Nỗi trăn trở của Chúa

Nỗi trăn trở của Chúa

TRẦM THIÊN THU

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (15.03.2013) – Lâm Đồng – Thánh Faustina cầu nguyện: “Lạy Chúa, niềm hy vọng duy nhất của con, con xin đặt trọn niềm tín thác vào Ngài, và con biết con sẽ không thất vọng” (Nhật Ký, số 317).

Ngày 11 và 12-3-2013, Cộng đoàn LCTX Giáo hạt Gia Định đã tổ chức chuyến bác ái mùa Chay tại Trung tâm Tâm thần Trọng Đức (1), cũng gọi là Cơ sở Tình thương Trọng Đức, thuộc Gx Thanh Bình, Giáo hạt Đức Trọng, GP Đà-lạt, tọa lạc tại ấp Thánh Bình 1, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Tôi chỉ là “khách mời” được cùng tham dự.

Khởi hành từ Nhà thờ Hàng Xanh lúc 6 giờ 30, chúng tôi đến Cơ sở Tình thương Trọng Đức lúc 12 giờ 30. Được biết, Trại tâm thần Trọng Đức được thành lập năm 2006, được chia thành 2 khu – khu nam và khu nữ. Số bệnh nhân 2 khu có tới gần 400 người, độ tuổi từ 14-70, đủ hoàn cảnh éo le, kể cả thất tình, và đủ dạng bệnh từ nhẹ tới nặng. Các bệnh nhân được “quy tụ” từ khắp miền trên Việt Nam, đa số là ngoại giáo, tỷ lệ bệnh nhân Công giáo chỉ chiếm 5% mà thôi. Trong số bệnh nhân tâm thần có 2 tu sĩ Công giáo và 1 ni cô. Hiện có 2 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đang thực tập tại đây, các Dòng và các Tu hội thường xuyên thay phiên nhau cử các tu sĩ đến đây thực tập “sống” với người điên.

Trước đây, hai vợ chồng anh Phanxicô Bùi Văn Thu và chị Maria Trần Thị Tươi, cả hai vợ chồng mới ngoài 50 tuổi, đã băn khoăn “nỗi trăn trở của Chúa” nên tự nguyện làm “chuyện bao đồng”. Thấy người tâm thần lang thang không nơi nương tựa, dù gia cảnh nghèo khó, nhưng anh chị Thu-Tươi động lòng trắc ẩn nên đã bàn nhau đưa họ về nuôi. Mới đầu chỉ vài người, số bệnh nhân cứ tỷ lệ thuận tăng dần theo thời gian. Một số ít bệnh nhân nặng phải “biệt giam” vì “quậy” quá!

Khi chúng ta tới thăm, chỉ gặp được chị Tươi. Chị cho biết anh Thu bận đi Đaklak để nhận một số xe lăn của các nhà hảo tâm trao tặng. Thật tiếc vì không gặp được anh vào lúc này! Chị tâm sự rằng LM NS Gioan Nguyễn Văn Minh (Gx Hiển Linh, Giáo hạt Gia Định, TGP Saigon) là linh hướng của anh chị.

Tục ngữ Việt Nam nói: “Đồng vợ, đồng chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Thật là đúng quá! Anh chị Thu-Tươi đã có trái tim của Chúa khi “chạnh lòng thương” những người điên sống vất vưởng, và họ đang cố gắng cùng nhau “tát cạn bể khổ” để có thể bơm vào đó đầy “nước yêu thương”. Đó là thực hiện một trong Tám Mối Phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Chúa Trời xót thương” (Mt 5:7).

Đặc biệt là trong số những người phục vụ có cô ruột, chị ruột, vài người con và cháu của chị Tươi. Nhìn họ thì biết họ có vẻ lam lũ, chắc chắn không là đại gia, nhưng họ có trái tim của Chúa. Tôi cảm thấy họ là những vị thánh đang sống giữa cuộc đời trần gian này. Xin Chúa luôn chúc lành cho họ!

Khu bệnh nhân nam có hơn 10 người phục vụ, khu bệnh nhân nữ cũng vậy. Gần 30 người phục vụ đều tự nguyện, không một đồng lương. Mà “phục vụ là tôn vinh Thiên Chúa, vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Kitô” (2 Cr 9:13). Trò chuyện với họ, tôi thấy “nổi gai ốc” và khâm phục họ, vì họ thực sự can đảm, có lẽ tôi không đủ can đảm như họ. Tôi thấy mình còn dở lắm!

Những người phục vụ cho biết rằng, mỗi sáng đều phải dọn và rửa phòng vì “xú uế” được “xả” ra tứ tung, ngày nào cũng phải giặt mùng, mền, chiếu, quần áo,… Mỗi tối họ phải tắm rửa và giặt giũ cho các bệnh nhân. Một ngày như mọi ngày, những người phục vụ phải làm đủ thứ việc, nhất là phải “chịu đựng” mùi tanh tưởi và hôi thối của những “chất thải từ trong ra”. Cứ tưởng tượng cũng đủ phải khâm phục sức chịu đựng dẻo dai của những người phục vụ ở đây. Không yêu Chúa thì không thể làm được như vậy. Yêu người bình thường đã khó, yêu người điên lại càng khó gấp bội. Không khó sao được vì người điên “nóng, lạnh” thất thường hơn mưa, nắng thì tất nhiên phải chịu đựng lắm mới có thể dịu dàng với những người lúc “hiền” lúc “dữ”. Không tức giận họ cũng là một nhân đức rồi. Bạn có chịu nổi không? Tình “mến Chúa, yêu người” của những người phục vụ tại trại tâm thần này hẳn là phải là vượt trội!

Hoàng hôn buông dần. Nắng vàng võ cuối trời. Đà-lạt dần phủ sương tím lam chứa đầy mộng mơ, nhưng là mơ ước thánh thiện, và mang sắc tím của mùa Chay Thánh. Hoa cà-phê nở rộ màu trắng tinh khiết và tỏa hương thơm ngào ngạt, đó là sự thanh khiết của tình yêu thương, nhưng bên cạnh đó lại có sắc Phượng tím trầm tư khiến lòng người trăn trở về cuộc đời, về số phận con người, nhất là về cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, và sắc tím hoa Pensée cũng khiến người ta không thể không suy tư về một điều gì đó cao thượng, vượt lên khỏi tầm thấp của trần tục.

Xe bon nhẹ nhàng lăn bánh nhưng lại trĩu nặng nỗi niềm mùa Chay và cái lạnh của tâm hồn mới thấm hơn cái lạnh của khí hậu Đà-lạt.

Chúng tôi nghỉ đêm tại Gx Thiện Lâm (Giáo hạt Đà-lạt, GP Đà-lạt), tọa lạc trên đường Nguyên Tử Lực, P. 8, Đà-lat, Lâm Đồng (hướng từ Vườn Hoa Đà-lạt vào Thung Lũng Tình Yêu). Quản xứ là LM Giuse Trần Minh Tiến (khoảng gần 70 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh), từ 31-5-1975 tới nay. LM Tiến đã chọn khẩu hiệu “Phục Vụ Trong Tin Yêu” làm kim chỉ nam theo tinh thần phục vụ của Chúa Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao. LM Tiến luôn nêu gương trong việc xả thân phục vụ hết mình theo tinh thần công đồng Vatican II. Trò chuyện với ngài, tôi thấy có nét chân chất, cởi mở và hòa đồng.

Hôm sau, 12-3-2013, sau khi tham dự Thánh lễ, chúng tôi tới thăm các em mồ côi tại Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm (gần Nhà thờ Dân tộc Camly – 1A Nguyễn Khuyến, P. 5, Đà-lạt). Hiện có 55 em mồ côi, 75% các em bị cha mẹ bỏ rơi, không nhìn nhận, nhưng các em vẫn được các Nữ tu chăm sóc và nuôi dưỡng chu đáo. Buổi sáng, hầu hết các em đi học ở trường (cấp II và cấp III) của nhà nước nên chúng tôi không gặp được.

Nhà thờ Camly có kiến trúc nhà Rông, được xây dựng năm 1960, thời ĐGM Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (*), với cấu trúc mái ngói đặc trưng. Đặc biệt trong nhà thờ có một tượng Đức Mẹ được đưa từ Pháp qua từ năm 1875.

Sau đó, chúng tôi về lại Trại tâm thần Trọng Đức để tham dự Thánh lễ lúc 10 giờ 30. Dâng lễ hôm nay là LM Phaolô Nguyễn Thanh Sơn (sinh 1974), phó xứ An Hòa (chính xứ là LM Giuse Nguyễn Văn Bảo). Cuối lễ có lãnh ơn toàn xá, vì Trại tâm thần Trọng Đức là nơi lãnh ơn toàn xá của GP Đà-lạt mỗi khi có Thánh lễ.

Dù đại đa số các bệnh nhân tâm thần không là Công giáo, nhưng họ vẫn tham dự Thánh lễ có thể nói là khá “nghiêm túc”, chỉ có vài bệnh nhân “đi ra, đi vô”. Cả nam và nữ, các bệnh nhân đều biết làm dấu, thuộc lòng nhiều kinh và nhiều bài thánh ca, đặc biệt là họ đọc Kinh Lạy cha rất “sành điệu”.

Chị Tươi cho biết giờ sinh hoạt của trại: Hằng ngày, các bệnh nhân đọc kinh 4 lần. Sáng dậy lúc 4 giờ 30, sau đó lần Chuỗi Mân Côi mùa Vui rồi ăn sáng, 10 giờ lần Chuỗi Mân Côi mùa Thương; buổi trưa ăn rồi đi ngủ; 14 giờ lần Chuỗi LCTX, 17 giờ lần Chuỗi Mân Côi mùa Mừng; sau đó tắm rửa và ăn, 20 giờ đi ngủ.

Năm nào cũng có những bệnh nhân xuất trại, nhiều người khỏi hẳn, chỉ một số ít phải trở lại để được “điều trị”. Thuốc men nào có là bao, chẳng đáng gì, chủ yếu là “thuốc thánh” mà thôi.

Phúc Âm của Thánh lễ ngày thứ Ba sau Chúa nhật IV mùa Chay là trình thuật Tin Mừng theo Thánh sử Gioan, nói về một người đau ốm đã 38 năm được Chúa Giêsu chữa lành.

Gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động, vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên. Khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi. Có một người đau ốm đã 38 năm. Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, Ngài lại gần và hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Mt 5:6). Nghe vậy, chắc hẳn anh sướng rơn nên đáp ngay, nhưng với giọng buồn buồn: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” (Mt 5:7). Thật tội nghiệp! Đức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” (Mt 5:8). Khỏe re, khỏi phải lết xuống hồ. Thế là anh ta liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi ngon lành.

Chắc chắn những bệnh nhân tâm thần kia cũng muốn được lành, nhưng họ điên nên chẳng phân biệt được điều gì. Chúa cũng hỏi chính mỗi chúng ta, và hẳn là chúng ta cũng muốn khỏi bệnh – tinh thần và thể lý. Nhưng vấn đề là chúng ta có thành tâm và cố gắng hay không, như nhà ngụ ngôn La Fontaine (La Phông-ten) nói: “Hãy tự giúp mình trước, rồi trời sẽ giúp sau”. Thiên Chúa muốn tạo cơ hội cho chúng ta lập công, chứ Ngài chữa thì được ngay, chỉ là “chuyện nhỏ”.

