Phi cơ American Airlines đụng trực thăng quân đội gần Tòa Bạch Ốc, toàn bộ 67 người tử nạn

Ba’o Nguoi-Viet

January 30, 2025

WASHINGTON, DC (NV) – Một chiếc phản lực cơ bay cho hãng hàng không American Airlines chở 64 người đụng một chiếc trực thăng Black Hawk của quân đội Hoa Kỳ do ba binh sĩ điều khiển gần phi trường quốc gia Ronald Reagan Washington National Airport ở Washington, DC, đêm Thứ Tư, 29 Tháng Giêng, làm tổng cộng 67 người thiệt mạng.

Chuyến bay dân sự số 5342 khởi hành từ Wichita, Kansas. Còn chiếc trực thăng thuộc Phi Đoàn 12 Lục Quân Hoa Kỳ đến từ căn cứ Fort Belvoir ở Virginia.

Mảnh vỡ từ chiếc máy bay trên dòng sông Potomac đang được trục vớt ở Washington, DC, sáng 30 Tháng Giêng, 2025, sau tai nạn máy bay đụng trực thăng đêm hôm trước. (Hình: ANDREW CABALLERO-REYNOLDS/AFP/Getty Images)

Hành khách gồm 60 người trên phi cơ dân sự cùng bốn thành viên phi hành đoàn. Trên trực thăng có ba binh sĩ Hoa Kỳ đang bay tập sự, phát ngôn viên Đội Đặc Nhiệm Hỗn Hợp Vùng Thủ Đô Quốc Gia cho biết.

Các toán cấp cứu trục vớt được một số thi thể nạn nhân từ dưới sông Potomac, không có hy vọng còn người nào sống sót.

Trong số nạn nhân máy bay dân sự có nhiều lực sĩ trượt băng nghệ thuật, bao gồm vợ chồng vô địch quốc tế người Nga. Ngoài ra nghiệp đoàn ngành xây lắp sửa chữa ống nước của Hoa Kỳ và Canada cũng loan báo có bốn thành viên nghiệp đoàn trên chuyến bay bất hạnh.

Xác chiếc máy bay dân sự đứt làm ba phần, nằm ngửa bụng ở vùng nước sông sâu tới cỡ thắt lưng. Chiếc trực thăng cũng đã được tìm thấy.

Do lực va chạm mạnh, các mảnh vỡ từ tai nạn trên không trung văng ra tứ tung, rải rác ở các tiểu bang Virginia, Maryland và Washington, DC. Các bến tàu và công viên dọc theo dòng sông và ven biển, bao gồm đảo Daingerfield, Gravelly Point, Hains Point, và National Harbor, tạm đóng cửa để hỗ trợ công cuộc tìm kiếm.

Hai chiếc tàu cứu nạn kéo mảnh vỡ từ tai nạn hai phi cơ trên sông Potomac gần phi trường quốc gia Reagan National Airport ở Washington, DC, đêm 29 Tháng Giêng, 2025. (Hình: ANDREW CABALLERO-REYNOLDS/AFP/Getty Images)

Tai nạn xảy ra ở không phận được bảo vệ nghiêm mật nhất thế giới, chỉ cách Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội ba dặm về hướng Nam.

Khi bay ngang sông Potomac, chuẩn bị đáp ở đường băng số 33 tại phi trường Reagan, phi cơ American Airlines đang ở cao độ 400 foot và tốc độ 140 dặm/giờ thì bỗng dưng lao xuống, theo dữ liệu từ máy truyền tín hiệu. Máy bay Bombardier của Canada sản xuất năm 2004 có hai động cơ, chở được tối đa 70 hành khách.

Chiếc trực thăng khi ấy dường như đang bay ở độ cao khoảng 350 foot, trên cao độ bắt buộc 200 foot, theo các nguồn tin thông thạo.

Dưới 30 giây trước khi hai chiếc máy bay đụng nhau, một người điều khiển không lưu hỏi trực thăng liệu có thấy chiếc máy bay dân sự trong tầm nhìn hay không, nhưng không thấy trực thăng hồi âm. Một chốc sau thì đài không lưu thông báo cho trực thăng “lướt qua phía sau” máy bay dân sự. Vài giây sau thì hai chiếc máy bay đâm sầm vào nhau lúc 8 giờ 47 phút.

Máy thu hình từ tòa nhà Kennedy Center bắt được đốm sáng lúc máy bay có thể đã nổ trên không trung trước khi rơi xuống dòng sông Potomac đêm 29 Tháng Giêng, 2025, tại Washington, DC (Hình: Kennedy Center Webcam/@aletweetsnews/X)

Đài không lưu lập tức ra tín hiệu cho tất cả máy bay tránh khỏi khu vực phi trường Reagan, và FAA cho biết phi trường tạm thời đóng cửa.

Jack Potter, tổng giám đốc phi trường Washington, cho hay vào sáng Thứ Năm rằng phi trường Reagan sẽ hoạt động lại vào lúc 11 giờ.

Tổng Thống Donald Trump đã được cập nhật tình hình. Trong một thông cáo, ông Trump gửi lời cảm tạ các nhân viên cấp cứu đã lập tức ứng phó với tai nạn.

Bầu trời trong vào đêm hai máy bay đụng nhau. Nước sông Potomac lạnh khoảng 36 độ Fahrenheit, gió giật tới 25 dặm/giờ suốt buổi chiều tối, dù Thứ Tư là một ngày tương đối ấm áp hơn ở Washington với nhiệt độ lên cao nhất trong ngày ở mức 60 độ F.

Sơ đồ nơi máy bay dân sự và trực thăng quân đội tông nhau ở Washington, DC, đêm 29 Tháng Giêng, 2025. (Nguồn: AP, FlightAware, adsbexchange.com, OpenStreetMap)

Tai nạn không lưu này là thử thách đầu tiên cho tân Bộ Trưởng Giao Thông Sean Duffy, người vừa mới được phê chuẩn hôm Thứ Ba.

Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth tuyên bố quân đội và Bộ Quốc Phòng vào cuộc điều tra ngay lập tức.

Chiếc trực thăng chở ba binh sĩ Lục Quân đang “huấn luyện thuần thục thao tác bay hàng năm” vào thời điểm xảy ra tai nạn, Hegseth cho biết trong một tuyên bố qua băng thu hình. Toán phi công này “khá là kinh nghiệm” và “có đeo kính hỗ trợ tầm nhìn ban đêm,” Hegseth nói.

Các phi công bay cho Phi Đoàn 12 ở Fort Belvoir thường bay dọc theo sông Potomac, thường là để đưa đón các tướng lãnh hoặc các nhà lãnh đạo quân đội từ Ngũ Giác Đài, hoặc một số yếu nhân khác trong vùng Đông Bắc Mỹ. Đường bay đêm Thứ Hai khá thông dụng cho phi đoàn. Có khoảng 100 máy bay trực thăng của Lục Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Hải Quân, và Bộ Nội An qua lại khu vực vừa xảy ra tai nạn mỗi ngày.

Cơ Quan Điều Tra Liên Bang FBI gửi đội ứng phó từ thủ đô đến nơi xảy ra tai nạn để hỗ trợ.

Phi trường quốc gia Wichita National Airport thành lập đội ngũ tại chỗ để giúp đỡ, thông tin cho gia đình các nạn nhân.

American Airlines thiết lập đường dây điện thoại để thông tin cho gia đình và bạn bè nạn nhân: 1-800-679-8215.

Thống Đốc Virginia Glenn Youngkin cho biết đã huy động lực lượng tìm kiếm và cứu nạn từ miền Bắc tiểu bang phối hợp với vùng District of Columbia và tiểu bang Maryland.

Trong cuộc họp báo sáng Thứ Năm, Thị Trưởng Lily Wu của thành phố Wichita, nơi chuyến bay xuất phát, bày tỏ nỗi đau buồn tột độ trước tai nạn thảm khốc. Bà nói, chuyện thương tâm này sẽ “vĩnh viễn” gắn liền Wichita với Washington.

Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia NTSB lãnh đạo cuộc điều tra tai nạn, phối hợp với FAA.

Tổng Giám Đốc Robert Isom của American Airlines xác nhận chi tiết về chuyến bay gặp nạn, đồng thời bày tỏ “niềm đau buồn tột độ” trước sự việc này trong một đoạn ghi hình đăng trên trang mạng của hãng hàng không. Tại cuộc họp báo sáng Thứ Năm, Isom cho biết viên phi công chính lái máy bay gặp nạn có gần sáu năm kinh nghiệm làm việc cho PSA Airlines và phi công phụ thì gần hai năm.

Lần chót có tai nạn máy bay dân sự Hoa Kỳ làm chết người xảy ra vào năm 2009 ở Buffalo, tiểu bang New York, theo NTSB. Tất cả 45 hành khách và bốn người trong phi hành đoàn trên chiếc máy bay Bombardier DHC-8 đều thiệt mạng cùng với một người dưới mặt đất.

Tin đăng lúc 23:10 ET ngày 29/1, cập nhật lúc 11:01 ET ngày 30/1 – (TTHN)


 

NƯỚC MỸ SỐ MỘT VÌ “TOILET”? – Phượng Vũ

Phượng Vũ

Lợi tức đầu người (GDP) dân Na Uy đứng hạng 3 trên thế giới: 65,500 USD 1 năm, Mỹ hạng 7 = 50,000 USD, nhưng vật giá ở Na Uy cao hơn Mỹ gần 3 lần, xăng giá 11usd /1 gallon, sale tax 25%, nhà hàng không cho free nước đá lạnh như Mỹ, khát phải mua 1 chai nước nhỏ giá 24 Krone = 4USD, suy ra nếu so sánh GDP Mỹ với vật giá Âu Châu thì GDP Mỹ phải cao hơn 150,000 USD!

