Phóng viên không biên giới phản đối Việt Nam kết án tù Trương Duy Nhất

Phóng viên không biên giới phản đối Việt Nam kết án tù Trương Duy Nhất

Blogger Trương Duy Nhất bị kết án hai năm tù giam (DR)

Blogger Trương Duy Nhất bị kết án hai năm tù giam (DR)

Đức Tâm

RFI

Trong thông cáo được công bố hôm qua, 04/03/2014, tổ chức Phóng viên không biên giới – RSF – có trụ sở tại Pháp, đã bày tỏ phẫn nộ về việc tòa án Việt Nam tuyên án 2 năm tù đối với blogger Trương Duy Nhất.

Theo Phóng viên không biên giới (RSF), cũng như trường hợp luật sư Lê Quốc Quân vừa bị kết án tù gần đây, ông Trương Duy Nhất đã phải trả giá mất tự do cho việc dấn thân đấu tranh vì quyền được có những thông tin khác, ngoài những tin tức của bộ máy tuyên truyền Nhà nước.

Theo ông Benjamin Ismail, phụ trách văn phòng Châu Á Thái Bình Dương, chính phủ Việt Nam cần chấm dứt thái độ bóp nghẹt các quyền tự do, bịt tai và cái nhìn hạn hẹp.

RFS yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Trương Duy Nhất và tất cả các blogger khác, những người bị kết án tù chỉ vì đã hành động vì quyền tự do thông tin tại Việt Nam.

Trong suốt phiên tòa, ông Trương Duy Nhất khẳng định mình vô tội. Thế nhưng, tòa án Đà Nẵng, chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự, vẫn kết án tù giam đối với ông. Hãng thông tấn AFP không được phép dự phiên tòa.

RSF nhắc lại là Việt Nam hiện đứng thứ 174 trong tổng số 180 quốc gia trong bảng xếp hạng của tổ chức này về quyền tự do báo chí. Việt Nam là nhà tù lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, đối với các blogger và cư dân mạng.

Cũng nhân dịp này, RSF kêu gọi mọi người tiếp tục ký tên vào bản kiến nghị đòi trả tự do cho 35 blogger đang bị cầm tù tại Việt Nam.

Cũng trong ngày hôm qua, sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ra thông cáo bày tỏ « quan ngại sâu sắc bởi việc tòa án Việt Nam kết án Trương Duy Nhất » và Mỹ kêu gọi « chính phủ Việt Nam trả tự do cho Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa ».

Thông cáo cũng cho biết là « Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã nêu vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm đến Hà Nội ngày 04/03/2014 ».

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, 50 tuổi, chủ trang web truongduynhat.vn, trong thời gian từ 1987-2011 từng làm việc trong hệ thống báo chí chính quyền Việt Nam. Ông bị cơ quan anh ninh bắt ngày 26/05/2013 và bị truy tố vì tội « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” qui định tại điều 258 – Bộ luật Hình sự ».

Ông Trương Duy Nhất đã bị bắt tại Đà Nẵng ngày 26/05/2013. Công an đã khám xét nhà, thu giữ máy tính, điện thoại di động, thẻ điện thoại và USB của ông. Cho đến ngày 25/02/2014, gia đình mới nhận được bản cáo trạng đề ngày 17/12/2013. Trong một phiên xét xử chóng vánh vào sáng hôm qua, tòa án Đà Nắng đã kết án ông Trương Duy Nhất hai năm tù.

 

Tàu cá Việt lại bị tấn công ở Hoàng Sa

Tàu cá Việt lại bị tấn công ở Hoàng Sa

Thứ năm, 6 tháng 3, 2014

Ông Võ Văn Lựu trên tàu cá bị Trung Quốc tấn công

Báo trong nước cho hay một tàu cá tỉnh Quảng Ngãi với 14 ngư dân bị Trung Quốc tấn công, tịch thu ngư cụ, ở gần quần đảo Hoàng Sa.

Báo An ninh Thủ đô nói đây là tàu cá số hiệu QNg 90479ts của ông Võ Văn Lựu, 48 tuổi, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Tàu cá này về tới cảng Sa Kỳ hôm 3/3 trong tình trạng “mạn tàu bị hư hỏng do tàu sắt Trung Quốc đâm, toàn bộ ngư cụ như đồ lặn, thiết bị máy dò tín hiệu, máy định vị và gần 5 tấn cá, tôm hùm bị người Trung Quốc tịch thu, tổng trị giá trên 350 triệu đồng”.

Được biết chiếc tàu của ông Lựu ra khơi từ một tháng trước đó để đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa.

Vụ tấn công, theo báo An ninh Thủ đô, xảy ra khoảng 15h ngày 1/3.

Một tàu sắt của Trung Quốc với khoảng trên 35 người, mang theo súng và roi điện đã bao vây, tấn công tàu cá Việt Nam.

Ông Võ Văn Lựu cũng cáo buộc đã bị “đánh đập, dùng roi điện chích vào người gây thương tích”.

Ông được dẫn lời cho biết: “Cùng lúc đó, nhiều đối tượng người Trung Quốc khác dùng hung khí khống chế, dồn tất cả 14 thuyền viên về phía mui tàu, úp mặt xuống mạn tàu”.

Những kẻ tấn công chỉ được nhận dạng là người Trung Quốc, không rõ có thuộc cơ quan tuần ngư hay hải giám hay không.

Từ đầu 2014, được biết đã có bốn vụ tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị người Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa.

10 năm Vùng Cảnh sát biển 2

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Vùng Cảnh sát biển 2 vào ngày thứ Tư 5/3.

Tại lễ kỷ niệm, Vùng Cảnh sát biển 2 thông báo trong 10 năm hoạt động đã tổ chức được 318 đợt với 414 lượt tàu làm nhiệm vụ trên biển và xua đuổi 1.348 lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Như vậy trung bình mỗi tháng có trên 10 lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, trong đó có nhiều tàu Trung Quốc.

Vùng Cảnh sát biển 2 quản lý từ đảo Cồn Cỏ tới Cù Lao Xanh (Bình Định), có trụ sở tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Khu vực này được cho là tối quan trọng vì có các vùng biển Trung Quốc cũng nhận là của họ.

Năm 2013, trong chuyến thăm nơi này, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói “Vùng Cảnh sát biển 2 là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng… phải đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lên hàng đầu, trên cơ sở nhận thức đúng và đủ về chủ quyền lãnh thổ”.

Nhân viên lực lượng cảnh sát biển cũng được khuyến cáo “kiên quyết bảo vệ ngư dân, tuyên truyền, vận động ngư dân bám ngư trường, không từ bỏ ngư trường, tích cực cứu hộ, cứu nạn và Tham gia giữ an toàn hàng hải, coi trọng công tác chống cướp biển”.

Pháp lên án VN bỏ tù Trương Duy Nhất

Pháp lên án VN bỏ tù Trương Duy Nhất

Thứ năm, 6 tháng 3, 2014

Ông Trương Duy Nhất trong phiên tòa hôm 4/3 tại Đà Nẵng

Pháp lên tiếng lên án Việt Nam đã bỏ tù ông Trương Duy Nhất, một blogger và là nhà báo tự do, do ông có những bài viết phê phán chính quyền cộng sản Hà Nội.

Ông Nhất đã bị tuyên án hai năm tù trong phiên tòa ngắn ngủi tại Đà Nẵng hôm thứ Ba ngày 5/3 về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’.

Thông cáo trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Pháp viết:

“Pháp lên án việc blogger Việt Nam Trương Duy Nhất bị kết án hai năm tù hôm 4/3.”

