Hạ viện Mỹ thông qua dự luật để sửa đổi đạo luật y tế

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật để sửa đổi đạo luật y tế

Dân biểu Raul Labrador (thứ 2 từ trái) và các thành viên của Hạ viện rời Điện Capitol sau khi bỏ phiếu về dự luật mới, 15/11/2013

Dân biểu Raul Labrador (thứ 2 từ trái) và các thành viên của Hạ viện rời Điện Capitol sau khi bỏ phiếu về dự luật mới, 15/11/2013

16.11.2013

Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật để làm yếu đi một bộ phận then chốt của đạo luật mới về chăm sóc sức khỏe, với sự hậu thuẫn của phe đa số thuộc đảng Cộng hòa cùng với một số thành viên trong đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama.

Hôm qua, 39 dân biểu thuộc đảng Dân chủ đã ngã về phía Cộng hòa để bỏ phiếu tán thành dự luật nhằm cho phép các công ty bảo hiểm sức khỏe bán những chương trình bảo hiểm không thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của luật Obamacare.

Hiện chưa rõ Thượng viện sẽ quyết định như thế nào về dự luật này và Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama sẽ phủ quyết nếu dự luật được Quốc hội thông qua.

Tòa Bạch Ốc đang phải đối mặt với sự chỉ trích kịch liệt của hàng triệu người bị mất bảo hiểm vào ngày 1 tháng 1 tới đây vì luật Obamacare, mặc dù ông Obama đã hứa hẹn với cử tri là họ có thể giữ chương trình bảo hiểm của họ nếu họ muốn.

Hôm qua, ông Obama đã thảo luận với các viên giám đốc của các công ty bảo hiểm trong một cuộc họp mà Tòa Bạch Ốc gọi là một “phiên họp động não” (brainstorming session).

Lá thư gởi con trai

Lá thư gởi con trai
November 10, 2013


Tác giả: 35-015

nguoi-viet.com

Gởi Alex, con trai của má,

Hôm nay con đi thi bằng lái xe, má chúc con gặp nhiều may mắn trong kỳ thi này, con nhé! Thời gian gần đây, nhiều chuyện không vui xảy đến với con. Thấy con buồn, má cũng buồn lây, ngoài việc an ủi con, mong sao cho con sớm được nguôi ngoay, má không biết phải làm gì hơn.

Con ơi, con đang chập chững bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời. Bắt đầu từ đây, sẽ có nhiều việc đòi hỏi con phải tự suy nghĩ, tự quyết định, và tự vạch hướng đi cho tương lai của con. Cuộc đời của mỗi người được ví như một chiếc thuyền lênh đênh trên biển, và người thuyền trưởng điều khiển chiếc thuyền không ai khác hơn là chính bản thân người đó. Ðể có thể vượt qua những sóng gió, những nguy hiểm, dẫn dắt con thuyền về đến bến bờ một cách bình yên, người thuyền trưởng phải tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, nghị lực, và lòng tự tin.


Con biết không, con đường hai mươi năm lập nghiệp của gia đình mình trên nước Mỹ là một con đường nhiều chông gai. Những gì mình có được ngày hôm nay là thành quả của những ngày tháng gia đình mình đã chịu cực, chịu khó để đi học, đi làm. Những thành quả đó còn được đánh đổi bằng sự xa cách người thân, bằng sự hy sinh của cha mẹ dành cho con, và bằng những giọt nước mắt khóc xa gia đình, xa quê hương của những thành viên trong gia đình mình nữa, con à!

Cách đây hơn hai mươi năm, được sự bảo trợ của cậu, gia đình mình được qua Mỹ định cư. Bước chân lên máy bay ngày đó, trong lòng người nào cũng chất ngất những mối âu lo. Hai mươi bốn giờ đồng hồ trên hai chuyến bay trôi qua thật chậm, như cho mọi người có thêm chút thời gian để gói ghém lại những chuỗi ngày kỷ niệm, để tạm gác qua những ưu tư buồn phiền, và để chuẩn bị cho những thử thách đang đợi chờ phía trước.

Ngày đó, cậu mới học ra trường, sự nghiệp chỉ mới bắt đầu, nhà cậu lại vừa bị cướp. Nhà mình qua Mỹ ngay vào thời điểm cậu đang gặp khó khăn về kinh tế. Không còn cách nào khác, cả nhà phải lao ngay vào tìm cho mình một công việc làm để có tiền sinh sống. Cũng may, vào thời bấy giờ, cộng đồng người Việt nơi gia đình mình cư ngụ, đang phát triển mạnh. Nhiều hãng xưởng, siêu thị đã có người Việt nam làm chủ, những dịch vụ truyền thông báo chí được đăng bằng tiếng Việt. Nhờ vậy mà gia đình mình đã có thể tìm được một việc làm tạm, mà không bị vấn để Anh ngữ làm trở ngại. Công việc làm đầu tiên của gia đình mình trên nước Mỹ là may đồ công nghiệp.

Lúc mình mới qua, lần đầu tiên mọi người nhìn thấy tờ báo Người Việt, do người Việt Nam làm chủ, ai cũng hết sức ngạc nhiên, vì không ngờ rằng ở Mỹ mà vẫn có thể tìm được một tờ báo đăng toàn chữ Việt. Khi đọc đến mục rao vặt, má thật mừng khi biết nhiều shop may gần nhà đang cần thêm thợ. Nhưng cũng lo lắm, vì khi còn ở Việt nam, mặc dù được ông bà Ngoại cho học may và may đồ cho cả nhà mặc, má chưa khi nào mở tiệm để may đồ kiếm tiền.

Vài ngày sau đó, cậu xin nghỉ làm một buổi chiều, lái chiếc xe hơi cà tàng của cậu, đưa cả nhà mình lên shop xin lãnh đồ về may. Ði lãnh đồ may mà tâm trạng người nào cũng phấn khởi, hồi hộp, như lúc mình còn ở bên Việt nam, được đi lãnh hàng do cậu gởi từ Mỹ về vậy. Khi cả nhà bước vào shop may, bà chủ shop may hỏi:

-May được bao lâu rồi?

Sợ rằng nếu nói thật là mình mới qua thì họ không dám đưa đồ về may, cho nên cậu con trả lời:

-Dạ, một năm rồi!

Bà chủ e dè hỏi lại:

-Mới có một năm hả?

Má lầm thầm trong bụng, “Ui trời! Một năm mà mới cái nỗi gì!” Cũng may cậu nói một năm, chứ như lúc nào cũng “Honesty is the best policy” (Thật thà là thượng sách) thì chắc nhà mình về nhà húp cháo nữa! Nhưng hỏi thì hỏi, bà chủ cũng cho đem đồ về may. Vậy là kể từ hôm đó, cả nhà mình từ trên xuống dưới đều trở thành những thợ may bất đắc dĩ!

Vào những năm đầu của thậạp niên chín mươi, đa số người Việt ở vùng Nam Californa đều sống bằng nghề may. Công việc may đồ này cực lắm, con à! Bởi vậy những người trên shop may ưa nói đùa với nhau:

“Ai ơi đừng lấy thợ may
Lưng khòm, bụng bự, đít chai, mắt mờ!”

Mà làm sao mắt không mờ, lưng không khòm khi phải ngồi ở bàn máy may từ sáng sớm đến khuya lắc khuya lơ, đầu tóc quần áo lúc nào cũng phủ đầy bụi vải, tiền kiếm được chỉ là hai ba chục đồng một ngày, trong khi thời gian bỏ ra là mười lăm mười sáu tiếng đồng hồ. Chưa kể lúc gặp người kiểm hàng khó, bắt mình đem nguyên lô áo cả ngàn cái về nhà tháo ra may lại. Những lúc như vậy, mấy ngày công cả nhà mình bỏ ra coi như mất trắng. Má và mấy dì cậu còn trẻ chịu cực đã đành, chỉ tội nghiệp cho ông bà Ngoại, phần thì ngồi cong lưng may cả ngày, phần thì buồn thương cho những đứa con mới qua Mỹ phải chịu cực chịu khổ, phần thì nhớ những đứa con cháu còn lại bên Việt nam, tóc bạc của ông bà Ngoại mỗi ngày một nhiều thêm.