Ngay giữa thành phố Oslo là công viên tên Vigelandsparken Sculpture Park có những bức tượng điêu khắc mỹ thuật, rộng 80 mẫu, hàng triệu du khách đến mỗi năm… nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh bên cạnh quán nước ngoài cổng, phải nhét đồng 10 Krones (1.75USD) để sử dụng, nhìn đoàn người xếp hàng rồng rắn bên ngoài chờ là… nhịn luôn!

Nước Mỹ số một…

Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

“Đi cho biết đó biết đây

Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”.

Câu nầy tui thêm vô “Ở nhà với vợ, biết ngày nào khôn”

Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người”.

Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội (kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên. Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

Nhưng khi du lịch ra nước ngoài khác mới “thấm thía” 

Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ – 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới!

Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự!

Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “bí” quá bèn hỏi:

– Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?

– Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!

Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như… cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ.

Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là XHCN, hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng. Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó.

Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la…, bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ, khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.

Phi trường ở Mỹ, ghế ngồi chờ đợi cho hành khách là ghế nệm dày và lúc nào cũng dư thừa, thậm chí lúc ít khách có thể nằm ngủ thoải mái. Toilet và vòi nước uống có khắp nơi, bây giờ lại có thêm những chỗ cho hành khách charge pin điện thoại, laptop, I pad, I phone…

Nhưng khi tới phi trường Paris (CDG) những nhu cầu căn bản đó hình như biến mất. Thực ra trước đây tôi đã đến phi trường Paris nhiều lần, nhưng đều đi ra ngay luôn. Lần này chuyến bay chuyển ở Paris trước khi tới Berlin nên tôi mới có cơ hội thâm nhập CDG. Trước hết khi máy bay đáp xuống CDG, tôi ngạc nhiên khi thấy phải đi cầu thang sắt xuống, với va li carry-on, nếu kéo đi thì nhẹ nhàng, nhưng phải xách nó lên và leo mấy chục bậc thang xuống thì không dễ chút nào! Sau đó, leo lên xe buýt chở vô phi trường.

Vô đây tôi lại tiếp tục chạy vòng vòng, mệt “bở hơi tai” vì phải xách carry-on lên xuống cầu thang nhiều lần đi từ khu này qua khu khác, phải qua khu x-ray (khám bằng tay là chính) rồi mới tới được cổng đổi chuyến bay! Khu nhà kiếng tương đối nhỏ nhưng có tới 12 cổng, mỗi cổng chỉ vỏn vẹn có một quầy nhỏ và một computer. Có một số băng ghế sắt trong khu vực cho hành khách ngồi đợi nhưng quá ít so với nhu cầu, nên hành khách ngồi la liệt dưới đất, khắp lối đi. Một số ông thì ngồi vắt vẻo trên các lan can, bờ tường. Tôi vừa mỏi chân, vừa mệt vừa khát nước, nhưng nhìn quanh cả khu vực không thấy có vòi nước uống nào, cả WC cũng không có, chỉ thấy toàn người là người

Khi lên được máy bay Air France, ngồi yên chỗ quan sát, tôi có cảm tưởng nó là “xe đò bay” thì đúng hơn (khi so sánh với máy bay Mỹ mà tôi vừa đi) vì ghế ngồi và thiết bị cũ kỹ như từ thế kỷ trước. Lúc máy bay cất cánh tôi nghe nó gầm gừ “phành phành” rồi “ạch ạch” như đang cố sức nâng cái thân già nua bốc lên khỏi mặt đất, tôi chỉ lo nó rớt (may là tôi có mua bảo hiểm rồi nên đỡ lo). Cuối cùng sau một hồi “lắc lư con tàu” nó cũng bay lên được… Yên tâm rồi, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi (vì chẳng có phương tiện giải trí nào: nhạc, tivi…).

Cơn khát nước làm tôi chợt tỉnh, thấy chung quanh ai cũng có ly nước, tôi bèn yêu cầu một nam tiếp viên cho xin ly nước, nhưng hắn trố mắt ra ngó tôi như tôi đang đòi hỏi một điều gì quá đáng, rồi hắn phớt lờ (đúng là tính “ga lăng” của đàn ông Pháp đã trở thành quá khứ). Có lẽ họ cho rằng họ chỉ phát nước theo giờ của họ, hết giờ là hết phát? Sau khi yêu cầu 2 lần không được, khát quá tôi đợi lúc bà tiếp viên trưởng đi ngang để lập lại yêu cầu, bà bảo tôi đợi một lát và mang đến cho tôi một ly nước nhỏ. Hình như nước trở thành hiếm quý và cách phục vụ lịch sự cũng hiếm quý luôn!

Ôi Air France! Một thuở mơ ước khi tôi còn học trung học ở Saigon, lúc nhìn những hình ảnh quảng cáo của Air France trên các tạp chí nước ngoài! Ôi mộng và thực đúng là “nghìn trùng xa cách”! Xin tạm biệt Air France và phi trường Paris (kinh đô ánh sáng một thời) mà không mong ngày gặp lại! Có lẽ từ đây nếu có du lịch châu Âu, tôi phải lo học thuộc lòng câu của William Shakespear: “I always feel happy, you know why? Because I don’t expect anything from anyone.”

Tới phi trường Berlin (TXL) lại cũng phải đi cầu thang sắt xuống, rồi đi xe bus vô phi trường, xem ra phi trường này còn nhỏ và thiếu tiện nghi hơn phi trường Paris, tôi lại tiếp tục xách carry-on mệt nghỉ, chứ không kéo đi nhẹ nhàng như ở các phi trường Mỹ. May mà hai nước Pháp và Đức là hai nước lớn lại có nền kinh tế vững mạnh trong khối châu Âu.

Đúng là có đi ra ngoài mới thấy tiện nghi ở nước Mỹ là số một, đó là chưa kể đến vụ so sánh giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, hàng hóa ở Mỹ vừa nhiều vừa rẻ. Sau này về đến phi trường LAX tôi thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái, tất cả đều được chuẩn bị phục vụ chu đáo nhanh gọn, lịch sự.

Đúng là “sweet home”. Ôi! “My beautiful America”. Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự yêu mến và tự hào về quê hương thứ 2 của tôi: Nước Mỹ yêu dấu!

Quả là:

“Phải chờ đến xế chiều

Ta mới thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ biết bao!”

Nói đến niềm tự hào về nước Mỹ, tôi lại nhớ đến sự việc trên chuyến Cruise Coastal của Đức vừa đi. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị nghẹt, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ “Customer Service” để xếp hàng đi khiếu nại..

Thật ngạc nhiên khi họ “tỉnh bơ” cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo.

Tôi bèn hỏi:

– Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?

– Đi kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài…

– Nhưng chúng ở đâu?

Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải “ôm bụng” chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân châu Âu quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?

Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Đức. Sáng nay chị đã là nạn nhân “ôm bụng” chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị.

Do đó tôi tưởng chị là “đồng minh” bèn nói:

– Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Đã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi…Không ngờ chị phản ứng mạnh:

– Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị chúng ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia, còn đòi xin lỗi…“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”…

Chị mắng cho một hồi “tràng giang đại hải” mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị “giũa” một trận te tua chỉ vì là “dân Mỹ” mà nào tôi có đòi hỏi điều gì cao cấp đâu, chỉ là những nhu cầu căn bản thôi. Thôi “một sự nhịn chín sự lành”, nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn “chị hai” trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi!

Suy ra mới biết tinh thần “bài Mỹ” ở các nước Âu châu khá mạnh (ghé vô Nga 1 ngày tham quan cũng phải nộp tiền làm đơn xin visa).

Kiểu này qua các nước Trung Đông chắc bị “xơi tái” quá, nhưng tôi nhớ một lần cách đây 5, 6 năm dân Mỹ qua Ai cập thì lại được đối xử như VIP, đi đâu cũng được ưu tiên và có xe jeep hộ tống “tiền hô, hậu ủng” rất oai!

Hôm sau tâm sự với một chị bạn khác về nỗi ấm ức bị mắng oan. Chị trả lời:

– Chắc tại chị ấy ở Đức lâu, nên ngấm tinh thần “tự tôn dân tộc” của dân Đức, không muốn nước nào qua mặt, mà như vậy là tự ái dân tộc dỏm, vì dù gì mình cũng là người Việt Nam! (Chị cười) Ai bảo Mỹ giàu hơn, mạnh hơn nên dễ bị chúng ghét!

Tôi chán ngán:

– À thì ra vậy! Hèn gì em nghe người ta thường nói “ở đời mình thua chúng khinh, mình hơn chúng ganh ghét, mình bằng chúng nói xấu”.

