Rạp Hưng Đạo ngày xưa của ai ?

Rạp Hưng Đạo ngày xưa của ai ?

Năm 1940 tại góc đường Général Marchand và Gallieni (Nguyễn C…ư Trinh và Trần Hưng Đạo ngày nay) thường ngày vẫn có một cậu con trai khoảng 18 – 20 tuổi ngồi cặm cụi sửa vá xe đạp bên vệ đường. Thời đó người dân chính gốc thành phố còn thất nghiệp dài dài, nói chi đến những dân nhập cư từ tỉnh thành xa, do đó người ta xem việc một thanh niên sửa xe như vậy là chuyện bình thường.Những người lui tới con đường đó, đặc biệt là những khách hàng từng đôi ba lần xe đến sửa xe ấy là một chàng trai hiền hậu, dễ thương, lại chăm chỉ, cẩn thận. Xe hư đâu sửa đó, đảm bảo chất lượng, tiền công vừa phải, đôi khi với những khách hàng già cậu ta còn tự nguyện sửa miễn phí “để làm quen”. Lâu dần, khách hàng càng lúc càng đông, thậm chí có người bị hư xe ở xa cũng ráng dẫn bộ tới, để cậu sửa. Chàng trai ấy tên là Niệm.
Một năm sau ngày ra nghề, người ta thấy chỗ bức tường phía sau lưng anh thợ sửa xe ngồi, có treo lủng lẳng vài chiếc vỏ, ruột xe đạp, cùng với một ít những phụ tùng khác. Anh giải thích “Để khi nào khách có cần thì mình thay cho tiện”. Thời đó không có chợ phụ tùng hoặc các loại phụ tùng xe được bày bán khắp nơi như ngày nay, cho nên việc phục vụ linh hoạt của cậu Niệm được bà con ủng hộ. Hai năm sau, khách hàng nhìn thấy có thêm một hai chiếc xe đạp lắp ráp hoàn chỉnh dựng ở đó. Cậu Niệm lại giới thiệu “Nhân tiện ráp sẵn, nếu bà con nào có cần thì mình nhường lại, giá phải chăng”. Tất nhiên, bởi sẵn có uy tín hàng của cậu ta ráp đến đâu bán được đến đó.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, trong lúc Sài Gòn đang hoảng loạn vì những cuộc dội bom của phi cơ đồng minh xuống thành phố, dân chúng lo chạy tránh bom, thì góc đường đó, chàng trai sửa xe vẫn cứ bám trụ với “cơ ngơi của mình, gồm 4 chiếc xe đạp vừa mới ráp, cộng với một thùng phụ tùng mới. Với cậu giữa cái chết do bom đạm và chết đói, cậu ta sợ chết đói hơn, vả lại trong đầu cậu trai nghèo này, chừng như còn nuôi một hoài bão.
Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, cũng là lúc người ta ngạc nhiên khi thấy chàng trai đó đứng ra thuê hẳn một góc nhà (chỗ căn phố mà suốt mấy năm qua cậu ta vẫn ngồi phía trước hiên nhà để hành nghề) và khai trương bảng hiệu: “Nguyễn Thành Niệm, sửa xe và bán phụ tùng xe đạp”. Thì ra, do khéo dành dụm trong nhiều năm qua, đến lúc đó cậu ta đã có được số vốn nho nhỏ, đủ để “dựng tiệm”. Cậu tâm sự với những người quen biết “Cái nghèo nó làm cho mình phải bỏ dở chuyện học hành, mà không học thì khó bề lập thân. Bây giờ chỉ có một cách là phải chí thú làm ăn phải đi lên con đường thương mại….”. 5 năm sau, đầu thập niên 50, cả một dãy phố từ đầu đường Nguyễn Cư Trinh chạy dọc theo đường Trần Hưng Đạo, đến gần đường hẻm Nguyễn Văn Dụng, đã quy về một mối, do một người làm chủ: Nguyễn Thành Niệm.
Cậu ta trúng nghề phụ tùng xe đạp là chủ yếu, nhưng cũng phải kể đến yếu tố cần kiệm và óc nhạy bén với thị trường. Chỉ trong vòng 10 năm, từ một chàng sửa xe đạp tầm thường, Nguyễn Thành Niệm tậu được đến gần 30 căn phố mặt tiền đường Gallieni (Trần Hưng Đaọ). Có người nói, sở dĩ Nguyễn Thành Niệm mua được nhiều nhà như thế là bởi vì thời đó mọi người vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng do cuộc chiến tranh, bị lung lạc tinh thần, muốn bán rẻ nhà cửa để hồi hương lập nghiệp, nên giá nhà rẻ, và Niệm đã chộp đúng thời cơ.
Con đường “lập thân” của Nguyễn Thành Niệm đã mở rộng. Anh ta chuyển sang kinh đoanh đa dạng hơn, gồm cả phụ tùng xe gắn máy, xe hơi, máy móc cơ giới nói chung. Và thế là một công ty nhập khẩu phụ tùng xe, máy được hình thành. Công ty Indo – Comptoir của Nguyễn Thành Niệm cuối thập niên 50 là một trong 10 công ty xuất nhập khẩu phụ tùng xe cơ giới lớn nhất Sài Gòn có chi nhánh ở khắp miền Nam, vươn tới Nam Vang, Vientian, Pakse (Lào). Nguyễn Thành Niệm trở thành một tỷ phú.
Đầu thập niên 60, tại dãy phố góc đường Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo, cạnh trụ sở của công ty Nguyễn Thành Niệm, người ta thấy mọc lên một toà nhà đồ sộ với chữ hiệu trên mặt tiền rất nổi: Rạp hát Hưng Đạo. Thì ra, đúng nơi mấy chục năm trước Niệm ngồi sửa se đạp, giờ đã được dựng lên một rạp hát lớn nhất thành phố, lại do chính ông làm chủ. Có lần Nguyễn Thành Niệm đã nói với bạn bè “Cuộc đời cũng giống như một sân khấu, mình cố làm sao cho sân khấu lộng lẫy thì càng hay…”
Thượng Hồng

Nguyễn Bích Lan – Người thắp lửa

 Nguyễn Bích Lan – Người thắp lửa

Mời quí anh chị đọc cho vui một bài viết về một cô bé ở 1 làng quê nghèo bên bờ sông Hồng tỉnhThái Bình. Em đã dũng cảm chống lại định mệnh khắc nghiệt gây ra bởi bệnh Muscle Diseases (Muscular Dystrophy) đau đớn làm liệt 2 chân ở tuổi 13 và không có thuốc chữa. Nhà nghèo không sắm nổi xe lăn; hàng ngày khi bố mẹ đi làm, em chỉ biết ngồi giam mình trong phòng và nhìn đời qua khung cửa sổ trước mặt mà buồn cho thân phận. Rồi trong đớn đau tuyệt vọng, em tìm đọc sách và tự học English, mở lớp dậy anh văn miễn phí trước sân nhà cho trẻ em làng xóm, tự học sử dụng computer, internet, rồi bắt đầu dịch thuật những tác phẩm của các văn hào nổi tiếng trên thế giới cho các nhà xuất bản ở Hànội.  Em cũng làm thơ, viết văn và cho xuất bản mấy cuốn sách thuộc loại best seller cho lớp trẻ VN hiện nay. Em cũng đoạt nhiều giải thưởng văn học, và được nhiều người mến mộ.

Cách nay hơn 10 năm tôi tình cờ quen biết em khi ủy ban xây dựng thánh đường quê tôi đã tới nhà em gần đó, nhờ em làm trung gian gởi các tin tức tiến triển về công trình xây dựng thánh đường qua emails cho tôi để tôi quyên góp trợ giúp tài chánh. Và vì thế tôi được biết hoàn cảnh bệnh tật ngặt nghèo của em.  Bẵng đi 1 thời gian không liên lạc nhau vì gia đình em dọn lên Hànội để tiện việc chữa bệnh và em làm việc với các xuất bản sách.  Mới đây tôi tình cờ vào Facebook và liên lạc lại được với em. Dưới đây là tin nhắn của em gởi cho tôi, kèm theo 1 bài báo viết về em.  Mời quí anh chị đọc cho vui.

