Israel tấn công trả đũa Iran

Ba’o Nguoi-Viet

October 25, 2024

JERUSALEM, Israel (NV) – Israel bắt đầu không kích Iran để trả đũa vụ tấn công ồ ạt bằng hỏa tiễn hồi đầu tháng này, theo Axios và CNN hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Mười.

Giới chức Mỹ và Israel tin rằng Iran sẽ đáp trả, nhưng hy vọng sẽ có giới hạn và giúp hai quốc gia thù địch này phá được vòng lẩn quẩn ăn miếng trả miếng.

Chiến đấu cơ F-15 của Israel. (Hình minh họa: Jack Guez/AFP via Getty Images)

Chính quyền Tổng Thống Mỹ Joe Biden lo ngại Iran mà đáp trả mạnh có thể khiến Israel và Iran lâm vào chiến tranh toàn diện.

Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin nhiều vụ nổ xảy ra sáng sớm Thứ Bảy giờ địa phương ở nhiều nơi của nước này, trong đó có thủ đô Tehran.

“Để đáp trả những vụ tấn công liên tiếp suốt nhiều tháng… Lực Lượng Phòng Vệ Israel (IDF) đang không kích mục tiêu quân sự ở Iran,” IDF ra thông báo cho hay. “Iran và những nhóm ủy nhiệm của họ trong khu vực này tấn công Israel không ngừng từ ngày 7 Tháng Mười – trên bảy mặt trận – bao gồm những cuộc tấn công trực tiếp từ lãnh thổ Iran.

Trong cuộc họp tối Thứ Sáu, nội các an ninh Israel chuẩn thuận không kích Iran, một giới chức Israel cho biết.

Giới chức Mỹ xác nhận Israel thông báo cho chính quyền Tổng Thống Biden biết trước vài giờ rằng họ sẽ không kích Iran.

Mỹ không tham gia vụ không kích này, giới chức cao cấp chính quyền ông Biden tuyên bố hôm Thứ Sáu.

“Chúng tôi biết Israel đang không kích mục tiêu quân sự ở Iran để tự vệ và đáp trả vụ Iran tấn công Israel bằng hỏa tiễn hôm 1 Tháng Mười. Chúng tôi yêu cầu quý vị liên lạc với chính phủ Israel nếu muốn biết thêm thông tin về chiến dịch của họ,” ông Sean Savett, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Tòa Bạch Ốc, ra thông báo cho hay.

Tổng Thống Biden hiện đang ở Wilmington, Delaware, và nhóm cố vấn của ông hiện không dự tính nhóm họp trong Situation Room của Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, Tổng Thống Biden có nghe báo cáo về vụ không kích của Israel và đang theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ này, theo giới chức Tòa Bạch Ốc.

Mấy tuần nay, vùng Trung Đông căng thẳng chuẩn bị cho tình huống Israel trả thù vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Iran.

Trong khi đó, giới chức Mỹ hàng đầu đã nói rõ Israel nên tránh làm tăng căng thẳng hoặc ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, theo nguồn tin biết vấn đề này.

Trong một loạt cuộc họp định kỳ, Tổng Thống Biden và nhóm cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông nói rõ họ không ủng hộ Israel không kích cơ sở nguyên tử hoặc dầu mỏ của Iran.

Mặc dù tin rằng những quốc gia sản xuất dầu khác có thể dễ dàng bù sản lượng gần 1 triệu thùng của Iran, nhưng giới chức Mỹ lo ngại nhiều hơn về việc thị trường phản ứng quá đáng nếu Israel tấn công những cơ sở đó, làm giá dầu tăng vọt giữa lúc cử tri Mỹ đi bầu tổng thống.

Hôm Thứ Sáu, nguồn tin quân sự Israel cho CNN hay nước này không tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Iran, và cuộc không kích này do Israel thực hiện 100%, nhưng vẫn “hợp tác sâu sắc” với Mỹ, chẳng hạn về phòng không. (Th.Long) [qd]


 

Trung Quốc Suy Thoái cỡ nào, mời bạn mục kích

61% dân chúng nói họ nghèo hơn

200 triệu người nghèo

Dân đổ lỗi cho thể chế

Hối lộ để có việc làm

290 triệu người già

1.265 triệu cơ sở giao thức ăn đóng cửa, chỉ trong năm 2023

Sản xuất thừa mứa và thua lỗ

Trên 17% thanh niên thất nghiệp

Tổng nợ lến đến 300% thu nhập bình quân năm

Bong Bóng Bất Động Sản sụp đổ

Khủng hoảng địa chính trị tái thúc đẩy thị trường tàu ngầm thế giới (RFI)

« Khủng hoảng địa chính trị tái thúc đẩy thị trường tàu ngầm thế giới », « Thị trường tầu ngầm đang ở thời hoàng kim ». Trên đây là những nhận định của các báo Pháp Le Monde ngày 14/10 và Les Echos hôm 27 và 28/09. Ngày càng có nhiều quốc gia muốn trang bị tàu ngầm, loại vũ khí đắt tiền, nhưng tinh vi và có sức răn đe vô song.

Tầu ngầm hạt nhân Barracuda lớp Suffren của Hải Quân Pháp tại cảng quân sự Toulon, miền nam nước Pháp, ngày 06/11/2020.

Tầu ngầm hạt nhân Barracuda lớp Suffren của Hải Quân Pháp tại cảng quân sự Toulon, miền nam nước Pháp, ngày 06/11/2020. AFP – NICOLAS TUCAT

Thùy Dương

Minh họa cho những nhận định trên là thông tin Canada gọi thầu mua 12 tàu ngầm mới chạy bằng năng lượng thông thường và có khả năng di chuyển bên dưới sông băng. 4 tàu ngầm hiện có của Canada thuộc lớp Victoria mua của Anh vào cuối những năm 1990. Báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 27/09 nhấn mạnh đây là cuộc gọi thầu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực tàu ngầm. Chính phủ Canada nhận định: « Những tàu ngầm của chúng tôi ngày càng lỗi thời và chi phí bảo trì rất lớn ». Ottawa dự kiến thay mới đội tàu vào giữa những năm 2030. Để đề phòng, muộn nhất vào năm 2028 Canada phải ký hợp đồng nếu muốn nhận chiếc tàu ngầm mới đầu tiên vào năm 2035, và để có thể sản xuất một phần ngay trên lãnh thổ Canada nhờ được chuyển giao công nghệ.

Trong khi đó, tập đoàn đóng tầu của Pháp Naval Group hôm 30/09 ký kết hợp đồng trị giá 5 tỉ euro, bán 4 tàu ngầm Barracudas tải trọng 3.000 tấn cho Hà Lan sau 7 năm đàm phán.

Theo Le Monde, việc lựa chọn loại tàu ngầm « viễn chinh » Barracudas nói lên nhiều tham vọng của Hà Lan. Tầu ngầm Barracuda chạy rất êm, được trang bị vũ khí hạng nặng và đa năng, như tấn công, phát hiện, trinh sát, rà phá bom mìn … Tầu ngầm Barracuda có thể được triển khai ở mọi đại dương trên toàn cầu và hoạt động dưới nước liên tục trong một thời gian rất dài. Công nghệ bình điện lithium-ion cải tiến của Saft, một công ty con của TotalEnergies, cho phép tàu ở dưới nước lâu hơn và khả năng bắn tên lửa Tomahawk của Mỹ, là điểm nổi bật của Barracuda.