Chúng ta không điên khùng theo nghĩa bệnh thể lý, nhưng đôi khi chúng ta lại điên khùng về nghĩa bệnh tâm linh, bệnh linh hồn. Người Do-thái thấy Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sa-bát, họ tìm cách bắt bẻ và muốn hại Ngài. Nhưng Ngài đã lánh đi. Tình trạng ghen ghét vì thấy người khác hơn mình cũng thường xảy ra trong chúng ta, ngay trong các hội đoàn và giáo xứ. Hãy cẩn trọng!

Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” (5:15). Đó cũng là lời cảnh báo với mỗi chúng ta, không trừ ai. Quả thật, trong mỗi chúng ta vẫn còn những “núi đồi” kiêu ngạo, những “thung lũng” tham lam, những “hố sâu” ghen ghét,… Đó là những thứ khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa và không thể đến với tha nhân.

Xin mở ngoặc: Khi ở bên khu nam, chúng tôi thấy có một số Phật tử cũ góp chung tiền của để cho các bệnh nhân mỗi người một tô lớn đầy bún chay. Các bệnh nhân vừa ăn vừa trò chuyện rất vui vẻ, có em còn ca cải lương rất “mùi”, xuống xề rất điệu nghệ, giọng ca khỏe và khá hay.

Cũng nên nói thêm, trong chuyến đi bác ái mùa Chay lần này có 2 nữ Phật tử cùng đồng hành với Cộng đoàn LCTX Giáo hạt Gia Định. Họ tâm sự: “Tôi không có đạo, nhưng tôi tin có Chúa ngự trên cao. Tôi làm việc bác ái vì những người nghèo và bệnh nhân là hiện thân của Chúa, giúp họ là giúp Chúa, mai mốt Chúa sẽ rước tôi về”. Những lời chia sẻ thật thâm thúy, chắc chắn Chúa rất hài lòng và chúc lành cho họ.

Luật Chúa rất đơn giản và ngắn gọn: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Chữ “nhịn nhục” của Công giáo hay thật. Khi “nhịn” thì “nhục” lắm, nhưng là “cái nhục thánh thiện”, chính Chúa Giêsu đã “nhịn” và bị “nhục” đến tột cùng. Luật yêu xem chừng đơn giản mà thực hành lại quá nhiêu khê và khó khăn lắm! Do đó mới cần phải không ngừng nỗ lực, và “xé lòng chứng đừng xé áo” (Ge 2:13). Yêu tha nhân là yêu Chúa, đến với tha nhân là đến với Chúa. Đó cũng là sống đức tin và sống mùa Chay vậy!

TRẦM THIÊN THU

(1) Quý vị hảo tâm có thể liên lạc qua email: [email protected]

(2) ĐGM Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (1906-1973), giám mục tiên khởi của GP Đà-lạt, thụ phong linh mục tại Rôma ngày 21-12-1935, tấn phong giám mục ngày 30-11-1955, giám mục chính tòa Đà-lạt ngày 24-11-1960.

Người ăn xin và chiếc nhẫn kim cương

Người ăn xin và chiếc nhẫn kim cương

07/03/2013

nguồn:thanhlinh.net

Người ăn xin trả lại chiếc nhẫn cưới kim cương tính đến nay ngày 6/3/2013 được ủng hộ 177.860 USD

Các nhà hảo tâm khắp thế giới đang mở bóp góp tiền ủng hộ một người ăn xin vô gia cư chân thật – người đã trả chiếc nhẫn đính hôn kim cương cho chủ nhân của nó, khi người phụ nữ này vô tình đánh rơi trong cái ly xin tiền của ông.

Chia sẻ trên đài CNN, bà Sarah Darling cho biết: “Tôi thật sự cảm thấy may mắn ngay lúc này khi tôi có chiếc nhẫn này. Tôi đã yêu mến chiếc nhẫn trước đây, Tôi yêu mến nó nhiều và giờ đây tôi càng yêu nó nhiều hơn nữa.”. Darling, sống tại thành phố Kansas, Missouri, nói bà rất buồn rầu khi phát hiện mình đã làm mất chiếc nhẫn. Bà hầu như chưa bao giờ tháo nhẫn ra, nhưng khi bị hơi ngứa khiến bà tháo nhẫn ra và bỏ vào trong bóp nhỏ đựng tiền lẻ và kéo khoá lại.

Sau đó, bà đã vô tình trút hết những gì trong bóp ấy vào chiếc ly xin tiền của ông Billy Ray Harris – một người ăn xin vô gia cư thường sống ẩn náu dưới một cây cầu ở quê nhà của bà. Cho đến hôm sau, bà mới phát hiện ra chiếc nhẫn của mình đã không còn nữa.

“Thật là thê thảm. Đó là một cảm giác mất mát lớn lao. Nó rất có ý nghĩa đối với tôi vượt trên cả giá trị về vật chất”.

Darling quay lại tìm ông Harris, nhưng ông không còn ở đó. Ngày tiếp theo, bà quay trở lại và đã gặp ông. Cô nói, tôi đã hỏi liệu ông ấy còn nhớ tôi không, nhưng tôi nghĩ là tôi đã cho ông một vật rất quý đối với tôi.

Ông trả lời: “Có phải chiếc nhẫn không?. Tôi có nó và giữ nó cho bà đây”. Bà rất đổi kinh ngạc.

Để tỏ lòng biết ơn với người ăn xin tốt bụng và ngay thật này, Darling và chồng đã lập ra một trang mạng để quyên góp tiền ủng hộ cho ông. Quỹ từ thiện này sau đó đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và tấm lòng hảo tâm đóng góp của nhiều người.

Chris và Mel từ Brentwood, nước Anh, đã ủng hộ 20 USD. Viết trên trang giveforward.com – trang web quyên góp tiền ủng hộ, họ chia sẻ: “Trong cuộc sống những gì ta cho đi sẽ quay trở lại. Này Billy, hành động tử tế của ông cho dù ông đang ở trong tình cảnh hết sức khó khăn đã chứng minh rằng vẫn còn có sự khiêm tốn trong thế giới này.

Ophelia Wong Zen-na, đóng góp 10 USD và viết: “Tôi ở Singapore và thật sự rất cảm phục sự chân thật của ông”. Brian Paul cũng cho 10 USD và nói: “Nếu tôi không bị thất nghiệp, tôi đã cho nhiều hơn, thế nhưng tôi cảm thấy thách đố phải làm một điều gì. Billy Harris đã làm tốt nhất có thể để trở nên điều mà ông ước mơ mình sẽ là. Không bao giờ trễ cả. Xin Chúa chúc phúc cho ông, và cám ơn ông đã không bao giờ đánh mất phẩm chất của mình cho dù trong hoàn cảnh khó khăn”.

Đến nay, một tuần sau khi phát động chiến dịch quyên góp, đã có hơn 3400 sự đóng góp với tổng số tiền lên tới gần 95.000 USD (ngày loan tin cách đây hơn 1 tuần). Toàn bộ số tiền mà các nhà hảo tâm đóng góp sẽ được trao trực tiếp cho ông Billy Ray Harris sau chiến dịch từ thiện dài 90 ngày. Chồng của Darling, Bill Krejci gọi đó là “điều không tưởng” nhưng có thật.

Krejci đã gặp gỡ Harris để thông báo về khoản từ thiện đó và tìm hiểu về cuộc sống của ông. Họ đã cùng nhau sửa chiếc xe đạp của Harris.

Tâm sự trên trang web, Krejci viết: “Chúng tôi đã nói nhiều về những kỷ niệm liên quan đến chiếc nhẫn của gia đình tôi và những đóng góp. Tôi nói một ngày không xa trong tương lai, vợ chồng tôi sẽ trao chiếc nhẫn đó cho con gái. Chúng tôi cũng đã nói tới sự phản hồi tích cực rất cuồng nhiệt về sự kiện này”. Harris nói với Krejci là ông đã tìm được chỗ ở an toàn và ổn định.

Phóng viên CNN hỏi về sự nổi tiếng sau khi trả lại chiếc nhẫn kim cương, Harris cho biết: “Tôi thích điều đó nhưng tôi không nghĩ là tôi xứng đáng. Điều tôi thực sự cảm thấy thích là thế giới này sẽ hành sử ra sao khi một người trả lại cái mà không phải là của họ và tất cả những điều ấy đã xảy ra”.

Về phần mình, Darling nói: “Tôi rất biết ơn những gì ông ấy đã làm. Với nhiều người khác có lẽ họ đã giữ chiếc nhẫn ấy rồi hay cũng có thể đã bán đi lấy tiền. Tôi thật sự hy vọng sự bất cẩn của tôi lúc đó sẽ mang đến điều thật tốt đẹp cho cuộc sống của Billy”.

Bạn thân mến,

Mùa Chay đọc câu chuyện của ông Billy Harris vô gia cư nghèo nàn trả lại chiếc nhẫn cưới kim cương cho chủ nhân của nó, tôi thầm đấm ngực ăn năn (đấm 3 lần), vì tôi thường có thành kiến không mấy tốt về những người ăn xin, nhất là người da đen nghèo nàn. Thành kiến này bắt nguồn từ những tệ nạn xã hội do người da đen gây ra loan tải trên các cơ quan truyền thông. Đi qua những khu cư dân da đen tồi tệ, tim tôi đập thình thịch và tôi chỉ muốn mau mau thoát ra khỏi khu ấy thì mới an tâm. Quả thật, da ông Billy đen nhưng lòng ông không đen chút nào, mà còn trắng hơn lòng của tôi, người có làn da trắng hơn ông, có đầy đủ vật chất hơn ông. Tôi thật khâm phục sự công chính của ông khi ông đang ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, và có lẽ cả đời của ông cũng không sao mua được chiếc nhẫn mà ông đang có; thế nhưng ông đã không giữ lấy cho mình.

Nếu là Billy trong hoàn cảnh khốn khổ như thế, không biết đã có mấy ai tốt bụng như ông. Ông còn để lại bài học về sự khiêm nhường khi ông nói ông không xứng đáng được dư luận chú ý tới về việc làm cao quý của ông.

Tính đến hôm nay, số tiền người từ khắp nơi trên thế giới đóng góp ủng hộ ông đã lên tới $177860 USD (gần 2 trăm ngàn đô la). Đây quả là phần thưởng rất lớn về vật chất cho tấm lòng ngay thật hiếm có của ông. Hành động của ông còn để lại một ấn tượng tốt có ảnh hưởng về tâm linh cho những người đang sống chỉ mong chiếm đoạt những gì không thuộc về mình. Đọc tin tức về ông, tôi ngậm ngùi cho tình trạng xã hội bất ổn tại Việt Nam, nơi đang xảy ra nhiều những vụ cướp bóc của cải gây chấn thương, lấy đi sinh mạng của nhiều người.

Câu chuyện của Billy trả lại chiếc nhẫn làm cho tôi nhớ lại câu chuyện của Ladarô trong Thánh Kinh Luca 16:19-31:

“Có một nhà phú hộ kia mặc toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình.   Lại có một người hành khất tên là Lazarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho.  Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.  Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên lòng Abraham.  Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn.  Trong hỏa ngục phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Lazarô trong lòng Ngài.  Liền cất tiếng kêu la rằng:  “Lạy cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này.”  Abraham nói lại:  “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Lazarô gặp toàn sự khốn khổ.  Vậy bây giờ Lazarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ.  Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được.”  Người đó lại nói:  “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lazarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này.”  Abraham đáp rằng:  “Chúng đã có Môisen và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài.”  Người đó thưa:  “Không đâu, lạy cha Abraham!  Nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải.”  Nhưng Abraham bảo người ấy:  “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu.”

