Điều trần về nhân quyền, tôn giáo Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ

Điều trần về nhân quyền, tôn giáo Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-06-18

06182015-vn-right-viola-hearing-in-hous.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Tại buổi điều trần từ trái ngồi : Điếu Cầy, Hoàng Tứ Duy, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và bà Đoàn Thị Hồng Anh

Tại buổi điều trần từ trái ngồi : Điếu Cầy, Hoàng Tứ Duy, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và bà Đoàn Thị Hồng Anh

RFA

Một buổi điều trần về đàn áp tôn giáo và những vi phạm nhân quyền khác của Việt Nam đã diễn ra hôm qua, thứ Tư ngày 17, trước Tiểu Ban Nhân Quyền hạ viện Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

Chủ tọa buổi điều trần hôm qua là dân biểu Chris Smith thuộc nhóm Vietnam Caucus, các đại diện dân cử quan tâm đến Việt Nam, chủ tịch Tiểu Ban Nhân Quyền, cũng là tác giả dự luật nhân quyền cho Việt Nam từng được hạ viện nhiều lần thông qua.

Cùng dân biểu Chris Smith còn có sự hiện diện của hai vị dân cử thường lưu ý quốc hội về những vi phạm tín ngưỡng và quyền con người của Việt Nam, đó là dân biểu Alan Lowenthal và dân biểu Dana Rohrabacher.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, cũng là phát ngôn nhân của Liên Minh Cho Một Việt Nam Tự Do Và Dân Chủ, cho biết trong buổi điều trần hôm nay ông sẽ là người trình bày về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo và về dự thảo luật tôn giáo của Việt Nam:

Và cuộc điều trần này là để chuẩn bị cho cuộc tổng vận động vào ngày mai, dự trù khoảng 700 đến 800 người Việt từ 28 tiểu bang và 7 quốc gia khác nhau. Mục tiêu kỳ này là cài những điều kiện nhân quyền, trong đó đặc biệt hai điều kiện lớn. Thứ nhất là quyền của người lao động thành lập hoặc là tham gia các nghiệp đoàn tự do và độc lập. Thứ hai là quyền tự do tôn giáo, cài vào trong cuộc thương thảo đàm phán về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Cộng vào đó, chúng tôi cũng kêu gọi Việt Nam là phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Đó là 3 mục tiêu chính của cuộc tổng vận đợng hôm nay, ngày mai và ngày thứ Sáu thì chúng tôi sẽ tiếp xúc với Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cũng như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bộ phận đặc trách về dân chủ, nhân quyền và lao động.

” Mục tiêu kỳ này là cài những điều kiện nhân quyền, trong đó đặc biệt hai điều kiện lớn. Thứ nhất là quyền của người lao động thành lập hoặc là tham gia các nghiệp đoàn tự do và độc lập. Thứ hai là quyền tự do tôn giáo, cài vào trong cuộc thương thảo đàm phán về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và VN

TS. Nguyễn Đình Thắng”

Người thứ hai được mời ra điều trần trước Tiểu Ban Nhân Quyền hạ viện hôm thứ Tư là blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải, từng trải qua án tù 6 năm rưỡi và qua 11 trại giam trong nước, nói rằng có hai vấn đề ông muốn trình bày:

Dân biểu Chris Smith (bên phải) thuộc nhóm Vietnam Caucus chủ tọa buổi điều trần. RFA

Dân biểu Chris Smith (bên phải) thuộc nhóm Vietnam Caucus chủ tọa buổi điều trần. RFA

Ngày hôm nay trước quốc hội Hoa Kỳ thì tôi muốn nói với các vị trong quốc hội rằng ở Việt Nam toàn bộ hệ thống truyền thông nằm trong tay chính quyền cộng sản, người dân không có phương tiện gì để cất lên tiếng nói của mình. Bất kỳ ai có quan điểm có ý kiến khác biệt thì đều có thể bị ghép vào những Điều Luật như 258, 88, 79 , bị bắt và bị bỏ tù với bản án hàng chục năm mà chính tôi cũng là một nhân chứng.

Thứ hai là vấn đề tù nhân lương tâm. Là người đã trải qua 11 nhà tù, qua 6 năm rưỡi, tôi biết rằng các bạn tôi trong tù gần đây liên tục tuyệt thực. Vì sao như vậy? Đó là chính vì chế độ giam giữ rất hà khắc của chính quyền cộng sản. Cụ thể họ đã ban hành Thông Tư 37 của Bộ Công An, triển khai hàng loạt những khu giam giữ mới, hình thức giam giữ hoàn toàn không được ghi trong Luật thi hành án hình sự. Cho nên chúng tôi muốn nói với các vị đại biểu quốc hội yêu cầu Việt Nam phải làm rõ cái Thông Tư 37, rằng Hoa Kỳ không chấp nhận Việt Nam sử dụng những Điều Luật bị dấu kiến để đàn áp tù nhân như vậy.

Đến từ Việt Nam, Canada

Ngoài thứ ba, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng đến từ Việt Nam, sẽ tường trình về những vụ đàn áp các tôn giáo trong nước, trong đó có Hội Thánh Chuồng Bò mà ông là quản nhiệm. Một điều trần viên khác là bà Đoàn Thị Hồng Anh. Bà Hồng Anh là vợ ông Nguyễn Thành Năm, giao dân Cồn Dầu, năm 2010 bị công an tra tấn đến chết vì tranh đấu chống lại chủ trương của chính quyền Đà Nẵng muốn xóa sổ Giáo Xứ Cồn Dầu. Bà Hồng Anh cùng hai con trốn sang Thái Lan, vừa qua được chấp nhận cho tị nạn và định cư tại Mỹ:

” Tôi đến cuộc điều trần tôi muốn nói về cái chết của chồng tôi và những sự việc ở Cồn Dầu. Chồng tôi chết vì dân phòng và công an Đà Nẵng đàn áp chồng tôi.

Bà Hồng Anh”

Tôi đến cuộc điều trần tôi muốn nói về cái chết của chồng tôi và những sự việc ở Cồn Dầu. Chồng tôi chết vì dân phòng và công an Đà Nẵng đàn áp chồng tôi.

Được biết trong số những người ghi tên tham dự Ngày Vận Động Nhân Quyền Cho Việt Nam 18 tháng Sáu, khoảng 30 người đã đến sớm để tham dự buổi điều trần hôm qua:

Hình ảnh những người tham dự buổi điều trần tại Tiểu Ban Nhân Quyền hạ viện Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

Hình ảnh một số người tham dự buổi điều trần tại Tiểu Ban Nhân Quyền hạ viện Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

Tôi là Dan Trần, từ Dallas, Texas, đến đây với mục đích vận động quốc hội về nhân quyền cho Việt Nam.

