Đồng hương Cần Giuộc họp mặt

Đồng hương Cần Giuộc họp mặt

Nguoi-viet.com

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Hội Đồng Hương Cần Giuộc vừa tổ chức buổi họp mặt tại nhà hàng Seafood Place, thành phố Garden Grove lúc 11 giờ ngày Thứ Bảy, 4 tháng 7 vừa qua.

Ban Cố Vấn Hội niệm hương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nghi thức niệm hương thật trang nghiêm với các vị trong Ban Cố Vấn gồm các ông Phùng Văn Chiêu, Hải Nguyễn, Huỳnh Văn Tám, Âu Văn Lưỡng và Phan Tấn Ngưu, lên thắp hương trước bàn thờ.

Sau phần chào cờ khai mạc, bà Hội Trưởng Nguyễn Phải phát biểu chào mừng bà con đồng hương và thân hữu Cần Giuộc về dự buổi họp mặt hôm nay, ngoài ra còn có các hội bạn như Sóc Trăng, nhóm thân hữu Gia Long, đồng hương ở các tiểu bang khác như Arizona, Seattle…

Văn nghệ được mở đầu với nhạc phẩm trữ tình “Hey” do bác Phùng Văn Chiêu hát tặng bà con bằng tiếng Pháp thật điêu luyện.

Kề tiếp là bé Tường Vi với “Tình Hoài Hương” sáng tác Phạm Duy và bé Quỳnh Như với “Hành Trình Trên Đất Phù Sa” sáng tác của cố nhạc sĩ Thanh Sơn.

Kế tiếp là phần tặng quà cho các vị cao niên. Đặc biệt hôm nay có tiết mục trao phần thưởng do các anh chị em và Hội Đồng Hương đóng góp tặng cho các em học sinh giỏi nhằm khích lệ và động viên tinh thần chăm học của các em từ các cấp mẫu giáo, tiểu học và trung học, trong đó phải kể các em thật xuất sắc như Vân Anh Hà, vừa thi đậu vào Trường Oxford Academy, em cũng đã đoạt giải nhất thi vẽ thành phố Anaheim, và giải nhất thi vẽ của CTy Disneyland kỷ niệm 60 năm thành lập, hoặc em Vy Hà vừa tốt nghiệp bốn năm đại học UCI và các em khác nữa… Sau đó BTC mời tất cả các em và phụ huynh các em lên chụp chung ảnh kỷ niệm làm không khí thật rộn ràng náo nhiệt.

Các em học sinh giỏi nhận phần thưởng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ca sĩ Ngọc Thủy tiếp nối chương trình với nhạc phẩm “Lối Về Xóm Nhỏ” sáng tác Trịnh Hưng và bà con đồng hương đã có nhiều tiếng vỗ tay, tiếng cười sảng khoái khi LS Đỗ Đức Hậu hát bài “Mưa Nắng Cần Giuộc” do ông cảm tác theo nhạc phẩm “Mưa Nắng Sài Gòn” cũng do ông và nhạc sĩ Nguyễn Ánh Chín đồng sáng tác năm xưa.

Tiếp nối là độc tấu nhạc phẩm bất hủ “Le Beau Danube Bleu – Dòng Sông Xanh” do Thẩm Phán Huy Trâm biểu diễn.

Phần quan trọng của buổi hội ngộ hôm nay là bầu ban đại diện mới. Bà Nguyễn Phải, hội trưởng đương nhiệm nói vì lý do sức khỏe, cũng như để đổi mới và có nhiều đường hướng thích hợp cho Hội, đúng vào lúc Hội hết nhiệm kỳ, đồng hương Cần Giuộc hôm nay tổ chức bầu lại Ban Đại Diện mới. Sau khi giới thiệu và đề cử nhân sự, tất cả đồng hương đều đưa tay tán thành bầu cô Kiều Quan làm hội trưởng nhiệm kỳ mới 2015-2017 với Hoa Hậu Kiều Diễm, hội phó và anh Tài Võ, thủ quỹ. Mọi người vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng Ban Đại Diện cũ đã không quản công sức đóng góp cho Hội trong nhiệm kỳ vừa qua và chào đón BĐD mới.

Chương trình được tiếp tục với phần văn nghệ với các nhạc phẩm nổi tiếng qua sự trình bày của các ca sĩ và phần rút thăm trúng thưởng đã làm không khí hào hứng sôi nổi, đặc biệt có những phần quà tặng của CTy Horizon và Cty Điện Tử Techtronic và dòng sản phẩm Medical Cosmetic Paris&French.

Phần cắt bánh mừng ngày họp mặt và mọi người cùng nhau chia sẻ trong tiếng cười nói, chụp hình và lưu luyến chia tay, hẹn gặp nhau năm sau.

Hai nữ sinh Việt Nam du lịch sang Mỹ, tách đoàn ở LAX, tìm thấy ở Westminster

Hai nữ sinh Việt Nam du lịch sang Mỹ, tách đoàn ở LAX, tìm thấy ở Westminster

Nguoi-viet.com

LOS ANGELES, Calif (NV) – Cảnh sát Los Angeles sáng thứ Hai cho biết hai nữ sinh du lịch từ Việt Nam đến phi trường LAX định trốn ở lại đã bị bắt lại ở thành phố Westminster, nơi có cộng đồng gốc Việt đông nhất Hoa Kỳ.

Trong khi đó, trả lời Người Việt, đại diện sở cảnh sát Westminster, Bill Collins, nói cảnh sát Westminster “tìm thấy hai nữ sinh này, 13 và 17 tuổi, tại Westminster vào sáng thứ Hai.”

Ông Collins nói hai nữ sinh này được tìm thấy “trong lúc thăm thân nhân tại Westminster. Họ tách ra khỏi đoàn. Người hướng dẫn đoàn cho rằng hai cô bé bị mất tích. Hai người này có visa và ở đây hợp pháp.”

Vẫn theo ông Collins, cảnh sát Los Angeles đang giữ hai người này.

Hai em bé du lịch từ Việt Nam định bỏ trốn ở LAX bị bắt lại ở Westminster. (Hình: chụp lại từ đài ABC)

Trước đó, nói với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, ông Rob Pedregon, thuộc văn phòng thông tin công cộng của sở cảnh sát phi trường, cho biết: “Sau khi được báo tin, cảnh sát Los Angeles đã theo dõi và bắt được hai cô bé vào lúc 9:30 sáng thứ Hai tại Westminster, và sau đó đưa hai em về bót cảnh sát Pacific tại Los Angeles.”

“Hai em được giữ lại đây như một trường hợp trẻ con bỏ nhà đi, và hiện chưa bị buộc tội gì.” Ông Rob Pedregon nói thêm.

Khuy hôm qua, đài KABC đưa tin có hai thiếu nữ Việt Nam được một nhóm tổ chức du lịch tường trình là bị mất tích tại phi trường LAX hôm Chủ Nhật với ý định bỏ trốn ngay sau khi đến Mỹ.

Đài KABC dẫn tin của trung úy cảnh sát phi trường Dennis Lau, cho biết hình như nhóm tổ chức chuyến đi này biết về dự định bỏ trốn của hai cô bé. Ông nói: “Có vẻ như là nhóm này biết, là họ định đưa hai cô bé này đến đây và cho hai em ở lại nước Mỹ.” Hai em bé này tên là Ly Cam Vuong, 13 tuổi và Linh Huyền Cao, 17 tuổi.

Nói chuyện với Người Việt, luật sư chuyên về di trú, Darren Chương Nguyễn, nói rằng, một cách tổng quát, “khó có thể chuyển diện di trú ở Mỹ nếu ý định – intention – lúc xin visa khác với ý định chuyển diện một khi có mặt tại Mỹ.”

Luật sư Darren Chương Nguyễn cũng nói trường hợp như hai thiếu nữ Ly Cam Vuong và Linh Huyền Cao ít khi xảy ra tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục lưu lại California thành di dân bất hợp pháp, các em vẫn được đi học vì vẫn còn ở tuổi vị thành niên, theo luật “no child left behind.”

Còn ngay thời điểm hiện tại, theo luật sư Chương, hai nữ sinh này “vẫn hợp lệ vì không vi phạm luật.”

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có tin thêm.

Đức Giáo hoàng đi thăm tù nhân, người nghèo ở Nam Mỹ

Đức Giáo hoàng đi thăm tù nhân, người nghèo ở Nam Mỹ

Đức Giáo hoàng vẫy chào phóng viên ở Rome khi ông lên máy bay hđến thủ đô Quito, Ecuador, ngày 5 tháng 7, 2015.

Đức Giáo hoàng vẫy chào phóng viên ở Rome khi ông lên máy bay đến thủ đô Quito, Ecuador, ngày 5 tháng 7, 2015.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Nam Mỹ, quay trở lại châu lục này hôm Chủ nhật để bắt đầu một chuyến thăm kéo dài tám ngày tới Ecuador, Bolivia và Paraguay.