Thân mến,

tn- B

Nguyễn Bích Lan – Người thắp lửa

TP – Gần đây, khi đến thăm bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tôi thấy một nhóm người nước ngoài đang trầm trồ trước khu trưng bày vinh danh tám người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Họ dừng lại rất lâu trước những bức ảnh của một cô gái gầy gò – người trẻ nhất trong số tám nhân vật được tôn vinh.

Rồi họ  lặng đi trước câu chuyện về tài năng và tấm gương nghị lực của cô gái ấy. Đứng cạnh họ, lòng tôi trào dâng niềm tự hào. Niềm tự hào ấy khởi nguồn từ bốn năm về trước, vào ngày 23/1/2011, khi tôi quan sát chính cô gái gầy gò ấy lên sân khấu nhận giải thưởng dịch thuật từ Hội Nhà văn Việt Nam: Giải thưởng Văn học năm 2010 cho bản dịch tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột. Dù được em trai dìu đi, từng bước chân của cô gái – dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan – khó nhọc và chậm rãi. Cô nở nụ cười trấn an những người đang lo lắng. Hình dáng nhỏ bé của cô dường như lọt thỏm giữa sân khấu lớn, nhưng ánh mắt của cô bừng lên ánh sáng ấm áp của niềm tin và nghị lực.

Tranh NGUYEN X HOANGTranh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Khi đôi chân không thuộc về mình

Những ai biết Bích Lan nhiều năm về trước chắc hẳn khó tưởng tượng rằng một ngày cô gái có bề ngoài dễ vỡ ấy có thể chinh phục được số phận, vượt qua bệnh tật và sự rình rập của cái chết để đứng trong hàng ngũ những nhà văn, dịch giả có đóng góp đáng trân trọng cho sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại.

Sinh năm 1976 tại một làng quê nhỏ ở Thái Bình, Bích Lan chưa kịp đi qua tuổi học trò ngây thơ thì thế giới đổ sụp xuống cô. Một ngày mùa đông, ở tuổi mười ba đầy trong trẻo, Bích Lan đang hăm hở đạp xe lướt đi trên con đường nhỏ xuyên qua những cánh đồng lúa xanh rì rào để đến trường thì đôi chân của cô bất ngờ mất khả năng cử động. Sự hoảng sợ thít chặt lấy cô, và cô ngã nhào từ xe xuống chiếc mương lõng bõng bùn nước. Càng vùng vẫy, Bích Lan càng tuyệt vọng. Đôi chân dường như không thuộc về cô nữa. Cô không thể nào đứng dậy được. Cô chỉ có thể thoát ra khỏi cái mương sâu hoắm ấy, khỏi sự giá lạnh và sợ hãi khi một người bạn cùng lớp ào xuống, kéo cô lên. Nhưng cũng từ đó, sự đau đớn dai dẳng đeo bám cô và triền miên hành hạ cô. Từ nhiều tháng trước đó, Bích Lan đã bị sụt cân, và giờ đây cô phải nằm bẹp trên giường, bất lực nhìn cuộc sống chầm chậm trôi qua. Cô ngơ ngác không hiểu điều gì đang xảy ra với mình.

Gia đình cô đã đưa cô đi chạy chữa khắp nơi. Rồi khi thầy thuốc tìm ra căn bệnh của cô, mọi hy vọng trong cô dường như bị dập tắt: bệnh của cô là một loại bệnh hiếm gặp và hiện chưa có thuốc chữa – bệnh loạn dưỡng cơ. Các bác sĩ cảnh báo căn bệnh này sẽ khiến cho cơ thể của cô ngày càng suy yếu, khiến cô dần mất khả năng di chuyển. Thậm chí nhiều bác sĩ tin rằng Bích Lan sẽ chỉ sống được một thời gian ngắn, vì căn bệnh sẽ khiến cô suy nhược trầm trọng.

 Nguyễn Bích Lan - Người thắp lửa - ảnh 2

Nguyễn Bích Lan.

Học để được sống

Những ngày ấy, sự đớn đau thể xác, bóng tối dày đặc của tương lai, và sự kiệt quệ về tài chính rất dễ khiến một người bình thường buông xuôi tất cả. Và sẽ thật dễ dàng khi Bích Lan để sự chán nản và tự ti chiếm lĩnh lấy cô. Nhưng thật kỳ diệu, chính trong những giây phút tăm tối nhất, Bích Lan khao khát được sống. Không chỉ sống, mà sống có ý nghĩa. Như cô đã viết trong truyện ngắn Những ngọn lửa: “Tôi cảm thấy từ một góc bí mật nào đó rất sâu trong con người mình, một ngọn lửa bắt đầu được nhóm lên. Mãi về sau tôi mới biết gọi tên ngọn lửa đó là ước mơ”.

“Tôi cảm thấy từ một góc bí mật nào đó rất sâu trong con người mình, một ngọn lửa bắt đầu được nhóm lên. Mãi về sau tôi mới biết gọi tên ngọn lửa đó là ước mơ”.

Nguyễn Bích Lan

Bích Lan ước mơ chinh phục số phận của mình. Và trong căn phòng nhỏ bé nơi cô đã phải giam mình trong thời gian dài, cô gái bé nhỏ 14 tuổi ấy bắt đầu hành trình tiếp thu tri thức của thế giới. Vượt qua tất cả mọi đau đớn thể xác, cô lao vào đọc sách. Cô đọc và đọc tất cả những quyển sách mà cô mượn được, về tất cả các lĩnh vực. Không có được diễm phúc đến trường, cô tự học một cách mê say. Học để quên đi đau đớn. Học để được sống. Học để một ngày có cơ hội báo hiếu với mẹ.

Một hôm, nhìn em trai học tiếng Anh, Bích Lan quyết định tiếp cận với môn ngoại ngữ ấy- môn học còn rất xa lạ với rất nhiều học sinh thời đó – bằng những quyển sách mà cô mượn được, bằng băng cassette và bằng trí thông minh và tinh thần kiên định. Rồi cô chập chững bước những bước đầu tiên vào biển tri thức vốn đã tồn tại hàng nghìn năm nay ở thứ ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới – tiếng Anh. Càng đọc, càng học, cô càng đứng vững trên đôi chân của trí tuệ. Rồi cô bước đi, cô chạy, cô tung tăng vùng vẫy trong biển tri thức. Ở đó, Bích Lan tìm thấy chiếc chìa khoá để tự cứu mình và sống có ý nghĩa: cô bắt đầu dịch các tác phẩm văn học mà cô yêu thích.

Những ngón tay nhỏ bé và gầy guộc của Bích Lan, yếu đến nỗi không thể cầm vững chiếc bút, nay được tiếp thêm sức mạnh khi chúng giúp cô chuyển tải vẻ đẹp của văn học thế giới sang ngôn ngữ Việt. Thật kỳ diệu khi trong vòng 13 năm qua, giữa những cơn đau thể xác vẫn dai dẳng khôn nguôi, Bích Lan miệt mài làm việc, cho ra đời 30 quyển sách dịch, tất cả đều là những tác phẩm văn học kinh điển hoặc những quyển sách đầy ắp tính nhân văn. Hàng triệu người Việt đã được truyền thêm nghị lực sống từ “người không tay không chân” Nick Vujicic, qua bốn quyển sách của anh mà cô là dịch giả. Cũng qua Bích Lan, bạn đọc Việt Nam được đắm mình trong vẻ đẹp huyền ảo và trí tuệ sâu sắc trong các tác phẩm của những nhà văn lừng danh thế giới như William Faulkner, Rabindranath Tagore, JP. Donleavy, Vikas Swarup, Julia Otsuka…

Nguyễn Bích Lan - Người thắp lửa - ảnh 3

Những ngọn lửa

Nhưng dịch thuật chưa đủ, Bích Lan gửi trọn tâm huyết và khát khao sống mãnh liệt của mình qua từng trang viết. Cô sáng tạo miệt mài, cẩn trọng, đầy trách nhiệm và say mê như thể mỗi phút giây của cuộc đời này là giây phút cuối. Cô đều đặn có những tác phẩm thơ, văn xuôi, và báo chí nóng hổi tính thời đại in đều đặn trên các tờ báo uy tín. Đến giờ, Nguyễn Bích Lan đã là tác giả của những quyển sách như Không gục ngã (Tự truyện, Nhà xuất bản Trẻ, 2010), Sống trong chờ đợi (Thơ và truyện ngắn, NXB Trẻ, 2012).

