Little Saigon: Cựu CEO Saigon National Bank bị bắt và tố rửa tiền

Little Saigon: Cựu CEO Saigon National Bank bị bắt và tố rửa tiền

Nguoi-viet.com

Đỗ Dzũng/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV)
– Các giới chức liên bang hôm Thứ Năm bắt 11 người bị tố cáo có liên quan đến hoạt động rửa tiền, trong đó có ông Tu Chau “Bill” Lu, 71 tuổi, cư dân Fullerton, cựu tổng giám đốc ngân hàng Saigon National Bank, Westminster, ngay trung tâm Little Saigon, theo thông cáo báo chí của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ.


(Hình minh họa: leb.fbi.gov)

Tuy nhiên, ngân hàng này hoàn toàn không biết và sững sờ khi hay tin một cựu lãnh đạo của họ nằm trong số người bị bắt.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, ông Benjamin Lin, đương kim tổng giám đốc của Saigon National Bank, nói: “Chúng tôi sửng sốt. Và tất cả nhân viên của ngân hàng vô cùng ngạc nhiên.”

“Ông Lu rời ngân hàng từ Tháng Giêng, và tôi là người thay thế ông từ đó đến nay. Chuyện này có thể ông làm một cách riêng tư, trong thời gian làm việc với ngân hàng, thì ngân hàng không thể nào biết được. Ngân hàng chúng tôi có những luật lệ rất khắt khe, nhưng như tôi nói, nếu ông làm bên ngoài ngân hàng, và không nói, thì không ai biết được,” ông Lin nói thêm. “Theo tôi, có thể ông Lu đã cung cấp thông tin của các ngân hàng khác, trong vụ này.”

Ngoài ra, Saigon National Bank cũng gởi cho nhật báo Người Việt một thông cáo báo chí cho biết như sau: “Ngân hàng nhận được thông báo tố cáo ông Lu, người đã nghỉ việc gần một năm nay. Mức độ truy tố ông Lu thật sự là đáng quan tâm, nhưng ngân hàng vẫn hợp tác với các cơ quan điều tra và cuộc điều tra của họ.”

“Trong khi đó, ngân hàng bác bỏ bất cứ ẩn ý hoặc quyết đoán nào cho rằng bất cứ tố cáo nào chống lại ông Lu có liên quan đến ngân hàng, hoặc có bất cứ bằng chứng nào cho rằng ngân hàng đang bị nguy, hoặc công việc kinh doanh của ngân hàng bị ảnh hưởng, vì có liên quan đến vụ này,” bản thông cáo của ngân hàng Saigon National Bank cho biết tiếp.

Cũng theo bản thông báo, giới chức điều hành của ngân hàng hiện nay đang tiến hành xem xét lại tất cả mọi công việc liên quan đến ông Lu, và tin rằng, tình trạng tài chánh của ngân hàng vẫn ổn định và hoạt động bình thường.

Ngân hàng thường xuyên được giới chức tài chánh liên bang thanh tra, cũng như được các kiểm toán viên độc lập và nội bộ xác nhận, vẫn theo thông cáo. Như bình thường, ngân hàng xem xét lại tất cả mọi thủ tục và tiến trình làm việc để bảo đảm hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời liên tục áp dụng mọi phương cách làm cho việc điều hành được tốt hơn.

Bản thông cáo cho biết thêm, ông Benjamin Lin vẫn tiếp tục làm tổng giám đốc ngân hàng.

Theo Bộ Tư Pháp, có sáu người trong vụ này bị tố cáo vi phạm luật “Racketeer Influenced and Corrupt Organizations Act (RICO)” vì đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt các vụ rửa tiền trong các vụ buôn lậu ma túy.

Và nhân vật chính trong vụ này là ông Tu Chau “Bill” Lu, làm tổng giám đốc Saigon National Bank từ năm 2009 đến Tháng Giêng, 2015, theo Bộ Tư Pháp.

Ông Lu bị tố cáo cùng với năm người khác, là thành viên của một tổ chức tội phạm có liên quan đến buôn lậu ma túy và rửa tiền tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Cambodia, Liechtenstein, Mexico, và Thụy Sĩ.

Ông bị tố cáo dùng sự hiểu biết nội bộ khi đang làm tổng giám đốc ngân hàng ở Westminster để giúp tội phạm rửa tiền. Có nhiều người trong nhóm này thiết lập hoặc tham gia vào nhiều vụ rửa tiền khác nhau, nhưng tất cả đều làm với ông Lu, qua ông, hoặc theo chỉ thị của ông, theo tố cáo của Bộ Tư Pháp.

Trong một vụ, theo Bộ Tư Pháp, nhân viên chìm của cơ quan này đưa tiền mặt cho những người trong đường dây rửa tiền, nói rằng tiền này là từ buôn bán ma túy, và nhờ họ chuyển sang thành “cashier’s check,” rồi chuyển cho một công ty mà nhóm này nói họ làm chủ.

Cũng trong vụ này, ông Lu và những người khác bị bắt bị tố cáo thiết lập một kế hoạch mà trong đó, nhân viên chìm và ông chủ của nhân viên này (thực ra là một nhân viên chìm khác) sẽ mua cổ phần để kiểm soát ngân hàng Saigon National Bank để họ có nơi rửa tiền.

Ông Lu và những người khác cũng bị tố cáo định thiết lập một quỹ ở quốc gia nhỏ bé Liechtenstein ở Châu Âu để họ có dùng chuyển tiền đi khắp thế giới, vẫn theo Bộ Tư Pháp.

Nhân viên chìm và ông chủ của nhân viên chìm được cho biết, quỹ này ở Châu Âu sẽ được dùng để rửa tiền bán ma túy ở Châu Âu, rồi dùng số tiền này mua vũ khí cho Nigeria.

Ông Lu cũng bị tố cáo đóng một vai trò quan trọng trong việc giới thiệu nhân viên chìm và những người khác trong nhóm buôn bán ma túy Sinaloa ở Mexico, để họ có thể rửa tiền hàng triệu đô la mỗi tháng.

Theo bản kết tội, ông Lu cũng có bàn thảo việc mua ngân hàng Saigon National Bank với nhóm tội phạm Sinaloa, và một trong những người bị bắt có nói rằng nhóm này đã đầu tư $1 triệu vào ngân hàng Saigon National Bank.

Khi được hỏi về điều này, ông Benjamin Lin nói rằng: “Chúng tôi không tìm thấy bất cứ hồ sơ nào có liên quan. Tôi không hiểu ở đâu ra mà Bộ Tư Pháp có con số này.”

Theo thông cáo của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, những người có tên trong bản cáo trạng gồm Mina Chau, 32 tuổi, cư dân La Mesa, California; Ben Ho, 41 tuổi, cư dân Santa Ana, California; Tom Huynh, có biệt danh là “The Fat Guy,” 57 tuổi, cư dân Westminster, California; Renaldo Negele, 51 tuổi, công dân Liechtenstein, hiện đang bị Hoa Kỳ truy nã; Jack Nguyen, 38 tuổi, cư dân Manhattan Beach, California; Luis Krueger, 58 tuổi, cư dân Malibu, California; Li Jessica Wei, người sử dụng nhiều tên khác nhau, trong đó có tên Wei Jessica Li, 58 tuổi, cư dân Arcadia, California; Du Truong “Andrew” Nguyen, 34 tuổi, cư dân Westminster, hiện đang bị truy nã; Richard Cheung, còn có tên là Richard Cheang, 58 tuổi, cư dân El Monte, California; và Lien Tran, 41 tuổi, cư dân Santa Ana.

Ngoài những người này, cũng theo Bộ Tư Pháp, có năm người khác bị tố cáo vi phạm luật RICO là Tsung Wen “Peter” Hung, 61 tuổi, cư dân Monterey Park, California; Edward Kim, 56 tuổi, cư dân Beverly Hills, California; John Edmundson, 55 tuổi, công dân Anh cư ngụ tại Hồng Kông, đang bị truy nã, Pablo Hernandez, 75 tuổi, cư dân Tijuana, Mexico, đang bị truy nã; và Emilio Herrera, 53 tuổi, công dân Mexico, cư ngụ tại Spring Valley, California, đang bị truy nã.

Ngoài hai nhóm nêu trên, Bộ Tư Pháp cũng truy tố một số người khác.

Tổng cộng trong vụ này, có 20 người bị truy tố trong ba vụ rửa tiền khác nhau.

Khi được hỏi về tố cáo của Bộ Tư Pháp đối với một cựu lãnh đạo cao cấp của ngân hàng Saigon National Bank, ông Benjamin Lin cho biết: “Chúng tôi hoạt động hoàn toàn dưới sự kiểm soát của FDIC và rất an toàn. Nói cách khác, không ngân hàng nào có thể hoạt động ‘trên’ FDIC. Và những gì xảy ra theo Bộ Tư Pháp nói là ‘ngoài sự hiểu biết’ của chúng tôi.”

Về ảnh hưởng của vụ này với ngân hàng, ông Lin nói: “Tôi hy vọng là chúng tôi không bị ảnh hưởng. Sau khi ông Lu nghỉ, chúng tôi thay nhiều nhân viên, và bây giờ có nhiều khuôn mặt mới và chúng tôi đang có kế hoạch thanh tra lại toàn bộ ngân hàng.”

Thông cáo báo chí của Saigon National Bank cũng cho biết, ngân hàng được FDIC bảo đảm hoàn toàn.

Ngoài Bộ Tư Pháp, các cơ quan tham gia điều tra vụ này bao gồm FBI, Văn Phòng Thanh Tra Tài Sản và cơ quan chống tội phạm của Sở Thuế IRS.

Theo bản thông cáo, được thành lập ngày 30 Tháng Mười Một, 2005, Saigon National Bank chuyên cung cấp dịch vụ tài chánh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Orange County và miền Nam California.

Ngân hàng có một văn phòng chính và một văn phòng cho vay nợ, với đầy đủ các dịch vụ từ kinh doanh, địa ốc, cho vay, giữ tiền cho cá nhân và doanh nghiệp, và dịch vụ qua Internet.

Saigon National Bank có nhân viên nói tiếng Việt, Tây Ban Nha, Quan Thoại, và Anh, và dịch vụ Internet và điện thoại của ngân hàng hoạt động 24 giờ/ngày.

