Có nên học Y Khoa vì Mỹ sẽ thiếu bác sĩ trầm trọng?

Có nên học Y Khoa vì Mỹ sẽ thiếu bác sĩ trầm trọng?

Nguoi-viet.com
Thiên An/Người Việt (tổng hợp)

Bạn muốn làm bác sĩ.

Ừ, thì còn gì tốt hơn là việc mỗi ngày đi làm được tận tay chăm sóc cho sức khỏe và sinh mạng của biết bao người. Rồi thì thu nhập cao. Rồi thì gia đình sẽ tự hào. Và nhất là khi ngành Y đang rất cần bạn, theo một báo cáo của Hiệp Hội Các Đại Học Y Khoa (AAMC) dự đoán năm 2025, Hoa Kỳ sẽ thiếu hụt đến hơn 100,000 bác sĩ.

Hoa Kỳ có thật sự thiếu đến hơn 100,000 bác sĩ trong 10 năm tới?
(Hình: Getty Images)

Trong những năm gần đây, nhiều trường mới về Y, và cả Nha, Dược, Nhãn Khoa… liên tục xuất hiện. Cũng dễ hiểu, vì mất cả chục năm trời mới đào tạo được một bác sĩ. Để phục vụ cho nhu cầu lớn của 2025, người ta phải hành động từ bây giờ.

Nếu ngành bác sĩ thực sự là ước mơ mà bạn sẽ theo đuổi bất kỳ giá nào, thì chẳng có lý do gì cản trở được bạn.

Nhưng nếu bạn còn đang phân vân giữa những sở thích nghề nghiệp, thì hãy đừng vội tin vào dự đoán của hiệp hội AAMC.

Nhiều chuyên gia đang bày tỏ lo ngại về con số quá lớn mà AAMC đưa ra, mặc dù nhu cầu bác sĩ dễ dàng giải thích được được, như việc già đi của thành phần tuổi “baby boomer” đông đảo và  luật cải tổ y tế “Obamacare” tạo điều kiện cho tất cả mọi người có bảo hiểm.

Nhìn vào lịch sử, đây chẳng phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ được dự đoán là sẽ thiếu hụt bác sĩ. Trong những năm 1960 và 1970, cũng vì sợ thiếu bác sĩ mà Mỹ đầu tư để tăng gấp đôi lượng sinh viên y khoa. Kết quả, số bác sĩ những năm 1980 trở nên quá dư thừa so với mức cần thiết. Ngược lại, cũng có lúc Mỹ dự đoán sẽ thừa bác sĩ, nhưng hóa ra sau đó lại bị thiếu hụt.

Với các nhà kinh tế và làm luật, “dư còn hơn thiếu,” họ có thể mở các chương trình để AAMC có thể đào tạo thêm thật nhiều bác sĩ. Nhưng đối với các bạn trẻ, việc chọn ngành học có thể là quyết định cả tương lai của một người. Điều này càng đúng hơn với nghề bác sĩ.

Cái giá để trở thành một bác sĩ là gì thì còn tùy câu trả lời của từng cá nhân, nhưng nói chung sẽ bao gồm: những năm học miệt mài với điểm số phải gần như hoàn hảo, những sinh hoạt ngoại khóa để phát triển kỹ năng xã hội, những tuần luyện thi MCAT và viết bộ hồ sơ xin nhập học để vượt qua tỉ lệ 50% sẽ trúng tuyển, sau khi may mắn được nhận học là khoảng chục năm nữa ở giảng đường đại học Y khoa, số nợ trung bình khoảng $200,000 một khi ra trường, những năm thực tập gian khổ, và sau đó là công việc hằng ngày chẳng dễ dàng và những bài thi định kỳ để giữ bằng hành nghề sau khi đã là bác sĩ… Chẳng ai lại muốn mình chọn lầm nghề.

Vì vậy, khi đọc dự đoán của AAMC là sẽ thiếu hụt đến hơn 100,000 bác sĩ trong 10 năm tới nên cần tăng việc đào tạo thêm hàng ngàn bác sĩ mỗi năm, thì các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu thêm ý kiến từ phía phản bác báo cáo của AAMC.

Một số chuyên gia lập luận rằng Hoa Kỳ sẽ không cần mở thêm thật nhiều trường Y và tăng số sinh viên Y, với nhiều lý do. Thứ nhất, việc đào tạo bác sĩ nhiều hơn trong những năm qua càng tăng thì số bác sĩ tại những nơi thành thị và đã có quá nhiều bác sĩ, còn những vùng hẻo lánh cần bác sĩ thì vẫn cứ thiếu bác sĩ. Thứ hai, dân số đông và già nhanh, chỉ các ngành chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi là thực sự cần thêm bác sĩ. Thứ ba, kỹ thuật y tế ngày càng tiến bộ giúp cho mỗi bác sĩ phục vụ được nhiều bệnh nhân hơn. Và thứ tư, hệ thống y tế có thể thay đổi để cách phục vụ bệnh nhân được hiệu quả hơn, như dựa thêm vào y tá, dược sĩ hay các bác sĩ nhập cư, để giữ hoặc giảm tỉ lệ bệnh nhân/bác sĩ.

Một bên yêu cầu mở thêm trường và nhận thêm sinh viên, một bên mạnh mẽ phản đối. Tuy vậy, có những con số thực tế mà hai bên đều đồng ý. Sau đây là một vài thông tin tổng hợp (*) mà các học sinh sinh viên yêu thích ngành Y có thể tham khảo.

Có nên chọn nghề dựa theo dự đoán nhu cầu công việc trong tương lai?
(Hình minh họa: Getty Images)

1. Theo thống kê, cứ ba bác sĩ ở Mỹ thì có một người trên 65 tuổi. Theo khảo sát, 60% bác sĩ nói sẽ có một lượng lớn bác sĩ nghỉ hưu trong ba năm tới.

2. So với các bác sĩ chuyên khoa, nhu cầu của bác sĩ đa khoa (bác sĩ gia đình) tăng cao hơn. Mức thu nhập cao hơn của bác sĩ chuyên khoa là một trong những lý do giải thích nhiều bác sĩ ra trường không chọn đa khoa.

3. Trong số các chuyên khoa, các khoa về giải phẫu và ung thư cần nhiều bác sĩ. Số bệnh nhân ung thư của Mỹ được dự đoán mức tăng cao nhất. Hiện tại, ở các vùng hẻo lánh, bác sĩ chuyên khoa về ung thư đã thiếu hụt. Lãnh vực giải phẫu cũng tương tự.

4. Thành phần “baby boomers” sinh từ 1946-1964 chiếm đến khoảng 20% dân số hiện đang già đi, kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho người lớn tuổi trong 10 năm tới.

5. Về mặt địa lý, nhu cầu bác sĩ tại các vùng hẻo lánh ít người ngày càng tăng cao. Hiện tại thì nhiều vùng trên nước Mỹ đã thiếu bác sĩ, như Arizona, Idaho, Illinois, Montana, North Dakota, South Carolina, South Dakota, Alabama, Missourii, Wyoming, New Mexico, trầm trọng nhất là Louisiana và Mississippi.

6. Về thành phần dân số, thống kê cho thấy các bác sĩ sau khi ra trường có xu hướng trở về những cộng đồng mà họ xuất xứ. Do đó, nhu cầu bác sĩ là cao nhất cho các cộng đồng thiểu số có ít người theo ngành bác sĩ.

7. Về nơi làm việc, khảo sát cho thấy các bác sĩ trẻ ít muốn làm việc cho chính phủ và quân đội.

8. Hiện có 18 tiểu bang cho phép y tá được định và chữa một số bệnh. Giới y tá được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết gánh nặng y tế của Mỹ trong thời gian tới.

9. Khảo sát cho thấy khoảng 1/3 các bác sĩ nói sẽ không khuyên người khác theo ngành Y, với lý do là sự thiếu cân bằng về công việc và đời sống, cũng như về công sức và thu nhập.

10. Tỉ lệ thành công của các đơn xin vào trường Y hiện là 44.5%.

(*) Nguồn:

AAMC, Health Affairs, The Annals of Family Medicine, Medicus Firm, và Becker’s Hospital Review.

Liên lạc tác giả: [email protected]

Tội phạm ở Việt Nam ngày càng ‘liều lĩnh, manh động và dã man’

Tội phạm ở Việt Nam ngày càng ‘liều lĩnh, manh động và dã man’

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV)Hàng ngày trên mặt báo chí tại Việt Nam, người ta thường xuyên thấy càng ngày càng nhiều các thứ tin cướp của, giết người, xác trôi sông, xác chết trong rừng, dưới cống rất dã man.

Truyền thông Việt Nam loan tin, theo phúc trình từ một hội nghị về phòng chống tội phạm, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá trên 21,400 vụ phạm pháp hình sự, bắt và xử lý gần 42,000 đối tượng.


Người dân kéo đến nơi xảy ra vụ án ở Bình Phước hôm 7 tháng 7, 2015 để theo dõi. (Hình: báo Lao Ðộng)

Báo Lao Ðộng dẫn lời ông Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, cho rằng, tuy số vụ phạm pháp ở Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2015 giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm 2014. Song, theo phúc trình của Tổng Cục Cảnh Sát cho hay, việc cướp tài sản lại tăng 6.3%.

Theo nguồn tin này, “Tội phạm trộm cắp tài sản vẫn diễn ra rất nhiều (chiếm gần 45% tổng số vụ phạm pháp hình sự), nhất là trộm cắp tài sản ở khu vực nông thôn; Tội phạm chống người thi hành công vụ tăng, hành vi chống đối manh động, côn đồ, liều lĩnh xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là chống lại lực lượng công an; Tội phạm mại dâm gia tăng, tổ chức mại dâm “sex tour,” xuất hiện nhiều vụ xưng là người mẫu.”

Nguồn tin thuật lại rằng, công an triệt phá trên 1,200 băng, nhóm tội phạm; phát hiện 7,800 vụ phạm tội về kinh tế, 114 vụ tham nhũng, trên 6,400 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; điều tra, khám phá 150 vụ án mua bán người, bắt 244 đối tượng và xác minh, giải cứu, tiếp nhận 449 nạn nhân và bắt giữ trên 7,300 vụ với 11,600 đối tượng phạm tội về ma túy…

Nổi bật nhất trong 6 tháng qua là đã xảy ra nhiều vụ giết nhiều người, giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, gây chấn động dư luận. Ðiển hình như: Vụ án giết chủ quán cơm chay, cướp 1 xe máy ở Bà Rịa-Vũng Tàu, hung thủ khai nhận trong tháng 8 và 9 năm 2014 đã gây ra 3 vụ giết người, cướp tài sản tại 3 nơi Hải Phòng, Sài Gòn. Quảng Ngãi.

Hay gần đây nhất là vụ giết 6 người ở Bình Phước, 4 người ở Nghệ An được coi như những cảnh báo về tình trạng tội phạm ngày càng “manh động, liều lĩnh hơn,” có tính chất nghiêm trọng gia tăng. (Tr.N)

Ông Việt Nam bị 13 năm tù vì ăn cắp thông tin 200 triệu người Mỹ

Ông Việt Nam bị 13 năm tù vì ăn cắp thông tin 200 triệu người Mỹ

Nguoi-viet.com

NEW HAMPSHIRE (NV) – Một tin tặc dùng máy tính tại nhà ở Việt Nam lên internet đánh cắp thông tin cá nhân của 200 triệu người Mỹ rồi bán cho các tổ chức tội phạm khắp nơi trên thế giới, kiếm tiền triệu.