Liên quan đến Canada, chính bối cảnh địa chiến lược đã thúc đẩy Ottawa thay mới đội tầu ngầm, tăng gấp 3 lần số tàu ngầm hiện có : băng tan chảy khiến các tuyến đường biển ở vùng cực trở thành các tuyến chiến lược cả về quân sự và thương mại, vào lúc Nga và Trung Quốc đang củng cố, tăng cường sự hiện diện ở vùng Cực Bắc. Bộ trưởng Quốc Phòng Canada Bill Blair, được Le Monde trích dẫn, cho biết cuộc cạnh tranh dành cho các nhà sản xuất có khả năng đáp ứng nhu cầu của Ottawa, bất kể châu Âu hay châu Á.

Vẫn bộ trưởng Quốc Phòng Canada Bill Blair, được báo Les Echos trích dẫn, khẳng định : « Là một quốc gia Bắc Cực, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có đường bờ biển dài nhất thế giới, Canada cần một hạm đội tàu ngầm mới. Việc mua tới 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường, có khả năng hoạt động dưới băng cho phép Hải quân Hoàng gia Canada tăng cường khả năng phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa hàng hải, kiểm soát bờ biển, cũng như triển khai sức mạnh và khả năng tấn công xa hơn từ bờ biển của mình ».

Les Echos nhắc lại là vào tháng 04, Canada đã thông qua chiến lược mới về quốc phòng và an ninh, mang tên « Phương Bắc của chúng ta, mạnh mẽ và tự do ». Một trong những thách thức chính là sự nóng lên ở Bắc Cực nhanh gấp 4 lần so với mức trung bình của thế giới. Với sự tan chảy của băng đá, hơn bao giờ hết Bắc Băng Dương có nguy cơ trở thành một không gian cạnh tranh mới. Một số người thậm chí cho rằng đến năm 2050, do biến đổi khí hậu, một tuyến hàng hải hiệu quả nhất kết nối châu Âu và châu Á sẽ được mở ra tại Bắc Băng Dương.

Hiện nay, hành lang tây-bắc của Canada và vùng Bắc Cực đã trở nên dễ tiếp cận hơn và chính phủ Canada cho biết đang quan sát thấy « sự gia tăng hoạt động của Nga, và ngày càng nhiều tàu nghiên cứu và giàn giám sát lưỡng dụng của Trung Quốc thu thập dữ liệu về Bắc Canada », nhất là để định vị các nguồn năng lượng tiềm ẩn có thể khai thác và tất cả các nguồn tài nguyên dưới đáy biển.

Cơ động và không dễ bị phát hiện

Chi tiêu quân sự trên toàn thế giới đã tăng lên từ 10 năm trở lại đây, lên thành 2.443 tỷ đô la vào năm 2023, tương đương 2.225 tỷ euro, và số tàu ngầm quân sự (444) cũng sẽ tăng. Le Monde trích dẫn tổ chức tư vấn Mordor Intelligence, theo đó thị trường từ năm 2019 đến năm 2029 sẽ tăng gấp đôi về giá trị, chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ. Theo chủ tịch – tổng giám đốc của Naval Group, Pierre Eric Pommelet, ngày càng có nhiều quốc gia có kế hoạch trang bị thêm số lượng tàu ngầm, hoặc thậm chí thành lập một đội tầu ngầm, trong đó có nhiều nước như Ấn Độ, Ai Cập, Brazil, Peru, Colombia, Argentina và Indonesia. Ả Rập Xê Út cũng được ghi nhận có chương trình hải quân tham vọng.

Các đại dương là không gian chung, nhưng tại một số khu vực xảy ra tranh chấp. Đơn cử là ở Biển Đông, nơi Philippines đang trang bị tàu ngầm để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh. Trong khi đó, để đối phó với Nga, Ba Lan và Na Uy lần lượt muốn có thêm 3 và 6 tàu ngầm được trang bị vũ khí đủ mạnh và có tầm hoạt động xa. Cơ động và khó có thể bị phát hiện, tàu ngầm có thể duy trì mối đe dọa thường trực và có thể được triển khai ở mọi đại dương, bảo đảm an ninh của các tuyến đường thương mại, cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng (cáp Internet, đường ống dẫn khí đốt, khu vực cảng, biển …)

Chủ tịch – tổng giám đốc của Naval Group, Pierre Eric Pommelet, phân tích là chỉ một vài tàu ngầm cũng có thể bảo đảm an ninh cho cả một khu vực rộng lớn, nhất là những vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia tiếp giáp biển. Đó là những ưu thế mà các tàu mặt nước không có, nên dễ bị tên lửa và drone biển tấn công, như cách mà Ukraina sử dụng để tấn công hạm đội Nga ở Hắc Hải.

Nhìn sang Les Echos, tờ báo kinh tế của Pháp hôm 28/09 cho biết chưa bao giờ trên thế giới lại có nhiều chiến dịch tích cực để mua tàu ngầm như hiện nay. Les Echos cũng trích dẫn chủ tịch – tổng giám đốc của Naval Group, cho biết cuộc chiến ở Ukraina đã đưa chủ đề về các vụ tấn công ngoài biển trở lại vị trí hàng đầu, và cũng làm nổi bật tình trạng mạng cáp internet dưới đáy biển dễ bị tấn công, đồng thời cho thấy các không gian chung, dù là dưới đáy biển, trên không trung hay trong không gian mạng được thảo luận rất nhiều.

Chính vì lẽ đó, ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn tân trang các hạm đội tầu ngầm cũ hoặc lập đội tầu ngầm để bảo vệ bờ biển và đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Theo một báo cáo gần đây của GlobalData, thị trường tàu ngầm dự kiến ​​sẽ tăng gấp rưỡi, từ 30 tỉ đô la năm 2023 lên thành 45,6 tỉ đô la vào năm 2033. Do khả năng vận hành lâu và sức bền cao, tàu ngầm dường như phù hợp để răn đe hơn so với các loại phương tiện khác trên không và trên bộ.

Điều đáng nói là số nhà sản xuất phương Tây có thể đáp ứng nhu cầu tầu ngầm rất ít, bởi vì những rào cản công nghệ rất cao. Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nga, Pháp, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Hàn Quốc là những nước chiếm phần lớn thị trường thế giới.

Đối mặt với tiến bộ trong chiến tranh chống tàu ngầm, độ tàng hình của tàu ngầm phải ngày càng cao và tiên tiến về công nghệ, điều này khiến các tàu thế hệ cũ mất dần khả năng răn đe. Do đó, dù vẫn coi Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc là những nước thống trị thế giới về tàu ngầm, nhưng GlobalData cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia như Ấn Độ, Úc, Brazil và Hàn Quốc đang lần lượt đầu tư vào năng lực tầu ngầm ngày càng tân tiến.

Riêng về Mỹ, Les Echos lưu ý ngành công nghiệp tàu ngầm của nước này đang bị chỉ trích vì không thể giao tàu ngầm đúng hạn cho chính Hải quân Mỹ, chưa kể những cam kết của Washington cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc thay cho tàu Barracuda mà ban đầu Úc đã ký thỏa thuận mua của Naval Group của Pháp rồi sau đó bất ngờ hủy để chuyển sang mua của Mỹ, nguồn cơn một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp-Úc.


 

Ba nhà kinh tế học Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2024 vì nghiên cứu liên quan đến độc tài và tham nhũng (RFA)

RFA

2024.10.14

Các thành viên của Ủy ban Giải thưởng Nobel thông báo giải Nobel Kinh tế 2024 cho ba nhà khoa học Mỹ Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A Robinson tại Thụy Điển hôm 14/10/2024

 Reuters

Ba nhà kinh tế học người Mỹ vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2024 theo công bố của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vào ngày 14/10.