Vị giáo hoàng 78 tuổi Dòng Tên sẽ không ghé thăm quê hương Argentina của ông trong chuyến đi này, nhưng dự định sẽ về lại vào năm sau. Đó là chuyến xuất ngoại thứ chín của ông kể từ khi lên ngôi Giáo hoàng hơn hai năm trước.

Khi rời Rome, Đức Giáo hoàng cho biết ông muốn nêu bật hoàn cảnh của những người nghèo khổ ở ba nước mà ông tới thăm, “đặc biệt là trẻ em thiếu thốn, người già, người mắc bệnh, người bị giam giữ, người nghèo, những người là nạn nhân của nền văn hóa hay tiêu xài rồi vứt bỏ.”

Giáo hội Công giáo La Mã có khoảng 1,2 tỉ giáo dân với một phần lớn ở khu vực châu Mỹ Latin. Ecuador, Bolivia và Paraguay là ba trong số những nước nghèo nhất và nhỏ nhất của Nam Mỹ.

Ecuador những tuần gần đây đã xáo động vì những cuộc biểu tình chống chính phủ, một phần nhằm phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Rafael Correa tăng thuế thừa kế. Những nhà lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi tạm ngưng biểu tình trong thời gian diễn ra chuyến thăm của Đức Giáo hoàng để thể hiện sự nể trọng.

Đức Giáo hoàng dự định sẽ cử hành Thánh Lễ bằng tám thứ tiếng vào sáng sớm ngày thứ Hai. Sau đó trong chuyến đi, ông định sẽ đến thăm một nhà tù bạo lực ở Bolivia, gặp gỡ những người thu gom rác ở Bolivia và dừng chân tại một khu nhà ổ chuột ở Paraguay hay bị ngập lụt.

 

Tượng Chúa Giê su vô gia cư lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng bên ngoài nhà thờ Detroit

Tượng Chúa Giê su vô gia cư lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng bên ngoài nhà thờ Detroit

Một bức tượng Chúa Giêsu vô gia cư đang ngủ trên ghế đá công viên đã được công bố trước nhà thờ Detroit phục vụ như là sự sưởi ấm cho người vô gia cư.

Tác phẩm điêu khắc bằng đồng này đã được công bố sau Đại Lễ Thánh Phê rô và Phao lô, Tông đồ, hôm Chúa Nhật, 28 tháng 6, tại nhà thờ Dòng Tên Giáo hội Công giáo ở trung tâm thành phố Detroit. Tác phẩm điêu khắc cho thấy một người đàn ông với kích cỡ như người thật nằm trên ghế đá công viên. Hai bàn chân nhô ra khỏi một tấm chăn có mang dấu đinh.

The Detroit Free Press cho biết nghệ nhân Timothy Schmalz đã tạo tác phẩm điêu khắc này. Những bản sao cũng được đặt tại Grand Haven, Michigan; Phoenix; Washington; Chicago; và Charleston, West Virginia.

Tu sỹ Gary Wright là giám quản giáo xứ của Detroit, nói rằng các giáo đoàn hy vọng việc đặt bức tượng này sẽ có “một sự kiện quan trọng cho thành phố.”

Jos. Tú Nạc, NMS

Lễ Độc Lập Hoa Kỳ Và Di Dân Việt Nam

Lễ Độc Lập Hoa Kỳ Và Di Dân Việt Nam

Giao Chỉ, San Jose tháng 7-2015

Lời nói đầu:

Bài này đă viết lần đầu vào cuối thập niên 80, sau đó cứ khoảng 5 năm được nhật tu và sửa chữa. Sống ở Mỹ, mỗi ngày học thêm được bài học công dân và tự điều chỉnh việc suy tư. Năm nay nhân dịp 40 năm định cư tại Hoa Kỳ, đất nước trẻ trung đã già 240 tuổi, tác giả xin cập nhật thêm một lần cùng với những vấn nạn dân sinh tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ thi 21. Trải qua 40 năm, di dân Việt nhập cư vào Mỹ đã cùng chia xẻ những đề tài xã hội trên quê hương mới bao gồm các lãnh vực sau đây:Trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, chuyện đồng tính, chuyện phá thai, chuyện súng đạn, chuyện kỳ thị, chuyện nhập cư…và sau cùng là việc đương đầu với biết bao nhiều khó khăn đối ngoại để bảo vệ an ninh cho đất nước và giữ mãi vai trò lãnh đạo thế giới. Dân Việt bắt đầu từ di tản đến ty nạn cộng sản và sau cùng trở thành các di dân chính thức xây dựng cuộc sống tại Hoa Kỳ, chúng ta đã hưởng phúc lợi và chia xẻ khó khăn của đất nước này, xin một lần nhắc lại trang sử lập quốc của quê hương tạm dung nay đã trở thành vĩnh viễn.

Nation of America – Denny Nguyen

Ngày Quốc Lễ

Ngày 4 tháng 7 hàng năm là ngày lễ trọng đại nhất của Hoa Kỳ. Đó là ngày Mỹ quốc Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 và bắt đầu chiến tranh cách mạng chống lại Anh quốc trong 6 năm. Đến 1782 Anh và Mỹ ký thỏa ước ở Paris và công nhận Hoa Kỳ độc lập. Người Mỹ đã chiến thắng trận chiến tranh đầu tiên của lịch sử Hiệp Chủng Quốc.
Là công dân gốc Việt trong đợt di dân cuối cùng của thế kỷ 20, chúng ta nên tìm hiểu về đất nước mà chúng ta lập nghiệp. Dân tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ đã được dự ngày kỷ niệm 200 năm lập quốc vào năm 1976. Đến bây giờ nước Mỹ đã già thêm 40 năm nhưng lịch sử trẻ trung của Hiệp Chủng Quốc vẫn phong phú và cũng rất độc đáo. Hoa Kỳ là quốc gia bao gồm tất cả các sắc dân, các ngôn ngữ, các tập tục văn hóa. Nước Mỹ đã có các kỷ niệm vừa hung bạo vừa nhân từ. Tiêu diệt da đỏ, bắt da đen làm nô lệ, kỳ thị da vàng, đem quân đi làm cảnh sát trên thế giới, đi đến đâu là gây sóng gió ở đó. Hoa Kỳ cũng là quốc gia phát huy tự do dân chủ toàn cầu, viện trợ kinh tế, quân sự, giáo dục, xã hội, văn hóa cho toàn thể các quốc gia chậm tiến trên thế giới. Đặc biệt nhất là vai trò lâu dài của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam đã trở thành một vết thương cay đắng trong thế kỷ 20, nhưng qua thế kỷ 21 Mỹ quốc lại trở thành niềm hy vọng đồng minh giữa cơn sóng gió biển Đông.
Biên cương của Hoa Kỳ trên địa cầu là một vùng đất bao la tiếp giáp với hai đại dương Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ là ải địa cầu trấn giữ Bắc Băng Dương. Biên giới không gian của Hoa Kỳ lên đến mặt trăng và Mỹ quốc cũng đã đặt cọc trên đất trên hỏa tinh. Hai ngàn vệ tinh kinh tế thương mại và quân sự của Hoa Kỳ canh gác toàn vùng khí quyển của quả đất. Đế quốc nhân văn của Hiệp Chủng Quốc thống trị thế giới bằng các tòa đại sứ và lãnh sự luôn luôn tấp nập các khách hàng xin visa.
Cơ sơ ngoại vi của các đại sứ quán Hoa Kỳ là những chỗ bán thức ăn Fast Food McDonald, Coke, nhạc Rock và quần Jeans. Mỹ phát thực phẩm cho dân nghèo toàn thế giới nhưng đi đến đâu cũng bị đuổi về nhà: Yankee go home.

Đó là hình ảnh Hoa Kỳ ngày nay, sau 239 năm lập quốc. Đất nước mà chúng ta đang là công dân có đứng lên tuyên thệ bảo vệ và tuyệt đối trung thành.Vì vậy chúng ta cũng nên biết qua lịch sử của quê hương mà phần đông chúng ta sẽ cùng các thế hệ tiếp theo ở lại đời đời.

Ai là người đầu tiên trên đất Mỹ?