Không biết đến bao giờ các dân tộc trên thế giới sẽ sống với nhau trong tâm trạng “để hận thù người người lắng xuống” hầu không còn ai cảm thấy:

“Đôi khi ta muốn thoát ly

Đi thật xa khỏi cuộc đời này

Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai”

(Lê Hựu Hà)

Dù sao nhờ có đi ra ngoài, có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh, tôi mới biết trân quý hơn những điều tôi đang được hưởng mỗi ngày ở xã hội này, mà đôi khi quá quen, tôi cứ xem đó là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình (giống như trong đời sống gia đình có nhiều người có phước có được những bà vợ, ông chồng rất tốt, rất tử tế, nhưng họ không hề biết quý và cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên và bình thường, cho đến khi không còn nữa mới hối tiếc thì đã muộn!).

Khi ý thức lại những tiện nghi của đời sống ở Mỹ mà tôi vẫn xem đó là chuyện bình thường, tôi mới biết đôi khi nó là niềm ước mơ của biết bao người trên thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Họ không chỉ cần những nhu cầu vật chất căn bản của đời sống nhưng còn cần những nhu cầu căn bản về tinh thần (quyền làm người, quyền tự do…) mà họ khát khao nhưng không hề được đáp ứng!

Xin cám ơn Chúa, xin cám ơn đời đã cho tôi có một cuộc sống tương đối an lành trên xứ Mỹ này, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh khác nơi quê nhà, vì có thể “Một tình thương cho cuộc sống đang chờ đợi ta” bởi:

“Tình yêu là trái chín của mọi mùa

Nằm trong tầm với của mọi bàn tay” (Mẹ Theresa)

Phượng Vũ

From: Tu-Phung


 

Tội phạm trở thành tổng thống, và bản án gây chia rẽ nước Mỹ-Bình Thiên

Ba’o Nguoi-Viet

January 24, 2025

Bình Thiên

Một người bị kết án 34 tội danh trọng tội lại nghiễm nhiên làm chủ Tòa Bạch Ốc, chuyện chưa từng có trong lịch sử chính trị nước Mỹ.

Ông Donald J. Trump, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, bị tuyên án trong vụ án tiền bịt miệng ở Manhattan, thay vì bị tống vào tù hay chịu một hình phạt thích đáng, lại được nhận bản án “tha bổng vô điều kiện.”

Phiên tòa xét xử ông Trump không chỉ là một sự kiện pháp lý thông thường, mà là cuộc đối đầu giữa quyền lực và công lý, giữa sự giàu có và trách nhiệm. Phiên tòa được mở ra sau khi một bồi thẩm đoàn kết luận ông Trump với 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh. Những tội danh này bắt nguồn từ một khoản tiền $130,000 được trả cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels, một hành động nhằm che đậy mối quan hệ tình ái của ông, và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016. Các công tố viên chỉ ra rằng khoản tiền này được che giấu một cách có hệ thống thông qua các giao dịch kinh doanh giả mạo của Tập đoàn Trump.

Trump zipper

Hình ảnh bịt miệng ông Trump của báo cánh tả, tranh biếm của R.J Matson, báo Portland.

Thẩm phán Juan Merchan, người chủ trì phiên tòa, đã đưa ra một quyết định gây tranh cãi khi tuyên bố rằng một bản án “tha bổng vô điều kiện” là “lựa chọn hợp pháp duy nhất” để tránh xâm phạm đến vị trí tổng thống cao nhất của đất nước. Ông thừa nhận “tội nhân” với tư cách là tổng thống đắc cử, sẽ được hưởng những “biện pháp bảo vệ pháp lý đặc biệt.” Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng những biện pháp này không hề làm giảm đi mức độ nghiêm trọng của tội ác hay biện minh cho hành vi phạm tội dưới bất kỳ hình thức nào.

Bản án không có hình phạt này, mặc dù không có tính răn đe, lại là một bước ngoặt trong hành trình pháp lý đầy rắc rối của ông Trump. Nó cho thấy sự phức tạp và đôi khi là mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật Mỹ, nơi mà quyền lực chính trị và vị thế xã hội có thể làm mờ đi ranh giới giữa công lý và đặc quyền. Các chuyên gia pháp lý đã nhận định rằng bản án “tha bổng vô điều kiện” tuy không hiếm trong các vụ án cấp thấp, nhưng lại cực kỳ hiếm trong các vụ án trọng tội.

Trước khi phiên tòa tuyên án diễn ra, ông Trump và đội ngũ luật sư của mình ra sức tìm cách trì hoãn và hủy bỏ phiên tòa. Họ đưa ra những yêu cầu lên tòa phúc thẩm, tòa án cấp cao nhất của New York và thậm chí cả Tòa Án Tối Cao, lập luận rằng với tư cách là tổng thống đắc cử, ông Trump nên được hưởng quyền miễn trừ truy tố như một tổng thống đương nhiệm. Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu này đều bị bác bỏ.

Donald Trump's second impeachment, death penalty returns: Top columns

Phiên tòa không chỉ là một sự kiện pháp lý, mà còn là một câu chuyện kịch tính về sự trỗi dậy và sa ngã của một người đàn ông đã làm đảo lộn chính trường Mỹ. Bảy tháng trước đó, ông Trump phải đối mặt với các công tố viên và công chúng trong một phiên tòa hình sự chưa từng có đối với một cựu tổng thống. Toàn bộ sự chú ý của giới truyền thông và công chúng đổ dồn vào phiên tòa này, phơi bày những bí mật về các mối quan hệ ngoài luồng của ông và những nỗ lực che đậy trước cuộc bầu cử năm 2016. Ông Trump kiên quyết phủ nhận tất cả các cáo buộc này, nhưng bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết cuối cùng.

Bản án “tha bổng vô điều kiện” không phải là sự tha thứ hoàn toàn, mà là sự thỏa hiệp đầy tính toán, cách để hệ thống pháp luật Mỹ có thể “giải quyết” tình huống chưa từng có mà không làm suy yếu vị thế của tổng thống. Nhưng điều này cũng cho thấy quyền lực chính trị có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kết quả của các vụ án pháp lý, đặc biệt là đối với những người có vị trí cao trong xã hội.

Trump Felony Guilty Verdicts: Darcy cartoon - cleveland.com

Ông Trump được tuyên trắng án về mặt hình phạt, không thể xóa đi thực tế rằng ông là một tội phạm, mà còn tới 34trọng tội, điều mà không một tổng thống Mỹ nào trong lịch sử từng trải qua. Bản án này là dấu ấn không thể xóa nhòa trong lý lịch của một người dân bình thường, huống chi là một tổng thống, một vết nhơ trong lịch sử nước Mỹ, và một cái tát vào mặt công lý.

Hơn thế nữa, ông Trump bị kết án trước khi nhậm chức lần thứ hai tại Tòa Bạch Ốc, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm: một tội phạm vẫn có thể trở thành tổng thống của một quốc gia. Điều này làm xói mòn niềm tin vào hệ thống pháp luật và chính trị của Mỹ, đặt ra câu hỏi: liệu nước Mỹ có đang hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm cho những người nắm giữ quyền lực cao nhất hay không.

Nhiều người Mỹ và cả thế giới đã theo dõi phiên tòa xét xử ông Trump với sự bất bình và hoài nghi. Quyết định không áp đặt hình phạt với ông Trump, không phải là sự công bằng, mà là sự thỏa hiệp mang tính chính trị, gây tranh cãi gay gắt về việc liệu quyền lực chính trị có thể làm lu mờ công lý hay không. Trong trường hợp của ông Trump, dường như quyền lực của một tổng thống đắc cử đã vượt lên trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp.

Ông Trump trở thành tổng thống với một tiền án có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế. Các đồng minh của Mỹ có thể đặt câu hỏi về cam kết của nước Mỹ đối với pháp quyền và các giá trị dân chủ. Các đối thủ của Mỹ có thể lợi dụng tình hình này để tấn công và làm suy yếu vị thế của Mỹ trên toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi và sự hoài nghi, một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ vẫn tin tưởng vào Trump và ủng hộ ông. Họ cho rằng phiên tòa là một cuộc “săn phù thủy” chính trị, một nỗ lực của phe đối lập nhằm làm mất uy tín của ông. Họ bỏ qua những sai phạm và chỉ trích đạo đức của ông để tập trung vào những chính sách và quan điểm mà họ ủng hộ.

Thực tế cho thấy, sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ không chỉ dừng lại ở quan điểm chính trị, mà còn lan rộng đến cách nhìn nhận về công lý và đạo đức. Ông Trump bị kết án hình sự mà vẫn được bầu làm tổng thống, cho thấy một bộ phận lớn người dân Mỹ sẵn sàng bỏ qua những hành vi sai trái của các nhà lãnh đạo, nếu họ đồng ý với những chính sách của người họ bỏ phiếu bầu. Trong bối cảnh đó, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump chắc chắn sẽ đầy rẫy những thách thức và tranh cãi. Việc ông bị kết án sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng bỏng trong các cuộc tranh luận chính trị và có thể ảnh hưởng đến các chính sách và quyết định của chính quyền.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi khó: công lý có thể bị ảnh hưởng bởi quyền lực chính trị? Đạo đức và trách nhiệm có còn là những giá trị quan trọng trong nền chính trị Mỹ? Một người bị kết án hình sự có thể trở thành tổng thống, có phải là điều bình thường? Những câu hỏi này không có câu trả lời dễ dàng, nhưng cần phải được đặt ra và thảo luận một cách nghiêm túc. Nếu không, nước Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Lời bình của Phan Sinh Trần – Kẻ Đi Tìm

  • Duy cái án 34 tội danh đã là vô lý rồi, chưa kể đến nó được moi ra từ một sự kiện cũ xì, “ăn bánh trả tiền” cho gái chơi, rồi trả thêm 130 ngàn để được yên thân. Sự kiện này đã được kiện tụng tơi bời từ 5,6 năm trước đây, có đang để phạt 34 tội hay đây là sự làm khó chính trị nhau một cách bất chấp luật lẽ thường? Nếu Trump không ra tranh cử nữa thì ông có bị tới 34 tội danh hay không? Các nhà luật pháp đều trả lời là không.
  • Bị ám sát hai lần, bị luận tội truất phế hai lần, bị vô số các lần âm mưu hãm hại về pháp lý, đó là thứ Công Lý mà những người phê bình nhân danh hay sao?
  • Nhân Dân Hoa Kỳ trong suốt mấy chục năm qua chưa bao giờ sai trong việc phân định và chọn người xứng đáng để cứu nguy nước Mỹ. Chả lẽ lần này họ chọn sai.
  • Thời gian sẽ trả lời nếu Tổng Thống Trump đi vào lịch sử như vị tổng thống phi thường như tiên đoán lúc đầu nhiệm kỳ một của Henry Kissinger hay không?
  • Chúng ta chờ xem có kỷ nguyên vươn mình cho nước Mỹ về tính minh bạch trong hành pháp, tư pháp, có sự vực dậy của công lý phi chính trị, hay không?