Tôi tên là Đặng Thành Tiến cùng với anh Sơn và anh Cơ từ Canada đến đây để ủng hộ cho phong trào dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Coi như tất cả là 6 người.

Chiến dịch tổng vận động nhân quyền cho Việt Nam lần này có sự tham dự của một số người trẻ khắp nơi, điển hình như:

Em tên Nguyễn Khuê Tú đến từ Vancouver Canada. Hai tuần vừa rồi em đã điều trần ở quốc hội Canada. Hôm nay em tới quốc hội Hoa Kỳ để tham dự và để học hỏi thêm. Em thấy cuộc điều trần rất thành công.

Tôi tên Đinh Thị Ngọc Tuyết, đến từ Kentucky, ngày hôm nay tôi có mặt ở đây để lắng nghe điều trần những vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam đối với công dân của chinh họ. Sau 40 năm thì không chỉ lắng nghe mà chúng ta có những hành động thiết thực để chính quyền Hoa Kỳ áp lực Việt Nam thay đổi tình trạng nhân quyền cho đồng bào của mình ở Việt Nam.

Đến từ Nebraska, cô Cung Hoàng Kim, thiếu nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt vương miện Miss Nebraska USA, hoa hậu tiểu bang Nebraska, cho biết trong tư cách một phóng viên đài truyền hình NBC tiểu bang Nebraska, cô sẽ làm MC cho một trong ba ngày tổng vận động này:

Có một buổi lễ ở Kennedy Center Hoàng Kim sẽ làm MC , sẽ giới thiệu buổi lễ đó và Hoàng Kim rất hân hạnh tới Washington DC hôm nay. Hoàng Kim nhớ là ba mẹ và gia đình của Hoàng Kim tới nước Mỹ để có tự do, dân chủ, nhân quyền và công lý. Đó là chuyện mình có thể nói hôm nay và ngày mai ở DC.

Để đẩy mạnh tiến trình vận động nhân quyền cho Việt Nam, hôm nay ngày 18 tháng Sáu, khoảng năm chục nhóm người Việt cùng vào điện Capitol , gặp gỡ tiếp xúc với khoảng 200 vị dân cử Mỹ hay nhân viên lập pháp của họ. Mục đích những cuộc tiếp xúc này là hướng sự quan tâm và vận động cài những điều kiện nhân quyền, tự do tôn giáo, tù nhân lương tâm, quyền lợi người lao động Việt Nam vào nghị trình thảo luận TPP giữa hành pháp Washington và chính phủ Hà Nội.

Thanh Trúc tường trình từ Rayburn House, Washington.

Tony Melendez – Never Be The Same

Tony Melendez – Never Be The Same

Một người thanh niên tên là Tony Melendez bỗng trở nên quen thuộc với nhiều người kể từ khi Ðức Gioan Phaolô II (nay là thánh G.P.II) đến viếng thăm tiểu bang California, Hoa Kỳ dạo mùa hè năm 1987.

Nhiều người đã chứng kiến buổi lễ tiếp đón Ðức Thánh Cha hôm đó và khó quên hình ảnh vô cùng cảm động khi vị Giáo Hoàng bước xuống từ một lễ đài cao để ôm hôn một người thanh niên đang hát với tiếng đàn Guitar của mình.  Ðiều gì đã làm cho khung cảnh ấy trở nên khác lạ và giây phút ấy đã trở nên luyến nhớ cho nhiều người?

Tony là hiện thân của niềm Hy Vọng.  Tony đã chào đời không có hai cánh tay.  Nhưng Tony đã vận dụng những ngón chân của mình để học đàn guitar.  Không những thế, anh còn dùng chân trong nhiều công việc khác như xếp quần áo, vắt một ly nước chanh.

Anh đã biết biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành một khả năng thuần thục.

Ngạc nhiên trước khả năng lạ lùng ấy của anh, nhiều người đã hỏi anh: “Bí quyết nào đã giúp anh chẳng những chấp nhận chính mình để sống bình thường mà còn sử dụng guitar một cách tuyệt diệu như thế?”.

Anh đã trả lời như sau: “Tôi đã cầu nguyện : Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo thánh ý Chúa.  Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động và Chúa đã nhậm lời tôi”.

·        Không ai trong chúng ta chọn lựa được sinh ra hay không sinh ra.

·        Không ai trong chúng ta chọn lựa làm đàn ông hay đàn bà.

·        Không ai trong chúng ta chọn lựa được làm người xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu đần, khỏe mạnh hay bệnh tật, giàu sang hay nghèo hèn…

Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần gian này với cả một định mệnh.  Người ta vẫn nói: có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người kém may mắn.

Nhưng trong ánh mắt Tình Yêu của Thiên Chúa, thì số phận nào cũng là một hồng ân cao cả.

Trong chương trình Quan Phòng của Ngài, mỗi người, dù nhỏ bé hèn mọn, dù tàn tật bất hạnh đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng.  Do những bất trắc của thiên nhiên, hay do hậu quả của tội lỗi, nhiều người phải sinh ra với tất cả một gánh nặng của bất hạnh.  Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc vì những hư hỏng ấy, Ngài luôn có một chương trình cho mỗi người.

Lắm khi chúng ta thấy được những kỳ diệu của Thiên Chúa được thể hiện qua những bất hạnh, mất mát của con người.

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

Xin mở Youtube để nhìn thấy Kỳ Công của Thiên Chúa….

httpv://www.youtube.com/watch?v=zlZPYGBXQ44

Nữ Thiếu Úy Hải Quân gốc Việt tốt nghiệp OCS, Rhodes Island

Nữ Thiếu Úy Hải Quân gốc Việt tốt nghiệp OCS, Rhodes Island

Nguoi-viet.com

Linh Nguyễn/Người Việt
NEWPORT, Rhodes Island (NV)Một nữ thiếu úy Hải Quân Hoa Kỳ gốc Việt mới tốt nghiệp hôm Thứ Sáu, 12 Tháng Sáu, từ Trường Sĩ Quan Hải Quân OCS (Officer Candidate School) ở Newport, Rhodes Island. Nữ Thiếu Úy này là Trần Thủy Tiên, 26 tuổi, cư dân Anaheim, California.

