Cô giáo trung học Nam California tự tử trong lớp

Cô giáo trung học Nam California tự tử trong lớp

Nguoi-viet.com

PLACENTIA, California (AP) Một cô giáo trung học 31 tuổi, dạy môn nhiếp ảnh và được học trò thương mến, đã tự tử bằng cách treo cổ trong lớp học tại vùng Nam California, theo giới hữu trách hôm Thứ Hai.

Học sinh đến trường El Dorado thấy cửa phòng học của cô Jillian Jacobson khóa kín, theo Trung Úy Eric Point thuộc Sở Cảnh Sát Palcentia.



Học sinh trường El Dorado tưởng niệm cô giáo. (Hình: AP Photo/The Orange County Register, Matt Masin)

Nghĩ rằng bà đến trễ, các học sinh sang lớp bên cạnh để nhờ một giáo sư khác mở cửa lớp học giùm cho họ.

Cửa mở ra, mọi người thấy xác cô Jacobson treo trên trần nhà.

Hai nhân viên nhà trường đưa xác cô xuống và gọi điện thoại cấp cứu 911, theo cảnh sát.

Các nhân viên cấp cứu tìm cách làm hô hấp nhân tạo nhưng không có kết quả.

Trung Úy Point nói rằng nạn nhân không để lại thư tuyệt mạng nhưng các điều tra viên tin rằng cô giáo tự kết liễu đời mình.

“Có vẻ là cô đã tự tử trước giờ nhập học,” theo Trung Úy Point.

Các học sinh trong trường được cho nghỉ học lúc 11 giờ sáng và các chuyên viên tư vấn tâm thần được đưa đến trường, theo giới chức Học Khu Placentia-Yorba Linda.

Cô Jacobson sống ở Anaheim và dạy tại trường El Dorado từ năm 2008. (V.Giang)

Hỏa hoạn chùa Từ Nghiêm, cháy 50 passport và 50 vé máy bay đi VN

Hỏa hoạn chùa Từ Nghiêm, cháy 50 passport và 50 vé máy bay đi VN

Nguoi-viet.com

Kalynh Ngô/Người Việt


SANTA ANA, California (NV) –
Một đám cháy xảy ra ở chùa Từ Nghiêm, Santa Ana vào tối thứ Bảy, 28 tháng Hai, thiêu hủy toàn bộ vé máy bay và passport của 50 Phật tử đang chuẩn bị cho chuyến hành hương về Việt Nam đầu tháng Ba.

Thầy Thích Nhuận Thư, trụ trì chùa Từ Nghiêm tiếp chuyện nhật báo Người Việt. (Hình: Thủy Phan/Người Việt)

Theo lời kể của thầy Thích Nhuận Thư, trụ trì của chùa, và là người đứng ra tổ chức chuyến hành hương cho các Phật tử: “Tối thứ Bảy, lúc 9 giờ tối, tôi ra ngoài mừng sinh nhật của một đệ tử. Toàn bộ vé máy bay và hộ chiếu của những Phật tử tham gia chuyến hành hương đều được tôi đặt trên bàn bên trong phòng. Trước khi đi, tôi khóa cửa phòng, và có để máy sưởi ở mức rất nhỏ. Tôi không khóa cửa chính của chùa.”

“Khi được vài Phật tử điện thoại cho hay chùa bị cháy, tôi chạy về thì cảnh sát và cứu hỏa đã có mặt. Lúc đó trời mưa to và họ không cho tôi vào cho đến hơn một giờ sau,” thầy Thích Nhuận Thư kể tiếp.

Có gần 10 cảnh sát đã đến chùa để điều tra vụ hỏa hoạn.

Thầy Thích Nhuận Thư cho biết tất cả vé máy bay của 50 Phật tử được đặt mua từ một người tên Văn, do người quen từ Việt Nam giới thiệu.

“Thật ra lúc đầu tôi đã dự tính mua vé máy bay cho các Phật tử ở một đại lý vé Eva trên đường Beach, với giá tiền là $900 cho một người. Nhưng sau đó, do người quen ở Việt Nam giới thiệu, tôi hỏi một nơi khác thì rẻ hơn được $30/một người và riêng vé của tôi thì được ‘free’. Do đó, tôi quyết định chọn chỗ này và đóng toàn bộ số tiền là khoảng $33 ngàn cho 50 người.”

Theo lời kể, khoảng 4 giờ chiều ngày thứ Bảy, người tên Văn đó đến đưa cho thầy Thích Nhuận Thư tất cả vé máy bay cùng với passport của 50 người và dặn “hãy kẹp vé máy bay vào từng hộ chiếu.”

Một điều “kỳ lạ,” theo lời thầy Thích Nhuận Thư, “tất cả hộ chiếu cháy hết nhưng không tìm thấy vé máy bay.”

Theo lời kể lại của thầy trụ trì, “căn phòng không bị cháy nhiều. Nặng nhất là cái bàn gỗ để hộ chiếu và vé máy bay, quần áo trong phòng bị cháy quắn lại.”

Phía ngoài căn phòng bị cháy. (Hình: Thủy Phan/Người Việt)

“Không biết đó có phải là vé thật hay không, hay họ cố tình in ra rồi lẻn vào lấy lại. Tình ngay mà lý gian là đây. Từ lúc xảy ra hỏa hoạn, tôi đã điện thoại rất nhiều lần cho người đó nhưng không liên lạc được. Thật sự tôi không biết văn phòng của người bán vé này ở đâu,” thầy Thích Nhuận Thư nói.

Đến sáng ngày Chủ Nhật, rất nhiều Phật tử hay chuyện đã đến chùa Từ Nghiêm. Họ rất giận dữ khi gọi đến hãng hàng không và được biết 50 người đều không có tên trong danh sách chuyến bay.

“Rất nhiều người khi hay tin đã đến đây. Hù họa cũng có, cảm thông cũng có. Sáng nay cũng có khoảng 10 người đến tìm. Nhưng hoàn toàn không có biểu tình như những thông tin bên ngoài,” thầy cho biết.

Ông Anthony Bertagna, cảnh sát Santa Ana, cho biết sáng Chủ Nhật, Sở Cảnh sát nhận được điện thoại từ chùa Từ Nghiêm báo rằng có khoảng 30 người đang tụ tập trước cổng chùa.

“Họ muốn đòi lại số tiền đã đóng cho chuyến hành hương về Việt Nam,” ông Bertagna nói.

“Vụ hỏa hoạn xảy ra trong lúc người trụ trì ngôi chùa vắng mặt. Hiện tại, chúng tôi chưa thấy có điều khả nghi về đám cháy. Tuy nhiên, có sự nghi ngờ về người bán số vé máy bay đã tìm cách chiếm đoạt số tiền. Như tôi đã nói, tất cả là phỏng đoán trong giai đoạn này. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra,” ông Bertagna trả lời nhật báo Người Việt.

Thầy trụ trì của chùa Từ Nghiêm cho biết ông “không hổ thẹn với lòng” và ông hy vọng cảnh sát mau chóng tìm ra sự thật.

Ông nói thêm rằng mình không thể nào chợp mắt trong ba ngày qua. “Lời nói của mọi người quá sức nặng đối với một người tu sĩ khi họ cho mình là lường gạt.”

Chùa Từ Nghiêm tổ chức chuyến hành hương cho khoảng 50 người trong khoảng thời gian tám tháng. Nơi đến là Hà Nội, Miến Điện và Thái Lan. Chuyến đi dự kiến khởi hành sáng ngày thứ Hai, ngày 2 tháng Ba nhưng phải hủy bỏ vì chùa xảy ra hỏa hoạn vào tối ngày thứ Bảy. Tất cả passport và “vé máy bay” hoàn toàn bị thiêu rụi.

Thầy Thích Nhuận Thư đi tu từ năm 10 tuổi. Đến nay, ông có hơn 40 năm tu hành.

Hơn 20% người Mỹ chưa có ý định nghỉ hưu

Hơn 20% người Mỹ chưa có ý định nghỉ hưu

Nguoi-viet.com

WASHINGTON, DC (NV) – Không rõ có phải vì khó khăn kinh tế hay vì sợ buồn chán, khoảng 21% người Mỹ cho hay họ chưa có ý định về hưu, 247wallst.com trích dẫn kết quả thăm dò của Pew Charitable Trusts vừa mới công bố.

(Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

Quyết định này có thể làm thay đổi cục diện thị trường lao động tại Mỹ, gây phương hại đến giới trẻ trong độ tuổi làm việc.

Thăm dò cho thấy chỉ có 26% muốn nghỉ hưu đúng hạn tuổi theo truyền thống.

Hơn 53% nói sẽ thực hiện điều gì đó, kể cả kiếm một việc làm hoàn toàn khác.

Gần 6/10 cho biết chưa chuẩn bị tiền bạc cho trường hợp khẩn cấp, trong khi chỉ phân nửa nói gia đình họ đã an tâm về tài chánh.

Thống kê của Bộ Lao Động cho thấy chỉ có 5% người trên 55 tuổi không có việc làm.

Con số cũng giữ ở mức này đối với người 65 tuổi trở lên.

Tình trạng tệ hại hơn cả ở người Mỹ trẻ tuổi. Mức thất nghiệp của người từ 16 đến 19 tuổi là 16.6% và 10% ở tuổi từ 20 đến 24.

Theo truyền thống, khi người Mỹ lớn tuổi về hưu, họ nhường chỗ trong thị trường lao động cho người trẻ hơn.

Chu kỳ ấy có vẻ như bị phá vỡ khi họ cảm thấy chưa dành dụm đủ cho đời sống hưu trí.

Một phần do vụ sụp đổ thị trường nhà đất vì căn nhà tượng trưng cho sự tiết kiệm của người Mỹ.

Ngày nào người trẻ chưa điền được vào chỗ của người đến tuổi nghỉ hưu, ngày đó họ chưa có cơ hội dành dụm, làm chủ một căn nhà và là một người tiêu thụ thoải mái. (TP)

11 cách sử dụng Internet an toàn

11 cách sử dụng Internet an toàn

Tin tặc!

Tin tặc!

Doug Bernard

26.02.2015

WASHINGTON—

Đọc các hàng tin hàng đầu hiện nay có cảm tưởng rằng Internet đã trở thành phương tiện đáng sợ.

Các hoạt động gián điệp mạng và đánh cắp thông tin cá nhân dẫy đầy trong khi các tội phạm có tổ chức và gián điệp quốc gia rình rập.

Mấy ngày gần đây, công ty cung cấp phần mềm bảo mật quốc tế Kaspersky loan báo một vụ đánh cắp số tiền chưa từng có từ trước đến nay: 1 tỷ đôla hay còn hơn nữa từ hàng trăm ngân hàng Âu châu,  và một phần mềm độc hại  giống như vi rút Stuxnet đã tự cài đặt luôn và bí mật trong hàng triệu ổ đĩa cứng của máy tính trên khắp các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và các nơi khác.

Như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận định tại hội nghị an ninh mạng ở California mới đây, an ninh mạng là vấn đề vô cùng quan trọng và là vấn đề mà mọi người từ các chính phủ đến các công ty tư cho đến các cá nhân đều cần giải quyết.

Nhưng làm thế nào một người có thể chống lại kỹ năng của các tội phạm trên mạng hết sức tinh vi hay các nguồn lực của các nhà nước?

Thật sự là không thể. Nếu một chính phủ hay một tội phạm rất muốn xâm nhập vào máy tính của quý vị thì họ sẽ làm được việc đó.

Tuy nhiên các cá nhân, có thể gây khó khăn hơn cho các tay tin tặc, và thậm chí những người không chuyên môn sử dụng Internet cũng có thể ngăn chận nhiều vụ tấn công mạng với tập quán đơn giản mà ông Vinton Cerf, một nhà tiên phong phát minh Internet gọi là “Làm sạch web hiệu quả.”

Sau đây là một vài thói quen các bạn có thể thực hành ngay:

Hãy tạo mật khẩu hóc búa khó đoán: Hãy bỏ chút thì giờ cố đoán xem mật khẩu phổ biến nhất đang được sử dụng hiện nay là gì. Nếu bạn đoán đó là cụm từ “mật khẩu” thì không xa lắm đâu. Trong danh sách hàng năm của công ty SplashData các mật khẩu thông dụng nhất là “123456” đứng đầu bảng và đứng hàng nhì là “mật khẩu.” Đó không phải là những mật khẩu mà là tấm giấy bồi ướt.

Nếu bạn không muốn ai đó xâm nhập vào dữ liệu của mình thì phải gắn một ổ khóa thật chặt trên cửa. Các mật khẩu khó đoán bao gồm hàng ký tự với chữ thường xen lẫn chữ hoa, chữ số và các ký tự đặc biệt. Mật khẩu nên có ít nhất 8 ký tự và dứt khoát không nên có thể tạo thành những từ như tên con thú cưng hay biểu tượng của trường trung học của bạn. Nếu bạn không làm gì khác được đề nghị ở đây thì hãy tạo mật khẩu khó đoán.

Đổi mật khẩu: Một sai lầm thứ nhì rất phổ biến là người sử dụng máy tính tạo một mật khẩu hóc búa, rồi sau đó không bao giờ thay đổi hoặc dùng nó cho những tài khoản khác nhau.

Chắc chắn, quản lý một danh sách mật khẩu phức tạp luôn thay đổi rất mất công. Nhưng cuối cùng không có mật khẩu nào không thể phá được, và dùng chúng cho các tài khoản khác nhau là một cách mời gọi tin tặc. Nếu bạn thấy khó theo dõi tất cả các mật khẩu khó nhớ đó (đừng ghi xuống giấy) có nhiều dịch vụ quản lý mật khẩu và những ý kiến bên ngoài đó tương đối dễ và bảo đảm.

Xóa bộ nhớ cache: Xóa cache trong tất cả các thiết bị bạn sử dụng trong một ngày như computer ở nhà, computer ở sở, iPad của bạn bè v ..v.. Mỗi lần bạn sử dụng trình duyệt như Firefox hay Chrome, nó đều giữ lại thông tin bạn đã truy cập vào đâu và làm gì. Thường thì đây là yếu tố được mặc định, mỗi một trang web mà bạn truy cập và tất cả các những gì bạn tải lên mạng hay tải xuống đều lưu lại trên máy trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần.

Bất kỳ người nào khác muốn xem cache đó và đánh cắp các chi tiết hoạt động trực tuyến của bạn sẽ rất dễ.

Đừng dùng mạng Wi-Fi miễn phí: Nói về Wi-Fi thì câu châm ngôn “Không có buổi ăn trưa nào miễn phí” hay “Có làm mới có ăn”, không còn áp dụng trong trường hợp nào đúng hơn trường hợp này. Con số ngày càng tăng các quán cà phê, quán rượu, cửa hàng hay các nơi công cộng khác đang cung cấp  cho những người sử dụng điện thoại di động đang rất cần dữ liệu có thể truy cập Internet bằng hệ thống mạng không dây Wi-Fi, thường thì thậm chí không cần mật khẩu. Các dịch vụ này có thể thuận tiện, những chúng cũng mở cửa mọi thứ trên thiết bị của bạn. Trừ phi thực sự cần, bằng không thì đừng sử dụng nó.

Hãy sử dụng HTTPS: viết tắt của cụm từ ‘hyper-text transfer protocol secure’ hay giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật. HTTPS là một biến thể của giao thức HTTP được thêm vào lớp bảo mật và mã hóa trong khi người sử dụng đang truy cập mạng. Liên lạc giữa người sử dụng và trang web HTTPS được mã hóa và cũng chứng minh sự xác thực, có nghĩa là HTTPS có thể được sử dụng để phát hiện các trang web giả thường được dùng trong kỹ thuật tấn công trung gian “man in the middle”.

