Bài học từ vụ giải thoát 379 người khi cháy máy bay tại sân bay Haneda

Báo Tiếng Dân

Kim Văn Chính

3-1-2023

  1. Vụ máy bay Nhật hạ cánh va vào nhau gây cháy cả hai máy bay hôm qua là vụ tai nạn rất hi hữu ở Nhật Bản. Hồ sơ vụ tai nạn sau này sẽ được công bố. Tuy nhiên, việc toàn bộ 379 hành khách và phi hành đoàn sơ tán ra ngoài chiếc máy bay cháy như đuốc cho ta thấy người Nhật đã làm được điều phi thường trong tai nạn.

“90 giây để giải thoát”

Chuyến bay 516 của Japan Airlines bốc cháy khi hạ cánh xuống sân bay Haneda của Tokyo vào tối thứ Ba sau khi va chạm với một máy bay của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản đang trên đường băng để bay tới hỗ trợ thảm họa động đất.

Ảnh: Máy bay của hãng Japan Airlines bốc cháy dữ dội sau vụ va chạm với máy bay của Lực lượng Tuần duyên Nhật. Nguồn: Reuters

Cảnh quay ấn tượng từ bên trong máy bay cho thấy, khói tràn ngập khoang hành khách, kể cả khi hành khách sơ tán, và video trên mạng tin tức cho thấy hành khách lao xuống hai cầu trượt bơm hơi và chạy khỏi máy bay khi ngọn lửa nhấn chìm phần động cơ.

Ngay sau đó, chiếc máy bay đã bị lửa thiêu rụi, bất chấp nỗ lực của lực lượng cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.

Chuyên gia Braithwaite cho biết, theo các quy tắc an toàn, các nhà thiết kế máy bay phải thỏa mãn điều: Là một chiếc máy bay có thể được sơ tán chỉ trong 90 giây và chỉ có 50% lối thoát hiểm nếu xảy ra tai nạn. Điều này đúng 100% đối với tai nạn hôm qua.

Tuy nhiên, ông nói, điều này dễ bị phá hỏng do sự hoảng loạn bao trùm máy bay sau một sự cố như hôm qua. Những hành khách dễ bị tổn thương, như trẻ em và người già, cần thêm thời gian để ra được đến nơi an toàn.

Ông nhận xét về quy tắc 90 giây: “Hãy nhớ rằng những bài kiểm tra như vậy không diễn ra trong môi trường căng thẳng cao độ (như vụ tai nạn hôm nay)”.

Ông cho biết, trong hoàn cảnh đó, thành tích sơ tán hành khách của phi hành đoàn trên máy bay Nhật thật là rất ấn tượng, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận và chỉ có 17 hành khách bị thương nhẹ.

Chuyên gia an ninh hàng không Jeffrey Price gọi việc mọi người trên chuyến bay của Japan Airlines đều được sơ tán an toàn là một “phép màu”.

Price, giáo sư hàng không tại Đại học bang Colorado, cho biết: “Nó không chỉ nói lên hành động phi thường của phi hành đoàn, mà còn của chính hành khách khi có thể nhiều người ra khỏi máy bay một cách nhanh chóng trước khi nó hoàn toàn chìm trong biển lửa”.

Ông nói: “Điều kỳ diệu hơn nữa là các hành khách vẫn giữ bình tĩnh và không hoảng sợ, nếu hoảng loạn, tất yếu dẫn đến thêm hỗn loạn và nhiều thiệt hại về nhân mạng”.

Price cho biết, mặc dù có các đơn vị cứu hộ và chữa cháy máy bay tại các sân bay nhưng có thể mất tới ba phút hoặc hơn, trước khi lực lượng ứng cứu khẩn cấp có mặt tại hiện trường.

Ông nói: “Mất khoảng 90 giây để ngọn lửa cháy xuyên qua thân máy bay. Dựa trên những con số đó, hành khách và phi hành đoàn gần như phải tự mình xử lý trong khoảng từ một đến hơn hai phút đầu tiên trong trường hợp khẩn cấp trước khi có sự trợ giúp”.

Price nói thêm: “Đây là một ví dụ về việc sơ tán tai nạn đã diễn ra tốt đẹp”.

Braithwaite cho biết Japan Airlines từ lâu đã có cách tiếp cận “tuyệt vời” về an toàn của hành khách. Ông giải thích: “Sự cống hiến của họ trong việc cải thiện sự an toàn đã ăn sâu vào tổ chức và họ có văn hóa rất mạnh mẽ trong việc tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn”.

  1. Trải nghiệm cá nhân:

– Tôi cũng đã nhiều lần đi máy bay Nhật và hạ, cất cánh ở chính sân bay Haneda.

An toàn của hãng hàng không Nhật và văn hóa người Nhật rất khác. Ví dụ, đôi lần tôi được xếp ngồi ở ghế cạnh cửa thoát hiểm (những lần đó thường là tôi đi du lịch một mình). Chỗ ngồi đó rất rộng rãi vì phía trước ghế có cả 2 khoảng không rất rộng để duỗi chân…

Lần nào cũng vậy, tiếp viên đều đến hỏi tôi đã biết cách mở cửa thoát hiểm khi có sự cố chưa? Và họ hướng dẫn một lần nữa về cách mở cửa thoát hiểm.

Chưa hết, ngồi vị trí đó, mọi vật dụng cá nhân của mình không được để bất cứ thứ gì ở dưới chân, dù đó là túi xách nhỏ, giày hay máy ảnh… Tất cả các đồ cá nhân của mình được ưu tiên để trên khoang đồ phía trên…

Những chi tiết như vậy tôi chỉ thấy ở hãng Nhật…

– Văn hóa xếp hàng, nhường nhịn nhau và trật tự thì người Nhật nhất thế giới rồi. Xem video quay từ trong khoang hành khách hôm qua, tôi thấy hành khách Nhật họ rất trật tự, ngồi thấp sát sàn, không hoảng loạn kêu gào, không chen lấn thoát thân (kiểu phi thân qua cửa sổ như người Việt), rất trật tự trong khi chịu tai nạn và thoát ra khỏi máy bay.

  1. Kết luận:

– Văn hóa của người Nhật đã giúp họ làm nên điều kỳ diệu hôm qua: Toàn bộ 379 hành khách và phi hành đoàn đã được giải thoát an toàn…

– Người Việt cần học người Nhật…


 

GƯƠNG HỌC GIỎI…

GƯƠNG HỌC GIỎI…

Cháu gái trong hình này là Nguyễn Yến Nhi, quê ở xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, Bình Phước trong một gia đình khó khăn. Nhưng cháu đã thi đậu học bổng tại 12 đại học ở Mỹ và chọn Gettysburg College để du học ngành Kinh tế và tâm lý với học bổng 4 năm trị giá 8 tỷ đồng.

Cha mẹ của Yến Nhi lập nghiệp với hai bàn tay trắng, từ quê chuyển vào Phú Riềng, họ phải sống bằng đủ thứ nghề, từ bán hàng rong ngoài chợ tới làm nương rẫy để mưu sinh nuôi 5 con ăn học.

Nhưng các con đều chịu khó học. Anh trai của Yến Nhi từng thi đậu vào Đại học Quốc gia Singapore. Còn Yến Nhi cũng học giỏi từ nhỏ, thi đậu học sinh giỏi Anh văn cấp tỉnh trong mấy năm PTCS, toàn đoạt giải Nhất, Nhì. Vì vậy cô bé dù mới ở cuối cấp 2 đã thi đậu 7.0 IELTS và đi dạy kèm Anh văn cho các em nhỏ, lấy tiền phụ mẹ cha.

Học xong lớp 9, con quyết tâm thi vào Trung học NK của Đại học Quốc gia TPHCM, là vì muốn đi du học, cho dù khi đó con đậu thủ khoa chuyên Anh ở trường Quang Trung, Bình Phước.

Một cô bé 14-15 tuổi một mình lặn lội từ Phú Riềng về SG, thuê phòng trọ ở và lo ăn học. Mặc dù khi mới vào trường NK thì phải đua với các bạn rất mệt, nhưng con rất cố gắng. Mà bắt đầu từ việc nâng cao điểm tiếng Anh để tham gia các kỳ thi đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế, với điểm SAT 1 đạt 1480 và điểm IELTS là 8.0.

Một năm sau, năm lớp 11, con cùng các bạn trong trường thành lập dự án nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua các chương trình nghệ thuật truyền thống và mở Triển lãm về múa rối nước tại trường. Cùng lúc, con tham gia quyên góp được 40 triệu đồng, hỗ trợ hơn 100 trẻ mồ côi trong đại dịch Covid.

Bài luận vào đại học Mỹ của con viết về ý tưởng “Liệu mình muốn trở thành con cá lớn trong một cái hồ hay là một chú cá nhỏ giữa đại dương?”. Theo đó, Yến Nhi viết về trải nghiệm của một học sinh từ một huyện vùng xa của tỉnh miền núi Bình Phước, về SG, và nay từ SG quyết tâm qua Mỹ du học. Một con cá muốn đi ra đại dương chứ không tự hài lòng với mình.

Câu chuyện về cháu Yến Nhi cho thấy dù cháu ở một vùng xa xôi, dù gia đình có hoàn cảnh bình thường, nhưng nếu có ý chí, có quyết tâm và nỗ lực thì vẫn có thể du học bằng học bổng thành công.

Chúc mừng cháu Yến Nhi và gia đình, mong cháu gặt hái thêm nhiều thành tích tốt khi đi du học tại Mỹ.

NGUYỀN THỊ BÍCH HẬU

#8saigon


 

Phải Lòng Một !-Peter Nguyen

Peter Nguyen

Phải Lòng Một!

Thú thật tôi đang “phải lòng” một vài nghĩa cử tuy nhỏ bé, âm thầm, nhưng đã khiến “cái tôi vô tâm lãnh cảm” phải lòng! Nghe xong tùy bút phải lòng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bỗng dưng thấy thích thú với một lối diễn tả khác, từ một chiều kích nhân bản, về một cái nhìn đầy tình người. Nếu chủ ý ngắm nhìn cử chỉ bất kì ai, sang cả hay hèn kém, một con người cụ thể sâu hơn, ta sẽ “phải lòng” với cái đạo làm người, thể hiện cách sâu sắc và sống động, qua từng nghĩa cử nhỏ dành cho nhau…

1) Đi chợ HK Bellaire, bất ưng gặp 3 người vô gia cư Việt Nam ngồi ở 2 nơi khác nhau vất vưởng ở góc đường trong thời tiết giá lạnh, mắc mớ gì mà phải quan tâm suy nghĩ nhiều về những bất trắc có thể xảy ra như bạo động hay bệnh tật chẳng hạn. Nhưng… có người đã dừng chân hỏi han, biết được họ mới xuống Houston từ bang khác. Hỏi ra thì mới biết đang cần đến một số đồ dùng cho mùa lạnh vớ đàn ông & phụ nữ, áo thung đàn ông tay dài, ba lô để đeo , giầy phụ nữ, thùng mì gói và gạo Con Trâu …

Và… đã có nhiều anh chị em hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ 3 người vô gia cư Việt Nam, như thế không “phải lòng ” là gì?