Thiếu Úy Hải Quân Trần Thủy Tiên (giữa) bên cạnh bà Ngoại  (trái) và Mẹ trong ngày tốt nghiệp. (Hình: Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt cung cấp)

“Cháu đến Mỹ khi mới 12 tuổi rưỡi, do ông Ngoại sang Mỹ từ năm 1986 bảo lãnh. Ông cháu ngày xưa là lính bộ binh QLVNCH. Cháu cùng gia đình sang Mỹ đoàn tụ năm 2001,” người sĩ quan trẻ nói với nhật báo Người Việt.

Cô cho biết, cô theo học Savanna High School, Anaheim, California, và có một người anh trai. Gia đình không có ai đi lính, ngoài ông cậu phục vụ Hải Quân Hoa Kỳ được bốn năm.

Được hỏi lý do cô chọn ngành Hải Quân, Thiếu Úy Thủy Tiên nói: “Cháu đi lính Hải Quân vì muốn phục vụ nước Hoa Kỳ, vì gia đình cháu mang ơn nước Mỹ rất nhiều.”

“Cháu biết trường OCS vào năm cuối khi còn theo học Cal State University, Fullerton.  Cháu nói chuyện với nhiều bạn bè về ý định đi Hải Quân, nên họ cho cháu biết về chương trình OCS,” cô kể.

Cô cho biết, muốn học trường OCS này, người nộp đơn cần phải học năm cuối đại học bốn năm, trong hạn tuổi 19-35, trước khi tốt nghiệp đại học. Chương trình huấn luyện kéo dài 12 tuần lễ.

Cô cho biết Khóa 12-15 tốt nghiệp tuần trước, có 56 sĩ quan hoàn tất học trình và được ra trường, lương bổng so với sĩ quan tốt nghiệp các trường khác, chương trình bốn năm.

“Trong khóa học vừa qua, chỉ có mình cháu là người Việt. Sau khi tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy, lương cháu cũng đồng đều với một thiếu úy tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ (USNA),” cô nói.

Những thử thách di chuyển trên cột cao 40-50 feet. (Hình: Thiếu Úy Trần Thủy Tiên cung cấp)

Về quyền lợi và lý do chọn ngành sĩ quan Tiếp Liệu, cô nói: “Quyền lợi cũng tương tự như các ngành khác trong quân đội. Về giáo dục, chúng cháu cũng đủ điều kiện để được GI Bill. Cháu học ngành Tiếp Liệu, vì chung với ngành học Accounting của cháu. Cháu tốt nghiệp đại học CSUF với văn bằng cử nhân Kế Toán và Quản Trị Nhân Viên năm 2014.”

Về các ngành học tại OCS, RI, cô cho biết: “Trường OCS có chương trình đào tạo phi công, kỹ sư, tình báo, sĩ quan tác chiến trên mặt biển (SWO), hải dương học, tàu ngầm nguyên tử, và sĩ quan tác chiến tàu ngầm nguyên tử.”

Cô cho biết: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là giây phút được nói chuyện với người cậu lần đầu qua điện thoại trong thời gian thụ huấn. Kế đến là đi dây cao 50 ft, cũng ớn lắm!”

Cô có lời khuyên những bạn trẻ gốc Việt cùng lứa tuổi là “nên theo ước mơ của mình.”

“Chương trình OCS khó, gian khổ, nhưng nếu kiên trì, không bỏ cuộc thì cũng hoàn tất được,” cô nhấn mạnh.

“Ý chí sẽ giúp mình vượt qua khó khăn. Cháu cao 5.3 ft, chỉ cân nặng 103 pound và là người nhỏ con nhất trong khóa, nhưng cháu vẫn phải trải qua cuộc huấn luyện như những người to con vậy, “ cô cười, chia sẻ.

Thân gái cũng phải tập luyện gian khổ. (Hình: Thiếu Úy Trần Thủy Tiên cung cấp)

“Rất nhiều người không hiểu về quân đội nên tưởng gia nhập quân đội là điều rất khó, và thậm chí tưởng là không được trả lương. Điều này không đúng sự thực và phụ nữ vẫn tham gia được. Ngoài ra, có người còn nói là phụ nữ trong quân đội bị cả hai phái tấn công tình dục. Thật là sai, vì ở đây cháu thấy rất an toàn. An toàn hơn cả trước khi cháu đi lính nữa, “ người sĩ quan trẻ khẳng định.

Về phía gia đình, bà Thủy, mẹ của cô tâm sự: “Tôi mới đầu cũng lo, vì cháu là con gái, nhỏ con lại nữa, chưa bao giờ mẹ con xa nhau, nhưng vì đó là ý của cháu muốn, nên tôi ủng hộ. Tôi hãnh diện vì cháu cũng nói được tiếng Việt giỏi. Mình là người Việt mà.”

“Tôi cũng cám ơn Trung Tá Tuấn Nguyễn, ngày cháu ra trường có một mình là người Việt, ông ấy tới thăm, đại diện Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt. Chúng tôi thấy ấm lòng.” bà nói.

Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ Tuấn Nguyễn cho biết: “Khóa này là khóa thứ 12 trong năm 2015.  Trường Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ OCS tại Newport,  RI từng đào tạo sĩ quan Hải Quân cho QLVNCH. Khóa này đào tạo 56 thiếu úy.  Mỗi khóa huấn luyện là 12 tuần.  Thiếu Úy Thủy Tiên sẽ tiếp tục học ngành chuyên môn tại trường Tiếp Vận ở Newport, RI.”

Ông cho biết, cá nhân ông, 27 năm trước cũng xuất thân từ ngôi trường này, hiện chuẩn bị nghỉ hưu vào Tháng Chín năm nay.


Liên lạc tác giả: [email protected]

Bão lớn đánh vào Texas, cư dân gốc Việt sẵn sàng di tản

Bão lớn đánh vào Texas, cư dân gốc Việt sẵn sàng di tản

Nguoi-viet.com

HOUSTON, Texas (AP)Bão nhiệt đới Bill từ Vịnh Mexico đã kéo tới bờ biển phía Nam tiểu bang Texas vào lúc sáng sớm ngày Thứ Ba, mang theo gió mạnh và các đợt mưa lớn tầm tã, theo Sở Khí Tượng Quốc Gia (NWS), chỉ ít tuần sau khi có các trận lụt làm khoảng 30 người thiệt mạng nơi đây.

Giới hữu trách đã ra lệnh phòng lụt ở vùng Trung Bộ Texas cũng như tại thành phố Houston, nơi lụt hồi tháng qua đã gây hư hại hàng ngàn chiếc xe cũng như làm ngập nhiều căn nhà.


Các ngư phủ ở thành phố Port Lavaca tìm cách neo đậu tàu bè để đối đầu với con bão Bill. (Hình: AP/Photo)

Theo NWS thì trận bão này sẽ đổ bộ vào bờ tại Matagorda Bay và tiến vào vùng Trung Bộ Texas, về hướng Austin.

