Số người tự vẫn cao hơn con số chết vì chiến tranh, thiên tai gộp lại

Số người tự vẫn cao hơn con số chết vì chiến tranh, thiên tai gộp lại

Bức tượng một người đang an ủi một người khác đặt trên Cầu Mapo, trên sông Hàn ở Seoul, Nam Triều Tiên nhằm quảng bá một thông điệp về cuộc sống và niềm hy vọng tại chiếc cầu nổi tiếng với lý do không ai muốn - đó là những người muốn tự tử thích tìm đến đó

Bức tượng một người đang an ủi một người khác đặt trên Cầu Mapo, trên sông Hàn ở Seoul, Nam Triều Tiên nhằm quảng bá một thông điệp về cuộc sống và niềm hy vọng tại chiếc cầu nổi tiếng với lý do không ai muốn – đó là những người muốn tự tử thích tìm đến đó

Lisa Schlein

04.09.2014

GENEVE—

Tổ chức Y tế Thế giới WHO báo cáo mỗi năm có hơn 800 ngàn người tự vẫn chết. Công bố bản phúc trình cầu đầu tiên về phòng chống tự vẫn, WHO nói số người chết vì tự vẫn cao hơn số người chết vì các cuộc xung đột, chiến tranh và thiên tai gộp lại. Từ nơi công bố bản phúc trình ở Geneve, thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật cho đài VOA.

Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo cứ mỗi 40 giây lại có một người ở nơi nào đó trên thế giới tự vẫn. Bất kể con số thống kê cao một cách đáng kinh ngạc này, WHO nói chỉ có một số ít các quốc gia có các chính sách nhằm phòng chống tự tử.

Giám đốc WHO về Sức khoẻ Tâm thần và Lạm dụng Ma tuý Shekhar Saxena nói còn có nhiều thứ mà các cộng đồng có thể làm để cung cấp sự hỗ trợ cho những người dễ bị thương tổn. Ông nói tự tử là hậu quả cuối cùng cho những người cảm thấy bị cô lập, trầm cảm và vô vọng. Ông nói xã hội có thể làm nhiều hơn để cung cấp sự hỗ trợ dành cho họ vào một thời khắc hết sức đau khổ:

“Những người cuối cùng đi đến chỗ tự vẫn, gần như trong mọi trường hợp, đã đi tìm sự giúp đỡ của ai đó. Có thể là một người bạn, có thể là một người thân, có thể là một hệ thống chăm sóc xã hội. Có thể là một tổ chức tôn giáo và rất nhiều khi yêu cầu xin giúp đỡ này đã không được đáp lại một cách tích cực. Vì thế các cộng đồng, các gia đình có trách nhiệm phải sẵn sàng cung cấp hình thức hỗ trợ mà người ta cần đến.”

Tổ chức Y tế Thế giới gọi tự tử là một vấn đề sức khoẻ toàn cầu. Tổ chức này nói một quan niệm sai lầm chung là tự tử là một hiện tượng Tây phương và của một nước đã phát triển. Trên thực tế, tổ chức này nói khoảng 75 phần trăm các vụ tự tử xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

WHO viện dẫn các phương pháp tự tử thông thường nhất trên toàn cầu là dùng thuốc độc trừ sâu bọ, treo cổ và súng ống. Các dữ liệu của một số quốc gia Âu châu, Hoa Kỳ và những nước phát triển cho thấy việc hạn chế các phương tiện vừa kể có thể giúp ngăn chặn mọi người chết vì tự vẫn.

Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc nhận thấy tỷ lệ tự vẫn trên toàn cầu cao nhất nơi những người từ 70 tuổi  trở lên. Tuy nhiên, bác sĩ Saxena nói người trẻ cũng có nguy cơ rất cao. Ông nêu ra điểm tự vẫn là nguyên do hàng thứ nhì gây ra cái chết trong những người từ 15 đến 29 tuổi:

“Nói chung trên toàn thế giới, nam giới tự vẫn nhiều hơn nữ giới. Mặc dầu ở các nước giàu hơn, ở các nước phát triển hơn, tỷ lệ nam giới tự vẫn nhiều hơn so với nữ giới. Ở các nước đang phát triển thì bớt chênh lệch hơn. Điều đó, đương nhiên có nghĩa là số nam giới vẫn cao hơn, nhưng dứt khoát không nhiều bằng so với các nước đã phát triển.”

WHO nói các tỷ lệ cao nhất về tự vẫn là ở Trung và Đông Âu và một số nước Á châu. Tổ chức này nói tỷ lệ tự vẫn ở châu Phi dường như nghiêng về phần thấp. Nhưng tổ chức cảnh báo rằng các số liệu từ khu vực đó rất hiếm hoi và không đáng tin cậy lắm.

Các giới chức y tế đồng ý rằng số người nổi tiếng tự vẫn có thể gây ra một thái độ bắt chước. Nhà khoa học thuộc Phân bộ Sức khoẻ Tâm thần và Lạm dụng Dược chất của WHO, bà Alexandra Fleischmann nói với đài VOA rằng có một sự liên hệ giữa cách thức tường thuật các vụ tự vẫn nơi các cơ quan truyền thông và các hành động thực hiện sau đó. Bà nói:

“Vì thế, sự kiện này làm nổi bật và nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong các vụ tự vẫn. Không nên thi vị hoá hay thổi phồng các vụ tự vận trên các phương tiện truyền thông bởi vì tiếp theo có thể là những vụ bắt chước.”

Trong các đề nghị, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi chấm dứt việc tội phạm hoá âm mưu tự sát. Tổ chức này nói hiện có 25 quốc gia trên thế giới – ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á – nơi cả tự tử lẫn âm mưu tự tử bị coi là các hành vi tội phạm. Tổ chức này nói ngay cả những người vô tình dùng thuốc quá liều có thể bị bỏ tù thay vì được đưa vào một cơ sở y tế có thể giúp họ chữa lành.

 

Điêu khắc gia Tuấn Nguyễn đúc tượng cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

Điêu khắc gia Tuấn Nguyễn đúc tượng cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Wednesday, September 03, 2014

Nguoi-viet.com
Dân Huỳnh/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Điêu khắc gia Tuấn Nguyễn vừa trình làng dự án đúc tượng cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận tại một xưởng đúc đồng ở Los Angeles hôm Thứ Tư.

Điêu khắc gia Tuấn Nguyễn chính là tác giả bức tượng tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Về công trình mới này, điêu khắc gia Tuấn Nguyễn chia sẻ: “Hôm nay, tôi trình làng hai mô hình này để sắp tới bán đấu giá để gây quỹ cho lễ phong thánh cố hồng y. Sau đó, có thể thực hiện một tượng đài có tượng hồng y cao từ 25 đến 30 feet để vinh danh ngài, người được rất nhiều người Việt Nam mến mộ và được đề nghị Tòa Thánh Vatican phong thánh.”