Ba nhà khoa học này là Daron Acemoglu (57 tuổi), Simon Johnson (61 tuổi) và James A. Robinson (64 tuổi). Họ được trao giải Nobel Kinh tế nhờ nghiên cứu về sự khác biệt trong thịnh vượng giữa các quốc gia, đặc biệt là ở những nước tránh được nạn tham nhũng và độc tài.

Nhà khoa học James A. Robinson hiện làm việc tại Đại học Chicago, trong khi hai nhà khoa học kia là Daron Acamoglu và Simon Johnson đang công tác tại Học viện Công nghệ Massachusetts.

Ông Jakob Svensson – Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Kinh tế phát biểu về các nghiên cứu của các khôi nguyên giải năm nay rằng: “việc giảm những sự khác biệt lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong các thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Nhờ các nghiên cứu đột phá của các khoa học gia Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson, chúng ta đã có sự hiểu biết sâu hơn về nguyên nhân gốc rễ vì sao các nước thất bại hay thành công.”

Trang mạng xã hội X (Twitter) của Giải Nobel Prize viết rằng, “20% các nước giầu nhất thế giới hiện giàu gấp khoảng 30 lần so với 20% các nước nghèo nhất. Khoảng cách thu nhập giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất luôn không thay đổi; mặc dù các nước nghèo nhất đã giàu lên nhưng họ vẫn không thể bắt kịp với các nước thịnh vượng nhất.”

Các nhà khoa học nhận giải năm nay được trao huy chương và nhận 11 triệu kronor (Thụy Điển), tương đương khoảng một triệu đô la.


 

Nga sẽ thua!- Đoàn Bảo Châu

Ba’o Tieng Dan

Đoàn Bảo Châu

13-10-2024

Từ trước cuộc chiến, kinh tế của Nga đã không phải là quá mạnh, khi quyết định khởi động một cuộc chiến mới trên lãnh thổ Ukraine, Nga đã làm rung chuyển động lực quân sự, kinh tế và chính trị xã hội của mình.

Chúng ta thường tập trung vào cuộc chiến hiện tại của Nga, hướng tới việc chiếm đóng ở Ukraine. Nhưng quân đội của Putin cũng đang chiến đấu chống lại chính lực lượng của mình.

Ngày 6 tháng 8 khi các lực lượng vũ trang Ukraine phát động một chiến dịch quân sự ở khu vực Kursk. Quân đội Nga, đã kiệt quệ từ đầu cuộc chiến, từ đấy lại phải đối mặt với cuộc tấn công lịch sử của quân đội Ukraine ngay trên biên giới của mình. Lần đầu tiên kể từ thời Liên Xô, lực lượng Ukraine vượt qua đường biên giới Nga, và điều này tác động không nhỏ tới tâm lý Kremlin

Điều này dẫn đến sự hỗn loạn nội bộ ở Nga và khởi đầu của một cuộc nội chiến âm ỉ bên dưới. Thất bại trong việc bảo vệ biên giới, sự đào ngũ và đầu hàng của lính Nga, khoảng 10.000, sự mất dần niềm tin vào Putin trong nhiệm kỳ mới của ông và tất nhiên, những tổn thất quân sự quá lớn của Nga.

Với 190.000 binh sĩ và hàng chục nghìn xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép mà vẫn không thể đạt được mục đích, Putin đã rót thêm 38.000 lính ở Kursk với 38.000. Nga cũng thông báo sẽ ban hành sắc lệnh cho 180.000 quân bổ sung. Tổn thất của quân đội Nga đến nay đã lên tới từ 500.000 đến 750.000 người, quyết định của Putin về việc triển khai thêm quân và tuyển mộ mới đã gây ra hỗn loạn và bất bình trong nước.

Mặc dù Putin vẫn mô tả cuộc chiến ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng những chiến lược gần đây cho thấy mọi thứ thực sự không diễn ra tốt đẹp. Mục tiêu của nhà lãnh đạo Nga là chiếm Luhansk, Donetsk, Zaporizhia và Kherson. Tuy nhiên, chính sách chiếm đóng của Putin ở bốn khu vực chính này đã tạo ra một nhóm đối lập với nguồn nhân lực khổng lồ, bao gồm cả công dân Nga sống ở đó. Khi số lượng họ tăng lên, lực lượng Nga buộc phải rút khỏi Kherson, tiến hành chiến dịch chiếm đóng rất chậm ở Zaporizhia, chịu những thảm kịch không thể tin được ở Donetsk, đặc biệt là ở Pokrovsk, Chasiv Yar và Bakhmut, và đối mặt với các cuộc phản công dữ dội của quân đội Ukraine ở Luhansk.

Nhiều cuộc không kích của quân đội Ukraine ở các khu định cư biên giới như Kursk, Belgorod và Bryansk đã thổi bùng các cuộc nổi dậy nội bộ ở Nga. Quá nhiều công dân Nga hiện cảm thấy rằng cuộc chiến đang làm tổn hại đất nước họ. Đồng thời, số lượng kỷ lục binh sĩ Nga tử chiến đã làm lung lay niềm tin của công dân Nga vào Kremlin. Tất cả những tiêu cực này thực sự đang kéo Nga tới một thời hạn quân sự, kinh tế và chính trị xã hội.

Tuy nhiên, Kremlin đã áp dụng một chính sách rất khắc nghiệt trong nước, áp đặt các hình phạt như 10 năm tù cho những người phản đối chiến tranh. Sự đàn áp này làm người dân Nga xa lánh cuộc chiến. Putin cố gắng áp dụng quyền lực cưỡng chế và chế độ quân sự, nhưng điều này lại như đổ dầu vào lửa với tâm lý vốn đã bất bình của công dân Nga.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, hơn một triệu công dân Nga đã rời khỏi đất nước vì sự đàn áp của Kremlin. Giờ đây, trong giai đoạn quan trọng khi chiến tranh vẫn đang diễn ra, số người rời khỏi Nga đang tăng lên, bởi nếu không rời đi, họ sẽ trở thành “thịt pháo” như các chuyên gia quân sự gọi. 590.000 binh sĩ Nga bị coi là “thịt pháo” đã bị giết bởi bom đạn, bị thương, chạy trốn khỏi tiền tuyến hoặc đầu hàng Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Và sự gia tăng số người rời khỏi đất nước đang tiến triển tỷ lệ thuận.

Putin không nhận ra điều đó, nhưng tất cả những điều này đang gia tăng sự hỗn loạn nội bộ ở Nga, khiến sự bất bình của người dân tăng lên. Do sự bất ổn nội bộ, bộ chỉ huy quân sự của Nga và cấu trúc bên trong quân đội đang dần sụp đổ. Tham nhũng của binh sĩ Nga, sự đối xử khắc nghiệt của chỉ huy Nga với binh lính đã đẩy nhanh sự sụp đổ này. Những tình huống tai tiếng như binh sĩ Nga bán vũ khí của chính họ, tài nguyên dầu diesel và xăng thuộc về quân đội đã tiết lộ sự thoái hoá trong tinh thần và đạo đức binh lính trong quân đội Nga.

Các chỉ huy Nga sử dụng bạo lực đối với binh lính của họ, phá hủy tinh thần yêu nước trong quân đội. Kết quả là, công dân Nga ngày càng phản đối mạnh mẽ việc con trai và con gái họ phục vụ trong quân đội một cách vô nghĩa. Hàng trăm nghìn công dân Nga đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống lại kế hoạch động viên và sắc lệnh triển khai thêm quân của Putin. Số lượng các cuộc biểu tình chống Putin vẫn đang gia tăng trong nước.