2) Một anh bạn kĩ sư, trong tình trạng thất nghiệp, bỗng dưng nhận được một món tiền từ một người bạn khác về một món hàng 2 người đã mua chung cách đây 5,6 năm. Chiếc máy ảnh Sony 7r đã được mua lại từ một người bạn không dùng tới với giá một nửa tiền theo thời giá lúc mua. Cả 2 mua máy ảnh, với ý định ban đầu là dùng chung khi nào cần đến. Bốn năm năm trôi qua lần lượt 2 anh bạn thay nhau xử dụng theo nhu cầu. Nay, đến lúc anh bạn kĩ sư không còn có nhu cầu nhiếp ảnh nữa, nên nhường cho bạn kia sở hữu hết, chỉ việc đưa lại số tiền phần anh ấy đã bỏ ra. Gặp nhau, anh bạn nhận được bì thư, với số tiền gần như là số tiền đóng góp lúc mua lại máy ảnh. Vừa nhận được món tiền bất ngờ, anh bạn đang tự hỏi: Không biết xử dụng số tiền này sao đây? Bất ngờ, một người bạn từ Viết Nam đã bặt tăm từ 36 năm rồi, chợt gọi sang mừng Giáng Sinh. Truyện trò hồi lâu thì mới hay anh ta có 6 người con, một đứa mắc bệnh tim nặng, phải cần mang cháu lên Sài-gòn để trị liệu hàng tháng. Mỗi lần đi từ Bạc Liêu đế Sài-Gòn mất cả một hai ngày, bỏ việc làm kiếm cơm, và tiêu tốn rất khổ cực vì mất cả $200 đô la cho mỗi lần đi. Nghỉ lễ lần này, anh ta không thể kiếm được ra tiền đưa con lên thành phố, và không biết phải xoay sở ra sao. Một luồng sáng đã cho anh kĩ sư thất nghiệp nhận ra số tiền anh đang có trong tay sẽ được dùng vào trường hợp cấp bách này. Sau cuộc trò chuyện, anh bạn kĩ sư đã gởi hết số tiền về cho anh bạn bên Việt Nam với nước mắt tràn ngập vui mừng vì phao cứu nạn đã đến đúng lúc, đáp ứng cho một trường hợp vô cùng cấp thiết.

Mùa lễ Giáng Sinh và Năm Mới năm nay, hai câu chuyện “phải lòng” nêu trên có lẽ là lương thực cho cả một năm 2024 đang đến.

Richmond TX

Jan 1, 2024

Tùy Bút Phải Lòng | Nguyễn Ngọc Tư | Thùy Trâm | IQ Radio


Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung kể về cuộc vượt thoát khỏi sự truy đuổi của an ninh VN

Oanh Vy Lý

Nhà hoạt động dân chủ, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung cùng vợ và hai con vừa đến Đức định cư hôm 14/12.

Ông Trung rời Việt Nam và đến Thái Lan làm thủ tục tị nạn vào tháng 8/2023 sau nhiều lần bị an ninh Việt Nam theo dõi và thậm chí là “bắt cóc” lên đồn làm việc.

Từ một trại tị nạn ở thành phố Cologne – Đức, ông Trung dành cho RFA một cuộc phỏng vấn về hành trình vượt thoát của ông khỏi sự truy đuổi của lực lượng an ninh, từ Việt Nam qua đến Bangkok – Thái Lan.

Cao Nguyên: Xin chào ông Nguyễn Tiến Trung. Trước hết, chúc mừng ông và gia đình đã đến được nơi an toàn. Cảm xúc của ông hiện nay thế nào?

Nguyễn Tiến Trung: Việc mà tôi phải đi Đức là hoàn toàn không tính trước, nhưng mà vì tình huống nguy hiểm cho nên bắt buộc tôi phải rời Việt Nam.

Cảm xúc nói chung là rất lẫn lộn, vừa thấy vui vì gia đình đã được đến nơi an toàn nhưng cũng có cái buồn là phải rời xa Việt Nam và phải rời xa những đồng đội của tôi ở trong nước.

Cao Nguyên: Những dấu hiện gì khiến ông thấy mình gặp nguy hiểm đến mức phải bỏ quê hương ra đi?

Nguyễn Tiến Trung: Sáng sớm ngày thứ sáu ngày 18/8/2023, tôi đã đi ra khỏi nhà (ở Sài Gòn – PV) đi mua đồ ăn sáng thì đã thấy có khoảng năm nhân viên an ninh mặc thường phục, họ đã phục kích ở trong quán cà phê ngay đầu ngõ nhà tôi. Họ đã ra chặn tôi lại và yêu cầu tôi lên phường.

Tôi mới hỏi họ là có giấy mời gì không và họ là ai, tại sao lại chặn đường tôi thì họ cứ nói là tôi phải lên phường và không có giấy mời. Họ nói là sau khi tôi lên phường xong thì họ sẽ gửi giấy mời về nhà tôi nhưng tôi không đồng ý và cho rằng đây là bắt cóc.

Sau khi cự cãi một hồi thì họ mới nháy mắt cho khoảng năm nhân viên an ninh nữa trong quán cà phê, họ đứng dậy thì tôi thấy có tổng cộng khoảng 10 nhân viên an ninh theo dõi, tính bắt tôi.

Cho nên tôi phải chạy ngược về nhà. May mắn là tôi chạy về nhà kịp thời và đóng khóa cổng lại. Ngay sau đó, công an sắc phục đến nhà tôi và đưa những giấy mời, yêu cầu tôi lên đồn công an phường làm việc ngay trong ngày thứ sáu 18/8. Tất nhiên mà tôi không lên.

Và tối thứ sáu hôm đó, trời mưa, không thấy có người canh cho nên tôi đã quyết định rời nhà và tôi đi đến Thái Lan để tị nạn. Đó là biến cố vào ngày 18/8.

Cao Nguyên: Theo như ông nói thì việc rời đi của ông cũng khá bất ngờ. Vậy thì trước đó, ông có dự trù được là mình sẽ bị bắt để có sự chuẩn bị cho hành trình ra đi đột ngột như vậy hay không?

Nguyễn Tiến Trung: Khoảng tháng 10/2022 cũng như là vào tháng 5 – 6/2023, đã có những nhiều người bạn của tôi bị công an bắt lên phường – cũng dạng bắt cóc.

Họ hỏi rất nhiều về tôi. Lúc đó, tôi cũng thấy bình thường là bởi vì thật ra là tôi cũng không có làm vấn đề gì nghiêm trọng đến nỗi họ phải ra tay bắt mình hết, cho nên tôi cũng không lo lắng lắm.

Nhưng mà đến ngày 18/8, hôm đó, tôi thật sự hoàn toàn bất ngờ. Vì từ xưa đến giờ công an hay an ninh không dám bắt cóc tôi. Lúc nào họ cũng nói chuyện đàng hoàng và gửi thư mời làm việc chứ không bao giờ có chuyện bắt cóc giữa đường, cho nên cái việc vào ngày 18/8 là thực sự bất ngờ và tôi chưa kịp chuẩn bị gì hết để rời đi.

Cao Nguyên: Theo ông nghĩ thì những việc làm gì của mình khiến ông đối mặt với nguy cơ bị bắt, dẫn đến chuyện ông phải ra đi?

Nguyễn Tiến Trung: Trong nhiều năm qua, tôi luôn luôn báo cáo những vụ vi phạm nhân quyền của chính quyền Cộng sản Việt Nam với những tổ chức quốc tế, với đại sứ quán của các nước dân chủ.

Chuyện thứ hai mà tôi có thể nói ra đó là việc tôi đã trợ giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm ở Việt Nam liên lạc với các đại sứ quán để các đại sứ quán có thể trợ giúp họ, hoặc là vận động cho sự tự do của những người tù nhân lương tâm. Đó là những công việc của tôi làm có thể nói là công khai trong suốt nhiều năm qua, từ khi tôi ra tù vào năm 2014 cho đến giờ.

Và những việc tôi không nói là tôi đã hỗ trợ rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước, mà tôi chỉ đứng đằng sau thôi chứ không có ra mặt.

Sau này, tôi mới nghe các bạn của tôi kể lại rằng nhiều người đã bị bắt cóc giữa đường và ép là phải tố cáo tôi đã dụ dỗ lôi kéo họ vào con đường đấu tranh cho dân chủ thì tôi mới biết âm mưu của họ (chính quyền – PV) để mà buộc tội tôi.

Bởi vì, họ không hề có bất kỳ bằng chứng gì để buộc tội tôi hết. Cho nên họ đã bắt cóc tôi giữa đường để tìm cách mở điện thoại của tôi và bắt tôi dựa vào những lời tố cáo mà họ đã buộc các bạn tôi phải làm. Đó là âm mưu của họ.

Cao Nguyên: Khi quyết định rời Việt Nam vượt biên sang Thái tị nạn, điều gì khiến ông lo lắng nhất?

Nguyễn Tiến Trung: Thứ nhất là tôi không biết, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi phải ra đi hết cho nên tôi đã không hình dung được con đường đi như thế nào, có an toàn hay không,

Và thứ hai là tôi không biết các bạn bè và đồng đội của tôi ở trong nước như thế nào, họ có an toàn hay không. Đó là những mối ưu tư nhất của tôi.

Ông có thể chia sẻ về hành trình vượt biên qua Thái như thế nào hay không?

Nguyễn Tiến Trung: Vào tối thứ sáu ngày 18/8, tôi ra khỏi nhà thì đến thứ ba ngày 23/8 thì tôi đã đặt chân được đến Bangkok – Thái Lan, và tôi mất năm ngày.

Hành trình tôi vượt biên qua Thái thì nó cũng như mọi người khác, phải đi từ Việt Nam qua Campuchia rồi đi qua Thái Lan. Tôi không tiện nêu cụ thể con đường đi bởi vì đó là phải bảo mật.

Cao Nguyên: Khi đến được Thái Lan thì cảm xúc của ông như thế nào vào lúc đó?

Nguyễn Tiến Trung: Thật sự thì tôi thấy mừng là vì ít nhất mình cũng đã đến được cái nơi mà cần đến, là nơi có trụ sở của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc; Nhưng mà tôi cũng rất là cảnh giác, tại vì ai cũng biết ở Bangkok thì an ninh Việt Nam cũng dày đặc và đã từng tổ chức bắt cóc thành công anh Trương Duy nhất và Thái Văn Đường, cho nên tôi cũng không lấy gì gọi là quá vui mừng.

Lúc nào tôi cũng cảnh giác nhưng mà phía an ninh Việt Nam họ vẫn lần ra được tôi ở Bangkok, cho nên phía Đức họ mới quyết định trao Visa khẩn cấp cho tôi để tôi có thể đến Đức sớm.

Cao Nguyên: Vì sao ông có thể nhận ra là phía an bên Việt Nam đã lần ra được mình khi ông đang ở Bangkok, biểu hiện nào cho ông biết được điều đó?

Nguyễn Tiến Trung: Khi tôi ra ăn sáng ở chợ gần nhà tôi ở (Bangkok – PV) thì có một người bám theo và tôi phát hiện ra là họ đang search hình của tôi ở trên Google. Mắt của họ vừa nhìn điện thoại vừa nhìn tôi láo liêng; nhưng rất may là họ ngồi quay lưng về phía tôi.