Là người dõi theo các sáng tác của Bích Lan, tôi hồi hộp mở tập truyện ngắn mới nhất của cô – Những ngọn lửa (NXB Phụ nữ, 2015). Và như tôi đã mong đợi, Bích Lan không làm tôi thất vọng. Mỗi câu chuyện trong quyển sách này kéo tuột tôi vào từng ngóc ngách sâu thẳm của một xã hội Việt Nam thời hiện đại. Ở nơi ấy, áp lực kinh tế đang khiến con người sống vô cảm, tàn nhẫn với nhau. Con vô cảm với mẹ ruột, mẹ ruột vô cảm với con, thầy vô cảm với trò… Bằng giọng văn sắc sảo, lúc thì đầy ắp chất thơ, lúc thì dịu dàng, nóng bỏng, lúc thì chua chát, ngoa ngoắt, Bích Lan phác thảo rõ nét những sắc thái của cuộc sống thời hiện đại, để những câu chuyện của cô cứa vào chúng ta sắc lẹm như những lưỡi dao. Bóng tối của lòng tham, của sự ích kỷ đang phủ trùm lên chúng ta. Cô thắp lên những ngọn lửa – những ngọn lửa của hy vọng, của lòng nhân ái, vị tha, của tình yêu giữa con người với con người vẫn tồn tại đâu đó trên cõi đời này.

Đọc quyển sách, ta không khỏi khát khao thay đổi bản thân mình, nhắc nhở mình phải sống tốt hơn, nhân ái hơn với những người xung quanh.

Vài năm trước, khi đại diện của quỹ văn học Akademie Solitude (Đức) nhờ tôi giới thiệu một nhà văn Việt Nam để họ trao học bổng sáng tác, tôi không ngần ngại đề cử Nguyễn Bích Lan. Tôi rất vui khi quỹ Akademie Solitude trao học bổng cho Bích Lan năm ấy sau khi đánh giá tầm ảnh hưởng của những tác phẩm văn học của cô.

Hiện nay, Bích Lan vẫn chỉ nặng 28kg. Cô miệt mài làm việc 9 tiếng một ngày, tuân thủ những nguyên tắc khắt khe nhất của một người sống bằng nghề viết. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, cô dịch sách. Vào thứ Bảy và Chủ nhật, cô viết hoặc dịch bài cho báo. Xen kẽ vào những công việc ấy, cô viết truyện ngắn hoặc thơ.

Độc giả Diệu Trâm từ Hội An, sau khi đọc các tác phẩm của Bích Lan, chia sẻ: Đôi khi gục lên ngã xuống nhiều lần để rồi nhận ra chuyến hành trình của mình không là gì cả so với những gì tôi biết được biết về chị Bích Lan, về những gì mà chị đã từng đối mặt và vẫn đang vượt qua… Tôi muốn gửi đến chị lời cảm ơn vì đã nhóm lên ngọn lửa niềm tin và hi vọng trong cuộc sống vốn dĩ rất ngắn ngủi này.

Không phàn nàn về số phận

Bích Lan cho biết, cô không có gì phải phàn nàn về hoàn cảnh của mình hiện tại. Cô cảm thấy ổn cho dù vẫn đau yếu bởi cô đã tìm ra cách sống chung với bệnh tật để ngày nào của mình cũng là một ngày hữu ích. Trong năm nay, ngoài tập thơ Ru và tập truyện ngắn Những ngọn lửa, Bích Lan sẽ hoàn thành bản dịch truyện cổ Andersen, và cuốn Màu của nước – tiểu thuyết nổi tiếng về phân biệt chủng tộc của nhà văn Mỹ James McBride.

Xin khép lại bài viết này với lời chia sẻ của bà Tống Thị Ninh, mẹ của Bích Lan: Bích Lan tuy không được trời cho một sức khỏe tốt, nhưng lại có được tinh thần mạnh mẽ. Những cuốn sách mà Lan đã dịch và viết mang đến cho bản thân cháu và gia đình rất nhiều người bạn đáng quý ở trong và ngoài nước. Tôi thật vui vì cháu dám sống một cuộc đời hữu ích.

Anh chị Thụ & Mai gởi

11 người Việt bị bắt vì buôn bán ma túy tại Séc

 11 người Việt bị bắt vì buôn bán ma túy tại Séc

VOA

Hình minh họa: Một người lính bảo vệ hiện trường tiêu hủy cần sa ở Tijuana, Mexico.

Hình minh họa: Một người lính bảo vệ hiện trường tiêu hủy cần sa ở Tijuana, Mexico.

13.01.2016

Cảnh sát cộng hòa Séc cho biết họ đã phá một đường dây được cho là sản xuất một lượng lớn ma túy đá để bán bất hợp pháp ở Tây Âu.

Tổng cục trưởng cảnh sát Tomas Tuhy cho biết, tổng cộng có 13 kẻ tình nghi đã bị bắt tại Cộng hòa Séc và 11 người trong số đó là người Việt. 6 người khác bị bắt ở Ba Lan.

Trong cuộc bố ráp, cảnh sát đã thu giữ tổng cộng 50kg ma túy.

Người đứng đầu đơn vị chống ma túy Jakub Frydrych cho biết, hầu hết ma túy đá được sản xuất bởi nhóm này được đưa đến Đức, thị trường truyền thống cho ma túy đá sản xuất ở Séc, nhưng đồng thời cũng dành cho thị trường Cộng hòa Séc, các quốc gia Tây Âu và Úc.

Ông Jakub Frydrych cũng cho biết, hầu hết các chất hóa học cần thiết cho việc sản xuất ma túy đều được nhập lậu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo AP, ABC News

Nếu trúng Powerball $1.5 tỉ: Đừng tậu ngay nhà to vườn rộng

Nếu trúng Powerball $1.5 tỉ: Đừng tậu ngay nhà to vườn rộng
Nguoi-viet.com

TALLAHASSEE, Florida (NV) – Với lô độc đắc Powerball xổ vào đêm Thứ Tư tuần này có thể trên $1.5 tỉ, và một ai đó sẽ trở thành tỉ phú. Tuy nhiên nếu được may mắn ấy, quí vị cần biết nên làm gì.

 Xếp hàng mua vé số Powerball trước tiệm Kavanagh Liquors ở San Lorenzo, California. (Hình: AP/Marcio Jose Sanchez)

Theo USA Today, quí vị cần có chút ít kiến thức về quản trị tài chánh, cũng như làm cách nào để loại hết những kẻ bất lương, kể cả những người tham lam xấu bụng trong vòng họ hàng thân thích.

Điều sai lầm lớn nhất của một người trúng số là vội loan báo đi khắp nơi, theo lời của ông Andrew Stoltmann, luật sư chứng khoán ở Chicago, người đại diện cho nhiều thân chủ trúng số trong những vụ kiện lừa đảo về đầu tư.

Ông Stoltmann nói, người trúng số “trở thành một trong những mục tiêu bị nhắm đến kỹ nhất trên thế giới.”

Đừng quên câu “chữ tài liền với chữ tai một vần,” có người trúng số từng trở thành phá sản hoặc chết bất đắc kỳ tử hay bị giết; trong khi có người bị bắt cóc đòi tiền chuộc.