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi về quyền tự do biểu đạt và tự do có ý kiến, bao gồm trên mạng Internet, theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền’.

“Các quyền và sự tự do này được bảo đảm theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam, vốn là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền, đã tham gia ký kết.

“Nước Pháp kêu gọi nhà chức trách Việt Nam phải đảm bảo tôn trọng những quyền này.”

Trước đó, Hoa Kỳ cũng nói họ ‘quan ngại sâu sắc’ về bản án và kêu gọi Hà Nội thả tự do cho ông Nhất và ‘tất cả tù nhân lương tâm’.

Theo các tổ chức nhân quyền thì tại Việt Nam các luật sư, các blogger và các nhà hoạt động dân chủ thường xuyên bị bắt giữ vô cớ.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng các blogger họ bắt giữ. Con số mà tổ chức này đưa ra là ít nhất 34 người đang bị cầm tù.

Xin xem thêm:

Vụ xử Trương Duy Nhất : Pháp kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền (RFI)

Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Chính trị của Mỹ gặp lãnh đạo VN

Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Chính trị của Mỹ gặp lãnh đạo VN

Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Chính trị của Mỹ Wendy Sherman.

Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Chính trị của Mỹ Wendy Sherman.

04.03.2014

Bà Wendy Sherman đã trao đổi về tình hình nhân quyền với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến công du Hà Nội hôm 4/3.

Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình nhân quyền thế giới thường niên, trong đó nêu ra nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền của Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao chuyên trách các vấn đề Chính trị Wendy Sherman cho biết Việt Nam ‘là một phần không thể thiếu’ trong công cuộc tái cân bằng của Mỹ sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Giới chức Mỹ cũng ‘đánh giá cao cơ hội được trao đổi các vấn đề quan trọng với rất nhiều quan chức cao cấp Việt Nam’ như ông Hoàng Bình Quân, Chủ nhiệm Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Bộ Công An Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng,Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Ngoài vấn đề nhân quyền, tin cho hay, hai bên ‘mong làm việc cùng nhau’ về các vấn đề song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tranh chấp Biển Đông, vấn đề bảo vệ môi trường, và việc tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Ngoài các quan chức nhà nước, bà Sherman còn gặp gỡ các thành viên của xã hội dân sự. Bà nói rằng xã hội dân sự và các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước là ‘một trong những mảng thú vị nhất của mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ’.

Trong lễ công bố phúc trình nhân quyền thế giới 2013 hôm 27/2, Quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, bà Uzra Zeya, nói rằng phía Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam ở cấp cao nhất ‘tuân thủ các cam kết và các nghĩa vụ về nhân quyền quốc tế của nước này”.

Bà Zeya cũng nói rằng hành động của Việt Nam sẽ có tác động tới việc Mỹ tiếp tục củng cố thêm nữa mối quan hệ song phương.

Sau đó, Hà Nội đã lên tiếng cho rằng một số nhận định trong bản báo cáo này ‘dựa trên những thông tin thiếu chính xác, không phản ánh thực tế khách quan về tình hình quyền con người ở Việt Nam’.

Trong khi đó, một số blogger cho biết họ sẵn sàng đối chất với nhà nước về những vấn đề bị coi là ‘thiếu chính xác’ đó.

Nguồn: US Embassy, MOFA

Nạn trộm cắp bùng phát sau Tết

Nạn trộm cắp bùng phát sau Tết

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-02-28

TTVN02282014.mp3

saigon-305.jpg

Ảnh minh họa chụp tại TPHCM.

Hằng năm, vào những dịp cận Tết cũng là lúc nạn trộm cắp bùng phát, lúc này, giới đạo chích túng quẫn, cần tiền ăn Tết nên thả sức hoạt động. Đó là chuyện của nhiều năm trước, còn trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp Tết Giáp Ngọ, phường đạo chích chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp hoạt động mạnh vào dịp cận Tết, nghỉ Tết vài ngày, đến Mồng Hai Tết lại hoạt động rầm rộ, người dân miền Nam nói chung và thành phố Sài Gòn nói riêng trở tay không kịp, có rất nhiều gia đình dở khóc dở cười trong những ngày đầu năm.

Làm cả năm, trắng tay vì trộm

Một người dân Sài Gòn than thở: “Về vấn đề trộm cắp ở Sài Gòn thì hiện nay rất tràn lan, nhưng mà không thể buộc tội được vì đây không phải là vấn nạn cá nhân mà là vấn nạn xã hội. Hiện nay ở Sài Gòn nó giống như chuyện bình thường mỗi ngày. Mỗi người dân Sài Gòn đều biết rằng mình đang sống trong một môi trường nguy hiểm mà đều do kinh tế và chính trị Việt Nam quy định ra, cho nên không ai dám đề cập sâu, vì đó là vấn đề mà ai cũng biết mà không dám nói. Sau Tết 2014 thì trộm cắp ở đây còn tăng lên nhiều, vì tâm lý lo sợ về kinh tế trong người dân, họ không định hướng đi về đâu, làm gì, trong tình huống đó thì trộm cướp là kiếm tiền nhanh nhất. Đi ăn cướp ở đây không phải là trộm cướp vặt mà nó có trộm cướp quy mô hơn, trong đó có thể thấy những lãnh đạo ăn cướp của dân, những doanh nghiệp ăn cướp của dân một cách công khai thông qua hệ thống ngân hàng với những quyền lợi được bảo vệ. Chỉ có những người dân mới gánh chịu những gánh nặng từ trên đó, nên họ chỉ còn một cách là kẻ mạnh cướp của kẻ yếu.”

Ông này nói rằng chưa bao giờ ông cảm thấy Sài Gòn trở nên nhặng xị và rối loạn như bây giờ. Đành rằng Sài Gòn những năm trước 1975 vẫn có nạn trộm cắp, giật dọc nhưng thời đó không phổ biến và giới bụi đời cũng hoạt động có đạo đức hơn, dù sao thì họ cũng cướp giật của những kẻ có tiền, không bạ đâu cướp giật đó và thỉnh thoảng, họa hoằng lắm mới có trường hợp người lao động bị cướp giật, nhà nghèo bị trộm cắp. Còn bây giờ thì nạn trộm cắp phình nở không thể tưởng tượng nổi.

Chỉ cần quên khóa xe trong vòng chưa đầy 10 giây, tức khắc chiếc xe bị bốc hơi, đi đâu về, vào nhà nhưng quên khóa cửa, nếu lỡ có việc cần xuống bếp gấp gáp, chưa đầy hai phút sau quay lên, đã thấy nhà cửa trống hoác, chiếc xe dựng trong nhà không cánh mà bay, cái tivi hoặc chiếc đầu đĩa cũng bay theo nốt. Điều này cho thấy rằng mật độ kẻ trộm ở thành phố Sài Gòn có thể dày tương đương hoặc nhiều hơn cả nhân viên an ninh. Bọn kẻ trộm luôn rình rập và túc trực trong khu phố, quan sát từng cử động của mỗi nhà để ra tay.

Mặc dù người dân hằng năm vẫn phải đóng tiền cho quĩ an ninh trật tự nhưng chuyện trộm cắp rình rập thì đèn nhà ai nấy sáng, thân ai người nấy lo. Công an, dân phòng chỉ đóng vai trò làm kiểng trong chuyện trộm cắp, thậm chí họ chỉ gây phiền hà mỗi khi có trộm. Vì khi bị mất trộm, người dân đến báo cơ quan công an, họ lập biên bản, giữ nạn nhân ở lại làm thủ tục khai báo đủ các thứ để rồi xếp hồ sơ vào ngăn kéo, suốt năm này qua năm khác, chẳng thấy kết quả gì ngoài mấy dòng chữ đã ghi trong biên bản mất trộm, của mất vẫn cứ mất.