Các nhà nhân chủng học cho biết 12 ngàn năm trước lục địa còn dính liền cuối thời băng giá. Á châu và Mỹ châu nối tiếp ở phía Bắc. Con người tiền sử Á Châu đi tìm đường sống đã đi từ Á qua Mỹ. Sau đó quả đất chuyển đổi, hai lục địa tách xa nhau. Người Á châu tiền sử trở thành thủy tổ của các bộ lạc ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, thực ra đây cũng chỉ một là giả thuyết.
Thực tế ghi nhận nhiều nền văn minh đã được kiến tạo, nhiều bộ lạc đã tàn lụi. Sau cùng chỉ còn các bộ lạc da đỏ tồn tại cho đến thời kỳ 1500 các sắc dân Tây phương mới đến Mỹ bằng đường biển. Nổi danh nhất là nhà hàng hải Columbus năm 1492 đi tìm Á châu nhưng tình cờ khám phá ra Mỹ châu. Rồi tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh Cát Lợi, Pháp, Đức rồi đến Nga và các quốc gia Đông Âu tìm đến châu Mỹ.

Các cuộc chiến đẫm máu, triền miên ở tân lục địa giữa người địa phương và dân giang hồ mới đến. Chiến tranh giữa các thế lực Tây phương. Sau cùng Anh quốc ổn định được phần lớn miền Đông Hoa Kỳ và các di dân Âu châu bắt đầu lên đường. Con tàu Hoa Tháng Năm, May Flower nổi tiếng đến Mỹ năm 1620 vỏn vẹn có 100 người mà một nửa là thủy thủ đoàn đã trở thành biểu tượng của cuộc định cư trên đất mới vì có đem theo gia đình.
Năm 1621 di dân được mùa đã cùng tổ chức Lễ Tạ Ơn và ăn mừng với dân da đỏ trong một lễ Thanksgiving đầu tiên của nhân loại.
Nhưng rồi những ngày vui qua mau. Thổ dân tại Mỹ chết dần vì bị giết, bị đói, bị bệnh, có thể do các mầm bệnh từ tây phương đem đến.
Trong khi đó từ 1620 đến 1732 tức là hơn 100 năm. Một nước Mỹ thuộc Anh đã hình thành với 13 tiểu bang liên hiệp ở miền Đông. Phần lớn làm nghề nông, trồng thuốc lá, trà, và lúa. Các vùng khác thuộc Tây Ban Nha, Pháp vẫn còn tranh chấp.
Cuộc chiến 1754 giữa Pháp và Anh giành đất trong 7 năm, sau cùng Anh thắng và mở rộng biên cương thuộc địa.

Tiếp theo nước Anh cần tiền cho mẫu quốc nên đánh thuế các thuộc địa, thu tiền các nhà sản xuất và các đồn điền tại Hoa Kỳ. Chính sách thuế của Anh ban hành năm 1774 trở thành mầm mống cho cuộc chiến dành độc lập tại Hoa Kỳ. Tướng Washington nhận trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng vào năm 1775 và chính thức đứng ra tuyên bố độc lập 1776. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Thomas Jefferson đại diện tiểu bang Virginia viết ra lúc ông 33 tuổi được coi là một áng văn tuyệt tác nhất của nhân loại và mở đầu cuộc chiến dành độc lập cho đến chiến thắng cuối cùng bằng hiệp định Paris 1782.

Sau chiến thắng, Hoa Kỳ có 5 năm xây dựng dân chủ từ 1782 đến 1787 để hiến pháp ra đời với 9 tiểu bang chính thức rồi đến 13 tiểu bang thỏa hiệp. Những lá cờ Mỹ đầu tiên có 9 ngôi sao rồi 13 ngôi sao và bây giờ là 50 ngôi sao.
Suốt từ buổi bình minh của Hiệp Chủng Quốc cho đến nay, nước Mỹ đã trải qua biết bao nhiêu là biến động.
Từ hơn 4 triệu dân vào năm 1800 trở thành trên 300 triệu vào năm 2015. Trên giấy tờ có 239 năm lập quốc nhưng thực sự quốc gia này đã nảy mầm từ trên 300 năm.

Ý nghĩa Hiệp Chủng Quốc.

Phải chăng Hoa Kỳ là một đĩa rau trộn gồm đủ mọi sắc thái nhưng tía tô vẫn là tía tô, rau giấp cá vẫn nồng nàn mùi tanh của biển mặn. Hay đây là nồi cháo mà mọi thứ thực phẩm đã được hòa tan thành một hương vị mới. Cái đó còn tùy hoàn cảnh, địa phương và thời gian.
Nước Mỹ đã trải qua các giai đoạn hành động tàn nhẫn với các sắc dân thiểu số. Vào thế kỷ thứ 19, da trắng buộc dân da đỏ phải di cư tập trung vào các khu vực ấn định. Thảm kịch diễn ra trên các con đường mòn được gọi là: Đường mòn nước mắt.
Da đỏ già trẻ lớn bé đều phải ra đi, bỏ nhà cửa, vườn trại để vào các khu đồng khô cỏ cháy xa cách vạn dặm. Hàng chục ngàn người đã chết.

Trong khi đó ở miền Nam Hoa Kỳ, dân da đen bị bắt làm nô lệ đem từ Phi châu qua đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng. Những bàn tay đen đủi đã xây dựng nên nền nông nghiệp miền Nam nuôi cả nước Mỹ vào thời kỳ lập quốc với những vườn bông vải trắng xóa cả chân trời. Nhưng cũng chính da đen là vấn nạn cho cuộc chiến tranh tương tàn Nam Bắc. Những người da đen bỏ trốn các nông trại đã bị đánh roi cho đến chết. Câu chuyện Uncle Tom với bài ca da đen lừng danh: Let my people go, Hãy cho dân tôi đi, trích dẫn từ Thánh Kinh đã trở thành một vết thương trong lương tâm Hoa Kỳ.
Da đỏ xin ở lại thì bị đuổi đi. Da đen xin đi thì bị giữ lại. Ngay khi nội chiến chấm dứt, da đen được giải phóng mà vẫn còn bị kỳ thị.

Cuộc chiến đấu vĩ đại của một đàn bà da đen năm 1955 không chịu ngồi phía sau xe bus đã trở thành một cuộc tổng đình công vĩ đại tẩy chay xe bus tại Hoa Kỳ. Từ cuộc đình công này, da đen có được một nhà lãnh đạo đầy huyền thoại là mục sư King mà tên tuổi trở thành một ngày quốc lễ.

Rồi đến lịch sử Tây tiến làm đường xe lửa đem da vàng Nhật Bản và Trung Hoa nhập cuộc. Các tiền nhân di dân châu Á cũng đã ngậm đắng nuốt cay ở miền Tây Hoa Kỳ trong suốt thời lịch sử cận đại.
Sau cùng đến lượt chúng ta. Việt Nam ngày nay có một triệu tám trăm ngàn người tại Hoa Kỳ. Sau đợt di tản 75 tiếp đến là thuyền nhân từ 75 đến 95 rồi là các HO, ODP, con lai nhập cư cho đến cuối thế kỷ thứ 20. Qua thế kỷ 21 hồ sơ đoàn tụ tiếp tục với các gia đình trên 10 năm chờ đợi cùng với các diện hôn nhân gặp gỡ vội vàng. Mười quận hạt có dân số đông đảo nhất là Orange, Santa Clara, Los Angeles, Houston, San Diego, Seattle, Oakland, DC, Dallas và Fort Worth (Texas).

Chúng ta không phải là sắc dân cuối cùng, và chúng ta không phải là sắc dân duy nhất có quê hương cố quốc. Di dân tỵ nạn Việt Nam tùy theo hoàn cảnh và cảm nghĩ, có người mang theo quê hương, có người bỏ lại quê hương. Tuy nhiên chúng ta không thể hành xử khác tập thể di dân trong trách nhiệm xây dựng đất mới.
Sắc dân nào cũng có những niềm tự hào của họ. Ai cũng có các hãnh diện về truyền thống văn hóa, ngôn ngữ cội nguồn. Điều quan trọng là phong cách đối xử và tìm hiểu để hội nhập. Chúng ta phải cảm ơn những người đi trước đã mở đường. Kể cả người xấu lẫn người tốt đã sống và đã qua đi trong công cuộc chinh phục đất nước vĩ đại này.
Một lần nữa, đợt người Việt đầu tiên ở Mỹ sẽ là nhưng cây tràm, cây đước giữ chặt đất cho một cộng đồng tương lai phát triển. Con cháu chúng ta sẽ vừa nhớ ơn ông cha đã đến đất này mà cũng không hổ thẹn về những đóng góp của chúng ta trong những giai đoạn đầu tiên. Bỏ lại phía sau con sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long và dãy Trường Sơn. Bây giờ ta phải làm quen với con sông Sacramento và rặng Rocky Mountain để con cháu ta đứng lên đáp lời sông núi mới.

Xin hãy công bình với hoàn cảnh. Hãy lưu tâm ngày 4 tháng 7 của Hoa Kỳ. Bước ra khỏi cái Ghetto của cộng đồng nhỏ hẹp, tham dự vào cái xã hội vĩ đại đã đem phúc lợi cho chúng ta. Đó là cách hay nhất để xây dựng cùng một lúc cộng đồng tại Mỹ và quê hương bỏ lại ở Việt Nam. Bao gồm cả giấc mơ tự do và dân chủ.

