Sau 19 năm sống đời thực vật, ông đột nhiên tỉnh lại và nói những lời làm rung động giới y học

Sau 19 năm sống đời thực vật, ông đột nhiên tỉnh lại và nói những lời làm rung động giới y học

tinh-lai-sau-19-nam

 

Sự tỉnh lại của Jan sau 19 năm sống đời thực vật đã khiến giới y học chấn động. Câu chuyện tình nghĩa vợ chồng vượt qua hoạn nạn của họ cũng khiến người đọc không khỏi rơi lệ.

Jan Grzebski sinh tháng 12 năm 1942. Là một công nhân ngành đường sắt Ba Lan, sau khi gặp tai nạn, ông rơi vào tình trạng hôn mê năm 1988. Ông tỉnh dậy vào năm 2007 sau 19 năm sống đời thực vật. Tin tức ông tỉnh lại đã khiến cả thế giới chấn động và lời ông nói khi ấy đã làm rung động giới y học.

Điều thực sự sốc chính là, sau khi tỉnh lại, Jan Grzebski đã nói những lời này: “Đầu não tôi rất tỉnh táo và nó vẫn đang làm việc, tôi nghe được mọi chuyện, còn có thể suy nghĩ và ghi nhớ giống như lúc bình thường, chỉ có điều nó không điều khiển được thân thể, điều này khiến tôi rất lo lắng.”

Năm 1988, khi đang làm việc trên tuyến đường sắt, ông đã không may gặp tai nạn và bị chấn thương ở đầu. Ông đã rơi vào tình trạng sống đời thực vật từ thời điểm đó. Bác sĩ nói rằng ông không còn hi vọng tỉnh lại, nhưng sau 19 năm hôn mê, ông đã thức dậy vào ngày 12 tháng 4 năng 2007. Sau khi tỉnh lại, ông vẫn có thể nói chuyện như một người bình thường. Về vấn đề này, bà Gertrude, vợ của ông Grzebski cho biết: “Việc ông ấy tỉnh lại không phải là một phép lạ, nhưng cũng không dễ dàng, và tôi chưa bao giờ từ bỏ hy vọng.”

Gertrude vừa khóc vừa nghĩ lại cảnh ông Jan sống cảnh thực vật. Suốt 19 năm ấy, bà không biết mình đã làm thế nào mà bước qua được. Bà nói: “Khi biết ông ấy phải sống đời thực vật, từ thời điểm đó, tôi cũng cảm thấy trời đất như sụp đổ. Nhưng tôi cũng tin tưởng ông ấy sẽ không rời bỏ mẹ con tôi sớm như thế, ông sẽ vẫn luôn ở bên cạnh mẹ con tôi. Tôi vừa chăm ông ấy trên giường bệnh, vừa nuôi dưỡng 4 đứa con thơ. Không có tiền, nhưng tôi biết mình cần phải chống đỡ mọi thứ.” Nỗi thống khổ mà bà đã vượt qua không phải ai cũng cảm nhận được. Những lúc cảm thấy cơ cực, bà chỉ có thể khóc thầm một mình mà không dám khóc trước mặt chồng con.

tinh-lai-2

Mặc dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng bà Gertrude chưa từng cầu xin sự giúp đỡ của người khác. Bà chăm sóc chồng mình không kể ngày đêm, mỗi ngày đều nói chuyện cùng với ông. Mặc kệ ông Jan có thể nghe thấy hay không, bà cứ một mực kể mọi chuyện. Lúc bà giận, lúc bà cười, ông Jan cũng chỉ nhìn với ánh mắt vô hồn. Sau mỗi buổi học, các con lại đến bên ông kể chuyện sinh hoạt học tập ở trường.

Mỗi khi ra ngoài, bà Gertrude luôn mở camera để quan sát chồng mình. Mặc dù khuôn mặt của ông không có phản ứng gì, nhưng bà cảm thấy rằng, nghe được tiếng nói thì ông Jan sẽ không thấy cô đơn. Bà cũng chia sẻ rằng, ông ăn uống rất ít, mỗi lần đưa thức ăn vào miệng thì lại thấy miệng ông nhai một cách nhẹ nhàng. Do đó bà tin tưởng, nhất định ông sẽ tỉnh lại vào một ngày nào đó. Trời xanh quả không phụ lòng người, với sự kiên nhẫn chăm sóc của bà Gertrude, cuối cùng ông Jan đã tỉnh lại sau 19 năm sống đời thực vật.

Thật khó có thể tin, bà luôn mỉm cười chăm sóc ông như chăm chút một bảo vật, giúp ông nhúc nhích vận động. Khi ông tỉnh lại, bà đã không nhịn được mà khóc trước mặt ông, những giọt nước mắt của sự hạnh phúc. Ông Jan nhớ lại, trong lúc nằm trên giường, thực tế đầu óc vẫn đang suy nghĩ, mắt vẫn nhìn thấy mọi thứ và tai vẫn nghe được mọi chuyện.

Ông Jan tâm sự: “Khi đó, tôi biết rõ mọi chuyện xảy ra bên cạnh mình, chỉ là không thể cử động, không thể nói, ngày nào cũng chỉ biết nằm im một chỗ. Tôi đã rất lo lắng. Khi thấy vợ không quản vất vả ngày đêm chăm sóc tôi, khi thấy những đứa trẻ từ trường về lại chạy đến bên tôi lúc ẩn lúc hiện, nghe thấy âm thanh vui đùa khắp nhà khi con lập gia đinh, khi thấy dáng vẻ thật đáng yêu của cô cháu gái, tôi đã vô cùng sốt ruột trong tâm bởi vì không cách nào biểu lộ cảm xúc của mình đối với họ. Bây giờ, tôi có thể từ từ nhớ lại những ngày đã qua và biểu đạt cảm xúc của mình rồi.”

Sau khi tỉnh lại, ông đã từ từ nhận thức thấy sự thay đổi của thế giới này thông qua việc đi siêu thị cùng vợ. Ông thấy, vợ mình vừa vào cửa hàng đã vội lấy chiếc giỏ và nhặt đồ cần dùng bỏ vào. Ông vô cùng ngạc nhiên mà thốt lên: “Em muốn làm gì vậy? Bởi vì, trong ký ức của ông, người đến bách hóa mua đồ phải xếp hàng rất dài rất dài, đến lượt mình mới được mua đồ và thanh toán tiền.

Đối với Jan mà nói, mặc dù biết được sự thay đổi của thế giới thông qua chiếc Tivi nhưng lần cảm nhận thực tế này vẫn khiến ông không khỏi kinh ngạc mà thán phục. Ông nói: “Tôi biết rõ Đông u đã xảy ra biến cố, tôi biết rõ Ba Lan có thay đổi lớn, theo trên Tivi, tôi biết đất nước này thực hiện bầu cử tổng thống, vị tổng thống hiện tại là ông Kaczynski.” Mỗi một lời ông nói ra đều biểu lộ cảm xúc vui mừng khôn tả. Khi vợ nói với ông: “Chúc ngủ ngon!” Ông đã nỉ non: “Em đến nằm bên cạnh anh, nói chuyện cùng anh đi.”

Mỗi ngày, Jan đều cười vui vẻ, giống như muốn bù lại sự tổn thất niềm vui gần 20 năm qua. Ông hào hứng nói với các phóng viên: “Tôi phải cảm ơn vợ tôi cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời này. Bởi vì, bà ấy đã một lòng giúp tôi, làm cho tôi hết thảy mọi thứ. Thật không ai có thể cố gắng được như vậy.”

Giới y học vẫn cho rằng, người sống đời thực vật thì sẽ không có nhận thức, không có ý nghĩ, không có cảm xúc, không biết tư duy, không ghi nhớ được chuyện gì. Sự tỉnh lại sau 19 năm sống đời thực vật của ông Jan đã khiến giới y học phải xem xét lại quan điểm này.

San San

Thủ phạm đàn áp nhân quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài

Thủ phạm đàn áp nhân quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài

VOA

Trà Mi

15-12-2016

Quốc hội Mỹ ngày 8/12 thông qua một dự luật nhân quyền ‘bước ngoặt’ nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu.

Luật Magnitsky quy trách nhiệm nhân quyền toàn cầu do Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện được thông qua chưa tới một tuần sau khi dự luật tương tự do dân biểu Chris Smith và Jim McGovern ra mắt tại Hạ viện được chuẩn thuận với tỷ lệ áp đảo.