Vậy chiến lược mà người Ukraine đã áp dụng trong giai đoạn quan trọng này là gì? Về mặt quân sự, Ukraine đã đưa ra một lựa chọn tuyệt vời cho công dân Nga vì quyết định phản đối chiến tranh của họ. Theo lựa chọn này, những người Nga muốn đầu hàng có thể chào đón một cuộc sống mới. Lựa chọn được hỗ trợ bởi dự án “Tôi muốn sống” đã tạo ra hy vọng mới cho công dân Nga.

Hàng ngàn người Nga mỗi ngày gọi cho các tổng đài viên Ukraine làm việc dưới dự án này, nói rằng họ muốn đầu hàng hoặc quyết tâm đầu hàng. Số công dân Nga đã đầu hàng lực lượng vũ trang Ukraine cho đến nay vẫn là một bí ẩn, nhưng ước tính trên 10.000 người. Bộ Quốc phòng Ukraine không muốn chia sẻ những con số này hoặc thông tin cụ thể về công dân Nga đã đầu hàng. Mục đích ở đây là không đặt những người Nga đã đầu hàng vào nguy hiểm tính mạng.

Khi người Nga đầu hàng, tinh thần chống chiến tranh của họ tăng lên khi họ có một cuộc sống nhân đạo theo Công ước Geneva. Theo thời gian, cảm giác này chuyển thành sự phản đối đối với chiến lược quân sự và chính trị của Nga. Được biết, có tới 3.000 cựu binh sĩ Nga và Belarus, những người đào ngũ tiền tuyến và công dân bình thường cảm thấy như vậy, đang là một phần của các nhóm “Quân đoàn Tự do” trong quân đội Ukraine. Những đơn vị đặc biệt này đã đóng vai trò quan trọng trong việc quân đội Ukraine hiện kiểm soát 1.300 km và hàng trăm ngôi làng ở vùng Kherson.

Sức mạnh quân sự của Ukraine đã phát triển đến mức chưa từng có và cũng nhận được rất nhiều hỗ trợ từ phương Tây. Gần đây nhất, Hoa Kỳ đã công bố gói viện trợ lớn trị giá 7,9 tỷ đô la và thêm 375 triệu đô la viện trợ quân sự. Ngoài Hoa Kỳ, các quốc gia như Đức, Pháp và Anh cũng cung cấp một khoản tài trợ lớn để duy trì sức mạnh quân sự và kinh tế của Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cũng tăng lợi thế của Ukraine trong cuộc chiến. Các lệnh trừng phạt phương Tây được coi là một trong những bằng chứng quan trọng nhất cho thấy kinh tế Nga đang đối mặt với suy thoái sâu sắc do lạm phát. Ngân hàng Trung ương Nga đã tiếp tục tăng lãi suất trong ba năm liên tiếp: 2022, 2023 và 2024. Công dân Nga phải đối mặt với những con số gây sốc: lãi suất trong nước hiện ở mức 18%.

Lạm phát đang tăng do thiếu hụt lao động, đẩy lương lên cao. Điều này gây áp lực lớn lên phía cung, đẩy giá hàng hóa tăng. Vladimir Putin đang đổ thêm dầu vào lửa lạm phát bằng cách bơm thêm tiền vào nhà nước.

Nhà lãnh đạo Nga đã thông qua các quyết định tăng chi tiêu cho quân đội, cho rằng sự mở rộng kinh tế của đất nước. Nhưng sự mở rộng kinh tế của Nga được thúc đẩy bởi chi tiêu nhà nước, không phải bởi mở rộng sản xuất. Tất cả những hoàn cảnh bất lợi này đã khiến nhiều công dân Nga quay lưng lại với Putin. Giờ đây, có khả năng xảy ra một cuộc nội chiến gần như không thể đảo ngược ở Nga. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc, tình hình nguy hiểm này trong nước không được dự kiến sẽ chấm dứt.

Đến giờ phút này, tôi tin chắc là Nga sẽ thất bại và cũng xin nói rằng việc ông Tô Lâm kí phản đối cuộc xâm lược của Nga là một bước đi sáng suốt tuy khá muộn.


 

Israel tấn công Beirut trong đợt bắn phá dữ dội nhất từ trước đến nay

Ba’o Nguoi-Viet

October 6, 2024

BEIRUT, Lebanon (NV) – Trong đêm và rạng sáng Chủ Nhật, 6 Tháng Mười, chiến đấu cơ của Israel đã tấn công các vùng ngoại ô phía Nam Beirut, cuộc bắn phá dữ dội nhất vào thủ đô Lebanon kể từ khi Israel ráo riết leo thang chiến dịch chống đánh Hezbollah được khởi đầu từ tháng trước, hãng tin Reuters cho biết.

Những vụ nổ trong đêm đã ầm vang trên khắp Beirut, và từ cách đó vài kilometer người ta có thể trông thấy những tia sáng màu đỏ và trắng trên không trong gần nửa tiếng đồng hồ. Một đám mây xám bay lơ lửng trên thành phố và các cột khói bốc lên trời trong khi nhiều đống đổ nát nằm rải rác trên các đường phố ở vùng ngoại ô phía Nam.

Cho tới nay, đây là cuộc oanh kích lớn nhất trong các cuộc tấn công của Israel vào Beirut, theo lời các nhân chứng và các phân tích gia quân sự trên các đài truyền hình địa phương.

Ngoại ô Beirut phía Nam Lebanon bị Israel không kích rạng sáng ngày 6 Tháng Mười, 2024 (Hình: Daniel Carde/Getty Images)

“Đêm hôm qua là đêm bạo lực diễn ra nhiều nhất so với tất cả các đêm trước đây khi các tòa nhà rung chuyển xung quanh chúng tôi, khiến lúc đầu ai cũng nghĩ đây là một trận động đất. Có hàng chục cuộc tấn công không thể đếm xuể, kèm theo âm thanh vang động chói tai,” Hanan Abdullah, một cư dân tại khu Burj al-Barajneh ở ngoại ô phía Nam Beirut cho biết.

Hình ảnh video trên mạng xã hội cho thấy có nhiều thiệt hại trên xa lộ chạy từ phi trường Beirut xuyên qua vùng ngoại ô phía Nam vào trung tâm thành phố.

Israel cho biết không lực của họ đã “thực hiện một loạt các cuộc tấn công có mục đích nhắm vào các cơ sở tàng trữ võ khí cùng các hạ tầng cơ sở khác của quân Hezbollah trong khu vực Beirut.”

Cuộc oanh tạc dữ dội hồi cuối tuần diễn ra ngay trước dịp kỷ niệm cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười năm ngoái của phe bạo động Hamas từ Gaza đánh vào miền Nam Israel. Mục tiêu của các cuộc không kích của Israel trên khắp Lebanon và của cuộc tấn công xâm lược trên bộ đang diễn tiến tại miền Nam nước này là nhắm đánh vào nhóm bạo động Hezbollah của Lebanon.

Các giới chức Lebanon cho hay những cuộc tấn công của Israel đã sát hại hàng trăm người, bao gồm luôn cả thường dân, khiến 1.2 triệu người phải bỏ nhà cửa chạy trốn.