Câu chuyện dụ ngôn Lazarô và người phú hộ không chỉ phản ảnh thực trạng xã hội vào thời đại của Chúa Giêsu, mà còn cả trong xã hội chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21. Thời đại của nền văn minh vượt bực, thời đại của phát minh điện toán a-còng @, nhưng vẫn còn đó hai giai cấp giàu sang và nghèo nàn. Người giàu thì lại giàu thêm, giàu quá mức, đến cả cái phôn cũng được mạ vàng để cầm nói chuyện cho sướng. Và ngược lại, người nghèo thì lại nghèo quá nghèo, cái gì cũng không có, đến nỗi chết không có hòm mà chôn. Sự bình đẳng giữa hai gia cấp giàu nghèo chỉ được tìm thấy nơi nấm mộ sâu trong lòng đất, và công lý chỉ được tìm thấy ở bên kia ngưỡng cửa cuộc đời.

Câu chuyện của Billy và Darling xảy ra trong Mùa Chay 2013 là tấm gương sống Mùa Chay ý nghĩa và hấp dẫn hơn bao giờ hết, một hành động bác ái tuyệt vời. “Bóp bác ái” của bà Darling mở ra dốc hết những gì có vào “cái ly chân thật” của Billy đã đánh động và làm thức tỉnh hàng ngàn trái tim trên thế giới. Câu nói của Thánh Phaolô “Cho thì có phúc hơn là nhận” thật có ý nghĩa khi một trái tim sống ngay thật và một tấm lòng biết mở rộng để cho đi.

Lạy Chúa, xin cho con một trái tim khiêm nhường và biết cho đi.

Minh Châu

Trước khi chết Tổng Thống Chavez làm hoà với Giáo Hội và trở về với Chúa

Trước khi chết Tổng Thống Chavez làm hoà với Giáo Hội và trở về với Chúa
Nguyễn Long Thao

3/7/2013                                                  nguồn:Vietcatholic.net
Caracas, Venezuela, Thông tấn xã CNA của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ trích dẫn một nguồn tin đáng tin cậy ở Venezuela cho biết Tổng thống Hugo Chavez trước khi chết vì bệnh ung thư đã sám hối trở về với Giáo Hội Công Giáo và đã được chịu các phép bí tích sau cùng.

Khi thông báo cho quốc dân biết về cái chết của Tổng Thống Chavez vào ngày 5 tháng 3, Phó Tổng thống Nicolas Maduro nói Tổng Thống đã trở về với Chúa và ông đã dùng cụm từ “bám lấy Chúa Kitô (Clinging to Christ) để chỉ hành động của Tổng Thống Chavez trong những tuần lễ cuối đời. Vào lúc lâm chung Tổng Thống đã yêu cầu được phó linh hồn và xin nhận bí tích xức dầu.

Kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 1999, Tổng thống Chavez là một người hung hăng chống đối Giáo Hội Công Giáo. Ông chống lại chính sách công bằng xã hội của Kitô Giáo và muốn thiết lập một chính sách xã hội chủ nghĩa theo ý mình. Năm 2002, Tổng thống Chavez đã gọi các Giám Mục Venezuela là “khối ung nhọt” phá hoại các mục tiêu cách mạng của mình. Đồng thời ông nêu đích danh Tòa Thánh Vatican đừng can thiệp vào công việc nội bộ đất nước của ông.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Chavez đôi khi tham dự nghi thức tôn giáo tại các nhà thờ của giáo phái khác. Rồi vào tháng Tư năm 2012, giới truyền thông rất ngạc nhiên khi ông xuất hiện tại một nhà thờ Công giáo ở quê hương minh là vùng Barinas để tham dự nghi thức Tuần Thánh. Ông đeo tràng hạt quanh cổ của mình và cầu nguyện xin cho được lành bệnh. Các ống kính truyền hình ngoại quốc thường chiếu hình ông Chavez cầm thánh giá hôn trước mặt các ký giả. Tháng Bảy năm ngoái, Tổng thống Chavez đã yêu cầu được gặp Hội Đồng Giám Mục Venezuela

Sau cái chết của Tổng thống Chavez, Đức Hồng Y Jorge Urosa của tổng giáo phận Caracas đang ở tại Rome tham dự bầu Giáo hoàng đã gửi lời chia buồn tới chính quyền Venezuela và yêu chính quyền áp dụng các điều khoản trong Hiến pháp để duy trì trật tự công cộng, hòa bình và đoàn kết nhân dân.

Nguyễn Long Thao

Những con đường lậu sang Anh

Những con đường lậu sang Anh

Hà Mi

BBC Việt Ngữ, London

Thứ hai, 4 tháng 3, 2013

Logo Cơ quan Biên phòng Anh

Một số người Việt Nam di trú bất hợp pháp cho biết họ tới Anh qua ngả Nga và Pháp

Một tòa án tại Anh vừa đưa ra xử những người có liên quan tới một cuộc dàn xếp đám cưới giả đã bị phát hiện tại Anh năm 2010 khi cô dâu đi nghỉ ở nước ngoài với một người đàn ông khác chỉ 6 ngày sau lễ cưới của người phụ nữ này với một chú rể người Việt, Lư Hoàng Tuấn, theo tờ Mail Online tại Anh đưa tin.

Bà Amanda Nolan, 28 tuổi, được nhận 5 ngàn bảng để “kết hôn trục lợi” với một người đàn ông Việt Nam muốn tìm cách ở lại Anh “hợp pháp” qua con đường hôn nhân, và vụ việc được một chủ tiệm sơn móng tay người Việt, Lưu Thị Thúy Trang, 24 tuổi, dàn xếp.

Tại tòa, người ta được biết một số người Anh đã được trả tới 10 ngàn bảng để “kết hôn trục lợi” với người Việt đang ở Anh bằng visa ngắn hạn và muốn chuyển sang visa hôn nhân để ở lại lâu dài.

Hiện tại Lưu Thị Thúy Trang đã bỏ trốn. Cô này đã dùng mối quan hệ của mình với ba tiệm sơn móng tay tại Preston, Chorley và Blackburn để tổ chức ba cuộc đám cưới giả trong thời gian từ năm 2008 đến 2010.

Trả lời BBC Việt Ngữ, người phát ngôn Cơ quan Biên phòng Anh Quốc, Bộ Nội Vụ Anh, có tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận tình trạng lạm dụng luật di trú và sẽ ngăn chặn các vụ đám cưới giả trên cả nước.

“Cơ quan Biên phòng Anh Quốc đang làm việc để chấm dứt tình trạng lao động bất hợp pháp, đám cưới giả, đi học giả và những kẻ tổ chức đưa lậu người có tổ chức của những người nước ngoài muốn tìm cách ở lại Anh bất hợp pháp.”

Số liệu

Đám cưới giả chỉ là một trong nhiều hình thức được những người muốn định cư tại Anh, trong đó có người Việt, tìm cách thực hiện qua các con đường bất hợp pháp, đặc biệt qua các đường dây đưa lậu người.

Theo đánh giá tình báo năm 2011 của Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh – SOCA – người Việt chiếm 5% số nạn nhân của các đường dây buôn lậu người từ 75 quốc gia.

Nạn nhân là trẻ em từ Việt Nam chiếm 13% trong tổng số 489 trẻ em từ 43 nước – đứng thứ hai trong danh sách các nước có nạn nhân trẻ em, chỉ sau Rumania – trong khi Trung Quốc chiếm 3%.

Vẫn theo số liệu do SOCA công bố tính riêng trong năm 2011, thì những người được đưa lậu vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (639 người, chiếm 31%), lao động (461 người, chiếm 22%), làm người giúp việc gia đình (222 người, chiếm 11%) và làm các việc làm phi pháp khác (353 người, chiếm 17%).

8% các nạn nhân bị buộc phải làm những việc phi pháp cho biết họ phải trông nom các cơ sở trồng cần sa trong đó 90% những người này là người Việt.

Việt Nam cũng nằm trong số 10 quốc gia có số người được đưa lậu vào Anh cao nhất trong năm 2011 và đứng đầu trong số các quốc gia đưa lậu người vào Anh để làm các việc làm phi pháp.

Hình thức hoạt động

Người Việt di trú bất hợp pháp ăn trực nằm chờ tại Pháp, gần eo biển giữa Anh và Pháp

Những người di trú lậu phải trả một khoản tiền lớn với hứa hẹn công ăn việc làm.

Một số nạn nhân của nạn buôn lậu người là người Việt cho biết họ được đưa từ Việt Nam tới Anh qua ngả Nga và Pháp. Một số người đi bằng đường hàng không và một số khác đi bằng đường bộ.

Nạn nhân thường là những người phải bỏ ra những khoản tiền lớn với hứa hẹn sẽ có công ăn việc làm, cơ hội học tập và một đời sống tốt đẹp hơn. Nhiều người đã phải vay nợ để chi trả cho chuyến đi, có thể lên tới 70 ngàn euro, vẫn theo Đánh giá tình báo của SOCA, và vì thế những người này bị buộc phải lao động, hay bán dâm hoặc các hình thức làm việc phi pháp khác cho tới khi trả hết nợ.

Trong một số trường hợp, tiền nợ còn tiếp tục tăng lên do bị tính tiền ăn ở đắt đỏ mà lương thấp và nạn nhân thậm chí không đủ tiền giảm hoặc trả được món nợ ban đầu.

Hồi tháng Sáu năm 2010, 31 người Việt bị tình nghi đưa lậu người và 66 người Việt di trú bất hợp pháp đã bị bắt trong một chiến dịch chống di trú bất hợp pháp có tổ chức.

Phần lớn những người này bị bắt tại Hungary, Pháp và Đức, và Anh là điểm đến được lựa chọn của những người di trú bất hợp pháp này, sau đó đa số các nạn nhân bị buộc phải làm việc trông nom các cơ sở trồng cần sa để trả nợ cho việc được đưa vào Anh.

Tiếp đó, tháng Tư năm 2011, 98 người tổ chức đưa lậu người bị bắt giữ, cùng với phát hiện 114 nạn nhân, trong số đó một số đã được đưa về lại Việt Nam, và đây là kết quả của một dự án thực thi pháp luật của châu Âu, mang tên Tội phạm di trú có tổ chức của người Việt, bắt đầu hồi năm 2009.

Theo SOCA cho biết thông thường những người di trú lậu tới các nước Đông Âu bất hợp pháp hoặc bằng visa ngắn hạn. Từ đây họ có thể dễ dàng đi lại giữa các nước trong khối Schengen – vốn có thỏa thuận không kiểm soát biên giới giữa các nước này – và đến vùng eo biển thuộc Pháp giữa Anh và Pháp. Chỉ khi vào Anh những người này mới cần phải xuất trình giấy tờ.

Hợp tác Anh Việt

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Mới đây, Việt Nam và Anh Quốc đã ký Thỏa thuận ghi nhớ về thông tin xuất nhập cảnh giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh theo Bấm Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết trong chuyến thăm Anh của phái đoàn cao cấp Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu hồi tháng Giêng năm nay. Bấm

ông Tô Lâm nhấn mạnh hai nước đã hợp tác “rất tích cực trong việc chống nạn di cư bất hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho di cư hợp pháp. Nhu cầu đi lại giữa hai nước rất lớn. Người Anh muốn du lịch, làm việc ở Việt Nam. Công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi làm, lao động, học tập, du lịch thăm thân,” ông Tô Lâm nói.

Thứ trưởng Công an Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị với Anh và các nước châu Âu tạo điều kiện tốt cho di cư hợp pháp, thì sẽ giảm bớt vấn đề di cư bất hợp pháp.”

Khi được hỏi về nạn buôn lậu người, ông Tô Lâm nói “đây là tội phạm quốc tế” và “Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của Anh trong giải quyết những vấn đề này”.

