10.000 người ‘nhiễm virus Ebola’

10.000 người ‘nhiễm virus Ebola’

Số ca nhiễm virus Ebola đã vượt quá 10.000 người, với 4.922 ca tử vong, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chỉ có 27 ca xảy ra bên ngoài ba nước bị ảnh hưởng nặng nhất: Sierra Leone, Liberia và Guinea.

Ngoài 10 trường hợp, số tử vong còn lại đều xảy ra ở ba nước này.

Mali là nước mới nhất có người chết, một bé gái hai tuổi.

Theo WHO, Liberia vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất, với 2.705 người đã chết.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, hai y tá bị nhiễm virus trong lúc chăm sóc bệnh nhân Thomas Eric Duncan đã được tuyên bố chữa khỏi.

Cô Nina Phạm, 26 tuổi, đã gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, vài giờ sau khi ra viện.

Y tá Nina Phạm khỏi Ebola, gặp tổng thống Obama trước khi về nhà

Y tá Nina Phạm khỏi Ebola, gặp tổng thống Obama trước khi về nhà

Ông Obama trao cho cô Nina một cái ôm tại Tòa Bạch Ốc không lâu sau khi cô rời khỏi bệnh viện của Viện Y tế Quốc gia (NIH) bên ngoài thủ đô Washington.

Ông Obama trao cho cô Nina một cái ôm tại Tòa Bạch Ốc không lâu sau khi cô rời khỏi bệnh viện của Viện Y tế Quốc gia (NIH) bên ngoài thủ đô Washington.

Y tá Mỹ gốc Việt Nina Phạm đã xuất viện sau khi được chữa khỏi virus Ebola và đã gặp gỡ Tổng thống Barack Obama.

Ông Obama trao cho cô một cái ôm tại Tòa Bạch Ốc không lâu sau khi cô rời khỏi bệnh viện của Viện Y tế Quốc gia (NIH) bên ngoài thủ đô Washington.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói rằng Tổng thống không hề lo lắng về bất cứ nguy cơ nào khi ôm nữ y tá.

Nina Phạm là y tá tại một bệnh viện ở thành phố Dallas bang Texas, nơi điều trị bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán nhiễm Ebola ở Mỹ. Cô nói với báo giới và những người ủng hộ trong sáng thứ Sáu rằng cô biết ơn về sự phục hồi của mình.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm, ôm cô Nina Pham khi cô chuẩn bị rời khỏi NIH.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm, ôm cô Nina Pham khi cô chuẩn bị rời khỏi NIH.

Bác sĩ Anthony Fauci thuộc NIH hôm thứ Sáu khẳng định nữ y tá gốc Việt đã được chữa khỏi Ebola. Ông cho biết cô không được cấp bất kỳ loại thuốc thử nghiệm nào trong khi điều trị tại NIH và nói chưa rõ vì sao một bệnh nhân Ebola lại hồi phục còn bệnh nhân kia thì chưa. Ông cho biết tuổi trẻ và sức khỏe tốt của cô có thể đã giúp cô đánh bại virus.

Giới chức y tế cho biết nữ y tá Amber Vinson, đồng nghiệp của Nina Phạm đang được điều trị Ebola, không còn virus ở mức có thể nhận biết được. Nhưng họ chưa định ngày để Vinson xuất viện ở Đại học Emory thành phố Atlanta.

Cũng trong ngày thứ Sáu, giới chức y tế thành phố New York cho hay nạn nhân Ebola thứ ba, bác sĩ Craig Spencer, đang trong tình trạng ổn định. Bác sĩ Spencer, vừa trở về Mỹ sau khi chữa trị bệnh nhân Ebola ở Guinea, trở thành người đầu tiên được chẩn đoán nhiễm virus ở thành phố New York vào hôm thứ Năm.

Trong một diễn biến khác hôm thứ Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ca nhiễm Ebola đầu tiên của Mali, được xác nhận vào ngày thứ Năm, đã tiếp xúc với nhiều người khi du hành khắp đất nước bằng xe buýt.

Trước đó trong ngày thứ Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ có kế hoạch bào chế hàng trăm ngàn liều vắc-xin Ebola để có sẵn đến nửa đầu năm 2015.

Thêm bác sỹ Mỹ nhiễm Ebola

Thêm bác sỹ Mỹ nhiễm Ebola

Bác sỹ Spencer đã được lập tức cách ly

Một bác sỹ Mỹ vừa trở về New York từ Guinea, Tây Phi, bị chẩn đoán dương tính với Ebola.

Ông Craig Spencer, người điều trị cho các bệnh nhân Ebola trong lúc làm việc cho Tổ chức Bác sỹ Không biên giới (MSF), đã lên cơn sốt hôm 23/10, các nhà chức trách cho biết.

Đây là trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại New York và là trường hợp thứ tư tại Hoa Kỳ.

Hơn 4.800 người đã tử vong vì Ebola kể từ tháng Ba, chủ yếu tại ba quốc gia Liberia, Guinea và Sierra Leone.

‘Không nên hoảng hốt’

Tối 23/10, trong nỗ lực nhằm trấn an dư luận, giới chức New York cho biết các cơ quan y tế đã sẵn sàng cho Ebola từ nhiều tuần nay.

“Người dân New York không có lý do để hoảng hốt,” Thị trưởng Bill de Blasio nói.

“Ebola rất khó để lây lan, miễn là không tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể từ người nhiễm bệnh.”

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhận định: “chúng ta không thể nói rằng đây là trường hợp nằm ngoài dự đoán”.

Ông Cuomo cho biết giới chức y tế đã xác định 4 cá nhân mà họ cho là có thể đã tiếp xúc với bác sỹ Spencer trong thời gian ông này phát bệnh.

Hôn thê của ông Spencer và hai người bạn khác đã bị cách ly, bác sỹ Mary Basset, ủy viên y tế của New York, cho biết.

Bác sỹ Spencer, 33 tuổi, rời khỏi Guinea hôm 14/10 để sang châu Âu và trở về Thành phố New York hôm 17/10, bà Bassett cho biết.

Hôm 21/10, ông bắt đầu cảm thấy mệt trong người và lên cơn sốt ngày 23/10.

Ông Spencer sau đó đã lập tức liên lạc với các giới chức y tế và sau đó được đưa vào Bệnh viện Bellevue tại Thành phố New York, nơi ông được đưa vào phòng điều trị cách ly.

Cảnh sát New York được triển khai trước căn hộ của ông Spencer

Nghiên cứu vaccine

Bác sỹ Spencer là người thứ tư bị chẩn đoán nhiễm Ebola tại Hoa Kỳ.

Trường hợp đầu tiên nhiễm Ebola tại Liberia trước khi bay đến Dallas, Texas. Bệnh nhân này đã qua đời hôm 8/10.

Hai y tá chăm sóc cho người này tại Dallas cũng đã nhiễm bệnh và đang được điều trị tại bệnh viện.

Trong khi đó, hôm 23/10, trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại Mali đã được xác nhận. Bệnh nhân là một bé 2 tuổi vừa trở về từ Guinea.

Mẹ của bé gái này đã qua đời tại Guinea vài tuần trước và đứa bé sau đó được người thân đưa về Mali, hãng thông tấn Reuters dẫn lời một quan chức y tế cho biết.

Mali đã trở thành quốc gia Tây Phi thứ sáu bị ảnh hưởng bởi Ebola. Tuy nhiên Senegal và Nigeria đã được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là an toàn.

Trong một diễn biến riêng lẻ, WHO nói đã xác định được hai loại vaccine trong giai đoạn thử nghiệm mà tổ chức này tin rằng là có nhiều triển vọng.