Điêu khắc gia Tuấn Nguyễn và hai mô hình tượng cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Nghệ thuật là rất quan trọng đối với tôi. Nó gần như là một tôn giáo. Nó có nghĩa là tin vào con người, trong cuộc sống, trong tình yêu. Ðó là một phản ứng với những gì là đẹp và đơn giản. Là một nghệ sĩ tôi làm không có mục đích nào khác ngoài việc bày tỏ cảm xúc của mình,” điêu khắc gia nói thêm.

Theo ông Tuấn Nguyễn, trong ngày đấu giá, sẽ có một Thánh Lễ cầu nguyện được tổ chức vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, 13 Tháng Chín, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, 1538 N. Century Blvd., Santa Ana, CA 92703.

Sau đó, vào lúc 12 giờ 30, sẽ có buổi đấu giá hai mô hình này, làm bằng đồng, để gây quỹ xây tượng đài.

Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận từng bị CSVN bắt giam sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975. Trước đó, ông được Tòa Thánh Vatican cử làm phó tổng giám mục, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, với quyền thừa kế từ ngày 23 Tháng Tư, 1975.

Năm 1989 ông được giải phẫu điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở Hà Nội rồi năm sau được cho phép sang Roma điều trị tiếp. Tuy nhiên, khi đang ở thủ đô của Ý, chính quyền Việt Nam loan báo không cho phép ông về nước.

Tại Vatican, ông được Ðức Giáo Hoàng John Paul II bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình năm 1994. Ðến năm 1998, ông được cử làm chủ tịch hội đồng thay thế Hồng Y Y.R. Etchagaray nghỉ hưu. Ngày 21 Tháng Giêng, 2001, ông được phong hồng y.

 

Gần 80 người Việt săn trộm tê giác bị bắt ở Nam Phi

Gần 80 người Việt săn trộm tê giác bị bắt ở Nam Phi
August 28, 2014

Nguoi-viet.com

VIỆT NAM (NV) Theo phúc trình được công bố tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở Sài Gòn hôm 27 tháng 8, 2014, nhà chức trách Nam Phi đã bắt được 77 người Việt Nam săn trộm tê giác.

Phúc trình trên được báo Tiền Phong trích dẫn cho biết, đó là số nghi can Việt Nam bị bắt riêng trong năm 2013, chiếm gần 77% tổng số người bị bắt vì tội săn tê giác để lấy sừng tại Nam Phi. Hội nghị trên do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, phối hợp với Tổ chức Cứu Trợ Ðộng vật Hoang dã – WildAid và Quỹ Bảo vệ Ðộng vật Hoang dã Châu Phi – African Wildlife Foundation.



Một trong những chiếc sừng tê giác vừa bị cưa trộm. (Hình: Tinmoi.vn)

Cũng theo phúc trình trên, Việt Nam và Trung Quốc hiện là hai quốc gia tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới. Phúc trình cũng nói rằng, giá bán sừng tê giác trên thị trường chợ đen của thế giới hiện nay lên tới trên 65,000 đô la một kg. Vì nhu cầu tăng vọt, sừng tê giác mỗi ngày càng trở nên hiếm hoi.

Ðiều đó thôi thúc số người đổ xô đến các quốc gia Châu Phi săn tê giác để lấy sừng ngày thêm đông. Khá nhiều người Việt Nam cũng tìm cách len lỏi đến Châu Phi để gia nhập lực lượng này.

Một bài báo của Người Ðưa Tin mới đây còn tiết lộ rằng, giá sừng tê giác ở Việt Nam lên tới 100,000 đô la một kg, cao hơn cả vàng khối. Thời gian qua, rất nhiều đại gia Việt Nam sẵn sàng chi bạc tỉ để mua sừng tê giác, nghiền thành bột, trộn với nước lã hoặc rượu để uống. Họ tin rằng sừng tê giác là phương thuốc hiệu nghiệm để chữa bệnh bất lực, tăng cường khả năng tình dục của quý ông.

Thế nhưng theo tài liệu được công bố tại hội nghị trên, cho đến nay vẫn không có một chứng cứ nào cho thấy sừng tê giác là phương thuốc thần chữa bá bệnh như người ta đồn đãi. Ông Nguyễn Chấn Hùng, giáo sư-bác sĩ, chủ tịch Hội Ung Thư Việt Nam cũng khẳng định rằng, sừng tê giác không chữa được bệnh ung thư. (PL)

Bank of America bị phạt gần 17 tỷ đôla

Bank of America bị phạt gần 17 tỷ đôla

21.08.2014

Một trong những ngân hàng lớn nhất của Mỹ, Bank of America, phải chi khoản tiền phạt cao kỷ lục gần 17 tỷ đô la vì các khoản nợ xấu về bất động sản mà ngân hàng này đã bán lại cho các nhà đầu tư, góp phần gây nên tình trạng suy thoái kinh tế thế giới.

Đây là vụ giàn xếp lớn nhất giữa chính phủ Mỹ với một tập đoàn tư nhân. Thông báo này do Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder đưa ra hôm nay. Ông Holder nói Bank of America đã nhúng tay vào các âm mưu lớn gạt các nhà đầu tư để họ mua lại các khoản nợ xấu.

Vụ phạt tiền Bank of America theo sau khoản phạt tổng cộng 20 tỷ đô la đã áp dụng cho 2 ngân hàng lớn khác là JPMorgan Chase và Citigroup vì vai trò của hai ngân hàng này trong việc bán lại cho các nhà đầu tư các khoản nợ xấu về bất động sản trước cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 và 2009.

Với nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới suy yếu nhanh chóng lúc bấy giờ, hàng triệu người vay tiền mua nhà đã không có khả năng thanh toán nợ, khiến chứng khoán thế chấp mà các ngân hàng bán lại cho các nhà đầu tư trở nên không có giá trị. Thảm họa về đầu tư và cho vay ở Mỹ khơi mào cho cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mà hiện  một số nước, chủ yếu ở Châu Âu, vẫn còn chật vật phục hồi.

Bank of America đã thương lượng với chính phủ trong nhiều năm nay về các khoản đầu tư mà phần lớn do hai định chế tài chính mà Bank of America đã thâu tóm gồm Merrill Lynch và Countrywide Financial đứng ra bán.

Khoản phạt áp dụng cho Bank of America bằng với tổng lợi nhuận của ngân hàng này trong 3 năm qua.

Vào lộn nhà, ngủ lộn giường, diễn viên gốc Việt bị bắt

Vào lộn nhà, ngủ lộn giường, diễn viên gốc Việt bị bắt
August 19, 2014

Nguoi-viet.com

SANTA ANA, California (NV) Một người đàn ông gốc Việt ở Little Saigon, không hiểu sao, cạy cửa sổ vào một căn nhà ở Santa Ana, cởi quần áo, chỉ còn đồ lót, gắn điện thoại di động để nạp điện, và để bóp lên bàn, sau đó, leo lên giường ngủ một giấc tới sáng.



Nghi can Johnathan Phan. (Hình: Sở Cảnh Sát Santa Ana cung cấp)

Theo nhật báo The Orange County Register, đang ngủ ngon, ông Johnathan Phan, 29 tuổi, bị đánh thức vì tiếng la hét của một phụ nữ và một cô gái, nằm chung giường với ông.