Trước đó, vào tháng Ba 2009, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã công bố việc ký kết với Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam khoảng tài trợ 100.000 bảng Anh cho việc thực hiện một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nạn di cư bất hợp pháp và buôn bán người.

Hợp tác này bao gồm các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Anh về các vấn đề di trú được ký năm 2004.

CÁC GIÁM MỤC CÔNG GIÁO VIỆT NAM NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 (SỬA ĐỔI NĂM 2013)

CÁC GIÁM MỤC CÔNG GIÁO VIỆT NAM

NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 (SỬA ĐỔI NĂM 2013)

nguồn:HoidongGiamMucVietNam

Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (sau đây gọi tắt là Dự thảo) để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2.1.2013 đến ngày 31.3.2013. Chúng tôi tán thành việc làm này, vì Hiến pháp của một quốc gia trước hết và trên hết phải là của chính người dân, do ý thức trách nhiệm của người dân và để phục vụ mọi người dân, không loại trừ ai. Ý thức trách nhiệm công dân, nhân danh Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ban Thường vụ kính gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhân dân cả nước một số nhận định và góp ý.

I. Quyền con người

Bản Dự thảo đã dành cả chương II (điều 15-52) để nói về quyền con người. Quyền con người đã được chính thức nhìn nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người (10.12.1948), và Việt Nam cũng đã ký kết. Bản Dự thảo đã liệt kê khá đầy đủ những quyền căn bản của con người. Vấn đề là làm thế nào để những quyền ấy được hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo pháp luật trong thực tế?

Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá con người, do đó là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Phổ quát vì tất cả mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi, đều được hưởng những quyền đó. Bất khả xâm phạm vì xâm phạm là tước đoạt phẩm giá làm người. Bất khả nhượng vì không ai được phép tước đoạt những quyền đó của người khác.

Quyền bính chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền là để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người, chứ không phải để ban phát cách tùy tiện. Do đó, để quyền con người thật sự được “Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật” (điều 15), chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ một số điều.

Dự thảo khẳng định quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật (điều 43), quyền tự do tín nguỡng, tôn giáo (điều 25). Tuy nhiên, ngay từ đầu, Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (điều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tư do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần? Phải chăng những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho nhân dân tùy lúc tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất khã nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này, thì mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân.

Trong thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Ðây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật. Nếu cần một nền tảng, chúng tôi thiết nghĩ đó phải là truyền thống văn  hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, chứ không phải một hệ ý thức nào khác. Truyền thống văn hóa ấy đã được hình thành trãi qua nhiều thế kỷ, giúp dân tộc Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước, kiến tạo lối sống đầy tính nhân văn. Nền văn hóa đó chính là nền tảng cho đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, những tư tưởng mới có thể và cần được đón nhận để bổ túc cho phong phú, nhưng không thể thay thế. Có như vậy mới mong giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc giữa những thay đổi mau chóng của thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Do đó, chúng tôi đề nghị:

l. Hiến pháp cần xác định rõ: mọi người đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá làm người, và vì thế, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng.

2 . Lấy truyền thống văn hóa dân tộc làm nền tảng tư tưởng cho việc tổ chức và điều hành xã hội Việt Nam.

3 . Nêu rõ nội dung quyền được sống (đối chiếu với điều 21 Dự thảo): mọi người đều có quyền sống. Không ai được phép tước đoạt sự sống của người khác, từ khi thành thai đến khi chết. Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống của mình, miễn là không làm tổn hại đến sự sống của người khác.

4 . Nêu rõ quyền tự do ngôn luận (đối chiếu điều 26 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày quan điểm và niềm tin của mình.

5 . Nêu rõ quyền tự do tôn giáo (đối chiếu điều 25 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo  nào, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo nào hoặc chủ thuyết nào được coi là bó buộc đối với người dân Việt Nam. Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập… Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế…

H. Quyền làm chủ của nhân dân

Quyền bính chính trị cần thiết để điều hành xã hội, nhưng chủ thể của quyền bính chính trị phải là chính nhân dân xét như một toàn thể trong đất nước. Nhân dân trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ bầu làm đại diện cho họ, bất kể người đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào. Chỉ khi đó mới có Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân” (Lời nói đầu). Vì thế việc tự do ứng cử của mỗi công dân là đòi hỏi tất yếu trong một xã hội dân chủ, văn minh và lành mạnh. Ðồng thời việc bỏ phiếu công khai, khách quan và công bằng, là đòi hỏi cần thiết để người dân có được những đại diện mà họ tín nhiệm. Chính nhân dân có quyền đánh giá năng lực của những đại diện họ đã bầu, và khi cần, họ có quyền thay thế những đại diện đó.

Do đó, chúng tôi đề nghị:

l . Hiến pháp cần phải làm nổi bật quyền làm chủ của nhân dân, không chỉ bằng một mệnh đề lý thuyết nhưng cần được thể hiện trong những điều khoản cụ thể của Hiến pháp, và có thể thi hành trong thực tế. Bản Dự thảo khẳng định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Ðiều 2). Nhưng trong thực tế, công nhân, nông dân và trí thức là những thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Thực tế đó cho thấy khẳng định về quyền làm chủ của nhân dân chỉ có trên giấy tờ và lý thuyết.

2. Ðể tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phải chính trị nào (X. điều 4), vì chủ thể của quyền bính chính trị là chính nhân dân, và nhân dân trao quyền bính đó cho những người họ tín nhiệm qua việc bầu chọn. Những cá nhân được bầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc họ làm, chứ không thể là một tập thể mơ hồ rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả.

3. Hiến pháp hiện hành chỉ công nhận quyền sử dụng đất chứ không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Ðiều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng. Vì thế, Hiến pháp mới cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới.

4. Hiến pháp phải tôn trọng quyền tham gia hệ thống công quyền ở mọi cấp, của mọi công dân, không phân biệt thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo…

III. Thi hành quyền bính chính trị

Quyền bính chính trị mà nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ðể những quyền bính này được thi hành cách đúng đắn và hiệu quả, cần có sự độc lập chính đáng của mổi bên và vì công ích của toàn xã hội. Trong thực tế của Việt Nam nhiều năm qua, đã không có được sự độc lập này, dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền, gây ra nhiều bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo đức. Cuối cùng, người dân nghèo phải gánh chịu mọi hậu quả và Việt Nam, cho đến nay vẫn bị xem là một nước kém phát triển.

Nguyên nhân sâu xa là không có sự phân biệt giữa đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền. Điều này thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp 1992, và Dự thảo vẫn tiếp tục đường lối như thế.

Một đàng, điều 74 khẳng định Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”; đàng khác, điều 4 lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy, ai lãnh đạo ai? Phải chăng Quốc hội chỉ là công cụ của đảng cầm quyền? Nếu như thế, việc người dân đi bầu các đại biểu Quốc hội có ý nghĩa gì? Một sự chọn lựa thật sự tự do hay chỉ là thứ dân chủ hình thức?

Bản Dự thảo cũng dành nhiều chương dài để nói về Quốc Hội (điều 74-90), về Chủ tịch nước (điều 91-98), về Chính phủ và Thủ tướng (điều 99-106). Không có chương nào và điều nào nói về Tổng bí thư đảng cầm quyền. Ðang khi đó, thực tế là Tổng bí thư nắm quyền hành cao nhất vì cũng theo Dự thảo, đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (điều 4)! Như thế phải chăng đảng ở trên luật pháp và ngoài luật pháp, chứ không lệ thuộc luật pháp? Nếu đảng cầm quyền đã lãnh đạo cả Nhà nước và xã hội, thì còn cần gì Quốc hội, cần gì đến Tòa án!

Những phân tích trên cho thấy sự mâu thuẫn và tính bất hợp lý ngay trong nội dung Hiến pháp. Sự bất hợp lý này dẫn đến tình trạng bất hợp lý trong thực tế cuộc sống, là nguồn gốc của những bất công, dẫn đến bất ổn xã hội, kìm hãm sự phát triển lành mạnh và bền vững của đất nước.

Do đó, chúng tôi đề nghị:

l . Phải vượt qua sự bất hợp lý từ trong cấu trúc Hiến pháp, bằng cách xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phải chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào.

2 . Xác định tính độc lập của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành những quyền này cách độc lập và hiệu quả.

3. Luật hóa sự kiểm soát của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật bằng những quy định cụ thể.

Kết luận

Những nhận định và góp ý của chúng tôi chỉ nhằm mục đích góp phần xây dựng Hiến pháp cho hợp lý và hợp lòng dân. Chúng tôi ước mong mọi người dân Việt Nam tích cực góp phần vào việc điều chỉnh Hiến pháp, phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững của dân tộc Việt Nam.

 

Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ngày 01 năm 03 năm 2013

 

TM. Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam

 

Tổng thư ký                                 Chủ tịch

 

(đã ký)                                         (đã ký)

Cosma Hoàng Văn Ðạt                    Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Giám mục Bắc Ninh                       Tổng Giám mục Hà Nội

(Nguồn: WHĐ)

TU VIỆN SUMELA, THỔ NHĨ KỲ –

TU VIỆN SUMELA, THỔ NHĨ KỲ –
Di sản văn hóa thế giới

Huyền bí tu viện cheo leo vách núi ở Thổ Nhĩ Kỳ

Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, tu viện Sumela là một công trình chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, tôn giáo và kiến trúc của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Tu viện nằm cheo leo trên vách núi trong màn sương mờ ảo.

Tu viện Sumela nằm tại Trabzon, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Biển Đen. Tu viện được xây dựng trên một vách núi cheo leo cao 1.200m. Do thời tiết quanh năm ẩm ướt cộng với sương mù thường xuất hiện nên tu viện cổ kính này luôn khoác trên mình vẻ âm u, huyền bí.

Để leo lên tu viện Sumela, du khách có hai sự lựa chọn. Một con đường hiện đại được xây dựng xuyên từ sườn bên kia của ngọn núi sang tu viện. Còn nếu bạn không ngại đi bộ, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm và đồng hành với một con đường xuyên rừng, leo lên sườn dốc để lên tu viện.

Lên một chiếc cầu thang chênh vênh bên sườn núi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống dẫn nước được đặt trên những mái vòm nối tiếp nhau phía tay trái. Đây chính là nguồn nước duy nhất của những người sống trong tu viện. Ngày nay, các mái vòm đã được phục dựng khá hoàn thiện.

Cầu thang men theo sườn núi vào tu viện, bên trái là đường ống dẫn nước đặt trên những cột trụ cổng vòm.
Bao quát toàn cảnh những dãy nhà nguyện.
Phần kiến trúc bằng gạch trong lòng hang đá.
Nhà nguyện đá.

Leo hết cầu thang, bạn sẽ bắt gặp khung cảnh những dãy nhà nguyện cổ kính chen nhau dưới mái vòm hang động. Tu viện Sumela có tổng cộng 72 căn phòng, bao gồm nhà thờ đá, các nhà nguyện, bếp, phòng học, phòng tiếp khách và một thư viện lớn. Phần trung tâm của tu viện được đào sâu vào lòng núi và có thêm phần hậu cung xây bằng gạch. Các bức tường gạch và đá đều mang trên mình những bức tranh tường mang chủ đề tôn giáo.