Trong một cuộc họp tại Geneva, WHO cho biết tổ chức này đã đặt mục tiêu hoàn tất việc thử nghiệm vaccine trong tháng 12 năm nay.

WHO nói 443 nhân viên y tế đã nhiễm Ebola, 244 người trong số này đã qua đời.

Gs. Allen Weiner: Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền

Gs. Allen Weiner: Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền

Chuacuuthe.com

VRNs (22.10.2014) – California, USA – ngày 21 tháng 10 năm 2014, Giáo sư Allen Weiner, giám đốc Chương Trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu tại trường Đại Học Luật Stanford, ngày hôm nay đã gởi thông tin cập nhật liên quan đến kiến nghị đã được trình lên Ủy Ban Điều Tra Về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) tại Geneva tháng Bảy năm 2012 đặt vấn đề về việc bắt giữ phi pháp và tiếp tục giam cầm mười sáu nhà hoạt động xã hội và chính trị tại Việt Nam.

Bản cập nhật nêu việc nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã liên tục thất bại trong việc tuân theo phán quyết của UNWGAD tháng Tám năm 2013, rằng việc tước đoạt quyền tự do của những nhà hoạt động nêu trên là làm trái với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam chiếu theo Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị và Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.Ủy Ban đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thả tức khắc những người bị giam giữ và bồi thường thỏa đáng cho họ.

Bản cập nhật nhấn mạnh rằng mặc dầu tính chất rõ ràng của phán quyết tháng Tám năm 2013 của UNWGAD, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn còn đang tiếp tục vi phạm những nghĩa vụ pháp lý rõ ràng theo luật pháp quốc tế. Mười một trong số nhà hoạt động tiếp tục bị chính phủ Việt Nam giam giữ tùy tiện, vi phạm những nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền.

Ngoài ra, mặc dù năm trong số những nhà hoạt động đã mãn hạn tù, họ vẫn còn phải chịu những hạn chế phi pháp về quyền tự do do việc nhà cầm quyền thi hành những biện pháp “quản lý hành chánh”, một cách hạn chế tự do đi lại, làm trở ngại trầm trọng đến sinh kế của họ và đồng thời vi phạm những nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, bản cập nhật liệt kê những đối xử đầy ác tâm của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người liên quan trong phán quyết của UNWGAD. Bản cập nhật nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt đến cách đối xử tàn nhẫn, mất phẩm giá con người đối với ông Fanxicô Đặng Xuân Diệu.

141022011

Những vi phạm nhân quyền

Theo lời một cựu tù nhân, ông Diệu đã bị biệt giam và bị đánh đập vì vẫn duy trì mình vô tội và từ chối mặc quần áo tù. Quản lý nhà tù đã liên tục không cung cấp thức ăn và nước sạch và bắt ông Diệu phải sống trong phòng giam chật hẹp và thiếu cả những phương tiện vệ sinh cơ bản.

Sự ngược đãi ông Diệu là một vi phạm rõ rệt Điều 19(1) của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị, theo đó: “Tất cả những người bị tước mất quyền tự do phải được đối xử một cách nhân đạo và nhân phẩm phải được tôn trọng.” Sự ngược đãi này đồng thời cũng đi ngược lại với Điều 5 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, theo đó: “Không ai có thể bị tra tấn hoặc bị đối xử, trừng phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo, làm hạ phẩm giá.”

Hành vi này cũng hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố của nhà cầm quyền Việt Nam khi ký Công Uớc Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn Và Những Đối Xử, Trừng Phạt Tàn Nhẫn, Vô Nhân Đạo Hoặc Làm Giảm Nhân Phẩm vào ngày 7 tháng 11 năm 2013. Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, khi ký vào Công Ước đã khẳng định rằng, Việt Nam [một lần nữa] “tái xác nhận quyết tâm vững chắc ngăn ngừa tất cả những hành động tra tấn, tàn nhẫn, vô nhân đạo, hoặc làm giảm nhân phẩm và bảo vệ, cổ vũ tốt hơn những nhân quyền cơ bản.”

Vì những ngược đãi tiếp tục đối với những người tham gia vào những hoạt động xã hội và chính trị ôn hòa tại Việt Nam và việc nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục giam giữ những người đó một cách phi pháp, bản cập nhật yêu cầu UNWGAD có hành động khẩn cấp thay mặt cho ông Fanxicô Đặng Xuân Diệu và những người kiến nghị, điển hình là yêu cầu một chuyến viếng thăm Việt Nam, gồm cả việc đi thăm ông Diệu tại nhà tù; đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam điều tra về tình trạng và cách đối xử hiện nay đối với ông Diệu; lập lại Phán Quyết trước của Ủy Ban và tái yêu cầu thả tất cả mười sáu nhà hoạt động xã hội và chính trị bao gồm trong Phán Quyết tháng Tám năm 2013.

Vi phạm luật pháp quốc tế

Theo ông Allen Weiner, giảng viên cao cấp của Trường Luật Stanford, cũng là luật sư của những người đệ đơn: “Dựa trên quan điểm của Ủy Ban Điều Tra Về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc, không thể có câu hỏi chính đáng nào về việc Việt Nam giam giữ những nhà hoạt động xã hội và chính trị là đúng với lập pháp quốc tế hay không. Đó không thể là gì khác ngoài sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với những người muốn thực thi những quyền dân sự và chính trị, được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế.”

“Việc nhà cầm quyền Việt Nam từ chối thả những người đệ đơn, bất kể phán quyết rõ ràng của Ủy Ban Điều Tra Về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc, phản ảnh sự coi thường trầm trọng luật pháp quốc tế và nêu lên những câu hỏi quan trọng về vai trò mà Việt Nam muốn có trong cộng đồng quốc tế”, ông Weiner nhấn mạnh. “Trên hết, đó là một sự bất công nặng nề đối với các nhà hoạt động, chỉ muốn tham gia vào những sinh hoạt xã hội và chính trị mà chúng ta cho là những điều hiển nhiên trong một xã hội tự do.”

Trong phán quyết tháng Tám năm 2013, UNWGAD có trách nhiệm cứu xét những trường hợp bắt giữ tùy tiện, đã nêu rõ rằng việc có quan điểm và bày tỏ quan điểm, kể cả những quan điểm không phù hợp với chính sách của nhà nước, được bảo vệ bởi Điều 19 của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị. Ủy Ban nhấn mạnh rằng những điều khoản của luật pháp Việt Nam được sử dụng để buộc tội những người đệ đơn, là “mơ hồ và quá chung chung”. Ủy Ban nhận định rằng việc tước đoạt quyền tự do của những người đệ đơn, cũng như những sai sót trong thủ tục tại các phiên xử, là trái với nhiều điều khoản của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị và Bản Tuyên Nhôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Những người đệ đơn kể tên như sau: Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Chu Mạnh Sơn, Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Lê Văn Sơn, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Ánh, Hồ Văn Oanh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Tạ Phong Tần, Trần Vũ Anh Bình, và Nguyễn Đình Cương.

GS. Allen Weiner

Allen S. Weiner là giáo sư cao cấp, giám đốc Chương Trình về Luật Quốc Tế và Đối Chiếu Luật tại trường Đại Học Luật Stanford, đồng-giám đốc Trung Tâm Stanford về Xung Đột và Đàm Phán Quốc Tế tại Đại Học Stanford. Ông là một học giả về luật quốc tế với kiến thức chuyên môn về nhiều lãnh vực như luật an ninh quốc gia và quốc tế, luật chiến tranh, giải quyết tranh chấp quốc tế, và luật hình sự quốc tế (gồm cả công lý chuyển tiếp). Lãnh vực nghiên cứu của ông chủ yếu về luật quốc tế và đối sách với những đe dọa an ninh hiện đại của khủng bố quốc tế, việc gia tăng những vũ khí giết người hàng loạt, và những trường hợp tội ác chống nhân loại lan rộng. Ông cũng nghiên cứu quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia trong bối cảnh những xung đột vũ trang không đối xứng giữa Hoa Ký và những nhóm phi chính phủ và đối phó với khủng bố.

