Những Tín Hiệu Gửi Từ Kon Tum

Những Tín Hiệu Gửi Từ Kon Tum

Sổ Tay Thượng Dân K’ Tien

RFA

Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm 1979, một bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt ngả theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc.

Lý Hồng Xuân

Kon Tum và Pleiku, nhìn trên bản đồ, giống y như hai thành phố (chị em) nằm kề cạnh bên nhau. Tuy thế, “đường tình duyên” của hai “kiều nữ” này lại không chạy song song mà đi theo chiều hoàn toàn trái ngược.

Kon Tum tựa một cô gái không mặn mà nhan sắc. Thiên hạ chỉ biết đến có mỗi em Pleiku má đỏ môi hồng (thôi) theo như cách tán tụng của Phạm Duy, qua thơ của Vũ Hữu Định:

Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương

Em Pleiku má đỏ môi hồng

Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

Nên mắt em ướt và tóc em ướt

Nên em hiền như mây chiều trong

Xin cảm ơn thành phố có em

Xin cảm ơn một mái tóc mềm

Mai xa lắc trên đồn biên giới

Còn một chút gì để nhớ để quên

Pleiku còn được cả nước “nhớ mãi” qua hai câu thơ của Bút Tre:

Anh đi công tác Pờ-lây

Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra

Kon Tum không có cái duyên tương tự với thơ văn nên dù phố núi cũng cao, phố xá cũng gần (và chắc chắn cũng có vô số những mái tóc rất mềm) nhưng vì thiếu bước chân của thi nhân nên … chả khiến ai nhớ thương, hay bâng khuâng gì ráo trọi.

Có người mới chỉ nghe tên địa danh Kon Tum (lần đầu) qua “Bài Giảng Mùa Chay” của linh mục Nguyễn Văn Đông, tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, vào ngày 4 tháng 3 năm 2001 :

“ Tôi xin tự hào khoe rằng, xứ tôi phụ trách cái gì cũng nhất, lớn nhất, có người dân tộc đông nhất, có nhiều đồng bào từ khắp mọi miền về nhiều nhất, có nhiều rừng núi nhất và nghèo nhất.”

Người cùi ở Kontum. Ảnh: Kontum Missionary and Friendship

Không chỉ là nơi “nghèo nhất,” Kon Tum còn là nơi bệnh nhân phong cùi đông nhất – và bị quên lãng một cách tệ hại nhất, giữa núi rừng heo hút – vẫn theo như lời của linh mục Nguyễn Văn Đông:

“Có lần, anh chị em có biết là tôi lội bộ 12 cây số để vào thăm một buôn người dân tộc, họ có tục lệ là đối với người bị phong cùi, làng sẽ cất nhà riêng trong rừng cho ở, không cho ở chung. Mà đồng bào nghèo quá, khổ quá, nên ngay cái nhà họ ở đã không ra cái gì, giờ thì lại cất nhà cho người cùi ở, thật là không gọi là nhà, phải gọi là ổ mới đúng, chỉ một mùa mưa đã nát. Mỗi lần đến thăm họ, tôi phải cúi đầu lom khom mới vào ‘nhà’ họ được. Thấy tôi đến họ mừng lắm anh chị em à. Họ cứ nhìn tôi họ cười, họ nói Bab đến thăm con là quý lắm, mừng lắm. Họ cười mà tôi khóc anh chị em ơi.”

Kon Tum còn khiến cho thiên hạ ứa nước mắt, hay “sửng sốt” (theo như nguyên văn cách dùng chữ của phóng viên VnExpress) vì cách qua sông của cư dân ở địa phương này:

“Nhớ lại, hồi tháng 5 năm 2010, chúng ta cũng từng sửng sốt khi báo chí đăng tải hình ảnh những người dân ở một làng không tên tại Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vượt sông Pô Kô bằng cách… đu dây.”

Đưa con đến trường. Ảnh: Tuổi Trẻ

Học sinh vượt sông Pô Kô. Ảnh: Tuổi Trẻ

Và mới đây, Kon Tum vừa “bị” tất cả các cơ quan truyền thông trong nước nhắc đến với rất nhiều … phẫn nộ:

– “Bắt Ba Đối Tượng Ném Đá Xe Khách” – Báo Nhân Dân 2/7/2015

– “Sẽ Khởi Tố Các Đối Tượng Ném Đá Vào Xe Khách Ở Kon Tum” –  Báo Tiền Phong 3/07/2015.

– “Phó Thủ Tướng Yêu Cầu Xử Nghiêm Những Vụ Ném Đá Xe Khách” – Báo Pháp Luật 3/07/2015.

– “Kon Tum: Kiên Quyết Làm Rõ Vụ Việc Và Xử Lý Nghiêm Các Đối Tượng Có Hành Vi Ném Đá Vào Xe Ôtô Khách”  – Tin Tây Nguyên 04/07/2015.

Riêng báo Giao Thông, tiếng nói của BGTVT, còn có bản tin (“Công An Mật Phục Bắt Gọn 5 Đối Tượng Chuyên Ném Đá Xe Khách”) đọc cứ như là chuyện phim trinh thám vậy:

Công an huyện Đăk Glei đã chỉ đạo, bố trí lực lượng mật phục, xác minh các đối tượng khả nghi. Qua đó, Công an huyện Đăk Glei đã xác định được 5 đối tượng là A Huấn (SN:2001), A Dũng (SN 2000), A Tùng (SN 2001), A Mười (SN 1999), A Khê (SN 2002) đều trú tại thôn Brông Mỹ, xã Đăk Môn khả nghi nhất. Qua đấu tranh, 5 đối tượng này đã khai nhận hành vi ném đá vào xe khách rạng sáng 1/6 sau khi đã uống rượu.

Ảnh: Báo Lao Động

Tôi xem tên tuổi, và hình ảnh sáu “đối tượng” mà lực lượng công an Kon Tum đã “bố trí lực lượng mật phục” để “bắt gọn” mà không nén được một tiếng … thở dài! Tất cả đều là những trẻ em bản địa, và trông hoàn toàn không có vẻ gì dính dáng đến rượu chè cả. Vóc dáng còi cọc của các em cũng khiến tôi ta chợt nhớ ra rằng Kon Tum là một trong 16 địa phương đã nộp đơn xin chính quyền trung ương cung cấp gạo cứu đói hồi đầu năm nay, năm 2015.

Thống kê (năm 2012) của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum cho biết:

Toàn tỉnh  có 183.148 trẻ em trong độ tuổi từ 0-16 tuổi, chiếm 39,7% tổng dân số; trong đó khoảng 25.643 em có hoàn cảnh đặc biệt (2.037 em khuyết tật, tàn tật; 2.169 em mồ côi không nơi nương tựa; 1.147 em bị tai nạn thương tích; hàng trăm em bị dị tật bẩm sinh hoặc bị bệnh hiểm nghèo…). Ngoài ra còn có trên 80.000 em sống trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo… cần được quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt.

Thảo nào mà ở Kon Tum tệ đoan xã hội và trộm cắp … như rươi – theo như tổng kết tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong phiên họp (vào ngày 3 tháng 7 năm 2015) vừa rồi của ngành công an:

Qua 15 ngày đã phát hiện 22 vụ phạm pháp, trong đó giết người 02 vụ, cố ý gây thương tích 03 vụ, trộm cắp tài sản 11 vụ, cưỡng đoạt tài sản 01 vụ, trộm cắp + cưỡng đoạt tài sản 01, vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ, mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy 03 vụ,… Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 26 vụ – 34 bị can, hoàn thành hồ sơ chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 10 vụ – 20 bị can. Qua công tác bắt giam giữ, các lực lượng nghiệp vụ đã bắt 16 đối tượng (trong đó bắt tạm giam 10, bắt quả tang 05, bắt khẩn cấp 01), bắt và vận động đầu thú 07 đối tượng có Quyết định truy nã.

Nhà Rông Kon Tum năm 1898. Nguồn Ảnh: kontumquetoi

Kon Tum (nói riêng) hay Tây Nguyên (nói chung) không băng rã và tan nát qua đêm. Cũng không phải trong một sớm một chiều mà mảnh đất này (bỗng dưng) biến thành một nơi “lý tưởng” cho tội phạm sát nhân, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, vận chuyển lâm sản trái phép, hay mua bán tàng trữ chất ma túy … Nhà văn Nguyên Ngọc đã lên tiếng cảnh báo về những bất ổn trong cách “phát triển” của Tây Nguyên tự lâu rồi:

1. Dân số Tây Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ lớn… Đầu thế kỷ XX, các dân tộc bản địa chiếm 95% dân số. Đến năm 1975, tỷ lệ này là 50%. Hiện nay người bản địa chỉ còn 15-20% trên toàn địa bàn…

2. Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên. Từ sau năm 1975, quyền sở hữu tập thể truyền thống của cộng đồng làng đối với đất và rừng nghiểm nhiên bị xoá bỏ, tất cả đất và rừng đều bị quốc hữu hoá. Như đã thấy ở trên, quyền sở hữu này chính là nền tảng vật chất, kinh tế của làng ; bị bứng mất đi nền tảng này, làng, tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tất yếu tan vỡ…

3. Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Cho đến nay, trừ một vài vùng nhỏ như một ít khu vực quanh núi Ngok Linh, vùng Komplong…, có thể nói về cơ bản rừng Tây Nguyên đã bị phá sạch, hậu quả về nhiều mặt không thể lường.

4. Người bản địa bị mất đất. Việc mất đất, không phải trong một xã hội bình thường mà là từ tay người dân tộc bản địa sang tay người nơi khác đến là người Việt, đã khiến vấn đề đất đai trở thành vấn đề dân tộc. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp của sự mất ổn định nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên.

5. Văn hoá Tây Nguyên bị mai một. Việc mất rừng, tan vỡ của làng, cơ cấu dân cư bị đảo lộn lớn và đột ngột, người bản địa bị mất đất và mất gốc rễ trở thành lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình… tất yếu đưa đến đổ vỡ về văn hoá.

Nhà Thờ Gỗ Kon Tum năm 1967. Nguồn Ảnh: kontumquetoi

Tuy thế, trong phiên họp của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Kon Tum (kỳ họp lần thứ 10, khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức vào hai ngày 8 và 9 tháng 7 năm 2015) không một giới chức nào lên tiếng về chuyện thiếu đói, tệ trạng xã hội, và những mất mát cùng thua thiệt của sắc dân bản địa tại đây. Chỉ có mỗi “Vấn Đề Ném Đá Xe Khách Làm ‘Nóng’ Kỳ Họp HĐND Tỉnh Kon Tum” mà thôi – theo như cách đưa tin của Thông Tấn Xã Việt Nam:

Tại kỳ họp này, vấn đề ném đá xe khách được nhiều đại biểu quan tâm vì trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ném đá lên các phương tiện giao thông ở 4 huyện, thành phố trong tỉnh gồm Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đều khẳng định việc ném đá trên là hành vi nguy hiểm cần được ngăn chặn. Các vụ ném đá đã gây tâm lý bất an đối với lái xe và hành khách đi trên xe, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn…

Truyền thông, báo chí nhà nước, cũng như  Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh đều đồng tình làm ngơ trước những vấn nạn đau lòng của Kon Tum. Từ trung ương, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ “yêu cầu phải xử lý nghiêm những vụ ném đá xe khách” chứ không bận tâm đến bất cứ chuyện gì khác nữa.

Sự vô tâm này chỉ mang lại cho mọi người sự an lòng nhất thời và giả tạo. Rồi ra, tất cả chúng ta – Kinh cũng như Thượng – sẽ phải trả giá rất không rẻ vì thái độ “giả ngây” này.

Đã có những biến động lớn ở Tây Nguyên vào năm 2001, 2004, và ở Mường Nhé năm 2011. Sẽ còn nhiều biến động khác nữa, trong tương lai gần, khi những tín hiệu gửi đi (bằng đá) từ những vùng đất này không được “giải mã” một cách nghiêm trang, và đứng đắn.