Các trận mưa lớn đã làm ngập sũng nhiều nơi ở Texas hồi cuối tuần qua, đưa mực nước các con sông lên mấp mé tràn bờ.

Quanh Houston, thành phố lớn thứ tư ở Mỹ, khoảng 10 inches nước mưa (25.4 cm) có thể sẽ đổ xuống tới ngày Thứ Năm.

* Sẵn sàng di tản

Ông Huỳnh Công Tử, cư ngụ tại thành phố San Leon, phía Nam Houston, cho báo Người Việt biết một số nơi ở downtown Houston và South West đã cấm xe di chuyển vì nước bắt đầu dâng cao, có nguy cơ lụt. Ở vùng San Leon, nước cũng đã dâng do mưa lớn rả riết suốt, trời u ám. Ông cho biết gia đình và hàng xóm xung quanh đã sẵn sàng chuẩn bị cho trận lụt này.

“Gia đình chúng tôi đã sửa soạn đồ đạc, để mền giường trong xe, trong tư thế sẵn sàng di tản bất cứ lúc nào tình hình chuyển đi theo hướng xấu,” ông nói.

“Từ lúc Sở Khí Tượng Quốc Gia thông báo, những người dân Houston đã đổ xô đi mua nước, đồ khô và các vật dụng cần thiết. Ngày hôm qua các chợ đều chật, người người xếp hàng để mua đồ dự trữ,” ông Thiện Hoà, hiện đang sinh sống ở Sugar Land cho biết.

“Rút kinh nghiệm từ trận lụt hồi tháng 5 vừa qua, người dân đã chuẩn bị kỹ càng hơn và sẵn sàng cho mọi tình huống.”

Nhiều cơ sở thương mại và văn phòng nơi đây đã quyết định đóng cửa vì lý do an toàn. Trung tâm điều trị ung thư nổi tiếng thế giới M.D. Anderson Cancer Center, cho hay sẽ đình hoãn các cuộc giải phẫu.

Giới hữu trách cũng yêu cầu dân chúng ở các vùng thấp nằm về phía Nam Houston hãy tự nguyện di tản. Việc di chuyển của tàu thuyền trong lạch biển Houston cũng được tạm ngưng hôm Thứ Hai.

Chị Tú Anh, cư ngụ tại vùng Dickinson, Galveston County, tàu đánh tôm cho hay chính phủ đã ra thông báo tạm dừng các hoạt động đánh bắt vì lý do an toàn.

“Từ tối hôm qua đến hôm nay mưa to suốt ngày, gió rất mạnh, nếu cứ tiếp tục mưa như thế này, chắc chắn sẽ có lụt và việc tàu đánh bắt tôm vẫn sẽ bị dừng cho đến khi nào bão đi qua thì thôi,” chị Tú Anh chia sẻ.

Nhiều trường học thông báo đóng cửa ngày Thứ Ba, gồm các trường ở khu vực Houston, trường Ðại Học Texas A&M ở Galveston và Wharton County Junior College, San Jacinto College.

Giới hữu trách cũng khuyến cáo dân chúng phải rất cẩn thận khi lái xe và tránh các con đường ngập lụt. (N.Anh-V.Giang)

Thảm họa Bắc thuộc: Phim Tài liệu

Thảm họa Bắc thuộc: Phim Tài liệu

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-15

06152015-kowt-to-the-north.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Hình bìa bộ phim Tài liệu Thảm họa Bắc thuộc

Hình bìa bộ phim Tài liệu Thảm họa Bắc thuộc

Files photos

Một nhóm làm phim tại hải ngoại vừa cho ra đời một bộ phim tài liệu mang tựa đề Thảm họa bắc thuộc, nói về quan hệ Việt nam Trung quốc. Sau đây là trao đổi giữa Kính Hòa và ông Chu Lynh, một trong những người thực hiện bộ phim về việc xây dựng bộ phim cũng như nội dung của nó. Ông Chu Lynh cho biết:

Ông Chu Lynh: Cuốn phim Thảm họa bắc thuộc đã được thực hiện trong hơn hai năm, với cái nội dung chính yếu là nhận diện cộng sản Trung Hoa, và nhận diện cộng sản Việt nam trong cái thảm kịch đưa đất nước Việt nam vào tình trạng thảm họa bắc thuộc. Sau đó chúng tôi có nói tới, đề cập tới một phần khá quan trọng, đó là những ngọn lửa Việt xuất phát từ trong quá khứ của lịch sử Việt nam cho đến ngày hôm nay. Những người trong nước, đặc biệt là giới trẻ, tổ chức thành những đoàn thể để mà lên tiếng về cái thảm họa bắc thuộc ngày hôm nay. Và sau cùng là chúng tôi cũng gửi đi một thông điệp, thông điệp này trước tiên là của tiền nhân, kế tiếp là của những nạn nhân trong thảm kịch bắc thuộc.

Kính Hòa: Hiện nay Việt nam là một quốc gia độc lập, thế thì cái đe dọa là như thế nào để Việt nam lệ thuộc Trung Hoa như ông vừa nói, thì ông có thể nói rõ hơn không?

Ông Chu Lynh: Chuyện Bắc thuộc không phải chỉ có bây giờ mà nó xuất phát từ trong quá khứ. Nhưng mà người Tàu không làm gì được nước Việt nam, bởi vì lúc đó triều đình với dân là một để chống lại quân xâm lăng từ phía bắc. Nhưng ngày hôm nay, triều đình tức là cộng sản Việt nam không đứng về phía dân chúng, tức là không đứng về phía dân tộc, cho nên người dân rất khó lòng chống lại người Tàu. Ngược lại thì cộng sản Việt nam đã toa rập, thần phục, tiếp tay cho người Tàu để mở cửa, từ biên giới cho đến các lĩnh vực khác, để người Tàu chiếm các cuộc đấu thầu, những cuộc đấu thầu có tính chiến lược về kinh tế và quốc phòng đều lần lượt nằm trong tay người Tàu. Chúng tôi không đi vào chi tiết vì trong cuốn phim có nõi rõ những lãnh vực đó.

” Nội dung chính yếu là nhận diện cộng sản Trung Hoa, và nhận diện cộng sản Việt nam trong cái thảm kịch đưa đất nước Việt nam vào tình trạng thảm họa bắc thuộc

Ông Chu Lynh”

Chúng tôi nghĩ rằng nếu mà ngày nay, cộng sản Việt nam trở về với dân tộc và đứng về phía dân chúng, thì chúng tôi nghĩ sẽ không có thảm họa bắc thuộc.