 

Nghi can phóng hỏa ở Los Angeles khai thích mùi lá cháy, cảnh hỗn loạn, tàn phá

Ba’o Nguoi-Viet

January 15, 2025

LOS ANGELES, California (NV) – Những nghi can phóng hỏa bị bắt ở Los Angeles County có người khai thích mùi lá cây cháy, có người nói thích cảnh hỗn loạn, tàn phá, theo OC Patch hôm Thứ Tư, 15 Tháng Giêng.

Từ khi những đám cháy rừng tàn khốc bùng lên ở quận hạt này cách đây hơn một tuần tới Thứ Tư, cảnh sát bắt giữ ít nhất bốn người vì tội cố ý phóng hỏa, gồm hai nghi can bị bắt tuần này.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân giữa những căn nhà bị cháy rụi trong đám cháy rừng Eaton ở Altadena, California, hôm Thứ Tư, 15 Tháng Giêng. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Khoảng 5 giờ 15 phút chiều Thứ Hai, cảnh sát tới khu vực gần ngã tư đường Glen Oaks với Van Nuys, nơi một cư dân đang tạm giữ nghi can phóng hỏa, ông Jim McDonnell, cảnh sát trưởng Sở Cảnh Sát Los Angeles (LAPD), cho hay.

“Khi tới nơi, cảnh sát bắt giữ nghi can, và cư dân đó đã dập tắt đám cháy trên cây gần đó,” ông McDonnell cho biết. “Nghi can thú nhận gây ra đám cháy đó vì ‘thích mùi lá cây cháy.’”

Nghi can đó bị truy tố tội cố ý phóng hỏa.

Tối hôm đó, khoảng 9 giờ rưỡi, ở khu vực đường Santa Monica với Vermont, lính cứu hỏa nhận được tin báo một phụ nữ đang đốt hàng loạt đống rác, theo ông McDonnell.

Lính cứu hỏa nhanh chóng dập tắt đám cháy đó, và nghi can bị bắt.

“Nghi can thú nhận gây ra nhiều đám cháy hôm đó, và khai rằng bà thích gây hỗn loạn và tàn phá,” ông cho hay.

Nghi can đó cũng bị truy tố tội cố ý phóng hỏa.

Ông Nathan Hochman, chánh biện lý Los Angeles County, tuyên bố sẽ đề nghị hình phạt cao nhất cho kẻ cố ý phóng hỏa.

Giới chức chưa biết nguyên nhân hai đám cháy rừng lớn nhất ở vùng Los Angeles hiện tại – đám cháy Eaton và đám cháy Palisades.

Tính tới chiều Thứ Tư, hai đám cháy rừng này lan ra tổng cộng gần 38,000 mẫu, làm ít nhất 25 người thiệt mạng và thiêu rụi hàng ngàn căn nhà. Trong khi đó, hơn 30 người vẫn còn mất tích. (Th.Long) [qd]


 

Jimmy Carter  Vị TT Nghèo Nhất Mỹ    

Ông là vị Tổng thống ( 1977 – 1981 ) nghèo nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông sống trong một ngôi nhà tồi tàn và thường mua đồ giảm giá tại Siêu thị.

Ông là Jimmy Carter, vị Tổng thống Hoa Kỳ duy nhất không có dinh thự. Sau khi rời Nhà Trắng, ông và vợ sống trong một ngôi nhà nhỏ chỉ có giá trị 167.000 đô la. Tất cả đồ đạc của họ đều là đồ cũ được cha mẹ ông truyền lại mà họ phải sửa chữa hầu như hàng tháng. Chất lượng cuộc sống của ông có lẽ còn tệ hơn hầu hết mọi người.

Thu nhập duy nhất của ông bà là lương hưu của Tổng thống, chỉ vọn vẹn 217.000 đô la một năm. Carter không sử dụng máy bay phản lực riêng. Ông bay hạng phổ thông, ngay cả khi đã già, ông vẫn xếp hàng để lên máy bay, từ chối được đối xử đặc biệt.

Carter và mẹ, Lillian Carter,
17 tháng 2 năm 1977

Ông đã lái một chiếc Ford Taurus cũ trong nhiều năm, một chiếc xe đã hơn 25 năm tuổi.

 Vậy tiền của ông đã đi đâu?

 Ông là người sáng lập Trung tâm Carter và cũng đã chi không dưới 30 triệu đô la để chống lại bệnh mù sông và bệnh giun Guinea. Ông đã đích thân giúp xây nhà cho các gia đình thu nhập thấp và thậm chí còn tự tay xây hàng chục ngôi nhà, tiếp tục làm như vậy khi đã về già. Provided by www.cartercenter.org

 Ông cũng đã quyên góp nhiều khoản phí diễn thuyết và các khoản thu nhập khác của mình cho tổ chức từ thiện, đóng góp hàng triệu đô la.

Jimmy Carter at Habitat for Humanity Through the Years

 Cựu Tổng thống này đã qua đời tại nhà riêng ở Georgia vào khoảng 3:40 chiều theo giờ miền Đông vào ngày 29 tháng 12 năm 2024. 

 Trích Từ Quora

From: haiphuoc47 &: tranminhman1962 & Nguyen NThu 

Bão lửa hoành hành ở Los Angeles, thiêu rụi hàng ngàn ngôi nhà (VOA)

VOA

10/01/2025

Ngọn lửa hoành hành ở gần Đại lộ Hollywood ở Los Angeles, California, hôm 8/1

Ngọn lửa hoành hành ở gần Đại lộ Hollywood ở Los Angeles, California, hôm 8/1

Hai đám cháy rừng lớn đe dọa Los Angeles từ phía đông và phía tây vẫn đang cháy không được kiểm soát vào sáng sớm ngày 9/1, hai ngày sau khi nó bùng phát, nhưng các đội cứu hỏa đã có bước tiến trong đêm khi họ đã kiểm soát được đám cháy nhỏ trên những ngọn đồi nhìn ra Đại lộ Hollywood.

Đám cháy Palisades giữa Santa Monica và Malibu ở sườn phía tây của thành phố và đám cháy Eaton ở phía đông gần Pasadena đã trở thành trận hỏa hoạn tàn phá nhất trong lịch sử Los Angeles khi nó thiêu rụi gần 28.000 mẫu Anh. Ít nhất năm người đã thiệt mạng và hàng ngàn công trình đã bị thiêu rụi.

Đám cháy kép – một phần của gọng kìm lửa xung quanh thành phố vốn trải rộng đến mức nó có thể nhìn thấy từ không gian – vẫn hoàn toàn không được khống chế vào lúc 6:30 sáng giờ địa phương, theo Sở Cứu hỏa California.

“Cơn bão lửa này rất lớn,” Thị trưởng Los Angeles Karen Bass nói trong một cuộc họp báo sau khi vội vã trở lại thành phố và phải cắt ngắn chuyến công du Ghana.

Lính cứu hỏa, được sự hỗ trợ từ máy bay trực thăng phun nước và chất chống cháy, đã cố gắng có bước tiến khi chữa Đám cháy Hoàng hôn, đã buộc người dân phải thi hành lệnh sơ tán bắt buộc ở Hollywood và Hollywood Hills – bao gồm các địa danh nổi tiếng trong giới showbiz như Nhà hát Trung Quốc TCL và Đại lộ Danh vọng Hollywood – vào cuối ngày 8/1.

Đám cháy đang giảm dần và thu hẹp từ 60 mẫu xuống còn khoảng 43 mẫu, theo giới chức. Không có ngôi nhà nào bị thiêu trụi trong khu vực, nữ phát ngôn nhân của sở cứu hỏa thành phố cho biết, và hầu hết lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ.

Nhìn chung, hơn 100.000 người đã được lệnh rời bỏ nhà cửa khi gió mạnh ngang cấp bão làm ngọn lửa lan nhanh trên vùng đất nứt nẻ vốn đã không có mưa trong nhiều tháng. Ít nhất năm đám cháy rừng riêng rẽ đã bùng phát ở Hạt Los Angeles vào sáng ngày 9/1.