Nhưng mất cái này được cái kia. Nghề may tuy vất vả nhưng không đòi hỏi người thợ phải đi làm đúng giờ về đúng giấc, vì may cái nào tính tiền cái đó, miễn sao đừng giao hàng trễ ngày. Vì vậy mấy anh em má có thể sắp xếp thời gian để vừa may vừa đi học. Những em nhỏ chừng bảy tám tuổi, sau khi tan trường về, ở nhà giúp ba mẹ làm những công việc lặt vặt như lộn túi áo, cổ áo, cắt chỉ, vân vân. Nhiều gia đình người Việạt Nam, sau vài năm làm nghề may, đã mua được nhà, con cái học thành bác sĩ, kỹ sư. Tất cả là nhờ vào bản tính chịu cực chịu khó của người Việt Nam mình đó con!

Thật cám ơn tờ báo Người Việt và nghề may thời đó, nhờ họ mà gia đình mình đã có được một công ăn việc làm ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, và cũng nhờ đó mà mấy anh em má được có cơ hội trở lại trường học.

Sống và lớn lên ở Mỹ, chắc con cũng đồng ý với má là nước Mỹ tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người dân có cơ hội đến trường. Có lẽ chưa khi nào con nghe nói về chuyện học sinh dưới mười tám tuổi phải nghỉ học ở nhà vì cha mẹ không có tiền đóng tiền trường hoặc nghỉ học để phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Ở đây, những học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp còn được miễn tiền ăn sáng và ăn trưa. Học sinh nào học yếu được nhà trường kèm thêm ngoài giờ, không nhất thiết phải tốn tiền đi học thêm. Chương trình học ở Mỹ không quá căng thằng, các con có thể vừa hoàn thành việc học ở trường, vừa có thời gian vui chơi, hoặc tham gia những hoạt động ngoài giờ học như thể thao, hướng đạo.

Vào đại học bên Mỹ không gay go như vào đại học bên Việt nam. Lý do là vì đại đa số trường đại học cộng đồng ở đây không đòi hỏi học sinh phải trải qua một kỳ thi đại học một đậu chín rớt mới có thể vào được. Má nhớ hồi xưa, học sinh đi thi đại học thường nghêu ngao đọc bài thơ con cóc:

“Giám thị nhìn em giám thị cười
Em nhìn giám thị lệ tuôn rơi
Cổng trường đại học cao vời vợi
Mười người leo, chín người rớt rồi!”

Nếu không được qua Mỹ định cư, có lẽ con đường học vấn của má đã không thành, cuộc sống của má có thể cũng bấp bênh như bao nhiêu người nghèo còn đang sống bên Việt Nam.

Nhờ được ông bà Ngoại cho học tiếng Anh khi còn ở Việt nam, đến khi qua Mỹ được tiếp tục sống chung với ông bà Ngoại, má có được mọi điều kiện thuận lợi để đi học trở lại. Lúc đang học ở đại học cộng đồng được hơn một năm, má lập gia đình về sống với ba con, bà Nội và cô. Hành trang má mang theo là lời dặn dò từ ông bà Ngoại phải ráng học để có bằng cấp, đi ra ngoài làm việc, ăn mặc đẹp với người ta. Nghe lời ông bà Ngoại, về nhà ba con hôm trước, hôm sau má đã vô trường nộp đơn xin học, không bỏ một ngày nào. Khi má mang thai con, cái thai hành má lắm, bởi vậy mỗi khi vào lớp học, má thường tìm dãy ghế chót, bên cạnh cửa ra vô để ngồi, để khi bị buồn nôn thì má có thể chạy kịp vô nhà vệ sinh. Sau khi con ra đời, má nghỉ tạm một mùa học để ở nhà chăm sóc con. Ðó cũng là lúc má vừa hoàn tất chương trình học hai năm và chuẩn bị chuyển lên trường đại học.

Hai năm ở trường đại học là thời gian má vất vả nhất trong suốt hơn hai mươi năm ở Mỹ. Mỗi ngày, năm giờ sáng, má chở con, lúc đó mới sáu tháng tuổi, đến nhà bà Lan nhờ bà trông chừng con, sau đó má đi làm. Ðến mười giờ má vô trường học, học về ghé rước con, lo cơm nước, dỗ con ngủ. Sau khi con yên giấc, má mới yên tâm ngồi vào bàn học bài. Mặc dù vất vả như vậy, trong suốt thời gian đi học, má chưa khi nào có ý định bỏ cuộc. Ngày má ra trường, ông bà Ngoại và gia đình mấy cậu dì qua dự lễ. Má vui lắm, cảm động lắm! Bồng con trên tay chụp hình lúc ra trường, bao nhiêu niềm vui sướng hạnh phúc cứ dồn về. Trong lúc làm lễ ra trường, nhìn những người lên lãnh bằng thạc sĩ, má ước mơ có một ngày mình cũng nhận được tấm bằng thạc sĩ đó. Nhờ có ba và hai con phụ má việc nhà để má có thời gian học hành, vài năm sau đó, má cũng đã đạt được ước mơ của mình.

Trong vấn đề học tập, sự động viên và khuyến khích của gia đình đóng một vai trò rất quan trọng, con à! Má may mắn có được gia đình lúc nào cũng ủng hộ việc học của má. Má sẽ noi theo gương đó, sẽ luôn ủng hộ và giúp đỡ các con trên bước đường học vấn. Má cũng hy vọng những ai được may mắn qua Mỹ sẽ cố gắng hết khả năng của mình để đi học cho có bằng cấp. “Kiến thức là một nguồn vốn mà đi buôn không bao giờ sợ lỗ”, câu nói này từ một người bạn của má, mà mỗi khi suy ngẫm, má đều thấy điều đó đúng vô cùng.

Ðối với việc chọn ngành nghề, những ai không bị trở ngại về Anh ngữ, như con và em của con, có thể theo đuổi bất cứ ngành nghề nào mà họ yêu thích. Còn đối với những người lớn lên ở Việt nam, khi vào học ở Mỹ, vấn đề nghe và nói tiếng Anh luôn là một trở ngại lớn. Lựa chọn những ngành nghề nào ít sử dụng kỹ năng nói trong công việc, học mau ra trường, có nhiều cơ hội tìm được việc làm để có tiền giúp đỡ gia đình là con đường mà nhiều người Việt nam mình đã lựa chọn và đi theo.

Như con đã biết, bằng cử nhân ở Mỹ đỏi hỏi thời gian học trung bình là bốn năm, nếu học toàn thời gian, một mùa con phải học mười lăm hoặc hoặc mười sáu unit. Người nào liên tục đổi ngành, hoặc vừa học vừa chơi, học một mùa chỉ vài unit, hoặc học đứt đoạn thì ngày tốt nghiệp, ngoài việc được trao cho tấm bằng đại học, còn được tặng thêm cây gậy và lá đơn để chống đi xin tiền già! Má tin rằng con của má sẽ không vướng vào con đường này!

Thỉnh thoảng con và em con hỏi má về chuyện xin việc làm ở Mỹ. Ở trường má học hồi xưa, mỗi năm đều có những công ty đến để phỏng vấn những sinh viên sắp ra trường. Hầu hết sinh viên đều mượn cơ hội này để ghi danh phỏng vấn tìm việc làm. Sinh viên đậu phỏng vấn sẽ được ký hợp đồng và có thể bắt đầu làm việc ngay sau khi ra trường. Trường của má vào những tuần lễ này vui lắm, sinh viên đi học mặc đồ đẹp, giống như những người làm việc chuyên nghiệp. Những sinh viên Mỹ trắng cao ráo đang học năm thứ ba, sau khi phỏng vấn vài lần đã có công ty ký hợp đồng mướn, còn những sinh viên nói tiếng Anh không rành hoặc học không giỏi thì sau khi tốt nghiệp, vẫn còn phải đọc báo tìm việc làm.

Trong vấn đề xin việc làm ở Mỹ, có thể nói hay không bằng hên. Khi con may mắn nộp đơn vào được những công ty đang cần người gấp, thì cho dù cho con không có nhiều kinh nghiệm, công ty vẫn mướn con, chỉ cần con tỏ ra nhiệt tình, chứng mình cho họ thấy là con thích làm và con sẽ sẵn sàng học hỏi thêm. Ðến khi con đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc thì vấn đề xin việc sẽ được dễ dàng hơn. Thêm vào đó, khi đi xin việc, nếu con nắm vững ưu thế thì con có thể đưa ra những điều kiện như điều chỉnh giờ giấc làm việc theo thời khóa biểu của con, hoặc xin thêm ngày phép. Ðể được như vậy, con cần phải giỏi và làm được việc, đem lại lợi ích cho công ty.