Hãy cẩn thận với ổ cứng di động USB: Đây là ổ đĩa cứng nhỏ dễ sử dụng trên các nền tảng máy tính và có thể lưu trữ một số lượng lớn dữ liệu. Đó là lý do vì sao USB trở nên rất thông dụng để trao đổi và lưu trữ dữ liệu. Nhưng chúng cũng có thể là nguồn lây lan virus và phần mềm độc hại từ người sử dụng này sang người sử dụng khác không ai ngờ. Trước khi cắm ổ USB vào computer của mình hãy suy nghĩ một chút xem những người sử dụng trước mình là ai.

Cẩn thận trước khi nhấp chuột: Đây là một trong những lời khuyên hầu như ai cũng biết, nhưng nhiều người vẫn mắc phải sai lầm. Một trong những cách phổ biến nhất và vẫn thành công mà các kẻ xấu làm cho computer của bạn bị virus, hoặc thậm chí cả toàn bộ mạng bị virus, qua kỹ thuật lừa đảo gọi là “phishing”. Mặc dù có nhiều biến thức, một vụ tấn công lừa đảo bắt đầu khi một người nào đó mở một tập tin đính kèm trong email, trông có vẻ hợp pháp, nhưng kỳ thực ngay tức khắc làm cho computer của người sử dụng bị nhiễm virus.

Nếu có ai gửi cho bạn một tập tin hay một địa chỉ trang web mà bạn không yêu cầu, cho dù họ có hứa hẹn gì đi nữa như nếu mở ra “Bạn sẽ rất thích!”, đừng nhấp vào đó.

Cố gắng đừng sử dụng computer công cộng: Còn tùy theo hoàn cảnh của bạn, việc này có thể khó khăn. Đối với những ai không có computer hay không có phương tiện truy cập web, thì cà phê Internet vẫn rất thông dụng. Tuy nhiên, một computer càng được được nhiều người khác nhau sử dụng thì lại càng có cơ nhiễm virus hay chứa phần mềm gián điệp có thể lưu giữ các thao tác trên bàn phím của người sử dụng máy, tài khoản email và các trang web truy cập.

Một số người tránh né bằng cách mang theo phần mềm vô hiệu hóa sự theo dõi trên USB của họ – như Tor hay Psiphon có thể giúp tránh né  tường lửa và bạn ẩn danh. Tuy nhiên chúng chúng vẫn còn hơi phức tạp và không phải là phần mềm bảo vệ cấp thấp

Sử dụng các phần mềm chống virus: Trong nỗ lực nhằm giữ cho Internet càng “sạch” càng tốt, bạn có một bộ phận điều chỉnh. Hàng chục dịch vụ chống virus mà bạn có thể sử dụng từ Kaspersky, đã được nói đến phần trước, cho đến Norton, TrendMicro và nhiều chương trình khác. Một số miễn phí, một số phải mua, và họ cung cấp nhiều mức độ bảo vệ. Tuy nhiên, cuối cùng chống virus là cách tuyệt hay để có được giới chuyên môn giúp đi một bước trước các tin tặc.

Đứng cho rằng bạn biết người bạn đang trò chuyện: Điều tự nhiên bạn cho rằng mình biết khi bạn nhận được email từ một người bạn hay vào một trang web mà bạn đã từng truy cập nhiều lần trước đây, điều bạn đang thấy hay người bạn tin. Tuy nhiên ngày càng có nhiều tin tặc học cách bắt chước bạn bè hay những người bạn tiếp xúc hoặc tạo ra những trang web giả trông giống như trang web đáng tin cậy nhưng thật ra chỉ để thu thập thông tin và dữ liệu về người sử dụng.

Lời khuyên tốt nhất là nếu có một điều gì đó về email của một người bạn dường như – nói về một đề tài không ngờ tới hoặc sử dụng ngôn từ kỳ hoặc – hay cân nhắc việc gửi cho họ một thư trả lời hay tốt hơn liên lạc với họ qua một cách khác để hỏi về nội dung email của họ.

Tránh bị theo dõi : Không phải là điều ngẫu nhiên mà các trang web tin tức bạn luôn truy cập, biết tên bạn hay các nhà bán lẽ mà bạn thích nhất, bằng cách nào đó dường như biết chính xác bạn đang tìm gì. Các trang web mọi loại thường theo dõi chúng ta qua các “cookies.” Hay các tập tin nhỏ trong các trình duyệt rồi thích ứng các chi tiết để cho kết quả.

Mỗi trình duyệt có một cách lựa chọn trong việc  cài đặt chương trình bảo mật riêng tư cho phép người sử dụng xóa cookie hay cho phép từ chối nhận chúng. Tuy nhiên hãy nhớ rằng các trang web thường hạn chế các dịch vụ đối với những người không chấp nhận cookie.

Nếu bạn không muốn công cụ tìm kiếm lớn như Google biết mọi thứ bạn đang tìm kiếm, hay xét đến việc dùng một trong những công cụ tìm kiếm “không theo dõi” chẳng hạn như DucDuckGo.com, không có cookie cũng không có chế độ theo dõi.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về làm thế nào để giữ an toàn trực tuyến, và các công cụ nào bạn có thể sử dụng để bảo vệ sự riêng tư của mình và tránh kiểm duyệt của chính phủ, hãy truy cập sổ tay “Vô hiệu hóa kiểm duyệt” trên mạng của chúng tôi.

Nhật cảnh báo sau vụ tu nghiệp sinh Việt Nam ‘trộm dê’ làm thịt

Nhật cảnh báo sau vụ tu nghiệp sinh Việt Nam ‘trộm dê’ làm thịt

Nguoi-viet.com

NHẬT BẢN (NV) – Cảnh báo vừa kể được đưa ra sau khi sau khi có hai người Việt bị cảnh sát Nhật bắt giữ rồi công tố Nhật đề nghị tòa án phạt tù họ vì “trộm cắp.”

Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Lê Thế Lộc, 30 tuổi và cựu sinh viên Bùi Văn Vỹ, 22 tuổi, bị bắt sau khi bắt trộm hai con dê trong một đàn dê 16 con được nuôi ở công viên Minokamo, tỉnh Gifu, để làm thịt cho một nhóm khoảng 20 người cùng ăn.



Hai người Việt bị đề nghị phạt tù vì trộm hai con dê trong đàn dê được nuôi ở công viên Minokamo, tỉnh Gifu, Nhật. (Hình: Asahi Shimbun)

Vụ bắt trộm dê được xem là nghiêm trọng vì 16 con dê vừa kể đang được Ðại Học Gifu phối hợp với thành phố Minokamo nuôi để thử nghiệm phương thức dùng động vật diệt cỏ.

Theo Asahi Shimbun, một tờ báo tại Nhật, thì Bùi Văn Vỹ đến Nhật để du học và bỏ dở việc học vì không có khả năng trả học phí.

Cựu sinh viên Bùi Văn Vỹ thuê chỗ trọ ở cùng với ông Lê Thế Lộc và trường hợp phạm tội của ông Lộc được Asahi Shimbun khắc họa rất chi tiết.

Ông Lộc, người đã có vợ và một bé gái từng là tài xế taxi tại Việt Nam. Do thu nhập thấp, không đủ sống, lại được một công ty chuyên xuất cảng lao động mời mọc, ông Lộc bàn bạc với gia đình, rồi đem thế chấp cả nhà lẫn đất, vay ngân hàng khoảng 270 triệu (tương đương 1.5 triệu Yen), để sang Nhật làm thuê dưới danh nghĩa tu nghiệp sinh trong Chương Trình Ðào Tạo Thực Tập Sinh Kỹ Thuật (TITP).

TITP là một chương trình do chính phủ Nhật mở ra để giúp công dân một số quốc gia mà chính phủ Nhật lựa chọn có cơ hội làm việc tại Nhật để phát triển kỹ năng nghề nghiệp rồi đem những kỹ năng đó về ứng dụng tại quê nhà. Mỗi tu nghiệp sinh có thể cư trú và làm việc tại Nhật trong ba năm.

Cho đến nay, có khoảng 150,000 tu nghiệp sinh ngoại quốc đang cư trú và làm việc trong 69 lĩnh vực nghề nghiệp tại Nhật theo chương trình TITP.

Qua trường hợp của ông Lộc, Asahi Shimbun cảnh báo chương trình TITP đang bị lạm dụng và đẩy nhiều người vào nghịch cảnh.