Truyện kể rằng Thánh Luke, một tông đồ của Chúa Jesus đã tạc một bức tượng gỗ màu đen Đức Mẹ Đồng trinh Maria. Sau khi ông qua đời, thánh vật này được chuyển đến Athens, Hy Lạp. Tương truyền, các thiên thần đã mang bức tượng đến một hang đá cất giấu để đến năm 386, hai tu sĩ người Athens là Barnabas và Sophronius đã phát hiện ra nó. Họ đã xây dựng nên tu viện Sumela ngay tại hang đá này. Từ Sumela bắt nguồn từ tên tiếng Hy Lạp của Đức mẹ Đồng trinh – Panaghia.

Tranh tường theo chủ đề tôn giáo, khắc họa các cảnh trong Kinh Thánh.

Đức Mẹ Đồng trinh Maria.
Chúa Jesus.
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp quanh tu viện.

Tu viện Sumela là một tu viện Chính thống giáo Hy Lạp, một nhánh của Kitô giáo. Các hoàng đế của đế chế Trebizond đã không tiếc tiền của xây dựng tu viện này. Khi vương triều này sụp đổ và bị thay thế bởi đế chế Ottoman của người Hồi giáo, tu viện Sumela vẫn được duy trì. Cả người theo Cơ đốc giáo và Hồi giáo đều tin rằng, phép màu của Đức Mẹ Maria sẽ mang đến sức khỏe dồi dào cho những người hành hương.

Đầu thế kỷ 20, cùng với sự thành lập của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người Hy Lạp buộc phải rời khỏi Sumela và tu viện chính thức bị bỏ hoang từ năm 1923. Các tu sĩ đã chuyển các báu vật sang Hy Lạp, và nhiều công trình bằng gỗ đã bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn năm 1930. Ngày nay, tu viện Sumela đã được phục dựng và trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.

Chữ cổ trên tường tu viện.

Hình ảnh tu viện trên một tấm bưu thiếp gửi năm 1903.

Tu viện Sumela là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trên thế giới.

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (2)

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (2) Ảnh: Danlambao
Ảnh: Danlambao
12.02.2013
Về thể loại của Bên Thắng Cuộc, có hai khía cạnh cần chú ý: phương pháp nghiên cứu và cách trình bày.
Về phương pháp, Huy Đức thu thập tài liệu chủ yếu qua các cuộc phỏng vấn, “hàng
ngàn cuộc phỏng vấn”, một phương pháp gắn liền với ngành khẩu sử (oral
history), một lối viết thịnh hành ở Tây phương từ khoảng cuối thập niên 1960,
và trở thành một ngành học ở các đại học Tây phương từ cuối thế kỷ 20. Khẩu sử
khác lịch sử. Khác, trước hết, ở nguồn tài liệu: với lịch sử, chủ yếu là các
văn bản viết; với khẩu sử, chủ yếu là các lời kể của những người trong cuộc
hoặc chứng nhân được thu thập qua các cuộc phỏng vấn. Khác nữa, ở đối tượng:
với lịch sử, đó là các tài liệu lịch sử, nói cách khác, lịch sử là lịch sử trên
lịch sử; với khẩu sử, đó là ký ức, hoặc ký ức cá nhân hoặc ký ức tập thể. Khác,
cuối cùng, còn ở tính chất, như là hệ quả của hai cái khác ở trên: trong khi
văn bản viết là những gì đã được công bố, nghĩa là, thứ nhất, thuộc về công
chúng; thứ hai, với những mức độ khác nhau, được xác minh, do đó, được xem là
ít nhiều đáng tin cậy; các lời kể trong các cuộc phỏng vấn, ngược lại, gắn liền
với từng cá nhân, xuất phát từ kinh nghiệm riêng, chúng có thể bị khúc xạ, bị
biến dạng, thậm chí, được “viết lại” theo những thay đổi trong tâm lý của người
kể. Nói cách khác, trong khi lịch sử là những gì đã được chọn lọc khá kỹ, khẩu
sử thường là những vật liệu thô; trong khi những người viết sử như những người
làm việc trong các tiệm kim hoàn, những người viết khẩu sử như những người làm
việc với vỉa quặng trong các hầm mỏ.
Tuy nhiên, về bản chất, lịch sử và khẩu sử giống nhau ở khá nhiều điểm. Thứ
nhất, chúng đều là những hình thức diễn ngôn về quá khứ (discourse about the
past) chứ không phải bản thân quá khứ. Quá khứ là những gì đã qua và đã biến
mất. Diễn ngôn về quá khứ là những tự sự được xây dựng để tái tạo lại quá khứ
ấy nhằm đáp ứng một nhu cầu trong hiện tại. Thứ hai, là diễn ngôn, cả lịch sử
lẫn khẩu sử đều có tính chất chủ quan, hoặc của một người hoặc của một nhóm
người. Thứ ba, do tính chất chủ quan ấy, cả lịch sử lẫn khẩu sử đều luôn luôn
được viết lại. Mỗi thời đại hoặc mỗi thế hệ đều cảm thấy có nhu cầu tái cấu
trúc ký ức và diễn dịch lại quá khứ, do đó, bao giờ cũng tìm cách viết lại
những gì các thế hệ đi trước đã viết.
Về cách trình bày, Bên Thắng Cuộc có tính chất báo chí hơn là lịch sử.
Có hai điểm khác nhau căn bản giữa báo chí và lịch sử: Thứ nhất, trong khi lịch
sử nặng về phân tích, báo chỉ nặng về miêu tả; thứ hai, trong việc sử dụng tài
liệu, kể cả tư liệu lấy được từ các cuộc phỏng vấn, yêu cầu cao nhất đối với
lịch sử là mức độ khả tín, nghĩa là cần được đối chiếu và xác minh cẩn thận;
với báo chí, là tính chất tươi ròng của tài liệu; và vì tính chất tươi ròng ấy,
nhiều lúc chưa chắc chúng đã chính xác, hoặc nếu chính xác, chưa chắc đã có ý
nghĩa tiêu biểu đủ để phản ánh thực chất của vấn đề.
Nhìn Bên Thắng Cuộc như một tác phẩm báo chí dựa trên phương pháp khẩu
sử, chúng ta dễ dàng chấp nhận một số khuyết điểm vốn rất dễ thấy trong cuốn
sách.
Thứ nhất, về phương diện cấu trúc, đặc biệt ở tập 2, “Quyền bính”; ở đó, thứ
nhất, quan hệ giữa các chương không theo một trật tự logic nào cả; thứ hai,
giữa các chương cũng không có sự cân đối cần thiết: có một số chương được viết
kỹ và nhiều chi tiết (ví dụ về Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt) hơn hẳn các
chương khác (ví dụ về Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh). Lý do khá dễ hiểu: Huy
Đức không hoàn toàn làm chủ nguồn tư liệu của mình. Với những người anh tiếp
cận được dễ, anh viết sâu; với những người ở xa, anh viết cạn. Vậy thôi.
Thứ hai, về vấn đề tư liệu. Huy Đức phỏng vấn rất nhiều người, nhưng không phải
TẤT CẢ mọi người ở mọi phía; hơn nữa, anh chưa tiếp cận được những nguồn tài
liệu mật của Bộ Chính trị nên nhiều vấn đề vẫn khiến người đọc hoang mang.
Trong số đó, có hai vấn đề lớn nhất: Một, việc cuối năm 1967, Hồ Chí Minh
thường xuyên sang Trung Quốc dưỡng bệnh và Võ Nguyên Giáp thì được cử đi
Hungary. Nhiều người cho đó là một cách nghi binh nhằm che giấu ý đồ tổng tấn
công vào Tết Mậu Thân. Huy Đức, theo lời kể của một số người, cho hai người bị
đưa đi “an trí” để Lê Đức Thọ ra tay thâu tóm quyền lực. Cách giải thích như
vậy lại làm nảy sinh nhiều vấn đề khác: chẳng hạn, tại sao Lê Duẩn và Lê Đức
Thọ lại tung ra cuộc đấu đá nội bộ ở vào một thời điểm quan trọng, lúc họ cần
đoàn kết và tập trung nhất cho một trận chiến quyết liệt như vậy? Hai, Huy Đức
cho giới lãnh đạo Việt Nam, trong những năm 1976 và 1977, không đánh giá đúng
mức sự thù nghịch của Pol Pot đối với Việt Nam và từ đó, tầm vóc của cuộc chiến
tranh chống Việt Nam do Pol Pot phát động, và đầu năm 1979, hoàn toàn bất ngờ
trước cuộc tấn công của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam (GP, tr.
76); tuy nhiên, trước đó, anh lại kể, từ cuối năm 1977, trong chuyến thăm Cần
Giờ, Lê Duẩn đã trả lời thắc mắc của một số đảng viên trong huyện ủy: “Các đồng
chí hỏi đúng vào một tình hình cả nước đang quan tâm. Chúng tôi đau đầu lắm,
ngủ không được. Không phải là vấn đề Khmer Đỏ mà là vấn đề ai ở đằng sau Khmer
Đỏ, đằng sau Pol Pot. Ta đã đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi,
nhưng ta đánh nó, Trung Quốc đánh ta thôi.” (GP, tr. 72-3) Biết thế mà vẫn “bất
ngờ” là sao?
Thứ ba, quan trọng nhất, nhiều chương chỉ có tính chất tự sự nhưng lại thiếu
hẳn tính chất phân tích, do đó, tuy hấp dẫn, chúng không giải thích được gì cả.
Ví dụ, trong tập “Giải phóng”, Huy Đức viết về Lê Duẩn khá dài, nhưng phần lớn
đều tập trung vào cuộc sống và tính cách của ông: Ông có hai vợ, một ở miền Bắc
và một ở miền Nam; lúc ở miền Nam, ông nổi tiếng về nhiệt tình và năng lực làm
việc không biết mệt mỏi, lúc ra miền Bắc, ông lại nổi tiếng là thích nói chuyện
lý thuyết, và khi nói chuyện, có thói quen hay ngắt lời người khác. Nhưng có
những điểm quan trọng nhất lại không được phân tích: Một, tại sao Hồ Chí Minh
lại tin cậy Lê Duẩn đến độ giao ngay cho ông chức Tổng Bí thư ngay sau khi ông
mới ra Hà Nội như vậy? Lúc ấy, chung quanh Hồ Chí Minh, ngoài Trường Chinh vốn
đã bị mang tiếng sau vụ cải cách ruộng đất, có rất nhiều tay chân thân thiết,
kể cả hai người được ông và nhiều người khác yêu mến: Võ Nguyên Giáp và Phạm
Văn Đồng? Hai, tại sao, từ miền Nam mới ra Bắc, hầu như hoàn toàn đơn độc, chỉ
trong vòng mấy năm, Lê Duẩn đã có thể thao túng toàn bộ guồng máy đảng Cộng
sản, lấn át quyền hành của tất cả mọi người, kể cả Hồ Chí Minh, như vậy? Ông sử
dụng các biện pháp gì để xây dựng vây cánh và quyền lực một cách nhanh chóng và
hiệu quả như vậy? Ba, tại sao một người nổi tiếng quyền biến và, đến lúc chết,
vẫn có uy tín rất lớn, không những ở miền Bắc mà còn trên cả thế giới, như Hồ
Chí Minh, lại đành nhẫn nhục chịu đựng cảnh bị Lê Duẩn tước đoạt quyền hành mà
không hề tìm cách kháng cự như vậy? Đó là những vấn đề giới nghiên cứu lịch sử
Việt Nam hiện đại không thể không đặt ra.
Những khuyết điểm trên có thể được chấp nhận hoặc bỏ qua nếu chúng ta đọc Bên
Thắng Cuộc
như một tác phẩm tường thuật về tình hình chính trị của một thời
đại. Mang tính báo chí, Bên Thắng Cuộc gần với khẩu sử hơn lịch sử. Tự
bản chất, khẩu sử là ký ức. Với ký ức, quan trọng nhất là câu chuyện chứ không
phải phân tích. Mà các câu chuyện trong Bên Thắng Cuộc thì không những
hấp dẫn mà còn đa dạng vô cùng. Tính chất đa dạng ấy làm cho bức tranh Huy Đức
mô tả trở thành đa diện. Nhìn từ góc độ ấy, chúng ta sẽ thấy có khi ngay cả
những chi tiết nhí nhắt nhất cũng có thể hữu ích. Ví dụ, lời tâm sự của bà
Nguyễn Thụy Nga (trong sách có lúc viết tên lót là Thụy, lúc lại viết là Thị),
người “vợ miền Nam” của Lê Duẩn, về chồng bà: “Trong tình yêu anh cũng như con
nít” (GP, tr. 117). Câu ấy, tự nó, không tiết lộ được điều gì cả. Thì có người
đàn ông nào, trong tình yêu, lại không giống con nít? Nhưng nó vẫn giúp người
đọc, khi nhìn lại Lê Duẩn, thấy ở ông, ngoài hình ảnh một nhà lãnh đạo cuồng
tín, thủ đoạn và độc đoán, còn có một khía cạnh khác: một con người. Những cách
nói năng kiểu “thằng này, thằng nọ” của Nguyễn Văn Linh, cũng vậy, đều tiết lộ
một cá tính. Đối với người bình thường, cá tính thường bị loại trừ từ góc độ
nghề nghiệp. Nhưng với các chính khách, đặc biệt khi chính khách ấy nắm giữ vai
trò lãnh đạo, cá tính lại được chú ý vì nó ảnh hưởng đến chính sách, từ đó, đến
đường lối chung, và cũng từ đó nữa, đến cả vận mệnh của đất nước.
Bên Thắng Cuộc hay, rất hay, nhưng cũng giống như mọi cuốn tường thuật
hay khẩu sử, nó là một cái gì dở dang. Nó là một khối quặng chưa được tinh chế.
Nó cung cấp cho người đọc cả hàng ngàn câu chuyện từ cả mấy trăm người kể khác
nhau để người đọc, hoặc các sử gia sau này, so sánh, diễn dịch, phân tích
và/hoặc tổng hợp lại để thành một bức tranh hoàn chỉnh hơn.
Ở trên (bài số 1), tôi có viết điều tôi thích nhất ở Bên Thắng Cuộc
tư liệu. Vậy điều kế tiếp? Đó là quan điểm. Một số người ở hải ngoại, chỉ nhìn
vào mấy dòng lý lịch trích ngang của Huy Đức, thấy anh đã từng là bộ đội, lại
là sĩ quan, đã lên tiếng phê phán và tố cáo anh, dù có khi chưa hề đọc trang
nào trong cuốn sách. Đó chỉ là một nhận định vội vã và đầy thành kiến. Trong
lời nói đầu tập “Giải phóng”, Huy Đức cho biết cuốn sách của anh là “công trình
của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật”. Dĩ nhiên, chúng ta biết, “sự thật” là
một khái niệm rất mơ hồ. Và tương đối. Nhưng cách hiểu về cái gọi là “sự thật”
ấy của Huy Đức, theo tôi, rất đơn giản nhưng chính xác: Chúng là những gì khác
hẳn với “những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền” ở
Việt Nam. Theo đuổi mục tiêu ấy, không thể nói lúc nào Huy Đức cũng thành công.
Đó là điều dễ hiểu. Ai cũng vậy thôi. Có điều tôi cho là đáng khen ngợi nhất ở
anh là anh có thiện chí và cố gắng.
Thiện chí và cố gắng ấy thể hiện ngay ở nhan đề cuốn sách: Bên Thắng Cuộc.
Tại sao không phải là “thắng trận” hay “chiến thắng” như hai cách nói khác
thông dụng hơn? Tôi nghĩ đó là một lựa chọn. “Thắng trận” chỉ thuần về quân sự.
Nhưng đề tài Huy Đức muốn trình bày không phải chỉ là quân sự. Còn “chiến
thắng”? Trong chữ “chiến thắng”, ngoài ý nghĩa “thắng”, còn có hai nét nghĩa
phụ khác, đi kèm, đến từ chữ “chiến”: chính nghĩa và vinh quang. Không ai dùng
chữ “chiến thắng” để nói về kẻ đi đánh lén người khác, chẳng hạn. Chữ “thắng
cuộc” hoàn toàn không có những hàm ý như thế. Đánh bài: thắng cuộc. Cá cược:
thắng cuộc. Dùng chữ “bên thắng cuộc”, Huy Đức, một mặt, tước bỏ các huyền
thoại chung quanh từ “chiến thắng” vốn thường được sử dụng, mặt khác, xem chiến
tranh, tự bản chất, như một ván bài về quyền lực. Vậy thôi. Trong ván bài, việc
thắng thua tuỳ thuộc may rủi chứ không dính dáng gì đến chuyện chính nghĩa hay
không chính nghĩa.
Trong tập “Quyền bính”, ở chương “XVII: Tam quyền không phân lập”, khi nói về
những sự thay đổi Hiến pháp ở Việt Nam, Huy Đức viết: “Hiến pháp 1992, vì thế,
đã không tiếp cận được những mô hình nhà nước tiến bộ để trở thành nền tảng cho
Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền.” (QB. 90) Xin lưu ý: chữ “tiến bộ” đằng
sau chữ “nhà nước” và đằng trước cụm từ “nhà nước pháp quyền” ở câu trên hoàn
toàn trái ngược với cách hiểu về chữ “tiến bộ” mà giới truyền thông Việt Nam
thường sử dụng.
Trong giới lãnh đạo Việt Nam, rõ ràng Huy Đức tỏ ra ưu ái đặc biệt với hai
người: Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt. Nhưng ngay cả như vậy, ở cả hai, Huy Đức
đều nhận thấy những khuyết điểm căn bản của họ: trung thành một cách dại dột.
Phê bình như thế, Huy Đức thấy được một vấn đề thuộc về bản chất của chế độ.
Bản chất được anh viết trong lời nói đầu tập “Quyền bính”: “Hệ thống chính trị,
trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.”
Nhưng nếu nó không có khả năng tự khắc phục sai lầm thì sao? Ai sẽ đảm nhận
trách nhiệm ấy? Câu trả lời nằm trong những điều Huy Đức chưa nói hết: Có thể
là bất cứ ai, nhưng chắc chắn là không phải từ “hệ thống”.
Đó chính là lý do chính khiến báo chí trong nước xúm vào đánh cuốn Bên Thắng
Cuộc
.
Dĩ nhiên, Bên Thắng Cuộc không tránh khỏi khuyết điểm. Chả có cuốn sách
nào không có khuyết điểm cả. Vấn đề chỉ là nhiều hay ít. Ở cuốn Bên Thắng
Cuộc
, theo tôi: Ít. Điều thú vị là, hầu hết các sai lầm của anh đều liên
quan đến văn học. Trong chương “XI: Campuchia” của tập “Giải phóng”, anh nhận
định: “Cảnh giác với người Trung Hoa là điều đã có từ trong máu người Việt Nam.
Nhưng, trong lịch sử nghìn năm kháng cự để tồn tại với ‘thiên triều’, chưa có
triều đại nào lại công khai xác định Trung Quốc là ‘kẻ thù truyền kiếp và lâu
dài’ trong các văn kiện chính thức như thời Tổng bí thư Lê Duẩn.” (GP, tr. 160).
Sai. Huy Đức quên trong Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi có câu
này: “Kẻ thế thù đâu thể đội trời chung”  (Niệm thế thù khởi khả cộng đái
/ 念 世讎 豈 可 共 戴).
Thế thù: Kẻ thù truyền kiếp. Trong “chương XII: Cởi trói” của cuốn “Quyền
bính”, nhân nhắc đến các dấu mốc lớn trong  lịch sử báo chí Việt Nam, anh
viết : “Thơ Mới, cuối thập niên 1930” (QB, tr. 11).  Sai. Thời điểm ra đời
của Thơ Mới là đầu chứ không phải cuối thập niên 1930. Trong vòng chưa tới 10
năm, Thơ Mới đã đi hết một chặng đường. Cũng trong chương ấy, anh trích bài
“Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật như sau: “Khói bom lên trời thành những vòng
đen / Và dưới mặt đất sinh ra bao vòng trắng / Tôi với bạn đi trong im lặng /
Khăn tang trên đầu như một số không” (QB, tr. 18). Sai nhiều chỗ. Nguyên văn
bài thơ ấy là:
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen

Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.

Ngay cả mấy câu thơ của Nguyễn Duy được trích làm đề từ cho cuốn sách cũng sai:
Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại.
Nguyên văn của Nguyễn Duy như sau:
Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát

đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người

Đá ơi

xin tạc lại đây lời cầu chúc hoà bình!

Nghĩ cho cùng

Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…

(In trong tập Quà tặng, nxb Văn Học, 1990, tr. 78)
“Nghĩ” khác với “suy”, “mọi” khác với “mỗi”, và “phe” khác với “bên”.
Cũng như “bên thắng cuộc” khác với “bên chiến thắng”.
Một điều cuối cùng: Không ít người cho chọn cách tiếp cận từ phía những người
thắng cuộc như Huy Đức là một chọn lựa đầy thiên vị, từ đó, bức tranh anh muốn
phác họa sẽ bị lệch lạc theo. Theo tôi, không đúng. Thứ nhất, trong mọi lịch
sử, những người “thắng cuộc” – xưa là vua chúa, sau này, giới cầm quyền – bao
giờ cũng nằm ở vị trí trung tâm, cần được nghiên cứu nhất, bởi chính họ, một
cách tích cực hay tiêu cực, quyết định diện mạo của một thời đại và số phận của
một dân tộc. Thứ hai, vấn đề không phải lệch lạc hay không. Vấn đề chỉ là ở mức
độ. Không có một cuốn sách nào, kể cả lịch sử, chính xác hoàn toàn. Thậm chí,
các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa còn hoài nghi cái gọi là lịch sử nói chung: Họ
xem lịch sử như một biểu hiện của đại tự sự (grand narrative), một tham vọng
đạt đến cái nhìn bao quát toàn bộ sự thật và thực tại: Với họ, đó là điều bất
khả. Hơn nữa, họ xem lịch sử bao giờ cũng gắn liền với một quan điểm và một góc
nhìn nhất định: lịch sử (history) là chuyện của ông-ấy, của một gã nào đó
(his-story). Chứ không có một lịch sử chung nhất cho mọi người.
Bên Thắng Cuộc là một tác phẩm hay nhưng dĩ nhiên, như mọi cuốn sách khác,
không hoàn hảo. Cái không hoàn hảo ấy cần được hoàn thiện dần dần. Bằng những
tác phẩm khác. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Và càng không đáng phản
đối.
***
Kỳ tới: Chân dung “bên thắng cuộc”
Chú thích: Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition”
của  Bên Thắng Cuộc.

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (1)

Bên Thắng Cuộc: Một cuốn sách hay (1)

Nguyễn Hưng Quốc

11.02.2013

nguồn: VOA

Tôi có cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức đã khá lâu nhưng mấy ngày vừa rồi mới có thì giờ để đọc. Ấn tượng chung: Thích.