Những chỗ má làm xưa nay, không có chuyện cấp dưới nịnh hót cấp trên. Mặc dù chuyện phe đảng nơi công sở là có xảy ra, nhưng không lộ liễu. Những người có quen biết rộng bao giờ cũng có ưu thế hơn trong vấn đề tìm việc làm và thăng chức. Việc này có lẽ ở đâu cũng vậy. Mặc dù nước Mỹ là một nước tự do bình đẳng, nhưng sống trong đất nước đó vẫn là những con người bình thường như bao nhiêu người khác, tính tham sân si là không thể không tránh khỏi. Nhưng nếu con là người hoạt bát cởi mở, chịu khó làm việc thì đi đến đâu cũng sẽ được nhiều người quý mến.

Má may mắn được qua Mỹ lúc còn ở độ tuổi đến trường, được tiếp nhận nền học vấn của Mỹ, được đi làm cho công ty của Mỹ. Các con của má được sống trong một đất nước tự do với những điều kiện tốt nhất, ông bà Ngoại được chính phủ lo về đời sống và sức khỏe. Ðối với má, tất cả đã quá đủ, má không còn gì để đòi hỏi thêm nữa. Má luôn biết ơn nước Mỹ, biết ơn những người đi trước, và luôn thầm cám ơn sự giúp đỡ từ những người thân và bạn bè đã giúp gia đình mình trong suốt thời gian đầu mới qua Mỹ.

Con trai của má, qua câu chuyện về cuộc hành trình lập nghiệp của gia đình mình, má muốn con hiểu được một điều là trên đời này, việc gì cũng có cái giá của nó. Muốn được thành công thì mình phải nỗ lực. Những điều tốt đẹp không tự nhiên đến với mình, mình phải biết tận dụng cơ hôi, biết tạo dựng, và biết giữ gìn. Ðã đến giờ con vào thi rồi, hãy cố gắng lên con nhé! Trên con đường đời đang mở rộng phía trước, con sẽ còn trải qua rất nhiều kỳ thi. Kỳ thi càng cam go bao nhiêu thì nó sẽ càng giúp cho con có thêm bản lãnh, thêm nghị lực, và thêm lòng tự tin bấy nhiêu. Nhưng dù ở bất kỳ cuộc thi nào, con đều hãy nhớ rằng, ba má luôn ở bên cạnh con để giúp đỡ con , ủng hộ con, và cầu chúc may mắn cho con.

Má của con

Người việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự công bằng

Người việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự
công bằng

httpv://www.youtube.com/watch?v=wux_RlMcRRs

Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, giành giựt, của hàng nghìn người để thưởng thức sushi
miễn phí tại một cửa hàng mới khai trương tại Hà Nội; hay cảnh các bạn rẻ xô đẩy
để giành lấy phần quà về mình tại trung tâm hội nghị triển lãm tại TP.HCM vừa
qua đã khiến nhiều người dân bức xúc, đa số lắc đầu ngán ngẩm
.

Điều kỳ diệu của tạo hóa

Điều kỳ diệu của tạo hóa

Con người, có lẽ chính là kiệt tác nghệ thuật hoàn hảo nhất của tạo hóa. Mỗi cá nhân chúng ta lại là một bản thể riêng biệt, không giống bất kỳ ai.

.

Trẻ em chính là món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa ban tặng cho cuộc sống này. Là trái ngọt cho tình yêu của người cha & người mẹ. Mỗi đứa trẻ giống như một công trình khoa học đồ sộ. Điều khác biệt là trong “dự án” này, sai sót là điều không bao giờ được phép xảy ra. Bạn đã bao giờ tự hỏi, trẻ em được hình thành như thế nào? Hay chính xác hơn là bạn được hình thành như thế nào? Đoạn clip dưới đây sẽ trả lời câu hỏi đó cho bạn.

httpv://www.youtube.com/watch?v=Ah_RGa8-J0A

Hàng ngàn thanh niên Hà nội xô đẩy giành ăn sushi miễn phí gây sốc cộng đồng mạng!

Hàng ngàn thanh niên Hà nội xô đẩy giành ăn sushi miễn phí gây sốc cộng đồng mạng!


Đỗ văn Hiền

10/28/2013

Tương lai đất nước và dân tộc Việt Nam rồi sẽ đi về đâu?
Xem hình và vài bài viết này mà thấy nhục nhã do dân mình… Thanh niên sinh viên dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam, đi biểu tình chống TC thì không dám đi, nhưng đi giành ăn miễn phí thì hăng say như thế này, hỏi rằng tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu???. Phải chăng đây là kết quả của 38 năm dước nền giáo dục Cộng Sản Việt Nam? Xem giới trẻ bây giờ như thế này có nhục không!!!


Hàng ngàn thanh niên Hà nội xô đẩy giành ăn sushi miễn phí gây sốc cộng đồng mạng!

Cảnh tượng các bạn chen lấn xô đẩy nhau quả thật hãi hùng. Có nhất thiết vì miếng ăn mà các bạn phải chen lấn xô đẩy, thậm chí chửi bới dọa nạt nhau thế này không?

HÀ NỘI – Ngày 24/10/2013, hàng nghìn người chen lấn xô đẩy nhau để được thưởng thức sushi miễn phí tại một cửa hàng mới mở tại Hà Nội khiến dân mạng bức xúc. Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy lẫn nhau để giành phần ăn diễn ra hàng giờ liền trên con phố Đoàn Trần Nghiệp khiến cho giao thông tắc nghẽn. Nhiều người đi qua nhìn thấy cảnh tượng trên đã lắc đầu ngán ngẩm trước sự “hy sinh vì miếng ăn” của các bạn trẻ.

Bức ảnh chụp lại vụ việc này do một bạn trẻ có nick Jenny tung lên, khiến nhiều dân mạng lên tiếng bức xúc.

Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để giành ăn sushi miễn phí tại Hà Nội. Ảnh:Jenny

Bạn đọc Minh Thành, sinh viên Học viện Ngân hàng, người tự nhận có mặt tại buổi phát sushi miễn phí nói: “Mình tò mò nên đến để xem nhưng nhìn cảnh các bạn chen lấn xô đẩy nhau quả thật hãi hùng, không dám vào nữa. Có nhất thiết vì miếng ăn mà các bạn phải chen lấn xô đẩy, thậm chí chửi bới dọa nạt nhau thế này không?”.

Bác Vũ Tiến Đông, sống ở khu phố gần đó hài hước: “Bác không được sống ở thời có nạn đói năm 1945 nhưng hôm nay đã được các bạn trẻ tái hiện lại một cách chân thực, sinh động”.

Nickname Nhocty phát biểu: “Ông bà mình nói ko có sai bao giờ cả “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Nhưng theo mình, bây giờ nên sửa lại là “Miếng ăn là miếng nhục” thì đúng hơn. Toàn là người trẻ tuổi, chắc đều có thể làm ra tiền. Thử hỏi bạn, 1 bữa bạn ăn hết 180 nghìn, vậy bạn chỉ việc bỏ ra 2 ngày đi phát tờ rơi là đi ăn được rồi. Thế mà có cả nghìn người, một con số không tưởng, tụ tập chen chúc chỉ vì miếng ăn, cứ như là sắp chết đói, thật không thể tưởng tượng được”.

Một hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội bày tỏ: “Đang dẫn khách Tây đi thăm thú phố phường thì gặp đúng cảnh tượng này, họ hỏi mà mình không biết phải trả lời thế nào. Người Việt mình đừng tự làm xấu hình ảnh đất nước trong mắt quốc tế.”.

Người Việt bị cấm vào cửa hàng Kaufland ở Praha!

Hôm nay 23-10-2009 đi qua bến đợi xe buýt thấy cửa hàng thực phẩm mới mở. Tò mò, tôi vào xem và tiện mua luôn đồ ăn cho gia đình. Đó là cửa hàng của hãng Kaufland từ Đức đang chiếm lĩnh thị trường Séc bằng những chiêu bài riêng của mình. Việc nhân viên và lãnh đạo loại cửa hàng này kỳ thị người Việt tôi nghe đến nhiều, nhưng hôm nay mới được trực tiếp chứng kiến và vấp phải.

Vị trí khá đẹp nằm ngã tư phố Spojovací, Praha 3 – Žižkov, cửa hàng này khai trương ngày 22/10/2009. Tôi kiếm xe đẩy vào để mua hàng. Vừa bước vào cửa, một tay bảo vệ to lớn như bị thịt, mặt hầm hầm chắn ngay xe của tôi lại và lên giọng “anh chị” không cần ngữ pháp:

– VIETNAMCI ZAKÁZAT!

