Việt Nam ‘câm lặng’ về vụ đốt tàu

Việt Nam ‘câm lặng’ về vụ đốt tàu

Quốc gia láng giềng của Palau là Indonesia thời gian qua đã cho nổ tung và làm chìm 41 tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu Việt Nam.

Quốc gia láng giềng của Palau là Indonesia thời gian qua đã cho nổ tung và làm chìm 41 tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu Việt Nam.

28.06.2015

Tổng thống một quốc đảo nhỏ bé nằm ở Thái Bình Dương cho biết “không nhận được hồi đáp” từ chính phủ Việt Nam liên quan tới các vụ bắt giữ và đốt cháy tàu cá của ngư dân Việt.

Ông Tommy Remengesau được trích lời nói rằng chính quyền Palau “không nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào từ chính phủ Việt Nam thông qua đại sứ quán ở Philippines”.

“Thậm chí việc yêu cầu người phiên dịch cho công dân của họ mà đại sứ quán cũng không trả lời. Thế nên, chúng tôi phải tìm người phiên dịch từ bên ngoài”, ông Remengesau nói.

Tổng thống Palau bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Hà Nội sẽ ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về việc ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép trên lãnh hải của nước ông.

Ông Remengesau cũng nói rằng ông hy vọng Việt Nam hiểu được thông điệp rằng nước ông sẽ không bao giờ dung thứ việc đánh bắt hải sản trái phép.

Hà Nội chưa lên tiếng trước những lời chỉ trích của ông Tommy Remengesau. Nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước khác “đối xử một cách nhân đạo với các ngư phủ cũng như tàu cá của Việt Nam dựa trên luật pháp quốc tế cũng như đối xử nhân đạo đối với các ngư dân gặp nạn trên biển”.

Palau hôm 13/6 đã nổi lửa đốt 4 tàu cá của Việt Nam sau khi bắt giữ các tàu này vì đánh bắt hải sản trái phép. Trên khoang của các tàu này chở đầy cá mập, tôm hùm và hải sâm đánh bắt được trước đó.

Sau khi bị tịch thu thiết bị đánh bắt, một số các thuyền bị bắt giữ chuẩn bị đưa khoảng 77 thuyền viên về Việt Nam.

Tổng thống Palau, Tommy Remengesau, nói nước ông muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng Palau sẽ không dung thứ những kẻ mà ông gọi là “hải tặc tới ăn cắp nguồn cá của nước này”.

Tin cho hay, kể từ năm 2014, có ít nhất 18 tàu cá của Việt Nam đã bị Palau bắt giữ.

Palau nằm cách Philippines 970 km về phía đông, và là một trong các quốc gia nhỏ nhất thế giới với 20 nghìn dân sinh sống khắp hơn 250 hòn đảo.

Quốc gia láng giềng của Palau là Indonesia thời gian qua đã cho nổ tung và làm chìm 41 tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu Việt Nam, đánh bắt trái phép trong lãnh hải của nước này.

Theo RNZI, AP, MOFA, VOA

Gà trống nuôi bốn con gái thủ khoa

Gà trống nuôi bốn con gái thủ khoa

Nguoi-viet.com

‘Quá khứ con, tương lai con, tất cả là do ba con.’


Đằng-Giao/Người Việt

BEAVERTON, Oregon (NV) – Có một người con đậu thủ khoa trung học đã là điều khó, vậy mà ông Thomas Trịnh có đến bốn cô con gái luân phiên nhau đậu đầu bảng trường trung học Công Giáo De La Salle North, ở tiểu bang Oregon.

Gia đình họ Trịnh, từ trái: Tiffany (Tuyet-Mai) – Jessica (Thanh Thanh) –
Michelle (Bich-Ngoc) – ông Thomas – Victoria (Tuong-Vy) – Christine (Thuy-Duong).
(Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Bà Barbara Ward, cố vấn đại học của trường De La Salle, hãnh diện reo lên, “Lần đầu tiên ở Oregon có chuyện như vậy xảy ra. Lần đầu tiên!”

Bà Barbara cho Người Việt hay rằng bà là cố vấn của cả bốn chị em thông minh này nên biết rất rõ về các cô. “Mấy chị em nhà này rất gương mẫu và rất dễ gần. Cả bốn người đều thể hiện sự toàn vẹn, từ bài vở trong lớp đến những sinh hoạt ngoại khóa. Các cô hoạt động xã hội rất hăng say.”

Khi Người Việt hỏi bí quyết để cả bốn chị em đều trở thành thủ khoa, cả bốn cô cùng trả lời: “Vì tụi con muốn làm cho ba hãnh diện. Ba đã hy sinh cả đời cho tụi con.”

Bảng vàng của Michelle mở đầu tuyền thống. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Ông Thomas Trịnh định cư tại Hoa Kỳ năm 1982 ở Philadelphia, sau đó ông dọn đến Beaverton thuộc tiểu bang Oregon lập nghiệp và xây dựng gia đình cho đến giờ.

“Tôi bắt đầu hành trình ‘gà trống nuôi con’ từ năm 2003 khi vừa 40 tuổi. Lúc ấy cháu lớn nhất được 12 tuổi.” ông Thomas tâm sự với Người Việt.

Người cha hãnh diện này nhấn mạnh, “Và cháu nhỏ nhất thì chỉ mới hai tháng.”

Ông nhớ, “Vừa làm kỹ sư computer, vừa nuôi dạy năm con quả là vất vả vô cùng vì phải xa nhà thường xuyên.”

“Mỗi khi phải đi công tác xa, tôi lại phải nhờ bà con chăm nom các cháu. Bỏ con ở nhà, đau lòng lắm.” Ông Thomas nuốt vội cảm xúc.

Noi gương chị, Chiristine nối tiếp truyền thống. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Ông đã tạo cho các con một gia đình có sự gắn bó trong tinh thần tôn giáo. Ông Thomas nói, “Tôi tập cho các cháu thói quen từ thuở bé là đọc 12 kinh hàng đêm, không bỏ đêm nào. Mục đích là cảm tạ Chúa về những gì Ngài đã ban phát và những gì Ngài sẽ ban phát cho chúng tôi.”

Ngoài phần hồn, ông Thomas phải biết nấu ăn ngon để chăm lo phần thể chất cho con.

Jessica Thanh Thanh, cô thứ ba, khoe, “Ba nấu món súp nào cũng ngon, nhưng con thích nhất là món… bún riêu.”

Cô đầu lòng Michelle Bích Ngọc đồng ý, “Ba con chỉ cẩn 30 phút là nấu xong một bữa ăn ngon mà chỉ dùng toàn những gì còn sót trong tủ lạnh thôi.”

Thanh Thanh cười, “Có lần sau lễ Thanksgiving, ba con lấy tất cả mọi thức ăn còn dư rồi bỏ vô nấu cháo. Lúc đầu nhìn ghê lắm, bắp nhồi trong bụng gà và con gà Tây nổi lều bều trong nồi. Nhưng ăn thì lại ngon miệng. Từ đó trở đi, ba vẫn thường nấu món này.”

Jessica khẳng định truyền thống. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Thế nhưng không phải món gì ông Thomas nấu cũng được các cô thủ khoa thưởng thức. Bích Ngọc cười, “Có lần ba con thấy xác một con nai trên đường đi câu cá, ba quăng nó lên xe truck rồi đi câu tiếp. Mãi lâu sau mới về xả thịt nai nấu nướng. Tối đó con không ăn miếng nào.”

“Bữa đó không cháu nào ăn miếng nào cả,” ông Thomas cười vang tiếp lời con.

Muốn đỡ đần cho cha, cô chị lớn nhất đã tập nấu ăn từ nhỏ. “Để nấu cho mấy em mỗi khi ba con đi làm xa,” Bích Ngọc kể.

Thấy cha và chị đều biết nấu nướng, cô thứ nhì, Christine Thùy Dương đã có lúc muốn chọn nghề đầu bếp nhưng bị ông Thomas dọa, “Nếu con muốn theo nghề này thì phải nhớ là trong ba năm đầu sau khi ra trường, người ta sẽ bắt con chỉ được rửa chén bát thôi.”

“Lâu lâu phải rửa chén một lần ở nhà đã đủ sợ rồi nên con tôi quyết định… “bỏ nghề,” ông Thamas cười đắc chí.

Ba chị vô tình gây áp lực cho em kế. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Trả lời câu hỏi có phải các con học giỏi là nhờ ba nấu thức ăn ngon, “Kỷ luật. Ba luôn đặt kỷ luật lên hàng đầu,” cô gái út Victoria Tường Vy khẳng định.

Cô lớn nhất, Ngọc Trinh, kể rõ, “Ba dùng sự thất vọng làm công cụ của kỷ luật. Tụi con được dạy dỗ kỹ lưỡng nên ai cũng biết cái gì làm ba vui, cái gì làm ba thất vọng.”

Ông Thomas tự hào, “Tôi rất hãnh diện mà nói rằng có sáu đứa con mà chưa bao giờ tôi phải nặng tay với cháu nào cả. Hình phạt nặng nhất của tôi là cho khoanh tay quay mặt vô tường năm phút.”

Ông thừa nhận việc nuôi dạy các con chẳng phải là điều dễ dàng, “Mấy cháu đầu của tôi tương đối biết nghe lời, chỉ có cô út, Tường Vy, là khó bảo nhất.”

Ngọc Trinh đồng ý, “Tường Vy thích chơi thể thao lắm, cả bóng rổ và bóng chuyền. Ba con có dự những lần Tường Vy tranh giải nhưng luôn nhắc nhở em không được xao lãng việc học.”

Ông Thomas hồi tưởng, “Tôi vất vả nhất với Tường Vy, vì cháu có rất đông bạn bè. Nhiều lần tôi phải lén đi theo (Tường Vy) xem cháu đi đâu, làm gì và tôi đã phải làm dữ, dọa không cho cháu học trường tư nữa. Sợ quá cháu mới chịu học.”

Ông cười, “Cháu nào muốn có bạn trai thì người bạn đó phải đến gặp tôi và phải có giấy chứng nhận của cảnh sát là hoàn toàn trong sạch và phải có kế hoạch làm gì trong tương lai, trong một năm, trong bốn năm và mười năm.”

“Điều kiện quá rõ ràng như vậy mà chưa anh nào dám bén mảng nhà tôi cả.” Ông Thomas cười vang.

Victoria bảo vệ truyền thống. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Nhờ luôn gần gũi và coi các con là bạn nên các cô gái này cũng đã chia sẻ gánh nặng với cha mình.

Ngọc Trinh kể, “Tụi con học trường tư nên ba phải trả nhiều tiền. Vì vậy tụi con mỗi tuần bỏ ra một ngày trong tuần để làm việc trong trường và tiết kiệm cho ba.” Từ nhỏ, các con gái của ông Thomas đều học trường tư. Các em học tiểu học tư thục Holy Cross, cũng ở địa phương.

Bà Barbara nói, “Một ngày một tuần suốt niên học nên cô nào cũng tiết kiệm cho ông Thomas phân nửa học phí.”

Đã thế, các cô cũng dành thời gian thường xuyên làm công tác thiện nguyện như phân phối thực phẩm cho người nghèo.

Bà Barbara kể với ít nhiều tự hào lây, “Các cô họ Trịnh này đã giỏi về học vấn mà lại còn tích cực tham gia công tác xã hội cũng như nghệ thuật, kịch nghệ ở trường nữa.”

Cả bốn cô thủ khoa của ông Thomas đều đang thực hành ý nguyện muốn giúp đỡ người khác.

Ý chí và nhân cách của các cô con gái được bạn học xác định. “Họ (các chị em) lương thiện và trung thực một cách tự nhiên, không cố gắng gì cả. Họ bình dị nhưng ý chí rất mạnh.” Lời em Michael Dong, người bạn chung của các chị em.

Ali Wrede, bạn học của Michelle, nói về bạn mình, “Michelle rất chăm chỉ. Tính cách thân thiện, thoải mái khiến Michelle trở thành người bạn học gần gũi.”

Ngắn gọn và mang tính kết luận, Phi Nguyễn, bạn chung của các chị em, nói về bạn mình, “Muốn điều gì thì phải tận tâm để đạt được điều đó. Họ đã làm như vậy. Đơn giản vậy thôi.”

Truyền thống gia đình họ Trịnh. (Hình: Thomas Trịnh cung cấp)

Hiện giờ, người chị cả, Michelle Bích Ngọc Trịnh, 24 tuổi, đã tốt nghiệp đại học Portland và đang làm việc tại một dưỡng đường tại thành phố Gresham, Oregon.

Cô thứ nhì, Christine Thùy Dương Trịnh, 22 tuổi, đang học ngành y tá tại đại học Georgetown, Washington, DC.

Cô thứ ba, Jessica Thanh Thanh, 20 tuổi, đang là sinh viên ngành dược tại đại học Pacific, Pacific Forest Grove, Oregon.

Và cô út, Victoria Tường Vy Trịnh, 18 tuổi, sinh viên y khoa tại Boston College, Massachusetts.

Hai bé Tiffany và Andy (con trai của Thomas và người vợ kế) cũng nói “muốn theo chân các chị.”

Vẫn cư ngụ tại Beaverton, Oregon, ông Thomas Trịnh hiện là quản lý phòng thí nghiệm cho công ty Intel và vẫn tiếp tục nuôi hai con nhỏ với sự giúp đỡ của người vợ kế là Võ Thục Nhi.

Ông nhìn nhận sự đóng góp của vợ mình, “Nhà tôi từ Việt Nam sang đây lúc cháu lớn Bích Ngọc đã 14 tuổi nhưng cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong việc săn sóc cho các cháu. Bên cạnh người đàn ông thành công phải có một người đàn bà giỏi giắn.”

Về phần mình, các cô không thể nào quên được những gì cha mình đã làm cho mình.

