THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO, NHÂN DỊP ĐẠI LỄ PHỤC SINH 2015

THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO, NHÂN DỊP ĐẠI LỄ PHỤC SINH 2015

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

trực thuộc

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

_________________________________________________________________________

72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh

Email: [email protected]; Đt: 098 250 4545

Các con rất thân mến,

Nhân dịp Đại lễ Phục Sinh, Cha viết thư thăm các con. Xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho các con ơn an bình và niềm vui của Ngài và khơi lên trong các con lòng hăng say thông truyền sự an bình và niềm vui đó cho tha nhân, nhất là cho các bạn sinh viên, học sinh của các con.

Niềm vui Chúa Giêsu Phục Sinh đem đến cho nhân loại đặt nền tảng trên chính Chúa nên không tùy thuộc vào ngoại cảnh. Người ta có thể nếm được niềm vui và sự an bình trong tâm hồn giữa những đau khổ của cuộc đời. Điều này đã được Chúa nói cho các môn đệ trước khi Ngài chịu nạn: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Sau khi Chúa phục sinh, thánh Gioan thuật lại việc các môn đệ Chúa họp nhau trong nhà, “các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói : ‘Bình an cho anh em!’ Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,19-20).

Nếu nhìn vào thực tế cuộc sống, các con sẽ thấy còn quá nhiều người đau khổ, không biết sự bình an và niềm vui là gì, không phải chỉ vì họ nghèo đói hay bệnh tật, nhưng còn vì họ bị sức mạnh của sự dữ áp bức tâm hồn. Nhiều người khi đau khổ thì tin tưởng chạy đến với Chúa và Đức Mẹ để tìm sự an bình. Cha muốn đọc với các con lời cầu xin tha thiết của một người trong cơn gian nan và yếu đuối:

Con tạ ơn Chúa và Mẹ đã ban cho con nhiều ơn. Bây giờ con cũng còn nhiều khó khăn lắm. Nay con dâng lên cho Chúa và Mẹ nỗi buồn của con. Xin Chúa và Mẹ chạnh lòng thương đứa con tội lỗi này đã xúc phạm đến Chúa và Mẹ quá nhiều. Xin Chúa và Mẹ cứu giúp con trong cơn ngặt nghèo, trong cơn bế tắc đường cùng. Xin Mẹ cứu giúp con, xin Mẹ hiểu thấu lòng con. Chỉ có Chúa và Mẹ ra tay con mới được bình an”.

Nhưng cũng có những người khi đau khổ thì thất vọng, không biết bám víu vào đâu và để mặc cho sức mạnh sự dữ lôi kéo. Sự dữ giống như một thứ “ma túy”, vừa quyến dũ, vừa tàn phá. Trong khi đó, con người lại hết sức yếu đuối. Người ta không chỉ ngã quỵ trước sức mạnh của sự dữ, mà dường như còn đua nhau chạy theo sự dữ.

Trong mọi hoàn cảnh, sứ mệnh của chúng ta, những môn đệ Chúa, vẫn là nói cho người ta biết, nhắc cho người ta nhớ, giải thích cho người ta hiểu để họ chấp nhận tình yêu của Chúa Giêsu là Đấng thương yêu nhân loại đến nỗi đã dâng tặng chính mình như của ăn (x. Mc 14,22-24) để nâng đỡ, để đem an bình và hạnh phúc đến cho mọi người. Đây là tình yêu của chính Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại vô điều kiện: thương yêu, dâng tặng, tha thứ, cứu vớt. Chỉ có tình yêu này mới có thể xóa tan sức mạnh của sự dữ và nâng dậy tâm hồn con người.

Các con quý mến, sứ mệnh loan truyền tình yêu cứu độ của Chúa là một bổn phận rất khó khăn vì nhiều người không tin Thiên Chúa thương yêu loài người vô điều kiện và không tin chỉ có tình yêu mới xây đắp, kiến tạo và là suối nguồn đích thực của hạnh phúc. Do đó, người ta làm ngơ trước tình yêu trời bể của Thiên Chúa và nhiều khi còn tìm cách loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống; người ta miệt mài tìm kiếm lợi lộc và thú vui cho dù có phải hy sinh gia đình, bạn bè hoặc loại trừ người khác; người ta nhắm mắt làm ngơ trước những người yếu kém, nghèo đói, đau khổ. Nhưng vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn vì có khi chính các môn đệ của Chúa cũng không tin vào sức mạnh tình yêu của Chúa, nên có khi đã sử dụng những phương tiện và cách thức tiêu cực của loài người, kể cả bạo lực, để giải quyết các vấn đề (x. ĐTC Gioan Phaolo II, Tông thư « Ngàn Năm Thứ Ba đang tới », số 35-36).

Sứ mệnh này tuy khó, nhưng có thể thực hiện được, vì Chúa đã quả quyết với các môn đệ của Người: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, các con có thể chuyển núi rời non” (Mt 17,20, x. Mt 21,21). Tình yêu cứu  độ của Thiên Chúa không những là sức mạnh, mà còn là sức mạnh vô song. Đó là sức mạnh của tình yêu thần linh dâng hiến trọn vẹn, có sức thay đổi lòng người và đây cũng chính là lòng tin của Đức Mẹ, Đấng đã được xưng tụng là người có phúc vì đã tin (x. Lc 1,45).

Với lòng tin tưởng, Cha mời gọi các con hãy là Sứ giả của Tình yêu Chúa cho mọi người các con gặp, ở mọi nơi các con tới. Nhờ vậy, các con sẽ được nghe lại lời của Thiên Chúa đã nói xưa kia trong sách ngôn sứ Isaia như thể Ngài nói hôm nay cho chính các con: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng : ‘Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị’” (Is 52,7).

Với lòng quý mến, Cha chào các con và chúc các con mừng Đại lễ Phục Sinh với niềm vui, bình an và hạnh phúc của Chúa. Xin Mẹ Maria che chở và giúp các con gìn giữ, bảo vệ niềm vui, sự bình an và hạnh phúc của Chúa Giêsu Phục Sinh trong lòng các con.

Ngày 27 tháng 3 năm 2015

+ Giuse Đinh Đức Đạo

Giám mục Phụ tá Gp Xuân Lộc

Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo

Tác giả: + GM. Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo

Khách hàng khuyết tật bị kỳ thị

Khách hàng khuyết tật bị kỳ thị

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-04-04

Khách hàng khuyết tật bị kỳ thị Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

viet_jet_air-622.jpg

Chị Vân (ngồi xe lăn) ngồi chờ ở sân bay Đà Nẵng hôm 2/4 vì bị Vietjet Air từ chối vận chuyển.

Courtesy photo

Your browser does not support the audio element.

Công khai từ chối phục vụ người khuyết tật

Hãng hàng không VietJet Air đã công khai từ chối phục vụ người khuyết tật, không cho khách hàng lên phi cơ trên chuyến về mặc dù hành khách này mua vé hai chiều. Hành động được xem là kỳ thị này đang được hàng ngàn người theo dõi.

Chị Nguyễn Thảo Vân, một người khuyết tật nặng và hiện là Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Xã hội Nghị lực sống từ Hà Nội bay đi Đà Nẵng do hãng VietJet Air bán vé hai chiều nhưng khi quay trở về thì cũng chính hãng bay này từ chối không cho chị lên phi cơ với lý do hãng không có hệ thống phục vụ người khuyết tật mặc dù chị mua vé khứ hồi.