Lý do ông Lộc được gia đình ủng hộ trong việc thế chấp nhà đất – vay tiền ngân hàng để nộp cho công ty xuất cảng lao động sang Nhật làm tu nghiệp sinh vì công ty này khẳng định, tại Nhật, nếu làm việc 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, mỗi tháng, ông Lộc có thể kiếm được từ 200,000 Yen đến 300,000 Yen. Ngoài ra nơi ông Lộc làm việc sẽ cung cấp chỗ ở miễn phí.

Tuy nhiên trên thực tế, tháng 3 năm 2013, khi đến trồng cà chua cho một công ty ở tỉnh Nagano, ông Lộc phải làm việc 20 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần. Còn lương chỉ có 80,000 Yen/tháng. Chưa kể mỗi tháng ông phải trả 20,000 yên cho việc thuê “chỗ ở,” trong khi “chỗ ở” là dưới gầm thùng cầu dao điện của một nhà kho chứa nông cụ, có một vòi nước để tắm nhưng không có nhà vệ sinh.

Tính ra mỗi tháng, ông Lộc chỉ còn 60,000 Yen và mỗi tháng chỉ có thể gửi về nhà từ 30,000 đến 40,000 Yen để gia đình trả nợ ngân hàng.

Sau bảy tháng làm việc và ăn ở theo kiểu như thế, ông Lộc kiệt sức và quyết định bỏ việc. Dựa vào những thông tin tuyển dụng được đăng trên Internet, ông Lộc tìm đến xin làm việc cho một công ty cơ khí ở tỉnh Aichi. Tuy nhiên, ông Lộc chỉ có thể làm việc tại đó cho đến tháng 3 năm 2014 thì phải nghỉ làm việc vì giấy phép cư trú tại Nhật hết hạn.

Ông Lộc kể với Asahi Shimbun rằng, ông hoàn toàn bế tắc bởi không có việc làm thì không có tiền gửi về cho gia đình trả nợ ngân hàng và sẽ mất sạch nhà cửa, đất đai. Ở lại Nhật thì thành người cư trú bất hợp pháp còn quay về Việt Nam thì cũng chẳng còn đường sống. Cuối cùng, ông Lộc quyết định ở lại Nhật và giấu tình cảnh của mình không cho người thân ở Việt Nam biết.

Sau khi thất nghiệp, ông Lộc trộm cắp thực phẩm tại các siêu thị ở Nhật để ăn trước khi bị bắt…

Trong vài năm gần đây, nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế liên tục cảnh báo về thảm trạng của những người Việt được các công ty xuất cảng lao động của Việt Nam đưa ra ngoại quốc làm thuê.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Verité – một tổ chức quốc tế công bố kết quả một cuộc khảo sát kéo dài trong hai năm, theo đó, 40% người Việt đến Mã Lai làm thuê bị cưỡng bức lao động.

Chẳng riêng Verité cảnh báo về tình trạng người Việt bị các công ty môi giới lao động bóc lột từ trong nước và bị chủ ngoại quốc bóc lột tiếp khi ra ngoại quốc làm thuê.

Trước nữa, vào tháng 5 năm 2013, American Thinker đăng một bài viết của Michael Benge, lên án chính quyền Việt Nam chủ trương buôn người.

Ông Benge đã đưa ra nhiều dẫn chứng về việc chính quyền Việt Nam chuyên buôn người, qua hoạt động của các công ty xuất cảng lao động. Các công ty này thường có nguồn gốc phức tạp, thường xuyên lừa gạt người nghèo bằng những hợp đồng hấp dẫn (lương cao, điều kiện làm việc lý tưởng). Có những người nghèo phải trả tới 10,000 Mỹ kim cho cái gọi là phí nộp đơn. Vì nghèo, họ được khuyến khích thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng thanh toán các loại chi phí.

Khi ra đến ngoại quốc, họ bị thu hộ chiếu, bị ép ký những hợp đồng khác hẳn những gì đã được hứa hẹn, phải làm việc nhiều hơn, điều kiện làm việc tồi tệ hơn, chưa kể hàng tháng còn phải nộp môt khoản nhất định cho công ty xuất cảng lao động…

Kết quả, người nghèo đi làm thuê ở nước ngoài ngập trong nợ, lệ thuộc vì nợ, gia đình của họ tại Việt Nam thì mất hết tài sản. Ông Benge khẳng định, có nhiều dấu hiệu rõ ràng để kết luận, các công ty xuất cảng lao động đã liên kết với các ngân hàng và các viên chức chính quyền. (G.Ð

Tâm sự người vợ H.O.

Tâm sự người vợ H.O.

Nguoi-viet.com

Nguyễn Kim Loan

Tôi không phải là nhà văn. Tôi cũng không phải là nhà thơ. Tôi chỉ là một cô giáo già với tuổi đời đã gần 80 và tuổi nghề 35 năm trong ngành giáo dục. Nguyện vọng của tôi khi viết bài nầy là để lưu lại một kỷ niệm thân thương cho con cháu khi chúng muốn tìm lại cội nguồn, khi muốn nhớ lại người mẹ, người bà yêu mến, chúng sẽ đọc và sẽ tự hào là người Việt Nam.

Tôi không bao giờ quên được ngày 30 tháng 04 năm 1975,  ngày quốc hận và cũng là ngày biến cố quan trọng của đời tôi. Bọn cộng sản tàn ác, vô lương tâm xâm chiếm miền Nam. Chúng gieo rắc bao chết chóc, tang tóc cho biết bao gia đình! Con phải mất cha, vợ phải xa chồng, gia đình phải ly tán nhau! Bao nhiêu máu đổ thây phơi, bao nhiêu trái tim tan nát…

Chúng gọi những quân nhân trong quân lực Việt nam Cộng Hòa là ngụy quân. Chúng bắt họ ra trình diện và đưa đi “học tập cải tạo” một tuần lễ. Một tuần lễ đối với chúng nó mà kéo dài tới hai, ba năm hoặc tới hai mươi năm, tùy theo cấp bực.

Tôi nhớ lại lời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói với quân, dân miền Nam: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì chúng nó làm.” Thật không sai! Chúng nó nói một đàng mà làm một nẻo.

Chồng tôi, Nguyễn Văn Quy, bị gọi đi trình diện và bị đi học tập cải tạo ở Cây Cầy (Tây Ninh). Một mình tôi ở nhà, vừa làm cha vừa làm mẹ, nuôi dạy bốn đứa con còn nhỏ dại, đứa con trai lớn nhứt mới mười một tuổi, đứa con gái nhỏ nhứt mới năm tuổi.

Tôi dạy ban ngày ở trường tiểu học Bạch Đằng. Ban đêm thì dạy lớp bổ túc văn hóa cho quý cô, quý bác lớn tuổi thất học (mù chữ). Chủ Nhật thì dạy kèm tại gia cho các học sinh học kém. Ông bà ta thường nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” Thân vinh đâu tôi không thấy mà tôi thấy tôi cực như trâu. Mà đúng vậy các bạn ạ. Tôi tuổi Sửu. Mà con trâu thì ban ngày kéo cày, tối được nằm nghỉ ngơi. Tôi còn cực hơn trâu các bạn ạ. Người ta thường nói “trâu ruộng bộn bề không bằng một nghề trong tay.” Với nghề dạy học, tôi bán chữ nuôi cha mẹ bịnh tật già yếu, nuôi chồng đang học tập cải tạo trong lao tù khổ sở, nuôi bốn đứa con nhỏ dại tiếp tục cấp sách đến trường.

Cha tôi, tám mươi lăm tuổi, bị té gẫy xương hông nên đã nằm liệt giường suốt năm năm qua. Mẹ tôi tám mươi tuổi, bị mổ bướu buồng trứng ba lần nên sức khoẻ rất yếu. Gánh nặng gia đình oằn xuống trên đôi vai gầy yếu của tôi.