Khi tôi liếc qua điện thoại của họ và họ cũng quay đầu lại nhìn tôi cho nên rất là dễ nhận ra và tôi thấy điện thoại của họ đang tìm kiếm hình ảnh của tôi để xác minh có đúng là tôi hay không. Tôi đã rời khỏi đó và chuyển chỗ ở ngay.

Sau đó, tôi có báo cho các đại sứ quán biết thì phía Đức đã quyết định là đưa tôi đi ngay. Đến ngày 14/12 thì tôi đi được đến Đức.

Cao Nguyên: Phía Đức và ông đã trao đổi những gì mà họ quyết định cấp Visa để ông sang Đức ngay lập tức? Đại sứ quán các nước khác như thế nào sau khi ông báo tin?

Nguyễn Tiến Trung: Thật ra, tôi có tham gia rất nhiều hoạt động chung với Đại sứ quán Đức từ nhiều năm qua. Ví dụ như có một lần là khoảng tháng 4/2013 thì tôi đã có hẹn một buổi ăn trưa với ông Đại sứ nước Đức, thì hôm đó là an ninh cũng biết và đã ngăn chặn.

Các đại sứ quán khác đều sẵn sàng giúp tôi và họ đều đang làm hồ sơ để cho tôi được đi tị nạn sớm, nhưng mà nước Đức làm xong sớm nhất cho nên tôi quyết định chọn đi Đức liền để đảm bảo an toàn.

Tôi vẫn chưa biết vì sao phía an ninh Việt Nam lần ra được chỗ ở của tôi ở Bangkok, cho nên tôi quyết định rời đi càng sớm càng tốt và nước Đức hoàn thành xong sớm nhất thủ tục cho tôi thì tôi đi thôi.

Cao Nguyên: Bây giờ nghĩ lại, suốt hành trình từ khi rời Việt Nam qua đến Thái Lan và cho đến bây giờ khi đã đặt chân đến nước Đức rồi thì điều gì ông cho là khó khăn nhất?

Nguyễn Tiến Trung: Tôi nghĩ khó khăn nhất là lúc mà tôi phải vượt biên từ Việt Nam sang Campuchia. Khi tôi bị bắt cóc vào thứ sáu thì vào thứ bảy tôi đã rời đi, đến chiều thứ bảy tôi đã đến được tỉnh ở biên giới.

Người lái taxi của tôi họ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ tổng đài và phía tổng đài cũng đã biết rõ là chiếc taxi đó đang chở tôi. Tôi biết là đã bị lộ và an ninh đã lần ra được là chiếc taxi nào đang chở tôi, bởi vì tổng đài miêu tả rất rõ đặc điểm của tôi cho nên tôi biết rằng mình đã bị lộ. Tôi phải từ cái tỉnh biên giới đó quay ngược về lại Sài Gòn. Vào thứ bảy tôi đã thất bại, không thể rời Việt Nam được.

Cho đến hôm chủ nhật, tôi phải đi qua một con đường khác thì rất may mắn là đã thành công.

Việc tôi đã bị an ninh phát hiện ra và phải quay ngược lại Sài Gòn thì tôi thấy rằng sự việc của tôi rất nghiêm trọng, bởi vì chỉ có an ninh cấp bộ thì mới có quyền huy động an ninh ở nhiều tỉnh thành phối hợp để ngăn chặn tôi như vậy. Và tôi nghĩ tôi đã rất may mắn để mà tôi có thể thoát được.

Cao Nguyên: Trong suốt thời gian mà ông ở Thái Lan tị nạn thì gia đình của ông ở Việt Nam có bị chính quyền Việt Nam làm khó hoặc xét hỏi gì không?

Nguyễn Tiến Trung: Phía gia đình tôi thì an ninh họ có hỏi dò nhưng mà tất nhiên là gia đình tôi không có nói. Còn bạn bè của tôi thì rất đông người bị an ninh bắt cóc giữa đường để tra khảo hỏi về tung tích của tôi, cũng như ép họ phải tố cáo tôi. Sau khi ra khỏi đồn công an thì họ mới nhắn cho tôi nên tôi mới biết được chuyện đó.

Cao Nguyên: Ông có nhận định vì sao nhà nước Việt Nam quyết liệt truy đuổi anh vào thời điểm đó hay không?

Nguyễn Tiến Trung: Tôi nghĩ là có nhiều lý do. Cũng có thể là những hoạt động của tôi họ thấy là nguy hiểm, bởi vì tôi hỗ trợ rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước và họ đánh giá các tổ chức xã hội dân sự đó là có đông người và có thực lực cho nên là họ quyết tâm là phải diệt tôi.

Cái thứ hai là do những bạn hoạt động giỏi tiếng Anh ở trong nước đã rời đi rồi, có thể nói tôi là người biết tiếng Anh còn sót lại ở Việt Nam giúp cho những người tù nhân lương tâm có thể lên tiếng, thì đó là một cái gai mà họ cần phải nhổ.

Chuyện thứ ba, tôi thấy có thể là do anh Trần Huỳnh Duy Thức sắp được ra tù. Theo dự kiến, anh ấy sẽ được ra tù vào năm 2025, cho nên tôi đoán là họ không muốn chúng tôi lại tập hợp lại với nhau và tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam cho nên họ phải ra tay diệt trừ trước.

Đó là tôi đoán thôi chứ còn lý do thực sự thì tôi cũng không thể biết được.

Cao Nguyên: Cảm xúc của ông thế nào khi gặp lại vợ con của mình?

Nguyễn Tiến Trung: Tôi đã gặp vợ con của mình từ bên Thái Lan. Tôi cũng đã đoán trước được là vợ con mình sẽ bị cấm xuất cảnh nhưng mà rất may mắn là vợ tôi vẫn chưa bị cấm xuất cảnh cho nên vẫn đi được. Rất là vui mừng vì chúng tôi đã cùng nhau đi đến Đức từ Thái Lan.

Cao Nguyên: Hiện nay, khi đã đến Đức rồi, cũng tạm gọi là được tự do và an toàn rồi thì liệu ông còn điều gì mà ông lo lắng băn khoăn trong lúc này hay không?

Nguyễn Tiến Trung: Đương nhiên mình là một người hoạt động dân chủ thì mình có rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Những người đồng đội của tôi vẫn còn ở trong nước thì không biết rằng họ sẽ như thế nào. Tôi mong rằng tất cả đồng đội anh em của tôi đều vẫn sẽ an toàn và tôi hi vọng rằng việc mà tôi rời đi sẽ giúp cho họ an toàn hơn bởi vì đã bị mất người đứng đầu vụ rồi.

Cao Nguyên: Ông có dự tính gì trong tương lai?

Nguyễn Tiến Trung: Trước mắt, tôi phải ổn định cuộc sống ở Đức, rồi phải đi học tiếng Đức để nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống ở đây.

Cái thứ hai là tôi vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình, đó là vấn đề về dân chủ nhân quyền cho Việt Nam; và tất nhiên là tôi phải làm dưới một hình thức khác và với một cái phương cách khác so với khi tôi đang ở trong nước.

Cao Nguyên: Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian cho RFA. Chúc ông và gia đình nhiều sức khoẻ sẽ sớm ổn định cuộc sống ở một đất nước mới.

Ông Nguyễn Tiến Trung là một nhà đấu tranh cho dân chủ của Việt Nam trong suốt hơn chục năm qua. Ông tốt nghiệp cao học chuyên ngành Công nghệ thông tin Pháp.

Ông Trung từng bị bắt vào năm 2009 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá Nhà nước”, theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự năm 1999; Trong phiên toà năm 2010, ông bị kết án bảy năm tù giam, cùng với những nhà hoạt động nổi bậc khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long.

Sau khi ra tù năm 2014, ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ bằng nhiều hình thức khác nhau, như viết các bài bình luận, báo cáo với quốc tế các vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam…

https://www.rfa.org/…/activist-nguyen-tien-trung-tells…


 

Người Bạn Đời, Bạn Đường Của Một Tổng Thống Mỹ – Đỗ Quân

Đỗ Quân 

Hôm thứ Tư tuần trước, trên chiếc xe lăn đặt sát bên dãy băng ghế đầu tiên của nhà thờ Maranatha Baptist Church ở Plains, (Georgia) có một ông già 99 tuổi ngồi để tiễn đưa người bạn đời 77 năm chung sống.

Ông già đó là Jimmy Carter, vị tổng thống thứ 39 của Hoa kỳ, năm nay 99 tuổi và đang trong tình trạng được chăm sóc cuối đời.

Bà Rosalynn Carter qua đời hôm 19 tháng 11 vừa qua, hưởng thọ 96 tuổi. Bà ra đi để lại người bạn đời và 4 người con, 25 cháu chắt.

Chuyện Mỗi Tuần kỳ này được dành cho bà Eleanor Rosalynn Carter, kể vài nét về cuộc đời, những thành tựu – và thăng trầm, mà hai ông bà chia sẻ với nhau trong gần 8 thập niên. Trong một xã hội mà cá nhân chủ nghĩa được tôn sùng đến mức tối đa, cách giải quyết thông thường nhất khi có mâu thuẫn trong hôn nhân là ly dị, chuyện tuần này có thể bị coi là nhạt, rất nhạt.

Rosalynn nói tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Jimmy: “Qua nhiều năm, chúng tôi không chỉ trở thành bạn bè, người yêu mà còn là người cộng sự. Ông ấy luôn nghĩ rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì và vì điều đó, tôi/chúng tôi đã có những cuộc phiêu lưu và thử thách tuyệt vời.”

Biết em từ thuở (anh) lên ba

Eleanor Rosalynn Smith sinh ngày 18 tháng 8 năm 1927 tại Plains, Georgia. Cô là chị cả trong một gia đình có 4 người con. Khi cha cô qua đời vì bệnh bạch cầu, cô mới được 13 tuổi, cô đảm nhận vai trò chăm sóc ba đứa em, đồng thời giúp vào công việc kinh doanh may mặc của gia đình.

Cùng ở thị trấn nhỏ 600 dân đó với Rosalynn là người chồng tương lai của cô. Hai gia đình là hàng xóm. Ngày Rosalynn ra đời, bà Lilian Carter- mẹ của Jimmy, là người y tá đã đến hộ sinh cho bà Smith. Sau đó, bà dẫn cậu Jimmy lúc đó lên ba tuổi đến thăm cô.  Bà Carter kể: “Anh ấy nhìn qua các thanh nôi và trông thấy tôi.”

Hải quân Thiếu úy Jimmy Carter và bà Rosalynn Carter sau hôn lễ

Để rồi họ trở thành đôi vợ chồng sống chung với nhau lâu nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ. Họ vừa kỷ niệm lần thứ 77 ngày thành hôn hôm 7 tháng 7 năm nay. Ông Carter cũng giữ kỷ lục vị cựu tổng thống sống thọ nhất,

Rosalynn chú ý đến chàng Jimmy ngay từ thuở thiếu thời. Khi đến chơi với cô bạn thân Ruth Carter, nàng luôn chú ý đến bức ảnh mà Ruth treo trên tường phòng ngủ. Bức ảnh chụp ông anh của Ruth trong đồng phục sinh viên sĩ quan Hải quân. Bà Carter từng thú nhận: “Tôi yêu bức ảnh đó.”

