Cảnh báo: Người Cơ đốc giáo bị tiêu diệt ở các nước Hồi giáo

Cảnh báo: Người Cơ đốc giáo bị tiêu diệt ở các nước Hồi giáo

Hầu hết những mối đe dọa đối với người Cơ đốc giáo xuất phát từ một hình thức cực đoan của đạo Hồi.

Jerome Socolovsky

08.01.2015

Một tổ chức truyền giáo quốc tế vừa công bố bản phúc trình hàng năm về nạn bách hại người Cơ đốc giáo trên thế giới. Và cũng giống như những năm trước, Bắc Triều Tiên đứng đầu danh sách những nước mà người theo đạo Cơ đốc bị đàn áp dữ dội nhất. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Jerome Socolovski của đài VOA, hầu hết những mối đe dọa đối với người Cơ đốc giáo phát xuất từ một hình thức cực đoan của đạo Hồi.

Khi họ đang trên đường về nhà, ông ấy gặp những người thuộc nhóm Boko Haram.

Bà Damaris Atsen, một phụ nữ người Nigeria, đã thuật lại việc chồng bà bị nhóm hiếu chiến Hồi giáo Boko Haram đâm chết. Câu chuyện của người phụ nữ bất hạnh này là một trong những câu chuyện được nêu ra trong bản phúc trình hàng năm của tổ chức truyền giáo Mở Cửa (Open Doors), nói về những nước mà người theo đạo Cơ Đốc gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất.

Ông David Curry, Chủ tịch Phân bộ Hoa Kỳ của tổ chức Mở Cửa, cho biết chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo là mối đe dọa chính của người Cơ đốc giáo ở Nigeria và hầu hết 50 quốc gia khác trong danh sách năm nay.

“Thế giới vẫn chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Sự bách hại người Cơ đốc giáo là có thực và thường có tính chất bạo động khủng khiếp.”

Ông Curry giải thích thêm như sau.

“Trong số những nước thuộc danh sách này có một số nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất thế giới. Và thực tế này làm phát sinh câu hỏi là phải chăng nạn bách hại người Cơ đốc giáo nên được phân ra thành một hạng mục riêng biệt.”

Ông Curry cho rằng sự đàn áp những người theo Cơ Đốc có thể là một chiếc phong vũ biểu của tình hình nhân quyền của một nước.

“Sự bách hại người Cơ đốc giáo là một chỉ dấu hàng đầu về những vấn đề khác trong lãnh vực nhân quyền. Khi người ta bắt đầu tấn công những người khác vì sự bày tỏ tín ngưỡng của họ, chúng ta có thể thấy những vấn đề xã hội khác bắt đầu xuất hiện.”

Tại Iraq, những phần tử hiếu chiến cũng tấn công những người theo đạo Hồi – cả Hồi giáo Sunni lẫn Hồi giáo Shia. Nhưng bà Nina Shea của Trung tâm Tự do Tôn giáo cho rằng những người theo đạo Cơ đốc đối mặt với một nguy cơ khác với những người theo đạo Hồi.

“Chúng ta có thể biết chắc là sẽ có sự hiện diện của người Sunni và sự hiện diện của người Shia khi hòa bình được vãn hồi ở Iraq. Nhưng chúng ta không biết chắc là sẽ có sự hiện diện của người Cơ đốc giáo hay không.”

Tổ chức Mở Cửa được thành lập vào thập niên 1950 với hoạt động chính là bí mật đưa Kinh Thánh vào những nước theo chủ nghĩa Cộng Sản. Bắc Triều Tiên, một nước theo chủ nghĩa Cộng Sản và là nơi lãnh tụ Kim Jong Un được thần thánh hóa, đứng đầu danh sách các nước đàn áp Cơ đốc giáo dữ dội nhất trong 13 năm liên tiếp.

Đầy tình người trong lễ tang của một tân tòng

Đầy tình người trong lễ tang của một tân tòng 

Triết Giang

1/6/2015

Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội sáng sớm ngày 3-1-2015 về Thái Bình để dự lễ tang của một tân tòng: cụ Giuse Phạm Ngọc Thung, sinh năm 1920, mới gia nhập đạo Chúa ngày 4-5-2014 tức là mới tròn 8 tháng.

Trên xe có đủ các thành phần từ linh mục chính xứ Thái Hà, linh mục linh hướng Tông đoàn Gioan Phaolô 2, anh chị em trí thức, doanh nhân…Về đến gần gia đình tang quyến, chúng tôi thấy có rất nhiều xe với biển số từ nhiều tỉnh thành. Hóa ra, không phải chỉ có chúng tôi mới là người ngoại tỉnh. Khi chúng tôi tới nơi thì Đức Cha FX. Nguyễn Văn Sang đang chủ sự lễ an táng cùng với cả chục linh mục. Các cha đi cùng chúng tôi vội thay lễ phục để tham gia đoàn đồng tế. Có cả hàng ngàn người tham dự. Sân nhà chỉ đủ chỗ cho các nữ tu và vài đội kèn đồng và tang quyến, còn tất cả phải đứng tràn ra kín hết con đường đi.

Đức Cha FX. Nguyễn Văn Sang đã có bài giảng rất hay trong lễ an táng cụ Giuse. Sau khi ca ngợi tấm gương của Cụ Giuse đã sống theo Huấn từ của Đức Bênêdictô XVI: “Người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt”, Đức Cha đã nhắc lại bài thơ đề dưới bức tranh tặng Cụ khi Ngài chủ sự lễ Rửa tội cho Cụ cách đây 8 tháng:

Làm con Thiên Chúa Ba Ngôi
Làm con Hội thánh đời đời quang vinh
Cuộc đời sinh tử, tử sinh
Thánh Linh nhân ái, kết tình anh em
Và Ngài thêm: Bây giờ biết nói gì thêm
Chỉ mong một chữ được lên Thiên Đàng

Cha chính xứ Gia Lạc- người đã đỡ đầu cho Cụ Giuse thay mặt Đức Cha chủ sự nghi thức tiễn biệt. Đức Cha và các cha lần lượt vảy nước phép trên quan tài người quá cố trong tiếng ca trầm buồn của các nữ tu. Thay mặt gia đình, lương y Phạm Cao Sơn đã vô cùng cảm động khi thấy các Đức Cha, các cha, các nam nữ tu sĩ và cộng đoàn đã đến chia buồn và cầu nguyện cho bố ông- một tân tòng, mới gia nhập đạo Chúa. Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ở tậ Châu Sơn, Ninh Bình cũng gửi vòng hoa về viếng. Ông Sơn nói: “Dân gian thường bảo: “ trẻ làm ma, già làm hội. Bố của chúng con sinh năm 1920, đến nay đã sống gần tròn thế kỷ. Vậy là chúng con phải vui vì Chúa đã cho bố cúng con tuổi đại thọ. Gia đình chúng con cũng tự hào, vì bố của chúng con đã được Chúa thương gọi làm con cái của Người và hôm nay lại được Đức Cha, Quý cha, Quý nam nữ tu sĩ, Quý cộng đoàn, anh em cha bác đến cầu nguyện tiễn đưa bố chúng con về với Chúa. Chúng con vô cùng đội ơn”.