Hình chụp hộ chiếu của tin tặc Ngô Minh Hiếu mới bị tòa án ở New Hampshire kết án 13 năm tù. (Hình: Dân Trí)

Theo bản thông cáo báo chí phổ biến chung của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và Sở Mật Vụ Liên Bang hôm Thứ Ba, 14 Tháng Bảy, một người quốc tịch Việt Nam tên Ngô Minh Hiếu, 25 tuổi, đã bị tòa án liên bang ở tiểu bang New Hampshire kết án 13 năm tù vì tội như kể trên.

Ông Hiếu bị cáo buộc đã xâm nhập vào hệ thống máy điện toán của một số công ty ở Mỹ, lấy trộm thông tin cá nhân (personal identifiably information) của khách hàng của họ rồi bán lại cho những bọn tin tặc khắp nơi.

Theo bản thông cáo trên, Ngô Minh Hiếu đã nhìn nhận các tội danh bị các cơ quan tư pháp của chính phủ Hoa Kỳ truy tố.

“Từ nhà tại Việt Nam, ông Ngô Minh Hiếu đã dùng thị trường trên mạng để bán thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ bị anh đánh cắp, cho hơn 1,000 tội phạm rải rác khắp thế giới,” bà Leslie R. Caldwell, phó biện lý liên bang được dẫn lời trên bản thông cáo báo chí, cho biết. “Các tên tội phạm mua và bán thông tin cá nhân vì chúng thấy kiếm được nhiều tiền mà lại ít nguy hiểm. Xác định được và kết tội tin tặc như Ngô Minh Hiếu là một trong những cách chúng ta có thể thay đổi cách tính toán hơn thiệt đó.”

“Vụ án này chứng tỏ vấn nạn ăn cắp thông tin cá nhân là một mối nguy cho cả thế giới và liên quan đến tất cả mọi người chúng ta,” ông Donald Feith, quyền công tố viên, nhận định. “Tôi công nhận việc làm tuyệt vời của Sở Mật Vụ đã xác định được Hiếu và bắt ông. Vụ này chứng tỏ cơ quan tư pháp Hoa Kỳ có thể hợp tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật để điều tra và kết án các tên trộm thông tin cá nhân cho dù chúng ở bên kia nửa vòng trái đất.”

Theo tin tức trước đây, Ngô Minh Hiếu đã bị Sở Mật Vụ Mỹ gài bẫy, dụ qua Mỹ làm ăn. Khi tới đảo Guam, một vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, thì bị bắt và đưa về New Hampshire. Dù bắt ông Hiếu từ Tháng Hai, 2013 nhưng mãi đến sau này mới thấy Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ra một bản thông cáo báo chí nói truy tố Ngô Thanh Hiếu về 15 tội danh, tổng cộng có thể đối diện đến 42 năm tù.

Theo bản cáo trạng tóm tắt các lời thú nhận, Ngô Thanh Hiếu, từ năm 2007 đến 2013, mở một số gian hàng trên mạng đặt tên như “superget.info” và “findget.me” để bán các “lô sản phẩm” đã đánh cắp. Những lô hàng này được gọi bằng tiếng lóng là “fullz” thông thường gồm có tên cá nhân, ngày tháng năm sinh, số thẻ an sinh xã hội, số trương mục ngân hàng.

“Ngô Minh Hiếu nhìn nhận đã dánh cắp và rao bán các dữ liệu thẻ tín dụng, thường gồm cả số thẻ, ngày hết hạn, tên, địa chỉ và số điện thoại. Ngô Minh Hiếu nhìn nhận đã xâm nhập vào máy của một công ty ở New Jersey để ăn cắp kho dữ liệu,” bản thông cáo của Bộ Tư Pháp Mỹ viết.

Tin tức trước đây cho hay, Hiếu giả dạng làm một thám tử dịch vụ điều tra an ninh mạng nên đã có cơ hội xâm nhập vào kho dữ liệu khổng lồ của công ty dịch vụ dữ liệu cá nhân Exparian. Đây là một trong ba công ty cung cấp dữ liệu cá nhân rất phổ biến cho các công ty tài trợ tín dụng mua nhà, mua xe hay cấp thẻ tín dụng tại nước Mỹ.

“Ngô Minh Hiếu đã kiếm được gần $2 triệu từ các vụ bán các lô dữ liệu thông tin cá nhân,” bản tin của Bộ Tư Pháp cho hay.

Hiếu từng là một du học sinh ngành công nghệ thông tin ở Auckland, Tân Tây Lan, vào các năm 2008-2009.  Khi học tại đây, Hiếu bị dính vào một vụ lường gạt tín dụng và bị cấm quay lại học khi về Việt Nam nghỉ hè. Để trả thù, Hiếu đã “hack” vào trang mạng của nhà trường. (TN)

Học sinh VN: Quang Trung và Nguyễn Huệ là ‘bạn chiến đấu’

Học sinh VN: Quang Trung và Nguyễn Huệ là ‘bạn chiến đấu’

Nguoi-viet.com
HÀ NỘI 13-7 (NV) – Các học sinh được đài truyền hành nhà nước VTV1 phỏng vấn trắc nghiệm kiến thức lịch sử đều không biết Quang Trung Nguyễn Huệ là ai, thậm chí còn nói các điều làm người ta ngỡ ngàng.

Học sinh này cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là bố con. (Hình: Dân Trí – cắt từ video clip).

Báo Dân Trí hôm Chủ Nhật 12/7/2015 thuật lại kèm theo video clip của đài VTV1 phát hình phóng sự phỏng vấn kiến thức học sinh trong mục “Chuyển động 24h” hôm Thứ Bảy trước đó. Các câu trả lời về kiến thức sử học của 7 học sinh cấp trung học cơ sở tại Việt Nam sây sốc cho mọi người khi được phóng viên hỏi “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”

Một học sinh trả lời cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em. Học sinh này còn nói “Ông Nguyễn Du chính là ông Quang Trung.” Một học sinh nói hai ông Quang Trung và Nguyễn Huệ là “bạn chiến đấu.” Một học sinh nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là bố con. Chỉ có một học sinh hiểu đúng Quang Trung Nguyễn Huệ là … một.

Sách giáo khoa Lịch sử Việt Nam ở các cấp từ tiểu học, đều nhắc đến trận chiến thắng lẫy lừng tại Ngọc Hồi – Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) chỉ huy đánh tan tành quân nhà Thanh xâm lược vào thế kỷ 18.

Môn sử học từ bậc Tiểu học đến Trung học ở Việt Nam từng bị đả kích rất nhiều về sai lầm đầy ngập trong sách giáo khoa do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo CSVN độc quyền in ấn phát hành, đến cách dạy máy móc buồn ngủ của các ông bà thày giáo. Các điều này dẫn đến hệ quả là học sinh không ưa môn sử.

Học sinh nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em. Em còn nói “Ông Nguyễn Du chính là ông Quang Trung” (Hình Dân Trí- cắt từ video clip)

Tờ VietnamNet hôm 13/7/2015 dẫn các con số thống kê từ kỳ thi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông vừa diễn ra và năm 2014 cho thấy rất ít học sinh chọn môn sử (thi nhiệm ý).

“Số liệu thống kê của hai năm gần đây nhất cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 toàn quốc có 910,831 học sinh đăng ký dự thi, có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 4 môn thi tự chọn là môn lịch sử với 104,959, chiếm 11.52%. “ Vietnamnet kể. “Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153,688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi).”

Dẫn ra những chi tiết đáng ngao ngán hơn, Vietnamnet cho biết “Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ có 1 học sinh chọn môn Lịch sử. Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) có 3% Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng ký thi môn này… Trong buổi sáng ngày 4/7, các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) do Hội đồng thi của Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì, chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi môn Lịch sử…”

Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phân tích trên Vietnamnet về sự sai lầm của những ông quan quản lý giáo dục: “Quan niệm hiện nay không đúng từ rất nhiều phía, khi cho rằng lịch sử chỉ là một môn học, mà quên đi nó còn là thứ để dung dưỡng tâm hồn, lòng yêu quê hương đất nước. Nếu nhìn nhận như vậy, thái độ của chúng ta đối với môn lịch sử sẽ khác chứ không phải như chúng ta đang làm hiện nay. Đây là lỗi của nhà quản lý.”

Học sinh cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là “bạn chiến đấu”. (Hình: Dân Trí – cắt từ video clip).

Đồng thời, ông nói “Nếu không cẩn thận, việc đưa các sự kiện, con số, ngày tháng vào chương trình dạy học lại thành ra mớ kiến thức cực kỳ khó nhớ. Dạy học theo phương pháp tiếp cận nội dung như hiện nay là một cách bắt học sinh phải nhớ những thứ khó nhớ đó, làm khô cứng một thứ lẽ ra rất sinh động. Đây là lỗi của chương trình”

Sách giáo khoa các cấp của Bộ Giáo Dục – Đào Tạo CSVN độc quyền phổ biến từng bị đả kích rất nhiều lần về những sai sót đầy ngập từ chính tả văn phạm đến kiến thức khoa học, lịch sử.

Hai năm trước, ngày 15/10/2013, tờ báo Người Lao Động trong bài “Sách giáo khoa đầy sạn” từng viết “Không phải chỉ một lần các chuyên gia lịch sử, thậm chí cả Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã lên tiếng về những sai sót …này. Tuy nhiên, đến lần tái bản thứ 11 năm 2013, những “hạt sạn” nêu trên vẫn giữ nguyên.” (về sách lịch sử lớp 6).

Nạn chạy chọt, mua bán bằng cấp rất phổ biến tại Việt Nam, nhưng giữa Tháng 5-2015 vừa qua, hệ thống thông tin tuyên truyền tại Việt Nam dựa vào một phúc trình của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) tung hô rằng giáo dục Việt Nam xếp hạng thứ 12, vượt xa nhiều nước tân tiến trên thế giới.

Trong cách phân tích của OECD, giáo dục của nước Anh đứng thứ 20, Pháp thứ 23, Mỹ thứ 28 và Thụy Điển chỉ xếp thứ 35. Không thấy học sinh sinh viên các nước vừa kể đổ xô nhau đến Việt Nam xin học, chỉ thấy những gia đình giầu có, quan quyền tại Việt Nam cho con sang Mỹ và các nước Âu Tây du học ngày một nhiều hơn chứ không ở lại Việt Nam. (TN)

Đại Sứ Ted Osius họp sôi nổi với cộng đồng Việt tại Little Saigon

Đại Sứ Ted Osius họp sôi nổi với cộng đồng Việt tại Little Saigon

Nguoi-viet.com

Hà Giang/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Những hàng ghế tại hội trường của Coastline Community College, Westminster, chiều Chủ Nhật, 12 Tháng Bảy, đầy kín người Mỹ gốc Việt đến tham dự buổi tiếp xúc gặp gỡ cộng đồng của Đại Sứ Hoa Kỳ Ted Osius, chỉ vài ngày sau cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Đại Sứ Ted Osius rút thẻ “nhân quyền” trong túi ra, trong buổi nói chuyện
với cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhiều người cho biết đã lái xe từ San Diego, từ Pomona đến từ sáng để kịp có mặt trong buổi gặp gỡ hiếm có và đúng thời điểm này, do văn phòng Dân Biểu Alan Lowenthal tổ chức hết sức chu đáo. Cùng ngồi bàn chủ tọa với Đại Sứ Ted Osius, còn có các dân biểu Ed Royce, Loretta Sanchez, Dana Rohrabacher và dĩ nhiên, Dân Biểu Alan Lowenthal, cùng đến để gặp gỡ cử tri gốc Việt.