Vào một buổi tối tháng 7 năm 1945, khi Jimmy về nhà trong kỳ nghỉ trước năm cuối cùng tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis, Maryland, anh cùng cô em gái Ruth, và người bạn trai của cô lái xe vòng vòng trong thị trấn. Jimmy ngồi ở băng ghế gấp phía sau – rumble seat, của chiếc xe Ford mui trần. Hôm đó, anh có một mình. Người đẹp ở thị trấn gần đó mà anh đang hẹn hò lại kẹt trong một buổi họp mặt gia đình.

“Chúng tôi đi vòng vòng quanh thị trấn, tìm việc gì đó để làm, cố gắng tìm một người đẹp để đi chơi chung,”

Họ dừng xe lại bên kia đường trước nhà thờ United Methodist. Jimmy chỉ tay về phiá nhà thờ. Anh trông thấy Rosie đang đứng ở đó, cô vừa dự xong một cuộc họp của giới trẻ. Cô đồng ý với lời mời của Jimmy và nhảy lên băng sau của chiếc Ford.

Họ đi xem phim. Cả hai người đều không ai nhớ tên cuốn phim đêm đó.

Bà Carter kết thúc câu chuyện về đêm đó trong quyển tự truyện “First Lady from Plains”: “Trăng tròn trên bầu trời, cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng, và tôi đang yêu… và trên đường về nhà, anh đã hôn tôi!”

Buổi sáng hôm sau, khi được mẹ hỏi đi chơi có vui không, Jimmy trả lời: “Con đi xem xi-nê.”

“Với ai”

“Rosalynn Smith”

“Con nghĩ sao về cô ta?”

“Nàng là người mà con sẽ cưới.”

Chuyện không dễ như thế. Một ngày sau đó, Rosalynn đã tiễn anh tại ga xe lửa để anh trở về  Học viện Hải quân. Họ bắt đầu viết thư cho nhau. Chỉ vài tuần sau, vào tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Rosalynn đã dâng lời cầu nguyện tạ ơn để mừng người yêu sẽ không phải ra trận.

Khi anh về phép vào dịp lễ Giáng sinh cuối năm đó, Jimmy đã ngỏ lời cầu hôn và nàng… từ chối. Trong hồi ký Rosalynn viết: “Mọi chuyện quá nhanh.”  Nàng cho rằng mình còn quá “trẻ và ngây thơ” để lấy chồng. Nhưng chỉ vài tuần sau, khi cùng đi với cha mẹ Jimmy đến Annapolis để thăm anh, Jimmy lại cầu hôn. Lần này nàng gật đầu.

Nàng viết: “Ngay khi tôi về đến nhà, anh ấy đã gửi cho tôi một cuốn sách hướng dẫn ‘The Navy Wife’ (Người vợ hải quân), mà tôi đã nghiên cứu đến từng chi tiết.”

Hàng chục năm sau ngày họ lấy nhau Jimmy Carter vẫn còn thích nhắc đến chuyện mình bị từ chối trong lần cầu hôn thứ nhất và chiến dịch thuyết phục Rosalynn. Năm 2002, khi đoạt giải Nobel Hòa bình, cựu ông Carter nói với Katie Couric trên “The Today Show” rằng thành tích đáng tự hào nhất của ông không phải là giải Nobel hay chức vụ tổng thống Mỹ mà là “Khi Rosalynn nói rằng nàng sẽ lấy tôi.”

Tháng 7 năm 1946, một tháng sau khi Jimmy Carter tốt nghiệp Học viện Hải quân, họ kết hôn. Nàng 18 tuổi và chàng 21 tuổi.

Hôn lễ được tổ chức tại nhà thờ Methodist, chính nơi chàng và nàng có lần hò hẹn đầu tiên.

Ông chủ gia đình 

Rosalynn Carter (phải) làm việc tại văn phòng của đệ nhất phu nhân. Ảnh chụp năm 1977. Photo: Jimmy Carter Presidential Library

Gia đình Carters bắt đầu cuộc sống chung tại căn cứ Hải quân ở Norfolk, sau đó là công việc ở Honolulu và San Diego. Rosalynn thường ở nhà một mình với các con trong khi ông chồng làm việc trên một chiến hạm và sau đó trên các tàu ngầm.

Đời sống gia đình của họ là điển hình của thời kỳ đó, Jimmy xác nhận anh là “boss”. “Phần đầu tiên của cuộc đời chúng tôi, tôi thống trị mọi thứ,  chỉ trừ việc trong nhà…”- ông nói.

Ông Carter nói rằng mãi đến nay ông vẫn còn bị sốc vì chuyện đã không hỏi ý kiến Rosalynn về những lần chuyển việc đầu tiên của mình. “Bây giờ tôi khôn ra rồi!”

Ba con trai của họ – Jack, James III và Donnel – ra đời trong những năm Jimmy còn ở trong Hải quân; cô con gái Amy chào đời 15 năm sau.

Jimmy Carter đã viết trong cuốn sách “Sharing Good Times” (Chia sẻ những lúc vui) của mình rằng trong những năm đầu đó, ông “chưa bao giờ thấy cần thiết phải hỏi ý hoặc sự chấp thuận” của vợ.

Năm 1953, ông trở lại quê nhà để sống bên người cha đang trong những ngày cuối của cuộc đời, và ông Jimmy quyết định rời Hải quân và chuyển gia đình về Plains sinh sống mà không hỏi ý kiến Rosalynn.

Ở Plains, họ chỉ đủ sức dọn vào một ngôi nhà được chính phủ trợ cấp. Và khi Jimmy lãnh việc điều hành nhà kho đậu phộng của người cha, ông ý thức rằng mình không thể tự mình làm tất cả công việc, từ sổ sách văn phòng đến các chuyến thăm nông dân. Thế nên, “Rosalynn bắt đầu điều hành văn phòng cho tôi. Nàng đã theo học một khóa kế toán hàm thụ.”

“Tôi biết nhiều về công việc kinh doanh hơn ông ấy,” Rosalynn nói.

Mở mắt ra 

Cựu TT Jimmy Carter (người đứng) chào mừng người tị nạn Việt Nam.

Bà Carter ngồi sau Tổng thống Gerald Ford. Ảnh chụp năm 1980. Photo: Getty Images

Khi quyết định tranh cử vào Thượng viện tiểu bang vào năm 1962, ông Carter đã không cho vợ biết.

Ông kể rằng vào một buổi sáng khi ông thay quần áo, khoác bộ suit thay vì cái quần jeans xanh thường ngày thì bà bước vào phòng ngủ. Bà hỏi, ‘Jimmy, ai chết vậy? Anh sắp đi dự đám tang à?’”

Bốn năm sau, trong lần tranh cử thống đốc Georgia đầu tiên của ông, mọi chuyện cũng lại diễn ra đúng như thế. Khi ông đang nói chuyện điện thoại ở nhà thì bà Rosalynn đi ngang, ông gọi với ra, bảo vợ sắp valy cho tuần vận động tranh cử sắp tới của ông.

“Đi mà làm lấy đi.”

Câu trả lời đốp chát đó đã gây ngạc nhiên, tức giận và bối rối cho ông Carter, nhưng cũng khiến ông phải nghĩ lại về thái độ của mình. Thế là từ sau đó, ông xác nhận, không có phần nào trong “đời sống kinh doanh, cá nhân hoặc chính trị của chúng tôi mà chúng tôi không chia sẻ trên căn bản tương đối bình đẳng”.

Bắt đầu với nhiệm kỳ thống đốc năm 1970 của Jimmy Carter, bà Rosalynn là cố vấn chính về chính trị và chính sách.

Anh con trai James Carter nhận xét về cha mẹ: “Cha bắt đầu thay đổi khi tranh cử thống đốc, vì mẹ là một chính trị gia giỏi hơn ông rất nhiều. Bà quan tâm đến việc ông được bầu và tái đắc cử, còn ông quan tâm đến Kênh đào Panama.”

Bạn có nhớ?

“WASHINGTON, ngày 5 tháng 7 – Tổng thống Carter đã ra lệnh cho các tàu Mỹ đón những người tị nạn chạy trốn khỏi Đông Dương bằng thuyền và sẽ cho phép những người tị nạn tái định cư ở Hoa Kỳ nếu họ muốn, một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết hôm nay.

Một giới chức yêu cầu giấu tên cho biết: “Họ sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể để xác định xem họ muốn đi đâu. Cơ quan Di trú và Nhập tịch sẽ xúc tiến nhanh hành trình của họ đến các điểm đến, bao gồm cả nơi họ chọn, đến Hoa Kỳ.” …

Trích bản tin trên tờ The New York Times số ra ngày 5 tháng 7, 1978

Năm 1979, tổng thống Jimmy Carter tuyên bố ông sẽ tăng gấp đôi số người tị nạn từ Việt Nam, Campuchia và Lào được nhận vào Hoa Kỳ, từ 7.000 người mỗi tháng lên 14.000 người. Một cuộc thăm dò từ CBS và The New York Times ngày đó cho thấy 62% người Mỹ không tán thành. 

Ngày 17 tháng 3 năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter đã ký ban hành Đạo luật Hỗ trợ Người tị nạn và Di cư Đông Dương. Đạo luật này sửa đổi Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch trước đó và thiết lập các thủ tục tiếp nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ. Nó cũng quy định việc thiết lập một hệ thống toàn diện và thống nhất để giải quyết và tái định cư người tị nạn. 

Trong nhiệm kỳ của Jimmy Carter, Hoa Kỳ đã tái định cư khoảng 200.000 người tị nạn Việt Nam. 

Các chính sách của Carter không chỉ cung cấp sự cứu trợ ngay lập tức cho những người chạy trốn sự đàn áp mà còn thiết lập một khuôn khổ cho việc tiếp nhận người tị nạn trong tương lai. Những nỗ lực tái định cư đã dẫn tới việc hình thành các cộng đồng người Việt sôi động trên khắp nước Mỹ. Ngoài ra, hành động của Carter đã tạo tiền lệ cho cách giải quyết của Hoa Kỳ đối với các cuộc khủng hoảng người tị nạn và ảnh hưởng đến các chính sách nhập cư và tị nạn sau này. 

Liệu Jimmy Carter có thể đi đến những quyết định đó mà không có ý kiến  của bà Rosalynn Carter?

Người quyền lực thứ hai ở Hoa kỳ trong nhiệm kỳ của Jimmy Carter

Sau khi Rosalynn Carter trở thành làm đệ nhất phu nhân được hai năm, tạp chí Time đã gọi bà là “người quyền lực thứ hai ở Hoa Kỳ”. Nhiều lần, ông Carter gọi bà là equal partner – một người cộng sự bình đẳng. Ông cũng nói rằng bà là một “sự mở rộng hoàn hảo của bản thân tôi”. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1977, Carter thừa nhận rằng bà đã cãi nhau với ông về nhiều chính sách của ông nhưng ông hành động căn cứ trên quyết định của mình và bà  chối không ảnh hưởng đến  những quyết định quan trọng của ông. Về sau, cũng trong một cuộc phỏng vấn, bà Carter nói rằng bà không công khai bày tỏ sự bất đồng với các chính sách của chồng vì tin rằng “sẽ mất hết hiệu quả của tôi với ông ấy” cũng như cho rằng  cử chỉ đó sẽ không giúp thay đổi quan điểm của ông theo quan điểm của bà. Bà nói rằng đệ nhất phu nhân có thể gây ảnh hưởng đến các quan chức hoặc công chúng bằng cách thảo luận hoặc chú ý đến một vấn đề.

