Голодомо́р – Holodomor

 Голодомо́р – Holodomor

 Trần Gia Huấn

Mẹ của hai bé trai giấu khoai tây ngoài đồng. Hai bé đang đào tìm và gọt khoai tây ăn sống

Lúc nạn đói xảy ra tại Ukraine, Mostovyi còn nhỏ lắm. Hắn không dám mò vào những căn nhà bên cạnh. Bởi vì những người trong nhà đã chết cả tháng rồi, nhưng chẳng ai chôn cất.

Trong nhà có tử thi thối rữa là câu chuyện bình thường tại Ukraine vào những năm 1932 – 1933. Những người đô tùy biết rất rõ nơi có xác người bằng cách đến những nơi có đàn quạ đang bu bám, hay những bụi cây tàn úa bởi mùi tử khí bốc lên.

Nhà độc tài Soviet, Joseph Stalin, nhẫn tâm đẩy những người Ukraine tới chốn khốn cùng. Đói khát, túng quẫn, người Ukraine phải ăn cỏ, ăn vỏ cây, ăn chuột, ăn sâu bọ, ăn chó mèo. Cơn đói điên cuồng man dại đến mức họ phải ăn cả thịt người chết, hoặc ăn cả thịt con đẻ của mình. Các nhà sử học đã chép lại chuyện này rất rõ.

Gục chết trong góc phố, qụy chết trên hành lang, nằm chết ở bến xe, xó chợ, trên cánh đồng, hay trên con đường làng. Trên bốn triệu người Ukraine đã chết thảm thương như vậy chỉ trong vòng hai năm, nay được biết tới dưới tên “Голодомо́р” – Holodomor.

Hôm nay, người Ukraine đứng lên chống lại quân Nga xâm lược. Người Ukraine lại chết trên đường phố. Thành Mariupol sầm uất phút chốc hoang tàn. Những kí ức về nạn giệt chủng Голодомо́р mà Stalin gây ra cho dân tộc Ukraine lại ùa về.

Ukraine là một dân tộc quật khởi, họ không chấp nhận chính quyền Stalin. Gã trả thù và đàn áp ý chí đấu tranh bằng cách tịch thu toàn bộ: tài sản, gia súc, dụng cụ lao động, ngũ cốc, tận vét cho đến những hạt lúa mì cuối cùng, tịch thu những củ khoai tây cuối cùng. Ai chống đối bị trừng phạt không xót thương. Hơn ba mươi phần trăm dân số Ukraine bị tiêu diệt chỉ trong vòng hai năm.

Nạn đói Голодомо́р 1932-1933 do Stalin gây ra là dấu ấn đau thương đã in đậm trong mỗi tế bào của người Ukraine, không có cách gì tẩy xóa được. Họ quyết đứng lên chiến đấu.

Nhà sử học Robert Conquest nói “Chính quyền Soviet đã mở cuộc tấn công vào nông dân Ukraine và cả dân tộc Ukraine là một trong những sự kiện đau thương nhất, đẫm máu nhất, to lớn nhất, quy mô nhất trong lịch sử đương đại.

Một phần ba dân số của một quốc gia bị xóa sổ chỉ trong hai năm. Cảnh tượng của những năm 1932 –1933 tại Ukraine cũng na ná như bây giờ. Nhà báo người Hung Arthur Koestler nhớ lại: “Các nhà ga nhan nhản những người nông dân ăn mày, nhếch nhác, đói khổ chân tay sưng phù. Phụ nữ tay ôm những đứa trẻ sơ sinh, đầu lắc lư hốc hác, chân tay như những chiếc que, bụng chướng sình” thê lương đi tìm nơi trú ẩn.

Applebaum, nhà báo, nhà sử học gốc Ba Lan viết: “Thấy xác người rải rác trên ga Kharkiv. Chỉ riêng ở Kyiv, vào tháng Giêng 1933, người ta đã thu gom được 400 xác, qua tháng Hai có 518 xác người vô danh phải chôn cất.”

Vào năm 1932, môt đảng viên Đảng Cộng sản Ukraine, tại vùng Vinytsia, cách Kyiv 160 dặm về hướng tây nam, đã viết thư cho Stalin: “Tất cả những nông dân trong vùng đã bỏ đi. Họ tìm cách tự cứu lấy mình và gia đình khỏi bị chết đói. Trong làng có từ 10 đến 20 gia đình bị xóa sổ mỗi ngày. Trẻ em bỏ nhà đi bất cứ nơi nào có thể đến được. Các trạm xe lửa đầy ắp những nông dân tìm cách rời bỏ làng quê, tha hương cầu thực.”

Ngay lập tức, Stalin cho đóng biên giới Ukraine. Không ai thoát ra ngoài được. Nông dân Ukraine phải trốn quanh quẩn từ vùng này qua vùng khác. Stalin cho mật vụ theo dõi, lùng sục từng nhà, từng nhà xem có ai dám giấu thực phẩm. Mật vụ dùng những cây thép dài nhọn đâm xuyên xuống nền nhà, góc vườn tìm kiếm nơi cất giấu lương thực. Mật vụ sục sạo trong những ống khói lò sưởi, mọi xó xỉnh, mọi nơi.

Hanna Iakivna Onoda nhớ lại: Người hàng xóm của cô đã giấu gói bột mì nhỏ bên dưới tấm đệm của đứa con sơ sinh. Mật vụ tìm ra. Người mẹ trẻ van nài, xin lại chút bột này, con tôi đang chết. Gói bột bị tịch thu. Người mẹ chỉ còn biết gào lên: “Bọn giết người!”

Những cảnh tượng tàn nhẫn, độc ác cứ diễn ra mỗi ngày, bao trùm lên toàn bộ vùng nông thôn, và những nông dân phải sống trong nỗi uất ức, ghê tởm, căm phẫn, hận thù, dã man… điên dại đến mức họ phải ăn cả thịt người.

Nhiều nhân chứng về nạn ăn thịt người (cannibalism) còn đang sống. Họ ăn thi thể đã thối rữa, hoại tử đầy dòi bọ để sinh tồn. Chưa thấm tháp gì, cơn đói dày vò, hành hạ đã đẩy người ta đến tận cùng của sự khốn nạn, của dã man: Có người phải ăn thịt con mình.

Một người Ukraine, Mykola Moskalenko, kể lại câu chuyện: “Người ta vào nhà một phụ nữ và hỏi: Con cô ở đâu? Cô ấy trả lời: Chúng nó đã chết ở ngoài đồng cả rồi. Người ta ra đồng tìm, nhưng không thấy dấu vết gì. Họ trở lại căn nhà tìm ra xác của hai đứa bé đã cắt ra từng mảnh. Người ta hỏi cô sao nhẫn tâm như vậy. Cô trả lời: Đằng nào chúng nó cũng chết, không có cách gì sống sót nổi. Đành làm vậy, may ra cứu được một người.”

Tại tỉnh Sumy, cách Kyiv 200 dặm về hướng đông, có một người đàn ông tâm thần bị bắt về tội đã ăn thịt cả hai người con gái và con trai. Thoạt đầu, người làng thấy anh ta có vẻ ít đói khát, không phù nề như những người khác. Dân làng hỏi anh làm cách nào. Anh ta trả lời: Tôi ăn thịt con tôi. Nếu ông còn hỏi tôi thêm nữa, tôi sẽ xơi luôn cả ông.

Một thằng bé trai 6 tuổi, chạy trốn khỏi nhà vì hoảng sợ “Cha tôi đang chuẩn bị giết tôi!” Thằng bé đã chứng kiến hai người chị của nó đã bị cha giết như vậy.

Bao nhiêu những tác giả đã viết lại những sự kiện này. Riêng tại Kharkiv, nạn ăn thịt người có khoảng 9 trường hợp vào tháng Ba, 1933, qua tháng Tư cùng năm tăng lên 88, tháng Năm là 132, tháng Sáu là 221. Chính quyền trung ương ở Moscow không thi hành bất cứ một chính sách nào để giải quyết thảm cảnh.

Nạn chết đói cao điểm nhất vào mùa hè 1933. Người chết như ngả rạ, ở khắp mọi nơi, thối rữa, không ai chôn cất. Chính quyền Soviet đồng ý trả lại cho Ukraine số lương thực đã bị tịch thu trước đó. Tuy vậy, Stalin cãi rằng không hề có Голодомо́р ở Ukraine.

Các nhà sử học đánh giá “Đây là sự kiện dối trá chính trị lớn nhất của thế kỷ 20.”

Khốn nạn hơn, Stalin còn cho rằng những kẻ chết đói là bọn phản động, kiêu khích chống lại chính quyền Soviet. Ông ra lệnh không cấp giấy chứng tử, hoặc cấp chứng tử giả, và tiêu hủy mọi bằng chứng.

Cuộc kiểm tra dân số của Ukraine vào năm 1937 không được công bố, vì sự thực quá đớn đau. Có đến 8 triệu người thấp hơn so với dân số trước nạn Голодомо́р. Con số này bị rò rỉ ra công luận. Trưởng ban kiểm tra dân số của Ukraine bị bắt, và xử bắn ngay sau đó. Người trợ lý cũng bị tử hình. Stalin cho thay thế toàn bộ cán bộ điều tra dân số. Những con số đưa ra không thể đẹp hơn, và tuyên bố dưới ánh sáng của cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Vĩ đại, dân số của Ukraine đã tăng trưởng thần kỳ.

Stalin nói dối về nạn đói Голодомо́р – Holodomor, 1933. Nước Nga, hậu Soviet tiếp tục nói dối về nạn đói này. Putin nói dối trắng trợn về chính quyền nghiện ngập, tân phát xít, và diệt chủng ở Ukraine.

Đọc lại đôi dòng về sự kiện Голодомо́р – Holodomor để thấy được tại sao người Ukraine lại quật khởi chống Putin. Chết trận để bảo vệ quê hương còn hơn chết đói dưới sự đàn áp dân tộc của lũ bành trướng Đại Nga.

(Những sự kiện trong bài này lấy từ nguồn của The Washington Post và The Guardian)

March 13, 2022

Canada

From: TU-PHUNG

Chiến tranh Ukraina: Đa số dân Ukraina chạy sang Liên Âu lánh nạn (RFI)

Chiến tranh Ukraina: Đa số dân Ukraina chạy sang Liên Âu lánh nạn

Đăng ngày: 14/03/2022

Khói lửa bốc lên từ các khu nhà trong căn cứ quân sự Yavoriv sau khi bị quân đội Nga tấn công, Yavoriv, Lviv, Ukr aina, ngày 13/03/2022. @BackAndAlive via REUTERS – @BACKANDALIVE

Phan Minh

Hôm qua, 13/03/2022, quân đội Nga tấn công một căn cứ quân sự ở phía tây Ukraina, gần biên giới với Ba Lan. Trong bối cảnh gần như không còn nơi nào ở Ukraina là an toàn, ngày càng nhiều người dân Ukraina phải ra nước ngoài lánh nạn và đa số quyết định sang những nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Từ Medyka, đặc phái viên Murielle Paradon cho biết thêm :

Trùm áo ấm, mọi người xếp hàng để lên xe buýt. Nhiều phụ nữ, trẻ em mệt mỏi, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt họ. Đó là những người Ukraina vừa mới đi bộ qua trạm biên phòng Medyka của Ba Lan để tránh chiến sự ngày càng khốc liệt ở Ukraina.

Tanya, một nhà tâm lý học 25 tuổi, quyết định đi sơ tán cùng em trai trước khi quá muộn.

Tanya nói: “Chúng tôi đến từ Ternopil nhưng bình thường chúng tôi sinh sống ở Kiev. Ở Kiev tình hình rất đáng sợ, người dân không còn được sống an toàn. Đó là lý do tại sao tôi đến miền tây Ukraina. Hiện tại ở đây vẫn yên bình nhưng ngày mai sẽ ra sao? Chúng tôi không thể đoán trước được điều gì”.

Julia, đi cùng với con gái 10 tuổi, đến từ ngoại ô Kharkiv. Con gái cô rất buồn khi phải rời bỏ cuộc sống và gia đình của mình.

Julia nói: “Con bé rất buồn. Nó không muốn rời xa ông bà, bạn bè, trường học. Tôi cũng không muốn ra đi, tôi không muốn trở thành một người tị nạn. Đây là chuyến đi tồi tệ nhất cuộc đời tôi ”

Julia và Tanya lên xe buýt dưới sự kiểm soát của quân đội Ba Lan. Họ dự định ở nhờ những người bạn của mình ở Estonia và Đức. Họ hy vọng có thể nhanh chóng trở về đất nước của mình.

Theo nhà chức trách Ukraina, cuộc tấn công của Nga ngày hôm qua, 13/03, vào căn cứ quân sự Yaroviv ở phía tây Ukraina, cách biên giới Ba Lan khoảng 20 cây số, đã làm 35 người thiệt mạng và 134 người bị thương.