Ông Alan Lowenthal được Thị Trưởng Trí Tạ của Westminster giới thiệu là một “Freedom Fighter,” cho biết, “Kể từ ngày Đại Sứ Ted Osius được bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông đã hứa là sẽ làm việc chặt chẽ với tôi để đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện.”

Ông nói thêm, “Năm nay, đánh dấu một thời điểm đặc biệt, 40 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, là một ‘bắt đầu mới’ (new beginning) cho hai quốc gia, và Việt Nam hiểu rằng, nếu họ muốn thắt chặt bang giao với Hoa Kỳ, thì cần phải cải thiện nhân quyền.”

Dân Biểu Ed Royce nói, “Tôi tin rằng nếu cộng đồng này (cộng đồng người Mỹ gốc Việt) tiếp tục quan tâm, thì tự do tôn giáo và tự do phát biểu sẽ xẩy ra tại Việt Nam. Chúng ta hãy cam kết làm tất cả những gì có thể để điều đó xảy ra!”

Đến phần phát biểu của mình, Dân Biểu Loretta Sanchez đề cập đến việc một phụ nữ biểu tình phản đối việc đền bù giải tỏa bất công, đã bị xe xúc cán lên người, nói “sự kiện này làm tôi rùng mình!” và nhận định, “Nhân quyền tại Việt Nam còn cần phải cải thiện nhiều. Sở dĩ cộng đồng chúng ta (người Mỹ gốc Việt) phải đấu tranh đòi nhân quyền cho Việt Nam là vì người thân của chúng ta còn ở đó.”

“Dĩ nhiên, là người Hoa Kỳ, chúng ta muốn nhân quyền cho tất cả mọi người trên thế giới, nhưng khi đấu tranh cho người thân thì chắc chắc chúng ta sẽ sốt ruột hơn,” bà Sanchez nói thêm.

Thị Trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn (phải) đặt câu hỏi với
Đại Sứ Ted Osius. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Dân Biểu Dana Rohrabacher nói rằng ông đồng ý với tất cả những gì các đồng viện của mình đã trình bày, và đề nghị với Đại Sứ Ted Osious, “Trong tiến trình kết thân thêm với Việt Nam, chúng ta hãy đi từng bước một, và đòi hỏi họ đưa ra những cải thiện cụ thể, chẳng hạn yêu cầu họ công bố chính sách mới, trong đó họ cho phép sự có mặt của những tờ báo đối nghịch, cho phép những đảng đối nghịch được hoạt động…”

“Hãy đừng giả vờ là nhân quyền Việt Nam sẽ thay đổi, nếu chúng ta thấy là họ không thể thay đổi!” Dân Biểu Dana Rohrabacher khuyến cáo.

Đại Sứ Ted Osius gần như chiếm ngay được thiện cảm của mọi người khi ông chào hỏi cử tọa và phát biểu khoảng 5 phút bằng một thứ tiếng Việt khá chuẩn. Ông cho biết giờ đây nói được tiếng Việt bằng giọng Bắc, dù khi mới học tiếng Việt chỉ biết nói giọng Nam. Nhiều người bật cười khi ông “khoe” có thể hiểu được người Việt nói với ông bằng bất cứ giọng gì, Nam Trung Bắc.

Nhưng những tiếng cười khá hiếm hoi này nhanh chóng nhường chỗ cho những lời phát biểu hết sức trang nghiêm và mục hỏi đáp sôi nổi.

Về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, Đại Sứ Ted Osius bày tỏ rằng ông “lạc quan” vì nhiều lý do. Rồi rút túi đưa ra một cái thẻ to bằng hai danh thiếp chập lại, hai mặt chi chít chữ, khẳng định, “Tôi là một viên chức nhân quyền. Tại tòa đại sứ, nhân viên của chúng tôi đều mang theo cái thẻ này, để nhắc nhở là mỗi nhân viên tòa đại sứ là một viên chức nhân quyền, để nhắc nhở mỗi nhân viên về những điều chúng ta đang yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện.”

“Trong mọi thảo luận với chính phủ Việt Nam, cải thiện nhân quyền với chúng tôi là một cột trụ then chốt. Chúng tôi đã đề nghị với chính phủ Việt Nam nên cải tổ luật. Chúng tôi sẽ có thành công không? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng.”

Từ trái, Dân Biểu Dana Rohrabacher, Dân Biểu Alan Lowenthal, Dân Biểu
Ed Royce, và Đại Sứ Ted Osius trong buổi gặp gỡ truyền thông Việt Ngữ.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đại Sứ Ted Osius đã bắt được chính xác mạch của cộng đồng khi ông nói ngay về nhân quyền, và đó cũng là trọng tâm của buổi hội thảo. Buổi họp kéo dài hai tiếng đồng hồ hào hứng ngay từ câu phát biểu đầu của ông. Lòng quan tâm và nỗi ưu tư sâu xa về đất nước bên kia bờ đại dương của các đồng hương gốc Việt được biểu lộ qua những câu hỏi đủ loại được đưa ra liên tục.

Tại sao nước Mỹ luôn đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam ở mọi mốc quan trọng của quá trình đến gần nhau hơn của hai quốc gia, mà Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa có nhân quyền? Phải làm gì để Việt Nam có nhân quyền, có tự do tôn giáo, có tự do phát biểu? Có chắc là Mỹ càng giúp Việt Nam được sung túc, càng giúp Việt Nam bảo vệ được an ninh quốc gia, thì nhân quyền của người dân Việt Nam càng được bảo đảm?

Có câu hỏi được đặt ra như một lời than, câu khác nghe như một lời trách nhẹ nhàng. Đại Sứ Ted Osius đáp trả mọi thắc mắc của cử tọa bằng kiến thức sâu rộng, bằng sự am tường của ông về tình hình Việt Nam, và bằng sự thẳng thắn, trả lời “tôi không biết” khi ông không có câu trả lời, nhưng quan trọng hơn cả, bằng sự cảm thông, ân cần của một nhà ngoại giao tinh tế, nghe được cả tâm tư trĩu nặng của người hỏi.

Các vị dân cử mở đầu phần hỏi đáp.

“Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi những nhóm đấu tranh cho dân chủ cả ở trong nước lẫn hải ngoại?”

“Câu hỏi rất hay!” Đại Sứ Ted Osius nói trước khi trả lời câu hỏi trên của Thị Trưởng Bảo Nguyễn của Garden Grove.

Rồi ông trình bày, “Ảnh hưởng lớn nhất, theo tôi, là khiến giới trẻ Việt Nam mở mang được tầm nhìn của họ. Đó là công việc của các blogger, các cá nhân trên trang Facebook của họ. Những người này cho giới trẻ Việt Nam thấy được một thế giới trong đó người dân có thể chọn được chính phủ, và một nơi họ được phát biểu một cách tự do, bàn thảo với người đồng trang lứa với họ mà không sợ bị kiểm duyệt. Tôi đặt niềm hy vọng lớn vào xã hội dân sự ngày càng phát triển ở Việt Nam, và chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ sự phát triển của các xã hội dân sự.”

Đông đảo người Việt đến nghe đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói chuyện.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Một người trong cử tọa đặt vấn đề về tù nhân lương tâm, hỏi rằng làm thế nào để không còn tù nhân lương tâm nữa, chứ không phải chỉ là thả người này rồi bắt người kia.

Đại Sứ Ted Osius đáp, “Hơn lúc nào hết Việt Nam muốn được thịnh vượng và an ninh quốc gia được bảo đảm, Hoa Kỳ là nước duy nhất có thể mang đến cho Việt Nam điều đó. Vì thế theo tôi đây cũng chỉ là vấn đề thời gian. Tôi hỏi họ (chính quyền Việt Nam) quý vị muốn chọn điều gì? Muốn nhốt thêm người vào nhà tù hay muốn có một nền kinh tế thịnh vượng? Muốn nhốt thêm người vào nhà tù hay muốn giới trẻ được đào tạo đúng mức? Theo những cuộc thăm dò của chúng tôi, 92% người được hỏi muốn thân hơn với Mỹ, chỉ khoảng một nửa số đó muốn thân hơn với Nhật, và rất ít những người được hỏi trả lời là muốn thân hơn với Trung Quốc.”

Rồi ông nhấn mạnh, “Đây là thời điểm rất đặc biệt để thúc đẩy sự thay đổi, chúng ta phải cùng nhau nắm lấy cơ hội này, bỏ lỡ cơ hội là lơ là với trách nhiệm.”

Theo sau cuộc gặp mặt với cộng đồng, Đại Sứ Ted Osius có cuộc gặp gỡ riêng với báo chí.

Trả lời câu hỏi là chuyến đi này đã cho ông thấy được điều gì rõ nhất và cuộc tiếp xúc này sẽ ảnh hưởng ông như thế nào trong vai trò một đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại Sứ Ted Osius bày tỏ, “Tôi đã nghe được nhiều điều mà trước chuyến đi này cũng đã biết, nhưng phải tiếp xúc, phải gặp gỡ, mới hiểu rõ hơn được tâm tư của người Mỹ gốc Việt, mới cảm nhận được những vết đau vẫn còn đó, mới thấy sự quyết tâm của những người muốn đấu tranh cho nhân quyền cho Việt Nam, và tôi sẽ trở về Việt Nam tích cực hơn trong vai trò xúc tiến việc cải thiện nhân quyền cho Việt Nam.”

Về câu hỏi việc một thành phố Hoa Kỳ kết nghĩa với một thành phố Việt Nam là điều nên hay không nên làm, vẫn với mục đích hỗ trợ nhân quyền cho Việt Nam, Đại Sứ Ted Osius trả lời, “Theo tôi thì khi chúng ta có nhiều người dân ở hai nước qua lại với nhau, đó là điều tốt. Khi chúng ta có nhiều du học sinh giữa hai bên, đó là điều tốt, nói tóm lại quan hệ giữa hai quốc gia không chỉ là quan hệ giữa hai chính quyền, mà còn là quan hệ giữa những người dân với nhau.”

Một nhà báo khác đặt vấn đề về giao thương giữa hai quốc gia, nói rằng mậu dịch giữa hai nước thiếu cân bằng, Việt Nam xuất cảng nhiều hàng qua Mỹ hơn Mỹ xuất cảng hàng qua Việt Nam, và hỏi chúng ta phải làm gì để thay đổi tình trạng đó.

