Cảm tưởng của anh chị em Homeless được vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican

Cảm tưởng của anh chị em Homeless được vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican

Balan cư trú ở cái lườn của con đường chính dẫn vào Quảng Trường Thánh Phêrô (Via della Conciliazione). Ông đã sống 20 năm trên hè phố và đang ở vào tuổi 51. Ông sống ở đây khoảng 7 tháng rồi. Hôm Thứ Năm, 26/3/2015, ông cũng thuộc về 150 khách vô gia cư được mời vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican lần đầu tiên, nhất là nhờ đó còn được trực diện với Đức Thánh Cha và bắt tay ngài nữa: “Đó là một kinh nghiệm mà tôi sẽ mang trong mình cho đến ngày cuối đời của tôi… Tôi cảm thấy sung sướng suốt đêm hôm qua”.

Ngày hôm sau, nhóm vô gia cư của ông chẳng làm gì ngoài việc nói chuyện với nhau về ngày đặc biệt hôm qua. Đại diện cho họ là chính ông vì kiến thức của ông về người Ý. Ông cho biết:

“Chúng tôi được trong các nơi Bảo Tàng Viện rất lâu… Những nơi ấy rất ư là đẹp! Sau cùng chúng tôi đến Nguyện Đường Sistine rồi chúng tôi được bảo ngồi xuống. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có Lễ lậy, cầu nguyện gì chứ, một việc gì đó giống như vậy…. Thế nhưng, từ bên trong cánh cửa, vị phát chẩn Don Corrado (Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski) xuất hiện và bên cạnh vị này là Đức Giáo Hoàng. Trời đất ơi – My goodness!”

“Chúng tôi đã vỗ tay vang lừng. Ngài đã chào chúng tôi; chúng tôi đã cám ơn ngài. Sau đó chúng tôi cùng nhau đọc ‘Kinh Lạy Cha’. Đức Giáo Hoàng thậm chí còn cho chúng tôi được chụp hình với ngài. Do đó có nhiều tấm hình chụp và Đức Don Corrado đã hứa mang lại cho chúng tôi. Thế rồi Đức Giáo Hoàng đã chào từng người chúng tôi. Ngài đã bắt tay tất cả 150 người bạn có biết không? Trời ơi là trời – My goodness…”

Khi được bắt tay Đức Giáo Hoàng, “tôi đã nói cùng ngài rằng: Xin cám ơn Đức Giáo Hoàng. Con chúc Đức Giáo Hoàng rất nhiều điều tốt đẹp, nhất là được mạnh khỏe. Ngài đã mỉm cười và nói ‘cám ơn anh, cám ơn anh…'”

Được mạng điện toán toàn cầu Zenit hỏi “bạn có cảm động hay chăng?”, câu trả lời lập tức được phát biểu rằng “làm sao lại không cảm động chứ. Tôi cũng đã chảy nước mắt ra. Các bạn của tôi cũng khóc, cho dù bấy giờ họ có vẻ khô cằn cứng cỏi… Tôi đã khóc vì tôi biết tôi được may mắn, ở chỗ không phải hết mọi người đều có thể gặp được Đức Giáo Hoàng sát ngay bên, được hôn tay của ngài, được ôm lấy ngài…”

“Tôi liền gửi một lời nhắn cho đứa con trai 23 tuổi của tôi  đang sống và làm việc ở Balan, và tôi nói với cháu rằng: ‘Eric ơi, bố đã được gặp Đức Giáo Hoàng! Bố đã sung sướng khóc … Có ngày bố sẽ gửi cho con các tấm ảnh chụp nhé!”

“Tôi còn rất nhiều điều phải nói, phải nhớ…”. Người đại diện nhóm anh chị em vô gia cư phát ngôn này cho biết ông vẫn còn giữ tấm vé mời thăm Bảo Tàng Viện Vatican ở trong túi: “Tôi muốn giữ nó như là một kỷ niệm…” Thậm chí ông xin lỗi không dám mang nó ra khoe với người phỏng vấn: “Tôi sợ rằng nó bị hư hại”.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thương chúng tôi. Ngài đang thực hiện nhiều sự cho chúng tôi: nào là phòng tắm, nào là hớt tóc, nào là dù che mưa, nào là thăm bảo tàng viện v.v. Tôi cũng nghe thấy rằng ngài đang muốn có một chiếc xe chuyên chở nhỏ để lo cho những ai cần chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi thực sự là sung sướng về hết mọi sự”.

Liên quan đến phòng tắm: “Chúng tôi may mắn có được những phòng tắm này. Hằng ngày chúng tôi được tắm rửa và đi đây đó một cách lịch sự. Chúng tôi không còn cảm thấy xấu hổ bởi người ngợm xông mùi nữa”.

Về vấn đề hớt tóc: “Thật vậy, tôi đã đến hớt tóc Thứ Hai vừa rồi. Giờ đây tôi sẽ đến đó một lần nữa, vì tôi muốn tóc tôi trọc lóc. Chẳng bao lâu nữa sẽ bắt đầu nóng rồi… Thế nên tôi sẽ cạo trọc vì tôi không cần mua lược chải”.

Tất cả những điều ấy “thực sự là những gì quan trọng đối với chúng tôi, chúng đều hữu ích. Đức Giáo Hoàng hiểu được điều ấy. Ngài yêu thương chúng tôi”.

“Mỗi một buổi sáng chúng tôi giục nhau rằng ‘chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào lúc 9 giờ sáng, các nữ tu đến với chúng tôi, đôi khi có cả 1 vị linh mục nữa, và họ giúp chúng tôi cùng nhau cầu nguyện. Chúng tôi bao giờ cũng cầu cho Đức Giáo Hoàng, cho sức khỏe của ngài, vì chúng tôi muốn ngài sống lâu dài. Dù sao chúng tôi cũng cầu cho tất cả mọi vị linh mục cũng như cho dân chúng… cho người tốt lành, những người làm lành cho chúng tôi. Nhiều lắm…”

Xin xem một đoạn video clip về cuộc viếng thăm của 150 anh chị em homeless ở Rôma vào thăm Bảo Tàng Viện Vatican Thứ Năm 26/3/2015: http://www.romereports.com/pg160864-150-homeless-get-exclusive-tour-of-the-sistine-chapel-en

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp

Cảm tưởng Homeless thăm Bảo Tàng Vatican

“Đó là một kinh nghiệm mà tôi sẽ mang trong mình cho đến ngày cuối đời của tôi… Tôi cảm thấy sung sướng suốt đêm hôm qua”.

‘Ngày Ðại Họa’

‘Ngày Ðại Họa’

Nguoi-viet.com

Lê Tuấn
(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 Tháng Tư và Ðời Tị Nạn)

Trước năm 1975, tôi là sĩ quan bộ binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ ngày ra trường đến ngày mất nước, 30 Tháng Tư 1975, biên cương là nhà và ít khi tôi có dịp về thăm cha mẹ. Mỗi lần tôi được vài ngày phép về, mẹ tôi mừng mừng tủi tủi và nói: “Con lớn rồi sao không lập gia đình, ưng cô nào cha mẹ cưới cho, có cháu nội cha mẹ vui.”

Trong tù cải tạo. Cảnh trong phim Vượt Sóng của đạo diễn Hàm Trần. (Hình: Internet)

Tôi chỉ cười hề hề và nói: “Từ từ mẹ ạ,” và tôi giải thích cho mẹ tôi hiểu: “Con bây giờ ở nơi tiền tuyến, từng giây, từng phút đối diện với quân thù không biết việc gì xảy ra cho con, độc thân thì quá dễ chẳng liên lụy với ai cả, nếu có vợ có con thì thật là phiền phức, cảnh vợ góa, con côi tội lắm, hơn nữa con và vợ con chỉ gần nhau vài ngày một năm thì đâu có hạnh phúc, chỉ gây thêm cảnh kẻ nhớ người mong, mẹ ạ.” Nghe tôi giải thích, mẹ tôi lặng thinh.

Thế rồi ngày 30 Tháng Tư năm 1975 ập đến đem tang tóc cho cả miền Nam Việt Nam. Ðơn vị tôi lúc đó chạy về Thủ Ðức, sau khi nghe lệnh đầu hàng, tôi rất bàng hoàng và buồn bã trước cái cảnh chia tay giữa đồng đội đã từng sống chết bên nhau, chia nhau từng mẩu thuốc, bây giờ mỗi người tự lo liệu lấy. Khi mọi người đi hết còn lại một mình tôi đứng ngoài hàng hiên một ngôi nhà ngói cũ xưa.

Tôi rút khẩu colt 45 định kết liễu đời mình cho xong thì nghe tiếng gọi: “Anh Tuấn vào đây thay quần áo kẻo nguy hiểm lắm.” Tôi quay lại thấy một thiếu nữ đứng bên cửa, không hiểu sao cô lại biết tên tôi, thì ra tôi còn mặc bộ quân phục, cấp bậc và bảng tên còn nguyên vẹn. Cô đưa cho tôi bộ thường phục và đôi dép. Tôi thay quân phục và cô đem khẩu colt 45 ném xuống giếng bên cạnh nhà. Tôi cảm ơn cô và vội vàng hòa với dòng người di tản về Saigon, về đến nhà mới hay mình mặc áo đàn ông nhưng quần đàn bà.

Nghe tin phải trình diện cải tạo vào sáng mai, chiều hôm đó tôi gấp bộ đồ và đôi dép, đạp xe lên Thủ Ðức để trả lại và cám ơn cô vào khoảng 4 giờ chiều. Cô mời tôi vào nhà và nói: “Cha mẹ em đi Biên Hòa thăm người bà con mới chết, có một mình em ở nhà thôi.”

Tôi và cô nói chuyện đến 6 giờ chiều vẫn chưa thấy cha mẹ cô về, chúng tôi hỏi thăm nhau gia cảnh và đủ thứ chuyện, cô rất lo lắng cho số phận của các sĩ quan đi trình diện cải tạo ngày mai, cô cho tôi địa chỉ và tên họ “Tô Mỹ Phương” cái tên sao mà đẹp quá, tôi nói đùa: “Bộ em là cháu nội của Tô Ðông Pha hay là Tô Ðịnh?” Cô trả lời, “em hổng biết.” Sau cùng trời chuyển mưa, tôi tạm biệt ra về, trong lúc chia tay mắt cô ứa lệ và không hiểu tại sao mà chúng tôi ôm nhau rồi hôn nhau, trong lúc đó tay tôi đụng hẹ vào ngực cô (bên ngoài áo và chỉ vô tình thôi nhé). Cô nói với tôi: “Nụ hôn đầu tiên.”

Thời gian cải tạo lúc ở Long Khánh, Phú Quốc, Hoàng Liên Sơn, khi quân Tàu đánh Lạng Sơn thì di chuyển về Vĩnh Phú. Cô thăm nuôi tôi cả thảy 10 lần, 6 lần ở trong Nam và 4 lần ở ngoài Bắc, lần cuối cùng cô thăm tôi là lúc tôi đang bệnh rất nặng, tôi phải nhờ bạn bè dìu ra và đem đồ thăm nuôi vào trại. Tối hôm đó, tôi hôn mê không còn biết cô đã tiếp tế những thứ gì. Theo bạn bè kể lại, tôi đã chết lúc gần sáng, sáng hôm sau cán bộ cho hai người đào huyệt và sau đó cho hai người khiêng tôi đem chôn, nhưng khi đến nơi huyệt còn nông quá phải cho đào sâu thêm. Họ đặt tôi nằm bên cạnh và cả bốn người cùng đào. Khi xong thì tôi hồi tỉnh lại, thở và chân tay cử động nhẹ. Cán bộ ra lệnh chôn nhưng bốn người bạn năn nỉ xin đem tôi về trại. Cán bộ quyết định chôn và nói: “Trước sau gì nó cũng chết, chôn để khỏi mất thì giờ.” Cả bốn người bạn năn nỉ mãi và cuối cùng tôi được khiêng về trại. Anh em lấy đồ tiếp tế của tôi gồm một ít sữa bột, vài ký gạo, thuốc tây, anh em cho tôi uống sữa và uống thuốc nhưng mất cả 3 tháng trời tôi mới tạm bình phục.