Thích nhất là về tư liệu. Đã có nhiều người, Việt Nam cũng như ngoại quốc, viết
về Việt Nam sau năm 1975 nhưng có lẽ chưa có cuốn sách nào bao quát nhiều khía
cạnh và dồi dào tư liệu đến như vậy. Các cuốn sách khác, cho đến nay, dưới hình
thức hồi ký hay biên khảo, thường chỉ tập trung vào một lãnh vực và từ một góc
độ cụ thể nào đó. Bên Thắng Cuộc, ngược lại, hầu như đề cập đến mọi góc
cạnh lớn, từ quân sự đến chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ tổ chức
chính quyền tại Sài Gòn sau năm 1975 đến các chiến dịch đánh tư sản, các trại
cải tạo, phong trào vượt biên, các nỗ lực “xé rào” về kinh tế, chính sách đổi
mới, chiến tranh với Campuchia cũng như với Trung Quốc và các cuộc tranh giành
quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản. Ở từng vấn đề, Huy Đức đều nêu lên thật
nhiều chi tiết. Các chi tiết ấy thuộc hai loại chính: Một, lời kể của các chứng
nhân được thu lượm qua các cuộc phỏng vấn hoặc qua các hồi ký – đã hoặc chưa
xuất bản – của họ; và hai, các tài liệu đã được công bố đây đó, bằng tiếng Việt
cũng như bằng tiếng Anh. Nguồn tài liệu thứ nhất được Huy Đức thực hiện với tư
cách một nhà báo; nguồn thứ hai, với tư cách một nhà nghiên cứu. Tôi cho sự kết
hợp giữa hai tư cách này là mặt mạnh nhất của Huy Đức đồng thời cũng là ưu điểm
chính của cuốn Bên Thắng Cuộc: Thường, các nhà báo Việt Nam chỉ “tác
nghiệp” theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa, dựa trên những gì mình nghe kể hoặc
quan sát được; còn các nhà nghiên cứu thì lại thiếu thực tế, do đó, hoặc chỉ
xào nấu từ các cuốn sách khác hoặc phải sa vào tư biện, tệ hại hơn nữa là tư
biện kiểu Việt Nam: cứ lải nhải những luận điệu rặt mùi tuyên truyền, tức những
luận điệu ai cũng biết, hơn nữa, biết là sai.

Trong Bên Thắng Cuộc, nguồn tài liệu từ sách vở chỉ có tính chất bổ
sung, chủ yếu để cung cấp số liệu và mở rộng kích thước lịch sử, từ đó, tăng
tính thuyết phục cho những vấn đề được đề cập. Ví dụ, nói về cuộc họp mặt với
khoảng 100 văn nghệ sĩ tại Hà Nội của Nguyễn Văn Linh vào ngày 6 và 7
tháng 10 năm 1987, Huy Đức quay trở lại với thời Nhân Văn Giai Phẩm, hoặc xa
hơn nữa, thời Trường Chinh viết “Đề cương văn hóa” năm 1943, thậm chí, một
chút, về lịch sử báo chí Việt Nam trước đó. Nói về kinh tế thị trường (lần đầu
tiên được đưa vào các văn kiện Đảng là năm 1991), anh quay trở lại vấn đề “lược
sử kinh tế tư nhân” ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đặc biệt, đầu thế kỷ 20, dưới
thời Pháp thuộc. Nói về các chính sách đối với người Hoa vào những năm 1978-79,
anh quay lại quan hệ giữa Việt Nam (chủ yếu là miền Bắc) với Trung Quốc trong
Hiệp định Geneve năm 1954 cũng như trong suốt cuộc chiến tranh Nam Bắc thời
1954-75, bao gồm cả chuyện Hoàng Sa năm 1974, v.v.. Những tài liệu này, thật
ra, không mới, nhưng chúng được trình bày một cách gọn ghẽ, sáng sủa và mạch
lạc, làm cho vấn đề có thêm bề dày của lịch sử.

Nhưng mặt mạnh nhất của Huy Đức là ở tư cách nhà báo. Không những chỉ là người
làm báo lâu năm, anh còn có ba đặc điểm mà không phải nhà báo kỳ cựu nào cũng
có: Một, quan hệ rộng; hai, có tầm nhìn dài; và, ba, có cách làm việc khoa học.

Tôi gặp Huy Đức một lần ở Hà Nội, hình như là vào cuối năm 2002 hay đầu năm
2005 gì đó. Buổi sáng, tôi đang ngồi uống cà phê với nhà thơ Phan Huyền Thư và
nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì anh và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đến nhập bọn. Phạm Xuân Nguyên giới thiệu Huy Đức với tôi: “nhà báo, đang làm ở tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn”. Lúc ấy, Huy Đức chưa có Osin blog, chưa có các bài bình
luận chính trị được phổ biến rộng rãi trên internet, cho nên, thú thật, tôi
không hề biết anh, kể cả cái tên. Mà Huy Đức cũng rất ít nói. Hôm ấy, anh chỉ
ngồi nghe bọn tôi nói hươu nói vượn về chuyện văn chương và cười. Đến lúc Phạm
Xuân Nguyên đọc một số bài ca dao mới chế giễu giới lãnh đạo Việt Nam, trong
đó, có cả Hồ Chí Minh, cả bọn cười ngất, riêng Huy Đức thì lôi trong túi ra một
cuốn sổ tay nhỏ và đề nghị Nguyên đọc lại, chầm chậm, cho anh chép. Sau đó,
trong suốt buổi nói chuyện, cứ hễ bắt gặp một câu gì hay hay, một chi tiết gì
thú vị, anh lại lôi sổ tay ra chép. Cung cách làm việc của anh khiến tôi để ý.
Và nhớ mãi.

Nhiều người trong giới nhà báo có ưu điểm là biết rộng nhưng phần lớn lại mắc
phải khuyết điểm là sa đà trong các sự kiện có tính chất giai thoại vụn vặt,
cuối cùng, chỉ viết được những bài báo ngăn ngắn, đầy tính thời sự, để được đọc
ngày hôm trước và bị quên lãng ngay vào ngày hôm sau. Huy Đức, khi theo dõi và
ghi chép các tin tức hằng ngày, đã có tham vọng sử dụng cho một bức tranh toàn
cảnh về sinh hoạt chính trị Việt Nam thời anh đang sống. Cuốn Bên Thắng Cuộc,
gồm hai tập, “Giải phóng” và “Quyền bính”, như anh tiết lộ trong lời nói đầu,
được hình thành trong 20 năm, chính là kết quả của tham vọng ấy.

Không phải nhà báo nào cũng có quen biết nhiều, đặc biệt trong giới lãnh đạo,
như Huy Đức. Ở Việt Nam, để có được những quan hệ rộng rãi như thế, không những
cần có tính cách thích hợp (quảng giao) mà còn có cả yếu tố “nhân thân” nữa:
Sinh trưởng ở miền Bắc, vốn là sĩ quan, từng làm việc ở Campuchia với tư cách
chuyên gia quân sự trong hơn ba năm trước khi về làm báo, anh có đủ điều kiện
để được tin cậy. Chính vì thế, anh được báo Tuổi Trẻ giao trách nhiệm tường
thuật các kỳ họp Quốc Hội, ở đó, anh có thể, ở “những thời điểm nóng bỏng
nhất”, “vào tận phòng làm việc hỏi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan
Văn Khải” hoặc “đến nhà riêng, văn phòng làm việc của Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng
bí thư Lê Khả Phiêu… phỏng vấn”.  Trong “Mấy lời của tác giả”, anh cho
biết anh đã tiến hành “hàng ngàn cuộc phỏng vấn”; và theo “Lời cám ơn”, chúng
ta được biết, trong số những người được anh phỏng vấn, ngoài các tên tuổi nêu
trên, còn có Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh,
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội
Lê Quang Đạo, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, v.v.. Cả trăm người. Toàn những người lãnh đạo ở bậc cao nhất trong nước. Ngoài ra, anh còn phỏng vấn vợ họ, con họ và các
thư ký riêng của họ nữa.

Chắc chắn không có một nhà báo hay nhà biên khảo nào ở hải ngoại, kể cả người
ngoại quốc – vốn vừa ít bị nghi ngờ vừa được các trung tâm nghiên cứu lớn tài
trợ để có thể bỏ ra năm bảy năm thu thập tài liệu cho một cuốn sách – có thể
tiếp cận được đến chừng ấy người trong giới lãnh đạo Việt Nam. Ở trong nước,
làm được điều ấy, cũng không phải dễ. Nhìn từ góc độ xuất bản, có lẽ Huy Đức là
người đầu tiên. Điều này trở thành một thế mạnh đầu tiên của cuốn sách: Đó là
chuyện kể từ những người trong cuộc của “bên thắng cuộc”. Tính chất “trong
cuộc” ấy đã tạo nên những đặc trưng về thể loại và thẩm mỹ của cuốn sách.

Trong cái gọi là đặc trưng thẩm mỹ ấy, tôi chỉ xin tập trung vào một điểm: sự
hấp dẫn.

Phải nói ngay: hiếm có cuốn sách về chính trị nào hấp dẫn như cuốn Bên Thắng
Cuộc
. Điều đó có thể thấy qua những tiếng ồn nó gây ra trong mấy tháng vừa
qua. Lâu lắm rồi, giới cầm bút Việt Nam hầu như hoàn toàn bất lực trong việc
gây ồn. Hầu hết sách báo được xuất bản ở trong nước cũng như ở hải ngoại, đặc
biệt ở hải ngoại, đều rơi vào im lặng. Không phải chỉ là chuyện hay hay dở. Mà
chủ yếu ở tâm lý quần chúng: dửng dưng. Cuốn Bên Thắng Cuộc, ngược lại,
ngay từ lúc mới ra mắt ở hải ngoại, là đã gây ồn ào ngay. Kẻ bênh người chống,
bên nào cũng xôn xao và lên tiếng ỏm tỏi trên mọi diễn đàn, từ trên giấy đến
trên mạng. Những tiếng ồn ấy khiến cả những người chưa đọc cuốn sách, hoặc có
khi, không có ý định đọc cuốn sách, cũng quan tâm, thậm chí, như ở California,
xuống đường biểu tình đòi… đốt sách!

Bên Thắng Cuộc hấp dẫn thật. Đọc, chúng ta biết được rất nhiều
chuyện, từ những chuyện lớn liên quan đến chính sách đến những chuyện nhỏ, có
khi nhí nhách nữa, liên quan đến đời sống hàng ngày của một số người. Lớn, ví
dụ, những toan tính đằng sau các chính sách hay chiến dịch có ảnh hưởng đến
sinh mệnh cả hàng chục triệu người; những thay đổi trong tính cách của Lê Duẩn:
từ một cán bộ hay hy sinh cho người khác đến một lãnh tụ chuyên quyền và độc
đoán; trong thái độ của Trường Chinh: từ một người giáo điều và bảo thủ đến một
người đi đầu trong phong trào đổi mới; trong chủ trương của Nguyễn Văn Linh: từ
một người đổi mới đến một người phản-đối-mới. Cũng có thể xem là lớn mối quan
hệ giữa các lãnh tụ với nhau, như giữa Lê Duẩn với Hồ Chí Minh, Trường Chinh,
Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ; giữa Nguyễn Văn Linh với Võ Văn Kiệt, những chi
tiết liên quan đến cái chết của Đại tướng Lê Trọng Tấn vào tháng 12 năm 1986
vốn, theo lời Huy Đức, bị “lịch sử phi chính thống […] xếp vào hàng nghi án”
(“Giải phóng”- GP, tr. 151)… Còn nhỏ thì nhiều hơn, có khi lôi cuốn người đọc
hơn, chẳng hạn, chuyện vào ngày 30/4/1975, trong Dinh Độc Lập không hề có chiếc
máy ghi âm nào để thu lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh (GP, tr. 23);
chuyện các sĩ quan Bắc Việt đầu tiên vào chiếm Dinh không dám bước vào thang
máy vì thấy nó giống cái… hòm và họ sợ bị nhốt luôn trong đó (GP, tr. 22);
chuyện khuya ngày 5/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị mệt, được đưa vào

bệnh viện Quân y 108 để cấp cứu, nhưng vừa đến nơi thì ông “phát ra một tiếng
kêu ‘ặc’ rồi mặt và toàn thân tím ngắt”; mấy tiếng đồng hô sau, ông mất…
(“Quyền bính” – QB, tr. 64) Có một số chuyện không biết là lớn hay nhỏ, như
chuyện khi Hiệp định Geneva được ký kết, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn
Bắc Việt, không hề biết sông Bến Hải nằm ở đâu (vì tất cả đều đã được Trung
Quốc quyết định giùm!) (GP, tr. 52); chuyện Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước, vốn
là thợ cơ khí, nhiều lúc rảnh và buồn quá, lật “chiếc xe đạp của ông ra sửa để
giết thời gian” (GP, tr. 120); chuyện Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng,
biết trước vụ tổng tấn công hồi Tết Mậu thân chỉ có một ngày (QB, tr. 67);
chuyện khi đón tiếp Tổng thổng Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm
2000, “Bộ Chính trị đã thống nhất là không được cười” (QB, tr. 137), v.v..

