Ụ nổi 500 tỷ đã bán thành công với giá… sắt vụn

Ụ nổi 500 tỷ đã bán thành công với giá… sắt vụn

U NOI
Ụ nổi 500 tỷ của Vinalines đã bán thành công với giá sắt vụn.

Nếu muốn chọn một tin tức có thể mang lại những cảm xúc vui vẻ cho người đọc, xin chân thành khuyên bạn đọc đừng bỏ qua một bản tin ngắn trên báo Tiền phong gần đây.

Bản tin cho biết một tin vui: “Ngày 3/6, thông tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, vừa tiến hành xong phiên đấu giá bán ụ nổi 83M. Theo đó, một cá nhân đã thắng phiên đấu giá với mức 38,5 tỷ đồng”.

Cái ụ nổi 51 tuổi này nổi tiếng bởi báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực cho nó. Không phải bởi nó có đặc tính gì nổi bật mà bởi nó có một số phận kỳ lạ. Ụ nổi này đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga dừng quản lý từ năm 2006, chắc với lý do để cho… về hưu vì tuổi già sức yếu. Thế nhưng sứ mạng với đời của nó chưa hết, năm 2008, hai ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn quyết tâm rước “cụ hưu” này về.

Trần đời cũng chưa thấy có màn mua bán nào lạ kỳ như màn mua cái ụ nổi này, báo Tiền phong cho biết, trong khi bên bán chỉ chào giá 5 triệu USD thì phía Vinalines lại đòi mua với giá 9 triệu USD.

Sau khi sửa chữa, vận chuyển về đến Việt Nam, ụ nổi 51 năm tuổi này có giá lên tới 19,5 triệu USD, tức hơn giá gốc đến 14,5 triệu USD, thật là một hợp đồng thần kỳ vì bên mua càng chịu thiệt bao nhiêu càng sung sướng bấy nhiêu.

Và kết quả, sau khi rước được “cụ” ụ nổi 51 tuổi về đến nơi, chi phí neo đậu ở cảng Cảng Gò Dầu B tỉnh Đồng Nai đến nay đã lên tới hơn 50 tỷ đồng. Và ngày 3/6 mới đây, một nhà đầu tư đã bỏ ra 38,5 tỷ đồng để sở hữu chiếc ụ nổi tai tiếng. Tức là bán xong xuôi ụ nổi, Vinalines vẫn còn lỗ 11,5 tỷ đồng phí neo đậu. Còn số tiền 500 tỷ đồng (gồm tiền mua, vận chuyển, sửa chữa, bảo quản, dù chưa một lần sử dụng) đã hóa thành bọt biển tan vào đại dương.

Những con số của thương vụ mua bán này hẳn cũng tạo nhiều cảm hứng cho người đọc. Nó cho thấy chuyện kỳ lạ đến đâu, cũng vẫn có thể xảy ra, miễn là người ta quyết tâm và có ý chí làm nên nó. Có thể nói đây là vụ mua bán kỳ quặc nhất trong lịch sử thương mại thế giới chứ chẳng ngoa.

Mi An

“TÂM SỰ CỦA MỘT VIỆT KIỀU”

“TÂM SỰ CỦA MỘT VIỆT KIỀU”

Tác giả Huỳnh Vũ:

Tôi không bênh vực những tiếp viên hàng không bằng lý do ngô nghê là họ phải đút lót để đựơc có việc làm trong Air VN nên họ phải buôn lậu chuyển hàng ăn cắp để gỡ vốn.

Tôi thực sự thương hại họ, vì “Quít trồng Giang Nam thì ngọt, trồng Giang Bắc lại chua

Ngay khi chào đời, họ đã bị sinh ra trong một bệnh viện “ăn cắp“, khi lớn lên, họ lại đi học trong những trường học “ăn cắp”, giáo sư “ăn cắp” công trình trí tuệ của người khác, học sinh, sinh viên “ăn cắp” bảng điểm, “ăn cắp” bằng cấp bằng phong bì.

Khi bắt đầu bước vào xã hội, bước đầu tiên, họ đã bị lãnh đạo “ăn cắp” tiền đút lót để được có việc làm, nên họ phải tiến vào quĩ đạo ăn cắp, họ ăn cắp dự án, ăn cắp đất của nông dân, họ ăn cắp tiền phạt giao thông, họ ăn cắp sinh mạng của người dân bằng tra tấn, nhục hình.

Vì vậy , khi tôi nhìn thấy những cô ca sĩ, hoa hậu, người mẫu, vênh váo khoe khoang quần áo, túi xách, giầy dép hàng hiệu, xe khủng , nhà khủng, tôi thương hại họ quá, họ cũng bị “ăn cắp” trinh tiết, bị “ăn cắp” phẩm giá, anh ạ . Tôi có con gái, và con gái tôi may mắn, được giáo dục tại trường học phân biệt điều phải, điều trái, được tôn trọng nhân phẩm.

Khi về VN, nhiều lần, xe người bạn chở tôi đi, bị công an thổi còi, rồi công an vòi vĩnh, xòe tay cầm tiền hối lô. Tôi rơi nước mắt, họ còn nhỏ tuổi hơn con trai tôi. Con trai tôi có công ăn việc làm, nuôi con cái bằng chính sức lao động của mình, dạy con, làm gương cho con bằng chính nhân cách của mình. Những người công an trẻ đó cũng bị “ăn cắp” lương tâm?

Khi những người công an, đánh người, giết người, họ được bố thí trả công bằng vài bữa ăn nhậu, chút đồng tiền rơi rớt.

Khi những phóng viên, bẻ cong ngòi bút, viết xuống những điều trái với lương tâm, sự thật để được bố thí trả công bằng những nấc thang chức vị, những đồng lương tanh tưởi, nhà văn Vũ Hạnh đã gọi đó là “Bút Máu“.

Khi những quan tòa, đổi trắng thay đen, cầm cán cân công ly có chứa thủy ngân như trong truyện cổ Việt Nam, họ cũng bị “ăn cắp” nhân tính mất rồi.