Giao Chỉ, San Jose 2015

Anh chị Thụ Mai gởi

Chuyện Của Đám Con Sen & Thằng Ở

Chuyện Của Đám Con Sen & Thằng Ở

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến

RFA

Những đứa bé trai và gái bưng thức ăn cho khách vẫn là những đứa bé đã được mô tả trong tiểu thuyết Nam Cao hay Trương Tửu cách đây năm sáu thập niên, còm cõi, nhọc nhằn, cơ cực, chỉ biết cúi đầu vâng dạ và sống quen với lo âu, sợ hãi….

Bùi Bích Hà

Qua đến mùa mưa thứ hai ở Cambodia thì tôi đủ tự tín để nghĩ rằng: chỉ cần vài ba trăm đô la là mình có thể sống “ung dung” cả tháng ở cái xứ sở (dễ thương) này.

Ăn sáng rẻ rề hà. Cà phê pha vợt thêm một cái bánh tiêu hay bánh quẩy chỉ 60 xu, nếu tính theo Mỹ Kim bản vị. Cháo lòng và hủ tíu thì mắc hơn chút xíu, giá cả “dao động” từ 80 xu đến 90 xu thôi.

Cơm trưa hoặc chiều [canh chua cá (đủ loại) canh khổ qua nhồi thịt, giá xào đậu hũ, sườn ram, cá lóc nướng (cỡ cườm tay), trứng chiên, thịt heo kho tầu, mắm chưng, bò xào khóm …] đồng gía 4.000 riel, tương đương với một dollar. Thêm phần cơm trắng một quarter nữa là xong bữa.

Nhớ thử canh chua nấu theo kiểu Khmer nha, mấy cha. Bất cứ loại cá, hay loại rau nào mà lọt vô tay người dân xứ này là họ đều bỏ vô nồi canh chua tuốt luốt. Bởi vậy, thực khách có thể thưởng thức mười bốn tô canh chua liên tiếp trong một tuần, với mùi vị hoàn toàn khác nhau, và tô nào cũng ngon hết biết luôn.

Chỉ có điều phải phàn nàn là khứa cá thường nhỏ xíu, và mỏng tanh hà, nhứt là cá lóc. Nói là mỏng như tờ giấy thì hơi quá đáng nhưng nói khác đi thì thiệt tình là tôi không biết nói làm sao cho đúng. Nhưng nói tóm lại thì chỉ cần một đồng rưỡi, và đừng bầy đặt bia bốc hay rượu chè gì ráo, là sẽ được một bữa ăn bảo đảm là no bụng tuy hơi có phần đạm bạc.

Muốn cho tươm tất và bảnh bao thì phải ra khỏi những con hẻm nhỏ (“hắt hiu vàng ánh điện câu”) ở ngoại ô Phnom Penh, rồi “giả dạng” làm du khách, hiên ngang kêu Taxi ra trung tâm thủ đô cho nó ngon lành.

Trên đại lộ Shihanouk có Ngon Restaurant. Không phải món nào ở đây cũng “ngon” nhưng phần lớn đều ăn được. Thử kêu một ơ cá rô kho tiêu với một tô cơm trắng coi, chắc chắn là sẽ quên đường về luôn – nhứt là khi mình (lại) chưa biết là sẽ về đâu.

Còn muốn đổi không khí cho nó có vẻ Tây chút xíu thì ghé quán Cái Muỗm (The Spoon Restaurant) nằm trên Tchecoslovaquie Blvd. Thực khách chỗ này, ngó bộ, đều hơi snobbish. Nghe nói phần lớn họ đều là giới chức hành chánh hay quân sự cao cấp của xứ Chùa Tháp. Cả hai loại người này tôi đều rất ghét (vì cái hối lộ hay thói tham nhũng vô độ của họ) nên ghét luôn …cái quán, dù các em tiếp viên nam/nữ đều rất dễ thương và nước mắm (để ăn với cơm gà Hải Nam) ở đây ngon tuyệt̉.

Có bữa, tôi và cả đám cộng tác viên – tân cũng như cựu – của RFA (ở Nam Vang) được ông Mặc Lâm mời ăn trưa tại Khmer Surin Restaurant, trên đường 57. Tiệm ăn nhiều tầng, có luôn khách sạn, rất sạch sẽ, rất đẹp đẽ và giá cả – tất nhiên – không nhân nhượng xíu nào ráo trọi. Bù lại là thức ăn không dở, với khung cảnh thiên nhiên và tình tứ.

Từ trái: Quốc Việt, Danh Hồng, Mặc Lâm. Ảnh: Sơn Trung

Tui uống rất tiết độ, nếu uống một mình. Còn khi được “mời” (nghĩa là uống free) thì khác. Tôi uống tì tì. Đang săm soi tìm rượu, tính kiếm một chai gì đó thiệt mắc cho có cha đứt ruột chơi thì chợt nghe tiếng đám đông lào xào trong quán.

Tôi ngẩng nhìn và thấy hàng trăm thực khách, phần lớn đều là phụ nữ, mặc đồng phục, có in đậm ba chữ ILO (International Labour Organization) đang xếp hàng đi qua trước mặt.

  • Ủa, chuyện gì vậy cà?

Sơn Trung, thổ công của Phom Penh, đáp liền:

  • Ồ, bữa nay là ngày hội của “domestic worker” mà anh. Hội của những người giúp việc. Chắc họ họp ở tầng trên bây giờ xuống ăn trưa đó.
  • Trời, ô sin mà cũng họp hành ở khách sạn nữa sao? Em nói thiệt không vậy?
  • Dạ, thiệt chớ. Đây là Phnom Penh, chớ đâu phải Sài Gòn hay Hà Nội.

Những người giúp việc nhà ở Phnom Penh đang dùng cơm trưa tại Khmer Surin Restaurant. Ảnh: Quốc Việt.

Tôi bán tin bán nghi cho đến khi đọc được bản tin (“Domestic Workers Push for Protections”) của ký giả Pech Sotheary trên  The Phnom Penh Post:

“Những Người Giúp Việc Nội Trợ Thúc Đẩy Việc Bảo Vệ Quyền Lợi”

Ngày hôm qua, bốn mươi tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã kêu gọi Chính phủ Căm Bốt phê chuẩn Hiệp định năm 2011 về NNGVNT của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của NNGVNT Căm Bốt, cả ở bên trong lẫn bên ngoài đất nước.

Bức thư, trong đó nói rõ NNGVNT của Vương quốc hiện nay không được luật pháp bảo vệ, đã được các nhóm đấu tranh cho nhân quyền đồng ký tên, như “Licadho”, “Trung tâm hướng dẫn luật pháp Căm Bốt”, “Mạng lưới NNGVNT Căm Bốt” (CDWN), cùng nhiều nhóm khác.

Theo Hiệp định của ILO, NNGVNT phải được hưởng những điều kiện sống và làm việc xứng đáng, có ngày nghỉ, có quyền thương lượng tập thể và “được bảo vệ chống lại mọi hình thức hành hạ, sách nhiễu và bạo lực.

Phó Giám đốc CDWN, bà Yem Sothy cho biết, 240000 NNGVNT trong nước và nhiều nghìn người ở nước ngoài sẽ được hưởng lợi nhờ sự tham gia của Căm Bốt vào Hiệp định. “Nếu có được sự đồng thuận, những công nhân này sẽ được trả lương đúng mức… và được hưởng những ngày lễ để họ về thăm nhà”, bà nói.

Hai Somaly, 20 tuổi, quê ở Kandal, đã đến Phnom Penh làm người giúp việc, khi cô mới chỉ có mười tuổi. Theo cô, những người giúp việc phải đứng ở một địa vị thấp kém trong xã hội Căm Bốt, và thường bị bóc lột.

“Tôi muốn luật pháp bảo vệ chúng tôi và tôi cũng muốn được hưởng mức lương tối thiểu như những công nhân ngành khác”.

(“Domestic Workers Push for Protections, The Phnom Penh Post, 11 Dec. 2014. Trans. Bùi Xuân Bách”).

Cái thứ con sen và thằng ở (ở) Việt Nam mà cũng ăn nói kiểu đó thì có mà bỏ mẹ, hay … bỏ mạng. Tất cả có bao giờ  dám nói năng gì đâu mà vẫn cứ bị roi vọt đều đều:

VNEXPRESS :

“Sau khi bị tra tấn bằng kìm, chọc que sắt nóng vào vùng kín đến ngất xỉu, một nữ nhân viên nhà hàng đặc sản thú rừng Thanh Loan (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) đã bị vứt ra đường.”