Kính Hòa: Thưa ông Chu Lynh, đây là một bộ phim tài liệu, vậy thì ông có thể cho biết những nguồn tài liệu nào đã được sử dụng và những nhân vật nào xuất hiện trong phim?

Ông Chu Lynh: Tài liệu về thảm họa bắc thuộc trôi nổi trên Internet rất là nhiều. Mà nếu mình lấy tài liệu trên Internet thì phải nói là rất khó khăn vì có quá nhiều tài liệu. Có nhiều bài báo có tính cách nghiên cứu, mà nhận định cũng không thuần nhất, thì cái nhiệm vụ của chúng tôi khi làm phim tài liệu là lọc và hệ thống hóa tất cả những dữ diệu trong quá khứ, và hiện tại. Chúng tôi lọc ra và chọn những tài liệu. Cộng với một số nhà nghiên cứu có uy tín ở hải ngoại, đồng thời chúng tôi cũng có phỏng vấn một số người trong nước.

Đặc biệt chúng tôi có mời ba nhân vật ngoại quốc là đạo diễn David Setter, ông là đạo diễn của bộ phim The age of Delirium, hình như dịch ra là Thời đại mê sảng. Giáo sư Stephen Young, ông là Giáo sư tại trường Đại học Hamline, Minnesota. Và sau cùng là Giáo sư Carlyle Thayer là chuyên viên về Đông Nam Á, rất nổi tiếng chuyên về bình luận vấn đề thời sự của Đông Nam Á. Nói tóm lại chúng tôi phỏng vấn 21 người.

Kính Hòa: Thưa ông Chu Lyng, trờ về với cái vấn đề bắc thuộc, có vẻ như người ta nói một trong những nguyên nhân của nó là do sự đồng ý thức hệ giữa hai đảng đang cầm quyền ở Trung quốc và Việt nam, có phải đó là nguyên nhân mà nhóm làm phim cho rằng dẫn tới thảm họa bắc thuộc của dân tộc Việt nam hay không?

Ông Chu Lyng: Trong cuộc phỏng vấn, Giáo sư Carlyle Thayer có nói cái vấn đề là trước đây là ý thức hệ, nhưng cộng sản Việt nam không ngờ là ý thứ hệ bây giờ không còn nữa, mà bây giờ là ý thức dân tộc, quyền lợi của dân tộc. Cộng sản Việt nam đâu có ngờ rằng bây giờ là quyền lợi của Trung quốc. Khi nhận ra bây giờ đã quá muộn rồi, cái ý thức hệ bây giờ không còn nữa.

Kính Hòa: Dạ thưa ông, người ta cũng hay nói rằng là Việt nam đang thực hiện một chính sách gọi là chính sách đu dây giữa các cường quốc. Và dường như là họ cũng có những nổ lực như là mua sắm vũ khí, đôi khi họ cũng lên tiếng mạnh mẽ chống lại Trung quốc. Thì liệu khi nói rằng họ sẽ dẫn tới thảm họa bắc thuộc thì có quá đáng hay không?

” Giáo sư Carlyle Thayer có nói cái vấn đề là trước đây là ý thức hệ, nhưng cộng sản Việt nam không ngờ là ý thứ hệ bây giờ không còn nữa, mà bây giờ là ý thức dân tộc, quyền lợi của dân tộc

Ông Chu Lynh “

Ông Chu Lynh: Chúng tôi không phải là những bình luận gia về thời cuộc, tuy nhiên nói về phương diện tài liệu, thì nếu bây giờ cộng sản Việt nam sắm tàu bè thì theo chúng tôi cũng là một cái điều cần, nhưng những cái lực lượng đó chưa chắc đối lại nổi với Trung quốc. Cái vấn đề bây giờ là nội lực của mình là chính chứ không phải là những vũ khí đó. Những vũ khí đó nếu đi kèm với nội lực, cộng sản Việt nam nếu khía thác được cái tinh thần dân tộc của mình, cái độc lập. Viện trợ của các nước chỉ là phần nhỏ.

Nếu nói là đu dây thì theo tôi nghĩ cộng sản Việt nam họ không có đủ khả năng để đu dây. Bởi vì đu dây là đu dây đường dài, chứ còn họ đu dây trong một thời gian thì người ta thấy cái sự man trá của họ.

Kính Hòa: Trước khi dừng lời, ông còn có ý nào nữa không về bộ phim này để nói với quí khán thính giả?

Ông Chu Lynh: Dạ thưa đó là một điều chưa được đề cập đến, hoặc đề cập đến mà quá sơ sài. Nếu ông Trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ James Zumwalt có nói về biến cố đá Garma, ông nói rằng đó là một thảm sát mà thế giới chưa biết đến, nhưng có một tổn thất lớn nhất là dân chúng tại biên giới sáu tỉnh phía bắc. Đây cũng là một thảm sát mà thế giới chưa biết đến. Người dân Việt nam trong nước hay ngoài nước nên chú ý tới cái điều này. Chúng tôi nghĩ là nếu ở trong nước có những nhà báo độc lập, những nhà làm phim độc lập, chứ không phải của nhà nước, làm một cuốn phim, một phóng sự, một bài viết về tình tại biên giới, về cái thảm kịch của họ, từ chiến tranh 1979 cho đến giờ, thì chúng tôi nghĩ là rất hữu ích cho đất nước.

Kính Hòa: Xin cám ơn ông.

Pháp phá vụ buôn lậu ngà voi lớn dính tới Việt Nam

Pháp phá vụ buôn lậu ngà voi lớn dính tới Việt Nam

Giá ngà voi đã tăng nhanh chóng mặt trong những năm gần đây, lên mức khoảng hơn 1.500 đôla Mỹ một kg (khoảng 30 triệu đồng).

Giá ngà voi đã tăng nhanh chóng mặt trong những năm gần đây, lên mức khoảng hơn 1.500 đôla Mỹ một kg (khoảng 30 triệu đồng).

Quan chức hải quan Pháp hôm 11/6 cho biết đã chặn đứng việc vận chuyển 136 kg ngà voi từ Cộng hòa Dân chủ Congo trên đường tới Việt Nam.

Đây là lần ngăn chặn vụ vận chuyển ngà voi lậu lớn nhất ở Pháp trong gần một thập kỷ. Hồi tháng 12 năm 2006, giới hữu trách nước này cũng đã phát hiện 600 kg “vàng trắng”

Hơn một chục ngà voi được cưa thành 37 miếng nhỏ, và  được giấu trong các thùng phía dưới các đĩa nhôm nhằm tránh bị máy soi phát hiện.