Liên tiếp trong nhiều ngày, máy bay Israel đã oanh tạc vùng ngoại ô Dahiyeh của Beirut, vẫn được coi là thành trì của phe Hezbollah, nhưng nơi đây cũng còn là nơi sinh sống của hàng ngàn người tỵ nạn Lebanon, Palestine và Syria.

Một cuộc oanh tạc như thế, vào hôm 27 Tháng Chín, đã giết chết thủ lãnh Sayyed Hassan Nasrallah của tổ chức Hezbollah. (TTHN)


 

Israel bắt đầu tấn công trên bộ tại Li Băng

Ba’o Dat Viet

October 1, 2024

Ngày 1/10, quân đội Israel chính thức khởi động chiến dịch trên bộ tại  Li Băng, tập trung vào các mục tiêu khủng bố của Hezbollah và cơ sở hạ tầng ở miền nam Li Băng. Theo thông tin từ NBC News, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành các cuộc đột kích dựa trên thông tin tình  báo chính xác, nhằm bảo vệ người dân Israel sống dọc biên giới phía bắc, khu vực thường xuyên bị đe dọa bởi Hezbollah.

Trước đó, khu vực biên giới giữa Israel và Li Băng đã chứng kiến nhiều vụ pháo kích nặng nề, đặc biệt tại ngôi làng Wazzani. Đồng thời, quân đội Li Băng đã rút lui khỏi các vị trí gần biên giới, chuyển quân lên phía bắc khoảng 5 km. Israel tuyên bố vùng biên giới phía bắc nước này là “khu vực quân sự khép kín”, cấm người dân đi vào, đồng thời kêu gọi giữ bí mật về thông tin di chuyển của binh sĩ để đảm bảo an toàn cho chiến dịch.

Trong khi đó, tại thủ đô Beirut của Li Băng, quân đội Israel đã tiến hành ít nhất 6 cuộc không kích vào các khu vực phía nam, nơi được coi là thành trì của Hezbollah. Quân đội Israel đã kêu gọi người dân sống ở khu vực Dahiyeh sơ tán trước khi tiến hành các cuộc tấn công, nhằm tránh thiệt hại lớn về người.

Theo nguồn tin từ NBC News, chính phủ Israel đã thông báo với Mỹ về kế hoạch đổ quân vào Li Băng, nhưng cam kết sẽ giới hạn về quy mô và thời gian của chiến dịch. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ đã rò rỉ thông tin này trước khi chiến dịch bắt đầu, gây ra sự bất bình trong nội các an ninh Israel.

Về phía Mỹ, Washington vẫn đang theo dõi sát sao tình hình và chưa phát hiện bất kỳ động thái di chuyển vũ khí nào từ Iran, điều có thể báo hiệu một phản ứng từ Tehran. Tuy nhiên, Iran đã cho thấy sự sẵn sàng hành động nhanh chóng nếu cần thiết, mặc dù nước này cũng ra tín hiệu rằng họ không muốn cuộc xung đột mở rộng thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn. 


 

CÁCH THỨC NGƯỜi HÒA LAN “SỐNG CHUNG VỚI LŨ”

Nghệ Lâm Hồng

Trong khi người Hoà Lan lo khai mở, đào vét các con sông, xây dựng hệ thống đê điều để phòng chống ngập lụt thì người CSVN dành các phần đất trủng để xây cất, lấp các cửa sông để xây chung cư, phá các con kênh thóat nước. Kết quả việc “thay trời làm mưa” này Sài Gòn Biên Hoà sau mấy trận mưa to, bị ngập nước trầm trọng.

Saigon trở nên thành phố “Hồ” chứa nước. Tân Sơn Nhất không còn là nơi máy bay cất cánh hay đáp xuống mà trở nên bến tàu vì nơi thoát nước bị lấp đi để xây sân golf.

Người Hòa Lan, với một nửa đất nước dưới mực nước biển, tại sao họ lại có thể sống sót được, có thể đặt bản thân mình vượt lên trên mức nước biển mỗi khi nước lũ tràn về? Bí quyết ấy rất đơn giản: thay vì chống lại làn nước dữ, họ sống chung với nó.

Như cặp vợ chồng Nol và Wil Hooijmaaijers, họ đã hi sinh mảnh đất ruộng nhà mình để 150.000 người dân thành phố Den Bosch, cách 30 km về phía thượng nguồn không phải chịu cảnh mất nhà do nước cuốn. Hiện họ đang sống trong một khu nhà cải tiến, trên một ngọn đồi nhân tạo với một trang trại bò sữa rộng lớn, tránh được nước lũ tràn vào.

Dự án này mang tên “Room for the River”, nằm trên vùng đất bị biển lấn Overdiepse Polder, một khu vực trang trại nằm ở điểm vòng cung của 2 con sông. Dự án là 1 trong 40 chương trình nhằm hạn chế nước lũ tràn vào từ hệ thống sông. Được chính thức hoạt động vào năm 2006 và được cấp 1,8 tỷ Bảng Anh, chương trình này tập trung vào 4 con sông chính của Hòa Lan, ngăn chặn chúng không gây ngập lụt.

Căn bản của dự án này là hạ độ cao bãi sông, nới rộng sông và các kênh đào bên cạnh, với mục đích cho con sông có thể chứa được lượng nước khổng lồ tràn về. Chi phí ấy còn để tái định cư 200 gia đình thuộc diện ảnh hưởng, cho họ một căn nhà mới.

Đất nước Hà Lan đã phải đương đầu với nước lũ trong lịch sử hơn 1.000 năm phát triển, khi mà những người nông dân đào những con hào đầu tiên. Những cối xay gió đang mang nhiệm vụ bơm nước ra khỏi ruộng từ hồi thế kỷ 14, và Overdiepse Polder hiện tại cũng có những hệ thống bơm như vậy.

Vì thực trạng của đất nước như vậy, nên các đại học tại Hòa Lan đa`o tạo ra những người kỹ sư về đê điều tài năng nhất thế giới, và chính họ cũng đã mang những hiểu biết về ngập lụt đến cho những đất nước khác; chính phủ Hòa Lan đã cố vấn cho các dự án tại Trung Quốc, Úc và các nước Châu Phi.

Để di dời người dân khỏi khu vực lũ, để áp dụng dự án chống ngập lụt mới, chính phủ cũng đã phải thuyết phục nhiều. Có những người dân rất đau buồn khi phải di dời khỏi ngôi nhà đã có tới 3 thế hệ con cháu sinh sống, “nhưng họ phải tìm ra cách để sống chung với cơn lũ chứ không phải chống chọi với nó liên tục qua nhiều thế hệ”, chuyên gia Han Brouwers, một chuyên gia sông ngòi làm việc với dự án “Room for the River” nói.

Nhưng cuối cùng họ vẫn dời đi, vì một tương lai tốt đẹp hơn và mục đích cao cả hơn. Trong số những hộ gia đình phải di dời, đã có 2 nhà đâm đơn kiện lên tòa án, rằng họ không muốn dời đi nhưng cuối cùng thì “Room for the River” vẫn thắng kiện.

Ông Harold van Waveren là một trong những chuyên gia quản lý nước, nói rằng không một rủi ro nào đạt được mức số 0 cả, và hệ thống điều khiển nước lũ của Hòa Lan là không quan trọng hóa bất cứ một lĩnh vực nào, trong khi luôn giữ gìn tình trạng của hàng phòng ngự nước tại bờ biển cũng như bờ sông một cách tốt nhất.