Nếu như cái quy định của VietJet Air là người khuyết tật nặng không được đi weelchair của hãng thì tại sao lại đồng ý chuyển tôi từ Hà Nội vào Đà Nẵng ngày hôm trước? Vì cái vé của tôi là tôi mua khứ hồi chứ không phải vé một chiều.
-Nguyễn Thảo Vân

Cùng đi với chị Vân là người trợ giúp Ngô Thị Huyền Minh, trước hành động này hai người đã phải nằm vật vạ tại sân bay nhiều giờ đồng hồ. Nhân viên hãng bay VietJet là Lê Vũ Nhiệm cùng Lê Nguyễn Minh Tuyết đã cương quyết từ chối không giúp cho chị Thảo Vân và còn đồng ý để chị Huyền Minh dùng điện thoại quay lại những tranh luận giữa hai bên và sau đó bỏ lên facebook riêng của Thảo Vân. Nói với chúng tôi chị Thảo Vân cho biết:

“Hôm qua đi từ Đà Nẵng về lại Hà Nội tôi bị công ty VietJet Air từ chối vận chuyển với lý do là không vận chuyển trên weelchair cabin. Khi tôi nói tôi không cần đi weelchair cabin vì lúc nào tôi cũng có một người trợ giúp đi cùng thì người ta giải thích rằng: Không, đi weelchair cabin có nghĩa là người khuyết tật không thể di chuyển được trên máy bay. Xong rồi tôi hỏi nếu như cái quy định của VietJet Air là người khuyết tật nặng không được đi weelchair của hãng thì tại sao lại đồng ý chuyển tôi từ Hà Nội vào Đà Nẵng ngày hôm trước? Vì cái vé của tôi là tôi mua khứ hồi chứ không phải vé một chiều. Đến lúc ấy người ta bảo rằng đó là do đầu cầu Hà Nội làm sai. Khi người ta nói như thế tôi tiếp tục hỏi nếu đầu cầu Hà Nội sai thì VietJet Air phải có cách nào đó để chỉ cho khách hàng thì người ta bảo sẽ hoàn tiền lại 100% và tôi tự xử lý chứ còn người ta không có chịu trách nhiệm về chuyện đó và không có liên quan gì đến sân bay Đà Nẵng hết. Đà Nẵng đã làm đúng quy định của hàng không còn tôi thích làm gì thì cứ làm.”

ntv-400.jpg

Chị Thảo Vân trong một lần làm từ thiện. Courtesy photo.

Do mua vé về lại Hà Nội để đi ngay nên giá rất cao vượt khỏi khả năng tài chánh của mình, Thảo Vân phải gọi bạn chị tại Hà Nội để mua vé quay về từ hàng không Air Vietnam, chị Thảo Vân cho biết:

“Tôi không có tiền trong người. Vé vào giờ chót rất là đắt hơn hai triệu một người, hai người hơn 4 triệu tôi không có đủ tiền trong người nên phải gọi điện về Hà Nội để kêu cứu bạn đi mua vé hộ cho tôi.”

Ngay sau khi vụ việc xảy ra dư luận mạng xã hội đã nổi lên trận sóng chống đối hãng bay VietJet Air do sự kỳ thị người khuyết tật hết sức lộ liễu của hãng bay này. Phản ứng trước tiên là của chính VietJet, đại diện của hãng này cho biết sẽ kỷ luật hai nhân viên của họ vì thái độ không phù hợp với khách hàng tuy nhiên lại cho rằng việc từ chối phục vụ người khuyết tật nặng của VietJet Air là bình thường vì theo thông lệ chung của các hãng hàng không, hành khách hạn chế khả năng di chuyển khi đi máy bay thì cần phải đặt dịch vụ hỗ trợ trước một khoảng thời gian nhất định để các hãng hàng không liên hệ với các dịch vụ sân bay và chuẩn bị các điều kiện về nhân lực và trang thiết bị để hỗ trợ phục vụ. Trên thực tế, các sân bay ở Việt Nam sẽ không có đủ trang thiết bị hỗ trợ (xe nâng và các phương tiện khác) nếu cùng lúc có vài chuyến bay có khách hàng cần sự trợ giúp.

Trái quy định?

Ngay sau khi lời phân trần vô lý này đưa ra Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà cho báo chí biết ở Khoản 2, Điều 145 Luật Hàng không dân dụng năm 2006 quy định về nghĩa vụ của người vận chuyển đối với người khuyết tật có ghi rõ: “hãng hàng không phải quan tâm, chăm sóc hành khách, đặc biệt đối với hành khách là người khuyết tật hoặc cần sự chăm sóc trong quá trình vận chuyển”.

Cùng với Nghị định của Chính phủ ra ngày 10-4-2012 quy định chi tiết hơn “Đơn vị tham gia vận tải công cộng có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện. Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả hành khách tại những nơi dễ thấy”.

Tôi muốn hỏi lý do tại sao, tôi muốn có chính sách phù hợp về sau này. Vấn đề của tôi tôi sẽ không đi VietJet Air nữa nhưng mà sẽ có những người khuyết tật khác khi người ta muốn di chuyển thì người ta muốn được tôn trọng và hỗ trợ đúng mức.
-Nguyễn Thảo Vân

Từ những quy định chặt chẽ này cho thấy hãng bay VietJet Air đã sai phạm khi không xây dựng hạ tầng phục vụ người khuyết tật trên phi cơ cũng như tại phi trường mà còn tự tiện ra quy định riêng gây khó khăn cho người khuyết tật.

Thái độ ứng xử của hai nhân viên hãng VietJet phản ảnh lại những gì mà hãng bay này đã huấn luyện cho họ.  Cả hai tỏ ra rất tự tin khi đã làm đúng những gì đã học. Việc kỷ luật nhân viên và đưa ra lời giải thích sai lạc là biện pháp đối phó tạm thời nếu vẫn còn lập luận cho rằng người khuyết tật phải thông báo trước mới được phục vụ.

Chị Thảo Vân cho rằng hành động này là xâm phạm cá nhân chị và kỳ thị người khuyết tật một cách lộ liễu, chị nói:

“Chẳng ai có thể tưởng tượng nỗi là người ta lại có thể đối xử bất công với người khuyết tật như vậy. Người ta đều nói đây là một sự kỳ thị xâm phạm quyền của người khuyết tật, xâm phạm nhân quyền. Bản thân tôi cảm thấy mình bị vô cùng kỳ thị. Tôi có sự so sánh bởi vì tôi từng trải nghiệm ở nước ngoài cho nên lúc nào tôi cũng cảm thấy tại sao lại vô lý như vậy? Tại sao mình được chào đón bởi những người xa lạ ở một đất nước khác thế mà ở ngay trên đất nước của mình tôi lại bị người ta coi thường, bị người ta từ chối phục vụ từ chối cung cấp dịch vụ?”

Trước khi công bố trước công luận kỷ luật hai nhân viên của mình, hãng bay VietJet Air đã gọi cho chị Thảo Vân để thương lượng chị không đem vấn đề này lên thông tin đại chúng, chị Thảo Vân kể:

“Khi người ta đàm phán với tôi để bồi thường cho tôi dừng chuyện này thì tôi không đồng ý. Tôi bảo cái này bây giờ không phải là vấn để của cá nhân tôi muốn. Tôi muốn hỏi lý do tại sao, tôi muốn có chính sách phù hợp về sau này. Vấn đề của tôi tôi sẽ không đi VietJet Air nữa nhưng mà sẽ có những người khuyết tật khác khi người ta muốn di chuyển thì người ta muốn được tôn trọng và hỗ trợ đúng mức.”