Tết miền Nam hoa mai vàng tràn ngập chợ hoa Nguyễn Huệ. AFP

Tết miền Nam hoa mai vàng tràn ngập chợ hoa Nguyễn Huệ. AFP

Chỉ riêng từ Mồng Hai Tết đến nay, những người dân trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Sài Gòn đã liên tiếp bị mất cắp. Vì ngày Tết, không thể khóa cửa im ỉm suốt ngày được, phải mở cửa để đón bạn bè, họ hàng đến thăm, chúc Tết. Đây cũng là cơ hội tốt nhất để phường đạo chích ra tay. Vì lúc này, cả khu phố rơi vào tình trạng bất cẩn và dễ bị nhầm. Nhiều khi nhìn thấy trợm vào nhà hàng xóm, cứ tưởng là khách đến thăm Tết, đến khi chúng rinh đồ đi mất, chủ nhà truy hô thì mới biết đó là kẻ trộm.

Hơn nữa, với tâm lý nhà ai nấy biết, tình làng nghĩa xóm hoàn toàn không có nên việc kẻ trộm vào nhà này, nhà kia nhìn thấy mà không truy hô vì sợ chúng đến trả thù cũng là một điểm yếu mà kẻ gian biết được và khai thác triệt để trong vòng nhiều năm nay. Người dân Sài Gòn này nói thêm là hôm Mồng Hai Tết, nhà ông mất một chiếc xe Honda Air Blak đời mới nhất và chiếc ví có chứa gần mười triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân chỉ vì ông ngồi ở phòng khách uống bia, một lúc hơi tức bụng, ông vào toilet chưa đầy 5 phút, khi quay ra, ông tá hỏa nhận ra là mình đã quên đóng cửa nhà và kẻ trộm đã bẻ khóa cổng, vào nhà dắt mất chiếc xe cùng chiếc ví bỏ trong cốp xe.

Chuyện trộm cắp lộng hành trong ba ngày Tết ở Sài Gòn nghe ra đã quen thuộc như cơm bữa và cái Tết ở đây, thay vì mở toang cửa để đón bạn bè, người ta chỉ còn biết im ỉm đóng cửa đề phòng mọi thứ nếu không muốn thành quả lao động cả năm của mình đi sạch vì Tết.

Trộm lộng hành như chốn không người

Chị Hiền, cư dân quận Gò Vấp, Sài Gòn, buồn bã nói: “Có thể là do Sài Gòn là nơi mà rất nhiều người tứ xứ tới, chỉ vì một lý do cao nhất là để mưu sinh, vì Sài Gòn không phải là quê hương mà là nơi người ta sinh sống và làm việc, nên sẽ có những lý do để trộm cắp hay có những ý đồ xấu, nên người ta sống hơi lạnh lùng ở Sài Gòn.”

Chị Hiền cho biết thêm là hiện tại, có thể nói rằng Sài Gòn đã quá tải về nạn trộm cắp, đến mức khi bị mất cắp, nạn nhân có thể nghi vấn ngay cả người trong nhà hoặc hàng xóm của mình. Vì lẽ, tốc độ xâm nhập và lấy cắp đồ đạt của phường đạo chích quá nhanh, nhanh ngoài sức tưởng tượng. Chỉ cần sơ hở trong vòng vài chục giây cho đến vài phút thì mọi việc đã hoàn toàn thay đổi, tài sản bị mất, thậm chí tính mạng bị đe dọa.

Hôm mồng Ba Tết, chị chở đứa con trai đi thăm bà con, đến công viên Gia Định ở đoạn cuối đường Nguyễn Kiệm, con trại chị muốn dạo chơi công viên một chút, chị dừng xe, khóa cổ cẩn thận và đặt con trai ngồi xuống ghế đá. Khoảng thời gian từ lúc dừng xe, khóa cổ và bế con đặt xuống ghế đá chưa đầy hai mươi giây. Nhưng hỡi ôi, khi chị quay lưng lại thì chiếc xe Honda Lead đã không cánh mà bay cùng với chiếc túi xách bỏ trong cốp xe. Chị truy hô nhưng kẻ trộm đã nhanh chân tẩu thoát về đâu không rõ.

Mấy ngày Tết, gia đình chị sống trong buồn bã và lo lắng vì đây là phương tiện duy nhất của hai vợ chồng chị để chồng chị đi làm, đưa con đến lớp và đón con về nhà. Riêng chị, đang thất nghiệp, cộng thêm chuyện mất xe ngày đầu năm như vậy, chẳng biết nói gì ngoài việc tự trách mình rồi khóc thầm, tức tưởi.

Không chỉ lấy cắp những thứ có thể bán kiếm tiền ngay, mà ngay cả giấy tờ, kẻ trộm cũng dám lấy nếu gặp cơ hội, sau đó chúng sẽ gọi điện thoại hẹn địa điểm để chuộc với giá tiền có thể chấp nhận được. Những trường hợp như thế, người dân không dám báo công an vì sợ gây thù chuốc oán với chúng. Hơn nữa, nếu có báo công an cũng chưa chắc đã được gì, chính vì thế, kẻ trộm ở Sài Gòn càng ngày càng lộng hành và hung tợn. Đôi khi, có cảm giác như dân kẻ trộm xem Sài Gòn là chốn không người, muốn tác oai tác quái cỡ nào thì tùy thích.

Những ngày Tết và sau Tết, do kinh tế xuống cấp, do đói khổ và vả độ sau những canh bạc, kẻ trộm tha hồ ra tay, tha hồ lộng hành ở Sài Gòn.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt nam.

Mỹ phản đối bản án của Trương Duy Nhất

Mỹ phản đối bản án của Trương Duy Nhất

Thứ ba, 4 tháng 3, 2014

Ông Trương Duy Nhất từng được Ban Tuyên giáo tuyên dương

Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng vừa tuyên án nhà báo Trương Duy Nhất 2 năm tù giam trong phiên xử ngắn ngủi vào sáng thứ Ba ngày 4/3.

Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội ra thông cáo nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc bởi việc Toà án Việt Nam kết án Trương Duy Nhất.”

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm đồng thời cho phép người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa.”

Tuyên bố này cho biết: “Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã nêu vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm đến Hà Nội ngày 4/3.”

Tòa này đã xét xử ông Nhất về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức và công dân’ theo Điều 258 Bộ Luật hình sự.

Bằng chứng chống lại ông Nhất là 11 bài viết của ông Nhất và một bài của tác giả khác do ông Nhất đưa lên trang blog cá nhân của ông có tựa đề ‘Một góc nhìn khác’.

Tuy nhiên, luật sư của ông Nhất nói ông vẫn khẳng định mình ‘vô tội’ trước bản án.

Mức án nhẹ?

Theo cáo trạng tại tòa thì các bài viết trên blog của ông Trương Duy Nhất “đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam”.

Mức án 2 năm này là mức thấp nhất trong khung hình phạt từ 2 đến 7 năm được quy định trong khoản 2, Điều 258 – tức là trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng – mà ông Nhất bị truy tố.

“Uy tín của lãnh đạo không phải được xây nên bằng những lời phê phán của người khác mà chính bằng hành động và lời nói và kết quả làm việc của các vị đó.”

Luật sư Trần Vũ Hải

Tuy nhiên luật sư bào chữa nói rằng ông không hài lòng với bản án và thân chủ của ông ‘phải được tuyên vô tội và được trả tự do tại Tòa’.