Đại Sứ Ted Osius trả lời, “Chúng ta đã làm cho giao thương cân bằng thêm trong thời gian gần đây. Chúng ta đã ký kết hai thỏa thuận, hàng không Việt Nam sẽ mua của Boeing $7 tỷ tiền máy bay, và VietJetAir sẽ mua của Boeing một số máy bay trị giá $6 tỷ. Hai hợp đồng này tạo nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ. Ngoài ra ngành nông nghiệp của chúng ta hơn 50% qua Việt Nam, gồm đậu nành, thịt gà, và nhiều thứ khác. Dĩ nhiên cũng có những sự thiếu quân bình, và chúng ta đang tìm cách giải quyết.

Một nhà báo nhắc đến quan điểm vẫn rất khác nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và nhân quyền, và yêu cầu Đại Sứ Ted Osius giải thích tại sao ông có thể “lạc quan” khi một mặt Tổng Thống Obama khi gặp ông Nguyễn Phú Trọng, đã khéo léo nhắc đến việc phải cải thiện nhân quyền thì mới có thể có một quan hệ thân thiết hơn với Mỹ, trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng, ngay sau đó đã nói rằng người dân Việt Nam chưa bao giờ được hưởng một nền dân chủ tốt hơn bây giờ.

Đại Sứ Ted Osius giải thích, “Tôi đã làm việc trong tương quan của hai quốc gia trong vòng 20 năm qua, và tôi đã thấy có nhiều cải tiến. Những cải tiến này, tuy thế chưa đủ, nhưng tôi vẫn xem là có cải tiến, đó là điều khiến tôi lạc quan. Tôi nghĩ rằng xu hướng hiện giờ đang đi đúng chiều. Tôi cũng tin là quyền của công dân sẽ được cải thiện vì sự có mặt của các công ty Mỹ. Tôi sẽ không đính chính lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng hay của bất cứ ai khác. Chứng cớ của những cải thiện trong thời gian qua khiến tôi phấn khởi.”

Dân Biểu Alan Lowenthal tiếp lời Đại Sứ Ted Osius, “Khi đến thăm Việt Nam, tôi có nêu vấn đề với một số lãnh đạo về tù nhân lương tâm. Tôi nói với họ, nếu các ông muốn chúng tôi hỗ trợ thì phải thả hết các tù nhân lương tâm. Họ nói, chúng tôi không có tù nhân lương tâm, đó toàn là những người phạm luật, nhưng rồi họ lại nói có thể luật của chúng tôi cần phải thay đổi. Chính vì thế tôi nghĩ là có thể cơ hội để thay đổi. Đó là một điểm để chúng ta hy vọng.”

Liên lạc tác giả: [email protected]

Chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc chết dần. Nhà cầm quyền tìm kiếm sự hỗ trợ trong truyền thống

Chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc chết dần. Nhà cầm quyền tìm kiếm sự hỗ trợ trong truyền thống

RFA

Maciej Michalek – Lê Diễn Đức dịch

86 triệu đảng viên Cộng Sản Trung Quốc vào đảng vì quyền lợi hơn là lý tưởng – Ảnh: TVN24

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng các tổ chức của đảng Cộng Sản sẽ sớm được dạy về văn hóa truyền thống và lịch sử của đất nước họ. Trung Quốc từ lâu đã không hoàn toàn tuân theo con đường cộng sản và ngày càng công khai trở lại với truyền thống, điều này có ý nghĩa rằng – dần dần sẽ có sự thay đổi hệ tư tưởng của siêu cường Châu Á này.

Vào tuần trước người ta thông báo rằng trong các trường học quan trọng nhất cho công chức ở Trung Quốc đã đuợc cung cấp sách giáo khoa về văn hóa truyền thống và lịch sử Trung Quốc. Tổng cộng có 21 cuốn sách – bao gồm cả sách nói về “ưu thế quốc tế” của văn hóa Trung Quốc – đây là môn mới đối với đối tượng giảng dạy của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ đưa vào chương trình ngay từ tháng 9.

Chính quyền mới, truyền thống cũ

Trong thời gian ngắn tới đấy sẽ có một môn học gọi là “guoxue” (quốc học), một môn có kiến ​​thức rộng nói về di sản nền văn minh Trung Quốc, bao gồm lịch sử, triết học, nghệ thuật và văn học. Tuy nhiên Đảng Cộng Sản Trung Quốc kể từ khi nắm chính quyền vào năm 1949, luôn có vấn đề với truyền thống dân tộc.

Sự lây lan sự nhiệt tình cách mạng và tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa mới được kết hợp với những chỉ trích của quá khứ và Nho giáo được nói tới cho giới triết học xã hội và chính trị Trung Quốc như là nguồn gốc làm suy yếu nhà nước. Các giai đoạn đỉnh cao của cuộc chiến với lịch sử của chính mình đã diễn ra trong những năm 60 và 70, khi, trong cái gọi là “Cách mạng Văn hóa”, ở Trung Quốc người ta đã phá hủy các tòa nhà lịch sử, di tích, cổ vật, sách cũ.

Trên  cửa miệng là cách mạng, trong tim là người Trung Quốc

Mặc dù vậy, cá nhân Mao Trạch Đông thích văn học cổ điển Trung Quốc, và các nhà lãnh đạo tiếp theo cũng bắt đầu mạnh dạn hơn gắn bó với văn hóa và truyền thống cổ xưa. Khổng Tử và những lời dạy của ông cuối cùng đã chính thức giành lại vị thế một di sản vô giá của quốc gia, mà minh chứng là việc đặt tên của triết gia này cho các trung tâm xúc tiến mở ra trên toàn thế giới nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, tức là các Viện Khổng Tử. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng đưa nhiều các triết lý Trung Quốc khác như Pháp gia, Đạo giáo và Mặc gia, trên cơ sở đó tìm cách cố vấn cho chính quyền Bắc Kinh.

Có thể lưu ý rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng được tiến hành phù hợp với các giả định tư tưởng của chính trị truyền thống hơn là học thuyết cộng sản. Bởi vì trong vị trí của cách mạng và chính sách tương phản xuất hiện các hành động được cân nhắc và dài hạn, trong đó, ít nhất là về mặt lý thuyết, các giá trị được nhấn mạnh như sự hài hòa, đạo đức và tìm kiếm lợi ích lẫn nhau.

Phong cách hoạt động mới có thể được nhìn thấy trong một số ví dụ, làm thế nào Bắc Kinh tìm cách biến đổi môi trường quốc tế hiện nay. Trước sự bá quyền thế giới của Mỹ, Trung Quốc tìm cách giảm dần vai trò của Mỹ và gia tăng ảnh hưởng của mình thông qua những tổ chức quốc tế mới như Ngân hàng Châu Á Đầu tư Hạ tầng và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cũng như ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

“Dân tộc không có phẩm hạnh không thể kéo dài”

Sự tiến dần tới di sản văn hóa vĩ đại của Trung Quốc có lý do của nó. Ý thức hệ cộng sản, mặc dù vẫn được giảng dạy trong tất cả các trường học, đã nhàm chán và không còn truyền cảm hứng. Đa số các đảng viên mới của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đang đông hơn bao giờ hết, gia nhập đảng vì mong muốn cải thiện triển vọng nghề nghiệp của họ chứ không phải từ sự nhiệt tình tư tưởng.

Đồng thời, với dân tộc Trung Quốc đang bị thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học, xã hội và kinh tế, ngày càng trở nên khó khăn để tìm ra một la bàn đạo đức để họ có thể gắn bó với người dân. Phao cứu của xã hội không tôn giáo và đời sống với một ý thức hệ ngày càng yếu đi là “sự trở lại với cội nguồn của mình”, bởi vì nếu không có nó họ “không thể biết chính mình”, như Chủ tịch Tập Cận Bình giải thích.

Phá sản tư tưởng

Tuy nghiên, đối với Đảng Cộng sản, quảng bá truyền thống và văn hóa Trung Quốc khá khó khăn, vì những ý tưởng của Nho giáo, Đạo giáo, và các tư tưởng triết học khác mâu thuẫn với ý thức hệ Cộng Sản. Do đó, việc từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản ở Trung Quốc được thực hiện một cách kín đáo, để xã hội không có ấn tượng rằng quyền lực độc tài hiện nay là một hệ tư tưởng phá sản.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ nhiều thập kỷ nay cố gắng giả vờ rằng họ không thay đổi hướng đi mà chỉ thực hiện sự điều chỉnh liên tục. Kết quả là, ngày nay dễ dàng nhận ra rằng, những gì liên quan đến ý thức hệ cũ chủ yếu chỉ ở tên gọi và biểu tượng của nhà nước.

Nhiều khuôn mặt của chủ nghĩa xã hội

Bằng cách này, hệ thống chính trị chính thức của nhà nước vẫn là “chủ nghĩa xã hội” nhưng mang “đặc sắc Trung Quốc”. Đó là cách xác định thuận tiện, để trên một mặt, cho thấy sự liên tục với sự khởi đầu của cuộc khởi nghĩa cách mạng ở Trung Quốc, mặt khác có thể được diễn dịch tự do theo những cần thiết chính trị. Thật vậy, “đặc sắc Trung Quốc” là gì, không ai biết, và chỉ có Đảng mới có thể quyết định.

Tương tự như vậy, trong kinh tế vẫn được gọi là “thị trường’ nhưng “xã hội chủ nghĩa”. Trên lý thuyết, hệ thống này có nghĩa là Trung Quốc tham gia vào kinh tế thị trường, nhưng thông qua các đối tượng quốc doanh. Trong thực tế ở Trung Quốc đang hoành hành chủ nghĩa tư bản tham lam dựa trên sở hữu tư nhân, và tăng nhanh lối sống tiêu dùng được “phát minh” tại các nước giàu có ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Chủ nghĩa xã hội Trung Quốc – lý thuyết và thực hành

Có bao nhiêu lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc? Thực tế cho thấy trong nhiều khía cạnh, ít hơn so với dân chủ và tư bản chủ nghĩa ở Ba Lan.

Ở Trung Quốc, tiếp cận với giáo dục miễn phí ở một mức độ đạt yêu cầu gần như là ảo, còn được nhà nước trả tiền cho học đại học rất khó khăn. Hệ thống an sinh xã hội, bao gồm lương hưu trí, không thích hợp, cộng với chính sách một con và tăng dân số, sự cứu rỗi duy nhất là phải tư nhân hóa một phần của nó.

Ngoài ra chất lượng và tiếp cận chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang ở mức rất thấp. Như vậy cũng chưa đủ, ở Trung Quốc rất hiếm hoi việc trợ  cấp – ở Ba Lan thì thành luật – đối với học sinh, sinh viên, hoặc những người khuyết tật.

Bức tranh của “chủ nghĩa xã hội” ở Trung Quốc được bổ sung khoảng cách tài chính khổng lồ giữa người giàu nhất và nghèo nhất tạo ra trong ba thập kỷ qua – sự tập trung của cải vào giới giàu có nhất trong xã hội Trung Quốc ngày nay thậm chí còn lớn hơn ở Hoa Kỳ.

Kết thúc chủ nghĩa cộng sản và sự khởi đầu là gì?

Trở lại cội nguồn của tư tưởng chính trị ở Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc lại áp dụng hệ tư tưởng Nho giáo ở vị trí của hiện tại, được xem là Cộng Sản. Trung Quốc có thể sẽ vẫn còn tiếp tục lâu dài với cờ đỏ và búa liềm.