Nhận ra là mình đã ngủ lộn giường và lộn nhà, nghi can phóng qua cửa sổ tẩu thoát, nhưng lại quên lấy quần áo, điện thoại và bóp theo.

Sự việc xảy ra hôm 22 Tháng Bảy, tại căn nhà trên đường West Civic Center, và dựa trên thông tin trong bằng lái, cảnh sát Santa Ana đã bắt ông Johnathan Phan hôm Thứ Sáu, sau khi nói chuyện với ông và luật sư của ông.

Ông Johnathan Phan bị cảnh sát truy tố tội đột nhập gia cư bất hợp pháp, nhưng cảnh sát lại không cho biết nguyên do.

Ông Anthony Bertagna, phát ngôn viên Sở Cảnh Sát Santa Ana, được báo OCR trích lời nói các điều tra viên không tin là nghi can biết người phụ nữ nằm chung giường, hoặc có bất cứ sự quen biết nào với gia đình này.

Theo hồ sơ Tòa Thượng Thẩm California ở Orange County, ông Johnathan Phan từng dính đến nhiều vụ vi phạm pháp luật, từng nhận tội uống rượu lái xe năm 2012, tội sở hữu và sử dụng chất gây nghiện năm 2013.

Johnathan Phan từng đóng một số kịch và phim.

Nghệ sĩ hài Hồng Đào xác nhận với nhật báo Người Việt rằng Johnathan Phan từng cộng tác với nhóm kịch hài Quang Minh-Hồng Đào một thời gian trước đây, nhưng sau này không còn làm việc chung nữa.

Johnathan Phan cũng từng là “Special Guest” trong chương trình ca nhạc Asia 62.

Theo đài truyền hình KTLA 5, Johnathan Phan từng đóng một số phim, trong đó mới nhất là phim  “Battle B-Boy.”  (Ð.D.)

 

Con trai Thành Long bị bắt vì ma túy

Con trai Thành Long bị bắt vì ma túy

Thứ ba, 19 tháng 8, 2014

Jaycee Chan (bên trái) và Kha Chấn Đông

Con trai của diễn viên, ngôi sao võ thuật Thành Long (Jackie Chan) bị bắt vì sử dụng ma tuý, theo báo chí Trung Quốc.

Diễn viên Jaycee Chan, 31 tuổi, và ngôi sao điện ảnh Đài Loan Kha Chấn Đông, 23 tuổi, bị bắt hôm thứ Năm tuần trước.

Cảnh sát Bắc Kinh viết trên mạng xã hội của mình rằng hai người này bị bắt vì dùng bồ đà (marijuana), và trong nhà Jaycee Chan người ta tìm thấy hơn 100 gam loại này.

Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch chống ma túy, và một số ngôi sao nghệ thuật đã vướng vào rắc rối.

Hồi tháng Sáu, Chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng kêu gọi “biện pháp quyết liệt” để bài trừ ma túy.

Diễn viên Cao Hổ, 40 tuổi, từng đóng trong phim Kim lăng thập tam thoa năm 2011 của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, cũng bị bắt hồi đầu tháng này vì sở hữu marijuana và methamphetamines.

Tuy nhiên cảnh sát Bắc Kinh bác bỏ rằng họ nhắm vào giới những người nổi tiếng.

Tuần trước 42 công ty quản lý nghệ thuật ở Bắc Kinh đã ký thỏa thuận với cảnh sát là không thuê các nghệ sỹ bị vướng ma túy.

‘Lỗi lớn’

Jaycee Chan, tên tiếng Hoa là Phòng Tổ Danh, là con trai của Thành Long, người từng được phong danh hiệu Đại sứ chống ma túy của cảnh sát Trung Quốc năm 2009.

Cảnh sát Bắc Kinh nói anh bị bắt vì nghi phạm tội “che giấu cho người khác sử dụng ma túy”.

Nếu bị xử là có tội, anh có thể bị tù tới ba năm.

Diễn viên Kha Chấn Đông thì bị cáo buộc sử dụng ma túy, có thể nhận án nhẹ hơn, khoảng 15 ngày tạm giam hành chính.

Cảnh sát Bắc Kinh cho hay hai người khác, một trợ lý 36 tuổi và một nghi can buôn bán ma túy 33 tuổi, cũng bị bắt trong vụ này.

Kha Chấn Đông nói trên truyền hình ngày 19/8: “Tôi rất xin lỗi tất cả những ai từng ủng hộ tôi. Tôi đã nêu gương xấu, tôi mắc lỗi lớn”.

Ngôi sao Thành Long và con trai đều chưa phát biểu gì.

Của Thiên Trả Địa – Easy Come, Easy Go

Của Thiên Trả Địa  –   Easy Come, Easy Go

Trong khi nhiều người dân nước Mỹ “thèm thuồng” nhìn một công dân ở bang Florida (Mỹ) hồi tháng 5 vừa qua ẵm giải độc đắc Powerball trị giá hơn 590 triệu USD, mức trúng thưởng cao nhất từ trước đến nay, trang tin Business Insider  (Mỹ) đã điểm lại danh sách 10 người từng trở nên siêu giàu nhờ trúng số triệu đô nhưng sau đó lại nhanh chóng lâm vào cảnh túng bấn hoặc tự kết liễu cuộc đời mình.

Trúng số chưa hẳn là may?

1. Gia đình Griffith (Anh)
Giải độc đắc: 2,76 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 6 năm

Trước khi trúng giải độc đắc trị giá 2,76 triệu USD hồi năm 2006, hai vợ chồng Lara và Robert Griffith hiếm khi gây gổ.  Họ đã mua một căn nhà trị giá một triệu USD và một chiếc xe Porsche sang trọng sau khi lãnh giải.

Tuy nhiên, vào năm 2012, Robert lái chiếc Porsche bỏ đi sau khi Lara chất vấn chồng về những email cho thấy anh này đang có tình cảm với một người phụ nữ khác.

Thế là cuộc hôn nhân kéo dài 14 năm của họ tan vỡ, rồi một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu hủy toàn bộ căn nhà. Giờ thì Lara chẳng còn lại một xu nào từ khoản tiền trúng số đó nữa.

2. Sharon Tirabassi (Canada)
Giải độc đắc: hơn 10 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: khoảng 9 năm

Vào năm 2004, Sharon Tirabassi, một bà mẹ độc thân phải sống nhờ trợ cấp xã hội tại Canada, trúng độc đắc hơn 10 triệu USD.

Cô này vung tiền trúng số cho việc mua một căn nhà lớn, những chiếc xe sang, quần áo hiệu, những chuyến du lịch đắt giá, tiệc tùng, tặng người thân, cho bạn bè vay.  Kết quả là chưa đến 10 năm sau, Tirabassi giờ đây phải quay lại kiếm sống bằng nghề lái xe buýt, làm thêm giờ và sống trong một căn hộ cho thuê.

May mắn là cô còn để lại được một số tiền cho sáu đứa con của mình với điều kiện chúng chỉ được phép lấy khi tròn 26 tuổi.