Khoảng 3, 4 năm sau tôi không thấy cô đến thăm, tôi buồn và đặt nhiều nghi vấn, tôi tự hỏi, có thể cô đã sang sông hay việc gì chẳng lành đã xảy ra… “Chết hay cô đã đi lấy chồng?”

10 năm sau tôi được tha về, việc đầu tiên là đi thăm mộ cha mẹ tôi đã qua đời khi tôi còn ở trong tù, hôm sau đạp xe lên Thủ Ðức thăm cô và gia đình cùng cám ơn cô đã thăm nuôi tôi. Vừa bước vào nhà, tôi thấy hình cô trên bàn thờ, lòng tôi quặn đau, nước mắt cứ tuôn trào, tôi khóc và khóc rất nhiều không nói nên lời. Mười phút sau tôi mới thưa chuyện được với cha mẹ cô và được ông bà cho biết, cô chết sau khi ra Bắc thăm nuôi tôi trở về đến Quảng Bình xe bị tai nạn, vì đường sá xa xôi khó khăn, khi gia đình biết tin ra đến Quảng Bình thì cô đã được chôn cất ở nghĩa trang. Ba năm sau, gia đình ra Quảng Bình để đem hài cốt về thì nghĩa trang đã bị giải tỏa để xây nhà cho cán bộ, không biết hài cốt để đâu?

Nghe kể đến đó, tôi lại khóc và thưa: “Thưa hai bác, vì con mà Phương chết, xin hai bác tha thứ cho con.” Ông bà cũng sẵn lòng thông cảm vì chuyện đã rồi.

Thời gian được tha về, thỉnh thoảng tôi đến thăm ông bà, sau mấy lần vượt biên thất bại, sau cùng tôi đi đường bộ sang Campuchia và Thái Lan. Năm 1987, tôi đến Hoa Kỳ, cố gắng học hành và có việc làm ổn định. Tôi đã lấy tên bài hát “10 năm yêu em và cũng là mãi mãi” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng để làm kim chỉ nam cho cuộc sống và thường giúp đỡ cha mẹ Phương hàng năm.

Tháng 5, 2010, tôi về hưu, trong lúc nhàn rỗi, tôi làm một chuyến du lịch Hồng Kông-Trung Quốc-Thái Lan-Việt Nam, lần này cũng như ngày ra tù, việc đầu tiên là đi thăm mộ cha mẹ tôi, hôm sau đi Thủ Ðức thăm cha mẹ Phương.

Nhiều năm xa cách, ông bà không nhận ra tôi, sau khi tôi giới thiệu mới nhận ra nhau, thế là trong nhà như có đám tang, chúng tôi ôm nhau khóc đến nỗi hàng xóm chạy qua xem có chuyện gì xảy ra.

Trong lúc ăn cơm, ông bà hỏi tôi gia cảnh, đời sống bên Mỹ và đủ thứ chuyện, sau cùng ông bà muốn đề nghị “tình chị duyên em” nghĩa là tôi cưới em của Phương là Tô Mỹ Phượng là dược sĩ. Tôi trả lời: “thưa hai bác, cho con suy nghĩ.”

Về đến Mỹ tôi suy nghĩ nhiều, Phương đã chung tình và hy sinh cả mạng sống để cho tôi được sống, vậy bây giờ tôi phụ tình sao? Hơn nữa 60 năm cuộc đời, bây giờ tôi đã lố 6 năm, vậy còn gì là đời nữa. Kính mong quý vị cho vài lời khuyên sao cho “tốt đạo đẹp đời,” đẹp lòng người chết và vui lòng người sống.

ĐÔI ĐIỀU VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN QUẬN 8

ĐÔI ĐIỀU VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN QUẬN 8

TRONG QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP

TRƯỜNG TRUNG HỌC CỘNG ĐỒNG QUẬN 8

(SAU NÀY MANG TÊN LƯƠNG VĂN CAN)

Tác giả: Hồ Công Hưng

Chuẩn bị mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường PTTH LVC

Cách đây đúng 50 năm, Chương trình Phát triển Quận 8 (CTPT) ra đời. Trong phong trào chung tham gia công tác xã hội lúc bây giờ, một nhóm thanh niên, từng có chút kinh nghiêm từ nhiều hội đoàn khác nhau, đã họp lại bàn bạc và đệ trình lên chính phủ một dự án nhằm cải thiện đời sống dân cư ở Quận 8, một quân ven nghèo nhất của thành phố. CTPT bắt đầu hoạt động, chính xác vào ngày 15.8.1965, dưới sự bảo trợ của Bộ Thanh và Tòa Đô Chính (*). Trong tất cả những công tác cải tiến dân sinh như chỉnh trang các khu nhà ổ chuột, tổ chức dịch vụ ý tế lưu động và vệ sinh công cộng, sửa chữa các con hẻm lầy lội v.v…, CTPT đặt ưu tiên hàng đầu cho việc giáo dục như là một bước cơ bản để nâng cao đời sống người dân. Có thể kể một số việc: lập ký nhi viện (nhà trẻ), mở các lớp dạy nghề và giáo dục tráng niên, xây dựng thêm phòng học để giải tỏa lớp ca 3 tại các trường tiểu học… Đặt biệt là phải cấp bách thành lập cho kỳ được một trường trung học dành riêng cho con em Quận 8. Từ đó, Trường Trung học Cộng đồng Quận 8, sau này (1974) mang tên Lương Văn Can, được hình thành. Vì thế, với tư cách là một người trong cuộc, xin được có đôi lời về vai trò của tổ chức này (CTPT) trong quá trình tạo dựng nên ngôi trường thân yếu của chúng ta, như góp phần chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 50 năm thành lập trường (1966-2016) vào năm tới.

  1. Thực trạng xã hội và tình hình giáo dục của Quận 8 lúc mới thành lập

Quận 8 được thành lập năm 1959 là một quận ven đô rất nghèo, tách biệt ra khỏi nội thành bởi hai con kênh Tài Hủ và Kinh Đôi. Ngoại trừ Xóm Củi, tiếp giáp với Quận 5, qua cầu Chà Và, gồm đa số người gốc Hoa có đời sống tương đối khá nhờ kinh doanh thương mại, nghề tiểu thủ công gia đình và xí nghiệp nhỏ, tại các phường còn lại (Hưng Phú, Rạch Ông, Chánh Hưng, Bình An), đa số cư dân sống bằng nghề làm công, buôn thúng bán bưng và nông nghiệp. Khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, rất nhiều bà con từ các “vùng xôi đậu” Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công…, rời bỏ ruộng đồng, kéo nhau lên làm ăn sinh sống. Có những gia đình đùm đề chất hết trên chiếc ghe nhỏ, chèo lên neo đậu dọc theo các kinh rạch chằng chịt, rồi sau đó ít lâu tấp vào bờ cất các căn chòi lá tạo nên những khu ổ chuột tạm bợ giữa đám dừa nước, sú, vẹt, ô rô cóc kèn…

Về giáo dục, với dân số khoảng 150.000 người, tuy có nhiều trường tiểu học lớn như Xóm Củi, Hưng Phú, Chánh Hưng, Rạch Ông, mỗi năm có hàng ngàn học sinh hết lớp Đệ Thất (lớp Năm bây giờ), nhưng không có một trường trung học công lập nào, chỉ có một vài lớp tư thục thu nhận chừng vài chục học sinh. Đa số các em không thể chen chân vào các trường trung học trong nội thành, lại không đủ tiền theo học trường tư nên đành bỏ học đi lêu lổng, lượm rác hay may lắm thì vào làm các công việc hợp với trẻ con như gói bánh kẹo, giấy vàng mã… trong các xưởng sản xuất gia đình để có chút tiền phụ giúp cha mẹ.

2.     Chuẩn bị mặt bằng thích hợp cho trường trung học tương lai

Quận 8 lúc đó được biết nhiều vì có công ty Heo (dân địa phương quen gọi là công xi hay lò Heo Chánh Hưng) ở phường Hưng Phú (bây giờ là Phường 8), cũng là nơi nhiều học sinh LVC (sau này) sáng sớm trước giờ đi học, đến kiếm thêm thu nhập bằng các công việc vác heo, cạo lông heo hay bán bánh ú, xôi, cà phê dạo cho công nhân làm việc thâu đêm. Vì có trại Tế Bần ở đường Dương Bá Trạc, chuyên giam giữ các thiếu nhi vô gia cư phạm pháp. Và có những bãi chứa rác của thành phố và nghĩa trang vùi lấp sơ sài dân nghèo chết không có tiền mua đất chôn.

CTPT đã chọn một bãi rác và nghĩa trang như thế tại Khóm 4A phường Chánh Hưng (gây giờ là Phường 4) làm nơi xây dựng trường trung học tương lai. Việc đầu tiên là gửi một đoàn cán bộ đến nắm rõ tình hình gia cư, rồi vận động bà con dời ra sống trong khu nhà lá cất tạm bên đường Chánh Hưng (bây giờ là Phạm Hùng), sau đó thông tin trên các báo cho những gia đình đến cải táng mộ thân nhân trong thời hạn hai tháng. Còn lại hơn 500 ngôi mộ vô thừa nhận được hốt cốt đem chôn trong một ngôi mộ chung. Dĩ nhiên bà con cũng phải thực hiện đầy đủ nghi thức cúng kiến để tạ ơn người chết đã nhường đất cho người sống. Sau đó CTPT nhờ một chiếc xáng của Sở Công chánh nạo vét dòng Kinh Đôi lấy đất bùn san lấp toàn diện tích khu nghĩa trang, xong chờ cho đất khô, chỉnh trang phân lô nhà cho dân (CTPT vận động nhiều tổ chức phi chính phủ giúp vật liệu xây dựng), dành được một mặt bằng rộng hơn cả mẫu nằm trên mặt tiền con đường Chánh Hưng chiến lược (theo bản đồ Canh cải của Chính phủ 1960). Vị trí này tuy không phải là trung tâm của quận, nhưng nằm giữa đồng trống không khí trong lành và thuận tiện cho việc đi lại của học sinh ở cả quận ngoại thành là Bình Chánh (thuộc tỉnh Gia Định) kế cận.

3.     Chuẩn bị nhân sự cho việc điều hành trường và lập Ban Vận động thành lập trường

Trường Trung học Cộng đồng, theo quan niêm của anh em trong CTPT, cần phải được điều hành bởi một đội ngũ thầy cô giáo có tinh thần cộng đồng, nên đã xin Bộ Giáo dục thuyên chuyển một số thầy giáo từng hoạt động xã hội về Bộ Thanh Niên, rồi Bộ Thanh niên bố trí đến Quận 8 để hòa mình vào sinh hoạt và công tác ở địa phương, đồng thời tìm hiểu về quần chúng sau này sẽ là phụ huynh học sinh của trường. Và chủ yếu là tham gia vào Ban Vận động thành lập Trường Trung học, ở Quận 8 (và kế tiếp là Quận 6). Đó là các thầy Uông Đại Bằng, Nguyễn Phúc Khánh, Dương Văn Long, Hồ Công Hưng, Nguyễn Ngọc Thạch, Trần Bá Phẩm, Nguyễn Đức Tuyên, Võ Văn Bé, hai thầy này lần lượt làm hiệu trưởng Trường Trung học Cộng Đồng Quận 6, ra đời sau đó một năm..