Liên lạc tác giả: [email protected]

Chuẩn bị đón nhạc sĩ Việt Khang mãn án tù ngày 14 tháng 12

Chuẩn bị đón nhạc sĩ Việt Khang mãn án tù ngày 14 tháng 12

Hoà Ái, phóng viên RFA
2015-12-13

Bạn bè của Nhạc sĩ Việt Khang đã từ Sài Gòn đến TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để chờ đón nhạc sĩ Việt Khang

Bạn bè của Nhạc sĩ Việt Khang đã từ Sài Gòn đến TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để chờ đón nhạc sĩ Việt Khang

Nguồn do ông Trần Bang cung cấp

Sáng hôm nay ngày 13 tháng 12, Đài ACTD nhận được thông tin từ những người quan tâm đến nhạc sĩ Việt Khang, ở VN cho biết họ đang trên đường đến tư gia của nhạc sĩ này để chào đón anh được trả tự do sau 4 năm tù đày.

Hôm nay, ngày 13 tháng 12 năm 2015, một nhóm khoảng 30 người từ Sài Gòn đến TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để chờ gặp mặt nhạc sĩ Việt Khang, tác giả hai bài hát “Anh Là Ai” và “Việt Nam Tôi Đâu”, mãn án 4 năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự VN.

Vào lúc 11 giờ trưa, tháp tùng trong nhóm người này, ông Trần Bang, người bị đánh đổ máu đầu trong cuộc biểu tình tại Sài Gòn chống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm VN, cho Đài ACTD biết:

“Chúng tôi xuống TP. Mỹ Tho ở Tiền Giang nhưng chưa gặp được Việt Khang. Hiện tại bây giờ chưa biết Việt Khang ở chổ nào. Mẹ Việt Khang vẫn cứ nói là ngày mai mới ra nhưng đúng theo luật thì phải trong ngày hôm nay chứ không ai có thể dám giam giữ quá hôm nay”.

Đến khoảng 12 giờ 45 chiều, chúng tôi liên lạc được với bà Chung Thị Thu Vân, thân mẫu của nhạc sĩ Việt Khang và có cuộc trao đổi ngắn như sau:

Hòa Ái: Xin chào bà, xin hỏi bà nhận được thông báo nhạc sĩ Việt Khang ra tù khi nào?

Bà Chung Thị Thu Vân: Chào cô Hòa Ái. Đúng ngày 14 tháng 12 đó cô.

Hòa Ái: Dạ thưa, giấy thông báo gia đình nhận được cách đây bao lâu?

Bà Chung Thị Thu Vân: Dạ mình cũng biết trước vì trong bản án có ghi ngày 14 là họ tạm giữ nên cứ canh đủ 4 năm thì cháu về. Thông báo mình nói chính xác vì tuần trước, hôm mùng 6 cũng có đi thăm thì cũng được người ta thông báo tuần sau ngày 14 là ngày mai cháu được về.

Hòa Ái: Xin hỏi thêm, gia đình có được thông báo ngày giờ chính xác để đến tận trại giam đón người thân về hay không, thưa bà?

Bà Chung Thị Thu Vân: Họ nói có quản chế cho nên mình không được đi đón. Mình cứ ở nhà. Người ta sẽ đưa về địa phương.

Hòa Ái: Như vậy gia đình có biết được giờ nào nhạc sĩ Việt Khang sẽ về đến nhà không?

Bà Chung Thị Thu Vân: Thưa không. Người ta không có thông báo.

Hòa Ái: Theo như bà cho biết bà được thăm gặp nhạc sĩ Việt Khang lần mới nhất là vào hôm mùng 6 tháng 12, sức khỏe của nhạc sĩ như thế nào?

Bà Chung Thị Thu Vân: Trước đó bị rối loạn tiêu hóa cho nên hơi xanh xao. Hôm gặp cũng còn hơi xanh. Hỏi thì nói vậy. Hôm nay chắc đỡ rồi.

Hòa Ái: Dạ thưa, trong thời gian thụ án suốt 4 năm qua, trong những lần thăm gặp con mình, bà ghi nhận tinh thần của nhạc sĩ Việt Khang ra sao?

Bà Chung Thị Thu Vân: Mỗi tháng mỗi thăm cháu thì thấy tinh thần cháu cũng tốt.

Hòa Ái: Qua lần mới nhất 2 mẹ con gặp nhau, nhạc sĩ Việt Khang chia sẻ với bà điều gì khi biết tin mình sắp mãn hạn tù?

Bà Chung Thị Thu Vân: Cháu dặn mẹ đừng nôn vì sợ mẹ ăn ngủ không được rồi mẹ bệnh. Cháu nói “con không có nôn”. Nói thì vậy chứ mình biết tâm tư của người trong đó làm gì không nôn.

Xin được nhắc lại,  ca nhạc sĩ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí. 2 nhạc phẩm “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai” được sáng tác hồi năm 2011 trong bối cảnh thanh niên VN xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo. Nhạc sĩ Việt Khang bị bắt vào tháng 9 năm 2011. Sau đó được thả ra và bị bắt lại vào tháng 12 cùng năm. Ngày 30 tháng 10 năm 2012, anh bị tuyên án 4 năm tù giam và 2 năm quản chế. Cộng đồng người Việt hải ngoại đã gửi một thỉnh nguyện thư với khoảng 150 ngàn chữ ký đến Nhà Trắng nhờ can thiệp trả tự do cho người nhạc sĩ này cùng các tù nhân lương tâm tại VN. Quốc hội Hoa Kỳ cũng từng nhiều lần lên tiếng yêu cầu Chính phủ VN trả tự do ngay lập tức cho anh, tuy nhiên bản án dành cho nhạc sĩ Việt Khang vẫn giữ nguyên mà không được thuyên giảm dù chỉ 1 ngày như bạn bè và những người quan tâm trông đợi.

Hòa Ái cũng xin được thưa thêm, giỏ hoa tươi thắm cha mẹ nhạc sĩ Việt Khang nhận thay cho anh ngày hôm nay được bạn bè mua từ một tiệm bán hoa tại TP. Mỹ Tho. Bà chủ tiệm bán hoa không hề biết đến bài hát “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai” nhưng sau khi được nghe 2 nhạc phẩm này và thân phận tù đày của nhạc sĩ Việt Khang, bà chỉ nhận nửa giá tiền cùng lời chia sẻ rất tự hào khi quê nhà Mỹ Tho có một nhạc sĩ yêu nước như vậy.

Đài ACTD sẽ cập nhật thông tin và gửi đến quý thính giả khi nhạc sĩ Việt Khang về đến nhà.

Công ty ở Houston thưởng tiền Noel mỗi nhân viên $100,000

Công ty ở Houston thưởng tiền Noel mỗi nhân viên $100,000
Nguoi-viet.com

HOUSTON, Texas (NV)Hôm Thứ Năm, tin từ tạp chí trên mạng The Root cho hay, một công ty tại Houston mới vừa làm cho giấc mơ Mùa Giáng Sinh của nhân viên trở thành hiện thực sau khi mọi người, dù giữ chức vụ nào và làm công việc gì, vẫn nhận được $100,000 tiền thưởng dịp Noel.


Một nhân viên công ty Hilcorp vui mừng khi biết được tiền thưởng. (Hình: thefederalistpapers.org)

Tất cả 1,380 nhân viên công ty Hilcorp, một trong số các hãng thăm dò và sản xuất dầu khí lớn tại Hoa Kỳ, đã nhận được món tiền thưởng hậu hĩnh đó, coi như là lời cảm tạ của ban giám đốc công ty đối với thành tích làm việc xuất sắc của họ.

Nhân viên tiếp đón khách hàng Amanda Thompson nói với đài KTVU rằng đây quả thật là món quà đáng giá, và cô tin rằng bản thân mình cũng như các nhân viên khác của công ty chẳng ai mà lại không ra sức làm việc hết mình, 100% mỗi ngày.

Kể cũng chẳng có gì lạ khi Hilcorp vừa mới được tạp chí Fortune vinh danh là một trong số 100 Công Ty Tốt Nhất Cho Công Nhân, năm nay là năm thứ ba liên tiếp.

Cô Thompson kể rằng, hồi năm 2010, tất cả nhân viên công ty đều được quyền chọn phần thưởng là một chiếc xe hơi trị giá $50,000 hoặc là $35,000 tiền mặt vì công ty đã đạt chỉ tiêu sản xuất cho 5 năm qua. (V.P.)

Peter F Drucker : Một con người chính trực

Peter F Drucker : Một con người chính trực

(1909 – 2005)

 Bài của : Đoàn Thanh Liêm

Peter Ferdinand Drucker sinh năm 1909, tại thành phố Vienna, thủ

đô nước Áo. Ông mới qua đời tại thành phố Claremont, thuộc miền

Nam California vào năm 2005, ở tuổi thọ 96. Trong suốt trên 60

năm ông chuyên dậy học tại nhiều trường đại học ở Mỹ, viết rất

nhiều sách chuyên về vấn đề quản lý, và đồng thời còn làm cố vấn

cho rất nhiều đại công ty kinh doanh tư nhân, cho các cơ quan

chánh phủ tại ba quốc gia Mỹ, Nhật và Canada, và đặc biệt ông đã

tận tình hỗ trợ cho các tổ chức thiện nguyện bất vụ lợi.

Có thể nói Peter Drucker là một mẫu người ngoại hạng, với sự

nghiệp chuyên môn hết sức lớn lao, và nhất là một nhân cách sáng

ngời của sự ngay thẳng chính trực.

Bài viết này xin được giới thiệu chi tiết với quý bạn đọc người Việt

về con người sĩ phu trí thức rất mực cao quý này của thế kỷ XX.

 

A – Học tập ở Âu châu, thành danh ở Mỹ châu.

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức tên tuổi, với người cha là

một vị luật sư và giáo sư đại học, Peter Drucker ngay từ buổi thiếu

thời đã được tiếp xúc với những vị thức giả có tên tuổi lớn tại Âu

châu, điển hình như Sigmund Freud là người đã khai sinh ra ngành

Phân tâm học (Psychanalysis).