Với bộ mặt đó thì chỉ có thể hiểu là “Cấm bọn Việt Nam vào”

Lặng người một lát, tôi hỏi lại lý do tại sao. Hắn chẳng cần giải thích dài dòng mà chỉ dằn giọng “mày không được vào”!

Thật là choáng và đắng cay làm sao. Cay đắng, bực, tức, nước mắt tôi tưởng chừng trào ra không kìm nổi. Nhưng không hiểu sao tôi lại có đủ can đảm mà hét vào mặt hắn: “tại sao tôi không được vào?”.

Hắn lại quát to hơn:

– Mày có im đi không? Nếu không tao sẽ gọi cảnh sát đến bây giờ!

Có lẽ ban lãnh đạo cửa hàng Kaufland thuê thằng hộ pháp vô học này chủ yếu để doạ những người Việt nam cần cù nhỏ bé, hiểu ít luật và không thích va chạm. Hắn nghĩ rằng người Việt nào cũng sợ cảnh sát cả! Tôi thách thức:

– Mày cứ gọi ngay cảnh sát đến đi và nhớ gọi luôn cả vedoucí (người phụ trách cửa hàng) nữa.

Mấy “khọm Tây” đi qua lại thêm lời “bài thị” người Việt làm không khí thêm căng thẳng. Trong khi đó tay bảo vệ thứ hai thì khẳng định:

– Bọn Việt Nam không được vào…

Chờ một lúc thì người phụ trách cũng đến. Ông ta hỏi tại sao chúng tôi lại cãi nhau. Tôi liền nói:

– Nếu các ông không muốn người Việt mua hàng tại cửa hàng của các ông thì hãy viết bảng to mà treo lên – CẤM NGƯỜI VIỆT VÀO MUA HÀNG.

Bằng một giọng “xoa dịu” sau những cú “đấm” của tay bảo vệ vô học ông ta phân bua như đã tính toán trước tình huống:

– Nhưng người Việt vào mua hàng nhiều lần quá!

Tôi cự lại:

– Ông cần làm theo luật. Tôi đến đây lần đầu và cần phải mua đồ ăn cho gia đình. Nếu ông không cho tôi vào thì sẽ không xong đâu.

Tay phụ trách xuống nước và đồng ý cho tôi vào, nhưng lúc đó tôi lại không còn tâm trạng nào mà vào cái cửa hàng đó nữa nên bèn quay ra. Bênh cạnh lại diễn ra cảnh tượng tương tự của ngã bảo vệ với một vài người Việt Nam khác: Chặn lại và đuổi ra ngoài.

Ôi! Nhớ lại câu của ai đó viết: Dấn thân làm kiếm con người.. . Làm người Việt Nam càng cay đắng làm sao nhất là nơi đất khách quê người. Kiện ư? Nhờ các cơ quan can thiệp ư?

Nếu các bạn bị tên bảo vệ vô học kia hách dịch, quay đầu xe không cho vào chỉ vì bạn là người Việt Nam, thì bạn sẽ biết cảm giác “dâng trào” đến tận cổ như thế nào…

Praha, ngày 23/10/2009

Ngọc Anh

Một tay chơi môtô nhận giải thưởng Mẹ Têrêsa vì đã giải phóng các binh lính trẻ em

Một tay chơi môtô nhận giải thưởng Mẹ Têrêsa vì đã giải phóng các binh lính trẻ em

chuacuuthe.com

VRNs (31.10.2013) – Sài Gòn – Sam Childers, một tay chơi môtô kì cự, đã cống hiến hơn 13 năm qua để giải cứu những binh lính nô lệ trẻ em tại phía Bắc Uganda và Nam Sudan thuộc Châu Phi. Ông vừa được Quỹ Harmony trao Giải thưởng Quốc tế Tưởng nhớ Mẹ Têrêsa năm 2013 trong lĩnh vực công bằng xã hội. Sam Childers là người bản địa vùng Pennsylvania, Hoa Kỳ, ông đã từng có thời kỳ nghiện ngập, bạo lực và từ bỏ Kitô giáo

Trao đổi với hãng AsiaNews, ông nói rằng, giải thưởng này thuộc về hàng ngàn trẻ em trong cuộc chiến tranh Sudan, và ở nhiều nơi khác trên thế giới, họ phải sống hàng ngày trong nỗi sợ hãi thường trực và bị đe dọa do các cuộc tấn công.

Lễ trao giải đã diễn ra hôm 27 tháng 10 tại The Leela, Mumbai. Ông Childers nói rằng, “Tôi không bao giờ đặt ra giới hạn về những gì mình có thể làm cho cuộc đời một đứa trẻ. Tôi không thể chấp nhận hoặc tin rằng những đứa trẻ có tai, có mũi, có tay và chân sẽ phải chịu cảnh tật nguyền [trong chiến tranh]“.

Sơ Prema, Bề Trên Dòng Thừa Sai Bác Ái (dòng mà Mẹ Têrêsa đã sáng lập), cũng gửi một điện thư chúc mừng người chiến thắng giải thưởng.

Ông Childers nói, “Chân Phước Têrêsa là một phụ nữ tuyệt vời, và tôi ngưỡng mộ lòng dũng cảm của mẹ. Mặc dù mẹ gặp nhiều khó khăn về mọi phương diện, mẹ không bao giờ từ bỏ sứ mệnh của mình vì mẹ khao khát Chúa Kitô”.

“Tôi đã theo gương của Mẹ [Têrêsa],” ông nói tiếp “Đừng giới hạn những gì bạn có thể làm cho Thiên Chúa, và Ngài sẽ không giới hạn những gì mà Ngài sẽ làm cho bạn.

Quỹ Harmony được thành lập vào tháng 10 năm 2005 với mục tiêu nhằm vinh danh các di sản của Mẹ Têrêsa và công bằng xã hội.

Abraham Mathai, người sáng lập và là chủ tịch của hiệp hội cho biết, hiệp hội phấn đấu “nhằm khôi phục niềm tin vào lòng trắc ẩn, bình đẳng xã hội và hòa bình, bằng cách thừa nhận các cá nhân và tổ chức làm việc vì xã hội.”

Khánh Tâm chuyển ngữ

BILL GATES DỌN RÁC TRONG TÂM NHƯ THẾ NÀO ?

BILL GATES DỌN RÁC TRONG TÂM NHƯ THẾ NÀO ?

Trích EPHATA 584

Head and shoulders photo of Bill Gates

Bill Gates in 2013

Mỗi con người được sở hữu bởi một chữ tâm ! Tâm như là một “mảnh đất” tư hữu và quyền sở hữu cá nhân một cách tuyệt đối, không ai xâm phạm được.

Tâm của mỗi chúng ta, hẳn nhiên đang khu trú trong hình hài của mỗi con người rồi dần dà phát triển, lớn mạnh một cách tự nhiên theo hình hài, theo ngày tháng và theo cái vòng lẩn quẩn của sanh, bệnh, lão, tử. Chính vì thế, chúng ta phải biết kiểm soát tâm từ những hành vi, việc làm của chính ta giữa cõi đời này bằng cách thường xuyên nhắc nhở ta phải “dọn rác” trong tâm, đừng để rác rưởi sinh sôi nảy nở bám chặt vào tâm, e rằng khó gột rửa.

Nói đến việc “dọn rác” trong tâm, tạm mượn hình ảnh của nhà tỷ phú Hoa Kỳ Bill Gates, chỉ xin nói đến hai giai đoạn theo thiển nghĩ của tôi, ông ta có sự chuyển hóa tâm ( mang tính đạo đức ) rõ nét nhất.

Giai đoạn thứ nhất: Thời gian ông ấy đem tâm mình để đưa sự phát triển công nghệ thông tin đến tột đỉnh, vừa phục vụ cho sự phát triển kỹ thuật, vừa đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế lớn cho đất nước cũng như bản thân mình. Bill Gates sớm trở thành nhà tỷ phú không những “tài sản” riêng của Hoa Kỳ mà cả thế giới khi ông còn rất trẻ. Thực tài ấy của ông khiến bao nhiêu người trên thế giới ngưỡng mộ, trân trọng và cả sự thách thức, đố kỵ từ những kẻ kém tài hám lợi.

Giai đoạn thứ hai: Bill Gates tuyên bố “gác kiếm từ quan”. Khi tin này được loan ra, có những người yêu quý cái “đầu vàng” của ông băn khoăn tiếc nuối, ngược lại các đối thủ cạnh tranh của ông lại vỗ tay reo mừng, âu cũng là chuyện thường tình, trong lúc ông đang ở độ trung niên, tuổi nghề đang độ chín và công việc kinh doanh hết sức thuận lợi, xán lạn ở phía trước.