Ba đội kèn đồng, 1 đội chiêng của xứ Phú Lạc, 1 đội trống lần lượt cử những bài tiễn đưa linh hồn Giuse về nơi an nghỉ. Nghĩa trang của xã cách nhà khoảng 2km, nhưng các đoàn hội và người đưa đi rải kín đường đi. Các đoàn hội và người đưa tang phải đứng cả ở trên đê, chỉ có linh mục chủ sự lễ hạ huyệt, các nữ tu và gia quyến mới được đi vào nghĩa trang vì mặt bằng không đủ chỗ. Hai ngôi mộ bằng đá vừa xây xong có Thánh giá bằng đá khá lớn, nổi bật ở nghĩa trang vì đây là nghĩa trang của người không Công Giáo. Tôi đi cạnh hai người, một người nói ở tận Quảng Ninh vừa về sáng nay để kịp tiễn đưa Cụ Giuse, một người bên Nam Định sang vì có chịu ơn của lương y Phạm Cao Sơn đã khám chữa bệnh miễn phí trong các dịp ông Sơn đi khám từ thiện ở Bùi Chu. Nhiều người dân ở địa phương nói với chúng tôi rằng, lễ tang của Cụ Giuse quá trọng thể, quá linh đình, cả tỉnh Thái Bình cũng khó có đám tang nào sánh bằng. Họ nói, chỉ có người Công Giáo mới đối xử với nhau được như thế chứ tiền của nào mua được tình người. Chúng tôi lần lượt rắc những bông hoa trên quan tài của Cụ như một lời tiễn biệt.

Một triết gia đã nói, muốn biết người ta sống thế nào, hãy trông đám tang của họ. Vâng, nếu nhìn vào đám tang của Cụ Giuse với cả hàng ngàn con người đủ các thành phần từ mọi miền đến chia buồn, hàng trăm vòng hoa viếng của các hội đoàn, giáo xứ, dòng tu thì có thể nói, Cụ Giuse- một tân tòng đã sống một cuộc đời tử tế và công chính. Nguyện xin Chúa nhân từ sớm cho linh hồn Giuse được hưởng dung nhan Người trên nước Trời.

Vụ thảm sát người Việt: Cha nạn nhân ‘tha thứ’ cho thủ phạm

Vụ thảm sát người Việt: Cha nạn nhân ‘tha thứ’ cho thủ phạm

Hoa và thú nhồi bông trước căn nhà ở Edmonton, Alberta, nơi xảy ra vụ xả súng giết chết 8 người Việt,ngày 31/12/2014.

Hoa và thú nhồi bông trước căn nhà ở Edmonton, Alberta, nơi xảy ra vụ xả súng giết chết 8 người Việt,ngày 31/12/2014.

VOA Tiếng Việt

06.01.2015

Ông Tâm Nguyễn, người đàn ông có vợ và con gái thiệt mạng trong vụ xả súng làm 8 người Việt thiệt mạng tại thành phố Edmonton, Canada, cho các nhà sư chủ trì buổi lễ cầu siêu mới đây biết rằng ông tha thứ cho tay súng.

Một tuần trước đó, Phú Lâm, 53 tuổi, đã sát hại vợ, con cùng sáu người khác trong đó có bố mẹ vợ. Sau đó, thủ phạm đã tự sát khi bị cảnh sát bao vây.

Phu nhân của ông Tâm là em gái của vợ hung thủ, và hai người chị em này đã thiệt mạng cùng với hai người con của họ, một trai và một gái.

Nhiều người Việt hôm 4/1 đã tề tựu về Thiền viện Trúc Lâm để cầu nguyện cho các nạn nhân.

Thầy Thích Thiện Tâm, Viện trưởng Viện Phật học Edmonton ở Canada, nơi đặt thiền viện trên, cho VOA Việt Ngữ biết thêm:

“Gia đình người còn sống sót là anh Tâm, một phật tử, về chùa xin làm lễ cầu siêu cho tất cả những người trong cuộc thảm sát, trong đó 6 người bên vợ của anh với một đứa con của anh. Đây là một việc làm cho cộng đồng cũng rất là đau xót. 9 mạng người. Bây giờ cảnh sát cũng chưa xác nhận lý do như thế nào. Đó là một việc hết sức đau lòng của cộng đồng ở đây, và cũng làm xôn xao cộng đồng ở đây.”

Theo báo chí Canada, ông Lâm và người vợ 35 tuổi gặp nhau ở Việt Nam năm 2000 và cưới nhau vài tháng sau đó. Người đàn ông giết vợ, con từng bảo lãnh cho cha mẹ và chị em nhà vợ tới Canada vài năm trước.

Năm 2012, vợ ông Lâm từng nói trước tòa rằng chồng mình “từng đe dọa sẽ giết cả nhà bà”, sau khi hai người trở nên xung khắc. Tin cho hay, ông Lâm từng dính vào nợ nần do bài bạc.

Tại buổi lễ, Thầy Thích Thiện Tâm nói rằng “những người đã chết có thể là vợ, chồng, con trai, hay con gái của chúng ta nên, thay vì hận thù, hãy hướng đến tình thương, và cầu nguyện cho những người đã khuất tái sinh ở miền cực lạc”.

Viện trưởng Viện Phật học Edmonton nói thêm rằng ông Tâm đã cho ông biết rằng muốn tha thứ cho hung thủ, người cũng chính là anh em cọc chèo.

“Trong buổi lễ cầu nguyện đó, chính anh Tâm, người mà còn sống sót, anh cũng nói, thôi, anh cũng tha thứ. Anh cũng nói chuyện đã rồi, bây giờ có uất hận thì cũng không tốt lành gì. Anh cũng biết rằng hai bên có những sự đối đãi với nhau không được đẹp cũng nhiều năm rồi. Theo Phật giáo, linh hồn của những người mất vẫn còn phảng phất đâu đó, và vì sự uất hận đó, có thể họ chưa tái sinh. Trong giai đoạn đó, đôi khi họ cũng nhận diện được, biết được những lỗi lầm, sai trái của mình.  Việc tha thứ, đó là cá nhân của anh ấy, gia đình anh ấy, chứ còn người khác có thể họ không tha thứ, họ sẽ còn uất hận lắm.”

Thầy Thích Thiện Tâm cho biết tất cả các hội đoàn và các nhóm tôn giáo ở Edmonton đã nhóm họp lại để tìm cách quyên góp, giúp đỡ cho cô bé một tuổi, con gái ông Lâm, cùng người cháu trai 8 tháng tuổi mà ông ta đã tha mạng.

Người Việt ở Edmonton có trên dưới 10.000 người, và được coi là một trong những nơi nhiều người gốc Việt sinh sống nhất ở Canada.

Giáo hoàng bổ nhiệm một tân Hồng y VN

Giáo hoàng bổ nhiệm một tân Hồng y VN

Đức Giáo hoàng Francis trong một cuộc gặp với các vị Hồng y, tháng 12/2014

Một vị Tổng giám mục từ Việt Nam vừa được Giáo hoàng Francis chỉ định làm Hồng y, theo Tòa thánh Vatican.

Tổng giám mục Hà Nội, Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, sinh năm 1938, vừa được Đức Giáo hoàng nêu tên trong số 20 vị Hồng y mới từ nhiều quốc gia khác nhau trên toàn cầu như Việt Nam, Myanmar, Tonga và Ethiopia v.v…

Tổng giám mục Nhơn từng được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục từ tháng 10/1991, theo thông tin trên trang của Dòng tên Việt Nam.

Ngài thụ phong Giám mục tại Đà Lạt ngày vào tháng 12/1991 và trở thành Giám mục phó giáo phận Đà Lạt từ 1991 đến 1994.

Tháng 3/1994, ngài làm Giám Mục giáo phận Đà Lạt và từ tháng 4/2010, được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Ngày 13/5/2014, ngài trở thành Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội.

‘Dưới 80 tuổi’

Đức Tổng giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn

Trong số các vị Hồng y mới được Giáo hoàng Francis chỉ định, 15 vị có độ tuổi dưới 80, tức có đủ điều kiện để tham gia mật nghị bầu người kế vị Đức Giáo hoàng.

Đức Giáo hoàng Francis nói việc chỉ định Hồng y từ 14 quốc gia trên mỗi lục địa của thế giới cho thấy “mối liên hệ không thể chia tách” của Vatican với Giáo hội Công giáo trên toàn cầu.

Các tân Hồng y sẽ chính thức được thụ phong vào ngày 14/02/2015.

Danh sách tên các tân Hồng y gồm năm vị Giám mục sẽ tham gia Hồng y đoàn nhưng đều đã trên 80 tuổi nên sẽ không được tham gia dự lễ bầu Giáo hoàng mới.

Đây là lần thứ hai Đức Giáo hoàng Francis chỉ định các vị tân Hồng y từ nhiều quốc gia khác nhau.

Tháng Giêng năm ngoái, ông đã chỉ định thêm 19 vị đến từ nhiều quốc gia trong đó có Haiti và Burkina Faso.

Điều này cho thấy ‘cam kết’ của Đức Giáo hoàng với người nghèo, theo một phát ngôn viên của Tòa Thánh.

Xem thêm:

Conggiaovietnam.net

ĐỨC TGM PHÊ RÔ NGUYỄN VĂN NHƠN ĐƯỢC CHỌN LÀM HỒNG Y

Giáo hạt Cách Tâm Phát Diệm: Thánh lễ tạ ơn nhân dịp kỷ niệm hôn phối

Giáo hạt Cách Tâm Phát Diệm: Thánh lễ tạ ơn nhân dịp kỷ niệm hôn phối

LM. Nguyễn Hồng Phúc

Ngày lễ Thánh Gia thất, quan thầy Chương trình TTHNGĐ giáo phận Phát Diệm đã diễn ra hết sức tốt đẹp, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng đã về chủ sự thánh lễ vào ngày 28/12/2014 tại giáo xứ Cách Tâm đúng theo chương trình đã định. Cùng Đồng tế với Đức Cha có cha trưởng ban mục vụ gia đình của giáo phận, các cha linh nguyền và các cha trong giáo hạt Cách Tâm. Thánh lễ quy tụ khoảng trên 1000 giáo dân, trong đó hầu hết là các anh chị Song nguyền. Đặc biệt trong Thánh lễ này có 63 cặp gia đình kỷ niệm thành hôn được Đức Cha chúc phúc và trao bằng kỷ niệm. Trong đó gồm có 5 cặp Ngọc khánh, 23 cặp Kim khánh, 27 cặp tròn 40 năm và 45 năm, 8 cặp Ngân khánh hôn phối.

Trước thánh lễ, Đức Cha đã dành thời gian 30 phút để huấn dụ, ngài đồng cảm với quý anh chị Song nguyền trong đời sống yêu thương giữa các gia đình, ngài tạ ơn về thời gian quý giá như ngọc, như vàng, như bạc với các gia đình kỷ niệm thành hôn. Không chỉ đánh giá ơn gọi cao quý của hôn nhân, Đức Cha Giuse còn phân tích những hoa trái trong gia đình kiến tạo nên hạnh phúc của cả nhiều thế hệ. Ngược lại, những đổ vỡ trong gia đình gây tổn thương cho Giáo Hội và xã hội biết bao! Ngài kết thúc huấn từ bằng những câu chuyện dí dỏm, những phương pháp giản dị đời thường nhằm gắn kết những bất đồng đổ vỡ. Đức Cha hướng gia đình vượt trên những khó khăn để xây dựng đời sống hôn nhân bền vững. Những ví dụ thực tế mà sâu sắc như quả chanh chua không ai ăn trực tiếp được nhưng biết cách pha loãng và thêm chút đường dịu ngọt sẽ thành một ly nước chanh ngọt mát trong cuộc đời, mẻ kia chua không ai ăn được nhưng pha chế thành giấm hay nấu canh chua sẽ là món ăn ngon bổ trong cuộc sống…

Đoàn rước gồm có quý anh chị Song nguyền và các gia đình kỷ niệm thành hôn rước đoàn chủ sự tiến lên lễ đài. Đây là linh đài La Vang Cách Tâm vừa hoàn thành dịp tháng 5/2014.

Linh đài rộng 200m2 đủ cho vài trăm linh mục cùng đồng tế. Dưới chân Mẹ La Vang, khung cảnh uy nghiêm và thiêng thánh của buổi lễ đã được hiện lên.

Trước thánh lễ, cha Tổng linh nguyền đã đọc thư email của cha Sáng lập chúc mừng Giáng Sinh và Năm mới tới quý cha và quý anh chị Song nguyền, ai cũng vui mừng và xúc động.

Cha Tổng linh nguyền cũng giới thiệu lên Đức Cha sơ lược về Chương trình TTHNGĐ tại Phát Diệm: … “ Chương trình TTHNGĐ giáo phận Phát Diệm chúng con, từ khóa đầu tiên do cha sáng lập Phêrô Chu Quang Minh mở tại Phát Diệm đến nay đã được 9 năm. Ban đầu chỉ mới hình thành Liên hợp gia Phát Diệm gồm 130 cặp gia đình, ngày nay đã phát triển thành 15 liên hợp gia với tổng số là 750 cặp gia đình. Những gia đình thường xuyên sinh hoạt liên gia và liên hợp gia, trên thực tế vào khoảng 282 và đều có mặt trong thánh lễ Quan thầy hôm nay. Bản thân con số chưa nói lên điều gì, nhưng thiện chí của mỗi gia đình khi tham gia vào chương trình đều tâm niệm giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững, hoạt động Tông đồ song đôi trong giáo xứ và trong chương trình. Cộng tác với mọi người trong phụng sự tin yêu để cùng nhau xây dựng Nước Chúa muôn đời. Nền tảng thực hành là Khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi. Phương pháp thực hành là khiêm nhường nói ra một yếu đuối để sửa chữa và thay đổi đời sống, nhằm đạt tới mục đích yêu thương và gần gũi bằng việc làm trong gia đình. Xét theo linh đạo thì đây là chương trình đơn giản nhất nhưng đó lại chính là đoàn sủng của chương trình. Trong suốt những năm qua, chúng con luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ và giáo huấn của Đức Cha, đặc biệt trong năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình vừa qua. Chính sự quan tâm này đã thúc đẩy chúng con luôn cố gắng để không phụ tình thương của Đức Cha và hơn nữa, không phụ tình thương hải hà của Thánh Gia”.

Thánh lễ cử hành dưới bầu trời se lạnh, không mưa, không nắng nhưng lộng gió như trong một không gian đầy ắp Thánh Thần. Đức Cha đề cao vai trò gia đình trong bài giảng lễ vì chính Chúa Giêsu cũng đã sinh xuống trong một gia đình để thánh hóa gia đình trở nên thánh. Ngài mời gọi các gia đình hãy noi gương Thánh Gia để xây dựng gia đình hạnh phúc. Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng thuận vợ thuận chồng nhưng nhiều khi đầy những cay đắng, đau khổ. Để có đời sống hạnh phúc, mỗi người phải tôn trọng luật Chúa, tôn trọng lẫn nhau, hãy đặt tình yêu vào đời sống hôn nhân.

Cuối thánh lễ, anh Giuse Lê Văn Hoàng, chủ nguyền chương trình TTHNGĐ Phát Diệm đã thay mặt anh chị em Song nguyền và các gia đình kỷ niệm thành hôn lên cám ơn. Trong đó có nội dung chính:

“…Đối với chúng con là những người sống trong ơn gọi hôn nhân, nay tham gia vào chương trình TTHNGĐ, chúng con lắng nghe và thấm sâu lời kêu gọi của Thư Chung HĐGMVN đã kêu gọi: “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình Công Giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”(Thư chung HĐGMVN năm 2013 số 6,1).

Đúng như thư HĐGMVN đã nhận định: “Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện”. Mặt khác, chúng con cũng nhận thức rằng bối cảnh phức tạp của xã hội hiện nay đang làm lung lay nền tảng đạo đức và luân lý của các gia đình, nhiều gia đình mất phương hướng. Nền văn hóa mới toàn cầu đang nổi dậy cho cá nhân chủ nghĩa. Những lối sống và cách suy nghĩ nặc mùi thực dụng tục hóa đang là mối đe dọa cho gia đình. Những mâu thuẫn, tranh chấp đã xua đuổi con người ra khỏi mái ấm gia đình của mình. Các phương tiện truyền thông xã hội và những chính sách cưỡng bức, hạn chế sinh sản đang gây ảnh hưởng trên các giá trị gia đình. Việc gia tăng các gia đình đổ vỡ và những gia đình ly hôn là dấu hiệu cho thấy tình trạng rạn nứt trong gia đình và những nguy cơ khác cực kỳ nghiêm trọng đang làm xói mòn tình yêu hôn nhân. Tình yêu hôn nhân chân thật hiện đang biến mất tới mức báo động. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định: “Nếu các trái tim bị phân tán thành hàng ngàn mảnh, thì không dễ tạo được hòa bình đích thực trong xã hội” (Tông huấn Evangelii Gaudium số 229).

Từ những nhận định trên, chúng con càng thấy cần thiết và đúng đắn khi chúng con đã được tham gia chương trình TTHNGĐ để giữ gìn gia đình bền vững theo mẫu gương Thánh Gia. Chương trình là một trong những phương thế Chúa dùng để giúp các gia đình vượt qua được thách đố thời đại. Phương thế của CT/TTHNGGĐ đơn giản là vợ chồng khiêm nhường XIN LỖI và CẢM ƠN mỗi tuần ít là hai lần trước nghỉ đêm. Hàng ngày và trong các giờ sinh hoạt chung, chúng con luôn đọc Kinh Hôn Nhân Gia Đình để

“Xin cho gia đình chúng con:

– Biết CẢM THÔNG và SỐNG theo Lời Chúa.

– Biết LẮNG NGHE và KÍNH TRỌNG NHAU lúc vui cũng như khi buồn.

– Biết NHẪN NHỤC và HÒA GIẢI, khi tính tình và cách cư xử khác nhau.

– Biết HIẾU NGHĨA và CHUNG THỦY, từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội.

– Biết lấy GƯƠNG LÀNH mà dưỡng dục con cái.

Kính xin Đức Cha, quý cha tiếp tục cầu nguyện cho chương trình TTHNGĐ và anh chị em Song nguyền chúng con được vững vàng tiến bước trong ơn Chúa và thăng tiến theo đúng đoàn sủng của Chương trình”.

Sau thánh lễ, Đức Cha còn chụp ảnh lưu niệm với anh chị em Song nguyền chung theo từng giáo hạt và riêng cho từng gia đình kỷ niệm thành hôn. Tiệc mừng đã phải muộn lại mãi sau giờ Ngọ, nhưng không ai than phiền vì niềm vui đã tràn đầy cõi lòng. Tạ ơn thánh Gia đã ban cho chúng con một ngày Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Giữa mùa đông lạnh giá nhưng mọi người ra về vẫn thấy lòng mình ấm áp mãi tình Chúa và tình người.

Lm Phêrô Hồng Phúc.

Giáo Hội tăng 15 triệu người Công giáo trong một năm

Giáo Hội tăng 15 triệu người Công giáo trong một năm

Chuacuuthe.com

VRNs (03.01.2015) – Hãng thông tấn Fides công bố thế giới có khoảng 1,23 tỉ tín hữu trên toàn thế giới vào cuối năm 2012.

Dựa trên ấn bản mới nhất ‘Church’s Book of Statistics’ (Những Thống kê của Giáo hội), khảo sát đến ngày 31/12/2012, hãng tin Fides cho biết số người Công giáo trên toàn thế giới vào năm 2012 để 1.228.621.000, tăng 15 triệu so với năm trước đó.

Sự tăng trưởng này diễn ra trên mọi lục địa.

Tuy nhiên, Fides cho biết thêm, người Công giáo chiếm khoảng 17,49% dân số thế giới vào năm 2012, giảm 0,01% vào năm 2011.

Vatican Radio cho biết thêm, Châu Mỹ và Châu Phi là hai châu lục có mức tăng trưởng lớn nhất, bên cạnh đó các lục địa ở Á, Âu, Úc cũng có sự gia tăng.

Số lượng các linh mục Công Giáo trên thế giới tăng 895 vị, đạt con số 414,313 vị. Châu Á có thêm 1364 linh mục, và châu Phi có thêm 1076 vị, trong khi châu Âu mất đi 1,375 linh mục. Trên toàn thế giới số nữ tu giảm 10,677 vị và chỉ còn 702,529 nữ tu trên thế giới.

Cũng theo thống kê, Giáo hội có khoảng 71,188 các trung tâm giáo dục mầm non, 95,246 trường tiểu học và 43,783 trường trung học trên toàn thế giới, cộng với 115,352 các trung tâm từ thiện và chăm sóc y tế.

NHỚ CÁI CHẾT ĐỂ SỐNG ĐẠO TỐT HƠN

NHỚ CÁI CHẾT ĐỂ SỐNG ĐẠO TỐT HƠN

(LỄ AN TÁNG MỆ ANNA TRẦN THỊ CHƯNG 97 TUỔI)

Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

Hương Lâm, ngày 30/12/2014

Kính thưa Cộng đoàn Phụng Vụ,

Chúng ta cảm tạ Chúa và cám ơn Mệ Anna Trần thị Chưng, thân mẫu của nữ tu Anna Lê thị Nga và bà nội của cha Đaminh Lê Đình Du. Qua cái chết của Mệ, Chúa đã qui tụ chúng ta lại nơi đây trong sự sẻ chia tình thương liên đới, an ủi, nâng đỡ những người còn sống về nỗi buồn mất mát tang chế, và cùng nhau chung lời hiệp nguyện cử hành thánh lễ an táng tiển đưa thi hài Mệ Anna đến nơi an nghỉ, khỏi những vất vả nhọc nhằn trên vùng đất cát trắng cằn khô của một cuộc đời dài 97 năm, chờ ngày sống lại vinh phúc với Chúa, như lời hứa của Chúa Giêsu chúng ta vừa nghe: “Hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

ĐTC Phanxicô trong lời mở đầu Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến đã nói:“Các con không chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết nên! Hãy nhìn về tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với các con những điều trọng đại hơn nữa”. Tôi xin mượn lời này để nói đôi điều về hành trình cuộc sống và đức tin của Mệ Anna, như một tấm gương sáng khích lệ con cháu của Mệ, cũng như mỗi người chúng ta, đặc biệt giáo xứ Hương Lâm, nỗ lực tiếp tục viết nên một trang sử tương lai tốt đẹp hơn mà Chúa Thánh Thần đã thương khơi gợi lên. Mệ Anna đã có tất cả 9 người con, 7 gái 2 trai, mà hiện nay 7 người còn sống, với một con gái là nữ tu, một cháu nội là linh mục, hai cháu ngoại trai theo ơn gọi linh mục (đang là chủng sinh triết 3 và năm tu đức thuộc ĐCV. Xuân Lộc và ĐCV. Huế), cùng một cháu ngoại gái là ứng sinh Dòng MTG. Tình thương yêu, lòng đạo đức và đức tin mãnh liệt của Mệ Anna, nhất là từ khi Ông về với Chúa, đã ảnh hưởng đặc biệt lên đời sống và ơn gọi của Cha Du: chiến tranh tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của người cha thân yêu khi cha Du mới được 6 tháng tuổi, rồi người mẹ yêu dấu tuổi đời còn quá trẻ nên cũng đành bước thêm một bước nữa, thì Mệ Anna đã làm mẹ thêm một lần nữa, chăm sóc nuôi dưỡng cháu nội thơ dại. Mệ và cháu như bóng với hình, luôn quấn quýt bên nhau, khi ăn khi ngủ, khi đi nhà thờ lúc đến trường, cả đến khi khôn lớn làm linh mục rồi lòng Mệ vẫn hằng theo cha bằng tình thương và lời cầu nguyện hôm sớm, và cha Du cũng năng thu xếp công việc mục vụ chạy về thăm Mệ. Giờ đây Mệ ra đi về với Chúa là một mất mát lớn lao cho cha Du, nhưng Mệ và cha cũng đều được mãn nguyện là cha lo được mọi sự cần thiết phần hồn phần xác cho tang lễ của mệ như hôm nay.

Hy vọng khi nhìn về quá khứ với lòng tri ân này sẽ giúp chúng ta, không những con cháu của Mệ Anna mà còn tất cả con dân Hương Lâm nữa, ở đời hay đi tu, sống thật tốt cuộc đời hiện tại và hướng về xây dựng tương lai một cách tốt đẹp hơn. Quả thế, cũng như bao nhiêu bậc tiền bối sống trên mảnh đất cát trắng nghèo khó cằn khô mà Đức Cha Urutia Thi gọi là “họ rú” này, Mệ Anna là cơ hội lời tạ ơn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Đúng vậy, các thế hệ trưởng thượng nơi đây không được học hành chữ nghĩa bao nhiêu, rất nhiều người còn không biết đọc biết viết, quanh năm làm lụng lam lũ vất vả, nhưng Chúa lại ban cho đức tin mạnh mẽ, đạo đức sốt sắng, hết lòng yêu mến Chúa, phụng sự Chúa và sẵn sàng hy sinh cho con cháu học hành, rồi lại hiến dâng con cháu cho Chúa trong đời sống ơn gọi. Hương Lâm là một giáo xứ thôn quê nghèo khó nhưng có rất nhiều người đi tu ở nhiều Dòng khác nhau, trong cũng như ngoài nước. Nếu mà được bền đỗ cho đến cùng thì đông lắm, song Chúa cũng thương cho được 11 linh mục, năm ba chục nam nữ tu sĩ phục vụ Chúa và Giáo Hội trên mọi cánh đồng truyền giáo, trong đó có 6 vị đã từng là hay đang là Bề trên Dòng, nhiều vị khác cũng nằm trong Ban lãnh đạo hoặc ban đào tạo nhân sự của Dòng.

Nhân lễ an táng Mệ Anna hôm nay, những người đi tu của giáo xứ Hương Lâm mà hầu như gia đình nào cũng có, thậm chí có những gia đình 3, 4, 5 người, chúng ta hãy cám ơn Chúa đã tạo dựng chúng ta từ hư vô thành hiện hữu, lại kêu gọi chúng ta theo Ngài; cám ơn tổ tiên ông bà cha mẹ và gia đình huyết tộc đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người, rồi quảng đại hiến dâng cho Chúa; cám ơn Mẹ Hội Thánh, Mẹ Giáo phận và Mẹ Hội Dòng, qua các Bề trên hữu trách và các anh chị em, là gia đình thiêng liêng của chúng ta, đã đón nhận, chọn gọi và đào tạo chúng ta nên người của Chúa và người cho tha nhân; cám ơn tất cả mọi người đã, đang và sẽ tiếp tục thông cảm, thương yêu nâng đỡ chúng ta cho đến cuối cuộc đời trần thế.

Còn đối với các thành phần giáo dân, chúng ta hãy lắng nghe lời kêu gọi giáo dân và gia đình của ĐTC Phanxicô trong Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, để sống tích cực hơn với Cha xứ và các chị xứ của mình: “Tôi mời gọi hết mọi người hãy kề vai sát cánh những người tận hiến, để chia vui với họ, để san sẻ những khó khăn của họ, để hợp tác với họ, trong tầm mức có thể được, trong việc thực thi tác vụ và công việc của họ mà cũng là của toàn thể Giáo hội. Hãy giúp họ cảm nhận được lòng ưu ái và thiện cảm của toàn thể dân Chúa… Vì Gia đình và đời sống thánh hiến là những ơn gọi mang lại sự phong phú và ân điển cho mọi người, những không gian kiến thiết các tương quan nhân bản, những nơi loan truyền Tin mừng. Gia đình và đời sống thánh hiến có thể giúp đỡ lẫn nhau… Đời sống thánh hiến là hồng ân cho Giáo hội, phát sinh trong Giáo hội, tăng trưởng trong Giáo hội, và hoàn toàn hướng về Giáo hội… Đời sống thánh hiến không phải là một thực thể lẻ loi, nhưng thuộc về bản chất của Giáo hội, nằm trong tâm điểm của Giáo hội như là yếu tố quyết định của sứ mạng Giáo hội”.

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Giờ đây, xin cho phép tôi nói với Mệ Anna đôi lời.

Kính thưa Mệ Anna, là một đứa cháu, một thành viên của giáo xứ Hương Lâm và là cha bảo trợ của cha Du, cháu nội của Mệ, con cám ơn Mệ về gương sáng của Mệ cho chúng con noi theo qua từng chặng đường trong đời sống đời thường: là con ngoan, dâu thảo, vợ hiền, mẹ đảm đang, rồi làm mẹ thêm lần nữa tận tình lo cho cháu mồ côi; nhất là trong đời sống tín hữu đạo hạnh, siêng năng kinh lễ, không bao giờ bỏ, dù đường xa tuổi già sức yếu và bệnh hoạn, khi nắng gắt khi mưa rét, luôn hiền hậu và khiêm nhường, để cầu nguyện cho con cháu bà con, cho giáo xứ, cho quê hương. Giờ Mệ đã ra đi, về an nghỉ với Chúa, cảm nhận được ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Chúa, sum họp với Ông, các con cháu và những người thân yêu đã khuất, xin Mệ tiếp tục cầu nguyện cho chúng con còn ở chốn đời nhiều gian khó, chiến đấu trăm bề, được bền vững đức tin và ơn gọi cho đến cùng. Chúng con cám ơn Mệ đã bằng cái chết của Mệ mà nhắc nhở chúng con nhớ đến một ngày nào đó chúng con cũng phải chết, để sống đạo tốt hơn, và an hòa hơn với mọi người. Chúng con xin tạm biệt Mệ nơi đây và hẹn ngày đoàn tụ ở trên nhà cha trên trời. Amen.

Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

Chín người Việt chết trong án mạng ở Canada

Chín người Việt chết trong án mạng ở Canada

Nguoi-viet.com

EDMONTON, Canada (NV) Một án mạng xảy ra trong cộng đồng Việt Nam ở Edmonton, Canada, hôm Thứ Hai và sáng Thứ Ba, là tổng cộng chín người Việt Nam thiệt mạng, bao gồm cả hung thủ, bị tình nghi bắn chết tám người, trước khi tự kết liễu đời mình, theo tin đài truyền hình CBC ở Canada.

Những người bị bắn chết bao gồm sáu người lớn và hai trẻ em, và nghi can bắn các nạn nhân bằng một khẩu súng 9 mm lấy của người khác, theo cảnh sát trưởng Edmonton, ông Rod Knecht cho biết tại cuộc họp báo tối Thứ Ba.



Xác một nạn nhân Việt Nam được đưa ra khỏi một căn nhà. (Hình: AP Photo/The Canadian Press, Jason Franson)

Các nạn nhân, đều là người Việt, được tìm thấy tại hai căn nhà khác nhau tối Thứ Hai.

Người đàn ông, mà cảnh sát tình nghi bắn chết các nạn nhân, sau đó được tìm thấy tự sát trong nhà hàng VN Express Vietnamese and Chinese Food ở thành phố Fort Saskatchewan kế cận, vào sáng Thứ Ba.

Cảnh Sát Trưởng Knecht nói rằng nghi can có tiền án từ năm 1987.

Ông nói: “Có vẻ như vụ này là xung đột gia đình dẫn đến án mạng, và không có dấu hiệu băng đảng thanh toán nhau.”

Ông cũng nói án mạng này được dự định trước và nghi can hành động có chủ ý.

Cảnh sát cho biết, ban đầu họ đến một căn nhà, khám phá xác của một nạn nhân, bị nghi can bắn chết.

Sau đó, họ đến căn nhà khác, phát hiện thêm bảy người bị bắn chết.

Cảnh sát phát hiện nghi can trong nhà hàng ở Fort Saskatchewan. Khi cảnh sát bao vây, nghi can tự sát.

Ông Knecht cũng cho biết, theo gia đình, nghi can có vẻ bấn loạn trong mấy ngày qua, và họ lo là ông sẽ tự tử.

Các nạn nhân bị bắn chết có độ tuổi từ 6 đến 50.

Theo báo Edmonton Journal, tại một căn nhà nơi xảy ra án mạng, chủ nhà là hai vợ chồng ông David Lưu và bà Cyndi Dương, sống với ba đứa con, từ 6 đến 13 tuổi, và một phụ nữ, tên Hương Lam, có thể là bà ngoại của các em.

Căn nhà hai tầng này nằm trong một con đường cụt, trong khu Haddow, ở phía Tây Nam Edmonton.

Hồi Tháng Sáu, 2009, hai vợ chồng ông David và bà Cyndi có mượn của ngân hàng $655,000.

Bà Heather Ratsoy, chủ của trung tâm giữ trẻ It’s All About Kids Daycare ở trung tâm Edmonton, kể rằng tất cả ba đứa con của bà Cyndi, hai trai và một gái, có đến học ở đây từ năm 2002 đến năm 2011.

Bà nghĩ rằng cả hai ông bà David và Cyndi làm việc cho thành phố.

Ở một căn nhà khác, ở khu Klarvatten, ông Phú Lâm, 53 tuổi, và cũng là nghi can bắn chết tám người, là đồng chủ nhân với bà Thủy Tiên Trương, vẫn theo Edmonton Journal.

Cảnh sát từng được gọi đến căn nhà này hai lần, hồi Tháng Mười Một, 2012, và một lần hồi năm 2013, vì những vụ xung đột gia đình.

Theo hồ sơ, căn nhà này trị giá $400,000, và hồi Tháng Bảy, 2012, ông Phú và bà Thủy Tiên có mượn ngân hàng Royal Bank $365,000.

Ông Thanh Nguyễn, một người bạn của gia đình được Edmonton Journal trích lời nói ông Phú là một người “rất dễ thương,” nhưng cũng cho biết gia đình này “có vấn đề.”

Hồ sơ tòa cho thấy bà Thủy Tiên, 35 tuổi, từng bị phạt $32,000, sau khi bị ngân hành Royal Bank kiện hồi năm 2013. Còn ông Phú từng khai phá sản vào Tháng Hai, 2013.

Ông Phú đã nghỉ hưu, theo ông Thanh cho biết, còn vợ cũ của ông là chủ nhà hàng VN Express Vietnamese and Chinese Food.

Cảnh sát nói rằng, có tổng cộng bảy người, bao gồm ba phụ nữ, hai đàn ông, và hai trẻ em, chết trong căn nhà ở khu Klarvatten.

Còn bà Cyndi Dương, 29 tuổi, bị bắn chết tại nhà.

Cảnh sát vẫn chưa biết quan hệ thực sự giữa các nạn nhân và nghi can.

Cảnh Sát Trưởng Knetch cho hay công chúng không bị đe dọa gì trong vụ thảm sát mà ông gọi là “hoàn toàn vô nghĩa” này.

“Tất cả những gì xảy ra không liên hệ gì tới băng đảng nhưng là kết quả thê thảm của bạo hành gia đình,” ông nói.

Cảnh Sát Trưởng Knecht cho hay đây là vụ thảm sát lớn nhất ở thành phố Edmonton từ trước tới nay.

Năm 1956 có sáu người thiệt mạng trong một vụ giết người khác.

Edmonton là thành phố lớn nhất của tiểu bang Alberta, Canada, và có dân số hơn 800,000, trong đó nhiều người Việt Nam cư ngụ. (Ð.D., V.Giang)

Gia đình 5 người Việt thiệt mạng trong tai nạn giao thông ở Indiana

Gia đình 5 người Việt thiệt mạng trong tai nạn giao thông ở Indiana

Nguoi-viet.com

TIPTON COUNTY, India (NV) – Một gia đình năm người Việt vừa bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi xảy ra trên xa lộ 31 thuộc Tipton County, cách Indianapolis, Indiana, chừng 30 dặm về phía Bắc hôm Thứ Sáu, theo tin đài truyền hình WTHR 13, một chi nhánh địa phương của đài NBC.

(Hình minh họa: David Ryder/Getty Images)
Theo bản tin, chiếc xe Jaguar màu đỏ đời 2001 chở năm người chạy trên xa lộ 31 về Nam, khi gần đến Indianapolis, thì bị lạc tay lái về bên phải.

Ngay lập tức, ông Dennis Nguyễn, người lái xe, tìm cách bẻ lại bên trái, nhưng quá lố, và chiếc xe vượt qua vạch giữa đường, chạy về hướng ngược chiều giao thông, đụng vào một chiếc xe tải Peterbilt chở hàng đang chạy về hướng Bắc, theo cảnh sát cho biết.

Chiếc xe bị bẹp dúm, ông Dennis Nguyễn, 43 tuổi; người vợ Cao Thị Thu Hà, 44 tuổi; con trai Hùng Vinh Nguyễn, 9 tuổi; và con gái Lindsay Cao Vân Nguyễn, 7 tuổi, chết tại chỗ.

Riêng cô con gái Linda Hà Vy Nguyễn, 14 tuổi, bị thương nặng, được trực thăng đưa vào bệnh viện Eskenazi Health ở Indianapolis, nhưng sau đó qua đời.

Cảnh sát tin rằng, cả gia đình ông Dennis, cư ngụ ở tiểu bang Arkansas, đều có đeo dây an toàn khi ngồi trong xe.

“Chúng tôi đang điều tra nhiều tai nạn trong khu vực đang bị thời tiết lạnh đóng băng, nhưng tai nạn này có phải do đường trơn trượt gây ra hay không thì chưa biết,” cảnh sát viên Paul Daugherty trả lời phỏng vấn của đài truyền hình địa phương qua điện thoại cho biết.
Tài xế xe tải cũng bị đau, được đưa vào bệnh viện, nhưng sau đó được về nhà.

Sau khi tai nạn xảy ra, cả hai hướng lưu thông của xa lộ 31 đều bị đóng để dọn dẹp và di chuyển thi hài người quá cố.

Cảnh sát tiểu bang Indiana vẫn đang điều tra nguyên nhân tai nạn. (Đ.D.)

Trung Quốc tiếp tục bắt bớ tín đồ giáo phái Đấng Toàn Năng

Trung Quốc tiếp tục bắt bớ tín đồ giáo phái Đấng Toàn Năng

RFA

28-12-2014

Sáu thành viên của giáo phái có tên Đấng Toàn Năng ở Trung Quốc bị kêu án từ 3 đến trên 5 năm tù giam vì những hoạt động truyền bá đức tin của họ.

Bản tin Tân Hoa Xã cho biết như vậy ngày hôm qua. Trung Quốc đã nhiều lần bắt bớ hàng ngàn người cũng như cấm giáo phái Đấng Toàn Năng này hoạt động từ lúc được thành lập năm 1990. Những người theo giáo phái Đấng Toàn Năng tin rằng chúa Giê Xu tái thế dưới hình hài một phụ nữ người Trung Quốc.

Nhà chức trách Trung Quốc cho biết 6 người bị kêu án đã bị bắt ngay lúc đang tổ chức gây quĩ và truyền đạo, nói rằng hành động của họ gây rối trật tự xã hội một cách nghiêm trọng cũng như gây ảnh hưởng và tạo trở ngại cho công việc của các cơ quan nhà nước.

Nhân chuyện bang giao Mỹ-Cuba, nhớ Elian Gonzalez

Nhân chuyện bang giao Mỹ-Cuba, nhớ Elian Gonzalez

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương
Ngày 1 Tháng Giêng, 1959, ông Fidel Castro lãnh đạo một lực lượng quân sự thành công chống Tổng Thống Fulgenio Batista, một tướng lãnh độc tài, và đưa dân tộc Cuba vào một thứ độc tài đẫm máu khác.

Tháng Hai, 1960, chính quyền Castro ký một hiệp thương với Liên Xô, và sau đó, tiếp tục thắt chặt quan hệ và ngày càng nhận nhiều viện trợ quân sự và kinh tế của quốc gia này. Hoa Kỳ cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao và áp dụng chính sách cấm vận lên Cuba vào ngày 31 Tháng Giêng, 1961.

Hai cha con Elian Gonzalez vẫy tay chào trước khi rời Hoa Kỳ bay về Cuba.
(Hình: Tim Sloan/AFP/Getty Images)

Trong thời gian này, cũng như hoàn cảnh Việt Nam, hàng nghìn người Cuba đã chối bỏ chế độ Cộng Sản vượt biển đến Floria, Hoa Kỳ, trên những con thuyền tồi tàn, rách nát.

Tháng Mười Một, 1999, một chiếc thuyền đánh cá Hoa Kỳ tìm thấy một đứa bé Cuba nằm bất tỉnh trên một ruột xe cao su trong eo biển Florida ngoài khơi thành phố Miami. Đó là Elian Gonzalez, 6 tuổi, đi cùng với mẹ, cha kế và 9 người khác vượt biên từ Cuba tìm đường sang Hoa Kỳ tị nạn, tất cả đều bỏ mình trên biển, trong một cơn bão, khi chỉ còn cách Hoa Kỳ 56 km, duy chỉ có ba người sống sót, trong đó có Elian. Cha mẹ Elian ly dị nhau từ nhiều năm trước và cha của Elian, ông Juan Miguel Gonzalez, đã có gia đình khác.

Hoa Kỳ cho phép ông Lazaro Gonzalez ở thành phố Miami, bác ruột của Elian, tạm chăm sóc Elian chờ quyết định tình trạng di trú của em, tất cả hy vọng Elian sẽ được hưởng quy chế tị nạn như nhiều người đã trốn khỏi Cuba nhiều năm trước đến Hoa Kỳ.

Nhưng cha của Elian, với sự yểm trợ và thúc đẩy của ông Fidel Castro, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trả Elian về Cuba. Một cuộc tuần hành được chính phủ Cuba tổ chức với hàng trăm nghìn người Cuba yêu cầu chính phủ Mỹ trả lại Elian cho Cuba. Một sự tranh chấp giữa Fidel Castro và cộng đồng người Mỹ gốc Cuba tại Miami thành hình. Tuy nhiên, Sở Di Trú Hoa Kỳ, áp dụng nguyên tắc thông thường về đoàn tụ gia đình, phán quyết trả Elian lại cho cha của em, vì những người thân thuộc của Elian ở Miami không phải cha hay mẹ ruột của em.

Hai tháng sau đó, sau khi tòa án tối cao Mỹ bác đơn kháng cáo của họ hàng Elian tại Miami, đêm 22 Tháng Tư, 2000, các viên chức FBI, trang bị tận răng, tấn công vào ngôi nhà mang số 2319 NW 2nd Street ở Little Havana, Miami, bắt Elian mang đi trong sự vùng vẫy tuyệt vọng và tiếng khóc la của em. Chính phủ Fidel Castro coi đây là một thắng lợi vĩ đại của mình và cộng đồng người Cuba sau đó đã bầy tỏ sự bất mãn của mình với quyết định của chính phủ Clinton, để một năm sau ông Al Gore, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, thua ông George W. Bush chỉ với 537 phiếu. Nếu Elian không bị trả về Cuba, hẳn ông Al Gore có thể có đủ phiếu của dân tị nạn Cuba để trở thành tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.

Cha ruột của Elian lúc ấy đang làm nghề hầu bàn tại Cuba, sau chiến thắng vang dội “đem Elian về với tổ quốc Cuba,” ông được sắp xếp, cất nhắc để trở thành một dân biểu Quốc Hội Cuba vào năm 2003. Elian trở thành bảo vật của Cuba, được công an bảo vệ nghiêm ngặt, khó có ai gặp được em. Trong viện bảo tàng thành phố, có một gian phòng triển lãm những gì liên quan đến câu chuyện Elian. Báo chí Cuba cho rằng, ông Fidel Castro đặc biệt quan tâm đến việc học hành của Elian và cha của em luôn luôn được chủ tịch Cuba tiếp kiến mỗi khi có dịp đến Havana.

Một đứa trẻ mới lên 6, sẽ dễ quên mọi chuyện, hình ảnh người mẹ mình và những ngày vượt biển đầy gian nguy, chết chóc. Nếu ở lại Hoa kỳ, Elian sẽ sống dưới một lối giáo dục khác và thành một con người khác. Nhưng ở Cuba, vào dịp Lễ Phục Sinh 2010, kỷ niệm 10 năm Elian “về với tổ quốc,” hình ảnh Elian Gonzalez được đưa lên truyền thông Cuba, với hình ảnh một thanh niên, đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Cuba, với đồng phục, cầu vai đỏ, huy hiệu đoàn trên tay áo, tóc hớt cao và được đề cao: “Elian Gonzalez bảo vệ cách mạng tại Đại Hội Thanh Niên.”

Trước đây, vào năm 1980, nước này đã mở cửa, để cho bất cứ ai cũng có thể ra đi với giấy thông hành. Gần 125,000 người Cuba đã chạy sang Mỹ. Cuba và Mỹ năm 1994 từng ký một thỏa thuận nhập cư theo đó hai bên tạo điều kiện cho việc di cư của người dân Cuba tới Mỹ diễn ra một cách “an toàn, hợp pháp và có trật tự.” Bây giờ, nếu như theo lời Chủ Tịch Cuba Raul Castro mới đây, đòi hỏi Mỹ phải tôn trọng chế độ Cộng Sản ở quốc gia này, nghĩa là Cuba vẫn không từ bỏ “búa liềm,” sau khi mở cửa bang giao, sẽ có bao nhiêu người Cuba tìm cách đến Mỹ nữa. Chỉ trong năm 2014 này, tuần duyên Hoa Kỳ đã bắt được hơn 2,000 di dân Cuba mạo hiểm tìm đường vượt biển chạy khỏi chế độ Cộng Sản. Chúng ta cũng biết rằng khoảng cách từ Cuba đến Key West, Florida, không bao xa.

Rồi đây khi có bang giao trở lại giữa Cuba và Hoa Kỳ, những người chấp nhận chết chóc ngày trước để vượt biển đến Hoa Kỳ, sẽ có dịp trở lại du lịch, viếng thăm hay “về quê ăn Tết” như những người Việt Nam của chúng ta. Elian cũng có cơ hội được Cuba gửi trở lại du học ở Hoa Kỳ. Cán bộ Cộng Sản Cuba cũng sẽ có cơ hội xâm nhập cộng đồng người Cuba tị nạn ở Miami, hay nói chung là Florida, và cộng đồng này rồi đây cũng sẽ chia rẽ, hết sự đoàn kết, xung đột chính kiến, và khẩu hiệu “hòa giải” sẽ được nêu ra. Nhiều dân gốc Cuba sẽ có cơ hội trở lại quê nhà để đầu tư, buôn bán và tình trạng này sẽ không khác gì người Việt chúng ta đã liều chết vượt thoát ra khỏi quê hương, nay lại có cơ hội trở về nơi chốn họ đã bỏ ra đi.

Và trong tình trạng Cuba nghèo đói vì bị cấm vận từ suốt 50 năm nay, sẽ có cảnh Cuba hải ngoại tị nạn “áo gấm về làng.” Phi trường La Havana rồi đây sẽ có hằng trăm thân nhân chờ đợi đón một “Cuba kiều” về thăm quê hương, không khác gì quang cảnh của Tân Sơn Nhứt 10, 20 năm về trước. Và rồi dân Cuba ở Mỹ sẽ có cơ hội “bảo lãnh” cho thân nhân ruột thịt đến Mỹ, sẽ có thanh niên hay ông già về Cuba lấy vợ. Ai muốn hút xì gà Havana hảo hạng thì kỳ này tha hồ, ai hảo ngọt, sẽ có đường cát Cuba giá rẻ mạt.

Liệu trong suy nghĩ của chúng ta, những cái chết như của bà mẹ Elian Gonzalez trên Vịnh Mexico và hàng trăm nghìn người Việt Nam bỏ mình trên biển Đông có còn ý nghĩ gì không? (*)

(*) Theo con số của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, từ năm 1975 đến 1985 có 849,228 người vượt biển, trong đó năm 1981 Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế cho rằng phân nửa số người vượt biển đã chết dưới tay hải tặc.