Nói với BBC sau khi kết thúc phiên tòa, ông Trần Vũ Hải, luật sư bào chữa của ông Nhất giải thích rằng Tòa đã cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ như gia đình ông Nhất có công với cách mạng và đã từng viết những bài báo được Ban Tuyên giáo tuyên dương.

Ngoài ra, theo ông Hải, trước sự đấu tranh của luật sư thì Tòa đã bỏ cáo buộc ông Nhất ‘xâm phạm lợi ích của tổ chức và cá nhân’ và chỉ còn giữ cáo buộc ‘xâm phạm lợi ích của Nhà nước’.

“Uy tín của lãnh đạo không phải được xây nên bằng những lời phê phán của người khác mà chính bằng hành động và lời nói và kết quả làm việc của các vị đó,” ông Hải giải thích.

Còn việc ông Nhất ‘chấm điểm thủ tướng’ hay yêu cầu ‘tổng bí thư phải ra đi’ thì Luật sư Hải lập luận rằng ‘đó là quyền đương nhiên của nền dân chủ’.

“Quyền của nhân dân là giám sát, trong giám sát phải được nhận xét, trong nhận xét có nhận xét tốt và chưa tốt,” ông nói thêm.

An ninh được thắt chặt quanh Tòa án Đà Nẵng

Riêng về cáo buộc ông Nhất ‘xâm phạm lợi ích của Nhà nước’, ông Hải cũng không đồng tình.

Ông dẫn Hiến pháp năm 2014 rằng ‘Nhà nước Việt Nam của dân, do dân, vì dân’ để lập luận rằng ‘Nhà nước không có lợi ích là bảo vệ uy tín lãnh đạo Đảng và đường lối của Nhà nước’.

Luật sư Hải cũng phản bác cáo trạng cho rằng thân chủ ông ‘bôi nhọ’ các vị lãnh đạo.

“Nếu bôi nhọ thì người đầu tiên cảm nhận là các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước,” ông nói, “Chúng tôi đã gửi thư xin ý kiến các vị đấy là có cảm thấy bị xâm phạm quyền và lợi ích hay không và chúng tôi chưa thấy có câu trả lời.”

Theo nhìn nhận của Luật sư Hải thì bản án có thể là sự dung hòa sự ‘chỉ đạo ở đâu đó’ với ý kiến của công luận mà ông cho là ‘đã có những tác động nhất định’.

‘Sẽ kháng cáo’

Về phần Trương Duy Nhất, ông Hải cho rằng ông thừa nhận có viết 11 bài như cáo trạng nêu nhưng ông cho rằng ông không ‘xâm phạm quyền và lợi ích’ của tổ chức hay cá nhân nào cả mà chỉ ‘chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những hiện tượng chưa đúng’ với hy vọng ‘lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục, sửa chữa và rút kinh nghiệm’.

“Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy tự hào.”

Trương Duy Nhất nói trước Tòa

“Thậm chí ông Nhất còn cho rằng ông ấy còn có công đã chỉ ra những điểm ấy để cho các lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam tốt hơn,” ông Hải nói.

Trong lời cuối cùng trước khi Tòa tuyên án được ông Hải thuật lại, ông Nhất khẳng định ông ‘vô tội’.

“Với tư cách nhà báo tự do tôi góp phần cho không khí dân chủ ở Việt Nam, góp phần giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được những vấn đề của đất nước, những suy nghĩ của người dân,” ông Nhất được dẫn lời nói.

“Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy tự hào.”

“Chừng nào tôi chưa được tự do mà còn bị còn kết tội thì tôi còn đấu tranh cho đến khi được xóa bỏ tội danh.”

Xin xem thêm:

Phản ứng sau phiên xử blogger Trương Duy Nhất   (RFA)

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh:”Xử tù Trương Duy Nhất không răn đe được ai” (RFI)

Phiếu đấu tố

Phiếu đấu tố

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-02-25

ptgtp-305.jpg

Phiếu tố giác tội phạm do Ban chỉ huy công an Quận 4 vừa phân phối đến từng gia đình.

Citizen photo

Ban chỉ huy công an Quận 4 vừa phân phối đến từng gia đình một phiếu mang tên phiếu tố giác tội phạm trong đó có nhiều mục vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Mặc Lâm tìm hiểu câu chuyện qua ý kiến của những người từng liên quan đến các mục trong phiếu tố giác này.

Biểu hiện nghi vấn?

Phản ứng đến từ nhiều người, nhiều thành phần xã hội và có lẽ hầu hết những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ hay dân oan đều cho rằng tấm phiếu mà công an gọi là phiếu tố giác tội phạm ấy thực chất chỉ là một cách đấu tố công khai và rộng khắp đối với những người mà công an cho là đang phá hoại sự ổn định của chế độ.

Một bản photo của phiếu này cho thấy việc chỉ dẫn người dân đánh vào ô vuông trước mỗi mục được gọi là “Những biểu hiện hành vi nghi vấn”.  Có hai hạng mục quan trọng là An ninh chính trị và Trật tự xã hội.

Trong mục An ninh chính trị công an Quận 4 yêu cầu người dân chú ý và báo cho công an nếu thấy những biểu hiện: kích động nói xấu chế độ, vận động khiếu kiện tập thể, tung tin đồn nhảm, tổ chức hội họp trái phép.

Bốn điều này là cơ sở để kết tội những người dấn thân tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ hay khiếu kiện đòi công lý của người dân hiện nay.

” Theo tôi nghĩ cái phiếu đó rất là phi lý. Còn nói về bản thân hai anh tôi họ nói chúng tôi đi đây đó là bất minh vậy chớ bất minh là như thế nào?
-Huỳnh Anh Tú”

Sau khi phiếu này ra đời thì một bài viết nghiêm túc, viện dẫn những sai trái của chế độ hay một status dí dỏm của ai đó trên trang facebook cá nhân có thể sẽ bị chính bạn bè của nạn nhân mang ra đấu tố là nói xấu chế độ vì động cơ ghen ghét hay hiềm thù cá nhân. Người dân Dương Nội, Phụng Công của Văn Giang rồi đây sẽ bị đồng loạt đấu tố vì dám cùng nhau hơn trăm gia đình kéo về khiếu kiện tập thể tại Hà Nội.

Bất cứ ai cũng có thể bị công an mời lên làm việc sau khi ngồi tại quán cà phê bàn chuyện Phạm Quý Ngọ bị ám sát chứ không phải ung thư, công an sẽ đặt ra cho người bị tố giác tại sao tung tin đồn nhảm và do ai kích động?

Người dân từ lâu vẫn tự hỏi không biết hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có cho phép công an giam lỏng người dân trong chính căn nhà của họ qua tờ hộ khẩu hay không khi khách đến nhà phải xin phép công an qua mỹ từ trình báo để khỏi mang tội hội họp trái phép. Ông Huỳnh Anh Tú một người vừa ra khỏi trại giam đã cùng 20 người khác xuống Lấp Vò thăm gia đình anh Nguyễn Bắc Truyển nói về cáo buộc hội họp bất hợp pháp như sau:

“Chúng tôi không hội họp bất hợp pháp do tình thân với anh Nguyễn Bắc Truyển, là bạn tù của tôi khi nghe anh ấy bị đánh đập bắt bớ trái phép, phá nhà phá cửa ảnh thì lương tâm một người Việt nam khi nghe thì phải có một cái gì đó thì chính cái chỗ động lòng nên tôi xuống thăm anh ấy thôi chứ có gì đâu gọi là hội họp?”