Lập ngay một nhóm gồm các luật sư, kế toán viên có bằng hành nghề và các nhà cố vấn tài chánh đáng tin cậy, những người có thể giúp quí vị lo liệu về trách nhiệm thuế má, tránh khỏi những lừa đảo rình rập.

Quí vị cần có tất cả những người này trước khi bắt đầu chính thức nhận mình là người trúng số.

Ngoại trừ những người hết sức thân thuộc trong gia đình, quí vị nên giữ kín càng nhiều càng tốt.

Do tính cách dè dặt thường lệ, một số tiểu bang cho phép người trúng số được giấu tên.

Hãy cất kỹ vé đừng để mất hoặc bị đánh cắp vì kẻ nào lấy được đem đi nhận giải, kiện tụng để lấy lại không phải là chuyện đơn giản.

Thời gian vé số hết hạn thay đổi theo mỗi tiểu bang nhưng hầu hết các loại xổ số đều hết hạn trong vòng từ 90 ngày đến một năm.

Chọn người làm cố vấn, có thể là một bạn thân hay người trong gia đình, để giúp quí vị xem xét kỹ những đòi hỏi xin tiền của quí vị, dù đó là từ mẹ và cha hay một cơ quan từ thiện địa phương.

Lô trúng có thể được trả trong một lần hay trả dần trong nhiều năm. Cách trả trong nhiều năm giúp quí vị có thêm thời gian để học cách quản trị một số tiền quá lớn và có được những chọn lựa một cách có trách nhiệm hơn.

Gần 70% người trúng số cuối cùng trở thành trắng tay, nhiều người bị phá sản chỉ trong một vài năm. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, nên lãnh hết một lượt hay trong 30 năm.

Điều kế tiếp là đừng phô trương và chớ nên tin bất kỳ một ai.

Không vội bỏ làm, đừng tậu ngay nhà to vườn rộng. Ít nhất khoan làm ngay điều ấy.

Tốt nhất là hãy thận trọng và kiên nhẫn.

Nhất là không nên tin bất kỳ ai ngoại trừ sự phán đoán của chính quí vị. (TP)

 

LUPE

LUPE

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

“Hãy đuổi con mẹ Jo đó ra khỏi chỗ này đi, nó hôi như cứt vậy, chẳng ai chịu nổi,” những người vô gia cư khác phàn nàn về cô Jo với bà Lupe.  Bà Lupe làm thiện nguyện trong phòng tắm nữ dành cho người vô gia cư cũng được cả năm rồi, đây là một trong các chương trình của Bánh và Cá (Loaves & Fishes) ở thành phố Sacramento, California, dưới sự điều hành của Nữ tu Libby Fernandez.  Người ta xua đuổi Jo cũng phải vì thật sự cô ta hôi quá, khi Jo đi khập khiễng đến quầy gặp bà Lupe để nhận khăn tắm và xà bông, bà cũng phải nín thở để chào Jo và đưa đồ cho cô ta.  Hình như Jo không tắm rửa gì cả tháng rồi.

Jo khệ nệ lê lết thân xác to lớn của mình vào phòng tắm, ngồi trên cái băng ghế tắm dùng cho người già và khuyết tật.  Loay hoay mãi không cởi đồ được, Jo đành phải nhờ một cách ngại ngùng: “Bà Lupe ơi, nhờ bà giúp cởi đồ cho tôi được không?”  Ngần ngừ giây lát rồi bà cũng ráng đến giúp cho cô.  Khi cởi áo Jo, bà mới thấy rõ cái vai phải của Jo đã bị trật qua một bên đã nhiều năm rồi, nên lâu nay Jo không thể giơ cánh tay lên được nữa, và đó là lý do Jo không thể tự cởi đồ hay tắm giặt gì được.

“Nhờ bà tắm cho tôi được không?” Jo lại vụt miệng nhờ nữa.  Quả là khi giúp cởi đồ cho Jo, bà Lupe cũng đã choáng váng với cái mùi hôi không tưởng của cô rồi, thế mà bây giờ lại còn nhờ tắm giúp nữa, với lại bà cũng chưa hề tắm cho ai, ngoại trừ hồi xưa tắm cho hai đứa con nhỏ của bà.  Nhìn Jo thấy thương quá nên qua vài giây im lặng ngại ngùng, bà cũng ráng giúp tắm cho Jo.

LUPE

Tắm cho Jo là một tình huống rất đặc biệt.  Thân hình của Jo to gấp bốn lần bà Lupe với những lớp mỡ chảy trệ xuống, tắm cho Jo như tắm cho một khối thịt khổng lồ vậy.  Bà Lupe bắt đầu dùng vòi sen xả nước ấm lên người Jo.  Jo ngồi im lặng thưởng thức từng giọt nước ấm tưới lên cơ thể mình, và tận hưởng bàn tay xoa xà bông và chà xát của bà Lupe lên người cô.

Hồi đầu bà Lupe chỉ tính giúp qua loa cho mau thôi để còn đi làm các công việc khác vì bà không cảm thấy thoải mái với chuyện tắm rửa này, nhưng rồi bà chợt nhận ra bà đang bước vào một vùng đất “rất thánh”, như xưa kia Môsê ở trong sa mạc gặp gỡ Thiên Chúa nơi bụi gai cháy rực.  Bà nghe như Chúa đang nói với mình: “Con ơi, hãy cởi giày ra, vì nơi con đứng là vùng đất thánh.”  Ở nơi sa mạc đầy sỏi đá và gai góc, mà cởi giày ra đi chân không thì phải bước từng bước một cẩn thận và mắt luôn nhìn xuống đất để tránh không giẵm phải đá và gai sắc nhọn.  Bà Lupe nhận biết bà đang đi vào “vùng đất thánh” của Jo và bà cần phải “cởi giày ra” để bước đi từng bước chậm rãi từ tốn, nhẹ nhàng và kỹ lưỡng để Jo không bị tổn thương.  Bà tháo đôi găng tay cao su y tế đang mang để chạm vào thân thể Jo bằng chính đôi tay trần của mình.

Bà Lupe đã ở với Jo gần nửa tiếng trong cái không gian nhỏ bé đó, và cái kinh nghiệm của những giây phút thánh thiêng đã để lại một dấu ấn sâu xa, ngọt ngào cho bà trong suốt tuần lễ.  Bây giờ thì không còn là chuyện tắm cho Jo nữa, mà là cả một câu chuyện gặp gỡ thiêng liêng giữa bà với Jo trong cái không gian chập hẹp và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó.  Bà có cảm tưởng như thời gian dừng lại.  Cùng với những giọt nước mắt thổn thức như đang muốn trào ra, bà như muốn nuốt trọn vào tâm hồn từng hơi thở của một cuộc đời bị xã hội khinh rẻ và bỏ rơi của Jo vào lòng.  Bà ngỡ ngàng vì Chúa đến với bà trong một tình huống khó tả và nhạy cảm như vậy.  Bà có cảm tưởng như bà là Thiên Chúa đang chạm bàn tay từ ái vào một tội nhân đáng thương bị con người ruồng bỏ.  Đồng thời bà cũng cảm nhận bà chính là Jo, bà đang ngồi đó và được Thiên Chúa chạm vào thể xác cũng như tâm hồn để xóa sạch những vết bùn nhơ, bóng tối tội lỗi và hận thù trong lòng bà.  Lúc đầu bà tưởng bà ra tay giúp Jo, không ngờ chính Jo đang giúp bà gặp gỡ Thiên Chúa của bà.  Bà nghe văng vẳng đâu đó như có tiếng các Thiên Thần đang xướng ca…

Lạy Chúa, trong một năm vừa qua, Chúa đã đi ngang qua nhà con nhiều lần lắm nhưng mấy khi con nhận ra Chúa vì con quá bận rộn và say mê với những chương trình của con.  Đã mấy lần con thấy Chúa nhưng con không tha thiết ở lại trong những khoảnh khắc thánh thiêng ấy để chiêm ngắm Chúa.  Con đã để những giây phút thánh và không gian thánh ấy qua đi quá dễ dàng trong đời con.

