Cựu phó chủ tịch FIFA sẵn sàng khai hết chuyện tham nhũng

Cựu phó chủ tịch FIFA sẵn sàng khai hết chuyện tham nhũng

Nguoi-viet.com

MARABELLA, Trinidad and Tobago (NV)Cựu phó chủ tịch liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA), ông Jack Warner, nói, ông có vô số chứng cớ để liên kết FIFA, kể cả Chủ Tịch Sepp Blatter, vào với tội tham nhũng trong bóng đá vốn tràn lan trên khắp thế giới.


Ông Jack Warner cầm bản sao một chi phiếu trong một buổi nói chuyện tại Marabella, Trinidad and Tobago. (Hình: AP Photo/Anthony Harris)

Theo báo Washington Post, ông Warner hứa tiết lộ tất cả những gì ông biết về những sai trái trong tổ chức điều hành bóng đá lớn nhất thế giới này.

Ông Warner thêm rằng ông có chứng cớ, liên hệ các giới chức cao cấp của FIFA với cuộc bầu cử vào năm 2010 ở nước ông là Trinidad and Tobago.

Ông Warner, cựu chủ tịch liên đoàn bóng đá vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbean, là tâm điểm của cuộc điều tra tham nhũng trong FIFA.

Công tố viện Mỹ nói ông Warner nhận món tiền hối lộ $10 triệu để đổi lấy việc ông ủng hộ cho Nam Phi bằng cách bỏ phiếu cho nước này được đăng cai World Cup 2010.

Phát biểu trong cuộc tập họp chính trị tại Marabella, Nam Trinidad, ông Warner nói: “Tôi sẽ cung cấp mọi kiến thức về việc chuyển khoản tài chánh trong FIFA, gồm nhiều người chứ không riêng gì ông Blatter.”

Trên chương trình truyền hình dài 5 phút nhan đề “Jack Warner: The Gloves Are Off,” ông Warner nói ông đã giao các tài liệu về những chuyển khoản tài chánh của FIFA cho các luật sư.

Sau khi công tố viện Hoa Kỳ đưa ra lệnh khởi tố 14 giới chức cao cấp của FIFA và những thương gia liên hệ hồi tuần trước về cáo buộc tội tham nhũng, ông Warner bị bắt tại Trinidad.

Ông Warner được phép đóng tiền tại ngoại nhưng phải nộp sổ thông hành và phải báo cáo cảnh sát mỗi tuần hai lần. Ông đang chờ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. (TP)

Tướng Lê Minh Đảo tại Stanford

Tướng Lê Minh Đảo tại Stanford

Khôi An

Bài số 3533-16-29933vb5060415

Việt Báo ngày 3 tháng Sáu, tác giả Khôi An viết về Sinh Viên Gốc Việt tại Đại Học Stanford và Đêm Văn Hóa Việt 2015. Phần tiếp sau đây kể về Chiều Tưởng Niệm 30 Tháng Tư tại Stanford và tâm sự 40 năm sau của vị tướng VNCH từng sát cánh cùng đồng đội trong trận chiến sau cùng và trải qua 17 năm tù đầy. Bài được viết với tấm lòng của một phụ huynh “mong tiếp tục có dịp góp phần hướng dẫn để các em nhớ rằng nguồn gốc luôn luôn quan trọng vì nó tạo nên sắc thái độc đáo của mỗi người.”
***

image009
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo (đứng giữa ở hàng nhất) với một số người tham dự Buổi Nói Chuyện và Tưởng Nhớ 30/4/2015

Buổi nói chuyện được tổ chức lúc sáu giờ chiều để tiện cho người đi học, đi làm. Vào giờ đó các xa lộ dẫn đến Stanford đều đông xe, nhưng mọi người đã dành thì giờ đi sớm để đến đúng giờ. Khuôn viên trường rộng mênh mông nhưng các em cử người đứng trước tòa nhà Kehillah để đón khách và còn đem cờ Việt Nam và cờ Mỹ thật to ra để ngay trên bãi cỏ gần đường (một cử chỉ thông minh và thật đáng yêu!) Nhờ thế, mọi người tìm ra nơi họp khá dễ dàng.

Buổi lễ năm nay đặc biệt vì mốc bốn mươi năm và sự có mặt của tướng Lê Minh Đảo. Ngoài các em sinh viên còn nhiều người lớn, phần đông là phụ huynh, và vài người Mỹ.

Phòng họp không lớn lắm nên không khí ấm cúng. Ở cuối phòng là một bàn dài với nước uống và thức ăn Việt Nam cho mọi người “nạp năng lượng” trước khi họp. Tuổi trẻ năng nổ, phóng khoáng, và thực tế  – học và làm việc rất hăng nhưng vẫn không quên rằng ăn cũng rất quan trọng! Một chi tiết nhỏ khác làm tôi vui vui là cách ăn mặc trang nhã của các em trong ban tổ chức. Vẻ lịch sự và trang trọng đúng mức cho dịp gặp gỡ vị khách đáng kính trong một ngày buồn của quê mẹ đã nói lên sự hiểu biết và trưởng thành của các em.

Buổi lễ bắt đầu đúng giờ theo chương trình đã soạn sẵn. Như một hình thức không bao giờ thiếu trong mỗi dịp quan trọng, phần đầu tiên là lễ chào cờ Mỹ Việt. Tiếp theo là phút yên lặng tưởng nhớ. Kế đó là một diễn giả trình bày ngắn gọn về cuộc chiến Việt Nam.

Rồi màn hình xuất hiện hình ảnh chiến trường Xuân Lộc đầu tháng Tư, 1975. Những cụm khói đen bốc lên cuồn cuộn. Tiếng đại bác nổ rền. Lời thuyết minh vang lên: The name Sai gon and the name Xuan Loc has become synonymous with hope and heroism. General Le Minh Dao defies the Communist… (Cái tên Sài gòn và Xuân Lộc đã trở thành đồng nghĩa với hy vọng và sự anh dũng. Tướng Lê Minh Đảo chống cự dũng mãnh trước Cộng quân…)

Trên màn ảnh, vị tướng xuất hiện. Nón sắt trên đầu hắt bóng xuống gương mặt căng thẳng nhưng quyết liệt, ông tuyên bố “Tôi sẽ giữ Long Khánh, dù đối phương đem tới đây hai hay ba sư đoàn”.

Đoạn phim dừng. Người giới thiệu chương trình tiếp lời:

“Đó là hình ảnh của thiếu tướng Lê Minh Đảo bốn mươi năm trước. Gần đây, tôi có xem những hình ảnh khác về ông trên You Tube. Trong một buổi nói chuyện vào tháng 4 năm 2000, ông nhắc đến cái chết của một người lính và ông đã nghẹn ngào. Từ đó, tôi hiểu ra rằng người anh hùng là người không sợ chết cho lý tưởng nhưng cũng không ngại khóc cho đau khổ của người khác. Với ý nghĩ đó, chúng ta hãy cùng chào đón Thiếu Tướng Lê Minh Đảo.”

Vị tướng tám mươi hai tuổi bước lên trong sự cảm động và tiếng vỗ tay nồng nhiệt của mọi người.

Ông khiêm tốn bắt đầu “Tôi rất vui mừng được gặp gỡ các em sinh viên của Stanford ngày hôm nay …”

Sau phần chào hỏi và nói tóm tắt về cuộc đời của mình, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo chia sẻ qua những câu hỏi đã được các em gởi trước. Ông nói tiếng Việt với sự trang trọng, và có hai phụ huynh trực tiếp dịch lời ông ra tiếng Anh.
Câu hỏi của các em trải rộng từ những điều trong lịch sử như “Ông muốn chia sẻ bài học lớn nào về kinh nghiệm của ông trước, trong, và sau cuộc chiến? Thế hệ trẻ nên rút ra bài học gì từ cuộc chiến Việt Nam?” và “Ý nghĩa của trận Xuân Lộc” cho đến thắc mắc trong hiện tại “Chúng con nên nhớ gì về Tháng Tư Đen và tại sao cần phải ghi nhớ?”. Có một câu ngắn gọn và thoáng chút trẻ con như “Ở trong tù, ông sợ nhất là cái gì?”

Thiếu tướng Lê Minh Đảo trả lời với tâm tình của một cấp chỉ huy trong quân đội, của một người sống qua mấy chục năm chinh chiến điêu linh, của một người tù chính trị bị đày mười bảy năm, và của một người Việt tị nạn vẫn hết lòng với quê mẹ. Ông nói rõ kết quả của cuộc chiến Việt Nam là người dân của cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đều thua, kẻ thắng cuộc duy nhất là thế lực Cộng Sản quốc tế. Ông nói về những tai ương chế độ Cộng Sản gây ra cho dân Việt, ông chia sẻ về kinh nghiệm khó khăn khi làm đồng minh với Mỹ, và ông trải lòng về lo lắng trước hiểm họa mất nước nếu chính quyền Việt Nam tiếp tục cúi đầu trước Bắc Kinh mà không đặt sự vẹn toàn lãnh thổ lên trên hết.

Trả lời câu hỏi ông sợ gì khi ở trong tù, ông nói: “Tôi đã từng sẵn sàng chết cho đất nước, vì thế trong tù tôi không sợ gì cả. Hơn nữa, tôi tin ở Thượng Đế và số mạng, điều đó giúp tôi thấy bình an hơn. Tuy nhiên, tôi thường buồn khi nghĩ tới những người lính và sĩ quan đã nghe lời tôi ở lại chiến đấu, và kết quả là họ phải chết lần chết mòn trong tù đày trong khi gia đình họ cũng gánh chịu rất nhiều đau khổ.”
Tuy vậy, ông cũng chia sẻ rằng đồng đội – khi gặp lại sau mười mấy năm tù đày, đã không hề buồn ông. Vì ông đã sát vai với họ, cùng hy sinh với họ đến giờ phút cuối. Bốn mươi năm sau, Xuân Lộc vẫn là niềm tự hào của người dân miền Nam, là câu trả lời trước thế giới, và là một biểu tượng dựng bằng máu và mạng sống cho sức chiến đấu và tinh thần của quân đội miền Nam.
Ông cũng thiết tha nhắn nhủ lớp trẻ bằng tấm lòng của một người cha, người ông. Khi được hỏi “Ông nghĩ tuổi trẻ gốc Việt ở Mỹ nên làm gì để giúp đỡ sự độc lập của Việt Nam?” ông nói to “Trước hết là phải học cho thiệt giỏi” làm các em cười ồ. Bởi vì, dù biết tiếng Việt nhiều hay ít, các em đều hiểu câu nói hết sức quen thuộc đó, câu nói mà từ tấm bé các em đã nghe từ cha mẹ, ông bà. Ông nói tiếp rằng ông tin tưởng nhiều người trong các em sẽ có đủ kiến thức và uy tín để nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền hay quân đội Hoa Kỳ. Ông dặn dò “khi các con đại diện cho Hoa Kỳ trong việc giao thiệp với thế giới, điều đầu tiên là phải giữ lời, đừng phản trắc”. Có thể các em sinh viên còn ngây thơ chưa cảm thấy, nhưng những phụ huynh như tôi thì nghe được chút cay đắng còn bàng bạc trong lời khuyên “đừng phản trắc” của ông. Tôi nghĩ cho dù các em không hiểu được hết nỗi lòng của vị tướng từng bị đồng minh bỏ rơi, lời tâm huyết của ông về cách sống có trước có sau, không vì quyền lợi mà quay lưng với những người chung sức với mình thì mãi mãi là điều đáng ghi nhớ ở mọi lúc, mọi chức vụ, và mọi cảnh đời.

Buổi nói chuyện kéo dài một tiếng rưỡi. Các em lắng nghe và tham gia đặt câu hỏi tới phút cuối, không một chút xao lãng dù trong lúc nghe tiếng Việt hay trong phần dịch ra tiếng Anh.

Kế tiếp hai phụ huynh và người thầy dạy tiếng Việt trong trường Stanford hát tặng các em bài “Nhớ Mẹ” của Tướng Lê Minh Đảo bằng tiếng Việt và tiếng Anh cùng với bài “Có Những Người Anh” để nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để chiến đấu giữ vững miền Nam hơn hai mươi năm.
image010

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo trong một khoảnh khắc suy nghĩ trước khi trả lời một câu hỏi của sinh viên

Sau đó, đại diện của SVSA lên nói cảm nghĩ và lời cám ơn. Các em chia sẻ kinh nghiệm trong gia đình và tâm tình của những người trẻ lớn lên trên đất nước thanh bình nhưng vẫn thường xuyên nghe về những ký ức đau thương, thuờng xuyên chứng kiến sự phấn đấu cho tới ngày hôm nay của những thế hệ đi trước.