Đồ thủ công mỹ nghệ chế biến từ ngà voi vẫn là những mặt hàng “ăn khách” ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Thái Lan, và Trung Quốc.

Giá ngà voi đã tăng nhanh chóng mặt trong những năm gần đây, lên mức khoảng hơn 1.500 đôla Mỹ một kg (khoảng 30 triệu đồng).

Các nhà hoạt động cho rằng việc mua bán lậu ngà voi đã đẩy đàn voi hoang ở châu Phi tới cảnh tuyệt chủng.

Điểm mặt

Ngoài việc nhiều gia đình người Việt sử dụng ngà voi để trang trí trong nhà, Việt Nam thời gian qua đã bị nhắc tên nhiều trên truyền thông quốc tế vì tình trạng mua bán sừng tên giác và các loại động vật hoang dã khác để làm thuốc.

Các nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài thương mại đối với Việt Nam vì Hà Nội đã không hành động để chống lại nạn mua bán sừng tê giác.

Báo cáo của các tổ chức bảo vệ môi trường nói rằng có “các bằng chứng  cho thấy Việt Nam và các nhân viên ngoại giao Việt Nam nằm ở trung tâm của một hoạt động mua bán sừng tê giác bất hợp pháp qui mô lớn, góp phần gây ra vụ khủng hoảng săn bắt tê giác trái phép lớn nhất trong vòng hơn 30 năm.”

Tuy nhiên, các giới chức Việt Nam đã phủ nhận tố cáo cho rằng Việt Nam là động lực thúc đẩy các hoạt động mua bán sừng tê giác trái phép.

Theo AFP, VOA

Ba người Việt bị bắt trong kho trồng cần sa trị giá $15 triệu

Ba người Việt bị bắt trong kho trồng cần sa trị giá $15 triệu

Bị bắt từ bên trái là Mạnh Trần, Troy Tam và Tony Hoàng tại xưởng cần sa ở Hayward ngày 4 tháng Sáu, 2015. (Hình: KGO-TV)

HAYWARD, Bắc Califfornia – Những kẻ trồng cây ma túy đang mỗi ngày một liều lĩnh hơn. Trước đây nhà chức trách tại Mỹ, Anh và Canada từng khám phá những ngôi nhà trồng cần sa trong những khu gia cư yên tịnh. Trong thời gian gần đây, cảnh sát tìm thấy những vườn cây cần sa được trồng trong những kho hàng hoặc xưởng sản xuất, lớn gấp mấy lần một ngôi nhà.
Trong vụ bắt mới nhất xảy ra tại Hayward, một thành phố nằm trong vùng San Francisco-San Jose nơi có đông người Việt sinh sống, cảnh sát tìm thấy cây cần sa được trồng trong một kho hàng rộng 44,000-square-foot, tức là rộng gần bằng 4,100 mét vuông. Họ nói xưởng cần sa này đã có đến 13,000 cầy cần sa tươi tốt với trị giá lên tới $15 triệu Mỹ kim. Họ cũng tin rằng đây là vụ trồng cần sa lớn nhất từng bị phá vỡ trong lịch sử thành phố Hayward.
Nhằm cung cấp điện cho các giàn đèn chiếu năng lượng mặt trời xuống các chậu cây và trồng cây theo phương pháp thủy canh, hệ thống dây điện đã bị “câu” bất hợp pháp, giao nối rất nguy hiểm từ bên ngoài đến bên trong kho hàng.
Sở cảnh sát Hayward cho biết xưởng trồng cây này còn có phòng gặt hái, phơi khô, đóng bao bì, phòng ngủ cho ba “nông gia” và một hệ thống theo dõi bằng truyền hình rất tinh vi.
Cảnh sát nói rằng xưởng trồng cây này hoạt động 24 trên 24, bảy ngày trong tuần, và tốn hơn $100,000 để thành lập.
Vào ngày thứ Tư tuần này, nhà chức trách mới cho biết vụ bắt xảy ra trong tuần qua, vào ngày thứ Năm, 4 tháng Sáu, 2015. Cảnh sát không cho biết lý do nào giúp họ khám phá vườn cần sa lớn lịch sử này, nằm ở khu phố số 3100 đường Diablo Avenue.
Tại kho hàng, họ đã bắt ba thanh niên Trần Mạnh, 28 tuổi, Troy Tam, 21 tuổi, và Tony Hoàng, 27 tuổi. Phòng Biện Lý Hạt Alameda đang lập hồ sơ truy tố ba người trẻ tuổi với các tội danh trồng và bán cần sa.
Nhà chức trách cũng kêu gọi những ai có thể cung cấp thêm tin tức về vụ này thì hãy gọi số (510) 293-7047 của sở cảnh sát Hayward.

Hai vợ chồng người Do Thái tỵ nạn cảm ơn nước Mỹ .

Hai vợ chồng người Do Thái tỵ nạn cảm ơn nước Mỹ .

Ngoc Nhi Nguyen's photo.

Ngoc Nhi Nguyen's photo.

*** Hai vợ chồng người Do Thái tỵ nạn cảm ơn nước Mỹ .

Hai ông bà Peter and Joan Petrasek , sống ở Seatle , Hoa Kỳ đã qua đời , để lại di chúc nhờ luật sư chuy…ển toàn bộ gia tài của mình là $847,215.57 cho chính phủ Hoa Kỳ . Hai ông bà không có con cháu , và thân nhân gần cũng không có ai vì họ là những người Do Thái bị Đức Quốc Xã giết hại . Hầu hết thân nhân của họ đã chết trong các trại tập trung của Hitler từ mấy chục năm trước .

Hai ông bà không để lại gia tài cho các hội từ thiện mà để lại cho chính phủ Hoa Kỳ , vì theo di chúc , họ muốn cám ơn chính phủ Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón họ và giúp đỡ họ có cuộc sống mới từ trại tập trung kinh hoàng của Đức Quốc Xã .

Ông Peter Petrasek sanh năm 1920 tại nước cộng hòa Czech . Khi quân đội Đức xâm lược nước này thì ông mới 12 tuổi . Chị của ông chết vì trúng đạn pháo kích , cha của ông bị bắt vào trại tập trung và bị giết tại đây , mẹ của ông thì bị lưu lạc mất tích . Ông còn sống sót là nhờ có sức khỏe và thể hình tốt , nên được chọn chuyển vào trại Thiếu nhi để phục vụ cho quân đội Đức .