Lạy Chúa, hôm nay đã bắt đầu bước qua năm mới rồi, năm mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người tín hữu sống với tâm tình “Lòng thương xót Chúa.”  Xin giúp con biết dừng chân lại để biết nhận ra và thưởng thức những cuộc gặp gỡ nhỏ bé, thầm lắng, chóng vánh, nhưng thật thánh thiêng vì Chúa đang tỏ lòng thương xót Chúa cho con.  Xin Chúa tiếp tục dạy bảo con biết chia sẻ lòng thương xót Chúa mà con đã được nhận nhưng không, cho những anh chị em con gặp gỡ mỗi ngày, nhất là những anh chị em nghèo khổ và bị ruồng bỏ, đặc biệt trong năm Thánh này.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

January 1, 2016

Kỳ lạ ga tàu chỉ chở một nữ sinh trung học suốt 3 năm

Kỳ lạ ga tàu chỉ chở một nữ sinh trung học suốt 3 năm

TPO – Ga Kami-Shirataki được đặt tại vùng cực Bắc đảo Hokkaido (Nhật Bản) chỉ có đúng một hành khách sử dụng, một nữ sinh trung học.

GA XE LUA 1

Ga Kami-Shirataki Hokkaido có một chuyến tàu chỉ phục vụ đúng một hành khách.

Ga tàu Kami-Shirataki do nằm tại vùng hẻo lánh xa xôi tại đảo Hokkaido, Nhật Bản số người sử dụng ga tàu giảm mạnh, thậm chí, một số hãng hàng không buộc phải huỷ chuyến bay tới khu vực này. Ban đầu, ban giám đốc ga Hami-Shirataki có ý định đóng cửa ga đường sắt này, tuy nhiên, do nhận thấy vẫn còn một hành khách sử dụng tàu hoả hàng ngày, họ đã tạm dừng quyết định đó.

Hành khách này là một nữ sinh trung học hàng ngày phải đi tàu đến trường. Ban giám đốc ga tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì ga tàu cho đến khi nữ sinh tốt nghiệp trung học vào tháng 3/2016. Không những thế, lịch trình của những chuyến tàu cũng được điều chỉnh để phù hợp với lịch học của nữ sinh. Sau khi cô gái tốt nghiệp trung học, ga tàu sẽ được “khai tử” hoàn toàn.

GA XE LUA 2

Ga tàu vắng vẻ Kami-Shirataki

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, người đứng đầu doanh nghiệp đường sắt Kami-Shirataki cho biết, cho dù các chi phí để duy trì một ga tàu là rất lớn, nhưng vì muốn khuyến khích sự nghiệp “đèn sách” của nữ sinh trung học, họ sẽ mở ga tàu cho đến khi cô còn đi học.

Quyết định này của chính phủ Nhật khiến cả thế giới phải ngả mũ và là một hoạt động nằm trong chiến dịch phát triển giáo dục tại đất nước Mặt trời mọc.

Tuyển dụng kiểu Google: Không thông báo, không phỏng vấn, không xem bằng cấp…

Tuyển dụng kiểu Google: Không thông báo, không phỏng vấn, không xem bằng cấp…

Một hôm tôi cùng cậu con trai nói chuyện phiếm với nhau. Con trai tôi đột nhiên kể rằng bạn của cậu đã được nhận vào làm việc cho Google. Qua lời kể, con trai tôi có vẻ rất ngưỡng mộ điều đó.

Cha con tôi đều cho rằng Microsoft và Google đều là những công ty lớn, có sức ảnh hưởng và họ đang âm thầm cải biến thế giới xung quanh mình. Nên cả hai cha con tôi đều ngưỡng mộ họ.

Câu chuyện về bạn của con tôi được tuyển vào làm việc cho Google như sau:

Tình cờ một hôm, cậu này thấy được trên tấm bảng thông báo của trường có một tờ quảng cáo nhỏ. Trên tờ quảng cáo này không ghi gì ngoài tên miền địa chỉ website và một ký hiệu toán học rất lạ. Cậu ta cảm thấy thú vị liền ghi nhớ địa chỉ website này.

Khi về nhà, bạn của con trai tôi liền truy cập vào địa chỉ website đó và chỉ thấy hiện ra một đề toán rất khó hiểu. Cậu ta cảm thấy thú vị liền lập tức giải bài toán này. Nhưng quả thực đề bài không phải dễ, vật lộn hơn nửa tiếng đồng hồ cậu ta mới giải xong bài toán.

Sau khi giải xong, trang web liền hiện ra một tờ khai yêu cầu cậu ta điền thông tin và cửa vào làm việc cho Google cứ thế mở ra.

Văn phòng làm việc của Google

Văn phòng làm việc của Google

Hãy cùng phân tích một chút về kiểu tuyển dụng này nhé:

Trên một bảng thông báo đầy màu sắc mà chỉ chú ý đến một tờ quảng cáo nhỏ không có gì nổi bật: Đây rõ là một người cẩn thận, lưu ý đến mọi vật xung quanh mình.

Xem qua địa chỉ website liền ghi nhớ trong đầu: Người này xem qua liền nhớ, trí nhớ không phải tệ.

Về nhà liền truy cập vào website đó: Người này rất hiếu kỳ, muốn khám phá và tìm hiểu.

Nhìn thấy một đề toán “không có đầu không có đuôi” mà vẫn quyết định muốn giải: Điều này nói rõ đây là người thích động não.

Giải được bài toán: Chỉ số thông minh của người này không phải thấp.

Cuối cùng: Không xem lý lịch, không xem bằng cấp, không thông báo tuyển dụng, không phỏng vấn tuyển chọn, không tiêu tốn một đồng, Google đã tìm được nhân viên lý tưởng cho mình.

Đây chính là cách Google tìm kiếm nhân tài!

“1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh”

Thân nhờ quý anh chị và các bạn giúp chúng tôi phổ biến dùm trên các diễn đàn mà quý vị tham dự.
Thành thật cám ơn.
Nam Lộc
Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH
chính thức phát động chương trình
“1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh”
 
Tâm Thư
 
Kính thưa qúy vị,
 
Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Qủa Phụ VNCH (HO/TPB/QP/VNCH) là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện điều hành bởi các thiện nguyện viên làm việc không lương bổng từ gần 20 năm qua. Hội không nhận được sự hỗ trợ của bất cứ nguồn tài chánh nào ngoài tiền đóng góp thường xuyên của một số quý vị đồng hương hoặc qua các chương trình đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” hàng năm để gây quỹ cứu trợ các TPB ở quê nhà. Tuy là một hội đoàn nhỏ, nhưng nhiều nơi cứ nghĩ rằng Hội HO/TPB/QP/VNCH là một “cơ quan trung ương” nên cứ gởi hồ sơ TPB về cho hội mỗi ngày một nhiều! Vì thế mặc dù ngân khoản thu được mỗi năm, một cao hơn, nhưng vẫn chỉ đủ tiền giúp đỡ khoảng 70% trong số 20 ngàn hồ sơ TPB và QPTS mà Hội hiện đang lưu giữ. Do đó, để tạo thêm cơ hội và phương tiện hầu giúp cho quý vị ân nhân có thể đóng góp một cách dễ dàng và tích cực hơn, kể từ ngày 1 tháng Giêng, 2016, Hội HO/TPB/QP/VNCH chính thức phát động chiến dịch có tên là “1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh”. Chương trình này sẽ được phổ biến rộng rãi trên Website: “1giadinh1thuongphebinh.orgđể mọi người Việt có lòng ở trên thế giới đều có thể tham gia được theo các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: 
 
  1. Xin quý vị hảo tâm cho biết muốn bảo trợ bao nhiêu TPB mỗi năm? Chúng tôi đề nghị mỗi cá nhân hoặc một gia đình ở hải ngoại chỉ nên bảo trợ từ 1 cho đến 5 hồ sơ TPB/VNCH mà thôi, và tiêu chuẩn giúp đỡ được chia ra như sau:
    A: Bảo trợ cho một (1) Thương Phế Binh nặng: US$240.00 mỗi năm.
    (Nặng: Cụt 2 tay, cụt 2 chân, mù hai mắt, cụt 1 tay + cụt 1 chân, hoặc bị liệt)
    B: Bảo trợ cho một (1) Thương Phế Binh nhẹ: US$120.00 mỗi năm.
    (Nhẹ: Cụt 1 tay, cụt 1 chân, mù một mắt, hoặc bị nội thương)
     
  2. Khi ghi danh bảo trợ, xin quý ân nhân cho Hội HO/TPB/QP/VNCH biết:
    A: Quý danh cùng địa chỉ nhận thư (để Hội gởi copy hồ sơ TPB đến ân nhân).
    B: Số điện thoại (cả phone tay cũng như điện thọai nhà nếu có).
    C: Địa chỉ email (nếu có).
     