Câu chuyện của chị Thảo Vân một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của mạng xã hội và cách ứng xử quen thuộc của các tập đoàn kinh doanh đối với khách hàng cần phải xem xét lại. Mọi biểu hiện xem thường khách hàng đều phải trả giá, nhất là khách hàng bị xâm phạm lại là người khuyết tật.

Người Việt Nam ăn nhậu đứng đầu Ðông Nam Á

Người Việt Nam ăn nhậu đứng đầu Ðông Nam Á

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) Trong khu vực Ðông Nam Á có 10 nước, Việt Nam đứng thứ 8 về kinh tế, nhưng lại đứng đầu về tăng trưởng ngành rượu bia.

Theo tờ Tuổi Trẻ, đó là thông tin được bà Vũ Thị Minh Hạnh, phó viện trưởng Viện Chiến Lược và Chính Sách Y Tế cho biết tại “Hội thảo cập nhật thông tin về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia tại Việt Nam” diễn ra ngày 2 tháng 4, 2015.


Kể từ 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong số các nước có tăng trưởng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tin cho hay, Việt Nam đứng đầu khu vực Ðông Nam Á về tăng trưởng ngành rượu bia, với khoảng $3 tỷ/năm chi cho bia và khoảng $550,000/năm (tính theo mức giá rẻ nhất) cho rượu nhà máy. Riêng lượng rượu tự nấu nhiều chục triệu lít/năm chưa đánh giá được con số chính xác.

Bà Hạnh cho biết, lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm vừa qua, quy ra rượu khoảng 6.2 lít/người/năm, trong khi Việt Nam tăng trưởng theo đường thẳng đứng, do năm 2010 ở mức 6.6 lít/người/năm, gần gấp đôi giai đoạn 2003-2005 là 3.8 lít. Và hiện nay, lượng bia rượu sử dụng tại Việt Nam đang tiếp tục tăng và dự báo đến 2025 sẽ ở mức 7 lít/người/năm.

Trong khi đó, bà Trần Thị Trang, phó vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Y Tế, cho hay rượu bia đang liên quan trực tiếp đến 3 loại ung thư và gián tiếp với 7 loại ung thư khác tại Việt Nam, gây số người bệnh tật và tử vong xếp thứ 4, bên cạnh các nguyên nhân như tai nạn giao thông, bệnh tật khác.

Bà Trang cho biết thêm, trong luật phòng chống tác hại bia rượu của Việt Nam đang được xây dựng, dự kiến sẽ áp dụng hạn chế giờ bán bia rượu ở một số khu vực thí điểm; hạn chế tuổi được mua bia rượu… (Tr.N)

Gương mặt Chúa Jesus xuất hiện sau vết lở núi

Gương mặt Chúa Jesus xuất hiện sau vết lở núi

Sự kiện: Chuyện lạ Thế giới

Những người chứng kiến gọi đây là “phép màu” mà Chúa đã tạo ra.

Một trận lở đất nhỏ tại khi vực núi San Francisco thuộc Putumayo, Colombia vào thứ 7 ngày 21.03 vừa qua đã vô tình tạo nên cảnh tượng rất giống gương mặt của Chúa Jesus trên nền đất.

Chỉ sau hai ngày những hình ảnh về vụ lở đất được đăng lên mạng, đã có rất nhiều du khách, bao gồm cả các giáo dân và người bình thường kéo tới đây xem vì tò mò.

Gương mặt Chúa Jesus xuất hiện sau vết lở núi - 1

Gương mặt Chúa Jesus xuất hiện sau một trận lở đất ở San Francisco.

Cũng vì lượng người đổ về quá đông nên người dân địa phương đã bắt đầu thu phí những ai hiếu kỳ muốn được một lần chiêm ngưỡng “gương mặt của Chúa”. Cảnh sát khu vực cũng được cử tới để kiểm soát đám đông và du khách.

“Nếu bạn tin vào Chúa, bạn sẽ nhìn thấy được hình ảnh đó”, Ximena Rosero Arango, một nhiếp ảnh gia tới đây chụp ảnh đã nói với phóng viên. Gương mặt trên nền đất bao gồm đầy đủ hai mắt, mũi và miệng được tạo thành hoàn toàn tự nhiên bởi đất đá xung quanh.

Tuy vậy, vẫn có không ít người hoài nghi rằng hình ảnh trên được tạo ra từ bàn tay con người với mục đích nào đó, còn với những người theo đạo Thiên Chúa, họ tin rằng đây là một phép màu diệu kỳ hiện hữu ngay trong đời sống của chúng ta.

Theo Thanh Tuấn (Mirrorr / Danviet.)

Bài giảng lễ Tiệc Ly của Đức Thánh Cha Phanxicô

Bài giảng lễ Tiệc Ly của Đức Thánh Cha Phanxicô

– Tin nổi bật, Bài Giảng

VRNs (03.04.2015) – Sài Gòn- Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Tiệc Ly chiều qua, Thứ Năm Tuần Thánh tại  nhà tù Rebibbia ở Rôma

Thứ năm này, Đức Giêsu đồng bàn với các môn đệ, để mừng kỷ niệm lễ Vượt Qua. Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe có một từ quan trọng là tâm điểm về những gì Chúa Giêsu đã làm cho tất cả chúng ta. “Ngài yêu thương họ cho đến cùng (x.Ga 13,2). Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Tình yêu này không giới hạn, yêu đến cùng. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta là tình yêu vô hạn. Ngài không bao giờ mỏi mệt để yêu chúng ta. Ngài yêu tất cả chúng ta đến hiến mạng sống của Ngài. Vâng, Ngài trao ban sự sống của Ngài cho tất cả chúng ta. Và mỗi người trong chúng ta có thể nói rằng: “Ngài ban sự sống của Ngài cho tôi”. Ngài đã hiến thân mình cho từng người trong anh chị em, cho tôi cho mỗi người, từ người trước hết cho tới kẻ sau rốt vì tình yêu của Ngài là dành cho từng cá nhân chúng ta.

Tình yêu của Chúa Giêsu không bao giờ lừa dối vì Ngài không bao giờ mỏi mệt để yêu, cũng như không bao giờ mỏi mệt trong việc tha thứ, Ngài không bao giờ mỏi mệt ôm chúng ta vào lòng. Đây là điều trước hết tôi muốn nói với anh chị em: Chúa Giêsu yêu mỗi người trong anh chị em “đến cùng.”

Và rồi Ngài làm một việc mà các môn đệ không hiểu đó là rửa chân cho họ. Đó là phong tục vào thời đó khi người ta đến nhà ai, bàn chân họ dơ bẩn vì bụi đường. Không có con đường nào lót đá như bây giờ cả!

Và ở lối vào của ngôi nhà, khách bộ hành sẽ phải rửa chân. Người nô lệ sẽ làm việc này cho khách. Đó là công việc của kẻ nô lệ. Và Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, như một người nô lệ. Và Ngài nói với Phêrô: “Những gì Thầy đang làm, bây giờ anh em không hiểu nhưng sau này anh em sẽ hiểu” (Ga 13, 7).