Căn cứ Yavoriv là một trong những căn cứ chủ chốt được sử dụng cho các cuộc tập trận chung giữa các lực lượng Ukraina và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nơi tiếp nhận viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraina.

Trước hội đàm ở Rome, Mỹ nói Nga ‘kêu gọi TQ trợ giúp quân sự và kinh tế’ (BBC)

Trước hội đàm ở Rome, Mỹ nói Nga ‘kêu gọi TQ trợ giúp quân sự và kinh tế’

Trước cuộc gặp của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trong ảnh) với quan chức ngoại giao TQ Dương Khiết Trì ở Rome, Hoa Kỳ nói Nga ‘yêu cầu TQ viện trợ’ vì khó khăn trong chiến sự ở Ukraine.

Giới chức Hoa Kỳ nói trước cuộc gặp Sullivan-Dương Khiết Trì ở Rome rằng Nga ‘yêu cầu TQ viện trợ’ vì khó khăn trong chiến sự ở Ukraine.

Giới chức Mỹ cho hay Nga đã kêu gọi Trung Quốc cung cấp vũ khí quân sự và hỗ trợ kinh tế hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh cấm vận quốc tế.

Lời kêu gọi này đang đưa mối quan hệ Nga-Trung trở thành tâm điểm chú ý, chỉ vài tuần sau khi hai nước tuyên bố rằng quan hệ đối tác của họ là “không có giới hạn”.

Các trang CNN, ABCNews và Politico cho rằng dù Nga “vẫn có ưu thế tại chiến trường Ukraine”, việc thiệt hại vũ khí hạng nặng, quân trang quân dụng khiến cuộc chiến của họ ngày càng trở nên khó khăn”.

Về lâu dài, các nhà bình luận quốc tế như Francis Fukuyama, Stephen Kotkin đều cho rằng “Nga sẽ thua, hoặc vì không thắng được, không đạt được các mục tiêu đặt ra ở Ukraine, hoặc có thắng về quân sự trước mắt thì cũng bị sa lầy”.

Các đòn cấm vận khủng khiếp của Phương Tây đánh vào Nga không chỉ gồm kinh tế tài chính mà gồm cả việc cấm bán, hợp tác sản xuất linh kiện điện tử. Điều này khiến quân sự Nga, gồm cả không quân, tên lửa, hàng không vũ trụ sẽ thiếu bộ phận thay thế.

Về mặt công khai, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi Nga và Ukraine giảm leo thang căng thẳng ở Ukraine – và đáng chú ý là không coi hoạt động quân sự của Nga là một “cuộc xâm lược”.

Đây cũng là cách nhìn chính thức của Việt Nam, nước bỏ phiếu trắng giống Trung Quốc ở Đại hội đồng LHQ khi đa số các quốc gia thành viên lên án cuộc xâm lăng của Nga, yêu cầu Nga rút quân.

Nga-Trung có quan hệ kinh tế – thương mại mạnh mẽ đạt mức kỷ lục 147 tỷ đôla Mỹ vào năm ngoái.

Nhưng nay Nga gặp khó khăn nghiêm trọng vì các lệnh cấm vận dồn dập, hà khắc của Phương Tây.

Hôm cuối tuần, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov xác nhận trên truyền hình Nga rằng, “chừng 300 trên tổng số 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của chúng ta bị đóng băng”.

Ông Siluanov nói Nga “cần Trung Quốc giúp vì khoản còn lại của Nga là vàng, và nhân dân tệ”.

“Lấy làm tiếc cho châu Âu nhưng không bỏ bạn quý”?

Mặc dù vậy, mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã được thể hiện tại Thế vận hội mùa đông gần đây,

Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây nhất có trao đổi với lãnh đạo Pháp và Đức, bày tỏ “sự đáng tiếc là chiến tranh quay trở lại châu Âu”.

Xe tăng Nga bị trúng đạn tại ổ phục kích gần Kyiv

Tuy thế, về chính thức thì Trung Quốc coi chính quyền Putin là “quan hệ bạn hữu không giới hạn” (no limits).

Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể phải đối mặt với những hệ quả xuất phát từ việc tiếp tục ủng hộ Nga.

Hiện chưa rõ tuyên bố của quan chức Hoa Kỳ về “tiềm năng TQ giúp Nga ở Ukraine” là gì, có nội dung gì cụ thể, hay chỉ là đòn ngoại giao trước các cuộc gặp cao cấp.

Theo biên tập viên ngoại giao của BBC Robin Brant thì đây “có thể chỉ là một chiến thuật thương lượng của Mỹ với TQ” trước cuộc gặp cao cấp, và là thứ hai bên sẽ “không xác nhận, không phủ nhận”.

Nhà báo BBC cũng nói nếu đúng là Trung Quốc thực hiện lời hứa trước Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh với ông Putin thì đúng là “đổ dầu vào lửa”.

Và nếu Hoa Kỳ nói không sai, và tình hình xảy ra là Hoa Kỳ, châu Âu giúp Ukraine, và TQ giúp Nga, thì “lằn ranh phân chia thế giới hiện rõ”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đang trên đường sang Rome để họp với Ủy viên Quốc vụ chuyên về Ngoại giao của TQ, ông Dương Khiết Trì.

Ông Sullivan cảnh báo không chỉ Trung Quốc mà các nước khác không được phép “cứu giúp Nga về kinh tế”.

Có thể Nga mới chỉ muốn “trao đổi tìm hiểu” với Trung Quốc về khả năng Trung Quốc giúp được gì, theo ông Michael Kofman, giám đốc chuyên về Nga của thin tank CNA ở Virginia, Hoa Kỳ, theo trang Politico.

EU giúp Ukraine, còn Trung Quốc sẽ giúp Nga? – Ảnh người tỵ nạn Ukraine tới ga Lviv tìm đường sang Ba Lan

“Hoặc có thể Nga cần chips, nhưng phần nhiều mặt hàng này do Đài Loan sản xuất”.

Chính phủ Đài Loan và các nước Đông Á đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, và một thành viên giàu có của Asean là Singapore đều áp dụng lệnh cấm vận với Nga.

Theo trang Sunday Times ra ở Anh hôm 13/03, các ngân hàng Trung Quốc và các tập đoàn công nghệ nước này đều rất cẩn thận để không bị “dính vào” lệnh cấm vận của Phương Tây áp dụng với Nga, kể cả trong quan hệ thương mại gián tiếp.

Tình hình ở Ukraine có thể thay đổi cách thế giới đón tiếp người tị nạn

Tình hình ở Ukraine có thể thay đổi cách thế giới đón tiếp người tị nạn

March 13, 2022

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Hiện nay, có khoảng 2 triệu người Ukraine phải bỏ quê nhà ra đi vì bị Nga xâm lăng. Số người tị nạn sẽ sớm tăng lên đến khoảng 4 triệu người, làm tổng số người phải rời khỏi quê nhà khắp thế giới lên đến 84 triệu người.

Nhiều người Ukraine tị nạn đang bị kẹt ở biên giới. (Hình: Ethnic Media Services cung cấp)

Tại cuộc hội thảo do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức trực tuyến hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Ba, một số diễn giả thảo luận về ảnh hưởng của tình hình ở Ukraine, nhất là đối với những di dân hay người tị nạn khác đang bị kẹt tại cửa khẩu của nhiều quốc gia, và cách thế giới đón nhận người tị nạn.

 

Diễn giả đầu tiên là bà Natalia Banulescu-Bogdan, phó giám đốc Migration Policy Institute, nói về tình hình ở Ukraine, nhất là về người tị nạn.

Theo bà, một ước tính mới cho thấy có đến khoảng 2.5 triệu người Ukraine phải đi tị nạn, và 60%, khoảng 1.5 triệu người, đi đến Ba Lan. Nhiều nước thuộc Khối Liên Âu (EU), trong đó có Ba Lan, có một cộng đồng người Ukraine di cư lớn và bây giờ phải đón nhận thêm hàng triệu người nữa.

Bà Banulescu-Bogdan còn nói đa số người Ukraine tị nạn là phụ nữ và trẻ em vì đàn ông trong độ tuổi 18 đến 60 không được ra khỏi nước, làm cuộc chiến này khác với những khủng hoảng khiến nhiều người phải di cư trước đây.

Bà cho biết tình hình tại biên giới Ukraine có nhiều điểm đáng mừng, nhưng cũng có một số điểm không hay.

Một điểm đáng mừng là di tản người dân rất dễ và các nước lân cận mở cửa biên giới cho người Ukraine tị nạn vào. Từ năm 2017, người Ukraine được quyền đi lại khắp Âu Châu trong vòng 90 ngày mà không cần xin visa. Như vậy, những người tị nạn có mang theo sổ thông hành dễ qua biên giới hơn.

Tuy nhiên, một điểm không hay là không có những biện pháp bảo vệ người lớn tuổi và trẻ em không có cha mẹ đi theo.

Một số khó khăn sau khi đón nhận người Ukraine tị nạn gồm có cách theo dõi họ sau khi vào các nước EU và tìm cách nào để đưa họ về nước sau khi xung đột chấm dứt.

Từ trái, bà Natalia Banulescu-Bogdan, ký giả Manuel Ortiz, và bà Kish O’Mara Vignarajah. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

 

Diễn giả thứ hai là ông Manuel Ortiz, ký giả của EMS và Peninsula 360 Press, tường thuật từ Ukraine.

Ông Ortiz cho biết mình đang ở Lviv, chỉ cách Ba Lan khoảng một tiếng rưỡi lái xe, nhưng đang rất khó đi lại vì vừa có nhiều người rời khỏi Ukraine, vừa có nhiều người vào Ukraine để tham chiến hay cứu trợ thực phẩm và thuốc men.

Ông kể có hai vụ tấn công mới xảy ra ở hai thành phố là Lutsk ở Tây Bắc Ukraine và Ivano-Frankivsk ở Tây Nam Ukraine. Điều đó làm nhiều người cho rằng thành phố Lviv là một nơi an toàn.

“Tuy nhiên, sáng nay chúng tôi mới nghe còi báo động. Tình hình đang rất căng thẳng, và ít ai nói chuyện với nhau. Rất nhiều người từ nơi khác đến nữa,” ông Ortiz nói về tình hình ở Lviv.

Theo ông, nhiều người từ các thành phố khác đang đổ xô đến Lviv, thậm chí sẵn sàng đi hơn 30 giờ để đến đây. Lý do nhiều người đi hơn 30 tiếng đồng hồ là vì nhiều con đường bị hư hại, không lái xe ban đêm được, và họ phải đi xe lửa.

Nhiều người đang sống trong hầm chống bom phải viết danh sách biên giới các nước lân cận để tìm đường ra khỏi Ukraine, trong đó, hai nước được cân nhắc nhiều nhất là Ba Lan và Romania.

Ông Ortiz cho hay ban đầu nhiều người Ukraine không muốn rời khỏi thành phố của họ vì không tin mình đang bị Nga tấn công, nhưng đến nay, hầu hết ai cũng muốn bỏ đi. Không chỉ vậy, tình hình căng thẳng làm người dân và mọi thứ gần như tĩnh lặng.

“Không ai nói chuyện với nhau cả, kể cả khi đứng xếp hàng dài,” ông nói.

Trẻ em tị nạn không có cha mẹ đi theo phải được ưu tiên. (Hình: Ethnic Media Services cung cấp)

Diễn giả cuối cùng là bà Krish O’Mara Vignarajah, tổng giám đốc Lutheran Immigration and Refugee Services, trình bày suy nghĩ về những cách Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Ukraine và ảnh hưởng đến chính trị Mỹ ra sao.

Bà cho biết Quốc Hội Mỹ vừa thông qua khoản tiền cứu trợ $13.6 tỷ cho Ukraine, và một nửa của số tiền đó sẽ được dùng để hỗ trợ về kinh tế và các vấn đề nhân đạo.

“Đó là một khởi đầu quan trọng vì hỗ trợ được những thứ quan trọng như thực phẩm, nước uống, chỗ trú ngụ, và các dịch vụ y tế khẩn cấp,” bà Vignarajah nói.

Hiện nay, chính phủ Hoa Kỳ đang phải tính toán theo những trường hợp có thể xảy ra ở Ukraine để đưa ra chính sách trợ giúp.

Trong trường hợp tốt nhất là Nga thất bại trong cuộc xâm lược Ukraine, và người dân của quốc gia đó được về nước khi an toàn. Bà Vignarajah cho biết các nước Âu Châu đang đón nhận người Ukraine tị nạn rất tốt, và còn có những chính sách cho họ nhận các dịch vụ xã hội quan trọng.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng có những chính sách tương tự cho người tị nạn, nhưng không bằng các nước Âu Châu hiện nay.