Nhiều chuyện có thể đã được người này người nọ kể đâu đó rồi. Nhưng theo chỗ
tôi biết, chưa có nơi nào các chuyện thuộc loại ấy được tập trung với mật độ
dày đặc như trong cuốn Bên Thắng Cuộc. Trang nào cũng đầy ắp chi tiết.
Có những chi tiết không dễ gì tìm được ở những nơi khác, ví dụ: Ở Sài Gòn,
trước tháng 4/1975, có bao nhiêu đảng viên Cộng sản nằm vùng? – 735 người! (GP,
tr. 27) Cũng ở Sài Gòn, sau tháng 4/1975, có bao nhiêu người ra trình diện để
“được đi học tập cải tạo”? – Có 443.360 người, trong đó, có 28 tướng, 362 đại
tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát,
1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền,
và 9.306 người trong các đảng phái bị xem là “phản động’ (GP, tr. 29),
v.v..(Còn tiếp)

***

Chú thích: Số trang trong phần chú thích ghi theo bản “Smashworlds Edition” của
Bên Thắng Cuộc.

 

Biến đá cuội thành tác phẩm độc đáo

Biến đá cuội thành tác phẩm độc đáo

(Dân trí) – Đá cuội ở sông suối không phải là thứ xa lạ đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, khi xem những viên đá cuội đã được nữ họa sĩ Ernestina Gallina “thổi hồn”, chắc chắn người xem không khỏi thán phục.

Biến đá cuội thành tác phẩm độc đáo

Họa sĩ Ernestina Gallina đến từ Cenestino, nước Ý từ khi còn là một đứa trẻ đã biết
cách biến những vật tầm thường thành những vật độc đáo lạ mắt. Lúc nhỏ, bà
Gallina rất đam mê lĩnh vực hội họa, thiết kế. Tuy nhiên, do gia đình Gallina
không ủng hộ sự lựa chọn này của bà cho nên bà không có cơ hội để phát triển kỹ
năng của mình cũng như đăng ký tham gia học tập tại bất kỳ trường nghệ thuật
chính thống. Bà chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật của mình như là một thú vui
giải trí.

 

Biến đá cuội thành tác phẩm độc đáo

Năm 1987, bà cùng với gia đình chuyển đến thành phố Nairobi, ở Kenya để sinh sống. Tại đây sự nghiệp hội họa của bà được thăng hoa. Gallina kể lại, vào một hôm tại
thư viện, vô tình bà đã vấp phải một cuốn sách được trưng bày trên những bức
tranh đá. Từ hôm đó bà bắt đầu suy nghĩ về cách biến những viên đá cuội bình
thường ở sông suối thành những tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là điểm mấu chốt
giúp bà kết hợp và phát huy được niềm đam mê nghệ thuật cùng với tình yêu thiên
nhiên đất trời. Kể từ đó, bà đến với nghệ thuật vẽ tranh trên đá như một điều
tất yếu và không bao giờ ngừng lại được.

Sau 3 năm làm quen với công việc vẽ tranh trên đá, bà Ernestina Gallina đã có thể dạy lại những bí quyết vẽ tranh trên đá cho nhiều học viên, đến năm 2003 bà đã thành lập câu lạc bộ vẽ trên đá đầu tiên tại Ý.

Chiêm ngưỡng một số tác phẩm của bà Ernestina Gallina:An TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn TửAn Tử

Muốn hạnh phúc, hãy tắt điện thoại

Muốn hạnh phúc, hãy tắt điện thoại

Bí quyết để luôn hạnh phúc là hãy tắt điện thoại di động và quan tâm đến bạn bè cũng như gia đình.

Giáo sư Paul Dolan, thuộc trường kinh tế London (Anh), tin rằng sự phổ biển của iPhone và các điện thoại thông minh khác khiến mọi người ít quan tâm hơn tới những người người thân và bạn bè của họ. Ông cảnh báo rằng nếu mọi người không thay đổi cách ứng xử hiện nay, họ có thể mắc bệnh tâm thần.

Sự phổ biến của các loại điện thoại thông minh khiến  mọi người ít quan tâm hơn tới người thân và bạn bè.

Sự phổ biến của các loại điện thoại thông minh khiến mọi người ít quan tâm hơn tới người thân và bạn bè.

Phát biểu tại sự kiện Hay Festival ở Cartagena (Colombia), giáo sư Paul Dolan cũng cảnh báo hội chứng nghiện Internet và hội chứng Phantom Vibration Syndrome (PVS) trở nên phổ biển trong giới trẻ. Hội chứng PVS xảy ra khi bạn có điện thoại di động trong túi và nghĩ rằng mình có tin nhắn, nhưng không phải.

“Hãy chú ý tới những gì bạn đang làm và những người đồng nghiệp của mình. Thay vì thường xuyên kiểm ra điện thoại và email, bạn hãy tắt điện thoại, nói chuyện và đi chơi cùng bạn bè và những người thân. Bởi vì những thói quen này giúp bạn hạnh phúc hơn”, giáo sư Paul Dolan cho biết.

Ông Paul Dolan cho biết giải pháp để duy trì cuộc sống luôn vui vẻ là tạo ra một số thay đổi trong môi trường mọi người sử dụng điện thoại di động. Ví dụ, trong một bữa ăn, bạn hãy để điện thoại di động tại bàn sau khi sử dụng và nói chuyện vui vẻ với mọi
người.

Khi nói về hạnh phúc, ông Paul Dolan cũng đưa ra một nghiên cứu khoa học cho thấy những người lập gia đình và theo tôn giáo hạnh phúc hơn những người độc thân
hay không theo tôn giáo nào
. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng cuộc sống
hạnh phúc của các cặp vợ chồng tương đối ngắn chỉ kéo dài khoảng 3 năm, nếu các
mẫu thuẫn vợ chồng không được giải quyết.

Giáo sư Paul Dolan cũng cho biết những người giàu có thường ít cảm thấy hạnh phúc. Một cuộc khảo sát gần đây đã đánh Columbia là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, cho dù thu nhập bình quân theo đầu người của nước này chỉ là 5.000 bảng/năm.

Gọi điện thoại cũng bị ảnh hưởng do thời tiết

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Chó mòn mỏi đợi chủ

Sau khi chủ đã chết. Chó ngồi đợi chủ ở nhà thờ

Sau khi chủ nhân qua đời, chú chó Tommy ở Ý vẫn kiên trì ngồi đợi chủ ở nhà thờ và câu chuyện này đã khiến không ít người cảm động.

Chú chó Tommy ở nhà thờ

Chú chó Tommy ở nhà thờ

Khi tiếng chuông nhà thờ rung lên trong tang lễ của bà Maria Margherita Lochi vào tháng 11 vừa qua, chú chó Tommy đã chạy vào bên trong nhà thờ, đến bên cạnh quan tài bà Lochi trong giây phút cuối cùng nó được ở bên cạnh chủ.

Khi còn sống, bà Lochi đã mang Tommy về nhà nuôi sau khi phát hiện nó bị bỏ rơi ở một cánh đồng gần nhà tại Brindisi, miền nam nước Ý. Từ khi được bà Lochi nuôi dưỡng, Tommy đã trở thành một người bạn đồng hành trung thành nhất của bà Lochi.

Chú chó Tommy ở nhà thờ

Cha xứ Donato Panna nói: “Tommy luôn xuất hiện ở đây mỗi khi nhà thờ có lễ, nó rất ngoan ngoãn và biết nghe lời. Tommy cũng không bao giờ làm ồn, thậm chí tôi chưa bao giờ nghe thấy một tiếng sủa của nó từ khi nó xuất hiện ở đây.

Nó thường đến nhà thờ để trông ngóng bà Lochi dù bà ấy đã chết. Tôi đã để cho Tommy ngồi bên trong bởi vì nó rất ngoan, mọi người cũng không ai phàn nàn gì về sự xuất hiện của Tommy tại nhà thờ”.

Chú chó Tommy ở nhà thờ

Tommy là một giống chó Đức được bà Lochi nuôi từ nhỏ. Kể từ khi bà Lochi qua đời, những người dân trong làng đã thay nhau chăm sóc nó.

“Tommy đã được người dân trong làng nuôi dưỡng, và giờ đây nói đã trở thành bạn của tất cả mọi người. Mọi người thay nhau chăm lo, cơm nước cho Tommy. Nó vẫn thường đến nhà thờ kể sau đám tang của bà Lochi. Tommy đến và chỉ ngồi một cách lặng yên ở đó, có lẽ nó đang trông ngóng bà Lochi trở về”, cha Panna cho biết thêm.

Anh Nguyễn v Thập gởi

6 bức ảnh về tình yêu thương được “like” nhiều nhất tuần qua

6 bức ảnh về tình yêu thương được “like” nhiều nhất tuần qua

 

Những bức ảnh chia sẻ những câu chuyện xúc động trong cuộc sống, hay đơn giản chỉ là một cảm nhận về con người, tình yêu thương… đã khiến hàng ngàn trái tim thổn thức.

“Cảm ơn những người làm cha đã vất vả nuôi chúng con khôn lớn. Cảm ơn Cha
Mẹ vì tất cả mọi thứ”.

“Đây là một đám cưới rất đặc biệt vì cô dâu và chú rễ bị khiếm thị và chỉ
có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nhau bằng con tim. Dành tặng 1 like chúc mừng
anh chị trăm năm hạnh phúc nhé”. Tình yêu của cặp vợ chồng khiếm thị được
cộng đồng mạng cảm phục, và hàng nghìn lời chúc hạnh phúc được gửi tới cặp đôi
này.

“Vượt lên số phận” là lời đề tựa cho bức tranh. Cảm phục trước nghị lực phi thường của người đàn ông tàn tật vượt lên số phận, thành viên mạng facebook đã dành tới hơn 15,000 lượt like cho bức ảnh này.

9,453 lượt like dành cho bức ảnh sau 5 giờ đăng tải. Với lời chú thích “Cuộc sống còn cần hơn nữa tình yêu thương” là thông điệp bức tranh gửi đến mọi người.

Bức hình đi kèm với bài thơ “Lời mẹ yêu” khiến hàng ngàn thành viên mạng xúc động và đồng cảm.

“Cha không hoàn hảo, nhưng cha luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất”. Bức tranh nói về tình cảm cha con khiến hơn 5,000 trái tim thổn thức.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi