Jane Fonda thừa nhận sai lầm, xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ

Jane Fonda thừa nhận sai lầm, xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ

Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không của quân đội Bắc Việt trong chuyến thăm Hà Nội năm 1972.

Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không của quân đội Bắc Việt trong chuyến thăm Hà Nội năm 1972.

22.01.2015

Nữ diễn viên Jane Fonda một lần nữa bày tỏ sự đau buồn của bà về những bức ảnh đã chụp ở Hà Nội, khi bà sang Việt Nam để phản đối vai trò của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Trang mạng báo Independent của Anh, hôm thứ Tư tường thuật rằng, nữ diễn viên từng đoạt Giải Oscar Jane Fonda nói nỗi đau đối với các cựu chiến binh Mỹ mà bà cảm nhận được do quyết định chụp tấm ảnh đó của bà gây ra, sẽ ám ảnh bà cho tới cuối đời.

Nguồn tin này trích lời bà Fonda phát biểu tại một trung tâm nghệ thuật ở bang Maryland mới đây rằng “bất cứ lúc nào có dịp ngồi xuống trò chuyện với các cụu chiến binh, bà cảm thấy buồn vì thấu hiểu được nỗi đau của các cựu chiến binh. Tôi đã phạm một lỗi lầm lớn khiến cho nhiều người nghĩ tôi chống đối binh sĩ Mỹ.”

Tờ Telegraph của Anh nói rằng phản ứng trước phát biểu này, một số cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam dương biểu ngữ: “Tha thứ à, có thể. Nhưng quên thì chúng tôi sẽ không bao giờ quên”

Hình ảnh Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không của quân đội Bắc Việt trong chuyến đi thăm Hà Nội năm 1972, khẩu súng có thể đã được dùng để bắn hạ các phi cơ Mỹ, và những hoạt động phản chiến của bà, đã khiến nữ diễn viên này trở thành mục tiêu của những lời đả kích nặng nề trong giới các cựu chiến binh Việt Nam, mà mãi cho tới bây giờ vẫn chưa nguôi phẫn nộ.

Cảm nghĩ của một Ni cô Phật giáo về Đức Giáo Hoàng

Cảm nghĩ của một Ni cô Phật giáo về Đức Giáo Hoàng

Chuacuuthe.com

VRNs (19.01.2015) -Sài Gòn- theo CNA- Một ni cô trong buổi gặp gỡ chung giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với các bạn trẻ sinh viên tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Tôma ở Philippines vừa qua đã bày tỏ lòng biết ơn đến ĐTC vì những nỗ lực của ngài cho sự đoàn kết và đối thoại liên tôn.

1

Ni cô Ven. Miao Jing thuộc Giáo hội Phật giáo Fo Guang Shan bày tỏ: “Chúng tôi thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã mang lại phúc lành và sự hiệp nhất”.

Ni cô nói với hãng tin CNA trong chuyến thăm của ĐTC đến Philippines rằng “Chúng tôi đến để bảy tỏ sự chân thành trong việc đối thoại”.

Ni cô Miao đã không gặp riêng được Đức Thánh Cha, tuy nhiên, một vị lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo là Sư Ven. Chueh Pei, người Argentina đại diện cho Giáo hội Phật giáo đã gặp ĐTC. Ni cô Miao nói rằng Vatican và Đức Hồng Y Luis Tagle, Tổng Giám mục Manila đã gởi lời mời họ tham dự buổi gặp gỡ liên tu sĩ với Đức Giáo Hoàng.

Ni cô cho biết họ cũng có ý định mời Đức Thánh Cha đến thăm Giáo hội Phật giáo.

Ni cô nói thêm: “Đức Giáo Hoàng đã tông du khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong vài tháng qua, chúng tôi chân thành và khiêm tốn mời Đức Giáo Hoàng ghé thăm chúng tôi. Các Phật tử rất vui mừng nếu gặp được ngài.”

Ni cô Miao ca ngợi và cảm ơn Đức Thánh Cha đã “đem con người xích lại với nhau, đặc biệt là những người người khác biệt về tôn giáo, văn hóa và truyền thống.”

“Chúng ta thấy thế giới đang chuyển động hướng về tương lai, và chúng ta luôn luôn nhìn thấy niềm hy vọng, đặc biệt nơi những người có đức tin.”

Hoàng Minh

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Hướng giải quyết cho giáo xứ Đăk Jâk

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Hướng giải quyết cho giáo xứ Đăk Jâk

Chuacuuthe.com

VRNs (18.01.2015) – Trong suốt mấy ngày qua, bà con giáo xứ Đăk Jâk rất lo lắng, mất ăn mất ngủ khi công an Xã, Huyện xuống giáo xứ hoạnh họe, đe dọa đòi tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm, mà bà con đã dựng lên từ tháng 4.2013 làm nơi thờ phượng Thiên Chúa được tôn nghiêm hơn. Họ cũng đưa ra đòi hỏi vô lý, buộc Cha Đa Minh Trần Văn Vũ, người được Đức Giám Mục Giáo phận cử về chăm sóc đàn chiên, phải dời khỏi Giáo xứ.

835

Tại VN, các linh mục, tu sỹ truyền giáo cho người Kinh còn gặp nhiều khó khăn, huống chi là bà con Dân tộc với nhiều ngôn ngữ khác nhau và với nhiều nền văn hóa đa dạng, nhưng các linh mục và tu sỹ đã dấn thân hy sinh để có thể giới thiệu Thiên Chúa đến cho bà con trên vùng cao. Nỗ lực của các Ngài luôn bị chặn đứng bởi nhà cầm quyền địa phương, hạn chế và xâm phạm quyền tự do Tôn giáo…

Sau đây, VRNs chúng tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện với Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum về những nỗi khó khăn liên quan đến tình hình của giáo xứ Đăk Jâk, cũng như sự gian truân của các linh mục, tu sỹ khi truyền giáo cho bà con dân tộc thiểu số. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 17.01.2015

Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Đức cha, trước hết, chúng con xin Đức cha cho chúng con được biết một số thông tin về Giáo xứ Đăk Jâk thuộc Giáo phận Kontum ạ?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Có lẽ phải lấy năm 1972 làm mốc. Xứ Đăk Jâk được thành lập từ 1957, đã có giáo xứ, có nhà thờ và đông đảo giáo dân. Nhưng năm 1972, do chiến tranh, nhà thờ bị phá hủy và dân chúng đã tản mác đi khắp nơi. Sau năm 1975, họ quay trở về, lập nghiệp lại và hiện nay số giáo dân lên gần 6000 người. Nằm ở trong huyện Đăk Glei – nơi đó có một số giáo xứ đã cũ từ trước trong đó có Đăk Jâk. Với con số gần 6000 giáo dân gồm người Xê Đăng, người Deh và các Sắc tộc khác đã và tiếp tục sinh hoạt tôn giáo.

Cách đây 4 năm, tôi gửi cha Đaminh Trần Văn Vũ lên để quản nhiệm và phục vụ anh chị em, vì nhà thờ chưa có nên chúng tôi chấp hành chính sách của Nhà nước là xin phép xây dựng nhà thờ và phục hồi giáo xứ, nhưng xin miết cũng không được. Do nhu cầu tôn giáo đông đảo của bà con mà cứ ngồi ngoài mưa, ngoài nắng suốt bao năm tháng cho nên bà con giáo dân đã tự dựng nên một cái nhà nguyện tạm, trong khi chờ đợi nhà cầm quyền cứu xét cho xây dựng nhà xứ và nhà thờ mới. Nhà cầm quyền yêu cầu gỡ nhà thờ tạm nhưng chúng tôi đã làm phép và dâng cho Chúa rồi. Chúng tôi trao đổi với nhà cầm quyền rằng, nhà thờ tạm sẽ dỡ vì đó là tạm mà, vậy thì xin nhà cầm quyền giải quyết bằng cách đáp ứng cái yêu cầu đã lâu năm là cho xây dựng một nhà thờ mới để thay thế. Nhưng cuối cùng cũng chưa đi đến đâu cả và sự việc kéo dài cho đến hiện nay. Rất tiếc là như vậy!

Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Đức cha, chúng con được biết, nhà cầm quyền ra hạn chót cho việc tháo dỡ nhà thờ Đăk Jâk vào ngày 17.01.2015. Kính thưa Đức cha, tình hình hiện nay là ra sao ạ?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Hiện nay, tôi đang bận đi dự lễ ở Sài Gòn và chuẩn bị ra Hà Nội để đón tiếp Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, cho các Dân tộc. Cho nên tôi chưa biết tình hình ở đó như thế nào. Nhưng, tôi nghĩ rằng, tình hình cũng ổn thôi vì hai bên đang thảo luận, trao đổi với nhau để giải quyết cho êm đẹp.

Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Đức cha, chúng con được biết, Đức cha có cuộc họp với UBND Huyện và buổi tiếp xúc với ông Giám đốc Công an Tỉnh. Kính thưa Đức cha, xin ngài có thể cho chúng con biết một vài thông tin về các buổi gặp này và cách giải quyết bên phía nhà cầm quyền như thế nào ạ?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Ngày 22.08.2014, phái Đoàn do ông Bí thư của huyện Đăk Glei với bà Chủ tịch Huyện thăm và trao đổi với chúng tôi về vấn đề này. Chúng tôi đi đến một kết luận trong văn thư 145, ngày 22.08.2014, gửi cho UBND Tỉnh và Huyện. Chúng tôi chấp nhận giải pháp do ông Bí thư Huyện đã đề nghị và có sự đồng tình của cả phái Đoàn trong đó có bà Chủ tịch. Thôi sự việc đáng tiếc đã xảy ra rồi, cho nên bây giờ giải quyết bằng hai bước.

Bước thứ nhất, với tư cách Giám mục, chúng tôi lập lại chính thức với nhà cầm quyền bằng một cái đơn xin chính thức công nhận lại giáo xứ Đăk Jâk và cho xây dựng nhà thờ. Bước thứ hai, trong khi UBND Tỉnh cứu xét đơn đó, thì UBND Huyện sẽ cho chúng tôi một cái giấy chính thức để dựng nên một cái nhà thờ tạm, khi có cái giấy đó thì ngay lập tức chúng tôi sẽ gỡ ngôi nhà thờ tạm hiện nay.

Hôm qua, ông Giám đốc Công an Tỉnh Kontum, tức là Thiếu tướng Lê Duy Hải có gọi cho tôi hỏi về tình hình này. Giữa chúng tôi xác định chuyện Đăk Jâk là chuyện nhỏ, từ từ giải quyết với nhau trong ôn hòa. Ông Thiếu tướng rất tiếc là mấy anh em công an trên Huyện, Xã đã đến [giáo xứ], làm cho giáo dân hiểu lầm là gỡ nhà thờ tạm. Ông Thiếu tướng cũng rất tiếc anh phóng viên nào đó đã làm to chuyện ra. Hiện nay, ông ấy không biết anh phóng viên đó chạy đi đâu.

Theo như tôi nghĩ, chúng tôi có kinh nghiệm làm việc với ông Thiếu tướng, tôi cảm thấy, ông rất có cảm tình và rất thông cảm với chúng tôi, và ông luôn luôn tìm mọi cách giải quyết ổn thỏa cho những nhu cầu chính đáng của người giáo dân. Chúng tôi rất biết ơn ông Thiếu tướng đó.

Huyền Trang, VRNs: Kính thưa Đức cha, chúng con xin Đức cha chia sẻ với chúng con về hướng tương lai là làm thế nào để có thể hạn chế những hành vi xâm phạm Quyền tự do Tôn giáo nói chung, và quyền thực hành các hoạt động tôn giáo nói riêng của Cha xứ và bà con giáo dân Đăk Jâk ạ?

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ chìa khóa nằm ở chỗ dân, tức là tất cả vì hạnh phúc của người dân trong đó có người dân có Đạo, và nhà cầm quyền cũng như tất cả mọi văn bản pháp luật đều phải chú ý đến điều này. Nhưng rất tiếc trong hiện tình cũng như trong quá khứ, hình như nhà cầm quyền đã quá nặng nề vấn đề về Luật, Luật… Cho nên với vấn đề hệ thống Luật và cách tổ chức như hiện nay, tôi có kinh nghiệm rằng, tất cả các anh em nhân viên ở các địa phương họ rất khổ tâm, họ khổ tâm hơn chúng tôi nữa, họ rất thương chúng tôi nhưng họ không thể giải quyết được vì vượt quyền hạn. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, phải có những điều luật thông thoáng hơn nữa và phải có những con người hiểu những nhu cầu tôn giáo, thì mới có thể giải quyết ổn thỏa, còn nếu không vấn đề nó cứ kéo dài miết như hiện nay.

Huyền Trang, VRNs: Chúng con xin chân thành cám ơn Đức cha và chúng con kính chúc sức khỏe Đức cha.

Đó là những lời chia sẻ của vị chủ chăn với những nỗi vất vả, khó khăn của các vị mục tử khi đến với, ở với và sống với những người đồng bào trên Cao nguyên.

Giáo dân Giáo xứ Đăk Jâk đa phần là bà con dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa -là những người được Nhà nước này quan tâm một cách đặc biệt, thậm chí họ còn lập ra một Ban chỉ đạo Tây Nguyên để giải quyết những vấn nạn đến từ bà con các Dân tộc Tây Nguyên. Trong khi đó, các vị Chức sắc tôn giáo truyền giáo ở các vùng cao đã giúp bà con cải thiện đời sống được tốt hơn, “đem cái chữ” đến cho con em của họ, tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở cho các con em người Dân tộc theo học các cơ sở giáo dục của nhà nước, giúp các gia đình biết cách trồng trọt, chăn nuôi… làm ăn phát triển hơn, nhưng nhà cầm quyền lại luôn tìm cách gây khó khăn cho các vị Chức sắc trong việc truyền giáo. Đó là nghịch lý của chủ thuyết vô thần ở VN.

Huyền Trang, VRNs

Đức Ông Philippe Lê Xuân Thượng_Houston, Texas

Đức Ông Philippe Lê Xuân Thượng_Houston, Texas

image

1943-2015

Trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, và trong nỗi đau buồn vô hạn của người trần thế, chúng tôi cáo phó:

Đức Ông Philippe Lê Xuân Thượng

Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể

image

Đã được Chúa gọi về diện kiến Nhan Thánh của Ngài sáng hôm nay, thứ Sáu, ngày 16 tháng 1, năm 2015.  Xin quý ông bà anh chị em hợp lời cầu nguyện với chúng tôi và giáo xứ trong cuộc hành trình này.

Thánh lễ tiễn đưa linh hồn Đức Ông vào lúc 7:30 tối thứ Sáu, ngày 16 tháng 1, năm 2015 tại Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể.

Thay mặt Hội Đồng Mục Vụ và Tài Chánh Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể:

Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ,

VMH

*****

image

Hiện giờ linh cửu Đức Ông được giữ tại nhà quàn Vĩnh Phước,  có thánh lễ đưa chân lúc 7.30 PM  tối 16-01-2015, tuy nhiên Linh cửu sẽ được đem tới nhà thờ NLNT bắt đầu từ thứ hai 19 January, cầu nguyện từ 5 PM, tiếp theo là thánh lễ cầu nguyện, từ thứ hai tới thứ năm, sau đó thánh lễ an táng dự trù vào 10 AM ngày thứ sáu 23 January 2015 tại nhà thờ NLNT, sau Thánh Lễ linh cữu Đức Ông Philippe Lê Xuân Thượng sẽ được an nghĩ tại nghĩa trang FOREST PARK WESTHEIMER 12800 Westheimer Rd Houston TX  77077

image

Đức Ông mất đi để lại rất nhiều sự thương mến trong lòng người giáo dân NLNT, một đời chỉ biết phụng vụ Thiên Chúa và mở mang nước Chúa.

image

Đức Ông bị ngã trong phòng tắm, gọi 911 tới, CPR không cứu được ngài. Ngài mất đi, hưởng thọ 71 tuổi.. Xin ACE tới tham dự các thánh lễ cầu nguyện cho Đức Ông Phillipe .

phh

Dear Fathers,

The funeral arrangements for Monsignor Philippe Le-Xuan-Thuong are as follows:
All Masses and Wake Service will be held at:

Christ, the Incarnate Word Parish
8503 South Kirkwood Road
Houston, Texas 77099

Schedule of masses for Msgr. Philippe:

January 19, 2015 (Mon) – 7:30 PM Mass

Liturgy prepared by Vietnamese Martyrs Parishioners

January 20, 2015 (Tues) – 7:30 PM Mass

Liturgy prepared by Co-Cathedral of the Sacred Heart

January 21, 2015 (Wed) – 7:30 PM Wake
Service – Bishop George Sheltz

January 22, 2015 (Thurs) – 7:30 PM Memorial Mass

Archbishop Joseph Fiorenza

January 23, 2015 (Fri) – 10:00 AM Funeral Mass
Cardinal Daniel DiNardo

Followed by burial in Forest Park Cemetery Westheimer

12800 Westheimer Road, Houston, 77077

If you have any questions, please contact Father Thu Ngoc Nguyen at 713-659-1561.

Please keep the Le-Xuan family in your prayer.

In Christ,
Sister Gina Ladanza, msc
Archdiocese of Galveston-Houston
1700 San Jacinto  Houston, TX 77002
2403 Holcombe Blvd.  Houston, TX 77021
www.archgh.org

*****

Visit link: http://baomai.blogspot.com/2015/01/rip-uc-ong-philippe-le-xuan.html

*****

Cuộc Hành Trình

image

Đức Ông Philippe Lê Xuân Thượng, S.Th.L.,JCD

Sinh ngày:         6/10/43 tại Tấn Tài, Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, VN

Thân Phụ:          Micae Lê Nhạc

Thân Mẫu:          Lucia Bùi Thị Tâm

image

1952:                 Tiểu Chủng Viện tại Nha Trang, VN

1963:                 Đại Chủng Viện-Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, VN

image

28/11/1970:   Thụ phong Linh Mục tại Manila, Phi Luật Tân

1971:             Cử Nhân Thần Học, Đà Lạt, VN

1971-1975:    Trường Ngoại Giao Tòa Thánh, Roma

1975:             Tốt nghiệp Trường Ngọai Giao

Tiến sĩ Giáo Luật tại Đại Học Gregorian, ROMA

1975-1978:     Bí thư Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Dacca, Bangladesh

1978-1981:     Bí thư Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Port Morestby, Papua New Guinea

image

1981-1983:     Bí thư Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Santiago, Chile

1983-1986:     Phó Xứ giáo xứ St. Jerome, giáo phận Galveston-Houston, USA

1986-1989:     Đại Diện Đức Giám Mục đặc trách giáo dân Việt Nam tại giáo phận Galveston-Houston USA

1986-1987:     Chánh Xứ giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Galveston-Houston

1987-1989:     Phó xứ giáo xứ Chánh Tòa Thánh Tâm, giáo phận Galveston-Houston

1990-1998:     Chánh Xứ giáo xứ Chánh Tòa Thánh Tâm giáo phận Galveston-Houston

1998-1999:     Chánh Xứ Notre Dame giáo phận Galveston-Houston

image

1999-tới nay:   Chánh Xứ giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể giáo phận Galveston-Houston

ƠN HOÁN CẢI + ƠN THIÊN TRIỆU

ƠN HOÁN CẢI + ƠN THIÊN TRIỆU

Từ một chàng trai hư hỏng, cờ bạc, ma túy đến một phạm nhân, rồi thành đan sĩ linh mục, giờ đây chính Lm P.X. Trần An lại hoán cải cuộc đời cho nhiều người giúp họ sống lương thiện, có ích.

Phóng viên Báo điện tử Gia đình Việt Nam đã tới Đan Viện Thiên An ở Huế và gặp Đan sĩ, Linh mục Phanxicô Xaviê Trần Văn An. Cuộc đời linh mục là một hành trình đầy thử thách, gian nan; đầy sự phấn đấu, lòng nhân từ và hồng ân.

Từ tình yêu thương bao la của mẹ

Sinh ra trong gia đình giàu có ở giáo xứ Cầu Rầm (Vinh, Nghệ An), chàng trai Trần Văn An ngày ấy rất khôi ngô và hào hoa.

17 tuổi, Trần Văn An bắt đầu con đường ăn chơi, sa đọa. Học hết cấp 3, cha mẹ cho theo nghề kim hoàn, Trần Văn An trở nên giàu có nhờ buôn bán vàng và đồ cổ. Nhưng chẳng mấy chốc, anh tiêu sạch tiền và sa vào cờ bạc, rượu chè, ma túy.

Hết tiền, Trần Văn An quay sang ăn cắp tiền của gia đình và nhiều người, tham gia băng nhóm xã hội đen, đánh lộn, ăn cắp và hút chích để rồi sa chân vào vòng lao lý, bắt đầu những tháng ngày tù tội khổ đau.

Từ một thanh niên có tương lai tốt đẹp, thành người ăn chơi sa đọa rồi một tù nhân, Trần Văn An còn bị thêm cú sốc khi người yêu “sang ngang”. Tuyệt vọng đến tận cùng, được tha về, anh vẫn chứng nào tật nấy, ngựa theo đường cũ, chẳng bao lâu lại dính vào nghiện ngập.

Chúng tôi hỏi cơ duyên nào khiến Trần Văn An quyết tâm từ bỏ con đường nghiện ngập và trở nên công chính, linh mục trả lời, rằng từ tình thương bao la của mẹ lay động lòng trời.

Khi đang lén lút hút thuốc phiện tại nhà, Trần Văn An bị mẹ phát hiện. Ngước mắt nhìn người mẹ yêu dấu khổ đau, sốc đến tận cùng, anh như bị sét đánh. Từ nội tâm như bật lên tiếng nói, thúc giục anh trở về với mẹ, phải sống tốt để tạ ơn mẹ. Cũng từ đó, trong anh có một quyết tâm lớn là làm lại cuộc đời, anh chạy đến Thánh Địa La Vang (Quảng Trị) nguyện cầu với Mẹ Maria, cầu nguyện Chúa cho anh đủ sức vượt qua cám dỗ của ma túy.

Năm 1992, chính bố ruột gửi Trần Văn An đến ở cùng một cha xứ. Hai năm sau, Trần Văn An gia nhập Đan Viện Thiên An và trở thành Đan sĩ dòng Biển Đức của đạo Thiên Chúa Giáo. Kể từ đó, Trần Văn An dành cả cuộc đời linh mục, đan sĩ của mình để cầu nguyện, giúp đỡ, chia sẻ và mang niềm hy vọng cho biết bao nhiêu người lầm lỡ muốn trở về con đường thiện. Vị linh mục nói: “Chúa đã yêu thương tôi và cứu chữa tôi. Vì thế tôi cố gắng làm một việc gì đó hữu ích cho người nghèo, bệnh nhân và người tội lỗi”.

Tôi hỏi: viết rõ quá khứ như vậy liệu có gì phiền không? Linh mục cười, nói rằng đây là sự thật và khi nói về sự thật cuộc đời mình thì mình đang hòa giải với chính mình đã; mình thấy thanh thản và cũng là để cảm tạ những ơn lành Chúa ban cho mình.

Hơn nữa nếu sự thật này mà chia sẻ được với bao thanh niên lỡ lầm cùng cảnh ngộ với thời trai trẻ của mình thì nên nói, vì câu chuyện này thêm sức mạnh, thêm niềm tin và hy vọng cho họ.

Dự án phát huy sức mạnh nội tâm…

Có một thanh niên tên Q, quê ở Hà Tĩnh, là người đã sống ngoài vòng pháp luật hơn 10 năm chỉ vì trong một bữa tiệc lời qua tiếng lại, dùng dao đâm chết bạn đồng hương rồi bỏ trốn. Người thanh niên này đã đến nhờ linh mục Trần Văn An giúp. Trước thái độ ăn năn của Q, linh mục đã chia sẻ, giúp đỡ, hướng dẫn Q tĩnh tâm, thống hối để nhận ra lỗi lầm của mình và khuyên Q ra đầu thú để nhận được khoan hồng của pháp luật.

Trong bức thư gửi Linh Mục Trần An, Q tâm sự “Thưa Cha, con cám ơn Cha nhiều lắm, nhờ Cha mà giờ đây con sắp được vào tù. Con cảm thấy bình an hạnh phúc lắm, bởi tuy thân xác con ở tù nhưng lương tâm con lại được tự do giải phóng”

Còn rất nhiều, rất nhiều người khác nữa từ thanh niên đến người lớn tuổi, từ người công giáo đến người ngoài công giáo đã nhận được sự giúp đỡ tận tâm của Linh mục Trần An.

Thấy phương pháp dưỡng tâm, hướng dẫn người nghiện ma túy tĩnh tâm bằng cầu nguyện để tìm ra ý nghĩa đích thực của sự sống, của cuộc đời mình có kết quả rất tốt, tôi hỏi Linh mục Trần An sao không nhân rộng ra. Linh mục cho biết đã vận động được một số bà con giúp đỡ và đang xin chính quyền các cấp cho phép mở “Ngôi nhà tĩnh tâm, hướng thiện”.

Đây là dự án từ thiện về giáo dục hướng thiện, giúp đỡ, dạy nghề cho người nghiện ma túy, giúp họ tìm ra sức mạnh nội tâm để chiến thắng ma túy.

LÊ THÀNH

Một phụ nữ Việt sắp bị xử bắn ở Indonesia

Một phụ nữ Việt sắp bị xử bắn ở Indonesia

17.01.2015

Một công dân Việt sắp bị đưa ra pháp trường tại quốc gia cùng thuộc khối ASEAN sau khi bị kết án tử hình về tội buôn lậu ma túy.

Bà Trần Thị Bích Hạnh vẫn sẽ bị xử bắn vào ngày mai, 18/1, cùng với 4 người nước ngoài khác và một phụ nữ Indonesia, dù Tổng thống Brazil và chính phủ Hà Lan đã lên tiếng kêu gọi chính quyền địa phương tha mạng cho các công dân nước mình vào phút chót.

Không rõ là chính quyền Việt Nam có ngỏ lời với phía Indonesia hay không.

Ngoại trưởng Hà Lan cho biết đã liên hệ với tất cả các quốc gia có công dân bị đem ra bắn ở Indonesia.

Các phạm nhân hôm nay đã bị đưa vào buồng cách ly, và hai người một sẽ bị xử bắn cùng lúc.

Tất cả các tử tù bị kết án buôn lậu ma túy trong khoảng thời gian từ năm 2000 – 2011.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bác đơn xin ân xá của các tử tù tháng 12 năm ngoái.

Một giới chức Indonesia được trích lời nói rằng nước ông “chỉ tìm cách bảo vệ đất nước khỏi mối nguy hại của ma túy”.

Indonesia áp dụng các luật lệ nghiêm khắc đối với tội trạng buôn lậu ma túy.

Hơn 138 người hiện là tử tù, và phần lớn trong số đó là có liên quan tới tội buôn lậu ma túy. Một phần ba trong số đó là công dân nước ngoài.

Nguồn: AP, Reuters

ĐTC: Chúa Kitô không để các con ngã quỵ

ĐTC: Chúa Kitô không để các con ngã quỵ

Chuacuuthe.com

DTC-2015-01-17

VRNs (17.01.2015) -Philippines- Đức Thánh Cha vừa kết thúc thánh lễ tại phi trường Tacloban. Từ đây ngài về tòa Giám mục địa phận Tacloban và dùng cơm trưa với 30 người đại diện là những nạn nhân sống sót sau cơn bão Hải Yến hồi năm ngoái. Trên quảng đường về tòa Giám mục, người dân hai bên đường vỗ tay reo hò từng chặng khi xe chở ngài tiến qua.

Sau đây là nguyên văn nội dung bài giảng của ĐTC trong thánh lễ tại Phi trường Tacloban.

Hôm nay cha muốn giảng bằng Tiếng Tây Ban Nha vì cha đã có một thông dịch viên tuyệt vời!

Chúng ta có vị linh mục cao cả có khả năng cảm thông những yếu đuối của chúng ta. Chúa Giêsu giống như chúng ta, sống như chúng ta và giống ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi vì Ngài không phải là một tội nhân. Nhưng để giống chúng ta hơn, Ngài mang lấy tất cả mọi khốn khổ và tội lỗi của chúng ta. Chính Ngài chấp nhận đi vào trong tội. Đây là điều mà thánh Phaolô Tông đồ nói với chúng ta.

Chúa Giêsu luôn luôn đi trước chúng ta và khi chúng ta trải qua một kinh nghiệm, một thập giá thì Ngài đã trải qua trước chúng ta. Sự hiện diện của chúng ta hôm nay tại đây, sau 14 tháng hứng chịu cơn bão Hải Yến là vì chúng ta không đánh mất niềm tin vào Chúa Giêsu vì chính Ngài đã ở đây trước chúng ta.

Trong cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả nỗi đau của chúng ta. Vì thế Ngài có khả năng thấu hiểu chúng ta như chúng ta đã nghe trong bài đọc I.

Cha muốn nói với các con một vài điều từ sâu thẳm cõi lòng của cha. Khi cha còn ở Rôma, cha chứng kiến thảm họa các con phải chịu cha nghĩ rằng cha phải ở đây với các con. Và trong những ngày đó, cha đã quyết định phải đến đây. Cha ở đây hơi trễ nhưng lúc này cha đang ở đây. Cha đến để nói với các con rằng, Chúa Giêsu chính là Chúa. Và Ngài không bao giờ để chúng ta phải quỵ ngã. Các con có thể nói với cha rằng, cha ơi con đã bị quỵ ngã vì con đã mất quá nhiều thứ: nhà cửa, cuộc sống. Điều đó đúng nếu các con nói như thế và cha tôn trọng cảm nghĩ này của các con. Nhưng Chúa Giêsu đã ở đó, chịu đóng đinh trên thập giá và từ thập giá Ngài không để chúng ta bị quỵ ngã. Ngài đã được thánh hiến cho Thiên Chúa trên thập giá và ở đó Ngài đã kinh nghiệm tất cả những tai ương mà chúng ta đã trải nghiệm. Chúa Giêsu là Chúa. Và từ trên thập giá Ngài thấu hiểu tất cả chúng ta. Và trong mọi thứ Ngài giống như chúng ta. Đó là điều tại sao chúng ta có một Vị Thiên Chúa đã khóc với chúng ta và đi với chúng ta trong những giây phút đau khổ nhất của cuộc sống.

Vì thế nhiều người trong các con đã mất mọi thứ. Cha không biết phải nói như thế nào với các con. Nhưng Thiên Chúa biết những gì phải nói với các con. Một số trong các con đã mất một số thành viên trong gia đình. Nhưng điều cha có thể làm là giữ thinh lặng và đi với các con bằng con tim thinh lặng của cha. Nhiều người trong các con đã trách Chúa tại sao lại xảy ra như thế và mỗi các con trong tận cõi lòng mình đã nghe tiếp trả lời của Đức Kitô. Từ trên thánh giá, Ngài đã trả lời cho các con. Cha không cần nói thêm lời nào nữa. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Kitô. Ngài là Chúa. Ngài hiểu chúng ta vì Ngài trải qua tất cả những thử thách mà chúng ta đã kinh nghiệm.

Và bên cạnh thập giá là Mẹ của Ngài. Chúng ta giống như trẻ nhỏ trong những giây phút mà chúng ta có quá nhiều đau khổ và không còn hiểu điều gì cả. Tất cả chúng ta có thể làm là nắm chặt lấy tay Mẹ và nói “Mẹ ơi!” Giống như trẻ thơ nói như thế khi nó sợ hãi. Có lẽ lời duy nhất cha có thể nói trong thời khắc khó khăn là: “Mẹ ơi!”

Chúng ta hãy thinh lặng một phút với nhau và nhìn lên Đức Kitô trên thập giá. Ngài hiểu chúng ta vì Ngài đã chịu đựng tất cả mọi thứ. Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria và giống như trẻ thơ chúng ta hãy nắm lấy tà áo của Mẹ và với một con tim thành tâm nói rằng: “Mẹ ơi!”

Trong thinh lặng hãy nói với Mẹ những gì các con đang cảm nhận trong lòng. Chúng ta biết rằng chúng ta có một người Mẹ là Mẹ Maria và có Một Người Anh tuyệt vời là Chúa Giêsu. Chúng ta không cô đơn. Chúng ta cũng có rất nhiều anh em, những người trong những lúc khó khăn đã giúp đỡ chúng ta. Và vì thế chúng ta cũng cảm nhận chúng ta là anh chị em của nhau.

Đó là những gì xuất phát từ cõi lòng của cha. Hãy thứ lỗi cho cha nếu như cha không có đủ lời để diễn tả. Xin hãy biết rằng Chúa Giêsu không bao giờ để các con phải quỵ ngã. Hãy biết rằng với sự dịu dàng của Mẹ sẽ không để các con phải quỵ ngã và hãy nắm lấy tà áo của Mẹ. Và với sức mạnh đến từ tình yêu của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta hãy đứng dậy và cùng bước đi như những anh chị em trong Chúa Kitô.

Pv. VRNs tại Philippines (dịch)

Tỉnh Kontum tiếp tục xâm phạm quyền tự do tôn giáo

Tỉnh Kontum tiếp tục xâm phạm quyền tự do tôn giáo

Chuacuuthe.com

n2

VRNs (17.01.2015)Sài gòn– Nhà cầm quyền xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kontum xâm phạm quyền tự do tôn giáo và hạn chế các hoạt động tôn giáo của người dân tại giáo xứ Đăk Jâk thuộc giáo phận Kotum.
Nhà cầm quyền nói rằng, giáo xứ Đăk Jâk không phải là cơ sở tôn giáo. Chính vì thế, họ không cho linh mục dâng lễ và cư trú tại đây, và không cho giáo dân xây dựng nhà thờ.
Lược lại quá trình lịch sử, giáo xứ Đăk Jâk hình thành từ những năm 1957 do vị Chủ chăn tiên khởi là cha Léo Dujon.
Sau đó, từ những năm 1975 cho đến 1988, giáo dân xứ Đăk Jâk bị bắt bớ rất gắt gao, giáo xứ không có linh mục, không có nhà thờ, bà con tự giữ Đạo, tự đọc kinh…
Vào khoảng 1984 – 1988, Hội Yao Phu Đăk Jâk được hình thành, nhằm mục đích cộng tác với các linh mục trong nhiệm vụ tông đồ truyền giáo, nhưng nhà cầm quyền lại bắt bớ và bỏ tù các Yao phu.
Về sau, vào tháng 11.2011, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh – Giám mục Giáo phận Kotum bổ nhiệm Cha Đaminh Trần Văn Vũ làm chính xứ Đăk Jâk. Cha Vũ là cha xứ đầu tiên ở cùng với dân cho dù không được nhà cầm quyền công nhận.
Tuy đời sống đạo của giáo dân gặp nhiều nguy nan và gian truân nhưng đời sống Đức tin của bà con không chùn bước mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Cho đến nay, giáo xứ đã có hơn 5000 giáo dân gồm người Kinh, Sêđăng, Hơlăng và Jeh.
Mặc dù giáo xứ được hình thành từ khá lâu và số giáo dân càng ngày càng gia tăng nhưng nhà cầm quyền nhất quyết không cho giáo xứ xây dựng nhà thờ, ngăn cản các hoạt động tôn giáo của các Chức sắc và Tín đồ.
Không cho linh mục thực hiện lễ nghi Tôn giáo trong phạm vi phụ trách và giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở Tôn giáo.
Nhân sự kiện này, chúng tôi thấy, nhà cầm quyền đang nhầm lẫn các hoạt động tôn giáo của các Chức sắc, Nhà tù hành với các hoạt động tôn giáo của Tín đồ. Trong khi đó, Pháp lệnh về Tín ngưỡng – Tôn giáo quy định hai hoạt động này hoàn toàn khác biệt nhau. Cũng vậy, hoạt động tôn giáo của các Chức sắc gồm việc “thực hiện lễ nghi Tôn giáo” và việc “giảng đạo, truyền đạo” cũng được quy định hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, ít nhiều cán bộ nhà nước hoặc ngay chính các vị Chức sắc, Nhà tu hành có lẽ chưa xem xét kỹ những nội dung của Pháp lệnh, dẫn đến việc tự mình làm khó hoặc lạm dụng để làm khó, xâm phạm quyền tự do Tôn giáo.
Trước hết, căn bản của Hiến pháp và pháp luật nhắm đến “tôn trọng, bảo đảm quyền tự do Tôn Giáo” được quy định tại Điều 24 Hiến pháp; tại Điều 1 Pháp lệnh về Tín ngưỡng- Tôn giáo; tại Điều 2 Nghị định 92/2012/NĐ-CP. Do vậy, Pháp lệnh về Tín ngưỡng- Tôn giáo quy định tại khoản 1 Điều 9: “Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo.”. Và khoản 1 Điều 11 cũng quy định “Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.”. Như vậy tín đồ không bị ràng buộc việc thực hiện các hoạt động Tôn giáo ở cơ sở Tôn giáo, nghĩa là việc thực hành các lễ nghi, cầu nguyện… là bất kỳ ở đâu. Còn các nhà chức sắc, nhà tu hành bị ràng buộc “thực hiện lễ nghi Tôn giáo” trong phạm vi phụ trách và “giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở Tôn giáo”. Ví dụ, Đức Giám Mục có quyền thực hiện lễ nghi Tôn giáo ở bất kỳ nơi nào trong giáo phận của Ngài phụ trách, còn việc ‘giảng đạo, truyền đạo” thì Ngài phải giảng dạy tại các cơ sơ Tôn giáo. Chính vì lẽ đó mà tại Quyết định số 1119/QĐ-BNV ngày 10/10/2013 của Bộ Nội vụ về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tín ngưỡng Tôn giáo (“Quyết định số 1119/QĐ-BNV”) chỉ có thủ tục “chấp thuận việc giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo”.
Xin nhấn mạnh, khoản 4 Điều 5 Luật đất đai 2013 qui định, cơ sở Tôn giáo “gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”. Cha Đa Minh Trần Văn Vũ được Đức Giám mục -trong phạm vi phụ trách Giáo phận- bổ nhiệm phụ trách khu vực Giáo xứ Đăk Jâk; và ngôi nhà tạm mà Giáo dân cât lên để thực hành các Lễ nghi Tôn giáo, sinh hoạt… phải được xem là “cơ sở khác của Tôn giáo”.
Do đó, nhà cầm quyền xã Đăk Môn ngăn cấm không cho cha Đa Minh Trần Văn Vũ “thực hiện lễ nghi Tôn giáo” trong phạm vi phụ trách và “giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở Tôn giáo” là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Luật pháp hiện hành.
Ngăn cản giáo dân xây dựng mới công trình Tôn giáo
Từ khi giáo xứ Đăk Jâk thành lập từ năm 1957 cho đến nay, giáo xứ chưa có nhà thờ nên giáo dân liên tục làm đơn xin phép Nhà nước nhưng nhà cầm quyền không cho. Do đó, vào tháng 4.2013, giáo dân quyết định dựng một “nhà thờ tạm” bằng cột tròn, lợp tôn, không thưng vách, thô sơ, với diện tích khoảng 1000 m2, để che nắng che mưa khi linh mục thực hiện lễ nghi Tôn giáo cho giáo dân, để họ tham dự một cách trang nghiêm hơn.
Chưa đầy một tháng sau đó tức vào tháng 5.2013, nhà cầm quyền quyết định tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm này, nhưng giáo dân kiên quyết phản đối và họ chỉ đồng tình cho tháo dỡ với điều kiện nhà cầm quyền phải cho họ xây dựng mới ngôi nhà thờ.
Được biết, Tòa Giám mục Kontum và Giáo xứ đã nhiều lần làm việc với nhà cầm quyền huyện Đăk Glei và tỉnh Kontum. Trong quá trình thương thảo, Tòa Giám mục đồng ý tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm khi Huyện Đăk Glei có văn thư quyết định cho giáo xứ xây dựng nhà thờ với diện tích 200 mét vuông trên đất của Giáo xứ. Cả 2 bên đều thống nhất giải pháp này vào ngày 22.08.2014. Thế nhưng, nhà cầm quyền nói mà không làm, khiến lòng dân mất niềm tin vào Nhà nước nên phản ứng của họ càng gay gắt hơn.
Không những vậy, việc ngăn cản của nhà cầm quyền không cho giáo dân xây dựng mới công trình Tôn giáo trên khu đất của giáo xứ là vi phạm pháp luật. Cụ thể:
Theo qui định tại khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh về Tín ngưỡng- Tôn giáo và khoản 4 Điều 34 Nghị định 92/2012/NĐ-CP thì việc xây dựng mới các công trình Tôn giáo là theo qui định của pháp luật về xây dựng.
Công trình Tôn giáo, theo Nghị định 92/2012/NĐ-CP là “… những công trình như: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tượng đài, bia, tháp và những công trình tương tự của các tổ chức tôn giáo”.
Như vậy – trong trường hợp xây dựng Nhà thờ là công trình Tôn giáo – phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bao gồm việc có đất xây dựng và có giấy phép xây dựng.
Về đất xây dựng công trình Tôn giáo thì Luật đất đai 2003 và Luật đất đai 2013 qui định rõ, “trường hợp đất do cơ sở Tôn giáo đang sử dụng” với “trường hợp được giao đất”.
Đối với trường hợp của Giáo xứ Đắk Jâk nếu đất có ngôi nhà thờ tạm được cất lên thuộc các trường hợp qui định tại khoản 4 Điều 51 Luật đất đai 2003, và khoản 4 Điều 102 Luật đất đai 2013 thì ‘cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây: thứ nhất, được Nhà nước cho phép hoạt động; thứ hai, không có tranh chấp; thứ ba, không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01 tháng 7 năm 2004” thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cần nhấn mạnh Luật đất đai mới 2013 đã bỏ cái điều kiện “có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất về nhu cầu sử dụng đất của cơ sở Tôn giáo”. Điều mà hiện nay, nhà cầm quyền Đăk Môn nói riêng và nhiều nơi khác nói chung thường nại ra để từ chối giao đất, cấp phép xây dựng Nhà Thờ là “người dân không có nhu cầu…”
Về giấy phép xây dựng công trình Tôn giáo, đáng chú ý là Nghị định 64/2012/NĐ-CP và Thông tư 10/2012/TT-BXD qui định, “đối với công trình Tôn giáo phải có văn bản chấp thuận của Ban Tôn giáo cấp có thẩm quyền”. Thế nhưng, tại Quyết định số 1119/2012/QĐ-BNV lại không có thủ tục “chấp thuận cho xây dựng công trình Tôn giáo.” Tuy nhiên, pháp luật về Tín ngưỡng Tôn giáo, về đất đai, về xây dựng, … không có qui định nào để hạn chế hay không cho phép công nhận quyền sử đất đang sử dụng cho cơ sở Tôn giáo hoặc cấp giấy phép xây dựng cho cơ sở Tôn giáo. Xét về pháp lý, Giáo xứ Đăk Jâk- có đất đang sử dụng cất Nhà Thờ tạm, có lượng Giáo dân đông đảo, có nhu cầu thực hành và trên thực tế đã và đang thực hành các hoạt động Tôn giáo… thì không có lý gì lại không được giải quyết xây mới Nhà Thờ.
Việc ngăn cản, buộc tháo dỡ ngôi nhà thờ tạm tại một Giáo xứ đã có từ năm 1957, với số lượng giáo dân hơn 5000 người như Giáo xứ Đắk Jấk, và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã và đang sử dụng, không cấp phép xây dựng công trình Tôn giáo cho Giáo xứ Đắk Jấk là xâm phạm quyền tự do Tôn giáo, hạn chế hoạt động Tôn giáo. Điều mà Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn Giáo khẳng định: “Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.”

Pv.VRNs

Xem thêm:

Giáo dân xứ Đăk Jâk thắp nến cầu nguyện (Dòng Chúa Cứu Thế)

n1

Ca sĩ Khánh Ly nói lời vĩnh biệt chồng

Ca sĩ Khánh Ly nói lời vĩnh biệt chồng
Nguoi-viet.com


Ðức Tuấn/Người Việt (ghi)

Lời Tòa Soạn: Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt người quả phụ, những câu chuyện kể về tình yêu, đời sống và nhiều lắm những kỷ niệm của 40 năm vợ chồng chung sống với nhau…

“Nếu không có các con chị, chắc chị sẽ không về căn nhà này đâu, mặc dù cũng chẳng biết sẽ phải đi đâu nữa…” Hay “Lúc nào có bạn bè, người thân đến đây, ngồi nhắc chuyện về anh, lúc đó còn thấy được an ủi và mừng vì thấy anh được nhiều người thương, chứ khi đêm về, một mình mới biết nổi cô đơn kinh hoàng lắm!”

Ca sĩ Khánh Ly không ngăn được xúc động khi nói chuyện chúng tôi, trong căn phòng khách trống trải, phía trên tường là bức ảnh chân dung của anh Nguyễn Hoàng Ðoan, và các ngọn nến lung linh, chiếu rọi lên đôi mắt anh nhìn xuống buồn bã.

Dưới đây là bài viết ngắn của ca sĩ Khánh Ly bày tỏ nỗi lòng hụt hẫng, trước sự ra đi vĩnh viễn của chồng chị, nhà báo Nguyễn Hoàng Ðoan:



Ca sĩ Khánh Ly và chồng, nhà báo Nguyễn Hoàng Ðoan. (Hình: Ca sĩ Khánh Ly cung cấp)

Dẫu vẫn biết “sanh lão bệnh tử,” thế nhưng đối với tất cả mọi người, cái chết luôn luôn là một bất ngờ, bởi làm sao có thể biết trước được một phút nữa, một giờ nữa, một ngày nữa… Mình sẽ chết, người thân của mình sẽ chết.

Nhưng là một người Công Giáo, bằng vào một niềm tin tuyệt đối, Thánh ý Chúa, khi Chúa đã gọi thì mình về. Tôi nghĩ nhà tôi đã luôn luôn dọn mình đón nhận ý Chúa. Xin vâng!

Từ năm 1976 đến nay, tôi hoàn toàn tin cậy và sống dựa vào anh, tôi chỉ biết hát, trông con, làm những công việc đàn bà trong gia đình – Chồng tôi không hề có ý kiến, tôi trực tiếp nhận “show,” hát ở đâu? bao nhiêu tiền? chồng tôi không biết.

Ai gọi anh đều nói, “Tôi không biết.” Hay “Ðợi bà ấy về.”

Nhưng tôi lại không biết giữ tiền, tôi giao hết cho chồng. Anh phải lo từ cái “bill” rác, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, anh toàn quyền quyết định từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, tôi luôn tôn trọng anh cũng như những quyết định của anh, dẫu có mất mát thiệt thòi, tôi chưa hề có một lời trách anh, hay to tiếng giận hờn, bởi vì: “Thôi kệ, đừng nghĩ ngợi làm gì, coi như mình gặp xui đi anh.”

Chúng tôi chia sẻ những ngày vui, những niềm vui, an ủi nhau lúc thiếu thốn, khó khăn. Cứ như thế, chúng tôi dựa vào nhau mà sống, qua bao nhiêu gian nan, cay đắng – Chính những lúc như thế, chúng tôi lại gắn bó hơn.

Cái quan trọng hơn tiền bạc là cả hai chúng tôi không có điều gì che đậy, giấu giếm đời sống riêng tư ngày xưa, tôi tôn trọng những người mà anh đã tôn trọng và ngược lại.

Chồng tôi chỉ chuyên tâm lo mọi chuyện để tôi chỉ biết hát mà thôi. Anh nghe và nhìn tôi như một khán thính giả chứ không phải là chồng của một ca sĩ, lúc nào cũng coi vợ là nhất.

Giữ gìn sức khỏe, sự quan tâm của chồng tôi là một áp lực nặng nề, đôi khi làm tôi muốn điên, mà vẫn phải cắn răng chịu đựng, chỉ vì tôi biết dù đôi khi hơi quá, nhưng mà đúng.

Và tôi hãnh diện vì sự quan tâm không cường điệu của chồng khi anh dán lên tủ lạnh mảnh giấy anh viết: “mập quá, xấu quá,” ai đến nhà thấy cũng cười.

Khi tôi cằn nhằn tại sao mọi người ai cũng được ăn, mà tôi, cái người đứng hát cả 30 bài lại không có gì ăn? Bầu “show” nói nhỏ… “Tại anh dặn thế, sợ chị mập, mặc áo dài không đẹp…”

Quang Thành lén đưa đồ ăn cho tôi, cười… Ðây là bi kịch của người lương thiện. Thật ra anh chỉ muốn tôi ăn những gì tốt cho sức khỏe, trong khi… Gà không có… da, tôi không chịu, chỉ thích những đồ độc thôi.

Bây giờ vắng anh – Chẳng có ai, chẳng có gì có thể bù đắp được, nhưng tôi không tuyệt vọng – Tôi không được quyền đó vì suốt 5 năm qua, chúng tôi (Ðoan-Thành-Mai), như những lời hứa không khế ước, chúng tôi đến với nhau, đi cùng nhau, làm bạn đường một cách hồn nhiên.

Anh luôn tâm nguyện dâng trọn những gì tốt đẹp nhất cho Ðức Mẹ và xin vâng tất cả những gì Mẹ đã trọn cho chúng tôi, những ngày tháng còn lại, chúng tôi sẽ đi tiếp đoạn đường, đến với những con người bất hạnh, khổ đau.

Bởi chính những người sống khốn cùng đáng thương đó sẽ cho chúng tôi hạnh phúc, sẽ làm cho lòng chúng tôi ấm lại.

Đứa con của biển Đông.

Đứa con của biển Đông.

Đây là câu chuyện có thật được cha Nguyễn Tầm Thường, Dòng Tên, thuật lại nhân kỷ niệm 5 năm ngày Mẹ Têrêsa Calcutta qua đời năm 2002.

Giao Chỉ, San Jose đặt lại tựa đề và chuyển tiếp từ internet. Bài này phổ biến cách đây hơn 10 năm. Lịch sử Thuyền Nhân Việt Nam trên biển Đông suốt 20 năm từ 1975 đến 1995 với 1 triệu người đến bến tự do và một phần tư là thảm kịch. Sóng gió tầu chìm chết ngay lại là những cái chết hạnh phúc. Năm mười lần hải tặc là bi kịch hãi hùng. Bị bắt giữ trên hoang đảo là những ngày dài thảm khốc. Đau thương hơn cả là những em bé gái bất hạnh bị bắt có thể vẫn còn sống trong các nhà chứa bên Thái Lan. Nhưng câu chuyện này là một phép lạ viết về đứa con của biển Đông 3 tuổi. Câu chuyện liên quan đến 3 bà mẹ. Bà mẹ Việt Nam, bà mẹ Tàu và đức mẹ Teresa. Cha của đứa bé là ông Việt Nam ngồi lặng thinh tráng bánh trong trại chuyển tiếp trên đất Phi, ba tháng góp được 20 Mỹ kim gửi cho vợ con bên trại Hồng Kông. Giấc mơ vô vọng của ông là tìm lại đứa con trai 3 tuổi bị bắt đi đang lưu lạc trong số hàng tỷ dân Tàu. Chúng ta có 40 năm trôi nổi trên thế giới và hiện đã an cư lạc nghiệp. Xin ngồi xuống đây nghe cha Tầm Thường kể chuyện về đứa con của biển Đông. Xin linh mục tác giả vui lòng liên lạc với chúng tôi, Viện bảo tàng Thuyền Nhân tại San Jose. Ai biết gia đình này hiện ở đâu, xin cho chúng tôi biết.  ([email protected]) Sau đây là nguyên văn câu chuyện.

(Linh mục Nguyễn Tầm Thường) Năm 2000, tôi tới giúp tĩnh tâm cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Oakland, miền bắc California. Hôm ấy, cuối nhà thờ có người gọi. Quay lại nhìn, ngờ ngợ, ai ngờ đâu gặp lại người đàn ông tôi đang muốn tìm từ lâu…

Sáu năm làm việc tại trại tỵ nạn Palawan, Philippines 1989 – 1995, tôi gặp ông ta ở đấy. Một người đàn ông im lặng, ít nói. Ông lúc nào cũng như có chuyện khổ tâm. Ngày ngày ngồi tráng bánh ở một góc đường trong trại tỵ nạn. Ngâm gạo đêm trước, dậy tráng bánh từ hai giờ sáng bên đường. Mỗi ngày vài chục pesos. Ngày ấy,1 US dollar được 25 pesos tiềnPhilippines.

Hoàn cảnh tỵ nạn bấy giờ nhiều người túng cực. Ông này lại phải đùm bọc hai người gốc Chàm không người quen với bốn em bé không thân nhân. Mấy người sống chung với nhau trong căn nhà tỵ nạn. Kẻ xách nước, người kiếm củi, phần ông lo tráng bánh. Khoảng ba tháng ông góp được hai chục đô la, lại nhờ cha Crawford gởi qua trại tỵ nạn Hongkong cho vợ. Cha già Crawford người Mỹ trước ở Việt Nam, sau qua trại tỵ nạn giúp đồng bào,. Phần ông Việt Nam rời cửa biển Cam Ranh ngày 2/9/1988 vào đất Philippines. Một năm sau, tháng 9 năm 1989 ghe của vợ ông rời Vạn Ninh, Nha Trang được hai ngày bị bể máy. Ghe lênh đênh trên biển đông, rồi lâm nạn. Vợ ông đem theo ba con nhỏ. Hết lương thực, nhờ mưa gió có nước uống mới sống sót.

Sau nhiều ngày bão táp, một chủ ghe đánh cá người Tầu ở đảo Hải Nam bắt gặp chiếc ghe lâm nạn này. Ông ta chỉ đồng ý tiếp tế gạo, cho nước và kéo ghe ra khỏi vùng lâm nạn san hô với điều kiện cho ông ta bé cháu trai trên ghe. Cháu bé chính là con của người đàn ông này. Kể từ ngày rời bờ biển Vạn Ninh đến khi gặp chiếc ghe người Tầu rồi cập được vào đất liền là 25 ngày. Nước Tầu hạn chế sinh sản. Ông chủ ghe người Tầu mong một cháu trai mà không được. Cuộc mặc cả là xé ruột gan người mẹ. Trước biên giới sống và chết, họ phải chọn đường sống. Vấn đề ở đây là sự sống của toàn thể 44 người trên chiếc ghe. Nếu không hy sinh đứa bé, toàn ghe có thể chết.

Chiếc ghe đánh cá người Tầu mang theo cháu bé rồ máy chạy vội vã biến mất hút về phía Trung Quốc. Rồi tin ấy đưa đến cho người đàn ông này ở Palawan. Mỗi ngày ông cứ lặng lẽ tráng bánh, kiếm ăn gởi qua cho vợ ở trại tỵ nạn Hongkong. Ðau thương vì mất con. Con tôi trôi giạt nơi đâu ?

Vợ chồng mỗi người một ngả. Ðứa con mất tích sẽ ra sao? Dáng ông buồn lắm. Cháu bé lúc đó mới hơn ba tuổi. Cha Crawford kể cho tôi câu chuyện này. Không biết người đàn ông đã nhờ cha M ỹ gởi tiền cho vợ như thế bao lâu rồi. Theo ông kể lại, vì không là người Công Giáo, ông đâu có tới nhà thờ. Một hôm có mấy người vào tìm cha xin tiền mua tem gởi thư. Ông cũng đi theo. Rồi một linh cảm nào đó xui khiến ông gặp cha. Ông kể cho cha già Mỹ nghe chuyện mất con. Phần tôi, tác giả bài này kể tiếp….Một trong những ý định qua trại tỵ nạn làm việc là thu lượm những mẩu đời thương đau của người tỵ nạn. Tôi tìm gặp ông ta để hỏi chuyện.

Câu chuyện bắt đầu về chuyến đi sau của vợ con.

Sau khi chiếc ghe được kéo vào đảo Trung Quốc, một nửa số người quá sợ hãi, đi đường bộ trở về Việt Nam. Số còn lại kết hợp với ít người đã trôi dạt vào đảo trước đó, sửa ghe tìm đường qua Hongkong. Người đàn ông tưởng chừng vợ đã chết trên biển nhưng hơn ba tháng sau nhận được mấy lời nhắn tin viết vội bằng bút chì từ trại tỵ nạn Hongkong. Ông đưa miếng giấy nhàu với nét bút chì mờ cho tôi. Sau khi ông rời trại tỵ nạn, mất liên lạc, tôi chỉ còn giữ tấm giấy như một kỷ niệm quý hơn chục năm nay.

Ðó là lá thư thứ nhất ông nhận được. Tiếp theo là câu chuyện mất đứa con trai. Những lần giảng trong Thánh Lễ về tình nghĩa vợ chồng, tôi lại nghĩ đến ông.. Một người đàn ông cặm cụi tráng bánh để rồi ba tháng trời dành được 20 đô la gởi tiếp tế cho vợ. Không nghe ông oán trách sao vợ lại bỏ con của ông. Ông tâm sự với tôi là ông dự tính một ngày nào đó được đi định cư, dành dụm tiền rồi đi Trung Quốc dò hỏi tin con. Nghe ông nói vậy, tôi thấy ngao ngán. Bao giờ ông mới được định cư ? Rồi định cư xong, biết bao giờ ông mới thực hiện được mơ ước ? Tình trạng tỵ nạn lúc này quá bi đát. Mười người vào phỏng vấn may ra đậu được ba. Ðất Trung Quốc rộng mênh mông như thế biết đâu tìm ? Bao nhiêu khó khăn tuyệt vọng hiện ra trước mặt. Tôi thấy ý nghĩ mơ ước đi tìm con của ông như cây kim lặng lờ chìm xuống lòng đại dương.

– Tại sao không nhờ Cao Ủy Tỵ Nạn, nhờ Hội Chữ Thập Ðỏ Hongkong ?

Người đàn ông này sợ lên tiếng như thế gia đình Tầu kia biết tin sẽ trốn mất. Chi bằng cứ âm thầm tìm kiếm. Tôi thấy dự tính của ông khó khăn quá. Những năm làm việc bên cha Mỹ già, tôi biết một đặc tính của ngài là thương kẻ nghèo. Ngài thương họ vô cùng, ngài sẽ làm bất cứ gì có thể. Tôi đề nghị cha già cứ viết thư khắp nơi, kêu cầu bốn phương…

Những lá thư được viết đi. Ngài cầu cứu Cao Ủy Tỵ Nạn, Hội Hồng Thập Tự, cơ quan từ thiện dịch vụ tỵ nạn Công Giáo, từ Manila đến Bangkok, Thailand.

Ðợi chờ mãi mà năm tháng cứ bặt tin. Tôi vẫn thấy người đàn ông dáng điệu buồn bã ngồi bên đường tráng bánh. Trời nhiệt đới nắng và nóng, mỗi khi xe chạy qua, bụi đường bay mờ người. Hàng ngày lên Nhà Thờ, tôi lại hình dung bóng hình ông. Chỗ ông ngồi không xa tháp chuông Nhà Thờ bạc vôi sơn và vẳng nghe có tiếng chuông mỗi chiều.

Mỗi chiều dâng lễ, tôi lại nhìn thấy cây Thánh Giá trên nóc Nhà Thờ đã nghiêng vì gỗ bị mục. Cây thánh giá trải qua nhiều mùa mưa nắng quá rồi. Bức hình Mẹ Maria bế Chúa Hài Nhi trên tấm ván ép dưới cây Thánh Giá cũng bạc nước sơn. Những người tỵ nạn đã bỏ đi từ một vùng đất rất xa. Quê hương của họ bên kia bờ biển mặn. Nhiều người cứ chiều chiều ra biển ngồi. Ðêm về sóng vỗ ì ầm. Biết bao người đã không tới bến.. Họ đến đây tìm an ủi trong câu kinh.

Giữa tháng ngày cằn cỗi ấy, rồi một chiều bất ngờ tin vui đến.. Hội Hồng Thập Tự Hongkong báo tin về Manila. Manila điện xuống báo cho cha Crawford biết người ta đã tìm được cháu bé. Lúc bắt cháu bé, người Tầu trên ghe đánh cá kia đã lanh trí che tất cả số ghe. Không ngờ trời xui khiến, trong lúc thương lượng bắt cháu, trên chuyến ghe tỵ nạn Việt Nam có kẻ lại ghi được mấy chữ Tầu ở đầu ghe bên kia vào một chiếc áo. Không ngờ chiếc áo này lại là chính chiếc áo của cháu bé bỏ lại. Quả thật là chiếc áo định mệnh. Nguồn gốc nhờ mấy số đó mà sau này người ta mới phanh phui ra được gốc tích chiếc ghe. Ðó là một thuyền đánh cá ở đảo Hải Nam. Tìm được cháu rồi, bây giờ lại đến phần gia đình người Tầu đau khổ. Cháu không còn nói được tiếng Việt, vì hơn một năm liền sinh hoạt trong gia đình Tàu Hải Nam. Hồi bị bắt cháu còn bé quá, mới hơn ba tuổi. Bà mẹ người Tầu cũng khóc, biết mình sẽ mất đứa con mà họ đã nuôi. Họ nhất định không trả. Cao Ủy phải can thiệp nhiều lắm. Gia đình ở đảo Hải Nam kia dựa lý do là cháu đang được nuôi nấng tử tế, còn ở trại tỵ nạn cháu thiếu thốn đủ thứ, họ không chịu mất con. Nhưng Cao Ủy bắt phải trả cháu về cho bố mẹ ruột.

Ðể thỏa mãn điều kiện, Sở Di Trú Mỹ liền cho bà mẹ bị bắt con quyền định cư tại Mỹ, dù đã đến trại sau ngày thanh lọc. Trong lúc đó người đàn ông này đã bị Mỹ từ chối tại Philippines. Ông buồn lắm. Cha Crawford bảo tôi rằng vợ người đàn ông đã được vào Mỹ, nên cơ quan Cao Ủy Tỵ Nạn tại Philippines yêu cầu cho ông cũng được vào Mỹ theo. Vì nhân đạo, sở di trú Hoa Kỳ đồng ý. Tin vui đến như vậy mà ông cứ đứng như trời trồng, không tin chuyện có thể xảy ra như thế. Ngày trao trả cháu bé, báo chí Hongkong đăng hình cháu khóc thảm thiết. Cháu đẩy mẹ ruột ra, đòi về với mẹ nuôi. Người mẹ nuôi khóc vì thương nhớ cháu. Mẹ ruột cũng khóc vì thấy lại con mà con không nhận mình. Tất cả ai cũng khóc. Cao Ủy Tỵ Nạn bồi thường lại phí tổn nuôi nấng cháu bé cho gia đình người Tầu kia. Chuyến bay rời Hongkong mang theo bao tình cảm của con người với con người.

Thời điểm bấy giờ không biết bao chuyện thương tâm xảy ra. Hàng trăm ngàn người chết trên biển, ăn thịt nhau vì đói. Hải tặc Thái Lan tung hoành bắt người nhốt ngoài đảo, hãm hiếp, chặt răng vàng, giết hết để bịt miệng. Ðối với thế giới chuyện cháu bị bắt cóc chỉ là chuyện nhỏ. Vậy vì đâu họ ra sức đi tìm ?

Ðây là lý do:

Câu chuyện thương tâm của người mẹ mất con đến tai Mẹ Têrêsa Calcutta. Ấn Ðộ là thuộc địa cũ của người Anh. Mẹ Têrêsa viết cho chính phủ Anh xin can thiệp chuyện này. Từ London, chính phủ Anh xin Bộ Ngoại giao Bắc Kinh điều tra tìm chiếc ghe mang số như thế..

Bên ngôi mộ Mẹ Têrêsa ở Calcutta, ngày 14.5.2001 tôi kể chuyện này cho Sơ Bề Trên. Sơ yêu cầu tôi viết lại cho sơ làm tài liệu. Trong những ngày này, nhân viên Tòa Thánh đang ở Calcutta điều tra để xúc tiến hồ sơ phong thánh cho Mẹ Têrêsa.

Một Linh Mục ngồi nghe chuyện tôi kể, ngài nói:

– Tâm hồn Mẹ Têrêsa rất bao dung. Mẹ thương người nghèo. Mẹ là người của biên giới giữa sống và chết.

Nghe câu nói đó của cha. Tôi hiểu ý là Mẹ luôn đứng bên lề sự sống kéo kẻ chết về phía mình. ….

Nghe tiếng người đàn ông gọi. Quay lại nhìn, không ngờ chính người đàn ông mất con, ngồi tráng bánh ở trại Palawan ngày xưa, tôi mừng lắm. Sau lễ chiều, tôi tới nhà ông dùng cơm. Ông rời trại tỵ nạn Palawan tháng 6, lên Bataan rồi vào Mỹ tháng 12 năm 1990. Không ngờ mười năm sau tôi gặp lại.

Cháu bé bây giờ lớn rồi. Chuyện đã hơn cả chục năm qua. Cháu chẳng nhớ gì. Riêng cha mẹ thì nhớ lắm, nhất là những gì đau thương vì con cái thì trong trái tim cha mẹ không bao giờ quên. Còn tôi, đấy là một kỷ niệm đẹp trong những ngày làm việc bên trại tỵ nạn.

Không ngờ có ngày tôi gặp lại người đàn ông này. Không ngờ có ngày tôi ngồi bên mộ Mẹ Têrêsa trên đất Ấn. Một vùng đất rất xa với chỗ ngồi tráng bánh của người đàn ông mất con. Không ngờ tôi lại là kẻ chứng kiến những chuyện này, để rồi nối kết khung trời này với khung trời kia.

Không ngờ vào ngày Lễ Phục Sinh năm 1999 ông đã nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, nếu ông không đi lễ ở Nhà Thờ Oakland hôm đó, làm sao tôi gặp lại.

Tại vùng đất Vạn Ninh, chỉ có một ngôi Nhà Thờ nhỏ miền quê độc nhất.

Ðêm Noel năm 1985 sau khi đến Nhà Thờ về, em bé chào đời đúng ngày 25 tháng 12 năm 1985. Người đàn ông kể cho tôi ngày sinh nhật của em thật đặc biệt. Còn tôi, tôi thấy ngày em mới hơn ba tuổi phải hy sinh để cứu chuyến ghe là hình ảnh thế mạng sống chuộc thay cho người khác. Trong câu chuyện này cả ba người đàn bà đều có những tấm lòng rất đỗi đáng yêu. Người mẹ sinh cháu bé, bao yêu thương và xót xa. Mẹ Têrêsa với tấm lòng hiểu nỗi thương đau của những người mẹ. Bà mẹ nuôi người Tầu đã săn sóc em khi ông chồng đánh cá đem cháu về. Tất cả là tấm lòng bao dung của những bà mẹ.

Khi tôi viết dòng này, cha già Crawford đã chết rồi. Mẹ Têrêsa cũng chết rồi.

Ngày mai, giữa biên giới của sự sống và chết , còn những chuyện không ngờ nào sẽ xảy đến nhỉ ?

Tiểu Tử, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài

Tiểu Tử, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài

Từ Thức (Paris)

(VNTB) – André Gide nói ‘’ C’est avec des beaux sentiments qu’on fait de mauvaise littérature ‘’  ( Với những tình cảm tốt, người ta làm văn chương dở ).

Tiểu Tử là một nhà văn đã chứng minh ngược lại, có thể viết hay với những tình cảm tốt. Trong tác phẩm của ông, hầu như chỉ có những tình cảm tốt , chỉ có tình người. Một nhân vật nói về một nhân vật khác trong truyện ngắn ‘’Made in Vietnam’’ : người chi mà tình nghĩa quá héng ? ‘’ . Độc giả nghĩ tới câu đó mỗi lần lại gần những nhân vật của Tiểu Tử. Người chi mà tình nghĩa quá héng. Độc giả chai đá tới đâu , đọc Tiểu Tử cũng không cầm được nước mắt. Người ta khóc, nhưng sau đó thấy ấm lòng, vì thấy trong một xã hội đảo lộn, vẫn còn đầy tình người, vẫn còn đầy thương yêu, vẫn còn nghĩa đồng bào vẫn còn những người tử tế . Và thấy đời còn đáng sống. Một nhà văn Pháp nói văn chương, trước hết là xúc động. Trong truyện ngắn của Tiểu Tử, sự xúc động hầu như thường trực.

Miệt Vườn

Tiểu Tử là một nhà văn miền Nam điển hình, con đường nối dài của những Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam. Văn của ông là lối kể chuyện của người miền Nam, bình dị nhưng duyên dáng, duyên dáng bởi vì bình dị, tự nhiên. Tiểu Tử không ‘’ làm văn ‘’ . Ông kể chuyện ; không có chữ thật kêu, không có những câu chải chuốt. Với cách viết, với ngôn ngữ chỉ có những tác giả miền Nam mới viết được. Không hề có cường điệu, không hề có làm dáng. Người đọc đôi khi có cảm tưởng tác giả không mấy ưu tư về kỹ thuật viết lách, ông viết với tấm lòng.

Ngay cả tên những nhân vật cũng đặc miền Nam, không có Lan, Cúc, Hồ Điệp , Giáng Hương như trong tiểu thuyết miền Bắc, không có Nga My, Diễm My , Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Huê, con Nhàn, con Lúa, thằng Rớt, thầy Năm Chén, thằng Lượm , bà Năm Chiên, bà Năm Cháo lòng. Các địa danh cũng đặc Nam kỳ, không có Cổ Ngư, Vỹ Dạ, Thăng Long, chỉ có những Nhơn Hoà, Cồn Cỏ, Bò Keo, Bình Quới, những tên, những địa chỉ rất ‘’miệt vườn ‘’, chỉ đọc cũng đã thấy dễ thương , lạ tai , ngồ ngộ. Âm thanh như một câu vọng cổ.

Tiểu Tử , 88 tuổi, kỹ sư dầu khí, tác giả nhiều tập truyện ngắn ( Những Mảnh Vụn, Bài ca Vọng Cổ, Chuyện Thuở Giao Thời ) học ở Marseilles, hiện sống ở ngoại ô Paris,  nhưng văn của ông không lai Tây một chút nào. Rất Việt nam, đúng ra rất Nam Việt, với lối viết như người ta kể chuyện bên ly la de, bên tô hủ tíu, với những chữ nghen, chữ héng, chữ nghe..’’ Cần gì cứ nói nghe cô Hai, đừng ngại. Mình với nhau mà ..’’. Dưới ngòi bút của một tác giả người Bắc, người Trung, gọi người đàn bà là con Huê, con Nhàn có vẻ hỗn, ở Tiểu Tử, nó chỉ có sự thân ái.

Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Tiểu Tử đã chứng tỏ ngôn ngữ địa phương, cách diễn tả địa phương làm giầu cho văn hoá dân tộc. Cố gắng bắt chước lối diễn tả Hà Nội là một lầm lỗi, nó chỉ làm cái vốn văn hoá của ta nghèo đi . ( Sự thực Hà Nội ngày nay không còn gì là nơi văn vật, cái gì cũng ‘’ đéo ‘’. Còn báo Nhân Dân không ? Đéo còn, chỉ còn Người Hà Lội )

Những giọt nước mắt

Văn chương là hư cấu, nhưng đọc Tiểu tử, người ta thấy cái chân thực, có cảm tưởng không có chi tiết nào là kết quả của tưởng tượng. Tất cả đều la những chuyện tác giả đã sống, hay đã nghe kể lại . Vả lại, ở Việt Nam, thực tế vượt xa tưởng tượng. Cái đau đớn, cái thảm kịch mỗi người Việt Nam đã, đang sống, không có người viết văn nào, giầu óc tưởng tượng tới đâu, có thể bịa ra. Trong ‘’ Thầy Năm Chén ‘’, ông thầy thuốc, suốt đời làm việc nghiã, bị cách mạnh hành hạ, chuẩn bị cho con vượt biên. Khi giã từ con, ông đưa cho con , thằng Kiệt, ‘’ một cái gói mầu đỏ đã phai màu, cột làm nhiều gút, nói : cho con cái ni (ông là người gốc Huế ). Con giữ trong người để hộ thân.’’ Kiệt đến Cannada an toàn, một ngày dở cái gói của cha cho ngày vượt biển. Trong đó có ba cái răng vàng. Thầy Năm Chén , nghèo đói quá, đã cạy ba cái răng vàng cho con làm của hộ thân  đi tìm đường sống ở xứ người. Độc giả hiểu tại sao từ ngày con đi, ông Năm Chén chỉ ăn cháo.

‘’ Chiếc khăn mùi xoa ‘’ có thể coi là  điển hình cho truyện ngắn Tiểu Tử , trong đó có sự xúc động cao độ, đẫm nước mắt, với những nhân vật nhân hậu, giầu tình nghĩa, những chi tiết éo le như một cuốn phim tình lãng mạn, nhưng đơn giản, chân thực.

Một người Việt tị nạn ở Pháp về thăm nhà, gặp những người bạn học cũ , trong đó có nhân vật chính, ‘’ con Huê ‘’, sự thực là một người đàn bà đã đứng tuổi. Ông ta kể lại : ‘’ Con Huê tiễn tao ra cổng, đứng ngập ngừng một lát rồi bỗng nói một mạch, là lạ, như tụi mình trả bài thuộc lòng thuở nhỏ : Anh qua bên Tây , gặp anh Cương nói em gởi lời thăm ảnh . Nó nói rồi bỏ chạy vội vào trong, tao thấy nó đưa tay quệt nước mắt mấy lần. Tao đứng chết trân, nhớ lại lời con Nhàn, em con Huê nói với tao : Anh biết không, chị Huê thương anh Cương từ hồi còn nhỏ lận .  Người con gái ở quê mình nó thật thà, trung hậu đến mức độ mà khi trót thương ai thì thương cho đến chết. Họ coi đó là tự nhiên , phải có nước lớn nước ròng‘’.

Tiểu Tử viết chuyện tình âm thầm của người đàn bà từ ngày còn đi học, tới ngày nay đã bạc đầu, với người bạn trai ngày xưa tên là Cương, nhưng sóng gíó 75 đã khiến người đàn ông bỏ nước đi lánh nạn. Người con gái của ông Cương, đang sống ở Bruxelles, đọc truyện, cho tác giả hay bố mẹ đều đã qua đời. Trước khi chết, Cương dặn con gái : ‘’ Con ráng tìm cách về Nhơn Hoà, Cầu Cỏ, trao cái này cho cô Hai Huê, nói ba không quên ai hết ‘’. ‘’Cái này ‘’ là một bao thư, trong đó có chiếc khăn mùi xoa cô Huê đã tặng Cương thời trẻ. Người con gái thấy thương bố , thương cô Hai Huê không cùng. Cô gái đi Việt Nam, một xứ xa lạ, tìm về Nhơn Hoà , Cầu cỏ , tìm người bà tên Huê để trao lại kỷ vật của người đã qua đời. Cô Hai Huê xỉu đi khi nghe tin người bạn xưa đã chết. Hai người đàn bà, một già, một trẻ ôm nhau khóc.Nếu bạn là người tưởng mình có tâm hồn sỏi đá vì đã sống, đã chứng kiến đủ mọi thảm kịch của đời sống, nhất là đời sống của một người Việt Nam, bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình đang lau nước mắt.

Không Điên Cũng Khùng

Thế giới truyện ngắn của Tiểu Tử xoay quanh hai đề tài chính : những kỷ niệm về một Miền Nam hiền hoà, chất phác, nhân hậu ngày xưa, với những trò vui đưà nghịch ngợm của đám bạn bè trẻ , những mói tình mộc mạc của những người dân quê và, sau đó,  những đảo lộn sau 75, khi tai họa trên trời giáng xuống. ‘’ Tất cả đều bị xáo trộn, bị nghịch lý đến nỗi tao sống trong đó mà lắm khi phải tự hỏi : làm sao có thể như vậy được ‘’. Một xã hội vô tư , kể cả vùng quê, trở thành địa ngục. Chỉ còn hận thù, phản trắc , gian sảo, cướp đoạt, dối trá.