Có một lần nọ, bốn đứa con lần lượt bị ban đỏ (bệnh sởi). Nhìn các con nằm rên xiết trên giường, tôi đau lòng quá! Tôi quẫn trí, định đưa các con lên cầu Bình Triệu (Thủ Đức) để mẹ con cùng nhảy xuống sông chết hết cho rồi!! Nhưng tôi sực nhớ lại, tôi còn cha mẹ già yếu đang cần đến sự chăm sóc của tôi, còn chồng tôi đang học tập cải tạo, đang cần đến sự thăm nuôi của tôi và nhứt là, bốn đứa con yêu quí của tôi đang rất cần đến bàn tay mẹ hiền. Tôi tự nhủ thầm rằng “ Tôi Phải Sống.” Bổn phận làm con, tôi phải báo hiếu cho mẹ cha. Bổn phận làm vợ, tôi phải lo tròn đạo phu thê. Bổn phận làm mẹ, tôi phải nuôi dạy các con khôn lớn nên người. Ròng rã suốt bảy năm trời thì cũng có ngày chồng tôi được trả tự do.

Ngày 21 Tháng Giêng năm 1982, ngày mà chồng tôi được ra khỏi tù cộng sản, ngày mà cả gia đình tôi đều nở nụ cười mừng rỡ. Nhìn chồng gầy ốm xanh xao, tóc đổi màu bạc trắng, tôi cay đắng, nghẹn ngào.Tôi chạy đến ôm anh, chỉ thốt ra được hai tiếng “Mình ơi,” rồi nước mắt tuôn ra thắm đẩm gò má và loang lổ trên ngực áo. Anh thì cũng chẳng thốt được lời nào, chỉ ôm chặt lấy tôi với khóe mắt rưng rưng đầy lệ.

Ôi làm sao tả xiết cảnh đoàn tụ sao bao năm dài xa cách. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Kể từ bây giờ tôi sẽ có người bạn đời bên cạnh để chia sẻ vui buồn, để chung nuôi con cái, để phụng dưỡng cha mẹ già.

Mỗi tháng anh phải viết báo cáo và trình diện tại phường 24 quận Bình Thạnh (nơi cư trú của gia đình tôi). Sau một năm, anh đi làm thư ký cho khách sạn bên Khánh Hội dưới sự kiểm soát của phường. Đến năm 1984, tôi nhờ một chị bạn làm tại bưu điện Saigon gởi hồ sơ của chúng tôi tới tòa đại sứ Mỹ bên Thái Lan, xin đi Mỹ theo diện H.O.. Chờ đợi mỏi mòn mười năm, hồ sơ được chấp thuận cho cả gia đình gồm cha mẹ và ba đứa con qua Mỹ (đứa thứ tư đã vượt biên năm 1988 và định cư tại Canada).

Làm sao để ta có thể giải thích được phước họa ở đời? Ngày 30 Tháng Chín năm 1994, vợ chồng con cái chuẩn bị đi phỏng vấn cho một cuộc đổi đời thì sự thay đổi oan nghiệt lại lù lù hiện tới: Mẹ tôi đột ngột qua đời! Hỡi ôi, thân nầy ví xẻ làm hai được! Tôi nên đi theo chồng con, hay ở lại lo hậu sự cho mẹ hiền? Thôi thì tùy duyên. Anh và con hãy đi trước đi. Anh ơi hãy cho em… Các con ơi hãy cho mẹ…một lần cuối cùng nhỏ lệ khóc thương đấng sanh thành.

Ngày 17 Tháng Mười, năm 1994, anh và ba đứa con ngậm ngùi từ giã quê hương. Đại úy Nguyễn Văn Quy của sư đoàn 25 Bộ Binh, dẫn theo ba con lên máy bay, đi Mỹ theo diện H.O. 23, để lại người vợ héo hon, người mẹ nát lòng. Sự sống của tôi đã theo đường bay trong đám mây ảm đạm kia mà mất dần, mất dần…Tôi ngã xuống trong chiếc xe mang tôi trở về. Cấp cứu của người bạn bác sĩ làm tôi tỉnh lại và bao lời khuyên lơn của bạn bè lối xóm, làm tôi thuyên giảm nỗi đau lòng. Tôi tự nhủ, thôi thì chỉ có xa nhau sáu tháng. Lo cho mẹ mồ yên mả đẹp rồi gia đình lại sẽ gặp nhau.

Anh và các con qua California ở nhờ nhà người bạn thân mà anh đã kết nghĩa anh em trong tù! Cùng nhau chia sẻ hoạn nạn, dằn vặt, nhục nhã, đói khát, anh và Thạch đã coi nhau như anh em ruột.

Thạch và Bảo, vợ Thạch, cùng các con đã đem hết tấm lòng thương yêu ra, giúp đỡ cho gia đình tôi. Cả nhà đi học ESL. Con trai tôi vì đã học hết hai năm tại trường sư phạm, môn Anh Văn, nên dễ dàng kiếm được việc làm. Cháu đạp xe  đi làm nên người bạn Mễ cùng sở thương tình cho cháu quá giang khi mùa đông lạnh tới. Tuy không phải là người cùng chung huyết thống mà cậu ta xem con tôi như người bạn đã thân quen lâu đời. Rồi dần dần cả anh và hai đứa con gái cũng đều có việc làm.

Thế là Chủ Nhật cuộc gọi phone tưng bừng diễn ra. Ôi đại dương ơi, dù mi có xa xôi muôn trùng nhưng cũng không có quyền lực cách ngăn tình chồng nghĩa vợ, tình mẫu tử thiêng liêng. Nhưng hãng điện thoại thì có đủ quyền lực gởi cái “bill” đến với giá sáu trăm đô la! Ôi Chúa ơi, những lần sau tôi đều luôn miệng ngăn cản: “Thôi stop đi anh ơi. Thôi stop đi con ơi …” Tôi xin được phỏng vấn lại sau bốn tháng xa cách.

Ngày 17 Tháng Hai, năm 1995, tôi rời Việt Nam với một tâm hồn nặng trĩu, lớp lưu luyến nơi chôn nhau cắt rún, lớp lo lắng cho bệnh tình của cha già. Tôi không dám đến từ giã người, vì tôi sợ tôi bị xúc động rồi ngất xỉu đi thì sẽ không đi Mỹ được. Tôi bị bịnh cao máu nặng, mỗi khi tôi bị buồn rầu hay xúc động thì tôi bị ngất xỉu rất lâu mới tỉnh dậy. Máy bay cất cánh rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 12 giờ rưỡi và sau 20 tiếng đồng hồ, gia đình tôi xum họp lại tại Mỹ.

Ngày ngày tôi đến trung tâm St. Alsem để học Anh văn. Sau sáu tháng tôi phải đi mổ mắt. Trước khi đi mổ, tôi quỳ gối trước bàn thờ và thành tâm khấn nguyện: “Xin Đức Mẹ cho con thấy được rõ ràng sau khi mổ mắt. Nếu con bị mù chắc con tự tử chết quá, vì con không muốn làm khổ chồng và các con của con !” Có lẽ vì quá thương chồng và các con nên tôi mới có ý nghĩ điên cuồng như thế.

Đức Mẹ đã nhận lời cầu nguyện của tôi nên sau khi mổ, đôi mắt tôi rất sáng và trông thấy rõ ràng. Tôi có thể đọc sách mà không cần mang kiếng lão nữa. Con xin cám ơn Mẹ Maria, tôi xin cám ơn bác sĩ Minh, người đã mổ mắt cườm cho tôi. Tôi đặt chân lên đất Mỹ ở cái tuổi năm mươi tám, cái tuổi dở thầy, dở thợ, và không muốn đi ở đợ. Ở Việt Nam tôi làm cô giáo, qua Mỹ tôi “tháo giầy.”