 

Điếu Cày: ‘Đấu tranh để cho ngày trở về’

Điếu Cày: ‘Đấu tranh để cho ngày trở về’

BBC

Phát biểu tại phi trường Los Angeles hôm 21/10, Blogger Điếu Cày nói:

“Tôi thấy chính phủ Hoa Kỳ thì mong muốn tôi trở thành một công dân của Hoa Kỳ nhưng tôi không hiểu tại sao chính phủ Việt Nam lại muốn trục xuất tôi.

Những việc tôi làm chỉ mang lại lợi ích cho dân tộc Việt Nam, cho tổ quốc Việt Nam. Điều đó đáng để chính phủ Việt Nam phải suy nghĩ.”

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ trong tương lai sẽ về lại Việt Nam hay không, ông Nguyễn Văn Hải trả lời: “Tôi sang đây đấu tranh là để cho ngày trở về”.

Đoạn phim do báo Người Việt thực hiện.

Blogger Điếu Cày được tự do, đang trên đường sang Mỹ (Nguoi-viet.com)

httpv://www.youtube.com/watch?v=l8ykC9fgfRA#t=71

Nhân chuyện trang Facebook giả mạo mang tên LM Nguyễn Tầm Thường

Nhân chuyện trang Facebook giả mạo mang tên LM Nguyễn Tầm Thường 

Micae Bùi Thành Châu

10/18/2014

THẬT GIẢ – GIẢ THẬT

Ở đời, thật và giả là hai mặt của cuộc sống. Với công nghệ hiện nay, thật giả thật khó lường. Để hưởng lợi, bằng mọi giá, người ta giả từ vật chất đến tinh thần.

Cách đây ít năm, khi chiếc iphone đời đầu mới xuất hiện, người quen của tôi khá cẩn thận khi đặt hàng 1 chiếc từ Mỹ qua một người quen. Vui vẻ cầm trên tay sản phẩm mới và khi đó còn là hàng hiếm. Thế nhưng khi sử dụng thì hỡi ôi ! Chiếc iphone tưởng chừng như hàng chính hãng đó lại hàng hàng nhái từ phương trời của Hồ Cẩm Đào. Tiếc thương cũng rồi ! Đành thôi đã trả tiền ! Người hỡi tính làm sao đây ?

Mới đây, mua đậu xanh đã bóc vỏ về để nấu chè đậu xanh đánh theo kiểu người Huế. Chẳng hiểu sao khi đậu nhừ thì không như bình thường nhưng nó ra chất gì đó sệt sệt. Cả nhà nhìn kỹ thì nó giống … bột hơn là đậu xanh. Hóa ra là mua nhầm đậu xanh người ta làm từ đất nước của Tập Cận Bình.

Các bà các cô ra chợ thì sẽ rõ hơn chuyện hàng giả hàng nhái. Hàng nhái đôi khi còn làm đẹp mắt hơn là hàng thật.

Không chỉ vật dụng, thực phẩm giả và nhái mà nay ta lại thấy xuất hiện facebook nhái !

Từ dòng chia sẻ của linh mục Nguyễn Tầm Thường trên trang báo điện tử Vietcatholic, tôi vào thử trang facebook mang tên của Ngài.

Thật bất ngờ và sửng sốt bởi lẽ trang facebook mang tên cha Nguyễn Tầm Thường có hình của Ngài hẳn hoi. Không những thế, trong trang cá nhân này có nhiều bài viết lấy từ những trang khác cũng như gắn luôn cả hình của Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài nữa.

Thử vào phần trang bè bạn thì càng ngạc nhiên hơn là không ít các linh mục tu sĩ kết bạn và được nhận lời từ facebook mang tên linh mục Nguyễn Tầm Thường. Với lòng quý mến từ nhiều bài viết của cha Thường nên chuyện kết thân là điều dễ hiểu nhưng đến khi nghe những dòng tâm sự của cha Thường mọi người mới tá hỏa …

Cứ thử vào trang cá nhân mang tên linh mục Nguyễn Tầm Thường không ai nghĩ được rằng nó là giả. Thế nhưng, sự thật thật trang mạng này là giả.

Mạng xã hội luôn phức tạp và nó chứa đựng muôn điều muôn vẻ trong đó, thật cũng có mà giả cũng có.

Qua chuyện facebook giả mạo này một lần nữa nhắc nhớ những ai dùng mạng xã hội phải cẩn thận hơn khi tiếp chuyện hay đặc biệt là giúp đỡ, chia sẻ. Không gì bằng tận mắt, tận tay cả.

Cũng may là ai nào đó lập trang mạo danh cha Thường chỉ để “mua vui” chứ chưa đặt vấn đề xin giúp đỡ hay bác ái …

Những ai dùng mạng xã hội cũng nên dè dặt trước những thông tin khuyến mãi cho không cái gì đó như nạp thẻ điện thoại nhận được tài khoảng khủng. Một người bạn cũng tò mò với hướng dẫn hấp dẫn là nạp thẻ được nhận tài khoản khủng … Khi làm theo hướng dẫn mới tá hỏa nhận ra rằng đó là lời nhắn giả mạo, lời nhắn lừa đảo nhằm nạp tiền cho những người bất lương.

Rồi cũng có những trang mạng rủ rê mua iphone với giá rẻ mạt. Cũng có nhiều người ngậm đắng nuốt cay trước những chiêu trò giả mạo ấy. Không chỉ iphone nhưng tất cả những món hàng rao trên mạng với giá hời cần nên xem lại.

Nên nhớ rằng trên đời cái gì nó cũng có cái giá của nó và không ai cho không ai cái gì. Khi nhận được lời mời cho không cái gì ta nên cẩn thận duyệt xem đó là lời thật hay là lời giả trước khi nhận lời kẻo phải rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Thật tế nhị và nhạy cảm với các trang mạng xã hội bởi lẽ trên đó thật thật ảo ảo khó lường được. Chỉ có lòng thật lòng mới nhận ra khuôn mặt thật của nhau trên những phương tiện thông tin đại chúng mà thôi.

Micae Bùi Thành Châu

Ebola Tới Mỹ!

Ebola Tới Mỹ!

Tác giả: Vũ Linh

…Tỷ lệ chết cực kỳ cao, tới 90% vì không có thuốc chữa…

Cuối cùng thì chuyện gì phải đến đã đến: dịch Ebola đã tới đất Mỹ. Tới Dallas!

Từ 6 tháng qua, dịch Ebola đã hoành hành như chưa từng thấy bên Tây Phi, tại 3 nước Guinéa, Sierra Leone, và Liberia. Đầu tháng Tám tổng cộng chưa tới 1.000 người mắc bệnh, vài chục người chết. Đầu tháng Mười, hơn 10.000 người đã mắc bệnh, và trên 3.500 người đã chết. Và những con số này leo thang vùn vụt mỗi ngày, bất kể hàng loạt biện pháp chữa trị, ngăn chặn. Chính quyền mấy nước này đang bù đầu chống đỡ, với sự giúp đỡ của cả thế giới.