Xếp hàng mua vé số Powerball
– Ảnh: Reuters

3. Suzanne Mullins (Mỹ)
Giải độc đắc: 4,2 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 8 năm

Khi trúng thưởng khoản tiền 4,2 triệu USD vào năm 1993 tại bang Virginia (Mỹ), Suzanne Mullins quyết định chọn hình thức nhận tiền trúng thưởng hằng năm, thay vì lãnh trọn một lần.

Bà này ban đầu mượn một số tiền trị giá 200.000 USD và dùng những khoản tiền trúng giải hằng năm để thanh toán.

Sau đó, Mullins đã đổi qua nhận tiền thưởng luôn một lần và ngưng không tiếp tục trả nợ, dẫn đến tình trạng nợ nần ngập đầu do lãi mẹ đẻ lãi con.  Các chủ nợ đã đâm đơn kiện và tòa đã yêu cầu bà này nộp 154 triệu USD. Tuy nhiên, bà đã không còn “một xu dính túi”.

4. Evelyn Adams (Mỹ)
Giải độc đắc: 5,4 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 15 năm

Evelyn Adams, ngụ tại bang New Jersey (Mỹ), trúng độc đắc đến hai lần, một lần vào năm 1985 và lần thứ hai một năm sau đó, với tổng số tiền là 5,4 triệu USD.

Bà này sau đó đã nướng sạch tiền vào trong các sòng bạc ở thành phố Atlantic. Giờ thì bà đang sống lang thang trong công viên.

5. Jack Whittaker (Mỹ)
Giải độc đắc: 315 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 4 năm

Trước khi trúng giải độc đắc trị giá 315 triệu USD của vé số Powerball vào năm 2002, Jack Whittaker đã có một cuộc sống khá giả tại bang West Virginia, với một công ty dịch vụ trị giá hơn 1 triệu USD.

Ông này sau đó đã trích một phần tiền trúng thưởng để xây nhà thờ, bỏ ra 10% để làm từ thiện và thành lập một quỹ từ thiện của riêng mình.  Whittaker có lẽ sẽ không có tên trong danh sách này nếu như vận rủi liên tục đến với ông.

Ông bị trộm cuỗm mất hơn 500.000 USD khi đậu xe bên ngoài một câu lạc bộ thoát y. Ông trở nên nghiện rượu, ly dị vợ và thường xuyên gây gổ với những người xung quanh.  Chỉ trong vòng 4 năm, toàn bộ tài sản của Whittaker đã tiêu tan và ông này từng tuyên bố rằng lấy làm tiếc phải chi mình xé tờ vé số trúng đi.

6. Janite Lee (Mỹ)
Giải độc đắc: 18 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 8 năm

Janite Lee, một người nhập cư gốc Hàn Quốc sống tại Mỹ, có một quyết định lạ lùng khi chọn cách chi 18 triệu USD tiền trúng số cho người khác hơn là cho bản thân.

Sau khi trúng số hồi năm 1993, bà này đã dùng phần lớn tài sản mà mình vừa may mắn có được để tài trợ cho các chương trình của chính phủ và cho các tổ chức chính trị.  Lee từng được ăn tối cùng cựu Tổng thống Bill Clinton nhờ những khoản đóng góp kếch xù của mình.  Lee còn cho Đại học Washington (Mỹ) 1 triệu USD để xây một thư viện. Nhà trường đã lấy tên bà để đặt cho thư viện mới này.

Ngoài ra, bà cũng rất mê cờ bạc. Với thói quen chi 347.000 USD/năm, bà nhanh chóng ngập trong nợ nần và phải tuyên bố phá sản vào năm 2001.

7. Michael Carroll (Anh)
Giải độc đắc: 15,5 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 8 năm

Vào năm 2002, Michael Carroll, một thanh niên 19 tuổi làm nghề dọn rác, trúng độc đắc khoảng 15,5 triệu USD.Sau khi trở nên giàu có, Carroll bắt đầu vung tiền vô tội vạ, mua quà cho gia đình và bạn bè, hút ma túy, rượu chè, cờ bạc và thường ngủ với bốn gái mại dâm/ngày.

Tám năm sau, anh này quay lại nghề dọn rác.

Mega Millions grows to $640M

8. Billie Bob Harrell Jr. (Mỹ)
Giải độc đắc: 31 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 20 tháng

Billie Bob Harrell Jr. trúng giải thưởng độc đắc 31 triệu USD vào năm 1997 khi đang là một người bán hàng rong.  Ban đầu, ông này mua một trang trại, tậu thêm 6 căn nhà và nhiều xe hơi.

Nhưng cũng giống như những người trúng vé số khác, Harrell không thể từ chối những lời cầu khẩn vay tiền từ bạn bè và người thân, để rồi trở nên khánh kiệt chỉ trong vòng 20 tháng.

Harrell tự sát vào năm 1999.

9. Callie Rogers (Anh)
Giải độc đắc: 3 triệu USD 9.
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 6 năm

Khi trúng độc đắc 3 triệu USD vào năm 2003, Callie Rogers chỉ mới 16 tuổi. Cô này tung tiền vào mọi thứ, từ quần áo, các chuyến du lịch, tiệc tùng, phẫu thuật thẩm mỹ để tăng kích cỡ vòng ngực và ma túy.

Sáu năm sau, cô lâm vào cảnh nợ nần và đã hai lần tìm cách tự sát. Cuối cùng, Rogers phải đi làm người ở để có tiền nuôi sống bản thân và hai đứa con.

10. Gerald Muswagon (Canada)
Giải độc đắc: 10 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 7 năm

Vào năm 1998, Gerald Muswagon trúng độc đắc 10 triệu USD tại Canada. Tuy nhiên, anh này nướng hết tiền vào rượu và tiệc tùng trong vòng vỏn vẹn có 7 năm.

Đến năm 2005, Muswagon tìm đến cái chết bằng cách tự treo cổ trong nhà xe của cha mẹ.

Thân phụ của một học sinh bi mất tích trong tai nạn chìm phà ở Hàn Quốc xin ĐTC rửa tội

Thân phụ của một học sinh bị mất tích trong tai nạn chìm phà ở Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc hành hương dài 900 cây số, vai vác thánh giá. Ông đã xin ĐTC rửa tội cho. Ngài đã đồng ý và ông sẽ được ngài làm phép rửa tội thứ bẩy hôm 16-8-2014, tại tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Hán Thành.

Hình ảnh: Thân phụ của một học sinh bị mất tích trong tai nạn chìm phà ở Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc hành hương dài 900 cây số, vai vác thánh giá. Ông đã xin ĐTC rửa tội cho. Ngài đã đồng ý và ông sẽ được ngài làm phép rửa tội thứ bẩy hôm 16-8-2014, tại tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Hán Thành.

nguồn: từ Dòng Tên Việt Nam

Nhà thờ trên đảo Lý Sơn

Nhà thờ trên đảo Lý Sơn

Chuacuuthe.com

VRNs (16.08.2014) – Quảng Ngãi –Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (Mt 28,19)

Lý Sơn là một Hòn đảo, nằm về hướng đông bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 28 cây số. Trước đây, Giáo xứ Lý Sơn là một giáo họ thuộc Giáo xứ Châu Ổ (điểm truyền do Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách), nay được tách ra và trở thành Giáo xứ, thuộc cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ. Nhà thờ mới được khởi công xây dựng ngày 20/07/2012 và khánh thành và cung hiến ngày 13/08/2014.