Bởi vì, sự thay đổi hệ tư tưởng chính trị Trung Quốc dựa trên việc ngày mỗi đưa vào tuyên truyền và giáo dục nhiều đối tượng khác như tư tưởng Nho giáo. Nhìn thấy rõ ràng trong hành vi của Tập Cận Bình, người mà đồng thời vừa nói đến di sản vĩ đại của quá khứ, đứng đầu là tư tưởng của Khổng Tử, vừa ca ngợi chủ nghĩa cộng sản là con đường duy nhất đúng cho đất nước.

Đề cập đến nguồn gốc của mình chủ yếu là để thực hiện một chính sách rõ ràng. Thứ nhất, đánh giá cao thành tựu kinh tế sẽ làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có sự cảm thông và ủng hộ của xã hội. Thứ hai, nuôi dưỡng trong xã hội kiến ​​thức về di sản và niềm tự hào dân tộc. Thứ ba, nhấn mạnh Trung Quốc khác biệt với các nước khác và không cần phải lấy khuôn mẫu từ nước ngoài, bởi vì Trung Quốc có cái của riêng mình, tốt hơn.

Nho giáo bị khủng bố và ám ảnh

Một số người Trung Quốc nói rằng Nho giáo ở Trung Quốc tồn tại trong hai hình thức – bị bức hại bởi nhà cầm quyền khi họ cố gắng để áp đặt một hệ tư tưởng khác, hoặc bắt bớ người dân khi chính phủ  sử dụng nó để căn cước hóa chế độ chuyên chế.

Dù thế tranh luận thế nào thì quan điểm này đúng hay không cũng hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm của những người Cộng Sản Trung Quốc. Vào thời Mao Trạch Đông Nho giáo bị tấn công và phá hủy, và bây giờ họ đang cố gắng chọn lọc sử dụng để củng cố quyền lực của mình. Chính quyền muốn tồn tại phải đưa ra cho người dân một cái gì đó nhiều hơn là các trích dẫn từ chủ nghĩa Marx và sách đỏ của Mao Trạch Đông.

Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức

—————————————————————————————-

Dịch từ tiếng Ba Lan bài được đăng trên trang Web của TV tin tức Ba Lan TVN24 ngày 11 tháng 7 năm 2015 tại link: http://www.tvn24.pl/chiny-odchodza-od-komunizmu-i-siegaja-do-tradycji,558226,s.html

Bi kịch và thành công của người Mỹ gốc Việt

Bi kịch và thành công của người Mỹ gốc Việt

Kính Hòa, phóng viên RFA

RFA

Bi kịch và thành công của người Mỹ gốc Việt Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

trieu-giang-2-622.jpg

Poster quảng cáo phim VIETNAMERICA.

Courtesy photo

Your browser does not support the audio element.

Thời gian 40 năm kể từ khi Sài Gòn sụp đổ cũng là thời gian hình thành nên cộng đồng người Việt đầy sức sống tại Hoa Kỳ. Bộ phim tài liệu VIETNAMERICA ra đời ghi lại lịch sử hình thành cộng đồng tị nạn chính trị lớn nhất nước Mỹ.

Đón nhận rất nồng nhiệt

Nhân dịp bộ phim bắt đầu được chiếu rộng rãi trên toàn nước Mỹ, người thực hiện bộ phim là nhà báo Triều Giang dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn về bộ phim lịch sử này.

Triều Giang: Bộ phim đã được hoàn thành và hiện được chiếu tại miền Nam California, và đã được các đồng hương của chúng ta đón nhận rất nồng nhiệt. Vé bán hai tuần trước đã “sold out”, một điều rất đáng mừng. Bây giờ bộ phim đang được chiếu khắp nơi, ở Houston là ngày 25 và 26, tức là còn hai tuần nữa. Cho đến hôm nay thì số nhà bảo trợ rất là đông và số thu được là khoảng 30 ngàn đô la, số vé hơn 2.000 vé cũng bán được một nửa. Ngày hôm thứ sáu vừa qua có một cuộc gặp mặt nho nhỏ với cộng đồng của chúng ta ở vùng DC, có một điều bất ngờ làm Triều Giang rất cảm động, đó là lúc đầu mình chỉ muốn nói thôi, muốn trình bày về thông tin thôi, vậy mà các bác các anh chị ở đó đã mở ra một cuộc quyên góp đưa cho Triều Giang đến 2.300 đô la. Điều đó chứng tỏ mọi người rất mong mỏi xem cái phim này, vì đó là lịch sử của mọi người chúng ta.

Bộ phim tên là VIETNAMERICA nói về lịch sử của người Mỹ gốc Việt, cái lịch sử đau thương lúc ban đầu nhưng mà mình cũng vượt qua được, vượt qua được tất cả. Mình là cộng đồng tị nạn lớn nhất nước Mỹ và có những đóng góp rất quan trọng.
-Nhà báo Triều Giang

Và phim đang được đưa đến với người (Mỹ) bản xứ ở đây qua các đại hội điện ảnh. 18 phút của bộ phim có nhan đề là Võ sư Hóa đi tìm mộ, đã được đưa vào 15 đại hội điện ảnh, và đã nhận được năm giải thưởng của quốc gia và quốc tế. Đó là những thành quả đầu tiên mà phim đã đạt được trong việc phổ biến đến người bản xứ và ngoại quốc ở đây.

Kính Hòa: Bà vừa nói đến 18 phút trích ra từ bộ phim, bà có thể nói thêm về nội dung bộ phim và vai trò của 18 phút đó trong bộ phim là như thế nào!

Triều Giang: Bộ phim tên là VIETNAMERICA nói về lịch sử của người Mỹ gốc Việt, cái lịch sử đau thương lúc ban đầu nhưng mà mình cũng vượt qua được, vượt qua được tất cả. Mình là cộng đồng tị nạn lớn nhất nước Mỹ và có những đóng góp rất quan trọng.

18 phút là phần nói về thảm trạng thuyền nhân. Không phải ai cũng đến Mỹ bằng thuyền, mà còn có những tù nhân chính trị. Quốc hội Hoa Kỳ đã có chương trình giúp tù nhân chính trị còn gọi là chương trình HO. Phim VIETNAMERICA nói về tất cả những người này, còn 18 phút là nói về thuyền nhân.

Sự đóng góp của cộng đồng

Kính Hòa: Tên phim là VIETNAMERICA, vậy có đề cập đến những bạn trẻ sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ không thưa bà?

trieu-giang-3-400.jpg

Nhà báo Triều Giang cùng poster quảng cáo phim VIETNAMERICA. Photo courtesy of Người Việt/Ngọc Lan.

Triều Giang: Cái phần đó rất là quan trọng, bởi vì cái nhóm mà mình gọi là thế hệ một rưỡi dù đi một mình hay với ba má khi miền Nam bị mất thì các em còn rất nhỏ. Cái nhìn của các em về những ngày cuối cùng của cuộc chiến, và các em đến đây với một thế giới đầy ngỡ ngàng, rồi các em làm thế nào để vượt qua để bây giờ có những thành công. Chúng ta có một vị tướng trong quân lực Hoa Kỳ, chúng ta có nhiều khoa học gia nổi tiếng, những bác sĩ, rồi nhiều luật sư… Chúng ta đóng góp rất nhiều cho đất nước này. Bộ phim dành rất nhiều thời gian cho nhóm những người trẻ đó.

Kính Hòa: Trở lại chuyện vượt biển tìm tự do sau năm 1975 thì thưa bà là dường như các cố gắng để tái lập các khúc lịch sử đen tối đó gặp nhiều khó khăn vì các trại thuyền nhân đang bị xóa đi. Khi thực hiện bộ phim bà có gặp khó khăn đó hay không, và bà có nhắm tới việc khôi phục lại giai đoạn lịch sử đó để thế hệ sau này biết hay không?

Triều Giang: Hội là một hội giáo dục và văn hóa, việc khôi phục lại những di tích đó nằm ngoài tầm tay của mình. Mình ghi nhận lại là một điều đáng mừng, mặc dù rất nhiều trại bị xóa bỏ, ví dụ như trại Songkla ở Thái Lan bây giờ không còn vết tích, Bi Đông bây giờ họ cũng xóa gần hết rồi, bên Indonesia thì họ có làm một bảo tàng cho người tị nạn, tuy nhỏ thôi và các vật trưng bày cũng sơ sài và nghèo nàn, nhưng đó cũng là cố gắng của chính phủ Nam Dương.

Khi làm phim này mình đi lại tất cả bốn nước Đông Nam Á, nơi mà trước đây có những trại tị nạn, hàng trăm nghĩa trang, hàng ngàn ngôi mộ vẫn còn đó, những ngôi mộ không có bia và những ngôi mộ chỉ với một cái huyệt mà chôn hàng trăm người. Những di tích thuyền nhân đó đã được ghi vào phim ảnh, và đó là điều mừng nhất, trước khi nó mất đi với thời gian hay là các nước sở tại người ta không muốn gìn giữ nữa.

Kính Hòa: Bà đã nói về sự phát triên của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, về những người mới đến, và những thế hệ sau đó. Theo bà cộng đồng người Việt còn cần làm những gì để làm tốt hơn vai trò của mình ở nước Mỹ?

Tôi nghĩ là sau khi phim được chiếu tại các rạp, được đưa vào truyền hình Hoa Kỳ, đưa vào DVD, chúng ta sẽ đưa lên Internet thì không có cái gì có thể ngăn cản được người trong nước xem phim này.
-Nhà báo Triều Giang

Triều Giang: Theo suy nghĩ của tôi là cộng đồng đã làm rất tốt, những cá nhân đã thành công làm nên vẻ vang cho cộng đồng. Mình ước mong là cộng đồng chúng ta đoàn kết hơn, nắm tay nhau hơn. Một hội rất nhỏ như là Hội bảo tồn lịch sử và văn hóa này, mà với sự vận động đã có được một số tiền do cộng đồng giúp, không đủ lớn để làm phim nhưng mà cũng không nhỏ, là 200 ngàn, rồi vay được 150 ngàn để làm bộ phim tổng chi phí là 350 ngàn. Một hội nhỏ đã vận động được như vậy để làm được một phim và đưa vào đại hội điện ảnh quốc tế. Triều Giang nghĩ là nếu chúng ta đoàn kết nhau lại, thì chúng ta sẽ làm rất nhiều việc với kết quả không ngờ.

Kính Hòa: Những cố gắng bảo tồn văn hóa lịch sử của người Mỹ gốc Việt, cũng như là khôi phục lại lịch sử mà những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam người ta không biết, bà có nghĩ là những cố gắng đó có ảnh hưởng về Việt Nam không?

Triều Giang: Dạ rất là ảnh hưởng. Chúng tôi nhận được rất nhiều email của người trong nước gửi ra hỏi là bao giờ thì người trong nước sẽ được xem cái phim này. Họ cũng muốn biết lắm, muốn biết là chuyện gì đã xảy ra trong thời chiến tranh, chuyện gì đã xảy ra cho hàng triệu người bỏ nước ra đi, tại sao họ ra đi? Và chuyện gì làm cho họ trở thành một cộng đồng lớn mạnh như bây giờ.

