‘Cướp’ cơm từ thiện ở Sài Gòn

‘Cướp’ cơm từ thiện ở Sài Gòn

Thanh Niên

Cảnh bát nháo trong buổi phát cơm từ thiện ở trước BV Ung bướu - Ảnh: Đức Tiến

Cảnh bát nháo trong buổi phát cơm từ thiện ở trước BV Ung bướu – Ảnh: Đức Tiến

Hằng ngày, các nhà hảo tâm tổ chức mang cơm đến trước Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để phát miễn phí. Tuy nhiên, số cơm này chưa đến được tay người nghèo thì đã bị một nhóm người bên ngoài “cướp” mất!

“Cướp” cơm để lấy mồi nhậu !

Phần lớn người bệnh điều trị ở Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM là người nghèo đến từ các tỉnh nên các nhà hảo tâm thường tập trung đem cơm đến đây phát miễn phí làm từ thiện. Tuy nhiên, điều đáng nói là số cơm từ thiện đó lại bị những người lành lặn, thành phần bất hảo bên ngoài “cướp” mất, không chỉ để ăn mà còn đem bán, đem cho heo ăn!

Sáng 30.10, chúng tôi có mặt trước cổng BV Ung bướu, ghi nhận cả trăm lượt cơm từ thiện được đem đến đây phát đã bị một nhóm khoảng 30 người “cướp”. Nhóm này có cả đàn ông, phụ nữ, thanh niên trai, gái lành lặn, khỏe mạnh. Khi xe chở cơm từ thiện vừa dừng lại trước BV thì hàng chục người ngồi trên vỉa hè bên ngoài BV chờ sẵn xộc tới giành lấy, dù những người này đã có cả bao tải cơm chất thành đống.

Sau khi lấy những hộp cơm, họ rút thức ăn, còn cơm thì vứt bỏ hàng chục hộp nằm vương vãi dọc bức tường BV. Cả nhóm dồn đồ ăn vào một hộp chứa lớn rồi làm mồi nhậu ngay trên vỉa hè trước BV, chờ đợt phát cơm từ thiện của những người hảo tâm khác. Trong khi đó, người nhà bệnh nhân từ trong BV chạy ra nhận cơm thì không còn hộp nào.

Hôm sau, vì là ngày cuối tuần nên có hàng chục lượt phát cơm từ thiện cả ngày, và “đội quân” chuyên “cướp” cơm xuất hiện gấp đôi so với ngày thường. Thậm chí, nhiều người còn mang theo cả xe máy để gom cơm từ thiện. Có khoảng 50 người đua nhau chạy đến giành giật, la ó khiến nhiều hộp cơm bị rách, văng tung tóe dưới mặt đường. Đang tranh giành, có người hét lớn “Là cơm mặn. Cơm mặn anh em ơi”, người này vừa dứt lời thì cả chục người khác chạy lại hai chiếc taxi chở cơm để vồ vập tranh giành cơm có thức ăn mặn. Họ bỏ lại sau lưng những hộp cơm chay ăn chưa hết. Sau buổi phát cơm, quanh khu vực BV Ung bướu như bãi rác, hộp cơm, bịch ni lông, đồ ăn vương vãi tứ tung; một số hộp cơm được treo lủng lẳng trên các song sắt ở tường BV gây nhếch nhác.

Trong lúc ghi nhận ở đây, chúng tôi thường xuyên thấy rất đông người nhà bệnh nhân đứng lặng lẽ thành một dãy dài tựa vào bờ tường BV vì không dám tranh giành cơm với đám người chuyên “cướp” từ bên ngoài BV.

Đa phần các xe chở cơm từ thiện đều đậu ở khu vực đối diện cổng BV nên người nhà các bệnh nhân phải băng qua đường để lấy cơm. Còn nhóm người bên ngoài chuyên “cướp” cơm thì chờ sẵn, khi xe chở cơm vừa tới là họ lao vào giành giật trước sự bất lực của các nhà hảo tâm.

Đem đi bán, cho heo ăn

Trong số những người giành giật cơm từ thiện trước BV Ung bướu, có người chuẩn bị sẵn cả bao bố để đựng. Trưa 1.11, mỗi khi có một nhóm đến phát cơm, một người phụ nữ xô đẩy giành lấy 3 – 4 hộp cơm/đợt. Cơm giành được bà chất lên chiếc xe đạp dựng tựa bức tường bên ngoài BV. Chúng tôi hỏi: “Lấy cơm nhiều như vậy thì ăn làm sao hết?”.

Người này nói tỉnh bơ: “Ăn không hết thì mang về cho heo. Ngày nào tui cũng ra đây lấy cơm về bán lại cho người quen nuôi heo, kiếm vài chục ngàn đồng. Đâu phải mình tui, một số người khác cũng ra đây giành giật cơm từ thiện rồi chất lên xe đạp, xe máy chở đi”!

“Thấy chưa, mới đứng chút xíu mà 60 – 70 hộp rồi đó. Không ít đâu”, một người đàn ông khoảng 40 tuổi chỉ vào hai bao chứa đầy cơm từ thiện mà anh ta vừa lấy.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Huỳnh – thành viên của Hội Từ thiện Tâm Đức (Q.4, TP.HCM) cho biết: “Nhiều nhóm từ thiện khi mang cơm tới trước BV Ung bướu chưa kịp phát cho người nghèo thì bị người ngoài BV giành giật hết. Có người còn lấy cơm từ thiện rồi đem vô BV bán lại cho người nhà bệnh nhân 10.000 đồng/hộp”.

No cơm từ thiện thì chích ma túy
Trong số nhóm người chuyên “cướp” cơm từ thiện trước BV Ung bướu có cả những con nghiện ma túy. Nhóm này sẵn sàng chửi bới các nhà hảo tâm nếu không đưa cơm cho chúng. Lúc 12 giờ ngày 31.10, khi cả nhóm chuyên “cướp” cơm đang ngồi nhậu thì một thanh niên khuôn mặt lờ đờ đứng dậy chạy tới gần xe máy của hai cô gái đang chuẩn bị phát cơm. Hai cô gái nói: “Anh có thẻ bệnh nhân thì em mới phát cơm”. Thanh niên này liền trừng trợn, quát: “Đ.M. Đi phát cơm từ thiện mà cũng đòi thẻ bệnh nhân. Tụi mày mang cơm về nhà mà ăn luôn đi, ăn cho hết đi!”, khiến hai cô gái tái xanh mặt mũi. Ngay sau đó nhóm người của anh ta hùa theo chửi bới om sòm, rồi cười ha hả, tỏ vẻ đắc ý.
'Cướp' cơm từ thiện ở Sài Gòn - ảnh 1

Ảnh: Đức Tiến

Ngày 8.11, chúng tôi tiếp tục đến trước BV Ung bướu ghi nhận và phát hiện, những người trong nhóm “cướp” cơm ngang nhiên chích ma túy giữa chốn đông người (ảnh). Lúc 11 giờ 30 cùng ngày, sau khi đã no nê với cơm từ thiện, 2 nam thanh niên lên cầu thang bộ bắc qua đường trước BV để chích ma túy trước nhiều người qua lại. Thỏa cơn ghiền, hai người này tiếp tục ngồi đợi trước cổng BV để chờ đợt phát cơm tiếp theo.

Đức Tiến

Nụ hôn của Đức Giáo Hoàng đã giúp teo u não bé gái 1 tuổi

Nụ hôn của Đức Giáo Hoàng đã giúp teo u não bé gái 1 tuổi

Bé gái Gianna ở Pennsylvania (Mỹ) có một khối u não ở vị trí không thể phẫu thuật được. Sau khi Giáo Hoàng Phanxico hôn lên đầu bé, kì diệu thay khối u đã teo nhỏ đi trông thấy.

 

Bấm xem Video Thánh Ca

Giáo Hoàng Francis hôn lên đầu bé gái Gianna 1 tuổi hồi tháng 9 vừa qua, trong chuyến thăm của ông tới vùng Philadelphia. Chị Kristen Masciantonio, mẹ bé trả lời trên truyền hình địa phương: “Con bé đang khỏe lên và khá hơn trước. Nó đã biết hôn gió và chỉ trỏ vào các đồ vật”.