Đây không phải lần đầu tiên Ebola tấn công. Trước đây đã có khá nhiều lần, đều là ở Phi Châu. Lần đầu Ebola được phát hiện là năm 1976, tại Congo, khi đó gọi là Zaire, ở Trung Phi. Lần cuối cùng là tại Uganda, láng giềng của Congo, năm 2012. Nhưng những vụ tấn công này đều mau chóng được ngăn chặn kịp thời, chỉ khiến vài chục hay cùng lắm vài trăm người chết. Từ ngày Ebola được khám phá ra gần 40 năm nay, có tổng cộng khoảng 2.000 người chết cho tới đầu năm nay. Lần này, Ebola đã khiến hơn 3.500 người chết và đã lan qua tới Mỹ và Âu Châu.

Có cả thẩy năm loại vi khuẩn Ebola, tất cả đều từ các giống khỉ truyền qua người, cũng như bệnh AIDS. Trong năm loại, có bốn xuất phát từ khỉ Phi Châu, và một xuất phát từ khỉ Phi Luật Tân. Cho đến nay, chưa ai chết vì Ebola từ Phi Luật Tân.

Người ta cũng chưa rõ tại sao Ebola thỉnh thoảng lại bộc phát như vậy, nhưng có nhiều lý do để tin bệnh này thường xẩy ra từ những bộ tộc hay ăn thịt khỉ, là món ăn rất bình thường trong những bộ lạc Phi Châu.

Ebola là một thứ bệnh dễ lây mà cho đến nay đã không có thuốc trị, cũng không có thuốc ngừa. Đại cương thì bệnh này lan truyền qua các chất lỏng trong người như nước tiểu, tinh dịch, máu, mồ hôi, và ngay cả nước bọt (nước miếng), qua quan hệ tình dục, hay sử dụng kim chích hay ngay cả dụng cụ nha khoa không khử trùng kỹ, hay nhiều cách thông thường khác. Nói nước bọt cũng có nghiã là ăn uống cùng ly cùng chén cùng đuã, hay ngay cả dính nước bọt của người đối thoại khi người này ho, hắt xì hơi, hay nói chuyện văng nước bọt. Nói tóm lại rất dễ lây.

Khi lây thì triệu chứng phải chờ một thời gian mới xuất hiện, sớm là một tuần, nhưng cũng có thể tới ba tuần, hay 21 ngày, mới phát bệnh. Thời gian đó là thời gian vi khuẩn bắt rễ vào cơ thể, rồi bắt đầu tấn công.

Triệu chứng cũng khó biết ngay, đại khái lúc đầu cũng như cảm cúm thường, nóng lạnh chút đỉnh, khô cổ, uể oải, mắt đỏ, sau đó nóng lạnh giống như bị sốt rét, rồi tức ngực, khó thở, khó nuốt. Chỉ sau khi bị nặng hơn thì sẽ ói mửa ra máu, tiêu chảy, liệt giường,… Khi đó thì lục phủ ngũ tạng gì đó, nhất là thận và gan, đều đã bị tàn phá nặng, coi như hết thuốc chữa rồi.

Tỷ lệ chết cực kỳ cao, tới 90% vì không có thuốc chữa. Gần đây, hai bác sĩ Mỹ bị lây bệnh bên Phi Châu, được chở về Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh –Center for Desease Control, CDC- tại Atlanta điều trị và đã khỏi. Nhưng đây là những cuộc điều trị theo kiểu thử nghiệm, cực kỳ tốn kém và khó khăn, chưa thể đại chúng hoá được. Một phóng viên bị Ebola từ Phi Châu đang được chữa trị tại Mỹ, chi phí vài tuần đã lên tới hơn nửa triệu đô, bảo hiểm không trả. Một vài bệnh viện cũng thử chữa trị bằng nhiều thuốc khác, có khi dùng cả thuốc trị bệnh AIDS, khi thành công, khi thất bại. Cuối cùng vẫn chưa có thuốc gì bảo đảm chữa trị hết.

Điều đáng biết là vi khuẩn Ebola khi ra khỏi môi trường trong con người, rất dễ bị tiêu diệt, bằng chlorine, hay ngay cả bằng sà bông và nước thường. Do đó, có cách phòng bệnh rất hữu hiệu là chịu khó rửa tay, rửa mặt bằng sà bông thường xuyên, nhất là sau khi chung đụng với người bị cảm cúm. Thực tế phương thức này có phần khiếm nhã, cần tế nhị và khéo léo.

Tóm lại, Ebola là một bệnh dịch cực kỳ nguy hiểm mà cả thế giới hiện nay vẫn đang lấn cấn tìm cách đối phó.

Tin “mừng” cho dân ở Mỹ, là cho đến nay, chỉ mới có đúng một người được xác nhận đã chết vì bệnh, tuy đã có khoảng một trăm người còn đang ở trong tình trạng theo dõi.

Người này là anh Thomas Duncan, công dân Liberia, nơi Ebola đang hoành hành, nhưng có thẻ xanh sinh sống ở Dallas. Anh ta gần đây ở bên Liberia với một cô đào. Anh lấy máy bay từ Liberia về Dallas. Một tuần sau khi về tới nhà, anh cảm thấy khó chịu trong người, nghi ngờ và tới bệnh viện Texas Health Presbyterian. Tại đây, bác sĩ khám sơ qua, chẩn bệnh là bị cúm, cho thuốc trụ sinh rồi cho về. Vài ngày sau, anh bị liệt giường, ói mửa, khiến gia đình phải kêu xe cứu thương chở khẩn cấp vào bệnh viên, và tại đây họ đã xác nhận anh đang trong tình trạng nguy kịch vì Ebola. Anh bị cô lập trong nhà thương và không may, đã qua đời sau mấy ngày mặc dù có tin bác sĩ đã thử nghiệm nhiều loại thuốc mới để chữa trị cho anh.

Câu chuyện anh Duncan đưa ra ánh sáng nhiều vấn đề lớn.

Ebola hoành hành từ nửa năm nay, báo Mỹ đăng tin rầm rộ, và Nhà Nước Obama khẳng định đã sẵn sàng đối phó, với đầy đủ các biện pháp đã được ban hành trước là ngăn chặn Ebola vào được nước Mỹ, sau là nếu vào được thì cũng đầy đủ cách ngăn chặn.

Tháng Tám, TT Obama tuyên bố rõ ràng tất cả những biện pháp cần thiết đã được ban hành để không một bệnh nhân Ebola nào có thể lên máy bay đến Mỹ (nguyên văn: “all the necessary steps had been taken so that someone with the virus doesn’t get on a plane for the United States”).

Vụ anh Duncan cho thấy Nhà Nước Mỹ chẳng có gì sẵn sàng hết. Với những phản ứng luộm thuộm, hoàn toàn bất lực.

Anh Duncan ở Liberia đã sống và có “quan hệ” với một cô gái điạ phương, có con với cô ta nữa. Cô này bị bệnh, chính anh Duncan là người đã đưa cô vào bệnh viện, và tại đây cô chết vì đã dính Ebola. Anh Duncan sau đó tỉnh bơ về Mỹ để làm đám cưới với người hôn thê Mỹ. Khi rời phi trường ở Liberia, anh phải làm tờ khai đã có liên hệ với người nào bị Ebola không thì anh ta khai “không có”, một sự nói láo trắng trợn vì anh biết rõ người con gái anh có quan hệ đã chết vì Ebola. Rồi khi về đến Dallas, anh về ở với hôn thê, con cái, qua lại với họ hàng, bạn bè như bình thường.

