Nhiều tổ chức Xã Hội Dân Sự nêu 6 tội của công an

Nhiều tổ chức Xã Hội Dân Sự nêu 6 tội của công an

Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) .- Mười chín tổ chức Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam gửi thư ngỏ cho Bộ trưởng Công An CSVN Trần Đại Quang nêu ra 6 tội của guồng máy đàn áp nhân dân và khuyến cáo phải thay đổi.

Bức thư ngỏ của 19 tổ chức Xã Hội dân Sự (XHDS) được phổ biến nhân chuyện 2 thành viên của xã hội dân sự là Nguyễn Chí Tuyến và Đinh Quang Tuyến bị công an thường phục CSVN chận đánh dã man ngay trên đường phố vào các ngày 11 và 19 tháng 5, 2015 vừa qua.

Bức thư nêu tóm tắt 6 tội chính của ngành công an, mà nhiệm vụ chính yếu thay vì bảo vệ nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, lại gây tội ác với nhân dân chỉ vì nhu cầu bảo vệ chế độ độc tài đảng trị.

Ông Nguyễn Chí Tuyến bị Công an CSVN hành hung tét đầu khi phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đến Hà Nội đối thoại nhân quyền. (Hình: FB nguyễn Văn Đề)

Tội thứ nhất là bám chặt vào lời thề “Chỉ biết còn Đảng, còn mình”. Bức thư ngỏ của 19 tổ chức XHDS lên án rằng “Khẩu hiệu có tính nguyên tắc ấy ngoài ra còn giết chết lương tâm của những con người đang làm một nghề tự bản chất là cao quý lẫn cần thiết, và do đó mở đường cho bao thái độ kiêu căng hống hách, tham nhũng tống tiền, ứng xử vô luật (sử dụng côn đồ), hành động ám muội (giả dạng côn đồ), tàn bạo đối với nhân dân.

XHDS lên án tội thứ hai của công an  là “Chà đạp văn hóa đạo đức dân tộc” khi phá đám các đám tang của người dân, phá thối các cuộc tưởng niệm liệt sĩ chống ngoại xâm.

Tội thứ ba là “Đàn áp nhân dân đứng lên đòi quyền sống.” Dẫn chứng là đàn áp các cuộc biểu tình của dân oan khắp nơi trên cả nước. Dân bị nhà cầm quyền cướp đất cướp nhà rồi đền bù bằng những số tiền rất nhỏ, hoặc nhiều khi là không đền bù, đẩy người ta vào cảnh khốn cùng.

Tội thứ tư của công an là tra tấn, ép cung chết người. Báo cáo của nhà cầm quyền nói trong 3 năm qua hơn 260 người đã bị chết khi mới bị tạm giam trong đó không ít bị vu cho là tự tử mà không có một cuộc điều tra độc lập nào kiểm chứng.

Tội thứ năm là “Bạo hành đối với những người hoạt động nhân quyền”. Bức thư ngỏ nêu ra một số trường hợp điển hình như đàn áp các luật sư can đảm bảo vệ lẽ phải, đánh đập sách nhiễu hay ít nhất ngăn chặn những ai tham gia vận động nhân quyền.

Tội thứ sáu của công an là “Hành hạ các tù nhân lương tâm”. Bức thư ngỏ kể một số trường hợp điển hình như các tù nhân lê Công Định, Lê Thị Phương Anh bị khủng bố, tra tấn thể xác và tinh thần để kép cung.

“Hai trường hợp bức cung nổi tiếng nhất là buộc Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vào tội giết người để nay bị tuyên án tử.” Bức thư ngỏ viết. “Một khi họ đã thụ án, công an tiếp tục cưỡng buộc nhận tội những tù nhân bất khuất, bằng nhiều biện pháp bất nhân bẩn thỉu như bỏ đói (Đặng Xuân Diệu), nhờ tù nhân hình sự đánh đập (Hồ Thị Bích Khương), biệt giam kỷ luật (Nguyễn Đặng Minh Mẫn), cắt thăm nuôi (Đinh Nguyên Kha), không chăm sóc y tế đầy đủ (Nguyễn Xuân Nghĩa), đày đi thật xa gia đình (Mai Thị Dung, Tạ Phong Tần). Đặc biệt là đầu độc cho chết trong tù (như Huỳnh Anh Trí, Đinh Đăng Định).”

Với những thành tích “còn đảng, còn mình” như thế, các tổ chức XHDS nói rằng coi dân “như kẻ thù chỉ làm suy giảm nguyên khí quốc gia, gây chán nản cho những công dân thiện chí, và dĩ nhiên chẳng thể nào làm đất nước phát triển. Rõ ràng công an đang bôi tro trét trấu vào mặt chế độ, đồng thời cho thấy công an chính là kẻ thù tàn hại Tổ quốc Dân tộc.” (TN)

Quốc tế kêu gọi thả ông Trần Huỳnh Duy Thức

Quốc tế kêu gọi thả ông Trần Huỳnh Duy Thức

Ông Thức từng là một doanh nhân

Gần 20 tổ chức quốc tế hoạt động vì quyền con người đã ký tên vào một tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, người hiện đang thụ án tù về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Lời kêu gọi này được đưa ra nhân dịp tròn sáu năm ngày ông Thức bị bắt giữ và khởi tố – ngày 24/5 năm 2009.

Ông Thức đã bị đưa ra xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong một vụ án chính trị lúc đó được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ông Thức là người nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế, trong khi các bị cáo trong cùng vụ án với ông bị tuyên án từ năm đến bảy năm tù.

Hiện tại, các ông Long, Trung và Định đều đã được trả tự do sau một thời gian thụ án.

‘Chỉ là viết blog’

Bản tuyên bố nói rõ ông Thức bị bắt và khởi tố ‘chỉ vì ông thực hiện quyền tự tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa’.

“Trái ngược với bản án tuyên tội hoạt động nhằm ‘lật đổ’ chính quyền, các hoạt động bị đưa ra truy tố của ông Thức và những người bị kết án cùng ông thực chất chỉ là viết blog kêu gọi cải cách chính trị và tôn trọng quyền con người,” bản tuyên bố viết.

” Trái ngược với bản án tuyên tội hoạt động nhằm ‘lật đổ’ chính quyền, các hoạt động bị đưa ra truy tố của ông Thức và những người bị kết án cùng ông thực chất chỉ là viết blog kêu gọi cải cách chính trị và tôn trọng quyền con người.

Bản tuyên bố yêu cầu thả Trần Huỳnh Duy Thức”

“Các bị cáo đã không được đưa ra xét xử trong một phiên tòa công bằng, khi mà thân nhân của họ cũng như các ký giả nước ngoài không được cho vào phòng xử án.”

Bản tuyên bố cũng lưu ý việc trong phiên tòa xét xử vụ án này, ‘micro của các bị cáo thường xuyên ngưng hoạt động mỗi khi đến lượt trình bày của luật sư bào chữa cho ông Thức hay khi ông Long có ý định công khai trước tòa việc ông cùng các bị cáo khác đã bị bức cung để khai nhận tội’.

“Theo các nhân chứng có mặt tại phiên xét xử, các thẩm phán chỉ dành ra 15 phút nghị án trong khi lại mất đến 45 phút đọc bản tuyên án, qua đó cho thấy khả năng bản án đã được chuẩn bị trước thời điểm phiên tòa diễn ra,” bản tuyên bố nhận định.

Bản tuyên bố nhắc lại việc hồi cuối năm 2012 Nhóm Làm việc chống Giam giữ Tùy tiện của Liên hiệp Quốc đã kết luận việc kết án ông Thức là ‘vi phạm quyền tự do tư tưởng và biểu đạt vốn được đảm bảo tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị’.