Tình yêu của Chúa lớn đến nỗi Ngài trở nên như kẻ nô lệ để phục vụ chúng ta, để chữa lành chúng ta, để làm sạch chúng ta. Và hôm nay, trong Thánh Lễ này, Giáo hội muốn các linh mục rửa chân cho 12 người, tượng trưng cho 12 môn đệ vào lúc đó. Tâm hồn chúng ta phải xác tín chắc rằng khi Chúa rửa chân cho ta, Ngài đã tẩy sạch mọi thứ cho chúng ta, Ngài thanh tẩy chúng ta! Ngài cho chúng ta cảm nhận một lần nữa về tình yêu của Ngài.

Trong Kinh Thánh có một câu từ miệng ngôn sứ Isaia diễn tả về Thiên Chúa rất đẹp. Câu ấy nói rằng: “Không người mẹ nào quên con của mình. Dẫu cho có người mẹ nào quên con mình, thì Ta cũng không quên ngươi!” (Is. 49:15). Đó là cách Thiên Chúa yêu chúng ta.

Và tôi sẽ rửa chân 12 người trong anh chị em tượng trưng cho tất cả anh chị. Tất cả mọi người trong anh chị em! Tất cả mọi người sống ở đây. Nhưng tôi cũng có nhu cầu được Thiên Chúa làm sạch. Anh chị em hãy cầu nguyện trong Thánh lễ hôm nay để Thiên Chúa cũng làm sạch những rác rưởi trong tôi, để tôi có thể trở thành kẻ đầy tớ của anh chị em, kẻ đầy tớ phục vụ tất cả mọi người như chính Chúa Giêsu.

Hoàng Minh, VRNs

Cô Giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet

Cô Giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet

Báo chí Việt Nam gần đây đưa tin một giáo viên dạy văn tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam, là thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh, bị cho thôi việc vì “sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà Nước.

Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-06-04

 

vtg0604.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

cogiaohanh-06022009-305.jpg

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh.

Photo courtesy of blog Gió Mới

Cô Hạnh còn bị buộc tội “xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục.”

Chúng tôi liên lạc với nhà giáo này để tìm hiểu sự việc. Cô cho biết, cô tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại Học Đà Lạt với luận văn có đề tài “Hoàng Cầm Trong Tiến Trình Thơ Việt Nam Hiện Đại.”  Và cô cũng nói rằng, chính cô đã chọn Quảng Nam làm mảnh đất khởi đầu cho nghề dạy học của mình. Xin giới thiệu bài phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với cô Nguyễn Thị Bích Hạnh sau đây.

” Quyết định này không rõ ràng. Bản thân họ, những người ra quyết định, cũng không hiểu rõ những chuyện giữa tôi và học trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh”

Bị điều tra và buộc thôi việc

Thiện Giao: Xin được hỏi, các danh từ “thôi việc,” “đuổi việc,” và “ngưng hợp đồng,” danh từ nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của chị?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi nghĩ không có danh từ nào phù hợp với hoàn cảnh của tôi cả.

Tôi nghĩ tôi làm việc với tinh thần nghiêm túc và với tâm huyết của một nhà giáo. Quyết định của Sở Giáo Dục làm tôi không hài lòng.

Quyết định này không rõ ràng. Bản thân họ, những người ra quyết định, cũng không hiểu rõ những chuyện giữa tôi và học trò. Họ chỉ nghe thông tin từ học trò, từ công an và từ những người khác. Họ làm việc với nhau rất lâu, và rồi đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.

Tôi thấy rằng hành động của họ là vi phạm quyền dân chủ và không tôn trọng nhân quyền. Họ xử lý công việc liên quan đến tôi mà không hỏi ý kiến tôi và ngay khi công an điều tra sự việc, họ cũng không gặp tôi. Họ chỉ áp lực sang Sở và Sở đưa đến quyết định như vậy.

Thiện Giao: Cơ quan nào có tiếng nói quyết định trong vụ của chị?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Cơ quan có tiếng nói quyết định trong sự thôi việc tôi là Sở Giáo Dục. Nhưng trước đó thì Sở không biết điều gì cả. Công an điều tra trước, điều tra học trò rất kỹ, rất lâu. Sau đó thì họ gặp Hiệu Trưởng, làm việc với Giám Đốc Sở, và Sở đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.

Thiện Giao: Giữa chị và trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có hợp đồng làm việc không?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi về tỉnh Quảng Nam theo diện thu hút nhân tài. Sở Giáo Dục phân tôi về trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

****

Quý vị đang theo dõi cuộc phỏng vấn Đài chúng tôi với cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Bích Hạnh, người vừa bị cho thôi việc tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vì “xuyên tạc đường lối của Đảng … truyền bá trang web phản động …” Thạc sĩ Bích Hạnh cho biết cô khuyến khích học trò chuyên của mình bớt chơi game mà nên dành thời gian tìm kiếm tri thức trên mạng. Cô đã giới thiệu với học trò các website, chẳng hạn talawas, Hợp Lưu, Tiền Vệ. Liên quan đến luận văn thạc sĩ, cô Bích Hạnh cũng nhận định “Nhân Văn Giai Phẩm cùng nhóm Sáng Tạo là 2 nhóm có khả năng cách tân thơ, cách tân nền văn học Việt Nam. Tiếc rằng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã bị dập tắt nhanh chóng…” Xin tiếp tục theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.

***

” Khi dạy xong theo phân phối chương trình, tôi có nói rằng các bạn về nhà, đào sâu, tự nghiên cứu, tự tìm tòi thêm về tác phẩm. Các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu trên mạng vì hiện nay trên mạng có nhiều bài viết đăng tải thông tin rất thú vị.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh”

Tuyên truyền chống Nhà nước?

Thiện Giao: Báo chí nói chị có những bài giảng không đúng đường lối chính sách luật pháp của Nhà Nước. Theo trí nhớ, chị có nói những điều như vậy với học trò của mình?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi có nói, nhưng với nội dung thế này. Khi lên lớp, tôi dạy bài “Hai Đứa Trẻ,” một bài tiếng Việt, một bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

“Hai Đứa Trẻ” là bài giảng văn rất hay, nhưng thời lượng không cho phép. Khi dạy xong theo phân phối chương trình, tôi có nói rằng các bạn về nhà, đào sâu, tự nghiên cứu, tự tìm tòi thêm về tác phẩm. Đây là một tác phẩm hay, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu trên mạng vì hiện nay trên mạng có nhiều bài viết đăng tải thông tin rất thú vị.

Tôi cũng nói không phải bài viết nào trên mạng cũng hay. Có những bài hay, nhưng cũng có những bài chúng ta đọc và chọn lựa thông tin.

Tôi có nói các bạn cần cẩn thận với thông tin trên mạng, vì gần đây “cô đọc một bài viết trên mạng của giáo sư Lê Hữu Mục nói rằng Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác Hồ.”

Tôi nói các bạn cần cẩn thận khi xử lý thông tin. Lúc đó, một em học sinh phát biểu rằng Bác Hồ là thần tượng của cả dân tộc, tại sao lại có thông tin như vậy. Tôi trả lời, rằng “cô tin sự thật, cái đẹp, chân lý luôn luôn tồn tại, cho dù ai đó có tìm cách phủ nhận, nó vẫn tồn tại.”

Tiếp theo, tôi dạy tiết “phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.” Tôi nói với học trò, cách trả lời phỏng vấn rất quan trọng. Nó cho người ta biết người trả lời phỏng vấn có kiến thức bao nhiêu, văn hóa như thế nào, văn hóa ứng xử ra sao.