Làm cô giáo 35 năm, hôm nay đổi đời tôi trở lại làm học trò! Thật là một kinh nghiệm sâu sắc và quí giá. Chồng tôi học Anh văn và Spanish vào buổi tối. Tôi học buổi sáng. Ban ngày anh đi làm việc ở tận Long Beach. Chiều về ăn vội vài chén cơm rồi đi ngủ để đến 10 giờ tối thì vợ chồng tôi lại đến xưởng phân phát báo Los Angeles Times, để xếp báo. Đến 5 giờ sáng thì cùng nhau đi bỏ báo. Địa điểm bỏ báo của chúng tôi ở gần biển nên mùa Hè thì dễ chịu, còn mùa Đông thì lại vất vả, khổ sở. Gió biển lạnh thấu xương. Tay xách, vai mang bị đựng báo, chúng tôi lê bước bỏ báo đến từng nhà, vì chúng tôi tuổi già, sức yếu, tay run nên không thể ngồi trên xe mà quăng báo một cách điệu nghệ như đám trẻ. Xong việc, anh đưa tôi tới Golden West để tôi tham gia lớp học, còn anh lại đi làm thêm.

Tôi học Anh văn rất khó khăn, nên mấy tháng đầu nghe thầy giảng mà như vịt nghe sấm! Phần lớn tuổi, phần đầu óc chậm tiếp thu, nên thay vì học lớp cắm hoa chỉ có hai năm,  tôi phải mất bốn năm. Sau bốn năm miệt mài tôi cũng ra trường  vào mùa hè 2001 với chứng chỉ Floral Design & Shop Management. Dù có chứng chỉ trong tay nhưng với số tuổi đời đã muộn nên không có tiệm hoa nào mướn tôi hết. Tôi đành ở nhà lo cơm nước cho chồng và các con. Đêm đêm cùng chồng đi bỏ báo cho đến lúc hưởng tiền già.

Tôi thuộc loại “Giamaha” (già mà ham). Ham học, ham làm chớ không ham đi shopping. Vì tiết kiệm ngân quỹ gia đình, tôi chỉ mặc đồ hiệu ‘”DOMIBO” (đồ Mỹ bỏ ) và “DOREMI” (đồ rẻ Mỹ). Ba đứa con tôi tiện tặn để dành tiền trong ba năm và mua được một căn nhà ba phòng ngủ, hai phòng tắm, giá $158,000 mà chỉ đặt tiền trước có $ 10,000.

Trước khi mua nhà chúng tôi tạm trú với Thạch. Sau một năm chúng tôi muớn một căn hộ hai phòng đường Magnolia để ra riêng. Sau khi ở được hai ngày, đứa con trai lớn xuống garage thì thấy xe đã mất. Tôi bủn rủn cả chân tay. Chiếc xe chưa trả hết tiền mà đã mất.

Nỗi khổ mất xe còn nóng hổi thì anh cả tôi bên ViệtNam kêu qua, báo tin ba tôi vừa mới qua đời sáng ngày 05 Tháng Tư, năm 1995. Con người có thể chịu đựng được bao nhiêu đau khổ dập dồn trong một thời gian ngắn ngủi hả bạn? Lòng tôi ray rứt, ăn năn. Phải chi tôi nán lại Việt Nam hai tháng thôi thì tôi đã có cơ hội mang chiếc khăn tang tiễn đưa ba tôi đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Phải chi tôi đừng vội vàng, tôi đã có thể quỳ bên giường bệnh và vuốt mắt đấng sanh thành trong lần tiễn biệt. Tôi khóc như mưa và khấn nguyện: “ Cha ơi, xin hãy tha cho con tội bất hiếu. Con không thể nào vẹn vẻ cả đôi đường…Xin cha hiểu cho con. Con thương cha nhiều lắm…” Tôi không thể về VN được nên gởi tiền về cho anh tôi lo ma chay. Trong sáu tháng tôi mồ côi cả mẹ lẫn cha !

Tôi ở nhà lo việc nội trợ, nấu nướng để khi chồng và các con về sẽ có bát canh nóng, chén cơm dẻo. Cả nhà sống trong hạnh phúc giản dị, chân thành. Các con ban ngày làm việc, tối học thêm ở Golden West College. Chúng hiện đã hoàn thành “ Giấc Mơ Mỹ” với công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Vợ chồng tôi chỉ ao ước sớm có cháu nội ngoại để ẵm bồng cho vui tuổi già. Các con tôi đều hiếu thảo, hiền ngoan. Gia đình tôi rất hạnh phúc. Cuối tuần xum họp, ăn uống và cùng nhau đi lễ ở nhà thờ Westminster. Chúng tôi tập cho các con biết thương yêu, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong những khi tối lửa tắt đèn.

Sau mười sáu năm cùng nhau chia sẻ tất cả thăng trầm, buồn vui, khổ đau và hạnh phúc, ngày 14 Tháng Giêng, năm 2009, chồng tôi bỏ tôi ra đi, về với Chúa. Anh trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Fountain Valley vì nhồi máu cơ tim. Trước khi hôn mê, anh đã thì thầm với tôi: “Loan ơi, anh mệt lắm.” Nghe anh nói mà tim tôi đau nhói. Tôi cảm thấy như có muôn ngàn mũi tên đâm vào trái tim tôi. Tôi nắm tay anh, cố nén tiếng khóc. Đau khổ ơi, hãy chảy ngược vào tim đi, hãy nằm đó rã tan và thấm đậm. Rồi một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng nhau gặm nhắm từng phút, từng giây, từng nét rạch, từng đường vỡ để cho nước mắt nhỏ từng giọt xuống mộ bia lạnh lẻo, để người nằm đó nhắm mắt thở dài…Anh chăm chú nhìn tôi rất lâu mà không nói được cho đến khi hoàn toàn chìm vào hôn mê. Bác sĩ mời mẹ con tôi ra ngoài để họ dùng máy nhồi tim. Mẹ con tôi ngồi chờ trên đống lửa. Sau cùng ông ra, buồn rầu và nghiêm trang, nói: “Xin lỗi bà, chúng tôi đã làm hết sức. Ông nhà quá yếu…”

Các con dìu người mẹ khổ đau ngồi xuống ghế. Tình yêu, hạnh phúc, xum họp, chia lìa… Như những bọt nước…như những chiếc lá vàng… mênh mông… bềnh bồng… vô tận…

Chúng tôi được phép xuống phòng ICU để nhìn mặt anh lần cuối cùng. Sau khi Cha làm phép xức dầu và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita sớm về với Chúa thì y tá đến rút ống oxy. Tôi nắm bàn tay mềm mại và còn chút hơi ấm của chồng mà nước mắt tuôn rơi. Tôi than thầm: “ Mình ơi, sao mình nỡ đi trước, bỏ em lại bơ vơ một mình. Mình nhớ cầu xin Chúa sớm rước em đi theo mình nghen mình!!”

Chúng tôi quàn anh tại nhà thờ Dilday Brothers ở đường Beach. Chúng tôi xin cảm tạ tất cả quý Cha, quý thân nhân, bằng hữu đã an ủi, thăm viếng và tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Chúng tôi cũng không quên cám ơn nước Mỹ đã cho những gia đình cựu quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hoà được tị nạn trên miền đất tự do nầy… được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do ứng cử và bầu cử, và được tự do biểu tình v..v..

Chúng tôi nguyện chọn nơi đây là quê hương thứ hai và chúng tôi cũng sẽ gởi nắm xương tàn tại non nước nầy, giống như người chồng, người cha yêu quý của chúng tôi vậy.

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ

Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss

Lễ Mồng Hai Tết tại Gx. Kim Long, Huế

Kính thưa Quý Ông Bà và Anh Chị Em, 

Thiên Chúa đã dành điều răn thứ tư trong 10 điều răn để dạy chúng ta về lòng thảo hiếu. Và Giáo Hội Việt Nam dành Ngày Mồng Hai Tết để kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. Chính Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay đã nhắc việc “thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử[1]. Còn thánh Phaolô trong bài đọc II dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này[2]. Việc cử hành đức thảo hiếu của chúng ta hôm nay có hai phần rõ rệt: một là kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời, hai là quan tâm đến Ông Bà Cha Mẹ đang còn sống.