Tư gia của các ngôi sao điện ảnh và người nổi tiếng nằm trong số những ngôi nhà bị ngọn lửa bao trùm. Ngọn lửa đã cắt qua những căn nhà thuộc dạng xa hoa nhất thế giới.

Sở Thời tiết Quốc gia đã gia hạn cảnh báo – vốn được ban hành khi có nguy cơ hỏa hoạn cao do độ ẩm thấp, gió lớn và nhiệt độ ấm áp – cho các hạt Los Angeles và Ventura cho đến 6 giờ chiều ngày 9/1.

Các quan chức cho biết tình trạng thiếu nước đã khiến một số vòi nước cạn kiệt ở khu sang trọng Pacific Palisades, vốn nằm giữa Malibu và Santa Monica.

“Chúng tôi đã vắt kiệt hệ thống đến cùng cực. Chúng tôi đang chữa cháy rừng với hệ thống nước đô thị,” Janisse Quinones, giám đốc điều hành của Sở Nước và Điện Los Angeles, nói với các phóng viên hôm 8/1.

Lính cứu hỏa đã làm những gì có thể để cứu mạng người dân và sau đó tập trung vào những gì họ có thể làm để cứu các công trình nhà cửa, dù có nước sẵn trong vòi hay phải đưa nước từ nơi khác tới, phát ngôn nhân Sở Cứu hỏa Los Angeles Adam VanGerpen nói với kênh CBS vào sáng ngày 9/1.

Đám cháy Palisades đã thiêu rụi 17.234 mẫu và hàng trăm công trình trên đồi, lan nhanh xuống Hẻm núi Topanga cho đến khi lan đến bờ biển Thái Bình Dương hôm 7/1.

Tổng thống Joe Biden đã được thông báo vào sáng ngày 9/1 về tác động của các đám cháy rừng đang diễn ra và sẽ gặp các quan chức hàng đầu của chính quyền vào buổi chiều để thảo luận về phản ứng của liên bang, Nhà Trắng nói với các phóng viên.


 

Nghi can xả súng vào 7 người ở trường học Wisconsin là nữ sinh

Ba’o Nguoi-Viet

December 18, 2024

MADISON, Wisconsin (NV) – Trong vụ xả súng xảy ra hôm Thứ Hai, 16 Tháng Mười Hai tại một trường học Cơ Đốc Giáo tiểu bang Wisconsin, nghi can là một cô gái 15 tuổi bị tố cáo bắn bảy nạn nhân làm hai người thiệt mạng, đây là vụ nổ súng hiếm hoi xảy ra trong trường học liên quan tới một tay súng nữ, theo dữ liệu từ Cơ Quan Điều Tra Liên Bang FBI và Sở Mật Vụ Hoa Kỳ.

Cảnh sát nhận dạng nghi can trong vụ xả súng tại trường Abundant Life Christian School tọa lạc ở Madison là Natalie Rupnow, được gọi là Samantha trong trường học.

Sau khi sát hại một nhà giáo và một bạn cùng lớp, không những thế còn làm năm người khác bị thương, trong đó có hai học sinh nguy kịch, nghi can liền chĩa súng tự bắn mình tới chết, theo cảnh sát.

Thân nhân, bằng hữu, và cộng đồng thắp nến tưởng niệm nạn nhân trong vụ xả súng ở trường Cơ Đốc Giáo Abundant Life Christian School đêm 17 Tháng Mười Hai, 2024 ở Madison, Wisconsin. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

“Thật đáng buồn nhưng hiếm khi nào có một tay súng nữ trong trường học,” Don Mihalek, một đặc vụ cấp cao đã nghỉ hưu thuộc Sở Mật Vụ nay hợp tác với ABC News cho biết. “Lịch sử cũng như các nghiên cứu cho thấy, thường thì học sinh hoặc cựu học sinh nam, da trắng mới là những người thực hiện những hành vi bạo lực tương tự trong trường học.”

Trung Tâm Đánh Giá Hiểm Họa Quốc Gia NTAC trực thuộc Sở Mật Vụ từng nghiên cứu 41 vụ bạo lực học đường có chủ đích từ 2008 tới 2017, trong đó có cả những vụ không có ai bị thương, từ đó thống kê được rằng 83% nghi can là nam và 17% là nữ.

Một nghiên cứu khác được FBI thực hiện cho biết trong số 49 tay súng từng dính líu tới 48 vụ xả súng xảy ra tại Hoa Kỳ trong năm 2023 thì có 98% là nam.

Trong số những thủ phạm gây ra các vụ xả súng trong trường học vào năm 2023 có Audrey Hale, 28 tuổi, kẻ ra tay hạ sát ba học sinh và ba nhân viên tại trường Covenant School tọa lạc ở Nashville, Tennessee, nơi hung thủ cũng từng là học sinh, nhà chức trách cho biết. Hale sở hữu bảy khẩu súng, gồm có ba trong số đó được dùng trong vụ xả súng tại trường tư thục, theo cảnh sát. Các viên chức cho biết lúc đó Hale đang điều trị một hội chứng rối loạn cảm xúc chưa được xác định rõ ràng. Sau khi gây án Hale bị hai cảnh sát bắn hạ tại chỗ.

Một phát ngôn viên cảnh sát nói với ABC News rằng Hale được khai sinh là nữ giới đồng thời chỉ ra một trương mục mạng xã hội dính líu tới Hale nhưng sử dụng đại từ nhân xưng “he/him” (anh/anh ấy).

FBI thực hiện một cuộc đánh giá liên quan tới 345 nghi can trong 333 vụ xả súng diễn ra từ 2000 tới 2019, gồm có 62 vụ xảy ra trong môi trường giáo dục, 332 vụ nghi can là nam và 13 vụ là nữ.

Văn Khố Theo Dõi Súng Đạn GVA, một trang mạng theo dõi tất cả các vụ xả súng xảy ra tại Hoa Kỳ, phát giác ra rằng trong số 805 vụ xả súng trong trường học dậy lên từ 2012 thì có 157 vụ dính líu tới “các nữ nghi can.”

Trung Tâm Thống Kê Giáo Dục Quốc Gia NCES cũng tìm hiểu được rằng trong số những hung thủ từng thực hiện các vụ xả súng trong môi trường giáo dục từ 2000 tới 2022 thì có 94% là nam.

Các nhà điều tra tại Sở Cảnh Sát Madison MPD vẫn chưa công bố nguyên nhân dẫn tới vụ xả súng trong trường học hôm Thứ Hai cũng như chưa nói liệu các nạn nhân có phải là những mục tiêu cụ thể hay không.

Cha mẹ nghi can đang hợp tác với cuộc điều tra, Cảnh Sát Trưởng MPD, Shon Barnes, nói với ABC News.

Trường Abundant Life Christian School tổ chức các lớp học cho học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12. Cảnh sát cho biết vụ nổ súng xảy ra trong “một lớp học tọa lạc trong một hội trường tự học với nhiều học sinh đến từ nhiều khối khác nhau.”

Cảnh sát cũng chưa nói rõ làm cách nào nghi can sở hữu được khẩu súng lục dùng trong vụ xả súng.

Đặc vụ nghỉ hưu Mihalek cho biết một trong số ít các tay súng nữ từng ra tay trong những năm gần đây làm ông nhớ tới là Portia Odufuwa, khi đó 37 tuổi, nổ súng bên trong Phi Trường Love Field tại Dallas, Texas vào năm 2022 trước khi bị thương vì trúng đạn của cảnh sát. Không có ai khác bị thương trong vụ nổ súng đồng thời Odufuwa cũng được tuyên bố vô tội vì lý do mất trí vào năm 2023 với các tội trạng tấn công nghiêm trọng.

Ngoài ra còn có các tay súng nữ khác chẳng hạn như Jennifer San Marco, từng là nhân viên Bưu Điện Hoa Kỳ, ra tay bắn chết sáu người tại một trung tâm điều hành và phân bổ thư tín gần Santa Barbara, California hồi Tháng Giêng 2006, sau khi giết chết hàng xóm, theo cảnh sát. San Marco chết vì tự tử.

Năm 2015, Tashfeen Malik, 29 tuổi và chồng là Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, cả hai đều tuyên bố ủng hộ ISIS, bắn chết 14 người tại một bữa tiệc vào Tháng Mười Hai 2015 xảy ra ở San Bernardino, California. Malik và Farook đều thiệt mạng trong một cuộc đấu súng với cảnh sát.

Mihalek cho biết các nhà điều tra rất có thể đang truy lùng dấu vết của nghi can trong vụ xả súng ở trường học Wisconsin trên mạng xã hội. (TTHN)


 

Vụ ám sát CEO UnitedHealthcare: Nghi phạm từng là “sinh viên gương mẫu” và hành trình 5 ngày lẩn trốn tinh vi

Ba’o Dat Viet

December 10, 2024

Vụ ám sát ông Brian Thompson, CEO của tập đoàn bảo hiểm lớn UnitedHealthcare, đã khiến dư luận Mỹ rúng động trong những ngày qua. Nghi phạm Luigi Mangione (26 tuổi) – một người từng được ngưỡng mộ với thành tích học tập xuất sắc – đã bị bắt giữ sau 5 ngày truy lùng gắt gao, khép lại hành trình trốn chạy tinh vi nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối.