Trong xã hội, toàn là “ăn cắp”, vậy thì kẻ cắp là ai? Ai cũng biết, nhưng giả vờ không biết, Vì văn hóa “giả vờ” là đồng lõa cho xã hội ăn cắp.

Cán bộ lãnh lương 200 đô la một tháng, xây nhà chục triệu nhưng “giả vờ” đó là công sức lao động tay chân và trí tuệ hay quà tặng của cô em “kết nghĩa”. Tôi muốn xin cô em đó cho tôi được làm “con kết nghĩa ” của cô ta quá. Thế mà có những lãnh đạo, ủy viên Trung Ương Đảng, Đại biểu Quốc Hội, Ban Nội Chính, UỶ Ban Diều Tra, Quan Tòa “Thiết Diện Vô Tư”, Phóng viên Lề phải, Thành Đoàn, Quân Đội Nhân Dân, Chiến sĩ Công An, Trí thức Yêu Nước, Việt Kiều Yêu Nước sẽ sẵn sàng giả vờ tin vào quà tặng của “cô em kết nghĩa” đó!

Còn có thể trong tương lai, sẽ có nhiều quan chức sẽ nhận được nhà khủng, quà tặng của ông anh kết nghĩa, bà chị kết nghĩa, ông bố kết nghĩa, ông cố nội kết nghĩa, khi không tìm ra con người nữa, sẽ tiếp theo con chó kết nghĩa, con trâu kết nghĩa…….

Công chúa mặc áo đầm hồng ưỡn ẹo trên đôi giày cao gót hồng đi thị sát công trường xây dựng, theo sau là một đoàn chuyên viên già tuổi tác, thâm niên công vụ, nhưng ai nấy vui vẻ, hớn hở, giả vờ công chúa là một chủ tịch tài năng thiên phú, không cần đi học, không cần kinh nghiệm.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn.

“Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì?
Hễ có phong bì thì Nó “Thank you”

Tôi buồn lắm, có đôi khi quá tuyệt vọng, tôi tự hỏi, mình có nên quên mình là người VN như con đà điểu vùi đầu trong cát, như quả chuối ngoài vàng, trong trắng, vì tôi yêu nước Mỹ quá rồi. Nước Mỹ chưa, và có lẽ không bao giờ hoàn hảo, nhưng ở đây, ít nhất không ai có thể “ăn cắp” lương tâm, phẩm giá và nhân tính của tôi. Tôi được sống như một “CON NGƯỜI” không phải chỉ “giả vờ ” “làm người” đang sống.

TÂM THƯ MỘT NGƯỜI MẸ ĐAU KHỔ

TÂM THƯ MỘT NGƯỜI MẸ ĐAU KHỔ

Hôm qua, mười năm trước đây, mẹ mang con trong lòng.  Hôm sau, mẹ làm tim con ngừng đập.  Mẹ, người mẹ của con, là người cho con sự sống, và cũng là người cho con sự chết.

Ðã mười năm trôi qua và mẹ vẫn rùng mình khi nghe đến hai chữ “phá thai.”  Có một khoảng trống trong lòng mẹ không bao giờ lấp đầy được, một nỗi hiu quạnh không bao giờ ấm lại, nỗi buồn đau không bao giờ dứt.  Ðối với mẹ, con luôn luôn là một bài ca không đoạn kết, một nụ hoa không bao giờ nở, một bình minh u ám bởi cơn mưa.

Ngay cả trong những giây phút mong manh cuối cùng của đời con, mẹ vẫn tự hỏi, “Con là trai hay gái?”  Câu hỏi ấy vẫn liên tục vang lên trong đầu mẹ ngay khi tiếng máy hút con ra khỏi lòng mẹ và đời sống của mẹ.  Dường như cái khao khát muốn biết con trai hay con gái đang bừng cháy trong lòng mẹ, nhưng không hiểu vì sao mẹ không thể hỏi người chuyên viên phá thai, họ đang nhìn mẹ mỉm cười.  Thay vào đó, mẹ chỉ gật đầu khuất phục và buồn thảm khi người này đập nhẹ vào tay mẹ và nói, “Cô không vui khi mọi chuyện đã xong sao?”

Mẹ nằm trong vũng máu, nước mắt và mồ hôi, mẹ có thể nghe những người y tá trò chuyện về chiếc xe mới, về y phục thời trang.

Ðối với họ, chấm dứt đời con là một công việc “kiếm sống bằng cách tiêu diệt sự sống.”  Với những người có mặt trong căn phòng ngập nắng ở Philadelphia 10 năm trước đây, thì đó cũng chỉ là một ngày như mọi ngày.  Với mẹ, đó là ngày đen tối nhất trong đời.

“Phá thai” – là cảm nghiệm khủng khiếp và đau lòng nhất mà mẹ đã phải trải qua khi lên 18 tuổi; và chắc chắn đó là cảm nghiệm đau đớn nhất con phải chịu khi con mới ba tháng.  Phải mất bao nhiêu năm mẹ mới nguôi ngoai.

Giờ đây – khi mẹ đong đầy nước mắt, mẹ mới nhận ra rằng đó là những gì mẹ không bao giờ quên được.  Cái ngày định mệnh của tháng Tư đó diễn lại trong đầu mẹ như một cuốn phim kinh dị buộc mẹ phải xem, và rồi không bao giờ quên được…

Ngay cả khi mẹ hoang mang nhất, mẹ biết có nhiều sự chọn lựa khác, nhưng mẹ chỉ quá lo sợ khi nghĩ đến những chọn lựa đó.  Mẹ vẫn là một đứa con nít, mẹ “chưa sẵn sàng” để làm mẹ.

Mẹ không ý thức rằng mẹ đã là một người mẹ.  Con trở thành con của mẹ từ khi thụ thai; tình yêu của mẹ dành cho con ngay khi sự sống của con bắt đầu, và dù rằng đời con đã dứt, tình yêu đó không bao giờ cùng.

Tiếng gào trong câm nín của con đã đánh thức mẹ biết bao lần trong nhiều năm, và mẹ nằm đó trong bóng đêm để than khóc sự mất mát của một đứa trẻ mà mẹ đã giết.  Ðã nhiều lần mẹ nghĩ đến việc chấm dứt đời mẹ cũng như mẹ đã kết thúc đời con.