“Chúng tôi kêu gọi nhà nước Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế lẫn trong nước của mình bằng cách trả tự do ngay lập tức cho ông Thức,” tuyên bố viết và yêu cầu ‘trả lại công lý’ cho ông Thức bằng cách hủy bỏ bản án dành cho ông.

Bản tuyên bố này được các tổ chức như Ân xá Quốc tế, Những người bảo vệ Quyền Dân sự, Căn nhà Tự do, Ủy ban Nhân quyền châu Á, Diễn đàn châu Á vì Nhân quyền và Phát triển, Công dân vì Công lý và Hòa bình… đồng ký tên.

Ngoài ra một số tổ chức xã hội dân sự, hội đoàn và các giáo hội tôn giáo không do Nhà nước kiểm soát ở Việt Nam cũng ký tên vào bản tuyên bố này.

‘Bị cầm tù oan sai’

Ông Thức là người nhận bản án nặng nhất trong bốn bị cáo

Trao đổi với BBC, ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ ông Trần Huỳnh Duy Thức, nói trong bối cảnh hiện nay khi mà Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, thì ông hy vọng con trai ông cùng các tù nhân lương tâm khác sẽ được trả tự do trước thời hạn.

“Con tôi cũng mong muốn được như vậy và đã có đơn xin xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm,” ông Huỳnh cho biết, “Con tôi khẳng định là mình bị kết tội oan sai theo kết luận của Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm và hy vọng bản án sẽ được xem xét lại theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.”

Ông cho biết là lá đơn ông Thức gửi đến Quốc hội đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội chuyển sang cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao nhưng đến nay ‘vẫn chưa có câu trả lời’.

“Sáu năm con tôi bị cầm tù là oan sai. Tôi và gia đình luôn mong muốn có sự lắng nghe từ phía chính quyền Việt Nam,” ông Huỳnh nói thêm.

Huế: Việt Kiều Bị Cháu Ngoại Lục Túi, Chôm 2,500 Đôla

Huế: Việt Kiều Bị Cháu Ngoại Lục Túi, Chôm 2,500 Đôla

Vietbao.com

HUẾ — Việt kiều về nước, coi chừng bị trộm… ngay chính trong dòng họ gia đình…

Báo Công an Nhân dân kể rằng lợi dụng lúc ông ngoại (Việt kiều Australia) ra sân nhà hóng mát, Tường lẻn vào phòng ngủ của ông rồi lục túi lấy trộm 2.500 đô la Australia để trang trải tiền “bóng bánh”.

Bản tin báo này nói là vào ngày 21/5, Công an huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Nguyễn Tường (21 tuổi, trú xã Phú An, Phú Vang) về hành vi trộm cắp tài sản.

Ông Lê Xuân Đỗ, Việt kiều Australia, về thăm quê, ở tại nhà cháu ngoại là Tường, sau đó bị mất trộm 2.500 đô la Australia và 3 triệu đồng Việt Nam, tương đương khoảng 47 triệu đồng.

Nhận được tin báo, Công an huyện Phú Vang tổ chức điều tra và xác định Tường là thủ phạm vụ trộm.

Bản tin thêm, ghi lời Tường khai, do thua độ bóng đá, ngày 12/5, lợi dụng lúc ông Đỗ ra trước sân nhà hóng mát, Tường lẻn vào phòng ông Đỗ ngủ lục túi lấy trộm số tiền trên.

8 sĩ quan Hải Quân gốc Việt cùng tốt nghiệp, lần đầu tiên tại Mỹ

8 sĩ quan Hải Quân gốc Việt cùng tốt nghiệp, lần đầu tiên tại Mỹ

Nguoi-viet.com

Linh Nguyễn/Người Việt

ANNAPOLIS, Maryland (NV) Lần đầu trong lịch sử Hoa Kỳ, số sĩ quan Hải Quân Mỹ gốc Việt khóa 2015, tốt nghiệp đông nhất, tám người, và ra trường vào lúc 10 giờ sáng hôm nay, Thứ Sáu, 22 Tháng Năm, tại sân vận động Navy-Marine Corps Memorial của Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ ở Annapolis, Maryland.

Theo cựu Trung Tá Ross Nguyễn, chủ tịch Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt (VAUSA), danh sách các tân thiếu úy hải quân Mỹ gốc Việt và (nguyên quán), gồm có Heather Bùi (San Diego, CA), Tina Kiều (Garden Grove, CA), Brandon Trần (Montebello, CA), Ryan Trần (Quartz Hill, CA), Andrew Trương (Marriottsville, MD), Ryan Lê (High Point, NC), Jake Ðặng (Annandale, VA), và Amanda Thạch (Seattle, WA).


Heather Bùi. (Hình: VAUSA cung cấp)

 


Tina Kiều. (Hình: VAUSA cung cấp)

“Cứ mỗi lễ ra trường của học viện, thành phố Annapolis tưng bừng cả tuần lễ trước. Giây phút mở đầu chương trình mãn khóa dự trù sẽ rất ngoạn mục với màn biểu diễn của đội phản lực cơ Navy Blue Angels, xuất xứ từ năm 1946, tính đến nay đã thu hút 463 triệu khán giả,” Trung Tá Hải Quân Tuấn Nguyễn, giám đốc điều hành hội VAUSA, cho nhật báo Người Việt biết.

Nói về kinh nghiệm gặp gỡ các sinh viên sĩ quan gốc Việt khi còn trong thời gian huấn luyện, Trung Tá Tuấn nhận xét: “Các em có thiện cảm khi thấy tôi mặc quân phục hải quân nên không ngần ngại tâm sự khi được chúng tôi mời sinh hoạt chung. Các em còn rất trẻ, thuộc thế hệ thứ ba, rất dễ thương và lý tưởng. Ða số các sinh viên là cháu của các cựu quân nhân QLVNCH.”


Brandon Trần. (Hình: VAUSA cung cấp)

 


Ryan Trần. (Hình: VAUSA cung cấp)

Ðể bày tỏ sự ủng hộ, vị trung tá gốc Việt cho biết thêm: “Chúng tôi có xin được 50 vé để các bác, các chú trong cộng đồng người Việt có thể tham dự vào ngày mãn khóa. Ai cũng vui và nô nức đón chờ nhìn các con cháu tung nón, làm rạng danh nòi giống.”

Ông cho biết, ông Ðoàn Hữu Ðịnh, chủ tịch cộng đồng Việt Nam vùng Washington, DC, Virginia, và Maryland, cũng sẽ tham dự lễ tốt nghiệp của các tân sĩ quan.

Muốn được nhận làm sinh viên sĩ quan, ứng viên phải là công dân Mỹ, ít nhất 17 tuổi và không quá 23 tuổi tính đến ngày 1 Tháng Bảy năm nhập trường; phải có giấy giới thiệu chính thức, thường từ một dân biểu, hai thượng nghị sĩ của Quốc Hội Hoa Kỳ và phó tổng thống Hoa Kỳ. Không cần quen biết nhưng được chọn theo thành tích cá nhân.

Mỗi khóa có khoảng trên 2,000 sinh viên sĩ quan cho hai ngành Hải Quân hay Thủy Quân Lục Chiến.


Andrew Trương. (Hình: VAUSA cung cấp)

 


Ryan Lê. (Hình: VAUSA cung cấp)

Chương trình học bốn năm, ngoài thuật lãnh đạo chỉ huy, sinh viên sĩ quan được đào tạo các ngành học chính như kỹ sư, khoa học tự nhiên, nhân văn, và xã hội học, giống như tại các trường đại học dân sự hàng đầu.