Giới hoạt động nhân quyền xem đây là một thành công lớn, một trợ lực quan trọng cho công cuộc cổ súy dân chủ-nhân quyền tại các nước lâu nay bị chỉ trích vi phạm nhân quyền như Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một trong những nhà hoạt động trong 6 năm qua đã tích cực vận động cho dự luật này được thông qua Quốc hội Mỹ, chia sẻ với VOA Việt ngữ về nội dung và ảnh hưởng của dự luật trừng trị các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới đang chờ được Tổng thống ký ban hành, dự kiến trước cuối năm nay.

TS Nguyễn Đình Thắng: Luật này được thông qua ở Hạ lẫn Thượng viện với tỷ số quá bán 2/3, cho nên nếu bị Tổng thống phủ quyết, Quốc hội có thể phủ nhận phủ quyết đó rồi bỏ phiếu lại, cuối cùng cũng phải thông qua. Thứ hai, luật này kèm trong luật chi ngân sách quốc phòng trên 600 tỷ Mỹ. Cho nên, nếu phủ quyết luật này thì các chương trình quốc phòng sẽ bị đình trệ.

h1Thượng nghị sĩ John McCain.

VOA: Tầm quan trọng của luật này ra sao?

TS Nguyễn Đình Thắng: Rất quan trọng vì nó hoàn toàn là phương thức mới trong việc chế tài. Trước đây, việc chế tài gắn vào cả quốc gia, nên các nước, kể cả Hoa Kỳ, rất ngần ngại. Chế tài cả quốc gia khó khăn, ảnh hưởng nhiều chính sách khác như hợp tác quốc phòng hay mậu dịch..v..v.v. Ngoài ra, còn có quan ngại rằng chính người dân bị đàn áp ở quốc gia bị chế tài lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn trong khi kẻ vi phạm lại phây phây. Bây giờ, luật chế tài này nhắm trực tiếp từng cá nhân các giới chức chính quyền vi phạm nhân quyền trầm trọng.

VOA: Những biện pháp chế tài thấy rõ nhất trong luật này?

TS Nguyễn Đình Thắng: Gồm hai điểm chính. Thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được bãi miễn lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự bãi miễn đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. Thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che dấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên. Vì sao? Vì trong rất nhiều các nước độc tài, kẻ vi phạm nhân quyền cũng chính là những tay tham nhũng lớn, dấu của cải ở các nước phương Tây. Quan trọng hơn, luật áp dụng với tất cả các loại nhân quyền được quốc tế công nhận. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Chúng ta biết rằng tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam rất phổ biến. Thứ ba, những giới chức tham nhũng mà đi trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền trầm trọng.

VOA: Những kẻ vi phạm đó làm thế nào lọt vào danh sách chế tài?

TS Nguyễn Đình Thắng: Con đường thứ nhất, một số Ủy ban của Hạ và Thượng viện Hoa Kỳ có quyền đề cử danh sách lên Tổng thống. Tổng thống có 120 ngày để ra quyết định chế tài hay không. Nếu Tổng thống từ chối không chế tài thì phải giải thích cho Quốc hội biết lý do. Vai trò của xã hội dân sự trong vấn đề này rất quan trọng vì các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới cũng có quyền đóng góp ý kiến cho Quốc hội và cho hành pháp Mỹ. Con đường thứ hai, khâu phụ trách Lao động-Nhân quyền-Dân chủ trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có quyền nộp danh sách lên Tòa Bạch Ốc đề nghị chế tài.

VOA: Mối quan hệ Việt-Mỹ lâu nay dựa trên nền tảng nhân quyền làm điều kiện tiên quyết. Luật này ra đời, quan hệ Việt-Mỹ có thể bị tác động thế nào?

TS Nguyễn Đình Thắng: Chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi hành pháp Mỹ muốn che chắn bớt cho chính phủ Việt Nam vì những lợi ích khác ngoài nhân quyền thì cũng sẽ khó hơn. Khi Quốc hội Mỹ có hồ sơ rõ ràng rằng những giới chức này đã vi phạm nhân quyền trầm trọng theo đúng định nghĩa của luật thì rất khó để bên hành pháp có thể lờ đi.

VOA: Liệu luật này sẽ làm mối quan hệ Việt-Mỹ chùn lại hay là chất xúc tác để thăng tiến hơn?

TS Nguyễn Đình Thắng: Trên nguyên tắc, nó không ảnh hưởng mọi vấn đề đối tác về quốc phòng, mậu dịch, viện trợ…v…v..Thế nhưng, khi các giới chức lãnh đạo Việt Nam nằm trong danh sách chế tài này không qua được Mỹ để công vụ thì sẽ là một sự lúng túng ngoại giao. Luật này đang lan ra rất nhiều nước. Cùng ngày Quốc hội Mỹ thông qua, Quốc hội Estonia cũng thông qua và Tổng thống đã ban hành luật. Hiện cũng có đề nghị luật này ở Canada, Anh quốc, và sắp sửa được đưa ra ở Quốc hội Na-uy.

VOA: Với tình hình nhân quyền Việt Nam, luật này đóng vai trò thế nào?

TS Nguyễn Đình Thắng: Sẽ rất quan trọng nếu chúng ta làm đúng việc, đúng cách. Chẳng hạn trong thời gian qua, chúng tôi có cách thức ‘kết nghĩa’. Cứ mỗi cộng đồng trong nước bị đàn áp như Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành, hay Công giáo…v.v.., chúng tôi lại kèm một nhóm ‘kết nghĩa’ để kết nối, cập nhật thông tin với nhau, liên tục theo dõi. Nếu có một dấu hiệu nào bị đàn áp thì họ lập tức thu thập thông tin và chuyển cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ lập báo cáo nộp cho Liên hiệp quốc hay Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là trước đây. Bây giờ, với luật mới, chúng ta có thể dùng những thông tin đó để đề nghị chế tài những giới chức can dự hay chỉ thị đàn áp người dân. Thành ra, đây là biện pháp để bảo vệ trực tiếp cho người dân bằng sự răn đe rằng người vi phạm sẽ bị chế tài.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Cứ 2 phút, có một người trẻ nhiễm bệnh HIV

Cứ 2 phút, có một người trẻ nhiễm bệnh HIV

Thứ năm 01.12 vừa qua là ngày thế giới chong bệnh liệt kháng, hay còn gọi là SIDA theo tiếng Pháp, AIDS theo tiếng Anh. Nhân dịp này, tổ chức UNICEF Nhi Đồng thế giới, đã cho công bố một báo cáo theo đó, con số bệnh nhân nhiễm vi trùng HIV có thể gia tăng 60% trong vòng năm 2030 tới đây nếu không có những biện pháp mới, nhất là đối với giới trẻ.

Báo cáo của UNICEF khẳng định rằng hiện nay, cứ mỗi 2 phút đồng hồ, có thêm một người trẻ nhiễm bệnh liệt kháng, rất thường khi là một thiếu nữ. Nếu không ngăn chặn kịp thời, con số người trẻ nhiễm bệnh mới có thể gia tăng lên 400 ngàn trường hợp mỗi năm, so với 250 ngàn trong suốt năm 2015 vừa qua trên toàn thế giới.

Bệnh liệt kháng cho đến nay, vẫn là một trong các nguyên do chính gây ra cái chết cho giới trẻ. Trong năm ngoái 2015 đã có 41 ngàn người chết vì bệnh này ở trong lớp tuổi từ 10 đến 19. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ đã đạt được trong lãnh vực phòng ngừa, nhất là ngăn ngừa sự truyền bệnh từ mẹ sang con cái. Vẫn trong năm 2015, có khoảng 1,1 triệu người nhiễm bệnh HIV là phụ nữ, thiếu niên và trẻ em. Những em từ 0 đến 4 tuổi bị nhiễm bệnh dễ bị chết nhất và thường khi khám phá ra bệnh rất trễ vì chúng sống tại các nước nghèo Phi châu nam sa mạc Sahara.