” Khi đưa ra quyết định, họ kết tội tôi hạ bệ lãnh tụ và cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài để làm diễn biến hòa bình.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh”

Tôi có lấy một ví dụ bên lề, là khi Nông Đức Mạnh ra nước ngoài, có người hỏi “ở Việt Nam nhiều người nói ông là con Bác Hồ, ông nghĩ sao về điều này.” Tôi nói với học sinh, tôi nghe phong phanh ông ta không nói có, cũng không trả lời không, chỉ trả lời “ở Việt Nam, ai chẳng là con, là cháu bác Hồ.”

Tôi chỉ dạy học trò cách trả lời phỏng vấn. Tôi không có ý định nói Bác Hồ có con riêng hay chuyện này chuyện kia. Nhưng Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Quảng Nam nói cô Hạnh nói Bác Hồ có con riêng, và Tuyên Ngôn Độc Lập và Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác. Đồng thời còn có một nội dung trong đó cô nói không nên thần thánh hóa Bác Hồ.

Tôi không nói là không nên thần thánh hóa bác Hồ. Tôi nói rằng mọi thiên tài đều là con người. Trước khi nhìn nhận là một thiên tài, hãy nhìn nhận họ dưới góc cạnh một con người để thấy chất người trong con người của họ. Tôi không hề có ý định hạ bệ lãnh tụ hay xuyên tạc, phản động. Nhưng Ban Tuyên Giáo kết luận tôi nói 4 nội dung như thế.

Khi đưa ra quyết định, họ kết tội tôi hạ bệ lãnh tụ và cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài để làm diễn biến hòa bình.

Thiện Giao: Bây giờ chị định như thế nào?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Khi nhận quyết định, tôi nghĩ tội này là tội của một ai đó chứ không phải tội mà người ta gán ghép cho tôi. Vì vậy, tôi có ý định viết bài, đăng báo và gởi đơn khiếu kiện lên Sở, yêu cầu Sở giải trình nguyên do dẫn tới buộc thôi việc tôi.

Thiện Giao: Xin cám ơn thời gian của chị.

60 cách để biết mình là người gốc VN.

60 cách để biết mình là người gốc VN.

1. Là học trò giỏi điểm cao trong lớp.

2. Môn học chính là: Y Khoa, Kỹ Thuật hay Kế Toán..

3. Có nhiều bằng Ðại Học, hay ít nhất một bằng.

4. Nếu học nhạc sẽ học piano.

5. Bàn ăn ở nhà phủ bằng tấm nhựa.

6. Bếp ở nhà bọc bằng giấy nhôm.

7. Bếp núc lúc nào cũng dính mỡ.

8. Ðánh trứng bằng đũa.

9. Ðể giầy ngoài cửa.

10. Máy rửa chén dùng để đựng bát đĩa.

11. Nhà lúc nào cũng có bình thuỷ trữ nước nóng.

12. Ðun nước sôi để nguội để dành uống.

13. Ăn trong bếp để tránh làm dơ bàn ăn.

14. Nấu ăn không đo, mà lường bằng mắt.

15. Ðể dành túi shopping bag để bỏ rác.

16. Nấu cơm bằng nồi điện.

17. Xào bằng chảo.

18. Dành nhau trả tiền trong tiệm ăn.

19. Vo gạo ít nhất là hai lần trước khi nấu cơm.

20. Húp canh sùm sụp.

21. Không sấy khô áo quần trong máy mà phơi.

22. Ủi lấy quần áo của mình.

23. Thích cháo tiều mìn tản (hột vịt vạn niên).

24. Nấu lấy cơm ăn dù ghét vào bếp.

25. Dùng credit card nhưng cuối tháng thanh toán hết.

26. Cất hết tiền vào một trương mục tiết kiệm.

27. Mua thiệp giáng sinh sau mùa để được bớt nửa tiền, dành xài cho năm tới.

28. Rửa bát bằng tay vẫn chỉ dùng nước lạnh.

29. Cố ăn để khỏi vứt đồ thừa.

30. Dùng hộp nhựa margarine để trữ đồ ăn trong tủ lạnh.

31. Mua giấy đi cầu thật nhiều lúc sale để dành.

32. Sưu tập lọ shampoo nhỏ của khách sạn khi đi du lịch.

33. Mang theo đồ ăn lên xe mặc dù chỉ lái một chặng ngắn..

34. Bao nylon ở siêu thị bọc đồ ăn để dành trong tủ lạnh .

35. Dùng bịch đường lấy Second Cup khi uống cà phê.

36. Nhả xương ra bàn trong tiệm ăn ở phố Tầu.

37. Ông Bố nghĩ mình lúc nào cũng có thể sửa bất cứ cái gì hư trong nhà.

38. Bà Mẹ lái xe Mercedes đi kiếm đồ sale.

39. Nhiệt độ trong nhà lạnh mùa lạnh, nóng mùa nóng.

40. Tranh nhau hát Karaoke.

41. Mở sách directory ra tìm số phone, chứ không chịu tốn 50 xu quay số 411.

42. Ăn tôm cả vỏ.

43. Chỉ gọi điện thoại viễn liên bằng cách rẻ nhất và giờ rẻ nhất.

44. Chỉ phone bố mẹ khi cần thiết chứ không phone để hỏi thăm sơ.

45. Chỉ thích lái xe Ðức hoặc xe Nhật.

46. Nhịn cho thật đói trước khi đi ăn buffet.

47. Ðã từng bị vào hội mua CD.

48. Không bao giờ chịu bàn về đời sống riêng tư của mình với cha mẹ.

49. Không dùng khăn lau mặt và khăn tắm mầu trắng.

50. Đậu xe ở stop light vừa nói cell phone vừa móc mũi.

51. Đi chợ thấy quả gì cũng bóp thử

52. Đến hàng trái cây trong supermarket là bốc nho lủm

53. Vào Cosco hay rủ nhau đi ăn food samples
54. Đến đâu cũng tự động ngồi chồm hổm, hai đầu gối đụng lỗ tai (ngã tư chẳng hạn)

55. Nấu ăn hay lén bỏ bột ngọt Ajinomoto

56. Ăn steak hay cắt trước ra thành miếng nhỏ

57. Vào nơi công cộng hay ăn nói oang oang như chỗ không người

58. Lái toàn các loại xe xịn high performance, nhưng lại chạy chậm nhất thế giới (sơ đụng sảng)

59. Khi vào parking lot, đậu tại chỗ và nghểnh cổ tìm chỗ trống, cản đường mọi người.

60. Băng qua đường sảng và giơ tay cản xe incoming, hoặc vẫy tay xin lỗi.

10 tố chất cơ bản người Việt

Theo Viện nghiên cứu Xã hội học Hoa Kỳ thì người Việt có 10 tố chất cơ bản sau :

1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.

2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó với các khó khăn trước mắt, thiếu tầm tư duy dài hạn và khả năng biện luận chủ động.

3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).

4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.

5. Ham học hỏi, hiểu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, người Việt ít khi học tập vì đam mê kiến thức (nhỏ thì học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm).

6. Cởi mở và hiếu khách, song không bền.

7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang).

8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh khó khăn, bần hàn, còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất hiếm thấy.

9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, để tiểu tiết làm hỏng đại cuộc (ham cái lợi gần mà quên việc lớn).

10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, hai người làm thì kém, ba người làm thì hỏng).

Làng Mai kể nguyên nhân đằng sau vụ Bát Nhã

Làng Mai kể nguyên nhân đằng sau vụ Bát Nhã

BBC

Sư cô Chân Không của Đạo Tràng Mai Thôn lần đầu tiên nói với BBC về nội tình đằng sau biến cố hàng trăm tu sinh của Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng năm 2009.