Sinh viên cũng được học những kỹ năng chuyên môn cần thiết cho một sĩ quan Hải Quân hay Thủy Quân Lục Chiến, và có những lớp cao cấp chuẩn bị cho sinh viên chương trình cao học. Khi tốt nghiệp sinh viên được cấp văn bằng cử nhân và mang cấp bậc thiếu úy.

Hải Quân đài thọ 100% học phí và sinh viên sĩ quan được trả mỗi tháng $920.49, và trừ từ lương, các phí tổn, như hớt tóc, giặt quần áo, lệ phí sách lưu niệm, và các hoạt động khác trong thời gian huấn luyện. Tiền mặt thật sự một sinh viên sĩ quan năm thứ nhất nhận được là $100/tháng và tăng dần trong những năm sau.

Ban đầu, học viện được gọi là Trường Hải Quân, do ông George Bancroft, bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, thành lập năm 1845 tại Fort Severn, Annapolis. Chỉ huy trưởng đầu tiên là ông Franklin Buchanan với ban giảng huấn gồm bốn sĩ quan và ba giảng viên dân chính. Số sinh viên theo học chỉ có 50 người. Chương trình học kéo dài năm năm, với năm đầu và năm cuối học tại Annapolis, ba năm thực tập hải hành.


Jake Ðặng. (Hình: VAUSA cung cấp)

 


Amanda Thạch (trái). (Hình: VAUSA cung cấp)

Năm 1850, trường Hải Quân trở thành Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ. Một năm sau, học viện chuyển sang chương trình đào tạo bốn năm như hiện nay tại Annapolis, với chương trình thực tập hải hành vào các mùa hè của khóa học.

Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ được tạp chí U.S. News & World Report xếp hạng trường công số một trong ba năm liền, và từng đào tạo những lãnh đạo nổi tiếng, gồm một tổng thống Hoa Kỳ, 16 đại sứ, 24 dân cử Quốc Hội Hoa Kỳ, năm thống đốc tiểu bang, năm bộ trưởng hải quân, một bộ trưởng không quân, năm tổng tham mưu trưởng, 52 phi hành gia, hai người được giải Nobel, và nhiều học giả các ngành khác, trong đó có những tên tuổi quen thuộc như Tổng Thống Jimmy Carter, Tướng Charles Bolden, Thượng Nghị Sĩ John McCain, Tư Lệnh Hạm Ðội Chester W. Nimitz, ông H. Ross Perot, v.v…

Chỉ huy trưởng hiện tại của trung đoàn sinh viên sĩ quan ngành hải quân là Ðại Tá William D. Byrne, Jr. và chỉ huy phó ngành thủy quân lục chiến là nữ Ðại Tá Bobbi Shea.

Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ tọa lạc tại số 121 Blake Road, Annapolis, MD 21402.

Phái đoàn nhân quyền Mỹ gặp gỡ Hội Đồng Liên Tôn tại Sài Gòn

Phái đoàn nhân quyền Mỹ gặp gỡ Hội Đồng Liên Tôn tại Sài Gòn

Nguoi-viet.com

Việt Hùng/Người Việt

SÀI GÒN (NV)Ngày 21 Tháng Năm, 2015, phái đoàn nhân quyền Hoa Kỳ do Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ David Saperstein dẫn đầu đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Dòng Chúa Cứu Thế số 38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn.

Từ trái sang: Phụ tá đặc biệt của Đại Sứ Victoria Thoman, ông Lê Văn Sóc,
Hòa Thượng Thích Không Tánh, Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo
Quốc Tế Hoa Kỳ David Saperstein, Chánh Trị Sự Hứa Phi, Mục Sư
Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Chính Trị Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ
Charles Sellers và ông Lê Quang Hiển. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Phái đoàn Hoa Kỳ gồm có: Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ David Saperstein, phụ tá đặc biệt của Đại Sứ Victoria Thoman, Trưởng Phòng Chính Trị Tổng Lãnh Sứ Quán Hoa Kỳ Charles Sellers.

Phái đoàn Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam (HĐLTVN) gồm có: Hòa thượng Thích Không Tánh, Mục Sư (MS) Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Trị Sự Hứa Phi (Đạo Cao Đài), ông Lê Văn Sóc và ông Lê Quang Hiển (Phật Giáo Hòa Hảo).

Trao đổi thẳng thắn

Hoạt động chính trong buổi tiếp xúc này là gặp gỡ, trò chuyện trao đổi những vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo, nhân quyền. Giúp cho phái đoàn Hoa Kỳ hiểu hết tình hình ở Việt Nam, nhằm tìm một giải pháp tối ưu trong vấn đề cần trao đổi giữa chính phủ Hòa Kỳ và Việt Nam về Hiệp Định TPP sắp tới.

Hòa Thượng Thích Không Tánh cảm ơn ngài đại sứ lưu động và phái đoàn đã dành thời gian để tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của các tôn giáo độc lập tại Việt Nam. Hòa thượng cũng bày tỏ rất tiếc là dịp này vì các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) bận tĩnh tâm nên phái đoàn của Công Giáo không tham gia được mà chỉ có 4 tôn giáo tham gia tiếp xúc.

“Sự thật mà nói, không có cái gọi là ‘tự do tôn giáo ở Việt Nam.’ Chỉ có các tôn giáo quốc doanh mới được chính quyền tạo điều kiện, các tôn giáo độc lập nói chung và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói riêng, từ sau 30 Tháng Tư năm 1975 đến nay đều bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp tịch thu tài sản, đất đai, các cơ sở thờ tự” – Thầy Thích Không Tánh trình bày.

Hòa Thượng cho biết thêm, “Hiện nay Chùa Liên Trì do tôi làm trụ trì luôn luôn bị an ninh canh gác, cô lập và ngăn cản gây khó khăn khi phát quà cứu tế cho quý anh em thương phế binh VNCH, các bệnh nhi ung thư, bà con dân oan và các gia đình thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương.”

Còn Chánh Trị Sự Hứa Phi bày tỏ, “Việc nhà cầm quyền CSVN cam kết về tự do tôn giáo, nhân quyền để được vào TPP là đánh lừa quốc tế. Thực tế họ cũng đã cam kết để được vào WTO và mới đây được làm thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ nhưng sau khi được vào họ vẫn tiếp tục đàn áp các tôn giáo độc lập, các tổ chức và những cá nhân đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền.”

Cũng tâm tình như vậy, Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết, “Việc đàn áp càng ngày càng tàn nhẫn và tinh vi hơn như dùng côn đồ đập phá một số cơ sở thờ tự của giáo hội Mennonite độc lập và hành hung chức sắc tôn giáo, những nhà hoạt động dân chủ. Mới đây, chính quyền Quận 2 đã đưa cho chùa Liên Trì quyết định và một thông báo nhằm cưỡng chiếm nhà, giải tỏa chùa Liên Trì. Họ báo cho phật tử biết sau khi Việt Nam được vào TPP thì sẽ cưỡng chế giải tỏa chùa.”

Còn Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng, “Hiện nay nhà cầm quyền CSVN đặt ra những văn bản pháp luật trái với các Công Ước Quốc Tế, vi phạm nghiêm trọng quyền con người nhằm bóp nghẹt và triệt tiêu các tôn giáo độc lập.”