Các nhà báo của tờ Washington Post được vợ chồng Carter xác nhận rằng họ thường xuyên bất đồng quan điểm khi ông còn là tổng thống nhưng luôn giữ kín chuyện đó.

“Bà ấy phản đối chính sách của tôi rất nhiều khi tôi còn ở Bạch ốc, nhưng chưa bao giờ công khai”, ông nói.

Bà Carter bắt tay Tổng thống Anwar el-Sadat của Ai Cập trong cuộc đàm phán hòa bình với Thủ tướng Menachem Begin của Israel tại Trại David năm 1979.

Photo: Corbis, via Getty Images

Bà Carter xác nhận: “Chúng tôi thường ngồi trên Ban công Truman vào buổi chiều và nói về những gì chúng tôi đã làm. Tôi đã nói với ông ấy điều tôi nghĩ.” Bà nhất quyết đòi ăn trưa riêng với ông vào thứ Năm hàng tuần tại Phòng Bầu dục.

Ông bắt đầu gọi bà là cố vấn đáng tin cậy nhất của mình và mời bà tham dự các cuộc họp Nội các.

Sắc lệnh hành pháp đầu tiên của Tổng thống Carter là thành lập một ủy ban tổng thống về sức khỏe tâm thần. Ông đã cố gắng bổ nhiệm Rosalynn làm người đứng đầu ủy ban này, vai trò mà bà đã đảm nhận khi còn là đệ nhất phu nhân Georgia. Nhưng khi các cố vấn đặt câu hỏi về tính hợp pháp và chính trị của việc bổ nhiệm một thành viên gia đình vào vai trò này, họ đã phải thỏa hiệp, Rosalynn trở thành “chủ tịch danh dự” của Ủy ban này.

Bà Carter đã thành lập một Văn phòng Đệ nhất phu nhân chính thức hoàn chỉnh với đội ngũ nhân viên 18 người ở East Wing của Bạch ốc – “Lúc đầu, tôi phải đi ra cửa sau cho đến khi mọi người quen với sự cò mặt của văn phòng này ở đó.”

Bà trở thành đệ nhất phu nhân thứ hai từng ra điều trần tại Quốc hội, sau bà Eleanor Roosevelt.

Gerald Rafshoon, giám đốc truyền thông của Bạch ốc thời Carter cho biết người ta đã đánh giá thấp bà Rosalynn: “Bà ấy thực sự là tai mắt của Jimmy Carter. Và bà là người mà chúng tôi sẽ tìm đến nếu cần giúp Jimmy giải quyết vấn đề gì đó.”

Trong thời gian ở Bạch ốc và cả sau này, bà Carter đóng vai trò cố vấn chính trị cho tổng thống, nhà ngoại giao quốc tế, người đấu tranh cho những người chăm sóc và ủng hộ việc chăm sóc sức khỏe tâm thần – vào thời điểm mà việc điều trị bệnh tâm thần ngang bằng với bệnh thể chất còn là một ý tưởng mới lạ.

Theo Scott Kaufman, giáo sư lịch sử tại Đại học Francis Marion, tác giả quyển “Rosalynn Carter: Equal Partner in the White House” (Cộng sự bình đẳng trong Bạch ốc” năm 2007, nói rằng Carter là một “người mở đường thực sự” và “người đột phá”, đồng thời là “một trong những nhà hoạt động tích cực nhất” trong số những đệ nhất phu nhân trong lịch sử nước Mỹ.

Cách hoạt động của Rosalynn Carter ở vị trí đệ nhất phu nhân được so sánh với Eleanor Roosevelt, người đã xác định lại vai trò của mình hơn 25 năm trước khi gia đình Carters chuyển đến Washington.

Roosevelt là đệ nhất phu nhân đầu tiên điều trần trước Quốc hội – và Rosalynn Carter là người thứ hai, đại diện cho Ủy ban Sức khỏe Tâm thần của Tổng thống với tư cách là chủ tịch danh dự vào năm 1979. Rosalynn Carter là phu nhân Bạch ốc đầu tiên thường xuyên tham dự các cuộc họp nội các của tổng thống, nơi những người đứng đầu các bộ phận điều hành tạo nên vòng tròn cố vấn sâu nhất của họ. Bà cũng là người đầu tiên tự mình gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài, dành 13 ngày ở bảy quốc gia Mỹ Latinh và Caribean.

Kaufman nói rằng mặc dù các đệ nhất phu nhân trước đây đã từng đi công du nước ngoài, nhưng họ thường được coi là “những phái đoàn thiện chí” với những cuộc gặp gỡ xã giao. Rosalynn Carter là “người đầu tiên thảo luận về chính sách kinh tế, kiểm soát vũ khí và buôn bán ma túy” với tư cách là sứ giả của tổng thống. Ông nói: “Đây là những điều mà những người chỉ trích bà cho rằng là vượt quá giới hạn đối với một đệ nhất phu nhân. Nhưng bà Carter biết về các vấn đề đó – thậm chí còn học tiếng Tây Ban Nha để chuẩn bị – và không lùi bước.

Bà Carter đã vận động hành lang để thông qua Equal Rights Amendment (Tu chính án về quyền bình đẳng) để bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả người Mỹ dựa trên giới tính, nhưng do phản ứng dữ dội của phe bảo thủ đối với phong trào nữ quyền ru chính án đó không được thông qua. Bà đã thúc đẩy việc thành lập Văn phòng Đệ nhất phu nhân, giúp xác định lại vai trò đó trong tương lai. Văn phòng này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Bà khuyến khích phụ nữ phục vụ ở tất cả các cấp chính quyền, cả trong và ngoài chính quyền của chồng bà. Jimmy đã bổ nhiệm một số lượng phụ nữ kỷ lục vào ghế thẩm phán liên bang, trong đó có Ruth Bader Ginsburg, người tiếp tục phục vụ tại Tòa án Tối cao.

Với tư cách là chủ tịch ủy ban tổng thống, bà đã ủng hộ việc thông qua Đạo luật Hệ thống Sức khỏe Tâm thần, không ngần ngại kêu gọi các nhà lập pháp chủ chốt của Capitol Hill thúc đẩy việc thông qua đạo luật này. Năm 1987, bà thành lập Rosalynn Carter Institute for Caregivers tại trường cũ của bà, Đại học Southwestern Georgia, tập trung vào việc “xây dựng sự cộng tác giữa các khu vực” và “ủng hộ cho chính sách công” để hỗ trợ cho 53 triệu người chăm sóc của đất nước. Carter cũng viết một số cuốn sách về bệnh tâm thần và cách chăm sóc, gồm quyển “Helping Yourself Help Others: A Book for Caregivers” (Tự giúp mình giúp đỡ người khác: Sách dành cho người chăm sóc) và “Within Our Reach: Ending the Mental Health Crisis.” (Trong tầm tay của chúng ta: Chấm dứt khủng hoảng sức khỏe tâm thần).

Tại Thượng viện Hoa kỳ năm 2011 trước Ủy ban Đặc biệt về Người cao tuổi của Thượng viện, bà Carter đã nói: “Tôi muốn nói rằng trên thế giới chỉ có bốn loại người: Những người từng là người chăm sóc; những người hiện đang là người chăm sóc; những người sẽ là người chăm sóc; và những người sẽ cần đến những người chăm sóc.”

Về bệnh tâm thần, bà nói: “Các bệnh tâm thần cũng là bệnh như bao thứ bệnh khác. Chúng có thể được chẩn đoán và điều trị, và phần lớn những người mắc các bệnh này có thể có cuộc sống trọn vẹn, làm việc, đi học và trở thành thành viên hữu ích trong cộng đồng của họ.”

Bí quyết hôn nhân của gia đình Carter

Kevin Sullivan và Mary Jordan, hai ký giả của tờ Washington Post trong bài viết về vợ chồng cựu tổng thống Carter năm 2021 đã kể rằng ông nhận ra “sự dịu dàng của bà ấy khi chúng tôi tranh cãi” và thấy dễ chịu khi ở bên bà. Ông nói, những bất đồng của họ phần lớn là những chuyện nhỏ nhặt, chẳng hạn như nên xem gì trên TV. “Nhưng chúng tôi không bao giờ đi ngủ trong trạng thái giận dữ.”

Hai ông bà Rosalynn và Jimmy Carter nắm tay nhau trong một dự án làm việc kéo dài một tuần với các thiện nguyện viên khác cho Humanity Habitat năm 2018.
(Robert Franklin/South Bend Tribune/AP)

“Chúng tôi đã nhận ra từ lâu rằng chúng tôi cần chia sẻ mọi thứ. Tôi đã cho bà ấy nhiều riêng tư. Bà ấy làm điều bà ấy muốn, còn tôi làm điều tôi muốn. Nhưng sau đó chúng tôi đã tìm kiếm những thứ mà chúng tôi có thể cùng nhau làm được.”

Sau một nhiệm kỳ ở Bạch ốc, vợ chồng Carter quay trở lại Plains và ngôi nhà mà họ đã xây vào năm 1961. Họ vẫn con trẻ, chỉ mới ngoài 50 và quyết định rằng họ vẫn còn nhiều việc phải làm. Sau đó, họ đã quyên góp được hàng triệu đô la và đi khắp thế giới cho Trung tâm Carter, nơi cổ động cho các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, các sáng kiến y tế cho người nghèo và bình đẳng cho phụ nữ.

Ông được giải Nobel Hòa bình năm 2002 về những gì ông đã làm trong nhiều năm cho hòa bình và nhân quyền.

Ông bà Carter cũng giúp tổ chức bất vụ lợi Habitat for Humanity xây nhà cho những người nghèo trên khắp thế giới.

Ông Carter chơi tennis nên bà cũng đã học chơi. Khi bà 59 tuổi và ông 62 tuổi, họ thử trượt tuyết xuống dốc. Họ cùng nhau đi câu cá từ Montana đến Mông Cổ. Họ đã cùng xác định đến 1.300 loài chim trong nhiều chuyến đi ngắm chim.

Ông nói, sau này thỉnh thoảng ông ở nước ngoài vài ngày mà không có bà vì công việc của Trung tâm Carter. Nhưng họ vẫn giữ thói quen đọc Kinh Thánh cùng nhau hàng đêm trước khi đi ngủ. Họ thường đọc cho nhau nghe trên điện thoại. Hoặc, nếu gặp khó khăn vì chênh lệch múi giờ, họ sẽ đọc một mình, mỗi người biết rằng người kia đang đọc chính xác cùng một câu.

Chương cuối cuộc đời đệ nhất phu nhân đáng kính

Rosalynn và Jimmy Carter trở về nhà sau khi dự tiệc mừng Năm mới 2020
cùng các thân hữu ở Plains, Georgia. Photo: Jill Stuckey

Những gì diễn ra tại Atlanta phản ánh những chương lớn nhất của cuộc đời bà Carter. Hàng ngàn người đưa tang đã đến viếng linh cữu của bà tại thư viện tổng thống Carter, cách Trung tâm Carter mà họ đồng sáng lập chỉ vài bước chân sau khi rời Bạch ốc. Sau đó, tại nhà thờ trường đại học Emory (Atlanta), bà đã được vinh danh trong một buổi lễ tràn ngập âm nhạc với sự có mặt của những đồng đại sứ của tổ chức Habitat for Humanity. Hơn 1.000 giáo dân tập trung chật kín ngôi nhà thờ trang nhã với Tổng thống Joe Biden, cựu Tổng thống Bill Clinton và năm đệ nhất phu nhân cùng với Jimmy Carter và 4 đứa con của họ ngồi ở hàng ghế đầu.