Tôi nghĩ là sau khi phim được chiếu tại các rạp, được đưa vào truyền hình Hoa Kỳ, đưa vào DVD, chúng ta sẽ đưa lên Internet thì không có cái gì có thể ngăn cản được người trong nước xem phim này.

Kính Hòa: Xin bà câu hỏi cuối cùng là trong lúc chúng ta đang nói chuyện ở đây thì ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam cũng đang ở cách chúng ta không xa, bà có lời nhắn nhủ gì với ông ấy không?

Triều Giang: Vâng, dạ thưa ông Trọng, nếu ông muốn cai trị nước Việt Nam tốt hơn thì ông nên xem phim này, và đưa về Việt Nam trình chiếu cho người dân xem để biết rằng dân tộc của chúng ta thèm khát tự do, rất muốn sống tự do, và có tự do thì họ làm được tất cả. Nhìn vào cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại thì thấy là chúng tôi thành công như thế nào.

Kính Hòa: Xin cám ơn bà Triều Giang.

Ba thiếu niên Michigan bị bỏ tù vì không ăn cơm với cha

Ba thiếu niên Michigan bị bỏ tù vì không ăn cơm với cha

Nguoi-viet.com

LANSING, Michigan (NV)Một chánh án ở Michigan bỏ tù ba thiếu niên cho tới khi họ được 18 tuổi chỉ vì không chịu ăn cơm với người cha, theo một bản tin của Fox News.

Theo hồ sơ tòa án đề ngày 24 Tháng Sáu, Chánh Án Lisa Gorcyca ở Oakland County, Michigan, nói với người mẹ và ba đứa con của bà, 9 tuổi, 10 tuổi và 15 tuổi, là các con của bà phạm tội “xa lánh cha mẹ.”


Chánh Án Lisa Gorcyca. (Hình: Oakland County)

Mẹ của ba em này đã ly dị người chồng từ năm 2009, và theo bà chánh án, người mẹ đã làm cho hai đứa con trai và đứa con gái xa lánh cha của chúng.

Tại một phiên tòa, người con trai lớn tìm cách giải thích với chánh án vì sao em không muốn ở với người cha.

“Cha tôi là người bạo động, và tôi từng thấy ông đánh mẹ tôi,” người con trai nói, theo hồ sơ tòa.

Tuy nhiên, Chánh Án Gorcyca cho rằng, người con trai này đã bị người mẹ tẩy não, và quyết định cả ba thiếu niên này đã khinh thường tòa.

Bà chánh án quyết định đưa họ vào Children’s Village, một trại giam thiếu niên, và họ sẽ bị giữ ở đây cho tới khi được 18 tuổi.

“Tôi cảm thấy như là các con tôi đang bị xử tử,” người mẹ nói với đài truyền hình My Fox Detroit. “Cho dù vụ ly dị tệ hại đến như thế nào, tôi nghĩ, tòa án không nên trừng phạt các trẻ em chỉ vì hành động của chúng.”

Cho tới ngày Thứ Năm, cả ba thiếu niên này vẫn còn bị giam giữ, theo bà Lisa Stern, luật sư đại diện cho bà mẹ.

“Trong 20 năm hành nghề về luật gia đình, tôi có thể nói, quyết định này của tòa án là sốc,” bà Stern nói với đài My Fox Detroit. “Tôi tưởng tòa án sẽ ra phán quyết có lợi cho các em. Tôi nghĩ vị chánh án rất quan tâm đến việc tái hợp của gia đình này, nhưng lại ra quyết định rất sai.”

Luật Sư Keri Middleditch, đại diện cho người cha, nói rằng đây là một tình thế thê thảm cho tất cả mọi người liên quan.

“Thật là không may cả ba em đều bị đưa vào một nơi như thế chỉ vì hành động của người mẹ,” nữ luật sư này nói, qua một tuyên bố gởi cho hãng thông tấn AP hôm Thứ Năm.

Bà Middleditch nói rằng người mẹ “tiếp tục để các con của bà xa lánh người cha sau khi đã thành công trong việc tẩy não chúng. Tòa án đã đưa ra phán quyết rất nặng, với mục đích làm giảm tình thế vô cùng căng thẳng do người mẹ tạo ra.”

Luật Sư Amanda Murley, làm việc trong văn phòng vị chánh án, hôm Thứ Năm nói rằng, Chánh Án Gorcyca “không thể có ý kiến” bởi vì vụ xử đang còn tiếp diễn. (Ð.D.)

Tài khoản Facebook ở Việt Nam dễ bị đánh cắp

Tài khoản Facebook ở Việt Nam dễ bị đánh cắp

Nguoi-viet.com

LONDON 8-7 (NV) – Tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook tại Việt Nam không an toàn vì có nhiều người kêu ca bị đánh cắp mật khẩu và trang cá nhân.

Một người ở Hà Nội chỉ vào hình “Lưỡi bò” bị cắt trên một trang cá nhân Facebook khi có các căng thẳng chủ quyền Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Theo một bản tường trình của tổ chức tư nhân tư vấn bảo mật SecDev tại Canada được đài BBC tường thuật lại thì “Vấn nạn đánh cắp tài khoản Facebook tại Việt Nam đang lan tràn như một ‘đại dịch.’

Tường trình công bố ngày 6/7/2015 của SecDev cho biết trong 15 người dùng Facebook tại Việt Nam được SecDev liên lạc thì có một người từng bị đánh cắp tài khoản và 6 người khác quen biết một ai đó từng mất tài khoản.

Trên Facebook mấy ngày gần đây, người ta thấy có những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam khuyến cáo đừng vào trang cá nhân của người đó nữa vì mật khẩu đã bị đánh cắp. BBC thuật lại từ tường trình SecDev nói rằng, số lượng bình luận có từ khóa liên quan đến “hacking” trên trang cộng đồng của Facebook tiếng Việt cũng tăng thường xuyên trong 3 năm trở lại đây.

Một trong các phương thức được tin tặc sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, theo tường trình vừa kể, là tạo đường link giả mạo để yêu cầu người dùng đăng nhập lại tên và mật mã. Một phương thức cũng phổ biến không kém là giả mạo danh tính để kết bạn với bạn bè trên Facebook của nạn nhân và yêu cầu giúp đỡ.

Một cách phức tạp hơn là dùng mã độc để ghi lại thông tin được nhập trên bàn phím của điện thoại lẫn máy tính của nạn nhân và từ đó ghi lại địa chỉ email, tên đăng nhập, mật mã.

Theo SecDev, số lượng lớn các tài khoản bị đánh cắp không phải do tin tặc có trình độ cao, mà là do thói quen cá nhân lẫn các yếu tố văn hóa của người dùng Facebook tại Việt Nam.

“Sự chủ quan và thói quen vay mượn phi chính thức của giới trẻ tại Việt Nam đã tạo nên một môi trường hoạt động lý tưởng cho tin tặc,” Bản tường trình viết, được BBC kể lại. Để dập tắt vấn nạn tin tặc, giới trẻ Việt Nam “cần nhanh chóng đề cao cảnh giác cũng như tăng cường các biện pháp an ninh mạng”.

Hiện nay, có khoảng hơn 31 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook để trao đổi thông tin, tăng 50% so với năm 2014 khi điện thoại thông minh càng ngày càng phổ biến khắp nơi trên cả nước. Người ta không cần đến máy điện toán để lên internet vì điện thoại thông minh cũng có luôn tính năng này.

Văn thư của Bộ Công An CSVN  yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam ngăn chặn mạng xã hội Facebook. (Hình: Internet)

Theo SevDev, 95% người có tài khoản Facebook tại Việt Nam ở độ tuổi 15-24 tuổi. Tổ chức này dẫn một báo cáo nói Việt Nam bị nhiều đợt tấn công mạng “từ những nhóm tin tặc được chính quyền hậu thuẫn và các nhóm dân tộc chủ nghĩa” hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới trong năm 2014.

“Phần lớn các cuộc tấn công có liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển ở với Trung Quốc,” SevDev viết.

Khi thấy các thông tin “lề trái” xuất hiện tràn làn trên Facebook, ngay từ năm 2009, bộ Công an CSVN đã gửi văn thư đến 10 công ty cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam đòi hỏi họ “áp dụng các biện pháp kỹ thuật chặn triệt để đối với 8 trang mạng” trong đó có Facebook.

Hành động của chế độ Hà Nội cho thấy họ cố gắng đối phó với các thứ thông tin “ngoài luồng” vì chúng chứng tỏ nhà cầm quyền hoặc che đậy sự thật, hoặc dối trá bịp bợm người dân.

Vì sự ngăn chặn không có tác dụng nên trong một phiên họp chính phủ hồi giữa Tháng Giêng vừa qua, chính ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhìn nhận sự thất bại khi khả năng của công an mạng và đám “dư luận viên” vừa có giới hạn, vừa không ai sợ, không ai tin.

Cái mà chế độ Hà Nội, qua chỉ thị của ông Nguyễn Tấn Dùng, có thể làm được là phải cố gắng đưa tin “kịp thời để định hướng” dư luận, nhờ vậy mà “người dân có lòng tin”, bởi vì các mạng xã hội là “nhu cầu thiết yếu, không thể ngăn cấm”.

Ngày 15/7/2013, nhà cầm quyền CSVN đưa ra nghị định 72 cấm người sử dụng internet ở Việt Nam phổ biến lại các thông tin từ các nguồn khác. Mục đính chính của nghị định này là ngăn chặn phát tán các thứ thông tin có hại cho chế độ Hà Nội.

Từ đó đến nay, các mạng xã hội trên internet, gồm cả Facebook, vẫn được các người tại Việt Nam trao đổi, dẫn lại các thông tin từ bất cứ nguồn này trên thế giới gây được chú ý của người đọc.

Để đối phó với các trường hợp đánh cắp mật khẩu hoặc bị “kẻ gian” chiếm đoạt tài khoản cá nhân, một tổ chức có tên makeuseof.com (http://www.makeuseof.com/tag/check-accessing-facebook-account/ đề nghị 16 bước kiểm chứng để xem tài khoản (account) của mình có bị kẻ gian xâm nhập hay không, đồng thời lấy lại quyền kiểm soát của mình. (TN)

Chuyện của danh ca Lệ Thu

Chuyện của danh ca Lệ Thu

1. Cuộc đời tôi như một tờ giấy trắng, được tạo hóa vẽ lên đó những đường nét rõ ràng và tôi chưa một lần đi ngược lại quy luật tự nhiên. Tôi tin mọi thứ đều do trời định cả. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ. Ngay cả khi bén duyên ca hát rồi, tôi cũng chẳng mơ được gọi hai tiếng “danh ca”. Bước lên sân khấu, tôi cứ thế hát bằng tất cả xúc cảm, bằng tâm hồn mình. Có lẽ vậy mà tiếng hát tôi còn được thính giả yêu quý tới giờ. Vì giọng hát theo thời gian sẽ khác đi nhưng tâm hồn trong tiếng hát thì bất biến.