Trong mọi công tác cải tiến dân sinh, dù lớn như chính trang các khu nhà ổ chuột hay nhỏ như tráng xi măng một con hẻm, CTPT đều áp dụng phương thức phát triển cộng đồng. Nghĩa là khơi dậy nơi đồng bào địa phương nhận biết nhu cầu cải thiện đời sống cộng đồng, rồi đề cử một Ủy ban gồm những người có uy tín và qua Ủy ban này, cùng nhau góp sức tham gia thực hiện những công việc có ích lợi chung cho cả cộng đồng. Người cán bộ thiện nguyện (còn gọi là tác viên xã hội) chỉ có vai trò chính yếu là làm chất men, chất xúc tác nhằm gây ý thức cho nhân dân, chứ không hề là người ban cho dân bất cứ điều gì. Trong tinh thần đó, sau nhiều lần tìm hiểu và thảo luận với các thân hào nhân sĩ, các thầy cô giáo cũng như các phụ huynh trong quận, CTPT đã thành lập một tổ chức với danh xưng khiêm tốn là Ban Vận động Thành lập Trường Trung học Quận 8.. Một số thành viên của Ban Vận động, sau khi có con em vào trường, đã tham gia Hội Phụ huynh học sinh để cộng tác với Ban Giám hiệu điều hành trường. Vì thế Hội phụ huynh học sinh của trường sau này mang tên “Hội Phụ huynh và Giáo chức” theo kiểu PTA (Parents and Teachers Association) của nhiều nước trên thế giới, vì có sư phối hợp giữa thầy cô và cha mẹ học sinh.

4. Qui chế Trường Đô Thị và Tỉnh hạt ra đời từ một thỏa hiệp với Bộ Giáo Dục.

Thời đó, ở miền nam, chỉ có ba loại trường trung học: Công lập, Bán công và Tư thục. Ban đầu, Ban Vận động Thành lập trường chỉ nghĩ đơn giản là giao đất cho Bộ Giáo dục để mở một trường trung học công lập, theo tinh thần cộng đồng, để con em trong quận được đi học miến phí hoàn toàn. Với lý do mặt bằng xây dựng là của cộng đồng, CTPT sẽ yêu cầu Bộ Giáo dục cho phép trường chỉ nhận học sinh cư ngụ trong Quận 8 và Bình Chánh (theo Tờ Khai Gia đình, một thứ Hộ khẩu) và bổ nhiệm Hiệu trưởng theo đề nghị của mình. Tuy nhiên khi tiếp xúc với các viên chức Bộ Giáo dục, thì được biết: Bộ chưa có dự trù ngân sách cho việc xây cất ngôi trường nào trong phạm vi thành phố. Vả lại, Bộ vừa mới thành lập Trường Trung học Quận 7 năm học 1965-1966 (tức THP Ngô Gia Tự ở phường 15, Quận 8 bây giờ). Muốn xây dựng một trường mới, cần trải qua thủ tục phức tạp, Bộ Giáo dục phải được Bộ Tài chánh đồng ý cấp cho một ngân khoản cần thiết và sau đó tiến hành xây dựng trường qua thủ tục đấu thầu. Như vậy không biết đến bao giờ mới có trường, trong khi đối với CTPT, đây là vấn đề cấp bách không thể tri hoãn..

Sau nhiều lần trao đổi giữa Bộ Giáo dục và CTPT, hai bên đi đến một thỏa hiệp như sau: Địa phương Quận 8 lo xây dựng cơ sở trường ốc và trang bị bàn ghế dụng cụ học tập và trả lương cho nhân viên, còn Bộ Giáo dục chỉ có trách nhiệm cung ứng đầy đủ số giáo chức cần thiết cho việc điều hành và giảng dạy. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục coi thỏa hiệp này là điều quá mới mẻ, nên giao cho Phòng Pháp chế nghiên cứu để đệ trình chính phủ ban hành thành luật. Qui chế Trường Đô thị, Thị xã và Tỉnh hạt ra đời do Sắc lệnh số 168-GD/SL ngày 8.10.1966 và Nghị định số 1297-GD/TC/NĐ ngày 7.6.1967. Nhờ qui chế này mà có thêm rất nhiều trường trung học ở các vùng xa xôi hẻo lánh.

Ngày 20.10.1966, Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 khai giảng năm học đầu tiên chỉ do “giấy cho phép” của Bộ Giáo dục. Đến năm sau, khi có qui chế pháp định rồi, Bộ Giáo dục mới thừa nhận Trường. Cũng đầu năm học 1967, Trường còn được Bộ Giáo dục chọn trong số 11 trường trung học toàn miền Nam áp dụng chương trình Tổng hợp (Comprehensive School), nghĩa là được tăng cường thêm các môn kỹ thuật (dành cho nam), kinh doanh (cho nam nữ) và kinh tế gia đình (chỉ cho nữ). Như vậy, cái tên đầy đủ của Trường phải là Trung học Cộng đồng Đô thị Tổng hợp Quận 8.

  1. CTPT tiếp tục giúp trường trong những năm học đầu còn khó khăn.

Trong những năm đầu hoạt động, còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng như điều kiện học tập và sinh hoạt, CTPT đã yểm trợ hết mình cho Trường. Dãy nhà ngang gồm 4 phòng học cho 8 lớp (2 lớp đệ Lục và 6 lớp đệ Thất, lớp 7 và 6 ngày nay), văn phòng hiệu trưởng và nhà kho, do thầy Nguyễn Phúc Khánh chỉ đạo xây dựng gấp cho kịp khai giảng năm học đầu tiên, không thể đón nhận 6 lớp mới cho năm học 1967-1968. Vì thế ngay trong năm học đầu, CTPT đã nhờ một kiến trúc sư bạn là Trương Đức Nguyên Trang vẽ qui hoạch tổng thể ngôi trường hoàn chỉnh, để dựa vào đó CTPT vận động tài chánh, cộng với tiền lệ phí hàng tháng của học sinh và do Hội Phụ huynh quản lý, xây dựng dần theo nhu cầu phát triển của trường. Sau Tết Mậu Thân, dãy nhà ngang bị tàn phá, với kinh phí của CTPT, thầy Khánh cũng lo xây cất một nhà chơi (préaud) lớn bằng cột gỗ lợp fibro-ciment trên một phần nền dãy nhà này (bây giờ là nơi làm sân khấu).

Ngoài ra, CTPT còn nhờ một số anh chị du ca xuống trường ngày chủ nhật để tập cho các học sinh ca hát và sinh hoạt tập thể, nhằm mục đích tạo môi trường thân thiện và vui tươi với các em, có thể bù đắp phần nào căn nhà nhỏ hẹp của các em trong những con hẻm sâu tồi tàn. Lâu lâu, nhà trường cần tổ chức cho các lớp đi tham quan hay dã ngoại ở xa, CTPT vận động giúp phương tiện di chuyển và một phần chi phí tổ chức để đở gánh nặng cho phụ huynh. Bởi vì, lúc đó CTPT đã trở nên một tổ chức đủ uy tín để giao dịch với các cơ quan và đoàn thể từ thiện trong nước và nước ngoài, có khả năng giúp đỡ Trường về nhiều phương diện.

Công việc yểm trợ này chấm dứt khi CTPT giải tán vào năm 1971. Năm đó, Trường đã có 38 lớp với trên 1.500 học sinh.

Kết luận: Tinh thần cộng đồng cần được tiếp tục phát huy trong nhà trường

Đầu năm học 1974-1975, Giám đốc Nha Trung học (lúc bấy giờ là ông Phạm Tấn Kiệt) gửi văn bản yêu cầu trường đổi tên Trường, lấy tên một danh nhân với điều kiện không được trùng với tên một trường đã có trước. Hội đồng giáo sư (bây giờ là Hội đồng sư phạm) họp và chọn tên cụ Lương Văn Can trong số các tên khác là Lê Thánh Tôn và Đào Duy Từ. Như vậy, cái tên Trung học Cộng đồng chỉ còn là chuyện của quá khứ, trên 40 năm.

Tuy nhiên, không có quá khứ thì không có hiện tại, lại càng không thể có tương lai. Trong năm 2016 sắp đến, khi mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, dù muốn hay không, chúng ta cũng nhắc đến quá trình đầy khó khăn để hình thành nên ngôi trường ngày nay, cùng với sự đóng góp của rất nhiều người, gồm cả những kẻ chết đã phải di dời nhường đất xây dựng trường. Quá trình thành lập sẽ luôn là thành phần thiết thân, là những trang đầu trong truyền thống của Trường THPT Lương Văn Can. Nhưng điều quan trọng không phải là kể công nhóm người này hay tổ chức kia mà là xác định lại ý hướng ban đầu khi trường được tai nghén, rồi thành hình. Đó là tạo cho các thế hệ trẻ xuất thân từ mái trường này có tinh thần phục vụ cộng đồng vốn là điều kiện thiết yếu để một cộng đồng, dù nhỏ hay lớn, dù ở thời đại nào, được thăng tiến và phát triển bền vững.

Hồ Công Hưng (tháng 01.2015)

_________________________________

(*) Chỉ xin nhắc ở đây một số chức vụ quan trọng: Bác sĩ Hồ Văn Minh, Quản lý CTPTQ8, luật sư Đoàn Thanh Liêm, phụ trách đối ngoại, thầy Hồ Ngọc Nhuận (nguyên giáo chức tư thục, lúc đó là thiếu úy), Quận trưởng và ông Mai Như Mạnh (tốt nghiện Quốc gia Hành chánh) là Phụ tá hành chánh của Quận trưởng.

Báo tiếng Việt ở Mỹ xin phá sản sau phán quyết 4,5 triệu đôla

Báo tiếng Việt ở Mỹ xin phá sản sau phán quyết 4,5 triệu đôla

Trong bản tin video trên mạng, tờ Người Việt cho biết họ đã thắng kiện tuần báo Sài Gòn Nhỏ 4,5 triệu đôla.

Trong bản tin video trên mạng, tờ Người Việt cho biết họ đã thắng kiện tuần báo Sài Gòn Nhỏ 4,5 triệu đôla.

19.04.2015

Tuần báo Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon News) có trụ sở ở thành phố Garden Grove ở tiểu bang California đầu tuần này đã nộp đơn xin phá sản tại Tòa Phá sản Mỹ ở Santa Ana.

Tờ báo được thành lập những năm 80 nộp đơn hôm 13/4, vài tháng sau khi một bồi thẩm đoàn ở quận Cam yêu cầu tuần báo này phải trả 4,5 triệu đôla cho một tờ báo tiếng Việt khác trong vụ kiện về tội vu khống và phỉ báng.

Trong đơn, Sài Gòn Nhỏ cho biết họ có chưa đầy 50 nghìn đôla trị giá tài sản, và nợ khoảng 4,7 triệu đôla mà trong số đó có khoản mà Tòa yêu cầu tờ tuần báo này phải trả cho tờ Người Việt.

Ngoài ra, Sài Gòn Nhỏ nói rằng 4.5 triệu đôla là khoản “tranh cãi”, và đang kháng cáo phán quyết của tòa.

Trong một bài bình luận đăng tải năm 2012, tuần báo Sài Gòn nhỏ cho rằng giám đốc điều hành của tờ Người Việt là một điệp viên cộng sản và làm việc cho Việt Nam.

Tờ Người Việt cho rằng những lời tố cáo sai trái này đã ảnh hưởng tới việc kinh doanh của báo vì cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn còn bị ám ảnh bởi Chiến tranh Việt Nam.