140815003

ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

I/ GIAI ĐOẠN KHAI MỞ ( 1959- 1965)

Năm 1959 Ông Dương Minh Giáng thành viên của CGTH Giáo hạt Quảng Ngãi đi tuyên phong trên đường truyền giáo tại đảo Lý Sơn.

Năm 1961 Nhà Nguyện được đặt tạm tại nhà ông Bùi Đài. Ban CGTH Lý Sơn gồm các ông: Võ Xuân Thơ, Phạm Nên, Phạm Nữ, Bùi Đài…

Một số anh chị em ở trại cãi huấn Quảng Ngãi, được ông Quản đốc Trần Quang Trung truyền giảng đạo Chúa, khi được trở về quê Lý Sơn, họ tự nguyện tham gia lo việc thờ phượng Chúa, trong số đó có Ông Nguyễn Tứ rất sốt sắng.

Đầu năm 1963 khởi công xây dựng nhà thờ.

Mặt bằng để xây dựng nhà thờ lúc bấy giờ do chính quyền xã và đại diện Khu hành chánh Lý Sơn cấp cho Họ đạo.

Tháng 11/ 1963 tình hình đất nước biến động, việc xây dựng nhà thờ bị ngừng lại.

Năm 1964 đất nhà thờ bị Chính quyền sử dụng làm trại định cư, Họ đạo đã đấu tranh ngăn chặn.

Năm 1965: Cha Tôma Phạm Hữu Thiện DCCT được sai đến để chăm sóc Họ đạo.

Cha Thiện lo tái thiết Nhà thờ. Tính tại thời điểm này số người tòng giáo là 500 người.

II/ GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN: ( 1966- 1973).

Năm 1966 Cha phêrô Nguyễn Hoàng Diệp DCCT đến quản nhiệm thay Cha Tôma Thiện.

Năm 1966 xây dựng ngôi nhà thiếu nhi làm cơ sở cho trường tiểu học Thăng Tiến. Thành lập trường tư thục tiểu học và trung học Thăng Tiến.

Năm 1967 xây dựng cơ sở (Nhà Bác Ái) trường trung học Thăng Tiến.

Công việc rao giảng Tin Mừng song song với công tác xã hội từ thiện, hoạt động phát triển.

Tháng 6 năm 1967, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn Giám mục Giáo phận Quy Nhơn đến thăm, ban Bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức cho một số anh chị em.

Năm 1970, xây dựng nhà xứ.

Năm 1972, xây Nhà nguyện trường học cho họ Bình Vĩnh nay là An Vĩnh.

III/ GIAI ĐOẠN THỬ THÁCH: (1974- 1992)

Năm 1974, Cha Micae Trương Văn Hành DCCT đến quản nhiệm thay Cha Hoàng Diệp.

Ngài tiếp tục lo việc mục vụ và điều khiển hoạt động của trường trung, tiểu học Thăng Tiến.

Ngày 31/3/1975 Chính quyền mới tiếp quản đảo Lý Sơn. Đời sống đạo gặp nhiều khó khăn. Trường Thăng Tiến ngừng hoạt động.

Các cơ sở như Nhà xứ, trường học bị Chính quyền “mượn” sử dụng: dạy học, đóng quân, chứa lương thực, chứa hàng thương nghiệp…, ngôi nhà nguyện trường học tại thôn đông xã Bình Vĩnh nay là xã An Vĩnh chính quyền xã cũng “mượn” để dạy học.

Ngày 18 tháng 9 năm 1978, Chính quyền buộc Cha Hành phải rời Lý Sơn vào Châu Ổ. Một số giáo dân bị đưa đi vùng kinh tế mới, một số khác tìm vào miền Nam lập nghiệp.

Chính quyền quản lý toàn bộ cơ sở của Họ đạo Lý Sơn, nhà thờ thì làm kho chứa lương thực và sau cho tư nhân thuê làm nhà chiếu phim.

IV/ GIAI ĐOẠN TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ TRƯỞNG THÀNH: (Từ tháng 6/ 1992)

Tháng 6 năm 1992, một số gia đình giáo dân tụ họp đọc kinh chung tại nhà ông Giacôbê Bùi Giới. Cộng đoàn gửi thỉnh nguyện thư đến các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh và trung ương xin giao trả nhà thờ để Họ đạo lo việc thờ phượng. Thời điểm này việc sinh hoạt của cộng đoàn Họ đạo do Cha G.B Nguyễn Thế Thiệp dìu dắt và lo liệu. Vì lúc bấy giờ Cha Hành bị bệnh đang điều trị tại Ý.

Ngày 18 tháng 11 năm 1993, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phép lành Tòa thánh cho cộng đoàn Họ đạo Lý Sơn.

Ngày 16 tháng 12 năm 1993, lúc 8 giờ 30 phút,  Chính quyền tại Lý Sơn chính thức giao trả nhà thờ cho Họ đạo.

Cuối năm 1993, Cha Hành lành bệnh và trở về.

Đầu năm 1994: Đáp ứng nguyện vọng của Giáo dân, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận để Cha Hành đến Đảo Lý Sơn thăm Giáo dân và dâng Thánh lễ nhân ngày đầu năm âm lịch Giáp Tuất.

Giai đoạn này, Cha Hành thỉnh thoảng xin được phép ra Lý Sơn làm mục vụ, phải sau một thời gian mới được tạm trú. Ngài tu sửa nhà thờ, nhà xứ, xây dựng lại đời sống đạo của đoàn chiên sau thời gian dài ly loạn.

Tháng 7 năm 1995, Họ đạo Lý Sơn được Đức Cha phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn nâng lên thành Giáo xứ thứ 34 của Giáo phận.

Ngày 22 tháng 8 năm 1996, nhân lễ Đức Maria Nữ Vương, Cha Tổng đại diện Phêrô Nguyễn Soạn thay mặt Đức Giám Mục đến thăm và chủ lễ ban bí tích Thêm Sức cho một số giáo dân.

Cha Micae Trương Văn Hành chú tâm vào việc giáo dục, ngài tổ chức chương trình khuyến học bằng nhiều hình thức như: trợ cấp học bổng, tặng phương tiện học tập… Nhờ vậy, Giáo xứ tuy nghèo nhưng con em trong xứ đạo vẫn có người đỗ đạt cao.

Năm 1988, thầy Anrê Nguyễn Ngọc Dũng DCCT, ra đảo giúp Cha Hành.