Mấy thư ký, y tá tại bệnh viện Texas Health Presbyterian biết rõ anh này là dân Liberia, vừa mới ở Liberia qua được mấy ngày, có ghi trên phiếu nhập viện. Vậy mà không ai nghĩ là anh có thể bị Ebola, chỉ cho vài viên thuốc trụ sinh rồi cho về. Ta có thể tưởng tượng với những tin tức về Ebola tràn lan trên cả nước, cùng với những lời trấn an của Nhà Nước Obama, thì Bộ Y Tế cũng đã phải có chỉ thị cho tất cả các bệnh viện hay bác sĩ, nên cảnh giác và có biện pháp đề phòng rõ ràng. Việc nhân viên bệnh viện này lơ là chứng tỏ đã không có chỉ thị cảnh giác gì của Bộ Y Tế, và họ chỉ là một nhóm chuyên viên hoặc cực kỳ vô trách nhiệm, hoặc hết sức u tối, không đọc báo hay coi TV, chẳng biết Ebola đang hoành hành tại Liberia. Có tin gia đình anh Duncan sẽ thưa nhà thương ra tòa.

Sau khi khám phá anh bị Ebola, hôn thê và gia đình được nhà chức trách yêu cầu đừng ra khỏi căn hộ họ đang ở cùng anh Duncan. Nhưng họ bất chấp lời yêu cầu, vẫn ra đường như thường, khiến nhà chức trách phải áp dụng biện pháp mạnh hơn, mới đầu cho lính gác cấm cửa, mãi bốn ngày sau mới chở họ đi cô lập một nơi khác, rồi cho tẩy rửa, khử trùng căn hộ.

Có bốn đứa trẻ sống cùng với anh Duncan. Tin tức báo chí không nói rõ liên hệ của chúng với anh Duncan. Chỉ biết mấy đứa trẻ này vẫn đi học bình thường, chung đụng với bạn bè cùng trường đến khi bị cô lập.

Nhà chức trách gửi nhân viên y tế đến thu hốt mùng mền, chăn gối, dụng cụ ăn uống tính mang đi thiêu hủy, để rồi khám phá ra họ không di chuyển mấy thứ này đi đâu được hết. Đây là những “vật liệu nguy hiểm”, gọi là “hazardous materials” mà mọi vận chuyển phải có giấy phép của Bộ Y Tế và Bộ Giao Thông. Và mấy Bộ không biết Ebola có đủ tiêu chuẩn để được định nghiã là “nguy hiểm” chưa nên chưa cấp giấy phép được. Ebola nguy hiểm gì cũng không qua được thủ tục hành chánh của công chức! Để rồi đồ đạc được bỏ bao plastic, niêm phong, cất trong một nhà xe sau căn hộ, chờ giấy phép.

Cách đối phó với trường hợp anh Duncan cho thấy một hình ảnh hết sức đáng lo ngại về khả năng ngăn chặn Ebola của chính quyền Obama, ở cấp liên bang cũng như địa phương. Dĩ nhiên đây là trường hợp đầu tiên nên không tránh được lúng túng, sơ xuất. Nhưng vấn đề là nguy cơ của Ebola đã được biết trước cả 6 tháng nay rồi, và Nhà Nước Obama luôn khẳng định đã sẵn sàng trong khi thực tế cho thấy chẳng sẵn sàng gì hết để đến nay, cả nước Mỹ lo sót vó.

Ông “vua xách động” mục sư Jesse Jackson, đã mau chóng bay xuống Dallas, tự phong là phát ngôn viên của gia đình anh Duncan, và nêu đủ loại câu hỏi, trong đó có tại sao lại không chịu chữa trị cho anh Duncan lần đầu khi anh vào nhà thương, tại sao có 5 người bị Ebola đang chữa tại Mỹ, mà chỉ có anh Duncan là chết? Tại vì anh là da đen? Thật ra, những người khác bị Ebola đã được chữa trị ngay từ đầu, trong khi anh Duncan đợi đến lúc ói mửa ra máu, gần chết, mới được nhập viện, làm sao chữa kịp? Cái lỗi là việc làm tắc trách của đám y tá và thư ký nhà thương, chẳng liên hệ gì đến chuyện kỳ thị da đen. Nhưng ngày nào nước Mỹ còn những tay xách động cuyên nghiệp như Jesse Jackson thì ngày đó xung đột trắng đen vẫn không giải quyết được.

Có nhiều người đã đề nghị cấm đi lại giữa Mỹ và những nước Phi Châu đang bị dịch Ebola hoành hành. Biện pháp này dĩ nhiên không thực tế. Trong thế giới “mặt bằng” hiện nay, mỗi ngày có cả chục triệu người ngồi máy bay đi từ xứ này qua xứ nọ, rồi từ xứ nọ qua xứ khác, ai biết ai đi từ đâu đến đâu? Như anh Duncan đi từ Liberia qua Bỉ, rồi từ Bỉ đi Hoa Thịnh Đốn, từ Hoa Thịnh Đốn đi Dallas. Làm sao cấm hàng triệu người này đi lại khi họ có cả triệu lý do chính đáng để đi lại? Nhất là khi họ chưa có triệu chứng hiển hiện nào.

Tại một vài phi trường Phi Châu và mới đây tại Mỹ, tất cả hành khách đều phải đi qua máy đo nhiệt độ, nếu cao, có thể bị giữ lại kiểm tra kỹ hơn, có khi phải bỏ chuyến bay, đưa đi thử máu. Nhưng đây cũng không phải là phương pháp thực tế và hiệu nghiệm. Trong cả triệu người đi máy bay mỗi ngày, thiếu gì người hơi nóng, cảm cúm chút đỉnh, làm sao có thể thử máu cả ngàn người được?

Cách tốt nhất ngăn ngừa bệnh này phát tác có lẽ là từ chính người bệnh. Những người này phải ý thức được mối nguy mình tạo ra cho người chung quanh. Ngay khi ta bị cảm cúm, tốt nhất là cẩn trọng, càng tránh xa những người thân càng sớm càng tốt. Hay nên mang khăn che mũi miệng, mà VN bây giờ gọi là “khẩu trang”, tránh ăn uống chung, tránh ra đường.

Khi đi máy bay, có thể bị ho hay hắt hơi trên máy bay nên đeo vào để tránh làm cho mấy người ngồi cạnh lo sợ. Hay ta ngồi cạnh người nào ho hoài thì cũng nên đeo vào cho chắc ăn. Muốn lịch sự thì xin lỗi người bên cạnh và cứ nhận là mình đang bị cảm.

Anh Duncan là một bệnh nhân thiếu tinh thần trách nhiệm rõ rệt, khai gian là đã không có liên hệ với người đã bị bệnh. Rồi sau đó, bình thàn về nhà sống với hôn thê và mấy đưá trẻ. Nếu họ bị nhiễm bệnh thì hoàn toàn là lỗi của anh Duncan.

Một chuyện thiếu ý thức khác khiến bệnh Ebola khó trị tại Phi Châu là thông thường, bệnh nhân bị nhốt, cô lập rất kỹ. Nhiều người không muốn như vậy, vì vẫn coi thường, muốn được tự do đi lại. Nhiều bệnh nhân bên Phi Châu đã trốn nhà thương, chạy về nhà. Tệ hơn nữa, rất nhiều dân Phi Châu còn mê tín, tin vào những cách chữa trị của các thầy pháp trong làng, nên vẫn sống như thường với gia đình, rồi chữa theo bùa phép, cỏ cây, do các thầy pháp chỉ dạy.

Nhưng lý do quan trọng nhất khiến bệnh phát tác mau lẹ có lẽ là việc các nhà chức trách Phi Châu, cũng như Âu Châu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Orgamization-WHO), và nhất là Mỹ, vì nhu cầu muốn tránh hoảng loạn trong dân chúng đã luôn luôn khẳng định Ebola không dễ lây, khiến người dân cũng lơ là, không đề cao cảnh giá lắm.