 

Người lớn tuổi hay người khuyết tật cũng là một ưu tiên trong các chính sách đón nhận người tị nạn. (Hình: Ethnic Media Services cung cấp)

Theo bà, trường hợp xấu nhất là Nga quyết định tấn công mạnh hơn, làm nhiều người Ukraine phải bỏ chạy. Liên Hiệp Quốc dự đoán trường hợp đó có thể làm số người Ukraine tị nạn lên đến 7 triệu. Điều đó sẽ làm các nước Âu Châu không có chỗ để đón nhận người tị nạn và thậm chí không muốn cho người Ukraine vào tị nạn.

Tình hình ở Ukraine liên tục thay đổi, và điều đó làm Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu phải thay đổi kế hoạch, và chưa ai biết được mọi thứ sẽ thay đổi ra sao. [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com

UKRAINE THƯƠNG ĐAU

 

Xem lịch sử Ukraine được ghi lại qua bài viết này, mời bạn đọc.

“Lý giải vì sao người dân Ukraine đồng lòng ngã theo phương Tây và tránh xa nước Nga độc tài của Putin, vì sao tổng thống đương nhiệm của Ukraine không chịu di tản mà khoát áo trận, sát cánh cùng các binh sỹ trong chiến hào chống lại quân xâm lược, để bảo vệ các giá trị tự do và dân chủ mà nhân dân Ukraine đã lựa chọn.” – FB Tri Nguyen Quang

UKRAINE THƯƠNG ĐAU

Ukraine đã có một lịch sử huy hoàng trong suốt 400 năm, từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 12. Thời đó, Kiev là thủ đô của vương quốc Kyivan-Rus, còn được gọi là Rus-Kiev, chính là tiền thân của các nước Nga, Belarus và Ukraine ngày nay. Sau thế kỷ thứ 12, người Nga mới dần tách khỏi vùng đất Ukraine và hình thành một quốc gia riêng.

Khi quân Mông Cổ xâm chiếm châu Âu vào đầu thế kỷ 13 thì toàn bộ Rus-Kiev bao gồm cả nước Nga bị tàn phá nặng nề và trở thành nô lệ của con cháu Thành Cát Tư Hãn hơn 200 năm. Người đã chinh phục và cai trị Rus-Kiev đầu tiên là Bạt Đô, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn và là anh họ của Hốt Tất Liệt, một nhân vật mà mọi người Việt Nam đều biết tên.

Sau khi Mông Cổ suy yếu, vùng đất Ukraine bị các nước Nga, Balan và Thổ Nhĩ Kỳ xâu xé, đến đầu thế kỷ 19 thì hầu như toàn bộ Ukraine đã bị sát nhập vào Đế Quốc Nga, từ đó trở về sau, người Ukraine không ngừng nổi dậy giành độc lập và nhiều lần bị đàn áp đẫm máu.

Tháng 3 năm 1917, Cách Mạng Tư Sản Nga xoá bỏ chế độ quân chủ Sa Hoàng, chính phủ lâm thời Nga trao quyền tự trị cho Ukraine và nhà nước Ukraine Cọng Hoà ra đời. Nhưng chỉ 8 tháng sau, chính phủ lâm thời Nga bị những người cọng sản Nga lật đổ trong Cách mạng Tháng Mười, những người cọng sản Ukraine đã hợp tác với quân Nga tấn công Kiev, xoá sổ Cọng Hoà Ukraine, thành lập nhà nước Ukraine Xô viết do đảng cọng sản Ukraine lãnh đạo nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào Moscow. Nhiều đảng viên cọng sản Ukraine có tinh thần quốc gia bị đình chỉ công tác, bị thủ tiêu hoặc bị đày sang Siberia.

Các chính sách thử nghiệm chủ nghĩa xã hội cuối năm 1920 như quốc hữu hoá toàn bộ các xí nghiệp và thu mua nông sản với giá rẻ mạt đã gây ra nạn đói trong hai năm sau đó, làm hơn một triệu người Ukraine thiệt mạng. Lê Nin phải sửa sai bằng cách trả lại các xí nghiệp cho tư nhân và cho nông dân buôn bán các sản phẩm do họ làm ra.

Tháng 12/1922, Liên Bang Xô Viết ra đời, Ukraine trở thành một thành viên của Liên Xô. Trong thời kỳ đầu của Liên Bang, để đánh lừa và xoa dịu những người theo chủ nghĩa quốc gia, Moscow có những chính sách cởi mở cho các nước thành viên. Nhưng chỉ vài năm sau, các cụm từ như: “chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi” hoặc “lập trường quốc tế vô sản” được sử dụng để siết chặt tư tưởng và nhiều người Ukraine, trong đó có cả bộ trưởng giáo dục Oleksander Shumskyi, bị đưa đi học tập cải tạo dài hạn ở Siberia.

Năm 1928, Stalin lên nắm quyền, bắt đầu phát động các cuộc đấu tố nhằm vào địa chủ, trí thức và các nhà tu hành, làm hàng triệu người Ukraine bị giết hoặc bị đi đày. Văn hào Khwylovyi, nhân vật số 2 lãnh đạo đảng cọng sản Ukraine, từng một thời ca tụng chế độ, đã phải uống thuốc độc tự tử. Vài chục năm sau, các bài học đấu tố này đã được Trung Quốc và Việt Nam áp dụng trong cải cách ruộng đất và cách mạng văn hoá.

Các chính sách của Stalin gây nhiều bức xúc trong dân chúng, để dập tắt tư tưởng phản loạn ở Ukraine, Stalin đánh vào dạ dày của người dân bằng cách cho quân đội thu gom hết lương thực và đưa ra khỏi Ukraine. Đòn đánh này đã gây ra nạn đói khủng khiếp vào năm 1931-1932, nạn đói lần này làm hơn 6 triệu người Ukraine thiệt mạng nhưng sản lượng lương thực xuất khẩu của Ukraine được báo cáo là tăng vọt so với các năm trước.

Sau nạn đói, Stalin lùa dân Nga sang để tái phân bố dân số trên các ruộng vườn hoang tàn của Ukraine và để thực hiện kế sách thống trị lâu dài. Nhiều đảng viên cọng sản Ukraine bắt đầu bừng tỉnh và tỏ ý chống lại chính sách của Stalin, một trong số các lãnh tụ đầu tiên của đảng cọng sản Ukraine là Mykola Skrypnyk đã tự sát bằng một khẩu súng lục vào năm 1933. Trong cuộc thanh trừng từ năm 1936 đến 1938 do Stalin cầm đầu, có 99 trong số 102 uỷ viên trung ương đảng cọng sản Ukraine đã bị hành quyết và sau năm 1938, nhà nước Ukraine được lãnh đạo bởi đa số các đảng viên cọng sản là người Nga.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, khi quân Đức tràn vào lãnh thổ Ukraine để tấn công Liên Xô, các sỹ quan và binh lính Đức rất ngạc nhiên vì đi đến đâu cũng được người dân Ukraine hoan hô nhiệt liệt như những vị anh hùng. Ngày đó, dân Ukraine đã xem quân Đức như những người đến giải phóng họ khỏi ách thống trị của người Nga, nhưng rồi tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa, quân đội của Hitler đối xử với dân Ukraine cũng tàn bạo không kém so với Stalin trước đó.

Vì bị tấn công bất ngờ và trước sức mạnh của quân Đức, Stalin ra lệnh thực hiện chính sách vườn không nhà trống trên đường rút lui. Hầu hết trâu bò gia súc được chở về Nga, số còn lại không mang đi được thì bị bắn bỏ, phần lớn các thiết bị máy móc trong các xí nghiệp cũng bị tháo dỡ đưa sang Nga, các phương tiện vận tải, cầu cống và kho tàng bị phá huỷ. Vài năm sau, trên đường tháo chạy, quân đội của Hitler cũng làm tương tự như Stalin.

Hai lần bị quân Nga và Đức phá huỷ để tạo “vườn không nhà trống” cộng với bom đạn chiến tranh khiến đất nước Ukraine tan tành. Ước tính có khoảng 8 triệu người Ukraine thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó có 1,4 triệu là quân nhân.

Ngay từ đầu chiến tranh Xô – Đức, tổ chức quân kháng chiến Ukraine (gọi tắt là UPA) đã được thành lập và do những người Ukraine Quốc Gia lãnh đạo. Với quân số gần 200 ngàn người, UPA chiến đấu chống lại cả quân Đức lẫn hồng quân Liên Xô. Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, UPA vẫn tiếp tục chiến tranh du kích chống lại Liên Xô trong sự che chở của dân Ukraine cho đến năm 1954 mới hoàn toàn bị tiêu diệt.

Cuối tháng 3/2019, các thành viên kháng chiến UPA đã được chính phủ Ukraine trao danh hiệu cựu chiến binh và ghi nhận công lao trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc.

Hôm nay là ngày thứ năm của cuộc chiến Nga – Ukraine, tôi nhắc lại các sự kiện lịch sử này, dưới tựa đề “Ukraine thương đau”, để lý giải vì sao người dân Ukraine đồng lòng ngã theo phương Tây và tránh xa nước Nga độc tài của Putin, vì sao tổng thống đương nhiệm của Ukraine không chịu di tản mà khoát áo trận, sát cánh cùng các binh sỹ trong chiến hào chống lại quân xâm lược, để bảo vệ các giá trị tự do và dân chủ mà nhân dân Ukraine đã lựa chọn.

FB Tri Nguyen Quang

Vì sao người Ukraine đứng lên?

Vì sao người Ukraine đứng lên?

Đỗ Hùng

10-3-2022

Tôi mới sinh con gái cách đây năm tháng. Nếu đàn ông mà biết việc tạo ra sự sống khó khăn và đẹp đẽ nhường nào, họ sẽ chẳng bao giờ gây chiến tranh”.

Đấy là Inna Shevchenko viết trên tờ Spiegel. Inna đang sống ở Pháp giữa lúc đất nước Ukraine của cô chìm vào chiến tranh.

Thành phố Kherson quê nhà, nơi người thân của cô còn ở đấy, bị bom đạn oanh tạc nhiều ngày qua và rất nhanh sau đó đã rơi vào tay quân Nga.

“Tôi phải thường xuyên gọi về nhà để xem họ có an toàn không,” cô kể.

Inna là một thành viên của Femen, phong trào nữ quyền nổi tiếng Ukraine.

Hồi trước mình từng phỏng vấn hai nhà sáng lập Femen, Anna Hutsol và Alexandra Shevchenko (không bà con gì với Inna) rồi biên bài “Ngực trần phẫn nộ”.

Nàng Alexandra Shevchenko giải thích: “Chúng tôi sử dụng các biện pháp giới tính để bảo vệ nữ quyền, chống độc tài và đặc biệt là chống bóc lột tình dục. Những cô gái Femen, với ngực nóng, đầu lạnh và bàn tay sạch, quyết đấu tranh để giải phóng phụ nữ sau hàng thế kỷ chịu cảnh nô lệ. Cơ thể chúng tôi hấp dẫn bạn, và hành động của chúng tôi khích lệ bạn cùng đứng lên”.

Nhưng không chỉ nữ quyền. Femen đấu tranh vì quyền con người.

Dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych, khi mà cảnh sát với nòng cốt là lực lượng đặc nhiệm Berkut luôn sẵn sàng nghiền nát bất đồng, người ta thấy Femen trở nên giận dữ hơn bao giờ hết. Đánh dấu 100 ngày cầm quyền của Yanukovych, các nhà hoạt động Femen đã diễn cảnh cảnh sát đánh đập nhà báo giữa Quảng trường Độc Lập. Những màn tố cáo công khai này chọc giận chính quyền.

Femen vì thế bị trấn áp thẳng tay. Một dạo văn phòng ở Kyiv của họ bị phát hiện có tàng trữ súng, mà phía Femen sau đó tố ngược lại là do cảnh sát ngụy tạo để có cớ buộc tội.

Sau vụ này thì chị em Femen tứ tán, nhiều người phải chạy ra nước ngoài.

Riêng Inna lưu lạc sang tận Pháp gầy dựng chi bộ mới. Vừa rồi có mấy bà mấy chị cởi áo hô khẩu hiệu chống giặc Nga Putin xâm lược dưới chân tháp Eiffel chính là thành viên của chi bộ này.

Nguyên nhân buộc Inna phải sống lưu vong ở Pháp gợi cho ta chút ít về việc tại sao người Ukraine đã không ngừng đứng lên hết lần này đến lần khác.

Trong câu chuyện Ukraine, yếu tố thân Nga – thân châu Âu thường được truyền thông tô đậm và khi tới đại chúng thì nó trở thành một hình dung hết sức giản đơn: có hai đám – một đám theo Nga, đám còn lại thân phương Tây, đánh nhau trong lòng Ukraine; một chính phủ ăn hại không biết nghệ thuật đi dây (hãy học Việt Nam, các nhà thông thái ra lệnh).

Câu chuyện giản đơn chỉ có trắng và đen ấy lan tỏa mạnh vì nó hợp khẩu vị số đông. Và nó ngày càng được lan truyền bởi nó có lợi cho một số phía.