Thùy Dương, người được các chị em bình chọn là con gái cưng của ba, thổ lộ, “Ba con nhọc nhằn cả đời cho tụi con mà chưa bao giờ than vãn. Được đậu thủ khoa không thể sánh với ân huệ được làm con của ba. Sung sướng lớn nhất của con là được thấy ba con hãnh diện với cả thế giới vì các con mình.”

Cô nhấn mạnh: “Quá khứ của con, tương lai của con, tất cả là do ba con.”

Liên lạc tác giả: [email protected]

Bạc Tình Bạc Nghĩa

Bạc Tình Bạc Nghĩa

Phó Tế  NGUYỄN MẠNH SAN

Khi còn ở Việt Nam chúng ta chỉ được nghe kể chuyện lại hoặc đôi khi được nhìn thấy tận mắt tai nghe những thảm cảnh vợ chồng bị đổ vỡ vì người chồng có bồ bịch với người đàn bà khác, bỏ bê vợ con hoặc có vợ bé còn rơi đem giấu diếm ở một nơi kín đáo.

Nhất là trong giới phụ nữ bình dân, nhiều cảnh đau thương đến rơi lệ của những người vợ dịu hiền, thật thà chất phác, phải làm việc vất vả ngày đêm bằng chân tay, thay thế cho người chồng bội bạc và thay thế cho người Cha vô trách nhiệm, để nuôi dưỡng một đàn con nhỏ dại khờ đến khi chúng khôn lớn, được thể hiện qua câu hò đã đi sâu vào lòng người phụ nữ Miền Nam, vang vọng lên trong các đêm khuya thanh vắng từ các xóm nghèo như: Hò ơi! Gió đưa bụi chuối sau hè, Anh mê vợ bé bỏ bầy con thơ.

Tuy nhiên theo sự nhận xét khách quan cho biết, những thảm cảnh này xảy ra trước đây ở Việt Nam, phần nhiều là chỉ bạc tình chứ không đến nỗi bạc nghĩa, mặc dầu là người chồng hết yêu thương vợ mình thật đấy, nhưng cái ơn sâu nghĩa nặng ngàn vàng của người vợ, hàng ngày tận tụy săn sóc từ miếng cơm manh áo cho chồng cho con được sống êm ấm hạnh phúc trong những năm tháng vợ chồng còn chung sống bên nhau, thì họ đâu nỡ lòng nào dám quên cái ơn sâu nghĩa nặng ngàn vàng đó, nếu không bằng cách này thì cũng bằng cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, họ cũng cố gắng làm tốt một việc gì để đền đáp lại một phần nào cho vợ cho con, vì họ nghĩ lại hành động sai quấy của mình đã phạm lỗi đối với vợ con.

Nhưng kể từ khi chúng ta bỏ quê hương đi tìm tự do để được định cư tại Hoa Kỳ đã hơn 33 năm qua, thì có một số những cặp vợ chồng bị đổ vỡ lại xảy ra trái ngược hẳn đối với những thảm trạng vừa mới được kể trên, mà có lẽ chúng ta cũng nên đổi ngược lại câu hò trên cho đúng với thực trạng nội dung của câu chuyện mà chúng tôi sắp kể lại dưới đây đến quý độc giả là: Hò ơi! Gió đưa bụi chuối sau hè, Em mê bồ nhí bỏ bầy con thơ.

Chúng tôi nói như thế hoàn toàn không có ngụ ý muốn ám chỉ một ai, chê bai hay bênh vực một nhân vật nào trong câu chuyện này, vì từ trước cho đến nay, mỗi khi chúng tôi viết một đề tài mang tính chất pháp luật thực dụng Hoa Kỳ (US applicable law), là để độc giả và chúng tôi cùng nhau tìm hiểu thêm những vấn đề có liên quan đến luật pháp tại đây và luôn luôn được kèm theo một câu chuyện xảy ra có thực, để dẫn chứng cho những điều luật mà những nhân vật trong câu chuyện đã vi phạm, đồng thời cũng giúp cho chúng ta ghi nhớ những điều luật này để khi cần, chúng ta có thể chỉ dẫn cho người khác biết.

Hôm nay, lại một lần nữa, đề tài chúng tôi xin trình bày cùng quí độc giả cũng không đi ra ngoài mục đích đó và câu chuyện Bạc Tình Bạc Nghĩa có liên quan đến vấn đề ly dị (Divorce), kèm theo tội ngoại tình (Adultery), cả hai vấn đề này đều nằm trong Bộ Luật Gia Đình Hoa Kỳ (American Family Law) là nơi chúng ta đang sinh sống, qua những tình tiết dưới đây:

Anh Tony Chung và chị Ngọc Thúy đã lấy nhau được trên 14 năm và có 4 người con, đứa lớn nhất 11 tuổi và nhỏ nhất hơn 2 tuổi, vợ anh là người có bằng cấp 4 năm đại học, làm nghề bán bảo hiểm xe hơi và nhân thọ, nhưng từ khi lập gia đình với anh Tony Chung đến nay, chị Ngọc Thúy chỉ ở nhà lo việc nội trợ và săn sóc con cái nhà cửa, trong khi anh Tony Chung làm chủ một cơ sở thương mại có khoảng 15 nhân viên người Việt và người Mễ, làm việc dưới quyền chỉ huy trực tiếp của anh. Sau khi trả lương cho nhân viên và trừ tất cả mọi chi phí cho cơ sở thương mại, lợi tức hàng tháng anh thu về ít nhất từ 15 cho đến 20 ngàn trở lên, nên cuộc sống của gia đình anh rất trưởng giả, không kém gì đời sống sang trọng của một gia đình bác sĩ Mỹ chuyên khoa tại đây.

Cách đây hơn 2 năm, anh Tony Chung tình cờ bắt gặp quả tang chị Ngọc Thúy đang đi vui vẻ tay trong tay một cách âu yếm với một người thanh niên, trông trẻ tuổi hơn anh đến 6, 7 tuổi tại một shopping center, vừa nhìn thấy cảnh tượng này như một tiếng sét đánh trúng ngay vào trái tim anh, làm anh hoa cả đôi mắt như sắp sửa té xuống đất, anh vội vàng bước nhanh tới một cái ghế dài đã kê sẵn trong hành lang của trung tâm, để anh ngồi xuống lấy lại hơi thở và sự bình tĩnh trong tâm hồn.

Sau vài phút anh lấy lại được sự bình tĩnh, anh vội vàng lái xe trở về thẳng nhà, ngồi ở phòng khách chờ đợi vợ về để hỏi vợ mình xem tại sao lại có sự việc lạ lùng như thế đã xảy ra trước mắt anh vào buổi chiều nay khi anh đến shopping center để định mua một món quà đặc biệt để tặng vợ mình, nhân dịp kỷ niệm ngày cưới nhau sắp được 15 năm vào Thứ Bảy cuối tuần này.

Như có linh tính báo trước là hành động của chị chiều nay đã bị lộ diện đối với chồng chị rồi, nên khi chị vừa mới mở cửa bước vào nhà, chị đã nhìn thấy anh Tony Chung với nét mặt thất sắc, pha lẫn một chút giận dữ, là chị hiểu ngay sẽ phải đối đáp thế nào với anh, chị thong thả bình tĩnh ngồi xuống chiếc ghế đối diện với anh.

Không cần phải chờ đợi chồng chị lên tiếng đặt câu hỏi, chị đã vội vàng nói: “Em đoán chắc anh đã biết hoặc đã thấy những sự việc gì em làm chiều nay rồi, em không cần phải nhắc lại làm gì, vì nhắc lại chỉ làm cho anh tức giận và làm tổn thương đến lòng tự ái của anh, là anh đã có người vợ phạm tội ngoại tình.

Điều này đúng thật 100%, em không dám chối cãi sự thật vẫn là sự thật, nếu em có chối cãi thì chỉ làm cho anh tức giận thêm và có thể dẫn đưa anh đến một hành động thiếu suy xét, mà kết quả sẽ còn tệ hại hơn cho chúng ta và cho con cái chúng ta sau này. Em xin chấp nhận tạ lỗi với anh về hành động phạm tội ngoại tình của em và cho đến ngày hôm nay, em không còn cách gì để che đậy hành động ngoại tình của em nữa, em xin phép được chia tay với anh kể từ giờ phút này, em ra đi không cần đòi hỏi tiền bạc hay tài sản gì của anh mà anh đã bỏ công bỏ sức lực, bỏ tiền bạc trong nhiều năm qua, để tạo dựng lên sự nghiệp như ngày hôm nay, và em cũng sẵn sàng để lại 4 con cho anh nuôi dưỡng chúng nên người.

Vì đối với em, anh là người Cha rất tốt, biết lo lắng săn sóc cho các con được hoàn toàn đầy đủ từ vật chất cho đến tinh thần, nhưng nếu nói anh là người chồng tốt thì cần phải xét lại những điểm sau: Từ ngày anh lấy em về làm vợ, mới có 3 tháng sau, cuối tuần nào anh cũng đi nhậu với bạn bè, không tại nhà mình thì cũng hết nhà bạn này đến nhà bạn khác, mỗi lần như thế em phải đi theo anh và mang tất cả 4 đứa con nhỏ theo anh cho đến nửa đêm hoặc gần 1 giờ sáng hôm sau mới về tới nhà.

Sở dĩ em phải theo chân anh như vậy, là để lái xe đưa anh về nhà được an toàn, vì sợ anh uống rượu vào, lái xe có thể dễ gây tai nạn hoặc bị cảnh sát bắt giam. Em biết anh không thể bỏ tật uống rượu, vì rượu là người yêu suốt đời của anh và những người bạn nhậu của anh là những người tri kỷ với anh, chứ không phải là vợ anh và con anh.

Trong 10 năm qua liên tục, em đã cố gắng tìm đủ mọi cách để thuyết phục anh bỏ uống rượu hay yêu cầu anh thỉnh thoảng hãy uống, nhưng em đã hoàn toàn thất bại. Mặc dù tiền bạc anh đưa cho em tiêu xài quá dư thừa, nhưng anh nên hiểu rằng tiền bạc không tạo dựng được tình yêu. Người ta vẫn thường nói tiền hết thì tình cũng hết, nhưng đối với em, tiền hết nhưng tình vẫn còn.

Đúng như thế, bao nhiêu năm trời sống bên cạnh anh, tâm hồn em vẫn cô đơn trống trải, không có tình yêu, mãi cho đến hơn 2 năm nay em mới thật sự có tình yêu. Vậy em xin trả lại cuộc sống độc thân tự do của anh. Với tài năng, tiền bạc và tài sản mà anh đang có, thì anh muốn ai chả được, những thiếu nữ trẻ trung, xin đẹp và tài giỏi hơn em gấp trăm ngàn lần đang sẵn sàng chờ đợi anh ở Việt Nam, anh chỉ cần gật đầu một cái, là cô nào cô ấy  tranh nhau tình nguyện xin được đến nâng khăn sửa túi cho anh.

Một điều chót em muốn nhắc nhở với anh một lần nữa, là tình yêu đích thực không thể mua được bằng tiền bạc như anh tưởng, mà chỉ có thể mua được bằng những cử chỉ âu yếm, ân cần săn sóc với lời nói ngọt ngào trìu mến đối với người mình yêu. Vì tình yêu không phải là một thứ đồ cổ quí giá, đem cất giấu đi một nơi an toàn, sợ bị người khác đánh cắp mất nên thỉnh thoảng lại mang nó ra lau chùi cho sạch những bụi bặm, để đem nó ra khoe cho một số bạn thân thiết nhìn thấy khen ngợi, xong rồi lại đem cất giấu nó đi một chỗ. Nếu bất cứ ai có quan niệm tình yêu bằng những hành động như thế, thì người đó sẽ không bao giờ có được tình yêu chân thành đáp lại của người mình yêu.

Đây là một kinh nghiệm sống đau thương trong tình yêu của anh đã dành cho em, mà em đã phải âm thầm cắn răng chịu đựng trong suốt gần 15 năm qua và cho tới giờ phút này, em phải thú thật với anh rằng, mới chỉ hơn 2 năm qua, em mới có được tình yêu thật sự trong trái tim  em, vì người em yêu đã không cư xử với em như là một thứ đồ cổ quí giá như anh đã cư xử với em, mà người này đã ân cần săn sóc em để đáp ứng đúng với nhu cầu tình cảm tâm lý của người con gái khi lấy chồng, giống như cây cỏ hoa lá muốn được xanh tươi lâu dài, thì cần phải được tưới nước đều đặn.

Mặc dầu em biết rõ hành động này của em đối với pháp luật, em đã phạm tội ngoại tình và đối với luân thường đạo lý gia đình theo phong tục nho giáo Việt Nam, thì em là một người đàn bà hư thân mất nết, đã phản bội lại tình yêu của anh dành cho em, nhưng khổ một nỗi, tình yêu mà anh dành cho em là thứ tình yêu như em vừa mô tả ở trên.

Nếu em cứ vẫn tiếp tục chung sống với anh như một món đồ cổ quí giá của anh, thì suốt đời em sẽ không bao giờ có được tình yêu đích thực với anh như em hằng mong đợi và tới một ngày nào đó trong tương lai, em sẽ không còn là một thứ đồ cổ quí giá để anh cất giấu đi nữa, mà em sẽ trở thành một thứ đồ chơi cũ kỹ vô dụng, đến lúc đó, anh sẽ thẳng tay vứt bỏ nó đi không thương tiếc.”

Một tuần lễ sau câu chuyện này xảy ra, anh Tony Chung gọi điện thoại đến văn phòng chúng tôi để yêu cầu được giúp đỡ, vì chúng tôi là chỗ thân tình quen biết nhau trong nhiều năm, hơn thế nữa tôi lại được mời rao giảng Tin Mừng trong Thánh Lễ Thành Hôn của vợ chồng anh nên anh đã kể lại cho chúng tôi nghe tất cả mọi sự việc diễn tiến xảy ra như chúng tôi đã trình bày ở phần trên và anh yêu cầu riêng tôi hãy giúp anh hòa giải vấn đề này với vợ anh.