Tổng giám đốc UNICEF ông Anthony Lake, nói: Thế giới đã thực hiện những bước tiến khổng lồ để ngăn chặn bệnh liệt kháng. Thế nhưng cuộc chiến vẫn còn dài, vẫn chưa kết thúc, nhất là đối với người trẻ và trẻ em. Mỗi 2 phút đồng hồ, có một người trẻ nhất là các thiếu nữ, có khả năng nhiễm bệnh HIV. Nếu chúng ta muốn đánh bại bệnh liệt kháng, chúng ta phải duy trì tính cách khẩn trương của vấn đề này và gia tăng gấp đôi nỗ lực quảng bá thông tin tức về căn bệnh này đến với mọi người trẻ và thanh niên thiếu nữ.

Các nỗ lực này phải tập trung vào bốn tiêu điểm là đầu tư vao cố gắng tìm các tiến bộ ngăn ngừa mới, nhất là đối với người trẻ và trên lãnh vực địa phương, củng cố công trình thu thập dữ liệu, chấm dứt mọi kỳ thị, bao gồm cả những hành vi bạo lực, bảo đảm các hệ thống ngăn ngừa, thông tin và giáo dục toàn diện về tính dục cho người trẻ. Theo UNICEF, từ năm 2014, ngân khoản tài trợ cuộc chiến chống liệt kháng đã giảm thiểu nhiều. (ANSA/AGI 01.12.2016)

Mai Anh

Do Tan Hung & Nguyễn Kim Bằng  gởi

Trích Hồi Ký Tống Văn Công: CUỘC TRANH LUẬN VỀ TƯ PHÁP TRÊN BÁO SỰ THẬT

Trích Hồi Ký Tống Văn Công: CUỘC TRANH LUẬN VỀ TƯ PHÁP TRÊN BÁO SỰ THẬT

Viet-studies

9-12-2016

tong-v-cong
Ảnh bìa, Hồi ký Tống Văn Công. Nguồn: Người Việt Books
Tôi gởi đơn xin tòng quân, nhưng được phân công về Phòng Bình dân Học vụ, Nha Giáo dục Nam Bộ, do thạc sĩ Hoàng Xuân Nhị làm giám đốc. Phòng này mới thành lập do nhà giáo Nguyễn Hậu Lạc làm trưởng phòng. Đã có một vài người tới trước tôi như Ca Lê con cả của giáo sư Ca văn Thỉnh, Đặng Minh Trang con giáo sư Đặng Minh Trứ… Chưa có công việc gì làm, chúng tôi thường đến hai nơi: một là, văn phòng của Nha Giáo dục để gửi thư và nhận thư; hai là tới Thư viện đọc sách báo.

Thư viện của Nha Giáo dục có khá nhiều sách. Ở đây tôi được đọc hai bộ sách lớn củả chủ nghĩa cộng sản: “Lịch sử Đảng cộng sản Liên xô” và “Những nguyên lý chủ nghĩa Lê Nin của Stalin”. Cũng ở đây tôi đọc quyển “Sửa đổi lề lối làm việc” của X.Y.Z. Giám đốc Hoàng Xuân Nhị giới thiệu “quyển này là một tác phẩm lớn của Hồ Chủ tịch”. Quyển sách khiến tôi tha thiết mong muốn được trở thành đảng viên cộng sản bởi câu này: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Trong sách này, Cụ Hồ cảnh báo cán bộ đảng viên chớ có làm “quan cách mạng”, cậy quyền, cậy thế, hũ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo… Bài “ Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy mạnh phê bình tự phê bình” của Cụ Hồ tôi đọc như nuốt từng lời đã góp phần cho tôi được… “ngu lâu”.

Đặc biệt tại thư viện của Nha Giáo dục, tôi được đọc về cuộc tranh luận hồi năm 1948 trên báo Sự Thật của Đảng cộng sản Đông Dương (với danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác) và báo Độc lập của Đảng Dân Chủ “Về vai trò của Tư pháp trong Nhà nước cách mạng Việt Nam”. Một bên là Quang Đạm biên tập viên của báo Sự Thật do Trường Chinh làm Tổng biên tập và bên kia là luật gia Vũ Trọng Khánh nguyên Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với sự hỗ trợ của luật gia Vũ Đình Hòe đương kim Bộ trưởng Tư pháp. Dù rất ham đọc, tôi không hiểu bao nhiêu. Tuy nhiên vấn đề gai góc đó buộc tôi tiếp tục tìm hiểu mãi. Còn hồi đó khi biết Cụ Hồ có quan điểm giống như Quang Đạm thì tôi ngờ rằng Vũ Trọng Khánh đã bị lý thuyết của bọn thực dân phương Tây đầu độc!

Quang Đạm viết “Tư pháp với Nhà nước” trên số báo 91 ngày 15–4–1948, sau đó bài “Tính chất chuyên môn trong Tư pháp” trên số báo 93 ra ngày 19–5–1948. Ông cho rằng: Trong xã hội có giai cấp không có gì nằm trên cuộc đấu tranh giai cấp. Tư pháp là mộtbộ phận của nhà nước được phân công vận hành để cùng với chính quyền phục vụ lợi ích giai cấp. Độc lập Tư pháp, Tam quyền Phân lập chỉ là huyền thoại nhằm che đậy bản chất áp bức của chế độ tư bản. Ở nước ta trước đây, chính quyền thực dân cũng đưa ra huyền thoại đó, nhưng tòa án của nó chưa bao giờ mang lại công lý cho nhân dân ta. Ông kêu gọi Tư pháp không nên “độc lập” mà nên “kết hợp” với chính quyền và phối hợp với tập quyền. Tức là Tư pháp phụ trách về chuyên môn, nhưng chịu sự lãnh đạo chung.(Hồi đó chưa nói là chịu sự lãnh đạo của Đảng). Ông cho rằng Tư pháp độc lập dễ trở thành đối lập.

Vũ Trọng Khánh, nhân danh một số “anh em có trách nhiệm về Tư pháp” trả lời Quang Đạm. Ông cho rằng luật cao hơn đấu tranh giai cấp. Luật không chỉ là công cụ của giai cấp thống trị mà còn là công cụ bảo vệ kẻ yếu chống lại kẻ mạnh và kẻ có quyền lực. Ông đặt câu hỏi cho Quang Đạm: “Khi điều 712 Dân luật bắt kẻ nào làm thiệt hại đến người khác thì phải bồi thường cho người ấy, và bộ Hình luật làm tội những kẻ đánh nhau hay giết người không vì cớ chính trị thì đó là bảo vệ ai và đàn áp giai cấp nào”?

Trả lời Quang Đạm về “Trạng thái độc lập Tư pháp sẽ chuyển thành đối lập”, ông Vũ Trọng Khánh viết: “Khi một người nào đó ra lệnh cho Tòa án phải xử thế này thế khác mà Tòa án không nghe theo thì chúng tôi cho rằng đấy là giữ quyền độc lập. Nếu ông Quang Đạm cho như thế là đối lập thì tôi muốn hỏi ông, khi các thẩm phán can thiệp vào việc hành chính hay chính trị thì các ủy ban hành chính sẽ cư xử thế nào để cho khỏi thành ra ‘đối lập’”? Ông Quang Đạm khuyên rằng: “Tư pháp phải kết hợp với nhà nước mà đối lập với các lực lượng phá hoại chính quyền. Không một bộ phận nào được tách mình ra khỏi khối đoàn kết”. Đáp lại những lời kỳ quặc ấy, tôi chỉ hỏi: “Các thẩm phán đứng trong hàng ngũ kháng chiến từ trước tới nay thì gọi là ở trong hay ở ngoài khối đoàn kết? Khi Tư pháp trừng trị kẻ bắt người trái phép, tha bổng cho những kẻ bị bắt vô chứng cứ thì đó là phá hoại chính quyền hay củng cố chính quyền”?

Ông Vũ Đình Hòe kế nhiệm ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã viết bài “Tư pháp trong chế độ dân chủ mới” (báo Độc lập tháng 7 năm 1948) cho rằng, nước ta từ thời cổ đại cho tới thời thuộc địa chưa bao giờ có nền Tư pháp độc lập. Chính Cách mạng Tháng Tám, có Hiến pháp 1946, nhân dân ta mới được hưởng hệ thống luật tiến bộ này. Ông nhắc rằng Tam quyền phân lập, Tư pháp độc lập đang là thể chế hiện tồn của nhà nước cách mạng chúng ta”.

Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc hồi tháng 2 năm 1948, tức là 2 tháng trước khi xảy ra cuộc tranh luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tư pháp làmột cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính”. Như vậy là từ năm 1948, Cụ Hồ đã dứt khoát đặt “đoàn kết, hợp tác” lên trên “độc lập tư pháp”! Hai năm sau, trong thư gửi Hội nghị Học tập của cán bộ ngành Tư pháp (từ ngày 2 tháng 5 đến 23 tháng 7 năm 1950) để cải cách tư pháp phục vụ tình hình mới, Cụ Hồ lại viết hoàn toàn giống những điều Quang Đạm đã viết trong cuộc tranh luận hồi năm 1948: “ Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình; luật pháp cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của nhân dân ta. Luật pháp cũ đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội thật, nhưng trật tự xã hội ấy chỉ có lợi cho thực dân phong kiến, không phải có lợi cho toàn thể nhân dân đâu. Luật pháp đặt ra trước hết là để trừng trị áp bức. Phong kiến đặt ra luật pháp để trị nông dân. Tư bản đặtra luật pháp để trị công nhân và nhân dân lao động. Luật pháp của ta hiện nay là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Một điều nữa các chú cần nhớ là giai cấp thống trị sử dụng luật pháp kết hợp với những cái khác. Luật pháp của các giai cấp bóc lột đặt ra để áp bức các giai cấp bị bóc lột. Nếu nó đứng một mình thì bộ mặt áp bức của nó lộ rõ quá. Cho nên giai cấp phong kiến cho nó dựa vào cái khác. Cái ấy là cái gì? – Phong kiến cho luậtpháp dựa vào đạo đức của nó. Đạo đức phong kiến chủ yếu là cương thường: Tôn vua, kính thầy, yêu cha…”

Mặc dù luật gia Vũ Đình Hòe vẫn là Bộ trưởng Tư pháp, nhưng cuộc học tập rất quan trọng nói trên lại do ông Trần Công Tường, Thứ trưởng, bí thư Đảng đoàn Đảng cộng sản trực tiếp lãnh đạo! Đến năm 1960 nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xóa bỏ Bộ Tư pháp và các Trường luật. Từ đây, công dân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sống trong thể chế Đảng công khai đứng trên pháp luật. Ông Vũ Đình Hòe khôn ngoan đã lùi dần để sinh tồn, đến cuối đời ông viết quyển sách có tựa đề “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh” đề ra 5 yếu tố: 1– Yếu tố pháp quyền dân tộc và ảnh hưởng Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ; 2– Yếu tố pháp quyền quân chủ lập hiến của Vương quốc Anh qua các cuộc cách mạng dân chủ; 3– Yếu tố pháp quyền của Cách mạng Pháp dưới lá cờ Tự do, Bình đẳng, Bác ái; 4– Yếu tố pháp quyền công nông của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, với chuyên chính vô sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa; 5– Yếu tố pháp quyền dân tộc dân chủ của cách mạng Trung Hoa trải qua hai lần Quốc Cộng hợp tác.

Bị tha hóa tệ hại, Vũ Đình Hòe nhìn chế độ toàn trị là chế độ pháp quyền nhân nghĩa và tìm cho nó “5 yếu tố” hết sức oái oăm! Ông Vũ Trọng Khánh là người dũng cảm bảo vệ những điều mình tin là đúng, ông đã bị dìm năm này sang năm khác, từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp, xuống Chưởng lý tòa Thượng thẩm, Giám đốc tư pháp Liên khu 10, Trưởng ban nghiên cứu pháp lý, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng, rồi Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng, cuối cùng là chuyên viên trong một phòng thuộc cấp Sở, của thành phố Hải Phòng.

Không chấp nhận tư pháp độc lập, quyết liệt chống nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Quang Đạm cho đến Đại hội 12 của Đảng cộng sản năm 2016 là nhằm bảo vệ Đảng đứng trên nhân dân, đứng trên Hiến pháp và luật pháp.

BẤT HẠNH

From facebook: Suong Quynh and 3 others shared Huynh Ngoc Chenh‘s post.
Image may contain: 3 people , people standing and child
Huynh Ngoc ChenhFollow

Nhìn thấy cảnh đám trẻ Việt Nam khóc lóc thảm thiết khi đón sao Hàn nhiều người ngán ngẫm thở dài hoặc phẫn nộ buông lời miệt thị.
Một ông bạn đồng nghiệp già của tui cũng lên phây than: “Thật bất hạnh cho dân tộc nào sản sinh ra những thanh niên khùng điên như thế này!”

Tui lại thấy khác: Thật bất hạnh cho đất nước chúng ta đã không sản sinh ra được những ngôi sao giải trí xuất chúng như Hàn Quốc để cho tuổi trẻ sung sướng khóc than mỗi khi được gặp mặt.

Tại sao tuổi trẻ VN không được vô tư, hồn nhiên tôn sùng, ngưỡng mộ những thần tượng mà mình yêu thích như tuổi trẻ các nước khác? Qua phim ảnh tui đã thấy đám đông thanh niên Âu Mỹ đã điên cuồng lên như thế nào trước The Beatles, trước Michael Jackson…

Không sánh được với Âu Mỹ thì ít ra chúng ta cũng sánh được với Hàn Quốc chứ. Tại sao chúng ta không sản sinh ra được những ngôi sao như Hàn Quốc?

Đây là trách nhiệm của tui, của ông bạn đồng nghiệp già của tui, của thế hệ 4x, 5x, 6x chúng tui đã để cho đất nước đi theo con đường lụn bại…để đến thế kỷ 21 rồi mà cũng không làm được chuyện dễ nhất là sản sinh ra một ngôi sao giải trí nội địa có tầm như Hàn Quốc cho thế hệ trẻ ngưỡng mộ, và quan trọng là không tạo dựng ra được một đất nước phồn vinh, một môi trường sống an toàn để tuổi trẻ được vô tư ăn học, cống hiến và vui chơi như tuổi trẻ các nước.

Vô cùng xin lỗi các cháu.

Thêm một “sếp” doanh nghiệp lớn ngành Công Thương đi nước ngoài mất hút

 Thêm một “sếp” doanh nghiệp lớn ngành Công Thương đi nước ngoài mất hút

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, ông Lê Trung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) – một doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xin nghỉ phép, đi việc cá nhân ở nước ngoài hơn 3 tuần nay vẫn chưa về.

 Xôn xao thông tin nữ cán bộ ngân hàng ôm hơn 400 tỷ đồng bỏ trốn

Mấy ngày nay, dư luận tỉnh Quảng Ninh xôn xao thông tin một nữ cán bộ ngân hàng, vợ của một cán bộ CSGT thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), ôm hơn 400 tỷ đồng bỏ trốn khỏi địa phương.

Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên Dân trí, mấy ngày qua, nhiều chủ nợ đã đến ngôi nhà của vị nữ cán bộ ngân hàng này tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) để đòi nợ.

Tỏi Trung Quốc tràn chợ Việt: Những cảnh báo từng khiến quốc tế lo sợ

 Dân Trí (VN)

 Mới đây, thông tin tỏi Trung Quốc được phun thuốc để ngưng mọc mầm, được tẩy trắng, tẩm hóa chất để ngăn côn trùng khiến nhiều người run sợ. Bởi, loại tỏi tép to, trắng, mẫu mã đẹp vượt trội của Trung Quốc đang được bán tràn lan, phủ sóng khắp các chợ lớn nhỏ ở Việt Nam với giá bán rẻ bằng 1/3 so với giá tỏi cùng loại của Việt Nam.