Joey và Kristen Masciantonio nói rằng nụ hôn của Giáo hoàng thực sự là “một phép màu”. So sánh phim chụp khối u giữa tháng 8 và tháng 11 cho thấy một sự chuyển biến rõ rệt. Nhà Masciantonio coi đây là một “sự can thiệp thần thánh”.

 Kết quả giữa tháng 8 và tháng 11 phim chụp não cho thấy kết quả khác biệt hoàn toàn.

Anh Joey Masciantonio trả lời trên truyền hình: “Năm ngoái thực sự là ác mộng của con bé. Tôi tin rằng phép màu này là do Chúa ban phước. Tôi chắc chắn Giáo hoàng là một sứ giả của Chúa trời”.

Theo Quang Minh – Daily Mail (danviet.vn)

httpv://www.youtube.com/watch?v=RiXWkF02sh8

Kinh Hòa Bình – Lm.JB.Nguyễn Sang

Chống lại công an cưỡng chế đất thiếu niên 15 tuổi bị 4 năm rưỡi tù

Chống lại công an cưỡng chế đất thiếu niên 15 tuổi bị 4 năm rưỡi tù

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

RFA

Sáng nay, 24/11/2015 em Mai Trung Tuấn – 15 tuổi bị tòa tuyên án 4 năm 6 tháng tù giam. Ngoài ra còn bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng

Sáng nay, 24/11/2015 em Mai Trung Tuấn – 15 tuổi bị tòa tuyên án 4 năm 6 tháng tù giam. Ngoài ra còn bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng

Photo: RFA

Thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, hôm nay 22/11 bị đưa ra tòa ở Thạnh Hóa, Long An xét xử về tội danh ‘cố ý gây thương tích’ theo khoản 3 điều 104 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Kết thúc phiên xử vào đầu giờ chiều cùng ngày, tòa tuyên  Nguyễn Mai Trung Tuấn 4 năm 6 tháng tù giam. Ngoài ra còn bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng.

Ngay sau khi bản án được tuyên, Nguyễn Mai Thảo Vy, em gái của Nguyễn Mai Trung Tuấn có ý kiến về bản án:

“ Cháu thấy bản án bất công đối với anh cháu, tại vì hành vi của anh cháu là hành vi bảo vệ gia đình, tự vệ. Khi cưỡng chế có hai chiếc xe tải chở từ 100 đến 200 cảnh sát cơ động đến ập vào nhà. Họ uy hiếp, đánh đập gia đình rất dã man. Anh Hai thấy họ bắt mẹ và đập đầu xuống đường nên anh Hai, với tư cách người con phải cứu mẹ. Hành động mà anh Hai tạt acid ông công an là để cứu mẹ thôi.”

Cả cha mẹ của em Nguyễn Mai Trung Tuấn là hai ông bà Nguyễn Trung Can và Mai thị Kim Hương hiện đang phải thụ án tù. Họ bị buộc tội ‘chống người thi hành công vụ’ khi phản ứng lại đoàn cưỡng chế tấn công vào nhà của hai ông bả hồi ngày 14 tháng 4 năm nay.

Nguyễn Mai Trung Tuấn bị bắt ngày 6 tháng 8 theo lệnh truy nã của cơ quan chức năng khi đang chữa trị bệnh suy nhược thần kinh tại nhà một người quen ở Ninh Thuận.

Trong ngày xử thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn tại tòa án huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, một số nhà hoạt động đến dự phiên xử. Họ không được vào bên trong phòng xử án và theo dõi qua loa phóng thanh.

Sau phiên xử, chị Nguyễn Hoàng Vi, một nhà hoạt động từ Sài Gòn đến Long An dự phiên xử cho biết một số diễn tiến ngoài phiên tòa và ý kiến về bản án đối với thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn như sau:

“ Nói chung mọi người tỏ thái độ không đồng ý với phiên tòa- một phiên tòa oan sai, bất công đối với một em bé 15 tuổi, có lúc mọi người viết giấy giơ biểu ngữ lên thì bị các anh công an và dân phòng nhào đến giật xé. Hành động giựt của họ như của cướp vậy; cứ thấy đưa giấy lên là chụp giựt.

Mọi người rất bất mãn với kết quả phiên tòa hôm nay. Hoàn toàn tất cả những điều mà em Tuấn và luật sư đưa ra mà có lợi đều bị thẩm phán tòa bỏ qua, gạt ngang hết. Ví dụ như khi luật sư trích dẫn công ước quốc tế thì thẩm phán nói công ước đó không phù hợp luật pháp Việt Nam. Còn những lời kể của em Tuấn về sự việc, khi em kể đúng sự thật thì họ lái qua những câu hỏi ‘gài’ để có thể ghép em vào tội.”

Xin được nhắc lại Nguyễn Mai Trung Tuấn sinh ngày 31/3/2000.  Khi gia đình bị cưỡng chế em đang học lớp 9; sau khi cha mẹ bị bắt em phải nghỉ học.

Gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn phản đối việc cưỡng chế đất vì việc bồi thường quá bất công. Theo đó thì đất bị thu hồi chỉ được bồi thường 300 ngàn đồng một mét vuông, trong khi đất tại khu liền kề được bán với giá 25 triệu đồng một mét vuông.

Phiên sơ thẩm diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 9 vừa qua đưa 12 người thuộc hai hộ dân chống đoàn cưỡng chế ra xét xử. Tất cả bị tuyên tổng cộng 27 năm tù giam, và 6 năm, 6 tháng tù treo. Bà Mai thị Kim Hương, mẹ của Nguyễn Mai Trung Tuấn, bị tuyên 3 năm 6 tháng tù giam, và người cha Nguyễn Trung Can là 3 năm tù giam.

Tin cho biết vào ngày mai 25 tháng 11 sẽ diễn ra phiên phúc thẩm đối với hai vợ chồng Mai thị Kim Hương- Nguyễn Trung Can

Cô Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức đã được trả tự do sau khi bị đánh dã man

Cô Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức đã được trả tự do sau khi bị đánh dã man

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-11-23

Công an đã đánh cô Minh Hạnh và anh Minh Đức dã man, cô Hạnh bị tổn thương vùng đầu và khắp người đến mức không đi nổi, anh em phải dìu ra xe

Ảnh: Huỳnh Ngọc Chênh

Hai nhà hoạt động vì quyền lợi công nhân Việt Nam- cô Đỗ thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức, hôm qua 22 tháng 11 bị công an bắt, hành hung và đưa về giam giữ tại đồn Công an phường Long Bình, Đồng Nai.

Sau khi ra khỏi đồn công an và qua một đêm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ở Sài Gòn, ông Trương Minh Đức cho Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do biết một số thông tin liên quan việc hai người đến Đồng Nai giúp cho công nhân rồi bị công an truy bắt.

Trước hết là việc ông bị áp giải về công an phường Long Bình

Ông Trương Minh Đức: Họa áp giải tôi bằng cách dùng bạo lực xô đẩy, không cho tôi lấy những vật dụng cá nhân, cả xe Honda của tôi cũng phải để ở đó. Họ đưa tôi đi người không. Đến chiều tối họ mới đưa giỏ đồ của tôi và của cô Đỗ Thị Minh Hạnh ra. Họ yêu cầu tôi ký vào để niêm phong, lập biên bản và trong vài ngày tới họ sẽ khai thác máy tính. Tôi không đồng ý và nói rằng làm như thế là sai qui trình của luật pháp. Nếu muốn niên phong và khai thác tài sản cá nhân thì trước hết tôi phải là một nghi can; chứ không thể khai thác thông tin trong máy cá nhân của tôi. Nếu chúng tôi phạm pháp cũng phải có qui trình. Việc áp giải người và đồ phải đi chung nhau và người ta phải thấy đồ của mình. Trong khi đó tôi bị đưa đi một nơi, đồ đi một ngả cách mười mấy tiếng đồng hồ- từ 12 giờ trưa đến 24 giờ tối mới bắt tôi ký để niêm phong. Không biết trong khoảng thời gian mười mấy tiếng đồng hồ đó, các anh đã làm gì trong máy của tôi. Các anh có thể cài đặt những nội dung bất lợi cho tôi trong máy, nên tôi không đồng ý.

Khoảng hơn 8 giờ có một số anh em thuộc các tổ chức xã hội dân sự, cũng như thuộc Hội Anh em Dân chủ, và những anh em bên truyền thông có đến khoảng mười mấy người vào đồn để hỏi người. Lúc đầu họ trả lời một cách lúng túng; sau đó họ dùng một lực lượng côn đồ rất lớn giăng hàng ngang cản những anh em này, đẩy lui ra cổng. Họ cũng có thái độ muốn giật điện thoại của những người đi đón chúng tôi về.