Điều duy nhất anh ao ước là làm sao thuyết phục vợ anh hãy quay trở về với gia đình, để săn sóc 4 đứa con còn khờ dại, chúng đang khóc lóc thảm thiết vì nhớ thương Mẹ không có ở nhà.

Anh cho tôi biết là anh sẵn sàng tha thức mọi lỗi lầm của vợ anh và hứa sẽ bỏ hẳn uống rượu như lời yêu cầu của vợ anh. Tôi bằng lòng giúp anh Tony Chung và tôi đã tìm đến gặp chị Ngọc Thúy đang tá túc tại nhà người bạn gái thân của chị.

Tôi đã đưa ra nhiều lý lẽ vững chắc để cố gắng thuyết phục chị hãy quay trở về và tôi nhấn mạnh đến tình nghĩa vợ chồng, cho dù chỉ ở với nhau một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng, đặc biệt tình Mẹ thương yêu con cái của người Việt Nam thì rộng bao la bát ngát như đại dương vô bờ bến, nhất là 4 đứa con thơ dại của chị đang khóc lóc kêu gào vì không thấy mặt chị trong suốt một tuần qua.

Nhưng chị Ngọc Thúy đã trả lời tôi: “Trước hết con xin hết lòng cảm ơn Thầy đã khuyên bảo con bằng những lời lẽ thật trí lý, nhưng mọi chuyện đã quá trễ, con xin phép được ví con như một con chim đã bị nhốt trong lồng nhiều năm với đầy đủ thức ăn nhưng thiếu nước uống, bây giờ nó có dịp may được bay ra khỏi lồng, để bay đến một nơi chân trời mới, thì nó đâu còn muốn bay trở về chốn cũ, là nơi đối với nó như một nhà tù bị biệt giam một mình và con đã nhờ một vị luật sư lo thủ tục giấy tờ ly dị tại Tòa án nên xin Thầy hãy thông cảm cho con.”

Ngày hôm sau, tôi cũng tìm cách gặp được anh chàng trai trẻ, là người đã cám dỗ chị Ngọc Thúy với niềm hy vọng thuyết phục được anh ta, là xin anh ta hãy buông tha chị Ngọc Thúy ra và anh hãy khuyên chị ta nên quay trở về với chồng con của chị đang chờ đợi chị ở nhà từng giờ từng phút.

Tôi đã giải thích cho anh ta nghe tình yêu chân thật là chỉ biết cho đi chứ không cần phải nhận lại, đúng như câu hát: Tình cho không biếu không. Anh cũng nên hiểu rằng không ai có quyền ngăn cấm anh yêu một người đàn bà có chồng có con, nhưng đối với lẻ công bằng của một con người có lương tri, dù trực tiếp hay gián tiếp, anh không nên có hành động thiếu lương tâm của con người, để đến phá hoại đời sống hạnh phúc của gia đình người khác như anh đang làm.

Nếu thật sự anh yêu chị Ngọc Thúy hết lòng, thì anh có bổn phận thiêng liêng là phải khuyên bảo chị ta nên quay trở về với chồng với 4 đứa con thơ dại của chị sớm chừng nào tốt chừng ấy và anh cũng nên nhớ câu châm ngôn mà người ta thường nói: Hễ ai gieo gió thì người đó sẽ gặt bão. Đúng như thế và để đáp lại những lời tôi đã khuyên nhủ anh, anh trả lời tôi bằng một câu rất ngắn gọn: “Xin cảm ơn Thầy và con xin thưa với Thầy, là có những trường hợp lý trí không biết được lý lẽ của con tim mà trường hợp của chúng con cũng đang ở trong một tình trạng y như vậy.”

Vấn đề thứ nhất (nên nhớ mỗi tiểu bang luật lệ mỗi khác, nhất là luật dân sự của Louisiana (civil law) áp dụng giống luật của Pháp Napoleon Code), theo như luật hôn phối và gia đình (Marriage and Family) của tiểu bang Oklahoma, điều 43 đoạn 101 nói về ly dị và tiền trợ cấp hôn thê (Divorce and Alimony), đã liệt kê những nguyên cớ pháp lý căn bản (Basically legal grounds) dưới đây, để người chồng hay người vợ chỉ cần căn cứ vào một trong những yếu tố cơ bản này, là có đủ lý do yêu cầu Tòa cứu xét đơn thỉnh nguyện xin ly dị mà chị Ngọc Thúy đã nhờ luật sư đang tiến hành thủ tục ly dị chồng:

1.  Bỏ bê gia đình.

2.  Ngoại tình với người khác.

3.  Bất lực sinh lý hay thể xác.

4.  Có bầu với người khác.

5.  Rất hung dữ.

6.  Bội ước hôn nhân.

7.  Bất hòa với nhau.

8.  Say sưa rượu chè.

9.  Trốn tránh trách nhiệm với gia đình.

10.  Bị lãnh án tù ở về tội hình sự.

11.  Bản án ly dị đã được ban hành ở một tiểu bang khác nhưng người chồng hay người vợ ở tiểu bang này vẫn phải lãnh một số trách nhiệm liên đới với nhau.

12.  Bị bệnh tâm thần liên tục trong 5 năm.

Vấn đề thứ hai là tội ngoại tình (Adultery Offense), có nghĩa là người vợ hay người chồng có hành động tình dục với người khác trong lúc đang chung sống với nhau có hôn thú.

Trong trường hợp của cặp vợ chồng anh Tony Chung như chị Ngọc Thúy đã thú tội với chồng, anh Tony Chung có thể đệ đơn truy tố vợ mình ra Tòa về tội ngoại tình và nếu Tòa xét thấy những bằng chứng cụ thể do anh Tony Chung đưa ra là đúng sự thật, thì Tòa sẽ phán quyết một bản án về hình sự tội ngoại tình đối với chị Ngọc Thúy, vì theo điều luật số 21 đoạn 871 đã quy định những tội danh và những hình phạt (Crimes and Punishments) của tiểu bang Oklahoma, là người nào vi phạm tội danh này, sẽ bị ở tù không quá 5 năm hoặc chỉ bị phạt tiền tối đa là $500.00 Mỹ kim, hoặc vừa bị ở tù lẫn đóng tiền phạt vạ cho Tòa.

Vấn đề thứ ba là bất cứ người đàn ông hay người đàn bà nào đó, có hành động cụ thể liên hệ đến tình dục với người đã có vợ hay có chồng hoặc bằng những hành động can thiệp trực tiếp vào nội bộ gia đình của người khác, làm phá hoại hạnh phúc gia đình của người ta, làm cho vợ chồng người ta phải ly dị nhau.

Trong trường hợp này anh Tony Chung có thể truy tố anh chàng trai trẻ này ra Tòa về hành động mật thiết tư tình với vợ anh mà anh đã nhìn thấy rõ tận mắt và qua lời thú tội của vợ anh, làm cho vợ chồng anh phải xa lìa nhau và 4 đứa con thơ dại trở nên mồ côi Mẹ.

Nếu anh chàng này bị Tòa kết án có phạm tội tư tình thật sự (Alienation of Affections), thì anh ta phải bồi thường thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cho anh Tony Chung và có thể bị lãnh án tù ở. Nhưng đáng tiếc là hầu hết các tiểu bang trong đó có Oklahoma, đều bãi bỏ điều luật lâu đời này, ngoại trừ các tiểu bang như Hawai, Illinois, Mississipi, New Hamsphire, New Mexico, North Carolina, South Dakota và Utah thì vẫn còn duy trì áp dụng điều luật cũ này.

Nói tóm lại, chúng ta nhận thấy các nhân vật trong câu chuyện vừa kể trên đây, những người bị thiệt thòi nhất và đáng thương xót nhất vẫn là 4 đứa con còn dưới tuổi vị thành niên.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn được chứng kiến tận mắt những cảnh gia đình sống rất đầm ấm hạnh phúc như hồi còn ở Việt Nam.

Chúng tôi quen biết một số gia đình sang đây theo diện cựu tù nhân chính trị HO, ban ngày người vợ cũng phải đi làm vất vả cực nhọc cùng với chồng tại các hãng xưởng, nhưng chiều về tới nhà, người vợ vội vàng chạy xuống bếp để nấu cơm cho chồng con ăn bữa cơm tối, buổi sáng trước khi đi làm, người vợ phải thức dậy sớm để pha cà phê cho chồng uống và sửa soạn gói thức ăn cho hai vợ chồng đi làm mang theo cho bữa cơm trưa tại hãng, nhưng người vợ luôn luôn tỏ ra vui vẻ, không bao giờ có một lời than thân trách phận mình với ai hết, chúng ta có thể ví những người vợ này giống như những bông sen mọc trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Chính vì thế mà có một số các con cái của họ, sau khi học thành tài, ra trường có việc làm tốt, đều tỏ ra thương yêu và biết ơn người Mẹ nhiều hơn người Cha, có những trường hợp như vầy, con cái đến tuổi lập gia đình mà vẫn không chịu đi lấy chồng hay lấy vợ, nhất định sống độc thân ở nhà để phụng dưỡng Cha Mẹ.

Chúng tôi đã có nhiều dịp được tiếp xúc với các bà vợ này và các bà đã tâm sự cho chúng tôi biết: mặc dầu ban ngày phải đi làm cực nhọc cùng với chồng, để kiếm thêm lợi tức thì mới đủ chi tiêu trong gia đình hàng tháng và giúp đỡ cho con cái có thêm phương tiện tiếp tục học hành ra trường, để sau này chúng có một tương lai tốt đẹp hơn trên miền đất tự do này, những buổi chiều đi làm về, vì không có người giúp việc trong nhà như thời còn chính phủ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa nên các bà tình nguyện tự tay lo việc bếp nước cho gia đình, chứ không phải bị áp lực nào của chồng con, hơn nữa các bà rất thấu hiểu được những nỗi đau khổ tột cùng về vật chất lẫn tinh thần của người chồng, đã bị giam cầm nơi chốn lao tù cộng sản trong nhiều năm, thì nay họ đã được may mắn sống sót đến nước tự do dân chủ này, và cũng chính nhờ vào những người chồng đã được chính phủ cho phép sang đây theo diện HO, mới có quyền đem vợ con đi theo, nên họ là những người xứng đáng được đền bù lại tất cả những gì mà người vợ có thể làm được cho chồng, và những đưa con khôn lớn có thể làm được cho cha của chúng tại đây.

Chúng ta phải công nhận rằng, đây đúng là những tấm gương sáng chói vô giá, tiêu biểu cho những người vợ Việt Nam, suốt đời chỉ biết hy sinh thân mình cho sự hạnh phúc của chồng và của con cái và cho cả các cháu nội cháu ngoại nữa.

Phó Tế Nguyễn Mạnh San

Tuyên Úy Trại Tù

Ðiền Nguyễn, nhạc sĩ gốc Việt, tác giả Nation of America

Ðiền Nguyễn, nhạc sĩ gốc Việt, tác giả Nation of America

Nguoi-viet.com

Ðức Tuấn/Người Việt

BOSTON (NV) Những lá cờ Hoa Kỳ tung bay phất phới, 100 ca sĩ Mỹ đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi sắc tộc, đứng cạnh bên nhau để cùng hợp ca, trong đó có những người là quân nhân, là cô giáo, em bé học trò, hay công nhân, những chiếc xe quân đội, máy bay lượn trên vòm trời cao, và cảnh cứu người trong sự kiện 9-1-1, Katrina, và Boston Marathon.


Một cảnh trong clip của bài hát Nation of America. (Hình chụp qua Youtube)

Tất cả là những khúc phim tài liệu chạm đến trái tim mọi người, được gom góp, tạo thành linh hồn của ca khúc “Nation of America” hay “Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”

Bài hát này do một người gốc Việt, nhạc sĩ Denny Nguyễn, sáng tác!

Nhạc sĩ Denny Nguyễn, anh tên thật Ðiền Nguyễn, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, theo gia đình định cư Hoa Kỳ năm 1986, diện H.O.

Ðiền Nguyễn đã từng tham gia Thủy Quân Lục Chiến dự bị được khoảng trên hai năm.

“Âm nhạc là tài năng và động lực thúc đẩy tôi trong cuộc sống.” Nhạc sĩ Nguyễn Ðiền nói. Anh kể, đã từng viết rất nhiều ca khúc cho các ca sĩ tên tuổi tại hải ngoại, cũng như trong nước như Trina Bảo Trân, La Sương Sương, Ánh Minh, Dương Triệu Vũ, Ngọc Sơn, Bảo Yến, Thanh Lam…

Nguyễn Ðiền cho biết anh đã từng là ca sĩ, hát cho một vài trung tâm ca nhạc tại hải ngoại.

httpv://www.youtube.com/watch?v=I_XL5fYIC5o

Xem ca khúc Nation of America

“Tôi viết bài ‘Nation of America’ cách đây hai năm.” nhạc sĩ Ðiền Nguyễn tâm sự thêm: “Thật sự tôi muốn sáng tác bài ‘Nation of America’ theo dạng của bài ‘We Are The World.’”

Thêm vào đó thần tượng của Ðiền là nhạc sĩ Trúc Hồ, anh giải thích, bởi vì anh nghe nhiều bài hát hợp ca của trung tâm Asia quá hay, nên anh tự nhủ lòng: “Ước gì mình có thể sáng tác được 1 hay 2 bài, được trình bày hợp ca theo kiểu như thế của anh Trúc Hồ.”

“Sau khi bài hát ‘Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ’ được hoàn tất, mới đầu tôi chỉ dự định nhóm hợp ca bài này là một nhóm nhỏ, khoảng 10 đến 20 ca sĩ là nhiều lắm rồi… Sau khi nghĩ như vậy, tôi gửi đăng những lời cần người, quảng cáo trên các trang mạng, cũng như các tờ báo địa phương.”

Nhạc sĩ trẻ Ðiền Nguyễn tâm sự tiếp: “Vậy đó mà tới chừng vừa gửi thông báo lên các trang mạng, là người ta ùn ùn gọi tới tấp, hẹn cho vào phòng thu thử giọng, kết quả là có cả mấy trăm người muốn tham gia.”