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình khá giả. Bên nội, bên ngoại đều khá giả. Mẹ tôi trải qua 8 lần sinh nở nhưng các anh chị tôi không được hưởng phúc phận, cứ lên 3 là mất. Chỉ có tôi là đứa con duy nhất nhận được toàn bộ tình thương, chăm sóc của cả gia đình. Mẹ lúc nào cũng âu yếm gọi tôi “Em ơi”, “cô ơi”. Tôi có một cuộc sống đầy đủ trong căn nhà đúng kiểu làng quê miền Bắc ngày đó. Một căn nhà ba gian, có ao thả cá, có vườn cây hoa trái rộng bát ngát.

Tuổi thơ tôi bình yên trôi. Tôi hầu như không biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, đi học ở đình làng gần nhà, sau đó chuyển từ Hà Đông lên Hà Nội. Thấy tôi mê nhạc, gia đình cho tôi đi học đàn. Nhưng nghĩ, con gái mà học guitar sợ “ngổ ngáo” quá nên bố mẹ gởi tôi vào trường dòng từ lúc lên 5 cho tôi học piano. Đam mê được thỏa nguyện tạo nên trong tôi tình yêu vô cùng trong âm nhạc. Mặc nhiên đến mức tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể khác đi. Ca hát, với tôi là duyên số, là phước phần trời định. Gia đình tôi, các chú, các cậu đều hát rất hay. Tôi hát chẳng là gì so với họ nhưng chắc không ai có cái nghiệp như tôi.

Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền mẹ cả, phải chịu đựng đủ điều. Đủ thứ việc trong nhà, cụ phải dang tay cáng đáng, chẳng bao giờ được nghỉ tay. Năm tôi 10 tuổi, mẹ con tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống.

Nhà tôi hồi đó nằm trên đường Phan Đình Phùng, cạnh nhà có một ông thầy dạy nhạc. Tôi thường nghe tiếng nhạc phát ra từ nhà ông rồi cứ thế véo von hát theo. Bạn bè, bà con lối xóm cứ thế kéo sang đứng chật trước cửa nhà, trầm trồ: “Ôi, con bé này hát hay quá!”. Tôi nghe thì biết vậy chứ có hiểu thế nào là hát hay hoặc chưa hay đâu. Có người kêu tôi, đi thi hát đi. Tôi tò mò hỏi thế thi hát là thi như thế nào? Họ bảo lên đài phát thanh ghi tên, rồi đứng trong phòng kính có đặt một tấm gương cho mình nhìn vào và hát. Trí óc non nớt của một đứa con gái 13, 14 tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chưa từng đến phòng thu, làm sao có thể hát trước một tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình trong một căn phòng kín như thế? Tôi sợ nên không dám đi thi.

Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh nhật một nhỏ bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”. Toàn bạn bè chơi với nhau, có gì đâu mà ngại. Tôi liền đứng lên hát bài Tà áo xanh (Dang dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong vô thức tự nhiên tôi hát bài đó thôi chớ không nghĩ chuyện kiêng kỵ gì hết. Tự dưng đâu, giọng hát tôi “lọt tai” ông chủ phòng trà. Ổng bèn ngỏ lời mời tôi đi hát.
Gia đình tôi gia giáo, biết chắc là mẹ không thể nào chấp nhận chuyện này nên tôi thẳng thừng từ chối.
Ông thuyết phục tôi rằng: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là đến nhà bạn thảo luận bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy.

Thế là tối tối, tôi giấu mẹ đi hát. Nhiều khi tôi mặc cả đồng phục ở trường đi hát luôn. Khi ông chủ phòng trà hỏi, tôi muốn được gọi như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình. Kỳ thực, tôi cũng biết, chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên này lại được bật lên một cách tự nhiên như thế.

2. Xế nhà tôi có anh hàng xóm thích tôi lắm. Mỗi lần ăn cơm xong, có tráng miệng lúc trái na, lúc trái cam, anh không ăn mà để dành cho tôi. Thấy tôi đi qua, ảnh không dám đưa tận tay, chỉ quẳng cho tôi và tôi cũng hồn nhiên nhận. Ảnh và tôi học khác trường. Bốn năm trời ảnh cứ đạp xe đứng ngóng tôi trong những giờ ra chơi vậy đó. Tối nào tôi cũng đi hát khiến ảnh tò mò. Độ đâu vài tháng, anh biết được và đem mách mẹ tôi. Cụ nghe chuyện, nổi trận lôi đình. Cụ sợ tôi khổ do vướng phận “xướng ca vô loài”, rồi vướng chuyện trai gái này nọ. Tôi đứng im re nghe cụ rầy, không dám giải thích tiếng nào hết.

Bẵng đi ba bốn hôm, không thấy tôi đến, nghĩ là có chuyện, ông chủ phòng trà tìm đến tận nhà. Mẹ tôi cấm ngặt. Ông thuyết phục mẹ tôi rằng, tôi có giọng hát rất hay và lạ, mong mẹ đừng để lỡ cơ hội và tài năng của tôi. Thấy mẹ còn lo lắng, ông mời mẹ lên phòng trà mục sở thị. Mẹ tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày liền mới quyết định đi thử. Bữa đó, gia đình tôi đông người đi xem lắm. Bác tôi cứ liên tục đay nghiến mẹ: “Tại sao cô lại để cho nó đi hát chứ?”. Coi tôi bước lên bục hát vài bài rồi xuống, mẹ tôi còn tưởng là lừa cụ do đâu nghĩ mọi chuyện dễ dàng vậy mà được trả thù lao cao thế. Đi vài đêm, nghe thính giả vỗ tay rần rần, cụ bắt đầu lay chuyển và đồng ý, với điều kiện phải cho cụ theo. Suốt hai năm như vậy, cụ mới cảm thấy yên tâm để tôi đi một mình.

Ngày ấy, con gái đến tuổi cập kê mà chưa cưới hỏi thì các cụ lo sốt vó. Tôi lại vướng nghiệp cầm ca nên mẹ tôi càng rầu. Thành ra, anh chàng kia mới quen tôi đâu được một tháng thì đem sính lễ tới nhà hỏi cưới tôi, cụ gật đầu gả liền. Thời đi học, cũng lãng mạn, làm thơ này nọ nhưng tôi chưa bao giờ biết yêu ai. Đùng một cái đi lấy chồng, mọi thứ kéo từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. Tôi hơn hai mươi tuổi đầu mà chuyện bếp núc, chuyện làm dâu, chuyện vợ chồng cứ lóng nga lóng ngóng. Năm này qua tháng khác, riết người ta làm sao chịu nổi. Thành ra, tụi tôi mỗi người mỗi hướng. Tôi không thấy buồn gì hết. Tại hồi đó, tôi có biết yêu là thế nào đâu. Nhiều người cho rằng, cái tên và những bài tôi hát đồng cảm với cuộc đời tôi. Tôi cũng không hiểu vì sao nó lại vận vào mình. Để đến khi gặp người mình yêu thương thật lòng thì chuyện lại dở dở dang dang. Âu lỗi cũng ở mình và ở người. Tự ái và cái tôi lớn hơn sự cảm thông thì đành lỗi duyên giai ngẫu…

Ở tuổi này rồi, sự trải nghiệm khiến tôi thấm lẽ đời. Tạo hóa vốn dĩ rất công bằng, người cho tôi một chút nhan sắc, một chút tài năng thì phải lấy lại một cái gì đó. Và người lấy của tôi hạnh phúc trong cuộc sống riêng. Hôn nhân là chuyện nợ, chuyện duyên. Nếu có duyên nợ với nhau, sẽ cùng nhau đi hết một đoạn đường dài. Duyên nợ của tôi có lẽ chỉ đến đó, và chúng tôi đã trả cho nhau xong rồi. Định mệnh mà, có được làm lại cũng sẽ không thể thay đổi. Dẫu gì cũng đã cùng nhau qua một đoạn đường trần.
Tôi được nghe ở đâu đó rằng, hạnh phúc trong tầm tay mình và hiện hữu ở hiện tại. Quá khứ là gia sản của mỗi người, những gì có được ở hiện tại, dù là không may mắn nhưng tôi luôn bằng lòng với nó. Có câu danh ngôn vầy, hãy khép lại cánh cửa quá khứ và mở cánh cửa

3. Người Mỹ hay dùng thành ngữ “Born to be that way” để nói về vận mệnh. Có những người sinh ra để hưởng phú quý, có người số phận khổ sở,… còn tôi sinh ra để làm một nghệ sĩ. Chuyện trở thành một ca sĩ là điều tất yếu và nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn làm như vậy.

Điều khiến tôi hối tiếc nhất là tôi đã sống chưa đủ đầy bổn phận với mẹ, với các con. Chưa đủ đầy ở đây là không trực tiếp chăm sóc, nhìn các con trưởng thành từng ngày. Có lẽ, tôi hơi ích kỷ… Không! Đúng ra là tôi ích kỷ. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thổ lộ điều này. Tôi chỉ nghĩ cho mình, tự thương mình nhiều quá mà quên mất những điều người thân trông chờ và cần ở mình. Nếu được sống lại, có lẽ, tôi sẽ sống khác đi. Sẽ biết cách cân bằng hơn giữa công việc và gia đình thay vì lúc nào cũng chỉ miệt mài dồn sức cho công việc.

Cũng vì lẽ ấy nên tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ xa con cháu… Tôi yêu thương và muốn bù đắp cho chúng. Các con trưởng thành và xây dựng cuộc sống riêng ở đâu thì đó là nơi chúng phải gắn bó dài lâu. Với tôi, nơi nào được gần những người mình yêu thương, nơi đó chính là nhà.
Ở tuổi này rồi, thi thoảng tôi nghĩ đến chuyện trở về thế giới bên kia. Ai rồi cũng phải về thôi mà, phải không? Không phải vì tôi buồn, vì thiếu thốn, hiu quạnh hay bất cứ lý do nào khác. Danh vọng, tiền tài, gia đình, tôi may mắn được ơn phước cho đủ đầy rồi. Còn mong gì hơn? Chỉ là, cái đẹp biến mất khi dấu ấn vẫn còn, hẳn sẽ trọn vẹn hơn.
Hoàng Linh Lan (ghi)

Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng.
Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những giọng ca lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Lệ Thu tuy không gắn với một nhạc sĩ nào, nhưng bà là người trình bày rất thành công nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến… và nhiều nhạc phẩm tiền chiến, tình khúc 1954-1975 khác.
Trong những năm từ 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz. Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hằng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát của bà.
Lệ Thu còn tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam và thu âm nhiều băng nhạc.
Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, Lệ Thu kết hôn với ký giả Hồng Dương nhưng hai người chia tay sau khi có một con gái tên Thu Uyển.
Trong sự kiện tháng 4 năm 1975, Lệ Thu quyết định ở lại Việt Nam vì còn mẹ, dù đã tới phi trường, bước chân đến máy bay nhưng lại quay về.
Tháng 11 năm 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biển đến Pulau Bidong, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai năm sau hai người con gái lớn của Lệ Thu đoàn tụ với Lệ Thu tại nam California.
Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, cộng tác với các vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim’s. Năm 1981 Lệ Thu thực hiện băng nhạc đầu tiên của mình ở hải ngoại mang tên Hát trên đường tử sinh. Tiếp theo là Thu, hát cho người gồm nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của mình. Và cho đến nay Lệ Thu vẫn tiếp tục ca hát…

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ hơn một triệu người tại thành phố Guayaquil.& Đức Giáo Hoàng rửa chân cho 12 tù nhân, một nửa là phụ nữ tại nhà tù Rebibbia

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ hơn một triệu người tại thành phố Guayaquil.

httpv://www.youtube.com/watch?v=WCjYY-17Muw

Đức Giáo Hoàng rửa chân cho 12 tù nhân, một nửa là phụ nữ tại nhà tù Rebibbia

httpv://www.youtube.com/watch?v=SoIMaOgr_1Q

“Vì sao tôi đi lính?”: Câu chuyện của những quân nhân Mỹ gốc Việt.