Đến 1 giờ 45 phút họ mới thả tôi và Đỗ thị Minh Hạnh ra khỏi đồn.

Gia Minh: Tiếp theo cả hai được đưa đi đến đâu?

Ông Trương Minh Đức: Sau đó tất cả chúng tôi đi bằng 2 xe taxi và một số Honda về Sài Gòn. Trên đường về thì sức khỏe của Đỗ thị Minh Hạnh rất yếu và đã được đưa cấp cứu ngay tại Bệnh viện Hoàn Mỹ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Tôi cũng bị cao huyết áp và nằm tại bệnh viện một đêm. Sáng nay tôi trở về nhà để lo một số công việc cần thiết.

Gia Minh: Tất cả những tài liệu bị tịch thu là tài liệu gì và mức độ quan trọng ra sao?

Ông Trương Minh Đức: Họ tịch thu máy móc của chúng tôi kèm theo những tờ rơi của Lao Động Việt quảng bá về TPP, về quyền lợi của người công nhân. Chúng tôi cũng có một lá thư gửi cho 4 khách hàng của Yupoong yêu cầu xem xét lại việc sa thải công nhân một cách trái pháp luật Việt Nam; mong những khách hàng này có khuyến cáo đối với Yupoong.

Họ cho rằng những tài liệu đó là tài liệu không có thực. Tôi nói những tài liệu đó được chúng tôi in ra. Chúng tôi đã hỏi khách hành của Yupoong. Chứng cứ do công nhân cung cấp. Sự việc mà chúng tôi điều tra là công ty Yupoong không thu hẹp sản xuất như Luật Lao động qui định để công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trái lại công ty Yupoong còn mở rộng sản xuất lớn hơn nhiều lần. Như vậy công ty Yupoong đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm luật pháp Việt Nam và gây thiệt hại cho công nhân.

Gia Minh: Qua làm việc với công nhân công ty Yupoong trong thời gian qua, ông nhận thấy tâm tư tình cảm của họ ra sao và đến nay sự hiểu biết về quyền lợi sau khi có tuyên bố của Việt Nam về công đoàn độc lập theo TPP ra sao?

Ông Trương Minh Đức: Trong thời gian qua với sự bức xúc của 2000 công nhân công ty Yupoong, họ rất tin tưởng ở Lao Động Việt có thể lên tiếng cho những công nhân mất việc tại công ty.

Vì lẽ đó mà có thể công an Đồng Nai dùng bạo lực đàn áp để trấn áp tinh thần của công nhân. Theo tôi nghĩ đây là hành động không đúng.

Công nhân tiếp xúc được với Lao Động Việt thì họ mong mỏi Lao Động Việt giúp họ trong thời gia sắp tới cũng như việc thành lập công đoàn độc lập. Theo tôi nghĩ từ chỗ đó công an Đồng Nai sợ sệt vấn đề này.

Tôi thấy vụ cháy công ty Yupoong có những bất hợp lý mà các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại về thời điểm cũng nhưng phát biểu của công nhân trong những video clip mà Lao Động Việt cung cấp trên truyền thôn.

Gia Minh: Qua sự việc hôm ngày chủ nhật 22 tháng 11, ông thấy sắp đến việc đi hỗ trợ cho công nhân hẳn nhiên có nhiều trở ngại, vậy cần có những gì để vượt qua trở ngại để giúp công nhân đạt được những điều theo TPP mà Việt Nam đã ký kết với 11 nước khác?

Ông Trương Minh Đức: Hành xử của công an Đồng Nai trong ngày 22 tháng 11 là hành động đối với những thành viên của Lao Động Việt đang giúp đỡ công nhân Việt Nam thành lập công đoàn độc lập. Tôi nghĩ trong tiến trình sắp tới chúng tôi còn gặp nhiều gian nan; mặc dù ông Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 18 tháng 11 vừa qua nói trước quốc hội rằng Việt Nam trong tiến trình hội nhập TPP phải có công đoàn độc lập ngoài công đoàn nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho công nhân.

Công an Đồng Nai hành xử như vừa qua là đã phủ nhận lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng trước quốc hội. Lãnh đạo Đồng Nai nghĩ gì? Ông Nguyễn tấn Dũng nghĩ gì khi mà lãnh đạo Đồng Nai phản bác lại những gì mà ông Nguyễn Tấn Dũng mong muốn.

Tôi mong những tổ chức lao động trên toàn thế giới và trong 11 nước ký kết TPP với VN có những biện pháp chế tài đối với hoạt động đi ngược lại với TPP đã được ký kết.

Gia Minh: Cám ơn ông Trương Minh Đức.

Trên ngàn người tiễn đưa nhạc sĩ Anh Bằng đi xa

Trên ngàn người tiễn đưa nhạc sĩ Anh Bằng đi xa
Đức Tuấn/Người Việt

HUNGTINGTON BEACH (NV) – Từng chiếc hoa hồng được đặt xuống nắp quan tài nhạc sĩ Anh Bằng, như lời chia tay, cũng là lời chúc lên đường bình an.

Quan cảnh trước lúc hạ huyệt. (Hình: Đức Tuấn/Người Việt)

Trên một ngàn người đã đến tham dự tang lễ, tiễn đưa nhạc sĩ Anh Bằng đến nơi an nghỉ cuối cùng vào chiều 21 tháng 11 tại nghĩa trang Good Shepherd, thành phố Huntington Beach, California.

Lễ động quan bắt đầu khoảng trưa tại nhà quàn thuộc nghĩa trang Peek Family, sau đó di quan đến nhà thờ Santa Barbara, thành phố Santa Ana.

Ngày Thứ Bảy nhưng có rất đông quan khách, bao gồm khán giả yêu thích các chương trình của trung tâm Asia, những người hâm mộ dòng nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng, và rất nhiều khuôn mặt ca nghệ sĩ, nhạc sĩ, các trung tâm ca nhạc lớn tại hải ngoại… từ khắp nơi hội tụ về đây, để nhìn mặt ông lần cuối.

Trong số này, có thể kể đến đại diện trung tâm Thúy Nga, ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Lê Uyên, ca sĩ Thanh Tuyền, ca sĩ Trúc Mai, chị Thái Xuân (trung tâm Diễm Xưa), ca sĩ Mai Thanh Sơn, ca sĩ Hoàng Anh Thư, ca sĩ Nguyên Khang, ca sĩ Ngọc Huyền, ca sĩ Mỹ Huyền, ca sĩ Lan Ngọc, nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh, nhạc sĩ Nam Lộc, nhạc sĩ Trúc Hồ, MC Diệu Quyên, bà Thúy Uyển (Kịch đoàn Dân Nam Thúy Uyển), ca sĩ Quang Thành, ca sĩ Lâm Nhật Tiến…

Nhạc sĩ Lam Phương và ca sĩ Phương Hồng Quế tại nghĩa trang Good Shepher
đưa tiễn nhạc sĩ Anh Bằng lần cuối. (Hình: Đức Tuấn/Người Việt)

Về phía các linh mục tham dự, có khoảng 14 linh mục tại quận Cam cũng như các nhà thờ ở những tiểu bang xa, hoặc những quốc gia như Canada, Việt Nam, và Âu Châu…

Đức giám mục Dominico Mai Thanh Lương là chủ tế Thánh Lễ an táng nhạc sĩ Anh Bằng.

Bên cạnh đó còn có ca đoàn giáo xứ Santa Barbara tham dự.

Chương trình thánh lễ gồm phần cầu nguyện cho nhạc sĩ Anh Bằng, và ôn lại tiểu sử cùng những hoạt động nghệ thuật rất xúc động, tinh tế, do linh mục Joseph Nguyễn Thái rao giảng.

Chương trình Thánh Lễ an táng tại nhà thờ Santa Barbara chấm dứt khoảng 2 giờ 30, sau đó di quan đến nghĩa trang Good Shepherd.

Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật Trần An Bường, sinh ngày 5 Tháng Năm, tại Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ông từng là chủng sinh tiểu chủng viện Ba Làng, trước những năm đất nước chia đôi.

Ông từng bị kết án tử hình, bị giam giữ tại trại tù số 5, Lý Bá Sơ, Thanh Hóa, sau khi người anh ruột là chỉ huy trưởng tự vệ, Đại Uy Trần An Lạc, bị Việt Minh hạ sát ở Phát Diệm.

Nhạc sĩ Anh Bằng ra đi để lại gia tài âm nhạc đồ sộ với trên 650 ca khúc, trong đó có trên 200 ca khúc đã được trình làng và có rất nhiều nhạc phẩm tình ca được nhiều người yêu chuộng, như Anh Còn Nợ Em, Anh Còn Yêu Em, Mai Em Đi, Đêm Nguyện Cầu, Nỗi Lòng Người Đi…

Ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thiên Trang, ca sĩ Thanh Thúy và một thân hữu, tại
tang lễ nhạc sĩ Anh Bằng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Trả lời nhật báo Người Việt về cảm nhận khi tham dự Thánh Lễ an táng nhạc sĩ Anh Bằng, ca sĩ Khánh Ly nói: “Có những mất mát trong cuộc đời mà tôi nghĩ không có gì có thể bù đắp được, như ngày hôm nay sự ra đi của nhạc sĩ Anh Bằng là một sự kiện rất lớn, đối với chúng tôi, tất cả những anh chị em ca nghệ sĩ sống với nhau như một gia đình, và chúng tôi hướng về nhạc sĩ Anh Bằng như cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, hay như người cha chung. Ông là tấm gương trong sáng soi chiếu trong cuộc sống này, và chúng tôi soi vào đó để đi tới những điều thánh thiện, đối xử tử tế…”

Cũng buổi trưa hôm nay, trong Thánh Lễ an táng, ca sĩ Nguyên Khang, ca sĩ Mai Thanh Sơn, ca sĩ Lâm Nhật Tiến cùng nhạc sĩ Trúc Hồ trình bày các ca khúc Nỗi Lòng Người Đi, Đêm Nguyện Cầu, Mai Tôi Đi, thật xúc động.

Ca sĩ Nguyên Khang cho biết: “Có thể nói đây là giờ phút chót để đưa tiễn người thầy, người cha đến nơi an nghĩ cuối cùng. Thật sự đó cũng không phải là điểm cuối cùng của ông, mà tôi vẫn nghĩ ông đang đi đến một nơi chốn nào đó thật tốt đẹp, nơi đó không còn những đau đớn về thể xác như ông đã từng chịu đựng trong suốt tám năm qua với căn bệnh hiểm nghèo. Mọi người trong trung tâm đều rất buồn, tuy nhiên với gia tài ông để lại trên sáu trăm mấy chục bài, trong đó có trên 40 bài chưa được phổ biến, và hi vọng là ca sĩ chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để trình bày những sáng tác mới ấy. Mong ông được mau sớm về chốn thiên đàng, về với Chúa.”

Ca sĩ Thanh Tuyền tâm tình: “Đối với chú Anh bằng, tôi rất được chú yêu mến, lúc còn khỏe mạnh, có lần chú nói chừng nào chú ra đi, Thanh Tuyền phải có mặt để tiễn chú nhé, và hôm nay để thực hiện ước nguyện đó của chú, tôi bay sang đây để đến viếng chú lần cuối, cũng như tham dự lễ an táng.”

Khán giả Phạm Trọng Hiệp, cư dân Fountain Valley, cũng là bạn thân của anh Trần An Thanh, con trai nhạc sĩ Anh Bằng, cho biết: “Tôi rất xúc động trước sự chung thủy, tình cảm của đồng hương, khán giả tại hải ngoại dành cho bác Anh Bằng. Đó là sự trân quý, nói lên được sự đôn hậu, tính tình hiền hòa, và tài hoa của người nhạc sĩ, lúc nào cũng được mọi người kính nể, hâm mộ.”

Quan tài di chuyển đến địa điểm làm lễ an táng tại nghĩa trang Good
Shepherd. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Tương tự tại nhà thờ Santa Barbara, tại nghĩa trang Good Shepherd, rất đông người chờ đợi từ lúc xe tang chưa đến, đến khi buổi lễ hạ huyệt được hoàn tất và mọi người xếp hàng dài để lần lượt đi vào đặt những cánh hoa hồng lên nắp quan tài, thay cho lời chia tay cuối cùng giữa người ở lại và người ra đi.

Hình ảnh gây nhiều xúc động nhất là nhạc sĩ Lam Phương, sức khỏe kém, ngồi xe lăn, hai lần được người em rể đẩy xe đến thăm viếng người bạn vong niên, cũng là đồng nghiệp.

Nói với chúng tôi, nhạc sĩ Lam Phương cho hay: “Đây là mất mát rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại, tuy biết rằng ngày này ai cũng sẽ có một lần, thế nhưng mình vẫn ngậm ngùi, thương cảm… Rồi cũng sẽ đến ngày của mình thôi.”

Ngồi nhớ ân cần

                                  Ngồi nhớ ân cần
Buổi sáng nọ, nơi góc đổ rác chung của cả khu nhà tự dưng xuất hiện một đôi giày cũ còn khá tốt. Giày được đặt trong một cái hộp với tờ giấy ghi chú, nét chữ nắn nót “đồ còn tốt, ai cần xin cứ tự nhiên”.
Ở mấy nước tư bản giãy chết, việc đem bỏ đi đồ dùng còn xài tốt không lạ, nhưng cách nhường lại cho người khác sử dụng với tất cả sự ân cần là một cung cách đáng ngưỡng mộ.

Đôi giày cũ khi đặt vào hộp, gửi tặng mơ hồ vào cõi nhân gian, được chủ nhân ân cần đi đánh xi lại, mới và đẹp, ai nhìn cũng thú vị. Vậy mà mấy ngày sau mới có anh Mễ làm nghề đổ rác đến lấy, rồi để lại chữ “cám ơn”. Đôi giày nằm liên tục mấy ngày, vì những người trong khu nhà không ai muốn giành lấy phần của người có thể khó khăn hơn mình.
Thỉnh thoảng thấy trong đời có sự ân cần làm lay động, lại chợt nhớ Sài Gòn với tất cả không gian từng rất ân cần của nó, một không gian mà giờ đây nhắc lại như một thứ của quý đang mất dần, phai dần, dư niệm của nhiều thế hệ.
Sài Gòn ân cần trong trí nhớ đơn giản lạ. Đôi khi chỉ là chuyện người qua đường trú mưa được chủ nhà mời vào ngồi vì sợ kẻ lạ bị ướt. Đôi khi vì một thùng trà đá để trước cửa để giúp bá tánh lỡ đường giải khát trưa hè. Có đi đến tận những thành phố, hỏi đường đi bị tính tiền, mới biết Sài Gòn đã từng ân cần thế nào. Sài Gòn ân cần và vô tư đến mức từng thấy người say nắng ngất xỉu bên đường, không ai biết ai cứ xúm vô cạo gió, lấy thuốc cho uống để giúp khách qua đường có sức đi tiếp.
Mới hôm rồi, may mắn đọc được một câu chuyện của người Sài Gòn mà lòng mát dịu. Lại thấy thương người đất miền Nam không quen nói trôi chữ, chỉ có tấm lòng. Một anh trên facebook kể rằng anh đi làm thêm kiếm tiền đi học, chạy bàn rửa chén cho một đôi vợ chồng ở Sài Gòn.

Một hôm lỡ tay làm bể hết nguyên chồng tô dĩa, anh lính quýnh không biết làm sao thì bất chợt bà chủ chạy vô nhìn thấy. Bà sững người, chưa kịp la, đã dặn “nếu chồng cô có xuống thấy thì nói tại cô làm bể, chứ không ổng chửi chết”. Vừa quay lưng thì ông chủ chạy từ trên lầu xuống, nhìn đống tô dĩa nát bấy mà thất thần, rồi dặn “nếu vợ chú vô hỏi, thì nói chú làm bể nghe, chứ không bả chửi chết”.

Người làm công đó mang kỷ niệm ngọt ngào và xúc động đó kể lại trên nhật ký của mình, làm không biết bao người đọc rưng rưng, trìu mến.
Sự ân cần là cách mà con người thấu hiểu đời sống, đối đãi bằng lòng chân thành của mình. Bước đi vài dặm trong một đất nước, có thể thấy sự ân cần cho con người đang ở mức nào. Việt Nam hôm nay có những thành phố lớn hơn, con người cao sang hơn, đại lộ đi bộ to rộng hơn… nhưng sự xua đuổi người nghèo khó cũng quyết liệt hơn. Sự ân cần như chỉ còn trú ngụ loanh quanh với giai cấp dưới, ở những thị dân ít học được thói cao sang. Nhiều cao ốc được dựng lên, nhưng không mấy cái có lối đi của người khuyết tật. Nhà vệ sinh công cộng phải xây đắt tiền như tượng đài, nhưng hầu như không có cái nào dành cho phụ nữ có thai hay cho người già yếu. Trong sự rực rỡ của đất nước này hôm nay, đã nhàn nhạt ân cần của người với người. Sự chói lọi chỉ số phát triển vẫn kèm theo khoảng tối đen mù lòa sau lưng nó.
Thường dân hay bọn con buôn lạnh nhạt ân cần trong đời thì đã đành, đến phận Tỳ kheo cũng la liếm vuốt ve thế tục, mất cả ân cần với thế nhân thì chúng sinh chỉ còn biết thở dài. Nghe lời ông Thích Thanh Quyết, đại biểu quốc hội, ngợi ca các mức oan khiên trong xã hội là “hợp lý” đã lắm chối tai, lại còn nghe ông nhấn mạnh sao không ca ngợi các cơ quan điều tra tố tụng đã kiểm soát giỏi mức oan sai “hợp lý” này.
Uống một ly nước, Đức Phật còn dạy rằng đừng quên có đến 84.000 sinh linh trong ly nước đó đã phải hy sinh cho người đời thụ hưởng. Và dù những sinh linh đó nhỏ bé vô hình đến mức nào, lời Phật dạy cũng chưa bao giờ cho rằng “hợp lý”. Lẽ nào mũ ni của ông Quyết đã kéo quá sâu vào thế tục, che kín tai để không còn nghe được tiếng khóc ngất của cha mẹ già và của tử tù Hồ Duy Hải (1985), hay lời trăn trối của cả gia đình tù nhân Nguyễn Văn Tràng (1988) xin được tự thiêu để tòa án phải công tâm xét lại, minh oan. Sự ân cần với từng chúng sinh là tâm đức không thể thiếu với đệ tử của Phật, bằng không chỉ đáng gọi là kẻ giả danh, mua bán niềm tin.
Sự ân cần hôm nay cũng có thể được nhìn thấy, nhưng là thứ chiêng trống mua vui lạ lẫm. Tỉnh Vĩnh Phúc hôm nay “ân cần” bỏ ra 300 tỉ đồng để xây một khu Văn miếu thờ và tôn vinh Khổng Tử bằng tiền thuế của nhân dân – như tiền nhà của lũ quan lại.

Khổng tử chỉ có thể mang trái tim kẻ ác mới đành lòng bệ vệ xưng danh nơi mà cả vùng có đến gần 12.000 gia đình nghèo khốn khó. Thậm chí chỉ có 24% trong số 14.000 gia đình thuộc loại chính sách của chế độ là có được nước sạch để dùng. Cả tỉnh cũng có gần 20.000 gia đình không có nhà vệ sinh tiêu chuẩn và nước sạch để sinh hoạt.

Vậy mà sự ân cần thì được dâng cho tượng gỗ và bộ mặt trơ cứng của chính quyền. Còn nhân dân thì chỉ được quyền xao xác lặng im nghe diễn văn.

Chợt nhớ Sài Gòn ghê. Nhớ Sài Gòn qua tiếng rao bán xôi giản dị của bà cụ đội khăn đi bộ từ quận 8 tới tận quận 5, với những gói xôi bán chỉ 5000 đồng, mắt lạc thần khi thấy bóng dân phòng. Nhớ ánh mắt bà hấp háy cười, hỏi có muốn cho thêm đường không, có vừa miệng không. Trái tim ân cần đó, đáng để xây cả miếu đền để thương nhớ và tôn vinh những con người cần lao đất Việt, mà chẳng cần phải tìm kiếm, cống nạp xa xôi.

(Không ghi tên tác giả)

Sau GPS (định vị toàn cầu),nay đến WiFi Internet cho toàn thế giới

Sau GPS (định vị toàn cầu),nay đến WiFi Internet cho toàn thế giới 

Facebook hoàn tất máy bay phát sóng mạng toàn cầu.

Hôm 31/7, CEO của Facebook là ông Mark Zuckerberg đã công bố việc công ty hoàn thành chiếc máy bay với đầy đủ các khả năng truyền tải dữ liệu mang tên Aquila trong dự án phát  sóng Wi-fi toàn cầu.
Facebook, Mark Zuckerberg, Aquila, Internet toàn cầu
Trước đó, Facebook từng nói về Aquila là một máy bay không người lái chạy bằng năng lượng Mặt trời dùng tia laser để truyền dữ liệu xuống mặt đất.

Theo Zuckerberg, Aquila có cánh như một máy bay Boeing 737 (khoảng 42 mét) nhưng nó còn nhẹ hơn 1 chiếc ô tô và có thể bay trong không gian nhiều tháng.

Đây là một nỗ lực của Facebook cho dự án Internet.org với mục tiêu mang lại Internet cho mọi người tại những vùng sâu xa với mức giá thấp hoặc miễn phí.

Theo Zuckerberg, đó là khoảng 10% dân số thế giới sống ở các khu vực chưa có hạ tầng Internet. Cách mà Facebook thực hiện là sử dụng kỹ thuật mới để mọi người có thể kết nối Internet với chi phí thấp.

Ngoài việc thiết kế thành công chiếc máy bay năng lượng Mặt trời đủ nhẹ, Facebook cũng đi tiên phong trong một số kỹ thuật truyền dữ liệu bằng  laser. Theo Zuckerberg, Facebook đã thử nghiệm thành công việc truyền dữ liệu bằng laser 10 gigabits mỗi giây (gbps). Tốc độ này được cho là nhanh hơn bất kỳ các hệ thống truyền dữ liệu bằng laser đã có từ trước đó đến 10 lần và độ chính xác của nó là có thể kết nối với một điểm có kích thước của một đồng xu từ khoảng cách 10 dặm.

Truyền dữ liệu bằng laser không phải là một kỹ thuật  mới. NASA đã dùng kỹ thuật  này để gửi dữ liệu từ Trái đất lên Mặt trăng vào năm 2013 với tốc độ đến 622 Mbps ở khoảng cách 384.630 km. Tốc độ truyền tải của Facebook như Zuckerberg công bố là rất khích lệ.

‘Chúng ta đã vào không phận Mỹ chưa?’

‘Chúng ta đã vào không phận Mỹ chưa?’
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

“Chúng ta đã vào không phận Mỹ chưa?” Đó là câu hỏi của Jian, người phụ nữ mang bầu 36 tuần, đi từ tỉnh Đào Viên (Đài Loan) đến Los Angeles (Hoa Kỳ) bằng máy bay của hãng hàng không China Airlines. Khi biết chắc chắn máy bay đã vào vùng trời Alaska rồi, thì bà Jian “vỡ nước ối” và phi công quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Anchorage để “cứu hai mẹ con.” Máy bay đến Los Angeles trễ ba tiếng đồng hồ.


Nhân viên cơ quan an ninh Mỹ ập vào một một số chung cư ở Rowland Heights
trong cuộc điều tra dịch vụ qua Mỹ sinh con vào Tháng Ba, 2015. (Hình: Mark
Boster/Los Angeles Times via Getty Images)

 

Bà mẹ Đài Loan này đã thành công với ý nguyện có một đứa con mang quốc tịch Mỹ, dù bà phải bồi thường một số tiền lớn cho hãng hàng không vì sự thiệt hại của chuyến bay này. Đứa bé là công dân Hoa Kỳ và 21 năm sau, nó có thể bảo lãnh cha mẹ đến Mỹ, và giấc mơ Mỹ của gia đình họ đã có kết quả.

Cách đây hai năm, hai vợ chồng một người Tàu khác từ Thượng Hải đã xoay xở mua được thị thực vào Mỹ dành cho doanh nhân. Sau đó, người vợ đáp máy bay đến California để chờ ngày sinh con.