Ngày 9 tháng 7 vừa qua, báo Giáo Dục lại vừa loan tin nóng: “Trung Quốc Rót Tiền Cho Campuchia Làm Đường Đến Biên Giới Giáp Việt Nam.” Khi bị gạt ra bên rìa cuộc sống, và “buộc phải lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình” thì người ta không chỉ cầm đá mà còn sẵn sàng cầm súng, nếu có. Và vũ khí – từ nước lạ, nay mai – rất có thể sẽ được tuồn vào Tây Nguyên, theo biên giới phía Tây.

“Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm 1979, một bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt ngả theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc.” (Lý Hồng Xuân. Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn. Văn Nghệ: California 2000,177).

Bằng cách này hay cách khác, chắc chắn, “Bọn bành trướng Bắc Kinh” cũng sẽ tìm cách “tràn sang” lần nữa. Dù vậy, “những chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc” thì mỗi lúc lại càng “sai lầm” tệ hại hơn!

Người dân nghĩ gì về 2 vụ tàn sát man rợ?

Người dân nghĩ gì về 2 vụ tàn sát man rợ?

Văn Quang

Chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 7 này, hai vụ án mạng man rợ tàn sát trọn hai gia đình đã xảy ra tại VN. Hai vụ tàn sát ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Một gia đình cực nghèo tại Nghệ An xảy ra vào ngày 02 tháng 7-2015 và một gia đình cực giàu tại Bình Phước xảy ra ngày 07 tháng 7-2015. Một vụ chưa tìm ra thủ phạm và một vụ đã tìm ra thủ phạm.

Hai vụ án vô cùng tàn độc này đã khiến dư luận khắp nước bàng hoàng, căm phẫn và cũng không khỏi lo sợ. Tôi tường thuật sơ lược 2 vụ án này theo thứ tự vụ xảy ra trước, vụ xảy ra sau.

Vụ thảm sát gia đình 4 người tại Nghệ An

Vào khoảng 15h ngày 2/7, trong lúc đánh bắt cá dọc con suối Tà Kén cách trung tâm bản Phồng xã Tam Hợp (huyện Tương Dương)  khoảng 5km, giáp với khu vực biên giới Lào, cha con ông Vi Văn Hoài và Vi Văn Tuyên đã hoảng hốt khi phát hiện thi thể của 4 nạn nhân trong gia đình anh Lô Văn Thọ chết quanh khu vực lán trông nương rẫy với nhiều vết chém. Anh Thọ chết cạnh lán với 2 vết chém trên cơ thể; bà Viêng Thị Chương (mẹ anh Thọ) chết ở bờ suối với vết thương ở bụng; thi thể chị Lê Thị Yến (vợ Thọ) và con gái 1 tuổi được phát hiện cách đó chừng 20m.

Khu vực lán nhà anh Thọ – nơi xảy ra vụ thảm sát khiến 4 người chết tại Nghệ An

Gia đình anh Thọ nghèo khó, không mâu thuẫn với ai nhưng toàn gia lại bị giết chết dã man ở lán trại. Bản Phồng vốn bình yên bấy lâu nay bỗng bị xáo trộn khi xuất hiện nhiều tin đồn xung quanh vụ án mạng. Bản Phồng Xã Tam Hợp, có 134 gia đình với hơn 500 người, hầu hết là đồng bào dân tộc Tày Toọng. Đây là bản cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại cách trở, việc liên lạc bằng sóng điện thoại cũng rất khó khăn. Từ trước đến nay ở địa phương chưa bao giờ xảy ra một vụ án nghiêm trọng và kinh hoàng như vậy. Những ngày qua lực lượng công an và các đoàn thể đã cố gắng trấn an cho bà con dân bản hiểu và yên tâm làm ăn; bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn”. Tuy nhiên nhiều người lo lắng và hoang mang không dám vào rừng đi làm vì sợ hãi.

Công an tỉnh Nghệ An và công an huyện Tương Dương vẫn đang điều tra truy tìm hung thủ gây án. Kết quả khám nghiệm cho thấy, thi thể tất cả nạn nhân có nhiều vết chém, trong đó đều có nhát chí mạng ở cổ. Các manh mối điều tra hiện chưa thể khẳng định hung thủ gây án là một mình hay có đồng phạm. Tóm lại vụ án mạng này vẫn chưa tìm ra manh mối. Tai sao một gia đình nghèo khó suốt đời sống với nương rẫy lại bị sát hại dã man như vậy? Câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Vụ này quả là bí hiểm và phức tạp. Người dân mong các “cơ quan chức năng” sớm tìm ra thủ phạm và lý do của vụ thảm sát để yên tâm lên nương kiếm sống.

Vụ giết hại cả gia đình 6 người tại Bình Phước

Vụ thảm sát chấn động cả nước những ngày vừa qua lại là một gia đình doanh nhân giàu có và cũng sống chan hòa cùng làng xóm và hàng trăm công nhân trong Công ty chế biến gỗ Quốc Anh tại xã Minh Hưng, Huyện Chơn Thành, Tỉnh Bình Phước. Đây là vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng vì tính chất tàn độc của hung thủ. 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi) bị giết, rạng sáng 7/7. Các nạn nhân có những vết thương chí mạng vào vùng trọng yếu. Tôi chắc bạn đọc ở nước ngoài cũng đã biết tin tức này qua các trang báo. Ở đây tôi chỉ lược thuật những tình tiết chính xác nhất qua lời công bố của những nhân viên điều tra và tìm hiểu thêm về nguyên nhân xảy ra vụ án cùng những mong đợi của người dân qua 2 vụ án này.

 

Hai hung thủ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trong vụ án tại Bình Phước

Bởi tính chất của vụ án tại Bình Phước quá tàn độc nên Bộ Công An VN đã phải vào cuộc ngay tức khắc để phần nào làm dư luận bớt xôn xao. Tổng cục cảnh sát cũng đã xuống hiện trường, cùng công an tỉnh Bình Phước điều tra ngay từ đầu. .Một ban chuyên án được thành lập với những chuyên viên nhiều kinh nghiệm. Cả tuần lễ các báo tràn ngập tin tức và hình ảnh rất đầy đủ về vụ án này. Không cần “phóng đại tô màu” để câu khách, chỉ cần những công bố của ban điều tra vụ án đã đủ là một bản tin “rợn tóc gáy” rồi. Ban đầu nhắc đến vụ án, mọi nhiều đều sững sờ cho rằng đây là một vụ án “bí mật” rất khó điều tra, có lẽ cả mấy anh chuyên viên cũng vậy. Nhưng thật ra vụ án này lại không quá khó khăn như người ta tưởng. Chỉ cần gạn lọc những người thường qua lại trực tiếp với gia đình nạn nhân là có thể lần ra manh mối. Mặt khác cũng cần khách quan công nhận là ban chuyên án đã nhanh chóng phá án, chỉ trong vòng 3 ngày vụ án đã được lôi ra ánh sáng với các chứng cớ nêu ra đầy đủ khiến người dân bớt băn khoăn. Các cơ quan liên quan sẽ sớm hoàn tất hồ sơ, đưa ra xét xử lưu động, sớm nhất có thể là trong 1 tháng nữa. Có lẽ để người dân bớt xôn xao, hoảng sợ.

Chuẩn bị quy mô

13 giờ 30 ngày 11-7, Thứ trưởng Bộ Công an đã mở buổi họp báo vụ thảm sát ở Bình Phước. Đó là câu người dân thở phào kết luận “À thì ra đây là một chuyện tình”. Nhưng sự ra tay quá tàn độc vẫn còn ám ảnh mọi người dân. Không thể ngờ lại có kẻ nhẫn tâm đến như thế. Nguyên do chỉ vì bị thất tình nên chàng trai 24 tuổi đã mất hết tính người. Giết một loạt toàn bộ gia đình người tình cũ của mình.

Căn nhà nghèo nàn của gia đình Dương ở An Giang

Đây là một kế hoạch gây án rất bài bản, tỷ mỷ, không để lại tang vật gây án. Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê An Giang) bị bắt tại huyện Hóc Môn (TP Sài Gòn) và nghi can Vũ Văn Tiến (SN 1991), bị bắt tại tỉnh Bình Phước. Trình tự vụ giết người này có thể kể gọn lại như sau:

Nguyên nhân chính

Nguyễn Hải Dương là công nhân trong Công ty chế biến gỗ Quốc Anh (xã Minh Hưng, Huyện Chơn Thành, Bình Phước) do ông Lê Văn Mỹ và vợ là bà Lê Nguyễn Lê Thị Ánh Nga làm chủ. Ban đầu, Dương cũng làm công nhân như bao người khác. Sau đó, nhờ hiền lành, chịu thương, chịu khó nên Dương được chủ thương và giao cho công việc nhàn hơn. Càng về sau, Dương càng chiếm được cảm tình của ông bà chủ. Đến mức độ, nhiều công nhân cảm thấy ghen tỵ khi Dương gần như một “quản gia” trong xưởng gỗ. Thậm chí, có thời gian, Dương còn được giao nhiệm vụ đưa rước Lê Quốc Anh (15 tuổi) đi học. Từ việc được tiếp xúc, gần gũi với gia đình chủ, Dương đã nảy sinh tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái của vợ chồng ông Mỹ). Gia đình ông chủ đã đã quá tin Nguyễn Hải Dương coi như con cái trong nhà và tình yêu của cô con gái Lê Thị Ánh Linh dành cho Dương ngày càng mặn nồng. Thậm chí cặp tình nhân này đã từng đi du lịch cùng nhau và cùng gia đình ông Mỹ du lịch Hàn Quốc. Nguyễn Hải Dương thường khoe hình ảnh tình yêu của mình với con gái nhà giàu trên facebook.

Nguyễn Hải Dương khoe hình cùng Lê Thị Ánh Linh trên facebook

Nhưng sau một thời gian, nhận thấy Dương có tiền sinh ra chơi bời, đán đúm nên gia đình khuyên con gái chấm dứt tình cảm với cậu con trai này. Ánh Linh cũng đã nhận thấy điều đó và chia tay với Dương. Trong khi đó Linh lại gặp con một đại gia khác và tình yêu thay đổi. Tên tuổi người yêu mới của Ánh Linh không được tiết lộ và anh ta không hề có liên quan gì đến vụ án.

Chính vì bị người yêu bỏ rơi nên Dương rắp tâm trả thù cả gia đình người yêu. Và sau vài tháng chịu đựng đau khổ Dương đã có kế hoạch hành động.

Chuẩn bị hết sức chu đáo

Khoảng tháng 4-2015, Nguyễn Hải Dương nảy sinh ý định giết Linh và gia đình ông Mỹ, cướp tài sản để trả thù.

Để chuẩn bị cho hành vi phạm tội Dương lên kế hoạch mua một súng bắn bi giá 6 triệu đồng, 1 khẩu súng điện giá 2 triệu đồng, 1 dao Thái Lan dài 30 cm, 1 dao bấm dài 7 cm, mua 1 sim rác để liên lạc, mua găng tay, khẩu trang bịt mặt, mượn xe máy của Trần thị Trinh (dì của Dương) lấy 10 dây rút nhựa, 1 cuộn băng keo dính để bịt miệng nạn nhân. Dương rủ Tiến đi đòi lại 900 triệu đồng vợ chồng ông Mỹ nợ từ hồi còn là người yêu của Lê Thị Ánh Linh. Dương hứa sẽ chia tiền cho Tiến ăn chơi..

Vị trí thi thể của các nạn nhân trong căn biệt thự

Đã quá quen thuộc với mọi sinh hoạt và đường đi lối lại nhà ông Vỹ nên Dương dễ dàng xông vào nhà ông Vỹ. Dương biết nhà ông Mỹ đều có khóa trong nên đã lừa Vỹ cho tiền và quà để Vỹ xuống mở cổng cho Dương vào nhà ông Mỹ. Theo đúng kế hoạch, vào 2 giờ ngày 7-7, Dương và Tiến đi xe máy đến, nhắn tin cho Vỹ ra mở cổng rồi trói và giết cháu Vỹ ngay tại cổng ra vào. Vỹ là con trai chị ông Mỹ gửi nuôi. Vỹ mở cổng cho Dương vì ngày thường Vỹ rất thích chơi game nên Dương hứa nếu mở cửa cho hắn vào lấy trộm tiền sẽ cho cậu 2 triệu đồng chơi game và một con gà chọi.

Thực hiện tội ác giết cả nhà người yêu

Sau khi giết Vỹ, chúng xông lên lầu, bắt trói cháu Linh và cháu Như, dùng băng keo bịt miệng Linh và Như, trói vào cửa sổ rồi xuống bắt trói ông Mỹ và cháu Quốc Anh (con ông Mỹ), khống chế bà Nga (vợ ông Mỹ) và yêu cầu bà Nga chỉ nơi cất giấu tiền và tài sản, bà Nga đã tự mở két sắt nhưng không có tiền và tải sản quý, bọn chúng đã lục soát trong phòng rồi cướp hơn 4 triệu đồng và 1 số đô la. (Chúng không biết rằng số tiền 1 tỉ 7 bà Nga để trong tủ âm tường và không chịu khai với kẻ cướp. Cho nên số tiền vẫn còn nguyên, ban chuyên án đã tìm ra).

Sau đó bọn chúng trói bà Nga lại, dẫn cháu Quốc Anh tra khảo, hỏi tiền và tài sản nhưng cháu Quốc Anh trả lời không biết, bọn chúng đã giết cháu Quốc Anh.

Sau khi giết Quốc Anh, bọn chúng trở lại phòng ông Mỹ, giết chết bà Nga và ông Mỹ. Rồi tiếp tục lên lầu tra khảo cháu Linh và cháu Như về tài sản nhưng không có nên bọn chúng giết Như và Linh đồng thời lấy đi 5 điện thoại, 1 Ipad của các nạn nhân.

Kể lể nỗi đau thất tình rồi hạ sát người yêu

Trước khi ra tay với người yêu cũ cũng là nạn nhân cuối cùng, Dương bắt Linh ngồi trước mặt, bên cạnh là thi thể của Tố Như. Dương tâm sự nỗi lòng của một gã thất tình bệnh hoạn. Mặc cho Linh cầu xin trong sợ hãi, Dương lạnh lùng ra tay với nhát dao ngay cổ sau khi “nói hết lời”. Tất cả những nạn nhân đều bị đâm bằng dao vào cổ.

Khi từ trên lầu xuống, bé gái 18 tháng tuổi òa khóc khiến cả 2 nghi phạm giật mình. Dương tiến lại và ẵm bé Na lên như mỗi lần sang nhà hay cùng đi chơi với gia đình ông Mỹ. Dương rất thương yêu cháu bé Na. Sau một lúc dỗ dành, bé gái nín khóc và ngủ thiếp đi, Dương tha chết cho cháu, đặt bé xuống và thoát khỏi hiện trường.
Sau đó Dương còn thản nhiên đóng vở kịch vô tội. Hắn còn dám đến đám tang gia đình ông Vỹ làm ra vẻ đau buồn thương tiếc. Dương ôm quan tài Linh khóc hết buổi sáng rồi ngủ lại căn phòng nghỉ của gia đình ông Mỹ. Quả là hắn có máu lạnh cực kỳ tàn độc. Nhưng nhân viên điều tra đã âm thầm theo dõi. Dương và Tiến bị bắt ngay sau đó và đã thú nhận toàn bộ sự thật về vụ án này. Một vụ án man rợ nhất từ trước tới nay.

Người dân đòi hỏi gì?

Những vụ giết người này đã cho thấy một sự thực là bọn ác độc ngày một hoạt động chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Theo dư luận của người dân và nhiều tờ báo sau những vụ giết người này, nhân dân đòi hỏi hệ thống an ninh phải xem xét lại cách thức hành động của mình. Phải chăng những quan niệm, những phương thức của cơ quan công quyền không theo kịp thực tế xã hội?

Ai cũng nhận thấy trong vụ này công an giỏi phá án, nhưng đó là việc giải quyết “hậu sự kiện”. Vấn đề quan trọng hơn là làm sao ngăn chặn, phá tan những âm mưu tội ác khi chúng chưa xuống tay với dân lành chứ không phải chỉ tận tâm giải quyết hậu quả. Nói xa hơn nữa, chúng ta cần tạo ra một xã hội mà kẻ ác khó lòng lộng hành, người dân yên tâm làm ăn sinh sống. Đó thực sự là một đòi hỏi gắt gao, chính đáng của nhân dân vào hệ thống chính trị, hệ thống an ninh và hệ thống giáo dục.

Đến bao giờ người dân mới thực sự tin rằng mình có một cái quyền được sống không sợ hãi?

Văn Quang

Gần 280.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp trong quý đầu năm 2015

Gần 280.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp trong quý đầu năm 2015

(ĐSPL)- Thông tin từ thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 cho biết, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp là 177.700 người, cử nhân cao đẳng thất nghiệp là 100.600 người.

VOV đưa tin, thông tin tại buổi công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 20/7 cho biết, số lao động trên cả nước có việc làm là 52,43 triệu người, giảm hơn 1 triệu người so với 2014.

Gần 280.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp trong quý đầu năm 2015 - Ảnh 1

Đầu năm nay, trong khi nền kinh tế, sản xuất của đất nước đang có dấu hiệu phục hồi thì số lao động thất nghiệp vẫn gia tăng.

Cụ thể, so với quý IV/2014, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp ở quý I năm nay tăng từ 165.600 người lên 177.700 người; số lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 74.700 người lên 100.600 người; số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ thất nghiệp tăng từ 600.500 người lên 726.100 người. Ngoài ra, nhóm lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề bị thất nghiệp ở quý I năm nay cũng tăng.

Tính theo trình độ chuyên môn, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thấp nhất ở mức 1,97%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, nếu như mọi năm tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhức nhối nhất, thì năm nay nhóm thất nghiệp nhiều nhất rơi vào lực lượng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng và lao động không có bằng cấp, chứng chỉ.

Điều tra cũng cho thấy, những tháng đầu năm nay, trong khi nền kinh tế, sản xuất của đất nước đang có dấu hiệu phục hồi thì số lao động thất nghiệp vẫn gia tăng. Đó là chưa kể số thất nghiệp tăng trong bối cảnh tổng lực lượng tham gia thị trường lao động đang giảm (từ 77,7% năm 2014 xuống 77,4% trong quý I năm 2015) do sự già hóa và tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại.

Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp có biết có 2 nguyên nhân: một là do phương pháp tính, đo đạc có sự điều chỉnh; hai là tỷ lệ lao động thất nghiệp không phản ánh toàn bộ bức tranh của thị trường lao động trong nước.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, bên cạnh những khó khăn thì bức tranh thị trường lao động cũng đang có những điểm sáng lên. Đó là số lao động làm công ăn lương, đóng bảo hiểm xã hội gia tăng, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn.

VNE đưa tin, dự báo thời gian cuối năm, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng. Luật việc làm có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý để thị trường lao động hội nhập sâu rộng vào các nước trong khu vực và quốc tế. Cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội việc làm sẽ đến nhiều hơn với lao động. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch.

Đức An (Tổng hợp)

Bất an Trung Quốc, ôm tiền đào thoát sang Âu – Mỹ

Bất an Trung Quốc, ôm tiền đào thoát sang Âu – Mỹ

Nửa đầu năm 2015, giới nhà giàu Trung Quốc đã rót 5 tỷ USD vào nhà đất Mỹ, cao hơn nhiều so với 4 tỷ của cả năm 2014. Thị trường chứng khoán hoảng loạn, kinh tế tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc cùng hàng loạt cảnh báo rủi ro khiến làn sóng tháo chạy khỏi nước này đang diễn ra mạnh mẽ.

Đổ tiền ra nước ngoài

Tờ SCMP hôm 13/7 công bố khảo sát của đơn vị tư vấn người châu Á mua nhà ở Mỹ cho thấy, hơn một nửa số khách hàng người Trung Quốc đang tính đến việc mua bất động sản ở nước ngoài. Đây là dấu hiệu cho thấy, ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa tài sản bằng cách đầu tư vào BĐS nước ngoài.

Xu hướng mua BĐS nước ngoài, nhất là ở Mỹ và Úc của người giàu Trung Quốc đã có từ lâu. Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của làn sóng này thời gian gần đây được cho là nhờ rất nhiều người đã giàu lên nhanh chóng nhờ TTCK bùng nổ trong năm vừa qua. Sự kiện TTCK nước này bất ngờ sụp đổ trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7/2015 cũng góp phần cho nhà giàu Trung Quốc quyết định nhanh hơn.

Một nhà môi giới ở Sydney (Úc) đã bất ngờ khi chỉ trong một tuần đầu tháng 7/2015 đã bán được hai căn hộ và một ngôi nhà hơn 10 triệu USD cho khách hàng đến từ Trung Quốc.

 Nhiều người Trung Quốc đang tính đến việc mua bất động sản ở nước ngoài.

Nhiều người Trung Quốc đang tính đến việc mua bất động sản ở nước ngoài.

Các nhà tư vấn BĐS Úc dự đoán, lượng tiền khổng lồ ở Trung Quốc có thể còn chạy vào Úc mạnh hơn trong thời gian tới khi mà giới nhà giàu nước này đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn sau cú sốc rớt 30-40% trên TTCK Thượng Hải và Thâm Quyến.

Đại diện Công ty Douglas & Gordon cho biết, nhiều NĐT Trung Quốc đã đến Anh để tìm mua căn hộ. Đại diện công ty môi giới BĐS Colliers International tại Mỹ dẫn số liệu cho thấy, nửa đầu năm 2015, giới nhà giàu Trung Quốc đã rót 5 tỷ USD vào BĐS Mỹ, cao hơn nhiều so với 4 tỷ của cả năm 2014.

Tom Bill của hãng nghiên cứu Knight Frank cho rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy người Trung Quốc rất quan tâm tới BĐS ở nhiều nước trên thế giới, từ Úc, Anh cho tới Canada, thậm chí ở cả London nơi mà giá nhà đất đã ở mức cao ngất ngưởng. Mục đích của không ít người là tránh hậu quả của sự bất ổn trên TTCK.

Bank of America Merrill Lynch (Mỹ) cho biết, không ít đại gia Trung Quốc đã rút tiền khỏi TTCK. Trong 5 tháng đầu năm, cổ đông lớn của các DNNY đã bán cổ phiếu và rút ra khoảng 58 tỷ USD, cao gấp đôi so với cả năm 2014.

Không chỉ BĐS, lượng tiền nhàn rỗi ở Trung Quốc còn chảy vào một số tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ Mỹ, Franc Thụy Sĩ…

Bất an về nền kinh tế

Theo CBRE, trong giai đoạn 2010-2015, số tiền người Trung Quốc đổ vào BĐS nước ngoài đã tăng hơn 10 lần. Sự chào đón của một số nước đối với những người có tiền, như chính sách đầu tư để định cư vĩnh viễn… có thể góp phần làm làn sóng mang tiền ra nước ngoài của người giàu Trung Quốc diễn ra mạnh hơn.

Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ.

Sau sự đợt khủng hoảng chứng khoán vừa qua, sự bất an dường như càng hiện rõ. Nếu như trước đó, giới đầu tư chỉ nghi ngờ về những quả bong bóng trên một số thị trường như chứng khoán hay BĐS, thì giờ đây họ đã cảm nhận thật rõ ràng hơn sau cơn hoảng loạn chứng khoán trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.

Sự phục hồi vài phiên được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá chỉ là tạm thời và làn sóng rút vốn khỏi chứng khóa Trung Quốc chưa dừng lại.

Đại diện quỹ Perpetual gần đây đã quyết định thoái vốn khỏi cổ phiếu Trung Quốc, từ sản xuất cho đến tài chính và thay vào đó là các cổ phiếu của Hàn Quốc và thậm chí cả cổ phiếu châu Âu. Lý do mà Perpetual đưa ra là cho dù đã giảm tới 30%, chứng khoán Trung Quốc vẫn đắt đỏ nhất so với 10 TTCK phát triển nhất trên thế giới.

Trước đó, dòng tiền của đất nước có nhiều triệu phú USD thứ 2 thế giới này cũng đã âm thầm được tháo ra nước ngoài. Truyền thông Úc hồi tháng 4 đưa tin một doanh nhân Trung Quốc đã bỏ gần 20 triệu USD để mua căn hộ đắt nhất nước này. Hay như làn sóng các bà bầu Trung Quốc chi cả trăm nghìn USD để du lịch sang Mỹ sinh con, tìm kiếm cơ hội mới như môi trường sinh sống và môi trường giáo dục cho thế hệ tương lai…

Theo nghiên cứu của Barclays, có tới gần 50% người giàu nhất Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước của mình trong khoảng thời gian từ giờ tới 2019 với mong muốn con cái có một nền giáo dục tốt hơn, môi trường làm việc kinh doanh tốt và an toàn hơn.

Cổ phiếu Trung Quốc trong phiên cuối tuần 17/7 thậm chí còn tăng tới 3,5%. Sự ‘cầm máu’ trên TTCK là cần thiết để tránh xảy ra sự hoảng loạn của hơn 90 triệu NĐT, trong đó phần lớn là nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, theo IMF, nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quá trình tái cơ cấu và tốc độ tăng trưởng GDP sẽ còn giảm trong nhiều năm nữa, từ mức 7,4% năm 2014 xuống 6,8% năm 2015 và 6,3% năm 2016… Sự lo ngại còn nằm ở chỗ, quá trình tái cấu trúc liệu có thành công hay không. Nỗ lực thúc đẩy chứng khoán tăng trưởng để cứu kinh tế đã mang đến một bài học lớn cho Trung Quốc với sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong một tháng qua.

V.Minh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/251311/bat-an-trung-quoc–om-tien-dao-thoat-sang-au—my.html

Những người chiến thắng tuổi già

Những người chiến thắng tuổi già

Fiona Macdonald

Johanna Quaas

“Vì lý do nào đó chúng ta vẫn nghĩ rằng những người nắm được bí quyết sống lâu và giữ được sự trẻ trung chỉ có ở những nơi rừng sâu núi thẳm hay các tu viện. Điều này không đúng,” ông Vladimir Yakovlev nói, “Những người như thế đang sống xung quanh chúng ta: trong ngôi nhà hàng xóm, nằm cách một con đường hay ở các thành phố mà chúng ta thường lui tới. Chúng ta chỉ không biết họ và do đó không có cơ hội học hỏi từ họ cách sống mà mới hôm qua còn là điều viễn vông.”

Vladimir Yakovlev là một nhiếp ảnh gia người Nga. Ông đã bắt đầu dự án ‘Tuổi Hạnh phúc’ hồi năm 2011 để chụp lại hình ảnh những con người trên khắp thế giới đi ngược lại quy luật của tuổi già. Johanna Quaas là một vận động viên thể dục người Đức. Trong tấm ảnh được Yakovlev chụp hồi năm 2012, bà đã 86 tuổi.

Montserrat Mecho

null

Yakovlev vừa mới xuất bản một cuốn sách với tư liệu được thu thập từ dự án. Cuốn sách với tiêu đề ‘Tôi muốn làm gì ở tuổi 70?’ đã kể câu chuyện của 30 người không già theo thời gian, trong đó có một tay lướt sóng 75 tuổi, một vận động viên marathon 103 tuổi và một ngôi sao khiêu dâm 79 tuổi. Hồi tháng Tư năm 2012, Yavkovlev đã chụp ảnh Montserrat Mecho lúc đó 78 tuổi. Bà nhảy dù lần đầu tiên vào năm 49 tuổi và kể từ đó đã nhảy dù thêm 1.000 lần nữa. Ngoài ra, bà còn chơi truợt tuyết, dù lượn và lặn biển.

Yvonne Dowlen

null

“Khởi đầu đây là một dự án rất cá nhân,” Yakovlev nói, “Tôi đã hơn 50 tuổi. Tôi muốn xem điều gì sẽ chờ đợi mình trong tương lai và quan trọng nhất là tôi có thể tác động đến những gì xảy đến với mình ở mức độ nào.” Một tai nạn ở tuổi 80 đã khiến bà Yvonne Dowlen bị sang chấn nghiêm trọng. Các bác sỹ đã khuyên bà treo đôi giày trượt băng nhưng bà, hiện nay đã 89 tuổi và đã trượt băng được 75 năm, vẫn tiếp tục thi đấu. “Nếu có lúc nào đó tâm trạng tôi không vui, tôi sẽ nhìn những người bạn già đang phải thở túi ôxy, đeo giày trượt vào và mỉm cười.”

Tao Porchon-Lynch

null

Trong bức ảnh được chụp hồi tháng 11 năm 2011, bà Tao Porchon-Lynch đã 93 tuổi. Khi đó bà là một vũ công và giáo viên hướng dẫn yoga. Kể từ khi bà bắt đầu tranh tài khiêu vũ ở tuổi 87, bà đã giành được hơn 600 phần thưởng và vẫn tiếp tục dạy yoga ở tuổi 96. Một ngày bình thường của bà sẽ bao gồm ba tiếng dạy yoga vào buổi sáng và hai tiếng khiêu vũ vào buổi chiều. Các bạn nhảy của bà đều trẻ hơn bà 70 tuổi. “Tôi không tin vào tuổi già. Tôi tin vào sức mạnh của năng lượng,” bà trả lời những ai khuyên bà nên nghỉ ngơi.

Ruth Flowers

null

Sau khi giúp tổ chức sinh nhật cho đứa cháu trai, Ruth Flowers đã cảm thấy muốn trở thành một DJ, một tay chỉnh nhạc, ở tuổi 68. Bà đảm đương vai trò này lần đầu tiên ở Villa Murano ở Cannes ở tuổi 78 và xuất hiện ở các câu lạc bộ đêm ở khắp nơi trên thế giới cho đến khi bà qua đời vào tháng Năm năm 2014, thọ 83 tuổi. Bức ảnh này được Yakovlev chụp hồi năm 2012. “Những gì mà tôi thấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống và suy nghĩ của tôi về con người có thể làm gì trong lúc tuổi xế chiều,” ông Yakovlev nói.

Greta Pontarelli

null

“Greta Pontarelli 61 tuổi. Bà xuất hiện trước khán giả trong bộ đồ bikini lấp lánh, bà bước đến chiếc sào, cúi sâu người xuống, tay nắm lấy chiếc sào và đẩy người lên khỏi mặt đất một cách nhẹ nhàng. Sau đó, bà trình diễn một động tác phức tạp và hồi hộp đến khó tin trên cây sào,” Yakovlev mô tả màn trình diễn của người phụ nữ Mỹ đã theo đuổi môn trình diễn sào ở tuổi 59. “Để làm cho xương cứng chắc hơn, tôi cần phải có những bà tập luyện gian khổ – một môn vận động có nâng vật nặng,” bà nói.

John Lowe

null

Mơ ước được khiêu vũ cả đời, nhưng chỉ đến năm 79 tuổi, John Lowe mới theo đuổi ballet và có màn trình diễn đầu tiên trên sân khấu khi đã 89 tuổi. Gia đình ông không cho ông làm cú xoay người 360 độ ở trên không khi ông bước sang tuổi 90. “Họ sợ rằng nếu tôi ngã thì tôi sẽ không thể trở lại như xưa,” Lowe nói với Yakovlev trong lần được chụp hình hồi năm 2012. “Nhưng điều đó không ngăn cản Lowe thực hiện những cú nhảy,” Yakovlev nói, “Để thực hiện những động tác phức tạp hơn, John thậm chí còn mắc một chiếc xà trên trần nhà. Ông treo mình lên đó mỗi ngày.” Giờ đây ở tuổi 94, ông vẫn tập luyện và trình diễn mỗi ngày. Lowe nói về bí quyết tận hưởng cuộc sống lúc tuổi già như sau: “Hãy tìm kiếm điều gì đó sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn. Điều này rất khó những tôi nghĩ ai cũng thể tìm được cái gì đó cho mình. Múa ballet giúp tôi giữ cho sống lưng thẳng và lừa dối tuổi tác.”

Lloyd Kahn

null

Lloyd Kahn, sống ở California, bắt đầu chơi trượt ván ở tuổi 65. Theo Yakovlev, ông đã ‘té ngay lập tức và bị chấn thương ở tay. Bắt đầu từ đó, ông xác định mình phải đeo đầy đủ trang phục bảo hộ. Yakovlev chụp bức ảnh này hồi năm 2013 khi Kahn đã 78 tuổi. “Gần như mỗi ngày Kahn đều chơi với ván trượt ở quanh thị trấn Bolinas ven biển. Ông chọn những con đường có những con dốc dài, có độ dốc từ từ và những cua ngoặt nhẹ. Trên trang blog của ông, ông mô tả việc đi trượt ván với con trai và cháu trai. Con trai ông viết: “Tôi không biết mình nên lo lắng cho đứa con trai ba tuổi hay người cha 79 tuổi của tôi.”

Duan Tzinfu

null

Duan Tzinfu đã thay đổi cuộc sống của mình khi ông phát hiện một nhóm người đang tập luyện ở một công viên ở Bắc Kinh. Sau 50 năm làm việc trong một xưởng kính, sức khỏe của Duan Tzinfu đã bị tàn phá nghiêm trọng. Ông ấy không thể bước đi và phổi của ông ấy, vốn bị bụi kính tàn phá, không thể hoạt động trơn tru được. Nhưng ông ấy đã xin vào nhóm trên tập luyện duỗi cơ thể và các bài tập hơi thở theo nguyên lý Đạo giáo mỗi ngày. Giờ đây ở tuổi 76 ông có thể thực hiện những động tác mà những người trẻ hơn cũng chưa chắc làm được.

Doris Long

null

Doris Long bắt đầu chơi trò leo xuống các độ cao khi bà 85 tuổi sau khi chứng kiến những người trèo xuống một vách núi cao 20 mét ở Hampshire. “Doris nghĩ rằng hành động đó rất thú vị và bà ấy đã đúng,” Yakovlev nói. “Tôi rất phấn chấn sau khi leo xong,” Long kể về lần đầu tiên bà làm thử. Ở tuổi 92, bà đã trèo xuống tòa nhà Millgate cao 70 mét và là tòa nhà cao nhất Portsmouth. Giờ đã 100 tuổi, bà vẫn chơi môn này.

Lần đầu tiên có hai phụ nữ tranh cử tổng thống ở Đài Loan

Lần đầu tiên có hai phụ nữ tranh cử tổng thống ở Đài Loan

Nguoi-viet.com

ĐÀI BẮC, Đài Loan (AP) – Hai đảng lớn nhất ở Đài Loan đã đều đề cử một phụ nữ đại diện họ ra tranh cử tổng thống trong kỳ bầu cử năm 2016, một hành động lịch sử cho thấy sự chấp nhận khả năng lãnh đạo của phụ nữ ở quốc gia này.

Bà Hung Hsiu-chu, một cựu nhà giáo và hiện là phó chủ tịch Quốc Hội, vẫy cờ
sau khi bà được Đảng Quốc Dân Đảng Đài Loan đề nghị ra tranh cử tổng thống.
(Hình: AP Photo/Chiang Ying-ying)

Quốc Dân Đảng Đài Loan, hiện đang là đảng cầm quyền, hôm Chủ Nhật đề cử bà Hung Hsiu-chu, một cựu nhà giáo và hiện là phó chủ tịch Quốc Hội, đại diện họ ra tranh cử tổng thống. Bà Hung, người ủng hộ có quan hệ thân thiện với lục địa Trung Quốc, sẽ đối đầu với bà Tsai Ing-wen, chủ tịch đảng đối lập Dân Chủ Cấp Tiến (DDP), với lập trường dè dặt hơn trong quan hệ với Bắc Kinh. Bà Tsai hiện được coi là có thế thượng phong theo các cuộc thăm dò dư luận trước ngày bầu cử vào Tháng Giêng năm 2016.

Mối quan hệ với Trung Quốc hiện đang ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử tới. Cử tri Đài Loan cho đến nay chưa hề bỏ phiếu cho phụ nữ lên làm tổng thống hay có cơ hội chọn lựa hai phụ nữ đại diện cho cả hai đảng lớn tại quốc gia này.

Bà Joana Lei, giám đốc điều hành cơ quan nghiên cứu Chunghua 21st Century Think Tank ở Đài Loan, nói rằng một số phụ nữ trẻ hơn vẫn còn gặp khó khăn khi vào vai trò lãnh đạo ở Đài Loan, nhưng xã hội này chấp nhận các phụ nữ lớn tuổi hơn, từ 50 trở lên, vì truyền thống lịch sử đã có từ ở lục địa.

Phụ nữ này điều hành 10 bộ chính quyền cũng như một số công ty hàng đầu ở Đài Loan. Có tới 1/3 dân biểu quốc hội Đài Loan là phụ nữ, so với 13% ở Nhật và 16% ở Nam Hàn, theo lời ông Sean King, phó chủ tịch công ty Park Strategies, một công ty tư vấn có trụ sở đặt tại New York.

Ở các quốc gia khác tại Á Châu, bà Park Geun-hye đắc cử tổng thống Nam Hàn hai năm trước đây và bà Sheikh Hasian hiện là thủ tướng Bangladesh. Philippines đã từng có hai tổng thống là phụ nữ.

Quốc Dân Đảng của bà Hung bị mất 9 ghế thị trưởng và quận hạt trong kỳ bầu cử địa phương hồi Tháng Mười Một vừa qua vì cử tri cáo buộc chính phủ của Tổng Thống Mã Anh Cửu quá thân thiện với chính quyền lục địa trong khi không quan tâm đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn trong nước. Ông Mã không được tái tranh cử lần tới vì đã ở hai nhiệm kỳ. (V.Giang)

Chúng ta không còn là lọai người ở tỉnh lẻ nữa.

Chúng ta không còn là lọai người ở tỉnh lẻ nữa.

( We are no longer provincial )

Đòan Thanh Liêm

Vào đầu năm 1916, Tổng Thống Woodrow Wilson đã bắt đầu công việc vận động thuyết phục Quốc Hội là nước Mỹ cần phải tham gia giúp đỡ Liên minh Anh Pháp trong cuộc Đệ nhất chiến tranh thế giới khởi sự từ năm 1914. Ông phát biểu một câu đã thành nổi danh như sau : “Chúng ta không thể còn là một dân tộc ở tỉnh lẻ nữa” (nguyên văn tiếng Anh : “We can no longer be a provincial nation” ).Tức là ông muốn xác nhận rằng nước Mỹ đã là một cường quốc với trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ tự do và hòa bình trên khắp thế giới, chứ không còn là một quốc gia nhỏ bé, mà tự cô lập khỏi cộng đồng nhân lọai được nữa.

Câu nói này cũng có thể áp dụng cho người Việt đang sinh sống ở trên 60 quốc gia tiến bộ khắp thế giới hiện nay. Nhất là đối với lớp người trẻ là con em chúng ta đang vào lớp tuổi 30-40 đã trưởng thành chững chạc rồi, mà lại tiếp thu được một nền giáo dục văn minh với trình độ khoa học kỹ thuật phát triển cao độ tại các nước Âu Mỹ, thì rõ rệt là các em đã có một nhãn quan rộng rãi, thông thóang rất nhiều so sánh với thế hệ cha bác của mình.Đó là điều làm chúng ta thật vui mừng, vì như người xưa vẫn thường nói : “Hậu sinh khả úy”, và “Con hơn cha, nhà có phúc” vậy.

Vì được sinh sống trong một môi trường văn hóa xã hội tiền tiến như vậy, nên chúng ta dễ hấp thụ được những cái hay, cái đẹp của thế giới hiện đại. Nhờ vậy, mà số trên 3 triệu người Việt hải ngọai có thể đóng góp phần trí tuệ này vào công cuộc xây dựng và phát triển cho quê hương đất nước Việt nam của mình. Chứ không phải chỉ có sự chi viện kinh tế vật chất cho bà con ruột thịt ở quê nhà, như là đóng vai trò của một thứ “con bò sữa”. Cụ thể mà nói, thì chúng ta cần phải có được cái suy nghĩ tòan cuộc, cái viễn kiến sâu xa (global thinking/global vision) về tình hình các sự việc của tòan bộ thế giới ngày nay, cũng như của nước Việt nam nhỏ bé của mình trong khuôn khổ của cái thế giới ấy. Đúng như lời của Tổng Thống De Gaulle vào năm 1964-65 đã nhắn nhủ thanh niên sinh viên nước Pháp là : “Các bạn cần phải có một tầm nhìn vũ trụ (vision cosmique)”. Và còn hơn thế nữa, chúng ta lại có thể mời gọi, thuyết phục được các bạn bè quốc tế rất đông đảo, hùng hậu của mình, để cùng nhập cuộc liên đới với chúng ta trong sự nghiệp tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của Việt nam, trong tinh thần ôn hòa, bất bạo động vốn là xu thế thời đại trong thế giới văn minh hiện nay.

Với ý hướng đó, trong bài viết này, tôi xin được trình bày về kinh nghiệm cụ thể rằng: “Phát triển Xã hội Dân sự chính là phương cách hiệu quả nhất để đi tới được một nền Dân chủ Tham gia” (Participatory Democracy). Như ta đã biết, XHDS là một trong ba khu vực cấu tạo thành cái không gian xã hội mà mỗi người chúng ta sinh sống trong một miền địa lý nhất định. Định nghĩa này có thể ghi vắn tắt thành một công thức như sau:

Không gian xã hội  =  Nhà nước + Thị trường kinh tế + Xã hội Dân sự.

( The Social Space   =  The State   + The Marketplace   + The Civil Society).

Cả ba khu vực này đều tồn tại song hành với nhau trong tư thế của sự cộng đồng sinh tồn (Coexistence), tức là không một khu vực nào lại tìm cách thay thế hay lọai trừ đơn vị kia.

Thông thường, thì ta có XHDS trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia, hay trong một đơn vị hành chánh nhất định. Nhưng với xu thế tòan cầu hóa ngày nay, thì đã có nhiều tác giả đề cập đến các khía cạnh của một thực thể lớn rộng hơn nữa, đó là “Xã hội Dân sự Tòan cầu” (Global Civil Society), mà thành phần đơn vị cụ thể là các Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo, Phong Trào Green Peace (Bảo vệ Môi sinh), Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), các Tổ chức Nhân đạo như Ford, Rockefeller, Bill Gates Foundation  v.v… Cũng tương tự như tổ chức Liên Hiệp Quốc (The United Nations = UN ), được khai sinh từ sau thế chiến thứ hai, thì cũng được coi như là một thực thể chính trị bao gồm mọi quốc gia trên thế giới ngày nay. Ta sẽ bàn chi tiết về XHDS Tòan cầu trong một dịp khác, vì bài này tập chú vào hiện tình XHDS tại Việt nam trong bối cảnh của phong trào phát triển về Dân chủ và Nhân quyền của thế giới ngày nay.

Trong vòng 30-40 năm nay, ý niệm về XHDS đã được phát triển phổ biến khắp nơi trên thế giới, qua môi trường hàn lâm đại học, cũng như qua các phương tiện truyền thông báo chí, và nhất là thông qua sự lớn mạnh của hàng triệu các tổ chức phi chánh phủ (NGO = Non-Governmental Organisations), các tổ chức từ thiện nhân đạo, các nhóm họat động xã hội dựa trên cơ sở một niềm tin tôn giáo (Faith-based social action groups) v.v… nhan nhản tại khắp các quốc gia trên thế giới, thì vai trò của XHDS lại càng được chú ý và được đề cao, cổ võ. Đặc biệt, kể từ khi chế độc độc tài tòan trị cộng sản bị xụp đổ tại Đông Âu và tại chính Liên Xô kể từ 20 năm nay, thì vấn đề “Phục hồi và Xây dựng lại XHDS tại các quốc gia cựu cộng sản này” lại càng được đặt ra một cách sôi nổi cấp thiết.

Xu thế chung tại các quốc gia “hậu cộng sản” này là : Quần chúng nhân dân dành lại được cái quyền chủ động của mình trong mọi lãnh vực chính trị, xã hội, kinh tế cũng như về mặt văn hóa, tâm linh. Cụ thể là các hội thiện nguyện về nhân đạo từ thiện cũng như về y tế, giáo dục và tôn giáo v.v… đã được phục hồi để cho các tư nhân được thỏai mái tham gia sáng kiến và hành động, mà không còn bị quyền lực của Nhà nước o ép, kiềm chế gắt gao như dưới chế độ cộng sản nữa. Và đây mới chính là sự thể hiện cái “Quyền Tự quyết, Quyền Tự Làm chủ” của người dân đối với xã hội và đất nước của mình. Kết quả là tại hạ tầng cơ sở của các xóm làng, các khu phố, người dân đã nô nức, phấn khởi hợp tác với nhau để tham gia vào công việc cụ thể và thiết thực, nhằm cải tiến môi trường sinh họat tại địa phương nhỏ bé của chính mình. Và xuyên qua những công tác cải tiến dân sinh cụ thể như thế, người dân càng thêm gắn bó thân mật với nhau và nhờ vậy mà xã hội được phát triển trong tình thân ái, tương trợ và liên đới giữa các thành viên với nhau hơn mãi. Tình trạng “Gắn bó xã hội” (Social Cohesion) này lại càng làm phong phú thêm cái nguồn” Vốn Xã hội” (Social Capital) của tòan thể cộng đồng. Nói cho gọn lại, thì XHDS trong giai đọan hậu cộng sản này đang đóng trọn vẹn cái vai trò làm “Đối tác với Nhà nước” (Counterpart) trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội ngay từ cấp hạ tầng cơ sở tại nông thôn cũng như tại môi trường đô thị.

Mặt khác, vì có tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do nghiệp đòan… là những nhân quyền căn bản như đã được ghi rõ trong Bộ Luật Quốc Tế về Nhân Quyền (The International Bill of Human Rights), nên XHDS đã có thể đóng trọn vẹn một vai trò khác nữa, đó là vai trò làm “Đối trọng” (Counterbalance) đối với Nhà nước, khiến cho chánh quyền không thể vượt quá giới hạn, lạm dụng quyền hành, tự tung tự tác, như dưới thời cộng sản chuyên chế độc tài được nữa. Tại Đông Âu hiện nay, giới sĩ phu trí thức, giới hàn lâm đại học, giới văn nghệ sĩ, cũng như giới lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, thì đều có điều kiện thỏai mái để góp phần phê phán, sửa sai đối với chánh quyền. Tiếng nói của họ được coi như “Tiếng nói Lương tâm” (The voice of conscience) của cả một dân tộc. Nhờ vậy, mà xã hội có thể tránh được bao nhiêu điều sai lầm tệ hại, thất nhân thất đức như đã xảy ra đầy rẫy dưới thời cộng sản, hay dưới thời độc tài phát xít Đức quốc xã trước đây. Kinh nghiệm này rất có ích cho quê hương chúng ta.

Tại Việt nam gần đây, tiếng nói phản biện về chuyện Nhà nước cộng sản đã để cho Trung quốc sang khai thác quặng bâu-xít ở miền cao nguyên, hiện đang gây một tiếng vang lớn trong dư luận quần chúng khắp nơi, cả ở trong cũng như ở ngòai nước. Đó là một dấu hiệu đáng mừng là giới sĩ phu trí thức đã mạnh dạn dấn thân nhập cuộc với tòan thể dân tộc trong việc bảo vệ môi sinh, bảo vệ lẽ sống còn của các sắc tộc thiểu số vốn xưa nay vẫn sinh sống tại miền rừng núi, với sắc thái văn hóa riêng biệt, đặc trưng của mình. Cũng như việc các thanh niên sinh viên đã dũng cảm chống lại việc Trung quốc xâm lấn Hòang Sa, Trường Sa và phần đất ở biên giới phía bắc của Tổ quốc ta. Mặc dầu bị chính quyền Hanoi đã thẳng tay đàn áp thô bạo, giới thanh niên này vẫn kiên trì theo đuổi công cuộc tranh đấu nhằm bảo vệ sự tòan vẹn của lãnh thổ Việt nam. Đây chính là điều rất tích cực góp phần tạo ra khí thế lạc quan, phấn khởi cho việc xây dựng tương lai của xứ sở. Và người ở hải ngọai như chúng ta cần phải hết lòng yểm trợ thật hiệu quả cho sự nghiệp tranh đấu và xây dựng trường kỳ như thế.

Nói vắn tắt lại, chúng ta cần phải chuyển giao cho thế hệ trẻ cái ngọn lửa nồng nàn của tình yêu thương chân thật và liên đới với đồng bào ruột thịt của mình, nêu cao tinh thần bảo vệ Nhân phẩm và Nhân quyền của người dân. Tình yêu thương đó phải được diễn tả cụ thể bằng hành động thiết thực, như tìm cách chấm dứt tệ nạn buôn người (Human Trafficking), đòi hỏi công bằng xã hội cho hàng triệu dân oan hiện đang bị mất nhà, mất đất tại khắp các miền nông thôn hẻo lánh, hỗ trợ cho các nhà tranh đấu cho Dân chủ, Nhân quyền mà đang bị chính quyền cộng sản sách nhiễu, bắt bớ giam cầm trong các nhà tù… Chúng ta cũng phải tận tâm chăm sóc cho các nạn nhân của thiên tai bão lụt, của bệnh tật ngặt nghèo như bênh phong cùi, bệnh HIV/ Aids…, góp phần nâng đỡ các học sinh, sinh viên thuộc các gia đình nghèo túng để các em có điều kiện tiếp tục việc học v.v…Các lọai việc này hòan tòan nằm trong phạm vi tầm tay của chúng ta, trong lãnh vực xã hội dân sự. Có ra  tay nhập cuộc cụ thể và tích cực như thế, thì ta mới thực sự góp phần vào việc tạo ra được một sự chuyển biến rõ rệt trong xã hội được. Như người Mỹ thường nói : That makes a difference, a change. ( Điều đó tạo ra sự khác biệt,sự chuyển biến).

Bài viết này được thành hình là nhờ ghi lại chi tiết câu chuyện tại bữa tiệc Mừng Xuân Kỷ sửu của Hội Luật gia Việt nam, được tổ chức vào ngày Chủ nhật 8 Tháng Ba 2009, nhằm đúng vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, tại thành phố Milpitas, gần San Jose California. Tác giả xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Thẩm phán Phan Quang Tuệ, Luật sư Ngô Văn Quang trong Ban Chấp Hành Hội Luật gia là hai vị đã gợi ý ra đề tài cho buổi nói chuyện này. Và như đã thưa ở trên, người viết xin hẹn sẽ khai triển chi tiết hơn về đề tài Xã hội Dân sự Tòan cầu trong một dịp khác nữa, bởi lẽ bài viết này đến đây thì đã quá dài rồi./

California, Mùa Xuân Kỷ sửu 2009.

Đòan Thanh Liêm

Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.

Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.

Bài của  :  Đoàn Thanh Liêm

Tại nước Mỹ kể từ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, thì có nhiều vị mục sư nổi danh với ảnh hưởng rất lớn lôi cuốn được số đông quần chúng khắp nước Mỹ và cả ở ngoại quốc nữa. Trong số này, phải kể đến mục sư Billy Graham, mục sư Martin Luther King và mục sư Rick Warren.

Billy Graham sinh năm 1918 là một vị giảng thuyết lôi cuốn đến hàng trăm triệu người khắp nước Mỹ và cả trên thế giới. Luther King là vị lãnh đạo kiệt xuất của phong trào tranh đấu dân quyền  (civil rights movement) của người Mỹ gốc Phi châu trong các thập niên 1950-60. Rick Warren là một tác giả cuốn sách “The Purpose Driven Life” (Cuộc sống có mục đích) bán chạy nhất, đến trên 30 triệu cuốn trong vòng có 6-7 năm.

Trong bài này, tôi xin viết về mục sư Rick Warren là người trẻ tuổi nhất, sinh năm 1954 tại San Jose và là người sáng lập nhà thờ Saddleback Valley Community Church tọa lạc tại thành phố Lake Forest trong Quận Cam, miền Nam California liền sát với khu Little Saigon của người Việt chúng ta. Trong bài sau, tôi sẽ viết riêng về mục sư Billy Graham. Còn về mục sư Luther King, thì đã có quá nhiều người biết đến rồi, nên tôi thiết nghĩ khỏi cần viết gì thêm về ông nữa.

1 / Tóm lược tiểu sử của Rick Warren.

Rick Warren là con của một vị mục sư và chính bản thân ông cũng đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Cứu thế theo truyền thống của phái Tin Lành Southern Baptist. Ông tốt nghiệp bậc cử nhân tại California Baptist University ở Riverside, bậc cao học về Thần học tại Southwestern Baptist Theological Seminary ở Fort Worth, Texas và bậc tiến sĩ về mục vụ tại Fuller Theological Seminary ở Pasadena, California.

Ông thừa nhận mục sư Billy Graham, giáo sư Peter Drucker và mục sư Jimmy Warren người cha của ông là những vị trong số những cố vấn đáng tin cậy nhất của mình (mentor).

Năm 1975, sau khi được truyền chức mục sư, Rick Warren làm lễ thành hôn với Kay Lewis sinh trưởng ở San Diego trong một gia đình có người cha cũng là một vị mục sư. Hai ông bà có 3 người con hiện đều đã trưởng thành và 4 cháu nội ngoại. Cả hai người cùng hợp tác trong việc truyền đạo và phát triển cộng đoàn tín hữu từ con số vài trăm người lúc mới thành lập tại Saddeback trong thành phố Lake Forest vào năm 1980 lên đến con số trên 20,000 tín hữu vào năm 2005. Với số tín đồ thường xuyên tham dự thánh lễ và các sinh họat rất đa dạng hàng tuần đông đảo như vậy, Saddleback Valley Community Church đã trở thành một “Megachurch” đứng hàng thứ 8 trong số trên 1,200 “đại giáo đoàn” của toàn nước Mỹ hiện nay. Megachurch là một hiện tượng tiêu biểu cho phong trào phát triển tôn giáo rất mạnh mẽ, lôi cuốn được hàng triệu tín đồ của các giáo hội Tin lành trong vòng 50 năm qua tại nước Mỹ và cả tại Đại Hàn.

Song song với việc phát triển cơ sở mục vụ này, Rick còn đóng góp rất tích cực vào việc đào tạo, hướng dẫn cho trên 400,000 mục sư và giới chức lãnh đạo hội thánh trên toàn thế giới, dựa theo tinh thần đã được phác họa trong cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1995, được bán rất chạy, với nhan đề là “The Purpose Driven Church”.

Rick Warren lại còn nổi danh hơn nữa với cuốn sách được xếp vào loại bán chạy nhất (bestseller), mà hiện đã lên đến 30 triệu cuốn, đó là cuốn sách có nhan đề “The Purpose Driven Life”. Người viết sẽ giới thiệu chi tiết hơn về hai cuốn sách này trong một dịp khác.

Với số lợi tức thu nhập thật lớn lao do việc bán sách, vào năm 2005 Rick Warren đã hoàn lại cho nhà thờ toàn bộ số lương bổng  ông nhận được trong 25 năm với cương vị một mục sư. Và còn hơn thế nữa, ông tiếp tục đóng góp cho nhà thờ 90% số lợi tức thâu nhập của mình, thay vì số 10% mà người tín đồ thường đóng góp vào công quỹ của hội thánh, được gọi là “tithe” (thập phân).Và ông bà tiếp tục sống thanh đạm trong căn nhà nhỏ bé, với cái xe cũ kỹ, chứ không hề có một biểu hiện xa hoa nào của một gia đình triệu phú thường tình.

Nhưng điều đáng ghi nhận hơn cả về vị mục sư danh tiếng này, chính là việc ông đã tổ chức cho các tín đồ và các bạn hữu thân tín của mình tham gia dấn thân nhập cuộc với các dự án hết sức lớn lao về xã hội, y tế, giáo dục và phát triển có tầm vóc toàn cầu. Ta sẽ xem xét công việc này trong các mục tiếp theo đây.

2 / Sự gắn bó với Phi châu : Khởi sự ở Rwanda.

Sau mấy năm chuẩn bị, Rick Warren đã bắt đầu một loạt chương trình hành động của “đại giáo đoàn Saddenback” được mệnh danh là PEACE plan tại nước Rwanda là nơi có cuộc diệt chủng kinh hoàng vào năm 1994, tàn sát đến gấn một triệu sinh mạng trong một quốc gia với dân số chỉ có 9 triệu người. Chữ PEACE này ngoài ý nghĩa là Hòa bình, lại chính là chữ viết tắt của khẩu hiệu gồm 5 mục : Promote Reconciliation, Equip servant-leaders, Assist the poor, Care for the sick, Educate the next generation (Phát triển công cuộc Hòa giải, Trang bị cho người lãnh đạo-phục vụ, Giúp đỡ người nghèo khó, Chăm sóc người bệnh tật, Giáo dục thế hệ tương lai).

Vào năm 2005, tức là 11 năm sau vụ diệt chủng, Rwanda vẫn còn là một quốc gia vào loại nghèo nhất trên thế giới với 90% dân chúng có thu nhập chưa tới 2 dollars mỗi ngày. Ngay từ lúc đặt chân tới đây, Warren liền phát động ngay một chương trình hành động cấp thời gồm nhiều phương diện y tế, xã hội, giáo dục và nhất là cả kinh tế. Ông dẫn các giám đốc xí nghiệp, các doanh gia từ trong số các thành viên của cộng đoàn Saddenback đến tiếp súc và làm việc với giới doanh nghiệp và nhân viên chánh phủ Rwanda để tìm cách xây dựng nền kinh tế của xứ sở này. Họ chú trọng vào công việc đào tạo huấn luyện cho các nhà doanh nghiệp nhỏ tại các làng quê hẻo lánh, cho đến cả việc yểm trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở rất lớn lên đến nhiều triệu dollar. Điển hình như  dự án xây dựng đường sắt dài 720 miles nối liền Rwanda với Tanzania và Burundi, chi phí lên đến 2.5 tỷ mỹ kim vừa do 3 nước đó ký kết vào tháng Tư năm 2009.

Rick Warren rõ ràng là có tầm nhìn xa và có uy tín để kết hợp được cả giới lãnh đạo chánh quyền, giới doanh nghiệp tư nhân, cũng như giới lãnh đạo tôn giáo ở hạ tầng cơ sở tại những xóm làng hẻo lành, để cùng nhau thực hiện được rất nhiều dự án cụ thể về y tế đại chúng, từ việc lo chăm sóc cho hàng vạn người mắc bệnh HIV/AIDS, cho bao nhiêu trẻ mồ côi cha mẹ đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo này, cho đến việc cấp vốn cho các gia đình nghèo túng để giúp họ phương tiện tự lực mưu sinh, để khỏi phải lệ thuộc mãi vào sự bố thí của người khác.

Phái đòan do Rick Warren hướng dẫn đã được chính Tổng thống Rwanda là Paul Kagame và tòan thể chánh phủ tín nhiệm và hợp tác rất chặt chẽ; nhờ vậy mà sau mấy năm làm việc chung với nhau, thì quốc gia này đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ về nhiều mặt kinh tế, xã hội cũng như văn hóa, ngọai giao.

3 / Quần chúng tín đồ các tôn giáo là một nguồn tiềm năng vô biên.