Từ “học sinh gương mẫu” đến nghi phạm giết người

Luigi Mangione, xuất thân từ một gia đình danh giá ở Baltimore, bang Maryland, từng là niềm tự hào của gia đình và trường lớp. Anh tốt nghiệp thủ khoa từ Trường trung học Gilman, một trong những trường danh tiếng nhất khu vực. Tiếp đó, Mangione lấy bằng cử nhân và thạc sĩ loại xuất sắc chuyên ngành  khoa học máy tính tại Đại học Pennsylvania, một trường đại học danh giá thuộc nhóm Ivy League của Mỹ.

Không chỉ nổi bật trong học tập, Mangione còn thể hiện một cuộc sống tràn đầy năng lượng trên mạng xã hội. Anh thường xuyên đăng tải hình ảnh tham gia các chuyến du lịch, hoạt động ngoại khóa và được biết đến như một cá nhân năng động, tài năng.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hoàn hảo ấy là những dấu hiệu bất ổn tâm lý. Trong tài liệu cá nhân được cơ quan điều tra thu giữ, Mangione thể hiện thái độ thù ghét cực đoan đối với các tập đoàn lớn, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm. Dù không trực tiếp nhắc tên nạn nhân Brian Thompson, tài liệu này ám chỉ vụ ám sát như một “hành động cần thiết” để bày tỏ sự phản đối với “hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm” mà anh coi là bất công.

Quá trình lẩn trốn tinh vi và khó khăn trong điều tra

Ngày 5-12, sau khi gây án, Mangione nhanh chóng tẩu thoát bằng một loạt hành vi tinh vi nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Những chi tiết đáng chú ý bao gồm:

Vũ khí “súng ma”: Mangione sử dụng súng tự chế bằng công nghệ in 3D, không có số seri đăng ký, khiến cảnh sát không thể lần ra dấu vết qua thông tin mua bán súng.

Che giấu tung tích: Nghi phạm sử dụng giấy tờ giả để di chuyển và luôn che mặt khéo léo khi đi qua camera an ninh bằng mũ, khẩu trang. Điều này khiến không một đoạn video nào ghi lại được toàn bộ khuôn mặt của hắn.

Tẩu thoát bằng xe đạp: Sau khi ám sát ông Thompson, Mangione chạy xe đạp vào Công viên Trung tâm New York, nơi có diện tích lớn và nhiều khu vực không có camera an ninh, tạo điều kiện cho hắn lẩn trốn.

Dù cảnh sát huy động cả drone (máy bay không người lái) và các công nghệ theo dõi hiện đại, việc truy tìm Mangione vẫn gặp nhiều khó khăn bởi hắn luôn di chuyển liên tục và không để lại dấu vết rõ ràng.

Bị bắt nhờ quy trình truyền thống

Cuộc truy lùng nghẹt thở chỉ khép lại khi một nhân viên cửa hàng McDonald’s ở thành phố Altoona, bang Pennsylvania, nhận ra Mangione nhờ hình ảnh truy nã trên truyền thông và lập tức báo cho cảnh sát.

Tại thời điểm bắt giữ vào sáng ngày 9-12, trong ba lô của Mangione, cảnh sát tìm thấy:

Một khẩu súng in 3D, băng đạn và bộ phận giảm thanh;

Tài liệu làm giả và áo khoác trùng khớp với hình ảnh nghi phạm trong camera an ninh.

Những bằng chứng này đã củng cố cáo buộc Mangione là thủ phạm của vụ ám sát.

Bàng hoàng và câu hỏi còn bỏ ngỏ

Việc một “cựu sinh viên gương mẫu” như Luigi Mangione trở thành nghi phạm giết người khiến gia đình, bạn bè và những người từng quen biết anh không khỏi bàng hoàng. Họ tự hỏi điều gì đã khiến một người có học thức, tương lai rộng mở lại rơi vào con đường tội phạm và thực hiện hành động táo tợn như vậy.

Vụ án cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề sức khỏe tâm lý và những tư tưởng cực đoan ẩn giấu trong xã hội hiện đại. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của công nghệ in 3D, khi vũ khí tự chế có thể dễ dàng lọt vào tay kẻ xấu.

Bên cạnh đó, việc bắt giữ Mangione nhờ sự trợ giúp từ quy trình truyền thống – một nhân viên cửa hàng nhận diện nghi phạm và báo cảnh sát – cũng là bài học quan trọng về sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và sự cảnh giác từ cộng đồng.

Vụ án ám sát CEO Brian Thompson đang tiếp tục được điều tra sâu hơn, với nhiều tình tiết gây tò mò và dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt trong phiên tòa xét xử sắp tới.


 

Di sản đáng buồn của ông Biden

Ba’o Nguoi-Viet

December 8, 2024

Trúc Phương/Người Việt

Việc Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron mời Tổng Thống đắc cử Donald Trump, chứ không phải Tổng Thống đương nhiệm Joe Biden, dự lễ khánh thành dự án trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Paris đã cho thấy “thế thái nhân tình” như thế nào, cũng như sự tuột dốc thảm hại uy tín chính trị của ông Biden.

Ông Trump, chứ không phải ông Biden, đến dự lễ khánh thành dự án trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Paris hôm 7 Tháng Mười Hai, 2024. (Hình: Thibault Camus/Pool/AFP via Getty Images)

Bốn năm trước, Joe Biden đã mang lại một không khí khởi sắc cho quốc gia, giờ đây, khi chuẩn bị ra đi, Joe Biden để lại hình ảnh một trong những tổng thống tệ nhất lịch sử Mỹ.

Ra đi với một di sản ít điều để tự hào

Cần nhắc lại, ngay trước khi ông Joe Biden thực hiện chuyến kinh lý nước ngoài đầu tiên (từ ngày 9 đến ngày 16 Tháng Sáu, 2021) trên cương vị tổng thống, cuộc khảo sát toàn cầu do Trung Tâm Nghiên Cứu Pew thực hiện đã cho thấy tỉ lệ tín nhiệm Biden cũng như nước Mỹ tăng cao.

Trong 12 quốc gia được khảo sát, trung bình 75% số người được hỏi đã bày tỏ sự tin tưởng vào Biden việc ông có khả năng “làm những gì đúng đắn liên quan các vấn đề thế giới,” so với 17% của Tổng Thống Trump vào năm 2020. Có 62% người được hỏi cũng bày tỏ cái nhìn tích cực nước Mỹ so với 34% vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Báo cáo Pew viết: “Việc bầu Joe Biden làm tổng thống đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong hình ảnh quốc tế của Mỹ.”

Kinh nghiệm và kỹ năng ngoại giao cá nhân của một chính khách lão làng như Biden được hầu hết đồng minh đánh giá cao.

Trong bài viết trên The Washington Post ngày 5 Tháng Sáu, 2021, Tổng Thống Biden coi chuyến đi là một “hành trình chuộc lỗi” (redemption tour) – cơ hội để hồi sinh những căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh vốn rạn nứt nghiêm trọng thời Tổng Thống Donald Trump, cũng như là dịp tập hợp những quốc gia dân chủ cùng chí hướng để “đáp ứng những thách thức và ngăn chặn các mối đe dọa của thời đại mới.”

Theo ghi nhận của Pew trong cuộc khảo sát 2021, mức độ ưa thích Hoa Kỳ đã tăng ít nhất 23% so với năm 2020 ở Vương Quốc Anh, Pháp, Đức và Ý. Phần lớn những người được hỏi tại bốn quốc gia trên đều có cái nhìn nhận tích cực về Mỹ. Trong tất cả 16 cuộc thăm dò công chúng được khảo sát vào mùa xuân 2021, Thủ Tướng Đức Angela Merkel được xếp đầu bảng, với điểm trung bình 77%. Tổng Thống Biden, với 74%, đạt chỉ số tín nhiệm cao hơn Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…

Khi tuyên thệ nhậm chức vào Tháng Giêng, 2021, ông Biden đã vạch ra một tầm nhìn táo bạo cho nhiệm kỳ tổng thống. Đứng bên ngoài Điện Capitol, ông nói: “Cùng nhau, chúng ta sẽ viết nên một câu chuyện của nước Mỹ về hy vọng chứ không phải nỗi sợ hãi… Mong rằng đây sẽ là câu chuyện dẫn dắt chúng ta, truyền cảm hứng cho chúng ta và là câu chuyện cho những thế hệ tương lai rằng chúng ta đã trả lời tiếng gọi của lịch sử như thế nào. Chúng ta đã chứng kiến thời khắc lịch sử. Nền dân chủ, niềm kỳ vọng, sự thật và công lý đã không chết dưới thời chúng ta mà còn bừng sáng.”

Tuy nhiên, bốn năm sau, Joe Biden đã “biến thành” một tổng thống thất bại với một di sản ngoại giao lẫn đối nội có nhiều điểm xấu hơn tích cực.

Một cuộc thăm dò vào Tháng Bảy, 2024, của tổ chức thăm dò Rasmussen Reports cho thấy 22% đảng viên Dân Chủ “hoàn toàn” hoặc “khá” đồng ý rằng Biden là một trong những tổng thống tệ nhất.

Cuộc khảo sát được thực hiện sau khi ông Biden tuyên bố rút khỏi đường đua tổng thống. Sự mất lòng dân của Tổng Thống Biden là một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi xét đến nguyên nhân thất bại thê thảm của phe Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống lẫn bầu cử Quốc Hội. Quyết định của ông về việc ân xá toàn diện cho con trai Hunter (sau nhiều lần cam kết không bao giờ để điều đó xảy ra) đã khiến một số đảng viên Dân Chủ và truyền thông chỉ trích ông một cách dữ dội. Người ta cáo buộc ông ích kỷ và đặt “lợi ích cá nhân lên trên nhiệm vụ” và sự việc sẽ “làm hoen ố danh tiếng của ông.”