“Người Hòa Lan tự hào về hệ thống đê điều và chống ngập lụt của mình, khi mà chúng tôi có hơn 8 triệu người dân sống dưới mực nước biển và họ phải dựa vào hệ thống ấy. Chúng tôi đã học được nhiều bài học trong đắt giá quá khứ, và giờ những bài học quý giá ấy đã giúp chúng tôi hoàn chỉnh hơn”, ông nói.

“Trong những tình huống cấp bách, bạn phải chống lại dòng nước hung dữ nhưng trong cuộc sống hàng ngày, ta cần phải sống ôn hòa với nó. Chính phủ Hòa Lan vẫn luôn cung cấp lượng tài chính để duy trì tính ổn định ấy, và chúng tôi vui về điều đó. Nước lũ là không có điểm dừng, và quá trình ‘sống chung với lũ’ là một quá trình lâu dài và liên tục. Chúng tôi không muốn có một đợt lũ quét bất ngờ nào nữa”.

Ngoài cải tiến sông ngòi, nhiều công ty xây dựng còn thử nghiệm và chế tạo những loại nhà “lưỡng cư”, dựa trên thiết kế của nhà thuyền Hà Lan cổ. Chúng có thể “sống” trên cạn khi nước rút, và nổi trên nước khi lũ về. Nhiều căn nhà như vậy đã được xây tại những khu vực thường xuyên ngập lụt ở đất nước Hòa Lan.

Câu trả lời của người Hòa Lan không phải là chống chọi với làn nước dữ mỗi lúc một khác, mà là chung sống với nó, tạo ra những kế hoạch mà có thể có được lợi ích lâu dài. Hãy nhìn gia đình ông Hooijmaaijers, họ đã từng lo sợ về nước ngập trang trại của mình nhưng giờ, họ đã ổn định cuộc sống với một trang trại bò sữa có thể cung cấp cho các thế hệ sau này nữa.

Một kế hoạch dài hạn dường như luôn luôn hiệu quả, ví dụ điển hình nhất mà ta thấy, là hệ thống điều hành đê điều để tránh ngập lụt tại đất nước Hòa Lan này.

(Sư Phạm Và Bằng Hữu)


 

Phụ nữ Mỹ dùng máy trợ tử, chết ở Thụy Sĩ, cảnh sát bắt nhiều người

Ba’o Nguoi-Viet

September 28, 2024

MERISHAUSEN, Thụy Sĩ (NV) – Cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ nhiều người dính líu tới một dụng cụ gây tranh cãi có hình dáng giống con nhộng thiết kế theo kiểu khoa học viễn tưởng, lần đầu tiên được dùng để tự tử, nhà chức trách cho biết hôm Thứ Ba, 24 Tháng Chín, theo CNN.

Cảnh sát tại tiểu bang Schaffhausen thuộc miền Bắc Thụy Sĩ giáp với Đức cho biết “Sarco,” cái máy dùng để tự tử, được sử dụng trong một khu rừng tại thành phố Merishausen hôm Thứ Hai.

Các công tố viên tại Schaffhausen khởi sự các thủ tục tố tụng hình sự chống lại một số người vì tội “xúi giục, hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi tự tử,” một tuyên bố của cảnh sát cho biết, đồng thời không tiết lộ danh tánh các nghi can bị bắt giữ và nạn nhân tử vong.

Dụng cụ để tự tử Sarco của tổ chức The Last Resort trưng bày tại Zurich, Thụy Sĩ ngày 17 Tháng Bảy, 2024 (Hình: ARND WIEGMANN/AFP/Getty Images)

Phát ngôn viên của tổ chức phát triển dụng cụ Sarco, The Last Resort, cho biết người qua đời là một phụ nữ Mỹ 64 tuổi, bị suy giảm hệ thống miễn dịch nghiêm trọng.

Florian Willet, đồng chủ tịch của The Last Resort, là một trong số bốn nghi can bị giam giữ, cùng với một nhà báo người Hà Lan và hai người Thụy Sĩ. Willet là người duy nhất có mặt khi người phụ nữ Mỹ quyên sinh, phát ngôn viên cho biết.

Trong một tuyên bố do The Last Resort đưa ra, Willet mô tả cái chết là “nhẹ nhàng, nhanh chóng và trang nghiêm.”

Phát ngôn viên của The Last Resort cho biết người phụ nữ Mỹ được đánh giá tâm thần trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Phát ngôn viên của các công tố viên tại Schaffhausen từ chối cung cấp chi tiết hoặc xác nhận có bốn người bị giam giữ.

Được chế tạo bằng các chi tiết khí động học, bóng bẩy, “Sarco” kết liễu người dùng bằng cách bơm khí nitrogen vào bên trong, làm giảm lượng khí oxygen xuống mức gây chết người. Đây là đứa con tinh thần của Philip Nitschke, một bác sĩ người Úc danh tiếng với công trình nghiên cứu về trợ tử từ những năm 1990.

Thụy Sĩ là địa điểm hấp dẫn dành cho những người ủng hộ trợ tử do chính sách hợp pháp hóa trợ tử và The Last Resort cho biết khi cố vấn pháp lý cho khách hàng, họ nói rằng trợ tử là điều khả thi.

Sarco làm giới truyền thông và giới hữu trách ngày càng chú ý nhằm thảo luận rằng liệu họ có nên chấp thuận dụng cụ này hay không.

Bộ Trưởng Y Tế Thụy Sĩ Elisabeth Baume-Schneider cho biết hôm Thứ Hai rằng Sarco không đáp ứng các yêu cầu của luật an toàn sản phẩm và việc dùng khí nitrogen để trợ tử là phạm pháp. (TTHN)


 

Làm giàu ở Trung Quốc không còn là vinh quang, mà đã trở thành nguy hiểm

Ba’o Tieng Dan

Financial Times

Tác giả: Ruchir Sharma

Cù Tuấn, biên dịch

25-9-2024

Tóm tắt: Tại sao chẳng ai muốn trở thành doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc nữa

Tháng trước, Colin Huang, nhà sáng lập công ty thương mại điện tử PDD, đã thu hút sự chú ý thường thấy khi ông vươn lên trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, PDD đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ với dự báo lợi nhuận ảm đạm. Cổ phiếu của công ty đã lao dốc. Huang đã mất 14 tỷ đô la chỉ sau một đêm và nhường vị trí dẫn đầu cho Zhong Shanshan, nhà sáng lập của công ty đồ uống khổng lồ Nongfu Spring. Trong vòng 24 giờ, Nongfu Spring cũng đã đưa ra các báo cáo triển vọng bất ngờ gây chán nản và Zhong cũng nhanh chóng tụt khỏi vị trí đầu tiên trong danh sách những người giàu có nhất.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, người ta bàn tán về việc liệu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể đang cạnh tranh để hạ giá cổ phiếu của chính công ty của họ nhằm tránh cuộc đàn áp ngày càng lan rộng đối với tình trạng giàu có quá mức, vốn là trọng tâm trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Một nhà môi giới Phố Wall viết rằng, không phải không hợp lý khi kết luận, “không ai muốn trở thành người giàu nhất Trung Quốc” vào thời điểm chính phủ Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn theo kiểu xã hội chủ nghĩa.

Bất kể động cơ thực sự của những cảnh báo về lợi nhuận này là gì, cách chúng được lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi thực sự trong tinh thần thời đại của quốc gia này. Khi Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo tối cao vào cuối thập niên 1970, ông đã xóa đi sự thù địch của chủ nghĩa Mao kiểu cũ đối với việc tạo ra của cải. Làm giàu sẽ là “vinh quang” trong quốc gia ngày càng theo chủ nghĩa tư bản của Đặng.