Ðã 10 năm qua và mẹ vẫn không thể tha thứ cho chính mẹ.  Con có tha thứ cho mẹ không?  Chúa có tha thứ cho việc mẹ tiêu diệt một sự sống mà Ngài đã dựng nên không?

Mẹ đã trải qua bao cơn ác mộng trong nhiều năm.  Hình ảnh thai nhi nằm trong bao rác đã ám ảnh mẹ đến tận tiềm thức.  Mẹ thức giấc mà toát mồ hôi lạnh, cái cảm giác đau đớn cùng cực của ngày đó lại sống dậy.  Mẹ nhớ lại cái đau đớn ghê gớm của việc phá thai – nhưng 10 phút đau đớn đó không thấm gì so với 10 năm đau khổ mà mẹ phải chịu từ ngày ấy.

TRE EM

Ðã bao năm lòng mẹ ao ước viết cho con những dòng chữ này, nhưng mỗi lần mẹ định gởi tâm tình qua dòng chữ thì mẹ chỉ thấy trang giấy ngập tràn nước mắt hơn là mực đen.  Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, đêm nay thật khác lạ…

Có thể lá thư này giúp được những người khác tránh khỏi những đau khổ mà mẹ đã trải qua, giúp những thiếu nữ bị “rắc rối,” như mẹ 10 năm trước đây, để nhận thấy rằng có những thay thế khác cho việc phá thai…

Nếu lá thư này ngăn cản được chỉ một vụ phá thai, nó cũng đã đạt được mục đích.  Nhưng Con Yêu, mẹ muốn gởi lá thư này cho con để con biết rằng mẹ yêu con – bất cứ con ở đâu.  Và xin con tha lỗi cho mẹ.

Mẹ yêu con.

Ẩn danh

Langthangchieutim gởi

Quân nhân Mỹ gốc Việt thứ nhì thăng cấp tướng

Quân nhân Mỹ gốc Việt thứ nhì thăng cấp tướng

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016-06-07

229557-Flora-2-600.jpg

Chuẩn Tướng Flora, tay trái đặt trên bìa cuốn Kinh Thánh do con gái cầm, tay phải giơ tay thề trung thành với Tổ Quốc Hoa Kỳ và giữ sự trung tín trong chức vụ mới.

Hình: Cotton Puryear, Virginia National Guard Public Affairs

00:00/00:00

Vào ngày 6 tháng 6 năm 2016, quân đội Hoa Kỳ chào đón tân Chuẩn tướng gốc Việt Lapthe Flora, thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia-National Guard, vừa được thăng cấp tại thành phố Bedford, bang Virginia.

Buổi lễ thăng cấp chuẩn tướng trang trọng dành cho Đại tá Lapthe Flora, chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Troop 91, thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia, diễn ra vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 6 tháng 6 tại Đài Tưởng Niệm D-Day ở thành phố Bedford, tiểu bang Virginia.

Trong số khoảng 300 khách tham dự, nhiều người thể hiện nỗi xúc động qua lời chia sẻ của chủ tọa buổi lễ vinh thăng, Thiếu tướng Timothy Williams về Chuẩn tướng Lapthe Flora là thuyền nhân gốc Việt đầu tiên được thăng cấp tướng trong lịch sử của quân đội Hoa Kỳ. Khó ai có thể hình dung được chàng thanh niên Châu Lập Thể, sinh năm 1962 tại Việt Nam, đã vượt biển và định cư tại Mỹ dưới sự bảo trợ của cha mẹ nuôi, ông bà John và Audrey Flora, trở thành một vị tướng trong lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ.

Trước nhất, cảm thấy tự hào vì cộng đồng người Việt Nam có thêm một chuẩn tướng nữa trong quân đội Mỹ, giống như Chuẩn tướng Flora nói là ‘sự kiện lịch sử’, tôi đồng ý như vậy.
– Hạ sĩ Tâm Nguyễn

Xuyên suốt 35 năm qua, từ một người tị nạn di dân không nói được một chữ tiếng Anh cho đến quá trình làm việc và cống hiến trong quân đội kể từ khi tốt nghiệp cử nhân Học viện Quân sự Virginia và biệt phái phục vụ lực lượng trừ bị quân đội Mỹ hồi năm 1987, Chuẩn tướng Lapthe Flora có thể được xem như biểu tượng của sự thành công đối với các quân nhân và cũng là niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt.

Qua lời phát biểu tại buổi lễ thăng cấp, Chuẩn tướng Lapthe Flora nhấn mạnh bằng hai ngôn ngữ Anh-Việt “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ông cảm ơn nước Mỹ và tất cả những người liên quan đến cuộc đời của ông đã giúp cho ông đạt được thành công hôm nay, đồng thời cũng bày tỏ được vinh dự phục vụ trong lực lượng Vệ binh Quốc gia để bảo vệ tổ quốc và cuộc sống bình an cho người dân Hoa Kỳ. Chuẩn tướng Lapthe Flora còn nói lời cảm kích và lấy làm vinh hạnh trước sự hiện diện của quý đồng hương trong buổi lễ vinh thăng dành cho ông. Riêng đối với những cựu quân nhân Quân lực VNCH, Chuẩn tướng Lapthe Flora chuyển lời đến họ bằng tiếng Việt:

“Tôi xin thành thật có vài lời để tri ân họ, qua sự hy sinh cao cả và chiến đấu dũng cảm, bất khuất và kiên cường để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cũng như duy trì an ninh cho toàn dân trong suốt hơn 20 năm. Đồng thời tôi xin nêu lên niềm cảm phục của tôi qua sự kiên trì, chịu đựng trong bao năm lưu đày khổ sai, khốn khổ và ly tán của các cựu chiến sĩ cũng như gia đình họ sau cuộc chiến tranh.”

Chia sẻ với Đài RFA, Chuẩn tướng Lapthe Flora cho biết kể từ khi gia nhập quân đội chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày được thăng cấp tướng mà luôn nghĩ đến là phải làm tốt những gì cần làm. Đối với ông giây phút này thật sự là ngoài sức tưởng tượng.