Ông Nguyễn Bắc Truyển tham gia phản đối điều 258 (năm 2013)

Ông Nguyễn Bắc Truyển tham gia phản đối điều 258 (năm 2013)

Trong mục trật tự xã hội có hai điểm đáng chú ý là “Tụ tập gây rối trong khu phố”, và “không nghề nghiệp đi lại bất minh” cũng như nhiều loại tội phạm khác trong bộ luật tố tụng hình sự kể cả trốn thuế.

Tụ tập gây rối là việc xảy ra trước mắt mọi người, công an khu vực ở đâu mà phải để người dân điền vào phiếu tố giác mới biết và khi biết rồi thì người tụ tập có còn đâu mà xử lý?

Không nghề nghiệp và đi lại bất minh được định nghĩa như thế nào? Một người từ nhà quê lên thành phố lang thang tìm việc, trong tay không có bất cứ một nghề nghiệp gì và dĩ nhiên chỗ ở cũng không họ chỉ trông cậy vào bạn bè, hay người hảo tâm cho ăn nhờ ở đậu. Vậy họ có bất minh hay không?

Ông Huỳnh Anh Tú vừa ra khỏi trại giam sau 14 năm tù, không có nghề nghiệp và chẳng còn đâu để nương thân, bức xúc khi nghe cái phiếu tố giác này, ông nói:

“Theo tôi nghĩ cái phiếu đó rất là phi lý. Còn nói về bản thân hai anh tôi họ nói chúng tôi đi đây đó là bất minh vậy chớ bất minh là như thế nào? Nhà cửa không có, nơi nương tựa không xong thì buộc lòng tới nhà bạn bè để mà tá túc như thế là bất minh sao? Án tù 14 năm anh em tôi cũng đã trả xong rối. Tôi là con người Việt Nam, trên đất nước Việt Nam tôi có quyền đi đứng chứ tại sao lại gọi là bất minh? Tôi nghĩ là hai chữ bất minh ấy chỉ là gán ghép và chụp mũ cho anh em tôi thôi.”

Thông tin cảm tính

Về những điều mà công an Quận 4 gợi ra có liên quan đến trốn thuế thì rõ ràng là không hiệu quả. Thuế má phải do cơ quan chuyên nghiệp quản lý vì tính chất phức tạp của nó. Dựa vào đâu một người dân bình thường lại có thể biết người này hay người kia trốn thuế. Khi bị tố giác công an có xâm phạm thời giờ tiền bạc hoạt động làm ăn của người dân khi mời họ về cơ quan điều tra với những thông tin rất cảm tính?

Điều này làm người ta liên tưởng tới các vụ án trốn thuế khác sẽ diễn ra sau khi đem Điếu Cày và LS Lê Quốc Quân ra làm thí điểm.

” Không cần phải ra cái phiếu đó. Nhà cầm quyền cộng sản vẫn dùng chính sách con tố cha, cha tố con vợ tố chồng điều đó đã xảy ra mấy chục năm nay rồi.
-Nguyễn Bắc Truyển”

Phiếu tố giác tội phạm cũng gây liên tưởng tới việc tố giác địa chủ của những năm 50 khi miền Bắc học tập Mao Trạch Đông lập những Tòa án Nhân Dân lưu động đấu tố và giết chết hàng chục ngàn người. Lúc ấy đội cải cách tới từng nhà bị cho là địa chủ mặc dù chỉ có vài sào đất, mớm lời hay ép buộc những người giúp việc, phu phen, thậm chí khai thác xung đột cá nhân trong gia đình để đấu tố nạn nhân.

Ông Nguyễn Bắc Truyển một tù nhân lương tâm khác cho biết kinh nghiệm về việc đấu tố này:

“Không cần phải ra cái phiếu đó. Nhà cầm quyền cộng sản vẫn dùng chính sách con tố cha, cha tố con vợ tố chồng điều đó đã xảy ra mấy chục năm nay rồi. Những nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam thì họ không ngại gì chuyện đó đâu bởi vì nếu họ làm những cái phiếu đó tố cáo nhà đấu tranh thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đưa ra chứng cớ chứ không thể dùng chung chung những lời buộc tội được.

Ngoài ra mặc dù mình là công dân nước Việt Nam nhưng đồng thời cùng là công dân của Liên hiệp quốc. Chúng ta báo thông tin đến các tồ chức nhân quyển để cho Hội đồng nhân quyển và cả Liên hiệp quốc cho họ biết đây là tình trạng khủng bố tinh thần, một sách nhiễu mới mà nhà nước Việt Nam đang đẻ ra nhắm tới những nhà đấu tranh trong nước.”

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đưa ra ý kiến của ông về quyết định được ông gọi là xúi bẫy người dân theo dõi lẫn nhau như một cái cớ để dễ cho công an ghép tội người bất đồng chính kiến:

“Bây giờ nhân dân thành lập các tổ chức xã hội dân sự rất nhiều và phê phán đảng rất nhiều mà bây giờ họ phát giấy tố giác tội phạm đến từng gia đình thì chả có cái chính phủ nào làm như thế cả. 90 triệu người mà phát động phong trào nghi vấn lẫn nhau, cứ ghét nhau thì bảo gia đình kia có câu chuyện như thế… hoặc giả công an muốn trị ai thì lấy một địa chỉ nào đó đặt nghi vấn là người ta có tội. Vậy là 90 triệu người trở thành trận địa nội bộ đánh lẫn nhau.”

Truyền thống người Việt hàng ngàn năm nay không tố cáo người khác nếu họ chẳng gây hại tới mình ngoại trừ tranh chấp hay có thù hằn cá nhân. Nhà nước sẽ không nhận được phiếu tố giác nào có giá trị và vì vậy không còn cách nào khác là phải thu nhận thêm dư luận viên để họ làm điều này.

Nhiều người trên mạng xã hội đưa ra ý kiến rằng: yếu tố thuận lợi để công an yên tâm thuê dư luận viên đó là những người trong đội cải cách trong phong trào cải cách ruộng đất năm xưa đã bị kiểm điểm nặng nề và nếu bây giờ xuất hiện trở lại với căn cước “dư luận viên”, tức là không ai cả, chỉ là dư luận nói chung cho nên khi xảy ra hậu quả sẽ không ai chịu trách nhiệm cụ thể như hồi cải cách ruộng đất.

 

Sập cầu ở Lai Châu, nhiều người chết

Sập cầu ở Lai Châu, nhiều người chết

Thứ hai, 24 tháng 2, 2014

Ít nhất bảy người đưa tang thiệt mạng, 37 người khác bị thương trong vụ sập cầu treo tại Lai Châu hôm thứ Hai, tin cho biết.

Truyền thông trong nước nói Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đi máy bay dân sự lên Điện Biên, rồi đi đường bộ sang Lai Châu nhăm thăm hỏi các nạn nhân.

Từ Lai Châu, cảnh sát viên Phùng Quang Tuyên cho hãng tin AP biết dây cáp một bên cầu ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu đã bị đứt khi đoàn người đưa tang đang rước linh cữu người quá cố đi qua, khiến nhiều người rơi từ độ cao 20 mét xuống lòng suối nhiều đá tảng lởm chởm.

Chiếc quan tài có thi thể người quá cố đã bị văng xuống lòng suối cạn, ông cho biết thêm.

“Cảnh tượng rất kinh khủng,” ông Tuyên nói với AP qua điện thoại. “Mọi người gào khóc.”

Báo Lao Động dẫn lời ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường nói cầu sập là do đứt tăng đơ len (đoạn ốc neo) vì quá tải.

Được biết cây cầu bị sập có chiều dài 54 mét, chiều cao 9 met, được chính thức sử dụng mới hơn một năm và vừa hết thời hạn bảo hành.