Trong nhiều dịp được mời tham gia các diễn đàn quốc tế như ở New York, Washington DC, ở Davos Thụy sĩ v.v…, Rick Warren đã luôn luôn trình bày rất thẳng thắn đại để như thế này :  “Trên thế giới ngày nay, chúng ta có đến trên 2 tỷ người tín đồ Thiên chúa giáo gồm Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo, trên 1.5 tỷ người tín đồ Ấn độ giáo và Phật giáo và trên 1 tỷ người tín đồ Hồi giáo. Khối quần chúng tín đồ lớn lao như thế đó là một nguồn tài nguyên vô biên, mà cho đến nay chưa được mấy ai trong các tổ chức quốc tế chú trọng đúng mức để động viên thuyết phục họ cùng bắt tay dấn thân vào việc giải quyết những khó khăn bế tắc trầm trọng có tầm vóc tòan cầu. Riêng cá nhân tôi là một mục sư Thiên chúa giáo, thì với khả năng hạn hẹp của mình, tôi đã cùng với các tín đồ của nhà thờ Saddenback phát động kế hoạch PEACE để góp phần vào công cuộc phục vụ bà con đang gặp khó khăn ở nhiều nơi, cụ thể như ở Rwanda. Và tôi cũng ước mong quý vị tất cả nên chú ý đến cái khối tiềm năng vĩ đại này, hầu đề ra được những giải pháp tốt đẹp cho thế giới chúng ta đang gặp bao nhiêu bế tắc khủng hỏang ngày nay…”

Dịp khác, ông còn gợi ra hình ảnh tôn giáo là cái chân thứ ba để cùng hợp với khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để tạo được thế đứng vững chắc cho tòan bộ chiếc ghế của thế giới ngày nay. Với uy tín sẵn có, Warren có dịp thường xuyên trao đổi và hợp tác với các nhân vật có tầm vóc họat động rộng rãi tòan cầu, điển hình như cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Thủ tướng Tony Blair …

Trong mùa tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008, Warren đã mời được cả hai ứng cử viên John McCain và Barak Obama cùng đến Saddenback để trình bày với cử tri về lập trường của mỗi người trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Và mục sư Warren lại còn được mời đọc lời kinh cầu nguyện trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Obama tại thủ đô Washington vào đầu năm 2009.

Tạp chí US News and World Report xếp hạng Rick Warren là một trong “25 vị lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ” vào năm 2005. Tạp chí Time thì gọi ông là một trong “15 nhà lãnh đạo thế giới đáng kể nhất trong năm 2004” và cũng là một trong “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới” vào năm 2005. Còn báo Newsweek trong năm 2006, thì gọi ông là một trong “15 nhân vật đã làm cho nước Mỹ trở thành vĩ đại”.

Tuy được tung hô khen tặng như vậy, Warren vẫn luôn giữ được sự khiêm cung đạo hạnh của một tu sĩ. Ông thường xuyên cầu nguyện và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Thiên chúa trên bước đường phục vụ tha nhân. Niềm xác tín và lòng nhiệt thành của ông đối với sứ mệnh rao giảng lời Chúa như vậy đã lôi cuốn, thuyết phục được hàng triệu tín đồ cũng như các mục sư khác cùng nhau dấn thân nhập cuộc vào những chương trình cụ thể, thiết thực nhằm chống lại nạn nghèo đói và bệnh tật, mở mang về giáo dục cho lớp người bị gạt ra ngòai lề xã hội và bảo vệ môi sinh trên phạm vi tòan cầu.

Tư tưởng cũng như hành động của mục sư Rick Warren quả thật là rất gần gũi với lập trường của Hội đồng Giám mục Công giáo Châu Mỹ La tinh (CELAM) đã được xác định từ lâu, đó là “Sự Chọn lựa của Giáo hội đối với Người Nghèo khổ” ( Church’s Option for the Poor) vậy./

California đầu tháng Mười 2010

Đòan Thanh Liêm

TẠI SAO KHÔNG CÓ HÔI CỦA Ở NHẬT ?

TẠI SAO KHÔNG CÓ HÔI CỦA Ở NHẬT ?

Lúc gian khó mới tỏ lòng người, lấy lửa thử vàng, vàng vẫn còn nguyên vẹn. Khi trận động đất sóng thần năm 2011 xảy ra, người Nhật Bản đã cho tất cả các dân tộc trên thế giới một bài học sâu sắc về đạo đức và những chuẩn tắc làm người.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới mỗi khi có thiên tai đến là người ta lại chứng kiến những cảnh rối ren, hỗn loạn, cướp giật, hôi của tràn lan. “Nhưng ở xứ sở “mặt trời mọc” ( Nhật Bản ) thì lại khác. Nơi ấy, hàng vạn người đã mất hết nhà cửa, và thậm chí mất hết người thân… vậy mà họ vẫn lặng lẽ xếp hàng nhận từng nắm cơm trắng, cuộn mình trong những chiếc chăn mỏng thành hàng, thành lối trong chỗ trú nạn. Không hỗn loạn, không tranh cướp, không một ai tích trữ, không một ai kêu than. Có chăng chỉ là những dòng nước mắt lặng lẽ như lặn vào sâu thẳm”.

Cảnh tượng truyền thông thế giới ghi nhận không phải là cảnh tượng hỗn loạn, cướp giật, hôi của, mà là cảnh đoàn người trật tự xếp hàng chờ hàng cứu trợ. Dù khi tới phiên mình có thể lương thực đã hết nhưng họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng. Nhiều câu chuyện kể lại có nhiều người đã nhường khẩu phần của mình cho người khó khăn hơn.

Tại một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh không có ai bảo vệ.

Tờ Telegraph ghi nhận: Hàng hóa dù rất khan hiếm, lương thức thiếu thốn, như không hề có tình trạng đầu cơ tăng giá bán – các siêu thị giảm giá 20% và các chủ máy bán nước tự động phát không nước uống cho mọi người – tất cả cùng đoàn kết để tồn tại.

Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ: “Không thấy cảnh cướp bóc, chen lấn, xô đẩy nơi mua thức ăn hay trong ga điện ngầm đang tắc nghẽn. Mọi người xử sự rất bình tĩnh dù ai cũng đều căng thẳng và lo lắng. Giá cả thị trường Nhật Bản cũng không nhân dịp này mà tăng.”

Anh Hà Minh Thành một người Việt ở Nhật Bản đã gửi mail kể một câu chuyện như sau: “Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói.”

Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.”

Câu chuyện này được rất nhiều báo chí trong nước đăng tải, gây xúc động mạnh mẽ, xem đây là điều huyền hoặc diễn ra tại Nhật Bản.

Một câu chuyện khác đăng trên blog của cô gái lấy tên Shopia. Chuyện kể về bạn của Sophia, cùng với mẹ và đứa em trai 2 tuổi bị mắc kẹt trong cơn sóng thần và đang tìm mọi cách để trèo lên ban công tòa nhà gần nhất. “Họ không ngừng kêu cứu, và một người đàn ông đã nhìn thấy họ từ ban công căn nhà phía sau. Rồi người đàn ông đó ngay lập tức nhảy khỏi ban công xuống nước, giúp bạn tôi, mẹ cô ấy và cậu em trai trèo lên ban công vào căn nhà. Nước lúc đấy càng ngày càng mạnh, không thể đứng vững được nữa. Trong hoàn cảnh đó, người mẹ đã kiên quyết để hai đứa con mình lên trước rồi người đàn ông xa lạ đứng dưới đỡ bà lên. Khi chỉ còn người đàn ông ở bên dưới, và người mẹ đang nắm chặt tay ân nhân để kéo lên, “bất chợt một chiếc ôtô ( trong hàng trăm chiếc ) bị nước cuốn tràn tới đúng hướng người đàn ông đó. Mọi người ở bên trên gào thét, nhưng rồi đột nhiên, người đàn ông ấy giật khỏi tay mẹ bạn tôi, để bà ấy không bị kéo theo xuống nước. Chiếc ô tô đâm vào ông ấy và cuốn ông hất đi.”

Trước đó, họ là những con người hoàn toàn xa lạ, có gia đình riêng, có cuộc sống riêng… nhưng khi thảm họa bất ngờ ập đến, đứng trước những lựa chọn giữa sự sống và cái chết, họ có thể chấp nhận tặng cả cuộc sống cho nhau. Những câu chuyện ấy ngày nay tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng thì lại xảy ra ở Nhật Bản.

Truyền thông thế giới đều ngả mũ thán phục kỳ tích Nhật Bản

Ông Ed West viết trên tờ Telegraph: “Tinh thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ.”

Còn tổng biên tập báo Bangkok Post Pichai Chuensuksawadi không thể tin được đã phải thốt lên: “Chẳng phải đã bao nhiêu lần chúng ta thấy cảnh hôi của, cướp giật và bạo lực sau một thảm họa thiên nhiên đó sao ?”

Giáo sư Gregory Pflugfelder chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia ( Mỹ ), nhận định: “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ nào để mô tả chính xác hành động này.”

Nhà phân tích Ed West đặt câu hỏi trên tờ Telegraph: “Tại sao không có hôi của ở Nhật Bản ?” Trang web tìm kiếm Google cho thấy có 2.770.000 người đã đặt ra vấn đề tương tự như ông West.

Điều gì tạo nên kỳ tích Nhật Bản ?

Sau trận động đất gây sóng thần ở Nhật Bản, thế giới lao vào tìm hiểu xem điều gì đã tạo nên kỳ tích ở Nhật Bản, và họ đã tìm được câu trả lời: Đó là đức tin và giáo dục đạo đức.

– Đức tin

Đa số người Nhật theo Thần Giáo, Phật Giáo. Ngoài ra Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín của Nho Giáo ( do Khổng Tử đề xướng ). Với những ai sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuyết vô Thần thì khi nói đến “đức tin” họ chỉ phì cười, đơn giản bởi vì họ không còn tin nữa, mà không nghĩ rằng bản thân mình đã bị học thuyết vô thần tẩy não cắt đứt mất mối liên hệ với cội nguồn văn hóa truyền thống dân tộc, đến mức không còn hiểu tin để làm gì.

Còn tại các nước khác như Nhật Bản thì “đức tin” đó là tự nhiên và đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Người Nhật đã sử dụng “đức tin” của mình khi đối mặt tất cả những vấn đề trong cuộc sống, kể cả những tình huống hiểm nguy nhất.

Một dân tộc có “đức tin” thì dân tộc đó vẫn còn có chuẩn mực đạo đức, nếu một dân tộc không còn “đức tin” thì càng ngày càng sa đọa, đạo đức tụt trên dốc lớn.

Một dân tộc không có “đức tin”, lại còn bị ảnh hưởng của học thuyết đấu tranh thay cho văn hóa cổ truyền dân tộc, thì con người sẽ đấu tranh với nhau, người với người xem nhau như thù địch, bằng mặt không bằng lòng, không thể đoàn kết.

– Giáo dục lấy đạo đức là cốt lõi

Nhật Bản trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ thực hiện tiêu chí “con người = đạo đức”, đề cao tính tự lập và tinh thần kỷ luật. ( Hình bìa sách giáo khoa Đạo Đức của học sinh Nhật ).

Tư tưởng của người Nhật vẫn còn mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Tinh thần kế thừa và phát triển văn hóa cổ truyềnlà một trong những mục tiêu chủ yếu nhất trong giáo dục, đạo đức là cốt lõi là điều mà một học sinh phải biết đến đầu tiên.

Giáo dục Nhật Bản vận hành theo nguyên lý “mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”. Phương châm của người Nhật là: “Cần phải nhắm tới thực hiện xã hội ở đó từng công dân có thể mài giũa nhân cách bản thân…”

Trẻ em Nhật Bản ngay từ mẫu giáo đã được giáo dục những quy tắc ứng xử căn bản. Trẻ em được dạy khi gặp tình huống nào phải xin lỗi hay cảm ơn, và áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế mà trẻ em đã biết những gì tốt đẹp nên làm, và những gì không nên làm từ rất sớm.

Trẻ cũng được thực hành thói quen giúp đỡ người khác như phục vụ đồ ăn cho các bạn.

Khi học tiểu học, trẻ em được giáo dục nhân cách và tính sáng tạo, ứng xử văn minh.

Bìa sách giáo khoa Đạo đức của học sinh Nhật. Ảnh Nguyễn Thị Thu – kilala

Bìa sách giáo khoa Đạo đức của học sinh Nhật. Ảnh Nguyễn Thị Thu – kilala

Không nên làm những điều xấu như chơi xấu bạn, ăn cắp, vẽ bậy... Ảnh Nguyễn Thị Thu – kilala

Không nên làm những điều xấu như chơi xấu bạn, ăn cắp, vẽ bậy… Ảnh Nguyễn Thị Thu – kilala

Luôn quan tâm giúp đỡ người xung quanh. Ảnh Nguyễn Thị Thu – kilala

Luôn quan tâm giúp đỡ người xung quanh. Ảnh Nguyễn Thị Thu – kilala

Sách giáo khoa môn đạo đức là rất quan trọng, các giáo viên luôn nhắc nhở học sinh rằng: “Bất kỳ ở đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa các em hãy giở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta, và hãy phát huy nó trong đời sống của bản thân mình.”