Tuy nhiên trong bài phát biểu, Chuẩn tướng Lapthe Flora nói rằng buổi lễ thăng cấp này nên được xem là lịch sử để kiên định niềm tin vào giấc mơ Mỹ. Ông khẳng định là cơ hội tại quốc gia vĩ đại Hoa Kỳ không có giới hạn. Giấc mơ Mỹ là có thật đối với những ai dám theo đuổi với sự chú tâm, siêng năng làm việc và kiên trì, bền bỉ.

Giấc mơ Mỹ

Trong sự nghiệp quân đội của mình, Chuẩn tướng Lapthe Flora từng phục vụ qua hầu hết các công việc của lưc lượng Vệ Binh Quốc Gia Virginia, bao gồm Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ Binh 116, Lữ đoàn Bộ Binh Toán Chiến đấu 116 (IBCT). Ngoài ra, Chuẩn Tướng Lapthe Flora từng giữ chức sĩ quan điều hành toán IBCT, giám đốc hành quân Sư đoàn 29 Bộ binh và giám đốc kế hoạch chiến lược và chính sách của Bộ Chỉ huy Liên quân-Virginia. Chuẩn tướng Lapthe Flora cũng phục vụ tại các chiến trường Bosnia, Kosovo và Afghanistan. Sắp tới, ông sẽ đảm nhiệm vai trò phụ tá Thiếu tướng đặc trách về sáng kiến chiến lược.

Một trong những người có mặt tại buổi lễ, Hạ sĩ Tâm Nguyễn, thuộc lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ cho biết cảm xúc trong giây phút Chuẩn tướng Lapthe Flora được gắn lon một sao:

“Trước nhất, cảm thấy tự hào vì cộng đồng người Việt Nam có thêm một chuẩn tướng nữa trong quân đội Mỹ, giống như Chuẩn tướng Flora nói là ‘sự kiện lịch sử’, tôi đồng ý như vậy. Và thứ hai, điều này chứng minh rõ ràng là giấc mơ của Hoa Kỳ là có thật nếu chúng ta đoàn kết, siêng năng làm việc thì sẽ đạt được giấc mơ đó.”

Rất là tuyệt vời và thật là vinh hạnh vì có được một tấm gương cho người khác noi theo trong sự nghiệp quân đội của họ
– Thiếu tá Brandon Lyndsey

Cùng phục vụ trong lực lượng Vệ binh Quốc gia, tham dự buổi lễ vinh thăng, Thiếu tá Brandon Lyndsey nói với Đài ACTD:

“Rất là tuyệt vời và thật là vinh hạnh vì có được một tấm gương cho người khác noi theo trong sự nghiệp quân đội của họ. Chúng ta khó mà tìm được một vị tướng nào có nhiều kinh nghiệm, được nhiều người yêu quý, ngưỡng mộ nhưng lại rất khiêm tốn. Đó là cảm nhận tuyệt vời của tôi trong ngày hôm nay.”

Điều ghi nhận đặc biệt trong buổi lễ thăng cấp này, Chuẩn tướng Lapthe Flora chọn đúng vào ngày 6 tháng 6 là ngày tưởng niệm vinh danh các lực lượng đồng minh, trong đó có cha nuôi của ông, đã đổ bộ lên bờ biển Normandy hồi Thế Chiến II, cách nay 72 năm và buổi lễ diễn ra tại Đài Tưởng Niệm Quốc gia D-Day ở thành phố Bedford, tiểu bang Virginia, là nơi có tỷ lệ cư dân hy sinh nhiều nhất trên toàn nước Mỹ trong trận đổ bộ Normandy.

Buổi lễ vinh thăng dành cho Chuẩn tướng Lapthe Flora kết thúc với những lời chúc mừng và các bức hình lưu niệm cùng thân nhân, đồng nghiệp, bạn bè và cộng đồng người Việt ở vùng Hoa Thinh Đốn.

Việt Nam ‘mời’ tàu chiến Trung Quốc vào Cam Ranh

Việt Nam ‘mời’ tàu chiến Trung Quốc vào Cam Ranh

Khu trục hạm Vũ Hán dẫn đầu một đoàn tàu hải quân tham gia một cuộc tập trận chung với Nga trong vùng biển Nhật Bản.

Khu trục hạm Vũ Hán dẫn đầu một đoàn tàu hải quân tham gia một cuộc tập trận chung với Nga trong vùng biển Nhật Bản.

07.06.2016

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Việt Nam vừa lên tiếng trước thông tin mời tàu chiến Trung Quốc vào cảng Cam Ranh chiến lược.

Bên lề diễn đàn an ninh khu vực cuối tuần qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết rằng Việt Nam không chỉ mời tàu Trung Quốc mà còn cả tàu của các nước khác.

Báo điện tử Zing News dẫn lời ông Vịnh nói: “Về lâu dài, cảng Cam Ranh sẽ được sử dụng trong mục đích kinh tế, vừa để phục vụ mục tiêu đối ngoại nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước”.

Còn về câu hỏi rằng liệu Việt Nam có kế hoạch mở cửa các căn cứ quân sự cho nước ngoài sử dụng hay không, quan chức quốc phòng này nói “Việt Nam không có các căn cứ quân sự để nước khác sử dụng”.

“Tất cả các căn cứ quân sự đều do Việt Nam quản lý và sử dụng. Khi những tàu các nước đến thăm đều là các chuyến thăm hữu nghị trong khuôn khổ những chương trình hợp tác”, ông Vịnh nói.

Trước phát biểu của ông Vịnh, tờ Hoàn Cầu Thời Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng “sau Nhật, Nga, Pháp và Ấn Độ, chiến hạm Trung Quốc nhận được lời mời của Việt Nam thăm cảng Cam Ranh, một con bài vạn năng của ngoại giao Việt Nam”.

Tờ báo nhiều lần chỉ trích Việt Nam xích lại gần Mỹ bình luận thêm rằng đây là động thái “khiến dư luận ít nhiều cảm thấy ngạc nhiên”, đồng thời đặt câu hỏi “phải chăng Việt Nam đã thực sự tận dụng tối đa Cam Ranh trên cả lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế?”