Tiền Phong:

“Nguyễn Thị Bình quê ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được mẹ đưa ra Hà Nội làm tại quán phở của ông Chu Minh Đức và vợ là Trịnh Hạnh Phương …  từ năm em 10 tuổi.

Suốt hơn 10 năm qua, Bình phải làm việc quần quật suốt từ 3 giờ sáng đến tận đêm khuya. Sau khi làm xong việc trong nhà, em phải ra quán phở xách nước, thu dọn bát đũa, chuyên chở nước dùng, bánh phở, đưa thịt đi thái, quét dọn… nhưng vẫn bị hành hạ, đối xử như một nô lệ.

Theo lời Bình kể, em bị đánh thường xuyên, lúc thì do làm mất lòng chủ, lúc thì do sơ suất để vỡ một cái bát hoặc làm đổ nước ra nhà. Ông, bà chủ dùng dây điện thắt nút quất liên tiếp vào mặt, lưng; dùng kìm kẹp vào mạng sườn; bắt em quỳ ngoài sân giữa đêm khuya, trời lạnh nhiều tiếng đồng hồ…”

Trong khi Nguyễn Thị Bình bị hành hạ ở Việt Nam thì “đồng nghiệp” của cô cũng đồng loạt bị ngược đãi ở xứ người –  theo tin tức được phổ biến bởi Ban Điều Hợp VNSN (Những Cuộc Đời Bất Hạnh) vào hôm 15 tháng 5 năm 2015:

1. Lấy Chồng Nước Ngoài: 1 Phụ Nữ Việt Nam Chết sau một ngày làm dâu
http://www.youtube.com/watch?v=OCk8YlOORTw

2. Lời cầu cứu của nô lệ xứ người !
http://www.youtube.com/watch?v=8FN3QRcJ6Ac

3. Tiếng kêu than của công nhân Xuất Khẩu Lao Động
http://www.youtube.com/watch?v=SvRnaD_1YA8

4. Nạn Buôn Người Ở Việt Nam 2 – Nữ công nhân Việt xuất khẩu qua Malaysia
https://www.youtube.com/watch?v=vEo9tXIFxpM

5. Nạn Buôn Người Ở Việt Nam 1 – Những Nữ công nhân Việt Ở Jordan Bị Bóc Lột
https://www.youtube.com/watch?v=7we6ZMhH84k

6. Nạn Buôn Người Ở Việt Nam 3 – Nữ Osin Việt Nam ở Malaysia bị bóc lột
https://www.youtube.com/watch?v=jN5jQRpjqvE

7. Tệ Nạn Buôn Bán Phụ Nữ và Trẻ Em tại Việt Nam
https://www.youtube.com/watch?v=L8jyWiq2lWQ

Ngoài ra, trên tạp chí Bốn Phương (phát hành tại Đài Loan) người ta đọc được một lá thư – song ngữ, Việt/Hoa – của linh mục Nguyễn Văn Hùng, kêu gọi giúp đỡ cho một nam công nhân vừa bị tai nạn. Xin chỉ ghi lại nguyên văn (phần tiếng Việt) để rộng đường dư luận:

“Kính thưa anh chị em công nhân, cô dâu Việt Nam tại Đài Loan!

Tôi xin quý anh chị em công nhân và cô dâu người Việt hãy rộng tay giúp đỡ cho trường hợp của chị Dương Thị Toàn.”

“Sau khi người thân của anh Hùng, chồng chị Toàn, liên lạc với Văn Phòng nhờ giúp đỡ, Văn phòng đã cho nhân viên xã hội lên bệnh viện thăm anh Hùng. Nếu anh Hùng không phải trả một số tiền khổng lồ cho môi giới Việt Nam, thì có lẽ anh đã không phải trốn ra ngoài để đi làm kiếm tiền trả nợ mà đã về đoàn tụ với vợ con gia đình. Vì số tiền môi giới quá lớn đã trói chặt anh vào số phận lao động nô lệ, biến anh thành nạn nhân của tệ nạn bóc lôt và buôn bán con người.”

“Chính phủ Việt Nam vẫn làm ngơ trước những hành vi bóc lột công nhân qua số tiền môi giới phải trả trước khi rời Việt Nam! Bao lâu chính phủ Việt Nam chưa có luật pháp chế tài đối với các trung tâm môi giới hút máu người qua việc thu tiền lệ phí quá cao thì những trường hợp thương tâm như anh Hùng vẫn còn xảy ra hàng ngày.”

Mười năm sau, “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục làm ngơ,” cứ y như chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra – theo tường thuật của ký giả Anh Tuấn, báo Lao Động, số ra ngày 18 tháng 4 năm 2015:

“Hơn tháng qua, hai lao động do chi nhánh Cty CP Việt Hà – Hà Tĩnh (VIHATICO, ngõ Anh Sơn, đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa đi làm việc tại Qatar đang sống vật vờ do không được bố trí việc làm, phải đi xin ăn từng bữa nơi đất khách.”

Những Người Giúp Việc Nhà biểu dương lực lượng trước Bộ Lao Động, ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: Sen David. Nguồn: The Phnom Penh Post

Bao giờ thì ở cái nước Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc của chúng ta sẽ có Trung Tâm Hướng Dẫn Luật Pháp (Legal Education Center) và Mạng Lưới Người Nội Trợ (Domestic Worker Network) để bảo vệ quyên lợi của những người giúp việc nhà trong, cũng như ngoài nước – để họ “phải đi xin ăn từng bữa nơi đất khách”?

Khi nào thì giới ô sin Việt Nam được quyền đòi hỏi nhận tiền lương tối thiểu, ngày nghỉ cuối tuần, và những ngày nghỉ lễ được về thăm nhà – như đồng nghiệp của họ ở bên Cambodia?

Vợ chồng California lấy nhau 75 năm, chết trong tay nhau

Vợ chồng California lấy nhau 75 năm, chết trong tay nhau

Nguoi-viet.com

SAN DIEGO, California (AP)Hai cụ Jeanette và Alexander Toczko mê nhau từ hồi mới lên tám, lấy nhau năm 1940 và từ đó hiếm khi rời nhau.

Họ thường nói với con cháu rằng họ ước ao một ngày nào đó được chết trong vòng tay của nhau.


Hình minh họa. (Hình: Getty Images/Jamie Rector)

Tháng trước tại nhà riêng của họ tại San Diego, và chỉ vài ngày trước dịp kỷ niệm 75 năm ngày cưới, giấc mơ của hai cụ được toại nguyện.

Theo đài truyền hình KGTV, sức khỏe cụ ông Alexander, 95 tuổi, suy sụp nhanh sau khi cụ bị té gãy xương hông.

Con cháu bèn đặt cụ bà nằm bên cạnh cụ ông.

Theo lời kể của con gái hai cụ là bà Aimee Toczko Cushman, sau khi cụ ông chết, cụ bà liền nói: “Ðợi tôi đã, tôi sẽ đến ngay.”

Cả nhà để yên cụ bà trong phòng và chỉ vài giờ sau cụ bà cũng đã kịp theo chân cụ ông.

Ðôi uyên ương được tống táng vào hôm Thứ Hai tại nghĩa trang Miramar National Cemetery. (TP)

Chi tiết vụ bắt tù nhân vượt ngục ở New York

Chi tiết vụ bắt tù nhân vượt ngục ở New York

Nguoi-viet.com

MALONE, New York (NV) – Trong lúc truy lùng tù nhân vượt ngục còn lại ở New York, một cảnh sát viên đã bắn David Sweat hai phát súng hôm Chủ Nhật, theo CNN, và tù nhân này đã bị bắt.

Cảnh sát New York đứng gác trước bệnh viện Alice Hyde, nơi tù nhân David
Sweat được cấp cứu. (Hình: AP Photo/Mike Groll)

Giới chức công lực cho biết, Trung Sĩ Jay Cook, thuộc lực lượng cảnh sát New York, là người trông thấy tù nhân David Sweat, và sau khi tù nhân này bỏ chạy, cảnh sát viên này đuổi theo.

“Đến một lúc nào đó, trong khi đang chạy trên cánh đồng, cảnh sát viên này thấy rằng David Sweat định chạy vào trong những hàng cây trong rừng, và có thể thoát thân. Thế là cảnh sát viên này bắn hai phát súng,” ông Joseph A. D’Amico, chỉ huy cảnh sát New York, nói với báo giới.

Tù nhân này, không có súng, bị bắn hai phát vào bụng. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết vết thương không nguy hiểm đến tính mạng.

Một tấm hình mà đài CNN có được cho thấy thời điểm David Sweat bị bắt, người đầy máu, mặc một bộ quân phục ngụy trang, chứ không phải quần áo nhà tù.

Tù nhân David Sweat được đưa vào bệnh viện ở thị trấn Constable, phía Bắc New York, gần biên giới Canada.

“Tôi chỉ có thể nói rằng David Sweat đang đi về phía biên biên giới, vì nó rất gần,” ông D’Amico nói.