Nhưng có một điều đáng lưu ý. Làm giàu là vinh quang – nhưng không nên quá giàu. Trung Quốc tạo ra nhiều của cải hơn so với các nước đang phát triển khác, nhưng khối tài sản cá nhân lớn nhất của họ vẫn khiêm tốn so với các nền kinh tế nhỏ hơn nhiều, bao gồm Nigeria và Mexico. Ngay cả trong thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ của những năm 2000, một giới hạn bất thành văn dường như vẫn tồn tại: Không một khối tài sản nào được lớn hơn 10 tỷ đô la. Danh sách tỷ phú của Trung Quốc cũng bất thường vì tỷ lệ luân chuyển cao trong các tỷ phú được xếp hạng hàng đầu.

Đến đầu thập niên 2010, ít nhất hai tài phiệt đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tiếp cận ngưỡng mười tỷ đô la, để rồi phải vào tù vì tội tham nhũng. Điều đó không có nghĩa là những cáo buộc này là vô căn cứ, chỉ là việc lựa chọn mục tiêu dường như phản ánh xu hướng cân bằng dai dẳng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Bản năng đó bắt đầu nở rộ dưới thời Tập Cận Bình. Lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng, và chiến dịch này đã lan rộng đến tận tầng lớp tinh hoa. Các mục tiêu ban đầu thường là những nhân vật lớn trong khu vực công — các viên chức, các hoàng tử đảng Cộng sản. Với nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, chế độ này dường như không muốn đe dọa con ngỗng duy nhất trong khu vực tư nhân vẫn đang đẻ trứng vàng: Các công ty công nghệ lớn. Trong nhiều năm, nhiều doanh nhân Trung Quốc đã xây dựng được khối tài sản lớn hơn 10 tỷ đô la. Ba người đầu tiên vượt qua ngưỡng đó và tiếp tục tăng lên là những người sáng lập ngành công nghệ do Jack Ma của Alibaba đứng đầu.

Sự khoan dung thầm lặng này đã thay đổi vào năm 2020, trong thời kỳ bùng nổ thị trường do kích thích. Trung Quốc đã có thêm gần 240 tỷ phú — gấp đôi so với Hoa Kỳ — nhưng vào cuối năm đó, Jack Ma đã có bài phát biểu, đưa Đảng cộng sản vào thế bế tắc. Trong một lời chỉ trích thận trọng nhưng không thể nhầm lẫn, Ma đã đặt câu hỏi về hướng đi của Đảng Cộng sản, cảnh báo rằng việc quản lý chặt quá mức đang đe dọa, làm chậm quá trình đổi mới công nghệ và các ngân hàng Trung Quốc phải chịu đựng “tư duy cầm đồ”.

Sự trả đũa của nhà nước diễn ra nhanh chóng. Giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc không phanh. Jack Ma tụt hạng trong danh sách những người giàu có và biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Đầu năm sau, Tập Cận Bình phát động chiến dịch thịnh vượng chung và cuộc đàn áp lan rộng đến bất kỳ công ty nào bị coi là không phù hợp với các giá trị bình đẳng của Trung Quốc.

Trong kỷ nguyên mới này, việc trở nên quá giàu có là điều nguy hiểm. Có rất nhiều câu chuyện về việc nhà nước Trung Quốc mở cuộc điều tra chống lại nhân vật kinh doanh này hoặc nhà tài chính kia. Áp lực đang làm các quỹ đầu tư mạo hiểm phải chùn tay, khiến những người trẻ tuổi sợ hãi, tránh xa các nghề nghiệp béo bở như đầu tư qua ngân hàng. Số lượng triệu phú rời khỏi Trung Quốc đã tăng lên và đạt đỉnh vào năm ngoái, ở mức 15.000 người — vượt xa số người di cư khỏi bất kỳ quốc gia nào khác.

Khu vực kinh tế tư nhân đang ở giai đoạn thoái trào. Kể từ năm 2021, thị trường chứng khoán Trung Quốc trượt dốc, nhưng các công ty nhà nước đã tăng thị phần vốn hóa thị trường tổng cộng hơn một phần ba, lên gần 50 phần trăm. Trung Quốc hiện có thị trường chứng khoán lớn duy nhất trên thế giới mà các công ty nhà nước được định giá ngang bằng với các công ty tư nhân. Tài sản thuộc về các cá nhân đã giảm mạnh trong ba năm qua; số lượng tỷ phú đã giảm 35 phần trăm ở Trung Quốc, ngay cả khi số lượng này tăng 12 phần trăm ở phần còn lại của thế giới.

Những người siêu giàu Trung Quốc ngày càng chọn cách ở ẩn. Trở thành ông trùm giàu nhất nước Mỹ và bạn có thể khởi động chương trình du hành không gian của riêng mình. Ở Ấn Độ, bạn có thể tổ chức đám cưới tốn kém hàng tỷ đô la cho con mình. Ở Trung Quốc, bạn phải tìm cách để tự đánh mất danh hiệu người giàu nhất này — và tránh né lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu bạn.


 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi đầu chuyến tông du Á Châu tại Indonesia

Ba’o Nguoi-Viet

September 3, 2024

JAKARTA, Indonesia (NV) – Đức Giáo Hoàng Phanxicô có mặt tại Indonesia hôm Thứ Ba, 3 Tháng Chín, khởi đầu chuyến tông du dài nhất trong triều đại giáo hoàng do ông trị vì, với hy vọng khích lệ cộng đồng Cơ Đốc Giáo và tôn vinh truyền thống hòa hợp liên tôn tại quốc gia có tín đồ Hồi Giáo đông đảo nhất thế giới, theo hãng tin AP.

Sau chuyến bay đêm từ Rome, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuống phi cơ trên xe lăn và tới khu vực đường băng để dự phần buổi lễ chào đón dưới bầu trời giăng kín sương, ẩm ướt và thường xuyên ô nhiễm tại Jakarta.

Hai đứa trẻ vận phục trang truyền thống trao cho Đức Giáo Hoàng một bó rau, trái cây, gia vị và bông.

Đức Giáo Hoàng Francis được nghênh đón tại phi trường quốc tế Soekarno Hatta International Airport ở Jakarta, Indonesia, ngày 3 Tháng Chín, 2024, khởi đầu chuyến tông du 11 ngày qua lục địa Á Châu (Hình: TIZIANA FABI/AFP/Getty Images)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự tính nghỉ ngơi trong khoảng thời gian còn lại trong ngày, vì chuyến đi ngoằn ngoèo kéo dài 11 ngày qua các múi giờ còn đưa ông tới Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore. Tuy nhiên, Vatican cho biết vị giáo hoàng 87 tuổi cũng gặp gỡ một nhóm người gồm có dân tỵ nạn, di dân và bệnh nhân tại dinh thự Vatican ở Jakarta.

Bên ngoài dinh thự, Đức Giáo Hoàng được các tín đồ nghênh đón nồng nhiệt, trông chờ được diện kiến vị giáo hoàng đầu tiên viếng thăm từ thời kỳ Thánh John Paul Đệ Nhị năm 1989.

Ngày đầu tiên Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoạt động trọn vẹn bắt đầu vào Thứ Tư gồm có các chuyến viếng thăm các nhà lãnh đạo chính trị tại Indonesia và các phiên tọa đàm với giáo sĩ Indonesia đang giúp tăng cường sự phát triển của Giáo Hội Cơ Đốc Giáo tại Á Châu.