Cuộc chia ly của Rosalynn Carter và Jimy Carter sau 77 năm chung sống chỉ là tạm thời. Tại tang lễ của bà Carter, Amy Carter, con gái của họ, đã thay mặt cha đọc một đoạn trong bức thư mà ông đã viết cho bà cách đây 75 năm:

Em yêu, mỗi lần anh xa em, anh đều rất xúc động khi quay trở lại và nhận ra em tuyệt vời đến  thế nào. Khi đi xa, anh đã cố thuyết phục mình  rằng em thực sự không thể ngọt ngào và xinh đẹp như anh nhớ. Nhưng khi nhìn thấy em, anh lại yêu em lần nữa. Điều đó có vẻ lạ đối với em không? Nó không xa lạ với anh. Tạm biệt em yêu. Hẹn ngày mai nhé!

Jimmy”

Mộ của bà nằm trong tầm nhìn từ hiên trước ngôi nhà, nơi tổng thống thứ 39 của Hoa kỳ hiện đang sống.

Đỗ Quân 

(tổng hợp từ Washington Post, New Your Times, AP, CNN)


 

Tri ân ông Alcoh Wong tại Little Saigon,vị ân nhân mai táng thuyền nhân

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Ngày Hội Ngộ Thuyền Nhân” và tri ân ông Alcoh Wong, người mai táng thuyền nhân, vừa được đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV tổ chức vào chiều Thứ Sáu, 27 Tháng Mười, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 2, thành phố Garden Grove.

Bà Alice Wong (thứ ba từ trái) cùng gia đình từ Malaysia sang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong lịch sử Việt Nam, khi nhắc tới thuyền nhân là nhắc tới một trang sử đen tối của đất nước khi Cộng Sản Việt Nam cai trị toàn đất nước từ cuối Tháng Tư, 1975, khiến cho hàng triệu đồng bào Việt Nam phải bỏ quê hương ra đi.

Theo lượng định của Liên Hiệp Quốc, trong số hàng triệu thuyền nhân thì nửa triệu người đã chết trên biển cả, chỉ khoảng hơn 800,000 người sống sót đã đến được bến bờ tự do.

Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, điều hợp chương trình, cho hay: “Ông Alcoh Wong là một ân nhân của các thuyền nhân bất hạnh bị tử nạn trên đường vượt biển, và xác của họ đã trôi dạt vào bờ biển tại một số hòn đảo ở Malaysia. Vị ân nhân vĩ đại này đã vớt trên 500 thi thể bất hạnh và đem vào bờ để chôn cất. Đây là một công việc do sự tự nguyện của ông, đã tốn kém nhiều tài lực và nhân lực trong nhiều năm qua. Ông là người có tấm lòng bác ái, mà ít có ai có thể thực hiện được.”

Cũng theo Luật Sư Dũng, công trình lớn nữa là ông Alcoh Wong đã soạn ra cuốn cẩm nang ghi chép tên họ những thuyền nhân của những ngôi mộ mà ông đã chôn cất. Sau này, có rất nhiều thân nhân của những thuyền nhân bất hạnh đã tìm được những ngôi mộ thân nhân của họ tại Malaysia.

“Và cũng nhờ đó, tập thể thuyền nhân sau này mới có thể tìm được những ngôi mộ này để thăm viếng và trùng tu. Trong suốt nhiều năm qua, kể từ năm 2005 cho đến nay đã có nhiều chuyến đi về Biển Đông của nhiều nhóm. Cụ thể là có nhóm Văn Khố Thuyền Nhân ở Úc, cũng như những nhóm ở những quốc gia khác, nhờ cuốn cẩm nang này, họ đã đến thăm viếng những ngôi mộ thuyền nhân đang còn ở Malaysia. Nhưng, rất tiếc là ông Alcoh Wong đã mất vào năm 2006, hưởng dương 59 tuổi,” Luật Sư Dũng cho biết thêm.

Ông Alcoh Wong và ngôi mộ của thuyền nhân tại Terengganu.

(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt chụp lại)

Nhân chuyến vợ của ông Alcoh Wong là bà Alice Wong cùng với gia đình đến Little Saigon, nên các thuyền nhân có buổi họp mặt để đồng hương có dịp tỏ lòng cám ơn và vinh danh ông Alcoh Wong.

Ông Nguyễn Hữu Công, giám đốc đài Little Saigon Radio, nói: “Trong số những thuyền nhân được sống sót đó có tôi và nhiều quý vị quan khách đang hiện diện nơi đây. Cộng Sản Việt Nam như bất cứ chế độ độc tài khác, họ che giấu bất kỳ một sự kiện nào tố cáo sự thất bại của họ. Họ che giấu việc năm 1954 đã có hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam, cuộc di cư vĩ đại của đồng bào miền Bắc vào Nam không có một dòng nào trong sách sử miền Bắc trước năm 1975 và hiện nay.”

Cũng theo ông Công, trong hành trình tìm tự do, nhiều người đã chết, thân xác dạt vào bờ biển của các quốc gia lân bang. Đã có những ân nhân đã mở lòng ra, chôn xác thuyền nhân, một trong những vị ân nhân đó, mà mọi người vinh danh và tri ân trong buổi hội ngộ là ông Alcoh Wong. Trong suốt hơn 18 năm, ông đã vớt xác và chôn cất những thuyền nhân bất hạnh từ năm 1978, khi ông 31 tuổi đến ông lìa đời 2006, lúc đó ông mới 59 tuổi.

“Khi hội ngộ thuyền nhân, chúng ta cũng không thể nào quên ơn những quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hồng Kông, Singapore đã bước đầu đón tiếp chúng ta. Và nhất là những vị ân nhân như ông Alcoh Wong mà chúng ta vinh danh và tri ân trong tối hôm nay,” ông Công nói thêm.

Đồng hương tưởng niệm các thuyền nhân bị tử nạn tại biển khơi.

(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Ngọc Ân, thành viên trong ban tổ chức, kể lại chuyến đi của phái đoàn Việt Nam từ nhiều quốc gia đến viếng thăm những nghĩa trang của thuyền nhân tại ven bờ biển Malaysia, trong dịp Thanh Minh vào Tháng Ba, 2016. Tình cờ họ gặp được bà Alice Wong, vợ của ông Alcoh Wong.

Những khu nghĩa trang tại Terengganu gồm có các khu A, B, C, D, F… Lúc đó phái đoàn thăm viếng chia nhau mỗi nhóm đi thăm một khu vì nghĩa trang này quá lớn.

Bà Alice Wong cho phái đoàn thăm viếng biết năm nay đúng 10 năm giỗ của chồng bà, thì bà sẽ đốt hết những quyển sách này, bởi vì hơn 10 năm qua, bà không biết cách nào để đưa hàng trăm quyển sách này đến tay những thân nhân của thuyền nhân bất hạnh.

Quyển cẩm nang này có ghi rõ gồm 17 nghĩa trang thuyền nhân dọc theo bán đảo Malaysia. Ông Alcoh Wong đã phát hành quyển cẩm nang này vào năm 2006, một tháng sau thì ông qua đời. Phái đoàn thăm viếng đã mua 250 quyển, trong sách có ghi tên họ của những thuyền nhân và được chôn cất tại nơi nào.

Khi về đến Westminster, nhờ có Little Saigon Radio và Hồn Việt TV phổ biến thì chỉ trong hai tuần, cả gần 250 quyển cẩm nang đã hết, giờ chỉ còn khoảng năm quyển, ban tổ chức đang giữ.

Vợ chồng thuyền nhân Ngô Vũ Liễu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Ngọc Ân ngậm ngùi kể lại: “Trong chuyến đi này, chúng tôi lần đầu tiên được viếng mộ của ông Alcoh Wong. Tôi thắc mắc hỏi vợ ông, ‘Tại sao vợ con của ông ở Kuala Lumpur, mà mộ của ông lại ở gần khu những ngôi mộ của thuyền nhân tại Terengganu?’ Thì bà trả lời rằng, ‘Khi ông mất, ông muốn được chôn cất tại Terengganu, để khi những thuyền nhân Việt Nam trở về thăm Pulau Bidong thì họ sẽ đi ngang qua mộ của ông bên đường, và ông muốn nằm ở đó đợi các thuyền nhân Việt Nam trở về nơi này, để ông nhìn thấy được những người con, những người anh, những người chị, hay cha mẹ của họ còn nhớ đến lịch sử đau thương của những thuyền nhân bất hạnh, mà trở về đây.”

Có nhiều cựu thuyền nhân từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đến tham dự, và họ đã chia sẻ nỗi niềm của thuyền nhân còn sống sót sau cuộc vượt biên đầy cam go và nguy hiểm.

Thuyền nhân Nguyễn Thanh Giàu, hội trưởng Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, kiêm tổng thư ký Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói: “Ông Alcoh Wong là một vị bồ tát, bởi vì tấm lòng của ông rất là bao la. Trong suốt hơn 18 năm, ông đã lo chôn cất hàng trăm xác chết của thuyền nhân bỏ quê hương ra đi vì hai chữ tự do, thì chính ông Alcoh Wong là người đã tô đậm thêm nét đẹp của sự vượt biển cũng vì hai chữ tự do đó. Và những thuyền nhân còn sống sót đang hiện diện nơi đây hay bất cứ ở đâu, chúng ta hãy cám ơn những thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả, vì chính họ đã cho mọi người thấy được giá trị của sự tự do như thế nào.”

Từ trái, ông Nguyễn Hữu Công, bà Mai Hân và bà Mai Khanh.

(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thuyền nhân Ngô Vũ Liễu, từ Denver, Colorado về, kể lại chuyến đi vượt biên vào năm 1984 của bà và người em trai cùng với nhiều người trên chiếc tàu lênh đênh trên biển suốt 19 ngày. Vì tàu bị vô nước và máy bị hư không chạy được nữa, và mấy ngày sau thì tàu không còn thức ăn và nước uống, nên số thuyền nhân đã chết hơn phân nửa, và cũng không còn ai đủ sức để tát nước, tàu sắp bị chìm!

Cũng may có một chiếc tàu Malaysia đến cứu và đưa những người sống sót vào bờ. Nhưng sau khi vào đến bờ thì em trai của bà đã chết, vì bệnh và đói khát ròng rã suốt hơn 10 ngày lênh đênh trên biển. Sau này, nhờ có thông tin về quyển cẩm nang của ông Alcoh Wong, nên đến năm 2007, ông bà Liễu đã sang Malaysia gặp được bà Alice Wong và tìm được ngôi mộ của em trai bà Liễu đã mất trên 20 năm.