Khi quân đội Mỹ của phe Đồng Minh giải phóng khu trai tập trung đó , ông được nhận vào quy chế tỵ nạn của Mỹ và được đưa sang Mỹ , được 1 gia đình người Mỹ nhận nuôi . Ông không trở về quê hương vì sau khi Phát xít Đức thua cuộc thì đất nước của ông lại bị Liên Xô chiếm đóng và trở thành nước cộng sản .

Bà Joan , vợ ông , cũng là người Do Thái , đến từ Ái Nhĩ Lan . Hai người gặp nhau và làm đám cưới ở Canada , sau đó bà theo ông về Mỹ và sống ở Seatle cho đến ngày mất . Ông Peter làm thợ cơ khí cho hãng Bethlehem Steel suốt mấy chục năm và bà Joan làm nghề thợ may .

Khi bà Joan bị ung thư năm 1998 , biết không qua khỏi , 2 vợ chồng bàn đến việc để lại gia tài cho ai . Hai ông bà đã đồng ý và viết di chúc giống hệt nhautrong đó nói họ rất cám ơn nước Mỹ đã cho họ cơ hội sống 1 cuộc sống bình an và tự do , 1 cuộc sống không chiến tranh , không lo nghĩ và được đối xử bình đẳng và tôn trọng như mọi người Mỹ khác , là những điều mà họ biết họ không có được nếu sống trong 1 quốc gia độc tài như Phát xít hay Cộng sản , và họ muốn biểu lộ lòng biết ơn đó bằng cách để lại toàn bộ gia tài cho chính phủ Mỹ .

Sau khi ông Peter mất , đại diện của Nhà Trắng đã được mời đến văn phòng luật sư của hai ông bà để nhận tấm ngân phiếu , và đã bỏ nó vào ngân khố quốc gia của nước Mỹ .

Chiếc nhẫn rớt giữa dòng đời …

Chiếc nhẫn rớt giữa dòng đời …

image

Năm 2014 vừa qua, ông Billy Ray Harris – một người lang thang không nhà (homeless) 55 tuổi, ăn xin tại đầu một con đường ở TB Kansas . Một cô gái tên Sarah Darling đi ngang qua, cho vào trong chén của ông một ít tiền, nhưng cô không chú ý rằng chiếc nhẫn trên tay cũng vô tình rơi vào chén.

image

Sau khi Billy thấy, ông muốn bán chiếc nhẫn đi, có chủ tiệm ra giá 4000 đô-la. Đối với một người lang thang mà nói, đó đúng là một số tiền to lớn, nhưng Billy nghe xong lại do dự…

Sau mấy ngày cân nhắc, Billy quyết định đem chiếc nhẫn trả lại cho người đã mất. Ông ngồi đợi và trả nhẫn lại cho Sarah.

image

Khi Sarah nhận lại chiếc nhẫn đã mất của mình, cô vô cùng cảm kích, bởi vì đó là chiếc nhẫn đính hôn của cô, ý nghĩa vô cùng to lớn. Để tỏ lòng cảm ơn, Sarah và người chồng hứa hôn của mình quyết định quyên tiền cho Billy, giúp ông có một cuộc sống bình thường như mọi người. Lúc ấy, hai người cho rằng có lẽ được vài ngàn thôi, không ngờ nhiều người sau khi nghe câu chuyện đó, đều rất cảm động, ba tháng sau đã quyên được gần 190.000 đô-la.

image

Billy dùng số tiền đó mua nhà, mua xe, nhưng vận may vẫn chưa hết.

Sau khi câu chuyện của Billy được truyền thông đưa tin, người chị thất lạc 16 năm thấy ảnh ông trên tivi, cuối cùng đã tìm được ông. Ông cứ nghĩ rằng người chị này đã qua đời.

image

Billy và vợ chồng Sarah

Billy và người nhà đoàn tụ.

Cứ như vậy, Billy không chỉ có tiền, tìm lại được gia đình, mà còn có người bạn tốt là Sarah và gia đình cô.

image

Sau khi Sarah kết hôn, cô có một đứa bé. Cô nói sẽ kể cho con của cô rằng Billy đối với gia đình cô quan trọng thế nào. Hơn nữa, câu chuyện chân thật này sẽ giúp đứa trẻ hiểu được điều gì là đúng, điều gì là sai. Như vậy, nhiều người đã hợp sức để thay đổi cuộc đời một người xứng đáng với sự trợ giúp đó.

image

Bây giờ, khi mọi người nhìn thấy Billy, họ không phải bố thí nữa, mà là nắm tay ông, chúc mừng ông.

Billy nói, khi nhớ lại nỗi khổ trước kia, ông vô cùng cảm tạ các vị Thần đã cho ông cơ hội này, cho ông quay lại cuộc sống của một người bình thường. Ông sẽ sống thật tốt, để những người trợ giúp ông biết tấm lòng của họ không hề uổng phí.

Đây thật giống một câu chuyện thần thoại, các vị Thần để một kẻ lang thang nhặt được chiếc nhẫn, thử thách lòng tham của ông, kết quả kẻ lang thang vượt qua được cám dỗ, từ đó về sau sống một cuộc sống hạnh phúc.

image

Qua câu chuyện này, phải chăng có thể nghĩ rằng, khi chúng ta làm việc tốt, bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ luôn nhận được những điều tốt đẹp

đáp trả . . . ?

6.4 triệu người Mỹ có thể mất phụ cấp y tế Obamacare

6.4 triệu người Mỹ có thể mất phụ cấp y tế Obamacare

Nguoi-viet.com

WASHINGTON, DC (NV) – Khoảng 6.4 triệu người Mỹ có thể không còn được hưởng trợ cấp y tế theo chương trình Obamacare của chính phủ, nếu phán quyết của Tối Cao Pháp Viện vào tháng tới đi ngược với chính phủ Obama, Washington Post trích dẫn dữ kiện thu thập từ chính phủ liên bang.

Một y tá phát biểu trong một buổi tập hợp ở Florida, kêu gọi tiểu bang này chấp nhận chương trình Obamacare. (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

Dữ kiện ghi danh theo chương trình săn sóc y tế cho thấy 10.2 triệu người đã ghi danh và trả tiền, tính đến Tháng Ba.

Trong số này, 6.4 triệu được chính phủ phụ cấp, giúp họ trả tiền bảo hiểm tư nhân tại 34 tiểu bang.

Nếu Tối Cao Pháp Viện nghiêng theo phía chống Obamacare, những người được hưởng chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ sẽ mất trợ cấp này, vào khoảng $1.7 tỷ mỗi tháng.