“Vì sao tôi đi lính?”: Câu chuyện của những quân nhân Mỹ gốc Việt.

Hoà Ái, phóng viên RFA
2015-07-07

RFA

07062015-y-did-i-choo-mili-career.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Các quân nhân Mỹ gốc Việt trong 7 binh chủng của quân đội Hoa Kỳ

Các quân nhân Mỹ gốc Việt trong 7 binh chủng của quân đội Hoa Kỳ

Hội quân nhân Mỹ gốc Việt

Nhân dịp Hòa Ái được mời đến tham dự lễ hồi hưu của các sĩ quan Hải quân tại thành phố Hampton, tiểu bang Virginia, được gặp gỡ với rất nhiều quân nhân Mỹ gốc Việt. Hòa Ái cũng đã gặp gỡ một vài trong số họ để tìm hiểu vì sao họ quyết định trở thành những người lính và binh nghiệp là sự nghiệp của cuộc đời họ.

Trước tiên, Hòa Ái có dịp được nói chuyện với Binh nhất Jack Phan. Xin chào Jack Phan.

Binh nhất Jack Phan: Xin chào chị Hòa Ái.

Hòa Ái: Jack Phan cho Hòa Ái hỏi thăm hiện Jack Phan đang phục vụ trong binh ngũ nào và được bao lâu rồi?

Binh nhất Jack Phan: Thưa chị, em phục vụ trong Quân lực Hoa Kỳ, binh chủng Lục quân. Được 3 năm rồi.

Hòa Ái: Vì sao Jack Phan lại quyết định trở thành một người lính?

Binh nhất Jack Phan: Ông ngoại em tham gia vào Lục quân của VNCH trước đây cho nên em tham gia vào Lục quân của Hoa Kỳ như là một ước mơ. Khi em vào lính thì em được tham gia trong nhiều khóa huấn luyện, được nhiều quyền lợi như công việc, được cho đi học, được giúp đỡ về tài chính…Em rất cảm ơn Lục quân Hoa Kỳ cũng như nước Mỹ và ông ngoại em đã cho em tiếp bước con đường binh lực.

Hòa Ái: Từ khi giấc mơ manh nha trong đầu cho đến va chạm thực tế thì Jack Phan cảm thấy thế nào?

Binh nhất Jack Phan: Sau khi tham gia vào lính, trở thành một người lính thì em hoàn toàn trở thành một người khác so với con người mình trước đây cũng như những người đồng trang lứa với mình. Em trưởng thành hơn, chính chắn hơn. Em rất hãnh diện được vào lính cũng như đứng tại đây được gặp những người như chị và những người lính xung quanh mình. Cảm ơn chị.

Hòa Ái: Cảm ơn em rất nhiều. Thưa quý vị, bên cạnh Hòa Ái lúc này là Trung tá Bộ binh Paul Ưng. Mời quý vị cùng gặp gỡ với ông. Xin được chào Trung tá Paul Ưng.

Trung tá Bộ binh Paul Ưng: Chào em.

Hòa Ái: Xin hỏi Trung tá phục vụ trong quân đội bao nhiêu năm?

Trung tá Bộ binh Paul Ưng: Được 32 năm.

” Sau khi tham gia vào lính, trở thành một người lính thì em hoàn toàn trở thành một người khác so với con người mình trước đây cũng như những người đồng trang lứa với mình. Em trưởng thành hơn, chính chắn hơn

Binh nhất Jack Phan”

Hòa Ái: Hòa Ái rất hân hạnh được gặp gỡ và được nghe chia sẻ về dòng họ Ưng của ông là những công thần ngày xưa dưới Triều Nguyễn đã góp công mở mang bờ cõi của VN và thế hệ cha chú của ông cũng trong Quân lực VNCH. Có phải truyền thống gia đình mà ông cũng trở thành một người lính?

Trung tá Bộ binh Paul Ưng: Cũng đúng một phần là vì tôi lớn lên trong gia đình được biết ông cố, ông sơ hồi xưa là tướng của triều. Trong gia đình, cô, chú và ba của tôi cũng trong quân đội luôn. Một phần tôi đi lính cũng vì truyền thống gia đình.

Hòa Ái: Câu hỏi tò mò của Hòa Ái không biết ông đi lính một phần cũng vì sở thích phiêu lưu để thỏa chí tang bồng hay không?

Trung tá Bộ binh Paul Ưng: Đúng. Một phần tôi thích đi lính vì đi lính Quân đội của Mỹ thường chúng tôi đi rất nhiều nước. Chúng tôi đóng quân ở Đức, Đại Hàn, Nhật, Afghanistan, Iraq…Tôi thích đi nước này nước nọ để học hỏi những truyền thống cũng như phong tục của nước ngoài để hấp thụ lối sống của họ giúp mình hiểu biết hơn. Tôi rất thích du lịch.

Trung tá hải quân Tuấn Nguyễn (thứ 2 từ trái), trung tá hải quân Quốc Trần (thứ 4 từ trái)

Trung tá hải quân Tuấn Nguyễn (thứ 2 từ trái), trung tá hải quân Quốc Trần (thứ 4 từ trái) tại buổi lễ hồi hưu (Nguồn: Trung tá HQ Tuấn Nguyễn)

Hòa Ái: Có lẽ 32 năm trong quân đội ông đã đặt chân đến nhiều nơi và gặp gỡ rất nhiều người nhưng ngay giây phút này nếu nói về một kỷ niệm thú vị nhất thì là kỷ niệm nào, thưa ông?

” Một phần tôi thích đi lính vì đi lính Quân đội của Mỹ thường chúng tôi đi rất nhiều nước. Chúng tôi đóng quân ở Đức, Đại Hàn, Nhật, Afghanistan, Iraq…Tôi thích đi nước này nước nọ để học hỏi những truyền thống cũng như phong tục của nước

Trung tá Bộ binh Paul Ưng”

Trung tá Bộ binh Paul Ưng: Tôi có rất nhiều kỷ niệm nhưng điều tôi ngạn nhiên là hồi tôi đang ở Iraq đánh giặc thì được đi nghỉ phép. Lúc đó tôi về VN thăm gia đình. Khi đó trong hồ sơ tôi khai là Đại úy của sĩ quan Mỹ. Và khi gặp Hải quan (VN) thì họ hỏi tôi và tôi trả lời đang đánh giặc ở Iraq. Tôi ngạc nhiên là nhân viên Hải quan này gọi những người bạn, đồng nghiệp lại hỏi tôi đánh giặc thế nào. Tôi kể sơ lược cho họ nghe. Có vẻ Họ có vẻ rất thích nghe những chuyện này. Tôi rất ngạc nhiên!

Hòa Ái: Xin được cảm ơn chia sẻ của ông với quý thính giả.

Trung tá Bộ binh Paul Ưng: Cảm ơn em.

Hòa Ái: Và bây giờ mời quý vị cùng gặp gỡ với Trung tá Hải quân Quốc Trần. Xin phép được chào Trung tá Quốc Trần.

Trung tá Hải quân Quốc Trần: Thưa chào cô.

Hòa Ái: Hôm nay, Hòa Ái được đến tham dự buổi lễ giải ngũ của Trung tá và trong giây phút Trung tá nhận lá cờ Hoa Kỳ giải ngũ sau 30 năm phục vụ trong binh chủng Hải quân thì Trung ta có nhớ đến cảm giác của mình trong ngày đầu tiên nhập ngũ không dạ?

Trung tá Hải quân Quốc Trần: Thật không ngờ mình nhận được lá cờ đó. Cũng có nhớ đến lúc xưa mới vô mình còn trẻ cứ ngơ ngáo với tinh thần mở to mắt để cố gắng học hỏi. Lúc đó cái gì cũng lạ lẫm, mình hồi hộp dữ lắm.

Hòa Ái: Đã 30 năm phục vụ trong Hải quân, Trung tá chia sẻ vì sao trở thành người lính?

Trung tá Hải quân Quốc Trần: Ba của Quốc trong lính VNCH. Quốc nhìn thấy sự khổ cực của dân VN mình, qua đây có cơ hội được sống tự do. Lúc đó Quốc còn trẻ, thấy ba vô Bộ binh, anh cả vô Trường Không quân thì Quốc vô Hải quân.

” Lúc đó có nhiều cảm xúc lẫn lộn với nhiều ký ức trong đầu. Khi tàu chạy về sông Sài Gòn thì mình cứ tưởng tượng lúc đánh giặc khổ, dân mình cố thoát ra khõi hoàn cảnh sống đó

Trung tá Hải quân Quốc Trần”

Hòa Ái: Thưa Trung tá, đã 30 năm qua, ông nhận thấy đã thực hiện trọn vẹn giấc mơ trở thành người lính của mình?

Trung tá Hải quân Quốc Trần: Giấc mơ này được thành hiện thực cũng vui. Điều vui nhất là mình phụ được những người mình hướng dẫn. Vài năm sau mình thấy người đó tiến bộ được xuất sắc.

Hòa Ái: Hòa Ái cũng được biết vào năm 2005, Trung tá là quân nhân Mỹ gốc Việt đầu tiên với vai trò Hạm phó trên chiếc tàu đầu tiên của Hoa Kỳ cập cảng Sài Gòn sau chiến tranh VN, cảm giác của Trung tá khi đó ra sao?

Trung tá Hải quân Quốc Trần: Lúc đó có nhiều cảm xúc lẫn lộn với nhiều ký ức trong đầu. Khi tàu chạy về sông Sài Gòn thì mình cứ tưởng tượng lúc đánh giặc khổ, dân mình cố thoát ra khõi hoàn cảnh sống đó. Đổi qua, đổi lại…Bây giờ mình trở về, mọi sự được bình an. Trở về VN, mình chia sẻ với người dân VN biết tự do nghĩa là gì.

Hòa Ái: Xin được cảm ơn chia sẻ của Trung tá hôm nay.

Vừa rồi là chia sẻ của các quân nhân Mỹ gốc Việt vì sao họ trở thành người lính. Với mục đích chọn lựa binh nghiệp là sự nghiệp của cuộc đời họ tuy có khác nhau, xuất phát điểm có khác nhau nhưng họ có cùng một điểm chung lý tưởng phục vụ Tổ quốc Hoa Kỳ để tri ân quốc gia này đã giang tay đón họ về, những người tị nạn VN, đã tạo cho họ có cuộc sống mới cũng như cho họ cơ hội trở thành những công dân danh dự góp bàn tay bảo vệ nền tự do dân chủ không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới.

Hòa Ái tường trình từ thành phố Hampton, tiểu bang Virginia.