Biến cố này đánh dấu việc ‘cắt đứt quan hệ’ của thiền sư Thích Nhất Hạnh với Việt Nam, mặc dù ngài được đón tiếp nồng nhiệt khi lần đầu trở lại Việt Nam năm 2005 và một lần sau đó năm 2007.

Vị Giáo thọ nói với phóng viên Quốc Phương trong cuộc phỏng vấn tại Làng Mai, Thénac, Pháp, hồi tháng 02/2015, rằng trong chuyến đi thứ hai về Việt Nam năm 2007, sau khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh làm trai đàn bình đẳng chẩn tế để giải oan cho miền Nam, miền Trung, miền Bắc, thì được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị gặp.

Trong cuộc gặp đó “Thiền sư đưa ra 10 điểm đề nghị, trong đó có: “Nên có một bộ công an là đủ rồi, chứ đừng nên có thêm công an tôn giáo. Công an tôn giáo đi theo dõi mấy ông thầy tu với mấy ông cha cực quá, chỉ có nước Tàu với nước Việt Nam là có chuyện đó.”

“Vì câu đó mà công an họ đập tan hoang, tơi bời.

“Mà họ đập tại vì mình cũng không chịu lo tiền, lo tiền từ Bảo Lộc cho tới Lâm Đồng.

“Nhưng mà mình đã muốn cống hiến cho đất nước năm giới, là năm phép tu tập chánh niệm, nên sẽ phạm giới nếu mình tham nhũng.

“Thành ra chúng tôi vẫn chưa học được bài học ở Việt Nam, là nếu mà mai mốt cho một Làng Mai ở Việt Nam mà chúng tôi vẫn tiếp tục không chịu đi lo lót tiền bạc thì chắc còn lâu lắm.”

Thực hiện: Hạnh Ly, Quốc Phương.

Kim Thúy đoạt giải thưởng “Canada Reads 2015”

Kim Thúy đoạt giải thưởng “Canada Reads 2015” kim-thuy-winner-book

Nữ tác giả gốc Việt, cô Kim Thúy, đã đoạt giải thưởng thường niên “Canada Reads 2015” do thông tấn CBC tổ chức.

Được tổ chức thường niên trong suốt 14 năm qua, “Canada Reads” tuyển chọn những quyển sách, có thể làm “thay đổi quan điểm, vượt qua định kiến và soi sáng vấn đề” cho người đọc.

“Canada Reads” năm nay có chủ đề “One Book To Break Barriers” (Một quyển sách phá vỡ các rào cản). Và “Ru” đã được hội đồng tuyển chọn giải “Canada Reads” nhận xét là “câu chuyện hay nhất, đạt được những yêu cầu nói trên”.

“Ru” là câu chuyện về một cô bé rời Sài Gòn từ năm 10 tuổi, theo gia đình vượt biên, tạm trú trong một trại tỵ nạn ở Mã Lai và sau cùng định cư ở Montreal, Quebec. Quyển sách được Kim Thúy viết dựa trên chính cuộc đời của tác giả.

Ông Cameron Bailey, Giám đốc nghệ thuật Đại hội phim Quốc tế Toronto, người đã giới thiệu và đề cử “Ru”, nhận xét trên trang mạng trực tuyến của CBC, “Đây là một trong hàng triệu câu chuyện về người nhập cư trên đất nước Canada. Một phụ nữ người Canada gốc Việt từ Việt Nam sang Canada tỵ nạn. Câu chuyện vừa đau lòng, vừa đẹp, được thể hiện bằng bút pháp tài tình”.

“Tôi đến với quyển sách bằng những lập luận của lý trí,” ông Bailey nói. “Cuối cùng, tôi đã nối kết với “Ru” bằng con tim”.

Bailey, cũng là di dân, ông đến Canada từ Barbados, cho rằng chất thơ của “Ru” sẽ có khả năng mở rộng lòng nhân đạo của người dân Canada có thể đã bị “mệt mỏi” khi nói đến những người nhập cư.

Phát biểu sau khi đoạt giải “Canada Reads 2015”, tác giả của “Ru”, năm nay 46 tuổi, cho biết: “Tôi không biết phải diễn tả thế nào, tôi cảm thấy mình đang ở xa quê hương. Hôm nay, tôi muốn được ở tại quê nhà của tôi.”

Năm 2012, “Ru”, với hai ấn bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, đã lọt vào vòng chung kết giải thưởng “Scotiabank Giller Prize” và “Man Asian Literary Prize”. Năm 2010, cuốn tiểu thuyết này cũng đã đoạt giải “Governor General’s Awards” và “Prix du Grand Public Salon du livre de Montréal”.

Công nhân tiếp tục đình công, chính quyền bối rối

Công nhân tiếp tục đình công, chính quyền bối rối

Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) – Cuộc đình công của 90, 000 công nhân công ty Pouyuen vẫn còn đang tiếp tục. Sang đến ngày 30 tháng 3, công nhân vẫn đến công ty nhưng chỉ tuần hành trong khuôn viên chứ không làm việc.

Công nhân công ty Pouyuen vẫn còn đình công. (Hình: Báo Lao Động)

Công ty Pouyuen (vốn đầu tư 100% Đài Loan), có nhà máy chuyên sản xuất giày da trong Khu Công Nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài Gòn. Lần đầu tiên, người ta thấy công nhân lao động tại Việt Nam đình công chống lại luật lệ và chính sách của nhà cầm quyền, không phải chỉ đình công đòi tăng lương hay cải thiện chế độ làm việc.

Hôm 26 tháng 3-2015, sau khi nghe “tuyên truyền” về Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới, khoảng 30 công nhân của xưởng D3 đã kéo qua xưởng D4 tắt đèn và 500 công nhân ở đó đồng loạt ngưng làm việc. Đến chiều 26 tháng 3, 2015 có thêm 700 công nhân ngưng làm việc và sang ngày hôm sau, con số công nhân ngưng làm việc đã tăng lên khoảng 90,000 (tờ Pháp Luật TP.HCM cho biết số công nhân tham gia đình công là 83,000, tờ Lao Động thì xác định là gần 90,000,…).

Trước đây, Luật Bảo Hiểm Xã Hội ban hành năm 2006 cho phép tất cả những công nhân đã làm việc được một năm, nếu mất việc hoặc nghỉ việc, không thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, vẫn có quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Năm ngoái, Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới. Theo đó, những công nhân chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm mà mất việc hoặc nghỉ việc sẽ không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào. Trợ cấp bảo hiểm xã hội chỉ được phát khi họ đến tuổi nghỉ hưu.

Đó cũng là lý do dẫn đến cuộc đình công vừa kể. Những công nhân tham gia đình công yêu cầu duy trì quy định của luật cũ bởi khi mất việc họ cần phải sống.

Sau khi đình công xảy ra, ông Nguyễn Văn Khải, phó chủ tịch Liên Đoàn Lao Động thành phố Sài Gòn, nói với tờ Pháp Luật TP.HCM, rằng cơ quan của ông đã gửi “báo cáo nhanh” về cuộc đình công cho các “cơ quan chức năng.”

Đó là chuyện duy nhất mà cơ quan đại diện quyền lợi, nguyện vọng cho giai cấp công nhân ở Sài Gòn đã làm.