Giới chức nói trên cầu treo có ghi rõ trọng tải 1,5 tấn, tức chỉ đảm bảo cho khoảng 20 người cùng lưu thông một lúc, nhưng khi xảy ra tai nạn có khoảng 50 người trên cầu.

Hiểm họa

Tuy nhiên, dường như không có cảnh báo về việc lượng người tối đa được phép cùng lên cầu là bao nhiêu.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nói chỉ tính ngay trên địa bàn huyện Tam Đường hiện còn có 30 cây cầu tương tự như cây cầu vừa sập.

Cũng theo lời ông Hiệp, các cây cầu kiểu này là công trình phục vụ dân sinh của huyện, không thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông.

Hiện chưa rõ cầu treo Chu Va do đơn vị nào thực hiện.

Hồi tháng 6/2013, một cầu treo dân sinh cũng bị sập tại tỉnh Sơn La, cũng do bị đứt đầu dây tăng đơ len, khiến gần 20 người bị thương. Tuy nhiên, cầu Bùa Chung, thuộc xã Tường Phù, huyện Yên Phù, tỉnh Sơn La khi đó đang trong giai đoạn thi công, chưa thông cầu.

Ân xá Quốc tế sang Việt Nam đối thoại nhân quyền

Ân xá Quốc tế sang Việt Nam đối thoại nhân quyền

21.02.2014

Đại diện tổ chức Ân xá Quốc tế trong tuần này sang Việt Nam để trao đổi về nhân quyền tiếp nối chuyến thăm của Phó Giám đốc Văn phòng Ân xá Quốc tế tại Hoa Kỳ hồi tháng 3 năm ngoái.

Thông cáo báo chí của Ân xá Quốc tế công bố ngày 20/2 cho biết trong 3 ngày làm việc tại Hà Nội, phái đoàn 4 người đã gặp gỡ các giới chức cao cấp của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, các đại biểu quốc hội, chuyên gia từ các viện nghiên cứu, đại diện các tổ chức phi chính phủ, và các nhà ngoại giao nước ngoài.

Trưởng phái đoàn, bà Isabelle Arradon, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ân xá Quốc tế, bày tỏ vui mừng về chuyến đi và cho biết phái đoàn đã có các cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các mối quan tâm nhân quyền với phía Việt Nam.

Bà Arradon nói đây là một bước tích cực và Ân xá Quốc tế mong đợi sẽ có thêm những sự giao tiếp xây dựng với chính phủ Việt Nam.

Các cuộc trao đổi trong chuyến thăm lần này xoay quanh quyền tự do bày tỏ quan điểm, các chính sách về nhân quyền, án tử hình, quyền của người dân tộc thiểu số, nữ quyền, vấn đề lao động di cư và buôn người.

Ân xá Quốc tế nói tất cả những tù nhân lương tâm, những người bị giam cầm chỉ vì bày tỏ quan điểm ôn hòa, phải được phóng thích.

Chuyến thăm diễn ra giữa bối cảnh Việt Nam vừa hoãn thi hành án 1 năm cho nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối và y án 30 tháng tù về tội danh ‘trốn thuế’ đối với luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân.

Bà Arradon nhấn mạnh Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội củng cố vai trò trong khu vực và trên thế giới, nhưng tham vọng đó phải đi cùng với trách nhiệm tôn trọng, thăng tiến, và bảo vệ nhân quyền.

Ân xá Quốc tế cho hay Hà Nội đã mời họ thực hiện những chuyến thăm kế tiếp. Ân xá Quốc tế dự kiến trong các chuyến thăm sắp tới, họ sẽ trao đổi các sáng kiến về giáo dục nhân quyền, đi tới các khu vực khác ngoài thủ đô Hà Nội, và gặp gỡ với các bên liên quan bao gồm xã hội dân sự.

Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc năm nay và báo cáo nhân quyền tại buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR ở Liên hiệp quốc hồi đầu tháng này.

Một cái chết được chờ đợi

Một cái chết được chờ đợi

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-02-21

namnguyen02212014.mp3

hoinghi-f50bd-305.jpg

Tướng Phạm Quý Ngọ tại một hội nghị về an toàn giao thông trước đây, ảnh chụp ngày 22/3/2013.

Courtesy chinhphu.vn

 

 

Thông tin thượng tướng Phạm Quý Ngọ từ trần gây sự chú ý đặc biệt trên công luận báo chí. Ông Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an bị tố giác nhận hối lộ 1,5 triệu đô la đã qua đời, chỉ vài ngày sau khi Phó Ban Nội chính Trung ương nói rằng, về nguyên tắc thì phải đình chỉ chức vụ của tướng Ngọ để phục vụ công tác điều tra.

Có tội hay không có tội?

Trả lời Nam Nguyên tối 20/2, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định là, có nhiều quan điểm khác nhau về khả năng đình chỉ vụ án làm lộ bí mật Nhà nước.

“Có những ý kiến người ta mong rằng cần phải làm sáng tỏ ông này có tội hay không có tội. Cũng cần mở rộng xem ngoài ông Phạm Quý Ngọ còn ai nữa… Về cơ sở pháp luật thì thực sự đây là khởi tố vụ án làm lộ bí mật công tác bí mật nhà nước, chứ không phải khởi tố ông Phạm Qúy Ngọ mà nhiều người nói là đình chỉ vụ án.”

“Có những ý kiến người ta mong rằng cần phải làm sáng tỏ ông này có tội hay không có tội. Cũng cần mở rộng xem ngoài ông Phạm Quý Ngọ còn ai nữa…
-LS Trần Quốc Thuận”

Theo Người Lao Động bản tin trên mạng ngày 19/2, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa Hình sự TP Hà Nội, người đã công bố quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước”, cho biết vụ án này sẽ phải đình chỉ.  Vẫn theo lời vị thẩm phán, vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” sẽ đình chỉ theo tinh thần điều 107 của Bộ Luật hình sự.

Tờ báo cũng trích lời luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân trụ sở  ở Hà Nội nhận định rằng, nếu vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” không chỉ có có một mình ông Ngọ mà còn có những người khác nữa thì sẽ đình chỉ bị can với ông Ngọ nhưng vẫn tiến hành điều tra như bình thường.

Nhắc lại, tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 7/1/2014 xét xử cựu đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh mình là ông Dương Chí Dũng nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải bỏ trốn, ông Dương Chí Dũng đã bất ngờ tố giác người báo tin cho mình bỏ trốn nếu không sẽ bị bắt, chính là Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ. Ông Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình trong một phiên xử trước đó, nhưng đã được tòa triệu tập với tư cách nhân chứng trong phiên xét xử ông Dương Tự Trọng và các đồng phạm.

000_Hkg9290277-305.jpg

Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines, tại Tòa án nhân dân Hà Nội hôm 14/12/2013

Tại phiên xử này, tử tội Dương Chí Dũng còn khai thêm đã hối lộ tướng Phạm Quý Ngọ 510.000 USD về vụ điều tra sai phạm ở Tổng Công ty Hàng hải Vinalines, ngoài ra còn môi giới đưa 1 triệu USD khác cho tướng Ngọ, liên quan đến dự án kinh tế mở rộng Cảng Saigon, cộng chung là 1.510.000 USD.

Tòa án Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” ngay cùng phiên xử ngày 7/1, sau khi tử tội Dương Chí Dũng tố giác người báo tin cho ông ta bỏ trốn. Lúc đó TS Phạm Chí Dũng, nhà nghiên cứu độc lập ở TP.HCM nói với chúng tôi là ông Dương Chí Dũng có khả năng thoát án tử, nếu làm rõ hơn được những người đứng đàng sau thượng tướng Phạm Quý Ngọ.

