 1 mét 55 trở lên, nói được hai thứ tiếng Anh và Pháp. Trình độ học thức Tú Tài trở lên.
Trước tiên tôi phải gặp một vị của Air Việt Nam phỏng vấn. Khi được vị này chấp nhận thì tôi mới chính thức qua 8 vị giám khảo khác gồm cả nam lẫn nữ phỏng vấn. Các vị này thay phiên mỗi người đặt một câu hỏi để dò xét sự hiểu biết của tôi.
Thấm thoắt hôm nay đã đến ngày phỏng vấn. Tôi đứng trước tủ áo lưỡng lự không biết chọn chiếc áo nào mặc cho hợp với thời tiết và nước da của tôi.
Ướm thử từng cái áo trên người cuối cùng tôi chọn chiếc áo dài màu vàng anh, quàng chiếc khăn voan trắng ngà quanh cổ. Tôi trang điểm chút phấn hồng trên hai má, đánh son môi màu hồng nhạt, đánh mascara trên hai hàng lông mi. Ngắm nhìn mình trong gương tôi tạm ưng ý và ra khỏi nhà.
Khi vào phòng để gặp các vị giám khảo, tôi hồi hộp thấy họ nhìn tôi chăm chú. Tôi cố gắng bình tĩnh mỉm cười chào ban giám khảo và tập trung trả lời những câu hỏi của họ.
Cuối cùng tôi đã pass cuộc thi và được đưa đi may đồng phục, họ cho mũ, giầy, bóp đều do hãng Air Việt Nam đài thọ.
Họ phát cho chúng tôi mỗi người một vali nhỏ sách tay để đựng đồ đạc khi đi bay.
Sau đó chúng tôi phải qua một khóa huấn luyện cứu thương do một y tá chuyên môn dậy và hướng dẫn. Môn học này phần lớn ai cũng pass.
Air Việt Nam cũng huấn luyện chúng tôi cách mở phao và những dụng cụ khẩn cấp khi máy bay lâm nạn.
Kế chúng tôi phải đi bay tập sự trong ba tháng cách bưng đồ ăn, cách đọc thông báo trước khi máy bay cất cánh và trước khi máy bay đáp xuống phi trường dưới sự kiểm soát của mấy chị làm lâu năm trong ngành (Chef–de–cabin).
Sau ba tháng tôi đã pass lúc đó mới chính thức được đi bay và làm lâu năm tôi cũng trở thành Chef–de–cabin khi đi bay cùng với những tiếp viên mới vào nghề.
Chương trình sắp xếp đi bay chúng tôi phải bay xen kẽ đường bay quốc nội và quốc ngoại. Khi tôi làm lâu năm được đi bay đường quốc ngoại nhiều hơn.
Tuy nhiên chúng tôi phải pass khóa bơi và lặn do Hàng Không Dân Sự chấm điểm vì đường bay ngoại quốc như Hồng Kông sân bay ngay bờ biển, cũng như để biết ứng phó khi phi cơ khẩn cấp phải đáp xuống biển.
Khi đi thi bơi thật vui. Vì có vài anh biết bơi nhưng không lặn được, người cứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước dù rán làm nhiều lần, nước mắt nước mũi chảy ra thật thảm.
Vì vậy mấy ông chấm điểm nói “cứ nhìn sâu dưới đáy hồ thấy tơ lụa, vải vóc thì người sẽ chìm.” Vì khi đó đi đường bay Hồng Kông và Đài Loan mang vải vóc về bán rất có lời.
Tôi đứng trên bờ phì cười nhưng cũng lo không biết mình lặn được nửa hồ bơi theo sự đòi hỏi hay không. Tới phiên tôi, tôi suy nghĩ đánh liều lên đứng trên cầu cao nhảy xuống chắc chắn thân mình sẽ chìm. Tôi nín thở qươ tay lặn qua hẳn bờ hồ phía bên kia lúc nào không hay. Tôi đã pass và chính thức đi bay.
Thời đó Air Việt Nam chỉ có phi cơ Caravel đi ngoại quốc. Sau này bay tới Nhật Air Việt Nam mới có thêm máy bay Boeing mới. Những đường bay quốc ngoại gồm có Nhật, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Taiwan, Cambodge và Lào. Phần lớn những đường bay ngoại quốc phi hành đoàn phải ngủ qua đêm. Chúng tôi đều có phòng riêng biệt ở Hotel để ở.
Đường bay trong nước là máy bay mướn của Đài Loan, phi công cũng người Đài Loan lái. Máy bay cũ nên hay bị trục trặc, phải sửa nên hay trễ giờ.
Bởi vậy dù ngày phòng hờ (stand by) của tôi nhưng luôn luôn bị gọi đi bay. Nhiều khi tôi muốn nghỉ cũng không được.
Vào thời kỳ tôi làm việc, máy bay Caravel do phi công người Việt Nam lái, Máy bay Boeing do người Mỹ lái và máy bay mướn của Đài Loan do phi công người Đài Loan lái.
Mấy ông Phi công Đài Loan đi bay đường quốc nội, ham ăn hết sức. Mỗi lần tới sân bay họ toàn gọi đồ ăn Tàu mắc tiền để ăn trưa. Tôi nhìn không ăn nổi vì mệt. Nên chỉ ghé quán ở phi trường ăn bún bò hay vài cái nem chua là xong bữa ăn hoặc có khi chẳng ăn gì ngoài uống nước trái cây. Cho nên hồi đó tôi rất eo và mảnh khảnh.
Tất cả những chi phí ăn uống đều được hãng Air Việt Nam đài thọ.