Mục sư cũng trình bày chi tiết về các vụ việc công an và chính quyền địa phương dùng côn đồ tấn công, đập phá tan hoang hội thánh Mennonite Bến Cát, Bình Dương và hội thánh Chuồng Bò. Họ bắt bớ, hành hung, đánh đập các mục sư, có trường hợp phải nhập viện cấp cứu như Mục Sư Nguyễn Hồng Quang.

Ngài đại sứ rất quan tâm tới các trường hợp này và hỏi có bằng chứng gì chứng tỏ có sự hiện diện của công an không?

Sau khi Mục Sư Hùng phân tích các chứng cứ và ông Hứa Phi đưa ra hình ảnh chứng minh thì ngài đại sứ chấp nhận và tỏ ra rất quan tâm.

Mục Sư Hùng cũng trình bày về trường hợp Mục Sư Nguyễn Công Chính và Mục Sư Dương Kim Khải còn đang bị cầm tù và đặc biệt Mục Sư Chính bị phân biệt đối xử, bị hành hạ dã man trong tù cũng như đã bị kết án mấy năm rồi mà đến nay vẫn chưa được nhận bản án để kêu oan.

Hoa Kỳ luôn coi trọng nhân quyền và tự do tôn giáo

Trưởng phòng chính trị Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn Charles Sellers cho biết, “Hôm nay tôi rất ngạc nhiên khi nghe các trình bày của quí vị. Nó hoàn toàn trái ngược với các văn bản mà chính quyền Việt Nam cung cấp cho chúng tôi. Chắc chắn những gì quí vị trao đổi hôm nay đều được chúng tôi ghi nhận.”

Ngài David Saperstein thay mặt phái đoàn Hoa Kỳ, “Cám ơn các chức sắc Hội Đồng Liên Tôn đã dành thời gian cung cấp cho đoàn những thông tin rất quý giá. Chúng tôi sẽ đưa thông tin này vào nội dung cuộc đàm phán thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sẽ trả tự do cho một số tù nhân lương tâm trong nay mai.”

Ông cho biết thêm, “TPP có thể đem lại cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam. Nhưng quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm, chúng tôi muốn thúc đẩy Hà Nội phải cải tiến các điều kiện nhân quyền, tự do tôn giáo trong nước.”

Sau đó ngài khẳng định, “Nếu Việt Nam được chấp thuận vào TPP thì sẽ có một hiệp định, với những cam kết cụ thể về cải thiện nhân quyền, đặc biệt về vấn đề quyền lao động và quyền lập hội. Tôi có thể khẳng định là chúng tôi sẽ giám sát việc Việt Nam thực thi các cam kết sau khi vào TPP, nếu hiệp định kia được ký kết. Nếu Việt Nam không thực hiện thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ có biện pháp trừng phạt.”

California: Ðộng đất 4.1 Richter, rung chuyển Napa Valley

California: Ðộng đất 4.1 Richter, rung chuyển Napa Valley

Nguoi-viet.com

SAN FRANCISCO, California (AP) Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ USGS cho hay vùng Bắc tiểu bang California đã xảy ra trận động đất ở mức 4.1 Richter, nhưng không có báo cáo thương vong hay tổn thất vật chất nào đáng kể.


Một căn nhà bị đổ trong một trận động đất ở Napa Valley hồi Tháng Tám năm 2014. (Hình: Getty Images)

Cơ quan USGS nói rằng động đất xảy ra vào lúc 7 giờ 53 phút tối ngày Thứ Năm, ở nơi cách Napa chừng 9 miles (khoảng hơn 14 km) về phía Bắc và cách thị trấn Yountville chừng 9 km về phía Ðông Bắc.

Sự rung chuyển do động đất gây ra cũng được cảm thấy ở Santa Rosa và thủ phủ Sacramento.

Hồi Tháng Tám năm ngoái, một trận động đất ở mức 6.0 Richter đã xảy ra gần vùng American Canyon, làm bị thương hơn 100 người và gây thiệt hại vật chất nặng nề tại Napa, nơi sản xuất rượu vang nổi tiếng của tiểu bang California và thành phố Vallejo.

Các chuyên gia về địa chấn trong năm qua cũng đã lên tiếng khuyến cáo chính quyền cũng như người dân California phải có kế hoạch chuẩn bị đối phó với một trận động đất lớn, vì đã đáo hạn chu kỳ.

Tuy nhiên cho tới nay, các khoa học gia này cũng chỉ có thể đưa ra thời điểm là “bất cứ lúc nào trong vài chục năm tới đây.” (V.Giang)

Mãi võ Sơn Đông

Mãi võ Sơn Đông

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Thế nào là quảng cáo mà quảng cáo quá lố? Những người vào tuổi tôi, có thể đã trải qua, ở tỉnh lỵ, buổi chiều sau phiên chợ tan, thường có những toán “Mãi võ Sơn Đông,” chuyên bán thuốc cao đơn hoàn tán, trống kèn inh ỏi, để khuyến dụ người qua lại, bọn trẻ con chúng tôi thường tò mò quây quần, tụ họp, không phải để mua thuốc, nhưng để xem khỉ làm trò.

– “Nghe đây! Nghe đây! Dầu này trị bá bệnh!”

– “Đàn bà đau bụng chổng khu,

Xức vô một tí xách cái dù đi chơi!”

– “Đàn bà chồng bỏ chồng chê,

Xức vô một tí, chồng mê về liền!”

Rõ ràng là quảng cáo quá lố! Nhưng lũ trẻ chúng tôi không quan tâm và bà con cũng không ai khiếu nại. “Đây anh Hai một chai, chị Tám hai chai!” Tin hay không tin là “tùy người đối diện,” những tay múa võ, bán thuốc hoàn toàn không chịu trách nhiệm. Khách hàng mua dầu “bá bệnh” của toán Sơn Đông cũng không thấy ai than phiền, khiếu nại khi không xách được “cái dù đi chơi” hay chưa thấy ông chồng tệ bạc trở về. Nhưng ngày nay, ở Trung Quốc, chỉ mới quảng cáo kem đánh răng, đã bị phạt đến hơn $1 triệu. Đây là điều chúng ta cần để ý đến khi chúng ta đang sống trong một thời đại mà quảng cáo “làm mưa làm gió,” không những trên đường phố mà hiện diện ngay trong gia đình chúng ta mỗi ngày.

Tân Hoa Xã đưa tin, một nhãn hiệu kem đánh răng do Từ Hy Đệ, “Đệ Nhất MC” của Đài Loan làm người mẫu quảng cáo, mới đây bị Cục Công Thương Thượng Hải (Trung Quốc) phán quyết là đã sai sự thật. Hy Đệ nói trong đoạn phim quảng cáo: “Chỉ cần một ngày, răng đã trắng ra trông thấy,” nhưng theo điều tra của cơ quan trên, hình ảnh người mẫu quảng cáo với hàm răng trắng bóng không tỳ vết là nhờ sửa chữa bằng kỹ thuật photoshop, hoàn toàn không do hiệu quả mà loại kem đánh răng Crest Mica mang lại. Theo đại diện của Cục Công Thương Thượng Hải, những mặt hàng sử dụng hàng ngày không được quảng cáo sai sự thật.

Chuyện photoshop là chuyện thường tình của lối quảng cáo bây giờ, “before” thì da nhăn, đồi mồi, nám… qua một lần “ủi” của photoshop thành “after” vừa trẻ lại 10 tuổi và có làn da mịn màng. Nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần thì quen mắt, cũng phải tin.

Để bảo vệ cho quyền lợi của khách hàng (người tiêu thụ) chính tòa án tiểu bang California vừa ra phán quyết, khẳng định người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng Internet, có quyền nêu nhận xét của mình về chất lượng dịch vụ của công ty cung cấp món hàng liên quan. Đây là vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Mỹ thời hiện đại.