Nhưng cuộc đời vốn dĩ không đơn giản là đen và trắng. Cuộc chiến tranh hiện tại do Nga phát động là một nỗ lực để đưa Ukraine, một quốc gia có chủ quyền, trở lại quỹ đạo của Moscow. Nó là câu trả lời của Putin dành cho quyết tâm độc lập, tự do của người Ukraine.

Cuối năm 2013 đầu năm 2014, phong trào cách mạng Euromaidan nổ ra sau khi Yanukovych giữa chừng quay xe xa lánh châu Âu và ngả về phía Nga. Đấy là điểm bùng phát của một cơn xung đột, mà mầm mống của nó đã âm ỉ lâu nay, chỉ chờ ngày bung ra.

Ukraine là một phần của châu Âu!” Những người biểu tình đưa ra tuyên ngôn ngay từ ngày đầu tập hợp trên Quảng trường Độc Lập vào cuối năm 2013, trong làn sóng mà rồi đây được biết đến là Euromaidan.

Tuyên ngôn “chúng tôi là châu Âu” thường được diễn dịch thành gia nhập EU và NATO. Sự tầm thường hóa này thoạt tiên là luận điệu có chủ đích của các guồng máy tuyên truyền. Về sau nó được truyền thông và đại chúng (với đa phần là những nhà thông kim bác cổ) khuếch đại, thành ra tạo nên một cách hiểu phổ quát nhưng sai bản chất.

“Châu Âu” ở đây, trong tâm thức người Ukraine, đại diện cho những giá trị của văn minh, của một tương lai tươi sáng. Như một cô gái rất trẻ và rất đẹp nói rằng: “Chúng tôi đứng đây để chứng tỏ Ukraine là một quốc gia châu Âu, để đảo ngược chế độ chính trị hiện tại. Chúng tôi mơ ước có một tương lai tốt đẹp hơn”. (*)

Nhìn lại hiện trạng các quốc gia cựu thành viên Liên Xô, ta thấy hai hình ảnh đối lập. Số thoát ly sớm khỏi quỹ đạo của Nga, gồm Lithuania, Latvia và Estonia, phát triển nhanh và, xét trên nhiều phương diện, đã trở thành những “nước châu Âu” thực thụ. Các nước còn lại, bao gồm Ukraine vốn từng được coi là chỉ đứng sau Nga trong khối Liên Xô, hoặc dân chủ nửa vời, hoặc độc tài triền miên, hầu hết đều nghèo và ngày càng phụ thuộc Nga. Nói tóm lại, số này vẫn chưa thoát ra khỏi bãi lầy của quá khứ.

Từ bức tranh tương phản sắc nét ấy, “châu Âu” hiện lên trong tâm thức người trẻ Ukraine như là đại diện của những giá trị dân chủ – độc lập – tự do, mà họ đang theo đuổi và nỗ lực đạt tới.

Họ không muốn nước mình cũng có một Alexander Lukashenko, cầm quyền từ lúc họ sinh ra cho tới khi họ trưởng thành vẫn chưa có dấu hiệu thoái vị. Họ không muốn ngay cả việc thực hành quyền tự quyết bên trong đất nước thì cũng cần hỏi ý kiến Putin.

Những người Ukraine xuống đường trong Cách mạng Cam của thập niên 2000, và của Euromaidan của thập niên vừa qua, đa phần là những người trẻ tuổi, chào đời vào thời hoàng hôn của Xô Viết. Nhiều người trong số họ sinh ra từ thập niên 1990, khi Ukraine bắt đầu kỷ nguyên độc lập. Họ tiếp nối những con người đã từng vùng vẫy để thoát ra khỏi thời kỳ Liên Xô, với ý chí mạnh mẽ hơn, và với những đòi hỏi táo bạo hơn, bởi họ hầu như không bị câu thúc bởi các ràng buộc và trật tự cũ.

Đây là lý giải của Anna Kovalenko, nhà báo, nhà hoạt động, sau Euromaidan 2014 (*): “Chúng tôi sinh ra vào thập niên 90. Chúng tôi sinh ra trong một đất nước Ukraine độc lập. Chúng tôi biết biên giới của đất nước mình. Chúng tôi hiểu được ý nghĩa của từ yêu nước”.

Để bảo vệ tư cách độc lập ấy, để khẳng định danh tính châu Âu, họ đã đứng lên, bất chấp áp bức, chấp nhận đổ máu.

Một cô gái trẻ khác, đứng trong khuôn viên Tòa thánh mái vòm vàng Michel ở Kyiv, sau khi chứng kiến cảnh sát đặc nhiệm Berkut nghiền nát các cuộc biểu tình, đã đanh thép (*): “Chúng tôi sợ. Nhưng nếu không muốn ngày mai cũng sợ thì chúng tôi phải bước ra để bảo vệ vị thế của mình ngay ngày hôm nay”.

Xung đột ở Ukraine là cuộc đấu tranh giữa tự do và kìm kẹp. Nó lớn hơn nhiều câu chuyện mang tính khuôn mẫu về một chính phủ thân Nga hay thân phương Tây, nó phải trả lời cho câu hỏi lớn hơn câu hỏi nên ngả về Nga hay phương Tây (hay đu dây ở giữa?!).

Những người Việt thông thái lên giọng dạy cho người Ukraine rằng hãy đi dây, đu đưa giữa Nga và phương Tây để được êm ấm. Chân lý đơn giản vậy mà không hiểu ra!

Nhưng khuyên như vậy là đã bỏ qua phần quan trọng nhất: lý do khiến người Ukraine đứng lên.

Họ đứng lên không chỉ vì muốn “thoát Nga”. Họ đứng lên để tìm kiếm giá trị cho mình. Nếu thần phục Nga, hoặc nửa này nửa kia, họ sẽ là một Belarus, một Kazakhstan, hay một Uzbekistan gì đấy.

Quá khứ Liên Xô, với Holodomor, với Chornobyl, là nơi mà người Urkaine không thể quay lại. Làm vệ tinh của Nga không phải là trở lại Liên Xô, nhưng chuyên quyền và nô dịch đâu chỉ là một tên gọi.

So với các nước vệ tinh khác của Nga, người Ukraine ở gần châu Âu hơn, hay chính họ là châu Âu, để có thể chấp nhận một nền dân chủ nửa vời, hay một nền độc tài dưới vỏ bọc dân chủ.

Những người trẻ đã đứng lên ấy không thể vừa thần phục chuyên quyền, làm bạn với ác quỷ, vừa hài hước nghĩ rằng mình vẫn giữ được tự do và phẩm giá.

Đây là một thế hệ tuyệt vời lớn lên trong suốt thời kỳ độc lập. Họ lớn lên là những người tự do. Không ai có thể khiến một người tự do phải quỳ gối” (*).

Bác sĩ Valerii Valevskiy đã có một đúc kết chính xác về lý do người Ukraine đứng lên. Bởi lý do đó, đạn bom của Putin chỉ có thể làm chậm lại đôi chút một tiến trình, chứ không bao giờ đảo ngược được.

_____

(*) Các chi tiết này lấy từ phim tài liệu Mùa đông cháy (Winter on Fire: Ukraine’s Fight for Freedom). Có trên Netflix, ai quan tâm thì xem.

Sau gần nửa tháng giao tranh, tại sao lính Nga chết như ngả rạ?

Sau gần nửa tháng giao tranh, tại sao lính Nga chết như ngả rạ?

“Chào mừng đến địa ngục” – hàng chữ được dân Ukraine sơn trên một phương tiện quân sự của Nga; Irpin, Ukraine, ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Đến hôm nay, dù tăng hỏa lực, chiến cuộc Ukraine đối với quân đội Nga vẫn bế tắc. Thêm một tướng Nga nữa vừa thiệt mạng trong cuộc giao tranh xung quanh Kharkiv, trở thành viên tướng thứ hai bỏ xác tại chiến trường Ukraine trong một tuần (người đầu tiên là Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, 47 tuổi, chỉ huy trưởng Sư đoàn Dù số 7 của Nga và là Phó tư lệnh Quân đoàn vũ trang liên hợp số 41).

Một đội quân khổng lồ nhưng không quá lớn

Ngày 7 Tháng Ba, Cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết thiếu tướng Vitaly Gerasimov, tham mưu trưởng Quân đoàn 41 của Nga, đã bị giết bên ngoài thành phố Kharkiv ở Đông Ukraine cùng các sĩ quan cao cấp khác. Bộ Quốc phòng Ukraine đã hack và nghe trộm được nội dung mà họ cho biết đó là cuộc trò chuyện giữa hai sĩ quan tình báo (FSB) nói về cái chết của Vitaly Gerasimov. Tướng Gerasimov từng tham gia cuộc chiến Chechnya lần thứ hai, chiến dịch ở Syria và chiến dịch Crimea – theo The Guardian.

Gần hai tuần sau cuộc xâm lược của Vladimir Putin vào Ukraine – cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất châu Âu kể từ năm 1945, diện mạo quân đội Nga ngày càng phơi bày nhiều điểm yếu. Theo ước tính thận trọng của giới chức Mỹ, Ukraine đã giết chết hơn 3,000 lính Nga. Sự xoay chuyển cục diện chiến sự không chỉ gặp khó khăn vì tinh thần kém của binh lính mà còn là tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực. Giới chức quân đội Mỹ và phương Tây cho biết binh lính Nga đã vào đất “địch” với những hộp thức ăn MRE (meals ready to eat) hết hạn vào năm 2002. Nhiều tay súng đã buông vũ khí đầu hàng và một số người khác tự phá hoại phương tiện để tránh giao tranh.

Xác lính Nga tại Sytniaky, Ukraine; ngày 5 Tháng Ba (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Vài ngày qua, tại một số khu vực, nhiều vụ xả súng giết thường dân đã được ghi nhận. Chiến lược xâm nhập bằng phương án đánh nhanh đã thất bại và đang được thay bằng chiến thuật tàn bạo hơn. Điều này có thể áp đảo hệ thống phòng thủ đối phương nhưng chắc chắn sẽ đưa đến một cuộc trường chiến đẫm máu khiến Nga sa lầy nhiều tháng đến thậm chí nhiều năm. Điều đang được chú ý nhiều là Nga đã phơi bày cho các nước láng giềng châu Âu và đối thủ Mỹ những lỗ hổng trong chiến lược quân sự có thể được khai thác trong các trận đọ sức tương lai.

Trong cuộc họp báo tại căn cứ không quân ở Bắc Estonia với Tướng Mark A. Milley (Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ), Trung tướng Martin Herem, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, nói: “Những gì tôi thấy là một đội quân khổng lồ nhưng xem ra không quá lớn”. Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo địa phương, tướng Không quân Rauno Sirk của Estonia thậm chí thẳng thừng khi đánh giá lực lượng không quân Nga: “Nếu nhìn những gì ở phía bên kia (Nga), sẽ thấy rằng nó không thực sự đáng là đối thủ”.

Thành phố phía Đông Bắc Ukraine – Kharkiv – từng tưởng chừng bị “nướng” rụi trong vài giờ sau khi quân Nga kéo quân vào Ukraine nhưng cuối cùng vẫn đứng vững. Thận trọng và chừng mực, khi được hỏi về việc tại sao quân đội Nga lại thể hiện sự nhếch nhác lẫn lúng túng, Tướng Mỹ Mark A. Milley nói: “Chúng ta đang chứng kiến ​​một cuộc xâm lược qui mô với vũ khí hỗn hợp được thực hiện với các mũi tấn công đa trục nhằm vào quốc gia lớn thứ nhì châu Âu – Ukraine. Nga sử dụng tổng lực, từ không quân, bộ binh, lực lượng đặc biệt đến tình báo… Còn hơi sớm để rút ra bất kỳ bài học nào nhưng một trong những bài học hiển nhiên là ý chí của người dân Ukraine, tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo quốc gia và kỹ năng chiến đấu của quân đội Ukraine”.

Một cách tổng quát, cuộc mổ xẻ về hiệu suất của quân đội Nga – tính đến thời điểm này, được tổng hợp từ các cuộc phỏng vấn với hai chục quan chức Mỹ, NATO và Ukraine (dẫn lại từ The New York Times) – đã vẽ nên chân dung “sức mạnh quân sự” Nga: Đó là một quân đội gồm những tay súng trẻ gia nhập quân đội vì chính sách nghĩa vụ quân sự và hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chiến trường; trong khi sĩ quan không được trao quyền quyết định tại chỗ…

Ban lãnh đạo quân sự, với Tướng tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đứng đầu, muốn kiểm soát tất cả. Nhất cử nhất động, sĩ quan thuộc cấp phải xin phép Valery Gerasimov (với quyền lực chỉ sau Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu). Quan trọng hơn nữa là các sĩ quan chỉ huy không dám mạo hiểm vì luôn sợ bị qui trách nhiệm.