“ …Trong suốt mười tám năm đầu đời, tôi không thể hiểu bằng cách nào cha mẹ tôi có thể trải qua những biến cố kinh hoàng mà vẫn trở thành nguồn thương yêu và nâng đỡ cho chúng tôi hôm nay.

Tuy nhiên, trong vài năm qua khi đi học xa nhà, có lẽ tôi đã trưởng thành, tôi nhận thấy rằng cha mẹ tôi không phải là siêu nhân như tôi từng nghĩ; họ chỉ là con người và họ cũng chảy máu như tôi và quý vị. Họ đã rất khó khăn để hòa hợp nỗi đau mất nước với cơ hội tiến thân tại một nơi xa lạ, đôi khi lạnh lùng. Những kinh nghiệm đau thương đó đã thấm vào cuộc đời của chúng tôi, lặng lẽ tác động lên gia đình chúng tôi như những sợi dây kéo chân tay con rối. Đã đến lúc chúng ta nhận biết những biến cố trong quá khứ đã ảnh hưởng chúng ta ra sao…”

Các em cũng nói lên hiểu biết về trách nhiệm của mình, như lời của Lillian Vũ, đồng hội trưởng SVSA:

“… Không có thuốc nào để chữa lành vết thương mà chỉ có ký ức dẫn dắt chúng ta. Từ những ký ức đó, từ những câu chuyện giữa cha mẹ và những người hướng dẫn tinh thần với con cháu, chúng ta thấy được chúng ta đã đi một bước dài thế nào, và tại sao chúng ta ở đây hôm nay. Chúng ta không thể tránh né những điều làm chúng ta thấy không vui, những điều đòi hỏi chúng ta thương cảm những người mà chúng ta không biết và những điều chúng ta không trải qua. Bằng nhiều cách, chúng ta có trách nhiệm tiếp tục chia sẻ những câu chuyện này và tìm cơ hội để cùng nhìn lại lịch sử, văn hóa, và chính con người chúng ta. Với những cách đó, chúng ta, là một cộng đồng, sẽ lớn mạnh hơn và bước tới. “

image011
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đội mũ có tên trường Stanford do các em kính tặng. Chụp với một số em trong Ban Chấp Hành của SVSA

Cuối lễ là phần thắp nến. Đứng sát vai nhau trong cái mang mang lạnh của buổi tối mùa Xuân, ba thế hệ gốc Việt cùng tưởng nhớ hơn ba triệu người Việt ở cả hai miền cùng sáu mươi lăm ngàn lính Mỹ và đồng minh đã chết trong cuộc chiến, và những người đã gục ngã trong tù đày hay trên đường đi tìm tự do. Chúng tôi cũng cảm tạ ơn trên đã ban cho sức khỏe và sự may mắn để đứng bên nhau hôm nay, và cùng cầu nguyện cho sự tồn tại và ấm no của Việt Nam.

Sau đó, mọi người xếp nến thành số 40. Gió đêm nhè nhẹ thổi làm những ngọn nến lập lòe, và mọi người quyến luyến đứng nhìn, chưa muốn chia tay. Dù vui vì được cùng lớp trẻ làm việc có ý nghĩa, con số bốn mươi lại làm tôi nhớ rằng thời gian đi quá nhanh và không khỏi ngậm ngùi.

image013

Những ngọn nến được xếp thành số 40 để tưởng niệm bốn mươi năm mất miền Nam

*

Nếu Đêm Văn Hóa 2015 đem cho tôi xúc động và hy vọng vào lớp trẻ gốc Việt ở Stanford thì những gì diễn ra ngày 30 tháng Tư, 2015 đã cho tôi thấy sự hiểu biết của các em và nâng niềm hy vọng của tôi thành tin tưởng.

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo cũng đồng ý với tôi. Ông lập lại mấy lần rằng sau khi gặp gỡ các em, ông vui mừng vì những suy nghĩ và kỳ vọng của ông vào thế hệ trẻ là không sai, và công sức của ông đi gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm trong bao năm nay là có ý nghĩa.

Trước khi ra sân bay về lại Connecticut, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo cho tôi xem vật mà ông thích nhất trong chuyến đi sang miền Tây Hoa Kỳ năm nay. Đó là tấm thiệp cám ơn của hội SVSA được viết tay bằng tiếng Việt.

Tấm thiệp mở đầu bằng “Chúng con xin trân thành cám ơn ông … “

Tôi và ông đều cười và trìu mến nhận xét rằng lỗi chính tả trong chữ “chân thành” làm cho tấm thiệp thêm đặc biệt, càng làm cho kỷ niệm thêm khó quên.

Tấm thiệp giống như hình ảnh của các em: trong sáng và có tấm lòng hướng về quê hương rất đáng quý, chỉ cần thêm một chút hướng dẫn. Và nhiệm vụ hướng dẫn đó được trông cậy vào thế hệ một – của ông, và một rưỡi – của chúng tôi.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn nhớ rằng lời khuyên sẽ thấm thía nhất khi gần gũi với thực tế. Trong mọi chia sẻ, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo luôn xác định rằng ông hiểu các em là công dân Hoa Kỳ. Ông mong các em hết lòng xây dựng cuộc sống tốt đẹp, vun đắp sức mạnh và uy tín của chính mình và của cộng đồng Việt trên quê hương mới. Bên cạnh đó, cũng đừng quên Việt Nam, nơi đã góp bốn ngàn năm văn hiến cho tâm hồn các em hôm nay.

Ông tin tưởng mạnh mẽ rằng các em sẽ trở thành những người có ảnh hưởng trong chính sách của Hoa Kỳ, và lúc đó, ông mong các em nhớ bài học Tháng Tư Đen để làm những điều tử tế, tốt đẹp cho Việt Nam – nói riêng, và các nước nhỏ – nói chung. Đó cũng là chính sách ngoại giao hữu hiệu nhất để vun đắp uy tín của Hoa Kỳ và củng cố niềm tin tưởng của thế giới đối với đất nước này.

Tôi đồng ý với ông.

Vì thế, tôi mong tiếp tục có dịp để góp phần hướng dẫn để các em nhớ rằng nguồn gốc luôn luôn quan trọng vì nó tạo nên sắc thái độc đáo của mỗi người. Khi hiểu rõ nguồn gốc các em sẽ có thêm sức mạnh để vươn lên.

Tôi hy vọng rằng các thế hệ sau luôn nhớ đất nước Việt Nam nhỏ bé, gầy guộc, nhưng nằm tại một vị trí vô cùng quan trọng ở bờ Thái Bình Dương. Đất nước đó đứng mũi chịu sào cho cả bán đảo Đông Dương. Đất nước đó thường xuyên bị dùng làm trái độn trong tranh chấp giữa những quyền lực to lớn trên thế giới.

Mai này, khi có cơ hội, mong các em hết lòng làm điều tốt nhất cho sự tồn tại của Việt Nam, để người dân Việt không còn bị đàn áp, dày vò. Vì trong suốt lịch sự cận đại của Việt Nam, họ đã chịu quá nhiều đau khổ. Và, dù chiến tranh đã chấm dứt bốn mươi năm, cho tới nay, nước Việt và người dân Việt vẫn không ngừng chảy máu.

Khôi An

Unforgotten: Phim tài liệu về tù cải tạo

Unforgotten: Phim tài liệu về tù cải tạo

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-06-04

06042015-doc-abt-form-pris-of-war.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Tác giả bộ phim, nhà văn, nhà báo, người sáng lập kiêm đạo diện của Potbelly Pig Films, cô Diễm Thúy

Tác giả bộ phim, nhà văn, nhà báo, người sáng lập kiêm đạo diện của Potbelly Pig Films, cô Diễm Thúy

RFA files

Đó là bộ phim tài liệu mang tên Unforgotten, Không Bao Giờ Quên, như một đóng góp nhỏ nhoi nhưng cần thiết vào kho tài liệu về tù binh miền Nam trong những trại tập trung của miền Bắc sau 1975, để những người trong cuộc có thể trình bày những nỗi oan khuất họ phải chịu, và để thế hệ trẻ hiểu được suy nghĩ của cha chú là những người lính buộc phải buông súng với nỗi đau có thể không bao giờ phai nhòa.

Tâm tư và ước muốn

Đó cũng là tâm tư và ước muốn của tác giả bộ phim, nhà văn, nhà báo, người sáng lập kiêm đạo diện của Potbelly Pig Films, cô Diễm Thúy.

Đến Mỹ năm 1992 theo chương trình HO với thân phụ là cựu quân nhân miền Nam, Diễm Thúy tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh doanh và nghệ thuật tại đại học Ohio State, tiểu bang Ohio:

Đồng ý là cha của Thúy cũng đi tù ở ngoài Bắc nhưng cái động cơ mà Thúy làm là Thúy muốn những người đã bị tù có tiếng nói của mình. Những người đó, nếu nói thẳng ra, là phải phơi bày tội ác của cộng sản ra đó.

Thúy chỉ muốn thế hệ sau biết được những gì người cộng sản làm mà họ không bao giờ nhận. Thúy muốn giới trẻ ở Việt Nam hay ở hải ngoại hãy tìm hiểu vấn đề và thông qua phim của Thúy thì họ thấy được bằng chứng xác thực.

Một trong những tội ác đó, Diễm Thúy nói, đã in hằn trong trí nhớ non nớt của một đứa trẻ trong ngày mà tưởng không còn ai phải chết vì bom đạn:

Lúc Thúy còn nhỏ, mẹ chở Thúy từ Sài Gòn về quê nội là Hậu Nghĩa. Về ngày 29 thì trưa hôm sau, ngày 30 tháng Tư, có lịnh đầu hàng. Chiều 30 tháng Tư , khoảng năm sáu giờ chiều, có một người lính Việt Nam Cộng Hòa từ ngoài đường chạy vô cửa ngỏ nhà bà nội Thúy, chạy vô cái bồ lúa để trốn. Nội với bác của Thúy mới lấy những cái tấm che lại để mà dấu ông ta.

” Thúy chỉ muốn thế hệ sau biết được những gì người cộng sản làm mà họ không bao giờ nhận. Thúy muốn giới trẻ ở Việt Nam hay ở hải ngoại hãy tìm hiểu vấn đề và thông qua phim của Thúy thì họ thấy được bằng chứng xác thực.

Diễm Thúy “

Khi những người cộng sản rượt tới, tìm hoài không được, thấy cái bồ lúa thì chạy vô bồ lúa rồi lôi ông ta ra. Khi lôi ông ta ra, họ bắt bà nội với bác của Thúy quì xuống, bắt người lính quì xuống, hỏi là “bây giờ một trong hai người chết cho cái thằng này hay là cái thằng này chết cho hai người này?” Thì ông lính đó tội nghiệp cho bác với bà nội Thúy, ông nói là do ông chứ hai người này không dính líu gì hết. Lúc đó nó lôi người lính này ra xử bắn .

Dù còn nhỏ nhưng Thúy nghĩ ngày đó là ngày người ta được, theo lời của mấy ông, là được hưởng sự hòa bình, ngày đó là không ai được giết ai. Nhưng mà họ vẫn giết một người oan ức như vậy thì Thúy nghĩ những người đi tù cải tạo, họ đưa vô rừng sâu, thì họ có thể giết bằng bất cứ giá nào mà họ muốn. Thành ra Thúy mới quyết tâm, dù là bất cứ giá nào, nếu được thì Thúy phải làm cho được cái phim này.

Đầu tháng Năm vừa qua, bộ phim Không bao Giờ Quên, thời lượng chỉ 50 phút, được trình chiếu lần đầu tiên và chiếu miễn phí tại nhà hàng Paracel ở Nam California. Sau đó, do khá đông người yêu cầu, phim được chiếu lần thứ nhì tại trụ sở đài phát thanh VNCR cũng tại miền Nam California.

Những khó khăn

Thực hiện một cuốn phim, dù là phim tài liệu dài chỉ 50 phút, là chuyện rất khó khăn dù như vốn liếng do mình tự trang trải:

Ðạo diễn Diễm Thúy (thứ ba từ trái) và gia đình. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ðạo diễn Diễm Thúy (thứ ba từ trái) và gia đình. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thúy đã liên kết với những người làm phim của Mỹ ở Hollywood. Mặc dù nói là phim tài liệu nhưng tốn tiền nhiều vì những tài liệu đó phải có thời gian, rồi những người bạn Mỹ đó không biết tiếng Việt Nam, thành ra rất là mất thời gian, phải ngồi với họ để chỉ cho họ làm thế nào thế nào, rồi coi như họ cũng mất nhiều thời gian với mình. Thành ra tiền chi phí lên cao chứ không phải vì phim tài liệu mà nó không tốn so với những phim chuyện khác.