Vào Tháng Năm, 2013, hãng giày nổi tiếng Skechers phải bồi thường cho khách hàng vì quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm của mình. Sau hơn 520,000 lời khiếu kiện của khách hàng, tòa án buộc Skechers phải trả lại từ $40-$84 cho mỗi khách hàng, tổng số tiền đền bù lên tới $40 triệu về loại giày đế mềm Shape-ups với lời quảng cáo giày này giúp người mang giảm cân, tăng sức khỏe, làm lớn mông, và săn chắc bắp thịt bụng. Quảng cáo này do người mẫu Kim Kardashian quảng cáo, giày bán rất chạy nhưng sau đó hơn nửa triệu khách hàng đã than phiền vì hãng đã quảng cáo “quá lố,” trong đó có khách hàng đã tốn thêm tiền để chữa bệnh đau lưng do giày Shape-ups gây ra.

Từ Hy Đệ sẽ trả số tiền phạt này hay chính công ty đã thuê mướn MC làm người quảng cáo để ca ngợi sản phẩm phải trả. Công ty sản xuất đã trả tiền thuê mướn MC, danh ca, nghệ sĩ và cả những nhân vật chính trị như ông Bob Dole (Viagra) vì biết rằng những nhân vật này được lòng tin của quần chúng. Những người này được trả tiền để nói, vì quảng cáo là một cái nghề thu nhập không ít, nên dù họ chưa bao giờ dùng giày Shape-ups Skechers, kem đánh răng Crest Mica, dược thảo này, thuốc bổ nọ, nếu được trả tiền, họ vẫn vui lòng nhận mình là người đang thực sự tiêu dùng món hàng đó. Những lời nói này không có gì bảo đảm, danh tiếng, nhan sắc hay học vấn không chứng thực lời “rao” của họ đáng tin cậy. Vấn đề là những nhân vật này có bước qua nổi những lôi cuốn của tiền bạc, và giữ được sự lương thiện hay không. Lương thiện ở đây là không chịu nói những lời dối trá.

Nếu có một loại “thần dược” diệt được mầm mống ung thư, thì nhà sáng chế hay ông bác sĩ này đã đoạt giải Nobel Y Khoa vẻ vang cho dân tộc Việt rồi, còn đâu những ông mãi võ Sơn Đông khua chiêng đánh trống từ ngày này qua tháng nọ để bán thuốc!

Quảng cáo quá lố có gây tai hại cho người tiêu dùng hay không?

Đi một đôi giày quảng cáo “dỏm” có thể bị đau lưng mà thôi, nhưng uống một loại thuốc quảng cáo “dỏm” có thể bị mất mạng, mà mất mạng từ từ, cũng không ai mổ xẻ để giám định nạn nhân chết vì những thứ thuốc này không? Chúng ta thấy những người trẻ ít tin lời quảng cáo, nhất là chuyện thuốc men. Trong khi đó chính người già Việt Nam (trên 62 tuổi) là khách hàng tốt bụng và cũng là nạn nhân của loại quảng cáo này.

Có một điều quan trọng là quảng cáo mỹ phẩm quá lố có thể tàn phá một nhan sắc, quảng cáo dược phẩm quá lố có thể giết một mạng người, nhưng có một thứ quảng cáo quá lố có thể giết cả một thế hệ, đó là loại quảng cáo chính trị, là lời hứa hẹn đường mật của các ứng cử viên hay các đảng phái cầm quyền. Việt Minh kêu gọi: “Đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, già trẻ, trai gái, miền ngược, miền xuôi… để đánh đuổi Nhật-Pháp làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.” Nhưng lúc chiếm được một nửa miền Bắc rồi thì chuyện “đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân” đã trở thành một loại mồm mép quảng cáo, phân biệt bần nông với địa chủ, phát động phong trào đấu tố, tổng số người bị đấu tố trong cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172,008 người; số người bị oan sai là 123,266 người, chiếm tỉ lệ 71.66%. Chùa nhà thờ thành nơi phơi lúa, ngô của hợp tác xã, lòng người ly tán, con tố cha, vợ đấu chồng. Giành được nửa nước, mang danh độc lập, nhưng mang súng đạn của Liên Xô, Trung Quốc về, xô đẩy hàng triệu thanh niên ra chiến trường đi xâm lược miền Nam.

Quảng cáo cho chuyện giải phóng, miền Bắc vẽ ra hình ảnh dân chúng miền Nam bị bóc lột tận xương tủy, không có được cái bát ăn cơm, sau ngày “giải phóng,” để đem vào một chục cái chén “ngang” rồi mang về một chiếc honda, vài cái “đài” lẫn “đổng.”

Miệng lưỡi ngành tuyên huấn Cộng Sản cũng chẳng khác gì người khua chiêng gióng trống Sơn Đông ngoài phiên chợ. Chính vì miệng lưỡi này mà hàng vạn vạn thanh niên miền Bắc phải nát thân vì bom đạn, mang cái ảo tưởng đi giải phóng cho người, nhưng chính thân mình thì sống dưới trăm tầng áp bức. Thành phần đầu não Hà Nội chủ trương dùng xương máu của thanh niên Việt Nam để “đánh cho Liên Xô-Trung Quốc.” “Độc Lập” nhưng thuần phục Trung Quốc, bán đất, nhường biển. “Tự Do” có nghĩa là bịt mồm, chặn họng, bắt bớ giam cầm những người muốn có tiếng nói chính trực. “Hạnh Phúc” phải chăng là bán sức, bán trôn khắp cùng bàng dân thiên hạ.

Quảng cáo là tuyên truyền. Nói một lần nghe lạ tai, người không tin, lập lại trăm lần cũng phải tin. Nếu chúng ta nói: Đừng tin những gì Cộng Sản nói, thì cũng phải nói, đừng tin những gì người ta quảng cáo, hay ngược lại.

Bạo lực với các nhà hoạt động xã hội VN

Bạo lực với các nhà hoạt động xã hội VN

Ông Đinh Quang Tuyến là nạn nhân mới nhất của tình trạng bạo lực với các nhà hoạt động

BBC mở bàn tròn trực tuyến phát trên YouTube từ 19:30-20:00 ngày 21/5 về tình trạng bạo lực xảy ra với các nhà hoạt động xã hội sau khi ít nhất ba người bị tấn công.

Các cây viết tự do Gió Lang Thang, tức Trịnh Anh Tuấn, Anh Chí, tức Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội và Đinh Quang Tuyến ở thành phố Hồ Chí Minh đều bị tấn công gây thương tích nặng.

Trước sức ép của dư luận, công an Việt Nam dường như đã mở cuộc điều tra vụ tấn công anh Nguyễn Chí Tuyến.

Một số nhà ngoại giao từ các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đức và Australia đã tới thăm anh Tuyến sau khi anh bị hành hung.

Sau vụ các nhà hoạt động này bị tấn công, một số người cáo buộc lực lượng an ninh đứng đằng sau các hành động bạo lực đối với các cây viết tự do và nhà hoạt động xã hội.

Cách đây vài năm đã xảy ra vụ lực lượng an ninh bị cáo buộc “ đạp vào mặt” người biểu tình chống Trung Quốc Nguyễn Chí Đức, khi đó là đảng viên cộng sản.

Mặc dù có hình ảnh ghi lại nhưng khi đó lực lượng công an cũng không tiến hành điều tra.

Ông Nguyễn Chí Đức sau này đã quyết định ra khỏi Đảng Cộng sản.