Tướng Valery Gerasimov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (ảnh: Alexei NikolskyTASS via Getty Images)

Sự “dè dặt” đã phải trả giá. Đối mặt thời tiết xấu ở Bắc Ukraine, để an toàn, các chỉ huy ban lệnh hạ cánh một số chiến đấu cơ và trực thăng, đồng thời yêu cầu những chiếc khác bay thấp hơn. Thế là chúng trở thành mồi ngon của hỏa lực Ukraine. Nhiều đơn vị xe tăng thậm chí ít binh sĩ đến mức không đủ xoay trở để thực hiện các mũi tấn công và kết quả là họ trở thành bia tập bắn cho hỏa tiễn Javelin của Ukraine. Những xác xe tăng chất ụ dồn đống trên đường kéo về Kyiv là hình ảnh đầy “ấn tượng”. Một số chuyên gia quân sự, khi xem xét những đoàn xe quân sự nằm ụ và kéo dài hàng chục kilomet, cho thấy thêm rằng chúng không chỉ thiếu nhiên liệu (chính xác hơn là hậu cần kém, không thể tiếp liệu đúng kế hoạch) mà còn cho thấy chúng – trước đó – không được bảo quản và bảo trì tốt, khi chúng nằm trong bãi quá lâu đến mức lốp xe bị giòn và rất dễ bị thủng (dẫn lại từ The Guardian).

Tiếp vận – một lỗi đặc biệt nghiêm trọng

Thomas Bullock, nhà phân tích mã nguồn mở của hãng tình báo quốc phòng Janes, chỉ ra thêm: Khi thâm nhập vào Ukraine, để tránh những tuyến đường sình lầy, lính Nga chọn các trục đường chính. Thế là họ đưa cả hai be sườn cho địch nã đạn. Những cuộc đổ bộ của lính dù cũng thất bại nặng nề. Với quân đội Nga, lính dù gần như là đại diện của tinh thần binh sĩ. Lính dù có mặt ở đâu thì cầm chắc chiến thắng ở đó.

Cho nên, hình ảnh lính dù bị tiêu diệt gây ra những “chấn thương” lớn đối với tinh thần binh sĩ Nga. Ngoài ra, hầu hết cuộc tấn công ban đầu đều được thực hiện tương đối nhỏ, với nhiều nhất hai hoặc ba tiểu đoàn. Điều này cho thấy sự thất bại trong việc phối hợp các đơn vị trên chiến trường và không tận dụng được tổng lực – nhận xét của Frederick W. Kagan, chuyên gia quân sự Nga, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Critical Threats Project thuộc American Enterprise Institute.

Những gì còn lại của một cỗ đại bác; Sytniaky, Ukraine, ngày 5 Tháng Ba (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Điều không thể không nhắc nữa là kế hoạch logistics (“tiếp vận”). So với những gì quân đội Mỹ thể hiện ở cuộc chiến Vùng Vịnh 1991 và 2003, cuộc ra quân của Nga khác biệt một trời một vực về tiếp vận. Thế giới ngày nay không ai không biết dịch vụ phát chuyển nhanh FedEx. Người đẻ ra FedEx là Frederick Wallace Smith, vốn là thủy quân lục chiến Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam từ 1966-1969. Hai năm sau khi Frederick trở về Mỹ, FedEx ra đời.

Nó là mô hình dân sự của logistics quân sự mà Frederick học được từ những năm trong quân ngũ. Chi tiết này cho thấy hệ thống tiếp vận quân đội Mỹ như thế nào và nó là yếu tố quan trọng như thế nào cho bất kỳ chiến dịch động binh qui mô nào. Đó là chưa nói đến yếu tố quân số. Cần nhấn mạnh, năm 1939, nước Pháp có dân số tương tự Ukraine hiện nay (hơn 40 triệu). Và khi tấn công Pháp, Đức Quốc Xã huy động đến ba triệu quân, chứ không phải khoảng 190,000 lính Nga trong cuộc chiến Ukraine.

Và nghiêm trọng nhất: Lỗi hệ thống

Không phải là tất cả của mọi lý do và là nguyên cớ duy nhất nhưng phần lớn những gì đang diễn ra cho thấy hình ảnh có phần nhếch nhác của quân đội Nga như đang chứng kiến là kết quả tất yếu của “tiến trình” tham nhũng qui mô và kéo dài. Chỉ số Liêm chính Quốc phòng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2020 cho thấy Nga là một trong những quốc gia hàng đầu về tham nhũng quốc phòng (dẫn lại từ Politico). Năm 2012, một công ty vũ khí Nga được cấp khoảng $26 triệu để phát triển hệ thống phòng không dùng đánh chặn hỏa tiễn phi chiến thuật (nonstrategic missile) nhưng dự án này không bao giờ thành hiện thực. Công ty trên luồn lách bằng cách ký các hợp đồng bịp với những công ty trá hình mà vài trong số có “hồ sơ doanh nghiệp” với địa chỉ là các nhà vệ sinh công cộng ở vùng Samara thuộc Nga!

Trong một vụ khác vào năm 2016, một công ty chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị định vị vô tuyến và hệ thống điều khiển phi đạn chính xác cao, đã bày vẽ ra các dự án nghiên cứu và phát triển cốt để ăn cắp tiền thông qua những hợp đồng ma. Tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng Nga không chỉ giới hạn ở công nghiệp quân sự mà còn thâm nhập sâu vào hệ thống chính trị, với những vụ mua quan bán tước…

Hai tuần chiến sự là thời gian có lẽ đủ để quân đội Nga rút ra nhiều điều và điều chỉnh chiến lược. Tuy nhiên, chiến thắng hay không hoàn toàn không có ý nghĩa gì nữa, khi mà Kremlin đang đối mặt một trận chiến không tiếng súng lớn hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều lần: trận chiến kinh tế và trận chiến trên mặt trận chính trị quốc tế – chắc chắn sẽ kéo dài rất lâu và hậu quả khốc liệt hơn nhiều so với những tổn thất chiến trường.

Tuyên bố của tổng thống Ukraine sau khi nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Kharkiv bị ném bom

Nhật Duy

Tuyên bố của tổng thống Ukraine sau khi nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Kharkiv bị ném bom

Đặng Tự Do

7/3/2022

“Không có hầm trú ẩn nào có thể che chở bạn khỏi phản ứng của Chúa. Chúng tôi sẽ khôi phục lại thánh đường và xóa bỏ mọi dấu vết chiến tranh,” tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói như trên trong một tuyên bố sau khi nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Kharkiv bị ném bom.

Toàn văn tuyên bố của ông như sau:

Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và bom của Nga vào các thành phố của Ukraine là một lời thú nhận rằng họ không thể làm gì đáng kể trên đất liền. Tất cả các tuyến phòng thủ của chúng ta được bảo toàn. Địch không thành công trên bất kỳ hướng chiến lược nào. Họ mất tinh thần. Họ đã đi vào con đường diệt vong. Kiev đã sống sót hết đêm này sang đêm khác và chịu được các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và bom. Phòng không của chúng ta đã hoạt động. Kherson, Izyum, tất cả các thành phố khác, nơi những kẻ xâm lược tiến hành các cuộc tấn công từ trên không, đã không từ bỏ bất cứ điều gì. Chernihiv, Sumy, Mykolaiv vẫn đứng vững. Họ cũng muốn tiêu diệt Odesa. Nhưng họ sẽ chỉ nhìn thấy đáy của Biển Đen. Mục tiêu của Nga là nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Kharkiv. Một trong những di tích Chính thống giáo lâu đời nhất của thành phố, di tích của Ukraine. Trong chiến tranh, thánh đường là nơi trú ẩn của cư dân Kharkiv. Nơi trú ẩn cho tất cả mọi người: các tín hữu và cả những người ngoại đạo. Vì mọi người đều bình đẳng trong khu vực linh thánh. Bây giờ ngôi thánh đường bị hư hại bởi chiến tranh. Họ thậm chí không sợ điều đó! Họ thích thú với việc Thiên Chúa không phản ứng ngay lập tức. Nhưng Chúa thấy mọi sự. Và Ngài đáp lại. Ngài đưa ra các câu trả lời để bạn không thể trốn vào đâu được. Không có hầm trú ẩn nào để trốn chạy trước phản ứng của Thiên Chúa. Và chúng tôi sẽ trùng tu nhà thờ để không còn dấu vết chiến tranh. Và ngay cả khi bạn phá hủy tất cả các thánh đường và nhà thờ của chúng tôi, bạn sẽ không phá hủy được niềm tin chân thành của chúng tôi ở Ukraine vào Chúa. Niềm tin vào con người. Chúng tôi sẽ khôi phục lại mọi ngôi nhà, mọi đường phố, mọi thành phố. Và chúng tôi nói với người Nga: hãy học những từ “bồi thường” và “đóng góp”. Bạn sẽ phải trả lại tất cả những gì bạn đã làm chống lại Ukraine. Và chúng tôi sẽ không quên những người đã chết, và Chúa sẽ không quên.

Bạn đã đến để phá hủy các thành phố của chúng tôi. Tiêu diệt người của chúng tôi. Lấy đi của chúng tôi tất cả những gì thân yêu đối với chúng tôi. Bạn đã cắt điện, nước và hệ thống sưởi đối với dân thường ở Ukraine. Bạn bỏ lại mọi người mà không có thức ăn và thuốc men. Bạn đang pháo kích các tuyến đường có thể di tản. Không có vũ khí nào mà bạn không sử dụng để chống lại chúng tôi, chống lại những công dân tự do của Ukraine. Và bây giờ bạn đang nói với những người tuyên truyền của bạn rằng bạn sẽ gửi cái gọi là viện trợ nhân đạo đến Ukraine… Hãy nhớ rằng, những kẻ vô thần: khi hàng triệu người nguyền rủa bạn, bạn không có gì để cứu chính mình.

Chúng tôi đã sống sót trong lịch sử và trên đất của chúng tôi qua hai cuộc chiến tranh thế giới, ba cuộc Holodomors, Holocaust, Babyn Yar, Great Terror, vụ nổ Chornobyl, sự chiếm đóng Crimea và cuộc chiến ở phía đông. Chúng tôi không có một lãnh thổ rộng lớn – từ đại dương này sang đại dương khác, chúng tôi không có vũ khí hạt nhân, chúng tôi không lấp đầy thị trường thế giới bằng dầu và khí đốt. Nhưng chúng tôi có con người và đất đai của chúng tôi. Và đối với chúng tôi – đó là vàng. Đó là những gì chúng tôi đang đấu tranh cho. Chúng tôi không có gì để mất ngoài tự do và phẩm giá của chính mình. Đối với chúng tôi, đây là kho báu lớn nhất. Họ đã muốn tiêu diệt chúng tôi rất nhiều lần. Họ đã thất bại. Họ muốn xóa sạch mặt đất của chúng tôi. Họ đã thất bại. Họ đã đâm sau lưng chúng tôi. Và chúng tôi đang đứng trên đôi chân của mình. Họ muốn chúng tôi im lặng. Nhưng cả thế giới đã nghe thấy chúng tôi. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều! Và nếu ai đó nghĩ rằng, sau khi vượt qua tất cả những điều này, người Ukraine – tất cả chúng ta – đều sợ hãi, suy sụp hoặc sẽ đầu hàng, thì người ấy không biết gì về Ukraine. Putin không có gì để làm ở Ukraine. Về nhà đi. Hãy bảo vệ những người nói tiếng Nga, không phải trên toàn thế giới. Ở quốc gia của bạn. Có gần 150 triệu đó. Và đây Vinh quang cho Ukraine!

Khi nào nước Nga trở thành một cường quốc kinh tế?

Khi nào nước Nga trở thành một cường quốc kinh tế?

9-3-2022

1. Lịch sử nhân loại cho thấy, từ ngàn xưa cho đến hiện tại, các kẻ độc tài, bạo chúa chỉ mang đến tai hoạ cho nhân dân.

Khi Tần Thuỷ Hoàng tiêu diệt 6 nước chiến quốc, thống nhất thành nước Tần, nhân dân phía bắc Hoàng Hà và vùng Hoa hạ trong biên giới nước Tần có hạnh phúc hơn không? Không!

Khi Thành Cát Tư Hãn và con cháu đưa quân chinh chiến cả cuộc đời, mở rộng biên giới Đế quốc Mông Cổ khắp hai lục địa Á – Âu với diện tích lên đến 24 triệu km2, cư dân trong biên giới Đế quốc Mông Cổ có hạnh phúc hơn không? Không!

Khi Adold Hitler mang quân chiếm gần trọn Châu Âu, nhân dân trong biên giới của Đức quốc xã có hạnh phúc hơn không? Không!

Còn hôm nay nếu Putin thành công chiếm đóng Ukraine, mở rộng biên giới nước Nga, có làm cho nhân dân Nga và nhân dân Ukraine hạnh phúc hơn không? Không!

Tất cả những cuộc chiến tranh vẽ lại biên giới của các bạo chúa chỉ mang đến thảm hoạ, đau thương, tang tóc cho nhân dân.