Năm 2005 Cha Phêrô Phạm Đức Thanh DCCT Sài Gòn, tự nguyện ra đảo thay Cha Micae Trương Văn Hành vì tình trạng sức khoẻ của ngài không đảm bảo để phục vụ ở miền xa. Cha Thanh vốn là giáo viên nên ngài cũng chú tâm vào việc giáo dục văn hoá. Hàng năm, đến dịp hè ngài mở lớp dạy học cho các em cấp II và III không phân biệt lương giáo.

Sau 5 năm phục vụ, vì lý do sức khỏe, Cha Thanh muốn vào đất liền, vì thế cần có người thay ngài.

Ngày 21 tháng 9 năm 2010, Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt và thầy Phêrô Đinh Văn Lượng được Nhà Dòng bổ nhiệm ra đảo phục vụ.

Ngày 08 tháng 7 năm 2011, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn viết văn thư bổ nhiệm Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Việt làm Linh mục chánh xứ Giáo xứ Lý Sơn.

Kể từ đó, cha nuôi dưỡng một nguyện ước về một ngôi nhà thờ mới, vì ngôi nhà thờ cũ sau bao biến động: nhân tai và thiên tai, làm cho xuống cấp không còn an toàn khi cộng đoàn dâng Thánh lễ trong mùa mưa bão.

140815004140815005140815007

NGÀY HỘI LỚN

Đã hơn 2 năm lo toan vất vã, kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên 20/07/2012. Nhà thờ Giáo xứ Lý Sơn đã hoàn thành tốt đẹp. Lễ Khánh thành và Cung hiến được tổ chức long trọng ngày 13/08/2014, do Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi Giám mục Giáo phận Qui Nhơn cử hành, cùng với sự hiện diện của vị Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đại diện Tòa thánh không thường trực tại Việt Nam và đông đảo quí linh mục giáo phận và nhà Dòng cùng đồng tế Thánh lễ.

Quả thật là một ngày hội lớn cho huyện đảo Lý Sơn. Những chuyến tàu chở khách liên tục hướng về, trên bến cảng đảo đã có sẵn đoàn xe Honda, những người con Lý Sơn với trang phục màu xanh của biển đang khao khát mong đợi từ bao giờ. Tại sân nhà thờ, cha Giuse Nguyễn Quốc Việt quản xứ, tuy công việc đã thấm mệt nhưng khuôn mặt luôn rạng rỡ với mụ cười duyên dáng, và không ngớt lời chào đón quí khách. Niềm vui được tăng thêm khi đồng hồ báo 1 giờ chiều (ngày 12/08), chuyến tàu cuối cùng đã cập bến, đưa vị cha chung của Giáo phận và vị đại diện Tòa thánh đặt chân lên đảo. Đoàn rước với trang phục màu xanh biển tay cầm cờ Tòa thánh đã chào đón trong tiếng vỗ tay vang lừng, cùng hân hoan tiến về ngôi Thánh đường mới. Từ bến cảng hướng về khoảng 4 km, một ngôi Thánh đường hiện lên rực rỡ trong màu ngói mới, như một điểm son tô thắm cho hòn đảo nhỏ này thêm duyên dáng và sang trọng. Nhà thờ nằm ven bờ biển, nhưng không hướng ra biển, như Đức cha Matthêô chia sẻ: “Như Chúa Giêsu ngày xưa, thấy dân chúng đông đảo theo Người thì Người xuống thuyền ông Phêrô và hướng vào bờ mà giảng dạy dân chúng. Con thuyền của Giáo xứ Lý Sơn cũng đang thực thi một nhiệm vụ như thế”.

140815009140815010140815008

Thánh Lễ khánh thành và cung hiến lúc 8 giờ ngày 13/08/2014 thật long trọng và nghiêm trang cũng đã khép lại trong niềm hạnh phúc. Giờ đây, những người con của Lý Sơn bước sang một giai đoạn mới là gìn giữ và vun sới cho hạt giống đức tin được phát triển và đơm hoa kết trái. Khách đến trong niềm vui tươi và rộn rã bao nhiêu, thì giờ đây trong bầu khí chia tay cũng lặng lẽ ngậm ngùi bấy nhiêu. Cũng cái khí hậu nóng bức ấy, cộng thêm chút muối mặn… khiến nó thêm đậm đà! Có lẽ đó cũng là nỗi nóng lòng mong đợi tình thương, và sự mặn mà, quí mến của người con Lý Sơn dành cho những ai yêu mến và quan tâm đến Giáo xứ hải đảo này.

Fx75

Kỷ niệm 35 năm Tàu Cap Anamur ra khơi cứu người vượt biển

Kỷ niệm 35 năm Tàu Cap Anamur ra khơi cứu người vượt biển

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-08-08

thanhtruc_08082014.mp3

capanamur4-305.jpg

Tàu Cap Anamur.

File photo

Đại Hội 35 Năm Cap Anamur, kỷ niệm ngày tàu Cap Anamur bắt đầu ra khơi cứu người vượt biển Việt Nam 35 năm trước, sẽ diễn ra trưa thứ Bảy ngày 9 tháng Tám, giờ địa phương tại cảng Hamburg thuộc thành phố Hamburg Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức

Thành phố Hamburg rộng thứ nhì nước Đức có nhiều người Việt sinh sống, có hai tượng đài thuyền nhân Việt Nam, một trong nghĩa trang thành phố từ năm 2006 và một tại cảng Hamburg từ năm 2009. Cảng Hamburg là nơi 35 năm trước tàu Cap Anamur bắt đầu ra khơi để thực hiện công tác nhân đạo tìm kiếm và vớt người vượt biên Việt Nam:

“Ngày 9 tháng Tám năm 1979 con tàu Cap Anamur bắt đầu khởi hành từ Hamburg, chuyến cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Hamburg tháng Tám năm 1986. Ngày 9 tháng Tám năm 2014 kỷ niệm 35 tàu Cap Anamur cứu vớt thuyền nhân được làm ở tại Hamburg. Cộng đồng người Việt tị nạn toàn nước Đức nói chung và ở tại Hamburg nói riêng chân thành cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức đã mở lòng nhân đạo, cứu vớt và nhận cho thuyền nhân Việt Nam được cư ngụ tại nước Đức.”

” Cap Anamur là con tàu của tình thương, đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và không chỉ đơn giản 11.300 người này mà 11.300 người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang.
-Lê Ngọc Tùng”

Đó là lời ông Nguyễn Đình Phúc, một thành viên trong ban tổ chức Đại Hội 35 năm Cap Anamur, có người anh cả được tàu Anamur vớt hồi năm 1980.

Cap Anamur là kết quả vận động của một nhà hảo tâm người Đức, tiến sĩ Rupert Neudeck, sau khi nghe thấy tin tức và những hình ảnh thương tâm về thuyền nhân vượt thoát khỏi Việt Nam bằng cách ra biển trên những chiếc ghe mong manh nhỏ bé.

Từ năm 1979 cho đến 1987, những chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur, đã vớt tổng cộng 11.300 thuyền nhânViệt rồi đưa họ về bến an toàn. Trong mắt thuyền nhân Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nói riêng cũng như trên thế giới nói chung, tàu Cap Anamur, tiến sĩ Rubert Neudeck, Ủy Ban Cap Anamur là những vị cứu tinh, những tên tuổi gắn liền với giòng lịch sử vượt biên gian nan của người Việt sau 1975.