Tù nhân này bị bắt cách nơi Richard Matt bị bắn chết hôm Thứ Sáu khoảng 16 dặm về phía Bắc.

Chỉ có mình cảnh sát viên Jay Cook bắn David Sweat.

Sau khi được đưa vào bệnh viện Alice Hyde ở Malone để cấp cứu, tù nhân này được đưa vào bệnh viện Albany để chữa trị, bà Tania Allard, một phó giám đốc bệnh viện cho báo giới biết.

Bà Allard nói không biết bao giờ tù nhân Davide Sweat được đưa tới, nhưng nói rằng họ “đang chở” ông đến Albany.

“Chúng ta không muốn chuyện này xảy ra. Thế nhưng, khi nó đã xảy ra, thì đây là điều chúng ta muốn nó chấm dứt,” Thống Đốc New York Andrew Cuomo được trích lời nói. (Đ.D.)

Cuộc trốn chạy ‘đơn thương độc mã’ của Sweat

Cuộc trốn chạy ‘đơn thương độc mã’ của Sweat

Nguoi-viet.com

MALONE, N.Y. (AP) – Người bạn tù Richard Matt bị hạ sát, cuộc trốn chạy của David Sweat nay trở nên khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh cảnh sát gia tăng lực lượng, siết chặt vòng vây.

Một chốt chặn của cảnh sát trên Route 27, trong khu vực truy lùng người tù
đào tẩu thứ hai, David Sweat. (Hình: AP Photo/Mary Altaffer)

Richard Matt, từng thề “không để bị bắt sống,” bị bắn chết trong cuộc chạm mặt với cảnh sát biên phòng chiều Thứ Sáu, 26 Tháng Sáu.

Nay Sweat đơn thương độc mã lẩn trốn trong khi 1,200 cảnh sát viên ráo riết truy lùng một diện tích 22 dặm vuông, xuyên qua những cánh rừng già rậm rạp xung quanh nơi Matt bị hạ gục.

Cảnh sát tin rằng cuộc trốn chạy “solo” của Sweat trở nên khó khăn hơn vì thiếu ngủ, thiếu thực phẩm và côn trùng tấn công.

“Bất cứ ai chạy trốn luật pháp, chạy vào trong rừng, đều phải hiểu là chẳng bao giờ có thể ngủ đủ 8 tiếng một ngày. Sẽ chẳng bao giờ có đủ miếng ăn, đồng thời phải di chuyển liên tục.” Kevin Mulverhill, phát ngôn nhân Sở Cảnh Sát Quận Franklin County nói với báo chí. “Anh ta sẽ đuối sức và sẽ mắc sai lầm.”

Cảnh sát lý luận, điều tối thiểu khi 2 kẻ đào tẩu cùng trốn chạy là họ có thể thay phiên nhau nghỉ ngơi và canh gác. Nay chỉ còn một mình, Sweat thất thế thấy rõ.

Cuộc truy lùng của cảnh sát bước sang ngày thứ 21, lâu nhất trong lịch sử truy lùng tù đào tẩu New York, thì có biến chuyển mới. Một người dân đang kéo chiếc xe cắm trại của mình thì nghe tiếng nổ. Lúc đầu, người này tưởng bánh xe bị bể lốp. Ông xuống xe, nhìn tới nhìn lui, các bánh xe vẫn nguyên vẹn. Trở lại xe, lái tiếp khoảng 8 dặm, kiểm tra lần nữa thì thấy xe có vết đạn. Một nhóm cảnh sát đặc nhiệm được gởi đến, ngửi thấy mùi thuốc súng trong một cabin với cánh cửa hậu hé mở như có ai đó vừa thoát ra.

Một tiếng động nhẹ, tựa như tiếng ho. Số phận của Matt đã điểm. Một cảnh sát biên phòng nhìn thấy Matt, nổ súng. Matt đổ gục sau khi từ chối đưa tay đầu hàng theo lệnh cảnh sát.

Khẩu súng Matt cầm trong tay là khẩu shotgun, có lẽ lấy cắp từ một cabin khác. Cuộc trốn chạy của Matt và Sweat trong 21 ngày qua chủ yếu loanh quanh trong khu vực săn bắn và cắm trại.

Matt, qua đời vào ngày đầu tiên của tuổi 49, đang thụ án 25 năm tù đến chung thân tại nhà tù Clinton Correctional Facility. Tội danh của Matt là giết và chặt xác người boss cũ của mình.

Cư dân địa phương thở phào với tin Matt bị bắn hạ. Nhưng nỗi lo vẫn mới vơi đi một nửa. Sweat vẫn đang ngoài vòng pháp luật. Hình ảnh hàng đoàn cảnh sát đầy súng ống với trực thăng quần thảo trên trời cho thấy hiểm nguy vẫn còn.

Một cư dân địa phương nới với AP là gia đình anh quyết định sang nhà bà con ở đỡ vài ngày, an toàn hơn.

Ở một nơi xa, Buffalo, cũng trong New York, một người đàn ông khác cũng thở phào với tin Matt bị bắn hạ. Tuy nhiên, tin Matt trốn tù không làm ông ta ngạc nhiên. Louis Haremski, tên người đàn ông, từng là công tố viên đặc biệt trong phiên tòa truy tố Matt tội giết người năm 2008. Haremski nói rằng tin của chỉ điểm trong tù cho biết Matt từng có kế hoạch vượt ngục; và thề không để bị bắt sống.

Thi hài của Matt được giới điều tra mang đi giảo nghiệm tại Albany Medical Center.

Sweat, 35 tuổi, đang thụ án chung thân không cơ hội ân xá vì đã giết một cảnh sát viên tại Quận Broome hồi năm 2002. Cảnh sát tin rằng Sweat có súng trong người trong lúc trốn chạy.

Cảnh sát tiểu bang lập nhiều chốt chặn tại khu vực truy lùng, Malone và Duane, kiểm tra tất cả các xe qua lại, đồng thời rà soát theo phương pháp đan lưới, không để lọt bất cứ diện tích nào. Giới điều tra cho biết đã tìm thấy dấu vết khả nghi gần khu vực Matt bị bắn hạ, và họ cần lùng sục sớm trước khi cơn mưa lớn đổ xuống. Dự báo thời tiết cho biết Chủ Nhật sẽ có mưa.

“Chạy trốn, hay đầu hàng? Quyết định tùy thuộc nơi Sweat.” Cảnh sát cho biết.

“Nếu chấp nhận đầu hàng, chúng tôi sẽ còng tay và nhốt anh ta vào tù… Nếu chống cự hoặc chọn không tuân lệnh, hậu quả là của anh ta.” (Đ.B.)

Peter F Drucker:Một con người chính trực

Peter F Drucker  :  Một con người chính trực

(1909 – 2005)

Bài của  :  Đoàn Thanh Liêm

Peter Ferdinand Drucker sinh năm 1909, tại thành phố Vienna, thủ đô nước Áo. Ông mới qua đời tại thành phố Claremont, thuộc miền Nam California vào năm 2005, ở tuổi thọ 96. Trong suốt trên 60 năm ông chuyên dậy học tại nhiều trường đại học ở Mỹ, viết rất nhiều sách chuyên về vấn đề quản lý, và đồng thời còn làm cố vấn cho rất nhiều đại công ty kinh doanh tư nhân, cho các cơ quan chánh phủ tại ba quốc gia Mỹ, Nhật và Canada, và đặc biệt ông đã tận tình hỗ trợ cho các tổ chức thiện nguyện bất vụ lợi.

Có thể nói Peter Drucker là một mẫu người ngoại hạng, với sự nghiệp chuyên môn hết sức lớn lao, và nhất là một nhân cách sáng ngời của sự ngay thẳng chính trực.

Bài viết này xin được giới thiệu chi tiết với quý bạn đọc người Việt về con người sĩ phu trí thức rất mực cao quý này của thế kỷ XX.

A – Học tập ở Âu châu, thành danh ở Mỹ châu.

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức tên tuổi, với người cha là một vị luật sư và giáo sư đại học, Peter Drucker ngay từ buổi thiếu thời đã được tiếp xúc với những vị thức giả có tên tuổi lớn tại Âu châu, điển hình như Sigmund Freud là người đã khai sinh ra ngành Phân tâm học (Psychanalysis).

Sau khi tốt nghiệp trung học tại quê nhà vào năm 1927, thì Peter qua học về luật tại đại học Frankfurt bên nước Đức. Tại đây, ông đậu văn bằng tiến sĩ về luật quốc tế và công pháp. Ông chịu ảnh hưởng của bậc đại sư, mà cũng là một người bạn của thân phụ ông, đó là giáo sư Joseph Schumpeter về sự quan trọng của tinh thần sáng tạo và tài năng tháo vát trong lãnh vực kinh doanh. Rồi sau này khi rời bỏ nước Đức lúc Hitler lên cầm quyền vào năm 1933, để qua sống tại Anh quốc, thì ông được thụ giáo với cả vị kinh tế gia lừng danh thời trước chiến tranh là John Maynard Keynes.