2. Trái đất là của nhân loại, của chim, cá, hoang thú, của cỏ cây hoa lá. Đó là những chủ nhân đích thực của hành tinh. Một dân tộc sống trên một mảnh đất, tuỳ thời, có thể thuộc vào biên giới của nhiều quốc gia khác nhau. Biên giới quốc gia là phạm trù có giới hạn thời gian. Dù hùng mạnh như Đế quốc Mông Cổ hay Liên Bang Xô Viết, hay bất kỳ một siêu đế quốc nào khác – đế quốc xuất hiện rồi mất. Kẻ độc tài vẽ lại biên giới rồi cũng chết. Chỉ có người dân truyền đời sống trên mảnh đất đó vĩnh viễn là chủ nhân. Sự tồn tại của một dân tộc không phụ thuộc vào biên giới quốc gia.

3. Nước Nga vĩ đại là bởi vì nhân dân Nga vĩ đại. Chế tạo ra vũ khí hạt nhân hay tên lửa siêu thanh là do tài năng của người Nga. Dù đó là thời Sa hoàng, Stalin, Khrushchyov, Brejơnhev hay Putin thì người Nga vẫn là chủ nhân của nhiều phát minh vĩ đại. Càng dân chủ, càng giàu có thì càng nhiều phát minh sáng chế. Càng độc tài càng đói nghèo thì càng ít phát minh sáng chế. Nga thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới từ Liên Xô, trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân không ai dám đụng tới – đó không phải tài năng của một cá nhân lãnh đạo, càng không phải là nguyên nhân đưa lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân Nga. Nga không trở thành cường quốc kinh tế mới là thất bại. Nga bị cô lập, đói nghèo mới là nỗi khổ cho nhân dân Nga.

Ông Putin lên nắm quyền tổng thống Nga năm 2000 từ sự nhường ghế của ông Eltsin. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, năm 2008 ông chuyển sang làm thủ tướng để lách hạn chế hai nhiệm kỳ của Hiến pháp. Ông sửa Hiến pháp để đưa nhiệm kỳ tổng thống Nga từ 4 năm lên 6 năm, rồi lên làm tổng thống nhiệm kỳ 3 năm 2012, nhiệm kỳ 4 từ năm 2018. Chưa bằng lòng với 4 nhiệm kỳ tổng thống, một nhiệm kỳ thủ tướng, ông Putin lại tiếp tục sửa đổi Hiến pháp để có cơ hội làm tổng thống Nga đến năm 2036. Ông ký sắc lệnh miễn truy tố suốt đời cho các tổng thống Nga.

Trong hơn ba thập niên đầu của thế kỷ 21, nếu bàu cử công bằng, mà không ai vượt được ông Putin về tài năng để nắm quyền cai trị nước Nga, thì đó là bất hạnh cho nước Nga, bởi vì trí tuệ ông Putin là cao nhất, là cận trên của trí tuệ Nga về quản trị quốc gia. Còn ông Putin dùng quyền lực thay đổi Hiến pháp để ngồi trên ghế tổng thống đến hết đời, thì lại càng bất hạnh hơn nữa cho nhân dân Nga. Trong cả hai trường hợp, nhân dân Nga và nước Nga là người thua thiệt.

Chế độ toàn trị thống trị 74 năm trên một quốc gia to lớn như Nga, sẽ không thể xoá hết tàn dư sau vài thập kỷ. Gặp phải nhà độc tài xuất thân KGB như Putin thì nền dân chủ không có đất để sống. Nền dân chủ ở Nga còn phải sống trong “thời kỳ đau đẻ” thêm vài thập niên nữa. Điều tương tự rồi sẽ xảy ra ở Trung Quốc. Khi ở Trung Quốc sang trang cho một kỷ nguyên dân chủ, thì Trung Quốc cũng phải chịu đựng “thời kỳ đau đẻ” nhiều thập niên để tiến tới một không gian loãng mùi toàn trị.

Sau 30 năm kể từ khi Liên Xô tan rã, với tài năng của người Nga, với nguồn tài nguyên giàu có của nước Nga, đáng lý ra nước Nga phải trở thành một cường quốc kinh tế. Cường quốc quân sự thì tự có từ thời Xô Viết. Chỉ cần trở thành cường quốc kinh tế thì siêu cường nào cũng phải nể trọng nước Nga, quốc gia nào cũng muốn chơi thân với nước Nga, công dân nào cũng muốn đến nước Nga làm ăn sinh sống.

Nhưng hiện thời, đời sống người dân Nga thấp hơn các quốc gia Đông Âu. Năm 2013 là năm nước Nga có tổng thu nhập quốc dân lớn nhất đạt 2.292,47 tỷ usd, nhưng sau khi sáp nhập Crimea năm 2014 bị cấm vận, nên năm 2016 tụt xuống đáy chỉ còn 1.276,79 tỷ usd. Nhờ bán dầu khí mà vực lại, nhưng vẫn không đáng kể, năm 2019 lên được 1.687,45 tỷ usd rồi tụt xuống 1.483,5 tỷ năm 2020. Nước Nga có dân số 146 triệu người. Diện tích nước Nga là 17 triệu 130 ngàn km2. Tỉnh Quảng Đông Trung Quốc có dân số 113 triệu người. Diện tích Quảng Đông là 177.900km2. Tổng GDP của tỉnh Quảng Đông năm 2018 là 1.470 tỷ usd. Hàn quốc có 51 triệu dân. Diện tích Hàn Quốc là 100.210km2. GDP Hàn Quốc năm 2020 là 1.631 tỷ usd.

Bây giờ nước Nga đang bị cấm vận chưa từng có vì ông Putin đưa quân xâm lược Ukraine, thì các năm tới nền kinh tế nước Nga còn khốn đốn hơn nữa. Tại sao nhân dân Nga vĩ đại phải hứng chịu một nền kinh tế thê thảm như vậy?

Ông Putin không thể sống mãi. Sẽ có một nước Nga không có Putin. Không ai cướp đoạt được lãnh thổ của nước Nga. Không ai tước bỏ được vị thế cường quốc quân sự của nước Nga. Nhưng cường quốc kinh tế thì nước Nga chỉ có được khi không có Putin. Nhân dân Nga vĩ đại sẽ có được ngày nước Nga trở thành cường quốc kinh tế.

Cuộc chiến ở Ukraine và bài học kinh nghiệm nào cho Việt Nam trước Bắc Kinh?

Cuộc chiến ở Ukraine và bài học kinh nghiệm nào cho Việt Nam trước Bắc Kinh?

Diễm Thi, RFA
2022.03.02

Một phụ nữ đang dỗ dành một bé trai trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraine

REUTERS

Bỏ phiếu chống Nga để bảo vệ chính mình 

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine đã bước sang ngày thứ bảy. Từ ngày 28 tháng 2 đến 2 tháng 3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã mở phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine. Tại đây, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã bày tỏ lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của LHQ đồng thời kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán. 

Bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam khi trả lời BBC Tiếng Việt hôm 28 tháng 2 cho rằng “chúng ta nên sát cánh cùng nhau để không cho phép Nga phá vỡ trật tự thế giới hiện có”. Bà Nataliya qua đó, mong chính phủ Việt Nam sẽ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ do Albania và Hoa Kỳ đưa ra vào ngày 2 tháng 3 nhằm lên án hành động xâm lược của Nga với Ukraine vì vi phạm điều khoản của Hiến chương LHQ. 

Ông Đinh Kim Phúc, một người từng dạy môn lịch sử và quan hệ quốc tế; người quan sát và bình luận chính trị trước tình hình trên nhận định rằng, Việt Nam phải rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm qua vụ Ukraine. Ông nêu ví dụ:

Thí dụ như trường hợp Singapore. Đây là đất nước tách ra liên bang Malaysia để lập quốc vào năm 1965 trong lúc Mao Trạch Đông coi người Hoa ở hải ngoại là đạo quân thứ năm để thực hiện chiến lược toàn cầu của Trung Quốc lúc bấy giờ. Khi Singapore lập quốc thì gần 70% công dân nước này là hậu duệ của người Hoa. Chính vì vậy mà Malaysia, Indonesia và Mindanao của Philippines xem Singapore là con ngựa thành Troy của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Họ nghĩ Singapore có thể là nước nối tiếp để cộng sản Trung Quốc bành trướng xuống khu vực Đông Nam Á. Do đó, họ có sự nghi kỵ Singapore.

Chính vì cội nguồn và bối cảnh lịch sử như vậy, khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1979 và ở đó 10 năm, Singapore là nước lớn tiếng nhất chống Việt Nam xâm lược Campuchia. Lên án Việt Nam hàng ngày, hàng giờ trên phương tiện truyền thông cũng như tranh luận quốc tế trong khi Singapore là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam lúc bây giờ. Singapore cũng là cửa ngõ để Việt Nam buôn bán giao thương với phương Tây trong điều kiện Mỹ cấm vận.

Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng Singapore ghét Việt Nam, thương Khmer Đỏ? Câu trả lời là không! Chỉ vì Singapore không muốn tạo ra một tiền lệ ở Đông Nam Á, là lực lượng của quốc gia này tiến công vào quốc gia khác có chủ quyền, là thành viên LHQ.”

Theo ông Đinh Kim Phúc, Việt Nam cần bỏ lá phiếu ủng hộ về tiến trình hòa bình cho Ukraine; lên án tất cả các cuộc xâm lược trên thế giới và kêu gọi tất cả các nước phải tuân thủ hiến chương LHQ, tuân thủ công pháp quốc tế.

Không chỉ để bảo vệ Ukraine mà lá phiếu của Việt Nam theo ông Đinh Kim Phúc còn để thể hiện Việt Nam bảo vệ cho chính mình trước âm mưu của phương Bắc.

Hợp tác với Mỹ và phương Tây

Cùng nhìn nhận về chiến sự Ukraine nhưng phân tích về tình hình Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định có những điểm khác biệt. Ông nói: 

“Điểm khác biệt thứ nhất, đó là Nga có thể tấn công vào trong lãnh thổ của Ukraine nhưng Trung Quốc sẽ không tấn công vào lãnh thổ của Việt Nam. Vì nếu Trung Quốc làm giống như Nga thì Trung Quốc sẽ bị thế giới tẩy chay, giống như là trường hợp của Nga.  

Điểm khác biệt thứ hai, theo nhận định cá nhân của tôi, Trung Quốc không có ý định tấn công Đài Loan mặc dầu sẽ tăng áp lực lên Đài Loan rất là nhiều. Nếu như có những tiến triển thuận lợi thì Trung Quốc có thể chớp nhoáng tấn công các đảo ở Trường Sa của Việt Nam, là chủ yếu.  

Nhưng trong trường hợp quần đảo Trường Sa thì không có một quốc gia nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, công nhận chủ quyền của bất cứ nước nào hết. Do đó, nếu có sự phản ứng của thế giới, thì họ chỉ nhân danh cái quyền tự do hàng hải và họ không chấp nhận cái nguyên tắc gọi là dùng vũ lực để mà giải quyết những cái vấn đề tranh chấp giữa hai quốc gia. Điều đó là điều duy nhất mà họ có thể làm. Còn ngoài ra, họ không thể nào làm được gì hết. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa Ukraine và Việt Nam.” 

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, tình hình chiến tranh hiện nay ở Ukraine là cơ hội cho Việt Nam chuyển đổi sự lệ thuộc trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao và quân sự với Nga sang sự hợp tác với Mỹ và phương Tây. Ông nhắc lại hồi năm 2016, cựu Tổng thống Obama trước khi tới Việt Nam đã ký bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, mở đường cho mối quan hệ về quân sự sâu rộng với Việt Nam. Nhưng sáu năm qua vẫn ở mức vô cùng khiêm tốn. Luật sư Khanh kết luận:

“Dầu có hay không một giải pháp hòa bình với Nga trong cuộc chiến với Ukraine thì Nga vẫn đứng bên lề thế giới ít nhất trong năm năm tới. Đây là cơ hội tốt nhất cho Việt Nam tiếp cận với Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh cho Việt Nam.”

Nhiều người Việt Nam trong những ngày qua lên tiếng ủng hộ Ukraine bằng nhiều hình thức. Hôm 26 tháng 2, một số công dân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cùng ký một ‘Thư ủng hộ nhân dân Ukraine’ gửi đến bà Nataliya Zhynkina – Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam.

Bức thư do Lập Quyền Dân; Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập; Diễn Đàn Xã hội dân sự; Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh; Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khởi xướng. Trong đó có đoạn:

“Là một đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh cho tới tận cuối thập niên 1980, người Việt Nam chúng tôi thấu hiểu cái giá mà Ukraine phải trả để giữ vững được chủ quyền và nền dân chủ của mình trước chủ nghĩa bá quyền PUTIN. Chúng tôi kiên quyết lên án hành vi xâm lược trắng trợn của PUTIN vào Ukraine và hoàn toàn ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân và chính phủ Ukraine.