Sau khi tốt nghiệp trung học tại quê nhà vào năm 1927, thì Peter

qua học về luật tại đại học Frankfurt bên nước Đức. Tại đây, ông

đậu văn bằng tiến sĩ về luật quốc tế và công pháp. Ông chịu ảnh

hưởng của bậc đại sư, mà cũng là một người bạn của thân phụ ông,

đó là giáo sư Joseph Schumpeter về sự quan trọng của tinh thần

sáng tạo và tài năng tháo vát trong lãnh vực kinh doanh. Rồi sau

này khi rời bỏ nước Đức lúc Hitler lên cầm quyền vào năm 1933,

để qua sống tại Anh quốc, thì ông được thụ giáo với cả vị kinh tế

gia lừng danh thời trước chiến tranh là John Maynard Keynes

Ở tuổi đôi mươi ông đã hăng say tham gia viết báo, làm việc trong

ngành bảo hiểm, rồi ngành xuất nhập cảng và ngân hàng tại nước

Đức và nước Anh.

Vào năm 1937, với tư cách là đặc phái viên cho một nhóm báo chí

Anh quốc, ông qua Hoa Kỳ cùng với người vợ mới cưới là Doris

Schmitz. Vào tuổi ba mươi, với tài năng chín mùi, Peter Drucker

đã có nhiều cơ hội phát huy sở học và kinh nghiệm thâm hậu của

mình. Ông được mời giảng dậy tại nhiều trường đại học tại phía

miền đông nước Mỹ như trường New York University trong gần 30

năm. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các tờ báo nổi danh

về kinh tế tài chánh như Wall Street Journal, The Economist,

Harvard Business Review, và với cả các tờ báo có uy tín hàng đầu

như The Saturday Evening Post, The Atlantic Monthly v.v…

Kể từ năm 1945, ông được nhiều đại công ty như General Motors

mời làm cố vấn. Tính ra ông đã nhận làm cố vấn cho trên 50 công

ty tầm cỡ rất lớn như General Electric, Coca Cola, IBM, Citycorp,

Intel… Ông cũng được giới doanh nhân ở Nhật rất tín nhiệm và

mời ông vào chức vụ cố vấn cho các vị giám đốc của Toyota Motor

Corp., Ito-Yokado Group v.v… nữa. Đó là chưa kể đến việc làm cố

vấn miễn phí cho các tổ chức bất vụ lợi như Hội Nữ Hướng đạo

Mỹ, Salvation Army, Hội Hồng Thập Tự, tổ chức CARE v.v…

Sau đó vào thập niên 1970, thì ông qua California, tiếp tục việc

dậy học và làm cố vấn cho nhiều cơ sở kinh doanh tại phía bờ biển

miền tây nước Mỹ. Ông giữ chức vụ Giáo sư về Khoa học Xã hội

và Quản trị tại trường Cao học về Quản trị Claremont, mà sau này

được đổi tên là “Peter F. Drucker School of Management” để vinh

danh ông vào năm 1987. Lớp học cuối cùng ông dậy tại trường này

là vào năm 2002, lúc ông đã bước vào tuổi 92.

Về sự nghiệp biên soạn sáng tác, ông đã cho xuất bản 39 cuốn

sách, phần lớn bàn về vấn đề quản trị, mà điển hình là cuốn “The

Practice of Management” xuất bản năm 1954 và cuốn

“Management : Tasks, Responsabilities, Practices” xuất bản năm

  1. Riêng về lãnh vực các tổ chức bất vụ lợi, thì có cuốn viết

năm 1990 với nhan đề : “Managing the Non-Profit Organisation:

Principles and Practices”. Phần lớn các sách của ông đã được dịch

ra trên 30 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.

 

B – Các giai thọai về nhân vật xuất chúng Peter Drucker.

Ít có nhân vật nào mà lại xông xáo họat động năng nổ tích cực

trong cả ba khu vực cấu thành “không gian xã hội” như là Peter

Drucker (the social space bao gồm khu vực Nhà nước, khu vực Thị

trường kinh tế và khu vực Xã hội dân sự). Ông giúp cho các nhà

lãnh đạo cơ sở công quyền, cũng như giám đốc công ty xí nghiệp

tư nhân trong việc họach định được một chính sách tối ưu. Mà đặc

biệt ông còn hỗ trợ hết mình cho các tổ chức phi chánh phủ, bất vụ

lợi thực hiện được những thành tựu tốt đẹp cao nhất trong công

cuộc phục vụ nhân quần xã hội.

Những khám phá của ông trong lãnh vực quản lý xí nghiệp đã trở

thành một huyền thọai, được truyền tụng trong giới doanh nhân

cũng như trong giới hàn lâm đại học. Nhiều người đã gọi ông là

nhà tư tưởng táo bạo, một triết gia của xã hội kỹ nghệ đang ở vào

giai đọan phát triển cao độ. Lớp học do ông giảng dậy thu hút quá

đông sinh viên theo học, đến nỗi nhà trường phải sử dụng cả khu

tập thể dục mới có đủ chỗ rộng rãi cho thầy trò sinh họat, trao đổi

thảo luận với nhau cho thoải mái được

Một cựu sinh viên kể lại câu chuyện như sau : Dù lớp học đày ắp

sinh viên, mà giáo sư Drucker vẫn tìm cách nêu các câu hỏi gợi ra

sự tranh luận sôi nổi giữa cử tọa. Có lần ông hỏi cả lớp như thế này

đây : “ Các bạn cho tôi biết sự kiện nào nổi bật, gây ảnh hưởng

nhất trong thời gian 100 năm gần đây trong xã hội nước Mỹ? Các

sinh viên lần lượt kê ra, nào là sự phổ biến điện thọai, điện lực, hai

cuộc thế chiến, cuộc khủng hỏang kinh tế …Tất cả các câu trả lời

đều bị giáo sư lắc đầu, từ chối. Cuối cùng thì ông cho chúng tôi

biết : Đó là việc sản xuất xe hơi hàng lọat (the mass production of

automobile), vì nó tạo cho giới nông dân phương tiện để chở vợ

con ra thành phố vào cuối tuần – nhờ đó mà họ mới tránh được lọai

bệnh tâm thần do sự cô lập quạnh hiu ở nông thôn gây ra… Đây

quả thật là một lối suy luận độc đáo, bất ngờ khiến cả lớp chúng tôi

cứ nhớ hòai!”

So với các bậc tiền bối, thì quả thật Peter Drucker là thứ “hậu sinh

khả úy”, là môn đệ mà đã vượt qua cả bậc sư phụ của mình. Cụ thể

như đối với Frederik Taylor (1866 – 1915) là người khai sáng ra

môn tổ chức công việc sản xuất theo khoa học nhằm nâng cao

năng xuất trong kỹ nghệ, thì Drucker đã bổ túc môn này bằng cách

mở rộng sự nghiên cứu trong lãnh vực văn hóa, quan hệ nhân bản,

và nhất là viễn tượng tương lai đối với những thách đố và khả năng

trong xã hội kỹ nghệ. Và đối với John Maynard Keynes (1883-

1946) thì cũng vậy, Drucker đưa thêm vào lý thuyết định lương vĩ

mô (macro-economics) của vị đại sư này cái phương pháp nghiên

cứu về động thái con người (behavior of people); như vậy là làm

tăng thêm khía cạnh nhân bản trong lãnh vực kinh tế vi mô (micro-

economics).

Các giám đốc công ty đã không tiếc lời ca ngợi vị đại sư Peter

Drucker. Điển hình như Andy S. Grove của công ty Intel Corp., thì

đã viết : “Lời khuyến cáo của ông đã ảnh hưởng đến không biết

bao nhiêu hành động hàng ngày tại các xí nghiệp. Và riêng đối với

tôi, thì cái ảnh hưởng đó đã kéo dài liên tục trong nhiều thập niên”.

Tom Peters thì gọi Drucker là người đã sáng lập ra môn khoa học

quản lý hiện đại; ông là người đầu tiên đã cung cấp cho chúng ta

thứ dụng cụ để quản lý những tổ chức kinh doanh mỗi ngày càng

trở thành phức tạp hiện nay.

 

C – Con người ngay thẳng chính trực.

Nhưng Peter Drucker còn làm cho bao nhiêu người mến phục bởi

sự ngay thẳng chính trực lạ thường của ông. Ngay từ thời còn ở

bên nước Đức, lúc mới có 23-24 tuổi, ông đã viết một cuốn sách về

nhà triết học Friedrich Julius Stahl, mà đã bị chính quyền Đức

quốc xã tịch thu và cho đốt hết đi. Mấy năm sau, thì cuốn sách thứ

hai nhan đề “Vấn đề Người Do Thái tại nước Đức” cũng lại chịu

chung số phận đó. Đến nỗi mà hiện nay chỉ còn sót lại một cuốn

duy nhất trong văn khố nước Áo với dấu hiệu chữ vạn đóng trên

bìa sách.

Được nuôi dưỡng theo truyền thống nghiêm túc của đạo Tin lành,

Peter Drucker đã sống và hành động theo những nguyên tắc chặt

chẽ về luân lý và đạo hạnh. Mặc dầu được các đại công ty trả

lương rất hậu cho dịch vụ cố vấn của ông, Drucker cũng không

ngần ngại phê phán những thiếu sót bất cập của giới doanh nghiệp

tại Mỹ. Khi được biết giới đứng đầu doanh nghiệp dành cho mình

những bổng lộc quá lớn, lên đến cả trăm lần lương của người công

nhân bình thường, ông đã không cầm được sự giận dữ và lên tiếng

phê phán gắt gao chuyện này. Ông nói : “Đó là điều không thể tha

thứ được, xét về mặt luân lý cũng như về mặt xã hội; và chúng ta

sẽ phải một cái giá nặng nề cho tình trạng này.” (This is morally

and socially unforgivable, and we will pay a heavy price for it).

Ông còn ghi rõ là : “ Thâu nhập của người giám đốc không được

gấp quá 20 lần mức lợi tức của người công nhân”.

Thất vọng trước sự sa sút về phương diện giá trị đạo đức của giới

doanh nghiệp Mỹ, ông đã phải thốt lên : “Đó là sự thất bại cuối

cùng của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp” (the final failure of

corporate capitalism).