Cái khó thứ hai là tìm người cộng tác, người quay, người đóng và nhất là những nhân chứng được phỏng vấn. Chính vì thế mà dự định từ 2008 nhưng trải bao nhiêu thay đổi và trở ngại thì mãi đến tháng hai năm 2012 mới có thể bấm những thước phim đầu tiên tại Michigan. Đây là lúc cô đã có người đồng sản xuất, trợ giúp những bước đầu:

Những năm đó là Thúy đã viết Script nhưng chưa quay được. Bắt đầu quay vào năm 2012, người co-producer, Ian Taylor, không thích chính trị, không thích cái gì dính dáng đến chiến tranh. Cậu ta từ chối rất nhiều nhưng mà Thúy vẫn mời thì cuối cùng cậu ta đồng ý giúp. Nói chung cũng rất là khổ, chính vì lẽ đó thời gian chuẩn bị cho phim rất là lâu.

Đến lúc quay phim thì cũng không dễ dàng do là vì phải di chuyển nhiều:

Nhiều tiểu bang chứ không phải một. Mỗi lần đi thì những người quay phim có bận quay chỗ khác thì Thúy phải tìm cameraman khác rồi nhóm ê kíp khác. Những người đó phải đi với Thúy, xuống đó chờ cho đúng thời điểm, ngày giờ, tập trung được mọi người rồi thời tiết… Nói chung rất là khổ, Thúy chỉ kể một ví dụ như vậy thôi.

” Có người khi mà mình được giới thiệu thì họ không hiểu, không biết Thúy đang định làm gì, họ nghĩ có thể Thúy là người mà Việt cộng gài vô hay như thế nào… Có người đồng ý thì vẫn giữ, có người sau đó lại đổi ý. Thành ra công đoạn tập họp mọi người rất là khó.

Diễm Thúy”

Trong nhóm của Thúy lúc đầu có Ian Taylor rồi có Tuấn Nguyễn ở Chicago, Tú Nguyễn ở Minnesota.

Từ Michigan, đoàn làm phim Unforgotten và đạo diễn là cô Diễm Thúy, bay sang California. Năm 2013, đoàn quay kéo xuống Savannah, Georgia:

Có những chú những bác lúc đầu thì họ nhận lời, sau đó vì lý do gia đình họ phải từ chối. Hoặc là có những cô có chồng đi tù cải tạo, lúc đầu họ cũng nhận lời nhưng sau đó họ từ chối. Có nhiều người sau khi suy nghĩ họ nói họ không muốn tham dự tại vì sợ về Việt Nam hoặc ảnh hưởng tới thân nhân của họ ở Việt Nam.

Có người khi mà mình được giới thiệu thì họ không hiểu, không biết Thúy đang định làm gì, họ nghĩ có thể Thúy là người mà Việt cộng gài vô hay như thế nào… Có người đồng ý thì vẫn giữ, có người sau đó lại đổi ý. Thành ra công đoạn tập họp mọi người rất là khó.

Một phần của lịch sử

Vấn đề thứ ba, Diễm Thúy trình bày tiếp, là hoàn cảnh tù cải tạo của quân nhân miền Nam ít nhiều giống nhau, vì thế phải lắng nghe để:

Câu chuyện của họ có những chi tiết tư liệu mà mình thấy rất bổ ích. Thúy không có tiền để mời họ về một ngày, họ cũng không có thời gian để mà về một ngày, thành ra Thúy phải đi qua những tiểu bang nào mà người đó đã sẵn sàng thì Thúy mới đến để phỏng vấn họ.

Coi như chỉ có Ian là người Mỹ thôi, lúc đầu thì Ian không có hiểu . Ian học về Journalism and Camera, Thúy giảng cho anh ta biết là những người đó đi tù như thế nào, trong Tết Mậu Thân người Việt Nam chết như thế nào, sau đó thì Ian có cảm xúc. Khi mà Thúy viết script và đưa ra thì Ian cũng như mọi người đều cùng một hướng với Thúy hết. Họ nghĩ đó là một đề tài có giá trị lịch sử tại vì những người Thúy phỏng vấn là những người đứng mũi chịu sào, coi như ở lại Việt Nam để đánh những trận cuối cùng rồi phải chịu tù tội sau ngày 30 tháng Tư.

Đó là cảm tưởng của một người Mỹ như anh phóng viên Ian Taylor, đồng sản xuất phim Unfogotten với Diểm Thúy, còn những người chưa hề nếm mùi chiến tranh và bom đạn thì sao.

Hoặc cảm tưởng của người đã xem bộ phim tài liệu này tại miền Nam California, luật sư Nguyễn Quốc Lân, cựu ủy viên giáo dục học khu Garden Grove Nam California:

Về phương diện giáo dục thì phim Unforgotten đóng một vai trò rất tốt rất quan trọng để cho thế hệ trẻ cũng như thế hệ tương lai hiểu được những gì xảy ra sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Trong cuốn phim không ai có thể đặt nghi ngờ là những cái này có thật hay không có thật, không ai có thể phủ nhận được những chuyện như vậy.

” Về phương diện giáo dục thì phim Unforgotten đóng một vai trò rất tốt rất quan trọng để cho thế hệ trẻ cũng như thế hệ tương lai hiểu được những gì xảy ra sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

LS Nguyễn Quốc Lân”

Cái vấn đề thức tế là nó đóng góp và trình bày sự thật chứ không phải để thuyết phục chính quyền Việt Nam công nhận hay không công nhận. Tại vì họ biết chuyện này nhưng mà họ vẫn nhắm mắt làm ngơ, họ vẫn từ chối những thức tế của vấn đề từ bao lâu nay.

Hoặc là cảm nghĩ của cô Bri Demattio, được đạo diễn mời làm co-host buổi trình chiếu premiere của phim tài liệu Unforgotten:

Tôi thật hân hạnh có mặt ở đó, tôi hiểu tầm quan trọng của một cuốn phim tài liệu như Không Bao Giờ Quên, đặc biệt trong dịp tưởng niệm ngày Sài Gòn thất thủ.

Đó là một cuốn phim đặc sắc. Người Mỹ biết về Việt Nam, biết về cuộc chiến Việt Nam nhưng chẳng mấy ai hiểu rõ những gì đã xảy ra cho quân đội miền Nam Việt Nam khi đã im tiếng súng, thí dụ những trại tù tập trung lính miền Nam chẳng hạn. Những câu chuyện trong phim không chỉ làm người ta sáng mắt ra mà còn khiến người ta ngậm ngủi khôn tả. .

Điển hình câu chuyện một phụ nữ cùng mấy con nhỏ lặn lội cả ngày đường từ trong Nam ra ngoài Bắc để thăm chồng đang bị giam trong trại tập trung. Trên đường đi, bao nhiêu thức ăn gói ghém mang ra cho chồng bị đánh cắp sạch, quần áo giỏ xách của bà và mấy đứa nhỏ cũng bị lấy cắp, mẹ con phải ngủ bờ ngủ bụi và chờ sáng mai vào trại xin thăm nuôi. Bà đã phải chờ đợi tới 4 ngày mà vẫn không được gặp mặt chồng. Cuối cùng, khi biết bà có đứa con nhỏ 4 tuổi, cán bộ trại giam đồng ý cho vợ chồng cha con gặp nhau trong 10 phút rồi đuổi bà về.

Những chuyện như thế làm mọi người khóc, khi phim chấm dứt tôi thấy nhiều cựu quân nhân đến bắt tay đạo diễn với đôi mắt đầy lệ, còn những người trẻ sau khi xem đã không dấu được nỗi xúc động. Với tôi, phim Không bao Giờ Quên là một đề tài sống động cho tuổi trẻ thế hệ hai và ba muốn tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam.

Vào tuần lễ thứ ba của tháng này, bộ phim tài liệu Unforgotten, Không Bao Giờ Quên, sẽ được trình chiếu tại San Jose, Bắc California.

Cũng như ở miền Nam, đây là buổi chiếu thân hữu và hoàn toàn miễn phí. Một trong những người đang vận động cho buổi trình chiếu Không Bao Giờ Quên, Những Ngảy Không Quên, cô Hoàng Mộng Thu, thành viên của Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn:

Bắc Cali có bà Lê Đình Vọng, sáng lập viên của chương trình Huynh Đệ Chi Binh, cô Cẩm Vân, ủy viên học khu, và đồng thời Biệt Đoàn Lam Sơn. Tinh thần của Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn là lúc nào cũng nhớ trong thời chiến Việt Nam có rất nhiều, rất nhiều chị em mình là vợ lính hoặc là người yêu của lính. Thành ra khi chúng em kêu gọi chương trình này thì có rất nhiều chị hoan nghinh và sẵn sàng yểm trợ , tham dự,. Sẽ có một buổi tiện trà nhỏ để cô Diễm Thúy có thể tiếp tân cũng như giới thiệu bộ phim của mình.

Cô Cẩm Vân, chủ tịch học khu East Side:

Học khu East Side học sinh Việt Nam chiếm hàng nhì học khu. Vừa rồi Cẩm Vân được hân hạnh đem cuốn phim The Last Days In Vietnam của KQED vào trong học khu. Lần này , biết chị Diễm Thúy và phim Unforgotte, Cẩm Vân cũng muốn đem phim đến với trường học trong học khu East Side. Mục đích là cho các em hiểu được lịch sử, điều thứ nhất. Thứ hai là hiểu được làm sao các em qua được bên Mỹ để có một nền tự do cũng như nền học vấn tốt hơn là ở Việt Nam.

Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.

LỜI NÓI THỰC TẾ CỦA MỘT NHÓM NGƯỜI GIÀ

LỜI NÓI THỰC TẾ CỦA MỘT NHÓM NGƯỜI GIÀ

Tác giả – không rõ tính danh

Có một tổ ấm của riêng ta, chưa đến lúc chết, xin nhớ muôn ngàn lần chớ bỏ mất nó đi.

Có một người bạn đời thân thiết, phải cùng đối đãi và chăm sóc tốt cho nhau,

Có một cái thân thể, tự mình phải biết bảo trọng, có một cái tâm thái tốt, tự mình vui sướng!

Chúng ta đã già rồi! Nhưng mà hiện tại sức khoẻ vẫn còn tốt, đầu óc hãy còn minh mẫn, già rồi trông cậy vào ai! Phải phân chia ra nhiều giai đoạn mà nói.

Giai đoạn thứ nhứt

Sau khi đã về hưu, tuổi từ 60 đến 70, sức khoẻ cũng như điều kiện hãy còn tốt. Thích ăn gì thì ăn, thích mặc gì thì cứ mặc, thích chơi đùa gì thì cứ chơi đùa, chẳng nên tự bạc đãi mình, vì những ngày giờ này sẽ không còn là bao lâu nữa, cần phải nắm lấy (cơ hội). Nắm giữ một ít tiền, giữ lại căn nhà, biết tự an bài tốt cho con đường sau cùng của mình.

Tình trạng kính tế của con cái được tốt là của chính chúng, con cái hiếu thuận là phẩm hạnh tốt của chúng. Chúng ta chẳng nên cự tuyệt sự giúp đỡ của con cái, không nên cự tuyệt sự hiếu kính của chúng. Nhưng quan trọng nhứt là phải biết tự nương tựa vào chính mình, tự an bài tốt cho sinh hoạt của chính chúng ta.

Giai đoạn thứ hai

Qua hết đoạn tuổi bảy mươi (tức ở vào tuổi bát tuần) mà không có bệnh hoạn gì, cuộc sống hãy còn được tự do, đó là không có những vấn đề gì lớn xảy ra, nhưng phải nên nhớ rằng mình đúng là đã già rồi, thể lực và tinh lực sẽ không còn tốt nữa, các phản ứng tự nhiên của mình cũng sẽ từ từ xấu đi.

Nên ăn cơm chậm lại để đề phòng mắc nghẹn; đi đứng cần chậm lại để đề phòng bị té ngã.

Chẳng nên tranh hơn người, cần biết tự chăm sóc cho chính bản thân mình!

Đừng nên đi “quán xuyến” việc này việc kia, lo lắng sinh hoạt của con cái. Có người còn đi giữ cháu nội cháu ngoại nữa.

Cần phải biết “ích kỷ” một chút để, tự chăm sóc, trông coi chính mình.

Mọi việc phải biết để cho nó hoà theo tự nhiên, phải làm tí công việc quét dọn rác, phải biết cố gắng giữ gìn cho cái trạng thái sức khoẻ của mình được lâu dài hơn.

Để cho cái năng lực tự chủ về cuộc sống của mình có thể kéo dài thêm, không phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác, thì có phải là tốt hơn không?