Theo ông Lê Ngọc Tùng, cựu thuyền nhân, hiện là hội trưởng Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hamburg, nếu không có những chiếc tàu Cap Anamur đi vớt người vượt biên từ 1979 đến 1987 thì:

“Thống kê cho biết khoảng hai trăm ngàn người Việt Nam đi tìm tự do đã chết giữa biển. Nếu không có con tàu Cap Anamur thí chắc chắn số người chết giữa biển vì gặp hải tặc, bị sóng cuốn, bị thiếu lương thực vân vân sẽ rất là nhiều. Cap Anamur là con tàu của tình thương, đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và không chỉ đơn giản 11.300 người này mà 11.300 người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang nữa để có một cuộc sống tự do.”

capanamour-250.jpg

Nhà hảo tâm người Đức, tiến sĩ Rupert Neudeck. File photo.

Chính vì thế năm 2009 thêm một tượng đài tri ân chính phủ và người dân Đức được dựng lên tại cảng Hamburg. Đại Hội 35 năm Cap Anamur hôm nay cũng được tổ chức tại cảng này.

Một cư dân Hamburg trong Ủy Ban Cap Anamur, ông Nguyễn Hữu Huấn, từng được tàu Cap Anamur vớt, sau trở lại làm việc trên những chuyến tàu ra khơi cứu người này, kể lại:

“Năm 1980 tôi đi vượt biên lần thứ ba, ghe của tôi bị hải tặc cưới hai lần. Khi ghe lênh đênh ngoài biển và không còn dầu nhớt nữa, máy đã bị hư, thì chúng tôi được tàu Cap Anamur cứu.

Lúc đó trên tàu Cap Anamur có chiếc trực thăng, thấy được ghe của tụi tôi và tàu đã đến cứu, đó là khoảng tháng Ba năm 1980. Lúc đó cảm giác như là được sống lại, nhìn thấy con tàu đồ sộ, cái ghe của mình quá nhỏ nà con tàu thì quá to thì chúng tôi rất bàng hoàng, có thể nói là được một lần nữa tái sinh.

Thật tình mới đầu chúng tôi không biết đó là tàu của người Đức, nhưng sau khi biết chắc chắn đó là tàu của Tây Đức thì chúng tôi rất mừng. Tôi đã ôm chầm những người thủy thủ và tôi rớt nước mắt. Một số các em nhỏ thì chúng tôi phải bê lên từng người bởi vì đã bị say sóng hoặc là bị bọn hải tặc hiếp. Những người còn khỏe mạnh cũng vậy, trong ghe có một bà cụ lúc đó đã quì lạy từng người một. Cho đến ngày hôm nay những người được tàu Đức vớt, cũng như cá nhân tôi, đều biết ơn chính phủ Đức và những người đã tạo ra Ủy Ban Cap Anamur cứu sống cả đời chúng tôi.”

Hoàn tất sứ mạng cứu người

Thực tế, vì được tài trợ bởi chính phủ và người dân Tây Đức lúc bấy giờ, Ủy Ban Cap Anamur do tiến sĩ Rupert Neudeck thành lập đã có được 4 chiếc tàu trang bị như một bệnh xá di động. Cả 4 tàu Cap Anamur đều hoàn tất ngoạn mục sứ mạng vớt người trên biển cho đến khi chấm dứt năm 1987. Vẫn lời ông Nguyễn Hữu Huấn:

” Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần bốn chiếc.
-Nguyễn Hữu Huấn “

“Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần bốn chiếc. Tôi được chuyến Cap Anamur số 1 vớt. Tàu Cap Anamur số 1 đi vớt người từ 1979 đến 1982, chia thành 29 chuyến thì đã vớt được 199 chiếc ghe. Tôi được chính phủ của tiểu bang Hamburg cho đi học tiếng Đức trong vòng 11 tháng. Cuối năm 81 tôi bắt đầu trở thành thành viên của Ủy Ban Cap Anamur, lên tàu đi vớt người ta tiếp và tôi đã đi liên tục trong 5 năm rưỡi. Cho đến khi chấm dứt vào năm 1987 thì chính thức ra năm 87 là tàu Cap Anamur số 4.

Rồi sau khi các trại tị nạn đã đóng cửa tất cả rồi, nghĩa là không được vớt người nữa và các nước không nhận người nữa thì những con tàu về sau là Năm và Sáu không vớt người mà chỉ dẫn dắt và cứu hộ trên con đường vượt biển, tìm cách đưa họ vào trại tị nạn thôi.”

Được biết những năm trước thì lễ kỷ niệm tàu Cap Anamur vẫn diễn ra tại thành phố Troisdorf mà tiến sĩ Rupert Neudeck đang sinh sống, cũng là nơi một chiếc ghe của người vượt biển được kéo về và trưng bày ở đó. Lý do Đại Hội 35 Năm Cap Anamur lần này được tổ chức tại cảng Hamburg là vì:

“Đây là lần đầu tiên tổ chức tại Hamburg, thứ nhất tại cảng Hamburg cách đây 5 năm đã có một bia biểu tượng tị nạn được đặt ngay tại cảng của Hamburg, đánh dấu nơi phát xuất và trở về của tất cả các con tàu Cap Anamur.

Lý do thứ hai, cũng là yêu cầu của tiến sĩ Rupert Neudeck người sáng lập Ủy Ban Cap Anamur hiện tại đã 75 tuổi và rất yếu, nói rằng đây có thể là lần cuối cùngthì ông mong muốn tổ chức ngày kỷ niệm 35 năm tại cảng đó.”

Ban tổ chức Đại Hội 35 năm Cap Anamur ước lượng khoảng một nghìn người Việt khắp nơi cũng như ở Hamburg về tham dự sự kiện đặc biệt này. Buổi lễ chính sẽ bắt đầu lúc 1 giờ rưỡi trưa ngày 9/8, giờ địa phương, với sự hiện diện của cựu phó thủ tướng Muetefering và đương kim phó thủ tướng người Đức gốc Việt Philipp Roesler, bên cạnh một số viên chức chính phủ liên bang hoặc tiểu bang trước kia cũng như hiện nay. Ngoài ra còn có vị tổng giám mục của tiểu bang Hamburg trong dịp này.

Đại Hội Cap Anamur lần thứ 35 sẽ kết thúc bằng một chương trình văn nghệ ca nhạc vào buổi chiểu, đánh dấu sự tri ân và dịp hội ngộ của những thuyền nhân may mắn được những chiếc tàu Cap Anamur cứu thoát từ đại dương mênh mông.

Tư Bản Đỏ VN Đầu Tư Vào Mỹ Để Định Cư; Trong Năm 2013 Có 60 Đại Gia Đầu Tư Diện EB-5

Bản Đỏ VN Đầu Tư Vào Mỹ Để Định Cư; Trong Năm 2013 Có 60 Đại Gia Đầu Tư Diện EB-5

Vietbao.com

SAIGON (VB) — Nhiều đại gia tư bản đỏ đã và đang lên kế hoạch đầu tư vào Mỹ và sẽ đưa toàn gia sang định cư ở Mỹ.