“Cuối cùng tôi quyết định chọn khoảng 100 người để hợp ca bài hát này, mà 100 người đó bao gồm già trẻ lớn bé, và không phân biệt màu da, chủng tộc,” Ðiền nói.


Nhạc sĩ Ðiền Nguyễn (trái) và một người bạn. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)

Hành trình để đi tìm đủ 100 người theo như chàng nhạc sĩ nói, quả thật không hề đơn giản, cặp mắt của anh bỗng sáng rực, khi nhắc đến những kỷ niệm, mà anh nói rằng, “Chẳng phải ngọt ngào gì lắm đâu.”

Bốn chữ “không hề đơn giản” mà anh đề cập đến là một quãng đường dài, một năm, tám ngày, trong đó có 6 tháng ròng rã, người nhạc sĩ, ca sĩ này làm việc miệt mài trong các phòng thu.

“Cái khó khăn cho mình vì tên tuổi và uy tín chưa bao giờ có trong cộng đồng người bản xứ, bởi vậy như khi đi tìm, chọn những em bé để hát chung với dàn hợp xướng, mình phải vào từng trường tiểu học, xin phép những thầy cô hiệu trưởng, trình cho họ bài hát của mình, sau khi họ nghe thấy tốt, họ mới mời phụ huynh đến họp để hỏi ý kiến, và cuối cùng là quyết định cho các con em của họ tham gia vào dàn hợp xướng hay không?”

Ðiền Nguyễn tiếp tục mô tả lại những khó khăn khi tạo dựng bài hát này, anh kể có những đêm lang thang một mình vào các sòng bài, vũ trường lớn có ca hát, “Ngồi nghe từng người ca sĩ của họ hát, từ đầu đến cuối, sau đó mới quyết định chọn ai? và mạnh dạn đến mời họ tham gia, dĩ nhiên là trả thù lao đàng hoàng.”

Anh tâm tình: “Vui lắm, có nhiều ca sĩ mình mời họ hát cho mình, sau khi vào phòng thu, hoàn tất phần việc của họ, xong ra về, lúc gửi bao thư cho họ, họ không lấy, mà còn nói ‘Tôi cảm xúc và vinh dự được tham gia với bạn trong dự án âm nhạc lớn như thế này’, rồi sau đó họ lại là người giúp mình quảng bá bài hát rất tích cực.”

“Bài hát này có thể dịch ra tiếng Việt của mình được không?” Nhạc sĩ Ðiền Nguyễn lắc đầu, anh cho biết dịch sang tiếng Việt sẽ mất ý nghĩa đúng của nó.

“Ý tưởng nào để bạn viết ca khúc này vậy?,” ngừng một chút, nhạc sĩ Ðiền Nguyễn trả lời: “Bởi vì tôi thật sự yêu nước Mỹ.”

Anh nói khi sáng tác bài hát “Nation of America,” anh chỉ nghĩ được thay mặt cho cộng đồng Việt Nam, tỏ bày sự mang ơn đối với đất nước đã và đang cưu mang chúng ta.”

Cũng vẫn theo lời chàng nhạc sĩ, bài hát “Nation of America” đã từng được hát trong một số dịp lễ lớn của cộng đồng Mỹ như lễ khánh thành của nhiều LA fitness, lễ nhậm chức của bà thống đốc tiểu bang Rhode Island, lễ diễn hành của Rhode Island…

Cũng nhờ sự giới thiệu của những chính trị gia, những người bạn Mỹ mến mộ bài hát này, họ đưa đẩy anh đến với những đài radio Mỹ như ở LKVS (San Louis), Illinois, Chicago mời phỏng vấn.

“I love the USA until the day I die”… Câu cuối cùng của bài hát, tất cả chừng ấy nghệ sĩ tham gia trong dàn hợp xướng cùng để bàn tay phải lên ngực trái.

Ðó cũng là hình ảnh gây xúc động mạnh đến người xem.

Ngày 4 tháng 7, tôi yêu nước Mỹ, và cảm ơn đất nước Hoa Kỳ. Thông điệp duy nhất, nhắc nhở mọi người nhân ngày Lễ Ðộc Lập sắp tới.

Mỹ: Người đồng tính có quyền kết hôn trên toàn quốc

Mỹ: Người đồng tính có quyền kết hôn trên toàn quốc

Nguoi-viet.com

WASHINGTON DC (NV) Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu đưa ra phán quyết: Các cặp đôi đồng tính, như những tình nhân khác, có quyền hiến định được kết hôn trên toàn quốc, mà không lệ thuộc vào luật tiểu bang.

Với 5 phiếu thuận, 4 chống, phán quyết này được xem như bước ngoặt của luật về quyền dân sự tại Hoa Kỳ. Hôn nhân đồng tính giờ đây hợp pháp tại tất cả 50 tiểu bang trên toàn nước Mỹ.


Giới ủng hộ hôn nhân đồng tính reo hò sau quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Giới LBTG (lesbian, gay, bisexual, transgender – đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới) và những người ủng hộ hôn nhân đồng tính xem phán quyết này là chiến thắng lớn chờ đợi từ lâu, đúc kết cuộc đấu tranh hơn hai thập niên, đòi cho bằng được quyền bình đẳng về hôn nhân theo Hiến Pháp.

Ngay sau khi quyết định được công bố, nhiều cặp đồng tính tại các tiểu bang đang cấm họ kết hôn, đã kéo nhau ngay đến phòng thư ký quận (County Clerk Recorder Office) để xin giấy hôn thú, vì một số tiểu bang nói rằng họ tôn trọng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Thế nhưng, ít nhất hai tiểu bang, Louisiana và Mississippi, cho biết họ sẽ không cấp hôn thú ngay cho những cặp đồng tính. Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện thường phải 25 ngày sau mới có hiệu lực.

Thẩm Phán Anthony M. Kennedy, người được cho là có lá phiếu quyết định, cũng là vị thẩm phán có ý kiến dài nhất, trình bày: “Quyền kết hôn là quyền cơ bản nằm sẵn trong sự tự do của một con người, và theo đúng thủ tục, cũng như điều khoản bảo vệ bình đẳng của Tu Chính Án 14, các cặp đồng tính không thể bị tước quyền đó và tự do của họ.”

Ông giải thích: “Không có sự kết hợp nào sâu xa hơn hôn nhân, vì nó là hiện thân của lý tưởng cao nhất của tình yêu, lòng trung thành, tận tụy, hy sinh, và tình gia đình. Trong việc kết hôn, hai người trở thành một tập hợp lớn hơn chính họ trước đó.”

Khi Thẩm Phán Kennedy kết thúc phần trình bày ý kiến của mình, một số người tham dự âm thầm lau nước mắt, những người khác cười tươi, ôm chầm lấy nhau.

Tại Vườn Hồng trong Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Barack Obama ca ngợi sự bền tâm của giới ủng hộ hôn nhân đồng tính, những người đã miệt mài đấu tranh tại các cơ quan chính phủ, tòa án mọi cấp, cuối cùng đưa vấn đề lên đến tận Tối Cao Pháp Viện. “Ðôi khi,” ông Obama nói, “có những ngày như thế này, khi nỗ lực chậm chạp nhưng bền bỉ được tưởng thưởng bằng công lý, đến với chúng ta như một tiếng sét.”

“Phán quyết này là một chiến thắng của nước Mỹ, nó khẳng định những gì mà hàng triệu người Mỹ vẫn tin trong trái tim họ, rằng mọi người dân Mỹ đều được đối xử bình đẳng, mọi người Mỹ đều được tự do.” Ông Obama nói.

Ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, Hillary Clinton, gửi một “tweets” rằng bà “hãnh diện được ăn mừng một quyết định lịch sử,” và ca ngợi rằng nỗ lực bền bỉ của giới LGBT trong việc đấu tranh cho bình đẳng hôn nhân đã “thay đổi con tim, suy nghĩ của con người, và thay đổi luật pháp.”

Nhiều người nổi tiếng dùng mạng xã hội để bày tỏ niềm hân hoan trước quyết định này. Một tweeter viết: “Hôm nay, tình yêu là điều hợp pháp cho tất cả mọi người.”

Phản ứng giới bảo thủ

Không phải ai cũng hân hoan với quyết định lịch sử này của Tối Cao Pháp Viện. Giới bảo thủ phản đối phán quyết này một cách mạnh mẽ. Chánh Án John G. Roberts Jr., một trong những người bỏ phiếu chống, lập luận: “Tối Cao Pháp Viện không phải là một cơ quan lập pháp. Việc hôn nhân đồng tính có phải là một ý tưởng tốt hay không, không phải là quan tâm của tòa án này.”

Thẩm Phán Roberts Jr., giải bày: “Vấn đề không nằm ở chỗ theo phán đoán của tôi thể chế hôn nhân có nên được thay đổi để bao gồm các cặp vợ chồng đồng tính. Thay vào đó, câu hỏi phải được đặt ra là, liệu ở một đất nước dân chủ, quyết định này phải nằm trong tay người dân, qua những vị dân cử, hay nên nằm trong tay năm người luật sư, được nắm quyền giải quyết những tranh chấp pháp lý theo luật định.”

Ðồng ý với Thẩm Phán Roberts Jr., Thẩm Phán Antonin Scalia, một nhà bảo thủ khác, nói rằng quyết định này cho thấy Tối Cao Pháp Viện là một “mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ.”

Dù phán quyết này chỉ ảnh hưởng đến luật của các tiểu bang, và các thể chế tôn giáo vẫn có quyền quyết định kết hợp những cuộc hôn nhân đồng tính hay không, giới không ủng hộ phán quyết tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng của quyết định trên những người phản đối hôn nhân đồng tính dựa trên cơ sở tôn giáo.

“Những câu hỏi khó sẽ nảy sinh khi tín đồ một số tôn giáo hành đạo theo quy tắc có thể bị xem là xung đột với quyền mới cho hôn nhân đồng tính.” Thẩm Phán Roberts nói.

Cựu thống đốc tiểu bang Arkansas, ông Mike Huckabee, người từng nói rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ dẫn đến “hình sự hóa Kitô Giáo,” có lẽ là người đưa ra phản ứng sắc bén nhất về quyết định của Tối Cao Pháp Viện, cảnh báo hôm Thứ Sáu, trên trang web của ông, rằng Hoa Kỳ “phải chống lại và loại bỏ chế độ độc tài tư pháp, chứ không được rút lui.”

Thống đốc tiểu bang Louisiana, Bobby Jindal, nói rằng quyết định này “sẽ mở đường cho một cuộc tấn công quyền tự do tôn giáo của người Kitô hữu không đồng ý với hôn nhân đồng tính.”

Thống đốc tiểu bang Wisconsin, Scott Walker, nói “cách đối phó duy nhất còn lại cho nhân dân Mỹ là hỗ trợ việc sửa đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ, để tái khẳng định quyền định nghĩa hôn nhân của các tiểu bang.”

Hầu như tất cả các ứng cử viên Cộng Hòa đều bày tỏ phản đối hôn nhân đồng tính và niềm tin của họ là việc định nghĩa hôn nhân nên dành cho các tiểu bang, nhưng ngay giữa họ cũng có những phản ứng khác nhau. Trong khi thống đốc tiểu bang Wisconsin, ông Scott Walker – mạnh mẽ thúc giục giới bảo thủ chống lại quyết định này, nhiều người khác, chẳng hạn cựu thống đốc Florida, Jeb Bush, và Nghị Sĩ Marco Rubio, Florida, có những tuyên bố dịu nhẹ.

Giới phân tích cho rằng các phản ứng mạnh, nhẹ khác nhau cho thấy thách thức khó khăn đang đối mặt với các ứng cử viên Cộng Hòa, là làm thế nào để vừa thu hút thành phần bảo thủ luôn kịch liệt phản đối hôn nhân đồng tính, mà vẫn không làm mình bị cô lập với số đông cử tri ngày càng có khuynh hướng chấp nhận hôn nhân đồng tính.

Hành trình nhiều thập niên

Với nhiều người, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện là kết quả “không bất ngờ” và “đã đến lúc” phải đạt được gần đúng 46 năm sau vụ bạo loạn tại Stonewall Inn (the Stonewall Inn riots), nơi người dân ném chai vào cảnh sát New York để phản đối sự đàn áp của họ với khách hàng của một quán rượu của người đồng tính, biến cố được xem là khởi đầu của phong trào đấu tranh cho quyền của người đồng tính.

Sau bạo loạn Stonewall Inn vào cuối Tháng Sáu, 1969, giới đồng tính đã trải qua nhiều thăng trầm để đòi quyền bình đẳng trong tình yêu và hôn nhân như mọi người khác.

Một biến cố đáng chú ý, có lợi cho giới đồng tính xảy ra vào ngày 21 Tháng Mười Hai, 1993 khi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ban bố chính sách “Không Hỏi, Không Nói” (Don’t Ask, Don’t Tell), cấm quân đội ngăn cản người nộp đơn vào lính chỉ vì khuynh hướng tình dục của họ.

Ðến Tháng Mười Một, 2008, người dân California bỏ phiếu chấp thuận Proposition 8, biến California thành tiểu bang không chấp nhận hôn nhân đồng tính. Thế nhưng chính kết quả cuộc bỏ phiếu này khiến một nhóm người đứng ra cổ động phong trào chống lại Proposition 8, với nhiều người nổi tiếng nhập cuộc đòi bình đẳng hôn nhân cho người đồng tính.

Thế nhưng phong trào hỗ trợ cho hôn nhân chỉ nóng lên cách đây hai năm khi Tối Cao Pháp Viện bác bỏ một phần của luật Defense of Marriage Act (của liên bang), nói rằng hôn nhân của những cặp vợ chồng đồng tính xứng đáng được tôn trọng và bình đẳng trước pháp luật.