Chúng tôi phi hành đoàn có thể mua hàng hóa ngoại quốc với một mức lượng cho phép. Nếu quá tải sẽ phải đóng thuế hay bị phạt tùy theo loại hàng hóa.
Đường bay Lào, vàng nổi tiếng tốt và rẻ, nhưng chỉ có thể mua đồ trang sức chút đỉnh thôi. Có một tiếp viên hàng không phái nam mới đi bay đã dát vàng mỏng bó vào giầy để che mắt quan thuế đã bị bắt và bị đuổi khỏi hãng. Quan thuế và kiểm nã họ rất tài tình, rất chuyên nghiệp khó có ai qua mặt họ được và họ có đủ dụng cụ để kiểm soát dù bạn cất giữ đồ bất cứ ở đâu.
Về an ninh kiểm soát ở phi trường rất khó khăn. Mọi người phải qua tới 3 cửa ải, trước tiên là quan thuế, thứ hai là kiểm nã và cửa ải cuối cùng ở ngoài sân bay là cảnh sát.
Cho nên khó có ai thoát nếu giấu giếm hay mua đồ quốc cấm.
Vào dịp Noel hay Tết mấy vị này nhờ chúng tôi mua đồ ở ngoại quốc giùm. Chúng tôi không bao giờ tính tiền, chỉ là những món quà nho nhỏ cho vui vẻ.
Thông thường đi những chuyến bay quốc ngoại tôi phải có một người khiêng đồ giúp tôi để mang hành lý ra xe. Những người này làm hãng trả lương để giúp phi hành đoàn. Tôi phải chọn một người vui vẻ, nhanh nhẹn giúp riêng tôi. Dù rơi vào những chuyến bay không đúng giờ cho người này làm nhưng họ vẫn tới phi trường có mặt để giúp tôi. Họ rất vui làm việc cho tôi nhưng tôi luôn luôn không quên cảm ơn họ bằng cách mua những món quà ngoại quốc hay đồ chơi cho con cái họ hoặc đồ dùng cho gia đình họ. Những món quà này thật sự chẳng đáng giá gì nhưng rất quý đối với họ vào thời buổi lúc đó.
Chúng tôi phi hành đoàn không bao giờ kéo vali lớn hay khiêng đồ đạc.
Khi ra khỏi máy bay chúng tôi chỉ đeo trên vai một cái bóp và kéo theo một chiếc vali nhỏ đựng đồ lặt vặt như kiếng, telephone vân vân như quý vị ra phi trường đều thấy tất cả các tiếp viên phi hành đoàn của các công ty ngoại quốc ở phi trường đều làm như vậy. Đồ đạc của phi hành đoàn sẽ do các người khuân vác của Air Việt Nam mướn để giúp chúng tôi mang vào phi trường cho quan thuế kiểm soát rồi mới được mang ra xe.
Một hôm tôi bay trên chuyến DC4 đi Đà Nẵng. Khi đáp xuống phi trường thì thắng không ăn nên đoàn cứu cấp phải quăng những giây cáp dưới bánh xe phi cơ để giữ phi cơ lại đã làm cho một bánh xe phi cơ bị gãy. May mắn phi trưởng nhanh trí đã cho máy bay chạy trên những thảm cỏ và đất bên cạnh phi đạo. Bụng máy bay đã sụt sâu dưới đất nên máy bay mới dừng lại. Xe cứu hỏa, xe cứu thương bóp còi inh ỏi chạy tới giúp hành khách thoát ra khỏi máy bay gấp rút để tránh hỏa hoạn. Tôi và phi hành đoàn vẫn phải bình tĩnh để giúp đỡ hành khách ra khỏi máy bay và chúng tôi ra sau cùng. Cảnh tượng lúc đó không khác gì những cảnh phi cơ lâm nạn chiếu trên màn hình. Tất cả phi hành đoàn và phần lớn hành khách được an toàn, chỉ có mấy người bị thương nhẹ mà thôi.
Tôi cảm ơn Thượng Đế đã cho tôi thoát khỏi tai nạn này.
Tôi bước ra khỏi máy bay, mũ bóp đều mất, tóc tai bù xù và sau đó đã được máy bay của MỸ giúp đưa chúng tôi về Sài Gòn lại. Tuy nhiên cá nhân tôi chẳng thấy Air Việt Nam gửi chúng tôi đi nhà thương để kiểm tra sức khỏe. Thật thiếu sót.
Tôi thấy nghề làm tiếp viên hàng không cũng rất nguy hiểm. Tôi tự hỏi không biết có nên tiếp tục đi bay nữa hay không. Chưa kịp hoàn hồn thì hai ngày sau lại có giấy báo cần tôi đi bay gấp vì thiếu người. Tôi đi làm trở lại và tự an ủi và nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có số mệnh. Nhất là thực tế mưu sinh cần giúp đỡ cho gia đình và bản thân tôi đã thắng thế. Tôi đi bay trở lại cho tới khi lập gia đình với chồng tôi.
Người yêu của tôi yêu cầu sau khi làm đám cưới anh muốn tôi nghỉ bay vì không muốn vợ đi xa vắng nhà vì những chuyến bay ngoại quốc phải ngủ qua đêm. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh vì tôi thấy gia đình hạnh phúc là quan trọng hơn tất cả. Mặc dù đi bay tôi có đồng lương khá cao.
Theo tôi khi đã yêu, kiếm được người yêu lý tưởng hợp với mình thì phải biết giữ lấy hạnh phúc dù phải hy sinh về vật chất.
Blaise Pascal đã nói “Hạnh phúc duy nhất trên đời là Yêu và được Yêu”
Minh Thảo Elizabeth Hoàng