Chương trình văn nghệ phụ diễn do ban văn nghệ Đỗ Thanh đảm trách. [qd]


 

Thêm một người bị kết tội tổ chức đám cưới giả ở Nam California

Ba’o Nguoi-Viet

December 1, 2023

LOS ANGELES, California (NV) – Thêm một người nữa ở Nam California bị kết tội có liên quan đến tổ chức hàng trăm đám cưới giả, và lần này là một ông ở Los Angeles.

Theo đài KTLA, bị cáo có tên Engilbert Ulan, 42 tuổi, người có quốc tịch Philippines đang cư ngụ ở Los Angeles. Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết ông bị kết tội tổ chức đám cưới giả, khai gian giấy tờ nhập cư.

Văn phòng làm đám cưới giả của nhóm 11 người ở Los Angeles. (Hình: Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ)

Ông bị bắt và bị truy tố cùng 11 người khác vào Tháng Tư năm ngoái vì có liên quan đến công ty lường gạt người khác do ông Marcialito Benitez đứng đầu.

Bắt đầu từ năm 2019, nhóm người này tổ chức nhiều đám cưới giả tại nhiều văn phòng ở Los Angeles. Họ chuẩn bị và nộp nhiều hồ sơ giả để làm bằng chứng cho đám cưới với mục đích giúp khách hàng lấy được quốc tịch Mỹ.

Công việc của ông Ulan là giúp khách hàng và người họ sắp cưới giả chuẩn bị phỏng vấn với Sở Di Trú, giúp họ biết cách che giấu đám cưới giả và biết cách trả lời câu hỏi khi phỏng vấn lấy thẻ xanh.

Bộ Tư Pháp cho biết một người phải trả phí cho dịch vụ đó từ $20,000 đến $30,000.

Ông Ulan là người thứ 10 bị kết tội, và chín bị cáo khác trong nhóm đã nhận tội. Người đứng đầu là ông Benitez cũng mới nhận tội hồi Tháng Chín vừa qua, và sẽ nhận bản án vào Tháng Giêng, 2024. Bị cáo Ulan sẽ ra tòa nhận bản án vào Tháng Ba, 2024.

Theo Bộ Tư Pháp, bản án tối đa của tổ chức đám cưới giả và khai gian giấy tờ nhập cư là năm năm trong nhà tù liên bang, ba năm quản chế và đóng tiền phạt lên đến $250,000. (TL) [qd]


 

Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn qua đời, hưởng thọ 87 tuổi

Ba’o Nguoi-Viet

November 28, 2023

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả bài hát nổi tiếng “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” và từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, vừa qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.

Tin này được anh Nguyễn Đình Thư, con trai cố nhạc sĩ, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Người Việt)

Theo Wikipedia, ông Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 Tháng Chín, 1936 tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông còn có bút hiệu Tô Hải Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc.
Năm 1954, ông di cư vào Nam.

Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, và bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.

Ông cũng viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo miền Nam Việt Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.

Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ, định cư ở Nam California, và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. (Đ.D.)


 

Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter qua đời ở tuổi 96

Ông bà Carters kết hôn được hơn 77 năm, cuộc hôn nhân tổng thống dài nhất trong lịch sử Mỹ

Ba’o Nguoi-Viet

PLAINS, Georgia (NV) – Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter, người đã làm việc không mệt mỏi vì cải cách sức khỏe tâm thần và chuyên nghiệp hóa vai trò phu nhân của tổng thống, vừa qua đời tại tư gia hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một, ở tuổi 96, theo trung tâm Carter Center.

“Người vợ thân yêu Rosalynn luôn cho tôi sự hướng dẫn và động viên khôn ngoan khi tôi cần. Với tôi, bà là người cộng sự bình đẳng trong mọi việc mà tôi từng hoàn thành. Chừng nào Rosalynn còn trên đời, tôi luôn biết có người yêu thương và ủng hộ mình,” cựu Tổng Thống Jimmy Carter lên tiếng trong một tuyên bố.

Vợ chồng cựu Tổng Thống Jimmy Carter hồi năm 2015. (Hình: Frazer Harrison/Getty Images)

Ông bà Carters kết hôn được hơn 77 năm, cuộc hôn nhân tổng thống dài nhất trong lịch sử Mỹ và họ đã trải qua những tháng cuối đời bên nhau tại ngôi nhà của gia đình ở thị trấn Plains, phía Tây Nam tiểu bang Georgia.

Cựu tổng thống vào Tháng Hai vừa qua quyết định ngừng điều trị y tế trước căn bệnh ung thư da ác tính mà ông mắc phải.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1976 của chồng, bà Carter được mệnh danh là “cây mộc lan thép,” ám chỉ phong thái miền Nam ăn nói nhỏ nhẹ nhưng ẩn tàng ý chí mạnh mẽ và lòng kiên quyết.

Quyết tâm không chỉ là đóng vai trò nghi lễ, bà Carter làm theo truyền thống của cựu Đệ Nhất Phu Nhân Eleanor Roosevelt biến mình thành người phụ tá đắc lực trong các chính sách của chồng trong vai trò tổng thống.

Bà Carter là đệ nhất phu nhân đầu tiên duy trì một văn phòng ở Toà Bạch Ốc và là đệ nhất phu nhân thứ hai, sau bà Roosevelt, ra điều trần trước Quốc Hội.

Vào Tháng Năm và Tháng Sáu, 1977, Tổng Thống Carter cử vợ đi công du ngoại giao tới các quốc gia Nam Mỹ, một chuyến đi mang tính chất quan trọng hơn là mang tính xã hội và chưa từng có đối với một đệ nhất phu nhân.

Chuyến công du này đã đưa bà đến bảy quốc gia và vượt qua hơn 12,000 dặm trong 13 ngày. Nhiệm vụ của cựu đệ nhất phu nhân là giải thích chính sách đối ngoại của Mỹ cho một phần thế giới mà Tổng Thống Carter tin rằng nước Mỹ trước đó đã bỏ qua.

Hồi Tháng Chín, cháu nội của cựu Tổng Thống Jimmy Carter và cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter nói rằng cặp vợ chồng này đang “đến bước cuối cuộc đời” nhưng vẫn ở bên nhau trong tình yêu thương.

Vị cựu tổng thống đã vào nhà an dưỡng cuối đời hồi đầu năm nay, theo tổ chức từ thiện The Carter Center của ông hồi Tháng Hai. Vào Tháng Năm, cựu đệ nhất phu nhân đã được chẩn đoán bị chứng mất trí nhớ (dementia).

Jason Carter, cháu nội của ông bà Carter, hiện là chủ tịch The Carter Center, từng nói với tờ USA Today vào hôm Thứ Năm, 14 Tháng Chín, rằng cặp vợ chồng già đang sống hạnh phúc.

“Họ ở bên nhau, họ ở nhà. Họ yêu nhau, và tôi không nghĩ có ai hưởng được nhiều đến thế,” Jason cho biết. “Tôi muốn nói rằng đây là tình trạng hoàn hảo vào thời điểm này trong cuộc đời của họ.” (MPL) 


 

BÀ CARTER ĐÃ RA ĐI – Giao Chỉ San Jose

 Ông bà đã ở với nhau suốt 77 năm để trở thành đôi bạn đời lâu nhất trong lịch sử đệ nhất gia đình tại Mỹ.

Giao Chỉ San Jose

Vì trách nhiệm Viện Bảo tàng Thuyền nhân nên chúng tôi dành tình cảm rất nhiều cho ông Jimmy Carter. Vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 39 rất hiền lành lãnh đạo chỉ một nhiệm kỳ nhưng đã được toàn dân Mỹ yêu mến. Ông đã có nhiều duyên nợ với thuyền nhân nên đã từng lưu tâm đến Việt Museum. Cô phóng viên đài VOA muốn nói chuyện về Tổng thống Carter vì ông gần trăm tuổi đang nằm chờ những ngày tháng sau cùng. Và chúng tôi cũng đang chờ. Nào ngờ bà Tổng thống lại đi trước.

Nằm trong bệnh viện nghe tin bà xã bỏ cuộc, bác Carter đã nói lời than thở. Báo Mỹ viết như sau :  “As long as Rosalynn was in the world, I always knew somebody loved and supported me,” said the former president, whose 77-year marriage with Rosalynn was the longest of any first couple in U.S. history… (Chừng nào bà nhà tôi còn sống, tôi biết rằng vẫn còn có người yêu thương yểm trợ tôi.. Ông bà đã ở với nhau suốt 77 năm để trở thành đôi bạn đời lâu nhất trong lịch sử đệ nhất gia đình tại Mỹ). 

Đúng như vậy bà Carter là Đệ nhất phu nhân trực tiếp giúp ông trong nhiều lãnh vực. Đặt phòng làm việc trong Bạch Cung và đích thân một mình đi thăm các quốc gia với tư cách sứ giả của Hoa Kỳ. Ngay cả sau khi ông chồng trở thành cựu Tổng thống hành nghề tình nguyện cất nhà cho dân nghèo toàn quốc, bà Carter cũng leo thang tay kìm tay búa làm thợ thực sự. Tại thư viện và bảo tàng Carter địa chỉ 441 John Lewis Freedom Pkwy NE, Atlanta, GA 30307 có triển lãm hình ảnh ông bà tay trong tay làm toàn công việc thợ thuyền. Rất ít thấy hình ảnh ông bà quần áo dạ hội trong các đại lễ huy hoàng. Đọc lại tiểu sử ghi nhận bà là nhà văn, nhà văn hóa có trình độ và trở thành Đệ nhất phu nhân trí thức nhưng biết rõ giá trị của vai trò tình nguyện lao động làm biểu tượng thực sự cho quê hương.

Nhân danh viện bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi đã viết thư chia buồn đến ông Jason Carter là cháu của ông bà để gửi lời thành kính phân ưu cùng tang quyến. Ông Jason hiện là Giám đốc thư viện và bảo tàng của Tổng thống. Phần dưới đây chúng tôi xin đăng bài báo với đầy đủ tin tức từ Người Việt miền Nam CA. Đồng thời cũng gửi thêm một loạt các hình ảnh nói lên con đường đáng kính của ông bà thực sự làm gương cho tất cả mọi người.

                        Đây là bài báo chuyển tiếp từ Người Việt tại Orange County

Cựu Tổng thống vào Tháng Hai vừa qua quyết định ngừng điều trị y tế trước căn bệnh ung thư da ác tính mà ông mắc phải.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1976 của chồng, bà Carter được mệnh danh là “cây mộc lan thép”, ám chỉ phong thái miền Nam ăn nói nhỏ nhẹ nhưng ẩn tàng ý chí mạnh mẽ và lòng kiên quyết.

Quyết tâm không chỉ là đóng vai trò nghi lễ, bà Carter làm theo truyền thống của cựu Đệ Nhất Phu Nhân Eleanor Roosevelt biến mình thành người phụ tá đắc lực trong các chính sách của chồng trong vai trò Tổng thống.

Bà Carter là đệ nhất phu nhân đầu tiên duy trì một văn phòng ở Toà Bạch Ốc và là đệ nhất phu nhân thứ hai, sau bà Roosevelt, ra điều trần trước Quốc Hội.

Vào Tháng Năm và Tháng Sáu, 1977, Tổng Thống Carter cử vợ đi công du ngoại giao tới các quốc gia Nam Mỹ, một chuyến đi mang tính chất quan trọng hơn là mang tính xã hội và chưa từng có đối với một Đệ nhất Phu nhân.