Những thất bại “đáng nhớ”

Có nhiều ví dụ cụ thể về những thất bại của Biden. Lạm phát dai dẳng trở nên tồi tệ hơn do chi tiêu liên bang quá mức; sự kiện rút quân Mỹ khỏi Afghanistan một cách bất ngờ và hỗn loạn; sự buông lỏng vấn đề nhập cư bất hợp pháp; cùng với chính sách dành cho Israel… đã làm dày thêm danh sách liệt kê những thất bại của ông Biden.

Trong bài “America’s Strategy of Renewal” viết trên Foreign Affairs (số November/December 2024), Ngoại Trưởng Antony J. Blinken nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang ở “vị thế địa chính trị mạnh hơn nhiều so với bốn năm trước.”

Khó có thể phủ nhận thành tích của Tổng Thống Joe Biden trong việc xây dựng mạng lưới an ninh với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu và Châu Á. Biden đã làm nước Nga suy yếu hơn rất nhiều. Khác với “mô hình phá hoại” và bất chấp dân chủ của Trump 1.0, Biden nhấn mạnh đến yếu tố dân chủ. Cách tiếp cận dân chủ hướng tới trật tự kinh tế và chính trị của chính quyền Biden định nghĩa một kỷ nguyên mới của “cuộc cạnh tranh khốc liệt,” với việc Hoa Kỳ tìm cách duy trì vị thế tối cao so với Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.

Washington thời Joe Biden khiến Bắc Kinh khó khăn hơn rất nhiều trong việc bành trướng chủ nghĩa bá quyền. Biden nhiều lần nhấn mạnh việc “kiểm soát” những thách thức và tham vọng của Bắc Kinh. Khác với thời hỗn loạn của Trump 1.0, chính phủ Biden đã xây dựng thành công chính sách “răn đe tích hợp” bằng cách phối hợp các công cụ sức mạnh quốc gia với đồng minh để ngăn chặn những tình huống “định hình hành động” của Bắc Kinh, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan.

Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Biden đã thành công khi thúc đẩy các liên minh song phương thông qua việc tăng cường khả năng tương tác, các cuộc tập trận và đổi mới thể chế – chẳng hạn thay đổi bộ máy tư lệnh quân đội Mỹ ở Nhật, thiết lập các khuôn khổ đa phương nhỏ (như “nhóm” Nhật Bản-Nam Hàn-Hoa Kỳ; “nhóm” Nhật Bản-Philippines-Hoa Kỳ), thể chế hóa các nhóm như Quad (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ); củng cố quan hệ đối tác song phương với Ấn Độ, Indonesia…

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào đầu năm 2022 không làm Biden mất tập trung khỏi Trung Quốc và Châu Á. Thay vào đó, chính quyền Biden đã thành công trong việc “tích hợp” NATO, G-7 và các đồng minh phương Tây – đáng chú ý là Vương Quốc Anh, Canada, Hòa Lan, Pháp và Đức – với các đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một cách tổng quát, lý lẽ (logic) của các chính sách được chính quyền Biden thực hiện là tạo ra một trật tự kinh tế và chính trị lấy dân chủ làm trung tâm, một “G7+” không có Trung Quốc hoặc Nga.

Tuy nhiên, không phải tất cả chính sách đối ngoại của Biden đều được điểm cộng như những gì có thể thấy trên bề mặt. Dù hỗ trợ đáng kể cho Ukraine ($183 tỷ viện trợ quân sự và kinh tế kể từ cuộc xâm lược của Nga vào Tháng Hai, 2022; và Israel – với $17.9 tỷ viện trợ kể từ ngày 7 Tháng Mười, 2023), Mỹ lại có rất ít quyền kiểm soát đối với các sự kiện ở cả hai khu vực xung đột này. Ở Trung Đông, Washington đóng vai trò vừa là lính cứu hỏa vừa là kẻ châm lửa, khi vừa cung cấp bom đạn cho Israel vừa tuyệt vọng tìm cách viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân từ những cuộc tấn công của Israel.

Với Liên Minh Châu Âu, Biden đã thành công khi kéo họ về phe mình sau bốn năm EU chứng kiến sự phá hoại của Donald Trump. Tuy vậy, Washington vẫn không thể thuyết phục được EU đứng cùng Mỹ trên mặt trận chống Trung Quốc. Berlin, trung tâm quyền lực EU, tiếp tục theo đuổi chính sách cầm chừng với Trung Quốc, với niềm tin rằng sự thịnh vượng của Châu Âu phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Đó là một thực tế. Với EU, việc mất thị trường Trung Quốc là một thảm họa. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ.

Thất bại nào nghiêm trọng nhất?

Đảng Dân Chủ đang đối mặt bốn năm của Trump 2.0 và một thế hệ chính trị gia Cộng Hòa được định hình theo hình ảnh nổi loạn của Trump. Đảng Dân Chủ hy vọng có thể “kiểm soát được tình thế” bởi chương trình nghị sự lập pháp của chính phủ Biden phần nào đã định hình.

Tổng Thống Biden đã ký thành luật $1.2 nghìn tỷ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, hàng trăm tỷ đôla cho sản xuất chất bán dẫn và nghiên cứu công nghệ cao, và “Đạo luật giảm lạm phát” (“Inflation Reduction Act”) được thiết kế để hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua trợ cấp năng lượng và mở rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe liên bang. Đây là những thành tựu mà bất kỳ tổng thống nào cũng có thể tự hào.

Tuy nhiên, “thói đời bỉ bôi,” khi đánh giá và “xét lại,” người ta luôn có khuynh hướng nhìn thấy thất bại hơn là thành công. Người ta luôn săm soi những gì chưa làm được hơn là công nhận những thành tựu đạt được.

Nói đến thất bại, có lẽ “thất bại lịch sử” của Biden là không chỉ không thể thống nhất một quốc gia đang chia rẽ mà còn không thể xây dựng một đảng Dân Chủ đủ mạnh để ngăn chặn cơn lốc Donald Trump. Trong bốn năm ngồi ghế tổng thống, Biden tập trung nhiều vào cuộc chiến “đánh” Trump hơn là củng cố và xây dựng sự đoàn kết và mang lại sức mạnh cho đảng Dân Chủ.

Trong khi đó, tất cả những gì Biden làm để chặn đứng Trump lẫn “chủ nghĩa Trump” đều vô vọng. Thay vì làm Trump suy yếu hơn, Biden vô tình làm cho Trump mạnh hơn. Thay vì tạo ra rào cản ngăn Trump, Biden dường như dọn đường cho Trump dễ dàng hơn trong việc thẳng tiến vào Tòa Bạch Ốc. Cá nhân Biden, đảng Dân Chủ, lẫn những người quý mến ông, sẽ không bao giờ quên điều này.


 

Hoàng Nguyễn đắc cử dân biểu, trở thành nhà lập pháp gốc Việt đầu tiên của Utah

Ba’o Nguoi-Viet

December 4, 2024

SALT LAKE CITY, Utah (NV) – Cộng đồng Việt Nam tại tiểu bang Utah vừa có một sự kiện lịch sử xảy ra trong cuộc bầu cử vừa qua, đó là lần đầu tiên có một nhà lập pháp người Mỹ gốc Việt tại Quốc Hội. Người đó là bà Hoàng Nguyễn, vừa đắc cử dân biểu tiểu bang đại diện Địa Hạt 23.

Theo ASAM News hôm 29 Tháng Mười Một, đây là lần đầu bà ứng cử, và con đường chính trị của bà có nhiều điểm rất đáng chú ý.

Bà Hoàng Nguyễn, dân biểu đắc cử đại diện Địa Hạt 23, Hạ Viện Utah. (Hình: Hoang for House)

Bà Hoàng sinh ra ở Việt Nam, sau đó cùng gia đình vượt biên đến Hoa Kỳ tị nạn. Bây giờ, bà là người Mỹ gốc Việt và là người tị nạn đầu tiên trở thành nhà lập pháp của Utah, chứng minh sự kiên trì của bản thân và sự thèm khát có đại diện của cộng đồng.

Theo bà chia sẻ trên trang web vận động tranh cử, vị dân biểu đắc cử này sinh ra ở Việt Nam, sau đó cùng gia đình vượt biên đến Hoa Kỳ tị nạn năm 1983. Ngay khi đến nước Mỹ, cha bà bị giết trong một vụ cướp. Mẹ bà phải bươn chải nuôi bảy người con trong lúc bị trở ngại ngôn ngữ, tuy nhiên, cả gia đình cũng vượt qua được khó khăn.

Bà đắc cử vì muốn có công bằng và hiểu rõ những khó khăn của các cộng đồng thiểu số. Là chủ doanh nghiệp nhỏ, bà vận động các nhà lập pháp đưa ra những chính sách giảm nhiều trở ngại và tạo cơ hội công bằng cho doanh nghiệp nhỏ. Kinh nghiệm này đưa bà vào chính trường và còn giúp bà có cách nhìn về chính sách tập trung vào việc rút ngắn cách biệt trong xã hội và đấu tranh cho thay đổi có ý nghĩa.