Lên cấp 2 trẻ được học cách ứng xử với những lời phê bình, tôn trọng người khác và tôn trọng sự thật.

Đạo đức là môn học bắt buộc và được chú trọng, nhưng lại không có giáo trình thống nhất, điều này giúp giáo viên linh động sáng tạo được các bài giảng riêng phù hợp với học sinh. Trong đó văn hóa cổ truyền của dân tộc luôn là kho tàng quý giá được các giáo viên vận dụng vào các bài giảng và thực hành. Học sinh sớm học các tình huống ứng xử khác nhau, mỗi tình huống đều vận dụng đạo đức để xác định mình nên hành xử thế nào cho đúng.

Trẻ em Nhật Bản được giáo dục lao động từ những công việc vừa sức. (ảnh: Internet)

Trẻ em Nhật Bản được giáo dục lao động từ những công việc vừa sức. (ảnh: Internet)

Hiệu quả có được từ giáo dục đạo đức

Do được giáo dục đạo đức từ nhỏ rất kỹ về lý thuyết, đặc biệt về thực hành, liên hệ thực tiễn, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, học sinh được thực hành hành vi đạo đức ở mọi lĩnh vực nên hành vi đạo đức được hình thành ở mọi học sinh.

Không có hiện tượng quay cóp, ăn cắp, bạo lực học đường. Học sinh thể hiện tình yêu thương, kính trọng thầy cô, tình thân ái với bạn bè đúng mức. Các hành vi vi phạm đạo đức của học sinh là ít và cá biệt chứ không nổi cộm.

Ở ngoài xã hội, học sinh Nhật luôn là người ứng xử có văn hóa. Người Việt Nam hay nước ngoài đến Nhật Bản có thể thấy có nhiều cây ăn trái chín trĩu quả, hay những cây hoa cảnh khoe sắc hấp dẫn ở công viên, ở hai bên đường đi. Nhưng không hề có ai có suy nghĩ hái những bông hoa hay trái cây đó cả.

“Đức tin” và giáo dục đạo đức đã tạo nên một kỳ tích Nhật Bản, một kỳ tích mà bất kỳ một nhà giáo dục hay một nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng đều ngưỡng mộ và mong muốn.

NGỌN HẢI ĐĂNG, từ Đại Kỷ Nguyên Việt Nam

Từ EPHATA 650

Hướng đạo Việt Nam và những hy vọng trong tương lai

Hướng đạo Việt Nam và những hy vọng trong tương lai

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-07-19

RFA

07192015-vn-scout-jambor-2015.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Tại hè Cổ Loa 2015. Đạo Sài Gòn từ 28 tháng 6, 2015 tại đèo Nước Ngọt Bà Rịa

Tại hè Cổ Loa 2015. Đạo Sài Gòn từ 28 tháng 6, 2015 tại đèo Nước Ngọt Bà Rịa

giupich.org

Tại hè Cổ Loa 2015. Đạo Sài Gòn từ 28 tháng 6, 2015 tại đèo Nước Ngọt Bà Rịa

giupich.org

Cả ngàn hướng đạo sinh tham gia sinh hoạt Trại họp bạn Hướng đạo Việt Nam có tên Hợp Lực- Đồng Tiến 2015 trong mấy ngày qua tại một số khu vực ở miền nam, sau khi nơi dự định diễn ra trại chính ở Đồng Nai bị ngăn chặn. Đây là sinh họat nhằm kỷ niệm 85 năm Hướng Đạo Việt Nam, kỷ niệm 50 năm ngành Kha Việt Nam.

Nhân dịp này Gia Minh trình bày một số thông tin liên quan hoạt động của Hướng Đạo tại Việt Nam trong những năm từ sau 1975 đến nay và mong mỏi được chính thức phục hoạt của Hướng Đạo Việt Nam.

Hoạt động không chính thức

Hình ảnh sôi nổi- tháo vát của những Hướng đạo sinh cả nam lẫn nữ, từ các bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên đến trung niên, không lạ gì đối với nhiều người trên thế giới lâu nay và cả ở Việt Nam trong những năm trước 1975 tại miền nam.

Tuy nhiên sinh hoạt của những nhóm Hướng đạo như thế không còn được tự do sau khi lực lượng miền bắc tiến vào tiếp quản miền nam. Mặc dù không được tự do như trước, các nhóm ở miền nam vẫn duy trì sinh hoạt trong vòng hạn chế của cơ quan chức năng.

Một Huynh trưởng Hướng đạo, ông Phạm Thanh Hiệp, người tổ chức cho Hướng đạo sinh hoạt công khai tại Sài Gòn giới thiệu lại tình hình Hướng đạo trong nước lâu nay như sau:

“ Sau năm 75 ngưng sinh hoạt; nhưng những anh em Hướng đạo Công giáo vẫn còn sinh hoạt trong Nhà thờ chui. Năm 1987 tôi là người tập hợp sinh hoạt hướng đạo công khai; những lần như vậy đều bị dẹp hết dưới danh nghĩa của Hội Liên hiệp Thanh niên. Hoặc là những sinh hoạt dưới danh nghĩa câu lạc bộ theo hình thức hướng đạo đều bị Nhà nước không cho. Nhưng sau đó phát triển dần dần, có thể dùng từ ‘chui mà hoạt động công khai’. Và Nhà nước không thấy có gì nguy hại nên để cho hoạt động, và nó phát triển.”

Mặt pháp lý

Một cựu hướng đạo sinh, luật sư Nguyễn Lệnh, trình bày về mặt pháp lý chiếu theo luật pháp Việt Nam trong việc sinh hoạt của những hội đoàn như Hướng đạo Việt Nam:

“ Thực ra hệ thống pháp luật Việt Nam cho đến hiện nay có rất đầy đủ dành cho các tổ chức muốn thành lập hội , trong đó cụ thể như hội Hướng đạo Việt Nam đã có mặt trên đất nước Việt Nam một cách hợp pháp từ năm 1946 cho đến năm 1975. Tuy nhiên,  sau khi thống nhất đất nước, trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam chưa được áp dụng một cách rõ ràng. Do đó cho nên việc thực hiện đó cũng gây khó khăn cho việc xin tái lập hoặc xin sinh hoạt bình thường của Hội Hướng đạo Việt Nam.

Logo Trại họp bạn Hướng đạo Việt Nam có tên Hợp Lực- 2015

 

” Sau năm 75 ngưng sinh hoạt; nhưng những anh em Hướng đạo Công giáo vẫn còn sinh hoạt trong Nhà thờ chui. Năm 1987 tôi là người tập hợp sinh hoạt hướng đạo công khai; những lần như vậy đều bị dẹp hết dưới danh nghĩa của Hội Liên hiệp Thanh niên. Hoặc là những sinh hoạt dưới danh nghĩa câu lạc bộ theo hình thức hướng đạo đều bị Nhà nước không cho

ông Phạm Thanh Hiệp”

Hơn nữa bên cạnh đó có một hệ thống các văn bản của tổ chức đảng chỉ đạo việc sinh hoạt của Hội Hướng đạo Việt Nam. Chính các văn bản của tổ chức đảng này là nguyên nhân chính khiến cho việc xin tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam mà trước đây đã có nhiều Huynh trưởng gởi thư, văn bản, đơn đến các tổ chức chính quyền, tổ chức Nhà nước và cả tổ chức đảng để xin nhưng vẫn chưa được. Người duy nhất được có câu trả lời chính thức là ông Đăng Văn Việt, người đã gửi đơn đến Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch và được chính thức trả lời qua văn bản của thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thê thao và Du lịch. Đó là văn bản đầu tiên đứng về trách nhiệm cơ quan thẩm quyền Nhà nước chính thức trả lời lý do vì sao mà chưa cho phép Hội Hướng đạo Việt Nam trước đây được tái sinh hoạt, trong đó có viện dẫn cả lý do từ một văn bản của Ban Bí thư Trung ương chưa cho phép Hội Hướng đạo Việt Nam được sinh hoạt trở lại.”

Yêu cầu phục hoạt

Như phát biểu của cựu hướng đạo sinh luật sư Nguyễn Lệnh, thì một người từng tham gia Hướng Đạo Việt Nam từ thời kỳ đầu mới thành lập, ông Đặng Văn Việt, người còn được mệnh danh là ‘con hùm xám đường số 4, vào đầu tháng 3 năm 2011 gửi một thư đến lãnh đạo chính quyền Hà Nội xin khôi phục lại sinh hoạt Hướng đạo.

Câu trả lời của cơ quan chức năng khiến ông Đặng Văn Việt vô cùng thất vọng. Ông cho biết:

“ Chưa có một hồi âm nào gọi là ‘hưởng ứng’ cả, mà gần như người ta muốn bảo vệ Đoàn Thanh niên, không ai đụng chạm đến, thứ hai muốn Đoàn Thanh niên độc quyền lãnh đạo thanh niên trong toàn quốc, thành ra không muốn có Hướng đạo làm thêm cho việc này nữa. Cho đến bây giờ tôi vẫn kiên trì chờ đợi những quan điểm mới, những suy nghĩ mới, tư tưởng mới của những nhà lãnh đạo có đầu óc tiên tiến hơn.

Theo tôi phong trào Hướng đạo là phong trào quốc tế và nhân đạo, mang đầy tính nhân đạo và nhân văn nên không hề có tổn hại gì cho một đất nước mà chỉ có lợi cho đất nước; không có tổn hại gì cho chính quyền đương thời. Nên việc cấm đoán Hướng đạo là một việc phi lý. Một việc làm không hợp với xu thế của thế giới cũng như không hợp với lòng người. Tôi nghĩ trước sau gì thì Hướng đạo cũng được cho hoạt động lại bình thường. Tôi kiên trì quan điểm ấy. Mong rằng sắp đến những người lãnh đạo của Nhà nước có một tí cấp tiến trong đầu óc không có lý do gì để ngăn cản Hướng đạo hoạt động cả. Vì Hướng đạo chỉ là một phong trào quần chúng của những người yêu nước trẻ muốn hoạt động cho lợi ích của xã hội, cho lợi ích của đồng bào toàn quốc.

” Chưa có một hồi âm nào gọi là ‘hưởng ứng’ cả, mà gần như người ta muốn bảo vệ Đoàn Thanh niên, không ai đụng chạm đến, thứ hai muốn Đoàn Thanh niên độc quyền lãnh đạo thanh niên trong toàn quốc, thành ra không muốn có Hướng đạo làm thêm cho việc này nữa

ông Đặng Văn Việt”

Nếu nó có hại, có cản trở thì nên cho biết lý do để ngăn chặn; trái lại không có cản trở gì, không có làm tổn hại gì mà không cho hoạt động là một chuyện hoàn toàn phi lý.

Đây là hoạt động trên cả thế giới chứ đâu phải có nhà nước nào quản lý mới hoạt động được đâu. Chỉ có nhà nước cộng sản không yêu Hướng đạo, không ủng hộ Hướng đạo… Nếu không cấm Hướng đạo hoạt động bình thường như trước đây thì lợi cho đất nước bao nhiêu, lợi cho lãnh đạo, chính quyền Nhà nước này bao nhiêu; thế nhưng cho đến bây giờ họ không chịu làm. Thật là đáng tiếc!”

Một người trong ban tổ chức Trại họp bạn Hướng Đạo Việt Nam Hợp lực- Đồng tiến 2015 khi được hỏi về sinh hoạt lớn này đã từ chối trả lời vì cho rằng đây là chuyện nhạy cảm.

Trên trang facebook có tên Hướng Đạo Việt Nam, nhiều chia sẽ động viên rằng dù không được làm lễ khai mạc trại nhưng một số hoạt động vẫn được diễn ra và nhiều đoàn cũng tiến hành sinh hoạt tại các địa điểm khác nhau. Họ nhắc nhau hướng đạo sinh trong khó khăn vẫn vui tươi, trong nỗi buồn sẽ có niềm vui khác… anh em vẫn tiếp diễn Hợp Lực trên mọi miền quê hương Việt Nam.