Khi hai bác sĩ Mỹ bị Ebola được mang về chữa trị tại Atlanta, Nhà Nước Obama trấn an không có gì đáng lo vì bệnh này tuy lây nhưng không dễ lây. Những lời trấn an này trở thành rỗng tuếch khi thiên hạ coi truyền hình thấy những người bệnh cũng như các nhân viên nhà thương đón tiếp những người bệnh, tất cả đều mặc quần áo bít bùng như phi hành gia đi Hoả Tinh. Nếu không dễ lây, sao phải làm vậy?

Rồi tin mới nhất, một bà y tá Tây ban Nha đã lây bệnh sau khi săn sóc hai giáo sĩ bị Ebola từ Phi Châu về, bất chấp những biện pháp phòng ngừa hết sức kỹ lưỡng. Có tin bà y tá bị lây vì lỡ dụi mắt bằng găng tay đã đụng vào người bệnh nhân. Như vậy sao có thể nói không dễ lây?

Chính quyền Obama quyết định đưa 3.000 quân nhân qua Phi Châu để tiếp ngăn chặn sự bành trướng của Ebola. Số quân nhân này phần lớn là quân y đi qua tiếp tay cho các y tá, bác sĩ, và công binh đi qua để tiếp xây nhà thương, trại cấm. Đây là cử chỉ thiện chí đáng hoan nghênh, nhưng nhìn vào cách xử lý chuyện anh Duncan và chuyện bà y tá Tây Ban Nha, người ta không khỏi thắc mắc Nhà Nước Obama đã có biện pháp chu đáo để bảo vệ mấy ngàn quân nhân này chưa, hay lại để yếu tố chính trị khỏa lấp chuyện an toàn của họ.

Câu chuyện thiếu sẵn sàng của Nhà Nước Obama cũng phơi bày ra một nguy cơ mới, nguy cơ khủng bố cuồng tín Hồi giáo sẽ xử dụng Ebola, hay bất cứ bệnh dịch nào khác, làm vũ khí mới tấn công Mỹ.

Ta có thể tưởng tượng sự cuồng tín, sẵn sàng thí mạng cùi của các tên khủng bố đang sống cuộc sống cơ cực, mơ được lên thiên đàng với 72 trinh nữ. Họ có thể chấp nhận cho cấy vi khuẩn đủ thứ bệnh nguy hiểm như Ebola, rồi qua Mỹ, phát tán bệnh này ra cho dân Mỹ. Ta đừng quên phải cần từ một đến ba tuần vi khuẩn Ebola mới xuất hiện và đưa ra triệu chứng, trước đó tuyệt nhiên không có triệu chứng gì cả. Tức là mấy tên khủng bố có khoảng thời gian tới ba tuần để vào Mỹ tung bệnh ra. Làm sao ngăn chặn tình trạng này? Nhất là khi len qua biên giới Mễ quá dễ dàng.

Trả lời một câu hỏi trên truyền hình, bộ trưởng An Ninh Quốc Gia đã nói một cách mơ hồ là chính quyền chưa thấy có triệu chứng gì là có tình trạng như vậy. Vấn đề không phải là “chưa thấy gì” mà là chính quyền đã nghĩ đến và có biện pháp đề phòng chưa, chứ đợi đến lúc “thấy gì” rồi thì chỉ sợ là quá muộn thôi.

Vấn đề Ebola không phải là chuyện nhỏ không đáng quan tâm. Tất cả tùy thuộc cách đối phó của Nhà Nước, cũng như ý thức cẩn trọng của mỗi người dân. Cách đối phó hết sức luộm thuộm của Nhà Nước Obama cho đến bây giờ không giúp trấn an ai hết. Công bằng mà nói, chẳng phải Nhà Nước Obama không, mà cả thế giới, kể cả WHO cũng luống cuống trước cơn dịch quá lớn này. Nếu có một điều có thể nói là “an ủi” chúng ta được, làm cho chúng ta yên tâm hơn, thì điều đó chính là chuyện chúng ta đang sống ở Mỹ, là nước có hệ thống y tế tốt nhất thế giới, và nếu có một nước nào có đủ phương tiện kỹ thuật y học, tài chánh và nhân sự để đối phó, thì đó chính là nước Mỹ.

Cẩn tắc vô áy náy, nhưng không mất tỉnh táo. Xứ Mỹ với hơn ba trăm triệu dân, chỉ mới có một người bị Ebola chết thôi. Xác xuất tử vong khó hơn trúng số một trăm triệu đô. (12-10-14)

Ghi chú: Tác giả không phải bác sĩ y khoa, chỉ viết theo tài liệu. Muốn biết rõ hơn về Ebola, quý độc giả cần hỏi bác sĩ.

Vũ Linh

Đi tìm Chúa

Đi tìm Chúa

Tác giả:  Phùng văn Phụng

Nhân Lễ Phục Sinh vào ngày 19 tháng 04 năm 2014 vừa qua, Giáo Xứ Đức KiTô Ngôi Lời Nhập Thể đã rửa tội cho 20 người lớn, 9 trẻ em đang học lớp Giáo Lý và Việt ngữ muốn rửa tội kỳ này và thêm sức cho 7 người lớn.

Vì lý do lập gia đình, nhiều người tìm đến nhà thờ học đạo, để sau này làm đám cưới theo nghi thức công giáo. Trong số người đến học đạo cũng có người đến học không phải để lập gia đình mà để tìm hiểu Chúa và ao ước được rửa tội để làm con cái Chúa, để được Thiên Chúa an ủi khi gặp hoàn cảnh khó khăn trong đời sống hàng ngày và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của đời sau .

1) Trường hợp bà Nguyễn Kính (86 tuổi).

Bà Kính (thứ hai từ bên phải) trong buổi sinh hoạt của lớp Tân tòng

Sau mấy tháng khai giảng, bà Kính cùng vài người nữa xin vào tham dự Chương trình Khai Tâm Ki tô giáo dành cho người lớn. Bà Kính được con gái bà chở vào lớp, tất cả đều ngạc nhiên vì bà đã lớn tuổi nhất trong lớp Tân Tòng này.

Tôi hỏi bà Kính.

– Lý do nào bà đến đây để học đạo và để rửa tội?

Trước năm 1975 tôi có sinh hoạt xã hội làm việc với ông Cha Cảnh. Ông Cha Cảnh đã chết . … tôi có hứa và nói với Cha Cảnh là tôi sẽ rửa tội khi có điều kiện.

– Trong gia đình bà có ai phản đối việc bà theo đạo không?

– Tôi đã quyết định rồi dầu có phản đối tôi vẫn theo Chúa, dĩ nhiên cũng có đứa con phản đối, nhưng mà tôi cũng có cháu ngoại theo đạo và đi nhà thờ.

– Bà cảm nghĩ sao sau khi rửa tội?

– Dĩ nhiên tôi rất sung sướng vì tôi đã ao ước từ lâu, nay tôi mới được mãn nguyện. Tôi nguyện khi về Việt nam trong tháng 10 năm nay, tôi sẽ giúp đỡ cho người nghèo khổ. Ở đây, ở Houston, Texas tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ khi có ai cần, như vào nhà thương lo cho bịnh nhân.

Tôi nói đùa với bà: “Bà chịu rửa tội là đã “làm việc truyền giáo” cho các con cháu trong gia đình, người thân,  bạn bè của bà rồi, họ sẽ suy nghĩ, tìm hiểu đạo Chúa và sẽ chọn con đường theo Chúa Ki Tô mà bà đang đi.”

2) Một gia đình có 5 người cùng đi học đạo .