Chúng tôi cũng hiểu rằng bảo vệ Ukraine lúc này không chỉ là bảo vệ hòa bình mà còn là bảo vệ một nền dân chủ non trẻ vừa mới thoát ra khỏi quá khứ độc tài. Là những người yêu chuộng tự do, chúng tôi luôn đứng bên cạnh nhân dân Ukraine để gìn giữ nền dân chủ của các bạn.”

Nga hiện là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Trong khi đó, Ukraine là nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính cho Việt Nam, đóng vai trò trong việc giúp Việt Nam nâng cấp và hiện đại hóa quân đội.

Nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng, Việt Nam đang ở thế khó xử khi lên án Nga trong cuộc chiến mà quốc tế cho rằng ‘phi lý và vô nghĩa’ hiện nay. 

Putin người hùng làm bằng giấy (VOA)

Putin người hùng làm bằng giấy

03/03/2022

TT Putin trong một phiên họp với cố vấn kinh tế tại Moscow, 28 tháng Hai.

Khi cuộc chiến chấm dứt, Vladimir Putin sẽ hiện nguyên hình là một người hùng làm bằng giấy, hay bằng rơm theo lối nói của người Việt. Sẽ đến ngày anh hùng rơm phải ra tòa vì tội ác chiến tranh.

Tuần trước, tôi vẫn nghĩ nếu Vladimir Putin tấn công, quân Nga sẽ làm chủ một nửa nước Ukraine trong ngày đầu tiên, tất cả vùng phía Đông sông Dnieper, kể cả thủ đô Kyiv. Quân đội Ukraine vừa ít người vừa thiếu vũ khí sẽ bị tàn sát.

Tôi lầm. Vì không biết thực lực quân Nga. Sau năm ngày, Putin chưa chiếm được một thành phố lớn nào của Ukraine. Đoàn xe chở quân Nga tiến về Kyiv nối đuôi nhau lăn bánh chầm chậm hai ngày chưa đi hết quãng đường vài ba chục cây số. Tình báo Mỹ cho biết đoàn quân ngưng lại vì hết xăng và thiếu thực phẩm! Báo Economist kể ngày Chủ Nhật vừa rồi một đoàn xe Nga bị quân Ukraine phục kích gần thị xã Sumy để lại hàng chục chiếc xe tải, hai thiết giáp và một trụ súng tự động, lính Ukraine đã quay phim đưa lên mạng.

Nga có thể chế những hỏa tiễn tinh khôn đánh trúng mục tiêu xa hàng trăm hàng ngàn cây số, nhưng báo Economist nhận xét, quân đội Nga yếu nhất về mặt tiếp vận. Nhiều xe thiết giáp bỏ rơi bên đường vì cạn xăng. Mọi người được coi cảnh lính Nga vào các siêu thị kiếm đồ ăn. Có chiếc xe chở quân Nga đã ghé một trạm cảnh sát Ukraine xin đổ xăng.

Bộ tham mưu quân đội Nga có thể cũng tưởng chính phủ Ukraine sẽ đầu hàng nhanh chóng, không cần chuẩn bị xăng dầu và thực phẩm cho một cuộc hành quân dài. Có thể các tướng, tá Nga cũng tin lời ông Putin nói rằng dân Ukraine sẽ mang hoa ra tặng khi được quân Nga “giải phóng!” Nhưng cũng có thể vì họ thiếu kinh nghiệm chiến trường. Nga đã gửi quân sang Syria, Lybia, nhưng toàn là lính đánh thuê (đạo quân mang tên Wagner có 17,000 người). Đây là lần đầu tiên quân chính quy tấn công một nước khác; 200,000 binh sĩ đòi hỏi một hệ thống tiếp liệu sẵn sàng hàng năm trước. Một nhược điểm khác của quân Nga là không chuẩn bị công binh tác chiến. Khi dân Ukraine phá sập những cây cầu, quân Nga không sửa cầu ngay mà phải đi tìm đường khác. Cũng vì thế, hệ thống tiếp vận bị tê liệt.

Điều ngạc nhiên nhất là trong gần một tuần lễ Nga vẫn chưa làm chủ không phận. Đáng lẽ hỏa tiễn Nga phải phá tan các phi trường và hệ thống phòng không, radar, súng và tên lửa của Ukraine trong một vài giờ đầu tiên. Máy bay chiến đấu Ukraine vẫn cất cánh. Hai phi cơ vận tải Nga bị bắn rớt, mỗi chiếc chở 100 lính dù. Có lẽ các tướng lãnh Nga còn để dành các vũ khí tinh vi nhất chưa dùng, hay là họ không được cung cấp. Hoặc họ không có chút kinh nghiệm nào trong việc phối hợp không quân với bộ binh. Không được yểm trợ, các đoàn quân Nga bị những máy bay không người lái đánh từ trên xuống. Nhiều binh lính Nga kinh ngạc, sợ và bỏ chạy trước những “drones” TB2, mua của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một nhược điểm lớn nhất của quân Nga là tinh thần binh sĩ. Putin đưa sang Ukraine những người lính đang làm nghĩa vụ quân sự không chút kinh nghiệm chiến trường, có khi chưa được huấn luyện. Lính Nga tưởng được đưa đi tập trận ở Belarus, không hiểu tại sao mình đang ở Ukraine, bắn giết những người vẫn được coi là anh em họ hàng. Có đoạn video cho thấy cảnh một đội thiết giáp Nga bị thường dân Ukraine không vũ khí chặn lại, đã quay đầu bỏ đi luôn. Nhiều toán quân Nga đầu hàng ngay khi gặp quân Ukraine. Các tù binh được phỏng vấn cho biết nhiều xe chở quân bị lính đục thủng bình xăng.

Trong khi đó thì dân Ukraine quyết tâm bảo vệ quê hương, tinh thần lên cao tột nhờ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy làm gương hy sinh chiến đấu. Một người lính Ukraine đang làm trách nhiệm đặt bom dưới một cây cầu thì thấy đoàn xe quân Nga tới, thay vì bỏ chạy anh ta đã cho bom nổ phá sập cầu và chết theo. Dân chúng xếp hàng chờ lãnh súng đạn để gia nhập các đội quân tự vệ. Có một bà lớn tuổi không được thâu nhận đã năn nỉ: “Nhưng tôi có thể lau nhà!” Người Ukraine đang ở các thành phố khắp Âu châu đã bỏ công việc kéo về cứu nước. Một ông 39 tuổi làm nghề giao hàng đã từ London lái xe hai ngày về đến biên giới Ba Lan – Ukraine. Ông nói phải về nước góp sức với đứa con trai 19 tuổi trong quân đội.

Trên mạng cũng lan truyền đoạn phim một phụ nữ Ukraine ở thị xã Henichesk lớn tiếng mắng toán lính Nga trước mặt mình là “quân xâm lăng,” là “phát xít.” Bà cho mấy chú lính Nga những hạt hoa Hướng Dương, bảo hãy cất trong túi để hoa sẽ mọc trên nấm mồ của họ. Hoa Hướng Dương là một biểu tượng của dân tộc Ukraine. Có 8 triệu người chuyển khúc phim này trên mạng trong mấy ngày đầu tiên.

Một điều lạ nữa là Nga không phá hệ thống truyền thông, internet của Ukraine ngay khi tấn công. Những năm 2015, 16 tin tặc Nga đã phá những nhà máy điện ở miền Tây Ukraine hai lần. Năm 2017 từng làm tê liệt nhiều phi cảng, nhà ga xe lửa và ngân hàng Ukraine. Có lẽ quân Nga để yên hệ thống internet của Ukraine vì muốn sử dụng. Nhiều lính và sĩ quan Nga vẫn dùng điện thoại di động. Dân Ukraine nhân đó đã mở chiến dịch phản tuyên truyền nhắm vào binh sĩ Nga và gia đình họ. Đại sứ Ukraine ở Liên Hiệp Quốc đã trưng ra các “emails” của một người lính Nga với bà mẹ, trước khi anh chết. Cậu lính 19 tuổi tưởng mình được đưa đi tập trận, không biết mình đang ở Ukraine. Một tù binh bị bịt mắt được quân Ukraine giúp gọi điện thoại về cho mẹ. “Mẹ ơi con đang làm tù binh, ở Ukraine – Ủa! Sao vậy?” Bộ Quốc phòng Ukraine đã lập một mạng dành riêng cho tù binh Nga liên lạc với gia đình và các bà mẹ Nga tìm con.

Trước tình trạng hành quân đình trệ, Vladimir Putin sẽ tàn phá vào thủ đô Kyiv tiêu diệt đầu não chính phủ Ukraine trong mấy ngày sắp tới. Năm 1994 Putin đã đánh vào Grozny, thủ đô Chechnya 4,000 quả đại pháo mỗi giờ. Nhưng quân Nga tiến vào Kyiv sẽ gặp sức kháng cự mãnh liệt, không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng. Tình báo Mỹ cho biết nhiều binh sĩ Nga trên đường tới Kyiv đã đào ngũ.

Bao lâu nay ông Putin vẫn làm cho thế giới tưởng rằng ông chỉ huy một quân đội hùng mạnh, cuộc kháng chiến của dân Ukraine cho thấy đạo quân của Putin quá yếu. Điều này cũng dễ hiểu, vì một quân đội mạnh cần một nền kinh tế phong phú hỗ trợ. Kinh tế Nga hiện nay ($1.5 ngàn tỷ mỹ kim) chỉ bằng một nửa kinh tế Pháp ($2.7) hoặc Anh quốc ($2.8), thua xa Mỹ ($21 ngàn tỷ) hay Trung Quốc ($15 ngàn tỷ).

Vladimir Putin sống trong ảo tưởng vì làm chủ một kho vũ khí hạch tâm và hỏa tiễn từ thời Liên Xô để lại. Nhưng không thể đánh Ukraine bằng bom nguyên tử. Nếu Putin ra lệnh, chắc các người thi hành sẽ đảo chính, vì không ai muốn chết khi bị đánh trả đũa!

Nhưng Putin đã tính trước sẽ chiếm được Ukraine trong hai ngày! Trên tờ báo mạng Ria Novosti của chính phủ Nga ngày Thứ Bảy 26 tháng 2 thấy một bản tin loan báo quân Nga đã làm chủ Ukraine. Bản tin đã được viết trước khi cuộc chiến bắt đầu, đến ngày đó tự động xuất hiện. Khi tình hình chiến sự bế tắc không ai trong tờ báo mạng nhớ đến, không ai để ý tháo gỡ. Báo Economist đăng lại bản tin trước khi bị gỡ xuống, trong đó bộ máy tuyên truyền của Putin viết, “Một thế giới mới đã ra đời trước mắt chúng ta… Nước Nga đã thống nhất trở lại (Putin vẫn khẳng định Ukraine chỉ là một phần của nước Nga) – thảm kịch năm 1991 (khi Liên bang Xô Viết tan rã) đã được vượt qua… ‘Belarus và nước Nga Nhỏ (Ukraine) đã trở về với Đại Nga… Lãnh tụ Vĩ đại Vladimir Putin đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử.”

Mặc dù quân Nga chưa chiếm được một thành phố quan trọng nào, chủ nhân của Ria Novosti Dmitry Kisele vẫn lên tivi Kênh Số Một trong ngày Chủ Nhật 27 tháng 2, mô tả chiến thắng huy hoàng: Quân Nga đã tiêu diệt 1,067 cứ điểm quân sự. Quân Ukraine đã đầu hàng tập thể và được đối đãi tử tế… “Tình trạng tuyệt vời! Không ai đánh ai nữa.” Dân chúng Ukraine hoan nghênh quân đội Nga, kể rằng họ đã bị chính quyền “quốc xã” “tra tấn, đánh gẫy xương sườn, đánh vỡ sọ, dùng kìm bẻ và rút răng, đốt cháy da người bằng sắt nung đỏ …”

Những lời dối trá này cũng trâng tráo như luận điệu của Cộng sản Việt Nam đánh lừa người miền Bắc về “nỗi thống khổ” của dân trong Nam trước năm 1975. Các báo đài, và các mạng xã hội ở Nga bị cấm không được dùng các chữ “chiến tranh,” “xâm lăng;” chỉ được dùng chữ “cuộc hành quân” khi nói đến Ukraine. Nhưng Putin không thể nói dối trắng trợn mãi. Nhật báo Novaya Gazetta vẫn giữ vai trò độc lập trong nước Nga đã loan tin về những người lính Nga và các bà mẹ không biết tại sao con mình đi quân dịch bây giờ lại đang ở Ukraine. Mạng tin tức TV Rain và đài phát thanh Ekho Moskvy vẫn hoạt động chờ cơ hội loan tin xác thực. Các “vloggers” đủ can đảm như Yuri Dud đã loan tin cho 5 triệu người đọc, “Putin đã xâm lăng một quốc gia có chủ quyền…” Ngay cả các tỷ phú Nga đã làm giàu nhờ dựa vào Putin cũng bắt đầu lên tiếng kêu gọi đàm phán. Oleg Denipaska nói một cách dè dặt, “Hòa bình rất quan trọng. Cần phải đàm phán càng sớm càng tốt.”