Khi bác bỏ một phần của luật Defense of Marriage Act, lúc đó Tối Cao Pháp Viện chỉ nhằm trả lời một câu hỏi duy nhất về quyền lợi của liên bang cho các cặp vợ chồng, nhưng lập luận này thúc đẩy các thẩm phán dần dà làm mất hiệu lực một loạt các luật tiểu bang hạn chế rằng hôn nhân chỉ có thể xảy ra giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Khi bị bắt buộc phải bảo vệ luật của tiểu bang mình, các luật sư nhà nước đã không thể đưa ra lý do thuyết phục nào để giải thích tại sao các cặp vợ chồng, một số đã chung sống với nhau nhiều năm, nuôi con chung, lại bị từ chối hôn thú.

Không chỉ riêng giới đồng tính đấu tranh đòi bình đẳng, quan niệm của người dân trong mấy thập niên qua cũng dần thay đổi. Chỉ cách đây một thập niên, đa số dân Mỹ nói họ hoàn toàn phản đối hôn nhân đồng tính. Vào đầu năm 2004, để bảo vệ hôn nhân truyền thống, một loạt tiểu bang đưa luật giới hạn hôn nhân, định nghĩa đó là sự kết hợp của hai người khác giới.

Nhưng theo thời gian, đều đặn, kết quả nhiều cuộc trưng cầu dân ý cho thấy quan niệm của dân Hoa Kỳ đã thay đổi. Ngày càng có nhiều người bày tỏ ủng hộ bình đẳng trong hôn nhân. Nhiều người trong số này chấp nhận hôn nhân đồng tính, dù họ không thích điều này trên phương diện tôn giáo hay trong triết lý sống, nhưng họ không thể không đồng ý việc cho mọi người quyền bình đẳng mà bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ đã khẳng định.

Có lẽ Thẩm Phán Kennedy giải thích quyết định của Tối Cao Pháp Viện rõ nhất khi ông nói: “Các cặp đồng tính chỉ đòi hỏi quyền được bình đẳng trước pháp luật. Hiến Pháp của chúng ta cho họ cái quyền đó.” (HG)

Diễn viên bị cướp khi đang đóng phim giữa Sài Gòn

Diễn viên bị cướp khi đang đóng phim giữa Sài Gòn

Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV)Ðang cùng đồng nghiệp đóng phim trên chiếc xe hơi mui trần thì nữ diễn viên Kim Tuyến bị nhóm cướp áp sát, giật chiếc túi hàng hiệu. Camera gắn trên xe hơi đã ghi được hình ảnh tên cướp.

Theo Người Lao Ðộng, trưa 25 tháng 6, 2015, công an xã Bình Hưng xác nhận đã phúc trình công an huyện Bình Chánh, thành phố Sài Gòn, để làm rõ việc nữ diễn viên Kim Tuyến và Minh Luân trình báo việc bị cướp giật trên đường 9A, khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, lúc đang quay phim.


Nhờ có camera mà hình ảnh tên cướp được ghi lại rõ ràng. (Hình: Người Lao Ðộng)

Trên trang Facebook, diễn viên Kim Tuyến chia sẻ: “Báo động tình trạng cướp giật lộng hành… số là trong lúc Kim Tuyến thực hiện cảnh quay đường phố cùng diễn viên Minh Luân thì đã bị bọn ăn cướp dàn cảnh cướp giật… Nếu các bạn có quen biết thì né nhé hoặc inbox cho Kim Tuyến. Mong rằng sớm nhận được tin để lấy lại túi xách raccord và giấy tờ của Kim Tuyến bên trong…,” Kim Tuyến chia sẻ.

Trả lời báo Người Lao Ðộng, diễn viên Kim Tuyến và Minh Luân xác nhận chuyện 2 người bị cướp là có thật và kể lại tường tận sự việc. Kim Tuyến cho biết, khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, cô cùng đồng nghiệp Minh Luân tham gia một cảnh quay của phim “Hồn Lụa” trên xe hơi mui trần tại đường 9A, khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh. Do yêu cầu cảnh quay ngoài trời nắng, máy quay được gắn trên đầu xe hơi nên hai người tự diễn, không có đoàn phim đi chung. “Trên đường có nhiều người đi xung quanh,” Kim Tuyến kể.

Xe đang chạy thì một xe máy vượt lên rồi đi chậm lại, khiến diễn viên Minh Luân phải dừng xe do sợ va chạm. Bất ngờ lúc này bên hông xe hơi xuất hiện xe máy của hai thanh niên khác áp sát, giật phăng chiếc túi xách để trên đùi của nữ diễn viên Kim Tuyến.

“Ðúng là xui xẻo thiệt! Ðang quay phim mà cướp cũng không tha… Bị 3 xe dàn cảnh, 1 xe chặn đầu, 1 xe chở tên cướp và 1 xe không đuổi theo… May là mình nhanh tay giữ cái iPhone nên không bị cướp nhưng bạn Kim Tuyến thì mất sạch,” Minh Luân chia sẻ.

Tuy không bị thương tích nhưng Kim Tuyến cho biết mình rất hoảng loạn và mất hết giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, bằng lái xe và tài sản khoảng 40 triệu đồng. (Tr.N)

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt ở Sài Gòn

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt ở Sài Gòn

Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) – Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, chủ tịch  Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, vừa bị bắt ở Sài Gòn lúc 8 giờ sáng Thứ Năm, 25 Tháng Sáu, giờ Việt Nam.

Nhà báo Phạm Chí Dũng. (Hình: Chuacuuthe.com)

Một nguồn tin của báo Người Việt thuật lời của Thụy My của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết, bà ‘nhận được một tin nhắn vỏn vẹn ba chữ: ‘Anh bị bắt.’

‘Ngay sau đó là một cuộc gọi ngắn gọn của Phạm Chí Dũng, cho biết sáng nay anh vừa ra khỏi nhà thì bị khoảng hai chục người dùng vũ lực buộc anh phải theo họ. Anh tỏ ra rất bình tĩnh.’

Nguồn tin này cho hay, ‘trước đó vài tiếng đồng hồ, anh Phạm Chí Dũng rất vui khi được tin TPA vừa được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua với số phiếu 60-38.’

Và thêm rằng: ‘Những cuộc gọi liên tiếp sau đó vào số điện thoại của anh, tất nhiên là không có hồi đáp – máy bị tắt, hoặc đổ chuông nhưng không ai bắt máy.’

Nhà báo Phạm Chí Dũng được xem là nhà quan sát về chính trị có tiếng ở Việt Nam. Ông cộng tác viết bài, trả lời phỏng vấn của hầu hết các đài phát thanh quốc tế Việt ngữ như RFI, BBC, VOA và RFA. Riêng trên báo Người Việt, ông thường có bài viết nhận định về tình hình Việt Nam cả trên Nhật báo mỗi Thứ Hai hàng tuần và trên Người Việt Online.

Phạm Chí Dũng sinh năm 1966, ông từng là nhà báo, là hội viên Hội Nhà văn thành phố Sài Gòn và từng là đảng viên cộng sản.

Ngày 5 tháng 12 năm 2013, ông Dũng làm đơn xin ra khỏi đảng, vì cho là:”Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân.”

Ngày 04 tháng 7 năm 2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập và ông Phạm Chí Dũng được bầu làm chủ tịch.

Khái niệm thành lập hội bắt nguồn từ Câu lạc bộ Nhà báo Tự do mà blogger  Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) là thành viên chủ chốt. Tổ chức đó sau khi thành hình năm 2007, ông Nguyễn Văn Hải bị truy tố và tổ chức này tan vỡ.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Auskar Surbakti của đài ABC TV 24 Australian vào ngày 28 tháng 7 2014, Chủ tịch Phạm Chí Dũng nói : “Nếu họ có tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam thì họ không cần phải lập hội này. Hội này gồm những người mà muốn có tiếng nói độc lập, muốn chỉ trích những chính sách sai lầm của chính phủ.”

Hồi năm ngoái, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris, lần đầu tiên đã công bố danh sách « 100 anh hùng thông tin » năm 2014, gồm các nhà báo và blogger ở 65 quốc gia trên thế giới. Trong số ba người Việt Nam được vinh danh có ông Phạm Chí Dũng.

Ông Phạm Chí Dũng từng bị an ninh Việt Nam tịch thu hộ chiếu khi ông ra phi trường Tân Sơn Nhất đi tham dự cuộc hội thảo về vấn đề dân chủ và nhân quyền cùng buổi kiểm điểm nhân quyền UPR do Liên Hiệp Quốc tổ chức mà Việt Nam là một trong những nước phải trả lời việc này vào ngày 5 tháng 2, 2014 ở Geneva, do tổ chức UN Watch mời. (KN)

Bức thư của thiên tài Einstein gửi con gái Lieserl

Bức thư của thiên tài Einstein gửi con gái Lieserl

Vào cuối những năm 1980, Lieserl – con gái của vị thiên tài nổi tiếng Einstein đã trao tặng 1.400 bức thư của ông cho trường đại học Hebrew, với yêu cầu duy nhất là không tiết lộ nội dung của những bức thư này trong vòng 2 thập kỷ sau khi ông qua đời. Đây là một trong số những bức thư đó- bức thư dành cho chính Lieserl Einstein.

[Chuyện đẹp] Bức thư của thiên tài Einstein gửi con gái Lieserl

“Khi cha đưa ra Thuyết tương đối, rất ít người có thể hiểu được. Tương tự như vậy, điều mà cha sắp tiết lộ với nhân loại bây giờ đây rồi cũng sẽ vấp phải những hiểu lầm và thành kiến của mọi người.

Cha mong con giữ kín những bức thư này của cha hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ nếu cần thiết, cho tới khi nào xã hội đủ tiến bộ để có thể chấp nhận những điều mà cha sẽ giải thích dưới đây.

Có một loại Lực vô cùng mạnh mẽ, mà cho tới nay khoa học cũng không thể tìm ra lời giải đáp chính xác dành cho nó. Lực này bao gồm và chi phối tất cả những lực khác. Nó thậm chí còn đứng sau bất kỳ hiện tượng nào được vận hành bởi vũ trụ mà chúng ta vẫn chưa thể lí giải. Đó chính là TÌNH YÊU.

Khi những nhà khoa học tìm kiếm một học thuyết chung cho vũ trụ, họ đã bỏ sót Lực vô hình nhưng mạnh mẽ nhất này.

Tình yêu là Ánh sáng chiếu rọi những người biết trao và nhận nó.

Tình yêu là lực hấp dẫn, bởi nó khiến người ta có thể bị cuốn hút bởi một ai đó.

Tình yêu cũng chính là sức mạnh, bởi nó sinh sôi, nảy nở và giúp con người không bị vùi dập bởi sự ích kỷ mù quáng.

Tình yêu hé lộ và gợi mở.

Vì tình yêu chúng ta sẵn sàng sống, và hy sinh.

Tính yêu chính là Thượng đế, và Thượng đế cũng chính là Tình yêu.

Thứ lực này giải thích cho tất cả mọi điều và mang ý nghĩa đến cho cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ qua nó quá lâu. Có lẽ do tồn tại một nỗi sợ hãi rằng: đây là loại năng lượng duy nhất trong vũ trụ mà con người không thể học cách điều khiến bất kỳ lúc nào.

Để có một hình ảnh tượng trưng cho tình yêu, cha đã thực hiện một sự thay thế đơn giản trong phương trình nổi tiếng nhất của mình. Thay vì sử dụng công thức E = mc2, ta chấp nhận rằng, năng lượng hàn gắn thế giới có thể đạt được bằng tình yêu được sản sinh với tốc độ ảnh sáng bình phương, thì chúng ta hoàn toàn có thể đi đến kết luận:Tình yêu chính là một lực mạnh vô song, bởi nó không hề có bất kỳ giới hạn nào.

Sau những sai lầm của nhân loại trong việc sử dụng và điều khiển những nguồn lực trong vũ trụ dẫn tới phản tác dụng, đã đến lúc chúng ta phải nuôi dưỡng mình bằng một loại năng lượng khác…

Nếu loại người muốn tồn tại, nếu ta muốn tìm ý nghĩa của sự sống, nếu ta muốn bảo vệ thế giới và tất cả những loài hữu tình khác, Tình yêu chính là câu trả lời đầu tiên và duy nhất.
Có thể chúng ta chưa sẵn sàng để chế tạo một quả bom tình yêu, một thiết bị đủ mạnh để hoàn toàn phá huỷ sự ghét bỏ, ích kỷ và tham lam đang tàn phá hành tinh này. Nhưng mỗi cá nhân vẫn luôn mang trong mình một chiếc máy phát tình yêu vô cùng mạnh mẽ và luôn sẵn sàng để được giải phóng.

Lieserl con yêu, khi chúng ta học cách cho và nhận nguồn năng lượng vũ trụ này, chúng ta phải thừa nhận rằng tình yêu có thể chinh phục tất cả, vượt qua bất kỳ chướng ngại nào, bởi tình yêu chính là tinh tuý của sự sống.

Cha vô cùng ân hận vì đã không thể nói lên những điều trong trái tim mình, nơi mà từng nhịp đập trong cả cuộc đời này đều dành cho con. Có lẽ đã quá trễ để nói lời xin lỗi, nhưng thời gian cũng chỉ là sự tương đối, cha vẫn cần phải nói với con rằng Cha yêu Con, và nhờ có con mà cha mới có thể đi đến câu trả lời cuối cùng!”

Cha của con,

Albert Einstein

tinhhoa.net

Cao hơn Đỉnh Thái

Cao hơn Đỉnh Thái

Giới thiệu:

Quý anh chị Cursillista rất thân mến.

“ Công Cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Trên đời, những câu chuyện cảm động về tình mẹ có rất nhiều và bàng bạc trong văn chương. Tình Mẫu Tử cao thượng, hy sinh tất cả cho con là điều không thể chối cãi. Nhân ngày Lễ của Cha (Father’s day) chúng tôi muốn chia sẻ với quý Anh Chị một câu chuyện rất cảm động, khi đọc câu chuyện này chúng ta nghĩ rằng đó là một  chuyện cổ tích, nhưng thực ra đây là câu chuyện hoàn toàn có thật, đã lấy đi không biết bao nhiêu là nước mắt của độc giả trên toàn thế giới. Câu chuyện kể về tình Phụ Tử, một tình yêu của người cha dành cho đứa con vô cùng bao la, vĩ đại không bút nào kể xiết. Trong tâm tình đó, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với quý Anh Chị câu chuyện CAO HƠN ĐỈNH THÁI.