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La cuối tuần trước, Thứ trưởng Vịnh không cụ thể đề cập tới biển Đông và Trung Quốc, nhưng nói rằng “tất cả các quốc gia cần phải “Hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột”, cũng như “tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; đồng thời, thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng”.

Sáng nay 5/6 cuộc biểu tình vì môi trường đã nổ ra tại Hà nội.

nguồn: Dũng Mai added 5 new photos — with Trần Bang and 11 others.

Sáng nay 5/6 cuộc biểu tình vì môi trường đã nổ ra tại Hà nội. Khá nhiều nhóm không kết nối được và sớm bị an ninh bắt giữ đưa đi các nơi tạm giữ. Một nhóm khoảng 10 người hiện bị giam ở số 6 Quang Trung và khoảng 30 anh em bị đưa sang Trụ sở công an quận Long Biên.

HA NOI 1H NOI 2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

H N 3

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ SẼ ĐẾN VIỆT NAM VÀO NĂM 2017

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ SẼ ĐẾN VIỆT NAM VÀO NĂM 2017

 12009570_1063072167037720_65530178979805366_n

Lời của Đức Tồng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam : “Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến Việt Nam vào năm 2017. Nếu Đức Thánh Cha qua sẽ mời Ngài đến vùng này (Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Núi Cúi), bởi đây là nơi có thể đón được nhiều người đến đón Đức Thánh Cha nhất”.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho ước nguyện đón Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm quê hương Việt Nam. Xin cho mọi người biết noi gương sáng đời sống đạo đức thánh thiện của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt đời sống khó nghèo khiêm hạ.

 

11986533_1063072187037718_8498004048764425213_n

Hội nghị Thường niên kỳ II của Hội đồng Giám mục năm nay diễn ra tại Toà Giám mục giáo phận Xuân Lộc, từ ngày 14 đến ngày 18 tháng Chín. Như mọi khi, Hội nghị khai mạc với giờ Chầu Thánh Thể lúc 20 giờ ngày 14-09, xin Chúa chúc lành và ban muôn ơn trên các Đức cha tham dự Hội nghị. Hội nghị lần này vắng mặt Đức giám mục Bắc Ninh không tham dự được vì đau bệnh, và một vị khác bận công tác mục vụ xa.

12004736_438669846335232_899486207047331929_n

Đầu giờ khai mạc sau giờ Chầu, sau khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chào mừng quý Đức cha, và báo tin Đức Tổng giám mục Đại diện Toà Thánh không đến dự buổi đầu tiên như thông lệ, vì ngài đang trong thời gian nghỉ hè. Đức cha Phó Tổng thư ký thay Đức cha Tổng thư ký thông báo chương trình nghị sự; Hội nghị lần này sẽ bàn đến các vấn đề như: tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót; duyệt các Bản văn phụng vụ; tiến trình thành lập Học viện Công giáo; chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Gia đình; bàn thêm về Mục vụ Di dân; soạn Thư mục vụ 2016 gởi Cộng đồng Dân Chúa; các giáo phận và các Uỷ ban chia sẻ thông tin sinh hoạt năm qua; xúc tiến án phong chân phước 2 vị Giám mục tiên khởi Lambert De La Motte và François Pallu.

Hội nghị sẽ kết thúc vào tối thứ Năm 17 tháng Chín và ngày hôm sau các Đức cha sẽ hiệp thông với giáo phận Xuân Lộc trong Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây dựng công trình Hành hương Thánh Mẫu tại Núi Cúi.

Bùi Thành Châu

Trung Quốc phát tờ rơi xuyên tạc về biển Đông tại Shangri-La

Trung Quốc phát tờ rơi xuyên tạc về biển Đông tại Shangri-La

Tuổi Trẻ

Quỳnh Trung (từ Shangri-La)

4-6-2016

Tờ rơi tiếng Hoa gồm những nội dung xuyên tạc về Biển Đông mà Trung Quốc chủ ý phát cho các đại biểu quốc tế tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: V.T.

TTO – Tờ rơi gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, cung cấp thông tin xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.

Chiều 3-6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Tờ rơi được phát có nội dung tuyên truyền những luận điệu sai trái của nước này về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Nội dung tờ rơi này cho rằng các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, và quần đảo Nam Sa (là Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa”.

Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế:

“Theo luật pháp quốc tế, tranh chấp chủ quyền có những đặc tính mang tính loại trừ. Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa từ xa xưa đã được thiết lập, bất kỳ nước nào khác cũng không thể yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nếu không sẽ đi ngược lại nghĩa vụ của mình đối với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác”.

Ngoài ra, theo nội dung tờ rơi, Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan.

Bắc Kinh còn cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này.

Lao động Trung Quốc ở Formosa – Vũng Áng hiện nay

Lao động Trung Quốc ở Formosa – Vũng Áng hiện nay

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016-06-04

000_9U22R-622.jpg

Lao động Trung Quốc tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hôm 03/12/2015.

AFP

Hiện đang có rất nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc tại Vũng Áng, trong đó có tới 3.000 lao động không có giấy phép làm việc. Họ là ai và đang sinh sống và làm việc ra sao?

Người lao động Việt Nam trong khu công nghiệp Formosa và người dân Vũng Áng nói gì nói gì về họ?

Cục cằn và keo kiệt

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, tổng số lao động nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 5.321 người trong đó lao động Trung Quốc là 3.680 người. Theo thông tin của VNN online cho biết, hiện có trên 3.000 lao động Trung Quốc chưa có giấy phép.

Công nhân Trung Quốc phần lớn là đàn ông, phụ nữ ít, họ là những thanh niên, trung niên tuổi từ 25 đến 50. Phía Trung Quốc mua đất ở bên ngoài ở gần đó để làm nhà cho công nhân ở chứ họ không ở bên trong (Formosa).
-Chị Ngoan

Nói về số lượng công nhân người Trung Quốc hiện làm việc tại Formosa Vũng Áng, anh Bằng, một người dân ở thị xã Kỳ Anh đã từng làm công nhân tại khu công nghiệp Formosa nói với chúng tôi:

“Tôi từng làm công nhân của Formosa từ năm 2013, lúc đó số lượng công nhân Trung Quốc có khoảng 10.000 người.”