Vậy mà, ông đành lòng “đoạn tuyệt” để dành thời gian toàn tâm toàn ý và bỏ ra một khoản tài sản khổng lồ ( khoảng 30 tỷ dollars ) thành lập một quỹ từ thiện nhằm chống chọi với căn bệnh thế kỷ AIDS và giúp đỡ người dân vùng đói nghèo bệnh tật nhất thế giới ( châu Phi )… Việc làm của ông nhận được sự đồng thuận hưởng ứng một cách tích cực của người vợ hiền “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Mặc dù họ có đến 3 người con, nhưng ông bà Bill Gates chỉ dành cho các con của họ một phần tài sản khiêm tốn ít ỏi. Bill Gates xem nhẹ đồng tiền “là vật ngoài thân” và cũng có thể nói ông đã xem đồng tiền chỉ là “phương tiện” mà chính ông đã dùng phương tiện đó một cách thật hữu ích… giúp cho những mảnh đời bất hạnh, nghèo đói, bệnh tật.

Và ông luôn mong muốn cho xã hội phát triển trong công bằng, người thương người, nhân ái, tốt đẹp theo ý nghĩa nhân bản nhân văn, không hề có sự phân biệt giai cấp, giàu nghèo, như thổi vào một khát vọng vươn lên cho mỗi con người đều có được một cuộc sống tốt đẹp như nhau…

Trong khi đó ở xứ ta có những chuyện bi hài lắm kẻ “giàu giả” mà xài thật, họ vung tiền ăn xài một cách vô tội vạ, những buổi tiệc tùng đình đám tốn kém hàng chục tỷ đồng như những trường hợp gần đây ở huyện miền núi nghèo Hương Sơn – Hà Tĩnh, một phụ nữ tổ chức cưới vợ cho “cậu ấm”, trong đám rước dâu từ Hà Nội về Hương Sơn đã huy động hàng loạt “siêu xe” dài hàng mấy cây số, mời những ca sĩ tên tuổi trong và ngoài nước về hát hò ( nghe nói với số tiền cát-xê cao ngất ngưởng ), trong lúc người dân quê ở đây đang thiếu đói phải chạy ăn từng ngày, từng bữa do hậu quả thiên tai bão lụt triền miên để lại.

Một trường hợp khác cũng không kém phần kệch cỡm, đó là một nữ doanh nhân tổ chức đám cưới cho cậu “quý tử” cũng đưa hàng chục siêu xe để rước dâu từ Sàigòn chạy lòng vòng về Cần Thơ để thiên hạ “lác mắt chơi”.

Trong khi doanh nghiệp do bà làm chủ đang nợ ngân hàng trên cả ngàn tỷ, nợ người nông dân một nắng hai sương đã cung cấp thủy hải sản nguyên liệu gần 300 tỷ đồng. Hơn thế nữa, bà chủ doanh nghiệp này cũng đã nhiều lần hứa đóng góp tiền giúp quỹ từ thiện xã hội, thực chất chỉ để đánh bóng tên tuổi của mình, sau đó không chuyển tiền cho tổ chức từ thiện như đã hứa…

Những việc làm này gây xôn xao dư luận, gần đây qua hệ thống thông tin truyền thông càng tô đậm điểm đen trong xã hội ngày nay. Cũng có thể nói đây là những trường hợp điển hình khoe mẽ, hợm hĩnh, rác rưởi đã bám chặt trong tâm của các con người này !…

Với Bill Gates, ông hiểu cuộc đời này thật mỏng manh, vô thường, cái sống cái chết thay đổi trong từng sát-na nên ông đã đem tâm thực hành Bồ-tát hạnh bố thí, đây là một tấm gương sáng đáng cho chúng ta soi tâm.

Qua hình ảnh và tấm gương của ông Bill Gates, ta có thể thấy rằng để có một cái tâm sáng trong, chúng ta luôn phải “dọn rác” trong tâm của chính mình !

THANH PHƯƠNG,

Giác Ngộ online

Một nhân chứng lịch sử nữa ra đi

Lữ Giang
10/17/2013
Hôm 11.10.2013, ông Cao Xuân Vỹ, một nhân chứng lịch sử của VNCH đã qua đời tại tư gia ở Orange County, California, hưởng thọ 93 tuổi.

Trước khi ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh và trong khi ông Diệm cầm quyền, có rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã tham gia chính quyền của ông Điệm hay Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Chúng tôi xin kể tên một số nhân vật cốt cán:

Trong chính quyền: Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Văn Đỗ, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thông, Trần Trung Dung, Bùi Văn Thinh, Phạm Xuân Thái, Trần Hữu Phương, Trần Chánh Thành, Nguyễn Hữu Châu, Lương Trọng Tường, Nguyễn Dương Đôn, Trần Ngọc Liễn, Phạm Duy Khiêm, Hồ Thông Minh, Bùi Kiện Tín, Huỳnh Văn Nhiệm, v.v.

Trong ban lãnh đạo Đảng Cần Lao có trụ sở ở số 23 đường Phùng Khắc Khoan, Quận 1, Sài Gòn: Trần Văn Trai, Phạm Văn Nhu, Lý Trung Dung, Trần Kim Tuyến, Võ Như Nguyện, Lương Như Ủy, Lê Văn Đồng, Thái Mạnh Tiến, Huỳnh Văn Lang, Bùi Kiện Thành, Cao Xuân Vỹ, Đỗ La Lam, v.v.

Nhưng sau khi ông Điệm và ông Nhu bị giết, người ta chỉ thấy còn một người duy nhất tự nhận mình là đảng viên Đảng Cần Lao, tiếp tục công khai đứng ra tuyên dương không mệt mỏi những công trạng mà ông Diệm đã làm cho đất nước nhưng bị Mỹ giết vì không đồng ý để cho Mỹ đem quân vào miền Nam Việt Nam, người đó là ông Cao Xuân Vỹ. Vậy ông Cao Xuân Vỹ là ai?

VÀI NÉT VỀ ÔNG CAO XUÂN VỸ

Ông Cao Xuân Vỹ sinh ngày 1.2.1920 tại làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông thuộc dòng dõi của ông Cao Xuân Dục (1843 – 1923) vốn là Thượng Thư Bộ Học (1905) dưới thời vua Thành Thái và Cơ Mật Viện Đại Thần – Phụ Chính Đại Thần dưới thời vua Duy Tân. Theo gia phả, ông Cao Xuân Dục sinh ông Cao Xuân Tiếu, ông Tiếu sinh ông Cao Xuân Tảo và ông Tảo sinh ông Cao Xuân Vỹ.

Lúc nhỏ ông Vỹ học trung học tại Nghệ An và đại học tại Hà Nội, nhưng học chưa xong thì năm 1945 Việt Minh cướp chính quyền, ông phải nghỉ học. Năm 1946, khi thương lượng với Pháp bất thành, ngày 18.12.1946 Việt Minh ra lệnh tản cư, rút khỏi thành phố Hà Nội. Ông Cao Xuân Vỹ đã cùng với 36 trí thức, sinh viên và thanh niên tản cư về Liên Khu IV gồm các tỉnh Thanh Hòa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông Vỹ cho biết những người cùng đi với ông lúc đó có các ông Trần Chánh Thành, Trần Hữu Dương, Hồ Đắc Điềm, Phạm Thành Vinh, Nguyễn Duy Quang, Phan Huy Xương (anh của bác sĩ Phan Huy Đán tức Phan Quang Đán), Tôn Thất Trạch v.v…

Đầu năm 1953, theo lệnh của Stalin và Mao Trạch Đông, Việt Minh bắt đầu thi hành chế độ giảm tô và cải cách ruộng đất, nhiều địa chủ và trí thức bị giết nên ông và nhiều người phải tìm cách trốn khỏi Liên Khu IV. Nhờ có người chú họ ở trong tổ chức Việt Minh cấp cho một giấy thông hành, ông trốn qua Phú Nhạc, Phát Diệm, nơi có khu an toàn của người Công Giáo. Từ đó ông ra Hà Nội và gặp lại các ông Đặng Văn Sung, Phan Huy Quát… là những người đã từng hoạt động chung với ông thời 1945.