Thân kính.

Dick Hoyt và Rick Hoyt, hai cha con 66 tuổi và 44 tuổi, đang nổi tiếng hiện nay trên thế giới với cái tên ‘Đội Hoyt’ (Team Hoyt). Hai con người phi thường này đã lập nên những kỉ lục bất cứ vận động viên vĩ đại nào cũng phải thán phục. Nhưng trên hết đó là một câu chuyện về tình cha con, sự yêu thương và hy sinh vô bờ bến.

Một câu chuyện thật về tình yêu thương, niềm tin và hy vọng

Dick Hoyt đáng được tôn vinh là một người cha vĩ đại. Nếu ai đã trải qua cảm giác phải chăm sóc một người tật nguyền lâu năm, ắt sẽ thấy rằng không có một tình yêu nào có thể lớn hơn tình yêu của ông bố Hoyt với cậu con trai chưa sinh ra đời đã bị chẩn đoán mắc bệnh bại não (cerebral palsy), một loại bệnh tĩnh với các tổn thương não đã định hình khó có thể thay đổi.

Khởi đi từ bất hạnh

Năm 1962, Dick Holt đau xót nhìn đứa con trai chào đời trong tình trạng bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán liệt não, sẽ phải sống như thực vật cả đời. Vì tình trạng đó, các bác sĩ khuyên vợ chồng Dick và Judy nên đưa con vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt. Tuy nhiên, với lòng thương con vô bờ, Holt cha từ chối lời khuyên đó. Người cha trẻ mới 22 tuổi  để ý thấy đôi mắt của Rick, tên đứa con, biết hướng mắt nhìn theo ông khi ông di chuyển quanh phòng. Vì vậy Dick hy vọng và tin tưởng rằng Rick vẫn có thể suy nghĩ và nhận thức được mọi sự việc xảy ra chung quanh.

Thế rồi vợ chồng Dick tìm đủ mọi cách để giúp đứa con tham dự vào mọi sinh hoạt của gia đình. Khi làm bất cứ điều gì, họ cũng tâm niệm rằng Rick đang dõi theo và cố gắng nhận biết tất cả mọi việc, như bất cứ một đứa trẻ nào khác. Đôi vợ chồng nuôi dưỡng niềm tin một ngày con họ có thể giao tiếp được trong một chừng mực nào đó.

Họ đưa con đến những trung tâm phục hồi chức năng, đến cầu cạnh những nhà nghiên cứu y khoa, cho con tham gia vào tất cả các hoạt động gia đình, vui chơi trong vườn, giúp con tận hưởng niềm vui được bơi dưới nước mà đứa trẻ nào cũng khao khát hoặc đưa Rick đi cùng trong các kỳ nghỉ của gia đìn Nói cách khác, cặp vợ chồng trẻ Dick và Judy đối xử với Rick như đối xử với một đứa trẻ bình thường. Để làm được điều đó, họ phải hy sinh hầu như tất cả những thú vui trong đời, dành hết thì giờ bên Rick, tìm hiểu Rick và tiếp tục nuôi hy vọng.

Các bác sĩ, dù đã cố thuyết phục bố mẹ Rick rằng họ chẳng có chút hy vọng nào, dù có cố gắng đến đâu. Tuy nhiên, năm 11 tuổi, trong nỗ lực không thể tả được bằng lời, cha mẹ Rick đã thuyết phục các nhà khoa học Trường Đại học Tuft, bang Massachusetts kể cho Rick nghe một câu chuyện hài. Trước sự ngạc nhiên của họ, Rick đã cười. Các nhà khoa học thừa nhận rằng họ đã lầm, Rick vẫn nhận biết được thế giới sinh động quanh cậu và cậu rất muốn được tham gia và khám phá thế giới ấy.

Cuối cùng, người ta làm riêng cho Rick một chiếc máy tính đặc biệt, có thiết bị gắn vào đầu Rick, bộ phận duy nhất trên người cậu có thể cử động được đôi chút. Thiết bị này giúp Rick mã hóa những điều não cậu muốn nói và chuyển thành âm thanh điện tử. Điều đầu tiên mà cậu bé Rick nói với bố mẹ là một môn thể thao. Bậc phụ huynh đáng kính ấy giờ đây biết thêm một điều, niềm đam mê của con trai họ là thể thao.

Khi chiếc máy mang tên Hi vọng được gắn vào đầu Rick, cậu đồng thời được chấp nhận đến trường học. Cũng trong thời gian này, cậu bé bộc lộ niềm đam mê với môn điền kinh. Năm 1977, khi trường cậu bé có chương trình chạy marathon để quyên góp cho một học sinh bị tai nạn xe hơi, Rick đã nói với bố rằng: “Bố ơi, con muốn chạy để quyên tiền cho bạn ấy!”. Một nguồn tin khác cho biết Rick đã nảy ra cảm hứng muốn tham dự vào các cuộc chạy thể thao sau khi xem một bài báo. Dick, một trung tá thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ, sửng sốt trước ý muốn bất ngờ hầu như không tưởng của đứa con 16 tuổi. Lòng ngập tràn vui mừng lẫn lo âu, người cha ôm con nói: “Được rồi con. Chúng ta sẽ chạy thi.” Thế rồi người cha 37 tuổi mà trước đó chưa hề chạy marathon bao giờ phải khổ luyện tập dợt để sẽ đẩy con chạy.

Thể hiện tình cha

Dick bắt đầu tập luyện chạy mỗi ngày với một bao xi măng đặt trong chiếc xe lăn thay cho trọng lượng của Rick vì Rick bận học ở trường. Dick đã có thể cải thiện sức khỏe của mình rất nhiều mà ngay cả khi đẩy con, ông đã có thể tạo được một kỷ lục cá nhân là 5km trong 17 phút.

Sau khi hai cha con kết thúc cuộc đua đầu tiên dài năm dặm, Rick mừng rỡ nói: “Thưa cha, khi chúng ta đang chạy, con cảm thấy như con không còn tật nguyền nữa.” Dù đang mệt muốn kiệt sức, Dick sung sướng rưng rưng nước mắt trước niềm vui của con.

Từ đó, vì niềm đam mê điền kinh và thể thao nói chung của đứa con tật nguyền, Dick cho con mượn thân xác để tham gia vào những cuộc thi triền miên được tổ chức tại nhiều nơi suốt năm trong và ngoài nước Mỹ với danh hiệu tham dự viên là “Team Holt”.

Năm 1984, Dick trở thành một vận động viên điền kinh nổi tiếng và được mời tham dự các cuộc thi ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ). Đó vốn là cuộc thi dành cho những người có sức khỏe tốt và dẻo dai. Ban tổ chức muốn Dick tham gia và chỉ mình ông mà thôi, không có Rick. Ông từ chối. Năm kế tiếp, họ lại đưa ra lời mời tương tự, nhưng một lần nữa ông lại từ chối nếu không có con trai của mình cùng tham gia.

Dick nói với các nhà tổ chức, “Rick chính là lý do tôi tham gia các cuộc thi này; tôi không muốn thi đấu một mình. Rick là động lực thúc đẩy tôi. Hơn nữa, nếu không có Rick, tôi không biết phải làm gì với hai cánh tay của mình”. Sau khi miệt mài thiết kế cho con những phương tiện an toàn như ban tổ chức yêu cầu, đội Hoyt được tham gia và về đích trong số 50% những người về đầu.

Sau khi hoàn tất cuộc đua Boston Marathon lần thứ 15, cuộc đua mà họ đã bị từ chối vào năm 1981 khi lần đầu tiên đăng ký tham gia, họ đã được tôn vinh như những Anh hùng của nước Mỹ nhân kỷ niệm lần thứ 100 môn marathon.

Năm 2003, Dick bị một cơn trụy tim, tuy nhiên, bác sĩ cho biết chính tình trạng sức khỏe tốt nhờ tham gia thể thao thường xuyên đã cứu sống ông. Sau khi hồi phục, hai cha con Dick và Rick lại tiếp tục những cuộc đua mới. Dick vẫn khăng khăng rằng chính con trai mình mới là vận động viên điền kinh, chứ không phải ông. Dick nói: “Tôi không biết phải giải thích thế nào, nhưng mỗi khi đứng đằng sau chiếc xe lăn của con trai, tôi cảm thấy lâng lâng khó tả. Rick là cỗ máy hoạt động của cả hai chúng tôi. Tôi cho Rick mượn thân thể mình, nhưng chính tinh thần của Rick mới là động lực thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước”.

Thành tích 36 năm kiên trì

Mặc dù người ta nhìn thấy Dick và Rick Hoyt trên trường đua nhiều lần, nhưng không lần nào khán giả ngừng ngưỡng phục người cha đáng kính vừa chạy vừa đẩy con mình đang ngồi trong xe lăn, gò lưng đạp xe kéo theo một chiếc xe lăn lên dốc xuống đồi, hay vừa bơi vừa kéo đứa con tật nguyền.

Rick cũng đã chứng tỏ mình hơn cả một vận động viên “đặc biệt” khi lấy xong bằng tốt nghiệp Đại học Boston và trở thành người khuyết tật bại não đầu tiên tốt nghiệp đại học. Rick làm việc tại phòng thí nghiệm máy tính của trường, nơi anh có thể hỗ trợ phát triển một hệ thống giúp những người khuyết tật có thễ giao tiếp thông qua các cử động của đôi mắt. Rick nói: “Tôi đã chứng minh cho những người khuyết tật thấy rằng họ không nhất thiết phải suốt đời ngồi yên một chỗ và nhìn cuộc sống trôi qua trước mắt. Họ cũng có thể tới trường, có việc làm và tham gia vào các hoạt động hàng ngày trong xã hội”.

Tính đến hết năm 2009, Team Holt đã tham gia cả thảy 1.009 cuộc thi, trong đó có đủ các môn, từ marathon đến ba môn phối hợp và thậm chí cuộc chạy bộ vòng quanh nước Mỹ. Đội Holt luôn về đến đích trong các cuộc đua, có khi bỏ lại phía sau hơn một nửa số vận động viên khác và đôi lần về nhất.

Đội Hoyt được tôn vinh tên tuổi vào Viện Người Thép Danh Tiếng (Ionman Hall of Fame) vào năm 2008.

Tính đến tháng Tư năm 2013, hai cha con Hoyt đã tham dự tổng cộng 1,077 cuộc chạy gay go đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ, trong số đó gồm có 70 cuộc đua chạy việt dã (marathon) và sáu cuộc đua tam hợp Người Thép (Ionman triathlon). Họ đã tham dự cả thảy 30 lần trong giải Boston Marathon. Ngoài ra, để bổ sung vào danh sách những thành tựu của họ, năm 1992 cha con Dick và Rick đạp xe và chạy vòng quanh nước Mỹ, hoàn thành khoảng đường dài 3,735 dặm (6,011 km) trong 45 ngày.

Khi dự thi ba bộ môn thể thao phối hợp triathlon, Dick bơi với giây cột quanh eo để kéo Rick nằm trên một xuồng phao. Qua phần đua xe đạp, Rick ngồi phiá trước một chiếc xe đạp dọc được thiết kế đặc biệt. Đối với phần chạy bộ, Dick đẩy Rick ngồi trên xe lăn.

Năm  2013, Dick đã là một người già 73 tuổi và Rick đã 51 tuổi nhưng mãi mãi vẫn là một đứa con tật nguyền. Mỗi lần chuyển đổi giữa các bộ môn thi từ bơi sang đạp xe đạp, từ đạp xe đạp đổi qua chạy bộ, người cha già phải thao tác thật nhanh tự tay bồng con đặt vào ghế, nai nịch an toàn, xong tiếp tục cuộc thi. Xin mời xem đoạn phim thật cảm động dưới đây:

Click:  http://www.youtube.com/watch?v=QnN5bvVtVao.

Thú thật cùng quý Anh Chị, cứ mỗi lần xem đoạn video này, tôi không khỏi nghẹn lòng, phải ngưng gõ bàn phím chữ và ngồi thừ ra một lúc. Đây quả là một trong những đoạn video về tình cha  gây xúc động nhất.

Ngày nay, hai cha con Holt -hay nói cho đúng hơn là người cha Dick Holt đã già- mỗi năm dự đua ít hơn và dành thì giờ cho các cuộc nói chuyện trước công chúng nhiều hơn. Thuở bắt đầu sự nghiệp thể thao, họ tham gia 50 cuộc đua mỗi năm nhưng bây giờ chỉ nhắm mục tiêu tham dự còn khoảng phân nửa số lượng đó mỗi năm mà thôi. Holt cha cho biết chưa có ý định hoàn toàn rút lui các cuộc thi.

Ngày 08 tháng Tư năm 2013, một bức tượng đồng vinh danh cha con Hoyt đã được khánh thành gần khởi điểm của cuộc chạy đua Boston Marathon tại Hopkinton, Massachusetts.

Do vụ khủng bố đặt bom nổ ngày 15 tháng Tư, Đội Hoyt chưa kịp hoàn tất cuộc chạy đua Boston Marathon năm 2013. Lúc vụ nổ xảy ra, họ còn cách lằn mức đích khoảng một dặm và đã bị giới hữu trách cuộc đua chặn lại cùng với hàng ngàn vận động viên khác. Họ an toàn và được một người lái xe SUV ngang qua chở họ đến khách sạn Sheraton tạm trú.