Và kết cục là ông đã dành hầu hết thời giờ và năng lực vào việc

yểm trợ cho các tổ chức bất vụ lợi. Đó là lãnh vực xã hội dân sự,

mà ông tin tưởng sẽ góp phần quan trọng vào việc phục hồi lại hệ

thống giá trị tốt đẹp truyền thống của nước Mỹ. Ông đặc biệt dành

sự ưu ái cho mục sư và cũng là một tác giả nổi danh với cuốn sách

bestseller “The Purpose-driven Life” Rick Warren của Nhà thờ

Saddleback tại thành phố Lake Forest trong Quận Cam miền Nam

California. Vị mục sư này thuật lại rằng : Ông Peter Drucker căn

dặn tôi : “Chức năng quản lý trong một nhà thờ là làm cho nhà thờ

đó mỗi ngày đích thực là nhà thờ hơn, chứ không phải là một loại

tổ chức kinh doanh (to make the church more churchlike, not more

businesslike). Như vậy thì nhà thờ mới có thể thực hiện đúng sứ

mệnh riêng biệt của mình.”

** Tóm tắt lại, ta có thể ghi nhận rằng Peter Drucker là một mẫu

người ngoại hạng của thế kỷ XX. Sự đóng góp chuyên môn trong

việc giáo dục đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trong ngành quản trị

doanh nghiệp, trong sự nghiệp trước tác, cũng như trong việc cố

vấn hướng dẫn cho giới lãnh đạo cơ sở công quyền, cũng như xí

nghiệp tư nhân, và nhất là trong sự yểm trợ cho các tổ chức bất vụ

lợi thuộc khu vực Xã hội Dân sự, thì thật là lớn lao vĩ đại ít người

nào có thể sánh kịp được.

Mà còn hơn thế nữa, cái nhân cách trong sáng và tính ngay thẳng

chính trực của ông mãi mãi là một tấm gương cao quý cho giới sĩ

phu trí thức cùng khắp thế giới hiện nay noi theo vậy./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010

Đoàn Thanh Liêm

Khi chế độ sợ sử

Khi chế độ sợ sử

Tạp ghi Huy Phương

 Nguoi-viet.com

Theo báo chí trong nước, môn lịch sử dự định sẽ bị xóa bỏ khỏi chương trình giáo dục phổ thông, và sẽ được “tích hợp” với môn giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng! Dư luận trong và ngoài nước đã lên án gắt gao dự định này, và việc bỏ môn sử trong chương trình giáo dục của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa không phải là không có cơ sở, vì nó đã bắt nguồn từ cuộc Cách Mạng Tháng Tám, đảng Cộng Sản muốn viết lại lịch sử theo chiều hướng có lợi cho đường lối của đảng.

Nghĩa Trang Liệt Sĩ Người Trung Quốc ở Cao Bằng. (Hình minh họa: Tienve.org)

Hiện nay, trong giai đoạn Việt Nam đang trở thành con cái (một loại nghịch tử) của Trung Cộng, lịch sử Việt Nam đã là một trở ngại cho mối giao hảo của Việt-Trung, thì khi đất nước chúng ta trở thành một thành phần không thể cắt lìa của Trung Cộng, là ngôi sao nhỏ thứ năm trên lá cờ của bọn bành trướng. Lý do lịch sử Việt Nam là một chuỗi trường kỳ kháng chiến với giặc phương Bắc, và nước Tàu trở thành một “kẻ thù truyền kiếp” của dân tộc Việt Nam.

Sách “Việt Nam – Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975” của Viện Sử Học-Viện Khoa Học Xã Hội (cơ quan chính thức của đảng và chính phủ) không hề nói đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và sự hy sinh của những anh hùng tử sĩ VNCH trong trận chiến với Trung Cộng vào Tháng Giêng, 1974. Ngay cuộc tấn công của quân Trung Cộng chiếm các bãi đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa diễn ra ngày 14 Tháng Ba, 1988, phía Việt Nam mất ba tàu vận tải của hải quân, 64 thủy binh đã thiệt mạng cũng bị bỏ quên. Đương nhiên chuyện bán nước tày trời, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, vào năm 1958 đã gửi công hàm cho Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai nhìn nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng trên Hoàng Sa và Trường Sa lại phải giấu kín, không được ghi vào sử.

Vì sao đảng Cộng Sản Việt Nam lại giấu sử và viết lại sử, ngăn cấm không cho các thế hệ con em biết những sự thật đẫm máu về Trường Sa- Hoàng Sa, phải chăng là sợ mất lòng đàn anh “láng giềng khốn nạn!”

Cũng trong thời gian xảy ra những biến cố đau thương ở Gạc Ma, những việc nhảm nhí lại được đảng Cộng Sản tôn vinh thành sử sách như việc “Khai mạc Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Hội Chữ Thập Đỏ lần thứ năm” hay “Ngành Nội Thương tổ chức hội nghị đánh giá kết quả bước đầu chuyển hoạt động thương nghiệp sang hoạch toán kinh doanh XHCN.”

Ngay cả tội ác của lính Trung Cộng, trong cuộc thảm sát ngày 9 Tháng Ba, 1979 tại huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Cộng đã “dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có bảy phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình,” (*) mà ghê tởm thay, cũng được các nhà viết sử Cộng Sản lơ đi kẻo sợ mất lòng ông chủ Trung Cộng!

Những anh hùng do đảng nặn, phịa ra thì lại được ghi vào sử cho con em học ra rả. Đó là những anh hùng tưởng tượng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu… hay những dũng sĩ “không tưởng” như Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Bùi Minh Kiểm tay không ghì máy bay trực thăng thì được nhồi nặn vào đầu óc trẻ thơ. Thế hệ thanh niên bây giờ có thể biết về Lenin, Karl Marx là ai, trong khi một học sinh lớp 8 không biết ông Quang Trung “bà con” ra sao với ông Nguyễn Huệ, phải chăng vì “hai ông” này đều chống Tàu?

Khốn nạn hơn nữa, kẻ thù giết đồng bào lại được ghi công, nhà nước Việt Nam đã xây dựng đài tưởng niệm Liệt Sĩ Trung Quốc với hàng chữ “Việt Nam Nhân Dân Ký Công,” tức là “Nhân Dân Việt Nam Ghi Công” và hàng năm, đảng và nhà nước lại còn cúi đầu dâng vòng hoa tưởng niệm “Đời đời nhớ ơn các Liệt Sĩ Trung Quốc!”

Sao mà có một bọn cầm quyền hèn mạt đến thế.

Những việc tàn độc sau khi Cộng Sản miền Bắc đánh chiếm miền Nam, gọi là “giải phóng,” “thống nhất đất nước,” như tập trung quân cán chính, nhân viên đảng phái miền Nam vào nhà tù lao động khổ sai, đánh tư sản, lùa dân đi kinh tế mới, đổi tiền, các phong trào vượt biển đi tìm tự do… làm chết hàng triệu người Việt Nam, nó chính là tội ác, phải ghi vào sử, nhưng Cộng Sản sợ phải ghi những hình ảnh này vào sử, nó sẽ cho đồng bào biết Cộng Sản có bàn tay vấy máu như thế nào! Trong sử sách Cộng Sản, đảng ta luôn luôn “đánh thắng” dù là bằng cách trói tay và đập đầu chôn sống hơn 5,000 dân Huế trong Tết Mậu Thân!

Hãy nhìn đây sự khiếp nhược của đảng Cộng Sản Việt Nam trước bọn Tàu Cộng: Không có một con đường, một bến sông, một chiếc tàu hải quân nào dám mang tên có “hơi hám” đến cuộc chống Tàu xâm lăng trong lịch sử của cha ông, đó là những địa danh lẫy lừng trong lịch sử như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng, Đống Đa, Hà Hồi hay các nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu. Tất cả những con tàu thuộc Hải Quân VNCH đều hãnh diện mang những cái tên anh hùng chống Tàu như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Yết Kiêu…

Truyền thống của hải quân bất kỳ nước nào trên thế giới cũng là phòng thủ biên giới quốc gia, chống ngoại xâm, nhưng hải quân Cộng Sản Việt Nam chỉ bày ra để bảo vệ đảng, cũng như binh lính công an, bộ đội. Những con tàu của hải quân Cộng Sản Việt Nam hiện nay chỉ dám “rón rén” đặt những cái tên vô tội, ngây thơ không sợ “nhạy cảm” làm mất lòng đàn anh, như tàu HQ.182 tên là Hà Nội, HQ.183 là TP Hồ Chí Minh, HQ.184 là Hải Phòng, HQ.185 là Đà Nẵng, HQ.186 là Khánh Hòa, HQ.187 là Bà Rịa Vũng Tàu, HQ.011 là Đinh Tiên Hoàng, HQ.12 là Lý Thái Tổ. Nghĩ ông Đinh Tiên Hoàng hay ông Lý Thái Tổ thì có đụng gì đến bọn Tàu xâm lược.

Như vậy là quay mặt làm ngơ với lịch sử!

Là học sinh trung học thời VNCH, chúng tôi không những được học sử của Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… mà trong sách Giáo Khoa Thư thuở tiểu học chúng tôi đã biết đến Ngô Quyền đóng cọc nhọn đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, ông Trần Hưng Đạo tâu với vua, “hãy chém đầu thần đi trước khi hàng giặc,” Trần Quốc Toản, tuổi thiếu niên, bóp nát quả cam trong tay, dựng cờ “phá cường dịch báo hoàng ân!” Thời bây giờ, chúng tôi không biết những Huỳnh Văn Bánh, Lê Thị Riêng, Ngô Văn Năm, Nguyễn Văn Đậu, Phan Thị Ràng… là ai, mà nghĩ thương cho “ông Quang Trung là anh em với ông Nguyễn Huệ!”

Một chế độ sợ sử và viết sử láo, chẳng qua vì hèn ngu, khiếp nhược.

Vì những lý do sợ Tàu, câu chuyện bỏ môn sử nghĩ cũng có nguyên nhân.

Dân tộc không sử là thứ con không cha, nhà không nóc.

Thôi thế thì thôi!

(*)Ghi theo tài liệu của Phạm Trần.
Nếu có thời giờ xin mời bạn đọc vào xem DVD “Thảm Họa Mất Nước”
https://www.youtube.com/watch?v=fpYuc2gs2bk

 

‘Ẩm thực’ thời ‘cách mạng’

‘Ẩm thực’ thời ‘cách mạng’

Tạp ghi Huy Phương

Nguoi-viet.com

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, sau khi người Nam “nhận họ,” người Bắc “nhận hàng,” bao nhiêu kho đạn, lương thực, thuốc men, máy móc… được chở về Bắc để vỗ béo cho cán bộ cao cấp, kể cả 16 tấn vàng, tài sản quốc gia, bị bọn cán bộ cao cấp, mỗi người “cấu véo” một tí, thì miền Nam trở thành một bãi rác hoang tàn. Sau khi đưa vào tù quân cán chính miền Nam, đánh tư sản, đổi tiền, lùa dân đi vùng kinh tế mới, thì dân đen, loại không biên chế, không còn cái ăn cái mặc, đau ốm không thuốc men.