Cuối năm 1953 ông vào Sài Gòn gặp lại ông Trần Chánh Thành. Lúc đó ông Thành đang tập sự hành nghề luật sư với Luật Sư Trương Đình Du, làm tờ báo Xã Hội với ông Ngô Đình Nhu và tham gia Phong Trào Đoàn Kết Quốc Gia vì Hòa Bình do ông Nhu thành lập. Ông Thành đã giới thiệu ông với ông Nhu.

Ngày 16.6.1954 Quốc Trưởng Bảo Đại ký Sắc Lệnh cử ông Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng thay ông Bửu Lộc. Ngày 25.6.1954 ông Diệm về nước chấp chánh. Ngày 6.7.1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ và ngày 7.7.1954 bắt đầu nhận chức.

Tháng 8 năm 1954, Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng được chính thức thành lập. Ông Cao Xuân Vỹ gia nhập tổ chức này. Ban lãnh đạo Đảng có 5 phòng. Ông Vỹ tham gia vào Phòng 4 đặc trách về kinh tài. Phòng 4 có 5 người là các ông Huỳnh Văn Lang, Bùi Kiện Thành, Cao Xuân Vỹ và Đỗ La Lam.

Trước năm 1945, ông Cao Xuân Vỹ có dự một khóa huấn luyện về thể dục và thể thao ở Phan Thiết do Tổng Cục Thể Dục, Thể Thao và Thanh Niên tổ chức. Đây là tổ chức thuộc quyền điều hành của Thiếu Tá Maurice Ducoroy, Tổng Ủy Viên Thể Thao và Thanh Niên tại Đông Dương của Pháp. Do đó, năm 1958 ông Diệm đã cử ông Vỹ đi làm Tổng Giám Đốc Thanh Niên và Thể Thao trực thuộc Bộ Lao Động và Thanh Niên do ông Nguyễn Tăng Nguyên làm Tổng Trưởng. Khi ông Nhu thành lập Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, ông Nhu làm Thủ Lãnh, còn ông Cao Xuân Vỹ làm Phó Thủ Lãnh kiêm Trưởng Đoàn. Trong thực tế, việc tổ chức và điều hành Thanh Niên Cộng Hòa đều do ông Vỹ.

MỘT NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ

Thời ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, tôi còn là một sinh viên nên không biết được chính xác những chuyện gì đã thật sự xảy ra bên trong chính quyền. Nhưng phương pháp luật học và kinh nghiệm trong ngành luật đã chỉ cho tôi cách thức truy tầm và đánh giá các tài liệu lịch sử.

Bộ “
Foreign Relations of the United States” (FRUS) do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lần lượt ấn hành gồm mấy chục cuốn, công bố hầu hết các văn kiện liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam từ 1945 đến 1967 là những tài liệu chính đã giúp chúng ta nắm vững chính sách từng giai đoạn của Hoa Kỳ và các sự việc đã xảy ra. Hàng chục ngàn trang tài liệu được giải mã tiếp theo đã giúp làm sáng tỏ hơn nhiều bí ấn của lịch sử.

Căn cứ vào các tài liệu này, chúng tôi bắt đầu phỏng vấn các nhân chứng xem những điều mô tả trong sử liệu có thật sự đúng như vậy không, những chuyện gì sử liệu chưa nói hết hay nói không đúng, v.v. Ông Cao Xuân Vỹ là một trong những người giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu các biến cố dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Ròng rã trong 15 năm, tôi phải lui tới gặp ông nhiều lần để làm sáng tỏ một số vấn đề. Có những vấn đề ông không nắm vững, ông đã giới thiệu các nhân chứng khác cho tôi phỏng vấn.

Từ việc ông Điệm được Bảo Đại đưa về chấp chánh, đến việc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ quyết định Pháp phải rời khỏi miền Nam, truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp, thành lập một chế độ độc đảng như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Đài Loan ở miền Nam Việt Nam để chống Cộng Sản… đến việc giết ông Diệm để đổ quân vào miền Nam, đều được đem ra thảo luận. Rất nhiều sự kiện do sử liệu tiết lộ hoàn hoán khác với những gì thường được viết trên báo chí hay sách vở.

Có hai câu chuyện do ông Vỹ tiết lộ đã gây nhiều tranh luận, đó là việc ông Ngô Đình Nhu đi gặp Phạm Hùng ở Bình Tuy và việc ông Ngô Đình Diệm rời khỏi Dinh Gia Long tối 1.11.1963. Chúng tôi xin nói qua hai vấn đề này.

CHUYỆN ÔNG NHU GẶP PHẠM HÙNG

Chuyện ông Ngô Đình Nhu gặp Phạm Hùng tại Bình Tuy được Tướng Trần Văn Đôn viết trong cuốn “
Việt Nam nhân chứng” xuất bản năm 1989. Nhưng Tướng Đôn viết sai cả ngày tháng lẫn sự kiện vì ông chỉ “nghe nói”. Chuyện này được ông Cao Xuân Vỹ kể lại cho ông Minh Võ nghe trong cuộc phỏng vấn ngày 14.6.2012 khi đầu óc ông không còn minh mẫn vì tuổi già.

Cuối năm 1962, Hà Nội được tin Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào Việt Nam nên tìm cách thỏa hiệp với chính phủ Ngô Đình Diệm để ngăn chận sự can thiệp này. Diễn biến của cuộc vận động này đã được nói rất rõ trong cuốn “
The War of The Vanquished” của Mieczyslaw Maneli và cuốn “A Death in November. The Struggle for Indochina” của bà Ellen J. Hammer, nhất là trong phúc trình ngày 26.9.1963 của CIA. Căn cứ vào các tài liệu đó, chúng tôi có phỏng vấn ông Cao Xuân Vỹ về việc ông tháp tùng ông Nhu đi gặp Phạm Hùng ở Bình Tuy. Câu chuyện ông kể lại không gióng những gì đang được nhóm Giao Điểm lưu truyền.

Chính ông Mieczyslaw Maneli, Trưởng Đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến là người làm trung gian giữa hai bên. Người đứng ra thúc đẩy chuyện này là Tổng Thống De Gaule qua Đại Sứ Lalouette của Pháp ở Sài Gòn. Nhưng ông Nhu biết rõ âm mưu của Hà Nội, nên cuối cùng ông nói rằng “
Người Mỹ là người duy nhất trên trái đất dám giúp Nam Việt Nam” (The Americam are the only people on the earth who dare to help South Vietnam) và ông từ chối đề nghị của Tổng Thống De Gaule.

Đại Sứ Lalouette rất thất vọng khi nghe tin này. Vì đoán chắc Mỹ sắp loại bỏ ông Diệm và ông Nhu, ông đã nói với ông Maneli:

Nếu ông ta (ông Nhu) không từ bỏ những ảo ảnh này, ông ta sẽ mất. Đó là một sai lầm thê thảm.”

(If he does not rid himself of these illusions, he will be lost. It is a tragic mistake.)

Đại Sứ Lalouette đã tiên đoán rất chính xác. Ông Ngô Đình Nhu vì không còn con đường nào khác là bám theo Mỹ nhưng lại muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia nên đã bị giết.

CHUYỆN RỜI KHỎI DINH GIA LONG

Ông Vỹ kể lại khi cuộc giao tranh bắt đầu, ông Nhu khuyên ông Diệm nên rời khỏi Dinh Gia Long một thời gian, nhưng ông Diệm nói: “
Tổng Thống không có đi trốn”. Bổng ông Cabot Lodge gọi đến nói với ông Diệm rằng ông lo cho sự an toàn của Tổng Thống và nói nếu ông có thể làm gì xin cứ gọi ông. Ông Diệm liền trả lời: “Tôi đang cố gắng tái lập trật tự”.

Sau khi nói chuyện với ông Cabot Lodge, ông Diệm cho gọi ông Nhu vào và bảo:
“Đi thì đi!”

Chuyện xẩy ra quá bất ngờ nên ông Cao Xuân Vỹ trở tay không kịp. Ông liền gọi điện thoại cho Trung Tá Nguyễn Hữu Phước, Phó Đô Trưởng Nội An, bảo đem đến Tòa Đô Chánh ngay một chiếc xe. Trung Tá Phước tưởng ông Vỹ cần xe chờ đồ nên cho Đại Úy Trang Khánh Hưng lái một chiếc xe fourgonnette đến. Ông Vỹ bảo tắt máy xe rồi cùng Đại Úy Hưng đẩy băng qua đường Pasteur, vào cửa bên hông của Dinh Gia Long để tránh sự chú ý của các binh sĩ trong dinh.