Được biết việc phụ cấp được căn cứ vào thu nhập của cá nhân, với phụ cấp trung bình là $272 mỗi tháng.

Nhiều người được phụ cấp săn sóc y tế của chính phủ là người da trắng sống ở miền Nam Hoa Kỳ.

Phân nửa người được phụ cấp có việc làm toàn thời gian.

Nhiều người sống tại các tiểu bang như Florida, Georgia, Louisiana, North Carolina và Texas, nơi lãnh đạo tiểu bang là những người thuộc Đảng Cộng Hòa, chống lại luật săn sóc y tế của chính phủ.

Nhiều người khác sống tại vùng Trung Tây như Illinois, Indiana, Ohio và Wisconsin.

Nếu mất phụ cấp, 1.3 triệu người dân ở Florida bị ảnh hưởng nặng nhất với tổng số $389 triệu hàng tháng.

Thứ nhì là Texas, với 832,000 dân mất phụ cấp tổng cộng $206 triệu/tháng.

Người được phụ cấp sau khi bị mất quyền lợi này sẽ rơi vào hoàn cảnh tiền bảo hiểm trung bình tăng 287%. (TP)

Mai Vy Trần, học sinh gốc Việt tốt nghiệp trung học với GPA 4.94

Mai Vy Trần, học sinh gốc Việt tốt nghiệp trung học với GPA 4.94

Nhất Anh/Người Việt

VILLA PARK, California (NV) – 4.94! Vâng, 4.94, đó là số điểm GPA mà cô Mai Vy Trần đạt được khi tốt nghiệp trung học Villa Park ở Orange County mùa hè năm nay.

Chia sẻ với nhật báo Người Việt, ông Thịnh Trần, cha của Mai Vy, không giấu được sự vui mừng lộ rõ trên khuôn mặt.

“Tôi có đi làm cực đến mấy nhưng biết được con mình học giỏi, bao nhiêu mệt mỏi cũng biến mất. Hạnh phúc nhất của gia đình là khi được thấy con trưởng thành, biết tự lo cho bản thân và tương lai của mình,” ông tâm sự.

Mai Vy Trần và bản thành tích của mình (Hình: Mai Vy Trần cung cấp).

Mai Vy Trần sinh ra trong gia đình có ba anh chị em, cô là chị cả. Cha cô làm việc tại một hãng xưởng địa phương, công việc vất vả từ sáng đến đêm khuya. Mẹ em ở nhà chăm sóc ba chị em. Biết được vất vả của ba mẹ, và bản thân cũng là chị cả, từ nhỏ, Mai Vy đã tập cho mình thói quen tự giác học bài mà không cần ai nhắc nhở. Trong suốt những năm đi học, lúc nào cô cũng là học sinh xuất sắc của trường.

Trong tất cả các môn học, Mai Vy thích nhất là hoá học, và cho biết sẽ chọn ngành này khi lên đại học. Sau đại học, cô sẽ quyết định tiếp tục học lên bác sĩ, dược sĩ hay là chuyên viên bào chế thuốc.

“Em chọn hoá vì em rất thích học môn đó. Ngoài ra, sau này, em muốn mình có một công việc giúp đỡ cho nhân loại, cho mọi người xung quanh như việc tìm ra thuốc chữa bệnh,” Mai Vy cười nói.

Để chuẩn bị cho bước tiếp theo khi lên đại học, Mai Vy đã nộp đơn cho năm trường đại học, bao gồm UCLA, UC Irvine, UC San Diego, UC Berkeley, và Cal State Long Beach. Tất cả các trường đều nhận em. Và sự lựa chọn cuối cùng của Mai Vy là UCLA.

“Em chọn UCLA vì hai lý do. Thứ nhất là vì ở đây có chương trình hóa học tốt. Thứ hai là nơi đây gần nhà, em muốn gần gia đình mình,” Mai Vy bày tỏ.

Bước vào năm cuối tại trường trung học, Mai Vy lấy bảy lớp, bao gồm năm lớp AP (là lớp học có thể được tính khi vào đại học), một lớp danh dự (honor) và một lớp nghệ thuật.

Mai Vy chia sẻ: “Em thường dành từ năm đến sáu tiếng mỗi ngày để làm bài tập ở nhà, học bài và chuẩn bị bài vở.”

Dù thời khóa biểu học bận rộn, Mai Vy vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động của trường. Cô là người lưu trữ lịch sử của Câu Lạc Bộ Key Club của trường. Ngoài ra, cô cùng các bạn trong câu lạc bộ tham gia các hoạt động tình nguyện cho cộng đồng như nhặt rác ngoài biển hay tham gia tình nguyện cho các cuộc chạy marathon gây quỹ giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Ngoài ra, Mai Vy cũng từng tham gia các hoạt động trong nhà thờ chánh tòa Chúa Kitô Vua (Christ Cathedral), Garden Grove, nơi cô tình nguyện dạy tiếng Việt cho các trẻ em khác và tham gia chương trình Lãnh Đạo Trẻ, và dạy giáo lý cho các em nhỏ.

Những bức tranh Mai Vy Trần vẽ trong thời gian rảnh rỗi (Hình: Nhất Anh/ Người Việt)

Khi có thời gian rảnh rỗi, Mai Vy thích nhất là vẽ, và vẽ trong hàng giờ. Cô vẽ những thứ xung quanh, về con người, về cảnh vật hiện diện trong đời sống.

Để có thể cân bằng việc tham gia các hoạt động ngoại khoá và việc học với điểm cao, Mai Vy tâm sự, cô luôn sắp xếp thời gian hợp lý, chia sẻ những thắc mắc bài vở với giáo viên và bạn bè.

“Em không bắt buộc mình phải học nhiều thật nhiều, lấy thật nhiều lớp rồi sau đó cảm thấy bị quá tải. Em học vừa đúng sức mình và luôn thật tập trung với bài giảng trong lớp,” cô chia sẻ.

“Em cũng muốn cảm ơn đến ba mẹ em, người đã hy sinh cho em và gia đình rất nhiều, và cho dù em chọn ngành gì, làm nghề gì, hay em làm gì, em biết rằng ba mẹ vẫn luôn đứng đằng sau và ủng hộ em hết mình,” Mai Vy gửi gắm lời tâm sự của mình đến với cha mẹ.

Từ một cô bé rụt rè không biết phải làm sao để giao tiếp bằng tiếng Anh khi mới bắt đầu đi học lớp 1 (cô qua Mỹ lúc 6 tuổi), giờ đây, Mai Vy đã tốt nghiệp trung học với điểm GPA cao tới 4.94 và một tương lai rộng mở phía trước.