Theo thông cáo của Nhật Báo Người Việt, ngoài bồi thường thiệt hại, bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu Báo Sài Gòn Nhỏ đính chính về những câu viết có tính phỉ báng và vu khống được đăng trên tờ này, đồng thời xin lỗi ba nguyên đơn của báo Người Việt.

Sau phiên tòa, bà Hoàng Dược Thảo, chủ báo Sài Gòn Nhỏ, nói rằng “cuộc chiến vẫn chưa kết thúc”.

Bà được trích lời nói rằng bài báo của bà “không có ý phỉ báng, mà chỉ đặt những câu hỏi chính đáng về báo Người Việt”.

Liên quan tới vụ xin phá sản trên, luật sư đại diện cho nhật báo Người Việt, phát biểu rằng “bà Hoàng Dược Thảo khai phá sản vì muốn trì hoãn việc bồi thường”.

“Qua việc Sài Gòn Nhỏ khai phá sản, nhật báo Người Việt giờ đây được bảo vệ chặt chẽ hơn về mặt tài chính,” vị luật sư nói tiếp.

Tờ Người Việt được thành lập năm 1978, và có lượng phát hành hàng ngày là khoảng 14 nghìn tờ.

Trong khi đó, tuần báo Sài Gòn Nhỏ được thành lập tại thành phố Westminster năm 1985 và phát hành trên toàn nước Mỹ.

Theo The Orange County Register, The Wall Street Journal, Người Việt

Harvard, Yale, và sự lựa chọn của Thắng Diệp

Harvard, Yale, và sự lựa chọn của Thắng Diệp

Nguoi-viet.com

Thiên An/Người Việt

RESEDA, California (NV)Harvard hay Yale? Đó là câu hỏi “đau đầu” mà Thắng Diệp, một học sinh lớp 12 sang Mỹ cùng gia đình chưa đến mười năm trước, đang đắn đo suy nghĩ. Trong số các trường đại học đã mời nhập học, Thắng vẫn chưa quyết định được mình sẽ chọn Harvard hay Yale cho những năm sắp tới.

Thắng Diệp và chị gái Châu Diệp. (Hình: gia đình cung cấp)

“Harvard đã cho biết sẽ tặng học bổng toàn phần. Trong khi mình thích Yale hơn vì tính xã hội và cộng đồng của trường, thì trường lại chưa có thông báo về danh sách học bổng…” Giọng nói của anh chàng hay cười này trầm lại phần nào khi được yêu cầu so sánh hai trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ mà mình sẽ phải chọn một.

Ngoài Harvard và Yale, Thắng cũng được thư mời học từ tất cả các trường khác mà anh nộp đơn: UC Berkeley, UC Los Angeles, UC Irvine, và UC San Diego.

Gương mặt sáng đằng sau lớp kính cận, giọng nói vui tươi, đặc biệt là sự hồn nhiên lẫn hóm hỉnh liên tục đem lại tiếng cười cho người đối diện, Thắng thuộc loại người dễ dàng được mọi người yêu mến.

Khi gia đình sang Mỹ năm 2006, Thắng bắt đầu học lớp 4. Như nhiều học sinh đến từ ngoại quốc, Thắng phải theo học các lớp đặc biệt cho các em chưa rành Anh ngữ. Nhớ lại, Thắng có thể kể cho bạn nghe những đêm đọc vang giữa nhà hết cuốn sách này đến cuốn sách khác – răng kẹp ngang cây bút chì – để tập phát âm sao cho đủ to để nghe được, và đủ chuẩn để hiểu được.

Chỉ một năm sau đó, được chuyển sang chương trình học bình thường, không những Thắng đạt điểm xuất sắc, mà còn được thầy cho đại diện trường tham gia cuộc thi speeling bee – thi đánh vần từ vựng Anh ngữ.

Harvard…(Hình: gia đình cung cấp)

Thắng nhanh chóng hòa nhập tại trường học. Bằng chứng là những thành tích đáng nể như bằng khen của tổng thống hay các vị trí dẫn đầu lớp.

Tuy vậy, theo lời Thắng, đằng sau những bằng khen là sự cố gắng không ngưng nghỉ. Để có được điểm học 4.7/4.0, mỗi mùa Thắng lấy từ bốn đến sáu lớp AP nâng cao.

“Hồi đó chưa biết tiếng Anh, mình phải bỏ nhiều giờ hơn các bạn rất nhiều để đọc và viết. Giờ tiếng Anh đã giỏi hơn rồi, nhưng vẫn phải cố gắng rất nhiều. Cái gì mình dở thì mình càng phải học. Với mình, các môn toán và khoa học thì dễ hơn là môn văn. Vì vậy mình cố lấy thật nhiều các lớp về luận văn, về triết học, để buộc mình phải đọc, phải viết, phải rèn bản thân,” Thắng chia sẻ.

Một ngày của Thắng bắt đầu từ 6, 7 giờ sáng, đi học đến 5 giờ chiều, về đến nhà là tranh thủ ngủ vài phút và ăn tối, trước khi ngồi vào bàn học đến 2 giờ sáng.

Cuối tuần, ngoài việc tự học, Thắng tìm đến những nơi mình và bạn bè có thể làm việc thiện nguyện: từ dọn dẹp công viên, đến thăm người vô gia cư hay người già tại các viện dưỡng lão.. Thắng cũng chính là người đang giữ chức vụ chủ tịch của câu lạc bộ tình nguyện viên của trường.

….hay Yale? (Hình: gia đình cung cấp)

“Quan trọng nhất có lẽ là phải biết cách sắp xếp thời gian. Mình muốn điểm cao, mình muốn sinh hoạt, làm từ thiện, muốn đi chơi với gia đình, với bạn bè… nhưng thời gian ít khi cho phép mình thực hiện được tất cả. Phải làm những việc quan trọng trước, và hy sinh những điều khác…” Thắng nói.

Với Thắng, lấy nhiều lớp khó và chỉ huy nhóm tình nguyện viên là đồng nghĩa chấp nhận việc ngủ ít đi và không có giờ cho các sở thích khác như xem phim bộ hay học thể thao.

Nhưng với Thắng, sự hy sinh lớn nhất về thời gian vẫn là những lần không thể cùng ba mẹ đi ăn, đi chợ, hay phải bỏ lỡ một buổi gặp mặt của người thân.

“Hồi đó lúc mới qua thì tôi cũng lo không biết tụi nó có tiếp cận được văn hóa và lối sống ở Mỹ không. Nhưng chắc nhờ tụi nó biết ba mẹ đi làm cực, nên đứa nào cũng lo học. Thắng học giỏi cũng có công của chị nó làm gương,” ông Kế Diệp nói về con gái lớn Châu Diệp và con trai Thắng Diệp. “Trong sáu trường cháu xin học, thì hai trường giỏi nhất mà cháu đang băn khoăn chọn lựa lại là hai trường xa nhà nhất. Dù thế, và dù cháu chọn Harvard hay Yale, thì ba mẹ cũng tin tưởng và ủng hộ.”

Vậy thì, Harvard hay Yale?

Dù Thắng Diệp chọn đại học nào đi nữa, Harvard, hay Yale, hay bất kỳ trường nào khác, ý chí mạnh mẽ đằng sau tiếng cười luôn giòn tan của Thắng sẽ là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa dẫn đến thành công.

‘Vực Xoáy- Tiếng uất gào còn vang vọng trên Biển Đông’

‘Vực Xoáy- Tiếng uất gào còn vang vọng trên Biển Đông’

Nguoi-viet.com

Châu Thụy ra mắt sách về thuyền nhân

Thiên An/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Khó mà có đủ lời nào để diễn tả hết được những ý nghĩ mà tập truyện Vực Xoáy tạo ra trong lòng người đọc. Một cách ngắn ngọn, Vực Xoáy là một câu chuyện tình đầy yêu thương và cũng đầy nước mắt của hai thuyền nhân, một nam một nữ trong độ tuổi mười tám đôi mươi trước những biến loạn của xã hội Việt Nam sau 1975.

Tập truyện Vực Xoáy của tác giả Châu Thụy. (Hình: Châu Thụy)

Nhưng chẳng đơn giản thế, Vực Xoáy không chỉ xoay quanh Vũ và Vân, mà còn là cuộc đời và số phận của những người trong gia đình họ và trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Biết bao con người đã đánh cuộc với mạng sống để lên thuyền ra đi. Giờ đây, từng trang sách lột tả trần trụi những bất hạnh đau đớn của họ.

Lối viết chân thật, đơn giản, khiến người đọc khó mà dừng lại. Nếu đã mở trang đầu, người ta sẽ chỉ gấp sách lại khi biết được kết cục câu truyện. Văn phong giàu hình ảnh và âm thanh, Vực Xoáy là một thước phim đưa độc giả hòa vào thế giới đủ cung bậc cảm xúc của những ngày loạn cuối thập niên 80, trên biển cả, giữa sóng gầm, bão tố, và những ác dục không tưởng tượng nổi của con người.

Với tác giả Châu Thụy, một cái tên gắn liền với nghệ thuật Bút Họa hơn là văn chương, đây là tập truyện đầu tiên. Châu Thụy cho biết, năm năm là thời gian tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cuốn tiểu thuyết đầu tay này, với quá trình thu thập tài liệu và phỏng vấn những nhân chứng còn sống sót sau những tai nạn bi thương nhất trên biển cả. Bản thân tác giả cũng là một thuyền nhân, vượt biên năm 1980.

Sau đây là cuộc trao đổi ngắn tác giả Châu Thụy dành cho nhật báo Người Việt.

Tác giả Châu Thụy. (Hình: Châu Thụy)

Người Việt (NV): Đằng sau hai chữ “Vực Xoáy” là những ý nghĩa gì?

Châu Thụy: Dân tộc Việt Nam mình vươn lên từ vực xoáy. Khi mất nước, tất cả mọi người bị xoáy vào một vực vô hình- vực xoáy của hoàn cảnh. Trong số những người cố thoát ra, có người sống sót, có người đã phải bỏ mình.

NV: Cơ duyên nào thôi thúc tác giả viết nên cuốn sách đầu tay này?

Châu Thụy: Tôi yêu thích nghệ thuật thư pháp. Từ 2003 đến 2007, tôi tập trung cho bút họa, cũng tương tự thư pháp nhưng dùng chữ quốc ngữ vẽ chữ cùng tranh. Nhưng tôi cũng là một thuyền nhân.

Từ lúc ở trong nước, khi tìm cách vượt biên, đến lúc sang được trại, tôi chứng kiến quá nhiều chuyện, những đau khổ vẫn còn ăn sâu trong đầu tôi, cũng như với bạn bè tôi. Những bộn bề cuộc sống ở Mỹ làm người ta có thể tạm gác lại những nỗi đau cũ, nhưng thực sự chẳng thể quên được. Một lần khi tôi bút họa chữ “thuyền nhân,” tôi nghĩ đến hàng ngàn người chết trên đường vượt biển, và tôi muốn làm điều gì đó cho họ. Tôi muốn tự nhắc nhở cho tôi, và cho mọi người, đừng bao giờ quên những người đã bỏ mạng trên đường tìm tự do.

NV: Dù đã có nhiều sách viết về thuyền nhân, Vực Xoáy mang lại một cảm xúc rất khác, rất đặc biệt, đến người đọc. Tác giả làm thế nào để tạo nên điều này?

Châu Thụy: Trước giờ đã có nhiều người viết về vượt biên, mỗi con tàu là một câu chuyện tang thương, nhưng với tính cách phóng sự. Tôi muốn viết một câu chuyện tình cảm, của Vũ và Vân, để người đọc có thể dễ dàng theo dõi câu chuyện cụ thể của hai nhân vật mà thấy được toàn cảnh bấy giờ.