  3. Sau khi nhận được các tin tức trên thì Hội chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết cùng lý lịch của người TPB theo ý muốn của quý vị (ở địa phương nào cũng được) đến địa chỉ ân nhân qua đường bưu điện để quý vị GỞI TIỀN TRỰC TIẾP về thẳng Việt Nam cho người thương binh đó. Hoặc nếu có cơ hội về thăm quê hương quý vị ân nhân đến thăm hỏi và trực tiếp trao tiền thì còn quý giá, an ủi và ý nghĩa biết bao.
     
  4. Mỗi lần gởi tiền giúp đỡ TPB, xin thông báo cho Hội biết để ghi lại lưu vào sổ.
     
  5. Đúng một năm, kể từ khi hồ sơ được gởi ra, chúng tôi sẽ theo dõi và xin phép được nhắc nhở để biết quý ân nhân còn tiếp tục bảo trợ nữa hay không?
     
  6. Thời gian bảo trợ dài hạn: Ít nhất là ba (3) năm trở lên. Tuy nhiên, nếu vì bất cứ lý do gì mà ân nhân không còn bảo trợ nữa, xin cho Hội biết càng sớm càng tốt để chúng tôi mở lại hồ sơ và tiếp tục giúp đỡ người TPB đó kẻo họ chờ mong tội nghiệp!
 
Kính thưa quý vị, các anh em TPB/VNCH đã hy sinh xương máu và một phần thân thể để bảo vệ miền Nam và cho chúng ta được sống bình an để có ngày hôm nay. Đã hơn 40 năm qua, họ phải sống cơ cực, thiếu thốn, vất vưởng ở quê nhà không được ai giúp đỡ, càng ngày càng già yếu, bệnh hoạn, chết dần, chết mòn. Chúng ta hãy giang tay cứu trợ và an ủi để anh em TPB/VNCH được hãnh diện vì biết rằng đồng hương hải ngoại vẫn luôn nhớ đến và lo lắng cho họ. Rất mong quý vị đồng hương hưởng ứng, đồng thời tiếp tay kêu gọi thân nhân, bằng hữu cùng giải thích cho con em, giới trẻ hỗ trợ Hội trong việc làm mang nhiều ý nghĩa nói trên.
 
Vậy kể từ ngày ra thông báo này, kính xin quý vị ân nhân có nhã ý hưởng ứng chương trình “1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh” hoặc muốn bảo trợ hay biết thêm chi tiết, xin liên lạc ngay với nhóm điều hành chương trình qua:
@ hoặc vào thăm Website: “1giadinh1thuongphebinh.org”.
 
 Trân trọng cảm ơn toàn thể quý vị,
 
Nguyễn Thị Hạnh Nhơn
Hội Trưởng
Hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH
&
Nam Lộc Nguyễn
Cố Vấn Tổng Quát
Hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH

Cho ngày tháng ấy lụi tàn

Cho ngày tháng ấy lụi tàn

Tạp ghi Huy Phương

Nguoi-viet.com

Bây giờ những gói quà đã được mở ra, ánh đèn trên cây Giáng Sinh đã tắt, trẻ em không còn nô nức chờ đợi và chúng ta đã trở lại với những ngày bình thường tất bật.

Các ông già Noel đi xe gắn máy trên xa lộ ở Belgrade, Serbia, hôm 26 Tháng Mười Hai, một ngày sau Giáng Sinh. (Hình minh họa: AP Photo/Darko Vojinovic)

Hai mươi lăm năm trôi qua trên đất Mỹ, tôi cảm nhận Giáng Sinh mỗi ngày mỗi buồn, không biết lý do có phải vì mỗi năm càng thấy mình mỗi già, thân không còn nhanh nhẹn, ý không còn lăng xăng. Đối với tất cả người già, như tuổi đời mệt mỏi, đứng lại bên lề đường hay lề đời, nhìn dòng xe hay dòng đời trôi qua.

Hai mươi lăm năm trước, khi tôi mới đặt chân đến Mỹ, dù chỉ với một gia đình gói gọn trong vòng năm bảy người, tuy không phải là người theo đạo Chúa, cũng như nhiều gia đình khác trong xóm, cả người ở lâu hay người mới đến, năm nào nhà cũng dựng cây Giáng Sinh, dưới gốc cây sáng ánh đèn, năm nào cũng đầy những gói quà cho nhau, được gói kỹ lưỡng với những tờ giấy gói trang trí đầy màu sắc.

Những ngày đó mỗi năm, tôi còn cắm cúi viết những lời chúc tụng trên những tấm thiếp mừng Giáng Sinh và năm mới, trình bày nghệ thuật, lúc nào cũng lấp lánh ánh ngân nhũ, mô tả những nóc nhà thờ đầy tuyết trắng, nhưng ông già Noel râu tóc bạc phơ trên chiếc xe tuyết do đàn tuần lộc, kéo chạy băng băng, từ trên bầu trời sáng đầy ánh sao.

Gần ngày Giáng Sinh, trên đường phố, tôi thường bắt gặp những chiếc xe chở những cây thông tươi nặng trĩu, và tôi có cảm tưởng rằng tất cả mọi nhà, đều có cây Giáng Sinh, có chăng đèn, kết hoa, có những gói quà cho người lớn và lũ trẻ, có bữa ăn “reveillon dinner” theo phong cách Âu Châu.

Những thương xá luôn đầy người mua sắm, không ngại tốn tiền mà ngại phải xếp hàng rồng rắn để đợi đến phiên mình trả tiền. Và những ngày cuối Tháng Mười Hai, đường về hình như kẹt xe nhiều hơn, trời thường tối sớm, cho chúng ta có cảm tưởng như bữa ăn tối thường dọn trễ hơn mọi ngày.

Có lẽ đối với trẻ em Giáng Sinh là một giấc mơ, một cơ hội tuyệt vời, nhưng đối với cả người lớn, chúng ta thử tưởng tưởng ra, một năm không có ngày Giáng Sinh, như con đường không có trạm nghỉ, dòng sông dài miên man không có một bến đỗ. Khéo cho ai đã đặt ra tuần, ra tháng, ra năm, để cho con người trên thế gian, có được cơ hội đếm thời gian, có chờ đợi, hẹn hò và cũng có hồi tưởng, để nhớ lại những ngày, những tháng, những năm…

Mãi lực mua sắm hàng năm của người Mỹ quả là có lên có xuống, nhưng là những món mua sắm cho bản thân mình. Những món quà Giáng Sinh mỗi năm cho bạn bè và người thân mỗi năm mỗi vắng. Trên đường đi, ít thấy cảnh những chiếc xe chở cây thông tươi về nhà. Trong thùng thư bưu điện họa hoằn lắm mới có tấm thiệp của người ở xa với những nét chữ quen thuộc, nhưng trong e-mail, có quá nhiều tấm thiệp vô hồn của một người gửi cho cả trăm người. Mấy năm rồi không hang đá, mà cũng chẳng buồn cây thông, con cháu lớn rồi, mỗi người một ngả, còn đâu phút sum họp mà mở quà.