Lá cây khoai mì. (Hình minh họa: Issouf Sanogo/AFP/Getty Images)

Cái ăn đã không có, trừ gạo mục từ các mật khu mang về, bo bo, bột mì, khoai sắn nộp nghĩa vụ lẫn đất cát còn không đủ no, thì chuyện đau ốm khó khăn – khắc phục. Xuyên tâm liên là vị thuốc độc nhất toàn năng phổ biến trong quần chúng dành cho những “ông chủ” của đất nước, như Tạ Phong Tần đã viết: “… sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, ai bị bệnh gì vô bệnh viện Bạc Liêu cũng đều được bác sĩ kê toa hai thứ thuốc không bao giờ thay đổi là xuyên tâm liên (viên nén) và chai xi-rô Lạc Tiên, đem về uống đến phù cả mặt mũi mà vẫn không hết ho…” Không phải chỉ có Bạc Liêu mà cả toàn quốc! Phổ biến thì súc muối hay nhỏ nước tỏi vào lỗ mũi. Trong nhà tù “cải tạo” ngoài Bắc, thì phái đoàn y sĩ từ Hà Nội về nhổ răng cho tù bằng kềm, búa, đục thợ rèn, 10 anh thì sưng mặt hết bảy.

Xuyên tâm liên là thứ cây thuốc có ở phía Nam Trung Quốc. Theo tính vị ghi trong tài liệu y học dân gian Quảng Châu, thì cây “xuyên tâm liên” này có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thủng, giảm đau. Được dùng chữa vết thương, tẩm gạc đắp vết thương hoặc làm dịch nhỏ giọt rửa vết thương; chữa viêm họng, viêm phế quản, lị cấp (nước sắc xuyên tâm liên cùng với bồ công anh, sài đất…).

Vào khoảng thời gian “mở cửa” khi mà Việt Cộng đã cho dân chúng nhận những thùng quà từ ngoại quốc gửi về, đặc biệt là những người vượt biên đến được Mỹ, thì hải quan tại phi trường Tân Sơn Nhứt bắt đầu ra lệnh tịch thu thuốc Tylenol trong những thùng quà với lý do là có chất độc, cần phải kiểm nghiệm. Mặc dầu Tylenol đã vài lần bị thu hồi (recall) tại Mỹ, nhưng đó là một thứ thuốc bán rất chạy trên thị trường Bắc Mỹ, đứng hàng thứ ba trong các loại thuốc đau nhức. Nếu hải quan tịch thu Tylenol và thiêu hủy tại chỗ thì không nói, đằng này trong lúc thuốc men khan hiếm, thuốc này dành cho cán bộ dùng, và được tuồn ra ngoài chợ trời để bán với giá cao.

Về cái ăn thì thịt là món hiếm, chỉ có trong các cửa hàng nhà nước, hay được chuyển lậu, bằng cách bó vào đùi, vào mông để qua mắt các trạm kiểm soát. Nhưng nhân dân đã có một thứ “thịt” dễ kiếm khác, đó là ngọn “lá sắn” bỏ đi, sau khi “thu hoạch” củ sắn (khoai mì) nông dân ủ thành phân xanh.

Báo Nhân Dân, “Cơ Quan Trung Ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tiếng Nói của Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân Việt Nam,” vào khoảng thời gian 1978-79 đã có những bài báo nghiên cứu để đưa đến kết luận: “Ba kí lô lá sắn bằng hai kí lô thịt bò,” vì lá sắn chứa rất nhiều chất protein. Sở dĩ tôi còn nhớ rõ, là vì trong trại tù ở Bắc Thái, bọn tù chúng tôi đã phải tập họp ngồi nghe bọn “trật tự-thi đua” đọc đi đọc lại bài nghiên cứu khốn nạn “ba kí lô lá sắn bằng hai kí lô thịt bò.” Trong khi dân nếu tin chuyện đảng hướng dẫn, ăn lá sắn đến vàng da, mờ người, thì Bộ Chính Trị và các quan chức dùng sữa, thịt bò Jersy từ trại Ba Vì và sâm nhung hảo hạng. Cái này thì không phải chờ đến sau Tháng Tư, 1975, mà trước kia, Nguyễn Chí Thiện đã nói lên giữa hai màu da mặt tương phản giữa lãnh tụ phè phỡn và quần chúng tí hon, tương lai của đất nước:

“Nước da hai bác mầu hồng

nước da các cháu nhi đồng mầu xanh

giữa hai cái mặt bành bành

chiếc khăn quàng đỏ quấn quanh cổ cò!”

Về sau mới biết vì sao có chuyện lá sắn có protein: Nguyên ngành chăn nuôi Bắc Việt nghiên cứu ngọn lá sắn nếu đem ủ chua vào khẩu phần vỗ béo bò thịt sẽ làm tăng lượng hấp thụ thức ăn. Trọng lượng bò được vỗ béo tăng dần theo mức bổ sung ngọn lá sắn ủ chua trong thức ăn của bò hằng ngày. Việc ủ chua lá sắn cho bò đã tiết kiệm được thức ăn. Nhân dân không được đảng xem là người mà xem như trâu bò, được dùng lá sắn thay cho cá thịt. Dân ngu thì cứ tin đảng và nhà nước tận cùng, đảng và nhà nước thì dối trá, ai chết mặc ai. Cuộc nghiên cứu của những “đỉnh cao trí tuệ” đã được đăng tải trên báo Nhân Dân, cơ quan của đảng Cộng Sản thì ai mà không dám không tin. Con bò ăn lá sắn lên cân, thì con người XHCN cũng có thể ăn lá sắn để tăng sức, con gà toi nhỏ mũi bằng nước tỏi được, thì con người XHCN có thể nhỏ mũi bằng nước tỏi để khỏi toi.

Câu chuyện này làm chúng ta nhớ lại một anh hoạn lợn (thiến heo) bên Tàu, có bà vợ cứ sòn sòn đẻ năm một, cứ nghĩ là cơ phận con người cũng giống heo, cắt tử cung đi là hết đẻ. Một ngày “đẹp trời” nọ, anh trói vợ ra giữa sân, dùng đồ nghề quyết tâm làm cho vợ cai đẻ, bằng cách tìm cách cắt bỏ tử cung của vợ. Lẽ cố nhiên, bà vợ không sao tránh khỏi cái chết do tri thức của anh chồng hoạn lợn ngu dốt. Dân Việt Nam thời “cách mạng” không thiếu người chết, vì các bậc lãnh đạo quốc gia, có đầu óc và tư duy của những anh chàng “thiến heo” loại này.

Thời “cách mạng” đổi đời, dân được khuyến khích đói thì ăn lá sắn, ốm đau thì đã có nước đái, nhân dân tự sản xuất, không cần phải bào chế hay “nhập khẩu!”

Đó là câu chuyện “niệu liệu pháp” từ cuốn sách của Bác Sĩ F.O. Quinn (Mỹ) do nhà nước xuất bản năm 1989, trong đó đã đề cập đến “phương pháp tự chữa bệnh bằng nước tiểu đơn giản, dễ kiếm, dễ dùng nhưng hiệu quả trị bệnh lại rất cao.”

Thời điểm này, cuốn sách xuất bản nhằm mục đích dạy cho dân chúng biết “khắc phục” chứ không phải là một chuyện tình cờ. Sau này giới y học trong nước công nhận nội dung “niệu liệu pháp” thiếu khoa học và gây hậu quả nặng nề, một số người bệnh vì uống nước đái! Cuốn sách sau đó bị cấm lưu hành và trôi vào quên lãng.

Ngày còn nhỏ, ở nhà quê, tôi cũng có nghe nước tiểu trẻ em cho đàn bà mới sinh dậy và có công dụng chữa các chứng bệnh như sốt nóng, ho ra máu, thổ huyết, hoa mắt chóng mặt, tay chân lạnh do huyết dồn lên đầu, sản hậu ứ huyết, tổn thương, huyết ứ… Nhưng không phải nước tiểu được đồn đãi “trị được bá bệnh” như “xuyên tâm liên” mà người dân khốn cùng phải làm liều.

“Trong nước tiểu có hàng loạt chất độc hại như: Amoniac dùng để tẩy rửa, Creatinine làm co bắp thịt, gây chuột rút, đau đớn, Amylase gây hạ đường máu, Ure gây hôn mê, Bilirubine và chì là chất cực độc, lân dùng để bón cây, ngoài ra còn hàng ngàn loại vi trùng, nấm, virus từ nước tiểu, rồi từ hậu môn xâm nhập qua nước tiểu khi chảy xuống… Do đó, có thể nói, nước tiểu người lớn là… thuốc độc.” (VT News)

Nhà văn Quang Lập (Hội Văn Nghệ Bình Thị Thiên) viết trong Blog năm 1985-86: “Vài ngày sau thằng Thịnh đưa tờ báo có bài: ‘Niệu liệu pháp phản khoa học, một trò lừa đảo!’” Cả hội mới ngớ người ra.

Anh Nguyễn Khoa Điềm nói hội mình anh em dại quá toàn nghe người ta xúi bậy. Anh Vĩ nói rất hay sự tuyên truyền rỉ tai nguy hiểm thế nào, tôi đã nói rồi tiếc thay anh em trí thức cả lại không ai cảnh giác.

Anh Nguyễn Quang Hà cười ha ha ha nói, tôi lừa các ông thế mà các ông cũng tin. Anh Văn Lợi nói Lập ơi tao thử trí thông minh mày, chứ đời nào tao uống. Mình cũng nói với Ngô Minh em trêu anh chứ có họa ngu mới đi uống nước đái. Ngô Minh cũng cười khe khe nói tao cũng lừa mày chứ sức mấy tao ngu!”

“Vì bởi người dân ngu quá lợn…” nên mới dễ bị chúng bịp.