Tôi phỏng vấn rất nhiều người, lắng nghe câu chuyện của chính bản thân họ. Nó kinh khủng lắm. Đến giờ họ vẫn còn uất nghẹn như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi gửi gắm tất cả những xúc cảm của các cô gái nạn nhân vào nhân vật Vân, để người đọc cảm nhận được nỗi đau khổ. Vũ và Vân tượng trưng cho những người trẻ mới lớn – đang đầy nhựa sống, ao ước một tương lai tốt đẹp thì biến cố 1975 xảy ra đưa mọi thứ vào bế tắc và tuyệt vọng. Bên cạnh đó là những nhân vật và thành phần khác trong xã hội thời bấy giờ, những người lớn hơn bị chế độ mới vùi dập, đến những kẻ cơ hội bạo ngược…

Tiểu thuyết có một phần nhỏ hư cấu. Tất cả các chi tiết đều là sự thật, từ phục quốc quân, lá cờ vàng, bị bắn trên thuyền… của tôi và của những nhân chứng mà tôi có may mắn được gặp. Sự hư cấu là trong cách sắp xếp những chi tiết lại, để giúp các câu chuyện trôi chảy mạch lạc và ngắn gọn hơn trong khuôn khổ một cuốn sách.

NV: Vực Xoáy sẽ khơi lại nỗi đau đớn tột bậc của rất nhiều người, đặc biệt là khi xuất hiện đúng vào dịp cuối Tháng Tư này. Tác giả có nghĩ đến điều đó?

Châu Thụy: Tôi muốn gửi cuốn sách đến những người trẻ, những người đến sau, và những người trong nước, những người không biết những gì xảy ra ngoài biển trong thời gian đó. Có thể họ nghe kể, họ biết, nhưng có rất nhiều chuyện họ không hiểu hết được những đau thương. Mượn câu chuyện tình cảm của Vân và Vũ, tôi viết tiểu thuyết để mọi người có thể theo dõi và cảm nhận một cách dễ dàng hơn.

50 năm sau, 100 năm sau, những nhân chứng của thời vượt biên như chúng tôi sẽ không còn nữa, thì những cuốn sách này để họ hiểu được người vượt biên đã phải đau khổ như thế nào. Đọc, hiểu, buồn, so sánh để biết được rằng mình may mắn không phải chọn hai chữ tự do bằng con đường vượt biên.

So sánh để thấy rằng mình hạnh phúc. Tôi vẫn nhớ lúc lên được đến bờ, cứ thấy một hột cơm trắng là tôi chảy nước miếng. Lúc đi tôi 19 tuổi, mất mát hết, thấy người ta ăn là mình thèm. Đến giờ dư dả rồi tôi vẫn quý thức ăn, không dám phung phí dù chỉ một tí.

NV: Hoàn thành cuốn sách sau năm năm, một khoảng thời gian không hề ngắn, tác giả có thực hiện được ý muốn ban đầu là giúp người đọc cảm nhận được những gì thuyền nhân đã trải qua?

Châu Thụy: Tôi không phải là nhà văn, nhưng tôi viết bằng tất cả tim óc của mình. Không chỉ của tôi, mà của tất cả những nhân chứng tôi có dịp gặp. Tôi vẫn nhớ những người tức giận bóp chặt trào ly nước khi kể lại chuyện cũ, những người phải uống thuốc để dằn bớt nỗi đau tinh thần, giúp tôi viết đi viết lại đến khi nào lột tả được đúng cảm xúc của họ mới thôi. Lắng nghe họ kể, họ khóc, họ uất hận, tôi nhiều lúc cũng rưng rưng chịu không nổi nữa. Tôi viết cho đến khi chính người nhân chứng cho biết những lời văn đã tả được cảm xúc thật của họ. Tuy vậy, tôi biết khó có thể mà tả hết được tất cả những gì thuyền nhân và dân tộc Việt Nam đã phải chịu trong giai đoạn đó.

NV: Cám ơn tác giả Châu Thụy đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

CẢM NGHIỆM VÀ SẺ CHIA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

CẢM NGHIỆM VÀ SẺ CHIA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Tác giả: Huệ Minh

Cuộc sống của chúng tôi không dư và cũng không đến độ gọi là thiếu. Chính từ những cảm nhận rất thật đó để rồi chúng tôi mỗi người một chút kẻ có công người có của cùng hẹn nhau đến những nơi cưu mang những người bất hạnh trong hoàn cảnh cho phép của mình.

Rời xa Sài Thành phồn hoa đô thị, nhóm chúng tôi đến cái nơi mà thật sự chẳng ai muốn đến bởi lẽ đó là nơi cưu mang những con người bị xã hội loại trừ. Những mảnh đời kém may mắn đó phải sống sau song cửa sắt dường như luôn khép kín bởi vì họ muốn hội nhập cộng đồng nhưng hoàn cảnh không cho phép.

Chờ một lát bởi sinh hoạt buổi sáng của trung tâm bảo trợ TBXH Tâm Thần – Trọng Đức – là vệ sinh cá nhân của những bệnh nhân ở đây. Cũng không mất thời gian vì chúng tôi chia nhau người thì lo dọn bữa ăn, người thì lo chuyển quà, nhóm thì lo sinh hoạt văn nghệ …

Buổi sinh hoạt văn nghệ cây nhà lá vườn sôi động hơn hẳn khi có sự góp mặt của “ca sĩ Lệ Quyên”, “ca sĩ La Lan” … Những ca sĩ dù không chuyên nhưng rất nhập tâm bởi lòng luôn muốn gửi đến khán giả nỗi lòng của họ.

Chương trình văn nghệ kết thúc, chúng tôi chia nhau mỗi người sẻ chia cho những bệnh nhân ở đây mỗi người một bộ đồ, một gói bánh và kẹo … Có những người cứ khư khư trong người món quà mới nhận bởi họ cứ sợ người khác lấy phần của mình … Ở góc phòng đâu đó lại có những người ủ rũ nhìn đời … Tất cả họ là những người không kiểm soát được bản năng cũng như suy nghĩ của mình.

10 g 00, chúng tôi bước vào Thánh lễ Chúa nhật 2 Phục Sinh còn gọi là Chúa Nhật kính nhớ lòng Chúa Thương Xót.

Trước khi vào Thánh Lễ, Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho mỗi người, ban cho trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần Trọng Đức này. Cha cũng mời cộng đoàn cùng cầu nguyện cho Trung Tâm trong việc trùng tu ngôi nguyện đường của Trung Tâm, xin Chúa quan phòng mọi sự ở trung tâm này từ khởi sự cho đến hoàn thành đều trao phó trong bàn tay Chúa.

Trong bài chia sẻ, linh mục chủ tế mời gọi cộng đoàn nhìn lên lòng thương xót bao la mà Chúa dành cho các môn đệ, đặc biệt cho ông Tôma – kẻ cứng lòng tin vào Chúa Phục Sinh. Cha cũng mời gọi mỗi người nhìn đến những bệnh nhân ở trung tâm Tâm Thần Trọng Đức này để cảm nhận được tình Chúa xót thương mỗi người đến dường nào … Cha mời gọi mỗi người chia sẻ trong khả năng cho phép của mình với những người kém may mắn.

Thánh Lễ kết thúc, mỗi người một tay phụ dọn bữa trưa cho bệnh nhân ở Trung Tâm.

Trưa nay, các bệnh nhân được dùng bánh cuốn chả. Kèm theo đó là một chai C2 trà chanh …

Bữa trưa kết thúc nhanh gọn bởi thức ăn cũng giản đơn mà người ăn cũng đơn giản.

Sau đó, tất cả quy tụ lại góc trung tâm tạm gọi là “hội trường” để cùng nhau giao lưu văn nghệ. Những giọng ca oanh vàng được các bạn ở Trung Tâm này cất lên thật sôi động giữa trưa nóng bức. Niềm vui gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh này làm xua tan nỗi mệt nhọc của mọi người hiện diện nơi đây.

Quá trưa, chương trình văn nghệ khép lại cũng như lời chia tay tạm biệt được mọi người chung chia với nhau.

Rời xa hơn 400 con người (nam và nữ) ở trung tâm tâm thần Trọng Đức này nhưng lòng mỗi người chúng tôi vẫn nhớ họ. Nhớ họ để cảm nhận được mình còn may mắn hơn họ và mình được Chúa thương thật nhiều.

Có những chuyến đi như thế, có những lần gặp gỡ như thế mới thấy được Chúa thương mình nhiều.

Tạ ơn Chúa, cảm ơn những ân nhân đã góp công góp của để chúng tôi có cơ hội cảm nhận được lòng Chúa thương xót thật nhiều trên cuộc đời chúng tôi.

Huệ Minh

BACH NIÊN GIAI LÃO

BACH NIÊN GIAI LÃO

Nữ 70 chưa phải là già !

Đến 80 tuổi vẫn là còn xuân !

Càng già càng dẻo, càng dai….bái phục, bái phục!?

Cụ bà MIEKO NAGAOKA 101 tuổi

với những thành tích bơi lội Thế Giới

đang nắm giữ 24 kỷ lục …

Cụ bà Mieko Nagaoka bắt đầu tự học bơi năm 82 tuổi để chữa chứng đau đầu gối của mình, đến nay cụ 101 tuổi và có một bảng thành tích đáng nể trong sự nghiệp bơi lội.

Cụ bà hơn 100 tuổi với thành tích bơi lội đáng nể - ảnh 1

Cụ bà Mieko Nagaoka – Ảnh: chụp màn hình pantip.com

Cụ bà Mieko Nagaoka sinh năm 1914, sống ở miền nam Nhật Bản, bắt đầu tự học bơi vào năm 82 tuổi với mục đích chữa chứng đau đầu gối của mình. Khi đó, cụ không hề biết phải bơi như thế nào mà chỉ đến bể bơi để thực hiện những bài tập cho đầu gối.

Năm nay, cụ bà Nagaoka đã 101 tuổi, được biết đến là vận động viên bơi lội lớn tuổi nhất ở Nhật Bản và còn tiếp tục tranh tài ở giải vô địch bơi thế giới của Liên đoàn bơi lội thế giới (FINA). Ngày 4.4 vừa qua, cụ đã hoàn thành phần thi bơi tự do nữ cự ly 1.500 mét trong thời gian 1 giờ 15 phút tại Nhật Bản.

Theo Hiệp hội bơi lội Nhật Bản, với kết quả trên, cụ trở thành người đầu tiên trên thế giới thực hiện chặng bơi 1.500 mét ở độ tuổi 100-104. Nhiều khả năng cụ sẽ được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới chính thức công nhận kỷ lục, theo Kyodo News.

Từ mục đích chữa bệnh đến bảng thành tích đáng nể trên là câu chuyện bắt đầu từ lúc cụ đã hơn 80 tuổi. Năm 84 tuổi, cụ bà bắt đầu tham gia giải bơi Masters ở Nhật Bản. Bốn năm sau, lần đầu tiên cụ góp mặt tại giải bơi Masters thế giới tổ chức tại New Zealand năm 2002 rồi giành giải đồng nội dung bơi ngửa 50 mét. Đến năm 2004, bà Nagaoka lại tới Ý dự giải và giành 3 huy chương bạc ở nội dung bơi ngửa 50 mét, 100 mét và 200 mét, theo Tân Hoa xã.

Cụ bà hơn 100 tuổi với thành tích bơi lội đáng nể - ảnh 2

Cụ bà Nagaoka bắt đầu bơi khi đã ngoài 80 tuổi – Ảnh: chụp màn hình Tân Hoa xã

Cụ bà nhận được chứng nhận quốc gia năm 90 tuổi khi lập kỷ lục quốc gia tại cuộc thi ưa thích của mình ở nội dung bơi tự do 800 mét. Ở tuổi già như vậy nhưng cụ vẫn không ngừng luyện tập để cải thiện bảng thành tích cá nhân.