Mấy năm nay không còn cái thú đi xem nhà thiên hạ giăng đèn rực rỡ đêm Noel, mà cũng chẳng còn mấy nơi chịu khó giăng đèn, chỉ còn những cây Giáng Sinh ở những khu thương mãi. Sở Vệ Sinh nước Mỹ càng ngày càng nhẹ gánh đỡ nhọc công đi đổ rác sau ngày Giáng Sinh khi thùng rác đầy giấy gói quà, thùng carton và những cây thông bắt đầu héo lá.

Cách đây 10 năm trong khu phố này, mỗi đêm Halloween có hàng chục em gõ cửa “trick and treat” năm nay chỉ có một lần với hai em, tôi bật đèn ngoài đến khuya, và rổ kẹo vẫn còn đầy. Phải chăng em không còn tuổi thơ hay ngoài đường không còn là nơi yên ổn cho em? Và phong tục, lễ tết càng ngày càng tàn lụi theo thời gian.

Rồi đây, các em sẽ biết rõ không có ông già Noel, không bao giờ có những chiếc xe tuần lộc chở nặng những gói quà, và tuổi thơ sẽ không còn mơ đến những câu chuyện huyền thoại của một thời như lúc chúng ta còn nhỏ. Nếu đời sống trần trụi, đơn điệu và mỗi đời người không có một giai đoạn gọi là tuổi thơ thì quả địa cầu này buồn biết mấy!

Thế giới hôm nay không còn “bình an dưới thế cho người thiện tâm,” thiên tai và nhân tai luôn luôn đe dọa rình rập loài người, không mang súng đạn cũng chết vì súng đạn, không là người ác cũng chịu chết như kẻ ác. Hãng thông tấn Sputnik cho biết, ở Mỹ hiện nay, súng là một món quà Giáng Sinh phổ biến và những khẩu súng làm quà tặng thì không cần kiểm tra lý lịch.

Chỉ nội cái ý nghĩ năm nay nhận được một khẩu súng lục trong gói quà Noel không biết chúng ta vui thích hay cảm thấy lạnh người, khi trên đất Mỹ, số người chết vì súng đã cao hơn số người chết vì tai nạn giao thông.

Trường học nhiều nơi, nhân viên và giáo viên đã được mang súng đến trường. Dù chưa có phép, ông già Noel cũng đã bắt đầu giấu súng trong chiếc áo bông dày cộm của ông, vì đám đông, dù là đám đông trẻ thơ tụ tập nhận quà, vẫn là mục tiêu tàn sát của bọn khủng bố.

Con người không mơ giàu có, không ước tiếng tăm, nếu được một ngày không phải lo âu, một đêm có giấc ngủ bình an, vui cứ cười, buồn cứ khóc, và mau quên những điều phiền muộn như trẻ thơ, thì thế giới hạnh phúc biết bao nhiêu!

Đó là lời cầu bình an!

Bình an dưới thế cho người thiện tâm!

 

Nghi phạm al-Qaeda gốc Việt nhận tội

Nghi phạm al-Qaeda gốc Việt nhận tội

AFP Hình ảnh tuyên truyền của al-Qaeda

Một người gốc Việt bị Anh dẫn độ sang Hoa Kỳ đã nhận tội hỗ trợ cho mạng lưới al-Qaeda.

Minh Quang Pham, 33 tuổi, bị bắt tại Anh tháng 6/2012, có thể sẽ bị án chung thân khi nghe phán quyết tại tòa án Hoa Kỳ ngày 14/4 tới.

Ông này đã nhận tội hỗ trợ vật chất cho tổ chức al-Qaeda trên Bán đảo Arabian (AQAP), tội âm mưu tham gia huấn luyện của AQAPvà tội tàng trữ súng máy.

Công tố viên Preet Bharara nói: “Ông Phạm đã hỗ trợ vật chất cho các mức cao nhất của AQAP. Nay ông ta sẽ phải đối diện án tù về hành động khủng bố mà ông ta đã nhận tội”.

Ông Minh Quang Pham bị nói đã “bí mật” tới Yemen từ Anh quốc vào cuối năm 2010 và ở đó sáu tháng để nhận hướng dẫn của các thành viên al-Qaeda.

Thông cáo của công tố viên nói: “Trong nửa năm ở Yemen, Minh Quang Pham được cho là đã tuyên thệ gia nhập thánh chiến… và cung cấp hỗ trợ vật chất cho các thành viên cao cấp của AQAP, ông ta gần như lúc nào cũng mang theo người súng trường Kalashnikov”.

Ông Minh Quang Pham bị bắt tại sân bay Heathrow, London, sau khi quay lại Anh từ Yemen vào tháng Bảy 2011. Sau khi khám xét vật dụng của ông, người ra tìm thấy các file chứa đựng bằng chứng về liên hệ của ông với AQAP cũng như đạn dược có thể dùng cho súng trường Kalashnikov.

Án chung thân

Image copyright US Department of Justice

AQAP được thành lập năm 2009 sau khi các nhóm dân quân Yemen và Ảrập Saudi hợp nhất với nhau.

Nhóm này bị cho là liên quan một loạt các vụ tấn công, trong có vụ nã súng vào tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1/2015.

AQAP cũng bị cho đứng đằng sau một kế hoạch đánh bom máy bay Mỹ ở Michigan hôm Giáng Sinh 2009.

Ông Minh Quang Pham, cư trú tại khu vực New Cross ở London, bị nói đã bỏ vợ đang có thai để đi gặp các nhân vật cao cấp trong tổ chức al-Qaeda ở Bán đảo Arabian (AQAP), hồi cuối năm 2010.

Một nhân chứng bị bắt năm 2011 khai rằng ông Minh Quang Pham đã hợp tác chặt chẽ với các nhân vật cao cấp của AQAP để thiết kế và xuất bản tạp chí tuyên truyền bằng tiếng Anh trên mạng internet có tên là Inspire, nhắm vào giới độc giả ở phương Tây.

Bác sĩ định rút ống trợ thở. Bố tức thì rút súng!

Bác sĩ định rút ống trợ thở. Bố tức thì rút súng!

Trong ngày đại lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch vừa qua, thiết tưởng không mấy nhà nào “hồ hởi phấn khởi” cho bằng gia đình Pickering ở thành phố Houston, tiểu bang Texas. Đúng lý ra vào dịp mà dân chúng Mỹ gọi chung chung là “Holiday” này, gia cảnh Pickering phải tang tóc, “buồn thúi ruột” đến độ nếu ruồi, muỗi có đậu trên môi, trên má người ta cũng không thèm đuổi. Lý do: Nhà có người chết! Vậy mà trong những ngày này, nhà cửa của họ chỉ duy nhất vang lên những tiếng chuyện trò ròn tan hơn bắp rang, tiếng cười rộn ràng chẳng khác chi pháo nổ. Nguyên nhân: Nhà có người sống lại!
Vâng đầu đuôi câu chuyện thế này:

Chàng thanh niên trong gia đình tên là George Pickering III (đệ tam), 27 xuân xanh, từ hồi tháng Giêng năm ngoái 2015, bị đột quị rồi hôn mê luôn. Các bác sĩ điều trị tại Tomball Regional Medical Center đã trổ hết tài năng, đem trọn vẹn thiện chí chức nghiệp ra cứu chữa nhưng cuối cùng đành phải “thành khẩn khai báo” với gia đình rằng “chúng tôi rất tiếc, bộ não của bệnh nhân đã hoàn toàn chết.”

Chẳng những được thông tri là người con trai này sẽ chẳng bao giờ tỉnh lại, gia đình còn nhận được lời khuyên rằng hãy đồng ý để bệnh viện khóa lại các máy trợ thở mà chức năng là lưu giữ sự sống còn cho bệnh nhân.