Dân trí thức lại còn giở trò bịp nhau.

Thời “giải phóng” đảng nói với dân: “Đừng ăn những gì chúng ông ăn (có đâu mà ăn) mà hãy ăn những gì chúng ông nói!”

Dượng rể của Kim Jong Un trốn sang Mỹ vì sợ thanh trừng

Dượng rể của Kim Jong Un trốn sang Mỹ vì sợ thanh trừng

Nguoi-viet.com

SEOUL, Nam Hàn (AFP)Dượng rể của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un cho hay nỗi hãi sợ về các cuộc thanh trừng đẫm máu trong nội bộ nhà nước Cộng Sản Bắc Hàn đã khiến ông cùng vợ phải bỏ trốn sang Mỹ gần 20 năm trước đây.


Kim Jong Un gieo rắc nỗi sợ hãi lên ngay cả người thân ruột thịt của mình. (Hình: Getty Images)

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Yonhap, ông Ri Kang cho hay hai vợ chồng ông đã rất lo sợ về những gì có thể xảy ra cho họ trong trường hợp có cuộc tranh giành quyền lực một khi cha của Kim Jong Un là Kim Jong Il qua đời.

Ông Ri là chồng bà Ko Yong-Suk, em gái của mẹ Kim Jong Un.

“Sau gần hai thập niên sống gần Kim Jong Il, tôi thấy rõ sự tàn bạo của quyền lực,” ông Ri cho biết hôm Thứ Tư. “Tôi nghĩ không nên ở gần thứ quyền lực này.”

Ông Ri và bà Ko từng có nhiệm vụ trông nom Kim Jong Un khi ông ta còn là một thiếu niên và được gửi đi học ở Thụy Sĩ. Họ sau đó quyết định sang Mỹ tị nạn, thay vì trở về Bắc Hàn năm 1998.

Mẹ của Kim Jong Un lúc đó bệnh nặng và được điều trị ở Âu Châu, rồi sau đó qua đời ở Pháp năm 2004.

Kim Jong Il qua đời 13 năm sau khi hai vợ chồng này bỏ trốn và cuộc chuyển giao quyền hành cho Kim Jong Un diễn ra khá suôn sẻ.

Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó đã chứng nghiệm nỗi lo sợ của họ khi Kim Jong Un ra lệnh giết dượng rể khác là Jang Song-Thaek.

Câu chuyện của họ được biết tới sau khi bà Ko đưa đơn kiện ba người Bắc Hàn đào thoát và đang sống ở Seoul, với lý do bôi nhọ danh dự và nói xấu về bà. Ông Ri cho hay hai vợ chồng có một tiệm giặt ủi rất thành công ở Mỹ. (V.Giang)

Vụ Minh Hạnh bị công an hành hung được nêu ra trước Quốc hội Đức

Vụ Minh Hạnh bị công an hành hung được nêu ra trước Quốc hội Đức

 Đặng Hà

Trong phiên họp Quốc hội Liên bang Đức ngày 03.12.2015 vừa qua, một Nghị quyết được đệ trình để thảo luận và biểu quyết thông qua. Nghị quyết này mang tên “Tăng cường việc bảo vệ cho Người Bảo Vệ Nhân Quyền trên toàn thế giới và trong phần thảo luận trước khi biểu quyết nghị sĩ Frank Heinrich (đảng CDU/CSU) đã nêu ra trường hợp cô Đỗ Thị Minh Hạnh trong bài phát biểu của ông. Trong đó ông kể rõ về vụ công an Việt Nam hành hung dã man cô Đỗ Thị Minh Hạnh:

clip_image002

Mới tuần rồi tôi nhận được tin cô Minh Hạnh – với tư cách là thành viên của công đoàn độc lập Lao Động Việt“- đã bị bắt giữ cùng với một đồng nghiệp vì can tội tham gia buổi gặp gỡ và trò chuyện với công nhân của một doanh nghiệp Nam Hàn Lực lượng công an đã giải tán cuộc họp mặt này và bắt giữ cô Minh Hạnh cùng với đồng nghiệp Trương Minh Đức. Họ bị giam giữ đến sáng ngày hôm sau và đã bị công an đánh đập tàn nhẫn. Cô Minh Hạnh với thương tích ở đầu và mắt đã phải vào bệnh viện chữa trị. Cho đến hôm nay cô vẫn còn bị rối loạn thị giác.”

Báo Time chọn Thủ Tướng Đức là ‘Nhân Vật Năm 2015’

Báo Time chọn Thủ Tướng Đức là ‘Nhân Vật Năm 2015’
Nguoi-viet.com

WASHINGTON, DC (NV)Tuần báo Time hôm Thứ Tư loan báo việc chọn Thủ Tướng Ðức Angela Merkel làm “Nhân Vật Năm 2015,” ca ngợi khả năng lãnh đạo của bà, đưa nước Ðức qua tình trạng nợ nần cũng như đối phó với cuộc khủng hoảng di dân từng đe dọa làm tan vỡ khối EU.


Thủ Tướng Angela Merkel. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)

“Do đã dám đòi hỏi ở quốc gia mình nhiều hơn là các chính trị gia khác, do đã giữ vững lập trường chống lại độc tài cũng như không chọn lựa sự dễ dàng, và cũng do luôn giữ vai trò lãnh đạo về mặt đạo đức, vốn là điều hiếm thấy trong thế giới này, bà Angela Merkel là Nhân Vật Trong Năm của tuần báo Time,” theo chủ biên Nancy Gibbs.

Tuần báo Time coi bà như là người lãnh đạo mặc nhiên của khối EU, sau khi trong năm nay bà đã hai lần đưa khối này qua hai cuộc khủng hoảng – vụ Hy Lạp bị khánh tận và cuộc khủng hoảng di dân.

Trong suốt thời gian có cuộc khủng hoảng của khối sử dụng đồng Euro (eurozone), khi cả lục địa Âu Châu lo lắng nhìn về Berlin để xem phản ứng từ nơi này, bà Merkel tiếp tục kêu gọi phải có tinh thần kỷ luật trong việc duy trì các giới hạn ngân sách và giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, trong mùa Hè vừa qua, nhà lãnh đạo thường vẫn rất cẩn thận này đã có canh bạc chính trị lớn nhất từ một thập niên nay khi kêu gọi dân chúng Ðức mở rộng cửa đón nhận người tị nạn.

Là con gái của một Mục Sư Lutheran, bà Merkel lớn lên sau Bức Màn Sắt của thế giới cộng sản và nay được coi là người phụ nữ có quyền lực nhất thế giới.

Chủ biên Gibbs của tờ Time nói rằng khi phải đối diện với khó khăn, dù là cuộc khủng hoảng tài chánh ở Hy Lạp hay làn sóng người tị nạn lũ lượt kéo tới, bà không hề chọn sự thỏa hiệp dễ dãi.

“Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với bà, nhưng bà không chọn con đường dễ dàng. Các nhà lãnh đạo thường chỉ được thử thách mỗi khi mà người dân không muốn đi theo,” theo chủ biên Nancy Gibbs. (V.Giang)

Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam

Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam

Nguyễn Hưng Quốc

Trên báo chí trong nước, thỉnh thoảng có một số người còn nhiều tâm huyết lên tiếng báo động về tình trạng khủng hoảng của tiếng Việt. Bằng chứng họ nêu lên thường là những cách viết tắt, cố tình sai chính tả hoặc pha nhiều tiếng nước ngoài của giới trẻ trên facebook hay các blog. Nhưng dường như chưa ai thấy điều này: sự khủng hoảng trong tiếng Việt chủ yếu nằm trong lãnh vực chính trị và xuất phát từ giới cầm quyền. Nó nằm ngay trong các nghị quyết của đảng, các bài diễn văn của giới lãnh đạo và, cụ thể nhất, trên trang báo Nhân Dân hay Tạp chí Cộng sản, rồi từ đó, lan đi khắp nơi, trên các cơ quan truyền thông cũng như ở miệng của các cán bộ và đảng viên các cấp.

Không phải người ta không thấy những sự khủng hoảng ấy. Thấy nên phản ứng. Có ba loại phản ứng chính.

Thứ nhất, không tin những gì chính quyền nói. Một trong những câu nói được nhắc nhở nhiều nhất của ông Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, là: “Đừng nghe những gì cộng sản nói”. Xin lưu ý: câu nói ấy chỉ thực sự gây tiếng vang và được phổ biến rộng rãi chủ yếu sau năm 1975, lúc ông Thiệu đã trở thành con người của quá khứ.

Thứ hai, chính những người cộng sản, ngay cả cộng sản cao cấp, cũng thấy thẹn thùng khi sử dụng loại ngôn ngữ họ sáng chế và từng ra sức áp đặt lên xã hội. Có thể nêu lên hai ví dụ. Một là với chữ “đồng chí”. Trước, đó là cách xưng hô chính thức và phổ cập. Sau, nó chỉ hiện hữu trong các cuộc hội nghị. Nói chuyện với nhau, hầu như không ai gọi nhau là “đồng chí” nữa. Nghe chữ “đồng chí” là sợ: nó báo hiệu một màn đấu đá hoặc một tai họa (1). Ngay ở Trung Quốc, chính quyền cũng khuyên dân chúng hạn chế dùng chữ “đồng chí” trên các phương tiện giao thông công cộng (2). Hai là chữ “cộng sản”.

Với nhiều người, kể cả đảng viên, cứ nghe người khác gọi mình là “cộng sản”, họ có cảm giác như nghe một lời chửi mắng. Chứ không có chút tự hào trong đó cả. Nhớ, đã khá lâu, trong một cuộc gặp gỡ ở Úc, một người là đảng viên khá cao cấp, hiện đang làm việc trong ngành truyền thông ở Việt Nam, nhắc đến cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản (1991 & 1996) của tôi, rồi hỏi: “Sao anh không đặt nhan đề là ‘Văn học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa’ nhỉ?” Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Thế có khác gì nhau không?” Anh ấy đáp: “Khác chứ. Chữ ‘xã hội chủ nghĩa’ nghe thanh lịch hơn; còn chữ ‘chế độ cộng sản’ nghe ghê quá, cứ như một lời kết án.” Tôi lại hỏi: “Anh là đảng viên mà cũng có ấn tượng vậy sao?” Anh ấy đáp, thật thà: “Đó là ấn tượng chung của toàn xã hội mà. Tên đảng thì không ai dám đổi, nhưng trong đời sống hàng ngày, nghe mấy chữ ấy, mình cũng thấy ngài ngại.”