“Người ta đặt vấn đề sau ông Phạm Quý Ngọ là ai nữa, ông Phạm Quý Ngọ là Thượng tướng Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an nhưng cũng chỉ là hàm Ủy viên Trung ương Đảng. Như vậy trên Ủy viên Trung ương Đảng là cái gì và là ai, người ta đang đặt câu hỏi này.”

Không thể dừng vụ án

Đáp câu hỏi của chúng tôi về khả năng tướng Phạm Quý Ngọ không nhận hối lộ một mình, mà trên ông còn có các người khác có quyền lực cao hơn và tử tội Dương Chí Dũng sẽ khai thêm những người khác ngoài ông Phạm Quý Ngọ. Trong trường hợp này không thể dừng vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” dù ông Phạm Quý Ngọ đã mất. LS Trần Quốc Thuận phát biểu:

“Theo dõi diễn biến vụ án Dương Chí Dũng thì thấy Dương Chí Dũng là một người có những mối quan hệ rất đặc biệt. Kể cả chuyện bổ nhiệm ông ta cũng là không bình thường, đương làm Tổng giám đốc Vinalines mà điều về Cục đường Biển, quyết định của Thủ tướng cũng không bình thường, chức trách này là của ông Bộ trưởng Giao thông chứ không phải việc để ông Thủ tướng ký. Quyết định này ghi rõ điều chuyển về Bộ Giao thông để nhận chức vụ đó, tại sao phải rất chắc ăn như vậy, thì đó cũng là một câu chuyện. Ngoài ra còn chuyện Cảng Sài Gòn nữa… Nếu ông này nêu được chứng cứ làm rõ thì sẽ có màn khai thêm và ông ta sẽ làm như vậy thì mới thoát chết.”

“Một người dám tổ chức cho anh mình trốn như thế, huy động cả bộ máy để tổ chức như thế không phải đơn giản. Ít người chú ý chỗ đó, nhưng tôi cho đó là điểm quan trọng.
-LS Trần Quốc Thuận”

Luật sư Trần Quốc Thuận phân tích thêm là vẫn còn một yếu tố rất quan trọng. Cựu đại tá Công an Dương Tự Trọng, nguyên phó Giám đốc Công an Hải Phòng một người có thâm niên trong ngành, không thể chỉ hành động vì tình cảm gia đình mà tổ chức cả một đường dây hoàn hảo để ông anh Dương Chí Dũng bỏ trốn ra ngoại quốc. Ông Dương Tự Trọng đã bị xử 18 năm tù, vị cựu đại tá chắc chắn là người biết quá nhiều nhưng hiện vẫn còn im lặng.

“Dương Chí Dũng muốn em mình phải khai ra, anh đã nói với em là vì người kia báo tin nên em phải tổ chức cho anh trốn an toàn không có vấn đề gì, nhưng về sau tình hình đi ngược lại. Nó còn một đầu mối quan trọng là Dương Tự Trọng phải khai ra, đó là nhiệm vụ của các cơ quan điều tra. Đây không phải vấn đề tình cảm đạo đức anh em, mà phải có cái niềm tin về nghiệp vụ. Một người dám tổ chức cho anh mình trốn như thế, huy động cả bộ máy để tổ chức như thế không phải đơn giản. Ít người chú ý chỗ đó, nhưng tôi cho đó là điểm quan trọng.”

Người dân Việt Nam quá quen thuộc với vấn đề tham nhũng từ nhỏ tới lớn, họ cho rằng chẳng có cán bộ nào ăn tiền một mình mà có thể nuốt trôi, tất cả đều có phe nhóm với nhau. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội, một người tranh đấu cho sự công khai minh bạch nói rằng, ông đã hoàn toàn mất niềm tin vào hệ thống và vụ án làm lộ bí mật nhà nước sẽ chìm xuồng.

“Tôi thì lúc đầu cũng như những người dân thường mong muốn ông Nguyễn Bá Thanh, ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay xử lý các vụ việc. Nhưng lúc này chín chắn nhìn lại thì ông Nguyễn Bá Thanh chỉ là Trưởng Ban Nội chính thôi, thực tế quyền hành không thể vượt được ông Thủ tướng, hay những người khác. Chắc chắn ông ấy sẽ bị vô việu hóa, chưa kể yếu tố tham nhũng bảo kê ở Việt Nam đã thành một đường dây, tầng tầng lớp lớp đan chéo nhau, bảo vệ nhau rất chặt chẽ thì làm sao một mình ông Nguyễn Bá Thanh làm được. Việt Nam cần hàng ngàn ông Nguyễn Bá Thanh ở tất cả các cấp… dẫu sao cũng nên có những người như ông ấy.”

Theo tiểu sử được các báo phổ biến, ông Phạm Quý Ngọ hưởng dương 60 tuổi, ông có đường quan lộ thênh thang lên nhanh như diều gặp gió. Từ cấp đại tá, bí thư đảng ủy kiêm Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, trong vòng 8 năm ông đã leo tới chức Thượng tướng Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực bộ Công an. Bên cạnh công danh, điều không may với ông Phạm Quý Ngọ chính là vấn đề sức khỏe, ông đã bị ung thư gan và duy trì cuộc sống được 5 năm nhờ được ghép gan ở Singapore và điều trị nhiều lần ở nước ngoài. Tướng Ngọ cũng từng qua Nhật để thực hiện liệu pháp cấy tế bào gốc nhưng không thành công.

Chung quanh câu hỏi cố thượng tướng Phạm Quý Ngọ có thực sự nhận hối lộ từ tử tội Dương Chí Dũng 1.510.000 USD hay không? Đảng Cộng sản và Chính quyền Việt Nam cần làm rõ để trả thanh danh lại cho một cán bộ cao cấp trong guồng máy.

Nhiều chuyên gia trong đó có TS Phạm Chí Dũng từng nói với chúng tôi, điều tra xác minh nguồn gốc tài sản của bất cứ cán bộ nào thì cũng có thể biết người ấy có tham ô, tham nhũng, bất minh hay không.

 

Ân xá Quốc tế viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên từ nhiều thập niên

Ân xá Quốc tế viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên từ nhiều thập niên

Thanh Phương

RFI

Lần đầu tiên từ nhiều thập niên qua, một phái đoàn của tổ chức Ân xá Quốc tế ( Amnesty International ) đã đến thăm Việt Nam trong tuần này để thảo luận về tình hình nhân quyền. Trong một thông cáo đưa ra ngày hôm qua, 20/02/2014, Ân xá Quốc tế cho biết chuyến viếng thăm 3 ngày ở Hà Nội của bốn thành viên trong đoàn là nối tiếp chuyến đi của Phó giám đốc phân bộ Mỹ của Ân xá Quốc tế tới Việt Nam trong năm 2013.

Trong thời gian ở Việt Nam, phái đoàn Ân xá Quốc tế đã gặp nhiều người, trong đó có các quan chức cao cấp của chính phủ và Đảng Cộng sản, đại biểu Quốc hội, chuyên gia từ các viện nghiên cứu, đại diện một số tổ chức phi chính phủ và một số nhà ngoại giao nước ngoài.

Trong những cuộc gặp gỡ nói trên, phái đoàn Ân xá Quốc tế đã thảo luận về các vấn đề tự do ngôn luận, chính sách về nhân quyền, án tử hình, quyền của phụ nữ và người dân tộc thiểu số, lao động di cư và buôn bán người. Ân xá Quốc tế cho rằng tất cả những tù nhân lương tâm, tức là những người bị giam cầm chỉ vì bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, phải được trả tự do.