Bà mẹ và người em trai kế hiểu ngay vấn đề, nhận thức được hoàn cảnh “đau lòng con quốc quốc,” bèn đành lau nước mắt mà tuân theo lời chỉ dẫn của các nhà chuyên môn; tuy nhiên trước hết, họ đã sẵn lòng ký tên vào mẫu đơn thỏa thuận đưa tên George Pickering III vào danh sách những người hiến tặng nội tạng. Thế nhưng khi các bác sĩ định giơ tay rút các ống trợ thở thì ông bố, George Pickering II (đệ nhị) chợt xông tới, hùng hổ rút khẩu súng lục mà đương sự đã giấu sẵn trong thắt lưng, dưới hai ba lớp áo, bác bỏ “bản án tử hình” của các bác sĩ điều trị, quát dọa: “Tôi sẽ bắn chết hết… các ngươi nếu ai động vào máy hô hấp….”

Dĩ nhiên toàn bộ bác sĩ, y tá và nhân viên trực liền “rút lui có trật tự,” “rét” thấy rõ; mặt cắt ra không còn giọt máu, bèn xếp re thi hành mệnh lệnh của kẻ đang chĩa mũi súng đen ngòm thẳng vào họ. Chắc chắn trong đầu mỗi người này đã nổi lên lại những tin tức bắn người giống bắn ngóe gần như thường ngày vẫn xảy ra trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ này.

Theo nhật báo Washington Post, trong bầu không khí đang căng thẳng, đầy hồi hộp, bỗng một giọng hét – không rõ giọng nam hay giọng nữ – vang lên: “Yêu cầu cảnh sát tới ngay nhà thương! Chúng tôi đang gặp cảnh một thân nhân của bệnh nhân có vũ khí và đang có ý định giết tất cả chúng tôi.”
Thế nhưng, chỉ ít phút sau một người con trai khác nữa của “hung thủ” đã khéo léo tước đọat được khẩu súng trên tay của ông bố. Tuy nhiên ông bố này tiếp tục “làm như thật” là ông ta vẫn còn khẩu súng khác nữa… khả dĩ phải nhiều tiếng đồng hồ sau lực lượng đặc biệt của cảnh sát mới có thể “vồ” được can phạm trong lúc đương sự vẫn tìm cách cố thủ trong phòng cấp cứu/hồi sinh của người con trai 27 xuân xanh xấu số ấy.

… Gần một năm sau, trong cuộc phỏng vấn của đài Channel 2 Houston, bố già Pickering thú nhận buổi chiều tháng Giêng ấy, ông quả tình đã có chút men trong huyết quản bởi ông buồn thương thằng con cưng nên đã mượn rượu giải sầu rồi khi vào nhà thương lại nghe các bác sĩ muốn tắt các máy trợ thở nên ông mới “điên tiết.”

Ông này nói, “Chủ yếu là tôi chỉ muốn biết rõ liệu bộ não của nó đã chết thật hay không. Mặc dầu vậy, tôi vẫn tin chắc chắn vẫn còn sự sống nơi con tôi.”

Bố già Pickering tường thuật tiếp, “Sở dĩ tôi dám bảo đảm như thế là nhờ tôi đã có… cơ hội được ở với con tôi ba bốn tiếng đồng hồ cả trước lẫn trong khi… hòa đàm với cảnh sát.” Theo lời quả quyết của Bố già Pickering, đứa con nằm trong hôn mê đã bóp nhẹ bàn tay của cha mình.

Và cũng đúng 11 tháng sau người ta – các nhà hữu trách – đã có thể kết luận bi kịch vũ khí ấy đã cứu sự sống của người con trai.

Trong khi ông bố Pickering “đệ nhị” ngồi tù thì chỉ thời gian ngắn sau, cậu George Pickering “đệ tam” tỉnh lại, ra khỏi hôn mê… để rồi cha con đã sum họp và cùng gia đình mừng đại lễ Giáng Sinh vừa qua, sau khi người cha được phóng thích hồi đầu tháng chạp.

Ông George (bên phải) và con trai vào mùa Giáng Sinh vừa qua. (Channel 2 Houston)

Cũng trong buổi phỏng vấn của đài Channel 2 Houston, George Pickering “đệ tam” đã tâm tình nghe rất bùi tai và mủi lòng: “Luật pháp đã bị vi phạm, tuy nhiên sự vi phạm ấy là bởi tất cả nguyên nhân chính đáng. Tôi hiện có mặt tại đây là một kết quả của điều ấy. Thưa, đó chính là tình thương.”

Rồi chàng thanh niên “chết đi sống lại” này bày tỏ thêm, “Bổn phận của tất cả cha mẹ là bảo vệ con mình. Đó chính là tất cả mà bố tôi đã hành động. Tất cả những sự tốt đẹp đã thực hiện để tôi trở thành con người hiện tại, đó là nhờ người đàn ông đang ngồi cạnh tôi đây.” Đồng thời chàng chỉ tay vào ông bố mình.

Về phần bệnh viện Tomball Regional Center trong một bản tuyên cáo đề ngày 27-12-2015, viết rằng nhằm mục đích bảo vệ nhân viên, họ không thể bình luận cụ thể từng vụ riêng biệt.
Vì thể kẻ hèn này cũng chẳng dám “thêm mắm thêm muối” gì nữa, sợ “trật đường rầy,” bởi lý do thực tế nhất là bởi vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn. Vả lại, mỗi quốc gia có những luật lệ riêng về trường hợp tương tợ.

Điển hình như nhật báo Na Uy Dagbladet, số phát hành ngày 28-12-2015, cho biết các bác sĩ Na Uy mà báo này tiếp xúc đều đã bày tỏ họ “lo rằng câu chuyện này sẽ có thể gợi ý cho độc giả chống lại những sự cân nhắc, nhận định của bác sĩ.”

Thêm một tỷ phú Trung Quốc đột nhiên ‘mất tích’

Thêm một tỷ phú Trung Quốc đột nhiên ‘mất tích’
Nguoi-viet.com

BẮC KINH, Trung Quốc (AFP) – Chủ tịch một trong những công ty sản xuất y phục nổi tiếng nhất Trung Quốc, Metersbonwe, đã bất ngờ mất tích, theo công ty, khiến giới truyền thông quốc gia này hôm Thứ Sáu nghi ngờ rằng ông có thể bị bắt để điều tra trong chiến dịch bài trừ tham nhũng.

Một cửa hàng bán sản phẩm của Metersbonwe, do ông Zhou Chengjiang làm chủ tịch công ty, ở Taunggyi, Miến Điện. (Hình minh họa: Metersbonwe Facebook)

Giới chức Metersbonwe không liên lạc được với ông Zhou Chengjiang, người giàu hàng thứ 62 tại Trung Quốc, theo một bảng sắp hạng hồi năm ngoái của tạp chí Hurun, cũng như thư ký hội đồng quản trị công ty này, theo một bản thông cáo gửi đến cơ quan điều hành thị trường chứng khoán Thẩm Quyến.

Việc trao đổi chứng khoán công ty này sẽ tạm ngưng, theo công ty hôm Thứ Sáu “để bảo vệ quyền lợi của người đầu tư.”

Tờ báo địa phương Qianjiang Evening News cho hay ông Zhou có thể đã bị bắt giam trong cuộc điều tra về cung cấp tin tức nội bộ cho người bên ngoài lũng đoạn cổ phiếu.

Loan báo này được đưa ra chỉ ít tuần sau khi ông Guo Guangchag, người mệnh danh là “Warren Buffett Trung Quốc” biến mất trong bốn ngày cùng ông Fosun, chủ tịch một công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc Club Med.

Ông Fosun cho hay ông đã cộng tác với giới chức điều tra một vụ tham nhũng mà ông bị tố cáo là có liên hệ.

Giới hữu trách Trung Quốc đang nhắm đến khu vực tài chánh trong chiến dịch bài trừ tham nhũng trên toàn quốc.

Hurun ước tính tài sản của ông Zhou vào khoảng $4.1 tỷ.

Từng là một thợ may nghèo, ông đã đưa Metersbonswe, có trụ sở đặt tại Thượng Hải, trở thành một thương hiệu quần áo nổi tiếng Trung Quốc, với gần 5,000 chi nhánh trên toàn quốc. (V.Giang)