Nỗ lực của cụ đã được đền đáp vào năm 95 tuổi, lúc này cụ lập kỷ lục thế giới đầu tiên ở nội dung bơi ngửa 50 mét giải Masters. Hiện tại cụ đang nắm giữ 24 kỷ lục thế giới và vẫn có kế hoạch giành thêm nhiều huy chương nữa ở cả cự ly ngắn và dài.

Tạp chí bơi lội thế giới Swimming World Magazine mới đây công bố cụ Nagaoka lọt vào top 12 vận động viên bơi lội giải Masters thế giới của năm 2014, đại diện của các vận động viên ở độ tuổi từ 100-104.

“Tôi muốn bơi cho đến khi mình bước sang tuổi 105 nếu như tôi có thể sống thọ đến thế”, cụ Nagaoka nói.

Câu chuyện về cụ bà Nagaoka có lẽ là một minh chứng cụ thể cho câu nói “không bao giờ là muộn để bắt đầu một điều gì đó”.

Ngọc Ma

Cộng sản và tôi

Cộng sản và tôi

– Tin nổi bật, Buôn chuyện

VRNs (15.04.2015) – Thanh Hóa – Tôi là một trong số hàng chục triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chưa thể nào vạch trần hết tội ác của chủ nghĩa rừng rú này; nhưng cũng sẽ góp một phần nhỏ để những ai còn ngây thơ mù quáng đi theo nó sớm nhận ra và từ bỏ còn đường tăm tối được thêu dệt nên bằng những dối trá và tội ác.

Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản.

Bắt đầu là bà nội của tôi: Bà tôi sinh năm 1890. (Không biết ông nội tôi mất từ bao giờ). Một tay bà phải vất vả nuôi một đàn con. Trong nạn đói năm 1945 các con của bà tôi nhiều người đã phải chết vì đói. Đến năm 1949 người con trai lớn của bà đã hăng hái gia nhập vào quân đội và tử trận tại Điện Biên Phủ năm 1954. Sau nhiều năm không nhận được tin tức gì của bác tôi nên bà tôi buồn đau héo hon khổ sở. Mãi tới khoảng năm 1973 gia mới nhận được một mãnh giấy thông báo rằng bác tôi đã hy sinh.

150411003

Trong khoảng thời từ năm 1954-1975, giai đoạn xảy ra cuộc nội chiến tại Việt Nam, dưới sự tuyên truyền của Cộng Sản những người thân của tôi lại tiếp tục như con thiêu thân lao vào cuộc chiến “xâm lược miền Nam” và làm công cụ cho việc bành trướng chủ nghĩa hung tàn cộng sản một cách vô điều kiện. Năm 1967, khi mà máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Quê tôi nằm ngay cạnh một nhà máy xay là nơi tập trung một lượng thóc gạo khá lớn để cung ứng cho chiến trường miền Nam, nơi đây có một cây cầu là nút giao thông quan trọng; vậy nên đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu là bom đạn. Lúc đó tôi chưa được sinh ra, nhưng khi lớn lên chỉ nhìn những dãy hố bom chi chít và những hầm pháo còn lại trên đồng làng; tôi cũng nhận ra được một phần nào những đau thương trong quá khứ.

Theo bố tôi kể lại thì vào giai đoạn đó ở nông thôn miền Bắc mọi sinh hoạt của đời sống đều nằm dưới sự điều hành của hợp tác xã (HTX). Vào năm 1967 người vợ đầu của bố tôi bị HTX điều vào khu vực máy bay Mỹ thường ném bom, để vừa lao động sản xuất vừa phụ giúp bộ đội đắp hầm pháo và tiếp đạn. Rồi một mảnh bom đã cắt ngang cuộc đời bà ở độ tuổi 35, để lại sau lưng 2 đứa con thơ cho chồng. Bố tôi cui cút một tay nuôi 2 con nhỏ một bà mẹ già. Vừa đau buồn bởi cảnh chia ly bất ngờ vừa lam lũ với cảnh “đùm cơm vạt áo, đùm cháo lá khoai”. Bố tôi lâm bệnh hen suyễn từ đó. Rồi tình cờ ông gặp mẹ tôi.

Mẹ tôi là một người phụ nữ cũng gặp nhiều đắng cay trong cuộc sống, bà đã 3 lần tiễn đưa người thân vào quân ngũ mà không còn gặp lại. Hai người em trai của bà và một người chồng mới cưới. Cả 3 đều ngã xuống trong mặt trận phía Nam. Mười năm trông ngóng tin chồng trong vô vọng. Ai cũng tin rằng chồng bà đã chết tại chiến trường; nhưng mãi vẫn không có giấy báo tử. Họ hàng bên chồng bà khuyên bà nên đi bước nữa. Bà nấn ná mãi rồi mới quyết định khăn gói về sống chung với bố tôi. Cảnh “rổ rá cạp lại”, tưởng rằng sẽ san sẻ gánh nặng cho nhau, nào ngờ giông bão cuộc đời lại ập xuống những mãnh đời rách nát như họ.

Bố tôi kể lại: Ngay sau khi mẹ tôi khăn gói về sống cùng ông vào năm 1970, đêm nào cũng vậy, cứ 8 giờ tối là dân quân xã lại khua trống tập trung lực lượng kéo tới túp lều tranh nho nhỏ mà bà và bố mẹ cùng các anh chị tôi đang sống. Dân quân trói mẹ tôi đưa ra điếm làng xét tội vì lý do “không chung thủy với chồng là bộ đội”. Có hôm thì họ lại trói bố tôi thay vì mẹ tôi. Họ đưa ông ra điếm làng xét xử tội “cướp vợ bộ đội”. Cảnh tượng kinh hoàng đó đập vào mắt bà nội và các anh chị tôi làm họ vô cùng sợ hãi. Không phải chỉ một hai lần mà kéo dài hàng tháng. Nhưng không thế lực nào chia cắt được tình cảm của hai người. Cũng có lúc mẹ tôi phải tạm lánh về quê ngoại. Rồi tin vui đã tới với cả gia đình. Mẹ tôi có mang tôi sau nhiều thử thách. Lúc này mẹ tôi tiếp tục về sống chung với bố tôi. Biết bà đang mang thai nên bọn người man rợ kia cũng đỡ bớt phần nào những hành động côn đồ ác thú. Nhưng nhà cầmquyền Cộng Sản không cấp khẩu cho mẹ tôi và không cho gia đình tôi vào HTX. Nhà 5 miệng ăn, không nguồn thu nhập, Mẹ tôi phải băng rừng vượt núi kiếm miếng ăn. Cuộc sống vất vả là vậy.

Những tưởng rằng Cộng Sản sẽ buông tha, nào ngờ năm 1974 khi anh trai tôi mới 17 tuổi, cộng sản lại bắt anh tôi làm đơn “tình nguyện” đi bộ đội và rồi anh tôi đi mãi chẳng trở về. Khi gia đình tôi nhận được tin báo tử anh tôi; một lần nữa nước mắt bố mẹ tôi lại lăn dài trên gò má, những giọt nước mắt khổ đau chảy trên đầu tôi thấm sâu vào trong trái tim bé bỏng của tôi, khi tôi mới lên 4 tuổi.

Vào thời gian đó bên nhà chồng cũ của mẹ tôi cũng nhận được tờ giấy báo tử muộn màng về người chồng của mẹ tôi đã tử trận từ năm 1968. Bao năm chắt chiu vất vả dành dụm bố mẹ tôi mua được một con bê nhỏ, lúc này nhà nước quyết định nhập khẩu cho mẹ tôi và cho gia đình tôi vào HTX với điều kiện phải công hữu con bê cho họ.

Trải qua nhiều sóng gió, cuộc sống tuy không đầy đủ nhưng cũng đã tạm yên thân, bố mẹ tôi sinh thêm cho tôi một cô em gái. Những tưởng rồi cuộc sống sẽ êm trôi theo năm tháng, với những gì người Cộng Sản đã tuyên truyền, nào ngờ sự thật không hề như vậy. Với một hoàn cảnh xuất thân nhiều bất hạnh nên cuộc đời tôi dường như không lối thoát bởi những gánh nặng nợ nần. Tôi còn nhớ vào khoảng những năm từ 1980 tới 1988, vì bố tôi bệnh tật không thể lao động được, gánh nặng gia đình chất chồng hết trên vai mẹ tôi. Mẹ vừa lo thuốc men cho chồng vừa nuôi hai anh em chúng tôi ăn học (lúc này chị gái tôi đã lấy chồng). Những sào ruộng nhận khoán của HTX không thể đủ ăn, Mẹ phải chạy vạy buôn bán bằng quang gánh, đi bộ tới các cửa hàng mua dầu hỏa và muối (do các nhân viên cửa hàng bán lậu), rồi gánh bộ hàng trăm km lên các vùng cao để bán hoặc đổi lấy sắn về nuôi chúng tôi. Cũng nhiều lần mẹ bị đại diện nhà nước thu trắng gánh hàng vì lý do buôn lậu. Đã khó lại càng khó thêm. Hàng vụ thu hoạch lượng thóc không đủ để trả nợ lại (vì lúc đó muốn vay được 10 kg thóc thì tới mùa phải trả gấp đôi, thậm chí gấp ba). Vì thế gia đình tôi không đủ thóc giao nạp cho HTX. Vụ này sang vụ khác, HTX tính lãi mẹ đẻ lãi con với lãi xuất 50% /vụ; không những thế mỗi năm lại còn phải nuôi lợn nộp nghĩa vụ 50 kg lợn hơi. Người còn không có để ăn thì lấy gì nuôi được 50 kg lợn?! Vậy nên gia đình tôi lại còn phải mắc nợ thêm khoản kg lợn hơi quy thành thóc. Cứ 1 kg lợn hơi quy thành 10 kg thóc. Như vậy hàng năm gia đình tôi phải mắc nợ 500 kg thóc. Có lần đoàn thu sản vào xiết nợ. Họ thấy trong nhà không có gì đáng giá, phát hiện trong chuồng có một con lợn khoảng 8 kg họ nhảy vào bắt bỏ bì và xách đi. Cả gia đình tôi chỉ biết nhìn theo trong nước mắt.

Tôi vẫn cứ thế lớn lên theo quy luật của Đấng tạo hóa. Tháng 9 năm 1990 tôi nhập ngũ hết 2 năm 6 tháng nghĩa vụ quân sự. Tháng 3 năm 1993 tôi trở về địa phương và kết hôn khi tuổi mới 22. Khi lập gia đình, đương nhiên tôi phải kế thừa một món nợ khổng lồ là 10 tấn thóc. Một số lượng mà khiến tôi không khả năng thanh toán. Sau khi đã chuyển đổi mô hình quản lý ruộng đất từ HTX sang cho Ủy Ban Nhân Dân, và giao ruộng xuống từng hộ gia đình tính theo đầu người tại thời điểm, gia đình tôi có 4 khẩu lẽ ra phải được giao 4 suất ruộng, nhưng vì còn mắc nợ cũ nên chỉ được nhận 1/2 diện tích theo tiêu chuẩn. 1/2 diện tích còn lại phải làm dưới dạng thuê đất với đóng góp cao hơn. Vì thấy quá thiệt thòi nên gia đình cố gắng vay mượn khắp nơi với lãi xuất 5%/tháng trả nợ 10 tấn thóc với giá 3000 đ/10 kg để được nhận ruộng bình thường.