Chuyến viếng thăm của phái đoàn Ân xá Quốc tế trùng với thời điểm Việt Nam cho nhà hoạt động bảo vệ môi trường và blogger Đinh Đăng Định hoãn thi hành án một năm vì lý do sức khỏe, và với việc phiên tòa phúc thẩm đã xử y án 30 tháng tù luật sư bảo vệ nhân quyền Lê Quốc Quân với tội danh « trốn thuế ».

Trong bản thông cáo, Ân xá Quốc tế nhắc lại rằng Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái và đầu tháng 2 vừa qua vừa được kiểm điểm về tình hình nhân quyền theo thủ tục Kiểm định Định kỳ Phổ quát UPR. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết ký Công ước chống tra tấn trong năm nay.

 

Tang lễ cấp cao cho Thứ trưởng Bộ công an bị tai tiếng Phạm Quý Ngọ

Tang lễ cấp cao cho Thứ trưởng Bộ công an bị tai tiếng Phạm Quý Ngọ

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ đã đột ngột qua đời vì ‘ung thư gan giai đoạn cuối’.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ đã đột ngột qua đời vì ‘ung thư gan giai đoạn cuối’

Trà Mi-VOA

Tiểu sử ông Phạm Quý Ngọ

Sinh ngày 24 tháng 12 năm 1954, tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Từng theo học và tốt nghiệp Đại học Cảnh sát Nhân dân, vào đảng CSVN ngày 19 tháng 4 năm 1980.

Ðược bổ nhiệm kiêm chức Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, thay Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh vào tháng 7 năm 2006.

Giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an, năm 2008.

Ðược bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an năm 2010.

Ðược bầu làm Ủy viên Chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, năm 2011.

Ðược thăng hàm Thượng tướng năm 2013.

Nguồn: Wikipedia, CAND

Việt Nam loan báo tổ chức đám tang cho một giới chức hàng thứ nhì trong Bộ Công An đang bị tai tiếng tham nhũng theo nghi thức cấp cao.

Truyền thông nhà nước ngày 20/2 cho hay lễ tang của Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ, sẽ do Bộ Công an chủ trì.

Lễ viếng chính thức diễn ra vào sáng ngày 23/2 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 05 Trần Thánh Tông (Hà Nội) trước khi cử hành lễ truy điệu và đưa tang vào trưa cùng ngày. Linh cửu ông sẽ được an táng tại quê nhà ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, theo đúng tâm nguyện của ông.

Tang lễ ông Ngọ được tiến hành theo điều 34 của Nghị định 105/2012 của chính phủ về tổ chức an táng cho cán bộ nhà nước dù ông đang bị cáo buộc tham nhũng hàng triệu đô la.

Tin ông Ngọ đột ngột qua đời vì ‘ung thư gan giai đoạn cuối’ được báo chí nhà nước loan tải 1 ngày sau khi Phó Trưởng Ban Nội chính Trung Ương đề xuất đình chỉ công tác ông để điều tra vụ ‘tiết lộ bí mật quốc gia’ trong đại án tham nhũng ở công ty đóng tàu quốc doanh Vinalines do Dương Chí Dũng làm Chủ tịch, dẫn tới nhiều ngờ vực trong công luận về những kịch bản nhằm chấm dứt đầu mối của một siêu án cấp cao.

Ông Dũng, người đã lãnh án tử hình khai đã hối lộ cho ông Ngọ hàng triệu đô la.

Một nhà quan sát từng là cán bộ trong Ban An ninh Nội chính Thành ủy, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng,  nhận định ‘sự ra đi’ của Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ là hồi kết dứt điểm một nghi án cao cấp mà dư luận đang trông chờ theo dõi cách nhà nước giải quyết tham nhũng, là điểm mốc xoay chuyển tình thế giữa các thế lực chính trị Việt Nam, và làm phá sản công cuộc chống tham nhũng của nhà nước.

“Vụ án ‘làm lộ bí mật quốc gia’ đóng khung. Sẽ không còn bất kỳ tia sáng nào khác có thể dẫn tới một vụ siêu án. 95% là không có một manh mối nào để có thể từ ông Ngọ lần ngược lên một cấp cao hơn.”

Báo Đời sống và Pháp luật nói hai tâm nguyện cuối đời của ông Ngọ là được an táng ở quê nhà và được cơ quan chức năng minh oan.

Tuy nhiên, một ngày sau khi đưa tin Tướng Ngọ qua đời, truyền thông nhà nước loan tin vụ án ‘làm lộ bí mật quốc gia’ đối với ông Ngọ bị đình chỉ vì lý do nghi phạm đã chết.

Nhà hoạt động chống tham nhũng Lê Hiền Đức.

Nhà hoạt động chống tham nhũng Lê Hiền Đức.

Một nhà hoạt động chống tham nhũng nổi tiếng tại Việt Nam từng được tổ chức Minh bạch Quốc tế vinh danh, bà Lê Hiền Đức, nói nếu những khuất tất trong vụ án tham nhũng triệu đô này dừng lại ở ‘cái chết’ của Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ thì đó cũng là một dấu chấm hết về niềm tin của nhân dân đối với nhà nước. Bà Hiền Đức nói:

“Tôi rất buồn cười khi báo nói ông ấy chết lúc 21:05 phút mà bản tin lại được đăng lúc 20:57 hay 58 phút. Tôi thấy họ làm toàn là những chuyện không thẳng thắn, khuất tất. Nhân dân đánh nhiều dấu hỏi lắm về cái chết của ông ấy. Là một công dân chống tham nhũng, tôi nghĩ rằng cho dù ông ấy có chết, vụ án ấy kiểu gì cũng phải làm rõ thì mới giữ được niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Bởi vì không phải một mình ông ấy, còn có thể liên quan đến nhiều người khác nữa. Ông ấy không hoặc có tham nhũng thì cũng phải làm rõ và tuyên bố cho dân biết. Công khai, minh bạch thì mới giữ được niềm tin của nhân dân. Cá nhân ông này chết không phải là có thể chấm hết mọi chuyện được đâu. Nếu chỉ vì cái chết của cá nhân ông ấy mà chấm hết, không điều tra, không đặt vấn đề gì nữa trong chuyện này thì nhân dân không còn niềm tin nữa.”

Tang lễ cấp cao cho Thứ trưởng Bộ công an bị tai tiếng Phạm Quý Ngọ

Trước khi có thông báo chính thức về nghi thức tang lễ của ông Ngọ, trong dư luận xuất hiện nhiều đồn đoán rằng việc ông dính líu đến vụ án Dương Chí Dũng có thể sẽ được xem xét trong quyết định về tang lễ cho ông. Thậm chí có luồng dư luận cho rằng ông sẽ bị tước bỏ nghi thức lễ tang cao cấp vì vụ tai tiếng

Nhà hoạt động chống tham nhũng Lê Hiền Đức cho rằng:

“Đã có thông tin là ông ấy dính líu tới tham nhũng. Dương Chí Dũng đã khai trước tòa rồi. Bây giờ chưa làm được rõ trắng đen thế nào, không nên tổ chức tang lễ rầm rộ, hoành tráng càng làm khơi dậy những thắc mắc trong nhân dân.”

Thượng Tướng Phạm Quý Ngọ sinh ngày 24/12/1954 tại Thái Bình là trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải Vinalines. Trước đó, ông từng tham gia xử lý vụ bạo động ở Thái Bình năm 1997 và giám sát chuyên án vụ cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

Xem thêm: Tang lễ tướng Ngọ theo nghi thức cấp cao (BBC)