Còn ông Điều Bá Được, trưởng ban Chính Sách của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, giải thích, việc hưởng trợ cấp một lần khi mất việc hoặc nghỉ việc chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi quy định mới nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động khi về già (có thể nhận lương hưu mỗi tháng cho tới chết).

Tuy nhiên “lợi ích lâu dài” mà ông Được đề cập có thể chẳng bao giờ có.

Do hàng loạt sai lầm trong việc hoạch định chính sách lao động và an sinh xã hội, Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam có thể sẽ chỉ duy trì được 19 năm nữa. Theo tính toán do chính Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam công bố hồi tháng 9 năm ngoái thì Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam sẽ thâm thủng vào năm 2020 và “vỡ” vào năm 2034.

Nói cách khác, nếu không được nhận trợ cấp Bảo Hiểm Xã Hội một lần khi thất nghiệp hoặc nghỉ việc theo Luật Bảo Hiểm Xã Hội cũ mà chờ đến lúc đủ 55 tuổi vào năm 2035, công nhân Việt Nam sẽ… chẳng có đồng nào khi đến tuổi nghỉ hưu.

Hồi tháng 8 năm 2013, trong một báo cáo về nợ nần của chính quyền Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, nếu tính nợ công theo chủ nợ, chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội 5% trên tổng nợ vào lúc đó. Đó là một trong những lý do góp phần làm Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam “vỡ.”

Đến tháng 9 năm ngoái, theo thống kê do Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam loan báo thì chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam 303 tỷ đồng.

Lý do chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam là vì lẽ ra phải đóng tiền bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công chức, chính phủ Việt Nam không đóng nhưng Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam vẫn phải trả lương hưu cho cán bộ, công chức nghỉ hưu. Lương hưu của cán bộ, công chức nghỉ hưu cao hơn nhiều lần so với những giới khác.

Có một điểm đáng lưu ý là nếu tất cả những người có đi làm, trước nay vẫn bị trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội cùng nhận ra điều này, chắc chắc số lượng đình công, biểu tình phản đối sẽ không chỉ có 90,000 và không chỉ có công nhân.

Tin mới nhất cho biết, đại diện Liên Đoàn Lao Động quận Bình Tân không thuyết phục được 90,000 công nhân công ty Pouyuen ngưng đình công. Đến chiều thứ hai, một viên thứ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội đã bay vào Sài Gòn kêu gọi công nhân quay lại làm việc.

Cơ quan Bảo Hiểm Xã Hội của thành phố Sài Gòn thì phát hành một thông báo, nhấn mạnh, đến đầu năm 2016, Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới mới có hiệu lực. Từ nay đến đó, việc trả trợ cấp ngay khi công nhân thất nghiệp hoặc nghỉ việc vẫn được duy trì theo luật cũ. (G.Đ)

Lòng tự trọng của một kỹ sư người Nhật gây chấn động Thổ Nhĩ Kỳ

Lòng tự trọng của một kỹ sư người Nhật gây chấn động Thổ Nhĩ Kỳ

Tin Tức Đời Sống,

Passport của vị kỹ sư người Nhật Ryoichi Kishi . Kỹ sư Ryoichi đã làm việc cho công trình  xây dựng cầu treo bắc qua vịnh Izmit. Passport được tìm thấy sau khi thi thể của ông được phát hiện tại nghĩa trang quận Altinova của Yalova, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23 tháng 1 năm 2015 (Ảnh chụp bởi Erhan Erdogan/Anadolu  Agency/Getty Images)

Hộ chiếu của kỹ sư người Nhật Ryoichi Kishi được tìm thấy sau khi có người phát hiện thi thể của ông tại nghĩa trang quận Altinova của Yalova, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23 tháng 3 năm 2015 (Ảnh chụp bởi Erhan Erdogan/Anadolu Agency/Getty Images)

ISTANBUL – Một kỹ sư người Nhật đang làm việc cho một công trình xây dựng cầu treo tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tự tử vào hôm Chủ nhật ngày 22 tháng 3 sau khi một sợi dây cáp bị đứt. Mặc dù cầu không bị gẫy và không có người thiệt mạng, người kỹ sư 51 tuổi, Kishi Ryoichi, đã tự nhận trách nhiệm cho sự cố này trong bức thư mà ông để lại. Tin tức nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và rất nhiều người tán dương lòng tự trọng của người kỹ sư, thậm chí một số người còn đề nghị đặt tên cây cầu theo tên ông.

Theo tin tức từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, thi thể người kỹ sư đã được một nhóm sinh viên tìm thấy tại cổng nghĩa trang thành phố Yalova ở phía Tây Bắc nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát cho biết ông đã tự cắt mạch máu tại tay và cổ. Đồng nghiệp của ông sau đó đã tìm thấy một bức thư để lại trong phòng ông, trong đó viết rằng ông Ryoichi tự lãnh chịu trách nhiệm gây ra tai nạn. Được biết ông Ryochi đã rất suy sụp sau tai nạn này và bỏ đi vào tối hôm Chủ nhật.

Cây cầu đang được thi công sẽ nối liền hai thành phố Izmit và Yalova ven biển Marmara. Đây là công trình xây dựng một trong những cầu treo dài nhất thế giới, với chiều dài 3km và tiêu tốn 1 tỷ đô la Mỹ. Theo dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2017, sẽ làm giảm đáng kể thời gian đi lại men theo vịnh Izmit.

Công trình đã có một hư hại nhỏ vào ngày thứ Bảy, 21 tháng 3, khi cuộn dây cáp dẫn đường (pilot cable) – được sử dụng tạm thời khi xây dựng lối đi trên cầu – bị đứt và rớt xuống biển. Không có trường hợp thương vong nào và giao thông trên biển chỉ bị gián đoạn trong một khoảng thời gian ngắn.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bàng hoàng với tin tức này vì tai nạn không gây thiệt hại lớn và rất may là không có người thương vong. Ở Thổ Nhĩ Kỳ tai nạn xảy ra tại các công trường thi công là khá phổ biến, đặc biệt trong năm 2014 đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước này tại một mỏ khai thác khoáng sản, cướp đi sinh mạng của 301 người. Tuy nhiên không ai đứng ra chịu trách nhiệm trong những tai nạn như thế.

Người dùng mạng xã hội tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang rất thương cảm với người kỹ sư này. Mặc dù hành động này có phần cực đoan nhưng rất nhiều người ca ngợi lòng tự trọng của ông Ryoichi và một số người mong muốn cây cầu được lấy theo tên ông. Dưới đây là một số lời bình luận trên Twitter:

“Kishi Ryoichi, một con người thật đáng kính. Chúng ta sẽ không bao giờ quên tên ông”.

“Khi sợi dây cáp của đất nước này bị đứt, không ai từ chức. Khi sợi dây cáp trên cầu bị đứt, Kishi Ryoichi đã tự vẫn”.

“Cây cầu nên được đặt tên là Kishi Ryoichi Nhật Bản để chúng ta hiểu được từ ‘đáng kính’ nghĩa là gì”.

“Có người thấy rằng điều này thật đáng cười, bởi vì chúng ta đã quen nhìn thấy người gian trá và không biết xấu hổ. Nhưng trên thế giới này có một điều gọi là ‘lòng tự trọng’”.

Tuần hành HN: dân-nhà nước ‘cùng thắng’

Tuần hành HN: dân-nhà nước ‘cùng thắng’

Cây xanh Hà Nội

Cuộc tuần hành ‘Vì cây xanh’ hôm 29/3/2015 có sự tham gia của hàng trăm người dân, theo nhà quan sát từ Hà Nội.