Chị Ngoan, một công nhân hiện làm việc trong khu vực Formosa cho biết, lao động Trung Quốc làm việc trong Formasa rất đông, họ được bố trí ở tại các ký túc xá xây dựng bên ngoài khu công nghiệp Formosa trên một vùng rất rộng. Chị khẳng định:

“Tôi là công nhân thuộc C19 trong khu công nghiệp Formosa. Công nhân Trung Quốc phần lớn là đàn ông, phụ nữ ít, họ là những thanh niên, trung niên tuổi từ 25 đến 50. Phía Trung Quốc mua đất ở bên ngoài ở gần đó để làm nhà cho công nhân ở chứ họ không ở bên trong (Formosa). Nghĩa là cả ngày họ làm việc ở trong đó và sáng đi, chiều về. Họ mua nguyên cả một vùng đất để làm nhà ở ở đó.”

Trả lời câu hỏi về tính cách và thái độ của các công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Formosa?

Theo chị Ngoan họ là những người cục cằn và keo kiệt, họ không biết nói tiếng Việt. Tuy nhiên hiện tượng công nhân Trung Quốc ăn nhậu say xỉn hay đánh lộn là rất ít. Chị bày tỏ:

“Họ đưa công nhân của họ sang đa phần là không có giấy phép, 1 phần 3 là những người tù tội, bụi đời. Vì thế hồi có bạo loạn, em làm ở C19 có 2 người Trung Quốc chết mà không ai nhận xác vì họ không có giấy tờ tùy thân. Để đó 4-5 ngày thì xác trương sình lên. Vậy không biết họ làm thế nào để đưa xác chết về nước.”

Anh Bằng cho rằng, vào năm 2013 lúc mới sang Việt Nam các lao động Trung Quốc tỏ ra coi khinh người Việt Nam ra mặt, điều đó có thể dẫn đến các hiểu lầm của mọi người. Tuy vậy sau vụ bạo loạn tháng 5/2014 tại Vũng Áng những lao động Trung Quốc này đã biết và thay đổi thái độ. Anh giải thích:

“Nhìn chung họ cũng vẫn quan hệ bình thường với người Việt mình và chẳng có sự phân biệt gì cả. Đấy là nói rất thật mà chẳng thiên gì về Việt Nam hay Trung Quốc. Phải thừa nhận hồi trước khi có bạo loạn (5/2014) thì họ cũng có coi thường người Việt mình, nhưng sau đó đến bây giờ thì họ rất tôn trọng.”

000_9U22S-400.jpg

Người Trung Quốc trong một nhà hàng ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 03/12/2015. AFP PHOTO.

Chị Ngoan cho biết, có một số lao động Trung Quốc lấy vợ người Việt Nam, song đó chỉ là việc tạm thời mang tính mua vui. Theo chị các phụ nữ Việt Nam cũng xác định trước như vậy, vì thế đó không phải là chuyện bất thường. Chị tiếp lời:

“Ở trong đó thấy phụ nữ người Việt Nam mình cặp bồ, cặp bịch với bọn họ rất là đông. Cũng có những người lập gia đình với người Trung Quốc, song có ít người đưa nhau về ở bên Trung Quốc lắm, chứ không phải anh nào lấy vợ rồi cũng đưa họ về bên kia đâu, ít lắm.”

Nói về sinh hoạt của các lao động Trung Quốc trong khu vực Vũng Áng. Theo anh Bằng ngoài phố cũng có nhiều người Trung Quốc và Đài loan mở cửa hàng kinh doanh bên cạnh các cửa hàng của người địa phương. Anh cho biết quan hệ giữa người Việt ở Vũng Áng và các lao động Trung Quốc bình thường và thân thiện. Anh cho biết:

“Thu nhập bình quân của công nhân Trung Quốc vào khoảng 30-35 triệu VNĐ/tháng, nói chung họ cực kỳ tiết kiệm. Cửa hàng của người Trung Quốc cũng có nhiều, của người Đài Loan cũng có nhiều. Đó là các quán ăn, tiệm tạp hóa hay cửa hàng bán quần áo. Công nhân Trung Quốc vẫn ra phố chơi, mua bán và tiêu dùng bình thường, theo tôi nhận định họ vẫn sống thoải mái và không có gì khác biệt cả.”

“Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép”

Dưới nhan đề “Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép”, báo VNN cho biết, liên quan đến tình trạng lao động Trung Quốc trái phép tại Formosa Vũng Áng, báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, chỉ có 1.400/4.154 lao động Trung Quốc được cấp phép, chỉ đạt 36%.

Nói về tình trạng lao động Trung Quốc làm việc trái phép trong khu công nghiệp Formosa, anh Bắc cho biết về số lượng cụ thể thì khó mà xác định được cụ thể là bao nhiêu người. Theo anh các cấp chính quyền ở Kỳ Anh – Hà tĩnh đã buông lỏng quản lý. Anh Bằng tiếp lời:

Khi tôi còn làm việc trong Formosa thì chỉ riêng trong Công ty tôi làm việc cũng đã có khoảng hơn 200 người Trung Quốc làm việc trái phép, những người này họ không ở trong ký túc xá mà ở lại ngay tại công trường.
-Anh Bằng

“Khi tôi còn làm việc trong Formosa thì chỉ riêng trong Công ty tôi làm việc cũng đã có khoảng hơn 200 người Trung Quốc làm việc trái phép, những người này họ không ở trong ký túc xá mà ở lại ngay tại công trường. Rõ ràng như vậy là chứng tỏ họ làm việc bất hợp pháp, vì tại sao họ không về ở tại các ký túc xá hay khách sạn của Công ty? Và tôi xác nhận là không bao giờ thấy công an kiểm tra họ.”