Tâm sự của người cha đạo đức có đứa con gái duy nhất gia nhập dòng kín

 Tâm sự của người cha đạo đức có đứa con gái duy nhất gia nhập dòng kín

Một nữ tu đang cầu nguyện – REUTERS

Ông Matthew Wenke là một tín hữu Công giáo đạo đức. Ông thường cầu nguyện cho ơn gọi tu trì, nhưng ông không nghĩ chính Nora, người con gái duy nhất dễ thương của ông lại theo ơn gọi này. Nora gia nhập đan viện thánh Giuse của các nữ tu Passionist ở Kentucky và tháng 8 năm 2015, cô đã được lãnh tu phục và bây giờ được gọi là sơ Frances Marie. Ông Wenke  đã trải qua những giờ phút đau long từ khi con gái cưng bày tỏ quyết định đi tu. Ông đã phấn đấu và cầu nguyện rất nhiều để can đảm dâng con lại cho Chúa và cuối cùng ông đã có được niềm vui khi nhìn thấy con mình hạnh phúc trong ơn gọi đời thánh hiến. Ông đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về câu chuyện này. Ông bắt đầu:

“Nếu con gái của những người khác thích đi tu, tôi sẽ không đặt câu hỏi gì cả. Tôi sẽ tôn trọng quyết định của họ và thật lòng vui mừng cho họ. “Đó là một ơn gọi cao trọng và đẹp đẽ!”, “Thật là một cuộc sống có ý nghĩa với mục đích thánh thiện!”, tôi không nghi ngờ chút nào về điều này. Nhưng khi tôi nghe biết ý định vào dòng kín của con gái tôi, ngay lập tức tôi nghĩ “Trời ơi, ba hy vọng con có ơn gọi … làm sao con có thể về thăm nhà thường xuyên?” Suy nghĩ đầu tiên của tôi không phải là về việc hoàn thành ơn gọi và đời sống thiêng liêng của Nora. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là tôi có thể sẽ thiếu vắng sự hiện diện của con gái tôi trong nhà của mình và sự đồng hành dịu dàng và vui tươi của nó. Tôi nghĩ những điều này vì tôi biết về đời sống đan tu khi tôi đọc cuốn “Nhật ký một tâm hồn của thánh Têrêsa, trong đó chị thánh kể khi vào đan viện, chị phải nói lời tạm biệt với người cha đang đau đớn và chị Celine. Tạm biệt luôn là thời khắc khó khăn đối với tôi.

Tôi quan sát sự tự tin và an bình thiêng liêng của Nora trong chọn lựa ơn gọi của nó, khi Nora lần đầu thăm các nữ tu dòng Passionist trong tuần phân định “Đến và xem” trong tháng 11 đến 12 năm 2013, rồi 3 tháng như thỉnh sinh từ tháng 2 đến 5 năm 2014. Tôi đã lo sợ rằng phải tạm biệt với đứa con gái duy nhất của tôi. Trong khi chờ đợi và cầu nguyện trong thời gian này, tôi tự hỏi: Tôi có nên thử giữ nó ở lại nhà? Tôi có nên làm cho nó thấy có lỗi với sự đau đớn và buồn sầu của tôi? … Tôi nghĩ ngợi về sự ích kỷ đó, sự kiểm soát và làm dụng quyền lực của tôi. Tôi nghĩ về tội lỗi mà tôi cảm thấy nếu tôi nhìn vào con gái của tôi, bị gài bẫy bởi sự ích kỷ của tôi. Ý tưởng này làm tôi hoảng sợ! Tôi cảm giác thế nào nếu ai đó đã gài bẫy tôi bằng tình cảm, không cho tôi tự do chọn ơn gọi và cách sống của tôi? Tôi biết là tôi có thể tức giận với người đó và cảm thấy đau đớn vì không đáp lại tiếng gọi yêu thương thu hút của Chúa. Tôi nhìn vào con gái tôi: một linh hồn trong trắng. Một phụ nữ có đời sống thiêng liêng sâu sắc, muốn phân định tiếng Chúa gọi một cách tự do. Nó ao ước hòa mình với ý muốn của Chúa mà tôi đã cầu nguyện, cho mọi con cái của tôi … trở thành những môn đệ đích thực, chúng tôi phải mở lòng với mọi chọn lựa, không chỉ cho chúng tôi, nhưng cho tất cả những người chúng tôi yêu quý.

Khi Nora trở về nhà sau 3 tháng thỉnh sinh ở Kentucky, nó không bao giờ trở về hoàn toàn. Thân xác nó ở nhà nhưng lòng nó thuộc về đan viện ở Kentucky. Nó yêu chúng tôi như trước và cố gắng để ở nhà. Tuy vậy, sau một hay hai ngày, nó nói với tôi, đây không còn là cuộc sống của nó nữa. Nó nói: “Con không có cuộc sống ở đây nữa; con cần đến với công việc mà Chúa dành cho con và nó không phải là ở đây nữa. Tôi bị sốc và phần nào mềm lòng bởi những lời của nó. Nhưng tận đáy sâu, tôi biết sự thật về chúng. Tôi bắt đầu chuẩn bị cho lần ra đi cuối cùng của nó vào cuối tháng 7, khi mà Nora sẽ bắt đầu năm đệ tử. Vào cuối thời gian này, nếu nó vẫn cảm thấy được gọi vào tu đan viện, nó sẽ không bao giờ trở về nhà ở Olean, New York nữa.

Những lời của Nora nhắc tôi nhớ đến lời Chúa Giêsu nói với Mẹ Maria và thánh Giuse:” Cha mẹ không biết là con phải lo chuyện của cha con sao?”. Chắc chắn những lời này làm họ đau đớn một ít, nhưng ho biết sự thật thiêng liêng sâu sắc. Giống Chúa Giêsu, Nora vâng lời theo kế hoạch ở với chúng tôi cho đến cuối tháng 7. Từ tháng 5 cho đến 26 tháng 7, khi chúng tôi trở lại Kentucky, tôi đã cầu xin sự can đảm, đức tin và tình yêu để cho con gái tôi đi, để dâng lại cho Chúa đứa con gái mà Ngài cho tôi mượn gần 19 năm nay. Đứa con gái duy nhất của tôi. Thiên Chúa đã trao con của Người cho tôi. Tôi có thể trao lại Nora xinh đẹp của tôi vào cánh tay Người không?

Tôi không dối các bạn là tôi đã khóc, đã khóc, không biết bao nhiêu lần, khi tôi nhìn vào đứa con gái đáng yêu của tôi đang lần hạt Mân Côi bên cạnh tôi mỗi tối. Nước mắt tôi trào ra khi tôi nhìn nó trong giờ Kinh sáng hay kinh Truyền tin vào ban trưa. Tôi nhớ tiếng nói và thật sự tập trung vào sự thật là nó đang ngủ vào ban đêm, an toàn trong phòng của nó, dưới mái nhà tôi. Không có ngày nào trong hai tháng này mà tôi không tranh thủ có sự hiện diện của nó. Tôi trân trọng thời gian với con gái tôi.

Tôi đã suy tư nhiều về cuộc sống chiêm niệm. Trong khi tôi vẫn lo sợ nói lời chia tay với Nora, tôi có thể hiểu hứng thú và niềm vui của nó và cả ghen tị với nó trong những lúc ồn ào hỗn loạn ở nhà hay khi làm việc. Tôi nghĩ là một phần đời sống tinh thần của tôi sẽ liên kết với Nora khi nó đến ngôi nhà mới và lời cầu nguyện của nó ở đan viện sẽ liên kết với lời cầu nguyện của chúng tôi ở nhà hay trong Thánh lễ. Tôi cầu nguyện: “Chúa yêu quý, xin cho con can đảm, niềm an ủi và tình yêu sâu sa để chúng con thực hiện điều này.”

Ngày 27 tháng 7 đã đến. Tin mừng hôm đó thực thích hợp  – mọi người tìm kiếm những viên ngọc quý và mua thửa ruộng để sở hữu gia tài. Nora đã tìm thấy tình yêu dành cho Chúa và ao ước cho Người tất cả và được Người sở hữu hoàn toàn! Con gái tôi là kho tàng ít có … viên ngọc này sẽ được kết vào chuỗi của những viên ngọc quý. Mỗi viên ngọc là duy nhất; không có viên nào đẹp hơn khác. Tất cả làm thành sự hoàn hảo của chuỗi ngọc. Tôi suy gẫm bài sách thánh này và quan sát nó với niềm vui, sự ngạc nhiên, niềm vui tỏa sáng của Nora khi trở lại đan viện. Không có điều xấu nào có thể mang đến niềm vui, bình an và sự xuất thần rõ ràng mà Nora dường như đang cảm nghiệm. Tôi cầu xin để cũng có thêm nhiều sự can đảm và niềm vui trong tôi. Chúa đã ban cho tôi những điều này. Tôi bị sốc vào buổi sáng Nora vào đan viện; niềm vui và tình yêu của nó lan truyền. Tôi không thể nghĩ về chính tôi. Tôi chỉ có thể nghĩ về niềm vui, sự vô vị lợi của con gái tôi và dâng nó cho  Chúa. Không có điều gì buồn cả. Nora vào nhà dòng với nụ cười và chúc lành của tôi và tôi vinh danh Chúa vì Người gọi con gái yêu quý của tôi. Nó thuộc về Người. Tôi và bạn cũng thế! (Aleteia  06/11/2016)

Hồng Thủy

Đức Giáo hoàng Phanxicô viết thư cho một bé gái ung thư đang hấp hối

Đức Giáo hoàng Phanxicô viết thư cho một bé gái ung thư đang hấp hối

Đức Giáo hoàng Phanxicô – EPA

 

Vatican City – “Paolina thương mến, tấm hình của con đang ở trên bàn của cha, bởi vì trong ánh nhìn rất đặc biệt của con, cha nhìn thấy ánh sáng của điều tốt lành và ngây thơ vô tội. Cám ơn con đã gửi chúng cho cha!” Một lần nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chiếm được các con tim với lá thư trào dâng nước mắt gửi cho một bé gái người ý đang hấp hối vì bệnh ung thư.