Tr… thì học để rửa tội. Còn vợ Tr.. và ba đứa con học để thêm sức. Đứa cháu gái nhỏ nhất đang học lớp xưng tội rước lễ lần đầu. Hai vợ chồng lập gia đình trên hai mươi năm chưa làm lễ hôn phối . Tr.. vẫn còn chần chừ chưa muốn vào đạo. Những khó khăn trong đời thường không thể giải quyết được đã thúc đẩy cả gia đình đi tìm nguồn an ủi nơi Chúa Ki Tô

Hai vợ chồng cũng đã làm lễ hôn phối vào tháng 3 năm 2014 vừa qua.

3)   ” Trẻ em truyền giáo”

Chữ ” trẻ em truyền giáo” đóng trong ngoặc kép có ý nghĩa là các em được rửa tội mà cha mẹ các em hay ông bà của các em hoặc có mẹ hay có cha chưa gia nhập đạo Chúa. Làm sao khuyến khích con đi nhà thờ . Làm sao cho con biết yêu mến Chúa Ki Tô và biết sợ tội  giúp các cháu sống đời sống tốt hướng thiện, biết yêu mến tha nhân, biết yêu mến ông bà cha mẹ. Cho nên để hướng dẫn con cháu, cha mẹ thường phải sống tốt hơn bằng cách đi nhà thờ đều đặn để làm gương dạy dỗ con cái.

Kỳ này có 9 trẻ em được  rửa tội với tuổi 8, 9 tuổi trở lên. Có nhiều lý do những trẻ em này chưa được rửa tội từ nhỏ.

Các em đứng trước giếng rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh 19-04-2014

Có ai chống đối đạo Chúa bằng Thánh Phao Lô, thường đi lùng bắt các người theo đạo nhưng rồi Chúa đã cho Ngài ngả ngựa và được chữa  khỏi mù mắt. Sau đó Ngài là một tông đồ rất nhiệt thành giảng dạy cho dân ngoại .

Trường hợp bà xã tôi ban đầu chống đối tôi dữ dội vì tôi theo đạo Chúa nhưng rồi “Thiên Chúa đã vẽ đường thẳng bằng những nét cong”(1), đánh động bà xã tôi để bà xã tôi tham gia lớp tân tòng, học đạo hơn 9 tháng ở nhà thờ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể và cũng đã rửa tội làm con cái Chúa  nhân ngày Lễ Phục Sinh 2013 vừa qua.

Lớp xưng tội rước lễ lần đầu chụp hình chung với Đức Ông Chánh Xứ  ngày 17-05-2014

Tôi có hai cháu nội, cháu gái tên là Eileen, mới vừa được rửa tội ngày 19-04-2014 vừa qua và được xưng tội rước lễ lần đầu trong buổi lễ rất trang trọng tại nhà thờ Ngôi Lời Nhập Thể ngày thứ bảy 17 tháng 5 năm 2014. Còn cháu trai Jayden đã chịu phép rửa tội ngày 04 tháng 05 năm 2014 vừa qua.

Cháu nội Eileen chụp hình với bà nội trong nhà thờ, chờ thánh lễ .

Hình Jayden trong ngày rửa tội (chụp cùng với chị là Eileen) trong nhà thờ Ngôi Lời Nhập Thể.

Tạ ơn Chúa. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Phùng văn Phụng

(1) câu nói của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

Nhân viên y tế thứ hai ở Texas bị nhiễm Ebola

Nhân viên y tế thứ hai ở Texas bị nhiễm Ebola

Chuyên gia tới khử trùng căn hộ của nhân viên y tế thứ hai bị phát hiện nhiễm virus Ebola tại Dallas, Texas.

Chuyên gia tới khử trùng căn hộ của nhân viên y tế thứ hai bị phát hiện nhiễm virus Ebola tại Dallas, Texas.

15.10.2014

Thị trưởng thành phố Dallas thuộc tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) khuyến cáo tình hình có thể tệ đi trước khi được cải thiện sau khi có thêm một nhân viên y tế thứ hai xét nghiệm dương tính với virus Ebola.

Thị trưởng Mayor Mike Rawlings hôm nay cho truyền thông biết giới hữu trách thành phố Dallas đang thông báo cho láng giềng của nạn nhân, người hôm qua được đặt vào vòng cách ly sau khi phát hiện bị sốt.

Thị trưởng Rawlings nói tư gia của nhân viên y tế vừa kể đang được khử trùng. Người này sống độc thân không nuôi chó mèo trong nhà.

Nhân viên y tế của Bệnh viện Presbyterian ở Dallas, Texas, chưa được xác định danh tính bị nhiễm virus trong quá trình điều trị cho ông Thomas Eric Duncan. Ông Duncan mang quốc tịch Liberia là người đầu tiên ở Mỹ chết vì virus Ebola hồi tuần trước.

Y tá 26 tuổi Nina Phạm là một trong khoảng 70 nhân viên chăm sóc ông Thomas Duncan, công dân Liberia. Ông Duncan qua đời thứ Tư tuần trước vì virus này.

Hôm qua, cô Nina đã gửi lời cảm ơn mọi người đã cầu nguyện và chúc lành cho cô và cho biết tình trạng sức khỏe của mình tốt.

Nhân tài VN trong Y giới Hoa Kỳ‏

Nhân tài VN trong Y gii Hoa Kỳ‏

Dr. Tom Nguyễn: người đầu tiên giải phẫu tim trong khi bệnh nhân vẫn tỉnh

Dr_tom_nguyen.jpg

Bác sĩ Tom Nguyễn, phụ tá giáo sư chuyên khoa giải phẫu tim thuộc trường Đại Học Y Khoa Texas, y sĩ thường trú tại trung tâm “Health Science” ở thành phố Houston (UTHealth) đã được tờ “Houston Business Journal” (HBJ) chọn đưa vào danh sách “40 Under 40 Class of 2014”.

Danh sách 40 người dưới 40 tuổi đã được tạp chí kinh doanh có uy tín nói trên tuyển chọn lọc từ 400 người được đề cử. Những người được đề cử phải là sáng lập viên của một công ty, hay tổ chức vô vụ lợi hoặc là chuyên viên có thành tích nổi bật, tạo nên một sự khác biệt, một cá nhân xuất sắc trong ngành hiện họ đang phục vụ.

Dr. Tom Nguyễn và nhóm chuyên viên giải phẫu tim mạch cùng làm việc chung với ông đã áp dụng kỹ thuật mới (Van Edwards Sapien) để thay van tim thông qua một vết rạch nhỏ ở háng bệnh nhân thay vì phải giải phẫu mở lồng ngực và buộc tim phải ngưng hoạt động theo phương pháp cũ đã được sử dụng từ trước đến nay. Trong suốt thời gian phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không cảm thấy đau và chuyên viên giải phẫu không cần phải gây mê cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn đã xuất bản hai cuốn sách, từng là chủ tịch “Thoracic Surgery Residents Association” và là chuyên viên giải phẫu trẻ nhất của Trung tâm Y tế Texas.

Dr. Tom Nguyễn viết trong phần tự giới thiệu cá nhân với tờ Houston Business Journal, “Trong 19 năm liền kể từ sau khi tốt nghiệp trung học, tôi luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra là trở thành một bác sĩ giải phẫu giỏi bằng tất cả khả năng của mình.”

Bác sĩ Tom Nguyễn ra đời ở Việt Nam, trưởng thành ở Houston, hoàn tất chương trình trung học ở Cypress, Texas, cử nhân Đại học Rice, cao học ở UTHealth và tốt nghiệp y khoa tại trường Y khoa John Hopkins, y sĩ giải phẫu tim nội trú thuộc đại học y khoa Stanford.

Ông đã tình nguyện phục vụ với tính cách thiện nguyện tại Phi châu trong 6 tháng và tại Việt Nam 4 tuần lễ.

Lễ trao giải thưởng và vinh danh 40 người trong danh sách ““40 Under 40 Class of 2014” sẽ được tổ chức ở khách sạn Zaza vào ngày 28/10 và sẽ được công bố trên tờ HBJ vào ngày 31/10.