Ông Diệm bảo ông già Ẩn lên lấy chiếc cặp cho ông. Khi đi ra xe, ông Diệm còn lầu bầu:
“ĐI NHƯ RI LÀ MẤT NƯỚC!”. Không ngờ lời nói đó đã trở thành một lời tiên tri!

Ông Vỹ bàn với Trung Tá Phước về nơi đầu tiên ông Diệm và ông Nhu sẽ đến là Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên Quận 5 (khu Đại Thế Giới cũ) ở Chợ Lớn. Trung Tá Phước liền báo tin cho ông Vũ Tiến Tuân, Đô Trưởng Sài Gòn biết. Nhưng ông Tuân thấy ông Diệm không thể ở lâu nơi đó được nên gọi ông Mã Tuyên, Phó Thủ Lãnh Thanh Niên Cộng Hoà Quận 5 và đề nghị cho ông Diệm và ông Nhu tạm ở nhà ông Mã Tuyên. Ông Tuyên đồng ý ngay.

Đại Úy Thọ cho biết: Tổng Thống Diệm, ông Nhu, Đại Úy Bằng, ông Cao Xuân Vỹ và anh ta chui ra khỏi hầm. Theo sau còn có Đại Úy Lê Châu Lộc và Đại Úy Lê Công Hoàn. Tất cả đi ra mặt tiền đường Gia Long. Một chiếc xe “deux cheveaux” loại fourgonnette đã đậu sẵn. Đại Úy Thọ lên ngồi ghế cạnh tài xế. Ông Cao Xuân Vỹ mở cửa sau. Tổng Thống Diệm lên xe trước, ngồi xuống sàn phía bên tài xế, ông Nhu lên sau và ngồi xuống sàn phía bên Đại Úy Thọ.

Ông Cao Xuân Vỹ cho biết vì thấy xe không có ghế ngồi, ông đã vội chạy vào Dinh lấy cái nệm, nhưng khi ông trở ra thì xe đã chạy mất rồi. Lúc đó là khoảng 7 giờ 30 tối. Như vậy trên xe chỉ có 4 người: Ông Diệm, ông Nhu, tài xế và Đại Úy Thọ.

Xe ra ngả đường Pasteur, nhưng vì đường Pasteur một chiều không thể chạy ngược xuống đường Lê Lợi được, nên những người đi theo sau xe phải đẩy xe ngang qua đường Pasteur để vào Toà Đô Chánh bằng cửa bên hông, rồi từ đó tài xế lái xe ra cửa trước ở đường Lê Thánh Tôn và quẹo vào đường Nguyễn Huệ phía trước rạp Cinéma Rex, sau đó quẹo phải vào đường Lê Lợi. Xe chạy về phía đường Trần Hưng Đạo, đến đường Đồng Khánh rồi vào Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên Quận 5, nơi đang đặt bộ tư lệnh tiền phương của Trung Tá Phước. Theo sau xe Tổng Thống là một chiếc xe Dodge 4×4, chở các dụng cụ truyền tin để Thổng Thông có thể liên lạc với những nơi khác.

Câu chuyện còn dài, chúng tôi sẽ kể vào một dịp khác.

NGUYỆN VỌNG CHƯA THÀNH

Ông Vỹ cho biết sau khi ông Diệm bị giết, Tướng Mai Hữu Xuân đã ra lệnh bắt ông và những người khác có liên hệ đến chế độ Ngô Đình Diêm. Ông bị tra tấn rất dã man, nhưng họ không hỏi gì về những công việc đã làm, mà chỉ hỏi tiền bạc đang được cất giữ ở đâu. Họ cho ông biết muốn được thả ra phải nộp 20 triệu. Ông không có tiền nộp nên bị giam đến năm 1967, khi cuộc bạo loạn của Phật Giáo bị dẹp tan, ông và nhiều người khác mới được thả. Hầu hết những người khác cũng bị như ông, ngoại trừ những người chạy tiến như Nguyễn Cao Thăng, Bùi Kiện Tín, v.v.

Ra hải ngoại, ông Vỹ lập Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại và làm Chủ Tịch cho đến ngày ông qua đời. Năm nào vào đầu tháng 11, ông cũng tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các chiến sĩ quốc gia vị quốc vong thân.

Mặc dầu là “cận thần” của nhà Ngô, ông Cao Xuân Vỹ đồng ý với chúng tôi rằng bây giờ những tài liệu lịch sử đã được công bố hết rồi nên những chiến dịch chống Ngô hay bênh Ngô đều trở thành vô nghĩa. Công việc bây giờ là phải làm sáng tỏ lịch sử: Tìm hiểu xem người Mỹ đã xây dựng rồi phá sập chề độ Ngô Đình Diệm như thế nào để rút kinh nghiệm lịch sử. Ông mong tôi xuất bản một tập sách viết theo đường lối đó. Nhưng rất tiếc tập sách chưa ra mắt thì ông đã ra đi.

“Chân thật nghĩ là chân thật, phi chân biết là phi chân, cứ tư duy một cách đứng đắn, người như thế mau đạt đến chân thật.”

Xin dùng lời kinh Pháp Cú này để tiễn đưa ông.

Ngày 17.10.2013

Cư dân gốc Việt ở Little Saigon bị truy tố giúp al-Qaida

Cư dân gốc Việt ở Little Saigon bị truy tố giúp al-Qaida


Thiên An & Tâm Nguyễn/Người Việt

10/12/2013

Cư dân gốc Việt ở Little Saigon bị truy tố giúp al-Qaida

SANTA ANA, California (NV) – Nguyễn Ngô Sinh Vinh, cư dân Garden Grove, vừa bị tòa liên bang ở Santa Ana truy tố tội “hoạt động giúp nhóm khủng bố al-Qaida” và “sử dụng sổ thông hành giả.”

Tuy nhiên, tại phiên tòa, khi được Chánh Án Authur Nakazato, hỏi, nghi can trả lời là mình “vô tội.”

Theo công tố viên Judith Heizn, hoạt động của nghi can Nguyễn Ngô Sinh Vinh có vẻ như “dùng vũ khí có mức sát thương lớn, ám sát, và bắt cóc, làm ảnh hưởng hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ” ở ngoại quốc.

Vì tính chất nguy hiểm của sự việc, Chánh Án Nakazato không cho nghi can tại ngoại hậu tra, mà ra lệnh tiếp tục giam giữ.

Khi được nhật báo Người Việt hỏi, Luật Sư Amy Karlein, đại diện cho nghi can, chỉ nói: “Miễn bình luận.”

Nghi can cao lớn, da ngăm ngăm, tóc dài qua vai, để râu cằm và ria mép, đeo kiếng cận, mặc áo thun màu xanh dương đậm, quần jean màu nhạt, tay bị còng, nói tiếng Anh lưu loát, không qua thông dịch viên.

Tại phiên tòa, ngoài nghi can, luật sư của nghi can, công tố viên, còn có sự hiện diện của bốn người trong gia đình nghi can. Tất cả đều từ chối trả lời phỏng vấn của báo giới.

Theo hồ sơ của FBI, nghi can “định cung cấp một số vật liệu giúp al-Qaida,” một tổ chức bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liệt vào danh sách khủng bố từ năm 1999.

Nguyễn Ngô Sinh Vinh, 24 tuổi, bị FBI bắt sáng Thứ Sáu trong lúc chờ lên một chiếc xe bus ở Santa Ana, chuẩn bị đi sang Mexico, “để hành động theo lệnh của al-Qaida.”

Nghi can là công dân Mỹ và có tên khác là Hasan Abu Omar Ghannoum, theo hồ sơ FBI.

Theo FBI, vào ngày 23 Tháng Tám, nghi can sử dụng một sổ thông hành giả, bao gồm cả tên giả.

Báo LA Weekly trích lời bà Laura Eimiller, đại diện FBI tại Los Angeles, nói: “Giới chức điều tra không tin rằng nghi can đi chung với ai, hoặc có bất cứ đe doạ nào đối với công chúng vào lúc bị bắt, dựa trên các hoạt động của Sinh Vinh Ngo Nguyen.”

Bà Eimiller cũng cho biết Lực Lượng Chống Khủng Bố Mỹ đang điều tra sự việc.

Sau phiên tòa, phóng viên nhật báo Người Việt có đến nhà nghi can. Khi tới nơi, rất nhiều cơ quan truyền thông đã có mặt.

Một thanh niên tên Định Nguyễn, 18 tuổi, cho biết là em của nghi can, nói: “Trước đây, anh tôi tìm hiểu về Hồi Giáo. Anh có đi đến một số đền Hồi Giáo trong vùng, nhưng tôi không biết đền nào. Sau đó, khoảng cuối năm ngoái, có đi sang Lebanon, để cải đạo.”