1) Trước hết, việc kính nhớ nhắc chúng ta biết rằng Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chúng ta đã qua đời có những người nhờ đời sống thánh thiện đã được đưa thẳng lên Thiên đàng hưởng nhan thánh Chúa; nhưng cũng có những người vì thân phận yếu đuối của con người nay đang được thanh luyện trong luyện ngục. Các đấng đang ở trong luyện ngục may mắn không làm chi thêm tội, chỉ phải lo đền trả theo lẽ công bằng cho đến đồng xu cuối cùng[3], và các ngài cũng chẳng làm được chi thêm công phúc cho mình, chỉ trông nhờ vào lời cầu bàu của các thánh trên trời và sự giúp đỡ của chúng ta là con cháu của các ngài đang còn sống, nên tích cực cầu nguyện cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ đã qua đời là bổn phận đức ái và thảo hiếu không thể thiếu. Giáo Lý dạy chúng ta biết rằng Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chúng ta trong luyện ngục phải trải qua những khổ đau dữ dội chẳng khác gì trong hoả ngục, chỉ khác là đau khổ trong luyện ngục có thời hạn và còn hy vọng được nhìn thấy Chúa, còn đau khổ trong hoả ngục là vô tận vì sẽ không bao giờ được nhìn thấy mặt Chúa nữa.

Chúng ta không chỉ nhớ đến các đấng đã sinh thành dưỡng dục mình nên người về phần xác, mà còn phải nhớ đến các đấng sinh thành nuôi dưỡng cùng đào tạo chúng ta trong đức tin và đời sống làm con Chúa nữa, như các linh mục, tu sĩ đã chăm sóc mục vụ cho chúng ta. Chúng ta cũng nhớ đến các ân nhân và mọi người đã chết, nhất là các linh hồn không được ai nhớ đến để cầu nguyện cho, dù lắm khi người thân của họ còn sống đầy dẫy ra đó, quen gọi là các linh hồn mồ côi. Chúng ta cũng không được quên những người mình có liên đới trách nhiệm, những người vì sự thiếu sót, lầm lỗi hay gương mù gương xấu của chúng ta mà giờ đây đang phải đau khổ trong lửa luyện ngục để cầu nguyện cho họ và đền tội chúng ta theo lẽ công bằng. Việc làm này không những lợi ích cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chúng ta và các linh hồn mà còn cho chính cuộc sống đời đời của chúng ta nữa, vì nó nhắc nhở chúng ta thức tỉnh nhìn lại cuộc sống của chính bản thân mình, nhất là trong Mùa Chay thánh vừa khởi đầu, sẽ phải đến trước toà phán xét trả lời Thiên Chúa về tất cả những gì chúng ta đã làm khi còn sống. Cuộc sống hiện tại rất ngắn ngủi so với cuộc sống đời đời, nhưng chính cuộc sống ngắn ngủi này lại quyết định số phận vô tận đằng sau cái chết và mời gọi chúng ta thức tỉnh ngay từ lúc này, thu xếp mọi sự ổn thỏa trước lúc phải ra đi, kẻo muộn mất chăng.

2) Bổn phận thứ hai của chúng ta là phải quan tâm tới Ông Bà Cha Mẹ chúng ta đang còn sống, không được viện bất cứ lý lẽ gì để chước miễn bổn phận thảo hiếu này, kể cả những việc làm liên quan đến chính Chúa, như Chúa Giêsu nghiêm khắc quở trách các biệt phái và các kinh sư “là lấy tập tục của người phàm mà bỏ qua Lời Chúa” chúng ta vừa nghe trong bài Phúc âm hôm nay. Chúng ta phải lo phụng dưỡng Ông Bà Cha Mẹ, sớm viếng tối thăm, thuốc thang khi đau ốm, đỡ đần miếng cơm miếng cháo… đừng để khi Ông Bà Cha Mẹ mất đi rồi hối hận muốn làm gì bù đắp cũng không còn được nữa, và còn bị người đời mỉa mai “khi sống con chẳng cho ăn, khi chết làm văn tế ruồi!” hay “một mẹ nuôi được mười con, mà mười con không nuôi nổi một mẹ!”
Ngoài ra, còn phải biết cộng tác giúp đỡ Ông Bà Cha Mẹ trong công việc thường ngày nữa. Kẻ nào quên bổn phận thảo hiếu sẽ không lớn lên thành người được. Câu chuyện đôi bàn tay của mẹ sau đây nói lên điều đó: Một thanh niên kia học hành đỗ đạt nộp đơn vào chức vụ quản trị một công ty lớn. Anh đã qua được các buổi phỏng vấn, và nay đến lượt ông giám đốc trực tiếp phỏng vấn lần cuối để quyết định nhận hay không nhận. Ông xem xét hồ sơ của anh thấy tất cả đều rất tốt, vì năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học, anh cũng đều xuất sắc, vượt bực. Ông hỏi:
– Anh đã được học bỗng nào?

– Thưa, không ạ.

– Thế cha anh trả học phí cho anh à?

– Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi. Chính mẹ tôi mới là người trả học phí và lo mọi chuyện cho tôi.

– Mẹ anh làm việc gì, ở đâu ?

– Thưa mẹ tôi giặt áo quần cho các tiệm giặt.

Viên giám đốc bảo người thanh niên đưa đôi bàn tay cho ông xem. Anh đưa ra hai bàn tay mịn màng rất đẹp. Ông hỏi:

– Có bao giờ anh giúp mẹ giặt giũ áo quần không?”

– Chưa bao giờ cả, bởi mẹ luôn bảo tôi phải lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi nhiều.

– Tôi có một yêu cầu: Hôm nay về nhà, anh hãy rửa đôi tay mẹ anh và ngày mai anh đến gặp tôi.

Người thanh niên cảm thấy anh có thể làm rất tốt công việc quá dễ dàng này, nên khi vừa về đến nhà, anh liền thưa với mẹ xin được rửa đôi bàn tay của mẹ. Mẹ anh cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng rồi cũng đưa đôi bàn tay cho con trai. Chàng từ từ rửa đôi bàn tay của mẹ. Nước mắt anh bỗng tuôn ràn rụa, bởi đây là lần đầu tiên anh khám phá ra rằng đôi tay nhăn nheo của mẹ đầy những vết chai cứng, sần sùi. Những vết sần này làm bà đau buốt khi đụng tới. Lần đầu tiên trong đời, anh nhận thức được rằng chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này của mẹ đã giúp anh có cái ăn cái mặc, tiền tiêu và trả học phí trong suốt nhiều năm qua. Những vết chai trên đôi bàn tay của mẹ là cái giá phải trả cho những xuất sắc trong học tập, và cho cả tương lai sẽ tới của anh nữa. Sau khi rửa và lau sạch đôi tay của mẹ, anh lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại. Tối hôm đó, hai mẹ con mới chuyện trò thật lâu với nhau. Sáng hôm sau, anh tới gặp ông giám đốc. Ông để ý thấy những giọt nước mắt lưng tròng trên đôi mắt anh và hỏi:

– Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã cảm nhận được hôm qua ở nhà không?

– Tôi đã rửa và lau sạch đôi tay của mẹ tôi như ông yêu cầu, và tôi đã giặt hết phần áo quần còn lại mà hàng ngày mẹ tôi phải làm.

– Thế cảm tưởng của anh như thế nào?

– Bây giờ tôi mới hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn. Nếu không có mẹ, tôi không thể có được như ngày hôm nay. Qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức rằng thật là khó khăn và gian khổ để hoàn tất một công việc. Nay tôi càng biết rõ hơn sự quan trọng và giá trị của quan hệ gia đình.

– Ðây mới là những gì tôi tìm nơi người quản trị công ty. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của người khác và sẵn lòng giúp đỡ người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của người khác để hoàn thành nhiệm vụ, một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất trong cuộc đời mình. Anh là người được tuyển dụng. Tôi rất vui.

Kính thưa Quý Ông Bà và Anh Chị Em,

Xin cho việc kính nhớ và cầu nguyện cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ đã khuất càng thôi thúc chúng ta hết lòng quan tâm tới Ông Bà Cha Mẹ chúng ta đang còn sống, hết lòng hiếu thảo phụng dưỡng, an ủi nâng đỡ các ngài, để các ngài được an vui hạnh phúc trong chuỗi ngày còn lại với chúng ta nơi dương thế, đợi ngày về an hưởng hạnh phúc trong Nhà Cha trên trời. Amen.

Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

[1] Mt 15, 1-6.