Chị Ngoan cho biết rằng hết sức ngạc nhiên về việc công an ở Vũng Áng hiện nay chỉ lo bảo vệ cho lao động Trung Quốc, kể cả số lao động trái phép. Ngược lại họ lại bắt nạt lao động người Việt Nam. Chị nói:

“Không biết công an có kiểm tra giấy tờ của công nhân Trung Quốc ở trên chỗ họ ở hay không? Nhưng trong khu vực Formosa thì không thấy họ kiểm tra bao giờ, mà chỉ thấy họ kiểm tra và bắt người Việt nam mình. Công an chỉ bảo vệ cho người Trung Quốc chứ không bảo vệ cho người Việt Nam, mà hắn còn hành người Việt Nam. Em cảm thấy buồn vì bất công quá.”

Tác giả Nguyễn Hữu Qúy viết trên báo Người Việt gần đây có đánh giá rằng: “Rõ ràng, Trung Quốc đang thực hiện cuộc di dân rất âm thầm, nhưng quyết liệt và hiệu quả vào lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp, có sự tiếp tay của quan chức Việt Nam ở cấp cao, thông qua chính sách đầu tư xây dựng và khai khoáng. Mà Vũng Áng quả là một vị trí lý tưởng không chỉ để khống chế Việt Nam về mặt đường bộ, mà toàn bộ đường biển đi vào Vịnh Bắc Bộ.”

Liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, anh Bằng cảnh báo:

“Cái tin ấy thì tôi có được nghe, nhưng theo sự nhìn nhận của tôi thì hệ thống tường rào của Formosa họ làm kiên cố như kinh thành của Vua chúa. Gỉa sử bây giờ ở bên ngoài xe tăng của mình có đâm vào, tường có sập xuống thì cũng không thể lên được. Bởi vì hệ thống tường ấy có hào sâu 8 m, rộng 8m bao xung quanh. Xe tăng đâm vào cũng không thể lên nổi.”

Đại biểu quốc hội Trần Tiến Dũng thấy rằng, việc lao động Trung Quốc không hợp pháp đang cư trú và làm việc trong dự án Formosa đã vi phạm điểm B, khoản 5, điều 17, nghị định 167/2013 về việc “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có các hoạt động khác ở Việt Nam nhưng không được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam” với mức xử phạt sẽ từ 15-25 triệu đồng/ngườicông. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, một sai phạm có thể sẽ phải chịu nhiều hình thức xử lý khác nhau.

Việt kiều ‘mất tích’ về tới Hoa Kỳ

Việt kiều ‘mất tích’ về tới Hoa Kỳ

 

Kim Cung WTKR News 3

Bà Khưu Hiền Duyên (ôm hoa) bị “mất tích” trong sáu này và khi được tự do nói bà bị công an bắt giữ

Bà Khưu Hiền Duyên, một người làm từ thiện và cũng là một nhà hoạt động, đã về tới Hoa Kỳ sau khi xuất hiện trở lại qua sáu ngày ‘mất tích’ và nói bà bị công an Việt Nam giữ.

Bà Hiền Duyên, người cũng có tên Dolly, ‘mất tích’ hôm 26/5, ngay trước khi bà dự định trở lại Hoa Kỳ trong chuyến đi dự kiến kéo dài từ 11-27/5.

Trang web của truyền hình địa phương ở tiểu bang Virginia, Đài WTKR News 3 nói bà Khưu đã chạy tới vòng tay người nhà tới đón ở sân bay Norfolk International Airport vào lúc hai giờ sáng giờ địa phương.

Đài nói bà Hiền Duyên cùng hai cô con gái và một con trai đã ôm nhau hơn năm phút và dẫn lời bà nói:

Họ [người dân Việt Nam] không có [nhân] quyền và tự do chút nào và điều đó khiến tôi thấy cần lên tiếng vì họ. Không phải thay cho họ mà là nhân dânh sự tự do và quyền con người mà họ đáng ra phải có.

Bà Khưu Hiền Duyên

“Tôi cố gắng để về đây với các con. Tôi tự nhủ dù thế nào thì tôi cũng phải về nhà vì tôi không làm gì sai cả.”

Trước đó những người gần gũi với bà Hiền Duyên dẫn lời bà nói rằng công an Việt Nam bắt giữ ở Quận Tân Bình tối 26/5 vì “không có giấy tờ” tùy thân rõ ràng.

Ba người Việt Nam khác cùng bị bắt và cũng đã đều được trả tự do.

Bà Hiền Duyên được cho là người cập nhật trang Facebook có hơn 20.000 người theo dõi mang tên Mã Tiểu Linh mà trong đó có nhiều thông tin về biểu tình vì khủng hoảng cá chết.

Bà cũng được WTKR News 3 dẫn lời nói bà coi việc bị bắt giam là cơ hội để nói trực tiếp với chính quyền và những sai trái của họ và nói thêm:

“Họ [người dân Việt Nam] không có [nhân] quyền và tự do chút nào và điều đó khiến tôi thấy cần lên tiếng vì họ. Không phải thay cho họ mà là nhân dânh sự tự do và quyền con người mà họ đáng ra phải có.”

‘Mất tích’

Bà Hiền Duyên được cho là “mất tích” đêm 26/5, chỉ vài giờ trước khi lên máy bay về lại Hoa Kỳ.

Một ngày trước khi bà Hiền Duyên xuất hiện trở lại, chồng bà, ông Khưu Xuân Quang ra thông báo hôm 31/5:

“Cho đến hôm nay thì chúng tôi đã liên lạc với Tòa Lãnh Sự tại Việt Nam và nhân viên đặc trách về trường hợp Dolly.

“Mặc dù người nhân viên của Tòa Lãnh Sự chưa xác định được trường hợp của Dolly nhưng ông ta đã trấn an gia đình chúng tôi rằng ông ta sẽ cố gắng bằng mọi cách sẽ đưa Dolly trở về gia đình tại Hoa Kỳ an toàn trong thời gian ngắn.”

‘Giúp trẻ em nghèo’

Ông Quang nói nghề nghiệp chính của vợ ông là chuyên viên tài chính của hãng Transamerica Company nhưng bà thường xuyên làm từ thiện cho các trường học và cũng là thành viên của tổ chức từ thiện Tình Thương, hay Love Foundation.