Anh Định Nguyễn cho biết, gia đình theo đạo Công Giáo. Có lúc anh nói gia đình có 5 anh em, có lúc nói là 7 anh em, nhưng cho biết nghi can Nguyễn Ngô Sinh Vinh là con thứ tư trong gia đình.

Người em trai này cho biết anh ở chung phòng với nghi can, và sáng Thứ Sáu, FBI đã đến nhà, tịch thu toàn bộ điện thoại và máy điện toán của tất cả mọi người trong nhà.

“Khi FBI đến nhà, cả gia đình đều ngạc nhiên, không biết chuyện gì xảy ra,” anh Định Nguyễn nói thêm.

Khi được hỏi suy nghĩ về chuyện em trai bị tố cáo có liên quan đến al-Qaida, chị Minh Nguyễn, chị của nghi can và cũng là người con lớn nhất trong gia đình, nói: “Chúng tôi để tòa quyết định.”

Nhà gia đình nghi can Nguyễn Ngô Sinh Vinh ở Garden Grove. (Hình: Tâm Nguyễn/Người Việt)

Một phụ nữ sống gần nhà nghi can, chỉ cho biết tên là TT, nói: “Chị ở đây mười mấy năm, khu này rất yên tĩnh, không ngờ xảy ra chuyện này.”

“Khoảng 7 giờ sáng nay, tự nhiên thấy nhiều xe của FBI đến bao vây căn nhà. Tôi biết gia đình này là người Việt Nam, nhưng họ cũng ít giao du với hàng xóm,” bà TT nói. “Không ngờ người Việt mình lại dính dáng vào chuyện này.”

Một người hàng xóm khác, chỉ cho biết tên là Julio, nói: “Gia đình khá gắn bó với nhau, nhà rất yên tĩnh. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì bất thường, cho tới hôm nay.”

Ông cho biết, lúc FBI đến, ông không có ở nhà. Ông chỉ bước ra khi thấy nhiều đài truyền hình và báo chí đến khu vực.

Phía công tố cho biết, nghi can Nguyễn Ngô Sinh Vinh hiện đang bị giam tại nhà tù thành phố Santa Ana, và sẽ ra toà vào lúc 9 giờ sáng ngày 18 Tháng Mười.

ĐƯỢC SAI ĐI

ĐƯỢC SAI ĐI

Tác giả: Lm. Vĩnh Sang, DCCT

Tôi vừa trở lại thành phố sau những ngày tham dự một lễ hội tạ ơn ở Pleikly. Pleikly, một vùng đất cách thành phố Pleiku vào khoảng 80 cs theo quốc lộ 14 về hướng Buôn Ma Thuột. Lễ hội mừng 50 năm khấn dòng của các Cha Giuse Trần Sĩ Tín CSsR. và Phêrô Nguyễn Đức Mầu CSsR., Hai cha là hai trong các thừa sai 44 năm trước đến Pleikly, sống và loan báo Tin Mừng ở nơi đây (1963 -2013).

Câu chuyện về 44 năm trước đấy tính lãng mạn và hào hùng, nhưng nghe đôi dòng sử liệu về công cuộc loan báo Tin Mừng thì chúng ta lại thấy lộ rõ đàng sau niềm vui là chất bi ai của sự gian nan khốn khó.

Ngày 10 tháng 10 năm 1963, Đức Cha Paul Seizt lấy chiếc xe Jeep cùng các thừa sai DCCT. đến Pleikly, bỏ các vị thừa sai xuống giữa làng mạc của núi rừng, ngài mở sách Phúc Âm tuyên đọc đoạn Tin Mừng Lc. 10, 1 – 6, đọc xong ngài chúc lành cho các thừa sai rồi lên xe đi về lại Kontum. Các thừa sai ở lại, ngơ ngác vào làng, và bắt đầu môt cuộc sống nên người J’rai vì người J’rai. Hơn 20 năm làm người J’rai, sống, làm việc, buồn vui với bản làng, mồ hôi, nước mắt cả mạng sống nữa (thầy Marco Đàn đã bị bắt, bị giết chết). Cuối thập niên 80, sau biến cố tuyên phong các Thánh Tử vì đạo tại Việt Nam, người J’rai nhận biết Chúa, từ đó khắp núi đồi sông suối vang lời tuyên xưng đức tin, hạt giống Tin Mừng nảy nở mạnh mẽ trên vùng đất J’rai.

Tham dự đêm diễn nguyện, nhìn anh em tôi, nhìn đồng bào J’rai ca hát nhảy múa, hồn nhiên và mạnh mẽ, tôi cảm nhận sức sống Tin Mừng tuôn tràn trên mảnh đất cao nguyên, ánh lửa bập bùng, tiếng cống chiêng nhịp nhàng, những vũ điệu giản đơn chan chứa tình người, người J’rai cuốn mình vào bầu khí thờ phượng, đơn sơ mà mãnh liệt.

Thánh lễ tạ ơn cử hành giữa đất trời, gió sáng se lạnh, ánh dương lên ấm áp theo lời kinh, tiếng cồng chiêng vang vọng núi đồi, cộng đoàn đức tin cử hành phụng vụ sống động, họ đong đưa theo điệu nhạc rừng, ánh mắt đầy tin yêu, bập bùng bập bùng, vang lên không dứt.

Sau Thánh lễ, anh chị em chia nhau từng gói xôi, từng miếng thịt, hơn 5.000 người không hề xảy ra giành giật, không ai lấy hai phần, không ai không có phần. Xôi và thịt gà đươc gói lại để thành một đống, cứ vậy từng người đến lấy, không xếp hàng nhưng không xô đẩy, thừ tự một cách lạ lùng, không cần điểm danh, không cần phân biệt đoàn này đoàn kia. Ăn xong, anh chị em quây quần soan (múa thờ phượng Chúa), một vòng tròn, thêm một vòng tròn nữa, thêm một vòng nữa, … không ai bảo ai, không ai nhắc ai, trật tự lạ lùng, họ cầu nguyện bộc phát, chân thành, đơn sơ, nồng nàn, tha thiết …

Những người đến từ thành phố ngẩn ngơ nhìn anh chị em J’rai sống đức tin, cử hành đức tin, tuyên xưng đức tin, làm chứng đức tin, ….thật sống động.  Rồi tự hỏi “ai truyền giáo cho ai ?”. Họ đi bộ hàng chục cây số, có người trên 100 cs, họ ngủ ngoài trời, co ro trong những chiếc khăn khoác, đỏ lửa điều thuốc trên môi, các sơn nữ điệu đàng trong áo váy ngày hội, kết thêm vài dải tua cho hợp thời trang, khúc khích cười chúi vào nhau đi thành từng đám. Nhưng những con người có vẻ lầm lì ít nói đó lại là những chứng nhân, họ sẵn sàng bất cứ lúc nào để nói về niềm vui được Chúa cứu, nỗi hạnh phúc được làm con Chúa, niềm hy vọng và lòng tạ ơn. Họ làm chứng chân thành, đơn sơ và dung dị. Mấy ai là người văn mình thành phố có được hạnh phúc này ?

Nhìn các Cha ca hát cùng con cái, nhảy múa cùng con cái, hồn nhiên cùng con cái, Tin Mừng như toát ra từ chính những cái “cùng” đó. Lạ lùng, 44 năm trước, những người trai trẻ ngoài 20 tuổi, vừa tuyên khấn được 6 năm, bỡ ngỡ trước một nếp sống không hề được biết trước, chẳng có kế hoạch, chẳng có nghiên cứu xã hội, chẳng có phương tiện nào trong tay, chỉ có Chúa, chỉ có Tin Mừng, chỉ có tâm hồn tận hiến. Tin Mừng từ chính cuộc sống, từ trong lòng người, trong lòng cộng đồng dân Thiên Chúa.

Nhìn vào cộng đồng anh chị em J’rai hôm nay, chúng ta có thể hy vọng vào ngày mai, cái ngày mai của Chúa Thánh Thần tự do và sáng tạo. Bài đọc hai trong lễ Chúa nhật 28 Thường niên C, trích từ thư thứ hai của Thánh Phaolô gởi cho Timôtê có câu: “Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích!” Không ai có thể ngăn được lời Chúa, không ai có thể xích xiềng được lời của Ngài, Thần Khí sáng tạo và ban sự sống.

Lm. Vĩnh Sang, dcct.

12/10/2013