Tổng Thống Indonesia Joko Widodo có mặt để nghênh đón Đức Giáo Hoàng, phát biểu trong một tuyên bố phát sóng trên truyền hình rằng “Indonesia và Vatican cùng nhau cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ, cũng như giúp nhân loại trở nên sung túc.”

Diễn tiến đáng chú ý trong địa điểm dừng chân đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đó là tham dự một cuộc họp liên tôn tại thánh đường Hồi Giáo Istiqlal trứ danh tại Jakarta vào Thứ Năm, trong đó có đại diện đến từ sáu tôn giáo được công nhận chính thức tại Indonesia: Hồi Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo, Ấn Độ Giáo, Cơ Đốc Giáo và Tin Lành.

Thánh đường Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á tọa lạc đối diện công trường với nơi thờ tự Cơ Đốc Giáo chính tại thủ đô, Nhà Thờ Đức Mẹ Lên Trời, hai thánh địa này gần nhau tới mức có thể nghe thấy âm thanh cầu nguyện của tín đồ Hồi Giáo trong lúc cử hành Thánh Lễ.

Việc hai tôn giáo gần gũi không phải là ngẫu nhiên mà xuất phát từ mong muốn mạnh mẽ như một biểu tượng của tự do tôn giáo và tinh thần khoan dung được cất giữ thiêng liêng trong Hiến Pháp Indonesia. Các nhà thờ còn được nối với nhau bằng một “Đường Hầm Bằng Hữu” nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm cùng với giáo sĩ vĩ đại, Nasaruddin Umar, trước khi họ ký một tuyên bố chung.

Dầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn xoáy sâu vào truyền thống khoan dung tôn giáo tại Indonesia, thì hình ảnh của quốc gia này với tư cách là một quốc gia Hồi Giáo ôn hòa lại bị hủy hoại do làn sóng bùng nổ bạo lực. Năm 2021, có hai tín đồ Hồi Giáo cực đoan âm mưu đánh bom tự sát bên ngoài một nhà thờ Cơ Đốc Giáo đông đúc trên đảo Sulawesi tại Indonesia trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, khiến ít nhất 20 người bị thương.

Mặc dù tín đồ Cơ Đốc Giáo chỉ chiếm 3% dân số Indonesia, nhưng dân số Indonesia thì lại đáng trầm trồ — với 275 triệu người — khiến quần đảo này trở thành nơi có cộng đồng Cơ Đốc Giáo lớn thứ ba Á Châu, sau Philippines và Trung Quốc.

Do đó, dự kiến sẽ có ​​hàng ngàn người đổ về dự phần các sinh hoạt có mặt Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tuần này, gồm có một buổi Thánh Lễ vào chiều Thứ Năm tại vận động trường chính ở Jakarta, dự trù ​​thu hút khoảng 60,000 người. Các viên chức thành phố kêu gọi người dân làm việc tại nhà trong ngày hôm đó do có hàng rào phong tỏa đường sá cùng rất nhiều tín đồ tụ tập.

Giữ gìn môi trường, giải quyết xung đột và phát triển kinh tế bằng đạo đức là những chủ đề chính của chuyến tông du, đồng thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể nhắc tới các khía cạnh đó trong phần phát biểu chính trước giới lãnh đạo Indonesia vào Thứ Tư.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng biến hóa hành động giữ gìn môi trường thành một đặc điểm nổi trội trong triều đại giáo hoàng của ông và thường đưa ra phát biểu trong các chuyến tông du ngoại quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự liên quan tới nhu cầu chăm sóc van vật do Chúa tạo tác, ngăn chặn khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ thành phần nghèo khó đang phải gánh chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Tại Jakarta, Đức Giáo Hoàng chứng kiến một đô thị có 11.3 triệu dân đang thoi thóp dưới những đám mây xám xịt gây ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện than tạo ra, khí thải từ xe cộ, hoạt động đốt rác và từ các nhà máy. Tình trạng ô nhiễm không khí tại Jakarta thường xuyên cao hơn tám tới chín lần so với giới hạn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba viếng thăm Indonesia sau Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Tứ năm 1970 và Thánh John Paul Đệ Nhị năm 1989. Các chuyến tông du của họ nhấn mạnh rằng Indonesia quan trọng với Vatican ra sao, cả về đối thoại Kitô Giáo-Hồi Giáo lẫn ơn gọi Cơ Đốc Giáo, vì đây cũng là quốc gia đặt chủng viện lớn nhất thế giới đào tạo ra hàng trăm linh mục và nữ tu mỗi năm. (TTHN)


 

Gorbachev – Tội đồ hay cứu tinh?-Đoàn Bảo Châu

Ba’o Tieng Dan

Đoàn Bảo Châu

16-8-2024

Với nhiều người Nga, Mikhail Gorbachev được coi là tội đồ.

Những cải cách của ông đã góp phần vào sự tan rã của Liên bang Xô viết, chấm dứt sự thống trị của Nga đối với các nước Đông Âu, và đẩy đất nước vào giai đoạn đầy biến động. Tuy nhiên, đối với nhân loại nói chung, Gorbachev lại là một vị cứu tinh sáng chói, người đã góp phần quan trọng trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh và loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Con người này, chứ không phải ai khác, có sức ảnh hưởng lớn nhất tới nhân loại vào nửa cuối thế kỷ 20. Ông đã đưa ra những chính sách táo bạo và quan trọng nhất, bao gồm Glasnost (công khai) và Perestroika (cải tổ), nhằm mở cửa xã hội và cải cách nền kinh tế Liên Xô. Chính những chính sách này đã khởi đầu cho sự thay đổi lớn lao, không chỉ ở Liên Xô mà còn trên toàn thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP vào năm 1992, Gorbachev nói: “Tôi thấy mình là người bắt đầu những cải cách cần thiết cho đất nước tôi, cho Châu Âu và thế giới. Tôi thường được hỏi là nếu bắt đầu lại thì tôi có làm lại những gì tôi đã làm không? Câu trả lời là tất nhiên rồi, tôi sẽ làm nhưng với sự kiên định và quyết đoán hơn thế”.

Dù bị chỉ trích tại Nga, nhưng ở phương Tây và nhiều nơi khác, Gorbachev được tôn vinh như một người hùng. Ông không chỉ góp phần vào việc giảm căng thẳng quốc tế mà còn cho phép các quốc gia Đông Âu thoát khỏi ách độc tài, mở ra con đường cho dân chủ và tự do. Ông đã đàm phán các hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với Hoa Kỳ, giúp giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân, một trong những thành tựu đáng kể nhất trong lịch sử hiện đại.

Nhưng Gorbachev cũng không tránh khỏi những sai lầm lớn. Những cải cách của ông đã dẫn đến sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Nền kinh tế Liên Xô rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, với lạm phát cao, thiếu hụt lương thực, và sự sụp đổ của các cơ sở công nghiệp. Ông bị chỉ trích vì đã mất kiểm soát tình hình, không thể duy trì sự đoàn kết trong đảng và đất nước.

Gorbachev – một nhà lãnh đạo với tầm nhìn về sự cải cách và hiện đại hóa – là một biểu tượng của thời kỳ chuyển đổi lớn. Công lao và tội lỗi của ông phản ánh một giai đoạn đầy biến động của lịch sử, nơi thành công và thất bại đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Gorbachev đã thay đổi cục diện thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hòa bình và ổn định.

Xin tỏ lòng thương tiếc với một con người xuất sắc và theo tôi, đấy là một trong những cứu tinh của nhân loại.