Giai đoạn thứ ba

Sức khoẻ đã suy yếu rồi, phải cần đến người giúp chăm sóc cho mình, việc này nhất định phải được chuẩn bị từ trước, tuyệt đại đa số con người ít ai tránh khỏi được cái cửa ải này.

Phải biết điều chỉnh tốt cho lòng mình, phải biết thích ứng với hoàn cảnh, sinh lão bịnh tử, với cái Tử là cái việc thường tình của đời người.

Ta cứ thản nhiên mà đối diện với nó, vì đó là cái đoạn cuối của đời người, chẳng có gì mà phải sợ nó, đã có chuẩn bị trước rồi, thì chẳng có chi mà cảm thấy phải khó chịu.

Hoặc là vào viện dưỡng lão, hoặc là mướn người đến nhà trông coi chăm sóc cho mình, lượng sức lượng tình mà làm, nhất định là phải có biện pháp.

Nguyên tắc là chẳng nên “làm khổ” con cái của mình, đừng để con cái mang nặng cái tâm lý không tốt, làm thêm nhiều công việc nhà, gánh nặng thêm sự tốn hao tài chánh hạn hẹp của gia đình.

Tự mình phải biết khắc phục thêm một chút, cái cuộc đời nầy của mình, cái gì khổ, cái gì khó khăn cũng đã qua rồi, hãy tin tưởng rằng cái đoạn đường nhân sinh cuối cùng cũng sẽ dễ dàng mà bước qua.

Giai đoạn thứ tư

Đầu óc ta minh mẫn, bệnh tật đeo mang không cách nào thoát khỏi, lúc mà cái phẩm chất của sinh mạng đến điểm tệ hại nhất, phải biết dám đối diện với cái chết, cương quyết không để người nhà phải lao khổ tái cứu sinh, không để bà con thân hữu phải chịu hứng chịu những hao tốn vô ích.

“Già rồi” trông cậy vào ai? Chính mình, chính mình, lại vẫn là chính mình.

Già rồi thì phải làm sao?

Tại sao lại có cái ý nghĩ nầy, đó là do bởi tôi luôn nhận thấy, người già trên 80, không cần phải hạn chế đồ ăn của họ phải thanh đạm, cũng không cần phải giảm cân, ăn được là quan trọng nhứt

Muốn ăn gì thì cứ ăn, có thể cho là ăn được những món ngon của thế gian nầy, để cho cuộc sống càng thêm vui sướng và thích thú. Hạn chế người già không được làm cái nầy, ăn cái kia là đi ngược lại cái nhân tính của con người, mà lại cũng chẳng có gì gọi là căn cứ khoa học cả.

Trên thực tế, càng ngày càng có nhiều hiển thị chứng cứ của khoa học là, người già cần ăn ngon thêm một chút, cần mập thêm một tí, để cho cơ thể họ có thêm năng lực để đối kháng bệnh tật, đối kháng tính trầm cảm.

Tôi mong ước là, các cụ lão niên đều có thể hưởng thụ được sự tốt đẹp của đoạn cuối con đường nhân sinh của chính mình, mà không phải lưu lại bất cứ một điều gì hối tiếc.

Có thể cũng đừng kỳ vọng chờ đợi để lại cho thế hệ kế tiếp.

Lời kết luận:

Câu nói đúng của tục ngữ:“biết lo về tài chánh thì không nghèo, có kế hoạch thì không rối rắm, có chuẩn bị thì không bận rộn”. Chúng ta với tư cách là lão niên “dự bị quân” đã có ý tốt chuẩn bị hay chưa?

Chỉ cần sự việc chưa xảy ra, phải có chuẩn bị cho tốt, sau nầy sẽ khỏi phải lo lắng cho cuộc sống ở tuổi xế chiều.

Thứ nhất: Lão Kiện

Sự chuẩn bị trước tiên là cái khả năng làm cho sức khỏe tốt ở tuổi già, ngày thường cần chú ý đến “tam dưỡng”:

1-ăn uống dinh dưỡng,

2-chú trọng bảo dưỡng,

3-phải biết tu dưỡng.

Thứ hai: Lão Cư

a/- Đối với sự việc cùng con cháu ở chung, phải rán nhẫn nhịn bằng cách im hơi lặng tiếng trong cuộc sống, chi bằng

b/- Vui sống hưởng thụ với cuộc sống đơn lẻ độc thân, bất luận là trong thành phố hay khu ngoại ô, những nơi thích hợp cho chính bản thân mình, đồng thời là nơi có những quán ăn gần nhà mà mình ưa thích nhứt.

Thứ ba: Lão Bổn

– Đã nuôi dưỡng được con cái, mà không thể có cách nào để dưỡng già. Là cha mẹ của người ta thì phải nhớ biết tự lập tự cường, chưa vào trong quan tài thì đừng bao giờ chia gia sản.

Thứ tư: Lão Hữu

– Có được một người bạn tốt, người hảo hữu cùng ăn chung và người bạn đời đều quan trọng như nhau, bình thường cần phải biết kết rộng thiện duyên, nhận thức nhiều về các loại bằng hữu, là để hưởng thụ được cái bí quyết của nhân sinh.

Nói tóm lại, dù bạn là một trường thọ lão ông hay lão phụ, cuối cùng, bạn cũng chỉ là một con người.

Cái câu nói nầy thật không bi thiết chút nào, lại cũng không có gì phải lo sợ, hoàn toàn do bạn tự an bài cách sống như thế nào, để coi bạn có hay không có cái tâm lý thành thục, có yêu thích cái gì đó thì rất đáng để bạn trực tiếp đi làm.

Có được cái sức khoẻ tốt hay hạnh phúc, cũng đừng hy vọng để lại cho con cái.
Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi.

Xin đừng có “nhân tại thiên đàng, tiền tại ngân hàng”, cái gọi là “một mình rất buồn tẻ”, “già rồi mà chẳng có ai phục dịch”, những tín hiệu phiến diện v.v và v.v … đã là những câu nói lỗi thời từ lâu rồi.
Hãy nhận thức cách rõ ràng là: tiền tài, giàu sang chỉ là những số tự mà thôi, danh lợi cũng chỉ là một đoản kỳ tạm hư vinh, cuộc sống mới đúng là cái toàn diện của đời người,

Hãy là cái người “vui sống hưởng thụ cái cảnh già độc thân”, thì cuộc đời mình sẽ có những mùa Xuân rực rỡ trở lại, với chính mình, điều kiện là: thân thể cường tráng, có tiền, có thì giờ, có bạn bè, lại cũng có cái không gian chuyên thuộc của riêng mình.

Có đủ sức độc lập tự chủ, có được cái lạc thú nhân sinh, chắc chắn là tự mình cung cấp cho mình cái công đức tối đại vậy .

CÓ MỘT LỄ TẠ ƠN NHƯ THẾ

CÓ MỘT LỄ TẠ ƠN NHƯ THẾ

Cuộc đời mỗi người, có những mốc mà ta dừng lại để mừng, để tạ ơn nhân dịp mừng kỷ niệm đó, biến cố đó trong đời.

Sống đời hôn nhân, để đánh dấu giai đoạn chung sống 10, 25, 50 năm … nhiều gia đình, con cháu đã tổ chức những lễ tạ ơn mừng kỷ niệm cho cha mẹ mình thật hoành tráng. Đời tu, đờ tận hiến cũng thế. Khó để mà có được những dấu mốc kỷ niệm 25, 50 năm mừng … để rồi phải nói rằng được như thế lại càng có lý do để mừng hơn.

Thế nhưng, mừng kỷ niệm, mừng dấu ấn đó như thế nào lại là chuyện khác.

Thật giật mình khi vừa mới đến dự Thánh Lễ tạ ơn 25 năm linh mục của hai cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích và Phan Đức Hiệp – Dòng Chúa Cứu Thế hôm nay.

Trong mối thân tình, Cha Giuse Ngọc Bích mời tôi. Tưởng nghĩ sau Lễ sẽ có “lạc” như bao nhiêu dịp mừng khác nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ. Bất ngờ vì lẽ sau Lễ chỉ là ly nước trà với những mẫu chuyện tình thân chứ hoàn toàn không tiệc tùng, bia bọt như bao nơi mừng khác.

Cũng dễ hiểu bởi trong Thánh Lễ tạ ơn, cộng đoàn dân Chúa, có cả tôi được nghe kể về cuộc đời của những linh mục vào cái thời thập niên 90 đó.

Không cần phải nói nhiều, những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt là dấu ấn về một cuộc sống quá khó khăn trên những ai đã một thời sống trong giai đoạn đó.

Giai đoạn này, tu thì chỉ biết tu chứ không hề nghĩ đến ngày lãnh sứ vụ linh mục.

2 cha Giuse mừng kỷ niệm 25 năm nay chắc có lẽ cũng mang trong mình cảm nghĩ, kinh nghiệm, kỷ niệm như những cha lãnh sứ vụ linh mục cùng thời như thế này. Thời đó, các cha chỉ lãnh sự vụ một cách âm thầm chứ không hề công khai như bây giờ. Có những cha dù con mình được làm cha đó nhưng ông bà cố hoàn toàn không biết do hoàn cảnh không cho phép.

Sau những ngày tháng đó, mỗi người một nơi, mỗi người một việc để tìm kế sinh nhai chứ không còn được ở dưới mái trường đào tạo êm ấm như trước nữa. Thầy thì đi làm thuê, thầy thì đi dạy học để kiếm sống … trong đó, thầy Giuse Nguyễn Ngọc Bích lại “ôm” chiếc xích lô đầy kỷ niệm trong 5 năm trời ròng rã.

Có lẽ chính cái nghèo, cái khó khăn của thời đó đã đi vào tận xương tủy của các cha nên các cha khó quên cũng như sẽ diễn tả cung cách nghèo đó trong đời sống tu trì của mình. Chính vì thế, hai cha Giuse ngày hôm nay cùng nhau đi đến quyết định là không tổ chức “lạc” sau Thánh Lễ như bao Thánh Lễ tạ ơn khác.

Được biết, cũng gần đây, một số Thánh Lễ tạ ơn dấu ấn của đời linh mục được tổ chức không phải 1, 2 nơi mà là đến 5 nơi với số lượng bàn tiệc nghe xong … chóng mặt. Cha đã đánh dấu kỷ niệm đời linh mục của mình bằng nhiều bàn tiệc, nhiều nơi thật hoành tráng.

Cha mở tiệc mừng nhiều bàn và nhiều nơi theo tôi tưởng nghĩ cũng chẳng sai bởi lẽ đó là quyền của cha. Thế nhưng, xét trong cung cách của nhà tu, đứng ở góc cạnh của đời tu trì ta nên chăng nhìn lại cung cách tổ chức đó.

Hẳn nhiên, theo tôi nghĩ chẳng ai trách là sau Lễ mà không có “lạc”. Có chăng là trách là tại sao sau Lễ mà “lạc” lại nhiều quá ! “Lạc” nhiều kèm theo những hệ quả của nó là giáo dân phải đóng góp hay lại nhờ cậy vào sự giúp đỡ nào đó của những đại gia.

Trong cuộc sống, dĩ nhiên, ai cũng có quyền nhưng giữa cuộc sống bôn ba khó sống như bây giờ ta nên nhìn lại cách tổ chức “lạc” sau lễ tạ ơn như thế nào cho phù hợp với cung cách sống của ta. Có cần thiết phải yến tiệc linh đình trong khi nhiều mảng đời nghèo đói bên cạnh ta không đủ sống. Xung quanh ta vẫn còn biết bao nhiêu trái tim lỗi nhịp đập cần chỉnh sửa, bao nhiêu đôi mắt cần sáng nhờ sự chia sẻ của ta ? Bao nhiêu mái nhà rách nát đang cần ta chung tay xây sửa ?

Vẫn là quyền tự do lựa chọn của mỗi người, nhưng tôi vẫn thầm nghĩ rằng càng khiêm tốn, càng nhẹ nhàng bao nhiêu thì lòng càng thanh thản biết bao nhiêu.

Tham dự Thánh Lễ tạ ơn Ngân Khánh Linh Mục của 2 cha Giuse ngày hôm nay xong, tôi cảm thấy vui vì được chia sẻ, cảm nghiệm nghèo của đời linh mục của hai cha bằng ly nước trà đượm tình thắm thiết.

Vẫn mong có những Thánh lễ tạ ơn nhẹ nhàng và giản đơn như thế để nói lên tiếng nói, nói lên cung cách sống nghèo của Giáo Hội giữa cuộc đời mà người ta vẫn chạy theo phú quý giàu sang.