Ở tuổi đôi mươi ông đã hăng say tham gia viết báo, làm việc trong ngành bảo hiểm, rồi ngành xuất nhập cảng và ngân hàng tại nước Đức và nước Anh.

Vào năm 1937, với tư cách là đặc phái viên cho một nhóm báo chí Anh quốc, ông qua Hoa Kỳ cùng với người vợ mới cưới là Doris Schmitz. Vào tuổi ba mươi, với tài năng chín mùi, Peter Drucker đã có nhiều cơ hội phát huy sở học và kinh nghiệm thâm hậu của mình. Ông được mời giảng dậy tại nhiều trường đại học tại phía miền đông nước Mỹ như trường New York University trong gần 30 năm. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các tờ báo nổi danh về kinh tế tài chánh như Wall Street Journal, The Economist, Harvard Business Review, và với cả các tờ báo có uy tín hàng đầu như The Saturday Evening Post, The Atlantic Monthly v.v…

Kể từ năm 1945, ông được nhiều đại công ty như General Motors mời làm cố vấn. Tính ra ông đã nhận làm cố vấn cho trên 50 công ty tầm cỡ rất lớn như General Electric, Coca Cola, IBM, Citycorp, Intel… Ông cũng được giới doanh nhân ở Nhật rất tín nhiệm và mời ông vào chức vụ cố vấn cho các vị giám đốc của Toyota Motor Corp., Ito-Yokado Group v.v… nữa. Đó là chưa kể đến việc làm cố vấn miễn phí cho các tổ chức bất vụ lợi như Hội Nữ Hướng đạo Mỹ, Salvation Army, Hội Hồng Thập Tự, tổ chức CARE v.v…

Sau đó vào thập niên 1970, thì ông qua California, tiếp tục việc dậy học và làm cố vấn cho nhiều cơ sở kinh doanh tại phía bờ biển miền tây nước Mỹ. Ông giữ chức vụ Giáo sư về Khoa học Xã hội và Quản trị tại trường Cao học về Quản trị Claremont, mà sau này được đổi tên là “Peter F. Drucker School of Management” để vinh danh ông vào năm 1987. Lớp học cuối cùng ông dậy tại trường này là vào năm 2002, lúc ông đã bước vào tuổi 92.

Về sự nghiệp biên soạn sáng tác, ông đã cho xuất bản 39 cuốn sách, phần lớn bàn về vấn đề quản trị, mà điển hình là cuốn “The Practice of Management” xuất bản năm 1954 và cuốn “Management : Tasks, Responsabilities, Practices” xuất bản năm 1973. Riêng về lãnh vực các tổ chức bất vụ lợi, thì có cuốn viết năm 1990 với nhan đề : “Managing the Non-Profit Organisation : Principles and Practices”. Phần lớn các sách của ông đã được dịch ra trên 30 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

B – Các giai thọai về nhân vật xuất chúng Peter Drucker.

Ít có nhân vật nào mà lại xông xáo họat động năng nổ tích cực trong cả ba khu vực cấu thành “không gian xã hội” như là Peter Drucker (the social space bao gồm khu vực Nhà nước, khu vực Thị trường kinh tế và khu vực Xã hội dân sự). Ông giúp cho các nhà lãnh đạo cơ sở công quyền, cũng như giám đốc công ty xí nghiệp tư nhân trong việc họach định được một chính sách tối ưu. Mà đặc biệt ông còn hỗ trợ hết mình cho các tổ chức phi chánh phủ, bất vụ lợi thực hiện được những thành tựu tốt đẹp cao nhất trong công cuộc phục vụ nhân quần xã hội.

Những khám phá của ông trong lãnh vực quản lý xí nghiệp đã trở thành một huyền thọai, được truyền tụng trong giới doanh nhân cũng như trong giới hàn lâm đại học. Nhiều người đã gọi ông là nhà tư tưởng táo bạo, một triết gia của xã hội kỹ nghệ đang ở vào giai đọan phát triển cao độ. Lớp học do ông giảng dậy thu hút quá đông sinh viên theo học, đến nỗi nhà trường phải sử dụng cả khu tập thể dục mới có đủ chỗ rộng rãi cho thầy trò sinh họat, trao đổi thảo luận với nhau cho thoải mái được

Một cựu sinh viên kể lại câu chuyện như sau : Dù lớp học đày ắp sinh viên, mà giáo sư Drucker vẫn tìm cách nêu các câu hỏi gợi ra sự tranh luận sôi nổi giữa cử tọa. Có lần ông hỏi cả lớp như thế này đây : “ Các bạn cho tôi biết sự kiện nào nổi bật, gây ảnh hưởng nhất trong thời gian 100 năm gần đây trong xã hội nước Mỹ? Các sinh viên lần lượt kê ra, nào là sự phổ biến điện thọai, điện lực, hai cuộc thế chiến, cuộc khủng hỏang kinh tế …Tất cả các câu trả lời đều bị giáo sư lắc đầu, từ chối. Cuối cùng thì ông cho chúng tôi biết : Đó là việc sản xuất xe hơi hàng lọat (the mass production of automobile), vì nó tạo cho giới nông dân phương tiện để chở vợ con ra thành phố vào cuối tuần – nhờ đó mà họ mới tránh được lọai bệnh tâm thần do sự cô lập quạnh hiu ở nông thôn gây ra… Đây quả thật là một lối suy luận độc đáo, bất ngờ khiến cả lớp chúng tôi cứ nhớ hòai!”

So với các bậc tiền bối, thì quả thật Peter Drucker là thứ “hậu sinh khả úy”, là môn đệ mà đã vượt qua cả bậc sư phụ của mình. Cụ thể như đối với Frederik Taylor (1866 – 1915) là người khai sáng ra môn tổ chức công việc sản xuất theo khoa học nhằm nâng cao năng xuất trong kỹ nghệ, thì Drucker đã bổ túc môn này bằng cách mở rộng sự nghiên cứu trong lãnh vực văn hóa, quan hệ nhân bản, và nhất là viễn tượng tương lai đối với những thách đố và khả năng trong xã hội kỹ nghệ. Và đối với John Maynard Keynes (1883-1946) thì cũng vậy, Drucker đưa thêm vào lý thuyết định lương vĩ mô (macro-economics) của vị đại sư này cái phương pháp nghiên cứu về động thái con người (behavior of people); như vậy là làm tăng thêm khía cạnh nhân bản trong lãnh vực kinh tế vi mô (micro-economics).

Các giám đốc công ty đã không tiếc lời ca ngợi vị đại sư Peter Drucker. Điển hình như Andy S. Grove của công ty Intel Corp., thì đã viết : “Lời khuyến cáo của ông đã ảnh hưởng đến không biết bao nhiêu hành động hàng ngày tại các xí nghiệp. Và riêng đối với tôi, thì cái ảnh hưởng đó đã kéo dài liên tục trong nhiều thập niên”. Tom Peters thì gọi Drucker là người đã sáng lập ra môn khoa học quản lý hiện đại; ông là người đầu tiên đã cung cấp cho chúng ta thứ dụng cụ để quản lý những tổ chức kinh doanh mỗi ngày càng trở thành phức tạp hiện nay.

C – Con người ngay thẳng chính trực.

Nhưng Peter Drucker còn làm cho bao nhiêu người mến phục bởi sự ngay thẳng chính trực lạ thường của ông. Ngay từ thời còn ở bên nước Đức, lúc mới có 23-24 tuổi, ông đã viết một cuốn sách về nhà triết học Friedrich Julius Stahl, mà đã bị chính quyền Đức quốc xã tịch thu và cho đốt hết đi. Mấy năm sau, thì cuốn sách thứ hai nhan đề “Vấn đề Người Do Thái tại nước Đức” cũng lại chịu chung số phận đó. Đến nỗi mà hiện nay chỉ còn sót lại một cuốn duy nhất trong văn khố nước Áo với dấu hiệu chữ vạn đóng trên bìa sách.

Được nuôi dưỡng theo truyền thống nghiêm túc của đạo Tin lành, Peter Drucker đã sống và hành động theo những nguyên tắc chặt chẽ về luân lý và đạo hạnh. Mặc dầu được các đại công ty trả lương rất hậu cho dịch vụ cố vấn của ông, Drucker cũng không ngần ngại phê phán những thiếu sót bất cập của giới doanh nghiệp tại Mỹ. Khi được biết giới đứng đầu doanh nghiệp dành cho mình những bổng lộc quá lớn, lên đến cả trăm lần lương của người công nhân bình thường, ông đã không  cầm được sự giận dữ và lên tiếng phê phán gắt gao chuyện này. Ông nói : “Đó là điều không thể tha thứ được, xét về mặt luân lý cũng như về mặt xã hội; và chúng ta sẽ phải một cái giá nặng nề cho tình trạng này.” (This is morally and socially unforgivable, and we will pay a heavy price for it). Ông còn ghi rõ là : “ Thâu nhập của người giám đốc không được gấp quá 20 lần mức lợi tức của người công nhân”.