Thứ ba, phản ứng lại sự lũng đoạn ngôn ngữ của chính quyền dưới hình thức phản-ngôn ngữ (anti-language) qua những cách nói hoàn toàn bất chấp nguyên tắc ngữ nghĩa cũng như ngữ pháp thông thường.

Hiện tượng phản-ngôn ngữ, vốn xuất hiện và phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, trong vài thập niên trở lại đây, có nhiều hình thức khác nhau.

Nhớ, lần đầu tiên tôi về Việt Nam là vào cuối năm 1996. Lần ấy, tôi ở Việt Nam đến bốn tuần. Một trong những ấn tượng sâu đậm nhất còn lại trong tôi là những thay đổi trong tiếng Việt. Có nhiều từ mới và nhiều cách nói mới tôi chỉ mới nghe lần đầu. Ví dụ, trà Lipton được gọi là “trà giật giật”; cái robinet loại mới, có cần nhấc lên nhấc xuống (thay vì vặn theo chiều kim đồng hồ) trong bồn rửa mặt được gọi là “cái gật gù”; ăn cơm vỉa hè được gọi là “cơm bụi”; khuôn mặt trầm ngâm được mô tả là “rất tâm trạng”; hoàn cảnh khó khăn được xem là “rất hoàn cảnh”; thịt beefsteak được gọi là “bò né”. Sau này, đọc báo trong nước, tôi gặp vô số các từ mới khác, như: “đại gia”, “thiếu gia” (3), “chân dài”, “chảnh” (kênh kiệu) (4), “bèo” (rẻ mạt), “khủng” (lớn); “tám” (tán gẫu); “buôn dưa lê” (lê la, nhiều chuyện), “chém gió” (tán chuyện), “gà tóc nâu” (bạn gái), “xe ôm” (bạn trai), “máu khô” (tiền bạc), “con nghẽo” (xe máy), v.v.
Trong các từ mới ấy, có từ hay có từ dở, tuy nhiên, tất cả đều bình thường. Ngôn ngữ lúc nào cũng gắn liền với cuộc sống. Cuộc sống thay đổi, ngôn ngữ thay đổi theo. Những sản phẩm mới, hiện tượng mới và tâm thức mới dẫn đến sự ra đời của các từ mới. Ở đâu cũng vậy. Tất cả các từ điển lớn trên thế giới đều có thói quen cập nhật các từ mới hàng năm. Có năm số từ mới ấy lên đến cả hàng ngàn. Việt Nam không phải và không thể là một ngoại lệ. Đối diện với những từ mới ấy, có hai điều nên tránh: một, xem đó là những từ ngớ ngẩn rồi phủ nhận tuốt luốt; và hai, xem đó là từ…Việt Cộng và tìm cách chối bỏ chúng.

Tuy nhiên, điều tôi chú ý nhất không phải là sự xuất hiện của các từ mới hay các tiếng lóng mới ấy. Mà là những cách nói mới, rất lạ tai, thậm chí, quái gở, phổ biến khắp nơi, ngay cả trong giới trí thức và văn nghệ sĩ tiếng tăm, đặc biệt ở Hà Nội.
Có thể tóm gọn các cách nói mới ấy vào bốn điểm.

Thứ nhất, hiện tượng dùng nguyên cả một cụm từ hoặc một từ ghép hoặc một tên riêng của một người, một địa phương hoặc một nước để chỉ lấy ra một từ tố trong đó. Ví dụ, thay vì nói “lâu”, người ta nói “Hà Văn Lâu” (hay “Hồng Lâu Mộng”); thay vì nói “đông” (đúc), người ta nói “Hà Đông”; thay vì nói “xa”, người ta nói “Natasha” (chỉ lấy âm cuối, “Sha”, phát âm theo giọng miền Bắc là “xa”); thay vì nói “xinh” (xắn), người ta nói “nhà vệ sinh” (âm /s/ bị biến thành /x/); thay vì nói “tiện”, người ta nói “đê tiện”; thay vì nói “cạn” (ly), người ta nói “Bắc Cạn”; thay vì nói “can” (ngăn), người ta nói “Lương Văn Can”; và thay vì nói “chia” (tiền), người ta nói “Campuchia”. Cuối cùng, người ta có một mẩu đối thoại lạ lùng như sau:

“Đi gì mà Hà Văn Lâu thế?”
”Ừ, tại đường Hà Đông quá!”
”Từ đấy đến đây có Natasa không?”
“Không. À, mà hôm nay em trông hơi nhà vệ sinh đấy nhé!”
“Khéo nịnh! Tí nữa, đi về, có đê tiện, mua giùm em tờ báo nhé!”
“Ừ, mà thôi, bây giờ nhậu đi!”
“Ừ, Bắc Cạn đi, các bạn ơi!”
“Thôi, tôi Lương Văn Can đấy!”
”Này, hết bao nhiêu đấy, để còn Campuchia?”

Thứ hai, hiện tượng dùng chữ “vô tư”. Lúc ở Hà Nội, một trong những từ tôi nghe nhiều nhất là từ “vô tư”. Nó được dùng một cách lạm phát.  Cái gì cũng “vô tư”. Bạn bè, gồm toàn các giáo sư và nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội, rủ tôi vào quán thịt cầy. Thấy tôi thoáng chút ngần ngại, họ liền nói: “Cứ vô tư đi mà! Thịt cầy ở đây ngon lắm!” Sau khi uống vài ly rượu, cảm thấy hơi chếnh choáng, tôi xin phép ngưng, họ lại nói: “Không sao đâu, cứ vô tư uống thêm vài ly nữa cho vui. Rượu này ngâm thuốc, bổ lắm!” Cuối tiệc, tôi giành trả tiền, họ lại nói: “Không, bọn tôi đãi, anh cứ vô tư đi!” Cứ thế, trong suốt bữa tiệc hai ba tiếng đồng hồ, tôi nghe không dưới vài chục lần từ “vô tư”. Chữ “vô tư” ấy phổ biến đến độ lọt cả vào trong thơ Nguyễn Duy:

Mình vô tư với ta đi
Vô tư nhau chả cần chi nhiều lời
Vô tư thế chấp đời người
Trắng tay còn chút coi trời bằng vung
Luật chơi cấm kị nửa chừng
Vô tư đặt cọc tận cùng chiếu manh
Liền em vô tư liền anh
Không ngây không dại không đành phải không.

Thứ ba, hiện tượng dùng các phụ từ “hơi bị”. Bình thường, trong tiếng Việt, “bị”, đối lập với “được”, chỉ những gì có ý nghĩa tiêu cực và ngoài ý muốn. Bất cứ người Việt Nam nào cũng biết sự khác biệt giữa hai cách nói “Tôi được thưởng” và “Tôi bị phạt”. Vậy mà, ở Việt Nam, ít nhất từ giữa thập niên 1990 đến nay, ở đâu, người ta cũng nghe kiểu nói “Cô ấy hơi bị hấp dẫn”, “Ông ấy hơi bị giỏi”, “chiếc xe ấy hơi bị sang”, “nhà ấy hơi bị giàu”, hay “bức tranh ấy hơi bị đẹp”, v.v.
Cuối cùng là hiện tượng các thành ngữ mới đã được Thành Phong sưu tập và minh họa trong cuốn Sát thủ đầu mưng mủ (sau đó bị tịch thu, năm 2011), bao gồm những câu kiểu:

ăn chơi sợ gì mưa rơi
buồn như con chuồn chuồn
chán như con gián
chảnh như con cá cảnh
chuyện nhỏ như con thỏ
bực như con mực
cực như con chó mực
đau khổ như con hổ
đen như con mèo hen
đói như con chó sói
đơn giản như đan rổ
dốt như con tốt
đuối như trái chuối
ghét như con bọ chét
già như quả cà
hồn nhiên như cô tiên
im như con chim
lạnh lùng con thạch sùng
ngất ngây con gà tây
ngốc như con ốc
phê như con tê tê
sành điệu củ kiệu
tê tái con gà mái
thô bỉ như con khỉ
tự nhiên như cô tiên
tinh vi sờ ti con lợn
xinh như con tinh tinh

Tất cả những hiện tượng trên đều có một số đặc điểm chung. Thứ nhất, có lẽ chúng xuất phát từ Hà Nội, sau đó, lan truyền ra cả nước, kể cả Sài Gòn. Thứ hai, chúng phổ biến không phải chỉ trong giới trẻ mà còn cả trong giới trí thức lớn tuổi, kể cả giới học giả, giáo sư đại học và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Thứ ba, tất cả những cách nói ấy đều ngược ngạo, thậm chí, vô nghĩa. Chả có ai có thể giải thích được những kiểu nói như “buồn như con chuồn chuồn” hay “chán như con gián” hay “im như con chim”, “xinh như con tinh tinh”… trừ một điều duy nhất: chúng có vần vè với nhau. Vậy thôi.

Trong lịch sử tiếng Việt, thỉnh thoảng lại xuất hiện những hiện tượng mới, đặc biệt trong khẩu ngữ, nhiều nhất là trong tiếng lóng. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ lại có những hiện tượng nói năng ngược ngạo và vô nghĩa như hiện nay. Ở miền Nam trước năm 1975, người ta làm quen với những kiểu nói như “lính mà em”, “tiền lính tính liền”, “sức mấy mà buồn”, “bỏ đi Tám”, “OK Salem”, “mút mùa Lệ Thủy”, “thơm như múi mít”, “bắt bò lạc”, “một câu xanh rờn”, v.v. Với hầu hết những kiểu nói như thế, người ta có thể hiểu được. Còn bây giờ? Không ai có thể giải thích được. Chúng ngược ngạo đến mức quái đản. Và chúng vô nghĩa đến mức phi lý.