Mic Thanh Châu

Tác giả: Mic Thanh Châu

Trần Dạ Từ, Khánh Ly, Thương Linh cùng ‘Gội Đầu/Bay’

Trần Dạ Từ, Khánh Ly, Thương Linh cùng ‘Gội Đầu/Bay’
Nguoi-viet.com

Sổ tay phóng viên

Ngọc Lan/Người Việt

COSTA MESA, California (NV) – “Dòng sông biết bay. Biển khơi biết bay…” cái gì cũng có thể “bay” trong thế giới của thi nhân để rồi thành ca từ trong bao nhiêu bài hát.

Nhưng “Gội đầu” mà thành ca từ, rồi thành tên của ca khúc, tên của CD, và hơn nữa, tên của cả một chương trình được dày công tập luyện thì quả là… khó tưởng tượng được.

Tôi nghĩ, không ít người như tôi, cũng băn khoăn, cũng thắc mắc, cũng tò mò, nhưng mà ngại nói huỵch toẹt ngay ra là “Tên gì kỳ vậy, chẳng có hơi hướng nhạc nhí lãng mạn hay vui tươi gì hết!” khi mới thấy poster “Gội đầu/Bay”

Nhưng, nghe, rồi mới hiểu, mới thấm sâu, tại sao Khánh Ly nói “Tôi muốn hát Gội Đầu, bởi vì lời của nó chạm đến trái tim tôi.”

Và đâu chỉ có Khánh Ly, “Gội Đầu” – Gội cái đầu chua lè. Gội cái đầu cay sè. Đầu sạch rồi đi đâu. Đầu sạch rồi về đâu – còn chạm đến trái tim bao người khác nữa, với những gì vừa trần trụi, gần gũi, vừa khắc khoải, bàng hoàng.

***

Khánh Ly trong đêm ra mắt CD của thi sĩ/nhạc sĩ Trần Dạ Từ “Gội Đầu/Bay” (Hình: Nina Lê Hòa Bình cung cấp)

“Gội Đầu/Bay” là tên một CD mới nữa của thi sĩ/nhạc sĩ Trần Dạ Từ qua hai giọng ca chính là Khánh Ly và Thương Linh, sau CD đầu tiên, “Nụ Cười Trăm Năm,” ra mắt cách nay hơn bốn năm.

Nếu Khánh Ly cho rằng: “Một ông làm thơ mà đi làm nhạc thì những bài hát của ông chẳng bài nào giống bài nào, chẳng khúc nào giống khúc nào, khiến chúng tôi muốn chết luôn theo ông,” thì nhạc sĩ Hoàng Công Luận, người đứng mũi chịu sào cho việc dàn dựng hòa âm phối khí toàn chương trình chỉ thốt lên được mỗi câu “Nhạc của anh khó quá!”

Đó là nhận xét của người chuyên môn, người trong cuộc. Còn tôi, một kẻ ngoại đạo, đến với đêm ra mắt CD “Gội Đầu/Bay” trong tâm trạng vừa háo hức – bởi vì Samueli Theater lộng lẫy và sang trọng quá, vừa hồi hộp – liệu mình có nghe được, có cảm được những bài hát lạ huơ lạ hoắc của ông nhạc sĩ/thi sĩ này không. Nói đúng hơn, sự rộn ràng, sự công phu cho một quá trình dàn dựng và luyện tập khiến tôi thấy… lo dùm nhà tổ chức, bởi vì cái nhìn của người một nhà thì bao giờ cũng rộng lượng hơn cái nhìn của công chúng. Tôi thuộc về công chúng, mà công chúng thì đông hơn người nhà đến nhiều nhiều lần của một cấp số nhân.

Bỏ qua cái hớp hồn của khung cảnh vừa đài các vừa ấm cúng của khán phòng với ánh nến lung linh, với thái độ nghe khởi đi từ lòng tôn trọng lẫn ngưỡng mộ, từ bài hát thứ ba, “Thành Phố Tuyết,” khi tôi thoáng thấy có lúc mình chợt nổi da gà cũng là lúc tôi hiểu rằng những lời thơ, những dòng nhạc của Trần Dạ Từ đã đánh thức được một cõi nào đó, sâu thẳm, trong tôi.

Tình yêu trong thơ, trong nhạc Trần Dạ Từ có cái bàng bạc của một thời xa lắm nhẹ nhàng, có cái trải dài theo năm tháng, với những khắc nghiệt, những bể dâu, giông tố của cuộc đời, nhưng trước sau vẫn có “anh đi bên em” đơn giản chỉ vì “Anh yêu em, vậy thôi.”

“Nắng cháy da người, anh đi bên em.

Đêm đen gió hú, anh đi bên em.

Mặt đất đầy hoa nở, anh đi bên em.

Mặt đất đầy gai lửa, anh đi bên em”

Ca sĩ và khách mời đặc biệt trong đêm ra mắt CD “Gội Đầu/Bay” (Hình: Nina Lê Hòa Bình cung cấp)

Thơ vốn đã cô đọng, đã là một dạng “ý tại ngôn ngoại,” mà thơ của người đã thành danh thi sĩ thì chất “ngôn ngoại,” cái để người nghe thả hồn bay bổng trong suy tư, trong tưởng tượng, càng phong phú hơn. Điều này có thể bắt gặp được trong hầu hết ca khúc của Trần Dạ Từ, mà điển hình nhất là bài hát “Gội Đầu.”

“Gội Đầu” vừa có cái vẻ dí dỏm, têu tếu: “Gội đầu. Gội đầu thôi. Gội đầu thôi.” Rõ ràng không phải người ca sĩ đang hát, mà đang kêu, đang gọi, đang năn nỉ ai đó, hay chính mình đi “gội đầu.”

“Bê bết lâu rồi. Ơi cái đầu xấu xí

Cay cú, cuồng si.

Gội đầu. Gội đầu đi. Tử biệt. Sinh ly.

Gội đầu bằng bão tố. Gội đầu bằng nắng lửa

Ôi cái đầu bể dâu…”

Đến đây thì rõ ràng không chỉ đơn giản là chuyện đi gội cái đầu cái tóc nữa rồi, mà là “Gội cho ngày sau nhìn ra nhau.”

Giọng hát Khánh Ly, của một người đã ngoài 70, có cái ma lực của sự từng trải, có sự chất chứa của những nỗi niềm, có cái bình thản xen trong sự thảng thốt của người đã được 3/4chặng đường đời để có thể chuyển tải hết được sự thẫn thờ khi chợt nhận ra:

“Đầu sạch rồi đi đâu

Đầu sạch rồi về đâu”

Tôi nhớ có lần cách đây đã vài năm, trong một lần trò chuyện, cô nói: “Khánh Ly như trở thành một kỷ niệm của một thế hệ, chứ không còn là một cá nhân nào nữa. Họ đến nghe là để tìm về những kỷ niệm.”

Tôi không được là người cùng thế hệ Khánh Ly, để đến nghe cô và tìm về kỷ niệm không thuộc về mình.

Tôi nghe Khánh Ly là một Khánh Ly của hiện tại, cuốn hút, đam mê, với chất giọng khàn từ từ lôi tôi đến những ngóc ngách của cuộc đời, để hiểu hơn về ý nghĩa nhân sinh, về những được mất trong cõi ta bà này, qua thơ, qua nhạc Trần Dạ Từ.

Ca sĩ Thương Linh. (Hình: Nina Lê Hòa Bình cung cấp)

“Gọi Tên Dòng Sông” có thể xem là một sáng tác khá độc đáo của nhạc sĩ/thi sĩ Trần Dạ Từ.

Trong lời dẫn dắt chương trình, MC Lê Đình Y Sa cho rằng, “Bài này như một niệm khúc dành cho các văn nghệ sĩ Việt Nam. Đây là một phối hợp rất tài tình của các dòng thơ Mai Thảo, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ hòa quyện cùng dòng nhạc của Trần Dạ Từ và Phạm Duy”.

Bài hát được mở đầu bằng bốn câu thơ cuối đời của Mai Thảo qua giọng đọc ồ ề của Trần Dạ Từ:

“Thế giới có triệu điều không thể hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao, khi đã nằm trong đất

Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”

Để rồi phần nhạc trỗi lên là lời bài thơ “Tiễn Bạn” của Nguyên Sa, đi liền theo là “Tôi Trôi Theo Tôi – Con Sông” của Du Tử Lê và “Gọi tên dòng sông” của Trần Dạ Từ. Xen giữa đoạn ngừng nghỉ là giai điệu từ ca khúc “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy.

Tôi nghĩ, Tuấn Ngọc, với một bài hát vẫn hãy còn quá mới với công chúng như thế này, đã thể hiện được trọn vẹn những gì khán giả mong đợi.

Tôi nhắm nghiền mắt chỉ để tai mình thả cùng những giai điệu ngân nga và để thấy mình trôi đâu đó trong bảng lãng hư không, trong chốn vô cùng: “Về đâu ôi giấc mơ. Chàng thi sĩ ngu ngơ. Và năm tháng bơ vơ/ Bờ nắng bờ mưa. Mẹ già khô héo/Nợ nần kêu réo. Ân oán mè nheo/ Xương máu hò reo… Bài ca sự sống. Trời đất mênh mông/Mảnh vỡ. Cơn giông. Anh nhớ gì không/ Gọi mãi dòng sông. Tình yêu của tôi/ Một đóa hư không. Về với vô cùng.”

Với bài “Bay,” có cảm tưởng như Trần Dạ Từ đo ni đóng giày sẵn cho riêng Thương Linh.

Bài hát có cái chơi vơi thanh thoát, vút lên. Và giọng hát Thương Linh cũng lãng đãng, bay lên, như cánh diều cứ lửng lơ giữa trời, chỉ cần chờ một cơn gió thổi tới là lại vút lên, soải cánh tự do giữa mênh mông trời.

“Dòng sông biết bay

Biển khơi biết bay

Chúng bay lên thành mây

Mây tím mây vàng mây xanh mây trắng mây bay vào mắt chàng

Em cười và mắt anh chàng bay bay theo em

Và em bay lung linh như giấc mơ”

Thương Linh, theo tôi, cũng là một giọng hát có chất gây nghiện. Nét đặc biệt ở người ca sĩ trẻ này là cô vừa khiến người nghe cảm nhận được chất jazz, blues huyền hoặc, ma quái, man dại, vừa có thể đưa lòng người vào dòng nhạc trữ tình thổn thức, mướt rượi.

“Lòng Ta Ở Với Người” qua tiếng hát Phạm Hà, “Ném Con Cho Giông Tố,” “Vầng Trăng Xưa” qua giọng ca Quang Tuấn cũng góp phần làm đậm thêm hương vị cho buổi yến nhạc tại đây.

Ca sĩ Lê Uyên trong “Tấm Lòng Phan Rang” (Hình: Nina Lê Hòa Bình cung cấp)

Riêng tôi, “Tấm Lòng Phan Rang” qua giọng ca Lê Uyên lại là bài hát khiến tôi rơi nước mắt. Đó là một câu chuyện, câu chuyện của năm 1977, những người tù cải tạo bị nhốt trong đoàn xe bít bùng, dừng lại đổ xăng ở Phan Rang, và họ chợt nhận ra những thứ mà người dân nơi đây đang cố gắng ném vào họ:

“Ném lên. Ném lên. Ném lên nữa

Từng điếu thuốc. Từng lát đường

Ném lên. Ném lên. Ném lên nữa

Từng gói bắp. Từng vắt cơm”

Giọng hát rất Lê Uyên, phong cách rất Lê Uyên khiến tôi nhận ra sự vỡ òa trong mình, không kìm được trong từng câu chữ cô buông ra:

“Ném cả gánh hàng rong. Ném tràn như nước mắt

Ném hết. Ném hết. Ném cho người đi đầy tấm lòng Phan Rang”

Trong tiếng hát nghe như có tiếng khóc. Câu chuyện của cha anh tôi, của người dân đất nước tôi. Đau thương, tê tái mà thấm đẫm tình người đến thấu buốc tim gan. Nước mắt tôi rơi khi mắt vẫn nhìn như hút hồn lên sân khấu. Cám ơn người ca sĩ từng làm tôi ngẩn ngơ với “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” ngày nào.

Xin mượn lời phát biểu của nhạc sĩ Đăng Khánh thay cho lời kết cho đêm nhạc “Gội Đầu/Bay”:

“Người viết ca khúc là người suốt đời đi tìm tòi và đuổi bắt giai điệu. Giai điệu Trần Dạ Từ trong những khuôn nhạc của ông hôm nay là những giai điệu tuyệt vời mà tôi tìm ra. Tôi cảm giác như âm nhạc Trần Dạ Từ đi trước thời gian sống của ông, âm nhạc mới trước thời đại mà ông viết ra nó. Tôi nghĩ có lẽ đó là do nhịp đập của trái tim trẻ mãi không giờ, không bao giờ già trong người thi sĩ/nhạc sĩ Trần Dạ Từ.”

Liên lạc tác giả: [email protected]

Một bà vứt bỏ máy điện toán Apple cũ trị giá $200,000

Một bà vứt bỏ máy điện toán Apple cũ trị giá $200,000


MILPITAS, California (AP) – Một trung tâm tái chế phế liệu ở vùng Silicon Valley đang tìm kiếm một phụ nữ đã đem đến bỏ một máy điện toán Apple loại cũ nhưng bán được cho các nhà sưu tầm với giá $200,000.

Một máy điện toán Apple I. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Chiếc máy điện toán này được để trong hộp chứa các món đồ điện tử mà bà dọn dẹp từ trong nhà để xe sau khi ông chồng qua đời, theo lời ông Victor Gichun, phó chủ tịch công ty Clean Bay Area.

Bà này không muốn có giấy chứng nhận đã cho, hay để lại địa chỉ và điện thoại liên lạc, và chỉ mấy tuần sau đó nhân viên nơi đây khi mở hộp ra mới thấy có máy điện toán Apple I bên trong.

Tờ báo địa phương San Jose Mercury News cho hay đây là một trong khoảng 200 chiếc máy Apple đời đầu tiên được các ông Steve Jobs, Steve Wozniak và Ron Wayne lắp ráp vào năm 1976.

“Chúng tôi thật sự không thể tin được vào mắt mình. Chúng tôi nghĩ đây là đồ giả,” ông Gichun cho đài truyền hình KNTV-TV cho hay.

Công ty tái chế phế liệu này bán chiếc Apple I với giá $200,000 cho một nhà sưu tầm, và vì công ty đưa lại 50% số tiền bán được cho người chủ đã tặng, ông Gichun cho hay muốn chia số tiền này với người tặng bí ẩn kia.

Ông nói rằng ông nhớ rõ mặt của người phụ nữ và yêu cầu bà quay trở lại để nhận $100,000.

“Để chứng nhận đúng là bà, tôi chỉ cần nhìn thấy bà là được,” ông Gichun nói. (V.Giang)

Tai nạn lật tàu ở Trung Quốc

Tai nạn lật tàu ở Trung Quốc

BBC

Hàng trăm người vẫn còn mất tích

Hàng trăm người mất tích sau khi một chiếc tàu chở hơn 450 người bị lật vì bão trên sông Dương Tử (tên khác của sông Trường Giang) ở tỉnh Hồ Bắc miền nam Trung Quốc.

Tân Hoa Xã nói các nhân viên cứu nạn nghe thấy tiếng kêu cứu từ chiếc tàu. Ít nhất một người chết.

Chiếc tàu không phát tín hiệu cấp cứu trước khi chìm.

Truyền thông Trung Quốc nói một số người đã bơi được lên bờ và báo tin cho cảnh sát.

Cho tới nay mới khoảng 10 người được cứu, và một số người bị thương được mang đi bệnh viện. Mưa to và gió lớn đang cản trở nỗ lực cứu trợ.

Hàng trăm binh lính đã được huy động và một tàu lớn đang trên đường tới để kéo tàu bị nạn lên, theo Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đang trên đường tới hiện trường. Ông đã chỉ đạo một nhóm của chính phủ dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm cứu nạn.

‘Chỉ vài phút là chìm’

Tàu Đông Phương Chi Tinh (Ngôi sao phương Đông) bốn tầng chở 405 hành khách, 5 nhân viên lữ hành và thủy thủ đoàn 47 người.

Tàu này đang trên đường từ thành phố Nam Kinh tới Trùng Khánh, khoảng cách chừng 1.500km, khi bị tai nạn trên sông ở huyện Giản Lịch, tỉnh Hồ Bắc vào lúc 21:30 tối thứ Hai 1/6.

Tại đó khúc sông sâu tới 15m.

Thuyền trưởng và máy trưởng của tàu nằm trong số những người được cứu. Họ được dẫn lời nói chiếc tàu bị gió xoáy và chỉ vài phút là chìm. Lúc đó nhiều hành khách đang ngủ.

Đa số người trên tàu là khách du lịch, tuổi từ 50 tới 80, đi theo tour do công ty lữ hành Hiệp Hòa ở Thượng Hải tổ chức.

Thân nhân của các hành khách đang tụ tập bên ngoài văn phòng công ty ở Thượng Hải và cho các phóng viên biết là gọi điện cho người thân trên tàu thì không được trả lời.

Hãng tin Sina News kể chuyện một thanh niên khóc bên ngoài văn phòng đang đóng cửa nói: “Bố mẹ ơi con sai rồi, đáng ra con không nên cho bố mẹ đi du lịch đợt này”.

Phóng viên BBC Jo Floto ở Bắc Kinh nói đoạn sông Dương Tử nơi tàu lật nổi tiếng là phong cảnh hữu tình, thu hút nhiều khách du lịch cao tuổi.

CCTV cho hay chiếc tàu do Tập đoàn Tàu thủy phương Đông Trùng Khánh sở hữu và chuyên chở khách tới khu Đập Tam Hợp trên sông Trường Giang.

22 người thiệt mạng trên sông này hồi tháng 1/2015 khi một tàu kéo bị tai nạn ở gần Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô.

Các tiệm nail ở New York phải dán ‘Công Bố Quyền Công Nhân’

Các tiệm nail ở New York phải dán ‘Công Bố Quyền Công Nhân’

Nguoi-viet.com
NEW YORK, New York (NV) – Đài FOX 5 hôm Thứ Bảy loan tin các tiệm nail trên khắp tiểu bang New York đã được yêu cầu phải dán bản “Công Bố Quyền Công Nhân” ngành nail, tức “Manicurists’ Bill of Rights.”

Một bản “Công Bố Quyền Công Nhân” tiệm nail ở New York.
(Hình: Jewel Samad/AFP/Getty Images)

Hôm Thứ Sáu, Thống Đốc Andrew Cuomo đã công bố nội dung bản công bố về các quyền của người thợ nail nêu trên, và ra lệnh các tiệm nail trong tiểu bang, từ nay, phải dán bản công bố này tại chỗ mà khách hàng và thợ nail dễ trông thấy nhất.

Bản công bố này liệt kê các thông tin liên quan tới số lương tối thiểu mỗi giờ mà người thợ được hưởng cùng các biện pháp an toàn bắt buộc tiệm nail phải có nhằm bảo vệ người thợ.

Bản “Công Bố Quyền Công Nhân” ngành nail được viết bằng 10 thứ tiếng.

Bản công bố này ra đời tiếp theo sau vụ các giới chức tiểu bang và thành phố, mới đây, thực hiện những cuộc bố ráp các tiệm nail tại New York về “tình trạng người thợ nail làm việc thiếu vệ sinh và bị chủ bóc lột tràn lan.” (V.P.)

Tỉ phú Trung Quốc qua đời, không để lại cho con cháu 1 xu

Tỉ phú Trung Quốc qua đời, không để lại cho con cháu 1 xu

27/05/2015 10:22

ðHạ Nam

Khi tuyên bố chuyển toàn bộ khối tài sản 9,3 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 2 tỉ USD) vào ngân hàng để làm từ thiện sau khi qua đời, tỉ phú Trung Quốc Yu Pang-Lin đã nói rằng: “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi”.

2-yu-pang-lin-01-rebw-1431565767176-207-1-436-450-crop-1431566185043

Cho đi là hạnh phúc

Sinh thời, ông Yu được mô tả là một “tỉ phú từ thiện” có ngoại hình và lối sống khá kỳ quặc.

Tóc của ông nhuộm màu đen tuyền và chải bồng lên. Ông thường xuyên mặc áo trắng kiểu Mao Trạch Đông với đôi giày màu trắng.

Bàn làm việc của ông ở ngay giữa một văn phòng cùng với hàng nửa tá nhân viên.

Mặt bàn đầy những vật linh tinh như: một bát trái cây nhựa, một máy đếm tiền và một cặp mô hình máy bay song đấu, một của Trung Quốc, một của Mỹ.

Ít khoe khoang tài sản, ông sống tại khách sạn Panglin và thích ăn kiểu buffet tự chọn, ngồi bên dưới một bức chân dung khổng lồ của mình đang mỉm cười.

ty phu trung quoc qua doi

Tỉ phú  Yu Pang-lin đã gửi toàn bộ khối tài sản trị giá 2 tỉ USD cho ngân hàng để làm từ thiện sau khi mình qua đời.

Kỳ dị như thế, nhưng khó ai có thể đặt câu hỏi về sự hào phóng của ông Yu.

Ông Yu vui mừng có sự hỗ trợ của gia đình, nhưng nói rằng ông sẽ làm việc từ thiện của mình dù có sự chấp thuận hay không của họ. Bởi ông Yu cho rằng:

“Tôi không quan tâm những gì người khác nghĩ. Hiến tặng tiền của mình làm cho tôi hạnh phúc. Tôi đã từng là người nghèo”.

Nói là làm, cho tới tận thời điểm ông, trở về cõi vĩnh hằng (hưởng thọ 93 tuổi), ông Yu được mệnh danh là tỉ phú làm từ thiện số 1 Trung Quốc.

Trong vòng 5 năm liên tiếp, ông luôn đứng đầu danh sách các tỉ phú làm từ thiện của Trung Quốc theo Hurun – Tạp chí chuyên nghiên cứu về người giàu Trung Quốc.

Năm 2007, ông góp mặt trong danh sách những nhà hảo tâm hàng đầu thế giới do tạp chí danh tiếng Time bình chọn.

Tại Trung Quốc, ông Yu được biết đến là nhà tài phiệt bất động sản tầm cỡ, Chủ tịch hãng bất động sản Foo Tak và khách sạn Shenzhen Panglin tại Thâm Quyến.

Ông cũng là người sáng lập Quỹ Yu Pang-lin Foundation, quỹ dành riêng để chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cứu trợ thiên tai. Ông đã hiến tổng cộng 25 triệu nhân dân tệ nhằm cải thiện sức khỏe của người dân.

Đặc biệt, tỉ phú Yu rất quan tâm đến việc giúp đỡ những người mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Từ năm 2003, Quỹ từ thiện Yu Pang-lin đã hỗ trợ phục hồi thị lực cho hơn 300.000 người đến từ hơn 20 tỉnh và khu tự trị khắp Trung Quốc, bao gồm cả một số khu vực nghèo như tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam và Quý Châu.

Sở dĩ ông Yu đặc biệt quan tâm các bệnh nhân bị đục nhân mắt là vì căn bệnh này từng làm ông mù lòa cách đây 10 năm.

“Tôi là người giàu mà còn cảm thấy đau đớn nên người bình thường chắc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn nếu chẳng may không nhìn thấy ánh sáng”- ông Yu đã tâm sự như thế sau khi ông phục hồi thị lực sau ca mổ mắt.

Trải qua những năm tháng nghèo khổ, có đôi lần không may mắc phải bệnh trọng, bằng tấm lòng “thương người như thể thương thân” ngay từ khi còn trẻ, ông Yu đã luôn muốn dùng kinh nghiệm bản thân để giúp đỡ những người khác.

Vào những năm 1940, ông chọn công việc nhà báo và biên tập viên để hiểu rõ hơn về những khó khăn của tầng lớp dân nghèo.

Đến năm 1980, ông Yu bắt đầu quyên góp tiện để xây dựng trường học, trung tâm cấp cứu, các tuyến xe buýt công cộng, đường hầm, đài phun nước và nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác.

Ông Yu từng nói ước mơ thuở bé của mình là mua xe cứu thương cho người dân sau khi nhìn thấy một bệnh nhân tử vong vì xe cứu thương không tới kịp.

Bên cạnh đó, ông cũng dành một khoản tiền lớn để trao học bổng và tài trợ cho 20 trường đại học ở Trung Quốc, đóng góp hơn 70 triệu nhân dân tệ cho các sáng kiến giáo dục.

Một con người đầy nghị lực và giàu lòng nhân ái

ty phu trung quoc qua doi

Tỉ phú Yu Pang -lin chia sẻ làm từ thiện chính là bí quyết giúp ông sống thọ.

Ít ai biết rằng “đại gia từ thiện” Yu Pang-lin vốn là chàng trai nghèo nhưng đầy nghị lực.

Sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam, phía Nam Trung Quốc, ông tới Thượng Hải từ thuở còn là thanh niên, hi vọng tìm được vận may.

Khi mới đặt chân tới Thượng Hải, ông làm kéo phu xe và bán nữ trang rẻ tiền trên hè phố. Không rõ nguyên cớ vì sao, vào năm 1954, ông bị bắt vì bị cáo buộc oan uổng rằng ông xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có.