Chuyến công du này đã đưa bà đến bảy quốc gia và vượt qua hơn 12,000 dặm trong 13 ngày. Nhiệm vụ của cựu Đệ nhất Phu nhân là giải thích chính sách đối ngoại của Mỹ cho một phần thế giới mà Tổng Thống Carter tin rằng nước Mỹ trước đó đã bỏ qua.

Hồi Tháng Chín, cháu nội của cựu Tổng Thống Jimmy Carter và cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter nói rằng cặp vợ chồng này đang “đến bước cuối cuộc đời” nhưng vẫn ở bên nhau trong tình yêu thương.

Vị cựu Tổng thống đã vào nhà an dưỡng cuối đời hồi đầu năm nay, theo tổ chức từ thiện The Carter Center của ông hồi Tháng Hai. Vào Tháng Năm, cựu Đệ nhất Phu nhân đã được chẩn đoán bị chứng mất trí nhớ (dementia).

Jason Carter, cháu nội của ông bà Carter, hiện là Chủ tịch The Carter Center, từng nói với tờ USA Today vào hôm Thứ Năm, 14 Tháng Chín, rằng cặp vợ chồng già đang sống hạnh phúc.

  – “Họ ở bên nhau, họ ở nhà. Họ yêu nhau, và tôi không nghĩ có ai hưởng được nhiều đến thế”, Jason cho biết.    

      (MPL) 


 

Một bác sĩ gốc Việt tỵ nạn CS lừng danh thế giới

 THANH PHONG/Viễn Đông

08 January 2019

Ba’o Saigon Echo

“Nghĩ lại, nếu những năm 75, không có chính sách di dân cởi mở, không có người dân Mỹ, không có Nhà Thờ Mỹ và Trường Đại Học Mỹ giúp thì không biết 12 sinh viên nghèo, không người thân như chúng tôi đã làm được gì trên đất nước này.

Bác sĩ Phm Mai Sĩ (Lebanon Valley College News)

LITTLE SAIGON – Vừa rồi trên trang mạng Phụng Sự Xã Hội có đăng tải bài viết về một bác sĩ gốc Việt tài ba – bác sĩ tị nạn CS lừng danh thế giới. Nhận thấy đây là tin vui và niềm hãnh diện chung cho cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, đồng thời cũng là tấm gương cho các bạn trẻ Việt Nam, chúng tôi đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả, Viễn Đông tóm tắt cuộc đời và thành công của vị bác sĩ tài ba gốc Việt mang tên Phạm Mai Sĩ:

Phạm Mai Sĩ quê ở thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trước ngày 30.4.1975, Phạm Mai Sĩ có người bạn tên là NL cùng là sinh viên năm thứ hai Đại Học Saigon, còn NL quê ở Bình Định. Khi Saigon thất thủ cả hai cùng di tản khỏi thủ đô miền Nam Việt Nam đến trại tỵ nạn Indian Town Gap và thân nhau và sau có thêm người bạn tên Tuấn.

Sau bốn năm miệt mài học tập, cả ba được trường Lebanon Valley College cấp học bổng toàn phần, Phạm Mai Sĩ theo ngành Y Khoa, NL và Tuấn theo học Hóa Học. Mùa Hè năm 1979, Sĩ được Đại Học Pittsburgh nhận vào học Y lúc anh đang sống vất vả, loay hoay, không việc làm không có tiền đi học. NL ra trường trước Sĩ một năm, đi làm và để dành được chút tiền, anh mượn thêm của bạn bè, tất cả được $15,000 gửi hết cho Sĩ.

Nửa năm sau, tháng 1, 1980 Sĩ không còn tiền để tiếp tục học, NL cũng bất lực. May mắn lúc đó ở Pittsburgh có một bà triệu phú, chồng mới qua đời để lại một gia tài khổng lồ muốn cấp học bổng cho sinh viên Y Khoa. Nhà trường liên lạc nhờ bà giúp cho trường hợp của Sĩ. Bà ân nhân này đồng ý trả hết các chi phí học cho Sĩ những năm còn lại với điều kiện không được nêu tên bà là ai và kết quả học phải xuất sắc.
Bà cũng hỏi Sĩ xem còn nợ ai không? Và Sĩ cho biết NL đã vay mượn cho Sĩ 15 ngàn Mỹ kim, bà trả luôn cho Sĩ món nợ ấy, và ông quyết tâm học thật giỏi để đền ơn hai ân nhân, và ơn trường. Tốt nghiệp Y Khoa hạng xuất sắc, bác sĩ Phạm Mai Sĩ quyết định sang Phi Châu thực tập.
Từ châu Phi, ông gửi thư và hình về cho NL và nói: “Tao mổ tim như mổ gà.” Mỗi ngày ông mổ cho hàng chục bệnh nhân nên càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm với các ca mổ khó. Sau đó, ông đi mổ tim khắp nơi kể cả Việt Nam.

Bác sĩ Phm Mai Sĩ (TP chp li)

Tại tiểu bang Pennsylvania, có ông Robert Casey là Thống Đốc bị mổ tim nhiều lần nhưng chỉ được vài năm lại hỏng. Bác sĩ Phạm Mai Sĩ quyết định mổ tim cho ông Casey. Đúng lúc đó có một thanh niên bị chết vì tai nạn xe hơi. Bác sĩ Phạm Mai Sĩ hội ý với nhóm 12 bác sĩ khác đề nghị thay tất cả các bộ phận khác cho ông Casey vì nó đã hư hết rồi.

Các bác sĩ kia ngăn cản, nhưng ông vẫn liều làm một cuộc cách mạng y khoa. Ca mổ dài 36 giờ liền với 12 bác sĩ thượng thặng cùng làm với bác sĩ Phạm Mai Sĩ. Khi hồi tỉnh, mở mắt ra, Thống Đốc Casey nói, “Anh là Chúa Cứu Thế giúp tôi sinh lại lần nữa.”

Còn bác sĩ Phạm Sĩ Mai thì thở phào vì biết đã làm nên lịch sử.
Sau đó, để tạ ơn người đã cứu mình, Thống Đốc Casey hỏi, bây giờ anh cần gì tôi có thể giúp anh.”
Bác sĩ Sĩ kể với ông Casey việc muốn bảo lãnh gia đình từ Ninh Hòa qua Mỹ nhưng đang bị trục trặc giấy tờ. Thế là vài tháng sau, gia đình ông gồm 10 người đã đến Hoa Kỳ trên một chuyến bay từ Việt Nam.
Còn ông Thống Đốc Robert Casey sống khỏe mạnh thêm 10 năm nữa mới qua đời vì tuổi già. Nhờ sang Mỹ, mấy người em trai, gái của bác sĩ Sĩ đều học hành đến nơi đến chốn, có người trở thành Tiến Sĩ, người làm Giám Đốc công ty. Riêng bố mẹ ông vì tuổi già không chịu nổi cái lạnh tại Pittsburgh nên đã về Little Saigon, Nam Cali sinh sống.

Còn Bác sĩ Phạm Mai Sĩ là Trưởng Khoa mổ tim của Pittsburgh University và Maryland University và hiện là Giám Đốc Bệnh Viện Tim tại Jacksonville Florida.

NL, một người bạn của bác sĩ Phạm Mai Sĩ không muốn nêu rõ tên của mình vì sợ hiểu lầm là làm ơn kể ơn. Tuy nhiên chính NL vào năm 1990 cũng bị mổ tim do một nữ bác sĩ ở Singapore University, cô này là học trò của bác sĩ Sĩ và khi mổ cho NL gặp sự cố, may nhờ BS Sĩ điều khiển từ Pittsburgh chỉ dạy cho cô học trò nên đã sửa sai và giúp NL có quả tim mới khỏe mạnh sống được 28 năm nay.

Ngoài bác sĩ Phạm Mai Sĩ, cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản chúng ta cũng hãnh diện có rất nhiều bác sĩ tài giỏi, nổi danh thế giới như các bác sĩ Nguyễn Đỗ Duy (chuyên khoa thông tim), bác sĩ Daniel Trương Dũng, một bác sĩ và là một nhà bác học sáng chế rất nhiều máy móc trị bệnh được khắp nơi trên thế giới thán phục mà chúng tôi đã có hai lần phỏng vấn ông đăng trên nhật báo Viễn Đông mấy năm trước đây.
Qua những trường hợp đặc biệt này, NL cho biết cảm nghĩ của mình, “Nghĩ lại, nếu những năm 75, không có chính sách di dân cởi mở, không có người dân Mỹ, không có Nhà Thờ Mỹ và Trường Đại Học Mỹ giúp thì không biết 12 sinh viên nghèo, không người thân như chúng tôi đã làm được gì trên đất nước này. Và nếu không có may mắn rời khỏi Việt Nam những ngày cuối tháng 4/1975 thì chắc chắn người như Phạm Sĩ cũng là một bác sĩ trong một bệnh viện nào đó nếu may mắn được thành Bác Sĩ. Và tôi, chắc là một giáo làng với nghề gõ đầu trẻ, hút thuốc lào, uống rượu đế và làm thơ hận đời.”


 

Một gương kiên nhẫn tuyệt vời-Cô giáo Lê Thị Thắm

Pham Mylan

Cô giáo Lê Thị Thắm mỗi ngày được mẹ đưa tới trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh, Đông Sơn (Thanh Hóa) để dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 2 và lớp 3. Sinh ra chỉ nặng vỏn vẹn một kg lại không có hai cánh tay, cô Thắm nỗ lực học tập và tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Hồng Đức năm 2020. Sau đó, cô mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh ở quê nhà. Hồi tháng 6, cô là một trong 133 tập thể, cá nhân được tỉnh Thanh Hóa vinh danh là điển hình tiên tiến. Tại đây, cô bày tỏ mong muốn được đứng trên bục giảng, hứa sẽ luôn hoàn thiện bản thân, cố gắng trau dồi kiến thức, tận tâm tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội.

Câu chuyện khiến lãnh đạo tỉnh xúc động và đạo các cơ quan tuyển dụng đặc cách cô Thắm làm giáo viên công lập.

Trường Tiểu học và THCS xã Đông Thịnh đặt thiết kế riêng cho cô một bộ bàn ghế để thuận tiện mỗi khi giảng bài. Các thiết bị khác cũng được bố trí sao cho cô không phải di chuyển nhiều.

Thắm kể hồi học mẫu giáo, thấy các bạn được cô giáo cho tập viết nhưng trừ mình nên cũng đòi cho tập. Được đưa cho tờ giấy và cây bút chì, Thắm dùng ngón chân trái kẹp bút, tập viết theo các bạn. Những ngón chân nhiều hôm trầy xước, phồng rộp rất đau, đêm về không thể ngủ được nhưng nhờ kiên trì, lên 5 tuổi, cô đã viết thành thạo và 6 tuổi vào lớp một như các bạn đồng trang lứa.

Do chân phải ngắn hơn nên hầu hết mọi hoạt động cô Thắm chỉ sử dụng chân trái từ cầm bút, di chuột hay ấn bàn phím máy tính…

Năm nay là lần đầu tiên được đón Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đúng nghĩa, Thắm nói “rất xúc động và tự hào, bản thân cảm thấy cần có trách nhiệm hơn với học trò, nhà trường và xã hội bởi trọng trách mới…”.

Sưu tầm

My Lan Phạm