Kết luận

Tình yêu vị tha thực sự giúp con người có được sức mạnh để làm những điều không tưởng. Sở dĩ ông Dick Hoyt có đủ kiên nhẫn và nghị lực trải qua tất cả những cuộc đua đầy thử thách là vì ông đã tìm thấy mục đích cao cả trong đời là đem lại niềm vui và hạnh phúc của con trai ông. Ông không muốn để cho con mình bị xem là người thừa trong xã hội. Ông muốn cho con tham gia vào các hoạt động xã hội để giúp con cảm thấy hạnh phúc.Vì lẽ đó, ông đã luôn cố gắng hơn bao giờ hết.

“Nếu trong tim ta có một tình yêu vô điều kiện, ta có thể tìm thấy cho mình một nguồn năng lượng to lớn để thực hiện những điều không tưởng. Ta có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và chuyển hóa mọi giới hạn đó thành điều kỳ diệu.”

Khẩu hiệu của Đội Hoyt đó là “bạn có thế” và họ chính là sự minh chứng sống khẳng định bạn có thể khi bạn quyết định làm. Thông điệp của đội Hoyt đã làm rung động mọi người.

Dù có mang trên người những khiếm khuyết về mặt thể chất hay không đi chăng nữa, chúng ta có thể học được rất nhiều từ câu chuyện của họ, hãy cho ước mơ của chúng ta một hy vọng, một cơ hội thứ hai để sống mặc cho tuổi tác có như thế nào đi chăng nữa, và hãy nhìn thế giới một cách rộng mở hơn. Câu chuyện của Rick và Dick cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng ta cho rằng “không thể” cho tới giờ và hãy thử cố gắng hết sức một lần nữa xem.

Tóm tắt về thành quả giúp con vượt lên trên số phận, Dick Holt nói: “Tôi yêu gia đình và chỉ muốn trở thành một người cha tốt nhất trong khả năng của tôi. Chỉ cần có được niềm vui khi ở bên cạnh con, được tận hưởng những giây phút đó, chúng tôi sẽ tiếp tục vượt  qua được những khó khăn trở ngại phía trước”.

Qua 36 năm dài sống cho con và hy sinh cho con, ông quả xứng đáng là một trong những người cha tốt nhất thế giới.

Phan Hạnh sưu tầm.

BMH

Washington, D.C

Sẽ không ai thay thế được GS-TS Trần Văn Khê’

Sẽ không ai thay thế được GS-TS Trần Văn Khê’

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê là thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO.

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê là thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO.

Khánh An-VOA

24.06.2015

GS-TS. Trần Văn Khê, một cây “đại thụ” trong làng văn hóa Việt Nam, vừa từ trần vào lúc 2:55 ngày 24/6/2015 ở tuổi 94. Với bề dày đồ sộ các công trình nghiên cứu âm nhạc, ông là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO và là người có công đầu trong việc giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với thế giới. Ngoài vốn kiến thức lỗi lạc, GS-TS. Trần Văn Khê còn được giới văn nghệ sĩ Việt Nam kính phục vì những phẩm chất đáng quý của một người làm văn hóa một cách nghiêm túc và tử tế.

GS-TS. Trần Văn Khê sinh ra trong một gia đình được xem là “nhà nòi” làm nghệ thuật. Gia đình ông có bốn đời chuyên về âm nhạc truyền thống. Cụ cố Trần Quang Thọ là nhạc ông triều đình Huế trước đây. Ông nội là Trần Quang Diệm biết đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà. Cha là Trần Quang Triều biết nhiều nhạc cụ, đặc biệt là độc huyền cầm và đờn kìm.

Cụ cố ngoại là Nguyễn Tri Phương làm đến chức Khâm sai Kinh Lược Nam Kỳ. Ngoại tổ là Nguyễn Tri Túc vốn là người đã nuôi rất nhiều nhạc sĩ danh tiếng vùng Cần Đước, Vĩnh Kim. Các cô, cậu họ hàng của GS-TS. Trần Văn Khê cũng là những người đã góp phần trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Tuy nhiên, ông lại bị mồ côi rất sớm. 9 tuổi ông mất mẹ, 10 tuổi mất cha. Trong cuốn tự truyện rất được mến mộ, GS-TS. Trần Văn Khê xem biến cố đau thương này vừa là nghịch cảnh, lại vừa là động lực cho ông cố gắng hoàn thiện mình trên mỗi bước đường đời.

” Có thể sau này có người tài ba hơn thầy, giỏi hơn thầy, nhưng vị trí, ý nghĩa xã hội, ý nghĩa cuộc sống của thầy Trần Văn Khê là sẽ không thay thế được.

Đạo diễn Tấn Phát”

Thuở bé, GS-TS. Trần Văn Khê đã tỏ ra rất sáng dạ. Ông là một trong hai người duy nhất trong tỉnh đậu bằng chữ Hán khi mới học tiểu học. Lên trung học, ông được cấp học bổng vào trường Trương Vĩnh Ký và năm nào ông cũng đứng đầu lớp. Hoàn tất trung học, ông lại được cấp học bổng đặc biệt của chính phủ thuộc địa để ra Hà Nội học Y khoa. Nhưng đến năm thứ nhì thì vấn đề sức khỏe và sự kiện phong trào “Xếp bút nghiên” đã khiến ông phải bỏ dở trường thuốc.

Sau đó, ông sang Pháp và thi đậu vào trường chính trị nổi tiếng Sciences Po ở Paris. Rồi ông sang La Haye học Luật quốc tế và được tuyển vào làm thư ký quốc tế cho Liên Hiệp Quốc. Năm 1952, ông ghi tên soạn luận án tiến sĩ đại học Paris. Năm 1954 – 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị làm luận án tiến sĩ. Đến tháng 6/1958, ông đậu tối ưu tiến sĩ Văn khoa, môn Nhạc học tại đại học Sorbonne, với luận án chính về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Một biểu tượng của văn hóa Việt Nam

Sự nghiệp nghiên cứu và đóng góp ủa ông cho âm nhạc truyền thống Việt Nam cho tới nay không ai có thể sánh bằng. Ông là người đã có công đầu trong việc giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam với thế giới.

TS. Nguyễn Xuân Diện, người có vinh dự được làm việc cùng với ông trong thời gian làm hồ sơ đề nghị đưa ca trù Việt Nam vào UNESCO cho biết:

“Tất cả những hoạt động của ông từ nửa thế kỷ nay đều phụng sự cho văn hóa, âm nhạc Việt Nam, giới thiệu văn hóa, âm nhạc Việt Nam đi khắp năm châu bốn bể. Ông có những việc làm để gìn giữ tất cả những nét đẹp tinh hoa của Việt Nam trong văn hóa và âm nhạc. Chúng ta nhớ là năm 1976, khi mà quan họ, ca trù có một đời sống lay lắt thì GS. Trần Văn Khê trở về và ghi những đĩa hát về quan họ và ca trù, ghi âm với những nghệ nhân giỏi nhất thời bấy giờ, để đi giới thiệu với UNESCO, cho UNESCO in ra 400 đĩa gửi đi khắp nơi. Sau đó, nó có một tiếng vọng rất lớn trở lại Việt Nam. Tuy GS. Trần Văn Khê đã qua đời nhưng tất cả di sản đồ sộ cũng như những cống hiến lớn lao của ông đã khiến cho GS. Trần Văn Khê trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam”.

Một nhân cách lớn

Làm việc nghiêm túc nhưng rất bình dị, gần gũi, quan tâm đến những người xung quanh là đặc điểm khiến cho nhiều người có dịp làm việc với GS-TS. Trần Văn Khê kính phục và yêu mến ông. Đạo diễn Tấn Phát, người đã cùng làm việc với ông gần đây nhất trong chuỗi chương trình “Vinh danh văn hoá Nam bộ”, kể:

“Thầy vô cùng bình dị. Ngày xưa khi chưa gặp thầy, tôi nghĩ một người lỗi lạc như thầy chắc có lẽ phải cao sang, cao xa. Nhưng khi làm việc với thầy thì thầy rất bình dị, từ cách ăn mặc đến cách giao tiếp. Đối với mọi người, thầy rất quan tâm, chu đáo. Người nào thầy đã gặp rồi thì thầy nhớ. Cuộc sống thầy cũng rất đơn giản. Căn phòng thầy ở, món ăn thầy ăn đều rất đơn giản và dân tộc. Đó là một trong những điều khiến tôi khâm phục thầy nhất”.

” GS. Trần Văn Khê đã qua đời nhưng tất cả di sản đồ sộ cũng như những cống hiến lớn lao của ông đã khiến cho GS. Trần Văn Khê trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

TS. Nguyễn Xuân Diện”

TS. Nguyễn Xuân Diện rất nể phục GS-TS. Trần Văn Khê về tính công tâm, minh bạch trong công việc. Ông kể:

“GS. Trần Văn Khê luôn là một người thật sự công tâm, khách quan, minh bạch. GS. Trần Văn Khê được chính phủ Việt Nam mời về để làm cố vấn cho việc trình hồ sơ lên UNESCO cho ca trù Việt Nam, giáo sư đã yêu cầu Viện Âm nhạc và Bộ Văn hóa mời tôi để viết phần lịch sử và sự phát triển của ca trù. GS. Trần Văn Khê có gọi tôi đến và yêu cầu tôi phải đưa ra những tư liệu xác thực nhất, có thể kiểm chứng được trên thực tế, không được dựa trên những huyền thoại, truyền thuyết, mà phải dựa trên những tài liệu xác đáng bằng văn bia và các tài liệu Hán Nôm”.

TS. Diện kể trong một lần khác, chính phủ Việt Nam đề nghị giáo sư đưa môn đờn ca tài tử (vốn là sở trường của ông) trình lên UNESCO để được công nhân là văn hóa phi vật thể, giáo sư đã từ chối với lý lẽ đờn ca tài tử tuy đặc biệt nhưng vẫn xếp sau một số bộ môn nghệ thuật khác.

Tuy sự ra đi của GS-TS. Trần Văn Khê đã được dự báo trước, nhưng nhiều người không khỏi bồi hồi, luyến tiếc. Đạo diễn Tấn Phát nhận định việc mất đi GS-TS. Trần Văn Khê là một mất mát to lớn cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Đạo diễn nói:

“Sẽ không có người thay thế. Có thể sau này có người tài ba hơn thầy, giỏi hơn thầy, nhưng vị trí, ý nghĩa xã hội, ý nghĩa cuộc sống của thầy Trần Văn Khê là sẽ không thay thế được”.

Ngay cả đến lúc cuối đời, GS-TS. Trần Văn Khê cũng khiến cho nhiều người phải ngả mũ kính phục ông vì những sắp xếp hậu sự qua bản di chúc, trong đó, ông tiếp tục cống hiến phần tài sản cuối cùng cho những công việc lưu truyền và phát huy văn hóa Việt Nam. Ông cũng không quên sắp xếp cuộc sống cho người giúp việc đã đỡ đần ông trong nhiều năm cuối đời.

Cuộc sống người bán vé số ở Sài Gòn

Cuộc sống người bán vé số ở Sài Gòn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2015-06-19

Cuộc sống người bán vé số ở Sài Gòn Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Untitled-1.jpg

Người già cầm xấp vé số trên tay ở Sài Gòn

RFA photo

Your browser does not support the audio element.

Sài Gòn như một điểm dừng không thể đi thêm được nữa của người lao động nghèo. Mặc dù Sài Gòn đất chật người đông nhưng có vẻ như bất kì người lao động từ miến Bắc, miền Trung hay miền Tây Nam Bộ nào khi đi tìm đất hứa đều nghĩ đến Sài Gòn. Có người vào Sài Gòn để làm thuê, phụ hồ, chạy xe ôm, chạy xe ba gác, người ít vốn, không đủ sức khỏe thì đi buôn đậu phộng rang, đi bán me xoài cốc ổi, bán trái cây dạo. Và những người quá nghèo, vốn liếng duy nhất có thể cầm cược với người khác là thẻ căn cước thì họ sẽ dùng thẻ căn cước cầm cho đại lý vé số để mang vé số đi bán mỗi ngày.

Đất chật người đông, cạnh tranh khốc liệt

Việc bán vé số trên đất Sài Gòn thời kinh tế khó khăn nghe ra hết sức chật vật, cạnh tranh khốc liệt mà trong cuộc cạnh tranh này, người nghèo bao giờ cũng thua thiệt nhiều thứ. Có một điểm chung là đa phần người lao động Quảng Nam và Quảng Ngãi đều chọn nghề bán vé số trên đất Sài Gòn để sống qua ngày. Và nếu như thử dạo một vòng trên các quận Sài Gòn, dễ dàng bắt gặp người bán vé số gốc Quảng Nam, Quảng Ngãi chiếm số đông, sau đó đến người Bình Định, Phú Yên và thi thoảng gặp một vài người đến từ miệt Tây Nam Bộ.

Một người bán vé số tên Lý, đến từ Thăng Bình, Quảng Nam, chia sẻ: “Một bữa thì kiếm bảy chục, bốn chục, năm chục kiếm tiền qua bữa. Nếu mình đau thì họ cho một lon sữa hoặc Tết thì có chai dầu với gói bột ngọt. Giờ đi không nổi, xa quá mỏi chân đi không nổi bằng mấy đứa con gái nó mạnh. Buổi sáng thì ăn bánh mì năm ngàn, hoặc tô bún, nếu có tiền thì ăn mười ngàn, không có thì ăn năm ngàn, bảy ngàn giống ổ bánh mì. Buổi trưa cũng ăn cơm năm ngàn nếu họ không bán thì mua bảy ngàn. Bữa nay họ ít trúng nên họ ít mua, bán không ra, đi chết người luôn.”

Theo bà Lý, hiện nay, số lượng người Quảng Nam, Quảng Ngãi đi bán vé số trên đất Sài Gòn chiếm rất đông, họ sống tập trung ở các khu nhà trọ trong quận Tân Bình và Gò Vấp. Sở dĩ người bán vé số sống tập trung ở hai quận này vì đây cũng là hai địa điểm có người miền Trung định cư trên đất Sài Gòn nhiều nhất. Chỉ riêng khu xóm chợ Bà Hoa, Tân Bình đã có đến vài trăm người Quảng Nam, Quảng Ngãi vào trọ để bán vé số.