Không thể minh oan cho bản thân, sau đó, ông Yu bị kết án 3 năm tù ở một trung tâm “cải tạo tư tưởng.”

Sau khi được thả, may mắn bắt đầu mỉm cười với ông khi ông có trong danh sách những người hiếm hoi được cấp giấy phép du lịch sang Hồng Kông. Ông tìm được việc lau dọn tại ‘một công ty lớn.

Mặc dù không biết nói tiếng Anh hoặc tiếng Quảng Đông, nhưng với bản tính cần cù, ham học hỏi, thông minh lại kiên trì nên ông Yu được ông chủ cất nhắc lên một vị trí quản lý cấp thấp, và chắt chiu dành dụm suốt thời gian đó.

Sau một thời gian chăm chỉ làm việc, ông gom hết tiền dành dụm theo chủ của mình sang Đài Loan mở công ty kinh doanh bất động sản vào những năm 1970.

Tại đây, ông thu mua một số tòa nhà cũ, sau đó bán lại với giá cao gấp 10, thậm chí 100 lần số vốn ban đầu.

Sau đó, Yu đầu tư vào bất động sản và cổ phiếu tại Hồng Kông. Ông nổi tiếng tại Hồng Kông với danh hiệu “Vua khách sạn ái tình” – vì có nhiều khách sạn của ông đã được cho khách thuê theo giờ.

Năm 1975, ông tậu căn hộ sân vườn sang trọng, từng là nơi ở của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long.

Năm 2008, khi chính quyền Hồng Kông ngỏ ý mua lại để làm Bảo tàng Lý Tiểu Long, ông quyết định hiến luôn căn nhà này.

Căn hộ đó được Yu mua với giá không tới 110.000 USD nhưng giá trị của nó hiện được xác định hơn 18 triệu USD. Từ đó ông được gọi là “tỉ phú hào phóng” nhất Trung Quốc.

Năm 2010, trong một bữa tiệc, nhà tài phiệt Hồng Kông cho biết ông đã gửi toàn bộ khối tài sản trị giá 2 tỉ USD cho ngân hàng để làm từ thiện sau khi mình qua đời.

Khi được hỏi tại sao không để lại cho các con một xu nào, ông Yu giải thích: “Nếu các con tôi giỏi giang, tôi không cần để lại nhiều tiền bạc cho chúng. Còn nếu chúng không đủ năng lực, tiền bạc chỉ làm hại chúng mà thôi”.

Không mấy ngạc nhiên khi Yu Pang-Lin cũng khuyến khích bạn bè của ông làm như vậy.

Phát biểu với báo giới, ông cho hay: “Tôi đã lớn lên trong nghèo đói và nhận thức rõ ràng sự thiếu thốn của người nghèo. Họ cần sự giúp đỡ. Còn với hai đứa con, tôi tin chúng có thể tự xoay sở được”.

Dennis Pang, người cháu của tỉ phú Yu thừa nhận rằng ban đầu khi nghe ông nội của mình khăng khăng cho đi tất cả những gì ông đã làm ra khiến Pang khá hoang mang, khó tin đó là sự thật.

Nhưng khi nhận công việc trợ lý cá nhân của ông nội mình, và thấy tận mắt những việc tốt mà Quỹ từ thiện Yu Pang-Lin đã làm được, Pang thật sự tôn trọng quyết định của ông nội Yu bằng cả tấm lòng kính phục.

“Trước khi đến đây, tôi đã bối rối. Nhưng bây giờ khi thấy những người mà ông tôi giúp, tôi hiểu rằng đó là một sự đặc biệt” – Dennis Pang chia sẻ.

Nhà tài phiệt tốt bụng qua đời vào ngày 2/5 vừa qua, thọ 93 tuổi. Tỉ phú này cũng từng chia sẻ làm từ thiện chính là bí quyết giúp ông sống thọ.

Thói quen xấu tiêm nhiễm vào huyết quản rồi

Thói quen xấu tiêm nhiễm vào huyết quản rồi

VienDongDaily.Com

Văn Quang – Viết Từ Sài Gòn

Cứ thò tay ra là có tiền, đó là tiền hối lộ. Các cậu dù là du học sinh, dù là con ông cháu cha, dù là dân lao động đi học nghề, không ăn hối lộ được thì ăn cắp. Thói quen xấu ấy tiêm nhiễm vào huyết quản rồi, đã thành cái bệnh nan y.

Trong tuần này, hầu hết các báo ở VN và các trang mạng trên khắp các diễn đàn trong và ngoài nước đều sôi sục vì những bản tin mới nhất về chuyện du học sinh Việt Nam tại Nhật ăn cắp vặt và ăn cắp có tổ chức. Nỗi nhục không phải chỉ có người Việt Nam ở trong nước gánh chịu mà tất cả người Việt Nam có mặt trên khắp hành tinh đều cảm thấy nhục khi “phải là người Việt Nam.” Trước hết tôi thấy cần phải xác định ngay rằng, từ trước những năm 1975, du học sinh VN rất nhiều, nhưng chưa hề mang tai tiếng nào về những vụ ăn cắp như thế này. Họ chỉ mang vẻ vang về cho đất nước.

Cảnh sát thu giữ số quần áo mà nhóm người Việt đã lấy cắp tại cửa hàng Uniqlo.

Hồi đó (trước 1975) hầu hết các học sinh VN được đi du học không cần phải là con ông cháu cha, bất kỳ gia đình nào đủ sức lo cho con cái đi du học đều được chính phủ cho phép dễ dàng. Các du học sinh hầu hết theo học ở Pháp hoặc ở Anh, Mỹ. Cần phân biệt rõ “du học sinh” và tu “nghiệp sinh” vì, “tu nghiệp sinh” là một dạng học nghề nên dù sang Nhật để làm thuê còn “du học sinh” là những người đi học văn hóa tại các trường Trung Học, Đại Học ở nước ngoài. Hầu như chưa có học sinh nào du học ở Nhật bởi thời kỳ đó Nhật Bản cũng chẳng hơn gì VN về mọi phương diện từ văn hóa đến xã hội, nếu không muốn nói là họ còn kém VN nhiều mặt bởi họ đang phải gắn bó vết thương chiến tranh tàn phá sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh.
Nhưng từ đó đến nay, nước Nhật tiến bộ nhanh chóng. Trong khi người Việt vẫn nghèo đói tang thương. Từ cái nghèo đói đó nẩy sinh biết bao nhiêu tệ nạn. Nhất là nạn tham nhũng phá hoại tất cả từ văn hóa đến đạo đức. Nào là nạn buôn bán người, nạn trộm cướp, ma túy, mại dâm… kể làm sao hết. Chính vì lẽ đó nên số người xuất ngoại lao động ngày càng nhiều. Người VN bắt đầu giao thương với Nhật và du học sinh cũng được gửi sang Nhật học hành. Và sự thật là con cái đại gia thực thụ thì ít, con cái thuộc loại con ông cháu cha thì nhiều. Người dân lo kiếm ăn đã khó, lấy tiền đâu cho con đi du học. Chỉ có những người lao động muốn đổi đời chạy chọt đóng tiền cho các doanh nghiệp quốc doanh như Sovilaco hoặc Suleco được độc quyền xuất khấu lao động sang Nhật để học nghề kiếm tiền, gọi là “tu nghiệp sinh.”
Gần như tất cả các “tu nghiệp sinh” tại Nhật phải làm việc khoảng 20 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần nhưng chỉ được trả “trợ cấp” 70,000 Yen/tháng (khoản thu nhập chỉ bằng một nửa mức thu nhập tối thiểu). Một blogger người Việt có nickname là “Minh T,” sống tại Nhật khẳng định, “Với 25,000 Yen còn lại, phải dành 10,000 Yen trả tiền nhà/tháng, 15,000 Yen để trả các loại chi phí ăn, uống, điện, nước, ga,… Gái không làm điếm, trai không ăn cắp cho bọn hàng không Việt Nam mới là chuyện lạ.”
Tôi không nói tất cả các du học sinh VN thời nay đều như thế cả, chỉ có một số cô cậu ăn chơi lạc đường vào sa ngã. Tiếc thay con số đó lại không hề ít. Và không chỉ du học sinh mà số người ăn cắp thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, kể cả người lao động và những người được gọi là có học. Xin dẫn chứng:

Mỗi ngày xảy ra 8 vụ người VN ăn cắp ở Nhật
Báo Một Thế Giới dẫn nguồn từ Viet-jo.com cho biết, tháng trước, Cơ Quan Cảnh Sát Nhật Bản đã công bố tình hình bắt giữ tội phạm nước ngoài trong năm 2014 tại nước này với tổng cộng có 15,215 trường hợp. Trong số đó các vụ liên quan đến người Việt Nam lên đến 2,488 vụ, tăng 61.6% so với năm 2013, tính ra trung bình mỗi ngày xảy ra 8 vụ trộm cắp dính đến người Việt Nam.
Cụ thể, có tổng số người nước ngoài tại Nhật bị bắt là 10,689 người, tăng 8.1% so với năm 2013. Đặc biệt, trong số người phạm tội có đến 1,548 người Việt Nam, chiếm 16.4% tổng số các trường hợp các vụ do người nước ngoài vi phạm luật pháp bị cơ quan an ninh Nhật bắt giữ, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Điều đáng buồn là trong số các vụ án hình sự, thì người Việt đứng đầu về cả số vụ lẫn số người các tội cướp giật, ăn cắp. Số người Việt ăn cắp bị bắt giữ là 1,745 trong tổng số 6,716 người nước ngoài bị bắt. Trong các trường hợp ăn cắp do người Việt Nam thực hiện thì số vụ ăn cắp ở cửa hàng, siêu thị đặc biệt cao với 1,437 vụ, người sang Nhật học nghề chiếm 12.9%. với phần lớn tỉ lệ là du học sinh với 54.2%, tăng 1.8 lần! Những bản thông báo còn hơn chửi người Việt
Bạn đã thấy tình trạng người Việt Nam ăn cắp đồ tại Nhật lại có xu hướng gia tăng. Điều đó khiến cho hình ảnh người Việt càng thêm xấu xí trong mắt các bạn nước ngoài.
Cách đây không lâu, sáu người Việt (gồm cả nam và nữ) ăn cắp quần áo hiệu Uniqlo bị cơ quan chức năng Nhật Bản bắt giữ. Nhóm người này đã hơn 100 lần thực hiện hành vi trộm đồ. Khi điều tra về tài khoản của một phụ nữ trong nhóm, cảnh sát phát hiện nhiều giao dịch hàng hóa trị giá tới 10 triệu Yen (hơn $82,000 Mỹ kim). Họ trộm đồ từ nhiều cửa hàng ở những khu vực khác nhau và bán hàng thông qua các trang mạng xã hội.
Hẳn bạn chưa quên mới đây hình ảnh những phi công và tiếp viên Hàng Không VN buôn lậu đồ ăn cắp được nêu tên trên báo. Hôm 17 tháng 12, cảnh sát Nhật đã bắt quả tang Đặng Xuân Hợp, phi công của Vietnam Airlines đang vận chuyển hàng gian về Việt Nam. Cảnh sát xác định có khoảng 50 nhân viên (bao gồm cả phi công lẫn tiếp viên hàng không) của Vietnam Airlines dính líu đến tổ chức trộm cắp và vận chuyển hàng gian đang bị điều tra. Khi bị bắt phi công Đặng Xuân Hợp xấu hổ quá tự cởi áo, che mặt tránh ống kính của báo giới Nhật khi bị bắt giữ tại phi trường Fukuoka.
Theo tin mới nhất, ngày 18-5 vừa qua tại phiên tòa xét xử hai nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airlines mang 6 kg vàng nhưng không khai báo, công tố viên Nam Hàn đã đưa ra bản án 24 tháng tù giam đối với cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và 12 tháng tù giam đối với tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong.
Ngay cả một cô dẫn chương trình của Đài Truyền Hình VN, con một ông Tổng Giám Đốc thừa mứa tiền bạc cũng mắc chứng ăn cắp vặt. Một lần ở Thụy Điển và một lần ở Anh, Đại sứ quán VN phải can thiệp và cả hai lần bố cô phải gửi sang tờ giấy của bác sỹ chứng nhận bệnh tâm thần đưa ra sử dụng cô mới được thả. Câu chuyện từ năm 2001 và 2006, chuyện đã xa, giờ này chắc cô đã có tuổi và yên ấm bên chồng con nên tôi không muốn ghi rõ tên họ.
Thế nên ở nhiều nhà hàng cửa hiệu của Nhật đã dán những thông báo vô cùng nhục nhã đối với người Việt.
Bạn Kim Mạnh Hiệp (26 tuổi) – cựu du học sinh Đại học Tokyo Agriculture and Technology University, Nhật Bản cho biết, “Hiện tại, mình được biết có một vài công ty đã… cấm tuyển người Việt Nam. Một số video được các công ty này công bố có ghi lại hình ảnh người Việt ăn trộm sản phẩm. Rồi có cả những biển tiếng Việt cấm ăn vụng, uống vụng đồ trong nhà bếp để cảnh báo những bạn trẻ Việt làm trong nhà hàng Nhật nữa. Chưa kể, gần đây có một số vụ ăn cắp đồ trong siêu thị, hay bắt trộm dê của người dân, mà đài truyền hình NHK (Nhật) đã có phóng sự riêng dài hơn 20 phút.” Ngoài ra còn tấm bảng để ngay cửa ghi rõ tiếng Việt, “Tuyệt đối không được lấy ô và giầy của người khác để dùng.”
Và chắc còn nhiều nữa mà chúng ta chưa biết hết. Nếu bạn có dịp đi du lịch sang Nhật chắc bạn không dám nhận mình là người Việt Nam. Còn rất nhiều chuyện đáng nói về vấn đề này, nhưng ở đây tôi chỉ chú trọng đến vấn đề chung mới đây của cả các du học sinh và tu nghiệp sinh.