Nữ y tá gốc Việt, người đầu tiên nhiễm Ebola trong nội địa Mỹ

Nữ y tá gốc Việt, người đầu tiên nhiễm Ebola trong nội địa Mỹ
Monday, October 13, 2014

Nguoiviet.com

DALLAS, Texas (AP) – Trường hợp bị lây nhiễm Ebola đầu tiên trong nội địa Hoa Kỳ vừa được xác định là một nữ y tá gốc Việt, Nina Phạm, 26 tuổi.

Một số cảnh sát ở Dallas đang đứng trước nhà một người bị tình nghi nhiễm Ebola. (Hình: Getty Images)

Người nhân viên y tế Texas có kết quả xét nghiệm dương tính với Ebola mặc dù cô mặc đồ bảo hộ toàn thân khi săn sóc cho một bệnh nhân có tên Thomas Eric Duncan gốc Tây Phi.

Nina Phạm tốt nghiệp y tá bốn năm trước, tại trường Texas Christian University ở Fort Worth vào năm 2010. Cô hiện làm việc tại bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital ở Dallas, cũng là nơi cô và khoảng 50 nhân viên y tế khác tiếp xúc với bệnh nhân Ebola .

Sau khi bệnh nhân Duncan mất vào Thứ Tư tuần trước, cô Nina Phạm bị cách ly vào Thứ Sáu để xét nghiệm. Kết quả dương tính được công bố vào Chủ Nhật.

Một người thân của Nina Phạm, danh tánh chưa công bố, cũng đang được cách ly để chờ xét nghiệm.

Tom Ha, một người bạn của Nina nói với tờ told the Dallas Morning News  rằng Nina có tính luôn giúp đỡ người khác. “Tôi đoán, với trái tim của cô, cô đã vượt qua những gì phải làm để giúp đỡ người đang cần.”

Hiện tại, trưởng Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), Bác Sĩ Thomas Frieden, cho biết tình trạng của Nina Phạm là “ổn định.”

Bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital ở Dallas, nơi Nina Phạm và khoảng 50 nhân viên y tế khác tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. (Hình: Getty Images)

Bác Sĩ Frieden trước đó có nói rằng “rõ ràng có sự vi phạm về thủ tục an toàn”, và rằng tất cả những ai săn sóc cho ông Duncan nay được xem đã có nguy cơ tiếp cận với dịch bệnh.

Tuy vậy, ông Frieden xin lỗi nhân viên bệnh viện, và nói “sự vi phạm về thủ tục an toàn” không chứng tỏ sự thiếu cố gắng của các nhân viên và bệnh viện.

“Tôi xin lỗi đã làm mọi người nghĩ rằng tôi chỉ trích bệnh viện,” ông Frieden nói hôm Thứ Hai, “Tôi rất lấy làm tiếc là một nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh khi giúp bệnh nhân Ebola.”

Ông Friden nói hiện phía điều tra chưa rõ vì sao cô Nina Phạm bị nhiễm khuẩn. Ông khẳng định là các thủ tục về an toàn, như quần áo bảo hộ và mặt nạ, là hoàn toàn bảo vệ được các nhân viên y tế trong hàng thập niên qua.

Toàn bộ sự việc bắt đầu khi bệnh nhân Duncan từ Liberia đến Hoa Kỳ để thăm gia đình vào hôm 20 tháng 9, và năm ngày sau thì đến bệnh viện xin được khám vì lên sốt và đau ở vùng bụng. Tuy ông có nói với y tá rằng ông đến từ Phi Châu nhưng vẫn được cho về nhà.

Ông Duncan trở lại khám vào ngày 28 tháng 9 và bị giữ ở phòng cách ly vì tình nghi bị nhiễm Ebola. Ông qua đời vào hôm Thứ Tư.

Khi mới đặt chân đến Dallas, tuy không tỏ dấu hiệu bị bệnh nào nhưng ông Duncan đã từng tiếp cận với Ebola.

Láng giềng ông ở Liberia tin rằng ông bị lây nhiễm khi giúp đỡ một phụ nữ mang thai cạnh nhà, người sau đó qua đời vì Ebola.

Về việc y tá Nina Phạm bị nhiễm bệnh khi chăm sóc bệnh nhân Ebola, Bác sĩ Thomas Frieden nói: “Việc xảy ra trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại Mỹ đã thay đổi một số điều và không thay đổi một số điều khác. Nó không thể đổi sự thật về cách thức khuẩn Ebola lây nhiễm. Nó không thể đổi việc khuẩn Ebola có thể được chữa trị một cách an toàn. Nhưng nó rõ ràng thay đổi cách chúng ta tiếp cận nó.”

Đồng thời, hiện có tin cho biết tại một bệnh viện khác có tên Baptist Medical Center, một bệnh nhân cũng đang được giữ trong lúc xác định xem có bị Ebola hay không. ((T.A.)

 

Ca nhiễm Ebola thứ hai ở Hoa Kỳ

Ca nhiễm Ebola thứ hai ở Hoa Kỳ

Một nhân viên y tế từng điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola trước khi qua đời, Thomas Duncan, đã có kết quả dương tính với loại virus này, theo giới chức Hoa Kỳ.

“Chúng tôi đoán biết trước khả năng xảy ra trường hợp thứ hai, và chúng tôi đã chuẩn bị cho trường hợp này,” theo ông David Lakey, ủy viên cơ quan Dịch vụ Y tế bang Texas.

Ông Duncan, người bị nhiễm virus ở Liberia, đã qua đời tại bệnh viện Dallas hôm thứ Tư 08/10.

Nhân viên y tế vẫn chưa được nêu tên.

Ông Thomas Duncan có kết quả dương tính với Ebola hôm 30/09, mười ngày sau khi bay từ Monrovia qua Brussels.

Ông lâm bệnh vài ngày sau khi tới Hoa Kỳ và vào bệnh viện Presbyterian ở Dallas trong tình trạng sốt cao.

Mặc dù cho các nhân viên y tế biết ông đã ở Liberia, người ta vẫn cho ông về nhà điều trị bằng thuốc giảm đau và kháng sinh.

Bệnh nhân này sau đó được đưa vào khu cách ly trong bệnh viện và qua đời dù được chữa trị bằng loại thuốc mới đang thử nghiệm.

‘Nhận diện tiếp xúc’

Các quan chức y tế đang phỏng vấn bệnh nhân và cố gắng nhận diện mọi tiếp xúc hoặc bất kỳ khả năng phơi nhiễm nào

Thông cáo của sở y tế Texas

Vẫn không rõ liệu nhân viên y tế, vốn có kết quả dương tính trong đợt xét nghiệm sơ bộ, có tiếp xúc với ông Duncan khi ông có các triệu chứng bệnh khi được đưa vào viện hay không.

Nhân viên này cũng báo bị sốt nhẹ hôm thứ Sáu, được đưa vào khu cách ly và xét nghiệm, theo thông cáo của sở y tế Texas.

“Các quan chức y tế đang phỏng vấn bệnh nhân và cố gắng nhận diện mọi tiếp xúc hoặc bất kỳ khả năng phơi nhiễm nào,” thông cáo viết thêm.

“Những người tiếp xúc với nhân viên y tế sau khi các triệu chứng xuất hiện sẽ được theo dõi dựa trên sự tương tác giữa họ và khả năng phơi nhiễm trước virus này.”

Dịch Ebola tập trung chủ yếu ở Liberia, Guinea và Sierra Leone, nay đã có hơn 8.300 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ nhiễm virus, và ít nhất 4.033 người đã thiệt mạng.