Thất vọng trước sự sa sút về phương diện giá trị đạo đức của giới doanh nghiệp Mỹ, ông đã phải thốt lên : “Đó là sự thất bại cuối cùng của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp” (the final failure of corporate capitalism).

Và kết cục là ông đã dành hầu hết thời giờ và năng lực vào việc yểm trợ cho các tổ chức bất vụ lợi. Đó là lãnh vực xã hội dân sự, mà ông tin tưởng sẽ góp phần quan trọng vào việc phục hồi lại hệ thống giá trị tốt đẹp truyền thống của nước Mỹ. Ông đặc biệt dành sự ưu ái cho mục sư và cũng là một tác giả nổi danh với cuốn sách bestseller “The Purpose-driven Life” Rick Warren của Nhà thờ Saddleback tại thành phố Lake Forest trong Quận Cam miền Nam California. Vị mục sư này thuật lại rằng : Ông Peter Drucker căn dặn tôi : “Chức năng quản lý trong một nhà thờ là làm cho nhà thờ đó mỗi ngày đích thực là nhà thờ hơn, chứ không phải là một loại tổ chức kinh doanh (to make the church more churchlike, not more businesslike). Như vậy thì nhà thờ mới có thể thực hiện đúng sứ mệnh riêng biệt của mình.”

** Tóm tắt lại, ta có thể ghi nhận rằng Peter Drucker là một mẫu người ngoại hạng của thế kỷ XX. Sự đóng góp chuyên môn trong việc giáo dục đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trong ngành quản trị doanh nghiệp, trong sự nghiệp trước tác, cũng như trong việc cố vấn hướng dẫn cho giới lãnh đạo cơ sở công quyền, cũng như xí nghiệp tư nhân, và nhất là trong sự yểm trợ cho các tổ chức bất vụ lợi thuộc khu vực Xã hội Dân sự, thì thật là lớn lao vĩ đại ít người nào có thể sánh kịp được.

Mà còn hơn thế nữa, cái nhân cách trong sáng và tính ngay thẳng chính trực của ông mãi mãi là một tấm gương cao quý cho giới sĩ phu trí thức cùng khắp thế giới hiện nay noi theo vậy./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010

Đoàn Thanh Liêm

Trước phán quyết đau buồn của Tối Cao Pháp Viện Mỹ về hôn nhân, người Công Giáo được kêu gọi sống chứng nhân

Trước phán quyết đau buồn của Tối Cao Pháp Viện Mỹ về hôn nhân, người Công Giáo được kêu gọi sống chứng nhân
Trần Mạnh Trác

Mặc dù Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ công nhận quyền hôn nhân đồng tính, Hội đồng giám mục Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi người Công Giáo hãy can đảm sống chứng nhân cho sự thật của hôn nhân.

“Bất kể những gì đa số nhỏ hẹp của Tòa án Tối cao đã tuyên bố tại thời điểm này trong lịch sử, bản chất của hôn nhân cuả loài người vẫn không thay đổi và không thể thay đổi,” Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, chủ tịch hội đồng các giám mục Hoa Kỳ cho biết.

“Chúa Giêsu Kitô, chuá cuả tình yêu, đã dạy rõ ràng rằng hôn nhân ngay từ khởi đầu là sự hợp nhất suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà,” Tổng Giám mục Kurtz nói thêm. “Là giám mục Công Giáo, chúng tôi đi theo chân cuả Chúa và chúng tôi sẽ tiếp tục giảng dạy và hành động theo sự thật này.”

Trong một quyết định 5-4 ngày thứ Sáu, Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết vụ Obergefell v. Hodges rằng, theo Tu chính án thứ mười bốn, các tiểu bang phải cấp giấy phép kết hôn cho các cặp vợ chồng đồng tính và công nhận hôn nhân đồng tính cuả các tiểu bang khác.

Tu chính án thứ mười bốn bảo vệ quyền của mọi công dân được “sống, tự do, và tài sản” trên mặt luật pháp, bảo đảm cho họ “sự bảo vệ bình đẳng trên pháp luật” ở các tiểu bang. Trong trường hợp này, tòa án phán quyết rằng định nghĩa hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ tước đoạt các cặp đồng tính quyền kết hôn hợp pháp của họ.

Phán quyết lật ngược quyết định tháng mười cuả toà thượng thẩm quận 6 của Mỹ đã duy trì luật hôn nhân truyền thống ở các tiểu bang Michigan, Ohio, Kentucky và Tennessee. Sau phán quyết này thì hôn nhân đồng tính trở thành hợp pháp trên tất cả 50 tiểu bang.

Mặc dù Tòa án công nhận quyền hợp pháp cuả hôn nhân đồng tính, người Công Giáo phải dạy và làm chứng cho hôn nhân thật sự, các giám mục Hoa Kỳ khẳng định.

“Ý nghĩa độc đáo của hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ đã được ghi trong cơ thể cuả chúng ta là nam và nữ,” Tổng Giám mục Kurtz phản ánh.

“Việc bắt buộc định nghĩa lại hôn nhân trên khắp đất nước là một lỗi lầm bi thảm làm tổn hại đến lợi ích chung và đến những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Luật pháp phải có nhiệm vụ hỗ trợ quyền cơ bản của mọi đứa trẻ là được giáo dục, nếu có thể, bởi cả cha và mẹ của mình trong một gia đình ổn định. ”

Mặc dù phán quyết, người Công Giáo cần tiếp tục rao giảng sự thật về bản chất của hôn nhân với “đức tin, hy vọng và tình yêu” cho tất cả mọi người, và mời gọi “tất cả mọi người hiện chí” hổ trợ người Công Giáo trong việc ” tự do tìm kiếm, sống và làm chứng cho sự thật ”

Phán quyết “sẽ không kết thúc các cuộc tranh luận về hôn nhân và tại sao nó quan trọng đối với chính sách công,” là lời cuả bà Jennifer Marshall, Phó chủ tịch viện ‘gia đình, cộng đồng, và cơ hội’ (the Institute for Family, Community, and Opportunity) cuả viện Heritage Foundation.

Các chuyên gia pháp lý thừa nhận rằng sau phán quyết Obergefell này, thì sự hỗ trợ cho ‘hôn nhân thật sự’ sẽ gặp nhiều trở ngại xã hội và pháp lý đáng kể.

“Định nghĩa lại hôn nhân để trở thành một định chế vô giới tính như thế sẽ thay đổi cơ bản cuả hôn nhân”, ông Ryan Anderson, chuyên viên nghiên cứu về định chế và chính sách công của Mỹ tại Heritage Foundation cho biết.

“Nó làm cho mối quan hệ (hôn nhân) dựa vào những mong muốn của người lớn nhiều hơn là về những nhu cầu và quyền lợi của trẻ em,” ông nói thêm.

“Chúng ta cần phải làm việc nhiều hơn để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo của những người tiếp tục tuân theo sự thật của hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người phụ nữ.”

Tòa án Tối cao cũng đã trở thành “những người cổ võ ” cho việc tái định nghĩa hôn nhân, một vấn đề mà chính ra phải được giải quyết qua tiến trình dân chủ, theo ông Caleb Dalton, một cố vấn pháp lý cuà Alliance Defending Freedom (Liên minh Bảo vệ Tự do.)

Tòa án đã “phát minh ra một quyền hiến pháp mới,” ông Dalton nói.

“Tu chính án thứ mười bốn không đề cập đến hôn nhân, nhưng ngày nay Tòa án tối cao đã quyết định rằng họ biết nhiều hơn hàng triệu người Mỹ về những chính sách xã hội nào là tốt nhất đối với Hoa Kỳ.”

Phán quyết này tạo ra sự xung đột pháp lý giữa những vấn đề về hôn nhân và vấn đề tự do tôn giáo ở cấp quốc gia, và hậu quả cho tự do tôn giáo có thể là nghiêm trọng, ông Dalton lưu ý.

Những xung đột như thế đã xảy ra trong các tiểu bang hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, và nhiều chủ doanh nghiệp phải đã bị kiện cáo vì lý do phân biệt đối xử khi họ từ chối phục vụ những đám cưới đồng tính vì lý do tôn giáo.

Bây giờ hôn nhân đồng tính trở thành hợp pháp trên toàn quốc, nhiều vụ kiện như thế này có thể sẽ xảy ra.