Là một thành viên đảng Dân Chủ ở tiểu bang Utah đa số Cộng Hòa, bà phải đối mặt với nhiều khó khăn để thông qua những chính sách quan trọng, nhưng đã chứng minh khả năng sử dụng những hệ thống chính trị phức tạp và muốn đấu tranh cho công bằng qua cách vận động, cũng như tiếp xúc với cộng đồng.

Các chính sách mà bà muốn đưa ra tập trung vào cải cách giáo dục, bảo vệ môi trường và tạo ra công bằng trong kinh tế. Những chính sách đó bắt nguồn từ sự hiểu biết cộng đồng và tìm được sự đồng cảm từ nhiều cử tri cho rằng bà sẽ là tiếng nói mang lại nhiều thay đổi tích cực, giúp bà chiến thắng áp đảo trong cuộc tranh cử, thu được đến 71% phiếu.

Nhật báo The Daily Utah Chronicle cho biết bà đắc cử vào lúc tiểu bang Utah có những chính sách làm giảm đại diện và đa văn hóa trong giáo dục. Trong một bài xã luận gửi đến nhật báo The Salt Lake Tribune, bà Hoàng Nguyễn cho hay bà từng nhận được nhiều lợi ích từ học bổng bảo vệ sự đa văn hóa, và luôn ủng hộ việc mở rộng giáo dục công bằng.

Sau khi đắc cử, bà chia sẻ lý do ra tranh cử: “Tôi tranh cử vì nhiều người có nguồn gốc như tôi ít khi nào được giữ chức vụ này. Tôi may mắn lắm mới làm được điều đó.”

Theo bà, đây là cơ hội cho những người không được chú ý đến trong tiến trình lập pháp. Việc bà đắc cử không chỉ là một bước ngoặt cho người Mỹ gốc Việt ở Utah, mà còn là sự thay đổi về tính đa dạng chính trị của tiểu bang này.

Bà Hoàng Nguyễn là đối tác quản trị Sapa Investments và là giám đốc điều hành Holding Dragons khi công ty thành lập năm 2019. Tháng Ba, 2023, bà tạm ngưng công việc điều hành doanh nghiệp để tập trung vận động tranh cử.

Bà có bằng cử nhân và bằng cao học kinh doanh đại học University of Utah. (TL) [đ.d.]


 

Tuyết rơi trắng xóa miền Đông Bắc Hoa Kỳ, cản trở giao thông sau Lễ Tạ Ơn

Ba’o Nguoi-Viet

December 1, 2024

NEW YORK (NV) – Tình hình đi lại sau Lễ Tạ Ơn tại một số khu vực thuộc vùng Great Lakes sẽ rất hiểm trở vào Chủ Nhật, 1 Tháng Mười Hai do tuyết rơi dày đặc vì hiện tượng ảnh hưởng hồ tuyết, ngoài ra còn có một vùng rộng lớn tại Hoa Kỳ cũng hứng chịu nhiệt độ lạnh thấu xương, CNN đưa tin.

Người dân ở một số khu vực thuộc New York, Pennsylvania và Ohio phải đương đầu với cái lạnh và tuyết rơi dày vài foot vào cuối tuần, cũng như gần 70% lục địa Hoa Kỳ sẽ cảm thấy lạnh buốt với nhiệt độ xuống tới âm 32 độ F (0 độ C) trong vài ngày tới. Một số thành phố, gồm có New York City, Chicago, Atlanta, Minneapolis và Cincinnati, sẽ hứng chịu nhiệt độ dưới mức trung bình trong cả tuần.

Trong thời gian này, cảnh cáo tuyết rơi do hiện tượng ảnh hưởng hồ tuyết vẫn có hiệu lực tại một khu vực có bốn triệu dân, trong đó tình trạng tuyết rơi dày đặc được ghi nhận trên khắp các khu vực thuộc Ohio, Pennsylvania và New York. Cảnh cáo tuyết rơi sẽ hết hiệu lực từ đêm Chủ Nhật cho tới Thứ Hai.

Một người dân dùng máy thổi tuyết hôm 1 Tháng Mười Hai, 2024 ở Hamburg, New York (Hình: John Normile/Getty Images)

Một số khu vực thuộc Quận Ashtabula, Ohio nằm trên Hồ Erie cũng chứng kiến ​​tuyết rơi dày khoảng 40 inch (101.6 centimeter), và có thể sẽ rơi thêm từ 12 tới 21 inch (30.4 tới 53.3 centimeter) cho tới sáng Thứ Ba, theo văn phòng Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia NWS tại Cleveland.

Tại Amherst, một thị trấn tọa lạc ở New York, thuộc địa phận Quận Erie, nhiệt độ dưới mức đóng băng làm nhà chức trách phải ban bố mức báo động xanh dương vào Thứ Bảy, kêu gọi bất kỳ người dân nào cần nơi trú ẩn trong thời tiết buốt giá hãy điện thoại cầu cứu.

Quận Erie là một trong 11 quận đang được ban bố tình trạng cấp bách do Thống Đốc New York Kathy Hochul ban hành hôm Thứ Sáu nhằm ứng phó với cơn bão tuyết hoành hành không dứt do hiện tượng hồ tuyết ập tới vào tối Thứ Năm.

Tuyên bố khẩn cấp ảnh hưởng tới mạn Tây và Trung Phần New York, gồm có Buffalo và các khu vực gần Hồ Erie và Ontario.

“Chính quyền New York đang làm việc thâu đêm để ứng phó với trận bão tuyết đang hoành hành mạn Tây New York và miền Bắc Hoa Kỳ,” Hochul cho biết trên X hôm Thứ Bảy. “Các cơ quan khẩn cấp tại tiểu bang cùng hơn 100 binh sĩ thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia đang có mặt để hỗ trợ các hoạt động ứng phó bão tuyết.”

Thống Đốc Pennsylvania Josh Shapiro cũng điều động Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia đóng tại tiểu bang hôm Thứ Bảy nhằm hỗ trợ các tài xế lâm nạn đồng thời bảo đảm lực lượng ứng phó khẩn cấp có thể giải cứu các nạn nhân đang mắc kẹt trong cơn bão tuyết, ông cho biết trên X.

Các nhà dự báo cho biết luồng không khí lạnh Bắc Cực tràn về phương Nam từ Canada sẽ khiến nhiệt độ ở phần lớn khu vực nửa phía Đông Hoa Kỳ giảm thêm 15 tới 25 độ F so với mức trung bình cho tới giữa tuần tới.

“Vào Chủ Nhật và Thứ Hai, nhiệt độ được dự báo thấp hơn mức trung bình từ 10 tới 20 độ F kéo dài từ khu vực Đồng Bằng phía Bắc cho tới Ohio Valley, trong đó khu vực Đông Nam dọc theo phần lớn vùng duyên hải miền Đông vào Thứ Hai sẽ có nhiệt độ thấp hơn mức trung bình từ 10 tới 20 độ F,” theo Trung Tâm Dự Báo Thời Tiết WPC trực thuộc NWS.

Luồng không khí lạnh do gió thổi qua vùng nước ấm kỷ lục ở khu vực Great Lakes là nguyên nhân gây ra hiện tượng hồ tuyết, trút xuống hàng chục inch tuyết tại một số địa điểm, theo các nhà dự báo.

Cho tới Thứ Hai, tuyết có thể rơi thêm 1 tới 2 foot (30.4 tới 61 centimeter) ở một số khu vực tại Pennsylvania, phía Bắc Ohio và phía Tây New York. Ở Watertown, New York, tuyết có thể rơi thêm 1 tới 2 foot, theo các nhà khí tượng học làm việc tại CNN.

North East, Pennsylvania, một thị trấn tọa lạc ở Quận Erie, ghi nhận tuyết rơi dày hơn 42 inch (106.6 centimeter) từ đêm Thứ Năm cho tới chiều Thứ Bảy. Còn tại Erie, Pennsylvania thì tuyết rơi dày 31 inch (78.7 centimeter). Barnes Corners, New York, cũng không kém, chứng kiến ​​45 inch (114.3 centimeter) tuyết vào chiều Thứ Bảy, theo NWS.

Máy quay giám sát giao thông đường bộ cho thấy tình trạng tuyết rơi trên đường cao tốc ở Ohio, Pennsylvania và New York vào Thứ Bảy.

Sở Giao Thông Ohio tại thành phố Akron cho biết 25 viên chức tất bật thâu đêm suốt sáng tại Quận Ashtabula, nơi các giám sát viên ban bố tình trạng khẩn cấp hôm Thứ Bảy, hội đồng giám sát quận viết trên Facebook.

Việc đi lại sau dịp lễ sẽ “vô cùng nan giải tới mức gần như không thể,” tại thời điểm này các nhà dự báo thời tiết kêu gọi người dân đừng ra đường vì điều kiện tuyết trắng xóa sẽ khiến việc lái xe trở nên “hiểm trở và đầy thách thức,” theo văn phòng NWS tại Buffalo, New York.

Chưa hết, tuyết còn phủ kín vận động trường Highmark ở Orchard Park, New York, nơi hai đội bóng bầu dục Buffalo Bills và San Francisco 49ers dự kiến có màn so tài trong đêm Chủ Nhật.

Tình trạng tuyết rơi mịt mù do hiệu ứng hồ tuyết có thể xảy ra tại Orchard Park cho tới khoảng 4 giờ chiều theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ hôm Chủ Nhật, theo Trung Tâm Loan Tin Rủi Ro Thời Tiết tại tiểu bang New York. (TTHN)