Cũng trong khu vực này, chiếm hầu hết là người Quảng Nam định cư, chính vì có nhiều đồng hương đi trước, đã ổn định ở nơi đây nên những lao động nghèo đã chọn đất Tân Bình và Gò Vấp như một chỗ dựa lúc sa cơ lỡ vận mặc dù tình đồng hương ở đây cũng không giúp được gì cho họ. Nhưng dẫu sao, có chung giọng nói, thói quen và quê cũ cũng giúp những người tha phương cầu thực cảm thấy ấm lòng nơi đất khách quê người.

Nhưng cũng theo bà Lý, cuộc cạnh tranh trong nghề bán vé số càng lúc càng trở nên khốc liệt, đôi khi chính các đồng hương với nhau trở thành đối thủ đáng sợ của nhau. Ví dụ như một người Quảng Nam hay Quảng Ngãi đã ổn định, có nhà cửa nơi Sài Gòn sẽ dễ dàng trụ lại trong cơn lốc kinh tế trượt dốc. Một người thất nghiệp chỉ cần bày một chiếc bàn trước cửa nhà, nhận một loạt vé số về bán và khi bán họ sẽ có chế độ ưu đãi đặc biệt cho khách hàng, sẽ hút khách gấp nhiều lần so với người đi bán dạo.

Ví dụ như trường hợp khuyến mãi một cặp vé 50 tờ, nếu trúng hai số cuối của giải đặc biệt sẽ được nhận 500 ngàn đồng. Nếu làm một phép toán kinh tế, chuyện này rất đơn giản. 50 tấm vé loại 10 ngàn đồng, người bán sẽ lãi được 50 ngàn đồng theo mức hoa hồng 10%. Và khi bán xong cặp vé 50 tấm, đại lý chỉ cần gọi điện thoại cho số đề, ghi hai số cuối của cặp vé vừa bán theo diện đầu đuôi hoặc theo diện đuôi chừng 20 ngàn đồng.

Nếu tối đó xuất hiện hai số cuối trong giải đặc biệt, đại lý vé số sẽ trúng đề được từ bảy trăm ngàn đồng nếu ghi đầu đuôi đến một triệu bốn trăm ngàn đồng nếu chỉ ghi số đuôi. Như vậy, vẫn lãi được 30 ngàn đồng từ hoa hồng mà vẫn dư được 200 ngàn đồng hoặc 400 ngàn đồng nếu xuất hiện hai số đuôi, sau khi đã thanh toán giải thưởng cho khách.

Chính nhờ lợi thế ngồi tại chỗ, bán cặp lớn và thu hút được những khách hàng chịu chơi bởi số lượng vé nhiều, phong phú, khác xa với người đi bán dạo chỉ có lèo tèo một đến hai trăm vé, trong đó gánh cả tiền thuê phòng trọ, tiền ăn, tiền tích lũy phòng khi đau ốm, tiền gửi về giúp đỡ gia đình ngoài quê. Nói theo cách gì, người bán vé số dạo cũng không thể nào cạnh tranh nổi với các điểm bán cố định.

Thu nhập ngày càng teo tóp

veso-400.jpg

Một người bán vé số đang mời khách. RFA photo

Một người bán vé số tên Nhường, đến từ Quảng Ngãi, hiện trú ngụ tại Gò Vấp, Sài Gòn, chia sẻ: “Tuổi già mà đi bán vé số là bất đắc dĩ vì cuộc sống mà phải làm, chứ nắng thế này đi đau đớn lắm. Vì không có con cháu, không có nhà cửa nên phải ở nhờ nhà họ. Bữa trưa gặp dọc đường thì ăn đại một miếng.”

Theo ông Nhường, việc đi bán vé số mỗi ngày, nếu nói lãng mạn một chút là đánh cược sự may mắn cho một ai đó thì cũng là việc đánh cược sự may mắn và sức khỏe của bản thân với nắng mưa, với xe cộ ngược xuôi và với bản thân mỗi ngày thêm mệt mỏi, rời rạc, hết muốn sống.

Nhưng con người, một khi còn thở thì còn phải biết lăn lê ngoài đời để kiếm ăn. Mặc dù với tuổi đời thuộc vào dạng “cổ lai hy” nhưng ông không có nơi nương tựa, nếu nghỉ bán vé số cũng không có gì để ăn, không có chỗ để ở. Ông có mệt cũng phải bước ra đường mà mời từng tấm vé số. Nếu bỏ cuộc về quê, cái nghèo sẽ chào đón ông trong vòng vài ngày, sau đó cái đói ghé đến, thậm chí chết không có tiền mua quan tài. Chính vì vậy, ông phải nỗ lực mỗi ngày để dành dụm, tích lũy phòng khi nhắm mắt xuôi tay, hàng xóm có cái để mua giùm ông chiếc quan tài.

Hiện tại, mỗi ngày ông Nhường đi bộ từ mười đến hai chục cây số, dạo qua các quán cà phê, quán cơm ở các quận Gò Vấp, Tân Bình, có khi xuống đến quận Thủ Đức rồi lại quay về đại lý trả vé số thừa trước bốn giờ chiều. Dù mệt cỡ nào ông cũng phải có mặt tại đại lý lúc bốn giờ kém. Nếu về không kịp, số vé thừa ông phải tự ôm lấy và đền tiền cho nhà nước.

Có ngày đi bán chỉ kiếm được hai chục ngàn đồng, cũng có ngày mưa gió, không thể bán được, ông chỉ cầu trời bán cho được mười tờ quanh quẩn chỗ quán cà phê gần phòng trọ và đội mưa đến đại lý trả vé. Có được mười ngàn, ông sẽ mua được một gói mì tôm loại rẻ và hai ổ bánh mì không. Như vậy đã đủ một bữa ấm lòng. Trường hợp trời không mưa mà bán ế thì ông sẽ đến quán cơm từ thiện giá hai ngàn đồng để ăn. Cũng có bữa ông được hàng cơm cho cơm để ăn.

Ông Nhường nói rằng đâu chỉ riêng ông già cả, khó khăn phải bươn chải trên đất Sài Gòn này mà hầu hết những người già không nơi nương tựa, chưa đủ tám mươi tuổi để nhận mỗi tháng 180 ngàn đồng của nhà nước hằng tháng, thì đều phải bươn bả ngược xuôi, đều phải chật vật kiếm ăn qua ngày giữa đất Sài Gòn. Dù sao ông cũng cám ơn Sài Gòn đã mở rộng vòng tay cưu mang ông và những người cùng khổ giống như ông!

KHỎI CHỨNG BẠI LIỆT NHỜ TÌNH PHỤ TỬ BAO LA

KHỎI CHỨNG BẠI LIỆT NHỜ TÌNH PHỤ TỬ BAO LA

Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt

Bà Alessandra York là phụ nữ Hoa Kỳ.  Với mái tóc vàng óng ánh, với đôi mắt tinh anh và với dáng đi uyển chuyển, bà là biểu tượng cho mẫu phụ nữ tự tin, yêu đời và thành công trong cuộc sống.  Nhưng sỡ dĩ bà được như thế là nhờ đức kiên nhẫn, lòng can đảm và tình thương bao la của hiền phụ.  Sau đây là chứng từ của bà về người Cha đáng kính.

Mùa hè năm 1949 – tôi lên 8 tuổi – Hoa Kỳ trải qua thời kỳ đau thương.  Đây đó trên toàn nước bị bệnh dịch tê bại trẻ con hoành hành.  Tại nhiều thành phố, nhà thương không còn chỗ để tiếp nhận các trẻ em đáng thương.  Người ta phải đặt thêm giường trên các hành lang.

Tôi là một trong số các trẻ em bị bệnh này.  Chứng bệnh ban đầu làm cho tôi không nuốt được.  Tiếp đến: cổ, hai chân và cánh tay phải hoàn toàn bị tê liệt.  Tôi được chở đến nhà thương.  Các bác sĩ nói với Cha Mẹ tôi là tôi không thoát ra được chứng bệnh hiểm nghèo này.

Bệnh tê bại từ từ lan rộng sang các phần thân thể khác.  Nhưng phần bị nặng nhất là các đốt xương nơi cổ, khiến tôi không thể nào nhấc đầu lên khỏi chiếc gối.

Các bác sĩ giải thích cho Cha Mẹ tôi hiểu rằng, nếu theo một lối chữa trị thích hợp, có lẽ tôi sẽ đi đứng và sử dụng được cánh tay phải, nhưng tôi phải mang một vòng bao quanh cổ và phải theo học nơi trường dành cho các trẻ em tàn tật.

Ý nghĩ rồi đây tôi sẽ trở thành một đứa trẻ tàn tật, luôn luôn tùy thuộc người khác và là đối tượng cho lòng xót thương, khiến thân phụ tôi không thể nào chấp nhận được.  Ba tôi lục lọi tìm đọc tất cả sách nói về chứng bại trẻ em.  Ba tôi cũng thăm dò ý kiến các bác sĩ và y tá.  Sau cùng, Ba tôi thấy rằng, cần phải đưa tôi ra khỏi nhà thương càng sớm càng tốt để bắt đầu các buổi thực tập hầu tôi có thể sử dụng lại tứ chi.  Trong khi chờ đợi, Ba nói với tôi:

– Con phải làm tất cả những gì các bác sĩ và y tá bảo con làm, và phải làm cho tận lực!

“Phải làm cho tận lực”, là điều Ba vẫn hằng nhắn nhủ tôi, và hôm nay, Ba tôi trịnh trọng nhắc lại.

Thời gian sau đó, tôi thấy các trẻ gái lần lượt rời nhà thương trên xe lăn.  Ba nói với tôi:

– Con cũng sẽ rời nhà thương, nhưng không phải trên xe lăn mà bằng hai chân của con!

Ba tôi không bao giờ nói:

– Nếu con được khỏi bệnh,

nhưng luôn luôn nói:

– Khi nào con khỏi bệnh.

Từ tuổi lên 3, tôi theo học các khóa dạy vũ cổ điển.  Nhớ lại các bài học, tôi tận dụng các hiểu biết để tìm ra phương pháp giúp tôi ngồi yên trên giường được hai ba phút.  Tôi cũng tìm cách giữ cho đầu thăng bằng.  Các bác sĩ không thấy gì là đặc biệt, nhưng Ba tôi thì thật vui mừng, như thể là tôi sắp lành bệnh đến nơi!

Tôi rời nhà thương, nhưng vẫn chưa đi được.  Thay vì đẩy tôi trên xe lăn, Ba tôi quyết định bồng tôi trên đôi tay người.

Tôi học đánh dương cầm từ tuổi lên năm.  Khi về đến nhà, Ba tôi ngồi trước đàn và đặt tôi ngồi trên đầu gối của người.  Giữ cho tôi được thăng bằng xong, Ba tôi để hai bàn tay tôi trên các phím đàn.

Nhưng tay phải của tôi cứ buông thõng xuống, trượt ra khỏi các phím đàn.  Thấy thế Ba tôi nói:

– Không sao cả:  Thế nào con cũng chơi đàn trở lại.  Rồi con sẽ thấy!

Ba tôi mời bác sĩ đến tận nhà tập cho tôi sử dụng các bắp thịt.  Chính Ba tôi cũng bỏ bớt việc làm để đứng ra tập luyện cho tôi.  Từ từ tôi có thể đi đứng được, giữ cho đầu thăng bằng và chơi được vài nốt đàn.

Mùa thu năm sau, tôi trở lại trường học và trở lại với môn dương cầm và môn vũ cổ điển.

Khi bước vào bậc trung học, tôi là thiếu nữ bình thường như bao thiếu nữ khác.  Ba nói với tôi:

– Con sắp gặp số đông học sinh không biết gì về chứng bệnh của con.  Vậy con đừng nói với ai cả.  Bệnh tật đã qua rồi.

Tôi tuyệt đối nghe theo lời khuyên của Ba.  Ngay cả giờ đây, chỉ trừ ít người thân và bạn bè, còn lại không ai biết tôi từng bị bệnh tê liệt.

Ba tôi qua đời vào năm 61 tuổi.  Nhưng trước đó, Ba hãnh diện đưa tôi vào nhà thờ ngày tôi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối.  Sau đó, Ba sung sướng khi thấy tôi xuất hiện trên màn ảnh truyền hình.  Rồi Ba cảm động đọc các tác phẩm tôi viết về sức khoẻ và về sắc đẹp.  Nói tóm lại, Ba chứng kiến tất cả thành công của tôi, và nhất là Ba tôi biết rằng, tôi là phụ nữ tự tin, hạnh phúc và ngẩng cao đầu khi góp mặt với đời.

Tất cả thành công tôi đạt được là nhờ công ơn trời biển của hiền phụ tôi.  Người không đầu hàng trước căn bệnh hiểm nguy của tôi và cùng tôi chiến thắng căn bệnh.  Suốt đời, tôi ghi ơn Ba tôi.

… “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông chúng ta qua các thế hệ. THIÊN CHÚA đã sáng tạo nên nhiều người con hiển hách là các vĩ nhân từ những thưở xa xưa: Có những người cai trị đất nước mình và là những con người nổi danh về quyền lực.  Có những người lãnh đạo dân bằng các lời chỉ dẫn, bằng tài dạy dỗ dân chúng và những lời giáo huấn khôn ngoan.  Có những người sáng tác những điệu nhạc du dương, viết ra những bài thơ bài phú.  Có những người giàu sang, lắm quyền nhiều thế, sống bình an hòa thuận trong nhà.  Hết thảy đều được người đương thời khen ngợi, được vẻ vang trong lúc sinh thời. Trong các vị, có những người lưu danh hậu thế cho người đời ca ngợi tán dương” (Sách Huấn Ca 44, 1-8).

Sr.Jean Berchmans Minh Nguyệt

(”Reader’s Digest SELECTION”, Juin/1992, trang 49-53). (radio Vatican)