Mười ngàn nghệ sĩ và giới văn nghệ Nga đã ký bức thư ngỏ gửi Putin yêu cầu “ngưng chiến và bày tỏ tình đoàn kết với dân Ukraine.” Một nhạc sĩ trẻ mang hiệu Oxxxymiron tuyên bố trên Instagram ông sẽ bãi bỏ sáu buổi ca nhạc ở Moscow và St. Petersburg dù đã bán hết vé. Ông viết cho hơn 2 triệu người đọc, “Ukraine không xâm lăng lãnh thổ Nga. Chính Nga đang dội bom trên một quốc gia có chủ quyền.” Một nhạc sĩ trẻ vẫn ủng hộ Putin từ lâu, Sergey Lazarev giờ cũng viết cho 4.7 triệu người, “Không ai ủng hộ chiến tranh! Tôi muốn các con tôi sống trong hòa bình!” Nhạc trưởng nổi tiếng Semyon Bichkov phản đối cuộc xâm lăng Ukraine, ông nhấn mạnh, “ …nỗi đau khổ của nhân dân Nga lúc này, nỗi hổ thẹn và khó khăn kinh tế họ đang phải chịu đựng là sự thật. Dần dần dân Nga sẽ thấy sự thật… Im lặng khi chứng kiến ác quỷ hoành hành là đồng lõa với quỷ rồi sau cùng sẽ biến thành quỷ luôn.”

Dù Putin có thể chiếm được thủ đô Kyiv thì cuộc kháng chiến của dân Ukraine vẫn tiếp tục. Khắp thế giới, vũ khí đang được chuyển tới biên giới Ba Lan, Bulgari, Romani và Ukraine (Hungary không cho phép). Khi cuộc chiến chấm dứt, Vladimir Putin sẽ hiện nguyên hình là một người hùng làm bằng giấy, hay bằng rơm theo lối nói của người Việt. Sẽ đến ngày anh hùng rơm phải ra tòa vì tội ác chiến tranh.

Ukraine, cuộc chiến của lương tâm

Ukraine, cuộc chiến của lương tâm

Bởi  AdminTD

 Thọ Nguyễn

4-3-2022

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine khiến hàng ngàn dân thường thiệt mạng. Nguồn: Dmytro Kumaka

Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đã thay đổi thế giới. Mặc dù Putin coi đây là chiến dich quân sự để gìn giữ hòa bình, nhưng sự tàn bạo trong 9 ngày qua cho thấy, đây là một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm xóa bỏ một nhà nước, vẽ lại đường biên giới, chia lại lãnh thổ.

Khác với mọi cuộc chiến tranh vũ khí thông thường (conventional weapons), đây là cuộc chiến tranh công nghệ IT đầu tiên trong lich sử. Hai bên đang tìm cách đánh vào các trung tâm dữ liệu và mạng của nhau. Trong lĩnh vực này Ukraine không thua kém Nga như tương quan về quân đội và vũ khí nặng.

Đáng sợ nhất là cuộc chiến tranh mang dấu ấn hạt nhân. Không nói đến những lời đe dọa dùng bom hạt nhân của Putin, việc quân Nga chiếm giữ khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và đang tiến đến các nhà máy khác của Ukraine khiến cả nhân loại lo sợ. Năng lượng hạt nhân chiếm 52% tổng sản lượng điện lực của Ukraine với 16 lò phản ứng lắp đặt trong 4 nhà máy. Hôm nay nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhia đã bị tấn công. Người ta không chỉ lo sợ vì Putin đang hành động như một kẻ mất trí, mà vì kẻ mất trí đó đang kiểm soát một thể chế độc tài, và không ai quanh ông ta dám hé môi khuyên can.

Mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh của Putin càng xa vời thì viễn cảnh thảm họa hạt nhân càng trở nên nhãn tiền. Để diệt kẻ thù ở Chechnya hay Syria, Putin đã hủy diệt các thành phố Grozny, Aleppo, Holms cùng hàng trăm ngàn dân thường.

Trong cuộc điện đàm với tổng thống Pháp Macron hôm qua 03.03, Putin đe dọa: Điều tồi tệ nhất còn ở trước mắt!

Trong mọi cuộc chiến, hai bên đều phát động chiến tranh tâm lý, nhưng chiến tranh Ukraine là cuộc chiến truyền thông ở mức độ khác thường.

Tháng 8.1965 Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, bắt đầu trực tiếp tham chiến nhưng phải hai năm sau, phong trào phản chiến ở Mỹ mới phát triển và năm 1968, những hình ảnh của cuộc chiến thảm khốc mới tạo ra làn sóng phản đối của thanh niên toàn châu Âu. Ngày đó nhân loại chưa có khái niệm về live stream về photoshoping. Mỗi đoạn phim từ mặt trận mất vài ngày mới lên được sóng TV ở Mỹ. Người miền Bắc chờ cả mấy tháng sau mới xem được những thước phim vượt Trường Sơn.

Bom đạn của Putin vừa dội xuống các thành phố Ukraine rạng sáng 24.02, chỉ mấy phút sau cả thế giới thấy những video live từ các mặt trận. Những người lính Nga trước khi chết còn kịp nhắn tin cho mẹ ở xa hàng ngàn cây số. Trên mạng xã hội tràn ngập tin tức, thật giả lẫn lộn. Cả hai bên đều sử dụng lợi thế của Internet để tuyên truyền cho mình. (Đáng nói là Internet của Ukraine vẫn hoạt động tốt, ngay khi bom nổ gần nơi người được phỏng vấn).

Mạng xã hội Việt tràn ngập các ý kiến và tin tức về cuộc chiến này. Trong khi chính phủ Việt Nam chỉ tuyên bố ba phải, không lên án ai, không ủng hộ ai thì dân chúng và giới tinh hoa Việt chia thành hai phe đánh nhau trên mạng. Tôi không thể biết tỷ lệ trên toàn mạng, nhưng phần đông những người bạn FB của tôi đứng về phía dư luận toàn cầu, phản đối Putin xâm lược và ủng hộ nhân dân Ukraine đang bảo vệ quyền tự quyết của mình.

Ngược lại cũng có những ý kiến, chủ yếu của các bậc được học hành, thuộc tầng lớp tinh hoa đứng về phía Putin, coi việc ông ta đem quân sang Ukraine là để bảo vệ nước Nga trước đe dọa của NATO.

Tin giả và sự cường điệu tràn ngập cả hai phe. Bên này ca ngợi tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine bằng hình ảnh của các nữ binh xinh đẹp, của các câu chuyện tình lãng mạn. Họ chế nhạo những cái chết thảm khốc của lính Nga, trong khi những thanh niên mặt còn bụ sữa này bị đẩy vào chỗ chết là nỗi đau bất tận của các bà mẹ Nga. Họ lạc quan tiên đoán thất bại nay mai của Putin bởi hình ảnh các đoàn xe tăng Nga cháy trụị.

Thực tế là sau những tổn thất của 8 ngày đầu, quân Nga đang thận trọng tiến chậm lại để đảm bảo khâu tiếp tế. Putin sẽ dần tung hết lực lượng dự trữ cho chiến dịch này đang còn nằm ở bên kia biên giới, quyết bao vây các thành phố lớn. Nếu cần, Putin sẽ đưa thêm hàng trăm ngàn quân nữa sang.

Mục tiêu hủy diệt còn ở phía trước, tiềm lực chiến tranh của Putin còn nhiều.

Phe ủng hộ Putin thì luôn tung ra lập luận: “Ukraine vì theo phương Tây mà buộc Nga phải đánh để bảo vệ an ninh của mình”. Người hung hăng thì chế nhạo Zelenskyi là thằng hề bù nhìn của Mỹ, so sánh chế độ của Ukraine với Khmer Đỏ đáng bị xóa sổ. Người mềm dẻo hơn thì phán là chiến tranh “luôn do cả hai bên”, là Zelenskyi “cũng có lỗi vì không khéo léo với Putin”.

Họ bênh vực việc Putin coi Ukraine là “đe dọa nước Nga” và quyết “phi quân sự hóa” nước này trong khi quân đội Ukraine không có nổi một cuộc phản kích nào bằng pháo binh, tên lửa hoặc không quân vào các căn cứ của Nga bên kia biên giới. Hải quân Ukraine hầu như không hoạt động. Thực tế quân đội Ukraine so với Nga chỉ là một quân đội du kích. Cho đến nay họ chống cự được với đại quân Nga chính nhờ chiến thuật du kích, bởi lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm.

Ai đó ủng hộ Putin xóa bỏ chế độ Phát-Xít Ukraine mà không biết rằng, chỉ riêng việc “anh hề” Zelenskyi được bầu làm tổng thống trong một cuộc bầu cử đa đảng, và việc chuyển giao quyền lực một cách êm đẹp từ cựu tổng thống Poroschenko, một nhà tài phiệt, đã chứng tỏ nền dân chủ bám rễ chắc ở đó.

Trong khi đó, Putin cầm quyền từ 2000 đến nay, đã có lúc phải giả vờ làm thủ tướng để lách hiến pháp rồi thay đổi hiến pháp để có thể cầm quyền suốt đời.

Nhà sử học Mỹ Tymothy Snyder từng nói: “Bước chuyển sang chủ nghĩa chuyên quyền cực hữu có lẽ là bậc thang cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản – dù mới nghe có vẻ rất quái gở” [1] Chủ nghĩa chuyên quyền cực hữu chính là chủ nghĩa Phát xít. Tập Cận Bình đã xây dựng chế độ này ở Trung Quốc nhưng chưa ra tay. Putin đã ra đòn trước.

Hành động này khiến NATO và EU đang chia rẽ bỗng đoàn kết lại. Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Orban của Hungary, vốn bị coi là hai tay trong của Putin ở NATO và EU cũng phải lên án cuộc xâm lăng. Hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa ở Mỹ bỗng đồng thanh vỗ tay diễn văn của ông Biden về thái độ của Mỹ. Các ngân hàng Thụy Sỹ bỏ nguyên tắc trung lập từ hàng trăm năm nay để tham gia vào cuộc cấm vận các ngân hàng Nga…

Chỉ năm ngày sau khi Putin tấn công Ukraine, giới chính trị Đức, cả tả lẫn hữu cùng nhất trí rũ bỏ chiếc áo “Vì quá khứ quân phiệt nên phải hòa bình” mà họ nấp trong đó lâu nay. Đức tuyên bố cung cấp ngay vũ khí made in Germany cho Ukraine và nâng ngân sách quốc phòng lên 100 tỷ EURO (tức là 2,6% của 3800 tỷ EUR GDP). Nghị sỹ Gysi (được coi như lãnh tụ của cánh tả) xưa nay vẫn bênh vực Putin, nay đã quay sang lên án Putin. Cựu thủ tướng Schröder, bạn thân của Putin, có chân trong công ty dầu khí quốc gia ROSNEFT, đang bị dư luận Đức lên án vì không rời bỏ các chức vụ ở Nga. Câu lạc bộ bóng đá BVB Dortmund đã tước thẻ hội viên danh dự của Schröder. Liên đoàn bóng đá Đức và ngay cả đảng SPD đã ra tối hậu thư cho kẻ ngậm miệng ăn tiền này [2].

Ví dụ của Đức và muôn vàn ví dụ nữa, từ thể thao, nghệ thuật, kinh doanh… cho thấy cuộc chiến tranh Ukraine còn là cuộc chiến tranh của lương tâm, của cái thiện chống cái ác.

Các lý lẽ về dân chủ, về NATO, về lịch sử nước Nga/ Ukraine về xung đột lãnh thổ thời Liên Xô khó có thể thống nhất được, vì đó là nhận thức, là lý trí.

Con người ngoài lý trí còn có lương tâm. Người lương thiện không thể bênh vực việc dùng bom đạn tàn phá một nước không hề và cũng không bao giờ đủ sức đe dọa mình. Lương tâm trong lành không thể bênh vực các cuộc ném bom vào dân thường.

Việc một quốc gia lựa chọn thể chế cũng giống như con người ta lựa chọn lối sống. Nếu ông bố chỉ vì sợ con mình cũng bị lây thị hiếu nhạc Rock và ăn mặc diêm dúa của con nhà hàng xóm thì nên đóng cửa lại và dạy con mình trò khác, “bản sắc dân tộc” hơn. Nhưng nếu lấy cớ “Chơi với Tây là đe dọa tao” để tràn sang đốt nhà và tàn sát gia đình hàng xóm, thì đó là tội ác.

Người có lương tâm phải biết phân biệt thiện-ác.

[1] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/6772520612765954

[2] https://www.welt.de/politik/deutschland/article237263307/Altkanzler-Schroeder-Mit-Putin-auf-dem-Weg-in-die-Isolation.html