Đây là một hội từ thiện “giúp đỡ những trẻ em nghèo khó ở các vùng nông thôn xa xôi tại Việt Nam bằng cách gởi đến các con em sách vở và các thứ cần thiết để các con em có điều kiện đến trường học.”

Ông Quang cũng cho biết thêm trong thông báo: “Gia đình chúng tôi sinh sống tại vùng Hampton Road-tiểu bang Virginia trên 25 năm. Vợ chồng tôi có 3 người con. Con trai lớn của chúng tôi tên là Calvin, 18 tuổi, hiện đang phục vụ trong quân đội Virginia National Guard, và hai người con gái là Vivian, 15 tuổi và Julianne, 13 tuổi.”

Đại diện Formosa: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, chọn đi!”

Đại diện Formosa: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, chọn đi!”

25/04/2016 17:23 GMT+7

Đây là bài viết của báo Tuổi trẻ trong nước , ông Chu Xuân Phàm ngày 25-04-2016 đã gián tiếp xác nhận FORMOSA đã thải chất độc ra biển.

TTO – “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”

 Đại diện Formosa: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, chọn đi!"
Ông Chu Xuân Phàm cùng với chuyên viên chỉ cho PV Tuổi Trẻ rằng hiện tại chỉ số quan trắc nằm trong phạm vi cho phép xả thải – Ảnh: Văn Định

Ông Chu Xuân Phàm – trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội đã có những phát biểu “gây sốc” như vậy khi trả lời phóng viên Tuổi Trẻ vào sáng 25-4.

Trong cuộc trao đổi này, khi được hỏi về việc từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm – trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội – đã có những phát biểu “gây sốc”.

Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.

Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của VN.

Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”

Tuổi Trẻ xin trích đăng nguyên văn:

“Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên.

Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.

Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ.

Ở một diễn biến khác, cách đây ít phút, quyền Chánh Văn phòng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Quốc Tuấn đã có thông báo về ý kiến kết luận của thứ trưởng Vũ Văn Tám xung quanh vụ cá chết bất thường tại miền Trung từ đầu tháng 4 tới nay.

Theo thông báo này, hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện từ ngày 6-4 tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường, các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.

“Nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc các yếu tố khác” – thông báo của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết. Thông báo này cũng cho hay hiện không còn hiện tượng cá chết bất thường. (LAN ANH)

MỘT LINH MỤC VIỆT NAM ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM GIÁM MỤC TẠI CANADA

MỘT LINH MỤC VIỆT NAM ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM GIÁM MỤC TẠI CANADA

Tác giả:  Minh Đức – WHĐ

 

Đức cha David Monroe –

nguyên giám mục Kamloops-

và Đức Tân giám mục Giuse Nguyễn Thế Phương
WHĐ (02.06.2016) – Ngày 01 tháng Sáu 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Thế Phương -Tổng đại diện Tổng giáo phận Vancouver (Canada)-, làm Giám mục chính toà giáo phận Kamloops, Canada, thay thế Đức cha David Monroe, mãn nhiệm theo giáo luật (75 tuổi). Đức cha Monroe đã coi sóc giáo phận Kamloops từ năm 2002, và cũng như vị giám mục kế nhiệm, ngài cũng là nguyên Tổng đại diện của Tổng giáo phận Vancouver.

Đức Tân giám mục Nguyễn Thế Phương sinh ngày 25 tháng 3 năm 1957 tại Việt Nam, là anh cả trong một gia đình có 10 anh chị em. Từ năm 1969, học Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh ở Ban Mê Thuột. Ngài từng bị bắt giam hai lần vì dạy giáo lý. Sau đó vượt biên đến Palawan, Philippines và sống ở trại này một năm. Năm 1987 đến Vancouver, Canada và làm thợ sơn để có tiền học tiếng Anh vì khi đến Canada ngài không hề biết một chữ tiếng Anh. Sau đó, học triết học tại Chủng viện Chúa Kitô Vua ở Mission, British Columbia và học thần học tại Chủng viện thánh Phêrô ở London, Ontario. Thụ phong linh mục ngày 30 tháng Năm 1992 cho Tổng giáo phận Vancouver.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài đã đảm nhận các chức vụ: phó xứ các giáo xứ: Thánh Giuđa ở Vancouver (1992-1993), Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Delta (1993-1995) và Thánh Thể ở Vancouver (1995-1997); chánh xứ các giáo xứ: Đức Mẹ Thương xót ở Burnaby (1997-2001) và Thánh Anrê ở Vancouver (2001-2010); Giám đốc đặc trách ơn gọi linh mục (2010-2013); Tổng đại diện (từ năm 2013).

Một người em trai của ngài cũng là linh mục của giáo phận của Hamilton, Ontario, và hai người em gái là nữ tu.

Đức cha J. Michael Miller, CSB, Tổng giám mục Vancouver đã chúc mừng giáo phận Kamloops có một Tân giám mục là một vị giảng thuyết lôi cuốn, một người có tinh thần phục vụ và cổ vũ mạnh mẽ cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đức cha Miller nói: “Sự cống hiến của ngài cho chức linh mục là hết sức phong phú: từ việc thành lập Nhà Vianney (dành cho các thanh niên phân định ơn gọi linh mục), phát hành tờ thông tin về đời sống linh mục và tu sĩ, đến việc mở triển lãm về ơn gọi, ngài thực sự đã làm hết mình để cổ vũ ơn gọi linh mục.

Đức cha Miller nói ngài rất tiếc vì mất một người bạn và người đồng sự, nhưng “giáo phận Kamloops sẽ được hưởng nhiều ơn ích từ vị mục tử tận tuỵ, thương người và có tinh thần cầu nguyện này. Là người đã thực sự chịu bách hại vì đức tin, Đức Tân giám mục sẽ là tấm gương khích lệ người Kitô hữu can đảm làm chứng trong thế giới của chúng ta”.

Ngày lễ tấn phong Tân giám mục Kamloops chưa được ấn định.

Minh Đức – WHĐ