Bức thư đề ngày 22/09, được gửi cho bé Paolina Libraro, 10 tuổi, đang bị ung thư. Mẹ của bé Paolina đã viết thư cho Đức Giáo hoàng xin ngài chúc lành và cầu nguyện cho con gái. Ngài đã  gửi thư trả lời với một vé đặc biệt để tham dự ngày yết kiến chung vào ngày 26/10 mà ngài sẽ có thể chúc lành trực tiếp cho bé Paolina.  Nhưng thật buồn là lúc đó bé Paolina đã quá yếu và không thể đi từ Massafra, một thành phố ở đông nam nước Ý để đến Vatican. Và bé Paolina đã về với Chúa vào ngày 22 tháng 11 và được chôn cất trong ngày.

Trong Thánh lễ an táng của bé Paolina tại nhà thờ thánh Leopold Mandic với sự tham dự của hầu như toàn thành phố nơi em ở, có cả vị thị trưởng thành phố, cha chủ tế Michele Quaranta đã đọc lá thư của Đức Giáo hoàng, trong đó ngài khẳng định là ngài nắm tay ngài với em và với những ai cầu nguyện cho em. Ngài nói: “Bằng cách này chúng ta sẽ làm thành một sợi dây xích dài, cha chắc chắn, sẽ đụng đến trời.” Ngài cũng nhắc Paolina nhớ rằng “mối xích đầu tiên của sợi xích này là con, bởi vì con có Chúa Giêsu trong tim con. Hãy nhớ điều đó!”. Ngài còn bảo Paolina hãy nói với Chúa Giêsu không chỉ về em nhưng về cha mẹ em, “những người cần được giúp đỡ và an ủi rất nhiều trước những bước khó khăn mà họ đang gặp.”

Đức Giáo hoàng còn nói: “Chắn chắn con sẽ rất tốt để đề nghị Chúa Giêsu những điều cần làm cho họ” và ngài yêu cầu Paolina thưa với Chúa Giêsu những gì Chúa cũng cần làm cho ngài trong khi ngài nhắc Chúa điều Chúa cần làm cho Paolina.

Cuối thư, Đức Giáo hoàng nói: “Cha ôm con và chúc lành cho con với trọn trái tim cha, với cha mẹ và những người thân yêu của con.” Chính tay ngài đã ký lá thư. (CNA 03/12/2016)

Hồng Thủy

Tranh nhau xẻo thịt trâu chết ngay trên quốc lộ

Tranh nhau xẻo thịt trâu chết ngay trên quốc lộ

Nguoi-viet.com

Nhiều người dân tranh nhau xẻ thịt trâu ngay giữa quốc lộ. (Hình: báo Thanh Niên)

BÌNH DƯƠNG (NV) – Một đoạn clip ghi lại cảnh người dân “hôi của” tranh nhau xẻo thịt trâu bị xe đụng chết ngay giữa đường khiến dư luận bất bình, ngán ngẩm.

Theo báo Thanh Niên, vào ngày 5 tháng 12, trên mạng xã hội Facebook “lan truyền chóng mặt” đoạn clip ghi lại cảnh một số người dân lao ra giữa đường quốc lộ để tranh nhau “hôi của” xẻo thịt một con trâu vừa bị xe tải đụng chết.

Nói với phóng viên Thanh Niên, ngày 6 tháng 12, ông Hồ Quang Thành, phó trưởng công an thị xã Thuận An xác nhận có nhận được tin báo có một nhóm người “hôi của” đang tranh nhau xẻo lấy thịt trâu trên đường Mỹ Phước Tân Vạn, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An.

Sau đó, công an tới hiện trường thì con trâu đã bị xẻo lấy hết thịt và xương. Công an đã xác định được chủ của con trâu nhưng chưa thể xác định được những người tranh nhau xẻo lấy thịt trâu.

Theo ông Thành, có thể do con trâu bị xe tải qua lại đụng phải và chết lúc rạng sáng nhưng không có chủ đến nhận, sau đó những người qua đường xẻ lấy thịt. Vụ việc được người dân quay lại clip rồi tung lên mạng xã hội. (Tr.N)

Một thời ‘Bình Dân Học Vụ’

Một thời ‘Bình Dân Học Vụ’

Huy Phương (Danlambao) – …Tiểu sử của đảng chính thức nói ông có bằng cử nhân kinh tế, trình độ ngoại ngữ thì ghi rõ: “Anh văn B, Nga văn B.” Nhưng qua những bài diễn văn, người ta thấy ông thường cắm đầu cắm cổ vào giấy mà đọc, phát ra những câu nói như “Ma Dze in Việt Nam,” và mới đây là “Cờ-Lờ-Mờ-Vờ và Cờ-Lờ-Vờ,” thì thiên hạ có quyền nghi ngờ những bằng cấp “tại chức” và trình độ học thức “bình dân học vụ” rất “lờ-mờ” của ông…

Bỏ qua những chuyện “công, tội, khen, chê” của những nhà viết sử dành cho giáo sĩ Alexandre Rhodes, chúng ta phải công nhận chữ Quốc Ngữ (tiếng nước ta) được thành hình là do công lao của ông.

Vào năm 1651, ông cho in cuốn từ điển Việt-Bồ Đào Nha-Latin (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc Ngữ. Về cách phát âm thì:

1-Những nguyên âm như chữ a, i, u, o, e thì đọc nguyên.

2-Những phụ âm như chữ s, r, m, b, p, đọc theo cách đọc của alphabet là et-sờ, er-rờ, em-mờ, bê, pê.

Nhưng theo kiểu sáng tạo của phong trào “Bình Dân Học Vụ” thời Việt Minh (1945) thì những chữ phụ âm, học sinh phải đọc là sờ, rờ, mờ, lờ, pờ (hay phờ-ph): “bờ-a-ba,” “mờ-a-ma, “ cờ-a-ca, sắc cá…”

“Bình Dân Học Vụ” là phong trào xóa nạn mù chữ trong quần chúng do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (thời Việt Minh) phát động từ năm 1945. Vì có đến 95% dân chúng Việt Nam mù chữ, các lớp bình dân học vụ được mở khắp ngang cùng ngõ hẻm, tối tối, nam phụ lão ấu, ai “mù chữ” cũng thắp đèn đến lớp học, được mở ra trong các đình, chùa, miếu… Cũng vì “Bình Dân Học Vụ” học đêm, thời này đã có câu ca dao thời đại:

“Bình dân! Khổ lắm anh ơi!

Không đi thì dốt, đi thời bụng to.”

Năm 1945, người viết bài này mới lên 8 tuổi, còn học lớp Nhì (lớp 4) trường làng, nghĩa là đã biết đọc biết viết. Chúng tôi được phân công kiểm soát các o, các mụ đi chợ xem họ có biết chữ hay không? Để khuyến khích và kiểm soát việc chống nạn mù chữ của dân làng, đầu các con đường vào chợ đều có những trạm gác và những rào cản, làm bằng một thân tre bắc ngang ngõ vào chợ. Ai đến đó, đọc được chữ “a,” chữ “bờ,” chữ “cờ” thì chúng tôi mở cây tre chắn lên cho vào chợ. Thật ra đây chỉ là một chuyện kiểm soát tượng trưng, hình thức, vì nhiều bà đã vào bày hàng trong chợ từ sớm khi chúng tôi còn ngủ, hay khi người ta cần bán nải chuối, mớ rau để lấy tiền mua thức ăn về nhà, ai mà nỡ “cấm chợ, ngăn sông!” Do đó, ai “mù chữ” thì đứng chờ hay năn nỉ, khi không có người lớn đứng đó thì chúng tôi làm lơ cho qua.