Một cuộc tuần hành vì cây xanh với hàng trăm người xuống đường, tham gia ở trung tâm thành phố Hà Nội diễn ra sáng ngày Chủ Nhậ là một kết quả ‘hai bên cùng thắng’ giữa dân và chính quyền, mặc dù bên phía chính quyền lẽ ra có thể đã ‘thắng đậm hơn nữa’, theo ý kiến một nhà quan sát từ Việt Nam.

Trao đổi với BBC sau khi tham dự cuộc tuần hành ‘Vì cây xanh’ (Greenwalk) ở quanh Hồ Gươm, Hà Nội hôm 29/3/2015, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Phản biện Độc lập (IDS đã tự giải thể) nói:

“Tôi nghĩ rằng thực sự những người đi diễu hành chỉ muốn hai bên cùng thắng. Lẽ ra chính quyền còn có thể thắng đậm hơn nữa, nếu mà có lực lượng công an giữ trật tự, dẹp đường, hướng dẫn cho người dân và dẹp những cái xe ra rả hô hào những khẩu hiệu rất cũ rích.

“Lần này không những chỉ có mấy cái xe của cảnh sát, mà cả một hệ thống loa của chính quyền địa phương khắp xung quanh, treo ở các cây cũng như các góc đường, thì cũng đều hô hào rằng người dân đừng có tham gia vào.

Tôi nghĩ rằng thực sự những người đi diễu hành chỉ muốn hai bên cùng thắng. Lẽ ra chính quyền còn có thể thắng đậm hơn nữa, nếu mà có lực lượng công an giữ trật tự, dẹp đường, hướng dẫn cho người dân và dẹp những cái xe ra rả hô hào những khẩu hiệu rất cũ rích

TS. Nguyễn Quang A

“Giá mà họ bỏ những chuyện đấy, giá mà họ hỗ trợ, tạo điều kiện cho cuộc diễu hành được tiến hành tốt hơn, thì phần thắng của họ (chính quyền) sẽ cao hơn rất nhiều.

“Và thực sự tôi chúc cho chính quyền và tôi mong muốn là chính quyền hãy hành xử như thế, bởi vì như thế là tốt cho chính quyền,” Tiến sỹ Quang A nói.

Hôm Chủ Nhật, một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh thuật lại với BBC về không khí cuộc diễu hành bảo vệ môi trường và phản đối chặt cây xanh ở Hà Nội của người dân hôm 29/3.

Ông Vinh nói:

“Sáng nay, có rất đông đảo con số theo tôi ước tính khoảng gần 500 người đã tập trung ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm, tuần hành khoảng một vòng ở đó đến kết thúc là ở Tượng đài Lý Thái Tổ để tuần hành và biểu dương khí thế của nhân dân phản đối việc chính quyền Hà Nội đã chặt cây vô tội vạ và chặt cây xanh thời gian vừa qua, trong đề án ‘6.700 cây bị chặt hạ’ của họ.

“Số lượng người tập trung hôm nay khá là đông đảo và người ta cầm trên tay những biểu ngữ là ‘Không được chặt cây’, ‘Chặt cây là tội ác’, và ‘Phải bảo vệ sự sống’, ‘Bảo vệ môi trường’, cũng như là tất cả những người đó đi diễu hành trên phố rất trật tự.”

Theo ông JB Nguyễn Hữu Vinh cuộc tuần hành này đã diễn ra ‘khá thành công’, từ góc nhìn của một người tham gia cuộc xuống đường vì môi trường.

Ông nói: “Theo đánh giá của cá nhân tôi thì đó là một cuộc diễu hành, tuần hành khá thành công và cũng như khá hài lòng với tất cả.”

‘Can thiệp nhất định’

Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho biết chính quyền cũng đã có một số sự can thiệp nhất định với cuộc tuần hành.

Công an dùng nhiều xe của họ, xe đặc chủng, các xe có gắn các loa phát thanh yêu cầu giải tán, yêu cầu này khác, như với các cuộc tập trung khác, và họ cũng có những lời lẽ khá là căng thẳng, yêu cầu rằng là không được tập trung, để bảo vệ Hội nghị Quốc hội Quốc tế nọ kia

Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh

Blogger cho biết thêm:

“Công an dùng nhiều xe của họ, xe đặc chủng, các xe có gắn các loa phát thanh yêu cầu giải tán, yêu cầu này khác, như với các cuộc tập trung khác, và họ cũng có những lời lẽ khá là căng thẳng, yêu cầu rằng là không được tập trung, để bảo vệ Hội nghị Quốc hội Quốc tế nọ kia…

“Thế nhưng người dân người ta vẫn ý thức vấn đề bảo vệ môi trường và cây xanh của mình, họ vẫn tuần hành rất trật tự và đồng thời biểu hiện ý chí của mình ra bằng hành động của họ, bằng những câu khẩu hiệu là không được chặt cây xanh.”

Theo quan sát của ông Vinh, công an đã không có những hành động can thiệp được cho là ‘phản cảm’ như trong các cuộc biểu tình, tuần hành chống Trung Quốc của người dân ở Hà Nội trước đây.

Tuy nhiên, vẫn theo blogger này, chính quyền cũng đã có một số động tác can thiệp kín trước khi sự kiện cuộc tuần hành hôm Chủ Nhật diễn ra.

Ông nói: “Một số người cũng cho biết rằng rất nhiều người bị canh gác, rồi bị theo dõi này khác ở gia đình, ở một số nơi…

Tuần hành ở Hà Nội

Một người tuần hành kêu gọi cứu cây xanh và cứu môi trường của Thủ đô Hà Nội.

“Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là người dân vẫn tuần hành xung quanh Bờ Hồ và tập trung cuối cùng ở Tượng đài Lý Thái Tổ, để cùng nhau mặc niệm những nạn nhân vừa bị tai nạn ở Hà Tĩnh và cũng như là người ta thể hiện ý chí với nhau, vấn đề là bảo vệ môi sinh, môi trường, cũng như phản đối vấn đề chặt cây xanh của Hà Nội,” nhà báo độc lập nói với BBC.

Cũng hôm Chủ Nhật, khi được hỏi vì sao lãnh đạo đảng và chính quyền Hà Nội, như trực tiếp Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, đã có lên tiếng về vụ dự án được gọi là ‘thay thế cây xanh’ vừa qua, mà người dân vẫn tiếp tục xuống đường tuần hành, và họ sẽ có thể quyết định khi nào thì thôi tuần hành, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nêu quan điểm:

“Cái này thì khó mà có thể nói trước được, tôi nghĩ rằng chính quyền Hà Nội cũng có một vài dấu hiệu, nhưng những dấu hiệu đấy trong thực tâm nó như thế nào thì còn rất là khó đánh giá.

“Nhưng với chuyện mà Đại học Lâm nghiệp, ông Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp, cũng rất may là ông ấy đưa một công văn ra cho công chúng, để có thể công chúng đọc được, thì thấy rằng hành xử tôi nghĩ là hết sức là dại về phía chính quyền.

“Và cân nhắc những hành động như ai nói là có vẻ ‘là được’ và thực tiễn mà tôi đánh giá rằng rất kém, thì việc đánh giá của người dân cũng còn phải cân nhắc chán, và tôi nghĩ rằng người dân người ta sẽ luôn luôn dựa vào các hành động chứ không phải dựa vào các lời nói,” nhà quan sát nói với BBC từ Hà Nội.