Vậy tại sao chúng lại ra đời, hơn nữa, phổ biến rộng rãi trong xã hội, ngay trong giới có học thuộc loại cao nhất nước?
Dĩ nhiên không phải vì người ta không biết. Biết, chắc chắn là biết; nhưng người ta vẫn chọn những cách nói ấy. Đó là một chọn lựa có ý thức chứ không phải một thói quen vô tình. Sự chọn lựa ấy chỉ có thể được giải thích bằng một cách: người ta muốn nói khác. Khác với cái gì? Với những quy ước ngôn ngữ đang thống trị trong xã hội và thời đại của họ. Khi những cái khác ấy được thực hiện một cách bất chấp luận lý và quy luật, chúng trở thành một thách thức, một sự chối bỏ, hay đúng hơn, một sự phản kháng. Bình thường, không ai phản kháng ngôn ngữ. Bởi ai cũng phải sử dụng ngôn ngữ. Người ta chỉ phản kháng tính chất giả dối, khuôn sáo, cũ kỹ, chật chội trong ngôn ngữ hoặc đằng sau ngôn ngữ: văn hóa, chính trị và xã hội. Bởi vậy, tôi mới xem những cách nói ngược ngạo phổ biến tại Việt Nam hiện nay như một thứ phản-ngôn ngữ: nó là một phần của thứ đối-văn hóa (counter-culture), xuất phát từ động cơ muốn thoát khỏi, thậm chí, chống lại những giá trị, những quy phạm và những chuẩn mực mà người ta không còn tin tưởng và cũng không muốn chấp nhận nữa.

Nói cách khác, nếu việc sử dụng ngôn ngữ trong bộ máy tuyên truyền của đảng và nhà nước Việt Nam mang đầy tính chính trị thì hiện tượng phản-ngôn ngữ đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay cũng có tính chính trị. Thứ chính trị trên dựa trên sự áp chế, độc tài và giả dối; thứ chính trị dưới là một sự phản kháng lại thứ chính trị trên nhưng lại dựa trên một thứ chủ nghĩa hư vô đầy tuyệt vọng.

***
Chú thích:

  1. Có thể thấy điều này qua một ví dụ khá tiêu biểu: Bài thơ “Cho một nhà văn nằm xuống” viết nhân cái chết của nhà văn Nguyên Hồng của Trần Mạnh Hảo (1982) bị phê phán kịch liệt. Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, cho gọi Trần Mạnh Hảo đến gặp. Trần Mạnh Hảo rất sợ. Thế nhưng cảm giác sợ hãi ấy tiêu tan ngay khi ông nghe câu nói đầu tiên của Võ Văn Kiệt: “Hảo à! Đù má… Mày làm cái gì mà dữ vậy?” Trần Mạnh Hảo giải thích: “Anh phải hiểu rằng tính cách người Nam Bộ là thế. Sống với nhau trong cơ quan hay lúc sinh hoạt thường hay dùng câu ĐM kèm theo. Thân tình mới có câu ĐM. Còn đã gọi nhau bằng đồng chí là ‘có chuyện’. Nghe được lời mắng của anh Sáu (Võ Văn Kiệt) lại có kèm ĐM, tôi biết ngay là ‘thoát’.” Chuyện này được thuật lại trong bài “Much Ado About Nothing” của Phạm Xuân Nguyên trên Talawas.
  1. http://www.reuters.com/article/2010/05/31/us-china-comrade-idUSTRE64U0WP20100531
  1. Cả hai từ “đại gia” và “thiếu gia” đều là những từ cũ, ngày xưa; bây giờ được dùng lại.
  1. Gần đây, chữ “chảnh” còn được nói dưới hình thức tiếng Anh bồi là “lemon question” (chanh + hỏi); cũng như chữ “vô tư” còn được nói là “no four” (không = vô + bốn = tư). Giống như trước 1975, người ta từng nói “no star where” – không sao đâu.

Tang lễ cô Nguyễn Thị Thanh Tín sẽ diễn ra ở nhà thờ Saint Barbara

Tang lễ cô Nguyễn Thị Thanh Tín sẽ diễn ra ở nhà thờ Saint Barbara
Nguoi-viet.com

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, Calif. (NV) –Chiều ngày Thứ Hai, 7 Tháng 12, thi hài cô Nguyễn Thị Thanh Tín, một trong 14 nạn nhân qua đời trong vụ thảm sát ở San Bernardino hôm Thứ Tư tuần rồi đã được đưa về nhà quàn Peek Family ở thành phố Westminster và tang lễ sẽ được tổ chức ở nhà thờ Saint Barbara vào Thứ Bảy tuần này.

 
Cô Nguyễn Thị Thanh Tín, nạn nhân của vụ thảm sát ở San Bernardino hôm Thứ Tư, 2 Tháng 12, 2015 (Hình: Gia đình cung cấp)

Theo cáo phó của gia đình, linh cửu cô Thanh Tín được quàn tại Peek Family Funeral Home, 7801 Bolsa Ave, Phòng số 1, Westminster, CA 92683.

Nghi thức phát tang được tổ chức từ lúc 10 giờ sáng đến 11 giờ sáng Thứ Sáu, 11 Tháng 12, 2015. Sau đó là lễ thăm viếng đến 7 giờ tối.

Lễ an táng diễn ra lúc 8 giờ sáng Thứ Bảy, 12 Tháng 12, 2015, tại nhà thờ Saint Barbara, 730 S. Euclid St., Santa Ana, CA 92704.

Sau thánh lễ ở nhà thờ, linh cửu Thanh Tín sẽ được di chuyển đến nơi an nghỉ tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Good sherpherd Cemetery) 8301 Talbert Ave., Huntington Beach, CA 92648.

Theo lời ông Phú Nguyễn, bác ruột của Thanh Tín cho biết, “Hiện tại gia đình đang còn phải lo nhiều giấy tờ thủ tục cho bên FBI để họ cần có ‘security’ cho buổi lễ nếu không sợ sẽ rối hết lên do quá nhiều cơ quan truyền thông, báo chí khắp nơi quan tâm đến sự kiện này. Hơn nữa, đây không phải là một trường hợp bình thường.”

“Bên cạnh đó, căn phòng Số 1 đặt linh cửu của Tín – là nơi ‘con bé’ thích vì ông ngoại từng làm đám tang ở đó nên gia đình chọn nơi đó cho Tín – quá nhỏ nên cũng phải tính rất kỹ nếu không cũng sẽ lộn xộn,” ông Phú nói thêm trong sự lo lắng.

Để chuẩn bị cho đám tang của cô Thanh Tín, một trang mạng kêu gọi gây quỹ cho cô cũng đã được thiết lập từ bốn ngày trước.

Tính đến 7 giờ tối Thứ Hai, 7 Tháng 12, số tiền gây quỹ giúp đám tang cô Nguyễn Thị Thanh Tín trên website GoFundMe đã lên tới con số $49,010, vượt khá xa mục tiêu lúc đầu là $10,000.

Lời kêu gọi đóng góp này được đưa ra bởi cô Phạm Kim Oanh vào ngày 3 Tháng 12, sau khi cảnh sát chính thức xác nhận Thanh Tín là một trong 14 nạn nhân bị bắn chết trong vụ thảm sát ở San Bernardino, California hôm Thứ Tư tuần trước.

Trong lời kêu gọi đóng góp cho tang lễ của Thanh Tín, cô Kim Oanh viết:

“Cảm ơn sự hào phóng và những lời tử tế của mọi người. Sự đóng góp của quý vị sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình Tín rất nhiều. Trong những lúc như thế này, mới thấy mọi người đoàn kết giúp đỡ nhau tuyệt vời ra sao.”

Theo đó, 100% số tiền quyên góp được chuyển thẳng đến gia đình của nạn nhân Thanh Tín.

Cho đến thời điểm này, lời kêu gọi này đã được 5,500 lượt chuyền đi, với 1,002 người tham gia đóng góp. Có người đóng góp $5.00, cũng có người đóng góp $500.00, mỗi người tùy theo khả năng của mình, không phân biệt sắc tộc. Nhưng qua đó, cho thấy sự tiếc thương vô bờ của mọi người dành cho cô gái này.

Cuộc quyên góp vẫn còn đang tiếp tục. Những ai muốn tham gia có thể vào địa chỉ dưới đây https://www.gofundme.com/jxd93cgs

Cô Nguyễn Thị Thanh Tín, sanh ngày 6 Tháng Tư, năm 1984, tại Giáo xứ Phú Hiệp ở Di Linh, Đà Lạt. Cô sang Mỹ lúc 8 tuổi, tốt nghiệp trung học Valley High School, Santa Ana, sau đó tốt nghiệp cử nhân khoa học sức khỏe tại đại học Cal State Fullerton. Lúc qua đời, cô đang là nhân viên thanh tra thực phẩm của Sở Y Tế San Bernardino, đồng nghiệp của nghi can Syed Rizwan Farook, người đã nã súng vào các đồng nghiệp mình, và sau đó bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc rượt đuổi.

Thanh Tín ra đi trong sự tiếc thương tột cùng của gia đình, người thân và tất cả những ai quan tâm. Đặc biệt, điều khiến mọi người đau lòng hơn là cô vừa mới thử áo cưới một tuần trước ngày xảy ra vụ thảm sát với dự tính đám cưới diễn ra vào năm tới.

Gần 14 triệu người Việt bị rối loạn tâm thần

Gần 14 triệu người Việt bị rối loạn tâm thần

07/12/2015

– Gần 14 triệu người Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến. Gần 1/5 trong số này mắc các rối loạn tâm thần nặng.

 

Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần tại Hà Nội sáng nay.

Theo ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật.

 tâm thần, dấu hiệu tâm thần, chiến lược quốc gia về tâm thần, tỉ lệ bị tâm thần, rối loạn tâm thần
Một bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương

Theo nghiên cứu, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng.

Nguyên nhân chủ yếu do làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều, cách biệt giàu – nghèo, ly hôn, thất nghiệp…

Tuy nhiên số lượng người bệnh rối loạn tâm thần được chữa trị còn cực kỳ thấp, cứ 10 người chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý rất hạn chế. Chưa kể số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn rất ít, cả nước có 850 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến trung ương và các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, do nhận thức hạn chế, người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, đánh đồng tất cả đều là “điên” mà không biết có nhiều rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, mất ngủ, lo âu… dẫn đến tình trạng kì thị, phân biệt đối xử.

Để giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra, Việt Nam xây dựng chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phấn đấu ban hành luật Sức khỏe tâm thần trước năm 2020 và đặt ra mục tiêu 50% bệnh nhân rối loạn tâm thần được điều trị vào năm 2025. Hàng năm, ngân sách y tế sẽ dành ít nhất 5% cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Thúy Hạnh