Ban vận động “Bình Dân Học Vụ” đó đã đặt những câu có vần điệu cho dễ nhớ mặt chữ. Các bạn để ý các phụ âm ta vẫn thường đọc là “tê” được đọc là “tờ,” “en-lờ” được đọc là “lờ.”

– “i, t (tờ), có móc cả hai.

i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang;

– e, ê, l (lờ) cũng một loài.

ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn;

– o tròn như quả trứng gà.

ô thì đội mũ, ơ thời thêm râu.”

Ngày ấy dân tiểu tư sản thành thị thường dùng thành ngữ trình độ “Bình Dân Học Vụ” hay chữ “i-tờ-rít” để nói về những người dốt nát, ít học, thành phần cán bộ Việt Minh “răng đen mã tấu.”

Cả nước dưới thời Pháp thuộc hay miền Nam VNCH, học sinh miền Nam không dùng cách đọc “mờ-cờ-bờ.”

Hai câu “ca dao” khá tếu sau đây theo cách đọc của miền Nam, mà ngay từ hồi nhỏ chúng tôi đã thuộc nằm lòng là:

N K M H U Ơ (Anh ca em hát u ơ )

M K N H N R Q M (Em ca anh hát anh rờ cu em)

Hai câu này sẽ trở thành vô nghĩa khi nó đọc theo lối “Bình Dân Học Vụ” thời Việt Minh và sau này là Cộng Sản miền Bắc:

Nờ Kờ Mờ Hờ U Ơ

Mờ Kờ Nờ Hờ Rờ Cu Mờ

Mới đây xảy ra chuyện liên quan tới lối phát âm Lờ Cờ Bờ, là trong một cuộc hội nghị kỷ niệm 50 năm của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (The Asian Development Bank- ADB), ông thủ tướng CSVN đã phát biểu những câu nói mà thiên hạ ngơ ngác hoàn toàn không hiểu ông nói gì!

Câu nói của ông Nguyễn Xuân Phúc trên diễn đàn ADB như sau:

– “Mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác của khu vực như tiểu vùng Mekong, ACMRCS, Cờ-Lờ-Mờ-Vờ và Cờ-Lờ-Vờ về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc tập kết ra Bắc từ năm 1966 khi 12 tuổi (ông sinh năm 1954). Sau năm 1975, đảng đưa ông trở về quê cũ là đất Quảng Nam, có lẽ ông có chuyên môn kinh tế, sơ khởi cho ông làm chức vụ “cán bộ ban quản lý kinh tế.” Đây là thứ cán bộ, như sau năm 1975, chúng ta thường thấy xe khách dồn cục ở các trạm kinh tế, để mấy ông cán bộ xét hàng, nắn bóp thân thể người đi buôn, bắt đóng thuế, hay tịch thu gạo, thịt, đường của dân đi buôn hàng chuyến. Từ đó ông len được vào Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản, leo lên tới chức phó thủ tướng rồi thủ tướng.

Tiểu sử của đảng chính thức nói ông có bằng cử nhân kinh tế, trình độ ngoại ngữ thì ghi rõ: “Anh văn B, Nga văn B.” Nhưng qua những bài diễn văn, người ta thấy ông thường cắm đầu cắm cổ vào giấy mà đọc, phát ra những câu nói như “Ma Dze in Việt Nam,” và mới đây là “Cờ-Lờ-Mờ-Vờ và Cờ-Lờ-Vờ,” thì thiên hạ có quyền nghi ngờ những bằng cấp “tại chức” và trình độ học thức “bình dân học vụ” rất “lờ-mờ” của ông.

Ví dụ như tên các tổ chức quốc tế như NATO (Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương) hay IOM (Tổ Chức Di Dân Quốc Tế) khi đọc phải dùng tiếng Anh hay một sinh ngữ thông dụng, chứ không thể đọc “Nờ-A-Tờ-O” hay “I-O-Mờ” thì người nghe cũng phải trố mắt ra. Mặt khác, trong bản văn, thư ký soạn diễn văn có thể viết tắt LHQ, nhưng ông thủ tướng phải biết để đọc nguyên chữ là Liên Hiệp Quốc, chứ không thể ngu đến mức đọc là “Lờ-Hờ-Cu” được. Hơn 41 năm ở hải ngoại này, tôi chưa nghe ai đọc VNCH là “Vờ-Nờ-Cờ-Hờ” cả, đó chính là trình độ học vấn.

Trong bài diễn văn của ông thủ tướng, cũng vì chủ quan “tại chức” ông đã không đọc trước, và người nào soạn diễn văn cho ông cũng ác độc, ông không hiểu những chữ viết tắt CLMV hay CLV là gì, nên đành đem cái trình độ “Bình Dân Học Vụ” (bờ-dờ-hờ-vờ) của ông ra mà giải quyết nhanh, gọn. Thay vì đọc nguyên chữ Cambodia-Laos- Myanmar-Vietnam hay Cambodia-Laos-Vietnam, vì không biết, nên ông phát ngôn đại là “Cờ-Lờ-Mờ-Vờ và Cờ-Lờ-Vờ” cho xong.

Trên Facebook nhiều vị đã ra sức bênh vực cho bài diễn văn của người cầm đầu chính phủ (Cờ-Hờ-Xờ-Hờ-Chờ-Ngờ-Vờ-Nờ) CHXHCNVN, nhưng theo tôi, ở Việt Nam bây chừ, chuyện này cũng thường thôi! Mới đây có chuyện một ông hiệu trưởng ở Sóc Trăng bị khiển trách vì cho một học sinh trình độ lớp 1 ngồi nhầm ở lớp 6.

Trong trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi nhầm chỗ, quý vị định khiển trách ai đây?

06.12.2016

Huy Phương

danlambaovn.blogspot.com

Nhiều bệnh tật tại Việt Nam sẽ không có thuốc chữa

Nhiều bệnh tật tại Việt Nam sẽ không có thuốc chữa

Nguoi-viet.com

Thuốc vẫn dễ mua như… kẹo và theo sau đó là vấn nạn càng ngày càng lớn với sức khỏe của cả công đồng. (Hình: Phụ Nữ Sài Gòn)

VIỆT NAM – Ngoài các loại bệnh tật do đói nghèo, thiếu vệ sinh, môi trường ô nhiễm, vì quản lý, điều hành tồi, sức khỏe của dân chúng Việt Nam còn bị đe dọa bởi nguy cơ bệnh tật không thuốc chữa.

Hai tổ chức quốc tế là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Tổ Chức Lương Thực-Nông Nghiệp Quốc Tế (FAO) vừa cảnh báo về nguy cơ bệnh tật của dân chúng Việt Nam sẽ không có thuốc chữa.

Vào lúc này, tại Việt Nam, số lượng vi khuẩn gây bệnh có khả năng đề kháng với các loại thuốc kháng sinh càng ngày càng nhiều. Thậm chí có những loại vi khuẩn đã biến đổi gien và có thể đề kháng với tất cả loại kháng sinh hiện có! Nói cách khác, nguy cơ dân chúng Việt Nam có thể mất mạng vì những chứng bệnh bình thường nhưng không có thuốc chữa càng ngày càng lớn.

Nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng vừa kể và mức độ trầm trọng của thực trạng này càng ngày càng lớn là vì việc quản lý dược phẩm quá tồi. Ai cũng có thể mua kháng sinh, không bị hạn chế cả về loại lẫn lượng.

Sau khi thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn quốc, Bộ Y Tế Việt Nam thú nhận, tại nông thôn, khoảng 91% dân chúng tự mua các loại kháng sinh để tự chữa bệnh cho mình. Tỉ lệ này tại các đô thị là 88%. Tổng lượng kháng sinh được mua bán tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với năm 2009.

Ðáng nói là việc dùng kháng sinh không đúng cách, lạm dụng kháng sinh khiến các loại vi khuẩn lờn thuốc không chỉ phổ biến trong dân chúng mà còn trở thành trào lưu trong nhân viên y tế. Ðể nâng cao uy tín, danh tiếng về khả năng khám bệnh-chữa bệnh, nhận thêm hoa hồng từ các hãng dược phẩm, nhiều bác sĩ phóng tay kê toa cho bệnh nhân dùng đủ loại kháng sinh.