Thêm một nhà hoạt động ‘bị hành hung’

Thêm một nhà hoạt động ‘bị hành hung’

Ông Đinh Quang Tuyến, sinh năm 1965, nhà hoạt động vì nhân quyền tại Việt Nam, thuật lại với BBC về sự việc ông đã bị hành hung hôm 19/5/2015 tại Sài Gòn ra sao.

Ông Tuyến cho hay ông đã bị hai người trẻ tuổi ‘đeo khẩu trang’ đi theo khi ông rời nhà bằng xe đạp hôm thứ Ba.

Tới một địa điểm ‘do linh tính’, ông xuống khỏi xe để đi bộ, thì bị hai người này tiếp cận và hỏi “Không đi nữa hả”.

Sau đó, ông nói đã bị hai người này “đấm ông”.

Ông Tuyến cho BBC hay hôm 20/5 rằng sau khi về được nhà, ông đã được ‘bạn bè’ trong nhóm vận động, đấu tranh vì dân chủ đưa tới bệnh viện mà tại đó ông đã được chăm sóc các vết thương ‘khá trầm trọng’.

Nhà hoạt động từng xuống đường đặc biệt trong hai năm gần đây, trong nhiều cuộc tuần hành phản đối các hành vi của nhà chức trách Trung Quốc trên Biển Đông, đòi bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nói ông đã ‘mất hết niềm tin’ vào chính quyền, do đó ông không trình báo.

Nhưng ông cho rằng những người tấn công ông là người của ‘công an’ và ‘an ninh’ thành phố.

Ông cũng đưa ra lời cáo buộc về việc bị ‘hăm dọa bắn’ khi được triệu tập tới một đồn công an ở địa phương mà ông sinh sống.

Đây là vụ hành hung thứ ba được công luận chú ý trên mạng xã hội tại Việt Nam trong hai tuần qua.

Hôm 11/5/2015, một nhà hoạt động khác, ông Nguyễn Chí Tuyến, hay Facebooker Anh Chí, đã bị tấn công trọng thương vào đầu, mắt và mặt. Sự việc đã thu hút sự chú ý của truyền thông, công luận trong nước và giới ngoại giao và dư luận quốc tế.

Một số nhà ngoại giao, dân biểu và đại diện các cơ quan theo dõi nhân quyền quốc tế đã yêu cầu chính quyền Việt Nam phải điều tra về vụ hành hung ông Nguyễn Chí Tuyến.

Trước đó nữa chỉ vài ngày, một thành viên trong nhóm ‘Vì Hà Nội xanh’, blogger Gió Lang Thang, cũng bị hành hung gần nhà riêng sau nhiều tuần tham gia các vụ tuần hành ‘vì cây xanh Hà Nội’ tại thủ đô của Việt Nam.

Những việc đang ‘hot’ mà không cần tốt nghiệp đại học 4 năm

Những việc đang ‘hot’ mà không cần tốt nghiệp đại học 4 năm

Nguoi-viet.com

TEXAS (Houston Chronicle) – Một cuộc khảo sát vào năm 2011 của trường đại học Georgetown University cho hay, số học sinh sau khi tốt nghiệp trung học thì có khoảng 84% tiếp tục học lên và tốt nghiệp đại học 4 năm.

Dental hygienist là một trong những nghề hot nhất mà không yêu cầu
bằng đại học 4 năm. (Ảnh: John Moore/ Getty Images)

Tuy nhiên, có những công việc cũng được trả lương khá cao mà không cần phải có bằng cấp đại học 4 năm.

Dựa vào số liệu từ Ủy Ban Lao Động Hoa Kỳ, trang mạng “CareerCast” đã đưa ra danh sách những công việc không đòi hỏi bằng đại học.

Có những công việc chỉ yêu cầu tốt nghiệp trung học; một số khác yêu cầu tham gia các khóa huấn luyện cụ thể, hay tốt nghiệp từ những trường đại học cộng đồng.

Các công việc này bao gồm các nghề:

1. Dental Hygienist (Nha tá): $70,210/năm.
2. Registered Nurse (Y tá): $65,470/năm.
3. Web Developer (Phát triển website): $62,500/năm.
4. Multimedia Artist (Mỹ thuật truyền thông): $61,370/năm.
5. Respiratory Therapist (Chuyên viên hô hấp): $55,870/năm.
6. Electrician (Thợ điện): $49,840/năm.
7. Computer Service Technician (Kỹ thuật viên máy tính): $48,900/năm.
8. Paralegal Assistant (Phụ tá tư vấn pháp lý): $46,900/năm.
9. Appliance Repairer (Nhân viên sửa chữa thiết bị): $ 43,460/năm.
10. Carpenter (Thợ mộc): $ 39,940/năm.
11. Administrative Assistant (phụ tá hành chính): $35,330/năm.
12. Bookeeper (Nhân viên giữ sổ sách): $35,170/năm.
13. Medical Records Technician (Nhân viên lưu giữ hồ sơ y tế): $34,160/năm.
14. Personal Trainer (Huấn luyện viên): $31,720/năm.
15. Skincare Specialist (Chuyên viên chăm sóc da): $28,640/năm. (N.A)

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) .- Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cùng vợ và con gái chuẩn bị đáp máy bay đi Hoa Kỳ thì bị giữ lại tại phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, hộ chiếu bị an ninh tịch thu.

Các ông Nguyễn Huệ Chi (trái), Nguyễn Văn Khải (giữa) và Nguyên Ngọc (phải) cùng hàng trăm người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội ngày 14/8/2011. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Nhà văn, nhà giáo, nhà biên khảo văn học Nguyễn Huệ Chi và bà vợ cùng con gái chuẩn bị sang Hoa Kỳ thăm thân nhân từ phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn đêm Thứ Hai 18/5/2015. Tuy nhiên ông đã bị nhân viên an ninh phi cảng giữ lại, thu giữ hộ chiếu trong khi bà vợ và con gái ông vẫn tiếp tục lên đường.

“Nhân dịp con gái về Việt Nam dự hội thảo 100 năm ngày sinh của ông nội (Nguyễn Đổng Chi) tổ chức ở Sài Gòn, cháu mua vé máy bay cho vợ chồng tôi qua chơi với gia đình cháu ở Boston ba tháng. Tuy nhiên, an ninh phi trường đã thu giữ hộ chiếu của tôi không cho đi”. Ông Nguyễn Huệ Chi nói với báo Người Việt qua điện thoại.

Ông cho hay tiếp rằng “Tôi nói với vợ con là ai đi được bình thường thì cứ đi, còn tôi người ta không cho đi thì đành ở lại.”

Ông Nguyễn Huệ Chi từng thăm gia đình con gái hiện sống ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, cũng như ra nước ngoài nhiều lần trước đây dù ông từng biểu tình chống Trung Quốc, ký tên chống khai thác bauxite hay kêu gọi bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN.

Khi ông hỏi lý do tại sao ông bị chận lại và hộ chiếu bị tước đoạt thì được an ninh Tân Sơn Nhất trả lời là “Lệnh cấm xuất cảnh từ Hà Nội. Ông có thắc mắc khiếu nại gì thì ra Hà Nội. An ninh sân bay Tân Sơn Nhất chỉ thi hành lệnh.”

Ông nói ông “không hiểu rõ lý do tại sao lần này lại bị cấm nhưng có cảm tưởng là mới đây tôi có cùng một số người khác rút tên ra khỏi Hội nhà văn Việt Nam”.

Bình luận về vụ việc, ông Nguyễn Huệ Chi nói “Tôi có cảm tưởng bất thường về một đất nước là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ mà nhân quyền lại không tôn trọng”.