[2] Ep 6, 1-3.

[3] x. Lc 12, 59.

Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss

Nhặt chiếc nhẫn rơi – chuyện cổ tích giữa đời thường

Nhặt chiếc nhẫn rơi – chuyện cổ tích giữa đời thường

Một ngày nọ, ông Billy Ray Harris – một người lang thang 55 tuổi, ăn xin tại đầu đường Kansas (năm 1861 được công nhận là tiểu bang 34 thuộc miền Trung nước Mỹ). Một cô gái tên Sarah Darling đi ngang qua, cho vào trong chén của ông một ít tiền, nhưng cô không chú ý rằng chiếc nhẫn trên tay cũng vô tình rơi vào chén.

Sau khi Billy thấy, ông muốn bán chiếc nhẫn đi, có chủ tiệm ra giá 4000 đô-la. Đối với một người lang thang mà nói, đó đúng là một số tiền to lớn, nhưng Billy nghe xong lại do dự…

Sau mấy ngày cân nhắc, Billy quyết định đem chiếc nhẫn trả lại cho người đã mất. Ông ngồi đợi và trả nhẫn lại cho Sarah.

Khi Sarah nhận lại chiếc nhẫn đã mất của mình, cô vô cùng cảm kích, bởi vì đó là chiếc nhẫn đính hôn của cô, ý nghĩa vô cùng to lớn. Để tỏ lòng cảm ơn, Sarah và người chồng hứa hôn của mình quyết định quyên tiền cho Billy, giúp ông có một cuộc sống bình thường như mọi người. Lúc ấy, hai người cho rằng có lẽ được vài ngàn thôi, không ngờ nhiều người sau khi nghe câu chuyện đó, đều rất cảm động, ba tháng sau đã quyên được gần 190 ngàn đô-la.

https://daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2015/02/billy-va-sarah.jpg
Ảnh Billy và vợ chồng Sarah.

Billy dùng số tiền đó mua nhà, mua xe, nhưng vận may vẫn chưa hết.

Sau khi câu chuyện của Billy được truyền thông đưa tin, người chị thất lạc 16 năm thấy ảnh ông trên tivi, cuối cùng đã tìm được ông. Ông cứ nghĩ rằng người chị này đã qua đời.

https://daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2015/02/billy-va-gia-dinh.jpg

Billy và người nhà đoàn tụ.

Cứ như vậy, Billy không chỉ có tiền, tìm lại được gia đình, mà còn có người bạn tốt là Sarah và gia đình cô.

Sau khi Sarah kết hôn, cô có một đứa bé. Cô nói sẽ kể cho con của cô rằng Billy đối với gia đình cô quan trọng thế nào. Hơn nữa, câu chuyện chân thật này sẽ giúp đứa trẻ hiểu được điều gì là đúng, điều gì là sai. Như vậy, nhiều người đã hợp sức để thay đổi cuộc đời một người xứng đáng với sự trợ giúp đó.

Bây giờ, khi mọi người nhìn thấy Billy, họ không phải bố thí nữa, mà là nắm tay ông, chúc mừng ông.

Billy nói, khi nhớ lại nỗi khổ trước kia, ông vô cùng cảm tạ các vị Thần đã cho ông cơ hội này, cho ông quay lại cuộc sống của một người bình thường. Ông sẽ sống thật tốt, để những người trợ giúp ông biết tấm lòng của họ không hề uổng phí.

Đây thật giống một câu chuyện thần thoại, các vị Thần để một kẻ lang thang nhặt được chiếc nhẫn, thử thách lòng tham của ông, kết quả kẻ lang thang vượt qua được cám dỗ, từ đó về sau sống một cuộc sống hạnh phúc.

Qua câu chuyện này, phải chăng có thể nói rằng, khi chúng ta làm việc tốt, bằng cách này hay cách khác chúng ta sẽ luôn nhận được những điều tốt đẹp cho tương lai của mình?

https://daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2015/02/chiec-nhan-thay-doi-van-menh-billy.jpg

Chiếc nhẫn cải biến vận mệnh của Billy

Anh chị Thụ Mai gởi

Canada phá vỡ âm mưu thảm sát ngày Valentines

Canada phá vỡ âm mưu thảm sát ngày Valentines

Nguoi-viet.com

TORONTO, Canada (AP) – Cảnh sát Canada phá vỡ âm mưu của hai nghi can nhằm đến một khu thương xá rồi khởi sự giết càng nhiều người càng tốt trước khi tự sát trong ngày Lễ Tình Nhân ở Halifax, theo một giới chức cảnh sát cao cấp.

Giới chức cảnh sát Halifax họp báo nói về vụ phá vỡ âm mưu thảm sát tại thương xá
đúng vào ngày Lễ Tình Nhân 14 Tháng Hai. (Hình: AP Photo/The Canadian Press, Andrew Vaughan)

Giới chức này, yêu cầu được dấu tên, cho báo chí hay hôm Thứ Bảy rằng cảnh sát nhanh chóng có biện pháp đối phó sau khi nhận được tin báo của công chúng.

Một thanh niên 19 tuổi nổ súng tự tử sau khi cảnh sát đến bao vây căn nhà của anh ta, theo giới chức cảnh sát. Một cô gái 23 tuổi ở thành phố Geneva, tiểu bang Illinois, bị bắt ở phi trường Halifax và thú nhận âm mưu này. Nguồn tin cảnh sát cho biết thêm là cô ta đã chuẩn bị một loạt các thông báo để gửi qua tweet sau khi tự tử.

Hai người này có vẻ bị thu hút bởi sự chết chóc và có nhiều hình ảnh về các vụ thảm sát, theo cảnh sát.

Bộ trưởng Cảnh Sát và Tư Pháp Canada, ông Peter MacKay, cho hay âm mưu này không liên hệ đến khủng bố Hồi Giáo.

“Đây có vẻ là hành động của những kẻ muốn tạo sự tàn hại trong cộng đồng chúng ta,” ông MacKay nói, cho biết thêm là nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể đã gây ra nhiều thương vong.

Cảnh sát cũng nói rằng có hai thanh niên khác ở Nova Scotia, 17 và 20 tuổi, cũng liên hệ trong vụ này nhưng chưa rõ vai trò của họ là gì.

Bộ Trưởng Nội An Canada, ông Steven Blaney, hoan nghênh sự hợp tác của cảnh sát Canada và thành phố Geneva, tiểu bang Illinois cũng như các nhân viên biên phòng. Sở cảnh sát thành phố Geneva trong bản thông cáo gửi tới báo chí cho hay họ không có hồ sơ gì về cô gái Mỹ trước đó. (V.Giang)

HAPPY VALENTINE’S DAY

 

 

 

 

 

 

httpv://www.youtube.com/watch?v=Jqg1u4A29tw&index=8&list=PLfe9JTtbGcgVZvT3zQDDW0fWaNHXsGSZl

Hay Noi Voi Nhau -Valentine-DuyHan

httpv://www.youtube.com/watch?v=PS716dHotZs&index=10

Love Story -Minh Ngoc Piano -HAPPY VALENTINE-Loi Ngot Ngao Yeu Thuong-DuyHan

Đức Mẹ Tuyết

Đức Mẹ Tuyết

Kính chuyển đến  một tấm hình có ý nghĩa được chụp Department of Cancer tại bệnh viện Lòng Thương Xót (Hoa Kỳ).

Tuyết rơi bao phủ tượng Đức Mẹ.

Khi tuyết tan thì còn đọng lại nơi đầu, vòng cổ và tay của Đức Mẹ.

Nhìn giống như là Đức Mẹ đang “cõng” một bệnh nhân.

Mẹ là Nắng Ấm:

httpv://www.youtube.com/watch?v=I0btUPJoAhk

P.Trung

Although the snow is beginning to melt, we wanted to share this photo sent last week by our friend Dennis Shea of Council Bluffs. The photo is of the Blessed Virgin Mary statue at Mercy Hospital in Council Bluffs. With the snow covering the statue, it almost appears that Mary is carrying a young person on her back. Interestingly, the statue rests outside the hospital’s Cancer Treatment Center. God bless you all today!