Bản tin Báo Dân Việt ghi theo VnExpress có tựa đề “Nhiều đại gia Việt quan tâm đầu tư định cư Mỹ,” nói rằng đã có “khoảng 60 hồ sơ của Việt Nam được duyệt định cư thông qua đầu tư dự án tại Mỹ năm ngoái, trong khi 6 năm trước gần như không trường hợp nào thành công – ông Trần Văn Tỉnh, Chủ tịch HĐQT IMM Group cho biết.”

Bản tin nói, Luật EB-5 quy định về việc định cư tại Mỹ thông qua các chương trình đầu tư dự án. Đây cũng là cách nước Mỹ thu hút đầu tư nước ngoài. Gần 10 năm trước, chương trình này hầu như không được quan tâm bởi quy định khắt khe của cơ quan Di trú. Nhưng hiện nay, số người có nhu cầu tìm hiểu và muốn định cư ở Mỹ có xu hướng gia tăng.

Nhưng, cần bao nhiêu tiền bơm vaò Mỹ đầu tư mới có thể vào định cư ở Mỹ?

Ông Trần Văn Tỉnh, Chủ tịch HĐQT IMM Group, giải thích về chương trình EB-5:

“Thị trường Mỹ không yêu cầu kinh nghiệm quản lý, không yêu cầu có doanh nghiệp, không giới hạn độ tuổi hay ngoại ngữ…, nhưng phải có khoản tiền 500.000 USD để rót vào một dự án ở Mỹ (vào những vùng đã được chỉ định đầu tư) và chứng minh nó tạo ra 10 việc làm cho người bản xứ.

Chính phủ Mỹ đưa ra hạn mức 10.000 visa một năm dành riêng cho EB-5 nhưng từ trước tới nay chưa có năm nào đạt được. Tuy nhiên, lượng hồ sơ xin thẻ xanh có điều kiện được chấp thuận tăng dần qua các năm (2010: 1.369 hồ sơ, 2012: 1.563; 2013 là 3.677, theo Bộ Di trú Mỹ). Mong muốn chứng kiến con cái lớn lên tại nơi có nền giáo dục và môi trường phát triển, sớm đoàn tụ với người hoặc tận dụng những lợi thế kinh doanh khi có thẻ xanh trong tay là lý do chính mà nhiều người, trong đó có người Việt tìm cách định cư ở nước ngoài.”

Nhưng, mức độ khó của hô sơ EB-5 ra sao?

Ông Tỉnh giải thích:

“Theo thông tin tôi nắm, năm 2013, Việt Nam mới có khoảng 60 hồ sơ đạt yêu cầu nhận thẻ xanh có điều kiện.

Cái khó nhất của nhà đầu tư Việt Nam hiện nay là chứng minh tính minh bạch của số tiền 500.000 USD sẽ dùng để đầu tư vào dự án ở Mỹ. Nhiều trường hợp bỏ hẳn ý định vì không cách nào thu thập đủ thông tin để trình bày cho Chính phủ Mỹ hiểu rõ ngọn nguồn khoản tiền này. Có khách hàng là đại gia ở TP HCM thừa sức chi gấp hàng chục lần số tiền này nhưng ông không cho thấy trên giấy tờ 500.000 USD đó là do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà ông làm chủ mang lại. Hay một chị thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi ngày từ cửa hàng điện tử ở quận 5 song không có gì xác minh đây là sự thật. Hóa đơn từ cơ quan thuế cũng vô hiệu bởi không được phía Mỹ chấp thuận. Trường hợp này đòi hỏi sự vào cuộc của phía luật sư, công ty kiểm toán… nên chỉ riêng khâu hoàn tất hồ sơ ban đầu chuyển cho công ty tư vấn đã mất vài tháng.”

Tình hình này cho thấy, các đại gia ở VN có rất nhiều, nhưng sẽ rất ít người chứng minh rằng đông tiền của họ có nguồn gốc “sạch.”

 

Người Mỹ gốc Việt đầu tiên thăng chức Chuẩn Tướng

Người Mỹ gốc Việt đầu tiên thăng chức Chuẩn Tướng

RFA 07.08.2014

Vietonthehorse-600-123.jpg

Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt

Photo courtesy of luongxuanviet.blogspot

Sáng ngày 6 tháng 8 năm 2014, lần đầu tiên trong quân sử Hoa Kỳ, một người Việt tị nạn được vinh thăng Chuẩn tướng.

Ông là Đại tá Lương Xuân Việt, Phó tư lệnh đặc trách hành quân của Sư đoàn I Thiết kỵ. Chức vụ vừa được gắn lên chiếc nón Thiết kỵ đã đưa ông vào danh sách người Việt Nam đầu tiên vinh dự có tên trong hàng tướng lãnh Hoa Kỳ vốn là nơi xét duyệt một cách nghiêm ngặt chức vụ này trong quân đội của họ.

Vinh quang của Chuẩn tướng Lương Xuân Việt cũng là niềm tự hào của người Việt tại Hoa Kỳ. Hàng trăm đồng hương đã lặn lội đến tận Cooper Field, tiểu bang Texas nơi tổ chức gắn lon cho ông để chia sẻ những gì mà một đứa con trong gia đình có đến bảy chị em gái, theo cha mẹ sang Mỹ lúc ông mới 10 tuổi. Cha ông là Thiếu tá Thủy quân lục chiến Quân lực VNCH và do đó ông đã thấm sâu ba chữ Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm.

Trong bài phát biểu bằng tiếng Việt, Chuẩn tướng Lương Xuân Việt nhắc lại truyền thống này một cách tự hào và cũng không quên cám ơn đồng ngũ với cha của ông, người từng mang trên người trọng trách bảo vệ quốc gia như ông đang làm trong vai trò một tướng lãnh:

“Nhìn những bộ quân phục lòng tôi thật bùi ngùi xót xa. Những người đã làm con tim tôi rung động vì ba chữ Danh dự, Trách nhiệm, Tổ quốc và những ý nghĩa của các câu dặn dò do cha ông để lại như. “Nam quốc sơn hà nam đế cư”… Chính là thân phụ tôi, đồng đội của các anh, vì vậy ngọn lửa trong tim tôi lúc nào cũng hướng về đất mẹ dù đã 30 năm xa cách. Không có sự hy sinh xương máu của các anh thì chúng tôi chắc chắn không có ngày hôm nay. Tổ quốc mãi mãi ghi ơn, vì vậy tôi xin các anh nhận cái chào của tôi!”

Chuẩn tướng Lương Xuân Việt gia nhập quân đội Hoa kỳ chức vụ đầu tiên ông nhận được vào năm 1987 là Thiếu úy bộ binh. Từ đó ông lần lượt được thăng tới cấp Đại tá và giữ chức Lữ đoàn trưởng cho chiến trường Afghanistan  năm 2012.

httpv://www.youtube.com/watch?v=Odzo6V45Ti0