Ông Nguyễn Huệ Chi, 77 tuổi, là là một chuyên viên hán nôm nổi tiếng tại Việt Nam. Trước khi nghỉ hưu, ông nguyên là trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại của Viện Văn học, nguyên chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về văn học và lịch sử Việt Nam được ca ngợi về giá trị.

Mới tuần trước, ông đã cùng với gần hai chục nhà văn ra bản tuyên bố “từ bỏ Hội nhà văn Việt Nam”, một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là “tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản”.

Năm 2009, cùng với nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, ông khởi xướng trang thông tin điện tử Bô xít Việt Nam, “tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức” về vấn đề khai thác quặng bauxite và những vấn đề xã hội có liên quan ở Việt Nam. Một bản kiến nghị kêu gọi nhà cầm quyền CSVN dừng kế hoạch khai thác bauxite vì lợi bất cập hại được hàng chục ngàn người tham gia ký tên. Trang mạng Bauxite Việt Nam lôi cuốn hàng triệu người đọc cả trong và ngoài Việt Nam.

Theo trang diện tử Bauxite Vietnam loan báo ngày 5/9/2013, ông Nguyễn Huệ Chi đã rút khỏi vị trí quản trị trực tiếp trang này sau 4 năm làm chủ biên tập, nhóm sáng lập đã mời GS Phạm Xuân Yêm đứng ra đảm nhiệm trang này.

Ông từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền bành trướng tại Hà Nội nhiều lần trước đây. Ông cũng cùng nhiều người khác tham gia ký tên kêu gọi bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN.

Nhà cầm quyền thường có thói quen cấm xuất cảnh tất cả những công dân nào tham gia vận động dân chủ hóa đất nước, đòi hỏi tự do ngôn luận cũng như bầy tỏ lòng yêu nước qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, luật sư Nguyễn Văn Đài, blogger Nguyễn Hoàng Vi, blogger Mẹ Nấm cùng rất nhiều người khác đã bị cấm xuất cảnh khi chuẩn bị lên máy bay. Những ai may mắn “lọt lưới” kiểm soát của công an, khi về đến phi trường đều bị giữ lại thẩm vấn về chuyến đi.

Theo Blogger Nguyễn Tường Thụy viết trên facebook hôm Thứ Hai, blogger “Mai Xuân Dũng từ Singapore về đến sân bay Nội Bài lúc 16 giờ ngày 18/5/2015 thì bị bắt giữ tại công an cửa khẩu. Nhiều anh em từ Hà Nội lên hỗ trợ tinh thần cho anh Dũng và đòi người. Tuy nhiên, một số anh chị em đã bị côn đồ đánh. Bọn này hành hung anh chị em rất ngang nhiên, ngay trước mặt công an, đủ để hiểu rằng, bọn này do công an huy động.” (TN)

Xem thêm:

Giáo sư Nguyn Hu Chi b cm xut cnh (RFA)

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

ĐÁNH TRỘM – ĐÒN TRẢ THÙ HÈN HẠ, BẨN THỈU CỦA KẺ KHÔNG CÓ CHÍNH NGHĨA.

ĐÁNH TRỘM – ĐÒN TRẢ THÙ HÈN HẠ, BẨN THỈU CỦA KẺ KHÔNG CÓ CHÍNH NGHĨA.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

clip_image001

Vụ Nguyễn Chí Tuyến bị đánh trọng thương hôm 11/5/2015 đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Sau khi anh bị đánh, thông tin lập tức được chia sẻ lên mạng Internet. Nhiều bài viết, nhiều bài phỏng vấn của những tờ báo có uy tín cho đến hôm nay vẫn liên tục đưa tin và bày tỏ thái độ về vụ việc này.

Sự kiện chấn động tới mức ngay hôm sau, ông Felix Tham tán ĐSQ Đức đã sang tận nhà Tuyến bên Ngọc Thụy quận Long Biên để thăm, còn trước cả nhiều bạn bè anh ở Hà Nội. Ngày 14/5, bà Janet Nguyễn, Thượng nghị sĩ tiểu bang California viết thư yêu cầu Tòa Đại sứ Mỹ và Human Rights Watch điều tra làm rõ vụ việc này. Ngày 15/5, bà Jennifer đại diện Đại sứ quán Mỹ và bà Rose McConnell đại diện Đại sứ quán Úc đã đến thăm Nguyễn Chí Tuyến.

Sự việc Nguyễn Chí Tuyến bị đánh đã làm cho sự phẫn nộ bấy lâu nay bật lên thành cao trào phản đối khủng bố những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, những người yêu cây xanh Hà Nội, yêu biển đảo của Tổ quốc, yêu công bằng, lẽ phải.

Trước Nguyễn Chí Tuyến, ngày 22/4/2015, Trịnh Anh Tuấn cũng bị 3 tên đón đường đánh lần thứ 2 (lần thứ nhất vào ngày 20/3/2014 sau khi anh tham gia buổi thảo luận của Mạng lưới blogger VN về).

Có thể kể thêm rất nhiều nhà hoạt động bị đánh trộm trong thời gian 2 năm gần đây:

Ngày 22/3/2014, anh Trương Văn Dũng bị đánh tại gần cây xăng Nam Đồng, Hà Nội. Anh còn bị đánh ngày 26/8/2014 tại Cao Lãnh khi đang đón xe về Sài Gòn.

Ngày 24/2/2014, anh Nguyễn Bắc Truyền bị đánh trên đường tới Đại sứ quán Úc.

Ngày 25/5/2014, cô Trần Thị Nga bị đánh tại thị trấn Văn Điển khi vừa ở nhà blogger Nguyễn Tường Thụy ra về.

Ngày 8/9/2014, anh Trương Minh Đức bị đánh tại Khâm Thiên Hà Nội khi anh đang trên đường tới phố Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 29/10/2014, anh Phạm Bá Hải bị đánh tại Đức Trọng, Lâm Đồng khi đến thăm anh Dương Âu.

Ngày 9/12/2014, Nguyễn Hoàng Vi bị đánh khi vừa ra khỏi nhà. Đây là lần thứ 3 Nguyễn Hoàng Vi bị đánh. và còn nhiều vụ đánh trộm khác.

clip_image003

Trần Thị Nga bị đánh ngày 25/5/2014

Những ví dụ trên đây chỉ nêu các trường hợp bị mai phục đón đánh ngoài đường, chưa tính đến các vụ bị đánh trong đồn công an. Chẳng hạn anh Trương Văn Dũng bị đánh tất cả 7 lần, trong đó 5 lần bị đánh trong đồn công an, còn 2 lần bị đánh ngoài đường như đã kê ở trên.

Việc những thành phần bất hảo được huy động đến để đánh các nhà hoạt động ngay trước mặt công an nhưng không bao giờ bắt được hoặc tìm ra danh tính vì có công an đứng cạnh bảo kê cũng coi như đánh trộm. Ví dụ trường hợp Lê Quốc Quyết, Mai Phương Thảo bị đánh tại ngã ba Pháp Vân (Hà Nội) ngày 22/4/2014, hay vụ Nguyễn Tường Thụy bị 6, 7 tên xông vào đánh ngay bên kia đường, trước mặt cả công an huyện Thanh Trì và công an xã Vĩnh Quỳnh, đối diện nhà ở vào ngày 10/5/2010.

Theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Human Rights Watch, chỉ riêng trong năm 2014, ít nhất 22 blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị những người mặc thường phục tấn công.