Vấn nạn bệnh tật không thuốc chữa vốn đã trầm trọng vì quản lý thị trường dược phẩm tồi đã trở thành nghiêm trọng hơn do quản lý nông nghiệp tồi. Không kiểm soát, mặc kệ nông dân tùy nghi sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng và kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi đã giúp vi khuẩn làm quen với kháng sinh tồn đọng trên thực phẩm, tăng khả năng kháng kháng sinh.

Do số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng nhiều, việc khám bệnh-chữa bệnh tại Việt Nam ngày càng kém hiệu quả, chi phí điều trị ngày càng lớn. Chi phí dành cho dược phẩm chiếm khoảng 50% thì trong đó có tới 33% là chi cho kháng sinh.

Mãi tới gần đây, giới hữu trách ở Việt Nam mới tính đến chuyện kiểm soát việc mua bán – sử dụng kháng sinh. Một số bệnh viện bắt đầu xem xét toa thuốc của các bác sĩ, nhắc nhở họ phải thận trọng trong việc kê toa. Tuy nhiên, chỉ chừng đó thì rõ ràng chưa đủ. Còn kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh cả dược phẩm lẫn sử dụng các loại thuốc kích thích, kháng sinh trong nông nghiệp thì không dễ dàng, nó liên quan đến lợi ích của nhiều giới, kể cả giới hữu trách. (G.Ð)

CON KIẾN THẮNG KIỆN CỦ KHOAI

CON KIẾN THẮNG KIỆN CỦ KHOAI

Nguyễn Đình Cống

4-12-2016

Ông Trịnh Vĩnh Bình, là người đã kiện chính phủ VN ra tòa án The Hague. Ảnh: internet

Con kiến là ông Trịnh Vĩnh Bình, người gốc Việt, có quốc tịch Hà Lan, sinh năm 1947. Củ khoai là Chính phủ, là Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Đúng ngày 30 tháng 4 năm 2015, trong khi đang tưng bừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng thì Chính phủ VN nhận được thông báo của Tòa Trọng tài quốc tế La Hay về vụ ông Bình kiện đòi bồi thường 1 tỷ đô la Mỹ vì CP VN đã cướp đoạt tài sản của ông và lật lọng, không chịu thực hiện các lời cam kết.

Tóm tắt câu chuyện như sau. Năm 1987, theo lời mời gọi kiều bào về xây dựng đất nước, ông Bình mang rất nhiều đô la về để lập các xưởng sản xuất hàng hóa. Ông đã nhờ bà con mua được gần 300 ha đất (3 triệu mét vuông) ở tỉnh Bà Rịa, xây dựng hai khu nhà xưởng sản xuất, mua 9 ngôi nhà ở Vũng Tàu và TP HCM, có một đội xe tải 12 chiếc, vốn lên đến nhiều chục triệu đô. Thế rồi vì không biết “Nhập gia tùy tục”, không biết tặng chút quà biếu nhỏ mọn, gọi là tình cảm cho các quan chức địa phương nên ông trở thành cái gai trong mắt họ.

Ban đầu họ tưởng ông có ô dù, có chỗ chống lưng ở Hà Nội nên chưa đụng tới. Sau khi biết chắc ông chẳng có ô dù nào cả, họ quyết ra tay. Năm 1998 ông Bình bị bắt, bị kết án 13 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản vì tội đưa hối lộ (nhưng không có ai chỉ ra người nhận) và phạm vào luật đất đai, chiếm đoạt tài sản XHCN. Năm 1999 tòa tối cao giảm án xuống 11 năm. Năm 2001 ông trốn thoát khỏi tù, chui rúc sang được Cămpuchia rồi tìm đường về Hà Lan.

Năm 2003 ông Bình gửi thư cho CP VN yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản, nếu không trả ông sẽ kiện. Còn đâu nữa mà trả. Tài sản tịch thu được đem sung công rồi bán ngay với giá rẻ mạt cho những người nào biết được đến mua, số người này chỉ trong chớp mắt đã kiếm được gần ngàn tỷ. Thật là một vụ cướp đoạt ngoạn mục. Hà nội nghĩ rằng: “Lại một con kiến đi kiện củ khoai” và giữ im lặng.

Thế là ông Bình kiện Nhà nước VN ra tòa án quốc tế tại Stockholm, đòi bồi thường 100 triệu đô. Ông cũng công khai tuyên bố rằng số tiền được bồi thường sẽ được trích 90% để ủng hộ các cơ sở từ thiện tại VN. Lúc này Hà Nội mới tham vấn các luật sư quốc tế và biết rằng Tòa án quốc tế xét xử công bằng, không chịu một áp lực hoặc sự chỉ đạo nào hết và như vậy Nhà nước VN thua kiện là chắc chắn, vậy tốt nhất là thương lượng để hòa giải.

Hòa giải thành với điều kiện như sau: Ông Bình cam kết giữ tuyệt đối bí mật mọi thông tin. Nhà nước VN cam kết trả ngay 15 triệu đô và sẽ trả lại toàn bộ tài sản đã tịch thu trong vòng 10 năm (trước năm 2014). Mười lăm triệu đô đã được trả nhưng tài sản thì bị lờ đi trong im lặng. Họ nghĩ rằng, theo truyền thống của CSVN thì: “Để lâu cứt trâu hóa bùn”. Biết rằng không thể nào tin vào cam kết của chính quyền cộng sản, hơn nữa ông Bình thấy rõ bản chất của chế độ, thấy rõ lòng yêu nước của ông bị phản bội nên ông lại đưa đơn kiện, và lần này đòi bồi thường 1 tỷ đô.

Để tiến hành vụ kiện ông Bình đã thuê một nhóm luật sư giỏi của Mỹ, dự kiến chi phí cho vụ kiện và thuê luật sư lên đến trên 100 triệu đô (trên 2000 tỷ). Phía VN cũng đã thuê luật sư của Pháp để bảo vệ.

Mục đích chính của ông Bình không phải là đòi lại tài sản đã bị cướp đoạt, ông tuyên bố dùng số tiền đòi được chỉ để chi phí cho vụ kiện và làm từ thiện. Mục đích chính của ông là vạch ra cho toàn dân VN và thế giới biết rõ dã tâm của chế độ CS trong những việc cướp đoạt, vu khống, lật lọng, dối trá, sự phản bội những người yêu nước chân chính.

Ông Bình cũng đã đề phòng khả năng xấu nhất có thể xẩy ra, nên đã để lại Chúc thư cho người kế tục mình theo đuổi vụ kiện cho đến thắng lợi.

Bình luận: Trước đây, năm 2009 LS Cù Huy Hà Vũ đã kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì cho Trung quốc vào khai thác bô xit ở Tây Nguyên. Kết quả LS Vũ bị bắt giam, bị kết án 7 năm tù (vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước). Sau khi ngồi tù vài năm thì bị trục xuất sang Mỹ. Đây đúng là “Con kiến mà kiện củ khoai”. Còn bây giờ ông Trịnh Vĩnh Bình không kiện thủ tướng mà kiện Chính phủ, kiện Nhà nước kia. Trong dân gian, ngoài câu con kiến kiện củ khoai còn có nhiều câu khác hay hơn, trong đó có câu sau: “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Ông Bình là con kiến càng đang gặm củ khoai, quyết không để nó đè bẹp, hay là con châu chấu voi dũng mãnh quyết đá nghiêng chiếc xe chở đầy tội ác.

Ở trong nước chế độ CS quen thói xử kiện theo bản án bỏ túi do lãnh đạo đảng quyết định mà bất chấp luật pháp. Đến khi ra thế giới mới biết rằng người ta chẳng coi sự lãnh đạo của đảng là cái gì, người ta xử theo luật pháp, vì vậy VN đã thua trong nhiều vụ kiện quốc tế. Một trong nỗi đau thua kiện là việc mất cả chì lẫn chài trong vụ kiện công ty hóa chất của Mỹ, chế tạo chất dioxin (da cam).Ông Thủ tướng đang kêu gọi xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính.

Vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình, Chính phủ VN bị thua, nhân dân lại è cổ ra đóng thuế để bù đắp. Không biết sau đó có mở mắt ra được chút nào không.

_____

Mời xem lại: Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ VN đòi 1 tỷ USD (DLB). – Từ vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, suy nghĩ về khả năng nạn nhân cá chết kiện Formosa & Hà Nội (BS).