Con trai của cặp vợ chồng này đã nhận được visa Mỹ sau khi ra đời được một tháng và họ đang sống ở Thượng Hải để chờ ngày đứa bé trưởng thành để có thể sẽ trở lại Mỹ cho toàn gia đình. Những em bé sinh ra trên đất Mỹ này được báo chí đặt cho cái tên là “em bé mỏ neo!”(bỏ neo tàu để trụ lại đất Mỹ.) Los Angeles hay Irvine là những nơi có rất nhiều “khách sạn sản khoa” chuyên phục vụ cho những dịch vụ này.

“Giấc mơ Mỹ” trở thành một trào lưu: Số trẻ em Trung Quốc sinh ra ở Mỹ vì lý do đi tìm “quốc tịch” đã tăng trong hai năm từ 2012 đến 2014 là từ 10,000 em lên đến 40,000.

Những dịch vụ sinh con ở Mỹ, đã có văn phòng ở khắp Trung Quốc, phí tổn để có thể sinh con ở Mỹ khoảng từ $30,000 đến $40,000. Chi phí này bao gồm vé máy bay, chỗ cư ngụ cho những bà mẹ ở Los Angeles hay bất cứ thành phố nào trên đất Mỹ và chi phí cho việc giấy tờ lấy quốc tịch cho đứa trẻ. Tháng Ba, 2015, Cơ Quan Điều Tra An Ninh Nội Địa Mỹ đã lục soát hơn 30 địa điểm để tìm ra những bà bầu này tại vùng Nam California.

Những người nước ngoài muốn sinh con trên đất Mỹ không phải chỉ có phụ nữ Trung Quốc, nhưng họ luôn chiếm số lượng cao nhất.

Vì sao người ta yêu nước Mỹ đến như thế, trong khi theo truyền thống, các nước Cộng Sản đều chống tư bản Mỹ nhưng vẫn bị thu hút bởi “giấc mơ Mỹ.” Theo điều số 14 của Hiến Pháp Mỹ, bất kể ai được sinh ra trên đất Mỹ sẽ trở thành công dân Mỹ, được vào các trường học công lập, được nhận hỗ trợ học phí đại học, được bầu cử.

Nhà văn kiêm sử gia James Truslow Adams đã có thuật ngữ “Giấc mơ Mỹ” trong cuốn sách xuất bản năm 1931 của ông có tựa đề là Epic of America (Thiên hùng ca Mỹ):

“Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một vùng đất mà ở đó cuộc sống đáng tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình. Đấy là một giấc mơ khó khăn cho tầng lớp thượng lưu Châu Âu diễn giải đầy đủ, và cũng thật khó khăn cho tất cả chính chúng ta những người càng ngày ngờ vực và không tin tưởng vào nó. Nó không phải là một giấc mơ về các loại xe hơi hay đơn thuần là tiền lương cao, nhưng là một giấc mơ về trật tự xã hội mà trong đó mọi người nam và người nữ sẽ có thể đạt được tầm vóc đầy đủ cái khả năng bẩm sinh của mình, và được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ, không phân biệt môi trường hoàn cảnh sinh ra hay địa vị ngẫu nhiên của họ.”*

Nhà viết sử này đã nói rõ, Mỹ không phải là thiên đường của giàu có, lương tiền và tiện nghi cao, hay nhà, xe đẹp mà là “giấc mơ về trật tự xã hội”và “được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ!”Điều sau chính là nhân phẩm con người ở đây được tôn trọng.

Bao nhiêu người đã bỏ thây trên biển hay trong rừng sâu, qua sa mạc để được đến Mỹ. “Giấc mơ Mỹ” không những cho con người có cơm no, áo ấm mà còn có tự do.

Dân Mễ Tây Cơ từ năm 1985 vượt biên sang Mỹ mỗi năm chết vì hơi nóng sa mạc, mất nước khoảng 200 người, nhưng từ năm 1995 trở về sau, số người chết tăng gấp đôi. Bao nhiêu người Việt Nam, sau khi Cộng Sản vào Sài Gòn, đã xuống những con thuyền mong manh để ra đi lánh nạn, mà nước Mỹ vẫn là nơi họ hy vọng tìm đến.

Ngày nay “Giấc mơ Mỹ” vẫn còn là giấc mơ của bao nhiêu người!

Cho con du học Mỹ là nguyện vọng và cũng là “nhiệm vụ hàng đầu” của rất nhiều gia đình giàu có người Trung Hoa và cũng là niềm hãnh diện như trong nhà có một chiếc xe hơi BMW.

“Đánh cho Mỹ cút,”nhưng ngày nay du học Mỹ luôn là niềm mơ ước trở thành trào lưu của giới trẻ hiện nay đang thuộc những gia đình giàu có và có thế lực ở Việt Nam. Theo thống kê, hiện theo học ở Mỹ là 16,098 người trong niên khóa 2012-2013. Con số này cho thấy, Mỹ luôn là lựa chọn hàng đầu của những sinh viên muốn đi học ở ngoại quốc. Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp, hay chưa tốt nghiệp cũng chẳng sao, tìm cách ở lại nước Mỹ hợp pháp. Cha mẹ nào cũng trông mong con cái được lập gia đình, kết hôn với công dân Mỹ để có quyền ở lại Mỹ, gây được cơ sở làm ăn và đặt một nhịp cầu cho việc di dân của họ mai sau.

Việt Nam có sinh viên du học ở 36 nước khác nhau, nhưng đông hàng thứ hai là Mỹ, mà Đại Biểu Quốc Hội CSVN Nguyễn Ngọc Hòa đã đặt câu hỏi “vì sao 13 cháu đi du học, 12 cháu không về, và một cháu không biết làm gì, ở đâu?”

Ngày nay chuyện vượt biển đến Mỹ không còn, nhưng hiện nay có bốn thành phần người Việt vào nước Mỹ: Du học, du lịch, công tác, di dân, và toà Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn luôn luôn có đông người chờ chực, chen chúc, nôn nóng. Không ít các viên chức cao cấp của Cộng Sản Hà Nội đã đầu tư, mua nhà, cho con du học Mỹ, vận dụng con cái kết hôn với những người có quốc tịch Mỹ, để tương lai cả gia đình có thể đạt đến “giấc mơ Mỹ.”

Chúng ta, ngày nay không cần phải đặt câu hỏi“Chúng ta đã vào không phận Mỹ chưa?”mà chúng ta đã ở trên đất Mỹ từ lâu. Con cháu chúng ta sinh ra ở đây đều là công dân Mỹ, thứ công dân mà hàng triệu người trên thế giới đều mơ ước trở thành, đã hy sinh tính mạng, của cải, gian khổ để tìm đến nó.

Đối với chúng ta, giấc mơ đã thành sự thật, nhưng cái gì đã có trong tay rồi, chúng ta coi thường, không thấy quý nữa. Đó cũng là tính vô ơn, bội bạc của những con người mau quên.

*Wikipedia

Một thanh niên 19 tuổi thuyết phục được thành phố Callaway (Florida) công nhận Cờ Vàng

Một thanh niên 19 tuổi thuyết phục được thành phố Callaway (Florida) công nhận Cờ Vàng

T5, 11/19/2015

Thêm một thành phố nữa tại Hoa Kỳ công nhận lá cờ vàng như là một di sản, là biểu tượng tự do của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Thành tích này còn đáng trân trọng hơn, vì đã được thực hiện bởi một thanh niên gốc Việt mới chỉ 19 tuổi.

Thông Nguyễn là tên của chàng thanh niên này. Anh hiện đang theo học tại Gulf Coast State College tại thành phố Panama, Florida. Chính Thông đã viết thư cho SBTN, để thông báo rằng thành phố Callaway (Florida) đã công nhận lá Cờ Vàng là đại diện của cộng đồng người Việt tại địa phương vào ngày 17 Tháng 11 vừa qua.

THông Nguyễn đã kể lại câu chuyện cảm động về công việc mình đã làm. MỌi chuyện bắt đầu từ khi Thông còn học trung học. Trong thời gian đó, Thông bắt đầu tò mò về lịch sử Việt Nam khi xem chương trình ca nhạc Hùng Ca Sử Việt của Trung Tâm Asia. Em bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi tài liệu về lịch sử của cuộc chiến Việt Nam. Từ đó, em mới biết rằng cả triệu người Việt đã kiên quyết đánh đổi cả tính mạng của mình để rời bỏ quê hương Việt Nam sau 1975. Họ đi tìm tự do, trốn chạy khỏi chế độ độc tài cộng sản. Cho dù họ đã bỏ lại ở quê hương toàn bộ tài sản vật chất, nhưng những người này vẫn không chịu bỏ lại lá Cờ Vàng. Sau khi đã ổn định được cuộc sống, người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ bắt đầu tìm cách yêu cầu các thành phố, quận hạt nơi mình sinh sống công nhận lá Cờ Vàng như là đại diện cho cộng đồng người Việt tị nạn.

Sự quyết tâm của người lớn đã truyền cảm hứng cho Thông. Em bắt đầu treo lá cờ vàng ngay trong phòng của mình. Thông đăng hình lá Cờ Vàng trên facebook cá nhân. Em đã choàng khăn có lá Cờ Vàng trong ngày lễ tốt nghiệp trung học của minh.

Tuy nhiên, em cũng gặp một vài cản trở. Vì em đã có kế hoạch về thăm Việt Nam vào mùa hè đó, gia đình em đã buộc em là hãy bỏ tất cả những hình ảnh này ra khỏi facebook của mình, cho đến khi trở về Mỹ từ chuyến đi Việt Nam. Điều này làm Thông cảm thấy bực bội, vì em sống ở xứ Mỹ, mọi người có quyền tự do ngôn luận, bảy tỏ ý kiến và tư tưởng. Em bèn quyết định phải làm một điều gì đó.

Vào tháng 10 vừa qua, Thông đã viết thư cho thị trưởng và hội đồng thành phố của 4 thành phố, cũng như chính quyền County nơi mà em đang sinh sống tại tiểu bang Florida, yêu cầu công nhận Cờ Vàng là đại diện cho cộng đồng Người Việt tại địa phương. Thật là hạnh phúc,trong 4 thành phố đã có hai thành phố chấp nhận lời thỉnh nguyện của THông. THành phố Callaway đã chấp nhận sau cuộc họp của hội đồng thành phố vào ngày 17/11. Thành phố Panama cũng đã công nhận, nhưng đợi đến ngày 10 tháng 12 mới chính thức công bố quyết định, vì đó là ngày Nhân Quyền Quốc Tế.

Xin chúc mừng Thông Nguyễn, và cảm ơn những nỗ lực đáng trân trọng mà em đã làm cho lá Cờ Vàng của Người VIệt Tự Do .

Tin vui này đến với cộng đồng chúng ta trong một thời điểm đặc biệt, khi mà cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đang có những phản ứng bất bình về bộ phim Terror in Little Saigon. Việc làm của Thông Nguyễn đã gởi đi một thông điệp rõ ràng: việc tôn trọng lá Cờ Vàng như là biểu tượng của Người Việt Tự Do không chỉ là công việc của người lớn tuổi, mà cũng là của những người trẻ có tâm huyết với lý tưởng tự do, với tổ quốc Việt Nam. Đó cũng không phải là hành động để tiếc thương quá khứ. Nó là hành động để hướng về tương lai, hướng về cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, mà đã bao nhiêu năm rồi vẫn chỉ là ước mơ của người VIệt cả trong lẫn ngoài nước.

Đoàn Hưng / SBTN 

Vụ án Ba Sàm: Xử hay thả?

Vụ án Ba Sàm: Xử hay thả?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-11-19

Untitled-1-620.jpg

Blogger “Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh

File photo

Your browser does not support the audio element.

Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt ở Hà Nội đã hơn 18 tháng qua, tội danh cáo buộc là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Vụ án này được giới luật gia mô tả là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. Những khả năng nào sẽ xảy đến cho Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự của ông.

Sắp hết thời hạn điều tra

Cho tới ngày 18/11/2015 chưa có thông tin khi nào tòa án sẽ xét xử vụ Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự, mặc dù đã hết ba lần gia hạn điều tra mỗi lần 4 tháng. Như vậy Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể đã áp dụng lần gia hạn điều tra cuối cùng thêm 4 tháng nữa với lý do đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp này thì ngày 5/1/2016 sẽ là thời điểm hết hạn điều tra.

Trong trường hợp không điều tra được không kết luận được, các cơ quan điều tra không chứng minh được thì về nguyên tắc đúng ra họ phải đưa điều tra bổ sung, nhưng bây giờ thời hạn điều tra bổ sung theo luật đã hết thì họ sẽ phải đình chỉ vụ án rồi trả tự do.
-LS Trần Quốc Thuận

Trả lời Nam Nguyên, Luật sư Trần Quốc Thuận thuộc nhóm các luật sư biện hộ cho blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đề cập tới những khả năng có thể xảy đến với vụ án này:

“Nếu đưa ra xét xử mà có chứng cứ, các cơ quan điều tra chứng minh được là có tội. Nếu những chứng cứ đó hợp pháp va tranh tụng rõ ràng thì họ có quyền kết án và tuyên án. Trong trường hợp không điều tra được không kết luận được, các cơ quan điều tra không chứng minh được thì về nguyên tắc đúng ra họ phải đưa điều tra bổ sung, nhưng bây giờ thời hạn điều tra bổ sung theo luật đã hết thì họ sẽ phải đình chỉ vụ án rồi trả tự do. Còn một phương án nữa là họ tuyên bố không phạm tội, có thể có ba khả năng đó.”

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đăng Quang cán bộ công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội, cũng là một nhà hoạt động có nhiều kiến nghị cải cách, cho rằng chưa có vụ án nào kéo dài như vụ này mà chưa đưa ra xét xử được. Theo lời Đại tá Quang, cơ quan điều tra chưa chứng minh được nghi phạm Nguyễn Hữu Vinh đã vi phạm luật pháp như thế nào, chưa chứng minh được những tội đã vi phạm, cho nên nó đã ảnh hưởng tới thời hạn đưa ra xét xử trước tòa. Bản kết thúc điều tra cũng như cáo trạng không có sức thuyết phục và chưa chứng minh được tội phạm mà nghi can Nguyễn Hữu Vinh đã phạm phải.

vo-ba-sam-622.jpg

Nghị sĩ Sabine Bätzing-Lichtenthäler thuộc Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức gặp gỡ Bà Lê Thị Minh Hà, vợ blogger Anh Ba Sàm (giữa), hôm 31/10/2014 tại Berlin, Đức Quốc trong lúc Bà Hà đi vận động cho chồng.

Đáp câu hỏi là hiện nay Việt Nam đang nỗ lực cải cách pháp luật cho phù hợp với yêu cầu hội nhập, liệu có khả năng Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự được trả tự do, phát xuất từ việc không đủ chứng cớ cũng như vấn đề vi phạm thủ tục tố tụng hình sự. Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, nhận định:

“Điều này nằm ngoài hiểu biết cũng như tưởng tượng của tôi. Trực tiếp cách đây khoảng một tuần, chính bản thân tôi đã gặp cơ quan an ninh, tôi có đề nghị rằng nếu không chứng minh được tội phạm thì tốt nhất là đình chỉ điều tra và trả tự do cho anh Nguyễn Hữu Vinh. Đấy là điều tốt nhất và các bên đều thắng. Nhưng tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng hiện nay không bao giờ có thể dám làm những điều đó, bởi vì quyền lực trong tay có lẽ người ta không chịu thua… rồi thì người ta sẽ đưa ra một cái cớ khác để kéo dài thời gian tạm giam tạm giữ.”

Không thể buộc tội?

Sự kiện Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự bị bắt giữ khẩn cấp ngày 5/5/2014 và truy tố như một vụ án chính trị được dư luận trong ngoài nước đặc biệt chú ý. Ông Nguyễn Hữu Vinh, 59 tuổi có bút danh Ba Sàm, ông là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Vinh từng là sĩ quan công an và có gốc gác lớn, thân phụ là ông Nguyễn Hữu Khiếu từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.

Theo cáo trạng được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gởi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội ngày 5/11/2015, thì sau 4 lần điều tra bổ sung, Viện này vẫn giữ nguyên cáo trạng, truy tố ông Nguyễn Hữu Vinh và đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Trực tiếp cách đây khoảng một tuần, chính bản thân tôi đã gặp cơ quan an ninh, tôi có đề nghị rằng nếu không chứng minh được tội phạm thì tốt nhất là đình chỉ điều tra và trả tự do cho anh Nguyễn Hữu Vinh.
-Đại tá Nguyễn Đăng Quang

Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra, ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt vì đã đăng tổng cộng 24 bài viết trên hai trang mạng Dân Quyền và Chép Sử Việt, được cho là thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Vinh. Những bài viết này Công an cho là có nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, làm mất lòng trong nhân dân về cơ quan Nhà nước cũng như tổ chức xã hội và công dân vi phạm qui định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự. Khung hình phạt của tội danh này là từ 2 năm tới 7 năm tù.