Ai là thủ phạm? Thủ phạm nói ở đây là trước hết là những kẻ tổ chức, sau đó là những kẻ thực hiện. Nhiều người bị đánh nhận được mặt kẻ đánh trộm là những kẻ thường xuyên rình rập, canh nhà họ từ lâu nay. Có những trường hợp kẻ đánh vừa đánh vừa xưng “Tao là công an đây” như trong vụ đánh Trần Thị Nga, Phạm Bá Hải. Ngày 10/5/2010, chúng cũng vừa đánh tôi vừa xưng: “Tao là công an đây”. Có những trường hợp người bị đánh chụp được ảnh kẻ hành hung, như cô Trần Thị Nga chụp được ảnh kẻ đánh cô, hoặc trong vụ 10/5/2010, tôi cũng chụp được ảnh bọn chúng cung cấp cho công an, chỉ rõ chúng là người nhà của kẻ đang thuê nhà số 44.

Phải nói, việc điều tra ra thủ phạm hoàn toàn không khó. Thế nhưng nạn nhân đi trình báo, tố cáo, tất cả đều không được giải quyết. Đây là sự bao che, đồng lõa với thủ phạm. Thường là khi làm việc với công an, nạn nhân hay được hỏi câu: “Anh có thù oán với ai không?”, kể cả với những người từ SG ra Hà Nội, làm như thể họ bị đánh chỉ vì mâu thuẫn cá nhân.

Xét đối tượng bị đánh có thể khẳng định được thế lực nào tổ chức các vụ hành hung nói trên. Họ là những người hoạt động dân chủ, nhân quyền, các hoạt động xã hội khác như bảo vệ biển đảo, bảo vệ cây xanh. Những người này là đối tượng thường xuyên bị theo dõi, gây khó khăn trong cuộc sống.

Phân tích như thế để xác định kẻ nào tổ chức các vụ đánh trộm nói trên. Ví dụ, việc Nguyễn Chí Tuyến và Trịnh Anh Tuấn bị đánh cách nhau 20 ngày là hai vụ gần đây nhất nên có thể hiểu kẻ chỉ đạo đánh hai anh là những kẻ có lợi ích từ vụ chặt hạ bừa bãi cây xanh ở Hà Nội. Trước đó, trong các hoạt động bảo vệ cây xanh, Nguyễn Chí Tuyến là người hưởng ứng, cổ vũ hăng hái nhất cho hoạt động này. Còn Trịnh Anh Tuấn với nick facebook Gió Lang Thang là admin của nhóm “Vì một Hà Nội xanh”. Việc đi bộ tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội diễn ra được 5 buổi thì bị công an Hà Nội đàn áp thẳng tay.

Mỗi khi những nhà hoạt động bị đón đường đánh, tất cả các ý kiến đều cho là công an hoặc chính quyền tổ chức và điều này hầu như không có ai nghi ngờ. Ngay sau khi bị đánh, Nguyễn Chí Tuyến đã khẳng định: “Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về ông Đại tá Hùng – Trưởng công an Long Biên”.

Tại sao lại gọi là đánh trộm? Đánh trộm là đánh giấu mặt, rình khi người ta sơ hở không phòng bị, lao vào đánh rồi bỏ chạy. Chúng thường dùng số đông hơn, huy động từ 3 đến 6, 7 để đánh một người.

Xét về bản chất, đánh trộm khác hẳn với những cuộc so sức, so tài. Những cuộc so sức so tài đều diễn ra công khai sòng phẳng, một đấu một và có luật chơi rõ ràng, có trọng tài. Chẳng hạn môn quyền Anh, các võ sĩ cùng hạng cân đấu với nhau chứ hạng nặng không được đấu với hạng nhẹ. Võ sĩ phải dùng găng và không được đánh dưới thắt lưng để đảm bảo tính mạng cho đối thủ. Khi đã phân biệt thắng thua, họ có thể là những người bạn và đều phấn đấu rèn luyện để đạt được thành tích cao hơn. Đấy là sự cao thượng của tinh thần thể thao.

So sánh như thế để thấy rõ sự hèn hạ của việc đánh trộm.

Tại sao lại đánh trộm những người hoạt động phản biện?

Tôi dùng cụm từ “hoạt động phản biện” để chỉ những người có hoạt động phản đối những sai trái của chính quyền để phân biệt với những người hoạt động xã hội nói chung.

Những kẻ đánh trộm tự biết không thể so sức, so tài, so chính nghĩa một cách công khai nên phải đánh lén và dùng số đông để chắc thắng và dễ bề tẩu thoát. Những người hoạt động phản biện hoạt động công khai trong khuôn khổ của pháp luật. Tuy vậy, việc làm của họ đã gây nên sự khó chịu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi bất chính của một nhóm lợi ích nào đó. Vì họ hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật nên không thể hơi tí vu cho họ tội danh khác để bắt bỏ tù vì số này rất đông không thể bỏ tù hết được. Vì vậy, các nhóm lợi ích thường dùng thủ đoạn như đánh dằn mặt, vừa đe nạn nhân, vừa cảnh báo những kẻ khác. Khi không có chính nghĩa, chúng đành phải dùng cách thức của xã hội đen để bảo vệ quyền lợi của chúng.

Nhưng chúng đã nhầm.

Đánh trộm nhằm vào những người hoạt động phản biện không bao giờ làm cho chúng đạt được mục đích. Vụ đánh Nguyễn Chí Tuyến đã tạo nên làn sóng phẫn nộ của công luận, của báo giới và chính giới các quốc gia dân chủ. Những người hoạt động phản biện đồng loạt lên tiếng ủng hộ, bảo vệ anh, tiếp tục sát cánh cùng anh trên con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Rất nhiều người dùng hình ảnh anh để làm avatar để bày tỏ sự ủng hộ. Blogger Điếu Cày và nhiều facebooker khác mang dòng chữ “Tôi là Nguyễn Chí Tuyến” để nhắc nhở những người vô cảm rằng, hôm nay là Nguyễn Chí Tuyến, ngày mai có thể sẽ là bạn. Chỉ có báo chí Nhà nước thì không bao giờ đưa tin những vụ việc này, mặc dù báo của họ nhan nhản những tin cướp, hiếp, giết, đánh ghen, những tin về đời tư của ca sĩ, người mẫu, hoa hậu…

clip_image004

Hôm nay là Nguyễn Chí Tuyến, ngày mai có thể sẽ là bạn

Sau khi Nguyễn Chí Tuyến bị đánh, Nhóm “Vì một Hà Nội xanh” ra tuyên bố, khẳng định: “Chúng tôi không sợ hãi và sẽ không lùi bước trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chung – bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh Hà Nội, thúc đẩy chính quyền minh bạch và có trách nhiệm giải trình”.

Việc khủng bố, đánh trộm những nhà hoạt động có thể làm cho họ đau đớn về thể xác, làm tổn hại đến sức khỏe của họ, có thể làm cho kẻ khủng bố hả hê phần nào sự căm tức nhưng sự thiệt hại vô hình của chúng là vô cùng lớn. Đó là tự bôi thêm sự nhơ nhuốc, xấu xa, bất lực, phi nghĩa, của mình. Đó là làm đông thêm số người chống lại chúng. Tiếc thay, với đầu óc dốt nát, vô học, mù quáng bởi những lợi ích nhỏ nhen, chúng không dễ dàng nhận ra.

Tàn ác, hèn hạ, bỉ ổi, đê tiện… , ngôn từ Việt Nam không bao giờ đủ để diễn đạt về chúng – quân đánh trộm.

16/5/2015

N.T.T.