Kể từ đó gia đình tôi không còn mắc nợ nhà nước, nhưng nợ tư nhân lại quá nhiều. Chúng tôi dốc hết sức để kéo cày trả nợ. Vào độ tuổi 35 tôi đã mắc nhiều bệnh tật do lao động quá sức. Tôi không làm lụng được như trước, nợ nần vẫn chồng chất, nên sinh ra rượu chè. Tôi mở một lớp học nho nhỏ phụ đạo cho mấy cháu học sinh lớp 9 trong làng để lấy tiền uống rượu.

Rồi một hôm như là định mệnh, tôi gặp một tín hữu của đạo Tin Lành; người đó tặng tôi vài cuốn sách nhỏ trong lúc tôi vẫn còn say. Tôi cầm sách trên tay mà chẳng biết sách gì. Khi tỉnh rượu tôi mang ra đọc và thấy những gì viết trong sách như đang nhảy múa mời gọi tôi theo Chúa Jesus. Tôi tìm tới gặp người đã tặng sách cho tôi. Từ đó tôi trở thành một tín hữu Tin Lành. Tôi từ bỏ rượu và sốt sắng ra đi nói về Chúa cho những người xung quanh. Nhờ vậy qua tôi cả gia đình tôi và nhiều người trong vùng đã tự nguyện đi theo Thiên Chúa.

Thình lình vào năm 2003 lực lượng nhà nước thông qua Mặt trận tổ quốc và công an ra tay đàn áp những người theo đạo Tin Lành ở quê tôi. Họ ép buộc người dân phải viết cam kết không theo đạo, nếu ai đã theo thì nhà nước bắt viết giấy bỏ đạo, chỉ còn lại gia đình tôi quyết giữ đức tin tới cùng. Thế là cứ mỗi ngày Chủ nhật các đầy tớ của dân lại tới canh cổng nhà tôi không cho ai ra vào, quyết ngăn không cho tôi đi thờ phượng Chúa. Nhiều lần họ bắt tôi ra hội trường thôn để tập trung đấu tố. Họ xuyên tạc vu cáo tôi là phản động. Những người “bạn của dân” không cho tôi quyền giải thích. Mỗi khi tôi đứng lên xin ý kiến phản biện thì liền có những bàn tay “nhân ái” tặng cho tôi một cái vả rồi nhấn đầu tôi xuống. Cả bố mẹ và vợ con tôi cũng không ngoại lệ. Họ liên tục bị nhà cầm quyền sách nhiễu đánh đập. Nhà nước tẩy chay hàng hóa mà vợ tôi buôn bán, cấm đoán không cho người mua bán quan hệ với gia đình tôi.

Vào đêm 30/4 năm 2004 khi mà dân làng tập trung tham gia buổi lễ ăn mừng 29 năm cướp trọn miền Nam, lúc mọi người đang ngất ngây trong chiến thắng, cán bộ cấp xã và công an huyện bỗng dưng đưa đề tài gia đình tôi theo đạo Tin Lành tức là theo Mỹ làm phản động ra để kích động quần chúng. Vậy là thình lình gia đình tôi bị cắt điện và nhận hàng loạt những gạch đá ném vào, rồi sau đó là một đoàn quân ô hợp hàng 100 người kéo vào. Họ đánh đập mọi thành viên trong gia đình, đập phá tài sản, bẻ gãy thánh giá, tháo gỡ bảng 10 điều răn rồi đập nát, đổ phân lợn xuông giếng nước, lấy hết thiết bị điện trong nhà. Sau khi họ bỏ đi để lại cho gia đình tôi một cảnh tan hoang với những con người đầy thương tích. Đêm đó vợ tôi phải đưa tôi đi lánh nạn. Ngày hôm sau ở nhà: Mặt trận tổ quốc lại lập đoàn tới “hỏi thăm” rồi yêu cầu bố tôi làm cam kết bỏ đạo thì họ sẽ cho người tới mắc lại điện và thôi không tấn công gia đình tôi nữa. Bố tôi không đồng ý nên họ uy hiếp rằng tôi sẽ bị đánh chết bất cứ khi nào và ở đâu, còn bố mẹ tôi sẽ chết mà không có chỗ chôn, các con tôi sẽ thất học…

Mặc những lời hăm dọa của những con người thất đức. Bố tôi vẫn không chấp nhận hợp tác. Trong thời gian lánh nạn tạm thời, tôi đã viết một lá đơn gửi tới các cấp cầm quyền từ địa phương, tới trung ương. Sau một tuần tôi mới trở về, đêm hôm đó là đêm 7/5/2004. Vẫn như lần trước đoàn quân vô đạo lại kéo tới đánh đập tôi tơi tả, máu me đầm đìa. Tôi lại phải tạm thời lánh nạn. Mấy ngày sau, Công an tỉnh Thanh hóa thông qua công an xã Quảng Yên, triệu tập tôi tới hội trường UBND xã để “làm việc”. Một mình tôi ngồi giữa hàng trăm công an các cấp và nhiều ban ngành trong xã, bên ngoài cổng UB có khoảng 20 tên đầu gấu cởi trần tay cầm gậy lăm lăm uy hiếp. Tại đây họ bắt tôi phải ký vào một biên bản thừa nhận rằng sự việc xảy ra tại gia đình tôi chỉ là do mâu thuẫn cá nhân không liên quan tới nhà nước. Ngay lập tức tôi phản ứng lại, tay công an làm việc với tôi chỉ tay ra phía cổng nói: Ký hay không tùy anh thôi, nhưng chúng tôi không dám bảo đảm an toàn cho anh khi ra khỏi đây! (Thú thật rằng tôi cũng thấy sợ hãi nên tặc lưỡi ký đại cho xong). Sau khi tôi đã ký vào biên bản đó thì buổi làm việc kết thúc với một lời đe dọa của trưởng công an xã rằng: Nếu mày không bỏ đạo thì con mày đi học chỉ cần tắm trong nước miếng của con thiên hạ cũng đủ chết. Tôi trả lời rằng: Tùy các anh thôi, cuộc sống gia đình tôi nằm trong tay Chúa, Ngài sẽ bảo vệ chúng tôi theo cách của Ngài.

Đúng như lời của trưởng công an xã Nguyễn Viết Đồng đã nói. Kể từ hôm đó đứa con trai lớn của tôi mới 10 tuổi đang học lớp 5, tới trường học liên tục bị bạn bè chế nhiễu, đánh đập và nhổ nước miếng vào người, vào mặt mà giáo viên vẫn làm ngơ.

Tuy vậy cháu vẫn cố gắng chịu đựng để vượt qua, vì cháu đã có chút nhận thức về hoàn cảnh thực tại của gia đình nên chấp nhận lặng yên. Đứa con gái nhỏ của tôi mới 6 tuổi còn đang học lớp 1 cùng phải chịu cùng hoàn cảnh như anh nó.

Nó tới trường học mà khi nào về cũng khóc vì bị các bạn véo, đánh, không ai thèm chơi với nó. Vậy là nó cứ thui thủi một mình một xó.

Và cũng vì vậy mà nó trở nên một đứa trẻ tự kỷ. Cũng từ năm đó con bé không lớn thêm được chút nào. Thương các con nhưng chẳng biết phải làm sao. Gia đình tôi cắn răng chịu đựng và phó mặc cho Thiên Chúa. Cũng có vài lần đưa con bé đi khám bệnh nhưng do không có tiền đi tuyến trên, gia đình tôi chỉ đưa bé tới bệnh viện huyện khám qua loa và nhận được câu trả lời là cháu vẫn bình thường.

(Nào ngờ mãi tới năm 2014 thấy con đã 16 tuổi mà vẫn chỉ như đưa trẻ lên 5, tôi quyết định đưa cháu ra Hà Nội khám lần nữa; thì than ôi tôi choáng váng khi bác sĩ cho biết rằng con bé bị liệt tuyến yên đã 10 năm nên không còn khả năng chữa trị). Mặc dù sống giữa chông gai và gông xiềng Cộng sản nhưng tôi luôn vững tin vào Thiên Chúa. Tôi tiếp tục bước đi giữa những gian nan và thử thách. Tôi tiếp tục đi nhiều nơi để chia sẻ niềm tin về Thiên Chúa. Không ít lần tôi bị đón đường và bị công an Cộng Sản bắt bớ đánh đập. Rồi tôi được Chúa thương nên cho tôi cơ hội được tham gia vào các khóa học thần học.

Tôi trở thành mục sư của một hội thánh nhỏ ở quê hương Thanh Hóa. Chỉ đơn thuần vì lý do tín ngưỡng mà tôi liên tiếp bị những người “bạn của dân” tìm mọi cách đàn áp. Rồi ngày 15/1/2011 tôi bị bắt và bị kết án 2 năm tù giam và 2 năm quản chế theo điều 88 quái gở. (Khi kết án tôi, tay chủ tọa phiên tòa còn lớn tiếng nói rằng: Những thân nhân của tôi đã ngã xuống vì chế độ nay sẽ rất xấu hổ vì tôi). Tuy nhiên tôi tin rằng những người thân của tôi đã đổ máu xương cho chế độ này nếu thực sự có linh thiêng thì họ sẽ rất tự hào về tôi.

Bởi tôi đã tiếp tục bước đi trên con đường tranh đấu cho một nền tụ do dân chủ thật sự.

Tôi tin chắc một điều, vong linh của những người đã ngã xuống sẽ vô cùng đau đớn khi mà những kẻ ngồi trên những chiếc ngai được xây bằng máu xương đồng bào lại tráo trở đảo lộn trắng đen.

Tôi bỏ lại phía sau lưng mình ba đứa con thơ, cùng bố mẹ già và hội thánh thân thương cho người vợ hiền gánh vác.

Hết 2 năm tù oan nghiệt, tôi trở lại gia đình cùng với vợ con bước tiếp chặng đường đầy những chông gai nhưng tràn đầy hy vọng. Tôi vừa phải chia tay người chị gái thân kính và người cha già mẫu mực. Họ đã vĩnh viễn ra đi về nước Chúa. Trước lúc xuôi tay bố tôi còn gắng dặn dò tôi thêm lần nữa: Con hãy cố lên đừng bao giờ bỏ cuộc, ngày cáo chung của Cộng sản đã gần rồi.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn

ĐT: 01628387716
Email: [email protected]

Thạnh Hóa, một Tiên Lãng thứ hai tại miền Nam

Thạnh Hóa, một Tiên Lãng thứ hai tại miền Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-04-15

04152015-thanh-hoa-duplica-of-tienlang.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Gia đình của Mai Thị Kim Hương và chồng là Nguyễn Trung Can

Gia đình của Mai Thị Kim Hương và chồng là Nguyễn Trung Can

RFA screen cap.

Your browser does not support the audio element.

Một vụ cưỡng chế dẫn tới bạo động đã xảy ra vào ngày 14 tháng 4 tại huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An khiến người ta liên tưởng đến trường hợp của gia đình Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng Hải Phòng.

Khi bị dồn đến đường cùng

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 14 tháng 4 hàng trăm cán bộ thuộc lực lượng cưỡng chế của Công an Huyện Thạnh Hóa đã tập trung bao vây gia đình của Mai Thị Kim Hương và chồng là Nguyễn Trung Can, gia đình bà Phùng Thị Ly cùng một số hộ dân khác để thi hành quyết định cưỡng chế lấy đất xây dựng bờ kè thị trấn Thạnh Hóa. Đây là lần thứ hai chính quyền Huyện Thạnh Hóa trưng thu đất của người dân trong cùng khu vực. Lần thứ nhất diễn ra vào năm 1999 lấy đất xây dựng khu thương mại đã giải tỏa hàng trăm hộ dân và lần này lại xảy ra khiến người dân chống đối quyết liệt với vũ khí tự tạo của mình.

Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn con của ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Thị Kim Hương vừa được thả ra vào sáng hôm nay kể lại:

-Cháu tên là Nguyễn Mai Trung Tuấn, cháu nay 15 tuổi học lớp 9. Cháu nghỉ học ngày hôm qua để cùng với gia đình bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình. Cháu xin nghỉ học bữa nay là để trả lời phần truyền thông cho mọi người biết là Việt Nam không có nhân quyền và hiện tại Việt Nam đang đàn áp và đánh đập người dân.

Khi mà nó ập vào nhà cháu thì nhà cháu đã tuyên bố với lực lượng là hãy dừng lại cưỡng chế nếu không thì gia đình cháu sẽ dùng biện pháp bom gas và bom xăng để chống lại lực lượng cưỡng chế bảo vệ phần đất và quyền lợi chính đáng của mình.

” Trong quá trình bắt tụi nó đấm đá rất là dã man. Khi đưa về đồn nó đánh đến nỗi bà ngoại cháu trọng thương và ông ngoại cháu bị dập phổi hiện thời còn phải nằm trong bệnh viện.

Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn”

Khi nó ập vào thì cháu dùng chai xăng cháu đập xuống đất cho nó phựt lửa để tự vệ cho gia đình và để cho lực lượng lui ra không tiến sâu vào phần đất của gia đình khi đó hoảng loạn và nó ập vào bắt gia đình cháu luôn. Trong quá trình bắt tụi nó đấm đá rất là dã man. Khi đưa về đồn nó đánh đến nỗi bà ngoại cháu trọng thương và ông ngoại cháu bị dập phổi hiện thời còn phải nằm trong bệnh viện.

Theo nhiều tờ báo trong nước tường thuật thì ít nhất 20 người trong lực lượng cưỡng chế đã bị thương do bom xăng và axit, trong đó nghiêm trọng nhất là Trung tá Nguyễn Văn Thủy, trưởng công an huyện Thạnh Hóa bị tạt axit vào lưng phải cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Phía người dân đã có hơn 10 người bị bắt giữ và tình trạng các gia đình khác sáng ngày hôm nay, 15 tháng 4 kéo tới Công an huyện Thạnh Hóa đòi thả người đã diễn ra.

Theo nguồn tin của báo chí thì công trình bờ kè thị trấn Thạnh Hóa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương và giao cho tỉnh Long An thực hiện việc thương lượng bồi thường giải phóng mặt bằng. Khi được hỏi việc di dời và đền bù giải tỏa có hợp lý hay không, cô Dương Thị Bích Thủy con của bà Phùng Thị Ly cho biết:

Công an và an ninh bao vây khu nhà bà Mai Thị Kim Hương

Công an và an ninh bao vây khu nhà bà Mai Thị Kim Hương

-Vào năm 1999 là giai đoạn đầu giải tỏa cho khu thương mại cho tới năm 2009 là giai đoạn II giải tỏa để xây bờ kè. Hồi trước nhà con cũng bị mấy ông này cưỡng chế một lần trong giai đoạn I rồi gia đình con dọn về gần nhà của ông ngoại con là ông Phùng Văn Lâm rồi bây giờ lại bị giai đoạn II nữa, nói chung là bị hai lần.

” Vào năm 1999 là giai đoạn đầu giải tỏa cho khu thương mại cho tới năm 2009 là giai đoạn II giải tỏa để xây bờ kè. Hồi trước nhà con cũng bị mấy ông này cưỡng chế một lần trong giai đoạn I rồi gia đình con dọn về gần nhà của ông ngoại con là ông Phùng Văn Lâm rồi bây giờ lại bị giai đoạn II nữa

cô Dương Thị Bích Thủy”

Trong một thời gian ngắn phải di dời hai lần đã gây bức xúc cho các hộ dân thiếu may mắn. Bên cạnh sự khó khăn ấy là giá cả đền bù không cân xứng đã dẫn tới những chống đối quyết liệt từ người dân bị cưỡng chế.

Đền bù kiểu bóc lột

Trường hợp gia đình ông Nguyễn Trung Can không đồng ý với giá đền bù bất hợp lý được con ông là Nguyễn Mai Trung Tuấn kể lại:

-Hiện tại giá đất tại chợ là 23 triệu mét vuông, gia đình cháu là trước mặt chợ nhưng họ chỉ đền 300 ngàn một mét vuông thôi, tổng cộng số đất gia đình cháu có là 120 mét vuông, đó là cái thứ nhứt còn cái thứ hai là gia đình cháu 50 mét đầu phần đất của gia đình cháu tiếp giáp vào khu thương mãi chợ chứ không phải tiếp giáp vào đê bao chống lũ trên cơ sở đó nên gia đình cháu mới chống trả lại lực lượng cưỡng chế để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Chị Dương Thị Bích Thủy con của bà Phùng  Thị  Ly hiện vẫn còn bị giam giữ cho biết gia đình đang rất nóng lòng về tình trạng của mẹ:

-Tại vì nó nhốt mỗi người một phòng riêng biệt cho nên bây giờ cũng không biết như thế nào. Tối hôm qua cả gia đình con có tới đồn để mà yêu cầu thả người vì một số người đã được thả tại sao mẹ con không phạm tội gì hết lại không được thả? Mấy ông đó không trả lời được lý do rồi mấy ổng cũng không nói cho biết tình trạng sức khỏe người nhà của cháu trong đó như thế nào, mấy ổng không trả lời được, họ nói theo quy định họ không trả lời được cho nên gia đình rất là rối rắm không biết trong đó như thế nào. Cả đêm qua gia đình ngủ trước cổng công an huyện

” Hiện tại giá đất tại chợ là 23 triệu mét vuông, gia đình cháu là trước mặt chợ nhưng họ chỉ đền 300 ngàn một mét vuông thôi, tổng cộng số đất gia đình cháu có là 120 mét vuông

Nguyễn Mai Trung Tuấn”

Cha của bà Ly nay đã lớn tuổi cũng lo lắng cho con mình qua lời nhắn cảm động:

-Bây giờ trường hợp mấy chú giúp đỡ cho gia đình chúng tôi. Nó đuổi mà không bồi thường nhà cửa từ năm rưỡi nay sống màn trời chiếu đất vì vậy nhờ mấy chú can thiệp giúp đỡ cho chúng tôi.

Khi được hỏi nhà cửa đã bị phá nát mẹ và cậu bị giam, những người trong gia đình không còn chỗ trú thân thì phải làm sao, Chị Thủy cho biết:

-Đêm hôm tụi con ngủ trước cổng công an huyện Thạnh Hóa thì bây giờ cứ vậy ở đó chừng nào thả người thôi. Bây giờ mọi người tự túc ở đậu nhà của dì chứ đâu có nhà cửa gì đâu mà ở chú!

Ông Nguyễn Văn Tạo, chủ tịch UBND Huyện Thanh Hóa cho biết sáng hôm nay 15 tháng 4 Tỉnh Long An sẽ họp báo thông tin cụ thể cho người dân biết sự việc xảy ra. Tuy nhiên cuộc họp báo ấy chưa thấy diễn ra mà người thân của những gia đình bị bắt đã tập trung trước cổng Công an Huyện Thạnh Hóa đòi thả người với những tiếng hô liên tục gây chú ý cho hàng ngàn người dân trong khu vực.

Trước bản án nặng nể do chống người thi hành công vụ gây thương tích nghiêm trọng ba gia đình nạn nhân mất đất sẽ lâm vào cảnh khốn cùng và có thể kết thúc trong vòng tù tội. Dư luận đặt câu hỏi về giải pháp công bằng cho người dân trong các dự án của nhà nước đã và đang gây ly tán cho hàng ngàn gia đình trên khắp nước vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. Vụ án Tiên Lãng của ngày hôm qua không làm cho người dân sợ hãi và Thạnh Hóa hôm nay cũng vậy, nó sẽ kéo theo những vụ tương tự khác nếu nhà nước không có một quyết sách công bằng hơn trong việc định mức đền bù giải tỏa.

Mỗi năm có thêm 12.000 người nghiện ma tuý

Mỗi năm có thêm 12.000 người nghiện ma tuý

Đánh giá việc phòng chống ma tuý chưa được quan tâm đúng mức, lãnh đạo Bộ Công an cho biết trong số người nghiện gia tăng có cả học sinh, người mẫu, vận động viên…

Ngày 14/4, tại buổi tổng kết về phòng chống ma tuý giai đoạn 2011-2015, thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, mục tiêu kéo giảm người nghiện và địa phương có tệ nạn ma tuý được đề ra, đã không đạt. “Đây là vấn đề đáng báo động. Ngoài số người nghiện tăng nhanh thì thành phần chất ma tuý và người nghiện cũng trở nên đa dạng. Trong đó có cả học sinh, sinh viên, người mẫu, vận động viên…”, thứ trưởng Vương nêu.

thutruong-1572-1429001510.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nói về việc phòng chống ma tuý. Ảnh: Quốc Thắng.

Năm 2010, số người nghiện có hồ sơ quản lý là hơn 143.000 người, song đến năm 2014 đã hơn 200.000 người (tăng khoảng 12.000 người nghiện mỗi năm). Theo ông Vương, nguyên nhân của tình trạng này là do việc phòng chống ma tuý chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi còn ỷ vào lực lượng chuyên trách, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa  rõ rệt.

“Bà con ở những địa bàn xa vẫn chưa hiểu hết tác hại của ma tuý. Họ còn chưa thông thạo cả tiếng phổ thông thì làm sao biết vi phạm điều gì trong bộ luật hình sự”, thứ trưởng Bộ Công an nói và đề nghị đưa việc tuyên truyền về tác hại ma tuý ngang bằng với tuyên tryền về an toàn giao thông.

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội – cho rằng tình trạng nghiện ma tuý trong độ tuổi thanh niên gây nguy hiểm cho xã hội và cho cả lực lượng chuyên trách đang đảm nhiệm công việc này. Bà cũng hoài nghi số người nghiện thống kê được.

“Theo báo cáo hiện nay có khoảng hơn 200 nghìn người nghiện nhưng theo tôi thì có thể còn hơn. Số liệu tăng hơn 60 nghìn người nghiện sau 5 năm chỉ là con số rà soát, thực tế có thể lại khác”, bà Mai nói.

Quốc Thắng

Nhiều lô hàng tôm VN nhập khẩu vào Hoa Kỳ bị từ chối

Nhiều lô hàng tôm VN nhập khẩu vào Hoa Kỳ bị từ chối

RFA

13-04-2015

Khâu chuẩn bị tôm xuất khẩu trên một dây chuyền chế biến tại Nhà máy chế biến thủy sản Kim Anh ở tỉnh Sóc Trăng, ngày 21 tháng 2 năm 2004.

Khâu chuẩn bị tôm xuất khẩu trên một dây chuyền chế biến tại Nhà máy chế biến thủy sản Kim Anh ở tỉnh Sóc Trăng, ngày 21 tháng 2 năm 2004.

AFP

Trích dẫn tin từ Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam VASEP, báo chí Việt Nam đưa tin cho biết một số lô hàng tôm Việt bị Hoa Kỳ từ chối về nhiễm kháng sinh.

Con số được VASEP đưa ra cho thấy tình đến hết tháng Hai năm nay, Cở Quan Quản Lý Thực Phẩm Và Dược Phẩm Mỹ đã từ chối nhập khẩu 107 lo tôm của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. VASEP nói rõ dư lượng kháng sinh là nguyên nhân chính khiến tình trạng hàng bị từ chối xảy ra.

Các bản tin chúng tôi có được viết rằng đây không phải lần đầu tiên chuyện tôm Việt Nam bị Hoa Kỳ từ chối, VASEP đã nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp phải thật thận trọng để đừng gặp khó khăn khi đưa tôm vào thị trường Mỹ, là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch trên 1 tỷ dollars/năm, tức chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của quốc gia.