Bản thông báo mới của văn phòng trường Nhật ngữ viện nghiên cứu Tokyo

Ngày vừa qua, một bản thông báo mang tên “Thông báo đến học sinh Việt Nam về việc ăn cắp vặt” được chia sẻ trên nhiều diễn đàn giới trẻ. Theo thông báo này, văn phòng trường Nhật ngữ viện nghiên cứu Tokyo, Nhật Bản cho biết:
“Hiện nay nhiều sinh viên Việt Nam đang sinh sống tại Nhật bị cảnh sát bắt vì tội ăn cắp, bỏ trốn và không đến trường làm nhà trường rất lo lắng.
“Ở các siêu thị hoặc cửa hàng thuốc tây ở Nhật đều có camera giám sát hoặc nhân viên giám sát ăn cắp vặt.
“Gần đây, được biết có một tổ chức tội phạm liên lạc với những sinh viên đang du học tại Nhật như thế này, Hãy đi đến tiệm có bán những sản phẩm, ăn cắp rồi đưa cho người Nhật. Nếu làm vậy nợ nần ở Nhật sẽ được trả bớt.
“Khi bị bắt vì tội ăn cắp sẽ bị đưa vào tù và đưa trả về Việt Nam (cưỡng chế về nước). Trên thực tế những trường hợp như thế này đang gia tăng.
“Mặt khác, nếu bỏ trốn không đến trường thì:
“Xem như trở thành cư trú bất hợp pháp. Sinh viên nào không đến trường, nhà trường xem như sinh viên đó nghỉ học và thông báo đến Cục quản lý xuất nhập cảnh Tokyo. Nếu như thế cho dù còn thời hạn cư trú nhưng vẫn bị cảnh sát bắt.
“Về hành vi ăn cắp, nếu không đến trường, bỏ trốn thì khi đang làm việc bị cảnh sát bắt được sẽ bị trả về nước và vĩnh viễn không được đến Nhật vì hành vi của bạn đã được lưu lại.
“Nhà trường hiểu rằng các bạn sinh viên có nhiều vất vả nhưng các sinh viên đến đây với mục đích là du học sinh thì hãy cố gắng học tập tốt. Khi các bạn giỏi tiếng Nhật thì các bạn sẽ tìm được công việc tốt cho mình và chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đến với mình.
“Khi các bạn có khó khăn gì, muốn trao đổi điều gì các sinh viên hãy đến văn phòng. Các sinh viên hãy cố gắng lên!.”

Nguyên nhân vì đâu

Bạn Nguyễn Hương Giang (24 tuổi, SV năm cuối trường Asia University, Nhật Bản) cho biết, “Theo mình, có hai nguyên nhân dẫn đến việc trộm cắp này. Thứ nhất, trước khi trở thành như vậy, các bạn ấy cũng chỉ là du học sinh bình thường nhưng do hoàn cảnh cơm áo gạo tiền nên nhẹ dạ cả tin vào những lời rót tiền như rót mật và bị các tổ chức tội phạm liên hệ, dụ dỗ thực hiện hành vi trộm cắp.”
Từ những câu chuyện, hình ảnh “tố” thói “trộm cắp vặt” của du học sinh Việt tại Nhật, Nguyễn Phượng – một bạn trẻ Việt 26 tuổi đang làm việc tại Nhật nói, “Theo mình, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính cách giáo dục của người Việt, từ cách hành xử đời thường.”
Ngay cả các bạn trẻ cũng đã nhận thức được nguyên nhân xảy ra những hành động xấu xa đó chính là do tuổi trẻ đã có một thời gian quen sống trong một xã hội suy đồi đạo đức, con người đối với nhau chỉ là quyền lợi cá nhân. Trước mắt là những kẻ không cần làm gì vẫn có tiền rừng bạc bể khiến thiên hạ ngây ngất. Cứ thò tay ra là có tiền, đó là tiền hối lộ. Các cậu dù là du học sinh, dù là con ông cháu cha, dù là dân lao động đi học nghề, không ăn hối lộ được thì ăn cắp. Thói quen xấu ấy tiêm nhiễm vào huyết quản rồi, đã thành cái bệnh nan y. Khi nào các cha anh sống lương thiện cho các con cháu noi theo mới có lớp người tử tế được. Còn trong tình trạng suy đồi này thì vẫn sẽ còn những tờ thông báo dán trên tường các cửa hàng cửa hiệu trên đất Nhật. Chưa biết chừng nay mai còn có những tờ thông báo như thế này ở các nước khác nữa. Cẩn thận đề phòng đi là vừa.

Văn Quang,

22 tháng 5, 2015

Sợ

Sợ

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Con người ta suốt đời quanh quẩn trong một chữ “sợ.” Câu nói này không có gì là quá đáng, nếu bạn để ý quan sát trong nhóm người trung lưu, là thị dân ở chung quanh đây thôi.

Người phụ nữ sợ già, sợ xấu nên phải lui tới thẩm mỹ viện căng da, hút mỡ bụng, nâng ngực, sửa mũi, hay trang điểm, phấn son nhuộm tóc, mang lông mi giả, phun xăm lông mày, môi; sợ chồng chê nên phải “làm đẹp vùng kín…” Cũng có những người sống bằng những nỗi sợ của người khác là ông bác sĩ thẩm mỹ, những nhà trang điểm hay cả người thợ nhuộm tóc.

Sinh ra làm người, ai cũng sợ đói khát, sợ nghèo nàn, sợ chiến tranh, sợ chết chóc, sợ chia lìa. Có ai cho mình là người hoàn toàn không biết sợ. Với cảm giác thì sợ lạnh, sợ nóng, sợ đắng, sợ chua. Với vật thể thì có người sợ rắn, sợ gián, sợ giun, sợ…vợ, với tình cảm thì sợ buồn, sợ khổ. Người ngay thẳng thì sợ lưu manh, lường gạt, kẻ gian tà thường sợ cảnh sát, quan tòa và nhà tù. Trong xã hội bất an thì sợ tù đày, giam cầm, bắt bớ. Lo cho tấm thân thì phải biết sợ để kiêng cữ ăn uống, luyện tập cơ thể; sợ miệng tiếng mang họa thì giữ ý, nhịn lời; sợ người ta chà đạp đến danh dự của mình và cả của gia tộc thì phải biết giữ gìn nhân cách.

Sự sợ hãi lớn lao nhất là sự sợ hãi trước quyền lực. Bạo quyền thường tạo sự sợ hãi để khuất phục quần chúng, đã dùng roi điện, dùi cui, cùm kẹp, lưỡi lê, súng ống, nhà tù và cả xe thiết giáp như chiến xa Liên Xô vào Budapest năm 1956 hay của Trung Quốc dàn trận tại Thiên An Môn năm 1989.

Trong một xã hội độc tài sắt máu, chỉ những người không biết sợ mới trở nên anh hùng. Họ đối diện với sự đàn áp, trả thù, đánh đập và tù đày. Họ là những người như Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vi, Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, Việt Khang… sống dưới chế độ Cộng Sản mà dám thách thức đấu tranh trực diện với chính quyền có đủ quyền lực trong tay.

Trong khi chúng ta, những người đang sống trên mảnh đất tự do, được pháp luật bảo vệ, không ai dò xét, đàn áp mà lại sợ hãi, ngay cả những người vỗ ngực mang tiếng đấu tranh cho những người trong nước, đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền.

Những buổi giới thiệu tác phẩm của một tác giả bình thường của hải ngoại, một tác giả chống Cộng, lại thường được chặn đường bằng những người mang danh chống Cộng. Tác giả vinh danh lá cờ vàng của tổ quốc ở trong hội trường, có đông đủ cử tọa, những người đã đóng góp công sức, xương máu và những năm tháng tù đày cho tổ quốc, thì bên ngoài cũng có những người mang lá cờ cùng màu sắc với bên trong, đang la ó, kêu gào chửi rủa, chỉ với một lý do: Họ đả đảo cái địa điểm tổ chức.

Họ dùng lá cờ và những lời mạ lỵ để hăm dọa, cản bước những người muốn đến tham dự một sinh hoạt văn học của một người quốc gia chân chính. Và chính vì lý do này, nhiều người đã …sợ.

Một ban nhạc có tiếng đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền từ nhiều năm qua, kể cả những người trong cuộc đã từng là nạn nhân của chế độ trả thù của Cộng Sản trong nước, đã chùn chân vì một lời nhắn qua của một người vô danh, đứng trong bóng tối, không biết tên, biết họ, ném đá giấu tay. Chúng hăm dọa nếu ban nhạc này đến đây, sẽ có biểu tình lớn.

Cuối cùng là… buổi sinh hoạt có tính cách văn học, nói lên tội ác Việt Cộng này không có cái ban nhạc như đã ghi trong chương trình và trong thư mời độc giả, vì người chủ trì ban nhạc …sợ! Và chỉ vì sợ một lần, chúng ta sẽ phải sợ mãi mãi, và những người hăm dọa trở thành những người đắc thắng như thực sự họ có quyền lực vậy.

Buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm mới này, cuối cùng cũng quy tụ được những người, có lẽ là những người… không biết sợ. Cuộc biểu tình theo lời hăm dọa không lớn lắm, nếu thời còn bé chúng ta bắt đầu dùng 10 ngón tay của mình để tập đếm trong giờ toán học đầu tiên của mình.

Cũng có nhiều người là cấp chỉ huy một thời oanh liệt, đụng trận đối đầu với cả một trung đoàn Cộng Sản xâm lược, đã nhiều lần mang thương tích ngoài mặt trận, không hề sợ Việt Cộng vì chuyên săn lùng và giết Việt Cộng, đã chùn bước vì sợ một lời kêu… “đả đảo” vô nghĩa của một người vô danh. Những người này đã nhân danh lá cờ chính nghĩa của chúng ta để áp lực, hăm dọa những người không làm theo và dám trái ý họ.

Nhiều người cho rằng “tránh voi không xấu mặt,” nhưng càng tránh, người ta càng lấn tới, càng tránh người ta tưởng rằng họ có chính nghĩa, chính nghĩa đó có nghĩa là bắt người khác phải theo mình, ai không giống tôi, họ là kẻ thù của tôi!

Chúng ta thông cảm và hiểu nỗi áp bức của những người trong nước, đang sống dưới chế độ công an trị, phải “giả dại qua ải,” chính Nguyễn Tuân xác nhận, ông gìn giữ được suốt đời là “nhờ biết … sợ,” vậy mà cũng phải ở tù 10 năm. Nhưng chúng ta đang sống trên đất tự do, không ai có quyền dọa nạt, uy hiếp, khủng bố bằng cách gọi điện thoại, hăm he hay tập họp để la lối, xỉa xói vào mặt người khác vì những lý do rất buồn cười, khó chấp nhận. Và, vì có người sợ, nên họ tiếp tục ngang nhiên sách nhiễu người khác.

Nếu ở đây, trong cái “ghetto” với những thế lực vô minh, chỉ dùng những lời hù dọa đã làm cho chúng ta lo sợ, như sợ những bóng ma mà chịu cúi mình, thì ở trong nước ai vào tù, ra khám, tranh đấu cho điều mà chúng ta thường gọi là tự do, dân chủ và nhân quyền?

Như vậy chúng ta còn dám tranh đấu cho ai hay nhân danh ai mà tranh đấu?