Những nhân vật của Tiểu Tử không còn cười đùa, vui chơi, dễ dãi nữa. Đó là những nhân vật đầy ưu phiền như ông Tư , như bà Hai , như thầy Năm Chén, như anh Bẩy, như bà Năm cháo lòng. Một xã hội đổ nát, rách bươm. ‘’Những người ‘’cách mạng’’ xông vào nhà, ngang nhiên hùng hổ, như một bọn cướp. Họ ‘’bươi ‘’ từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ sau ra trước…giống như gà bươi đống rác. Gặp gì kiểm tra nấy. Vậy rồi…hốt hết. ‘’

Sau 75 , người ta truyền nhau một câu ca dao mới : Thằng khôn thì đã vượt biên. Những thằng ở lại không điên cũng khùng. Các nhân vật của Tiểu Tử, vốn là những người miền Nam hiền lành, dễ tin, yêu đời, nhiều người đã hết lòng với ‘’kháng chiến ‘’, sau ‘’ cách mạng’’, đều bị đàn áp, gia sản bị cướp đoạt trắng trợn trong những chiến dịch ‘’ đáng tư sản mại bản ‘’ trở thành không điên cũng khùng

***

Ông Tư ( trong IM LẶNG ) là người có gia sản ở Sàigòn, đã bí mật đóng góp tài chánh cho ‘’Giải Phóng’’. Khi Cộng Sản vào miền Nam, không những không được trả ơn, mà bị hành hạ, gia sản bị cướp sạch. ‘’ Bỗng nhiên ông Tư nhận thức rằng tất cả những gì thuộc về ông bây giờ chỉ còn lại người vợ cuả ông đang chờ đợi ông ở nhà ‘’. Nhưng bà vợ tiếc cuả, uất hận vì bị cách mạng lừa gạt, suốt ngày đay nghiến trách móc chồng. Rốt cuộc hai vợ chồng tìm được cách chạy sang Pháp, nơi con trai ông đã được bố mẹ gởi đi du học, đã thành đạt, có nhà cưả sang trọng. Ông con hỏi bố ở chơi bao nhiêu ngày. Ông Tư nói ở lại luôn. Ông con nói, giọng đặc ‘’Việt kiều yêu nước’’ : ‘’ Ủa, sao lại ở luôn. Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào ngồi trên cổ mình hết ; vậy mà ba má bỏ qua đây luôn. Thiệt là vô lý ‘’. Ông Tư trở thành một người câm , không nói gì với ai nưã. Cho đến một hôm lầm lũi lội chết dưới  biển.

Bà Hai ( trong Thằng Đi Mất Biệt ), con cái chết, gia tình tan nát, suốt ngày ngồi chờ đứa con trai còn lại bị đưa đi cải tạo. ‘’ Khi trời nắng ráo, bà đi tuốt ra ngoài vàm rạch, lên ngồi trên môi đất có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Như vậy, ‘ khi nào thằng nhỏ nó về, mình thấy nó từ đằng xa, nó có đi đò, trong đám đông, mình cũng nhìn ra đươc nó liền hà ‘’.

Thầy Năm Chén ( trong truyện cùng tên ) phòng mạch bị chiếm, con trai phải bỏ đi kiếm ăn . ‘’Chia tay nhau mà hai cha con không dám ôm nhau. Sợ người ta để ý. Thầy không đưa con ra cổng nghĩa trang. Sợ người ta để ý, Thầy không dám để rơi một giọt nước mắt. Sợ người ta để ý, Thầy chỉ thở dài. Thời buổi bây giờ chỉ thở dài là không ai để ý. Bởi vì ai cũng thở dài hết ‘’.

Ông già bới rác ( truyện cùng tên ) là một ông già có công với ‘’cách mạng’’, bi cách mạng cướp hết không còn manh giáp, trở thành khùng, suốt ngày lang thang ngoài đường bới rác, ‘’ tao bới rác để kiếm mấy thằng Việt Cộng tao đã nuôi trong nhà ‘’

Trong Những Mảnh Vụn , người yêu ‘’ đi chui  bán chánh thức ‘’, nghĩa là đi vượt biển do cán bộ tổ chức, biệt tăm, chắc mất xác vì tầu quá cũ bị chìm , anh Bẩy suốt ngày, như một người mất hồn, đi qua lại tất cả những nơi ngày xưa hai người vẫn hẹn hò. ‘’ Bẩy không biết mình đang đi lượm những những mảnh vụn của cuộc tình. Nếu không có cái ‘’ngày cách mạng thành công ‘’ đã thật sự thành công trong nhiệm vụ đập nát tất cả những gì của miền Nam, kể cả những gì nhỏ bé nhứt, tầm thường nhứt như tình yêu của chàng trai và cô gái đó ‘’.

Đọc Tiểu Tử, người ta không thể không xúc động. Nhưng văn Tiểu Tử cũng đầy nét khôi hài, những nhận xét ngộ nghĩnh . Phòng mạch của Thầy Năm Chén ‘’bịnh nhơn cũng vắng. Làm như người ta sợ quá rồi… quên bịnh. Trái lại, bên phía chùa thì lại đông người lui tới và ngày nào cũng có người. Làm như người ta chỉ còn biết …dựa vào Phật. ‘’. Qua vài nét chấm phá, ông ghi lại những cảnh trái tai gai mắt, những cảnh lố bịch của những người thắng trận. Những cảnh không biết nên cười hay nên khóc diễn ra trước mắt, mỗi ngày, chỉ cần ghi lại, không thêm thắt, bình luận. André Gide : Plus un humouriste est intelligent, moins il a besoin de déformer la réalité pour le rendre significative ( Một nhà khôi hài càng thông minh, càng không cần bóp méo sự thực để làm cho nó có ý nghĩa ). Tiểu Tử không cần bóp méo sự thực, chỉ việc cúi xuống lượm, ghi lại những cái lố lăng, đảo lộn luân thường diễn ra mỗi ngày, trước mắt.

Truyện ngắn Tiểu Tử, với lối hành văn dễ dãi, linh động là một cuốn tự điển sống của ngôn ngữ miền Nam thời chưa loạn. Đó là kho tàng quý, trong khi ở hải ngoại, chữ Việt càng ngày càng lai Tây, lai Mỹ ; trong nước càng ngày càng lai Tầu, với những chữ, những lối nói ngớ ngẩn, đôi khi kỳ quái , khiến tiếng Việt không còn là tiếng Việt, báo hiệu một ngày người Việt không còn là người Việt . Truyện ngắn Tiểu Tử là những giọt nước mắt, những tiếng thở dài, nụ cười trong những ngày bình an và ngay cả trong cơn đớn đau cùng cực. Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm , một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.

Người Việt ở Paris và ‘Tinh thần Charlie’

Người Việt ở Paris và ‘Tinh thần Charlie’

Người dân đặt hoa phía trước văn phòng báo Charlie Hebdo ở Paris, ngày 8/1/2015.

Người dân đặt hoa phía trước văn phòng báo Charlie Hebdo ở Paris, ngày 8/1/2015.

Hoài Hương-VOA

09.01.2015

Vụ tấn công khủng bố nhắm vào toà soạn tuần báo trào phúng Charlie ở Paris đã gây nên một làn sóng công phẫn không chỉ tại Paris hay nước Pháp, mà tại nhiều nước trên thế giới, bởi vì vụ khủng bố trong đó hàng chục nhà báo và nghệ sĩ vẽ tranh biếm hoạ bị thảm sát, được coi là một cuộc tấn công trực tiếp vào tự do ngôn luận, một trong những quyền nền tảng của dân chủ. Người Việt cảm nhận như thế nào về hành động khủng bố tàn bạo diễn ra ngay giữa lòng thủ đô nước Pháp, nơi họ đã sinh sống từ lâu? Ban Việt ngữ đặt câu hỏi này với Tiến sĩ Lê Đình Thông, từng giảng dạy tại trường Đại học Paris-Nanterre.

GS Lê Đình Thông: “Chúng tôi người Việt, chia sẻ cái tâm tình bất khuất và tự do ngôn luận của tờ Charlie. Đó là cuộc tranh đấu cho tự do và những người nằm xuống không khi nào mất đi bởi vì cái tinh thần của họ sẽ luôn luôn được tiếp nối với một ngọn lửa bùng cháy và với một nhiệt tâm, một quyết tâm nơi tất cả những người yêu chuộng tự do trên thế giới. ”

Giáo sư Lê Đình Thông nói ông chia sẻ sự xúc động và phẫn uất của hàng ngàn người biểu tình đã bất chấp thời tiết lạnh giá, vào một ngày giữa tuần làm việc, đã kéo nhau xuống các đường phố Paris để bày tỏ thái độ thách thức trước hành động tàn bạo của khủng bố. Những người biểu tình hô to khẩu hiệu Je suis Charlie, Tôi là Charlie. Giáo sư Lê Đình Thông giải thích ý nghĩa sau khẩu hiệu này.

GS Lê Đình Thông: ‘Je suis Charlie’ là ‘Tôi là Charlie, tôi là tờ báo Charlie, tôi là tiếng nói Charlie. Trong cái tâm tình của chúng tôi là người Việt Nam ở trên nước Pháp, tôi cũng xin nhắc lại cái khẩu hiệu đó:‘Je suis Charlie’. Tôi nghĩ là cái tâm tình của tôi được chia sẻ với rất nhiều người Việt ở Pháp và cả một số người Việt ở nơi khác nữa’

Ông có nhận xét sau đây về những hung thủ đã xông vào toà soạn tờ báo Trào phúng Charlie, kêu đích danh một số nhà báo trước khi nổ súng giết họ:

GS Lê Đình Thông: “Chúng ta đều thấy những kẻ khủng bố đều có mặt nạ và họ dùng súng, hai sự việc này nói lên khía cạnh khủng bố như thế nào. Trước hết là những người giấu mặt. Tại sao? Tại vì họ không có chính nghĩa. Thứ hai, họ dùng súng đạn. Súng đạn để làm gì? Để bịt miệng những người tranh đấu cho tự do, có tiếng nói khác với họ. Đó là những người không chấp nhận cái tư tưởng, cái tự do ngôn luận của người khác mà bắt người khác phải theo cái quan điểm của mình.”

Giáo sư Lê Đình Thông.

Giáo sư Lê Đình Thông.

Trước khi ra tay, những kẻ khủng bố đã hô lên hai câu, thứ nhất là Allah Akbar, Đấng Allah là đấng Tối Cao, và thứ hai là quyết tâm khai tử Charlie. Giáo sư Lê Đình Thông nói những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ làm được điều đó.

GS Lê Đình Thông: “Súng đạn không thể nào làm chết đi cái tinh thần Charlie được, bởi vì Paris đây không những chỉ là thành phố ánh sáng, mà còn là ánh sáng của tự do. Chúng ta đều thấy Tượng Nữ Thần Tự Do bên nước Mỹ bây giờ cũng là một cái quà tặng của nước Pháp. Và với bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng được làm tại nước Pháp. Tất cả các sự việc đó nói lên cái tinh thần tự do dân chủ cũng như tinh thần của cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã được thắp sáng từ đó cho đến bây giờ.”

Thưa quý vị, Tiến sĩ Lê Đình Thông là một luât sư, trước đây ông dạy môn Quan hệ Quốc tế tại Đại học Paris-Nanterre. Ông còn là một nhà thơ, một dịch giả, và là thành viên của ban Tu Thư Giáo xứ Paris. Mới đây Giáo sư Lê Đình Thông đã cho ra mắt ‘Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ Nhị’, do ông dịch.

httpv://www.youtube.com/watch?v=R4L1grczk6E