Theo giới luật gia quan tâm tới vụ án, công an đã không thể chứng minh ông Nguyễn Hữu Vinh là người quản lý hai trang mạng Dân Quyền và Chép Sử Việt, dù đã phải mời chuyên gia nhà mạng FPT giúp điều tra chuyên môn. Nếu như ông Nguyễn Hữu Vinh chỉ là người vào xem những bài vở trên hai trang mạng đó, thì không thể buộc tội ông.

Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, tất nhiên Hà Nội thừa nhận pháp luật nhân quyền cơ bản, không thể kết tội một người nếu không chứng minh được người đó có tội. Giới chuyên môn đưa ra một thí dụ nổi bật về vấn đề vi phạm tố tụng hình sự trong vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Đó là trong số 24 bài trên trang Dân Quyền và Chép Sử Việt, có bài liên quan tới Trung tướng Huỳnh Kông Tư, giới chức cao cấp của Bộ Công an và chính ông Huỳnh Kông Tư lại đứng ra điều tra vụ án có bài viết liên quan. Đây là vấn đề rất đơn giản gọi là xung đột lợi ích, người có liên quan đến một vụ án không thể tham gia tố tụng.

Hiện nay có 6 luật sư tham gia biện hộ cho anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, gồm luật sư Trần Văn Tạo nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và các luật sư Trịnh Minh Tân, Hà Huy Sơn, Nguyễn Hà Luân, Nguyễn Tiến Dũng.

Tất cả các vị luật sư đã sẵn sàng vào cuộc trong một vụ án điển hình liên quan tới quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và tự do có chính kiến của người Việt Nam.

Hành trình tìm tự do của Yeonmi Park

Danlambao – Yeonmi Park sinh năm 1993, vượt thoát khỏi địa ngục cộng sản Bắc Hàn khi cô 14 tuổi. Hành trình của cô và mẹ cô kéo dài 2 năm – từ con sông lạnh giá, qua 3 đỉnh băng sơn để đến biên giới Hàn-Trung, rơi vào tay của bọn buôn người Tàu cộng, băng qua sa mạc Gobi để vượt thoát đến Mông Cổ và từ đó bay sang vùng trời tự do Nam Hàn vào năm 2009. Yeonmi Park đã trở thành một người tranh đấu không ngừng nghỉ cho nhân quyền và tự do của những người dân thân yêu của cô còn ở lại bên kia bờ địa ngục. Danlambao xin gửi đến các bạn trong thôn câu chuyện của Yeonmi Park.

httpv://www.youtube.com/watch?v=iwk1b1NUGSs
Bài nói chuyện trên của Yeonmi Park được trình bày trước một cử toạ 1300 đại biểu trẻ đến từ 194 quốc gia trên thế giới, tham dự Hội nghị thượng đỉnh One Young World Summit 2014, được tổ chức tại Dublin, Ireland.
Bản YouTube nguyên thuỷ đã được xem bởi hơn 2 triệu người:

Vợ chồng Bill Gates làm từ thiện bằng 95% gia tài

Vợ chồng Bill Gates làm từ thiện bằng 95% gia tài

11 năm sau ngày cưới, cặp vợ chồng giàu nhất thế giới này quyết định tặng 95% gia tài của họ (43,7 tỉ USD) để tận diệt bệnh sốt rét ngã nước và bệnh HIV.

Nhờ quỹ tài trợ của họ mà 43 triệu trẻ em thuộc thế giới thứ 3 đã được chích ngừa bệnh viêm gan siêu vi B.

BILL GATESTháng 1/2005, vợ chồng Gates đã chuyển 750 triệu USD cho Liên minh toàn cầu dành cho việc chích ngừa và miễn dịch. Một trong những đóng góp tư nhân lớn nhất trong lịch sử.

Melinda Gates hẳn có thể giống bất cứ người đàn bà tỉ phú nào, trừ ra 2 chi tiết: bà không thích mua sắm, và đằng sau tính tình vui vẻ ẩn giấu một tài năng kinh doanh sắc sảo.

Đậu bằng MBA về tin học tại Đại học Duke (Bắc Caroline), người phụ nữ tóc nâu xinh đẹp gia nhập Công ty Microsoft năm 1987, đã phát triển những hệ điều hành trong công ty như Encarta, Expedia và Cinnemania, và quản lý hàng trăm triệu USD.

Melinda French lớn lên trong một gia đình trung lưu tại Dallas. Là con gái của một kỹ sư ngành hàng không, cô thiếu nữ theo đạo Công giáo mở những lớp xóa mù chữ cho các em bé Mexico nhập cư. Khi đó mục tiêu của Melinda là được nhận vào học một trường đại học có uy tín, trước khi gia nhập Microsoft.

Bill Gates và Melinda, vốn tâm niệm châm ngôn của Andrew Carnegie: “Kẻ nào chết trong giàu sang, kẻ đó cũng chết trong sỉ nhục”, và bắt đầu giúp các thư viện kết nối với Internet.

Nhưng họ nhanh chóng nhận thấy sự không đúng chỗ của những chiếc máy tính xách tay trong các ngôi làng ở miền Nam Sahara, một nơi thiếu thực phẩm, thuốc men và đường xá hơn là các hệ điều hành. Do đó, Melinda nghĩ phải làm điều gì đó thiết thực hơn và ông bà đã lập ra Quỹ ủng hộ người nghèo.

Là những doanh nhân của lòng nhân ái, vợ chồng Gates đang quản lý một ngân sách 28,8 tỉ USD, và chỉ trong vài năm, họ đã đóng góp nhiều hơn cả ngân sách mà Australia dành cho trợ cấp quốc tế. Nhờ vào các chương trình mà họ tài trợ, 43 triệu trẻ em đã được chích ngừa viêm gan siêu vi B, và mục tiêu của họ là chích ngừa cho 60% dân số của những nước đang phát triển từ đây cho đến năm 2010.

Tại Mozambique, người ta đang thử nghiệm 1 loại vắcxin ngừa bệnh sốt rét ngã nước, là căn bệnh mà cứ 30 giây lại làm chết 1 đứa trẻ ở châu Phi. Tháng 5 vừa qua, bà Melinda đã thành lập một nhóm cùng với Chính phủ Zambie với một ngân sách 35 triệu USD để làm cuộc thực nghiệm đó. Mục đích là đạt đến 85% dân số và giảm 75% số tử vong do bệnh sốt rét ngã nước từ đây cho đến 3 năm nữa.

Vợ chồng Gates muốn gây ảnh hưởng sâu rộng của khoa học trong một thế giới đang chịu những tai họa mới. Họ giúp đỡ để tìm ra những loại vắcxin tạo ra những thị trường để khuyến khích các công ty dược phẩm sản xuất vắcxin và bán thật rẻ.

Họ liên kết những nhà bán thuốc lại và bảo đảm trợ cấp tài chính cho việc nghiên cứu để đổi lấy sự hạ giá thuốc cho những nước nghèo. Qua đó, họ tạo đà mới cho ngành y học ngừa bệnh của thế giới thứ 3 vốn đã bị chững lại từ những năm 90. Và rõ nét nhất là việc sáng lập Công ty Vắcxin HIV, là công ty liên kết các nhà nghiên cứu với một ngân sách 400 triệu USD.

Không chỉ là một tài năng kinh doanh, ông bà rất chú tâm đến việc nuôi dạy con cái. Melinda cho biết: “Ở trong nhà, khi chúng tôi nhắc đến gia tài là nhắc đến bổn phận về sự rộng lượng của chúng tôi. Và như trong bất cứ gia đình nào, nếu chúng muốn có một cái gì, chúng phải kiên nhẫn đợi đến ngày sinh nhật, hoặc phải tiết kiệm tiền để mua”.

Gia đình Gates sống trong một cơ ngơi trị giá 75 triệu USD. Với gia tài của mình, ông bà có thể đưa một phụ nữ lên sao Hỏa, nhưng bà thích làm giảm 39% số tử vong ở trẻ em do bệnh sởi hơn.

Theo ANTG/Marie Claire